Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2003
28. Điền trang Tô Xuyên và Hưng Mỹ hầu Vũ Trung Khái (TBHNH 2003)

Cập nhật lúc 21h07, ngày 22/04/2007

ĐIỀN TRANG TÔ XUYÊN VÀ HƯNG MỸ HẦU

VŨ TRUNG KHÁI

ĐỖ THỊ HẢO

PGS.TS..Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tô Xuyên (tên Nôm là Tò) là một làng rất cổ thuộc huyện Phụ Dực xưa, nay là xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Căn cứ vào các thư tịch cũ(1) để lại, vùng Tô Xuyên có thế đất sông lớn chảy ra sông nhỏ đổ vào, đều kề với hai sông lớn nhỏ, đất này có thể tính việc lâu dài. Xưa kia dân gian còn truyền nhau câu nói về con sông Cùng: “tắc thì lợi nông, thông thì lợi công”, như vậy là vùng đất này có điều kiện thuận lợi để phát triển cả nông nghiệp lẫn nghề phụ.

Trước khi Tô Xuyên trở thành một làng thì nơi đây là vùng đất hoang rậm rạp, hổ báo, rắn rết về đây ẩn náu rất nhiều. Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), biết rằng quân giặc vẫn chưa từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta nên vua tôi nhà Trần vẫn phải chuẩn bị ráo riết moị mặt để phòng bị. Nguồn binh lương lúc đó triều đình dựa chủ yếu vào các điền trang, thái ấp của các vương hầu, song thực tế còn rất khó khăn, chưa đáp ứng đủ cho yêu cầu bảo vệ đất nước. Có lẽ vì thế nên vào năm 1266, vua Trần đã ban sắc lệnh mở rông khai phá đất hoang hóa, lập thêm những điền trang, thái ấp. Dựa vào sắc lệnh trên, các vương hầu, phò mã, công chúa,... đã tập hợp những người phiêu tán không sản nghiệp khai khẩn đất hoang, biến nó trở thành những điền trang, những ruộng đồng phì nhiêu, màu mỡ. Vũ Trung Khái là một người trong số đó. Ông vốn người ở Noi Cáo, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Do có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, ông được phong tước Hầu, về sau nhà vua gả công chúa và phong cho là phò mã Hưng Mỹ Hầu.

Phò mã Vũ Trung Khái đã tập hợp con cháu trong dòng họ cùng với dân nghèo ở các vùng Hải Đông, Thanh Hoa, Thiên Trường,... về lưu vực sông Hóa Giang khai khẩn, lập điền trang, nơi chính là điền trang Tô Xuyên, ngoài ra còn hai nơi là Quảng Nạp và Lễ Củ - Thụy Trình. Đến nay, những người già ở Tô Xuyên vẫn còn nhớ câu:

Tiền cư Noi Cáo(2) - hậu đáo Tô Xuyên

Ốc tại Thụy Trinh - ký cư Quảng Nạp

Dịch nghĩa:

Trước ở Noi Cáo - sau đến Tô Xuyên

Nhà ở Thụy Trinh - tạm nhờ Quảng Nạp

Vậy là điền trang Tô Xuyên xưa, nay là xã An Mỹ (và 2/3 xã An Thanh) do phò mã Hưng Mỹ hầu khai dân mở đất cùng nhiều dòng họ khác như Nguyễn, Trần, Đàm, Hoàng, Đào, Lương chung sức đồng lòng đã biến vùng đất hoang sơ thành một vùng quê trù mật.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (năm 1285) và lần thứ ba (năm 1288), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giao cho phò mã Hưng Mỹ Hầu Vũ Trung Khái cùng 12 vị quan văn võ giúp việc xây dựng đồn binh và tổng kho lương thực, đồng thời tuyển mộ và huấn luyện quân sĩ ở điền trang Tô Xuyên. Ở đây hiện vẫn lưu lại những dấu tích của nhà bắn bia và giảng đường ở Ngũ Đăng, nơi dạy binh thư yếu pháp cho quân lính. Đình Chợ ngày nay cũng chính là một trong số đồn binh của điền trang Tô Xuyên xưa. Có thể nói, phò mã Vũ Trung Khái đã cùng văn võ đồn Tô Xuyên cung cấp nhiều binh lương, tướng sĩ, góp công lớn vào hai lần đại thắng quân Nguyên.

Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, điền trang Tô Xuyên cũng có nhiều thay đổi. Sử sách cũ còn ghi chép, cuối đời Trần, triều đình suy thoái, Hồ Quý Ly nổi lên tiếm quyền, một người cháu của phò mã Vũ Trung Khái cũng là quan đại thần triều Trần tên là Vũ Quang Toản (còn có tên là Vũ Uy, Già Lê) đem 12 tôn thất nhà Trần chạy về điền trang Tô Xuyên mộ quân chống lại họ Hồ. Việc không thành, ông liền chuyển quân lính thành dân, mở rộng khai khẩn thêm vùng đất Tô Xuyên, chia điền trang thành tám trang nhỏ là: Tô Đê, Tô Đàm, Tô Xuyên, Tô Hồ, Tô Hải, Tô Trang, Tô Đông, Tô Thượng; đồng thời khuyến khích dân chăm lo công việc trồng cấy, dạy cho dân thuần phong mỹ tục, khiến Tô Xuyên trở thành một vùng quê trù phú và có nếp sống đẹp, thuần hậu. Trong cuộc kháng chiến chống Minh, Vũ Quang Toản đã vào Lam Sơn tụ nghĩa và là một trong 18 vị tham dự hội thề Lũng Nhai.

Điền trang Tô Xuyên trải qua hơn 700 năm không ngừng được mở mang, phát triển. Bên cạnh đời sống sung túc, thịnh vượng, người dân nơi đây còn có truyền thống dũng cảm, chuộng nghĩa và rất hiếu học. Khảo sát gia phả các dòng họ thì cả làng có tới 11 người đỗ đại khoa, trong đó có hai Thái học sinh, hai Hoàng giáp, và bảy tiến sĩ. Chẳng thế mà dân trong vùng ai cũng biết câu “Lê Chằm Vạc, Mạc Tò hương”. Chằm Vạc thuộc làng Mộ Trạch – Hải Dương, nơi có nhiều người đỗ đạt thời Lê. Làng Tò tức Tô Xuyên, Quỳnh Phụ, Thái Bình có nhiều người đỗ thời Mạc. Thực ra không phải chỉ đến thời Mạc làng Tô Xuyên (Tò) mới có nhiều người đỗ đạt mà ngay từ đời Trần, Hồ, Lê, làng đã có khá nhiều các vị đại khoa. Bia Văn chỉ huyện Phụ Dực dựng năm 1734 (nay đặt ở đình làng Đông Linh) đã ghi tên người đỗ đại khoa đầu tiên của Tô Xuyên là Nguyễn Hữu Pháp. Ông đỗ Tiến sĩ niên hiệu Thanh Nguyên 2 (1401). Ngoài ra, đời Lê còn có Phạm Công Tuyển, Vũ Triệu Đáp (tức Dung)... đều đỗ Tiến sĩ, thật đúng như câu nói:

Ông Cống làng Tò, đàn bò làng Hệ

Hay là: Quan làng Tò nhiều như bò làng Hệ

Có thể nói, Tô Xuyên xưa và xã An Mỹ ngày nay là vùng đất gắn chặt với lịch sử chống ngoại xâm cảu dân tộc. Vùng đất này cũng gắn chặt với cuộc đời và công tích của phò mã Hưng Mỹ Hầu Vũ Trung Khái, bời chính ông là người khai phá, sáng lập ra nó. Sau khi mất, phò mã Vũ Trung Khái được phong là Trung Ương Phổ Tế Thượng đẳng thần(3). Triều đình cho phép nhân dân điền trang lập đền thờ ông (tức đình Tò sau này) và dân bốn thôn Tô Đê, Tô Đàm, Tô Xuyên, Tô Hồ cùng nhau thờ phụng.

Ngày nay, đến xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, lăng mộ của Hưng Mỹ Hỗu mà dân quen gọi là lăng Đức Tiên công vẫn còn đó. Theo sách “Thái Bình phong vật chí”, khoảng năm đầu niên hiệu Minh Mệnh nhà Nguyễn (1820), ngôi mộ được mở ra, trong đó thấy xung quanh mộ phần xây bằng đá, rộng ước chừng một gian nhà. Quan tài cũng bằng đá, có 4 cột trụ đỡ. Phía trước mộ là chiếc bàn đá trên có bày các đồ đồng để thờ cúng. Đôi câu đối trên lăng đức Tiên công đến nay vẫn còn rõ nét và được dân chúng thuộc lòng:

Hữu xã hữu dân chí kim thụ ký tứ

Lập công lập đức một thế bất năng vong

(Có xã có dân đến nay (Ngài) được ban thưởng

Lập công lập đức tuy đã mất (dân) không bao giờ quên).

Mặc dù trải qua bao cuộc dâu bể, hiện người dân An Mỹ vẫn lưu giữ được 17 đạo sắc phong của các triều đại phong tặng cho Hưng Mỹ Hầu Vũ Trung Khái (bên cạnh đó còn có hơn 20 đạo sắc phong của Đông Hải Đại Vương, Tây Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương và Bắc Hải Đại Vương). Đây quả là một di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại mà không phải địa phương nào cũng dễ có. Trong số sắc phong cho Hưng Mỹ Hầu Vũ Trung Khái, phần lớn có niên đại thế kỷ 17, thử giới thiệu một đạo sắc phong làm ví dụ:

(Dịch nghĩa) Sắc cho Trung ương Phổ Tế, Dực Khánh, Hiển Ứng, Quảng Vận Đại Vương. Ngài vốn bản chất chính trực, đức lớn thông minh, biến hóa cao siêu, tinh anh kiêm toàn tài đức. Đem tiết tháo phù trù giúp đỡ, khiến xã tắc cơ đồ bền vững ức vạn năm. Ngài đã hiển ứng linh thiêng, đáng phải được bao phong theo điển lễ. Thần đã dốc sức phò tá nhà vua được phúc lâu dài, lại giúp cho nhà chúa trường tồn mãi mãi. Ngầm giúp đức của Vương phủ được tiếp nối nhiều đời, giữ việc chủ chốt trong triều, đặt thiên hạ vào chốn bình yên. Dùng uy vũ âm phù phát huy nhuệ khí tướng sĩ, tiễu trừ đồ đảng, nghịch tặc, giành thắng lợi trọn vẹn, thu phục giang sơn về một mối.

Đại vương rất linh ứng, đáng được phong thêm là Trung Ương, Phổ Tế, Dực Thánh, Hiển Ứng, Quảng Vận, Khuông Quốc, Thùy Hựu Đại Vương(4) - Nên ban sắc.

Ngày 11 tháng 9 niên hiệu Thịnh Đức 5 (1657)

Điền trang Tô Xuyên xưa và xã An Mỹ ngày nay luôn gắn chặt với công tích của Hưng Mỹ Hầu Vũ Trung Khái, luôn gắn chặt với truyền thống chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Đây là một miền quê mang đậm nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa quý báu. Vì vậy, nơi đây không chỉ là niềm tự hào của người dân An Mỹ, người Thái Bình, mà còn là niềm tự hào của cả nước.

Chú thích:

(1) Thái Bình phong vật chí - ký hiệu A.1263, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(2) Làng Noi: tên chữ là Cổ Nhuế; Làng Cáo: tên chữ là Xuân Đỉnh.

(3) Căn cứ theo thần tích, phò mã Hưng Mỹ Hầu, Thư viện Viện Thông tin KHXH.

(4) Những mỹ tự nói lên phẩm chất tốt đẹp của Đại vương Vũ Trung Khái.

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.241-246

In
Lượt truy cập: