Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2003
7. Thiếp Lan Đình (TBHNH 2003)

Cập nhật lúc 11h30, ngày 04/05/2007

THIẾP LAN ĐÌNH

PHAN VĂN CÁC

PGS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Thiếp Lan Đình là cách người Việt Nam gọi bức chữ của Vương Hi Chi chép bài tựa của ông đề cho Lan Đình tập, mà người Trung Quốc gọi là Lan Đình thiếp 蘭 亭 帖hay còn gọi là Hệ thiếp (có tên gọi này là bởi trong thiếp có nói việc Lan Đình tổ chức lễ tế Hệ là một lễ tế trên sông vào ngày Thượng tị tháng Ba).

Trong văn học quốc âm, ba chữ “Thiếp Lan Đình” xuất hiện sớm nhất ở Thập giới cô hồn quốc ngữ văn:

Tuyết Bá Ngạn, hoa Đỗ Lăng, chẳng câu chẳng lạ,

Thiếp Lan Đình, tập Liên Xã, mõi nét mọi màu.

Và sau đó ở Truyện Kiều:

Khen rằng: Bút pháp đã tinh,

So vào với thiếp Lan Đình nào thua.

Vương Hi Chi (303 - 361) là nhà văn, nhà thư pháp thời Đông Tấn, tự là Dật Thiếu người Cối Kê (Thiệu Hưng, Triết Giang ngày nay) quê tổ ở Lang Nha (Lâm Nghi, Sơn Đông ngày nay), làm quan tới chức Hữu quân tướng quân, nên còn được gọi là Vương Hữu Quân. Tấn thư cho biết ông viết chữ nhiều, rửa bút đen cả nước ao, giỏi hết các thể chữ, nhưng nổi tiếng nhất là chữ hành, chữ thảo, chữ chân. Người đời xưa đã từng hình dung bút pháp của ông là “phấp phới như mây, đẹp đẽ như rồng” (phiêu nhược phù vân, kiều nhược kinh long). Lương Vũ Đế nói chữ của ông “ như rồng múa cửa trời, hổ nằm gác Phượng, đời đời đều coi là của báu, mãi mãi học theo” (như long khiêu Thiên môn, hổ ngọa Phượng các, cố lịch đại bảo chi, vĩnh dĩ vi huấn). Đời sau tôn xưng ông là “Thư thánh”. Thành tựu văn học của ông cũng rất cao, giỏi thơ phú, sở trường nhất là tản văn. Bài tựa tập Lan Đình (Lan Đình tập sự) là tác phẩm tiêu biểu của ông.

Ngày mùng 3 tháng 3 năm Quý Sửu (353) niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 9 đời Tấn Mục Đế, Vương Hi Chi cùng các danh sĩ đương thời như Tôn Thống, Tôn Xước, Tạ An, Chi Độn… cả thảy 41 người, họp mặt tại Lan Đình huyện Sơn Âm, huyện Cối Kê. Họ làm thơ, gom thành Lan Đình tập. Vương Hi Chi viết bài Tự ghi lại quang cảnh đẹp đẽ của cuộc họp mặt đầy ý nghĩa, nhân đó bày tỏ lời cảm thán về nỗi đời li hợp vô thường, về tuổi thọ con người ngắn ngủi, giọng điệu thâm trầm sâu lắng, tiêu biểu cho bộ mặt tinh thần của kẻ sĩ đương thời.

Bấy giờ Vương Hi Chi dùng giấy kén, bút lông chuột, viết bài Tự đó thành 28 dòng, cộng 324 chữ, về sau trở thành kiệt tác thư pháp mẫu mực.

Con thứ bảy của ông là Vương Hiến Chi (344 - 384) tự là Tử Kính, làm quan đến Trung thư lệnh, nên cũng được gọi là Vương Đại Lệnh, cùng nổi danh thư pháp với cha, đời bấy giờ gọi hai cha con là Nhị vương.

Đường Thái Tông Lí Thế Dân (ở ngôi từ năm 621 đến năm 650) vô cùng yêu chuộng thư pháp của hai cha con họ Vương, đã săn tìm được bút tích của hai người qua một đệ tử của nhà sư Trí Vĩnh là cháu bảy đời của Vương Hi Chi, bèn cho in dập mỗi tác phẩm thành nhiều bản để ban cho các hoàng tử và cận thần. Thái Tông băng hà, Cao Tông vâng theo di chiếu, đem bản gốc bút tích đựng vào tráp ngọc tuẫn táng ở Chiêu Lăng. Các bản in dập tiếp tục được phiên bản lưu hành ở đời, trong đó bản Định Vũ là đẹp nhất.

Nổi tiếng trước hết vì giá trị thư pháp, nhưng thật ra Lan Đình tập tự cũng có giá trị văn học rất cao. Cùng với Đằng Vương các tự của Vương Bột, Xuân dạ yến Đào lí viên tự của Lí Bạch, Ngu Khê thi tự của Liễu Tông Nguyên, nó đã kế thừa ưu điểm các bài tự của Tư Mã Thiên, nổi tiếng nhất là Thái sử công tự sự , trở thành những mẫu mực “khoái chá nhân khẩu” của tiểu loại “tự bọt” trong tản văn cổ điển.

Dưới đây là toàn văn bài tựa đặc sắc ấy kèm theo phiên âm và bản dịch của chúng tôi.

蘭 亭集 序

王 羲 之

永 和 九 年 歲 在 癸 丑 暮 春 之初 會 于 薈 稽 山 陰 之 蘭 亭 修事 也。群 賢 畢 至 少 長 咸 集。 此 地 有 崇 山 崚嶺 茂 林 脩 竹 又 有 清 流 竹 湍 映 帶 左 右 引已 為 流 腸 曲 水 列 坐 其 次雖 無 絲 竹 管 弦 之 盛 一 腸 詠亦 足 已 暢 敘 幽 情 是 日 也 。天 朗 氣 清 惠 風 和 暢似 觀 宇 宙 之 大 俯 察 品 類 之 盛 所 以 遊目 騁 懷 足 以 極 視 聽 之 娛 ,信 可 樂 也 。

夫 人 之 相 與俯 仰 一 也 或 因 寄 詫 放 浪 形 骸 之 外 雖趣 舍 萬 殊 靜 躁 不 同 當 其 欣 於 所 遇 暫 得 於 己 快 然 自 足 不 知 老 之 將 至 及 其 所 之 既 倦 情 隨 事 遷 感 慨係 之 矣 向 之 所 欣 俯 仰 之 間 已 為 陳 跡 猶 不 能 不 以 之 興 懷 況 脩 短 隨 化 終 期 於 盡 古 人 云 死 生 亦 大 矣。豈 不 痛 哉 每 覽 昔 人 興 感 之 由 若 合 一契 未 嘗 不 臨 文 嗟 悼 不 能 喻 之 於 懷 固 知 一 死 生 為 虛 誕 齊 彭 殤 為 妄 作 後 之 視 今 亦 由 今 之 視 昔 悲 夫故 列 敘 時 人 錄 其 所 述 雖 世 殊 事 異 所 以 興 懷 其 致 日 也 後 之 覽 者 亦 將 有 感 於 斯 文 。

Phiên âm

LAN ĐÌNH TẬP TỰ

Vương Hi Chi

Vĩnh Hòa cửu niên, tuế tại Quý sử, mộ xuân chi sơ, hội vu Cối Kê sơn âm chi Lan Đình, tu Hệ sự dã. Quần hiền tất chí, thiếu trưởng hàm tập. Thử địa hữu sùng san tuấn lĩnh, mậu lâm tu trúc, hựu hữu thanh lưu khích suyền, ánh đới tả hữu, dẫn dĩ vi lưu trường khúc thủy. Liệt tọa kì thứ, tuy vô ti trúc quản huyền chi thịnh, nhất trường nhất vinh, diệc túc dĩ sướng tự u tình. Thị nhật dã, thiên lãng khí thanh, huệ phong hòa sướng. Ngưỡng quan vũ trị chi đại, phủ sát phẩm loại chi thịnh, sở dĩ du mục sinh hoài, túc dĩ cực thị thính chi ngu, tính khả lạc dã.

Phù nhân chi tương dữ, phủ ngưỡng nhất thế, hoặc thủ chư hoài bắc, ngộ ngôn nhất thất chi nội, hoặc nhân kí sở thác, phóng lãng hình hài chi ngoại. Tuy thủ xả vạn thù, tĩnh thái bất đồng, đương kì hân ư sở ngộ, tạm đắc ư kỉ, khoái nhiên tự túc, bất tri lão tương chí. Cập kì sở chi kí quyện, tình tuỳ sự thiên, cảm khái hệ chi hĩ. Hướng chi sở hân, phủ ngững chi gian, dĩ vi trần tích, do bất năng bất dĩ chi hưng hoài. Huống tu đoản tuỳ hóa, chung kì ư tận. Cổ nhân vân: Tử sinh diệc đại hĩ. Khỉ bất thống tai !

Mỗi lãm tích nhân hưng cảm chi do, nhược hợp nhất khế, vị thường bất lâm văn ta điếu, bất năng dụ chi ư hoài. Cố tri nhất tử sinh vi hư đản, tề Bành thương vi vọng tác. Hậu chi thị kim, diệc do kim chi thị tích, bi phù ! Cố liệt tự thời nhân, lục kì sở thuật. Tuy thế thù sự dị, sở dĩ hưng hoài, kì trí nhất dã. Hậu chi lãm giả, diệc tương hữu cảm ư tư văn.

Dịch nghĩa:

LỜI TỰA TẬP [THƠ] LAN ĐÌNH

Vương Hi Chi

Năm Quý Sửu Vĩnh Hòa thứ 9, đầu tháng cuối xuân, chúng tôi tụ hội ở Lan Đình huyện Sơn Âm quận Cối Kê, làm lễ tế Hệ Quần hiền đến đủ, già trẻ họp mặt. Nơi đây có núi non cao ngất, rừng rậm tre dài, lại có suối khe trong vắt, soi chiếu bốn bên dẫn đến cuộc thả trôi các chén rượu trên dòng nước quanh co. Mọi người ngồi xếp hàng, tuy không có cảnh tơ trúc sáo đàn nhộn nhịp, nhưng chén rượu câu thơ cũng đủ thỏa sức diễn đạt tình ý sâu xa. Hôm nay thời tiết sáng sủa, không khí trong lành, hiu hiu gió nhẹ. Ngẩng nhìn lên vũ trụ bao la, cúi xuống xem vạn vật phồn thịnh, mà phóng mắt ngắm trông thỏa lòng bay bổng, thật thoả tình mắt ngắm tai nghe. Thật là khoái lạc !

Người ta ở đời, thấm thoát trăm năm. Cũng có người dốc bầu tâm sự với bạn bè cùng một nhà đối diện đàm tâm; cũng có người gửi gắm tâm tình nơi ngoại vật vượt ra ngoài thân thể hình hài. Dẫu kiếm tìm và vứt bỏ muôn ngàn khác biệt, tính tình điềm tĩnh hay bốc rời mỗi người một vẻ, nhưng khi vui với cảnh ngộ tao phùng, trong chốc lát có điều sở đắc, thì tự mình sướng vui thỏa mãn, không biết cái già sồng sộc nó thì theo sau. Kịp đến khi đã mệt vì những gì theo đuổi, tình cảm đã đổi thay theo sự vật, thì niềm cảm khái cũng đến liền! Những gì yêu thích trước đây, trong chốc lát đã thành dấu cũ vết xưa, vẫn không thể không vì nó, mà sinh niềm cảm khái. Huống chi thọ mệnh ngắn dài đều tuân theo tạo hóa, cuối cùng đến ngày kết thúc. Người xưa có câu: “Sống chết là việc lớn thay !” Há chẳng đáng đau lòng sao !

Mỗi khi thấy rõ nguyên do khiến người xưa cảm khái, khác nào sát hợp với mình, tôi chưa từng không xót xa than thở với văn chương của người xưa, nhưng trong lòng chẳng rõ vì sao. Vẫn biết rằng coi sống chết như nhau là hoang đản, đánh đồng Bành tổ với kẻ chết non là điều xằng bậy. Người đời sau nhìn hôm nay, cũng giống như người đời nay nhìn khi xưa, đáng buồn thay ! Cho nên chép chuyện người có mặt, sao lục thơ họ làm ra. Dẫu thời đại đổi thay, sự tình đổi khác nhưng nguyên do gây nên cảm khái vẫn là một mà thôi. Độc giả đời sau sẽ sinh niềm cảm khái với thơ văn này.

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.57-62

In
Lượt truy cập: