Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Lịch sử
Lê Đình Hùng
38. Thần hiệu và mỹ tự của cá voi qua tư liệu thần sắc tại tỉnh Khánh Hòa (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 22h35, ngày 23/02/2015

THẦN HIỆU VÀ MỸ TỰ CỦA CÁ VOI QUA
TƯ LIỆU THẦN SẮC TẠI TỈNH KHÁNH HÒA

LÊ ĐÌNH HÙNG

Phân Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Huế

1. Tín tục phổ biến trong dân gian

Tín ngưỡng thờ cúng cá voi có thể xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Tìm về khởi thủy của tín tục, một số nhà nghiên cứu căn cứ vào các truyền thuyết, chuyện kể để lí giải về tục thờ cá voi cũng như để xác định mốc thời gian khởi phát tín tục. Đó là các truyền thuyết gắn với phật bà Quan Âm, Quan Công, vị thần sóng biển Pô Riyak của người Chăm… để đẩy xa mốc thời gian khởi thủy của tín tục. Song các bằng chứng được đưa ra vẫn chưa xác định được một niên điểm cụ thể đủ sức thuyết phục(1).

Trong một số tài liệu, có thể xác định được những mốc thời gian, đã đề cập đến cá voi nhưng loài vật này chưa được thờ cúng như một vị thần(2). Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, viết năm 1806, có thể xem là một tài liệu sớm nhất, ghi lại việc thờ cúng cá voi trên một địa điểm cụ thể. Trong phần ghi chép về dinh Bình Thuận có đoạn viết:

“… 1.780 tầm, phía nam dọc theo bãi biển, phía bắc dọc theo động cát, đến miếu Thần Hải, miếu thờ thần Nam Hải cự tộc ngọc lân, tượng thần bằng đất, áo mũ rất trang nghiêm, hai bên có bày đao kiếm, chiêng trống và tàn lọng, đằng sau tượng có hòm gỗ sơn màu đỏ. Theo lời kể của các vị bô lão thôn Sơn Hải thì ngày 2.2.Bính Ngọ (?), người trong thôn thấy một khúc xương cá voi trên tấm ván gỗ thông trôi từ ngoài biển vào bãi này, lúc ấy dân thôn Vũng Diên Phan Rang tập hợp lại cùng nhau bưng tấm gỗ thông có xương cá ấy định đem đi mai táng, nhưng khi họ nhấc lên thì không sao nhấc nổi, bỗng dưng có một người trong thôn tên là Cha Tài nhập đồng nói to rằng: không được, chỗ ở của ta tại đây, không được đem đi táng chỗ khác. Mọi người thấy lạ, cho là thần nên không dám mang đi mà táng ngay tại chỗ đó, rồi lập miếu thờ, khâm liệm xương ấy vào quan tài bằng gỗ, để thờ ngay trong miếu, đặt người làm từ lo việc hương khói. Từ đó về sau, thuyền bè người Kinh, người Thuận Thành, mỗi lần đến neo đậu ở bãi này, phàm vào miếu cầu đảo việc gì cũng được linh ứng. Hằng năm vào ngày mồng 2.2, dân trong thôn dùng lễ tam sinh để cúng tế, lâu ngày đã thành lệ…”(3).

Từ những dòng ghi chép trên có thể nhận thấy cá voi đã được thờ phụng như một vị thần biển tại một địa điểm cụ thể với thần hiệu Nam Hải cự tộc ngọc lân. Năm Bính Ngọ được đề cập ở trên, chúng ta có thể ước đoán một niên điểm gần nhất là năm 1786 Tây lịch. Thông tin trên cho phép chúng ta suy đoán trong bối cảnh đồng đại hoặc có thể sớm hay muộn hơn đã xuất hiện việc thờ phụng Nam Hải cự tộc ngọc lân tại một số địa phương khác nhưng thư tịch đã bị thất lạc hoặc hư hoại cho nên đến nay chưa được phát hiện và công bố.

Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, theo chúng tôi, là một vị thần phát sinh từ một hiện tượng thường xuyên xảy ra trên thực tế và được người dân tôn kính thờ phụng. Công đức của vị thần này hiện hữu qua hình tượng của cá voi thường cứu người gặp nạn trên biển. Các câu chuyện về việc cứu người gặp nạn trên biển trải dài suốt các thời đại cho đến thời điểm hiện nay, nhất là trên vùng biển thuộc miền Trung và miền Nam của nước ta. Đối với những người tham gia các hoạt động trên biển việc tôn kính thờ phụng cá voi như một vị thần hộ mệnh là một điều dễ hiểu. Chính vì vậy, nơi nào có cá voi lụy vào bờ được người dân sở tại mai táng sau một thời gian sẽ bốc cốt để đưa vào an trí tại nơi thờ tự(4). Cho đến thời điểm hiện nay, tại các làng ven biển và hải đảo thuộc khu vực miền Trung, hầu như địa phương nào có những hoạt động liên quan đến nghề biển, đặc biệt là nghề đánh bắt hải sản, đều có tự sở của cá voi với danh xưng là thần/ông/cô Nam Hải.

2. Những định lệ phong tặng thần sắc vào triều Nguyễn

Qua thư tịch chúng ta có thể nhận thấy việc thờ phụng Nam Hải ngọc cự tộc lân tôn thần đã xuất hiện từ trước thời Gia Long, tối thiểu là từ niên điểm 1786, song cho đến nay chưa có một văn bản thần sắc nào được phát hiện và công bố có niên đại Gia Long hay các triều đại trước đó. Hiện tượng cứu người trên biển của cá voi xuất hiện nhiều tại vùng biển phía Nam của Đại Việt, vùng đất thuộc sự cai quản của các chúa Nguyễn từ năm 1558. Dưới thời trị vì của các chúa Nguyễn, sự cát cứ về địa lý, sự biệt lập về chính trị, những cuộc nội chiến… là lý do không có thần sắc dưới triều Lê ban cho các xã thôn thuộc Đàng Trong thờ phụng Nam Hải ngọc lân tôn thần(5). Nếu như dưới thời các chúa Nguyễn đã tiếm ban sắc phong cho bách thần trong đó có cá voi, chúng có thể đã bị tiêu hủy vào thời Tây Sơn, hoặc được thu hồi để ban cấp thần sắc mới vào thời Nguyễn.

Vào thời Gia Long, việc ban cấp thần sắc cho thần kỳ trong cả nước chủ yếu tập trung vào các miếu Hội Đồng thuộc các dinh trấn. Còn việc ban cấp thần sắc cho các đơn vị cấp cơ sở thờ phụng thần linh của địa phương chưa đủ điều kiện để thực hiện một cách rộng rãi. Tham chiếu Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào giai đoạn này thì thấy triều đình đã có chiếu liên quan đến việc trừ bỏ, khảo xét và ban tặng thần sắc cho Bắc thành và các trấn Thanh Nghệ chứ không thấy đề cập đến việc ban tặng thần sắc cho dinh trấn thuộc khu vực Trung bộ và Nam Trung bộ hiện nay. Do đó việc ban tặng thần sắc cho các xã thôn thuộc miền Trung thờ phụng cá voi chưa thể được tiến hành. Nếu như thần sắc đã được ban cấp cho một số xã thôn nào đó có thể chúng đã bị thu hồi và tiêu hủy như ghi nhận: “Năm thứ 10, chuẩn lời nghị: Lần này cấp tặng sắc cho thần kỳ ở Bắc thành, xét ra lẫn lộn và sai lầm có đến 560 đạo, và các tỉnh lệ làm ra sắc như giả. Vậy thì các đạo tặng sắc khâm ban trước đó, do thành trấn ấy thông sức cho các xã dân phải thu nộp tất cả, để chờ chỉ đốt đi”(6).

Đến Minh Mạng năm thứ nhất mới xuống chiếu: “Thần kỳ trong cả nước, chuẩn cho Bộ Lễ tra xét rõ ràng, xin xuống chỉ phong tặng có khác nhau”(7). Qua khảo sát trên thực tế tại một số làng xã thuộc miền Trung, thần sắc cho các xã thôn thờ phụng các vị thần mới xuất hiện. Những thần sắc có niên hiệu Minh Mạng ban tặng cho các xã thôn thờ phụng các vị thần như: Bản xã/ Bản cảnh Thành hoàng, Thiên Y A Na, Kỳ thạch phu nhân, Quan Thánh Đế quân, Trảo Trảo phu nhân, Nam Hải ngọc lân… nhưng với số lượng cũng rất hạn chế không phổ biến cho các xã thôn thuộc miền Trung. Điểm đặc biệt đáng được chú ý trong câu chữ được viết trong thần sắc vào thời Minh Mạng: “… Phụng ngã Thế tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ miến niệm thần hưu nghi long hiển hiệu khả gia phong…” (Vâng mệnh Cao Thế tổ Hoàng đế của ta thống nhất non sông, thần nhân mừng khắp. Nay hồng đồ sáng tỏ, nghĩ đến sự che chở của thần cần nêu cao danh hiệu nên phong thêm … [mỹ tự]). Qua đó có thể nhận thấy các thần sắc được ban vào thời Minh Mạng chính là sự tuân thừa việc chưa kịp ban cấp thần sắc của tiền triều sau khi thống nhất đất nước.

Về sau việc ban tặng thần sắc cho các xã thôn được định chế một cách rõ ràng và khá phổ biến đối với các đơn vị cấp cơ sở trên vùng đất thuộc miền Trung:

“Năm thứ 7, chuẩn lời nghị, thần kỳ ở các hạt Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, trừ các danh hiệu quê kệch, không có công đức sự tích gì có bằng cứ, còn các vị chính thần đã ở trong lệnh phong tặng, như 2 vị chính thần mà 2 xã giáp, ất cùng khai thì tặng về xã giáp 1 vị, xã ất 1 vị, cho khỏi trùng lặp, còn các nơi khác cũng lấy lệ ấy mà suy ra. Tựu trung làng nào có tên gọi mà không có hộ tịch làm bằng cứ, thì đình việc nghị tặng”(8).

Trong đời sống văn hóa của người Việt, tục thờ thủy thần vốn xuất hiện khá lâu đời. Tiến về phía Nam người Việt tiếp cận với biển khá cởi mở hơn so với Đàng Ngoài. Hoạt động giao thương, đánh bắt hải sản trên biển khá phát triển, đặc biệt vào thời các chúa Nguyễn, chính thể Đàng Trong rất chú trọng xây dựng lực lượng thủy hải quân. Tiếp cận với biển cả, người Việt đã kế thừa truyền thống văn hóa của vùng đất phương nam trong đó có những vị thần biển rồi từng bước tịch nhập các vị thần này vào đời sống văn hóa tâm linh của mình. Các vị thần biển xuất hiện tại vùng đất phương Nam được các lớp cư dân thờ phụng dưới dạng thức thủy thần và sau này từng bước được điển chế vào thời Nguyễn.

Sử sách còn ghi nhận trong những lần chạy trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã được các loài hải tộc giúp đỡ để thoát khỏi hoạn nạn(9). Chuyện cá voi cứu Nguyễn Ánh hay thuộc hạ của ông trong lúc nguy khốn trên biển cũng có thể đã xảy ra. Sự linh ứng của các vị thần biển ngày càng được củng cố từ chính thể cầm quyền. Hiện tượng cá voi thường xuyên lụy vào bờ biển miền Trung nước ta nên triều đình đã ban hành điển lệ cấp táng. Tháng 6 / Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho rằng cá voi bấy lâu nay cứu người bị nạn gió bão, vẫn có linh nghiệm. Chuẩn định từ nay hễ có cá voi chết giạt vào các cửa biển thuộc Kinh kỳ thì phủ Thừa Thiên phải đem chôn, cấp cho một tấm vải, 10 quan tiền. Vua bảo thị thần: “cá voi là giống cá biển to, tính hay cứu người, nên gọi là Nhân Ngư. Còn những tên gọi Ngọc Lân hay Hải Long là tục truyền lầm. Chỉ lạ là người ở hải phận nước ta truyền nhau rằng cá ấy phần nhiều thiêng, còn biển nam từ Hà Tiên trở vào Nam, biển bắc từ Quảng Yên trở ra Bắc thì lại không thế...”(10).

Sau này, tháng 3 / năm Ất Hợi 1875, triều đình “mới định lệ chôn cá voi chết dạt đến các tỉnh hạt (theo lệ phủ Thừa Thiên, mỗi con cá cấp cho 1 tấm vải, 10 quan tiền)(11). Ba năm sau, phủ Thừa Thiên trình về việc xin cấp tiền tuất cho cá voi chết, nhà vua châu phê: “Về sau, phàm như thế thì ban cấp ngay, không nên chờ chỉ để quá trễ”(12).

Công đức và sự tích của cá voi rất dễ dàng nhận thấy trên thực tế nên thường được chuẩn ban cấp thần sắc khi các xã thôn đệ trình. Tuy nhiên, để chính thức được triều đình thừa nhận cho xã/thôn thờ phụng thì địa phương đó phải có cá voi lụy vào, có tự sở thờ phụng, có xã/thôn/phường/ấp hiệu và hộ tịch rõ ràng. Vào các dịp đại khánh tiết, đăng quang, hay phụng mệnh vua cha, triều đình lại ân điển ban cấp thần sắc cho xã dân thờ phụng. Thần sắc của Nam Hải cự tộc ngọc lân được ban cấp trải từ thời Minh Mạng cho đến Khải Định.

Trong quá khứ nhiều xã/ thôn đã được triều đình ban tặng thần sắc nhưng trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai và ý thức gìn giữ của con người nhiều xã/ thôn không còn lưu giữ được thần sắc. Những thần sắc còn được lưu giữ đến ngày nay mà một nguồn tư liệu vô cùng quý giá bởi nó được xem như một loại văn bản chính thống của nhà nước phong kiến ân điển ban tặng cho các xã / thôn để thờ phụng những vị thần linh hiển. Khai thác những thông tin được thể hiện trong thần sắc là một khâu rất cần thiết đối với việc nghiên cứu một số tín ngưỡng truyền thống nói chung và Nam Hải ngọc lân tôn thần nói riêng.

3. Một số thần sắc của Nam Hải cự tộc ngọc lân tiêu biểu tại Khánh Hòa

Trong đợt nghiên cứu, sưu tầm tư liệu tại các làng ven biển và hải đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa chúng tôi có dịp tiếp cận với nhiều bản thần sắc của Nam Hải cự tộc ngọc lân được triều Nguyễn phong tặng cho các xã thôn thờ phụng. Chúng vẫn còn được lưu giữ rất tốt đến ngày nay. Số lượng thần sắc cho từng xã thôn cụ thể không hoàn toàn giống nhau, thậm chí có một số cộng đồng cư dân thờ phụng cá voi từ rất lâu những vẫn không được triều Nguyễn ban tặng thần sắc. Điều này phụ thuộc vào quá trình hình thành thôn xã sớm hay muộn, khởi thủy tín tục và việc đệ trình được ban tặng của địa phương đó, cũng như việc bảo quản gìn giữ của người dân sở tại.

Theo thống kê chưa đầy đủ trong đợt khảo sát từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2012 của chúng tôi thì một số xã thôn thuộc tỉnh Khánh Hòa còn lưu giữ thần sắc của Nam Hải ngọc lân như: thôn Bình Tây (8 đạo); thôn Xương Huân (6 đạo); thôn Thạnh Đức (6 đạo); thôn Ngân Hà (2 đạo, trong đó có 1 đạo hợp phong); thôn Đầm Môn (1 đạo); thôn Phú Hội (1 đạo); ngoài ra còn có các thôn khác như Trường Đông, Trường Tây, Đông Hải, Bình Tân,… chúng tôi chưa tiếp cận với văn bản gốc nên chưa thể liệt kê vào bảng sau (13).

Stt

Niên đại

Thần hiệu Mỹ tự

(nguyên/gia tặng; gia/trứ phong)

Thôn hiệu được ban

thần sắc

1

Ngày 24, tháng 9, Minh Mạng thứ 3 (1822)

Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thầngia phong Từ tế chi thần

- Hà Bạc Thuộc Tây An thôn

- Hà Bạc Thuộc Cù Huân Thượng thôn

2

Ngày 13, tháng 8, Thiệu Trị thứ 3 (1843)

Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần gia tặng Từ tế Chương linh chi thần

- Quảng Phước huyện An Tây thôn

- Vĩnh Xương huyện Cù Huân Thượng thôn

3

Ngày 21, tháng 9, Thiệu Trị thứ 3 (1843)

Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần gia tặng Từ tế Chương linh Trợ tín chi thần

 

- Quảng Phước huyện An Tây thôn

4

Ngày mồng 8, tháng 11, Tự Đức thứ 3 (1849)

Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần nguyên tặng Từ tế chương linh Trợ tín chi thần gia tặng Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm chi thần

- Quảng Phước huyện Tây An thôn

- Vĩnh Xương huyện Minh Huân thôn

- Xương Huân huyện Vĩnh Hy thôn

- Vĩnh Xương huyện Thạnh Đức thôn (14)

 

5

 

Ngày mồng 8, tháng 11, Tự Đức thứ 33 (1879)

 

Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần

- Khánh Hòa tỉnh Quảng Phước huyện An Tây thôn

- Khánh Hòa tỉnh Vĩnh Xương huyện Minh Huân thôn

- Khánh Hòa tỉnh Vĩnh Xương huyện Thạnh Đức thôn

6

Ngày mồng 1, tháng 7 Đồng Khánh thứ 2 (1886)

Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần gia tặng Dực bảo Trung hưng chi thần

- Khánh Hòa tỉnh Quảng Phước huyện Bình Tây thôn

- Khánh Hòa tỉnh Vĩnh Xương huyện Xương Huân thôn

- Khánh Hòa tỉnh Vĩnh Xương Huyện Thạnh Đức thôn

7

Ngày 20, tháng 2, Thành Thái thứ 2 (1890)

Nam Hải cự tộc nhân ngư chi thần trứ phong vi Trừng trạm Dực bảo Trung hưng chi thần

- Khánh Hòa tỉnh Quảng Phước huyện Ngân Hà thôn

- Khánh Hòa tỉnh Quảng Phước huyện Đầm Môn thôn

 

8

 

Ngày 11, tháng 8, Duy Tân thứ 3 (1909)

- Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo Trung hưng Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần

- Khánh Hòa tỉnh Ninh Hòa phủ Bình Tây thôn

- Khánh Hòa tỉnh Vĩnh Xương huyện Thạnh Xương thôn

 

- Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo Trung hưng Nam Hải cự tộc nhân ngư chi thần

 

- Khánh Hòa tỉnh Ninh Hòa phủ Ngân Hà thôn

 

9

Ngày 25

Tháng 7

Khải Định

thứ 9 (1924)

 

- Nam Hải cự tộc ngọc lân chi thần nguyên tặng Từ tế chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo Trung hưng tôn thần gia tặng Uông nhuận Trung đẳng thần

 

- Khánh Hòa tỉnh Ninh Hòa phủ Phước Hà Ngoại tổng Bình Tây thôn

- Khánh Hòa tỉnh Vĩnh Xương huyện Xương Hà tổng Xương Huân thôn

- Khánh Hòa tỉnh Vĩnh Xương huyện Cam Linh tổng Thạnh Xương thôn.

 

- Nam Hải Đức Ngư Thần Nương tôn thần trứ phong Uông nhuận Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần

- Khánh Hòa tỉnh Ninh Hòa phủ Phước Tường Nội tổng Phú Hội thôn

4. Một vài nhận xét

Qua bảng thống kê trên, chúng ta có thể nhận thấy Thần hiệu và mỹ tự của cá ông đã có sự thay đổi và bổ sung qua các thời kỳ. Thần hiệu Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần đã xuất hiện ít nhất vào thời Gia Long nhưng cho đến nay chúng tôi chưa tiếp cận được một bản thần sắc có niên đại đó trên khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Thần hiệu này được giữ nguyên. Thần hiệu trong thần sắc thời Minh Mạng(15). Cụ thể: Nam Hải ngọc cự tộc lân chi thần gia tặng Từ tế chi thần. Từ đó về sau nhân các dịp đăng quang, đại khánh triều đình lại gia tặng/trứ phong cho thần thêm các mỹ tự. Mỹ tự Chương linh Trợ tín được gia tặng vào niên hiệu Thiệu Trị(16). Các mỹ tự này vẫn được giữ nguyên và gia phong hai chữ Trừng trạm vào thời Tự Đức. Hội điển đã ghi rõ mỹ tự Trừng trạm là mỹ tự ban cho thủy thần thuộc hạ đẳng theo định lệ năm thứ 3 niên hiệu Tự Đức(17). Đến thời Đồng Khánh trong các thần sắc triều đình gia tặng mỹ tự là Dực bảo Trung hưng.

Vào thời Duy Tân và Thành Thái thần hiệu của vị thần này tại một số địa phương đã được thay đổi từ Nam Hải cự tộc ngọc lân thành Nam Hải cự tộc nhân ngư còn các mỹ tự ban tặng vẫn được giữ nguyên như các sắc phong thời Tự Đức(18).

Đến thời Khải Định mỹ tự “chi thần”, được định lệ từ thời Minh Mạng, đã được thay thế bằng “tôn thần” viết liền sau thần hiệu đồng thời nâng cấp cho Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần lên Trung đẳng thần, giữ nguyên các mỹ tự mà tiền triều đã phong tặng đồng thời gia tặng mỹ tự Uông nhuận (19).

Trên thực tế, khi cá voi lụy vào các địa phương người dân sở tại đã có phân biệt giới tính của loài vật này, cho nên họ đã dùng những đại từ “ông”, “bà”, “cậu”, “cô” để khu biệt và biểu thị sự tôn kính. Căn cứ vào việc đệ trình của các xã thôn mà triều đình đã có những điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế. Điều này được thể hiện rõ trong thần hiệu: “Nam Hải đức ngư thần nương” trong một đạo sắc phong ban cho thôn Phú Hội (nay thuộc xã Vạn Thắng huyện Vạn Ninh) thờ phụng Cô Nam Hải.

Từ việc tiếp cận trực tiếp những thần sắc được triều đình ban tặng cho các xã thôn thuộc tỉnh Khánh Hòa thờ phụng cá voi, chúng tôi muốn cung cấp cho những người quan tâm có cơ sở để đối chiếu với thần sắc của cá voi tại các địa phương khác qua lịch đại, đồng thời hiệu chính nguồn tin lâu nay đã được công bố trên các trang báo, đặc biệt là báo mạng. Sau khi vua Gia Long lên ngôi đã ban sắc phong cá voi là “Nam Hải cự tộc ngọc lân Thượng đẳng thần” là thông tin chưa có cơ sở xác đáng(20).

Trong tín ngưỡng của ngư dân Khánh Hòa, việc phối tự nhiều vị thần trong lăng thờ thần Nam Hải là hiện tượng rất phổ biến. Điều này rất dễ nhận thấy qua cách thức thiết trí thờ phụng và thể hiện rất rõ trong văn tế. Nhưng qua thực tế khảo sát chúng tôi còn nhận thấy, đã có việc tịch nhập thờ cá voi vào các đền miếu vốn thờ phụng những vị thủy thần khác. Có một số lăng về hình thức là thờ thần Nam Hải, từ tôn xưng để chỉ cá voi, nhưng khi tiếp cận với thần sắc thì thần hiệu không phải phong tặng cho cá voi mà phong tặng cho những vị thần khác như: Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương; Đông Nam sát hải lang thát nhị đại Tướng quân, Thủy Long thần nữ… Tục thờ cá voi là một tín tục khá phổ biến và nổi trội trong các cộng đồng ngư dân ở Khánh Hòa do đó việc đồng nhất cá voi với các vị thủy thần khác là điều có thể nhận thấy trên thực tế nhưng đây chỉ là những trường hợp đặc biệt. Trong tâm thức của người dân ở đây, ngoài chức năng cứu hộ ngư dân khi gặp nạn trên biển, cá voi còn là một vị thần bảo hộ cho nghề nghiệp trong mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản. Việc phối nhập cá voi vào đền miếu của các vị thủy thần khác mà trước đó đã được triều đình ban tặng thần sắc tại một số tự sở đã làm khiến cho một số người ngộ nhận cá voi được phong là Đại càn quốc gia Nam Hải hay Đông Nam sát hải lang thát nhị đại Tướng quân. Trong đó thần hiệu Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương được phong trật Thượng đẳng thần, ít nhất là từ thời Thiệu Trị (21). Đây có thể là một nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn của một số tác giả, họ đã đồng nhất cá voi với thần hiệu Đại càn quốc gia Nam Hải và xác quyết phẩm trật của cá voi là Thượng đẳng thần.

Việc khai thác nội dung mà thần sắc chuyển tải sẽ cung cấp thêm những tin rất quý giá về xã/ thôn hiệu tại một thời điểm cụ thể cũng như việc hình thành các xã thôn tại vùng ven biển và hải đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Với ưu thế là vùng biển tương đối kín được sự bao bọc của các dãy núi cũng như các hải đảo, những vũng, vịnh, bãi, cửa sông đổ ra biển là những địa điểm lý tưởng để cho ngư dân tụ cư lập làng lấy nghề đánh bắt nuôi trồng hải sản làm sinh kế. Cho đến hiện nay Khánh Hòa có rất nhiều cộng đồng cư dân hoạt động nghề biển. Căn cứ vào số lượng lăng thờ cá voi/ cá ông có thể nhận diện số lượng cộng đồng ngư dân hoạt động trong lãnh vực ngư nghiệp.

Khác với cư dân nông nghiệp việc định cư của họ bị níu kéo bởi ruộng đất, còn ngư dân họ dễ dàng chuyển cư đến một vị trí khác thuận lợi hơn cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Trong quá khứ để trốn tránh sự tầm nã của chính quyền, hay việc trưng phu, bắt lính mà một số người đã chuyển cư từ vùng này đến các vùng đất khác để sinh sống trong đó có một số người đã tịch nhập vào các cộng đồng ngư nghiệp đã được hình thành từ trước hoặc cùng nhau tạo lập một cộng đồng ngư nghiệp mới. Bên cạnh đó việc thiết lập vành đai an toàn cho các căn cứ quân sự, hay tách dân ra khỏi vùng hoạt động của các nhà cách mạng là một yếu tố tác động đến việc chuyển cư của một số ngư dân. Quá trình đô thị hóa đã tách nhập một bộ phận cư dân theo địa bàn hành chính. Hiện nay, dọc theo bờ biển và hải đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa có hơn 40 lăng thờ thần Nam Hải. Có những cộng đồng ngư dân khá đông đúc nhưng cũng có những cộng đồng số ngư dân rất khiêm tốn.

Căn cứ địa danh được ghi nhận qua các thần sắc của cá voi cho các thôn thờ phụng có thể nhận thấy, đó là những làng được thành lập sớm, có cộng đồng ngư dân phát triển. Đây là các làng có vị trí địa lý thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền có thể tránh được sóng gió vào mùa mưa bão và dễ dàng trong việc trao đổi hàng hóa và tiếp cận với lục địa. Chẳng hạn như thôn Cù Huân Thượng là một địa điểm tập trung “dân cư đông đúc, họ chuyên nghề đánh cá”, được ghi nhận vào thời Gia Long (22). Các làng ngư được thành lập sớm được xếp vào các Thuộc Hà Bạc như Tây An thôn (nay là thôn Bình Tây II, phường Ninh Hải, Thị xã Ninh Hòa), Cù Huân Thượng thôn (nay là phường Xương Huân, thành phố Nha Trang) được ghi nhận qua các đạo thần sắc thời Minh Mạng. Sau này các thôn ngư nghiệp không còn được xếp vào Thuộc Hà Bạc, mà trực thuộc các tổng, huyện, phủ, tỉnh theo cách hoạch định địa giới hành chính vào các thời kỳ. Xem xét thần sắc tại một địa phương cụ thể chúng ta có thể nhận ra việc thay đổi thôn hiệu qua nhũng mốc thời gian khá cụ thể. Chẳng hạn các thôn hiệu như: Tây An / An Tây / Bình Tây; Cù Huân Thượng / Minh Huân / Xương Huân; Thạnh Đức / Xương Thạnh… và cũng có thể xác định được thôn hiệu tại một thời điểm cụ thể như: Trường Đông, Ngân Hà, Đầm Môn, Phú Hội, Bình Tân,… Thần sắc của cá voi là một nguồn tài liệu đáng tin cậy để nghiên cứu địa danh, quá trình thành lập các xã thôn ven biển thuộc vùng đất Khánh Hòa.

Thần sắc được xem là văn bản chính thống độc bản của nhà nước phong kiến ban tặng cho các xã thôn thờ phụng các vị thần thể hiện. Chúng không chỉ là tài sản vô cùng quý giá về mặt tâm linh đối với các cộng động đã được phong tặng mà còn là một nguồn tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu trưng bày sau này. Thiết nghĩ, việc sưu tầm, sao chụp các văn bản thần sắc của cá voi và một số vị thần biển khác, bằng các phượng tiện kỹ thuật hiện nay, cho phép chúng ta có những bản sao chất lượng tốt dùng để trưng bày tại các bảo tàng và vào các dịp lễ hội tại địa phương như một hiện vật quý về văn hóa biển đảo của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của Việt Nam nói chung.

 

Chú thích

(1). Tiêu biểu có các tác giả như: Thái Văn Kiểm, Nguyễn Duy Thiệu, Nguyễn Hiến Mai & các tác giả, Nguyễn Thanh Lợi, …

(2). - Vô danh thị, Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc, Bùi Lương dịch, Sài gòn: Văn hoá Á châu, tr. 70 - 75.

- Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Tp HCM: Nxb. Trẻ, 1961, tr 68-69.

- Vũ Trinh, Lan trì kiến văn lục [Hoàng Văn Lâu dịch], Huế: Nxb. Thuận Hoá - Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2004, tr. 70 - 71).

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, H. Nxb. Giáo dục, 2002, tr. 127.

(3). Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 2002, tr 277.

(4). Các công trình kiến trúc để thờ cúng cá voi tùy theo từng địa phương, quy mô, quan niệm mà có những tên gọi khác nhau như: lăng, dinh, đình, miếu, điện, am.

(5). Trên thực tế vẫn có một số sắc phong thời Lê ban cho các nhân thần, đó là những người có công trong việc chinh chiến khai phá vùng đất phương Nam.

(6). Xem: Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập VIII, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr 173-174.

(7). Khâm định…, sđd, tr 174.

(8). Khâm định…, sđd, tr 177.

(9). - Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Sài gòn: Nhóm nghiên cứu sử địa Việt Nam, 1972, tr 5-9;

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, H. Nxb. Giáo dục, 2002, tr 217-218.

(10). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập IV, bản dịch Viện Sử học, H. Nxb. KHXH, 2004, tr. 965.

(11). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập XXXIII, H. Nxb. KHXH, 1975, tr. 178.

(12). Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập III, H. Nxb. Giáo dục, 2005, tr. 201.

(13). Sắc phong là tài liệu tương đối khó tiếp cận trực tiếp bởi nó liên quan đến tín ngưỡng của các cộng đồng. Việc khai sắc chỉ được diễn ra vào các dịp đại lễ theo định lệ và được sự đồng ý của các vị chức sắc đại diện cho cộng đồng.

(14). Đây là một trường hợp sao lục thần sắc được phát hiện tại Khánh Hòa. Văn bản được sao y nội dung thần sắc vào năm Tự Đức thứ 3, trên một loại giấy dó bình thường và không có triện “sắc mệnh chi bảo” đóng trên dòng ghi niên đại. Phía dưới bên trái dòng ghi niên đại được ghi: “Lễ bộ cung lục, Thạnh Đức thôn tuân chiếu phụng tự” và đóng triện của Bộ Lễ (Lễ bộ chi ấn).

Theo quy định của triều Nguyễn những thần sắc đã ban cấp cho các xã thôn thờ phụng nếu cất giữ sơ suất bị mất mát hư hoại thì người có tránh nhiệm phụng thủ bị trừng phạt như trượng đòn, đóng gông bêu trước nha môn, cách chức… Tùy theo từng trường hợp mà triều đình có thể cấp lại thần sắc. “Chiếu theo lệ (ngày tháng 10 năm Tự Đức thứ 6, một khoản định lệ: “Xã dân nào đã được ban cấp các đạo sắc phong thần, nếu để cho thủy hỏa làm hỏng hoặc đạo tặc trộm mất, người trông coi bất cẩn bị phạt 80 trượng, Lý trưởng sở tại phạt giảm một mức là 70 trượng, để răn trừng. Sắc phong thần bị mất xin giao Bộ chúng thần chiếu theo nguyên trạng của đạo sắc sau cùng đã cấp mà sao lục lại giao cho phụng thờ như cũ) mà phân biệt nghĩ xử, nhưng tiền hành tư cho Bộ chúng thần tuân lệ sao lục đạo sắc đã cấp sau cùng rồi giao cho để lưu lại thờ phụng, nhằm được giản tiện” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ [tục biên], tập 6, H. Nxb. KHXH, tr. 176).

(15). Đây là mỹ tự ban tặng cho thần thuộc hạng dưới (hạ đẳng thần) Xem: Khâm định, sđd, tr. 175.

(16). Ở đây có một điểm khá đặc biệt đáng được lưu ý: Ngày 13, tháng 8, Thiệu Trị thứ 3 (1843) đã ban sắc gia tặng Từ tế Chương linh chi thần nhưng sau đó không lâu ngày 21, tháng 9, Thiệu Trị thứ 3 (1843) lại ban tiếp cho một đạo sắc khác gia tặng Từ tế Chương linh Trợ tín chi thần. Có thể đạo sắc trước viết thiếu mỹ tự nên triều đình ban cấp đạo sắc sau mà không thu hồi đạo sắc trước. Đây cũng là một vấn đề khá thú vị người quan tâm có thể tìm hiểu thêm, chúng tôi không bàn luận ở đây.

(17). Xem: Khâm định, sđd, tr.187.

(18). Tại Khánh Hòa đó là trường hợp sắc phong cho thôn Ngân Hà (nay thuộc xã Ninh Thủy - thị xã Ninh Hòa) thờ phụng cá voi.

(19). Uông nhuận là mỹ tự dùng để ban tặng cho thủy thần hạng Trung đẳng đã được định lệ vào năm thứ 3 niên hiệu Tự Đức.

(20). http://vtc.vn/394-333345/phong-su-kham-pha/thoat-chet-ky-la-nho-ca-voi-cuu-mang.htm

- http://antg.cand.com.vn/news/reply.aspx?ID=78010

http://demo.khanhhoa.net.vn/ubnd/tabid/123/id/122/Default.aspx

(21). Chúng tôi căn cứ trên một thần sắc tại làng Hải Cát, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

(22). Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 2002, tr. 272.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.319-335)

In
Lượt truy cập: