Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> L >> Nguyễn Thị Hoa Lê
Nguyễn Thị Hoa Lê
54. Bước đầu tìm hiểu giá trị bản gia phả họ Nguyễn Tiến ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 22h58, ngày 09/02/2015

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU GIÁ TRỊ BẢN GIA PHẢ HỌ NGUYỄN TIẾN Ở HUYỆN THANH CHƯƠNG - NGHỆ AN

NGUYỄN THỊ HOA LÊ

Đại học Vinh

Thanh Chương là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Nơi đây đã sản sinh những con người ưu tú, tạo nên dấu ấn của một vùng đất đẫm chất văn thơ với núi với sông với những đặc sắc riêng chỉ có ở vùng đất này. Thật may mắn trong chuyến đi điền dã ở nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Tiến Tài chúng tôi nhận được từ gia tộc họ Nguyễn Tiến bản gia phả của dòng họ. Nguyên bản viết bằng chữ Hán, chữ viết thể chân rõ ràng dễ đọc trên loại giấy có kẻ ô đóng khung rất trang nhã. Đôi chỗ người viết lại chú thêm bằng loại chữ nhỏ bằng nửa chữ của dòng chính. Bản gia phả dòng họ giao cho chúng tôi chỉ là bản chụp photo, nên có nhiều chỗ nét chữ bị mờ, nhất là các dòng chữ nhỏ. Bản phả này có lẽ đã có nhiều người đọc, thi thoảng thấy có nét viết bút lông chua thêm vào giải thích. Ở phần đầu sách còn có cả nét chữ Hán viết bằng bút sắt giải thích thêm một số sự kiện và đánh số trang gia phả, từ trang số 1 đến trang số 99.

Khi đọc quyển gia phả, càng đọc chúng tôi càng bị cuốn hút bởi cách hành văn của người viết, lối chép phả rất mạch lạc rõ ràng, lại đặt ra qui tắc chuẩn mực để nhiều đời kế tiếp nhau chép phả. Tuy văn bản không ghi tên người biên soạn và niên đại soạn. Song căn cứ vào cách xưng hô khi viết phả như gọi ông Nguyễn Tiến Đăng là Hiển khảo, gọi anh của ông Nguyễn Tiến Đăng là Hiển bá khảo, chúng tôi đoán định bản phả được viết vào thế kỷ XIX, người viết có thể là con trai của cụ tổ đời thứ 13 Nguyễn Quốc Đăng, đó là các ông Nguyễn Tiến Thược, Nguyễn Tiến Cẩn và Nguyễn Tiến Lộc, tiếc rằng một số trang cuối bị rách nát mất nên không thể xác định rõ.

Bản gia phả này giới thiệu cho biết họ Nguyễn Tiến là dòng họ danh gia vọng tộc, có người làm quan trong triều, còn số người thi đỗ Hương cống, Sinh đồ thì dường như đời nào cũng có. Đặc biệt, bản phả còn cho biết dòng họ có nhiều người am hiểu phong thủy địa lý, một bộ môn khoa học được người xưa rất trọng vọng.

Đặc biệt trong gia phả còn có 23 bức vẽ phần mộ tổ tiên. Trong sách còn chép lại được nhiều bài thơ luật Đường của dòng họ, có cả thơ thù tặng của các danh sĩ đương thời như thơ của Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Mậu Tài tiễn cụ tổ đời thứ bảy là Đô đài công Nguyễn Tiến Tài đi sứ phương Bắc năm Ất Sửu (1685) đời Lê Dụ Tông. Trong gia phả thi thoảng cũng có chép thơ Nôm, lời thơ cổ kính mà tao nhã.

Phần đầu cuốn gia phả là một bài minh dài 90 câu ca ngợi đạo học của đức thánh Khổng Tử và Mạnh Tử. Tiếp sau đó là ghi thế thứ các đời, bắt đầu từ cụ thủy tổ Thí Thân, sau đó là cụ Chiêu tổ Huệ Quang công, Huyền Tế công. Đến cụ Đạo Nguyên thì con đường khoa cử của dòng họ bắt đầu được mở rộng. Trong gia phả ghi năm Giáp Ngọ cụ đi thi trúng Hương cử. Vào niên hiệu Nguyên Hòa thời Lê Trung hưng ông giữ chức Cai tri bạ tổng Vũ Liệt, Thổ Hà, Bích Triều. Tiếp đó là Chiêu tổ Câu Kê công năm Kỷ Mão đi thi Hương được lấy đỗ Giải nguyên, có công giúp dập nhà Chúa, được vua yêu mến, được Chúa tin dùng. Tiếp đó là Tham chính công Nguyễn Văn Xuyên thuộc thế hệ thứ 6. Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn rất giỏi về phong thủy địa lý thường hay xem thế đất giúp cho mọi người mà không bao giờ lấy tiền, khiến cho nhiều dòng họ được giàu sang phú quí đỗ đạt chẳng hạn như nhà quan Tự thừa họ Hà ở thôn Thái Bình các đời nối nhau đỗ đạt khoa mục, tiếp đó là quan Tri huyện.

Nhìn chung các thế hệ họ Nguyễn Tiến ở vùng Thanh Chương này đều là những người có tài năng đạo đức, đặc biệt đến thế hệ thứ 7 Nguyễn Tiến Tài thì gia thế của dòng họ đạt tới đỉnh cao.

Gia phả chép, cụ tổ đời thứ 7 tên húy là Lệnh, tên tự là Tiến Tài, sinh vào giờ Mùi ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Thân (1642). Thuở nhỏ ông rất hiếu học, lại được giáo dưỡng rất nghiêm, năm 17 tuổi đã đem lều chõng đi dự thi Hương ở trấn Nghệ An. Ông từng đỗ Hương cống hai khoa, song thi Hội lần đầu khoa thi năm Tân Sửu (1661) chỉ đỗ đến Tam trường. Sau ông lại lặn lội tìm ra huyện Gia Lâm trấn Kinh Bắc để học hỏi thêm, đến khoa thi năm Giáp Thìn (1664) niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 đời Lê Thần Tông ông được lấy đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, được bổ làm Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương, rồi thăng dần đến Đốc thự trấn Nghệ An. Năm Ất Sửu (1685) đời Lê Huy Tông ông được cử làm Phó sứ đi sang nhà Thanh làm công việc tuế cống hàng năm. Khi về được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Lễ. Bình sinh ông sáng tác rất nhiều thơ văn, hiện trong gia phả chỉ chép được một số bài. Năm ông vừa thi đỗ Tiến sĩ, vào làm quan trong triều thì có vị quan đầu triều là Tham tụng Thượng thư Bộ Lại Đông các Đại Học sĩ Yến Quận công được về trí sĩ. Các quan đồng liêu họp mặt làm thơ tặng tiễn. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Tài cũng gửi một bài thơ luật lên chúc mừng. Bài thơ tạm dịch như sau:

Dòng dõi thi thư, bậc đại nho của đất nước,

Đắc chí đường mây, bước trên lối rải hoa.

Đức sánh với ông Thiệu công nhà Chu,

Mưu lược ngang với ông Bá Ích đời Ngu Thuấn.

Kẻ sĩ theo về học sư thầy nước Lỗ,

Khách Kỳ Anh tới dự hội ở Lạc Dương.

Đức lớn mừng rằng để cho con cháu,

Đời đời làm công hầu tướng tướng.

Khi làm quan Bố chính sứ Hải Dương, hoặc làm Đốc thự trấn Nghệ An, đặc biệt là khi đi sứ nhà Thanh, lịch lãm sơn xuyên, ông quyết tâm học nghề địa lý phong thủy, một là kế nghiệp cha ông, hai là tạo tác nhân duyên làm phúc cho đời. Sau Tiến sĩ Nguyễn Tiến Tài trở thành thầy địa lý nổi tiếng trong vùng xứ Nghệ.

Tên tuổi ông được khắc trên bia đá ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội. Các sách Hán Nôm cổ như Lịch triều đăng khoa lục, ký hiệu VHv.652, Liệt huyện đăng khoa lục, ký hiệu A.485 đều thấy ghi chép hành trạng của ông. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam xuất bản năm 1993 đã dựa vào các thư tịch trên, ghi ông mất năm 1698, thọ 57 tuổi.

Nhưng trong gia phả họ Nguyễn Tiến ở làng Nhân Vực huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An lại ghi rõ: “Ông sinh vào giờ Mùi ngày mồng 8 tháng 4 năm Nhâm Thân, mất vào giờ Sửu ngày 22 tháng 7 năm Đinh Sửu, thọ 66 tuổi”. Tra cứu niên biểu, chúng ta biết năm Đinh Sửu tức năm 1707, chứ không phải năm 1698. Như vậy tư liệu xác định năm mất của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Tài chép trong gia phả họ Nguyễn Tiến ở làng Nhân Vực này có thể bổ sung thêm cho chính sử. Đây là một trong những giá trị của bản gia phả họ Nguyễn Tiến.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.443-447)

In
Lượt truy cập: