Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> T >> Nguyễn Hải Trừng
68.Một số suy nghĩ về những thông tin trên tấm bia hộp và sách phả cổ ở làng Trung Tự, Hà Nội (TBHNH 2002)

Cập nhật lúc 22h38, ngày 29/03/2007

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ NHỮNG THÔNG TIN TRÊN TẤM BIA HỘP VÀ SÁCH PHẢ CỔ Ở LÀNG TRUNG TỰ, HÀ NỘI

NGUYỄN HẢI TRỪNG

Phố Đông Tác - Hà Nội

Một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Vĩnh Phúc, Vũ Tuấn Sán... đã viết về truyền thống văn hoá tốt đẹp của làng cổ Trung Tự, phường Đông Tác, Thăng Long. Đầu thế kỷ XX, khi bỏ cấp phường, làng Trung Tự có một thời gian được gọi là làng Đông Tác nay nằm trong địa bàn 3 phường Phương Liên, Kim Liên và Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Thế nhưng, trên báo Hà Nội Mới Chủ nhật, số 313, ngày 19/3/1995, trong bài "Phương Liên, hôm qua - hôm nay", Lê Duy Quang đã viết rằng trước đây chỉ có một làng mang tên Kim Liên (KL). KL có một ông trạng do khúc mắc với dân làng nên đưa bà con thân thuộc sang bên kia thành Đại La lập làng mới là Trung Tự (TT). Sau đó dân 2 làng cắt quan hệ với nhau. Ngoài ra có người còn đưa ra một thông tin không rõ xuất xứ cho rằng TT là một giáp của KL tách ra. Những việc trên chứng tỏ có sự hiểu không thống nhất về lịch sử của TT và KL. Vì vậy, việc tìm ra các chứng cứ có độ tin cậy cao để giải quyết là điều nên làm, và cũng là để góp phần nhỏ bé vào việc chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong các tư liệu mà chúng tôi sưu tầm được, có 2 di vật đáng chú ý là tấm bia hộp và một cuốn phả cổ 418 trang. Bia hiện nay được lưu giữ ở đình Trung Tự, cách ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt 500m về phía Tây Bắc, rất gần đình Kim Liên. Sở dĩ gọi là bia hộp vì đó là hai phiến đá vuông vắn úp lên nhau trông như một cái hộp, phiến dưới dày 31cm, phiến trên làm nắp dày 19cm. Mỗi phiến đã tạo thành một mặt bia, hình vuông, mỗi chiều gần 80 cm. Bia có tên là Đông Tác phường, Trung Tự thôn, địa giới kiệt (mốc giới đất đai thôn Trung Tự, phường Đông Tác) nên thoạt đầu tôi tưởng đơn thuần là nói về vấn đề đất đai. Sau khi nghiên cứu kỹ trên thác bản, tôi mới từng bước nhận thấy 2 văn bản pháp quy khô khan khắc trên bia chứa đựng nhiều thông tin quý. Kết hợp với tư liệu trong cuốn phả nói trên và các tư liệu khác, chúng tôi đã hiểu đúng hơn về lịch sử một làng khá cổ của Việt Nam, nhất là về việc vượt qua tai họa để trở thành một trong những đất học của Thăng Long, trong đó có dòng họ đã giữ được truyền thống đó hơn 300 năm nay.

Trước hết xin giới thiệu nội dung mặt bia ở phiến đá lớn nhất (đặt ở dưới). Mở đầu là mấy lời hậu sinh người làng Trung Tự là Hữu thị lang Bộ Hình, Xương Phái Hầu, Hoàng Giáp Nguyễn Trù (1668 - 1736) soạn. Ông cho biết là bia này khắc ngày 2 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức 2 (1733), để lưu truyền 2 văn bản liên quan đến việc phục nghiệp của làng Trung Tự, đã được cất kín trong hòm trước đó vừa tròn 60 năm. Cùng dự việc khắc bia này còn có Quận Công Lê Hữu Vũ là Phụng sai Đề Lĩnh Tú thành Quân vụ cùng Phủ doãn và Thiếu doãn phủ Phụng Thiên.

Tiếp đó là Văn bản pháp quy thứ nhất, tức là tờ Khải của Quan Phụng Sai, hơn 700 chữ, gồm 2 phần:

Phần 1:Tờ trình của dân thôn Trung Tự, phường Đông Tác gửi lên cửa quan. Xin dịch như sau:

"Nguyên đất thổ cư (gồm cả ao) của thôn chúng tôi, phía Đông giáp phường Kim Hoa; Đoài Giáp hai giáp Kiều Thượng, Kiều Hạ, Nam giáp hào ngoài thành Đại La; Bắc giáp (?) (trước đây) đã bị quân phòng chiếm ở, chỉ còn lại khu đền, khu chùa và một vài nhà dân làng ở ven hồ. Tuy nhân dân phải dựng nhà ở nơi khác nhưng việc thi cử, tuyển mộ hộ tịch vẫn theo lệ cũ. Nay ngửa trông thánh đức thương dân phiêu bạt thường cho triệu tập về nên dân làng được đội ơn trở về đất cũ khôi phục nghiệp tổ. Sau lời khai các khoảnh đất bị chiếm, tờ khải thiết tha mong được quan trên nghĩ đến tình cảnh dân làng, (cho) trả lại những đất đã bị chiếm cứ, giúp cho dân chúng tôi an cư phục nghiệp" (dịch).

Phần 2:ý kiến của Quan Phụng Sai sau khi trực tiếp thẩm tra tại chỗ và xem kỹ địa bạ của thôn TT: Các khu trên cộng là ba mẫu (phong tử), năm sào, hai thước, sáu thốn, nguyên là đất cũ của tổ tông thôn TT phường ĐT, dưới triều đại trước, mấy năm gần đây bị quân phòng chiếm, liền sau đó trở thành nơi ở của Hậu Hoà quân doanh. Hơn nữa xem kỹ địa bạ cũ, thấy địa phận các khu y hệt như đơn của dân phường đã trình... Kính xin chiếu chỉ chuẩn trả lại cho dân phường... trở về an cư phục nghiệp như trước kia.

Ngày 10 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức 2 (1673).

Văn bản pháp quy này có 2 điều đáng chú ý:

a. Đất thổ cư của thôn TT bị chiếm cứ đúng là đất cũ của tổ tông dân làng dưới triều cũ tức triều Mạc - tuy dân phải di dời đi nhưng sổ sách và các việc vẫn theo lệ cũ. Tức là trước khi mất đất, TT đã là một đơn vị hành chính nằm trong phường ĐT và hơn nữa cho đến khi xử kiện chưa lúc nào bị xoá tên.

b. Năm 1673, triều đình xử cho dân làng được lấy lại đất cũ trở về phục nghiệp.

Mặt bia ở phiến đã úp bên trên chép Văn bản pháp quy thứ 2, khoảng 600 chữ. Đó là lời phán quyết của Quan Hi sát Ngự sử đạo Thanh Hoa trong việc xét xử vụ tranh chấp đất đai giữa phường Kim Hoa (Kim Hoa), tên cũ của Kim Liên trước thời Thiệu Trị, với TT Đông Tác (ĐT).

Sau khi tra cứu địa bạ và trực tiếp điều tra, quan Ngự Sử đã phán quyết về từng khoảnh đất tranh chấp. " Xét kỹ thì rõ ràng đất ấy thuộc địa phận phường ĐT. Khu đất và ao ở ngoài hào thành Đại La, phải trả lại cho phường ĐT, đúng như số liệu đã đo đạc... Phường KH đã sai trái bán một số đất thượng hạng cho người ngoài. Theo pháp luật, có thể dung tha không? Phải phạt thường KH 30 quan tiền cổ về tội mạo chiếm.

Về vụ kiện này, nha môn Phủ Doãn cũng biết ĐT là đúng nhưng phán quyết chưa tình lý. Nha môn huyện quan xét đoán chưa triệt lý lẽ, phải chịu phạt tiền cổ 5 quan.

Ngày 19 tháng8 năm Đinh Tỵ, niện hiệu Vĩnh Trị 2 (1677) " (dịch).

Lời phán quyết thật là nghiêm, tuy vậy có một vấn đề nổi lên cần giải đáp trước, đó là cụ thể sự việc mất đất của TT như thế nào, vì Khải của quan Phụng Sai viết quá gọn: "một thời gian bị quân phòng chiếm, về sau quân doanh ở". Rất may sách Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị toàn phả của TS Nguyễn Văn Lý(1795 - 1868) đã cho khá nhiều thông tin. Đây là một bộ sách 3 tập, viết tay, chữ đẹp, tàng bản của dòng họ. Ở thư viện Viện Hán Nôm, sách có tên hơi khác là Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị Tông phả, 276 trang, ký hiệu VHv. 216, tương tự như tập I của bộ sách trên. Những người đã đọc bộ sách này đều nói sách viết công phu, cẩn trọng. Xin trích dẫn một đoạn ở mục nói về tổ đời thứ 3 của dòng họ là Chính Nghị, làm ở Cẩm Y Vệ triều Lê: "... Lúc bấy giờ có Thái Phó Việt Quận Công, đóng doanh ở Tây Bắc làng, hàng ngày hà hiếp chiếm đất. Dân làng phải phiêu dạt... nhưng sổ thi, hộ tịch vẫn giữ theo lệ cũ. (Cụ) sang trú ở quê vợ là phường KH, vào ngôi hương ẩm ở Giáp Đông" (dịch). Cuốn Phả họ Nguyễn Đông Tác, chữ quốc ngữ (xuất bản năm 1940 - trang 9) tác giả là Thiều Chửu (1902 - 1945) có thêm thông tin như sau: "Tập Gia phả nôm của cụ Đại vương chép rằng cụ Phúc Kỳ, con trai thứ 4 của cụ Chính Nghị, làm Lý trưởng gặp hồi Việt Quận công đóng dinh ở Tây Bắc làng, hiếp dân tranh đất, dân không yên ở, cụ thu xếp đem dân vào ở nhờ làng Kim Liên". (Cụ Đại vương tức là Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692), cháu gọi cụ Phúc Kỳ là ông nội).

Căn cứ theo tuổi của Chính Nghị và Phúc Kỳ (sinh năm 1545 và 1571) cũng như năm nhà Lê Trung Hưng thắng lợi trở về Thăng Long(1539), có thể đoán định việc làng TT bị chiếm đất xảy ra khoảng cuối thể kỷ 16 đầu 17. Chính sử cũng cung cấp minh chứng khi ghi rõ thời kỳ này một số công thần lớn và thân thích của vua chúa đã được lập quân doanh để thưởng công và có người đã lợi dụng để xâm lấn.

Tóm lại, theo chứng cứ trên bia và tông phả trên, làng TT đã là một đơn vị hành chính từ lâu, ít nhất cũng từ trước cuối thể kỷ 16 (là lúc làng bị chiếm đất phải sang trú ở KH), hơn nữa, Trung Tự thuộc phường Đông Tác. Năm 1673, triều đình xử cho TT được lấy lại đất cũ về phục nghiệp rồi lại xử vụ KH chiếm đất của TT. Điều đó bác bỏ hoàn toàn chuyện TT ra đời là do một số dân KH bỏ làng cũ hoặc do 1 giáp của KH tách ra.

Câu chuyện đất đai của Trung Tự, Kim Hoa là câu chuyện của lịch sử. Sự thật chỉ có một. Tuy nhiên hơn 300 năm đã qua đi. Sự thật lịch sử đó qua "bia miệng" đã mang nhiều sai lệch. Viết về lịch sử địa lý một địa danh như Kim Liên mà chỉ dựa vào lời "Các cụ kể lại" như tác giả bài báo Hà Nội mới chủ nhật ngày 19/3/1995 - Lê Duy Quang - thì sẽ khó mà trở thành một cứ liệu chắc chắn.

Trên cơ sở tấm bia và cuốn gia phả hiện còn chúng tôi viết bài này không ngoài mục đích trở lại sự thực lịch sử cho hai địa danh của Hà Nội là Kim Liên - Kim Hoa mà ở đó từ lâu đời vẫn có mối quan hệ đoàn kết gắn bó với nhau, không hề có sự mâu thuẫn như lời đồn của một bộ phận dân chúng.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.559-564

In
Lượt truy cập: