Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2004
2. Tư liệu về Quang Thục Hoàng Thái hậu qua văn bia lăng Khôn Nguyên Chí Ðức (TBHNH 2004)

Cập nhật lúc 16h25, ngày 27/06/2007

TƯ LIỆU VỀ QUANG THỤC HOÀNG THÁI HẬU QUA

VĂN BIA LĂNG KHÔN NGUYÊN CHÍ ĐỨC

TRẦN THỊ KIM ANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Lăng Khôn Nguyên chí đức tại khu di tích Lam Kinh, xã Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là lăng mộ Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao thời Lê. Tại lăng hiện còn tấm bia thần đạo được lập vào niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất đời vua Lê Hiến Tông (1498) ghi lại tiểu sử của Hoàng Thái hậu. Đây là một tấm bia lớn, cao tới gần 3m, rộng chừng 1m, chạm khắc rồng mây, chữ triện, trang trọng theo quy cách bia cung đình. Văn bia do Lễ bộ Hữu Thị lang Nguyễn Bảo và Hàn lâm viện Thị độc Nguyễn Xung Xác phụng soạn; chữ trên bia do Trung thư giám Chính tự Bùi Sĩ Nho viết chữ chân và Kim Quang môn Đãi chiếu Nguyễn Nhân Huệ viết chữ triện; người khắc bia là Ngọc thạch tượng Tượng phó Hoàng Phận, toàn văn bằng chữ Hán, với chừng 3000 chữ. Thác bản hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 1919.

Quang Thục Hoàng Thái hậu là vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông và là bà nội của vua Lê Hiến Tông. Theo những ghi nhận của các đại thần thời bấy giờ qua văn bia thì Thái hậu có công với cả ba vị hoàng đế này. “Đối với Thái Tông thì có sự chuyên cần lo lắng phò tá, đối với Thánh Tông thì có công dưỡng dục dạy bảo, đối với Thánh thượng (Hiến Tông) thì có tình thương yêu”. Đặc biệt bà là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông, luôn kề vai sát cánh cùng Thánh Tông trong quá trình cai trị đất nước, giáo hóa nhân dân, đưa đất nước đến thời kỳ đại trị. Tuy nhiên từ lâu nay các nghiên cứu về sự nghiệp của Lê Thánh Tông dường như chưa mấy đề cập đến vai trò của Hoàng Thái hậu, điều này có lẽ một phần do thiếu các tài liệu hữu quan, ngay cả Đại Việt sử ký toàn thưĐại Việt thông sử của Lê Quý Đôn khi nhắc đến Hoàng Thái hậu cũng chỉ cho biết về bà rất sơ lược. Văn bia lăng Khôn Nguyên chí đức được viết ngay sau khi Thái hậu băng hà chỉ vài tháng, lại do những đại thần sống cùng thời với Thái hậu - được chứng kiến tận mắt về con người cũng như công lao đức độ của Thái hậu viết ra, do đó có thể nói đây là một tư liệu quí và đáng tin cậy cho biết khá đầy đủ về Hoàng Thái hậu. Để cung cấp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu, chúng tôi trích dịch từ đây một số vấn đề liên quan đến dòng dõi, con người và cuộc đời của bà.

1. Về dòng dõi: Văn bia cho biết, căn cứ Thế gia phả điệp thì Hoàng Thái hậu họ Ngô húy là Ngọc Giao, người ở Yên Định, Thiệu Thiên, Thanh Hóa. Cụ cao tổ của bà húy là Lỗ, thuộc một dòng họ lớn ở thời Trần; cụ bà húy là Quỳnh, là Khôi Á Quận chúa kiêm Đại hoàng bà cung Bảo Từ. Cụ Tằng tổ húy là Tây, được triều Lê tặng Kiến Tường hầu; cụ bà họ Đinh, húy là Ngọc Luân, được tặng Kiến Tường Quận phu nhân. Ông nội húy là Kinh được truy phong Hưng Quận công; bà nội họ Đinh, húy là Mại, được tặng Hưng Đức Quốc phu nhân. Cha húy là Từ, giữ chức Tuyên phủ sứ Thái từ Thiếu bảo Quan nội hầu, được tặng Chương Khánh công, gia tặng Ý Quốc công; mẹ họ Đinh, húy là Ngọc Kế, được tặng Ý Quốc thái phu nhân, Hoàng Thái hậu là con gái thứ ba của hai cụ. Bà ngoại họ Trần, húy là Ngọc Huy, là hậu duệ của một nhân vật nổi tiếng triều Trần là Tá Thánh Thái sư Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Như vậy, Hoàng Thái hậu được sinh ra từ một dòng họ cao quý và chắc hẳn đã được thừa hưởng một sự chăm sóc và giáo dục tốt đẹp từ dòng họ này.

2. Về cuộc đời: Văn bia cho biết, Hoàng Thái hậu khi còn nhỏ cha mẹ mất sớm, được nuôi nấng ở nhà bà nội. Huyền thoại từng có dị nhân đi qua nhà nhìn thấy Thái hậu đang chơi với lũ trẻ hàng xóm thì bảo với mọi người rằng “Đứa trẻ này ngày sau sẽ trở thành mẹ thiên hạ” cũng được văn bia nhắc đến. Niên hiệu Thiệu Bình thứ 3 (1436), khi vừa tròn 16 tuổi, Thái hậu được tuyển vào cung, rất được Thái Tông yêu quý. Bà sinh ra Thao Quốc Trưởng công chúa tức công chúa thứ năm, và hoàng tử Tư Thành (Vua Lê Thánh Tông) tức hoàng tử thứ tư của vua Thái Tông. Niên hiệu Đại Bảo thứ nhất (1440), bà được sách phong làm Tiệp dư. Sau khi Thái Tông qua đời, Hoàng tử Tư Thành được phong làm Phiên vương cho ra ở ngoài cung, Thái hậu vì là mẹ của Thân vương nên được Tuyên Từ Hoàng Thái hậu đặc thăng làm Sung viên cho ra phụng sự Thái miếu. Sau loạn Lạng Sơn vương Nghi Dân, Nhân Tông bị hại, Thánh Tông lên ngôi, bà được sách phong làm Hoàng Thái hậu, cho ở điện Thừa Hoa. Tháng 3 năm Bính Thìn, sau khi bái yết sơn lăng trở về, Thái hậu mắc bệnh lỵ, rồi vào ngày 26 tháng 3 nhuận niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), bà băng ở chính tẩm điện Thừa Hoa, hưởng thọ 76 tuổi, ở ngôi Hoàng Thái hậu tất cả là 37 năm. Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ 1 (1948) đưa về táng ở đầm Rắn xã Lam Sơn, theo về Hựu lăng (lăng vua Lê Thái Tông). Hoàng Thái hậu chỉ qua đời trước Thánh Tông Hoàng đế mười tháng, như vậy cả cuộc đời của vị Hoàng đế anh minh này đã luôn có sự quan tâm của người mẹ đáng kính của mình - Quang Thục Hoàng Thái hậu.

3. Về con người: Văn bia viết khá kỹ càng về tài năng đức độ cũng như dáng vẻ của Thái hậu “Hoàng Thái hậu sinh ra đã có tư chất cao quý thuần hóa, thiên tư cẩn thận, luôn luôn cần kiệm, không thích xa hoa, may vá thêu thùa chẳng rời tay, cỗ bàn cơm rượu rất biết cách, lúc nhàn rỗi cũng nghiêm trang như tiếp tân khách, đối xử với mọi người luôn giữ vẻ ôn hòa”. Sau khi được tuyển vào cung, bà luôn hết sức đúng mực “Dùng lễ để thờ người trên, lấy ân để tiếp kẻ dưới”. Bà là người rất khiêm tốn nhường nhịn, khi được sách phong làm Tiệp dư theo lễ được phép ở cung Khánh Phương nhưng bà cho rằng cung này chiêu nghi họ Lê đang ở nên không nỡ chiếm lấy mà cố từ chối, khiến cho Thái Tông và cận thần rất nể phục. Khi được tôn làm Hoàng Thái hậu, bà luôn “lấy đức cần kiệm để giáo hóa thiên hạ, dùng điều khoan hậu để khuyên bảo quan gia, cung kính tông miếu, thờ phụng quỷ thần, điều không đúng lý không làm, việc mà bất chính không đoái”. Vốn thông minh lại có học vấn, Bà thường quan tâm chỉ bảo Thánh Tông trong công việc cai trị, “Thánh Tông Hoàng đế tuy là bậc hùng tài đại lược, thần vũ anh minh nhưng luôn kính cẩn chuyên cần nghe theo lời dạy bảo của Thái hậu”. Công lao của Thái hậu đối với quá trình cải đổi xã hội thời kỳ này theo hướng Nho giáo hóa là không nhỏ. Văn bia khẳng định: “Lễ nhạc văn chương được rạng rỡ, sĩ phong dân tục bỗng chốc thuần hậu đều nhờ ở sức của Thái hậu”. Bà là người “Nghiêm nhưng không ác, giản dị mà đàng hoàng, chăm chỉ tuân theo lễ pháp, rất ít ra khỏi phòng riêng”. Thường ngày Thái hậu rất năng thờ Phật thờ Đạo, tuy tuổi tác cao nhưng rất chăm làm việc thiện, sống nhân ái bao dung, không tự tư tự lợi, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, khiến cho “Trong cung không kẻ sang người hèn nào không gọi là Phật sống. Vàng lụa được ban cấp đều đem ban phát cho mọi người, thường thương xót chu cấp cho người nghèo, hòm rương luôn trống rỗng chẳng có gì tích trữ làm của riêng”. Vì vậy “ngày Thái hậu băng hà, trăm họ như có tang cha mẹ”. Thái hậu là người có dáng vẻ kkỏe mạnh trẻ trung xinh đẹp, điều đặc biệt lạ ở bà là “tuy già nhưng tóc không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, dáng mạo không suy, có vẻ đẹp riêng, chỉ như người chừng 40 tuổi vậy”, điều này có lẽ nhờ một phần ở tinh thần mạnh mẽ, ở sự nhiệt tình với cuộc sống của Thái hậu, “tuổi tác càng nhiều tinh thần càng mạnh, tính vốn hiếu học lại biết làm thơ, thường đem thư truyện dạy dỗ con cháu, … với thể chất tinh thần và lối sống như vậy nên đến khi mất Thái hậu vẫn đặc biệt khác với người thường. Văn bia cho biết, “Thái hậu nằm liệt giường hơn tháng mà không một tiếng rên la. Băng 5 ngày mới liệm, bấy giờ trời tháng ba chớm nóng mà tuyệt nhiên không có mùi hôi”.

Với công lao tài đức như vậy, văn bia đánh giá: “Thái hậu là người có công lớn với xã tắc, mưu tính rộng lớn sâu xa, xử trí mọi việc luôn thích đáng, khiến cho tông miếu được vững bền, dòng dõi được truyền nối, xứng đáng là người đứng đầu trong các vương hậu của nước Đại Việt”. Ngoài ra bởi sự nuôi nấng dạy bảo và gắn bó với vua Hiến Tông từ lúc ngài còn nhỏ cho đến lớn, nên giữa hai bà cháu có một tình cảm thương yêu vô bờ bến. Văn bia còn cho biết, “Khi Hoàng Thái hậu mới lâm bệnh, Thánh thượng Hoàng đế bấy giờ đang là Hoàng thái tử, ngày đêm quanh quẩn hầu hạ không rời, thuốc thang đồ ăn dâng lên cho Thái hậu đều tự thân nếm, trong thì kêu cáo tổ tiên, ngoài thì ngược xuôi cầu đảo không thiếu thần nào. Khi Thái hậu sắp băng, vua tự xưng tên mà gọi bà. Lúc Thái hậu qua đời, từ khâm liệm phạm hàm, vua đều tự tay làm lấy, lại tự viết ai từ để bày tỏ sự đau xót”.

Qua những điều đã trình bày ở trên có thể thấy văn bia đã phản ảnh được nhiều điều khá chi tiết và chân thực về con người và cuộc đời của Quang Thục Hoàng Thái hậu, trong đó có nhiều điều mà các tài liệu lịch sử về sau chưa từng nhắc đến. Từ những tư liệu này chúng tôi hy vọng các nhà sử học, những tiểu thuyết gia, các đạo diễn phim lịch sử có thể khai thác được nhiều chi tiết giúp đánh giá đúng mức về vai trò của Hoàng Thái hậu đối với sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông, đồng thời qua đó, có thể xây dựng nên hình tượng mẫu mực và đẹp đẽ về thân mẫu của nhà vua - hình tượng một bà Hoàng Thái hậu xứng đáng đứng đầu trong các vương hậu của Đại Việt./.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.17-22)

In
Lượt truy cập: