Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> H >> Trần Thị Giáng Hoa
25. Chứng tích văn xuôi Nôm thế kỉ XVII trên văn bia (TBHNH 2004)

Cập nhật lúc 06h06, ngày 26/06/2007

CHỨNG TÍCH VĂN XUÔI NÔM THẾ KỶ XVII TRÊN VĂN BIA

TRẦN THỊ GIÁNG HOA

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong lịch sử văn học Nôm Việt Nam, những tác phẩm Nôm còn lại cho đến nay thường xuất hiện dưới dạng văn vần, như bài Vịnh Hoa Yên tự phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Giáo tử phú, hoặc như thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông, Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm... Sau đó một chút, các tác phẩm Nôm tồn tại chủ yếu với thể loại truyện hoặc diễn ca lịch sử như Việt sử diễn âm, Thiên Nam ngữ lục, Thiên Nam minh giám, Đại Nam quốc sử diễn ca,... Còn với thể loại văn xuôi rất hiếm gặp, đặc biệt những tác phẩm văn xuôi có niên đại sớm. Hoặc giả, nếu có chủ yếu chỉ là dịch từ văn bản chữ Hán như Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục v.v...

Cho đến nay chúng ta mới chỉ tìm thấy những bản văn xuôi của thế kỷ XVIII, XIX; còn từ thế kỷ XVII trở về trước, nhiều nhà nghiên cứu đã dụng công tìm kiếm song đến nay vẫn chưa có phát hiện mới. Chẳng hạn như Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong tác phẩm Một số vấn đề về chữ Nôm, cho biết ông đã nhặt nhạnh những chữ Nôm lẻ tẻ từ thế kỷ XVII trở về trước trong văn bia, sách Hán Nôm, mà mới có được khoảng 300 chữ mà thôi. Gần đây khi tìm hiểu về văn bia thời kỳ Lý - Trần và văn bia thời Lê, chúng tôi có tìm thấy một bài văn bia có niên đại khá sớm, năm Khánh Đức thứ 4 (1652) đời vua Lê Thần Tông.

Tấm bia này nguyên được dựng tại xứ Đá Bia xã Đỗ Xá huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, hiện nay tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có lưu giữ thác bản văn bia với ký hiệu NO 19513 - 19515. Về hình thức, đây là tấm bia có sáu mặt, mặt thứ nhất có tên Nhân thế tu tri, nội dung ghi lại những di tích của địa phương để con cháu được biết. Từ mặt thứ hai đến mặt thứ năm, trên trán bia lần lượt ghi hai chữ Lý đoán (xử kiện), ghi việc nhân dân xã Đỗ Xá kiện một số xã xung quanh đã lấn chiếm đất đai vốn là cơ nghiệp của tổ tiên họ để lại; trên trán bia mặt thứ sáu có tên Đỗ Xá xã bi ký, nhưng vẫn nối tiếp theo mặt bia thứ năm.

Văn bia chủ yếu viết bằng chữ Hán, chỉ có một đoạn khoảng tám chục chữ Nôm. Qua khảo sát bước đầu, chúng tôi thấy cấu tạo những chữ Nôm này mang đặc trưng của thời Hậu Lê, thời kỳ chuyển giao giữa hai giai đoạn phát triển chính của chữ Nôm trong quá trình hình thành. Về ngữ pháp cũng gần với lời ăn tiếng nói của dân quê Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về đoạn văn xuôi Nôm này, chúng tôi xin lược dịch một đoạn văn trước đó. Đại khái là:

... Tháng Mười một năm Hoằng Định thứ 7 (tức năm 1606), xã Đỗ Xá kiện xã Cự Bát lên huyện, quan viên của phủ huyện và các nha môn đã kiểm tra lại địa phận Cầu Đáy. Đối chiếu với sổ địa bạ, phía Đông giáp với [], phía Tây giáp Huyền Trúc, mạn trên lên đến [] Mai, dưới kéo dài đến Cổ Liễn, cả bốn phía đều y như trong sổ sách. Hàng năm, đều có giao ước trao cho Xã trưởng xã Đỗ Xá là Nguyễn Cẩm, cùng bọn Nguyễn Đôn Đức, Vũ Quang Bị, Lưu Văn Trạm, Hoàng Công Yên đứng ra cắm mộc ước, trông coi đất đai vốn là của tổ nghiệp để lại, và lấy hằng sản ở đó nộp quan dịch, thuế má theo đúng lệ. Bao nhiêu năm vẫn thế nhưng đến tháng Tám năm nay dân cư các xã xung quanh do không có đất đai, làm bừa lấn chiếm khu vực đất rừng hai xã Quất Bảng, Cổ Mệnh. Theo ý bà Cung tần Chánh vương phủ là Đức Thuấn, viên Văn Lộc nam tên Lê Đắc Tài ngang nhiên dựng mộc bài trên địa phận xã Đỗ Xá, và cấm nhân dân không được thu hoạch sản vật trên khu đất ấy, nên không có hằng sản nộp quan dịch, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy dân xã dâng đơn này trình quan được rõ.

Quan trên theo đó kiểm tra đơn từ và ghi lời khai của nhân dân các xã, nhưng trước sau vẫn có sai khác. Cho đến khi hỏi riêng mỗi người thì đều lảng tránh, bắt được thì họ đều không muốn trả lời chỉ có Nguyễn Đình Khoa là dân xã Lôi Động, Xã trưởng xã Chi Ngại Nguyễn Khắc Trị, Nguyễn Đắc Kiêm cùng dân xã Cự Bát và Cai tổng Tạ Văn Trọng đến công đường cùng uống máu ăn thề. Sau đó hai bên cùng khai.

Phần dưới có một đoạn văn Nôm xen vào, do vậy từ đây trở xuống chúng tôi xin phiên âm toàn bộ để bạn đọc có đủ tư liệu tìm hiểu về đoạn văn xuôi đó:

“… Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Khắc Trị, Nguyễn Đắc Kiêm cùng khai:

Xưng rằng: chúng tôi cùng thấy đời [ ] mẹ chúng tôi truyền rằng rừng ấy thời là Bảng [ ] là đến ngoài suối, hiệu là Cầu Đáy xứ, thấy mộc bài cắm đấy nay là mộc bài Kẻ Đọ hiệu Đỗ Xá xã.

Kỳ Tạ Văn Trọng khẩu xưng rằng: bên ấy là rừng Quất Bảng, bên này là rừng Cự Bát xã.

Chúng tôi rằng: Cầu Đáy xứ thời Kẻ Đọ hiệu Đỗ Xá đóng mộc bài đấy.

Kiến thử đẳng nhân khả dĩ phân biệt quả thị Cầu Đáy nhị xã giáp giới. Tái tra tiếp cận các xã bản tổng, kỳ Chi Ngại, Lôi Động, Đỗ Xá, Hoàng Giản, [] Cự Bát, Cự Tân, Trúc Cương, Cự Bộ đẳng xã dân nhân an cư khoái đổ, ưng thụ quan dịch. Giai đồng sở vị kỳ Quất Bảng Cổ Mệnh nhị xã nguyên hữu xã hiệu, nhân vô kế lũy lũy niên thâm lưu phế, kinh cửu sơn lâm địa phận vô nhân thừa nhận. Giá thử đẳng từ đắc thử tham tường kỳ tụng tri tình, bản tổng các xã ngoan dân thiết kiến Quất Bảng Cổ Mệnh nhị xã địa phận sơn lâm gian tình vọng [], tùy Chính vương phủ nội Cung tần Đức Bà Thuấn sai viên danh Văn Lộc nam tức Lê Đắc Tài quải lập mộc bài [bách] Đỗ Xá xã giới phận sơn lâm cấm giới, dân nhân bị thất hằng sản nan dĩ gia tài ứng xuất quan dịch, thiết hại đẳng nhân dĩ chí cư biệt quán, khí kỳ cảnh hà bất thống tâm.

Các xã dân nhân tự tư dĩ hậu bất đắc phân tranh địa phận. Quất Bảng Cổ Mệnh nhị xã sơn lâm chiếm thủ dĩ vi bản xã địa phận, chí hữu tranh đoan chí vu hỗn ẩu. Kỳ [ ] bất tiểu dĩ kinh tra vấn tiếp cận xã dân giai xưng giới đích hiệu Cầu Đáy xứ, giáp giới nhị xã, chi kỳ nhị đạo. Kỳ Cầu Đáy xứ, nội Tây biên phó hoàn Quất Bảng xã địa phận sơn lâm, chí Cổ Mệnh xã địa phận hựu danh Cầu Đáy xứ; nội Đông biên phó hoàn Đỗ Xá, tuân y cổ tích tổ nghiệp giám thủ địa phận sơn lâm xứ giáp giới An Tân xã địa. Hệ thị đạo phùng thông hành thủy lục đương gian hoàn vãng xuất nhập sơn lâm dĩ hữu cựu quy, tuân như cổ tích. Kỳ bản tổng các xã cập An Tân Đỗ Xá đẳng xã tự tư chí hậu thảng hoặc mỗ xã tự khởi tranh thác dĩ địa phận quá trở đạo đồ, tắc kỳ lí lộ, bất hứa thông hành dĩ chí tranh đoan, cưỡng vi bằng phó chuyển.

Trình thượng Nha môn tiếp luật xử trị. Tư đoán.

Khánh Đức tứ niên thập nhị nguyệt thập tứ nhật Cai lại Nguyễn Củng thừa.

Đoạn văn trên tuy là Hán văn, nhưng từ ngữ thông dụng, ngữ pháp đơn giản dễ hiểu. Đại ý là, xứ Cầu Đáy nằm giáp giới giữa xã Đỗ Xá và các xã kia, nơi đây vốn là đất đai tổ nghiệp của xã Đỗ Xá. Sau do loạn lạc, vùng đất này bỏ hoang phế, hai xã Quất Bảng và Cổ Mệnh đến lấn chiếm, tiếng đến bà Cung tần Đức Thuấn lại sai viên Văn Lộc nam Lê Đắc Tài đến cắm mộc bài vào đất của xã Đỗ Xá. Nay xét thực tình, quan trên hòa giải mong các xã chung sống vui vẻ không nên tranh chấp và xử rằng: xã Đỗ Xá được sử dụng phần đất từ Cầu Đáy trở về phía Đông, còn trở về phía Tây thuộc địa phận xã Quất Bảng. Do vậy quan trên cho cắm mộc bài làm ranh giới và dựng bia ghi lại.

Tuy chỉ có khoảng tám chục chữ Nôm, nhưng văn bia Đỗ Xá xã bi ký có niên đại chính xác, đã cung cấp cho những người quan tâm, nghiên cứu chữ Nôm một số lượng rất đáng kể về chữ Nôm thế kỷ XVII.

Tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, khích lệ trong suốt quá trình công tác và ngay cả khi viết bài này !

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H./.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.213-217)

In
Lượt truy cập: