Nghiên cứu Hán Nôm >> Tổng mục lục
22. AN XÁ - CƠ XÁ - PHÚC XÁ lịch sử một tên làng gắn với lịch sử THĂNG LONG (TBHNH 2002)

Cập nhật lúc 14h50, ngày 03/04/2007

AN XÁ - CƠ XÁ - PHÚC XÁ
LỊCH SỬ MỘT TÊN LÀNG GẮN VỚI LỊCH SỬ THĂNG LONG

NGUYỄN XUÂN HOÀ

Tiến sĩ. Hội Ngôn ngữ học Hà Nội

NGUYỄN HỮU TƯỞNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

         Từ Hà Nội đi qua cầu Chương Dương rẽ trái theo đường đê, qua gầm cầu Long Biên thì tới xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đi thêm khoảng 1 km nữa, rẽ trái xuống phía bờ sông Hồng dăm chục mét là đến khu đình chùa thôn Bắc Biên, xã Ngọc Thụy. Cụm đình chùa này là nơi thờ tự chung của dân thôn Bắc Biên và dân bãi giữa Phúc Xá. Đình thờ thành hoàng là Lý Thường Kiệt gần đây đã bị dỡ bỏ do quá xuống cấp(1). Hiện chỉ còn ngôi chùa cổ An Xá 安 舍 được bảo tồn khá tốt. Năm 1980, thực hiện chủ trương giải phóng lòng sông, toàn bộ dân bãi Phúc Xá chuyển vào khu định cư phía trong đê thuộc xã Ngọc Thụy, lấy tên mới là thôn Trung Hà(2). Hiện tại dân hai thôn Bắc Biên và Trung Hà vẫn cùng quản lý và thờ tự khu đình chùa này.

         Trên gác chuông trước cửa chùa An Xá còn lưu giữ một quả chuông đồng với bài minh văn chữ Hán nhan đề An Xá tự chung 安舍寺鍾. Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2002 chúng tôi đã hai lần đến chùa An Xá làm thác bản, chụp ảnh quả chuông và tìm hiểu những thông tin thực địa có liên quan tới vấn đề chúng tôi quan tâm. Quả chuông cao 1m 20, đường kính đáy 0m 65, đường kính thân 0m 55, núm hình rồng rất đẹp. Trên bốn khuông lớn ở trên và bốn khuông nhỏ ở dưới xung quanh thân chuông, kể cả các rãnh phân chia các mặt chuông đều khắc kín chữ Hán. Ở bốn ô to phía trên khắc lại các lệnh chỉ của các triều vua Lê nhắc lại và bổ sung các ưu đãi đã có từ thời vua Lý Thái Tổ đối với dân bãi Phúc Xá, ta tạm gọi là bài minh văn 1; còn bài minh văn ở bốn ô vuông nhỏ phía dưới thì miêu tả cảnh đẹp của chùa và ca ngợi đạo Phật, ta tạm gọi là bài minh văn 2.

        Đọc tại chỗ và sau đó đọc lại thác bản, chúng tôi nhận thấy đây là một tư liệu lịch sử rất quý cần được khai thác. Nội dung minh văn trên bia cung cấp khá nhiều tư liệu lịch sử cho các nhà nghiên cứu. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới hai vấn đề qua tư liệu mà minh văn cung cấp: Một là lai lịch của làng cổ An Xá - Cơ Xá - Phúc Xá (安 舍 -機 舍 -福 舍) liên quan đến lịch sử Thăng Long. Hai là, quê hương Lý Thường Kiệt, người anh hùng dân tộc thống lãnh công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI.

         Trong lệnh dụ Vua ban ngày 22 tháng ba năm Thịnh Đức 2, tức năm Giáp Ngọ (1654) có đoạn viết:

Phiên âm:

         “... Thịnh Đức nhị niên tam nguyệt nhị thập nhị nhật lệnh dụ: sơ lập An Xá tự châu thổ san chung tự.

         Cẩn án vương chính chi bản, nhất khuê điền dĩ nguyên quân tử; Tam bảo thổ dĩ cung Phật tự. Thiết kế An Xá tự: danh lam cổ tích. Thực ấp Thăng Long ngạch tại nội điện, chuẩn cư trung giang thị Cơ Xá châu. Khâm phụng Lý triều Thái tổ lập đô dĩ lai, ngự chỉ chuẩn tại giang trung, dân vô cốc điền, dĩ tàm tang vi nghiệp. Tái đệ tiến quan biểu, hệ đệ niên tịnh vô tang căn tân độ thuế ngạch tịnh bồi trúc trúc lập đê lộ cập binh phân hộ phân tân độ sưu sai các dịch chuẩn nhiêu trừ nguyên thổ dĩ lập đế điện, tái dĩ cung Phật tự sở.

         Hạnh thiên tâm quyến hựu, tổ địa đốc sinh Ngô Quảng Châu thị bồi duy ác chi trung, cẩn tấu phục khâm sắc chỉ hệ tu chí ký chư đông tây nam bắc ý như điền bạ tịnh vô thuế lệ, dĩ vi vạn thế bản châu chi cơ nghiệp. Thị tổ địa Trung thư giám Trung thư xá nhân, Đình uý sứ, Quảng Châu hầu phong tứ quốc quốc tính Lý Thường Kiệt, thụy Quảng Châu phủ quân, đệ niên phúc điền dĩ vi tổ địa lập dã. Tích ngã Đại Việt tự Lý triều lập đô, lịch chí Lê triều Thái Tổ ngự chỉ chuẩn trừ bản châu các dịch như nguyên tiền lệ...

Dịch nghĩa:

         “... Theo lệnh dụ ngày 22 tháng 3 năm Thịnh Đức 2 dựng lại chùa An Xá và khắc bài văn chuông.

         Kính xét: gốc của nền vương chính phải thống nhất ruộng đất để giữ cội nguồn cho muôn dân; Ruộng tam bảo để cúng dâng đức Phật. Trộm nghĩ, chùa An Xá là một danh lam cổ tích. Ấp ta xưa nằm tại khu xây dựng nội điện thành Thăng Long nên vua Lý Thái tổ dời ấp để lấy chỗ xây dựng kinh đô đến nay, vì dân ở bãi giữa sông không có ruộng cấy cày chỉ sống dựa vào nghề trồng dâu nuôi tằm nên vua chuẩn cho được miễn trừ mọi khoản thuế khoá, thuế đò cùng các sưu sai đóng góp việc đắp đê, làm đường, việc quân, việc dân để bù vào phần đất để nhường lại để xây dựng cung điện nhà vua, và hương khói cho chùa.

         May mà lòng trời thương đến, đất quê xưa sinh ra ngài Ngô Quảng Châu theo hầu việc quân, đã kính xin vua ban sắc chỉ định rõ địa giới đông tây nam bắc đất mới theo địa bạ và không phải đóng góp các khoản thuế má, ổn định cơ nghiệp muôn đời đất bãi quê ta. Đất quê ta được ban làm phúc điền hàng năm thờ phụng quan Trung thư Xá nhân Trung thư giám, Đình úy sứ, Quảng Châu hầu được ban quốc tính Lý Thường Kiệt. Từ khi triều Lý lập kinh đô đến thời vua Lê Thái Tổ đều có sắc chỉ chuẩn cho miễn trừ mọi khoản đóng góp theo như lệ trước...”.

         Qua đoạn văn trên ta thấy hai ý quan trọng:

         1a. Năm Thịnh Đức 2 (1654), vua ra lệnh dụ dựng lại chùa An Xá và cho khắc bài văn chuông. Có lẽ đây cũng là năm đúc chuông.

         1b. Làng cổ Phúc Xá vốn trước đó là làng An Xá ở trong khu nội điện thành Đại La. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, dân làng đã vâng mệnh vua rời làng ra bãi sông Hồng nhường lại đất làng để vua xây dựng kinh đô nên dân làng được vua cho miễn trừ mọi khoản thuế khoá, sưu sai. Tên An Xá của chùa hiện nay đã giữ nguyên tên làng cổ trong kinh thành Thăng Long. Về lịch sử tên làng An Xá - Cơ Xá - Phúc Xá, chúng tôi lại tìm được một tư liệu khá thú vị. Trong lời tựa quyển gia phả họ Lê quê gốc tại Phúc Xá được biên soạn lại năm Tự Đức 28 (1875) có đoạn viết:

         “... Nhà có phả cũng như nước có sử vậy. Làng ta nguyên ở đất Thăng Long (ở phả cũ, đoạn chép về việc này đã bị rách nát), vốn thuộc làng An Xá, tổng Tam Bảo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây. (Có thuyết nói ở vào chỗ chùa Một Cột phía cửa Tây). Lý Thái Tổ dời làng ra ở bãi giữa sông.

        Thời nhà Lý có con trâu rất lớn không biết lạc đi đâu mất. Vua sai sứ đi tìm thì thấy ở khu chùa làng ta. Vì vậy vua đổi tên chùa thành chùa Súc Sinh(3), sau lại đổi thành chùa Phúc Sinh. Lúc đó có con chó sinh được 8 con, ứng với tám đời vua Lý. Nay điện Kính Thiên ở vào chỗ đền thờ của làng. Từ khi dời ra bãi sông, vua cho dân đất ở, trên từ Quỳnh Giao (nay là Phú Gia, Phú Xá), dưới xuống đến Đống Mạc, (nay là Ông Mạc). Trong ngoài đều sát chân đê. Các bến đò trên dưới dọc theo đê đều cho thu tiền để phụng thờ đền thờ thần. (Tới nay trong thể lệ thờ thần vẫn chuẩn cho thu tiền đò để chi dùng. Xem thêm trong hương ước). Nhà Hậu Lê cũng đóng đô ở đây. Đến thời vua Quang Trung cướp ngôi mới phá chùa này làm nhà ngục. Làng từ khi ra ở bãi sông hàng năm thường bị lũ lụt. Một hôm vua Lý Thần Tôn hoàng đế (1128-1132) cưỡi thuyền rồng đi ngắm cảnh nơi đây thấy các nhà trong dân đều làm sàn để ở nên lấy chữ Cơ () đặt tên cho. Tên Cơ Xá bắt đầu có từ đây. Về sau hương ước, gia phả đều chép theo...(4)

         Như vậy làng An Xá dời ra bãi sông sau hơn 100 năm mới đổi làm Cơ Xá. Tên Phúc Xá có lẽ liên quan đến tên chùa Phúc Sinh. Từ Cơ Xá đổi sang Phúc Xá khi nào thì hiện chúng tôi chưa có tư liệu tìm hiểu. Còn mối liên quan giữa thôn Bắc Biên, nơi toạ lạc chùa An Xá hiện nay, với Phúc Xá như thế nào hiện chưa có tư liệu làm rõ. Phải chăng làng Bắc Biên cũng chính do những người dân An Xá vượt sông dựng lên và tên Bắc Biên (bãi bờ bắc sông) để phân biệt với bãi bờ nam sông vốn dân cùng gốc làng An Xá?

         2 - Đất An Xá (làng cổ trong thành Đại La, nay là khu quanh chùa Một Cột) chính là quê xưa của Lý Thường Kiệt. Tên chính của ông là Ngô Quảng Châu, còn Lý Thường Kiệt là họ tên được vua ban cho sau khi đã lập công lớn đại phá quân xâm lược Tống. Nhà vua đã lấy chính tên ông để phong tước hầu cho ông: Quảng Châu hầu. Ông chính là người xin vua định ra địa giới của bãi Phúc Xá, cùng những ưu đãi về thuế khoá binh dịch cho Phúc Xá. Việc dân làng thờ ông làm thành hoàng là dựa trên cơ sở ông là người cùng quê, có công lớn với đất nước nhưng cũng có công lớn với riêng dân làng(5).

         Như vậy cái tên của một làng An Xá - Cơ Xá - Phúc Xá không chỉ đơn thuần là một địa danh mà nó gắn liền với lịch sử Thủ Đô, lịch sử đất nước. Vào dịp khác chúng tôi sẽ công bố toàn văn minh văn chuông chùa An Xá.

Chú thích:

(1) Hiện việc thờ phụng, lễ hội của đình tạm thời tiến hành tại hội trường thôn được xây dựng ngay trong khuôn viên đình. Chính quyền và nhân dân địa phương đang có kế hoạch xây dựng lại ngôi đình.

(2) Trung Hà là tên phụ của bãi Phúc Xá. Theo chúng tôi nên khôi phục lại tên Phúc Xá cho khu định cư để giữ lại một giá trị lịch sử của địa phương nói riêng và Hà Nội nói chung.

(3)Súc sinh nghĩa là nuôi dưỡng sinh linh.

(4) Bản chính quyển gia phả hiện lưu giữ tại nhà ông Lê Đôn Tá, phố Hàng Than, Hà Nội. Năm Minh Mệnh 21 (1840), chi này rời bãi Phúc Xá về thôn An Thuận, nay trở thành một chi họ Lê ở nội thành Hà Nội.

(5) Về vấn đề này xin xem thêm:

- Trần Văn Giàu. Văn hoá Thăng Long thời đại Lý Trần. Trong sách: Hà Nội những vấn đề ngôn ngữ văn hoá. VHTT, Hà Nội, 2001, tr 9-33.

- Lê Văn Lan. Về lai lịch một người Thăng Long gốc: Lý Thường Kiệt. Tập san Thăng Long Hà Nội ngàn năm, số 7, 5-2002, tr 35-36.

- Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh.

Đại cương lịch sử Việt Nam. Tập I, Giáo dục, Hà Nội, 2002, 488 tr.

- Nguyễn Văn Thành. Chuông chùa An Xá đúc năm Canh Ngọ (1690) liên quan đến quê hương Lý Thường Kiệt. T/c Nghiên cứu lịch sử, số 3 (262) – 1992, tr. 87-88 và 90.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.196-201

In
Lượt truy cập: