Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Phật giáo
22. Tìm hiểu thêm về lịch sử chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) (TBHNH 2004)

Cập nhật lúc 06h15, ngày 26/06/2007

TÌM HIỂU THÊM VỀ LỊCH SỬ CHÙA DÂU (THUẬN THÀNH - BẮC NINH)

NGUYỄN QUANG HÀ

 Ban Biên giới Bộ Nội vụ

Chùa Dâu nay thuộc xã Khương Tự, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vào những thế kỷ đầu Công nguyên nơi đây từng là trung tâm chính trị kinh tế - văn hóa của xứ Giao Châu và trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta (thời Hán thế kỷ II – III CN).

Đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến chùa Dâu và thành cổ Luy Lâu ở các góc độ khác nhau(1). Nhưng dường như rất ít người nghiên cứu chùa Dâu dựa theo hệ thống lịch đại và nghiên cứu đồng đại chùa Dâu trong hệ thống Tứ Pháp. Nghiên cứu chùa Dâu cần phải đặt trong một không gian văn hóa rộng lớn hơn. Đó là phải đặt Luy Lâu - Chùa Dâu giữa trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm và Thăng Long thời Lý - Trần để hiểu sâu sắc hơn về vị trí của nó. Nghiên cứu về chùa Dâu cũng cần phải đi sâu tìm hiểu về Tông phái và lịch sử xây dựng, trùng tu. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu theo cách tiếp cận trên và bước đầu tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu thư tịch, văn hóa dân gian, trong chính sử và đặc biệt là sưu tầm tư liệu tại ngôi chùa cổ này.

1. Vài nét về lịch sử, vị trí địa lý, mối quan hệ với hiện tượng thờ Tứ pháp chùa Dâu

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì Luy Lâu xưa thời Hùng Vương thuộc quận Vũ Ninh, đời Trần thuộc quận Nam Hải, thời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Ngô, Tấn, Tùy, Đường cũng theo thế. Thời Đinh đặt làm đạo Bắc Giang, Lê Đại Hành mới đổi phủ làm Châu. Đầu thời Lý thuộc Thiên Đức cùng với Vũ Ninh. Lạng Châu đều gọi là Lộ cả. Nhà Trần đổi làm Lộ Bắc Giang Thượng và Bắc Giang Hạ. Đầu thời Lê theo như thế. Đến năm Quang Thuận (1466) đặt làm Thừa tuyên Bắc Giang thống thuộc các phủ huyện, tới khi lập bản đồ mới đổi làm Kinh Bắc, có 4 phủ, 20 huyện lệ vào(2). Lúc này Chùa Dâu thuộc huyện Siêu Loại - phủ Thuận An. Theo Đại Nam nhất thống chí, đầu thời Gia Long, đơn vị hành chính của Kinh Bắc vẫn như thời Lê. Năm Minh Mạng thứ 3 đổi làm trấn Bắc Ninh, năm Minh Mạng 12 (1831) chia tỉnh hạt gọi là tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Dâu nằm trong một dải đất có lịch sử tụ cư lâu đời, khảo cổ học đã phát hiện được những di vật có niên đại văn hóa Đông Sơn và Đông Hán... Cuối năm 1998, lần đầu tiên ở nước ta, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được khuôn đúc trống đồng Đông Sơn tại di chỉ Thành cổ Luy Lâu (3). Năm 1968, tại di chỉ Đổng Lâm, Vườn Chiều, Lãng Ngâm (Gia Bình - Bắc Ninh), di chỉ Bãi Tự (Thuận Thành - Bắc Ninh) phát hiện được nhiều đồ gốm, rìu đồng, nắp bình, dao gọt... là những chứng tích vật chất thời Hán - thời kỳ mở đầu công cuộc dựng nước và giữ nước(4). Ở đây còn lưu giữ được nhiều truyền thuyết về sự tích các vị thần được xem là con Lạc Long Quân, Âu Cơ là tướng nhà Hùng, nhà Thục(5) nghiên cứu Luy Lâu đặc biệt là hiện tượng thờ thần tự nhiên Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, chớp) với nhiều lý giải khác nhau nhưng có lẽ cũng cần quan tâm đến yếu tố cảnh quan môi trường ngập nước khá điển hình. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ học, kết quả phân tích bào tử phấn hoa ở di chỉ Đại Trạch (Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) cho thấy, khu vực này là môi trường đầm lầy ven biển(6). Theo thống kê trong Đại Nam thực lục cho biết trong suốt thời gian Gia Long đến Tự Đức (1802-1883) 82 năm, Kinh Bắc diễn ra 15 lần vỡ đê, tính trung bình cứ 7 năm lại có một năm vỡ đê. Chỉ tính dưới thời Tự Đức 36 năm (1848-1883), Bắc Ninh có đến 9 lần vỡ đê, tính trung bình cứ khoảng 4 năm lại có 1 năm vỡ đê(7). Chính vì nằm trong một vị trí hợp lưu của 3 con sông lớn: Sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình nên lũ lụt là vấn đề thường trực, là mối quan tâm hàng đầu của cư dân vùng này. Từ lâu, học giả Nguyễn Văn Huyên đã viết Về một bản đồ phân bố các vị thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kỳ)(8) đã đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa tín ngưỡng tôn giáo với một số cảnh quan môi trường. Xuất phát từ địa lý - lịch sử luôn bị đe dọa của thiên tai lũ lụt vỡ đê nên lúc nào trong tâm thức của người dân nơi đây đều luôn thường trực một nhu cầu về sự giúp đỡ mầu nhiệm của thủy thần, Luy Lâu là một vùng trũng với địa danh "Lãng Bạc" nơi Hai Bà Trưng dẫn đại quân giao chiến với giặc(9). Vì xuất phát từ địa bàn trũng nên Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và Giáo sư Trần Quốc Vượng đều cho rằng Kinh Bắc - Hà Bắc là xứ sở của bộ lạc Rồng(10). Cùng với cư dân ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, cư dân ở Luy Lâu đã lấy nghề nông trồng lúa nước làm chính với tín ngưỡng đa thần tiêu biểu là thần tự nhiên thần nước (mây, mưa, sấm, chớp). Có lẽ vì hình thành trên một nền sản xuất nông nghiệp lúa nước nói chung và địa hình trũng đặc thù nói riêng mà nơi đây đã sớm hình thành hệ thống Tứ Pháp: Pháp Vân (Thần mây), Pháp Vũ (Thần mưa), Pháp Lôi (Thần sấm), Pháp Điện (Thần chớp).

2. Chùa Dâu thời Bắc thuộc

Luy Lâu thời Bắc thuộc và đầu Công nguyên, còn diễn ra sự giao thoa giữa các luồng văn hóa Việt-Ấn, Việt-Hoa mà tiêu biểu là Phật giáo.

Phật giáo phát sinh ở Ấn Độ từ thế kỷ VI (TCN) và được truyền vào Luy Lâu từ những năm đầu Công nguyên và sau đó lại được các nhà sư Trung Quốc tiếp tục truyền bá. Theo các tư liệu cho biết, đến thời Hán, Luy Lâu đã trở thành một trung tâm Phật giáo của xứ Giao Châu đã độ được nhiều vị sư, khắc được nhiều bộ kinh phật và xây nhiều chùa tháp, có thể sánh ngang với Bành Thành và Lạc Dương (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện nay chúng ta không biết được cụ thể hơn Phật giáo ở Luy Lâu buổi đầu diễn ra như thế nào. Chỉ biết rằng vào những thế kỷ đầu Công nguyên, tại Luy Lâu đã lưu hành tác phẩm nổi tiếng về Phật giáo mang tên Lý hoặc Luận mà thời gian chính xác ra đời và tác giả của nó là ai thì cần phải tiếp tục nghiên cứu(11). Thiền uyển tập anh và một số sách viết về lịch sử phật giáo đều cho rằng vào năm Canh Tý niên hiệu Đại Tường 2 (580) Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, trụ trì ở chùa Pháp Vân dịch bộ kinh "Tổng trì", năm Khai Hoàng thứ 14 (594) truyền ngôi cho Pháp Hiền rồi tịch(12). Hiện nay, chúng ta rất ít các tài liệu tin cậy để nghiên cứu sự tồn tại của kinh thành Luy Lâu thời Tùy - Đường (thế kỷ VI-IX). Có người cho rằng, thành Luy Lâu (Lũng Khê-Thuận Thành-Bắc Ninh) kết thúc vai trò vào thế kỷ X, có ý kiến lại cho rằng nó kết thúc vai trò ở thế kỷ VII - XIII. Lại có ý kiến cho là thế kỷ VI(13). Chúng ta biết rằng, thế kỷ VI với sự kiện Lý Bí thành lập nước Vạn Xuân lập kinh đô Vạn Xuân và sau này còn có thêm thành Tống Bình, Đại La, thì có lẽ Luy Lâu đã giảm sút vai trò trung tâm đặc biệt với quyết định trở lại xây dựng kinh đô ở Cổ Loa sau chiến thắng Bạch Đằng 938 của Ngô Quyền thì Luy Lâu thực sự đã chấm dứt vai trò của mình bởi đất nước đã bước sang một trang sử mới. Dưới thời Đinh (thế kỷ X), tại Hoa Lư (Ninh Bình) đã phát hiện được nhiều kinh phật chứng tỏ lúc này Phật giáo cũng rất phát triển. Nhưng còn ở Luy Lâu, tuy không còn là trung tâm chính trị- kinh tế nhưng với một nơi suốt mấy thế kỷ từng là trung tâm của Phật giáo thì đến giai đoạn này phật giáo có còn phát triển nữa không? Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu.

3. Chùa Dâu dưới thời Lý - Trần

Như chúng ta đã biết, dưới triều Lý, nhiều ngôi chùa được xây dựng. Trong thời gian này, chùa Dâu có diện mạo ra sao thì chưa rõ bởi hiện nay không giữ được công trình nào. Qua khảo cổ học, PGS Hoàng Văn Khoán đã phát hiện được những khuôn đầu ngói ống cánh sen ở Luy Lâu vào khoảng thế kỷ XI-XII, nghĩa là tương đương với thời kỳ phát triển Phật giáo và kiến trúc chùa tháp thời Lý và tác giả đưa ra giả thuyết: "Phải chăng ở Luy Lâu đã tồn tại dưới thời Lý các công trình kiến trúc Phật giáo"(14). Có thể nói rằng, dưới thời Lý - Trần Phật giáo được coi như một quốc giáo, nhiều nhà vua, quý tộc sùng phật, soạn sách, dịch kinh phật, chùa chiền mọc lên khắp nơi. Thiền uyển tập anh ghi Thiền sư Sùng Phạm (1004-1087) ở chùa Pháp Vân huyện Long Biên, nhà sư họ Mặc từng sang Thiên Trúc để cầu hiểu biết (...) rồi sư trở về nước đến Chùa Pháp Vân nước ta thuyết giảng phật pháp học trò các nơi theo rất đông(15). Dưới thời Lý - Trần, chùa Dâu tuy không được mô tả tỷ mỷ về quy mô nhưng cũng cho thấy nơi đây, cũng như các ngôi chùa Báo Thiên, Trấn Quốc thường là nơi lui tới cầu đảo của nhà vua mỗi khi gặp thiên tai, địch họa.

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: "Năm ấy" (1034), sư Hưu ở chùa Pháp Vân, châu Cổ Pháp tâu rằng trong chùa ấy có phát ra mấy luồng sáng theo chỗ ánh sáng đào xuống được một cái hòm bằng đá bên trong có cái hòm bằng bạc, trong hòm lại có hòm bằng vàng, trong hòm vàng có bình Lưu Ly, trong bình đựng xá lỵ. Vua sai rước vào điện xem xong rồi trả lại(16). Hay Phật chùa Dâu nhiều lần được rước vào Kinh để cầu mưa hay cầu tạnh "Quý Sửu Thái Ninh thứ 2 (1073) Tống Hy Ninh năm thứ 6, bấy giờ mưa dầm, rước Phật Pháp Vân vào Kinh để cầu tạnh(17). "Tháng 3 năm Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 5 (1137) vua ngự đến chùa Báo Thiên làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa"(18) thậm chí vào tháng 5 năm 1188, trời đại hạn, vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duềnh Bà(19) để đảo vũ nhân rước tượng phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên, cho đến đầu triều Lê vẫn còn theo tục này(20)... Điều đó chứng tỏ yếu tố phồn thực dân gian và ảnh hưởng của Đạo giáo đã thâm nhập vào trong Phật giáo triều Lý. Nhận xét về hiện tượng thờ ở chùa Dâu, Nguyễn Duy Hinh cho rằng "Dấu ấn đáng tin cậy nhất ở Phật giáo Việt - Ấn nằm trong hòn đá sáng còn thờ tại Chùa Dâu, truyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái và sơn môn Dâu với hệ thống Tứ Pháp được nhắc đến nhiều lần trong Đại Việt sử ký toàn thư, quan hệ Man Nương - Khâu Đà La huyền thoại hóa tính giao thiêng liêng diễn đạt sự kết hợp hai dòng tín ngưỡng phồn thực Việt - Ấn. Thạch quang Phật hỗn dung hòn đá thiêng (tục thờ đá) với linga (dạng phồn thực của Siva giáo)(21) còn G.Codès trong tác phẩm "Các quốc gia Ấn Độ hóa Đông Dương và Nam Dương" cho rằng hiện tượng này đã ảnh hưởng Siva giáo gọi là hiện tượng Siva- "Buddha"(22).

Dưới thời Lý - Trần, Phật giáo Việt Nam có nhiều tông phái như Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, Thảo Đường... nhưng đáng chú ý có 2 phái Thiền tông chính: Phái Thảo Đường do Lý Thánh Tông sáng lập có nơi trụ trì là chùa Trấn Quốc ở Thăng Long và phái Trúc Lâm Yên Tử với ba vị tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quan sáng lập. Ở Yên Tử, chùa tháp được xây dựng, kinh phật được khắc in nhiều, bên cạnh Quỳnh Lâm tự còn có cả Bích Động am là nơi bình giảng thơ văn, trao đổi về phật học của nhiều vị trí thức như Trương Hán Siêu, Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức, Nguyễn Trung Ngạn... và đã hình thành nên thi xã Bích Động. Dưới triều Trần, chùa Dâu tuy không có được một trung tâm Phật giáo lớn như vậy nhưng là cửa ngõ của kinh đô Thăng Long với Quỳnh Lâm Yên Tử. Có lẽ vì thế mà chùa Dâu ít nhiều được quan tâm. Tương truyền Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã đứng ra trùng tu chùa. Hiện nay, tại chùa Dâu còn thờ bức tượng Mạc Đĩnh Chi. Di vật còn lại có lẽ còn đôi rồng đá mang phong cách thời Trần. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Chùa Diên Ứng ở xã Khương Tự huyện Siêu Loại, có 4 tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi. Thường tỏ ra anh linh. Thời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp chín tầng, và cầu chín nhịp, nền cũ nay vẫn còn (.... lại xét Thập di ký của Lý Tế Xuyên, thì người xã Cổ Châu, hàng năm hội họp ở chùa thiền định, làm lễ "Phật đản"). Vua Trần Nghệ Tông cho mỹ hiệu. Sử đã chép: Năm Thái Hòa thứ 6 (1448), đời Lê Nhân Tông sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu rước Phật Pháp Vân đến chùa Báo Thiên ở Kinh thành để cầu mưa"(23). Bên cạnh chùa Dâu còn có một ngôi chùa mang tên "Bình An tự" mà nhân dân vẫn thường gọi là chùa "Bình Văn" và giải thích rằng xưa kia nơi đây Sĩ Nhiếp đến giảng bài nên đặt tên như vậy. Nhưng theo chúng tôi, thì ngôi chùa này ngoài quả chuông đồng còn có niên đại Cảnh Thịnh 8 (1799), chùa còn lưu giữ một đôi câu đối nội dung có từ đời Trần. Câu đối như sau:

"Bạch Lộ hạ điền thiên điểm tuyết

Hoàng Ly thượng thụ nhất chi xuân"

Tạm dịch:

(Dưới ruộng bầy cò ngàn điểm tuyết

Trên cây oanh đậu một cành hoa).

Câu này được nhắc đến trong mục "tham vấn" trao đổi giữa Trần Nhân Tông và các học trò(24). Vì thế có thể đưa ra giả thuyết chùa "Bình Văn" ra đời là nơi bình giảng thơ văn và trao đổi Phật học thời Trần(25).

4. Về xây dựng - trùng tu chùa Dâu thời Lê - Nguyễn.

Qua các tư liệu để lại gần 40 đơn vị văn bia, chuông, khánh ở chùa Dâu và các chùa khác trong hệ thống Tứ Pháp, cho ta biết được tình hình xây dựng, trùng tu và kiến trúc của những ngôi chùa này thời Lê và Nguyễn. Ở chùa Dâu tấm bia có niên đại sớm nhất từ năm Bảo Thái 3 (1722) đến tư liệu muộn nhất có niên đại Tự Đức thứ 26 (1873) gồm khoảng 150 năm, có đến ít nhất 20 lần trùng tu, xây dựng lớn nhỏ công đức, cúng hậu, sửa chữa cầu, tháp, bái đường. Như vậy trong khoảng thời gian này cứ khoảng hơn 7 năm lại có một sự kiện như đã nêu(26). Chứng tỏ suốt gần 2 thế kỷ chùa Dâu luôn được quan tâm tu bổ, xây dựng.

Nhắc đến những công trình ở chùa Dâu không thể không tìm hiểu "Tháp chín tầng, Cầu chín nhịp, Chùa Trăm gian" qua ký ức dân gian và qua tư liệu thành văn.

Nhân dân còn lưu truyền câu ca vè tháp chùa Dâu:

"Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trong thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Đến ngày mồng tám thì về chùa Dâu"

Theo nhân dân kể lại, trước đây tháp cao 9 tầng, sau bão bị đổ chỉ còn 3 tầng như hiện nay. Còn tấm bia Hòa Phong tháp bi ký. Có niên đại Mậu Ngọ Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) cho biết: "Trải qua năm tháng cung tẩm lâu ngày, tường rêu gạch vỡ, nền cũ không còn là bao, thiện tín nhìn thấy không ai là không động lòng. Nay có các đội Tiểu Thủy, xã Nội Trù, xã Ốc Hoa Đường, Cao Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Hải Dương là Phan Thị Nội Giám ty lễ giám, Tả Thiếu giám Kiên Thọ Hầu Vũ Hà Thụy tự Huệ Tiến cùng vợ là Nguyễn Thị Hựu hiệu Diệu Chính quy y Phật pháp, dốc lòng hưởng ứng thiền lâm, noi theo "Cổ Châu thực lục" (...). Thời gian trùng tu từ tháng giữa thu (tháng 8) năm Đinh Tỵ (1737) đến đầu mùa hạ năm Mậu Ngọ (tháng 4 năm 1738) thì xong". Như vậy, qua tấm bia cho biết đến đầu thế kỷ XIII ngôi tháp này đã xuống cấp, trùng tu đắp thêm như xưa nguyên văn là "Tăng trúc y cựu" chứ không phải là xây mới và đặt tên là Hòa Phong tháp(27). Theo bia này còn cho biết thêm cùng với lần trùng tu tháp còn sửa chữa chùa, phòng khách và nhắc đến một cuốn sách mang tên Cổ Châu thực lục mà hiện nay chúng ta không được nhìn thấy nữa(28). Cuối bia là 1 bài minh dài 12 câu có nói trước đây chùa đã rộng nay lại xây dựng rộng hơn:

"Thiền tự danh Diên Ứng

Bảo tháp hiệu Hòa Phong

Tiền tu cơ ký quảng

Hậu trúc chế gia công"

Tạm dịch là:

(Tên chùa là Diên Ứng

Tên tháp gọi Hoà Phong

Trước đây xây đã rộng

Sau lại đắp thêm công).

Còn tấm bia "Phúc Nghiêm tự sự tích bi" niên đại Tự Đức thứ 26 (1873) đặt tại chùa Dâu cho biết đến thời Lý chùa Pháp Vân đổi tên là "Diên ứng". Bia cho biết thời Tam Quốc, Đào Hoành làm chức Thái thú Giao Châu đóng đô ở đây, nghe linh thiêng bèn lệnh cho đắp đàn thờ để bảo hộ không được xâm phạm. Thời Đông Tấn Minh Đế, Đào Khản làm Thứ sử Giao Châu, muốn rước phật về Kiến Khang, dùng 1000 lực sĩ khiêng nhưng không lay chuyển được. Tùy Cao Đế sai Lưu Phong làm Lệnh chỉ Giao Châu tìm đến Tam Tổ, Tứ Pháp(29).

Bên cạnh Tháp chín tầng còn có Cầu chín nhịp được đặt ở trước chùa. Theo các cụ già kể lại, từ trước thời Pháp thuộc còn nhìn thấy cây cầu này. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì chiếc cầu này Mạc Đĩnh Chi làm từ đời Trần(30). Trong tấm bia Thường An tháp tịnh minh khắc năm Tự Đức thứ 5 (1852) viết về nhà sư Phổ Giác sống vào cuối Lê đầu Nguyễn có đoạn: "Nhà sư có công tu tạo khánh đá, chuông đồng, tu sửa chùa, Cầu chín nhịp (nguyên văn là "Cửu cấp kiều"). Hay bia Bảo Đức tháp bi ký (niên đại khoảng đầu Nguyễn) viết về nhà sư húy là Nghi, người xã Bảo Khám, huyện Gia Định, nhà sư có công đúc khánh, làm cầu vồng, tu sửa chùa. Bài minh có câu:

"Tạo thử hồng kiều hề công vô lậu khuyết

Tạo ư bảo điện hề phúc bất khả gia"

Nghĩa là:

(Tạo Cầu vồng chừ công không thể mất

Tạo bảo điện chừ phúc không thể hơn)

Ngoài ra, rất nhiều bia ghi lại công đức xây dựng chùa, hành lang, nội điện như: Bia Hậu Phật bi" ghi bà Man Thị Thượng hiệu Diệu Viên có công tu tạo điện Lưu Ly. Đặc biệt là tấm bia Cổ châu sự hậu Phật bi niên đại Cảnh Hưng 24 (1763) ghi tên một nhà khoa bảng cúng hậu vào đây: "Thừa tướng công người xã Điền Trì, huyện Chí Linh, Hải Dương tên là Trần Thiệu (lại húy là Cảnh) năm 35 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, trải qua bốn Bộ Công, Hình, Binh, Lễ bộ Thượng thư. Năm 73 tuổi xin nghỉ hưu, năm 75 tuổi qua đời ngày 6/4 hàng năm là ngày giỗ hậu của ông".

Dưới triều Lê, Nguyễn chùa Dâu được tu sửa nhiều lần. Bia Hậu phật bi ký (Quang Trung 3 - 1790)) ghi: Nguyễn Đình Phương, người xã Khương Tự, huyện Siêu Loại cùng vợ tu tạo điện miếu: Hậu phật bi ký (niên đại Gia Long thứ 4 (1805) viết: "Cao Thị Tiến tự bỏ tiền ra tu sửa chùa trong, hành lang. Năm 1826 Giáp Trung Nhị lại trùng tu nội tự (Bia: Hậu phật bi ký niên đại khoảng triều Nguyễn). Bia ghi người cung tiến vào chùa bằng hiện vật như Nguyễn Thị Khuyến hiệu Diệu Phổ xã Đức Hiệp, huyện Siêu Loại cúng 1000 viên gạch Bát Tràng... Trong những bia cung tiến tại chùa cho biết đến thế kỷ XVII-XIX, chùa có đến hàng chục mẫu ruộng. Về tục lệ đáng chú ý là có tục hát Ca trù.

5. Vài nét về tình hình kiến trúc, xây dựng của các ngôi chùa trong hệ thống Tứ Pháp và chùa Tổ.

Nói đến Phật giáo Luy Lâu không thể không nói đến hệ thống Tứ pháp và chùa Tổ (tương truyền, chùa Tổ thờ bà Man Nương có công sinh ra Tứ Pháp).

Sự tích về Tứ Pháp đã được nhân dân lưu truyền từ nhiều đời và mãi sau này đến thế kỷ XVIII-XIX được định bản qua tập sách Cổ Châu Phật bản hạnh khắc gỗ năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) và tấm bia Cổ Châu sự hậu Phật tích bi niên đại Cảnh Hưng thứ 24 (1763) và nhiều tư liệu khác đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, lý giải. Ở đây, chúng tôi chỉ tìm lại dấu tích xây dựng trùng tu của chùa qua các di vật để lại. Nếu như chùa Dâu còn để lại khá nhiều tư liệu văn bia, đã cho biết được quá trình xây dựng trùng tu thì ngược lại các chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn còn lại quá ít tư liệu.

Chùa Tướng nằm cạnh chợ Dâu và bên kia sông Dâu cổ xưa. Ngoài cổng chùa còn câu đối:

"Phi Tướng môn tự, vọng giang thiên tạo, lập danh lam thắng cảnh.

Thanh Khương thắng địa, Tứ Pháp hiển linh tích cách thụ khai quang".

Nghĩa là:

(Cổng chùa Phi Tướng nhìn ra sông (Dâu) thiên tạo là danh lam thắng cảnh.

Đất Thanh Khương là thắng địa, mở cây ra rực rỡ Tứ Pháp hiển linh).

Hiện nay, chùa còn một chiếc chuông có niên đại Minh Mạng thứ 19 (1839) và 5 bia cổ được khắc vào khoảng thời gian cuối Lê đầu Nguyễn. Tấm bia sớm nhất dựng năm Chính Hòa thứ 18 - 1697) cho biết: "Chùa Phi Tướng ở Lạc Thổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An là một ngôi chùa cổ, đã có nhiều người làm phúc mà chưa lập bia để lưu lại muôn đời từ nay mới bắt đầu ghi chép sự việc". Bia cho biết: Trong thời gian này làm hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan, tôn tạo tượng Phật, đúc chuông lớn, khánh quý, bia Hậu đường bi ký (Tự Đức thứ 25 - 1873) ghi Nguyễn Văn Trường người xã Gia Lâm, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An cúng 70 quan tiền, 200 bát gạo, 1 sào ruộng, lại cúng ngôi nhà trị giá 500 quan tiền để chuyển làm hậu đường thờ Phật.

Như vậy, chùa Tướng được xây dựng lớn vào cuối thế kỷ XVII nhưng đến giữa thế kỷ XIX đã đổ nát hư hỏng nhiều. Bia Ký kỵ bi lý khắc ngày 16 tháng 12 năm Tự Đức 8 (1855) viết: chùa Phi Tướng ở phía Nam thành Luy Lâu, nguyên phụng sự Đại vương Phật Pháp Lôi, 3 xã thôn cùng phụng thờ, qua nhiều năm đổ nát. Hoặc tấm bia có niên đại ngày 11 tháng 2 năm Tự Đức thứ 8 (1855) cũng ghi: "Nay có Nguyễn Thị Tân, người xã Lũng Khê bỏ ra 50 quan tiền và 8 sào ruộng dùng làm hương hỏa". Ngoài ra chùa Phi Tướng còn 1 bia phần niên đại bị đục (có thể là bia thời Quang Trung ?) ghi việc xây thượng tòa, tam quan, tu sửa tượng Nam Tào, Bắc Đẩu...

Chùa Đậu (Pháp Vũ) chỉ còn một tấm bia hậu có niên đại Vĩnh Hựu thứ 4 (1738).

Ngoài ra chùa không còn di vật nào khác. Còn chùa Dàn hiện nay chỉ còn 4 tấm bia có niên đại triều Nguyễn.

Nói đến chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp không thể không nói đến chùa Tổ (nơi thờ bà Man Nương - tương truyền đã sinh ra 4 bà Dâu, Đậu, Tướng, Dàn) đã nói ở trên.

Chùa Tổ thuộc xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành. So với chùa Dâu về quy mô thì chùa Tổ khá khiêm tốn và để lại rất ít tư liệu. Tư liệu đáng kể nhất ở đây còn một quả chuông đời Tây Sơn niên đại Cảnh Thịnh thứ 5 (1792), một khánh thời Minh Mạng và 2 tấm bia, một tấm ghi về sự tích bà Man Nương niên đại Tự Đức thứ 2 (1849) và một tấm bia mang tên Ngoại gia từ đường bi ký niên đại (Tự Đức thứ 2 - 1849)(31).

Tóm lại, 4 chùa (Dâu, Đậu, Tướng, Dàn) và chùa Tổ là những chùa Cổ có lịch sử hình thành hàng ngàn năm nhưng trải qua bao thăng trầm nên những hiện vật còn lại không nhiều, những chứng tích còn lại chủ yếu là cuối Lê đầu Nguyễn. Diện mạo của những ngôi chùa mà chúng ta thấy hiện nay chủ yếu là kết quả trùng tu, xây dựng trong thời gian từ TK XVII-XVIII-XIX.

6. Về tông phái chùa Dâu.

Trên nền tảng của tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng mây, mưa, sấm, chớp và sự kết hợp giao lưu văn hóa Việt - Ấn với huyền thoại Man Nương - Khâu - Đà - La, tục thờ đá gần với dạng phồn thực của Siva giáo (Siva-Buddha) như trên đã đề cập thì đến triều Trần cũng như Quỳnh Lâm - Yên Tử, chùa Dâu thuộc Thiền phái Trúc Lâm nhưng thuộc dòng nào của phái Thiền Tông Trúc Lâm thì ít có tư liệu đề cập. Chúng tôi lần tìm đến các tháp đặt tại vườn chùa cho biết một số thông tin cụ thể. Bia Thừa Bình tháp ký tịnh minh. (Bài ký và bài minh trên tháp Thừa Bình) có niên đại Bính Tý Cảnh Hưng (1756) viết: "Nhà sư người xã Bình Ngô, huyện Gia Định, hộ Vương húy là Cung. Năm 21 tuổi xuất gia, ban đầu dựa vào Chính Hải Công ở chùa Thành Đạo, khi đó là năm Bính Ngọ Bảo Thái 7 (1726). Năm 27 tuổi, năm Long Đức thứ nhất (1732) Nhâm Tý thụ giáo bản sư ở Ninh Phúc thiền tự (tức chùa Bút Tháp - tg). Nhà sư thuộc dòng Trúc Lâm Long Động (32), dòng chính của Đông Đô thủy tổ, năm Giáp Dần (1734) trụ trì ở chùa này, hóa ngày 25 tháng 10 năm Ất Hợi Cảnh Hưng thứ 16 (1755) thọ 56 tuổi. Bài minh dài 16 câu trong đó có đoạn:

"Truyền phật tâm ấn

Đại sự nhân duyên

Đông Đô thủy tổ

Lâm Tế tông thiền

Đăng đăng tương tục

Cổn cổn chu viên"

Tạm dịch:

Phật truyền bằng tâm ấn

Việc lớn là do nhân duyên

Đông Đô là thủy tổ

(Phái) Lâm tế thiền tông

Cùng nhau nối tiếp

Cuồn cuộn xoay tròn

Phần lạc khoản ghi: Thiền sư Hải Tích ở núi Sài Lĩnh (núi Thầy - Hà Tây) soạn.

Qua bài ký và bài minh cho chúng ta biết nhà sư này thuộc phái Thiền tông truyền tâm ấn (truyền tâm). Chùa thuộc dòng thủy tổ ở Đông Đô (Thăng Long) ý nói thuộc dòng của Huệ Năng (TK. VII cho đến trước TK. IX (năm 826)). Dòng Vô Ngôn Thông vào Kiến Sơ thuộc Thiền phái Lâm tế(33).

Hay tấm bia ở tháp Hợp Bảo mang tên Hợp Bảo tháp bi ký (Bia không có niên đại) nhưng có thể đoán nó thuộc khoảng cuối Lê đầu Nguyễn vì nội dung viết về nhà sư húy là Nghi người xã Bảo Khám, huyện Gia Định. Năm 8 tuổi xuất gia, khoảng 1-2 năm theo thầy Hải Nhân ở chùa Diên Ứng, Cổ Châu, năm Ất Hợi nhà sư tịch, cử ngài lên làm trưởng tọa đạo tràng, giao cho trụ trì chùa Diên Ứng làm tổ thứ 2, Dòng lạc khoản ghi: "Nam vô Bảo Đức tháp, Lâm tế thiền Tông, Trúc Lâm Huệ Tinh pháp tịch mật dương dương thiền sư hóa thân tọa hạ".

Phần cuối là bài minh có câu:

"Trúc Lâm đạo ngạn

Diên Ứng từ thuyền"

Nghĩa là:

(Phái Trúc Lâm là bến giác ngộ

Chùa Diên Ứng là con thuyền từ bi).

Gần đây nhất là tấm bia thời Nguyễn có niên đại Nhâm Tý niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852) mang tên Thường An tháp tinh minh ghi về nhà sư trụ trì chùa là Sa-Di đệ tử, tự là Phổ Giác, người xã An Xá, Cẩm Giàng, Bình Giang. Nhà sư họ Phan, năm Gia Long thứ 1 (1802) thụ giáo ở chùa Diên Ứng, hóa năm Nhâm Dần (1852) thọ 58 tuổi. Phần cuối ghi dòng chữ "Nam Vô Lâm tế thiền tông Trúc Lâm huệ Thịnh Chính Tĩnh sa-môn-a-sa-di tự Phổ Giác thích quy-y thiền sư tọa hạ".

Từ những tấm bia trên chẳng những cho ta thấy được hành trạng của họ gắn với lịch sử của chùa mà còn cho biết rõ nơi đây suốt nhiều thế kỷ từng tồn tại phái Lâm tế thuộc Thiền tông Trúc Lâm(34).

Có thể nói rằng chùa Dâu nằm trên một vùng đất có quá trình phát triển lâu dài liên tục suốt mấy ngàn năm. Bằng những tư liệu khảo cổ học, lịch sử, văn hoá dân gian cho ta thấy nơi đây đã hình thành, ngưng kết một nền văn hóa Việt-cổ-Văn hóa Đông Sơn và tiếp đó diễn ra sự giao thoa văn hóa Việt - Hoa - Ấn mà cụ thể và hệ quả của nó là hình thành nên một trung tâm Nho học và đặc biệt là sự hình thành trung tâm Phật giáo dưới thời Hán (TK. II-III SCN). Để hiểu thêm về thành cổ Luy Lâu nói chung và Phật giáo Luy Lâu nói riêng chúng ta cần phải đợi chờ những phát hiện mới của khảo cổ học trong tương lai. Nhưng bằng một số tư liệu mà chúng ta đã có hiện nay cũng có thể hình dung được phần nào về lịch sử chùa Dâu với biết bao thăng trầm. Chùa Dâu có lúc là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, trung tâm Phật giáo xứ Giao Châu, khi lại là nơi lui tới của các nhà vua mộ đạo, tín phật của những trí thức Phật giáo thời Lý - Trần, là nhịp cầu nối giữa kinh thành Thăng Long và trung tâm Quỳnh Lâm, Yên Tử. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, đến thế kỷ XVII, XVIII, XIX chùa Dâu lại được trùng tu tôn tạo bề thế cho đến ngày nay. Chùa Dâu là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích lịch sử quan trọng đã có từ ngàn năm nay. Chùa Dâu mãi là niềm tự hào của người dân xứ Kinh Bắc.

Chú thích:

(1) Chẳng hạn: nghiên cứu trực tiếp về Phật giáo Luy Lâu có Tầm Vu: Một cuộc đấu tranh giữa thần bí và duy lý trong Phật giáo Giao Châu thế kỷ V, Nghiên cứu Lich sử, 1982, số 3 (2004) tr.44-51.

Nguyễn Duy Hinh có bài Chùa Dâu - suy nghĩ sử học, Nghiên cứu Lich sử,, 1983 số 4 (221) tr.20-26.

Trần Đình Luyện: Luy Lâu lịch sử và văn hóa, Sở văn hóa thông tin tỉnh Bắc Ninh, 1999...

Ngoài ra các tác giả khác có đề cập đến Phật giáo nói chung trong đó có Luy Lâu như:

Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nguyễn Tài Thư (chủ biên) Nxb. KHXH, H. 1988; Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận (2 tập) Nxb. Lá Bối, Paris 1977-1978, Trần Văn Giáp: Phật giáo ở Việt Nam từ cội nguồn đến TK. XIII, BEFEO, Tập XXXII, H. 1933.

(2) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. KHXH, H.1992, tr.102.

(3) Dẫn lại theo Đại cương lịch sử Việt Nam. Trương Hữu Quýnh (chủ biên) Nxb. Giáo dục, Tập I, H. 1999, tr.57.

(4) Hà Văn Tấn (chủ biên)/ Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1994, tr.134, 150, 152.

(5) Đình Văn Quan, xã Trí Quả hiện còn giữ được 11 sắc phong cho 2 vị nữ tướng là Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di tướng của Hai Bà Trưng có niên đại Thiệu Trị 6 (1871), Khải Định 9 (1924).

(6) Nguyễn Thị Mai Hương, Đinh Văn Thuận: Những phát hiện mới về khảo cổ học, 2002, tr.361.

(7) Trương Hữu Quýnh (chủ biên): Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, , Nxb. Thuận Hóa, tr.105, 108.

(8) Nguyễn Văn Huyên/ Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1995, tr.450-462.

(9) Có người cho rằng Lãng Bạc là Hồ Tây, có người lại cho rằng Lãng Bạc thuộc vùng Tiên Du, Bắc Ninh. Nhưng theo chúng tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác thì Lãng Bạc phải ở khoảng huyện Gia Bình, Lang Tài, Thuận Thành, Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

(10) Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. VH-TT, H. 2000, tr.938.

(11) Theo GS Hà Văn Tấn thì vấn đề niên đại tác giả và tác phẩm Lý hoặc Luận còn chưa thống nhất, có người cho là nó ra đời vào khoảng thế kỷ III, có người cho rằng nó ra đời vào khoảng thế kỷ V, VI... Xem Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam. Tạp chí Văn học số 4-1992, tr.7-12.

(12) Mật Thể trong tác phẩm Việt Nam phật giáo sử lược, nhà in Minh Đức, 1942, tr.77 lại cho rằng: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi trụ trì ở chùa Pháp Vân (ở làng Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông bây giờ) là không phù hợp.

(13) Xem Nishimura/ Nhận xét mới về niên đại cuối cùng ở thành cổ Luy Lâu (Lũng Khê, Thuận Thành - Bắc Ninh) in trong Những phát hiện mới về khảo cổ học Nxb. KHXH, H. 2000, tr.629.

(14) Hoàng Văn Khoán/ Những phát hiện mới về khảo cổ học, Nxb. KHXH, H. 2000, tr.628.

(15) Thiền uyển tập anh, bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nxb. Văn học, 1990, tr.186.

(17), (18) Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ quyển VI tờ 22b, 23a, quyển III tờ 4b,6b,40b.

(19) Đào Duy Anh phiên Duềnh Bà, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ quyển IV tờ số 20b, 21a, bản tiếng Việt trang 329 chú rằng (...) Duềnh Bà cũng có thể là tên Nôm thời bấy giờ ở vùng này (Duềnh chỉ sông Dâu, Bà chỉ Bà Dâu, nữ thần thờ ở chùa Dâu). Còn Cổ Châu Phật bản hạnh bản khắc in năm 1752 lại ghi lại là "Bình Giang" trong câu:

"Du phương đán sĩ vương thành

Qua sông thiên Đức đới ghềnh Bình Giang".

(20) Đại Việt sử ký toàn thư, quyển IV, đd tờ 20b, 21a, bản tiếng Việt tập 1 trang 329 Cổ Châu phật bản hạnh cũng viết:

"Nhà Lý Bính Thân niên gian.

Vua liền tức vị dân an được mùa

Vạn dân phú quý phong lưu

Năm sau đại hạn cạn khô đồng điền

Rước Bụt ra chùa Báo Thiên

Thái Hậu khẩn nguyền cầu vũ cho dân".

Quyển sách này còn cho biết còn rước Phật vào chùa Khán Sơn nữa:

Rước bụt kỳ vũ Kinh Kỳ

Chùa Khán Sơn tự bên tây điện Rồng

(Xem Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Văn Thăng: Cổ Châu Phật bản hạnh - tác phẩm chữ Nôm mới sưu tầm, in trong Thông báo văn hóa dân gian 2002, Nxb. KHXH, H. 2003, tr.586-603).

(21) Nguyễn Duy Hinh: Phật giáo với văn hóa Việt Nam. Tạp chí Văn học số 4-1992, tr.4.

(22) G. Coedès: Các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Dương và Nam Dương, Paris 1964, p 182.

(23) Đại Nam nhất thống chí. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Tập 4, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.109.

(24) Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ trong tác phẩm Tam tổ Trúc Lâm giảng giải (Thiền viện Thường Chiếu, xuất bản năm 1997, tr.57 cũng viết đây là câu hỏi đáp giữa Trần Nhân Tông và các học trò).

(25) Chúng tôi có tham khảo ý kiến của GS. Phan Đại Doãn, ông cũng cho rằng chùa Bình Văn được xây dựng vào khoảng cuối thời Trần TK XIV.

(26) Đó là vào các năm Bảo Thái thứ 3 (1722), Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), Cảnh Hưng thứ 12 (1751), Cảnh Hưng thứ 17 (1756), Cảnh Hưng thứ 21 (1760), Cảnh Hưng thứ 24 (1763), Cảnh Hưng thứ 30 (1769), Cảnh Hưng thứ 36 (1775), Quang Trung thứ 3 (1790), Quang Trung thứ 5 (1792), Gia Long thứ 2 (1803), Gia Long thứ 4 (1805), Gia Long thứ 8 (1809), Gia Long thứ 14 (1815), Minh Mạng thứ 5 (1824), Minh Mạng thứ 7 (1826), Minh Mạng thứ 12 (1831), Tự Đức thứ 3 (1850), Tự Đức thứ 5 (1852), Tự Đức thứ 26 (1873). Ngoài ra còn có 4 bia không ghi niên đại nhưng dựa vào hoa văn và một số yếu tố khác, chúng tôi cho rằng những tấm bia này được khắc dưới triều Nguyễn TK. XIX.

(27) Bia Hòa Phong tháp bi ký phần đầu ghi: Thời xưa Tùy Cao Đế chú ý đến việc giảng dạy Đạo phật, sai Lưu Lãnh chọn đất Giao Châu. Lúc đó có Pháp Hiền đại sư nói rằng đây thực là danh thắng, bèn xây tháp ở giữa.

(28) Trong bia (1738) có nhắc đến cuốn sách Cổ Châu thực lục có lẽ không phải là Cổ châu phật bản hạnh bởi vì Cổ Châu Phật bản hạnh đến năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) mới khắc in định bản.

(29) Bia này được viết rất muộn chỉ để tham khảo. Bia Hòa Phong tháp bi ký có ghi việc Tùy Cao Đế chú ý đến việc giảng dạy đạo phật, sai Lưu Lệnh (Lãnh) chọn đất Giao Châu... Còn bia Phúc Nghiêm tự sự tích bi niên đại Tự Đức thứ 25 (1873) lại ghi là Lưu Phong làm lệnh chỉ Giao Châu. Có thể Lưu Lãnh và Lưu Phong là một. Nhưng bia này viết là Lưu Phong tìm đến Tam Tổ, Tứ Pháp thì không đúng bởi Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) chỉ có thể được thờ từ đời Trần trở về sau.

(30) Đại Nam nhất thống chí. Quốc sử quán triều Nguyễn, Tập 4, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.109.

(31) Bia này không phải bia của chùa mà là bia của một dòng họ nào đó.

(32) Long Động có lẽ là tên gọi mang tên một địa danh. Cách gọi khác của phái Trúc Lâm. Trong tấm bia ở Tháp Tâm Hoa, chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) cách chùa Dâu 3km có ghi nhà sư pháp danh Như Chúc đến năm Đinh Mùi lên chùa Long Động, núi Yên Tử thuộc tông phái, nhà sư Chính Giác hòa thượng (niên đại bia Vĩnh Hựu thứ 3 (1737).

(33) Theo Nguyễn Duy Hinh: Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Tạp chí Văn học số 4/1992 tr.4 viết: Thời Lý - Trần ảnh hưởng Thiền tông đã rõ rệt, tuy không độc tôn, thiền tông đã trở thành một tông độc đáo đối với Huệ Năng (TK VII). Tì Ni Đa Lưu Chi (?-594) chưa phải là người truyền bá Thiền tông. Nhưng đến thế hệ thứ 8 của dòng này thì đã thấy rõ dấu ấn Thiền tông. Thời nhà sư Định Không (?-808) đã có chùa Lục Tổ, đến La Quý An thì đã đúc tượng Lục Tổ bằng vàng. Dòng Vô Ngôn Thông vào Kiến Sơ từ trước năm 826 rõ ràng thuộc thiền tông phái Lâm Tế".

Theo Thích Thanh Kiểm trong Thiền lâm bảo huấn. Nxb. Tôn giáo, 2001, tr.166, 382 chú: Lâm tế tức là Lâm tế Nghĩa Huyền thiền sư thủy tổ của Lâm tế tông, pháp tự của Hoàng Nghiệt Hi Vận thiền sư, đời thứ 4 của phái Nam Nhạc. Còn sách Cảnh Đức truyền đăng lục do nhà sư Đạo Nguyên đời Tống biên soạn vào năm 1004 (niên hiệu Cảnh Đức thứ nhất) gồm 30 quyển nói về 5 phái và 1701 truyện các Thiền sư trong đó có chép truyện Thiền sư Huệ Tư ở Nam Nhạc. Như vậy Nam Nhạc là một tên gọi của một phái thiền theo địa danh và phái Lâm Tế đã đề cập ở trên có nguồn gốc từ Trung Hoa (xem Cảnh Đức truyền đăng lục quyển 27, bản in trong Đại chính tân tu Đại tạng kinh, quyển 51, tr 431). Mật thể trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, 1942, tr.176-177: dẫn từ sách The Esquisse d'une histoire du Boudd hisme au Tonkin, p12 cho rằng vào đầu thời vua Lê Hy Tông ở miền Bắc lại có phái Liên Tôn. Phái này có nguồn gốc từ Chuyết Công (người Trung Quốc) tức là chi phái của phái Lâm Tế). Chúng tôi đã khảo sát chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh còn tượng, tháp đá và bi ký ghi về hành trạng của các vị sư này.

(34) Trúc Lâm: Lấy tên một tu viện Ấn Độ cổ đại, tiếng Phạn là Veluvana do nhà vua Binbi Sara nước Maghada đã tự nguyện cải hóa theo đạo Phật dâng hiến cho Thích Ca làm nơi thuyết pháp giảng đạo./.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.181-201)

In
Lượt truy cập: