Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2012
Trần Thị Kim Anh
4. Về một số sản vật Việt Nam được phản ánh trong Tề dân yếu thuật (TBHNH 2012)

Cập nhật lúc 07h29, ngày 24/02/2015

VỀ MỘT SỐ SẢN VẬT VIỆT NAM ĐƯỢC PHẢN ẢNH

TRONG TỀ DÂN YẾU THUẬT

TRẦN THỊ KIM ANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Có 4 bộ tác phẩm nông học dạng bách khoa thư của Trung Quốc nổi tiếng thế giới được gọi là Tứ đại nông thư, đó là Tề dân yếu thuật của Giả Tư Hiệp thời Bắc Nguỵ; Nông tang yếu tập do các quan Đại Tư nông thời Nguyên biên soạn; Đông lỗ vương thị nông thư của Vương Trinh đời Nguyên; Nông chính toàn thư của Từ Quang Khải đời Minh.

Tề dân yếu thuật (TDYT) có tổng cộng 10 quyển, gồm 92 thiên. Quyển đầu có lời tựa của tác giả, đầu bài tựa có ghi Hậu Nguỵ Cao Dương Thái thú Giả Tư Hiệp soạn (Thái thú Cao dương Giả Tư Hiệp thời cuối Nguỵ soạn), vì vậy có thể coi đây là bộ sách nông học cổ nhất xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ thứ VI.

Về nội dung sách, 55 thiên đầu, từ quyển một đến quyển 5 được viết riêng thành từng chuyên đề, bàn về phương pháp trồng cấy chăm bón các loại cây lương thực và rau quả dâu gai cùng các loại cây trồng kinh tế khác. Quyển 6 gồm 6 thiên bàn về phương pháp nuôi gia cầm gia súc và cá. Từ quyển 7 đến quyển 9 gồm 30 thiên, viết về kỹ thuật chế biến bảo quản các sản phẩm nông nghiệp như phương pháp cất rượu, làm tương, dấm, đậu xị, đường... cuối cùng còn có phương pháp làm trống, nấu cao, làm bút mực... Tác phẩm đã phản ánh thực tế tình hình sản xuất tự cấp tự túc, hợp nhất giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp của nền kinh tế tiểu nông trong xã hội phong kiến Trung Quốc, bởi vậy nó trở thành bộ bách khoa toàn thư về kỹ thuật nông nghiệp đương thời. Riêng quyển 10 chỉ có 1 thiên nhan đề là Ngũ cốc, quả loã, thái nhứ phi Trung Quốc vật sản giả (các loại ngũ cốc rau quả tơ gai không phải là sản vật của Trung Quốc). Thiên này ghi chép rất nhiều sản vật địa phương vùng Lĩnh ngoại, nhưng chỉ cho biết về nơi sản xuất, hình dạng, đặc tính, tác dụng của sản vật mà ít nói về kỹ thuật trồng cấy chăm sóc, điều đó cho thấy đương thời người Trung Quốc không nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây này của người phương Nam, chỉ nghe hoặc nhìn thấy chứ không có thực tiễn sản xuất.

Khảo sát quyển 10, chúng tôi nhận thấy, ngoài những sản vật thông thường phổ biến ở vùng Lĩnh ngoại ra, TDYT đã ghi lại một số sản vật đặc biệt của các vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, tương đương các vùng đất thuộc Việt Nam ngày nay, đương thời bị Trung Quốc cai trị. Với tình hình hiếm hoi tư liệu về thời kỳ này, có thể nói đây là những tư liệu quý giá góp phần nghiên cứu về văn minh văn hoá người Việt thời kỳ Tiền Đại Việt.

Dưới đây xin được cung cấp đến bạn đọc các tư liệu nói trên:

1. Quýt (Quất), dẫn Nam trung bát quận ký: Giao Chỉ đặc xuất hảo quất, đại thả cam (Giao Chỉ có loại quýt đặc biệt, vừa to vừa ngọt).

2. Mía (Cam giá), dẫn Dị vật chí, cho biết mía ở Giao Chỉ rất ngon, ngọt từ gốc đến ngọn, cao hơn một trượng, chu vi mấy tấc, rất giống tre, lấy nước của nó nấu thành mạch nha, gọi là đường, càng quý. Lại nấu lên rồi phơi, lúc ngưng kết lại thì như băng, bỏ vào miệng là tan, gọi là thạch mật.

3. Lựu: (không phải thạch lựu, chưa rõ là quả gì). Cây mọc trong núi, quả như quả lê, hạt cứng, vị chua thanh. Người Giao Chỉ hiến cho phương Bắc.

4. Dừa (Da), dẫn Quảng chí: dừa có ở Giao Chỉ, nhà nhà đều trồng. Ở Giao Châu, người ta chặt cuống dừa, dùng ống trúc lấy nước trong quả làm rượu uống cũng say.

5. Cau (Tân lang), dẫn Du Ích Kỳ trong Dữ Hàn Khang Bá tiên (Thư gửi Hàn Khang Bá): Cau là vật đáng xem khi du lãm phương nam, quả đã phi thường, cây càng đặc biệt. Lớn đến ba vòng, cao đến 9 trượng, lá tụ trên ngọn, buồng sinh dưới lá, hoa nở trong buồng, quả kết ngoài buồng, bông như lúa mạch, hạt ăn như gạo, vỏ như cái ống mà dày, đốt như tre mà đều, trong rỗng ngoài cứng, uốn cong thì như cầu vồng, duỗi thẳng thì như dây thừng. Gốc không to, ngọn không nhỏ, trên không nghiêng, dưới không lệch, thẳng tăm tắp trăm ngàn cây như một. Đi trong rừng cau thì thấy cô liêu, che dưới bóng cau thì thấy tiêu điều, đáng để ngâm ngợi mãi. Dẫn Nam phương thảo vật trạng cho biết cau ra hoa vào tháng ba, chín vào tháng 12, quả bằng quả trứng sắc vàng, phơi khô để dành ăn với lá trầu không và vôi thì mềm và ngon, cũng có thể ăn cau tươi, rất thú.

6. Mắt quỷ (Quỷ mục), dẫn Nam phương thảo vật trạng: Cây mắt quỷ, quả nó lớn thì bằng quả lý, nhỏ thì bằng quả trứng vịt, tháng hai ra hoa, tháng bảy chín, sắc vàng vị chua, đồ với mật thì vị mềm ngon.

8. Trám (Cảm lãm): quả trám to bằng quả táo, tháng hai ra hoa, tháng tám tháng chín thì quả chín, ăn sống thì chát, ngâm trong mật thì ngọt, người Giao Châu dùng để nhắm rượu.

9. Giác (chưa rõ là quả gì): quả giác to bằng quả trứng gà, tháng ba ra hoa, tháng tám tháng chín thì chín, hái về đem muối chua thì vị chua chát, ngâm mật thì ngon ngọt.

10. Chuối (Ba tiêu): bẹ như khoai, lớp lớp ôm nhau, củ to như cái thăng, lá rộng 2 thước, dài 1 trượng, quả như cái sừng dài 6-7 tấc. Có một cái đai chừng 3 - 4 tấc, quả sinh ra từ đó, xếp thành hàng từng cặp như ôm lấy nhau. Bóc vỏ ngoài, ruột màu vàng nhạt, vị như nho, ngon ngọt có thể ăn no được. Bẹ của nó khi rã ra thì như tơ, đem dệt thành hang cát, gọi là tiêu cát, tuy hơi dòn như tốt, màu vàng nhạt. Lại dẫn dị vật chí nói: lấy bẹ chuối nấu lên được tơ, đem dệt thành vải, tức nay gọi là Giao Chỉ cát (vải cát bá của Giao Chỉ).

11. Rau các loại: ngoài các loại phổ biến của phương nam như hành, hẹ, tỏi, gừng, giềng, nghệ... còn có các loại rau, đặc biệt rau cần và rau muống rất ngon.

12. Tre trúc: nhắc đến loại tre do ngô, cao 3-4 trượng, chu vi 8,9 đến 1 thước, dùng làm cột nhà. Lại có loại trúc thạch ma, vừa cứng vừa sắc, chẻ ra làm dao, cắt da voi như cắt khoai.

13. Mây (Đằng): tháng giêng ra hoa, tháng 10, tháng chạp quả chín, màu đỏ, ăn sống vị ngọt chát. Lại có loại hàm thuỷ đằng, đập ra có nước, người đi đường có thể dùng để giải khát. Lại có loại tháng giêng tháng hai ra hoa, tháng tư tháng năm chín, quả như quả lê, đỏ tựa mào gà, hạt như vẩy cá, lấy ăn sống thì vị nhàn nhạt.

14. Khế (Liêm): quả khế dài 3-4 tấc, vỏ mỡ màng, ngâm vào mật thì vị ngọt chua, có thể nhắm rượu.

15. Bông (Mộc miên): cây cao tầm 1 trượng, quả như chén rượu, trên miệng có bông như bông của loài tằm, có thể dệt vải gọi là bạch diệp, cũng gọi là mao bố.

16. Búng báng (Tương mộc): trong thân cây có bột trắng như gạo, đảo cho khô rồi ngâm nước từ tựa như miến, có thể dùng làm bánh.

17. Cây Đô câu: (chưa rõ là cây gì). Trong cây có bột như miến, có thể ăn.

18. Dâm bụt (Mộc cận): gần giống lá dâu, bốn mùa ra hoa, không có quả, người ta lấy ăn, ngọt mà nhớt.

19. Sung (Cổ độ): không có hoa mà có quả, quả mọc ra từ vỏ cây, to như quả an thạch lựu, sắc đỏ, có thể ăn được.

20. Đô hàm (chưa rõ là cây gì): mọc ngoài đồng, tháng ba ra hoa, tháng tám tháng chín thì chín, quả bằng ngón tay cái, màu đen, dân làng lấy ăn, vỏ thì phơi khô để uống, rất thơm.

21. Đô giác (chưa rõ là cây gì): cây Đô giác mọc ngoài đồng, tháng hai ra hoa, tháng tám tháng chín quả chín, vỏ hạt của nó đều mềm, vị chát, dân làng lấy về ăn. Muối chua hoặc ngâm mật đều được.

22. Phù biến (chưa rõ là cây gì): mọc ngoài đồng, tháng ba ra hoa, tháng năm tháng sáu thành quả thì trẩy về, bỏ vào nấu canh với cá, gà, vịt, rất ngon, cũng muối để dành.

23. Tiền thụ (chưa rõ là cây gì): mọc ngoài đồng, tháng hai ra hoa, tháng năm tháng sáu chín, quả bằng ngón tay, lấy về rửa sạch, cắt bỏ hạt, dùng muối, cám để cất trữ, vị đắng ngon.

24. Thạch nam (chưa rõ là cây gì): mọc ngoài đồng, tháng hai ra hoa, tháng bảy tháng tám chín, quả bằng cái trứng yến, người ta hái về, lấy hạt, phơi khô vỏ, nấu canh với cá vị cực ngon.

25. Quốc thụ (chưa rõ là cây gì): quả bằng cái trứng nhạn, mọc ngoài đồng, tháng ba ra hoa, tháng chín ăn được. Phơi khô rồi bóc vỏ ăn, vị như hạt dẻ.

26. Chử (chưa rõ là cây gì): quả như quả đào, tháng hai ra hoa, tháng bảy tháng tám chín, ngâm muối để dành, vị cay.

27. Sản (chưa rõ là cây gì): quả như quả đào, tháng hai ra hoa, tháng năm chín, sắc vàng, muối để dành, vị chua như mơ muối.

28. Bạch duyên (chưa rõ là cây gì): cây cao 1 trượng, quả ngọt, ngon hơn hồ đào.

29. Đô côn (chưa rõ là cây gì): cây Đô côn mọc ngoài đồng, tháng hai ra hoa, tháng tám tháng chín quả chín, quả bằng quả trứng gà, dân làng lấy về ăn, vỏ hạt mềm vị chua.

30. Thiều: tựa trái vải, vỏ có gai mềm, vị chua.

(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.25-30)

In
Lượt truy cập: