Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2004
53. Những tư liệu về Thượng thư Nguyễn Xuân Thục (1763 - 1827) (TBHNH 2004)

Cập nhật lúc 17h02, ngày 24/06/2007

NHỮNG TƯ LIỆU VỀ

THƯỢNG THƯ NGUYỄN XUÂN THỤC (1763 - 1827)

NGUYỄN TÂM

Bảo tàng Khánh Hòa

Theo Đại Nam nhất thống chí, bộ chính sử của triều Nguyễn: “Nguyễn Xuân Thục người huyện Quảng Phúc, đầu thời Lê Trung hưng làm tham luận hai vệ Trung kích và Tiền kích trong Hậu quân, năm Gia Long thứ 1 làm Tham hiệp Nghệ An, sau chuyển sang chức Cai bạ Vĩnh Thanh, vì can tội phải giáng Thiêm sự, ít lâu sau được thăng Tham tri Binh bộ, rồi chuyển ra Hiệp trấn Thanh Hoa, năm Minh Mệnh thứ 1, được triệu về kinh sung Phó sứ Sơn lăng, chuyển sang chức Hữu Tham tri Hộ bộ, sau triệu về kinh thăng chức Thượng thư Binh bộ, rồi sang Thượng thư Lễ bộ. Khi chết, nhà vua rất thương tiếc, năm Tự Đức thứ 12 liệt thờ ở điện Hiền Lương” (tr.119-120).

Hiện nay, ở thôn Phước Đa 2, xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa vẫn còn phần mộ của ông và con cháu các đời sau đang ở vùng này. Tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Hổ (theo gia phả là cháu đời thứ 7 của cụ Nguyễn Xuân Thục), chúng tôi được gia đình cho xem 23 sắc phong và chiếu chỉ của vua Gia Long và Minh Mệnh ban cho cụ Nguyễn Xuân Thục, trong đó có 5 sắc, chỉ của vua Gia Long và 18 sắc, chỉ của vua Minh Mệnh trong khoảng thời gian từ năm 1814 đến 1827. Tất cả các chiếu chỉ, sắc phong được viết trên lụa thêu rồng hoặc giấy dó loại tốt, chữ viết rõ, đẹp, có đóng ấn triện của triều vua Gia Long và Minh Mệnh và được bảo quản tương đối tốt.

Nội dung của tất cả những chiếu và sắc phong này đã được chúng tôi dịch âm và nghĩa. Qua đó cho thấy đây là một nhân vật quan trọng, được sự tín nhiệm và có nhiều đóng góp cho triều đình nhà Nguyễn. Xin được đơn cử một vài chiếu chỉ và sắc phong như

- Chiếu của vua Minh Mệnh năm thứ 6 ngày 28 tháng 4 thăng Hữu Tham tri bộ Hộ Nguyễn Xuân Thục chuyên trách Hộ tào thành Gia Định làm Binh bộ Thượng thư tước Thục Thiện hầu.

- Chiếu của vua Minh Mệnh năm thứ 6 ngày 18 tháng 7 điều bổ Thượng thư Bộ Binh Nguyễn Xuân Thục làm Thượng thư Bộ Lễ tước Thục Thiện hầu.

- Chiếu của vua Minh Mệnh năm thứ 7 ngày 25 tháng 2 cho Thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Xuân Thục là Chánh chủ khảo trường thi kỳ thi Hội.

Dựa vào những chiếu, sắc hiện có và những ghi chép trong Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục cho biết: Cụ Nguyễn Xuân Thục sinh năm Quý Mùi (1763), mất năm Đinh Mùi (1827). Căn cứ vào hai tờ chiếu thư của vua Minh Mệnh năm thứ 3 ngày 21 tháng 7 ban ra cho biết: thân phụ ông là Nguyễn Xuân Tĩnh, người huyện Quảng Phúc theo chúa Nguyễn Ánh từ sớm và được phong đến chức Tiền Khâm sai Cai đội, ông mất năm 1817. Thân mẫu là bà Phạm Thị Huyên (không rõ năm mất). Phụ mẫu ông đều được truy tặng là Trung Nghị đại phu Tư trị Thiếu khanh Thái bộc Tự khanh Nguyễn Hầu và Thục Nhân trong cùng một ngày.

Thuở nhỏ, Nguyễn Xuân Thục, tự Diệu Thụy, hiệu là Trang Lượng theo học chữ thánh hiền, sau gia nhập quân đội theo chúa Nguyễn Ánh. Lúc đầu trong Hậu quận, làm thuộc hạ của Võ Tánh. Năm Bính Thìn (1795) được thăng Tham luận vệ Tiền kích, năm Kỷ Mùi (1799) theo Võ Tánh tiến đánh lấy được thành Quy Nhơn của nhà Tây Sơn. Tháng 5 năm Tân Dậu (1801), thành Quy Nhơn bị Thái úy Trần Quang Diệu bao vây và lấy lại, chủ tướng quân Nguyễn là Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Chu Thế cùng phải tự tử. Nguyễn Xuân Thục cùng nhiều binh tướng của Nguyễn Ánh ở đây bị bắt và được sung vào quân ngũ của Tây Sơn song nhân lúc sơ hở, Nguyễn Xuân Thục đã trốn chạy và theo đầu quân dưới trướng của Lê Văn Duyệt.

Dưới triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 2 (1803) Nguyễn Xuân Thục được cử làm Tham hiệp trấn Nghệ An, năm thứ 4 thăng làm Ký lục Trấn Biên (vùng Tây Nam Bộ hiện nay) rồi sang làm Cai bạ Vĩnh Thanh (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Năm Gia Long thứ 12, coi việc vận tải về kinh rồi được thăng làm Hữu Tham tri Bộ Hình rồi chuyển sang làm Hữu Tham tri Bộ Binh. Có lẽ trong thời gian này ông được ban tước Thục Thiện hầu tương đương hàm Tam phẩm. Năm Gia Long thứ 13 ngày 2 tháng 8 ông được sai phái giữ chức vụ Hiệp trấn ở Thanh Hoa.

Năm Gia Long thứ 15 (1816) ngày 29 tháng 6 nhuận ông được cho về quê lo liệu việc tang cha.

Năm Gia Long thứ 16 (1817), ông bị giáng phẩm làm Kiểm sự ở Bộ Binh do phạm án công thời kỳ làm Cai bạ tại trấn Vĩnh Thanh. Cũng trong năm này, ngày 13 tháng 10 ông được truy phục làm Hữu Tham tri Thục Thiện hầu Bộ Binh và ngày 23 tháng 10 được cử ra làm Hiệp trấn ở trấn Thanh Hoa.

Năm 1820 vua Gia Long mất, vua Minh Mệnh lên nối ngôi. Ngày 16 tháng 2 ông được vua Minh Mệnh chuẩn cho ở lại tại kinh đô coi sóc các công vụ trong Bộ. Ngày 22 tháng 3 ông được vua Minh Mệnh chuẩn cho làm Phó sứ ở Sơn Lăng, hợp cùng với Chánh sứ là Khâm sai chưởng Thủy quân Đô thống chế Cung Hòa hầu Tống Phước Lương lo việc an táng thi hài vua Gia Long ở Thiên Thọ lăng. Do tính chất quan trọng và bí mật của Hoàng tộc nên việc này vừa là vinh dự vừa là trọng trách nói lên sự tín nhiệm của triều đình dành cho ông.

Sự tin tưởng của vua Minh Mệnh dành cho ông ngày càng lớn hơn qua chiếu ngày 30 tháng 6, qua sự tiến cử của đình thần, đặc chuẩn cho ông làm Hữu Tham tri Bộ Hộ quản lý Hộ tào thành Gia Định kiêm coi việc của Công tào (trông coi các việc tiền bạc, thuế má, nhân khẩu, đất đai... kiêm việc xây dựng).

Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) ngày 28 tháng 4, ông được thăng Thượng thư Bộ Binh, được sung làm Đề điệu kỳ thi Hương ở Thừa Thiên ngày 17 tháng 6 và đến ngày 18 tháng 7 được điều bổ làm Thượng thư Bộ Lễ (vị trí được coi là quan trọng cao hơn Bộ Binh trong hàng lục Bộ của triều Nguyễn).

Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) ngày 25 tháng 2, ông được giao làm Chánh khảo kỳ thi Hội để xét chọn nhân tài cho triều đình. Ngày 2 tháng 7, vua Minh Mệnh đi tuần du Quảng Bình, Quảng Trị đã giao cho ông cùng Hoàng tử Miên Định, đại thần Tôn Thất Bính ở lại giữ Kinh thành, điều động các quan chức lớn nhỏ, giải quyết các công việc.

Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), vì lý do sức khỏe ông dâng sớ xin về quê để điều trị. Trong chiếu của vua Minh Mệnh ngày 13 tháng 8 có nói: “Nguyễn Xuân Thục từng trải (công việc) ở trong và ngoài kinh, già dặn lão luyện, thực Trẫm muốn khanh giúp ích chu toàn việc của bộ, nhưng nay sức lực suy yếu dần theo tuổi tác... Đọc sớ hoàn toàn hiểu rõ, nếu trái với lời xin, ân cần lưu lại thì chẳng phải là đoái nghĩ xót thương. Vậy chuẩn cho Khanh được giải nhiệm về quê quán dưỡng bệnh, chẳng kể thời hạn lâu mau, đợi lành bệnh rồi trở lại Kinh để được hỏi han. Lại gia ân thưởng cho ba trăm quan tiền để dùng cho thuốc men, gọi là tấm lòng ra ân nuôi dưỡng kẻ cựu thần”.

Ông về quê được vài tháng thì mất. Trong chiếu đề ngày 2 tháng 6 có ghi: “Nguyễn Xuân Thục vừa mới về quê quán đã vội chết, nghĩ đến công lao trước đây thật đáng thương xót. Trừ ra những khoản cấp trợ giúp chiếu theo lệ, lệnh gia ân thưởng ba trăm quan tiền, ba cây gấm Tống.”

Qua các tư liệu trên có thể nhận biết, cụ Nguyễn Xuân Thục là người Khánh Hòa đầu tiên được giữ chức vụ Thượng thư (tương đương hàm Bộ trưởng ngày nay) dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Ông là người tài kiêm văn võ, cuộc đời ông cũng lắm gian nan song trải qua thời gian và sự hiểu biết lão luyện “Dương lịch nội ngoại, luyện đạt lão thành” (Minh Mệnh); ông đã được cử giữ nhiều chức vụ trọng trách của triều đình, giành được sự tín nhiệm của nhà vua cũng như của đình thần cho đến cuối đời trong quản lý điều hành công việc của hai trong lục Bộ của triều Nguyễn cũng như việc kén chọn nhân tài phục vụ đất nước qua các kỳ thi Hương, thi Hội. Bởi vậy, vua Minh Mệnh đã từng nhận xét về ông: “Văn học già dặn, thành thạo chính sách”, “Chính sự học vấn thành thục”.

Với 23 chiếu chỉ và sắc phong được lưu giữ, đây là những tư liệu chữ Hán rất có giá trị về nhiều mặt để nghiên cứu về các lĩnh vực như lịch sử, quan chế, quy chế thưởng phạt, điều chuyển quan lại đầu triều Nguyễn dưới triều vua Gia Long và Minh Mệnh. Việc lưu giữ được 23 sắc phong, chiếu chỉ trong một dòng họ như hiện nay là một điều rất quý và ít có trong đó có những tờ chiếu hiện nay còn rất ít ở nước ta như việc giao cho ông làm Đề điệu trường thi ở Gia Định, Thừa Thiên hoặc làm Chánh chủ khảo, giám khảo, sở khảo các kỳ thi.

Cho đến nay, việc gìn giữ và lưu truyền các tư liệu này đã qua 7 đời với thời gian hơn 200 năm. Đây là nguồn sử liệu quý giá, chuẩn xác và là một việc làm không những có ý nghĩa to lớn trong một dòng họ ghi nhớ về cội nguồn, tiền nhân mà còn có ý nghĩa về việc bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.404-408)

In
Lượt truy cập: