Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> Y >> Nguyễn Hoàng Yến
82. Giới thiệu bản Ngọc phả của xã Tiêu Xá, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (TBHNH 2003)

Cập nhật lúc 21h25, ngày 04/04/2007

GIỚI THIỆU BẢN NGỌC PHẢ CỦA XÃ TIÊU XÁ,
HUYỆN GIA BÌNH, TỈNH BẮC NINH

NGUYỄN HOÀNG YẾN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong một lần về thăm quê ở thôn Tiêu Xá, xã Gia Lương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tôi được các cụ ở quê cho xem bản ngọc phả của làng. Đây là những thôn làng cổ, sống thuần nông và hiện nay xã Gia Lương có ba thôn là thôn Tiêu, thôn Tràng và thôn Tía. Thôn Tiêu nằm ngay chân núi Thiên Thai, bên cạnh sông Tương.

Cuốn ngọc phả này được một gia đình trong thôn lưu giữ, nhưng do thời gian đã lâu nên cuốn sách không còn nguyên vẹn, có đôi chỗ đã bị rách nát. Cuốn ngọc phả được viết bằng chữ Hán, 13 tờ, khổ 24,5cmx14cm, chữ viết chân phương trên nền giấy dó có nền màu vàng xám, đã ố.

Mở đầu cuốn ngọc phả giới thiệu về các thần được thờ, đó là ba anh em Thái Bảo, Hoàng Bảo và Hắc Đế đại vương thời Đinh. Tiếp đó là bài thơ thất ngôn bát cú ca ngợi công lao các thần.

Từ tờ 1 đến tờ 10, ngọc phả nói về lai lịch và hành trạng của 3 vị đại vương, từ lúc các ngài sinh ra cho đến khi các ngài hóa.

Phần cuối của cuốn thần tích nói về sắc phong thần, các ngày giỗ của cha mẹ thánh, các ngày thánh sinh thánh hoá, các lễ tiết khi thờ cúng và các từ kiêng huý, chia ra ba thôn (Tiêu, Tràng, Tía) thờ ba đại vương. Người anh cả thờ đền thượng, ông thứ hai thờ ở đền trung và ông thứ ba được thờ ở đền hạ.

Ở tờ 12 có ghi các dòng niên đại:

- Hồng Phúc nguyên niên chính nguyệt sơ thập nhật

Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn.

(Mồng 10 tháng giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (1572)

Thần Nguyễn Bính, Đông các Đại học sĩ Hàn lâm viện phụng soạn

- Hoàng triều Vĩnh Hựu ngũ niên tam nguyệt sơ cát nhật Quản giám bách thần Tri điện hùng lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tuân y tiền triệu cựu bản phụng tả (Ngày tốt tháng 3 Hoàng triều năm Vĩnh Hựu 5 (1739), thần Nguyễn Hiền là Quản giám bách thần Tri điện hùng lĩnh thiếu khanh tuân theo bản cũ của tiền triều phụng chép.

- Hoàng triều Tự Đức lục niên (Hoàng triều Tự Đức thứ6 [1853]).

Và tờ 13 có dòng ghi: Bản xã yêm một thánh tích tự Trần thời chí tư bản xã lai tầm đắc kỳ cựu tích ư Sơn Tây tỉnh, Vĩnh Tường phủ, Bạch Hạc huyện, Cao Xá tổng, Bằng Đắng thôn Công bộ Thượng thư lưu lai thánh tích khán đắc nghênh hồi bản xã. (Bản xã bị lụt nên mất thánh tích từ thời Trần, đến nay bản xã tìm được tích cũ này ở thôn Bằng Đắng, tổng Cao Xá, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây do Thượng thư bộ Công giữ lại được thánh tích, xem đúng và rước về bản xã). Điều này có thể lý giải được vì vùng đất này tương đối thấp nên những năm trước vẫn thường xảy ra lụt lội nên việc cuốn ngọc phả bị mất là điều có thể hiểu được.

Như vậy, chúng ta thấy bản ngọc phả này có niên đại từ khá sớm (năm 1572) và đã trải qua nhiều lần sao chép, lần sao chép cuối cùng được ghi lại là vào năm Tự Đức 6 (1853). Và bản ngọc phả này cũng ghi rõ rằng do xã này bị lụt nên thánh tích bị mất, sau đó tìm được một bản ngọc phả khác ở tỉnh Sơn Tây và được rước về xã.

Sau đó chúng tôi tìm trong cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, phần Bổ di I thì có cuốn Bắc Ninh tỉnh, Gia Bình huyện các xã thần tích, 1 bản viết, 292 trang, khổ 31x21cm, chữ Hán, ký hiệu AE a7/10. Xã Tiêu Xá: 3 trang, do Nguyễn Bính soạn năm 1572, về sự tích Đô công (Thái Bảo đại vương), Chất công (Hoàng Bảo đại vương) và Đinh công (Hắc Đế đại vương) thời Đinh Tiên Hoàng(1).

Có một điều đặc biệt ở cuốn ngọc phả này là ở chỗ cuốn ngọc phả không chỉ có 1 bản bằng chữ Hán mà nó còn có 1 bản bằng chữ Nôm mà trong thư mục thần tích của cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, phần Bổ di I không có. Và đây cũng là một điều may mắn cho người đọc, bởi vì cuốn ngọc phả bằng chữ Hán do bị rách nát nên có một số chữ Hán bị mất thì ở bản ngọc phả chữ Nôm có thể bổ sung cho chỗ thiếu này.

Cuốn ngọc phả bằng chữ Nôm có 9 tờ, chữ viết theo lối hành thảo, tương đối khó đọc, được viết trên nền giấy dó, ngả vàng xám, bị ố và có một số chỗ bị rách nát. Tuy nhiên, phần chữ của cuốn ngọc phả hầu như còn nguyên vẹn.

Phần đầu của cuốn ngọc phả chữ Nôm là sắc phong thần niên hiệu Khải Định thứ 9. Sau đó là dịch Nôm lại nội dung của cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán. Và cuối bản ngọc phả Nôm có ghi dòng niên đại:

Bảo Đại thập tam niên nhị nguyệt nhị thập tứ nhật

Nguyễn Hoa Trung phụng tả

(Ngày 24 tháng 2 niên hiệu Bảo Đại 13 (1938), do Nguyễn Hoa Trung phụng chép).

Như vậy, so sánh niên đại trên hai bản ngọc phả bằng chữ Hán và chữ Nôm thì thấy rằng, bản ngọc phả được viết bằng chữ Hán có niên đại sớm hơn cuốn ngọc phả viết bằng chữ Nôm. Điều này có thể lý giải rằng, có thể người dân địa phương lo rằng cuốn ngọc phả bằng chữ Hán có thể bị mất mát, nên đã phiên Nôm lại cuốn ngọc phả ấy để lưu lại đời sau.

Chú thích:

(1) Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu - Bổ di I, Quyển thượng, tr.344-345, Nxb. KHXH, H. 2002.

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.631-634

In
Lượt truy cập: