Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2000
69. Về sự tích "lộ đố" , "lộ đá" thờ ở Tòng Củ (TBHNH 2000)

Cập nhật lúc 11h07, ngày 07/04/2007

VỀ SỰ TÍCH “LỘ ĐỐ”, “LỘ ĐÁ” THỜ Ở TÒNG CỦ

ĐỖ THỊ BÍCH TUYỂN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong một chuyến đi công tác thực tế về làng Tòng Củ, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo địa phương và các cụ trong ban di tích dẫn đến thăm nền móng của một ngôi đình cổ. Tòng Củ là một trong 5 thôn của xã Vân Du huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Theo lời kể của các bậc cao niên, đình làng Tòng Củ trước đây thờ thần Lộ Đố, Lộ Đá. Thời kháng chiến chống Pháp nữ du kích anh hùng Bùi Thị Cúc, người thôn Vân Gia trong xã từng bị giặc Pháp tra tấn tại đình này. Chúng dùng đủ cực hình dã man nhất đối với phụ nữ, song vẫn chịu thất bại. Đình bị giặc Pháp phá huỷ, máu của người nữ anh hùng thấm sâu đất này chính là sự kết tiếp dòng máu của vị thần mà dân làng Tòng Củ tôn thờ thuở trước.

Truyền thuyết kể lại rằng: Thần Lộ Đố, Lộ Đá là võ tướng, từng tham gia đánh giặc giữ nước. Tương truyền thần rất dũng cảm, trong một lần giao chiến với giặc, do quân ta yếu hơn nên bị quân giặc vây hãm. Ông bị tướng giặc chém đứt đầu, song uy linh của ông còn rất mạnh mẽ, nên ông đã dùng hai tay chắp đầu vào cổ, tiếp tục vượt vòng vây giặc tháo chạy, khi phi ngựa đến đầu thôn Tòng Củ, gặp bà lão bán nước bên đường, ông bèn hỏi: “Xưa nay có ai không có đầu mà sống được không?”. Bà lão ngạc nhiên nói: “Người ta sống phải có đầu, còn không có đầu mà sống được thì họa may chỉ có quỷ thần”.

Nghe xong, ông liền ngã ngựa rồi mất. Từ đó dân làng lập đình thờ ông, tương truyền mỗi khi cầu đảo đều rất linh ứng.

Không may, đình làng bị giặc Pháp đốt mất, tất cả đồ tế khí, voi ngựa tàn tán uy nghi thuở trước để lại đều mất sạch, chỉ còn lại nền móng cũ, nơi đây còn ghi đậm dấu tích vị thận.

Quả là đáng tiếc. Song có một điều đáng mừng giải toả những băn khoăn trong chúng tôi là nhân dân ở địa phương còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong triều Nguyễn, phong cho vị thần Lộ Đố, Lộ Đá. Đây có thể là bằng cứ chứng thực cho truyền thuyết oai hùng kể trên. Dưới đây xin giới thiệu toàn văn 3 đạo sắc:

* Đạo thứ 1:

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho xã Tòng Củ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên thờ phụng Tôn thần Tích Lịch Hoả quang Hoằng nghị Nhân nhu Hiển hách Linh thông Đại vương, cứu nước giúp dân rất linh ứng. Đến nay Trẫm nối lấy mệnh lớn, nhớ đến công lao của thần linh, nên sắc phong là Linh thuý Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần, cho phép thờ phụng, thần hãy giúp rập che chở cho dân ta.

Kính thay!

Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định 2 (1917).

* Đạo thứ 2:

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho xã Tòng Củ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên từ trước đến nay thờ phụng Tôn thần Lộ Đá Tích Lịch Hoả quang, nguyên được tặng phong là Hoằng nghị Nhân nhu Hiển hách Linh thông Linh thuý Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần, cứu nước giúp dân rất là linh ứng. Đến nay đúng dịp lễ mừng trẫm hưởng thọ 40 tuổi, nên ban cho bảo chiếu đàm ân, tăng thêm phẩm trật, lại cho phép thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh và làm rõ phép thờ phụng.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924)

* Đạo thứ 3:

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho xã Tòng Củ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên thờ phụng Tôn thần Lộ Đố, rất là linh ứng. Đến nay đúng dịp lễ mừng Trấm hưởng thọ 40 tuổi, nên ban cho bảo chiếu đàm ân, tăng thêm phẩm trật, cho phép được thờ phụng để ghi nhớ ngày vui của nước và coi trọng việc thờ phụng.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 12 năm Khải Định 9 (1924).

Tuy nhiên từ truyền thuyết và 3 sắc đạo nói trên còn có vài điều đáng lưu ý.

Thứ nhất, về tên gọi của vị thần:

Căn cứ tên gọi trên 2 đạo sắc năm Khải Định 9 (1924) viết là 路 (石+多) Lộ Đá, và 路 (山trên+磊dưới)  Lộ Đố.

Chữ 路 là chữ Hán, có âm đọc là Lộ, hai chữ tên thần là chữ Nôm. Chữ (石+多) đọc là Đá thì rất đáng tin cậy.

Chữ (山+磊) đọc là Đố thì còn đôi chút băn khoăn.

Theo sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có một số từ ngày xưa được ghi bằng hai âm tiết, tương đương với từ một âm tiết ngày nay, như:

Lađá = đá

Lồmướp = mướp

Lồvừng = vừng

Các nhà ngôn ngữ học gọi đây là tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Việt cổ. Tên thần “Lộ Đá” có thể đọc là “Lồ Đá”.

Còn về tên thần Lộ Đố thì cách ghi và đọc chữ Nôm còn có điều cần phải bàn thêm. Chúng tôi đã dụng tâm tra cứu nhưng chưa tìm thấy bản quốc ngữ nào ghi âm đọc về chữ này, chỉ thấy có chữ viết tên thần trên bản sắc phong: chữ (山+磊) viết gồm bộ 山 “sơn” và chữ 磊 “lỗi”. Khi trao đổi với chúng tôi về tên gọi “Đố” hay “Đối”, những người dân địa phương cũng có những cách kiến giải không giống nhau. Có ý kiến cho rằng phải đọc là “Đố” với lời giải thích: Khi phi ngựa đến đầu làng Tòng Củ thì viên dũng tướng kia có “đố” bà lão bán nước rằng: “Có ai không có đầu mà sống được không?”. Có người lại cho rằng phải đọc là “Đối” và giải thích: Khi viên tướng hỏi, thì bà lão liền “đối lại”. Lại có một vấn đề nữa là: ngay trong một xã có hai thôn thờ vị thần này là thôn Vân Gia và thôn Tòng Củ, song cách đọc tên thần cũng khác nhau, ai cũng cho rằng mình có lý. Dân thôn Vân Gia gọi là thần Lộ Đối, Lộ Đá; dân thôn Tòng Củ gọi là Lộ Đố, Lộ Đá. Vậy thì, cách gọi nào có sức thuyết phục hơn.

Theo suy đoán của chúng tôi, rất có khả năng chữ 磊 “lỗi” ghi âm đọc, còn bộ 山 “sơn” ghi nghĩa, và đáng phải đọc là “Đối” song có thể do quy luật âm dương đối chuyển trong ngôn ngữ, nên âm i cuối đã rụng đi, thành ra ra đọc là thành Lộ Đố.

Điều đáng lưu ý thứ 2 là về sự tích của 2 vị thần.

Mô típ sự tích về các vị thần dũng cảm bị chém đứt đầu rồi dùng tay chắp lại được xuất hiện rất nhiều trong thần tích Việt Nam. Đó vừa là sự huyền thoại ca ngợi sự bất tử của các vị tướng dũng cảm, vừa là sự khẳng định sự hội tụ của khí thiêng sông núi hun đúc trong những người con anh hùng.

Xin được kể thêm 3 huyền thoại khác:

1. Tể tướng Lữ Gia làm quan dưới thời nhà Triệu, từng là trụ cột của 5 đời vua Triệu, Tương truyền quê ông ở làng Lật Sài huyện Yên Sơn phủ Quốc Oai (nay ở xã Sài Sơn huyện Quốc Oai còn có đền thờ). Bấy giờ nhà Hán có ý dòm ngó nước Nam Việt, chúng sai sứ giả sang dọa nạt bắt nước ta phải quy phục. Lữ Gia cầm đầu phái chủ chiến chống lại âm mưu đó. Nhà Hán đưa quân sang xâm lược, ông tổ chức lực lượng chống lại. Nhưng thế giặc quá mạnh, quân Nam Việt không đủ sức chống cự và rơi vào thế bị bao vây. Tể tướng Lữ Gia mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn dũng mãnh chỉ huy ba quân giết được hàng ngàn tên giặc. Song không may, ông bị viên tướng giặc chém đứt đầu. Bằng nguồn sức mạnh phi thường, ồng dùng hai tay chắp đầu lại, rồi phi ngựa chạy về bản doanh. Về đấn đầu làng thấy bà lão bán nước, ông liền hỏi: “Xưa nay có ai không có đầu mà sông được không?”. Bà lão cười và nói: “Họa may chỉ có quỷ thần”. Nghe xong, ông liền ngã ngựa rồi mất. Từ đó dân làng lập đền thờ ông, ngàn năm hương khói.

2. Vào thời Tam Quốc, có 3 anh em nhà họ Chu làm quan huyện lệnh Thạch Thất. Bấy giờ quân Mạnh Hoạch bị Khổng Minh đánh thua liền chạy sang vùng Bắc Việt Nam để huy động sức người sức của đánh lại quân Thục. Ba vị tướng họ Chu lãnh đạo nhân dân chống lại quyết liệt, song thế giặc quá mạnh, 3 ông đã dũng cảm hy sinh. Nhân dân địa phương nhớ đến công ơn đã lập đền thờ ông. Hiện nay ở vùng Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Tây còn mấy chục làng thờ 3 ông làm thành hoàng như: Hương Ngải, Thuý Lai, Kim Quan, Chi Quan, Đại Đồng, Đại Khánh, Cẩm Bào, Phú Nghĩa, Khinh Đà, La Thạch v.v.. Sự tích về 3 vị thánh này thật kỳ lạ, đặc biệt là đức thánh hai “uy mãnh đại vương”. Truyền thuyết kể lại rằng: Thánh hai trong lúc nguy nan chống lại quân giặc, không may bị tướng giặc chém đứt đầu. Ông liền dùng tay chắp đầu lại tiếp tục giao chiến rồi phi ngựa về bản doanh. Rồi sự tích gặp bà lão, dân lập đền thờ cũng giống trên.

3. Phùng Lệnh công là một trong 12 sứ quân cát cứ cuối thời nhà Ngô. Ông chiếm cứ vùng Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Tây, tranh giành quyền binh với các sứ quân khác. Ngày ấy Đinh Tiên Hoàng cử tướng đến đánh dẹp, ông tổ chức nhân dân phòng bị chống lại. Trong một lần giao chiến ông bị chém đứt đầu. Ông đùng hai tay chắp đầu lại rồi rút quân về bản doanh. Rồi sự tích gặp bà lão, dân lập đền thờ cũng giống như trên.

Ba ví dụ trên đều có chúng một kết thúc, cũng giống như đoạn kết vê truyền thuyết thần Lộ Đố, Lộ Đá.

Còn một điều đáng chú ý là tên vị thần Lộ Đá ở bản sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) được ghi là Tích Lịch hoả quang Lộ Đá tôn thần. Về sự tích thần Tích Lịch hoả quang, chúng tôi đã tra cứu ở Thư viện Viện Hán Nôm, Viện Thông tin và thấy có nói đến rất nhiều. Có thể kể ra đây một ví dụ:

* 1. Sự tích thần Tích Lịch hoả quang (Đại Phùng, Hà Tây).

Tương truyền xưa cứ vào ngày 12 tháng 3 hàng năm thường có sấm chớp nổi lên, mọi người thấy lạ thường hay cầu đảo và rất linh ứng. Vì thế dân gọi là thần Tích Lịch hoả quang giúp người. Đến triều vua Lê Thái Tổ, vua thấy hiện tượng lạ vào ngày này nên làm lễ cầu đảo. Thấy linh nghiệm như lời đồn đại, vua bèn ban sắc phong cho thần là Tích Lịch hoả quang. Hiện nay ở vùng Đan Phượng còn thờ ông.

* 2. Sự tích thần Tích Lịch thần vương (được thờ ở Khoái Khê, Bắc Ninh).

Truyền thuyết kể rằng vào thời Hùng Vương, có người con gái tên là Châu Nương xinh đẹp nết na lại chăm chỉ hay lam hay làm. Trai làng nhiều đám đến dạm hỏi nhưng không chịu lấy ai. Một hôm đang làm đồng, bỗng sấm chớp nổi lên, cô thấy ánh sáng rực rỡ quấn quanh thân mình. Từ đó cô có mang. Dân làng thấy lạ bèn lân la dò hỏi, cô kể lại đầu đuôi sự tình nhưng chẳng ai tin cô. Bụng mang dạ chửa, cô bị đuổi khỏi làng, phiêu bạt đến Hải Dương. Ở đây cô sinh được một con trai khôi ngô tuấn tú, thông minh hơn người. Vua Hùng biết chuyện bèn phong cho là Tích Lịch thần vương và sai đi dẹp yêu ma quỷ quái.

* 3. Sự tích thần Tích Lịch đại vương (được thờ ở Lập Bái, Thái Bình và Phương Liệt, Hà Nội). Hai bản thần tích ở 2 xã này có nội dung giống nhau.

Vào thời nhà Đinh, có gia đình ông họ Phạm và bà họ Trương ở làng Yến Vĩ huyện Hoà An phủ Ứng Thiên, tính tình hiền lành, chăm làm việc thiện nhưng mãi chẳng có con. Một hôm hai ông bà đến cầu tự ở động Hương Tích, đêm nằm mơ thấy thàn nhân mang đến cho 3 con trai và dặn sau sẽ phò vua giúp nước. Bà về thấy có mang. Khi mãn nguyệt khai hoa có hào quang rực rỡ, vượng khí đầy nhà. Bà sinh liền ba con trai: Một người mặt xanh tên là Tích; mặt trắng tên là Thánh; mặt đỏ tên là Thành. Ba anh em lớn lên khôi ngô tuấn tú dũng cảm vô song vì thế được theo giúp Đinh Tiên Hoàng và lập được nhiều công lớn. Khi ba ông mất đều được phong phúc thần, riêng người anh cả (mặt xanh) được phong là Tích Lịch đại vương.

Sự tích về các vị thần Tích Lịch hiện đang lưu giữ trong kho thần tích của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

So với thần Tích Lịch hoả quang Lộ Đá tôn thần thì những sự tích trên xuất hiện trên văn bản sớm hơn. Tất nhiên không thể khẳng định đó chỉ là một vị thần, bởi trong mỗi bản thần tích, thần lại được xuất hiện dưới những góc độ khác nhau. Chúng tôi đã để tâm tìm hiểu thêm nhiều thần tích ở Thư viện Viện Hán Nôm, Viện Thông tin và hỏi thêm nhiều nhà nghiên cứu có kinh nghiệm nhưng chưa tìm thấy sự tích thần Lộ Đố, Lộ Đá được ghi chép ở sách nào. Cho đến nay, sự tích về hai vị thần này vẫn chỉ là truyền thuyết truyền miệng; có thể cuốn thần tích trước kia đã có nhưng mất mát trong chiến tranh hoặc hư hoại do những nguyên nhân khác. Điều đó thật khó lý giải. Nhưng may thay, tên của hai vị thần lại xuất hiện trên 3 đạo sắc phong cuối triều Nguyễn. Điều đó có thể thấy rằng các truyền thuyết, các huyền thoại trong dân gian chưa chắc đã được các triều đình phong kiến chấp nhận ngay, song sức sống cũng như uy linh của nó vẫn mãnh liệt trong tâm thức nhân dân. Do vậy dù sớm mưộn nó vẫn được công nhận. Sự công nhận tuy có muộn mằn, nhưng qua đó giúp người lớp sau có cơ sở để khẳng định những huyền thoại vẫn được lưu truyền mãi mãi.

Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.539-547

In
Lượt truy cập: