Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2003
37. Phát hiện chữ KIÊNG HÚY trên bia (TBHNH 2003)

Cập nhật lúc 22h10, ngày 21/04/2007

PHÁT HIỆN CHỮ KIÊNG HÚY TRÊN BIA

MAI KHÁNH

Bảo tàng Hà Nam

Vừa qua, trong đợt kiểm kê di tích ở huyện Bình Lục, chúng tôi đã phát hiện được một tấm bia có liên quan đến tục kiêng húy.

Bia này để ở chùa thôn An Thái (tên chữ là Phúc Lâm tự) xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chất liệu bằng đá xanh, cao 95cm, rộng 59cm. Trán bia trang trí rồng chầu mặt nhật. Diềm bia trang trí cúc dây hình sin. Bia có hai chữ mặt chữ Hán khắc chìm, chữ sắc nét, tuy nhiên có một số chữ bị bào mòn, không thể nhận ra tự dạng.

Sau đây là phần khảo dịch văn bia và một số suy nghĩ của chúng tôi.

1. Khảo dịch văn bia

1.1. Mặt trước (dịch nguyên văn)

Bia chùa Phúc Lâm

Thôn An Thái, xã Cổ Thọ, huyện Thanh Lục, phủ Lỵ Nhân.

Bậc sĩ có lòng từ thiện là Đan Duy Minh, tên chữ là Phúc Ngạn, vị nữ có niềm tin với cõi Phật là Nguyễn Thị Đô, hiệu Huệ Thái cùng mọi người trên dưới hưng công, công đức vào chùa Phúc Lâm. Năm Tân Hợi (1611) làm một gian tam quan, tiến cúng ruộng chân mạ một khoảnh. Năm Bính Thìn (1616) cùng các bậc sĩ có tên tuổi làm lại thượng điện nhà thiêu hương, trùng tu 6 pho tượng Phật. Năm Mậu Ngọ (1618) đúc mới bằng vàng pho tượng Phật Thế Âm Bồ tát đại từ đại bi và cá gỗ một con. Nay khắc vào bia ghi ơn công đức để lưu truyền mai sau.

Từng nghe: Phật là ngôi cao quí đại từ đại bi ở nơi Tây phương cực lạc. Chúng ta là người sinh ở nước Nam, đem lòng thiện tâm tu âm, tích dương cho tròn quả phúc để tiếng thơm lưu truyền muôn thuở. Tạc vào bia đá mai sau còn thấy được mà noi theo. Thứ nhất: Đan Duy Minh tên chữ là Phúc Ngạn, Nguyễn Thị Đô, hiệu là Huệ Thái thấy chùa Phúc Lâm là nơi cảnh đẹp, xứng bậc danh lam cổ tích, trải qua thời gian không còn như xưa, bèn có ý đem tâm gánh vác, trùng tu, làm mới, tái tạo một số công trình. Vì thế, đến nay trên thượng điện tượng Phật nguy nga, nhà thiêu hương, tòa tam quan lộng lẫy, tráng lệ. Các vị đã tiến cúng ruộng chân mạ một thửa, đúc một pho tượng Quan Thế Âm toàn bằng vàng vô cùng to đẹp, hiển ứng cùng tam thế giới. Công việc hoàn thành, khắc vào bia đá. Mong sao: ngưỡng trông trời cao soi xét, chư Phật chứng minh. Muôn phúc con cháu đề huề. Toàn thôn An Thái nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh. Đạo Phật ngày một nở nang, cơ đồ muôn năm bền vững. Vậy có bài minh rằng:

Mở mang trời đất

Trong cũng như ngoài.

Chùa Phúc Lâm tự

Ở làng An Thái.

Phật yên ngôi vị

Ngự tại phương nam.

Núi cao nước biếc

Đẹp đẽ vô vàn.

Khí thiêng linh ứng

Gắng phúc lưu ân.

Nữ làm hoàng hậu

Nam giúp đế quân.

Bảng vàng văn võ

Rãng rỡ muôn nơi.

Công thương rộng mở

Chăm lo cấy cầy.

Nhân tài muôn thuở

Sự nghiệp còn đây.

Nhà nhà no ấm

Đất nước thái bình.

Dân giàu nước mạnh

Phật đạo phồn vinh.

Công này, đức ấy

Muôn thuở trường sinh.

Vị chủ cao quí giữ chức Đô Xuyên hầu là Tống Đức Long, Nguyễn Hữu Lễ tên chữ là Phúc Quảng, Đan Tú tên chữ là Đạo Thông, Đan Duy Minh, tên chữ là Phúc Ngạn, Nguyễn Thị Đô hiệu là Huệ Thái, Lê Thị Lâm, Nguyễn Trọng Am tên chữ là Phúc Trí.

1.2. Mặt sau

Trên trán có dòng chữ Hán “Tạo Quan Thế Âm Phật ký”. Tiếp theo liệt kê họ tên những người đóng góp cho việc đúc tượng.

Cuối cùng ghi: Sinh đồ Đan Duy Minh soạn văn bia. Nguyễn Hữu Đích là thợ khắc đá người xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản khắc chữ.

Ngày 26 tháng 11 năm thứ nhất, niên hiệu Vĩnh Tộ, triều vua Lê Thần Tông (1619).

2. Một số suy nghĩ

2.1. Cho đến nay, qua điều tra, khảo sát của chúng tôi ở tỉnh Hà Nam, duy nhất tấm bia chùa An Thái có niên hiệu Vĩnh Tộ. Qua văn bia cho thấy sự tồn tại một ngôi chùa với quy mô kiến trúc lớn, đặc biệt là có pho tượng Quan Thế Âm bằng vàng (cũng là trươgng hợp độc nhất vô nhị). Bài minh trên bia khá hay, giàu giá trị văn học.

2.2. Nhưng điều lý thú nhất, có lẽ là việc phát hiện ra hai chữ có liên quan đến tục kiêng húy dưới chế độ phong kiến Việt Nam, kể từ thời Trần trở đi.

2.2.1. Trường hợp thứ nhất:

Ở mặt trước bài ghi tên đơn vị hành chính nơi chùa Phúc Lâm và bia chùa thống thuộc là: Thôn An Thái, xã Cổ Thọ, huyện Thanh Lục, phủ Lỵ Nhân. Tên thôn và xã không có gì phải bàn. Riêng hai tên huyện và phủ có liên quan đến tục kiêng húy, tên phủ chúng tôi sẽ trình bày ở sau.

Bình Lục, theo nhiều nhà nghiên cứu là tên huyện có từ thời Trần, đến đời Tây Sơn đổi là huyện Ninh Lục, vì kiêng húy chữ Bình, một tên khác của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, đến khi nhà Nguyễn lên ngôi lấy lại tên cũ là huyện Bình Lục.

Nay trên bia lại xuất hiện tên huyện Thanh Lục. Chữ Thanh ở đây có nghĩa là trong ( ²M ). Vậy chữ Thanh bị đổi là có liên quan đến nhân vật nào ?

Theo nhà Hán Nôm Ngô Đức Thọ (Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, H. 1997) thì chỉ vào đời chúa Trịnh Tạc mới có lệ kiêng húy tên trước của chúa. Ông đã thống kê các chữ húy thời Lê Trung Hưng, không có chữ “Bình” phải kiêng húy.

Từ Bình sang Thanh, đây là trường hợp kiêng âm đổi địa danh, theo chúng tôi có liên quan đến chúa Trịnh Tùng. Như chúng ta đã biết, ông có tước là Bình An Vương, cầm quyền bính cáo nhất trải 4 đời vua Lê là: Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông. Tước “Bình An Vương” là do Trịnh Tùng tự phong năm 1593 đời vua Lê Thế Tông và đến năm 1623 thì ông qua đời.

Đối với triều đình nhà Lê từ Lê Anh Tông đến Lê Thần Tông, Trịnh Tùng giữ một vị trí và vai trò hết sức quan trọng:

- Người có công lao lớn nhất khôi phục nhà Hậu Lê.

- Con gái Trịnh Tùng là Hoàng hậu của vua Lê Kính Tông, là Hoàng thái hậu (mẹ đẻ) của vua Lê Thần Tông.

Đối với vùng đất Bình Lục nói chung và xã Cổ Thọ, thôn An Thái nói riêng cũng có mối liên quan với Trịnh Tùng. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư (tập III, Nxb. KHXH, H. 1988, tr.175-176), ngày 18/10/1592, Tiết chế Trịnh Tùng chỉ huy đại quân ra phủ Trường Yên đóng quân ở núi Kiềm Cổ (tức Kẽm Trống huyện Thanh Liêm trên sông Đáy) cự nhau với quân Mạc của Nghĩa quốc công. Sau đó, Trịnh Tùng tiến quân đến huyện Bình Lục, đóng quân ở cầu Lấp (nay ở xã Ngọc Lũ, Bình Lục). Con đường hành quân của Trịnh Tùng có lẽ qua thôn An Thái, vì trong dịp này ông có đến thăm núi An Lão (xã An Lão, Bình Lục) và để lại một bài thơ, tạm dịch:

Đất phương Nam từ xưa rộng rãi,

Trên đỉnh núi An Lão có thắng cảnh đẹp sao.

Núi xanh trùng điệp chầu vào,

Dòng nước biếc như dải gấm đào bao quanh.

(Ngô Vi Liễn: Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, Nxb. Văn hóa Thông tin, H. 1999, tr.1055).

Phối hợp cả hai lý do nêu trên, chúng tôi cho rằng vì kiêng âm chữ đầu tên tước Bình An Vương của Trịnh Tùng nên văn bia đã đổi địa danh huyện Bình Lục thành Thanh Lục.

Tuy nhiên qua văn bia còn có thêm một số chi tiết đáng lưu ý: toàn bộ văn bia cả mặt trước mặt sau không có chữ Trịnh (họ) Tùng (tên) của Trịnh Tùng, trong khi đó chữ Bình ở bài minh (mặt trước) và người mang tên Bình ở mặt sau được viết nguyên dạng không kiêng húy. Điều này chứng tỏ việc kiêng húy trên bia chỉ thực hiện đối với địa danh, vì kiêng âm mà đổi, phản ánh một thực tế bên ngoài đã và đang diễn ra. Còn đối với tên riêng và từ thông dụng khác thì không kiêng húy, thể hiện qua chữ khắc trên bia.

2.2.2. Trường hợp thứ hai.

Đi với tên phủ Lỵ Nhân, chúng tôi cho rằng cũng vì kiêng húy tên vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mà đổi âm Lợi sang Lỵ. Trong sách đã dẫn ở trên, ông Ngô Đức Thọ đã bác bỏ điều này. Song một chứng cớ hiển nhiên đã được chúng tôi và tiến sĩ Phạm Văn Thắm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) công bố qua tấm bia chùa Dầu (xã Đinh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) niên đại Đại Trị thứ 8 (1366) đời vua Trần Dụ Tông, đã bổ sung tên một “lộ” thời Trần mà sử sách cũ bỏ sót là lộ Lợi Nhân.

Ngoài giá trị về mĩ thuật, văn học, bia chùa An Thái, đã góp phần bổ sung hai chữ vào danh sách các chữ kiêng húy trong chế độ phong kiến Việt Nam.

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.301-306

In
Lượt truy cập: