Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> M >> Vũ Duy Mền
42. Tấm bia Quang Thái (1390) đời Trần tại đình Phùng Hưng, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm (TBHNH 2004)

Cập nhật lúc 07h50, ngày 25/06/2007

TẤM BIA QUANG THÁI (1390) ĐỜI TRẦN TẠI

ĐÌNH PHÙNG HƯNG, LÀNG CAM LÂM, XÃ ÐƯỜNG LÂM

VŨ DUY MỀN

Viện Sử học

Năm 2003 nhân chuyến điền dã chúng tôi có dịp đọc - Phụng tự bi - bia phụng thờ, dựng trong đại bái đền thờ Ngô Quyền ở làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Hiện nay Phụng từ bi dựng ở sát giữa tường đầu hồi phía trái bên trong đình thờ Phùng Hưng làng Cam Lâm, xã Đường Lâm.

Bia đá cao 0.55m, bề ngang bia 0.35m, trán bia trang trí đơn giản, tiêu đề bia gồm ba chữ khắc chữ trong hình ba lá đề, diềm bia để trơn. Bia khắc chữ Hán chân phương, nét nhỏ và nông, một số chữ ở cuối bia đã bị mờ. Toàn bộ bia gồm 14 dòng, dòng nhiều nhất 42 chữ, dòng ít nhất 5 chữ, tổng cộng khoảng 454 chữ.

Hiện tại ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội đã có bản dập Phụng tự bi, ký hiệu 36002. Bản dập đó hoàn toàn trùng khớp với bản bia.

Về nội dung bia tóm tắt như sau:

Phần mở đầu bia ghi địa danh cùng một số người trong xã lập bia:

祿… Phùng Công Hy, Ngô Thế Hòa... cùng mọi người trong xã Cam Tuyền, huyện Phúc Lộc, phủ Quốc Oai lập bia phụng thờ.

Phần lạc khoản ghi ... Khắc bài văn bia ngày 18 tháng 2 mùa xuân năm Quang Thái / Trần Thuận Tông (1388-1398) / thứ 3 (1390).

Trừ phần mở đầu và lạc khoản, nội dung bia được ngắt làm 6 đoạn đánh dấu bằng 5 khuyên tròn (o).

Đoạn 1 ca ngợi sự đảm lược của Phùng Hưng, ông có thể gỡ sừng hai con trâu khi chúng đang húc nhau, hoặc từng can đảm lừa hổ để đánh chết hổ trừ hại cho dân.

Đoạn 2 đề cao chí khí, mưu lược của anh em Phùng Hưng đã tập hợp nhân dân thu phục thành Tống Bình, làm chủ một thời gian.

Đoạn 3-4-5 ca ngợi sức vóc, tài trí hơn người của Ngô Quyền trong việc diệt Kiều Công Tiễn, phá tan quân Nam Hán Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng, sau xưng vương tự chủ.

Đoạn 6 ghi các “viên sắc”- - (quan viên sắc mục ) cùng lập bia - - Quan viên chức sắc Phùng Công Hy, Ngô Thế Hòa, Phùng Công Hiếu, Ngô Thế Đạt, Phùng Công Thái, Đỗ Thế Nguyên, Kiều Văn Lương, Đỗ Thế Bình, Giang Tuấn Tú, Nguyễn Bình An, cùng toàn xã lập bia phụng thờ.

Từ tấm bia trên có ý kiến tỏ ra nghi ngờ niên đại Quang Thái thứ 3 ghi ở lạc khoản và cho rằng bia đó có thể được khắc vào đời sau. Song lý lẽ được đưa ra chưa có sức thuyết phục(1).

Sau khi nghiên cứu Phụng tự bi, có đối chiếu với sử sách chúng tôi nêu ra mấy nhận xét sau đây:

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Kỷ Hợi, năm thứ 7 (1299) (Nguyên Đại Đức năm thứ 3), mùa hạ, tháng tư, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh đại vương và Thiện Đạo quốc mẫu (Khâm Minh tên húy là Liễu) (), Thiện Đạo tên húy là Nguyệt (); Thiện Đạo là phu nhân của Liễu), khi làm văn không được dùng. Còn những chữ húy: Ngụy, thấp, nam, cam, tô, tuấn, anh, tảng thì khi làm văn bớt nét đi. Nhà Trần kiêng húy họ ngoại bắt đầu từ đấy(2) .

Nếu tuân theo luật kiêng húy của nhà Trần thì khi khắc dòng lạc khoản trên Phụng tự bi phải kiêng chữ “nguyệt” ( ), nhưng ở đây vẫn dùng chữ “nguyệt” bình thường .

Điều đáng chú ý ở đoạn 6 ghi tên các “viên sắc” cùng lập bia trong đó có ghi họ và tên Giang Tuấn Tú ( ), theo luật kiêng húy thời Trần chữ “Tuấn” phải viết bớt nét, nhưng ở đây vẫn viết đủ nét.

Cũng ở đoạn 6 ghi tên các “ viên sắc” . Theo sự hiểu biết của chúng tôi từ “viên sắc” xuất hiện lần đầu trong Phụng tự bi ký () - bia ghi việc thờ phụng, dựng ở đình thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm; với dòng lạc khoản đề: 參日 - Ngày 13 tháng 2 năm Hồng Đức thứ tư (1473) kính cẩn khắc bia thánh.

Như vậy với việc không kiêng húy chữ “nguyệt” và chữ “tuấn” thời Trần, cũng với từ “viên sắc” mới xuất hiện trong Phụng tự bi ký từ thời Lê Quang Thuận thứ tư (1473), chứng tỏ Phụng tự bi không phải được khắc vào năm Quang Thái thứ 3 (1390), mà tấm bia đó được khắc lại sau này. Vậy Phụng tự bi được khắc vào thời nào ? Theo dự đoán của chúng tôi, dựa vào căn cứ sau đây:

Về địa danh ghi trong bia đã nêu trên - xã Cam Tuyền, huyện Phúc Lộc, phủ Quốc Oai.

Theo các bộ chính sử và Đại Nam nhất thống chí cho biết thời Trần chưa có tổ chức hành chính mang tên phủ, mà chỉ có tên lộ - (lộ Quốc Oai, lộ Đà Giang...). Vậy tên phủ Quốc Oai mới có từ thời Lê Quang Thuận (1460-1469) về sau. Phủ Quốc Oai trong đó có huyện Phúc Lộc, xã Cam Tuyền. Từ năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) huyện Phúc Lộc lệ vào phủ Quốc Oai. Thời Tây Sơn huyện Phúc Lộc đổi thành huyện Phú Lộc. Đầu thời Gia Long (1802-1819) huyện Phú Lộc lại đổi lại tên cũ là Phúc Lộc. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) huyện Phúc Lộc đổi thành huyện Phúc Thọ thuộc phủ Quảng Oai.

Về tên xã Cam Tuyền có thể xuất hiện từ đời Trần, tồn tại đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) thì được đổi thành Cam Lâm (theo sắc phong ở đền thờ Ngô Quyền, làng Cam Lâm) và theo lệnh cấm 3 chữ húy thời Thiệu Trị trong đó có chữ Tuyền(3) ( ), vì thế Cam Tuyền được đổi thành Cam Lâm. Tên Cam Lâm được dùng từ đó đến nay, trước cách mạng tháng 8 là tên xã, sau cách mạng là tên làng.

Như vậy nếu căn cứ vào địa danh xã, huyện, phủ có thể khẳng định rằng địa danh ghi trong Phụng tự bi không phải địa danh thời Trần, mà đó là địa danh thời Lê Quang Thuận cho đến trước năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742). Song chưa có bằng chứng nào cho thấy Phụng tự bi được khắc lại trong khoảng thời gian đó.

Theo thiển ý của chúng tôi căn cứ vào hình thức bia, đặc biệt ở bài văn khắc đã giới thiệu ở trên thường thấy phổ biến trong các làng xã vùng châu thổ Bắc Bộ vào thời Nguyễn muộn nửa sau thế kỷ XIX.

Chú thích:

(1) Xem Mông Phụ một làng đồng bằng sông Hồng, Nguyễn Tùng chủ biên. Nxb. VH-TT, H. 2003, tr.31.

(2) - Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1971, Tập II, tr.84.

- Xem Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại. Nxb. Văn hóa, H. 1997, tr 47-48.

(3) Chữ húy Việt Nam... Sđd 141-142./.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.339-342)

In
Lượt truy cập: