Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2004
47. Lương Nhữ Hộc một tác gia trong TOÀN VIỆT THI LỤC (TBHNH 2004)

Cập nhật lúc 07h35, ngày 25/06/2007

LƯƠNG NHỮ HỘC MỘT TÁC GIA TRONG TOÀN VIỆT THI LỤC

NGUYỄN NGỌC NHUẬN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Lương Nhữ Hộc tên tự là Trường Phủ, người làng Hồng Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, không rõ ông sinh và mất năm nào. Đời Lê Thái Tông (1434 - 1442), năm Đại Bảo thứ 3 – 1442 ông thi đậu Thám Hoa. Đời Lê Nhân Tông (1443 - 1459) ông làm An phủ sứ, Hàn lâm trực học sĩ(1). Vào những năm làm quan dưới thời Lê ông được cử 2 lần đi sứ nhà Minh, khi sang sứ Trung Quốc ông học được nghề khắc ván gỗ in sách, sau đó ông đem nghề về nước dạy cho dân hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng huyện Gia Lộc (Hải Dương). Để đền ơn Lương Nhữ Hộc dân hai làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng làng, vị tổ sư nghề ván in và in sách.

Như chúng ta đã biết, không phải đến thời Lê, nghề khắc ván in, in sách mới được phổ biến ở nước ta mà ngay từ thế kỷ thứ XII ở nước ta đã có những người lấy nghề khắc ván in, in kinh sách để sinh sống. Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục chép: “Thiền sư Trí Học họ Tô, người làng Chu Minh phủ Thiên Đức vốn làm nghề khắc bản in kinh. Ông mất ngày 12 tháng 5 năm 1190, vào đời Lý Cao Tông”. Sau này vào những năm thế kỷ XIII - XIV thời Trần kinh sách cũng được in ấn khá nhiều. Đời vua Trần Anh Tông cho in các sách Phật giáo pháp sư, Đạo trường tân văn, Công văn cách thức để ban bố cho dân chúng biết(2). Đến đời Hồ Quý Ly (1400 - 1401) còn cho in tiền giấy và phát hành rộng rãi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại hình dáng và thể thức của đồng tiền giấy: “Giấy 10 đồng vẽ rồng, giấy 30 đồng vẽ sóng, giấy 1 tiền vẽ mây, giấy 2 tiền vẽ rùa, giấy 3 tiền vẽ lân, giấy 5 tiền vẽ phượng, giấy 1 quan vẽ rồng”. Việc lưu thông tiền giấy trong xã hội thời Hồ cho thấy kĩ thuật in ấn của nước ta vào thế kỷ XIV, XV đã đạt tới trình độ cao trong khu vực.

Sở dĩ Lương Nhữ Hộc từ tổ nghề một làng, rồi dần dần ông trở thành tổ nghề in của cả nước, vì ông là người đầu tiên đã đem nghề khắc ván in phổ biến trong dân chúng (dân hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng), trước đó nghề khắc in chỉ lưu truyền trong khu vực chùa chiền (Phật giáo) và khu vực nhà nước quản lý. Bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ thông sử đồ sộ vài ngàn ván khắc in của Nội các quan bản đã được chính những người thợ làng Hồng Lục, Liễu Tràng khắc đầy đủ lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697).

Trong Toàn Việt thi lục, một bộ sách do Lê Quý Đôn soạn thảo còn ghi lại 6 bài thơ do Lương Nhữ Hộc sáng tác khi trên đường đi sứ. Dưới đây chúng tôi tuyển chọn và giới thiệu 3 bài thơ của Lương Nhữ Hộc để bạn đọc hiểu thêm con người sứ giả và con người thi sĩ của ông.

Bài 1

Thừa lộ bàn

Ý dục doanh cầu bất tử phương,

Tri đồng vi khế trữ tiên tương.

Thiều hàn dạ sắc trừng vân biểu,

Nguyệt trạm kim hinh nhiễm quế hương.

Ngọc tiết hữu tình hòa hiểu lộ.

Đồng tiên vô ngữ phất tà dương.

Mậu Lăng yên thảo thương thủy bích,

Hải thượng tam thần cánh điểu mang.

Dịch nghĩa:

Mâm hứng sương móc

Ý muốn cầu phương thuốc sống mãi,

Đúc đồng làm đồ đựng nước tiên.

Sắc trời đêm lạnh trong vắt ngoài tầng mây,

Mâm vàng thấm trăng đượm mùi hương quế.

Tiết ngọc có tình hòa với móc sớm,

Tiêu đồng lặng lẽ xóa ánh tà dương.

Mây cỏ ở Mậu Lăng một màu xanh biếc,

Ba cõi thần tiên trên biển cuối cùng chỉ là chuyện viển vông.

Bài 2

Nam Hùng

Tự cư tam dương hậu,

Giang Lăng tạm trú thuyền.

Tang ma khai lạc thử,

Đào Lý mãn xuân thiên.

Nhạn tháp tranh Ngân Hán,

Hồng kiều khóa bích xuyên.

Lĩnh Nam xung yếu lộ,

Xa mã nhật huyên điền.

Dịch nghĩa:

Đất Nam Hùng(3)

Thời tiết đúng vào tháng giêng,

Tạm dừng thuyền ở Giang Lăng(4).

Nghề trồng dâu gai mở ra vùng đất vui tươi,

Hoa đào hoa mận nở đầy trời xuân.

Tháp nhạn đua cao với giải ngân hà,

Cầu vồng vắt qua dòng sông xanh biếc.

Đó là đường xung yếu ở phía nam Ngũ lĩnh,

Hàng ngày xe ngựa qua lại nơi đây tấp nập.

Bài 3

Thiều Châu hoài cổ

Nam tuần khứ hậu kỷ kinh thâu;

Di tích không truyền tại thử châu.

Phảng phất Cửu thành văn nhã nhạc,

Diêu mang hà xứ mịch chân du.

Hoàng cương dao thảo mai u hận,

Thiều thạch âm vân tỏa mộ sầu.

Hậu thạch thản nhân lưu vạn cổ,

Khúc giang nhất đới thủy du du.

Dịch nghĩa:

Đến Thiều Châu(5) nhớ chuyện xưa

Sau khi đi tuần phía nam về đã trải bao thu,

Chuyện xưa còn truyền mãi ở châu này.

Phảng phất nghe tiếng nhã nhạc khúc cửu thành(6),

Mênh mang biết nơi nào mà tìm dấu tiên(7).

Cỏ thơm trên gò Hoàng Cương chôn vùi uất hận.

Mây đen trên núi Thiền Thạch khóa kín Sầu Diễn.

Ơn đức sâu dày lưu truyền muôn thuở,

Khúc giang một giải nước dằng dặc trôi.

Chú thích:

(1) Lược truyện các tác gia Việt Nam. Tập I, Trần Văn Giáp chủ biên, Nxb. Sử học, H.1962.

(2) Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc: Những bàn tay tài hoa của cha ông, Nxb. Giáo dục, H.. 1988.

(3) Nam Hùng: cửa khẩu quan trọng thuộc đạo Lĩnh Nam Quảng Đông (TQ) án ngữ con đường nam bắc từ Quảng Đông đến Giang Tây. Các sứ bộ của ta trước đây sang Trung Quốc thường đi đường này.

(4) Giang Lăng: tên đất thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

(5) Thiều Châu: địa danh thuộc tỉnh Quảng Đông (TQ). Tương truyền, khi vua Thuấn đi tuần thú phương Nam đã từng đến đây, rồi trên đường về mất ở Thương Ngô. Tác giả đi qua đây bèn nhớ lại chuyện này và sự nghiệp của vua Thuấn - Các địa danh: gò Hoàng Cương, núi Thiền Thạch, sông Khúc Giang trong bài đều ở vùng này và có liên quan đến truyền thuyết về vua Thuấn.

(6) Khúc cửu thành: Khúc nhạc Thiều của vua Thuấn.

(7) Dấu tiên: ý nói việc vua Thuấn đã mất.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.369-373)

In
Lượt truy cập: