Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2002
21.Hệ thống gia phả ở làng ĐÔNG NGẠC (TBHNH 2002)

Cập nhật lúc 14h58, ngày 03/04/2007

HỆ THỐNG GIA PHẢ Ở LÀNG ĐÔNG NGẠC

CHU THỊ HIỀN

Khoa Lịch sử, Đại học KHXH NV Hà Nội

         Làng Đông Ngạc (tục gọi là làng Vẽ) thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đây là một làng cổ nằm ven sông nổi tiếng về truyền thống khoa bảng. Qua nhiều thế kỷ, đến nay làng vẫn bảo lưu được một hệ thống các di tích văn hoá, với nguồn tư liệu Hán Nôm quý, đặc biệt là trữ lượng gia phả của các dòng họ trong làng.

         Ngoài 26 cuốn gia phả của các dòng họ làng Đông Ngạc đang được lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (theo Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, xuất bản năm 1993), tại làng còn có 26 cuốn gia phả khác, gồm 20 cuốn viết bằng chữ Hán và 6 cuốn viết bằng chữ Quốc ngữ mới được biên chép, bổ sung. Ở đây, tôi chỉ giới thiệu các bản chữ Hán, gồm:

         - 10 bản được các dòng họ lưu tại làng từ lâu.

         - 10 bản được các cụ sao chép tại Thư viện Viện NCHN là: Phạm thị gia phả (ký hiệu A.1833); Phạm thị thế hệ (A.2020); Trùng đính Phan thị gia phả (A.1768); Phan tộc gia phả (A.1373); Phan tộc thế phả (A.1766); Phan gia thực lục (A.1221); Nguyễn tộc thế phả thực lục (A.1434); Đông Ngạc Nguyễn tộc thế phả (A.652); Nguyễn thị thế phả thực lục (A.2258); Trần tộc gia phả (A.795).

         Từ nghiên cứu các bản gia phả trên đây, xin đưa ra một số nhận xét:

         1. Chia các cuốn gia phả theo dòng họ thì có nhiều gia phả nhất là họ Phan (8 cuốn), tiếp đến là các họ: Nguyễn (5 cuốn), Phạm (5 cuốn), các họ Đỗ, Trần mỗi họ có 1 cuốn.

         2. Chia theo thời gian biên soạn thì có: 1 cuốn được biên soạn ở thế kỷ XVI; 2 cuốn thế kỷ XVII; 5 cuốn thế kỷ XVIII; 11 cuốn thế kỷ XIX; 1 cuốn viết hồi đầu thế kỷ XX.

         Cuốn được biên soạn sớm nhất là Trần tộc gia phả, soạn năm đầu niên hiệu Nguyên Hoà đời vua Lê Trang Tông (1533), gồm 166 trang, chép từ Sơ tổ Trần Đức Thụ đến đời thứ 10 là Trần Văn Kính, có một số bài văn tế. Theo Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, đây là cuốn gia phả duy nhất được biên soạn vào thế kỷ XVI(1).

         Cuốn gia phả được biên soạn muộn nhất là Phan tộc thế kỷ, được chép năm 1925, gồm 40 trang, chữ viết chân phương, chép từ đời thứ nhất đến đời 14 của họ Phan.

         3 – Về độ dày của các cuốn gia phả: có 9 cuốn dày dưới 100 trang; 6 cuốn từ 100 đến 200 tr; có những cuốn khá dày như Tộc phả họ Phạm (511 tr), Phạm thị thế hệ (386 tr), Nguyễn tộc thế phả thực lục (358 tr) và Đông Ngạc Phạm tộc phả (285 tr). Cuốn mỏng nhất chỉ có 19 trang là Phan thị gia phả.

         Nguyễn tộc thế phả thực lục: soạn từ năm Minh Mệnh 14 đến năm 18 (1833-1837), ghi chép về tiểu sử, phần mộ, thế thứ của từng người các chi phái; nhà thờ, ruộng cúng giỗ của dòng họ... Cuốn phả còn cho biết họ này trước là họ Đào, dòng dõi Đào tướng công (không rõ tên), đỗ Tiến sĩ triều Lê, vì gia biến di cư đến Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, sau lại tới sinh sống ở Đông Ngạc.

         Phan thị gia phả: chép từ đời thứ nhất đến đời thứ 11, cụ tổ là Nguyễn Quang Bị thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Bảo đời Mạc Đăng Doanh (1538), làm quan đến chức Tham chính, tước Văn hội bá. Ngoài ra còn các bài văn khấn trong các ngày kị, Trùng cửu (9/9), Nghinh tân (đón năm mới), Tống thời khí (đưa tiễn thời khí), Bài thơ định giờ hoàng đạo...

         4 – Về soạn giả: trong 20 cuốn gia phả, chỉ có 10 cuốn ghi tên người biên soạn. Dưới đây là những thông tin cơ bản về soạn giả của các cuốn phả đó.

STT

Họ tên

Năm sinh mất

Chức quan

Tuổi viết gia phả

Học vị

Họ Phan

1

Lê Phiên

1734 - 1809

Tham tụng

46

Tiến sĩ

2

Bá Ngạn

1795 - 1837

Tri huyện

34

Cử nhân

3

Huy Cầu

1710 - ?

Thị nội

50

Hương cống

4

Sĩ Ngân

1717 - 1794

Chánh sứ

58

 

5

Phan Tại

1894 - 1940

không

31

 

Họ Phạm

6

Phúc Cơ

?

Lễ bộ Tả thị lang

?

Hương cống

7

Khắc Gia

1739 - 1810

Hiến sát Phó sứ

56

Hương cống

Họ Nguyễn

8

Thời Mẫn

1781 - 1838

Tham hiệp

52

 

9

Quốc Cung

1771 - 1835

?

45

Tam trường thi Hội

10

Quang Phố

1618 - 1682

Tri huyện

54

Hương cống

         Qua bảng thống kê cho thấy:

         Chỉ có 2 người ở độ tuổi dưới 35, còn 7 người ở độ tuổi 40 trở lên, trong đó có 3 người ở tuổi 40-50 tuổi, 4 người ở tuổi 50-60. Cắt nghĩa cho điều này, phải chăng ở tuổi từ 40 trở lên là tuổi bắt đầu chín – như người xưa đã tổng kết “Tứ thập nhi bất hoặc”. Thêm nữa, đây là tuổi đã thành đạt. Những người biên soạn gia phả (9/10) là những người đỗ đạt, chí ít cũng là Hương cống, cao là Tiến sĩ. Sau khi thi đỗ, họ được đảm nhận các chức trách khác nhau, trong đó người giữ chức vụ cao nhất là Phan Lê Phiên: làm Tham tụng (Tể tướng), tước Tứ Xuyên hầu; hoặc Phúc Cơ là Lễ bộ Tả thị lang; Sĩ Ngân là Thừa tuyên Chánh sứ... Họ có điều kiện về vật chất, thì giờ và các mối quan hệ xã hội để biến cái Tâm ghi lại lịch sử dòng họ nhằm khuyến khích các thế hệ cháu con thành hiện thực.

         - Hầu hết các soạn giả đều có học vị cao. Đây là điều kiện quan trọng để họ soạn thảo gia phả tương đối chính xác.

         5 – Về giá trị của các cuốn gia phả:

         + Trước hết các cuốn gia phả cho biết lai lịch các dòng họ:

         Theo tộc phả các dòng họ Đỗ, Nguyễn, Phạm, Phan thì tổ của 4 dòng họ này đến Đông Ngạc cùng một khoảng thời gian, khoảng cuối thời Trần.

         Họ Phạm, nguồn gốc ở Ái Châu (tức Thanh Hoá), trong cuốn Phạm thị gia phả do cụ Hương cống Phạm Phúc Cơ (chi Giáp - đời 7) có viết: Ngã hệ xuất Ái Châu, tính tòng Phạm phái, huynh đệ tam nhân, các cư nhất phương, nhất cư Đôn Thư, nhất cư Bát Tràng, nhất cư Đông Ngạc xã. (nghĩa là: dòng dõi nhà ta ra đi từ Ái Châu, họ theo phái Phạm, có ba anh em, mỗi người ở một phương, 1 người ở xã Đôn Thư, 1 người ở xã Bát Tràng, 1 người ở xã Đông Ngạc...)

         Căn cứ vào tộc phả họ Phan cho biết, Phan Phu Tiên là cháu đời thứ 13 cụ Thượng thế tổ Phan Hách, phát tích tại ấp Đơn Hộ, xã Đơn Chế, phủ Hà Ba, Thừa Thiên, Thanh Hoá, vào khoảng cuối thế kỷ XV, cụ Phan Phu Tiên đến sinh cơ lập nghiệp tại làng Đông Ngạc. Cụ đỗ đại khoa triều Trần, đời Trần Thuận Tông năm 1396 và triều Lê, đời Lê Thái Tổ năm 1429.

         Họ Nguyễn vốn xuất phát từ Nghệ An, tộc phả họ Nguyễn còn ghi việc thuỷ tổ họ Phạm là Phạm Húng có quan hệ thông gia với cụ Nguyễn Phúc Nguyên – thuỷ tổ họ Nguyễn gốc của làng Đông Ngạc (Đông Nguyễn).

         + Gia phả các dòng họ phản ánh truyền thống khoa bảng của làng Đông Ngạc:

         Làng Vẽ từ xưa vốn nổi danh là đất văn học, có nhiều người đỗ đạt làm quan (ngạn ngữ có câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”). Trong 4 họ gốc ở làng (họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Phan) thì thành đạt nhất là họ Phạm có 9 Tiến sĩ, trong đó thời Lê có 1 Bảng nhãn, 1 Hoàng giáp, 5 Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, thời Nguyễn có 2 Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngoài ra còn 2 Sĩ vọng, khoảng 50 Hương cống, Cử nhân. Đặc biệt có một gia đình với 7 người đỗ Tiến sĩ, người đỗ cao nhất làng là cụ Phạm Quang Trạch (đời thứ 8) đỗ Bảng nhãn khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà 4 (1683); cụ là cháu viễn cụ Lân Đính, chắt ruột cụ Thọ Chỉ, cháu (gọi bằng bác) cụ Hiển Danh – ba cụ đều đỗ Tiến sĩ; cụ lại là chú ruột các ông Quang Hoàn, Quang Dung và bố ông Gia Ninh, sau đều đỗ Tiến sĩ. Từ 2 đến 4 anh em chú cháu đỗ Hương cống cùng khoa như: khoa Giáp Ngọ (1714) có 3 anh em: Phạm Gia Vũ (Ất nhị 2 - đời 9), Phạm Gia Thẩm (Ất nhị 2 - đời 9), Phạm Công Vận (Ất nhị 3 - đời 9)...

         Họ Phan với cụ Phan Phu Tiên là người khai khoa làng Đông Ngạc. Tiếp bước cụ có các Tiến sĩ: Phan Công Phúc (1685), Phan Trọng Phiên (1757) làm quan đến chức Thượng thư, Tham tụng (Tể tướng), cùng khoảng 17 Hương cống, Cử nhân, 50 Sinh đồ, Tú tài...

         Họ Nguyễn cũng có nhiều con cháu mang vinh dự cho mảnh đất này. Khai khoa cho tộc Nguyễn làng Đông Ngạc là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thạc đỗ khoa Kỷ Hợi (1779). Trải qua các khoa thi dưới các triều đại phong kiến, tộc Nguyễn có 1 vị đỗ Tiến sĩ, 30 Cử nhân và gần 40 Tú tài.

Với một làng, đến đầu thế kỷ này mới có trên 3700 dân mà trong vòng 500 năm (1583-1900) đã có trên 400 người đỗ đạt, dòng họ nào cũng có người đỗ đại khoa, cho thấy Đông Ngạc xứng đáng là một làng văn hiến.

         + Các gia phả còn cho biết hành trạng, công tích của các danh nhân khoa bảng làng Đông Ngạc: Qua ghi chép trong các bản gia phả cho thấy, điều đáng trân trọng của những con người học giỏi, đỗ cao của làng quê này không phải vì họ có chức tước cao trong triều chính, mà ở chỗ họ có nhiều đóng góp to lớn đối với nền văn hoá của đất nước cũng như quê hương.

         - Đối với đất nước:

         Khởi đầu với Phan Phu Tiên, cụ đã nối bút nhà Sử học Lê Văn Hưu soạn tiếp Đại Việt sử ký toàn thư, là người đầu tiên thu thập thơ ca Lý, Trần, Lê soạn thành sách Việt âm thi tập, ghi chép 392 vị thuốc nam thành sách Bản thảo thực vật toát yếu. Cụ còn làm Tế tửu Quốc tử giám – nơi đào tạo nhiều nhân tài khoa bảng. Với những đóng góp đó, Phan Phu Tiên là một danh nhân văn hoá nổi tiếng thời Trần – Lê.

         Kế thừa truyền thống, nhiều người đã sáng tác thơ phú, câu đối và sưu tầm những sáng tác dân gian, để lại hàng chục tập thơ, phú có giá trị về văn học như 4 tập Càn nguyên thi tập gồm hơn 200 bài thơ thời Lê Mạt do Tiến sĩ Phan Lê Phiên sưu tầm; Tiến sĩ Nguyễn Đình Thạc có tập Thi gia thanh ứng... Cùng những đóng góp về văn học là những tài liệu về sử học rất có giá trị về lịch sử bang giao giữa nước ta và Ai Lao (Lào), về những người đỗ đạt của Đại Việt... Nam Chưởng kỷ lược của Bảng nhãn Phạm Quang Trạch; Đại Việt lịch triều đăng khoa lục – gồm 4 quyển, liệt kê danh sách những người đỗ đại khoa, Thái học sinh, Minh kinh, Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa... theo thứ tự các khoa mở từ năm 1075 đến 1787, do Tiến sĩ Phan Lê Phiên soạn cùng với một số tác giả khác... Đó là những di sản văn hoá dân tộc mà những người con đất học Đông Ngạc để lại.

         Một người khác có công với nước, với làng là Tiến sĩ Phạm Công Dung. Năm 1732, ông phụng mệnh làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang vua Lê Dụ Tông và xin sắc phong vua mới, được vua Thanh ban thưởng. Có đôi câu đối thờ ông nói về việc đó:

          Phủ phất lịch triều, kinh văn vĩ vũ, quang tiền hậu

            Khanh tướng lưỡng quốc, nghĩa phủ trung can, chấn sóc nam.

Tạm dịch:

Áo lễ một triều, văn vũ dọc ngang, sáng loà sau trước

Tiếng vang hai nước, lòng gan trung nghĩa, vang dậy Bắc Nam.

         Tiến sĩ Phạm Công Hoàn khi làm quan ở Thừa chánh sứ Sơn Nam đã lấy tiền riêng để làm một cây cầu ở xã Cầu Tu, huyện Đông An để chấm dứt việc đánh nhau đổ máu để tranh chiếm đất đai của dân trong xã...

         - Đối với dân làng:

         Họ Đỗ, có Đỗ Thế Giai được phong tước vương từ khi còn sống. Con là Đỗ Thế Dận cũng đỗ Tạo sĩ năm 1763. Đỗ Thế Giai khi được ban lộc điền đã miễn thuế ấy cho cả làng và hiến cho làng 73 mẫu ruộng là ruộng thờ cúng. Khi ông mất, dân làng đã dựng miếu thờ phụng.

         Cụ Phạm Thọ Lý đã hiến cho làng khu đất ở đầu xóm ngõ Ngác để dựng đình, khi có thầy địa lý khen ngôi đất ấy đẹp nhất làng. Nhớ ơn cụ dân làng đã thờ cụ ở gian giữa nhà tả mạc, hiện nay ở đó vẫn còn treo đôi câu đối:

Miếu mạo cố chiêm, nhất ấp tụ ca đồng tẩu cộng

Giản mao chi tiến, ức niên hưởng tự địa thiên trường.

Tạm dịch:

     Trông lại miếu đình, già trẻ một làng cùng ca ngợi

     Tiến dâng lễ mọn, đất trời muôn thuở mãi phụng thờ.(2)

         Tiến sĩ Phạm Công Dung đã cống hiến toàn bộ số gỗ quý, gạch ngói để xây đình. Khi đi sứ Tàu về, cụ mua 3 bộ áo chầu long cổn và hai đôi quạt vuông bằng gấm thêu rất đẹp để dâng cúng ba vị tôn thần, đến nay vẫn còn lưu giữ ở đình...

         Cụ Nguyễn Thời Ngạn đã cùng anh vợ là Phạm Kỳ, đồng tâm tạo lập Bản hương ước sách điều biệt để căn cứ vào đó mà xét việc, được dân làng kính phục tôn là “Hương tiên sinh”.

         Cụ Nguyễn Phúc Ninh, giữ chức Trung thư xá nhân toà Trung thư giám, đã cống hiến toàn bộ gia tư điền sản để dựng chùa Tư Khánh vào khoảng thế kỷ XVI.

         + Các bản gia phả còn chứa đựng nhiều tư liệu quý về lịch sử và dân tộc học làng Đông Ngạc như cơ cấu tổ chức làng xã, ruộng đất, thừa kế, đặc biệt là quan hệ hôn nhân theo hướng môn đăng hộ đối giữa các dòng họ khoa bảng. Qua gia phả của họ Phạm, họ Đông Nguyễn cho thấy, các dòng họ này đã có nhiều đời với vài chục trường hợp thiết lập quan hệ thông gia với các dòng họ có thế lực ở trong vùng.

         Theo tộc phả họ Đông Nguyễn, cụ Nguyễn Thời Ngạn, Kim tử vinh lộc đại phu Thượng trụ quốc, Trung thư xá nhân, Phó uý (con trai của Nguyễn Phúc Nguyên – Hương trùm quan), lấy bà Phạm Thị Đoan (con gái Hương lão xã Phạm Húng). Con gái Nguyễn Thời Ngạn là Nguyễn Thị Thiện là con dâu Tiến sĩ Phan Phu Tiên. Nguyễn Bang Chinh (1473-1563), cháu nội cụ Nguyễn Thời Ngạn, đỗ Thư toán, làm tới chức Thông chính Phó sứ thông gia với cụ Tri phủ Phạm Gia Khoản, người làng.

         Tộc phả họ Phạm chép Bảng nhãn Phạm Quang Trạch lấy bà Nguyễn Thị Ái là con gái Thượng thư Mai quận công Nguyễn Viết Thứ làng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng. Đến lượt con Quang Trạch là Gia Ninh làm con rể Tham tụng Hộ bộ Thượng thư Nguyễn Huy Nhuận (xã Phú Thị, Gia Lâm). Một con trai khác của Quang Trạch là Gia Thẩm làm con rể quan Hình bộ Lang trung Nguyễn Quý Hành, làng Thiên Mỗ (tức Đại Mỗ). Gia Ninh (bố Gia Huệ) lại thông gia với Tiến sĩ Ngô Đình Oánh, Binh bộ Thượng thư, ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Gia Huệ lại cho con trai là Gia Điển làm rể Thủ đề đốc Đỗ Thế Dận (con trai Đại vương Đỗ Thế Giai), người làng. Gia Kỷ là con trai thứ ba Gia Điền lại làm rể quan Lễ bộ Thượng thư Phan Huy Ích, làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh. Và còn rất nhiều ví dụ tương tự ở hầu hết các dòng họ có người đỗ đạt của làng Đông Ngạc.

         Đây có thể coi là một trong những nhân tố giúp cho người làng Đông Ngạc học hành thành đạt. Bởi họ đã thiết lập được một quan hệ chính trị – xã hội – huyết thống thông qua các cuộc hôn nhân, tạo ra những con người thông minh, đủ tư chất để kế nối được dòng dõi của mình, tạo thêm những điều kiện vật chất thuận lợi để cho con em ăn học.

         Tóm lại, nguồn gia phả trên đây là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu không chỉ về các dòng họ này mà còn về lịch sử làng Đông Ngạc và nhiều vấn đề của lịch sử đất nước qua các thời kỳ mà người làng Đông Ngạc, nhất là các vị danh nhân khoa bảng là chứng nhân lịch sử. Đây chỉ là những suy nghĩ bước đầu của tôi khi tiếp cận với nguồn gia phả này. Hi vọng sẽ có dịp đi sâu nghiên cứu.

Chú thích:

(1) Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993.

(2)Do ông Phạm Quang Đại dịch.

 

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.186-195

In
Lượt truy cập: