Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> M >> Nguyễn Hữu Mùi
45.Thử lý giải về hai dòng niên đại của nhà Mạc khắc trên hai tấm bia đề danh Tiến sĩ (TBHNH2002)

Cập nhật lúc 22h29, ngày 30/03/2007

THỬ LÝ GIẢI VỀ HAI DÒNG NIÊN ĐẠI
CỦA NHÀ MẠC KHẮC TRÊN HAI TẤM BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ
CỦA NHÀ LÊ Ở VĂN MIẾU HÀ NỘI

NGUYỄN HỮU MÙI

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

         Văn miếu Quốc Tử Giám là di tích Nho giáo tiêu biểu cấp quốc gia nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, hiện còn lưu giữ được 82 tấm bia Đề danh Tiến sĩ của hai triều Lê Và Mạc. Đây là nguồn tư liệu quí bằng hiện vật, nói lên chính sách trọng dụng nhân tài, khuyến khích việc học của dân tộc ta. Ngoài tấm bia của nhà Mạc dựng năm Minh Đức thứ 3 (1529), tại đây còn có hai tấm bia của nhà Lê, nhưng ghi niên đại của nhà Mạc: Bia thứ nhất, khắc khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đời Lê Hiến Tông, ghi niên hiệu Đại Chính thất niên cửu nguyệt thập ngũ nhật trùng lập. Bia thứ hai, khắc khoa thi năm Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518), đời Lê Chiêu Tông, ghi niên hiệu Đại Chính thất niên chính nguyệt sơ ngũ nhật lập. Cả hai bia hiện có thác bản mang kí hiệu No1359 và No1308, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

      Trước đây, khi đề cập đến hai tấm văn bia này, giới nghiên cứu coi đây là bia của nhà Lê, do nhà Mạc phục dựng vào năm 1536, khi họ lên nắm quyền. Kỳ thực chúng tôi vẫn phân vân và tự đặt câu hỏi: vì lý do gì mà vương triều nhà Mạc dựng bia cho nhà Lê ở trường Quốc Tử Giám, vốn là nơi đào tạo nhân tài cấp cao phục vụ cho vương triều mình, trong khi các khoa thi của bản triều thì chưa được dựng? Gần đây, trên Tạp chí Hán Nôm số 2, năm 2002, TS. Nguyễn Thuý Nga công bố một tư liệu mới, cho biết có 12 tấm bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội được khắc lại vào năm 1863(1), trong đó có hai tấm bia kể trên, càng khiến chúng tôi lưu tâm tìm hiểu.

      Để thử tìm lời giải đáp, sẽ bắt đầu từ việc khảo sát văn bản. Như chúng ta biết, đây là hai tấm bia dựng vào thời Lê sơ, sát ngay sau loạt bia dựng đợt đầu, tổ chức vào ngày 15 tháng 8 năm 1484. Xét về hình thức, qua tìm hiểu hiện vật dựng tại Văn miếu, Hà Nội, thấy hai tấm bia này rất giống với 10 tấm bia được khắc lại vào năm 1863, như TS. Nguyễn Thuý Nga từng công bố. Nhưng nếu quan sát trên thác bản, ta sẽ thấy chúng có một điểm chung nữa, rất dễ phân biệt, mà hiện vật không thể hiện ra được, là người ta chỉ khắc lại từ phần có dòng niên đại của bia trở đi, còn phần hoa văn và bài ký, vẫn giữ nguyên theo hiện trạng cũ. Nói cách khác, người ta chỉ khắc lại một nửa của bia (tính theo chiều dọc), nửa còn lại vẫn để nguyên. Nửa được khắc lại thuộc về phía bên trái của bia, gồm niên đại và tên người đỗ. Nửa không khắc lại thuộc về phía bên phải của bia, với bài ký để nguyên. Chúng tương phản nhau rõ nét: nửa khắc lại chữ còn mới, nửa không khắc lại chữ đã mờ mòn. Vấn đề đang bàn ở đây thuộc về nửa bên trái của bia, với các đặc điểm sau đây.

     Ở tấm bia thứ nhất (N0 1359) có hai dòng niên đại: dòng niên đại của nhà Lê, gồm 11 chữ Cảnh Thống ngũ niên thập nhất nguyệt sơ thập nhật lập, khắc sau phần bài kí, có cỡ chữ đều đặn, nhưng không được sắc nét lắm, do người thợ đã theo nét chữ cũ mà khắc đè lên. Riêng dòng niên đại thứ hai của nhà Mạc, đặt ở vị trí cuối cùng của phần minh văn, cũng gồm 11 chữ Đại Chính thất niên cửu nguyệt thập ngũ nhật trùng lập大 正 七 年 九 月 十 五 日 重 立, thì có vấn đề tự dạng, thể hiện ở vết khắc của cả dòng còn rất sắc, mà rõ nhất là ở nét mác của chữ đạivà nét hất của chữ thất, chữ cửu. Cũng cần nói thêm: tại dòng niên đại này, ngang với hai chữ Đại Chính, còn có thêm hai chữ Quốc triều國 朝. Sự xuất hiện của hai chữ Quốc triều, theo chúng tôi là rất lạ, bởi trong 148 văn bia triều Mạc do TS. Đinh Khắc Thuân công bố(2), và cả số văn bia nhà Mạc do chúng tôi biết về sau, chưa gặp 2 chữ này đi kèm với dòng niên đại của nhà Mạc.

     Ở tấm bia thứ hai (N0 1308), chỉ có một dòng niên đại, đặt ở vị trí sau bài ký, gồm 10 chữ Đại Chính thất niên chính nguyệt sơ ngũ nhật lập大 正 七年 正 月 初 五 日 立, cũng có vấn đề về tự dạng, lặp lại giống với tình trạng của dòng niên đại thứ hai của tấm bia thứ nhất. Nghĩa là vết khắc của nó còn rất sắc, không có dấu hiệu của việc mô phỏng theo nét chữ cũ mà khắc chồng lên. Ngoài ra, cũng tại dòng niên đại này, còn thấy cỡ chữ của chúng khác nhau, khoảng cách giữa chữ trên và chữ dưới không đồng đều, chữ của cả dòng lấn sang diện tích của hàng chữ bên trái, cả dòng chữ bị xiêu vẹo...

     Xét về nội dung, đây là hai tấm bia nói về việc nhà Lê mở khoa thi Tiến sĩ vào năm 1502 và 1518, khoa trước lấy đỗ 61 người, khoa sau lấy đỗ 17 người, tổng cộng 78 người. Về sau tuy có một số người đỗ đạt ở hai khoa này, như Nguyễn Văn Thái(3), Nguyễn Đốc(4), Ngô Miễn Thiệu(5)... ra làm quan với nhà Mạc, song tuyệt đại bộ phận trong số họ vẫn trung thành với nhà Lê ra cộng tác với triều Mạc. Hơn nữa, việc một số Tiến sĩ của triều Lê ra cộng tác với triều Mạc và ngược lại, cũng có một số Tiến sĩ của triều Mạc ra cộng tác với triều Lê, là xu thế chung của tầng lớp trí thức khoa bảng ở thế kỷ XVI. Do vậy hai tấm bia này chưa có gì đặc biệt khiến nhà Mạc phải quan tâm.

     Xét trong lịch sử, kể từ khi nhà Mạc giành được vương quyền từ tay nhà Lê vào năm 1527, cả hai triều Lê và Mạc luôn luôn có những cuộc xung đột với nhau. Theo nghiên cứu mới đây của TS. Đinh Khắc Thuân cho biết: “Trong những năm đồng thời tồn tại hai triều đình thù địch nhau, đã xảy ra 47 cuộc đương đầu giữa hai lực lượng quân đội của hai bên”(6). Trong số các cuộc giao tranh đó, phải kể đến trận đẫm máu ở sông Hoằng Hoá (Thanh Hoá) vào năm 1530. Quân đội nhà Lê “chém được hơn một vạn tên, xác [quân Mạc] chết gối lên nhau”(7). Với bối cảnh chiến tranh theo chiều hướng ngày một ác liệt, lợi thế thường thuộc về phía nhà Lê, nói nhà Mạc dựng bia cho nhà Lê cũng là điều khó đúng với thực tế lịch sử.

     Xét trong thư tịch, Lê Quý Đôn (1726 – 1784) là người ghi chép được nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc dựng bia của nhà Mạc. Trong Đại Việt thông sử, ông ghi sự việc ngày 6, tháng 5, niên hiệu Quang Hưng thứ 5 (1582), tức ngang với niên hiệu Diên Thành thứ 5 (1582), Đề điệu Quốc tử thiếu bảo Thao Quận công Trần Thì Thầm tâu với Mạc Mậu Hợp xin khắc bia Tiến sĩ của bản triều, vì trước đó mới chỉ có một khoa Minh Đức 3 (1529) được dựng bia, nhưng bị Mạc Mậu Hợp chối từ, cho rằng “hiện lúc này trong nước đang thời kỳ lắm việc”(8). Điều đáng chú ý là, trong lời tâu của Trần Thì Thầm nói rất rõ rằng: từ thời Đại Chính, Quảng Hoà đến Vĩnh Định, Cảnh Lịch vẫn chưa dựng được bia ghi tên người đỗ Tiến sĩ trong những niên hiệu đó.

     Như vậy, căn cứ vào đoạn tư liệu vừa dẫn, ta thấy ngay ở đương thời, tức cuối thế kỷ XVI, nhà Mạc mới chỉ dựng được một tấm bia của khoa thi đầu tiên (1529) thuộc bản triều, các khoa thi còn lại, chưa được dựng. Tư liệu cũng không đề cập gì đến việc khắc lại bia cho nhà Lê.

     Vậy nên hiểu thế nào về hai dòng niên đại nhà Mạc khắc trên hai tấm bia Đề danh Tiến sĩ của nhà Lê?

     Xét việc trùng tu Văn miếu Quốc Tử Giám ghi trong chính sử, chỉ tính từ thời Lê sơ đến những năm giữa thế kỷ XIX, đã có 6 lần, tổ chức vào các năm 1484, 1511, 1536, 1662, 1672 và 1863. Trong số này, cũng có sự tham gia của nhà Mạc, tiến hành vào năm Đại Chính thứ 7 (1536). Đây là lần trùng tu Văn miếu duy nhất của nhà nhà Mạc, nhưng thư tịch không ghi rõ công việc cụ thể đã làm trong đợt trùng tu ấy gồm những đầu việc gì. Khả năng nhân đợt trùng tu năm 1536, để khắc lại hai tấm bia cho nhà Lê, là khó xảy ra, vì nếu có, thì một trọng thần như Trần Thì Thầm người sống đương thời lẽ nào không biết? Các năm 1662 và 1672, tuy công việc trùng tu vẫn tiếp tục nhưng không thấy một nguồn tư liệu nào nói đến việc khắc lại bia Tiến sĩ. Khả năng tiếp theo, có lẽ vấn đề nằm ở đợt trùng tu năm 1863, ở lần này, nhân việc làm lại nhà bia. Bố chính sứ Hà Nội là Lê Hữu Thanh(9) cùng các cộng sự của ông cho khắc lại 12 tấm bia Đề danh Tiến sĩ của triều trước. Thực trạng các văn bia lúc ấy được ông cho biết: “Gió táp, mưa sa, cỏ lan rêu mọc, nét chữ mờ mòn, hơn 10 tấm để tản mát, phần lớn loang lổ, không thể đọc hết được... Tấm bia nào mờ mòn thì đối chiếu mà khắc lại” (10). Nhưng theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Thuý Nga, việc khắc lại bia “do nhiều người đảm nhận”, nên khá tuỳ tiện, thể hiện ở việc “cùng một bia, chỗ thì ghi địa danh đời Lê Trung Hưng, chỗ lại vẫn để địa danh thời Lê sơ”. Phải chăng trong tình trạng như thế, người thợ khắc chữ đã tuỳ tiện khắc thêm hai dòng niên đại của nhà Mạc lên trên hai tấm bia của nhà Lê? Họ làm như vậy, bởi có thể còn liên hệ đến sự kiện trùng tu Văn miếu của nhà Mạc tổ chức vào năm 1536, cho rằng công việc lúc bấy giờ cũng giống với công việc của họ đang tiến hành. Và sự tuỳ tiện này thể hiện rõ nhất ở mặt tự dạng, như ta đang thấy.

     Trên đây là một số điều lý giải về hai dòng niên đại của nhà Mạc khắc trên hai tấm bia của nhà Lê, xét từ nhiều góc độ. Lý do để chúng tôi đưa ra bàn bởi đây là hai tấm bia đã được khắc lại chứ không phải còn nguyên bản. Bia khắc lại thì nội dung tất sẽ bị chuyển dịch. Phải chăng đây chỉ là hai dòng chữ mới, do người khắc chữ ở đợt trùng tu Văn miếu năm 1863 tự ý tạo ra? Nguyên nhân là bởi ý thức chủ quan của họ? Chúng tôi cho rằng, với tư cách là một vương triều, sẽ không có việc nhà Mạc khắc lại bia cho nhà Lê. Nếu đây là sự thực, sẽ giải quyết được một khía cạnh về văn bản học, đồng thời xoá đi sự hiểu lầm từng tồn tại lâu nay đối với vương triều nhà Mạc. Đương nhiên, đây mới chỉ là giả thiết do chúng tôi đặt ra. Từ giả thiết đến sự thực cần phải được chứng minh bằng nhiều nguồn tài liệu khác. Đề xuất vấn đề này, chúng tôi không mong muốn gì hơn là để giới nghiên cứu rộng đường xem xét.

Chú thích:

(1)Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm số 2 năm 2002, tr 28 – 35.

(2)Xem: Đinh khắc Thuân, Văn bia thời Mạc. Nxb KHXH. H. 1996.

(3)Nguyễn Văn Thái: Sau đổi tên là Nguyễn Trí Thái, người xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo. TP. Hải Phòng. 24 tuổi đỗ Thám hoa Khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), được cử làm Phó sứ sang nhà Minh, thăng đến chức Học sĩ, tước Đạo Xuyên bá. Khi mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, ông bị ép thảo chiếu nhường ngôi. Làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước hầu. Ông đi sứ hai lần, nhưng lần thứ hai bị giữ lại, lấy vợ người Trung Quốc, sinh con là Ngạn Xán theo họ mẹ là họ Trương. Trương Ngạn Xán về sau cũng đỗ Tiến sĩ.

(4) Nguyên Đốc: Người xã Thổ Giá, huyện Nông Cống (Văn bia khắc lại, khắc nhầm thành huyện Nùng Cống), nay là thôn Thổ Vị, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502). Sau ông theo nhà Mạc, làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Khi mất, được tặng Lễ bộ Thượng thư.

(5) Ngô Miễn Thiệu: Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 20 tuổi đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518). Làm quan với nhà Mạc đến chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, chưởng Hàn lâm viện sự. Nhập thị kinh diên, tước Lý Khê bá.

(6) Đinh Khắc Thuân. Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia. Nxb KHXH, H 2001.., tr. 32.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb KHXH, H. 1993. T.3, tr.114.

(8) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch. Bộ Văn hoá giáo dục và thanh niên, Sài Gòn, 1973, tr. 274 – 276.

(9) Lê Hữu Thanh: Người xã Thượng Tầm, huyện Thanh Quan, tỉnh Nam Định, nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. 37 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Tân hợi, niên hiệu Tự Đức 4 (1851). Ông lĩnh trải nhiều chức quan khác nhau.

(10) Dẫn lại theo bản dịch của TS. Nguyễn Thuý Nga, sđd, tr 34.

Tài liệu tham khảo

1. Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ chủ biên, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi. Nxb. Văn học, H. 1993

2. Đỗ Văn Ninh, Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội. Nxb Văn hoá thông tin, H. 2002

3. Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện sử học, Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng. H. 1996.

4. Văn miếu Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ. PGS. TS Ngô Đức Thọ chủ biên, TS. Nguyễn Thuý Nga, TS. Trịnh Khắc Mạnh, NCV. Nguyễn Văn Nguyên. H. 2002

5. Vương triều Mạc (1527 1592). Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Sử học. Nxb KHXH. 1995.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.370-376

In
Lượt truy cập: