Tin tức >> Hội nghị, Hội thảo
Nguyễn Tài Thư [Toàn văn]
NHÀ LÝ HỌC NGUYỄN BỈNH KHIÊM (Xem tiếp)

Cập nhật lúc 22h50, ngày 26/08/2007

NGUYỄN BỈNH KHIÊM: NHÀ LÝ HỌC

GS.TS. Nguyễn Tài Thư

Từ thế kỷ thứ XVI trở đi, nhất là thời gian gần đây, nhiều người Việt Nam nói Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà lý học, song còn ít người bàn tới lý học của ông. Để tìm hiểu những đặc điểm của Nho học Việt Nam, không thể không nghiên cứu mảng lý học của dân tộc, trước hết là ở Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1. Nguyễn Bỉnh Khiêm: Từ nhà Nho nói chung đến nhà lý học

Hồi nhỏ ở nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bà mẹ am hiểu học thuyết Khổng – Mạnh, dạy cho các kinh truyện của thánh hiền, nhưng đó mới là cái học vỡ lòng, vừa để biết chữ, vừa để định hướng cho ông học tập theo Nho học sau này.

Lớn lên, Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, một nhà Nho nổi tiếng đương thời. Thầy dạy cho ông những kiến thức trong “Tứ thư”, “Ngũ kinh” và sự chú giải nội dung các cuốn sách đó của các nhà đại Nho Trung Quốc từ trước cho đến lúc bấy giờ. Kiến thức của ông nhờ thế được mở rộng, nhưng đó cũng mới là cái học ban đầu, chưa tạo nên ở ông ý thức rõ ràng về sự lựa chọn trong các trường phái Nho học đó một lý thuyết để theo và để phát huy.

Ba kỳ thi từ địa phương cho đến kinh đô, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đỗ đầu. Sức học như thế là kiệt xuất, song sự hiểu biết và vận dụng để trả bài đó cũng chỉ nằm trong phạm vi trường qui của kiến thức giáo khoa Nho học, chưa phải là Lý học.

Sự hình thành Lý học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là khi ông suy xét và vận dụng các nguyên lý của Tống Nho để nhận thức và giải quyết các sự kiện chính trị, tư tưởng và đạo đức đương thời.

Lý học còn gọi là Đạo học, hay là Nho học thời Tống – Minh. Nếu Hán Nho chỉ chú trọng giải thích nghĩa các câu chữ trong sách kinh điển của Nho trước Tần, thì Tống Nho đã hướng việc nghiên cứu vào nội dung kinh nghĩa của Nho học và chú trọng đến các khái niệm: “Lý”, “Số”, “Tính”. “Mệnh”, cho nên Lý học còn được gọi là cái học nghĩa lý (nghĩa lý chi học). So với các giai đoạn khác của Nho học thì Tống Nho mang nhiều tư tưởng thâm thuý, chứa đựng nhiều kiến giải triết học. Vì vậy, các học giả phương Tây gọi Tống Nho là “Nho học mới” và khi nói về triết học Trung Quốc, họ thường dẫn đến Lý học. Chuyên tâm vào Lý học, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nâng trình độ Nho học của mình lên mức tư duy kiểu triết học Tống – Minh.

Nói tới Lý học, không thể không nhắc tới 5 nhân vật có công xây dựng nên học thuyết này của Bắc Tống. Đó là Thiệu Ung (1011 – 1077), Châu Đôn Di (1017 – 1073), Trương Tải (1020 – 1077), Trình Hạo (1032 – 1085) và Trình Di (1033 – 1107). Thiệu Ung đề xuất lý thuyết tượng số học của Lý học, Châu Đôn Di mở đầu cho Lý học bằng việc xây dựng nên một loạt phạm trù như thái cực, lý, khí, tính, mệnh,… Trương Tải đề xuất quan điểm xem “khí” là bản thể của vũ trụ, Trình Hạo và Trình Di đặt nền tảng cho Lý học, bằng việc đề cao các khái niệm “lý” và “thiên lý”, xem đó là cơ sở để nhìn nhận và giải quyết mọi việc, mọi quan hệ. Ngoài ra nói đến Lý học còn phải kể đến Chu Hy (1130 – 1200) thời Nam Tống, người “tập đại thành” Lý học. Cả sáu nhân vật trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều chịu ảnh hưởng.

Tuy nguồn học của Nguyễn Bỉnh Khiêm đến từ nhiều nhà Lý học như trên, nhưng trong đó, ảnh hưởng sâu sắc hơn cả đối với ông là Thiệu Ung và Nhị Trình. Ông đã bộc bạch tâm sự của mình như nói “Khi đi khi ở, lúc bên cửa sổ, lúc ngồi trên ghế đều có thú vui của Nghiêu Phu (tên tự của Thiệu Ung)” (“Hành oa, song kỷ Nghiêu Phu lạc!” - Tự thuật bài 8), “Trong cảnh nhàn tự thấy được thú vui của Nghiêu Phu” (“Nhàn trung tự đắc Nghiêu Phu lạc” – Tự thuật bài 9). Học trò của ông cũng thừa nhận như thế: “Suy trước biết sau, học lối Nghiêu Phu môn hộ.” (Văn tế của học trò).

Đặc biệt là ảnh hưởng của Nhị Trình đối với ông. Ông từng nói: “Nguồn học ở họ Trình khiến cho đạo dậy sóng” (“Mạch khai Trình học đạo dương ba” – Hà thi), “Ung dung như Nghiêu, Thuấn thì hợp với đức trời, Ngâm vịnh như Châu Đôn Di và Nhị Trình thì được nhiều đạo tâm” (“Nghiêu, Thuấn ung dung thiên đức hợp, Châu Trình ngâm vịnh đạo tâm đa” – Xuân phong). Ông còn trách đương thời ít người đến được với cửa Trình: “Ngày nay ít thấy người vén áo ngồi học ở cửa Trình” (“Trình môn kim hãn kiến khu y” – Tự thán). Nhiệt tình với họ Trình, đặt hy vọng vào họ Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện nguồn học của mình cơ bản là từ Trình Hạo và Trình Di, những người làm nên học phái chủ yếu của Lý học thời Tống.

Say sưa với Lý học và ngưỡng vọng anh em họ Trình, song tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm không hoàn toàn giống bất cứ một nhân vật nào của Tống Nho. Nếu như ở Tống Nho, dù là Nhị Trình hay Chu Hy đều tập trung vào giải quyết hai mối quan hệ trung tâm là lý – khí, lý – dục với tư tưởng “lý” quyết định “khí”, đồng thời chủ trương giữ lấy “lý” và bỏ “dục” (tồn thiên lý diệt nhân dục) thì Nguyễn Bỉnh Khiêm không xem đó là trọng tâm phải giải quyết. Chưa một lần trong tác phẩm của ông thấy nêu lên và giải quyết mối quan hệ giữa “lý” và “khí”. Ngay như mối quan hệ giữa “lý” và “dục”, ông chỉ phê phán lòng dục vô hạn độ của bọn tham quan đương thời, còn ở mặt khác, ông lại chủ trương phải thoả mãn lòng dục của những người nghèo khổ, như nói: “Trời sinh ra dân chúng, no ấm là điều ai nấy đều mong muốn.”(“Duy thiên sinh chúng dân, Bão noãn các sở dục”)(1) hoặc nói: “Từ xưa đến nay, người có nhân không ai địch nổi, Việc gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh!” (“Cổ lai nhân giả tri vô địch, Hà tất khu khu sự chiến tranh”)(2). Yêu cầu của thực tiễn đất nước lúc bấy giờ là cơ sở để ông hình thành tính độc lập trong tư duy như trên.

Ngoài ra, học theo Nhị Trình, song Nguyễn Bỉnh Khiêm không hoàn toàn khuôn mình theo hệ thống của hai nhân vật này, kể cả Chu Hy và các nhà Tống Nho khác. Qua sự giải thích quá trình hình thành vũ trụ của ông có thể thấy được điều này. Tuy ông cũng như các nhà Tống Nho đều xuất phát từ “thái cực” của Kinh Dịch, nhưng lý thuyết vũ trụ học của ông khác với họ. Nếu như ở Nhị Trình thì trình bày theo đúng trình tự trong Kinh Dịch (thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng,…), ở Châu Đôn Di là: “Vô cực nhi thái cực, thái cực động thì sinh dương, động đến cùng cực thì tĩnh, tĩnh thì sinh âm… Hai khí giao cảm sinh ra vạn vật” (Thái cực đồ thuyết), ở Thiệu Ung là: “Thái cực là một, bất động sinh nhị, nhị tức là thần, thần sinh số, số sinh tượng, tượng sinh hình khí,…”(“Hoàng cực kinh thế”). Còn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm thì cho thái cực sinh ra trời, đất và người, do sự nặng nhẹ của khí mà ra: “Thái cực lúc mới phân chia, vị trí thiên địa nhân đã định. Trong và nhẹ thì bay lên là trời, đục và nặng thì lắng xuống là đất, ở giữa tụ lại là người. Tất cả đều bẩm thụ ở một khí.”(“Thái cực sơ triệu phân, Tam tài định quyết vị, Khinh thanh thượng vi thiên, Trọng trọc hạ vi địa, Trung tập nhi vi nhân, Bẩm thụ thị nhất khí” – Cảm hứng). Ở đây cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy hết sức kính trọng và học tập thầy học, song biết lựa chọn và tiếp thụ ở thầy điều gì được xem là hợp lý. Đồng thời còn biết kế thừa ở người khác những tư tưởng có lợi cho tư duy của mình. Trường hợp này là kế thừa lý thuyết xem khí chất đầy vũ trụ của Trương Tải, mặc dù trong tác phẩm của ông không thấy đề cao nhà tư tưởng này. Chính các điều trên đã khiến ông trở nên một nhà Lý học có một không hai trên trường tư tưởng.

Do đức tính khiêm tốn của nhà Nho, ông không tự xưng mình là nhà Lý học, nhưng không phải vì thế mà người đương thời không thấy được vị trí học thuật của ông. Học trò không ngần ngại tôn xưng ông là: “Một nhà Lý học tinh thông, Hai nước [Lê, Mạc] anh hùng không đối thủ(3). Triều Mạc phong tước cho ông là “Trình tuyền hầu”(4) rồi thăng lên Trình quốc công. Bản thân Mạc Mậu Hợp tự tay viết biển ngạch treo trước đền thờ ông: “Mạc triều trạng nguyên tể tướng từ”(5). Đến thế kỷ XVII một Nho gia nhà Thanh là Châu Xán đi sứ sang Việt Nam được đọc tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm phải thốt lên và ghi vào sách của mình: “Nhân vật ở đất Lĩnh Nam, về Lý học có Trình tuyền hầu” (Lĩnh Nam nhân vật, Lý học hữu Trình tuyền)(6). Tất cả những danh xưng trên đều phù hợp với trình độ và năng lực thực tế của nhà Lý học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

2. Hai khái niệm cơ bản trong tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm: “đạo” và “lý”

Nổi lên trong tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm là hai khái niệm “đạo” và “lý”. Sở dĩ như vậy, một phần là do ông kế thừa được các khái niệm trên ở các nhà Lý học thời Tống, phần khác và là phần quan trọng hơn, do ông thấy đó là công cụ hữu hiệu để nhận thức và khám phá các hiện tượng phức tạp và khó lường được kết cục của xã hội và con người đương thời.

“Đạo” vốn là đường đi của con người, vận dụng vào lĩnh vực hoạt động xã hội, được xem là luật, qui luật, nguyên lý của vận động. Trong tác phẩm “Kinh Dịch”, cuốn sách kinh điển của nhà Nho, “đạo” được phân thành “đạo trời” (thiên đạo), “đạo đất” (địa đạo) và “đạo người” (nhân đạo) nhưng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm thường tập trung vào “đạo trời” và “đạo người”.

Như các nhà Tống Nho, “đạo trời” ở Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể hiểu là luật vận động của trời đất, của tự nhiên. Ở ông nó mang các đặc điểm: cho muôn vật trong trời đất luôn luôn sinh sôi nảy nở: “Muốn biết cơ trời sinh sôi thần diệu, hãy xem mai nở tháng rét, sẽ thấy một khí dương sinh ra” (Sinh sinh dục thức thiên cơ diệu, Nhận thủ hàn mai nghiệm nhất dương – Trung tân quán ngụ hứng. Bài 11). Sự sinh sôi nảy nở đó là do giảm bớt hoặc tăng trưởng của âm và dương “Muốn nghiệm được chỗ giảm bớt hoặc tăng trưởng của âm, dương thì xem quẻ “Khảm” là chảy, quẻ “Cấn” là dừng lại [trong Kinh Dịch] để biết được lẽ hành tàng” (Dục nghiệm âm dương tiêu trưởng xứ, Khảm lưu Cấn chỉ thức hành tàng” – Ngụ hứng. Bài 13). Sinh sôi tạo nên biến chuyển theo vòng tuần hoàn tức là có đi rồi có lại: “Suy từ tượng của tám quẻ, biết sự vãng (đi tới), phục (trở lại) của trời” (“Bát quái tượng suy thiên vãng phục – Trung tân quán ngụ hứng. Bài 10), “Khí vận xoay vòng, hết rồi lại bắt đầu” (Nhất châu khí vận chung nhi thuỷ – Cảm hứng thi. Bài 4). Biến chuyển đó diễn ra một cách khách quan, bên ngoài ý muốn của con người: “Mới biết doanh hư đà có số, Ai từng dời được đạo trời”(7). Biết được vòng biến chuyển là để dừng lại hoặc để an phận: “Chữ rằng phú quý giai do mệnh, Gặp được bao nhiêu hay bấy nhiêu”(8), “Xưa nay cùng đạt đều do mệnh, Đừng lấy làm lạ ở đời có nhiều việc trái ý” (Cùng thông giai hữu mệnh, Hưu quái sự đa vi – Giang lâu thu nhật vãn vọng) những điều nêu trên cho thấy “đạo trời”, tức là thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xác định và hoàn chỉnh. Nhưng có hai điều cần phải bàn luận.

Một là, sự vận động của thế giới phải chăng chỉ theo một con đường tuần hoàn, đi rồi trở lại? Thực ra sự vận động của thế giới vật chất thì phức tạp, mang nhiều tính chất và theo nhiều hướng khác nhau. Vận động tuần hoàn chỉ là một trong nhiều hình thức của vận động, hơn nữa ở vòng sau tuy lặp lại, song không bao giờ có sự lặp lại hoàn toàn mà là ở trình độ cao hơn hoặc thấp hơn. Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa biết được điều này. Tuy vậy, sự đúc kết trên cơ sở kiến thức của tiền bối ở ông vẫn có những giá trị nhất định. Đó là sự khái quát một loại biến đổi lớn của thế giới khách quan: ngày đêm thay thế nhau, bốn mùa vần chuyển trong năm, nước triều lên rồi xuống, triều đại đổi thay, v.v.. Sự đúc kết đó dĩ nhiên là có ý nghĩa đối với đương thời, biết để hành động cho đúng thời.

Hai là, hiểu “đạo trời” để an phận là điều đáng tiếc. Ở đây suy rộng ra là đã hạn chế tính tích cực của con người. Nhưng đó là hạn chế của thời đại, của thế giới quan phong kiến phương Đông nói chung. Kinh Dịch, cuốn sách kinh điển về phương pháp tư duy của các nhà Lý học thời Tống, cũng như của Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng nói: “Vui với trời và biết mệnh, cho nên không có gì phải ưu lo” (Lạc thiên tri mệnh cố bất ưu)(9), hoặc nói: “Ngày trước thánh nhân làm ra Châu dịch là để thuận theo cái lý của tính mệnh” (“Tích giả thánh nhân chi tác dịch dã, tương dĩ thuận tính mệnh chi lý”)(10). Do đó, tư tưởng số mệnh ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là điều có thể hiểu được. Nhưng ở một mặt khác, có khi năng lực của con người, tức chủ thể hành động, không đủ điều kiện để giải quyết một vấn đề nào đó của hoàn cảnh khách quan mà cứ cố làm thì thất bại là điều không tránh khỏi. Trường hợp này biết sức của mình, biết phận của mình, yên với phận lại là điều cần thiết. Bởi vì có như vậy mới khỏi rơi vào trường hợp chủ quan duy ý chí và ảo tưởng. Tư tưởng an phận của Nguyễn Bỉnh Khiêm là để nhằm vào một số người đương thời không biết điều kiện của mình mà cứ cố làm. Ở đây có ý nghĩa là nhắc nhở, khuyến cáo.

Bên cạnh khái niệm “đạo” là khái niệm “lý”. “Lý” là một trong những khái niệm cơ bản trong tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nội dung của “lý” đó có nguồn gốc từ Trình, Chu. Ở Trình Di thì cho phần siêu hình của “đạo” là “lý”, phần hữu hình là “khí”. Chu Hy phát triển thêm: “Lý là đạo của siêu hình, là gốc sinh ra vật, còn “khí” (khí trong quan hệ lý – khí) là hình khí của hình thể [sự vật], là sự biểu hiện cụ thể của sựsinh ra vật.”(Lý dã giả, hình nhi thượng chi đạo dã, sinh vật chi bản dã; khí dã giả, hình nhi hạ chi khí giả, sinh vật chi cụ dã - “Đáp Hoàng đạo phu”). "Lý" trong lý thuyết của Trình, Chu vừa có nghĩa là nguyên tắc chính trị, đạo đức của đạo Nho, vừa có nghĩa là phép tắc, qui luật của sự vật. Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, tư tưởng "lý" cũng mang hai ý nghĩa trên.

Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Dục vọng mà thắng thì "lý" tự mất, tính khí mà kiêu thì ý chí trôi đi hết” (Dục thắng lý tự tiêu, khí kiêu chí tuỳ dật)(11); hoặc nói: “Nếu thiên lý không ở trong lòng người, không rơi vào mọi rợ thì cũng hiếm” (Túng phỉ nhân tâm thiên lý tại, Bất luân Di địch diệt cơ hi! – Tự thán. Bài 3); hay nói: “Chẳng chết được ấy là lòng người, chẳng mất được ấy là thiên lý.”(Bất tử giả nhân tâm, bất dẫn giả thiên lý – Cảm hứng tam bách cú)(12), thì "lý" hoặc “thiên lý” đây đồng nghĩa với đạo Nho, với tư tưởng chính trị, đạo đức của Nho. Nhưng khi ông nói: “Lúc giảm bớt, lúc tăng trưởng tùy theo thời, ấy là lý của vật, lúc cùng lúc thông biết rằng có mệnh, lẽ nào vì nỗi lo của ta [mà tránh được] (Tiêu trưởng tùy thời tri vật lý, cùng thông hữu mệnh khởi ngô ưu – Trung tân ngụ hứng. Bài 5); hoặc nói: “Muốn biết được lý tiêu trưởng của máy tạo hoá, thì xem thời có thể tự thấy được [phận sự] của người và của trời.” (Dục thức hoá cơ tiêu trưởng lý, Quan thời tự khả kiến thiên nhân – Tiểu xuân), thì "lý" ở đây như là luật vận động của thế giới, của con người.

Trong tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều lúc "lý", “thiên lý” được dùng để chỉ đạo người, tức là những nguyên tắc, những chuẩn mực làm người của đạo Nho. Lúc này, các khái niệm "lý", “thiên lý” có sự đồng nghĩa với các khái niệm “đạo người” (nhân đạo), đạo Nho, hoặc "đạo". Đối với ông, phải mệnh danh đạo Nho là "lý" hay “thiên lý” vì đương thời đã có nhiều người dao động với đạo Nho, đi theo đạo Phật, đạo Lão, hoặc hành động theo đạo của Pháp gia (chủ trương bạo lực, chiến tranh), nêu lên "lý" và “thiên lý” để cho người đời thấy được đi theo đạo Nho như là qui luật bắt buộc, không thể khác. Nêu lên "lý" và “thiên lý” cũng là điều để ông dễ dàng thể hiện suy tư của mình.

Nỗi niềm của ông đối với đạo Nho được thể hiện trong nhiều trường hợp. Ông đau xót với cảnh kẻ quyền quí không biết đến sự trong sáng của đạo, đã thờ ơ với đạo: “Trăng vằng vặc soi lòng đạo, Gió hiu hiu vỗ cửa Nho”(13). Ông thắc mắc không biết tại sao thời thế rối ren mà người ta không tìm đến đạo Nho: “Ải Tần, non Thục đường nghèo hiểm, Cửa Khổng lòng Nhan đạo khó khăn”(14). Ông thấy phải quyết tâm đi theo đạo Nho: “Từng xem sách cũ một hai pho, Mến đạo thề chăng phụ nghiệp Nho”(15). Theo ông, đạo Nho vẫn còn cần đối với xã hội đương thời, để trị được nước không có gì tốt hơn là đạo Nho, sở dĩ xã hội loạn lạc, con người lạnh nhạt với đạo là trách nhiệm của kẻ cầm quyền không thực hiện đúng đạo, chứ không phải là trách nhiệm ở đạo.

Học theo Tống Nho, tôn Trình Tử làm bậc thầy, lẽ dĩ nhiên Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng của Lý học Tống – Minh. Nhưng đi sâu thì sẽ thấy, ảnh hưởng của Khổng – Mạnh, của Nho nguyên thuỷ đối với ông còn sâu sắc hơn là của Tống Nho. Điều này trước hết thể hiện trong tâm niệm của ông đối với đạo của Khổng – Mạnh và của các nhà Nho nguyên thủy khác. Ông nhắc nhở mình đã sống ở nhân gian, có theo “phu tử” (Khổng tử) thì mới thờ được “thiên tử” (vua): “Miễn theo phu tử thờ thiên tử, thìn lọn nhân gian ở thế gian”(16). Ông nguyện noi theo cuộc sống với Nhan tử: “Ở nơi ngõ hẻm, một rá cơm, một bầu nước, [giống] cảnh nghèo của Nhan tử” (Lậu hạn đan biều Nhan tử bần – Tự thuật. Bài 8). Điều này cũng thể hiện trong quan niệm chính trị của ông. Trong lúc họ Trình nêu: “Giữ lấy thiên lý và tiêu diệt nhân dục” (Tồn thiên lý, diệt nhân dục), “Diệt tư dục thì thiên lý sáng tỏ” (Diệt tư dục tắc thiên lý minh hĩ!) và Chu Hy nêu: “Thiên lý và nhân dục không thể cùng đứng chung với nhau” (Thiên lý nhân dục, bất dung tính lập – Mạnh Tử tập chú. Đằng Văn Công thượng), thì Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài việc nêu lên tư tưởng xem lòng dục con người là do trời sinh ra, có nghĩa cũng là thiên lý, ông còn nêu phải thoả mãn lòng dục của người dân, cho rằng có ruộng vườn và có công cấy trồng thì người nông dân mới có điều kiện thực hiện được nghĩa vụ làm con, làm chồng, làm cha: “Ngẩng lên thờ được cha mẹ, cúi xuống nuôi được vợ con” (Phụ mẫu ngưỡng tự sự, thê tử phủ sở dục)(17). Hoặc cho rằng, để có sự cứu vớt, đầu mối của đạo nhân phải rút ra để thay thế cảnh chiến tranh, loạn lạc, chết chóc (Cảm hứng tam bách cú). Ông không vì “thiên lý” mà gạt bỏ lòng dục của con người.

Sự khác nhau giữa ông và Tống Nho còn thể hiện ở sự nhận thức về một số khái niệm cơ bản của Lý học. Chẳng hạn về khái niệm “thiện”, Trình, Chu chỉ khuôn lại ở 4 chữ “nhân, nghĩa, lễ, trí” có tính chất hàn lâm, không liên quan gì đến hiện thực cuộc sống đương thời: “[Con người] bẩm thụ nhân, nghĩa, lễ, trí, lẽ nào con vật cũng được đầy đủ như thế? Tính của con người sở dĩ không chỗ nào là không thiện, do đó mà trở thành ngôi linh thiêng của vạn vật” (Nhân nghĩa lễ trí chi bẩm, Khởi vật chi sở đắc nhi toàn tai? Hữu nhân chi tính sở dĩ vô bất thiện, nhi vi vạn vật chi linh dã)(18). Nhưng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm có một sự giải thích khác. Ông nói: “Thấy của mà không tham, thấy lợi mà không tranh, vui điều nghĩa mà rộng lượng với người, đem lòng thành mà đối đãi với vật, đó là trung. Trung ở chỗ nào thì sự chí thiện ở chỗ ấy”(19), “Thấy người chết đói đầy đường, không dám bỏ một đồng ra cứu giúp, thấy nơi trống trải không có gì che mưa, không dám bỏ một bó tranh để che đậy, điều thiện không được tu dưỡng đã lâu vậy”(20). Hoặc như về nội dung của “nhân luân”, Trình Di thì nhấn mạnh tính chất thượng hạ, tôn ti: “Sự phân biệt trên dưới, cái nghĩa của tôn ti là sự đương nhiên của lý” (thượng hạ chi phan, tôn ti chi nghĩa, lý chi đương dã)(21). Trình Di còn biện hộ cho sự khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến đối với người phụ nữ, như cho rằng: “Chết đói là việc rất nhỏ, thất tiết là việc cực lớn” (Trình thị di thư) để ngăn cản người quả phụ tái giá. Còn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông cũng nói về nội dung của nhân luân, nhưng đối với nghĩa vụ trên dưới là có mức độ và gần gũi với tư tưởng của các nhà Nho nguyên thuỷ.

Có thể nói, bộ mặt tinh thần của xã hội Việt Nam ở thế kỷ XVI, thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, giống như là xã hội của Bắc Tống ở thế kỷ XI, XII, đạo đức con người đều xuống cấp, nhà Nho thấy có trách nhiệm phải chấn chỉnh. Nhưng do lập trường và phương pháp tư duy khác nhau, nên xu hướng tư tưởng cũng khác nhau. Các nhà Nho thời Tống thì cho rằng tinh thần xã hội đương thời sa sút là do con người không tuân theo những nguyên lý của đạo Nho và để khắc phục, họ đã cường điệu hoấ; thần bí hoá đạo Nho, mong lập lại tinh thần cương thường cho con người. Còn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm thì tìm nguyên nhân sa sút đạo đức của xã hội mình không phải bởi con người lơ là việc rèn luyện đạo đức mà do sự đói kém, sự bất công của triều đại gây ra, để khôi phục hiện tượng đạo đứctrước hết cần phải giải quyết sự đói kém và bất công của xã hội. Tư tưởng của ông khác Tống Nho là vì thế. Tư tưởng của ông quay về với Nho nguyên thuỷ, Nho Khổng – Mạnh vốn có nhiều yếu tố tích cực cũng là vì thế.

3. Ý nghĩa thực tiễn của việc quan sát sự vật theo “lý”

“Lý” trong trường hợp này là xu hướng vận động của thế giới, là nguyên lý biến đổi của trời đất, vạn vật. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xem nó là công cụ để nhận thức và hành động. Và để công cụ đó có hiệu lực, ông đã nhắc nhủ con người phải làm sao để “tâm” phù hợp với “lý”. Ông nói: “Tâm mà phù hợp với lý thì có thể quán thông [mọi việc]” (Tâm tuỳ lý khiết nhất năng quán – Nguyên đán ngẫu thành, bài 2). Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì tâm đây là tư duy.

Lý trong tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện thành các nguyên lý: thế giới, vạn vật, con người, không có gì là đứng nguyên một chỗ, mà là không ngừng sinh sôi, nảy nở (“Sinh sinh chi vị dịch”), sự vận động của trời đất có đi thì có lại, do âm dương bớt đi hoặc lớn lên thúc đẩy lẫn nhau “Âm và dương lúc tiêu, lúc trưởng, cứ lần lượt thay đổi nhau, quẻ “Bác” đi thì phải có quẻ “Phục” trở lại thay thế” (Âm dương tiêu trưởng hỗ tương thôi, Bác vãng ưng tri Phục cánh lai” – Xuân nhật). Mọi vật phát triển đến cực thì quay trở lại (“Âm cực dương hồi, bĩ cực thái lai”), nước có lúc đầy lúc vơi, đời người có lúc khuất lúc duỗi, sự vật phát triển có thời, có số, v.v.. Tất cả các hiện tượng trên, ông khái quát trong câu “Việc xưa nay có muôn vàn sự khác nhau, đan xen nhau, nhưng quy lại chỉ là một lý của sách thánh hiền” (Tổng thác vạn thù kim cổ sự, thống tông nhất lý thánh hiền thư - Độc Châu dịch hữu cảm). “Nhất lý” ở đây là “lý” chung, còn các “lý” khác là vận dụng vào các trường hợp cụ thể.

Như khái niệm “Đạo”, các nguyên lý về “lý” cũng có nguồn gốc ở sách kinh điển của Nho gia. Trong các sách ấy thì “Kinh Dịch” là cuốn sách nêu lên lý của trời đất, vạn vật một cách rõ ràng. Các nhà Nho lớn trong lịch sử, mỗi khi gặp trắc trở trong cuộc sống, hoặc bế tắc trước thời cuộc đều tìm đến Kinh Dịch để mong có lời giải đáp. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như vậy. Trong tác phẩm của ông, có nhiều chỗ nói tới quẻ “Bác”, quẻ “Phục”, như câu: “Âm và dương lúc tiêu, lúc trưởng cứ lần lượt thay đổi, nên biết rằng “bác” đi rồi “phục” lại đến (Âm dương tiêu trưởng hỗ tương thôi, “Bác” vãng ưng tri “Phục” cánh lai – Xuân nhật). Hoặc nhiều chỗ có đề cập đến quẻ “Khảm” và quẻ “Cấn”, như câu “Muốn nghiệm được chỗ tiêu trưởng của âm dương, thì hãy nhìn tượng quẻ “Khảm” (nước) chảy, tượng quẻ “Cấn” (núi) đứng, biết được lẽ hành tàng” (Dục nghiệm âm dương tiêu trưởng xử, Khảm lưu Cấn chỉ thức hành tàng – Ngẫu hứng, bài 13). Suy xét lý lẽ trong “Kinh Dịch” đã trở thành thói quen của ông mỗi khi gặp phải sự việc quan trọng.

Kinh Dịch là cuốn sách có nhiều yếu tố khoa học kinh nghiệm, có giá trị đối với cuộc sống, song ở thời cổ đại, sự hiểu biết của con người về thế giới không nhiều, nên để đầy đủ và hoàn chỉnh, nó phải bổ sung bằng các yếu tố duy tâm thần bí. Hai yếu tố đó đan xen nhau, thẩm thấu vào nhau, khó phân biệt. Tuỳ theo lập trường mà người sử dụng tiếp thụ yếu tố này hay yếu tố kia. “Hệ từthượng truyện” trong Kinh Dịch nói: “Một âm một dương gọi là đạo, kế tiếp nó gọi là thiện, thành tựu nó gọi là tính. Cho nên người nhân gọi đó là nhân, người trí gọi đó là trí, còn trăm họ dùng đến mà không biết” (Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã. Nhân giả kiến chi vị chi nhân, trí giả kiến chi vị chi trí, bách tính nhật dụng chi bất tri). Là người có học lại có nhân, chắc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp thu phần nhân và phần trí của cuốn sách này.

Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều chỗ đề cập đến “tượng” và “số”, có nghĩa là sự vật được thể hiện thành hiện tượng và số lượng ở trong quẻ và hào, muốn biết được chủ ý trong đó, cần phải biến đổi nhiều lần số hào trong quẻ. “Tượng” và “số” là cơ sở để bói và để tra cứu sự việc theo “Dịch”. “Hệ từ thượng truyện” nói: “Năm lần ba lượt biến hoá nghiên cứu, qua lại đan xen mà suy đoán ra số [cỏ thi], hội thông biến hoá chúng thì có thể hình thành bộ mặt của trời đất, truy cứu đến cùng số [cỏ thi] thì có thể phán đoán được sự vật trong thiên hạ” (Tam ngũ dĩ biến, thác tổng kỳ số, thông kỳ biến, toại thành thiên địa chi văn; cực kỳ số, toại định thiên hạ chi tượng). Đó là cách đọc “Dịch” xưa nay và cũng là chỗ dựa để đọc “Dịch” của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Để hiểu thêm các nguyên tắc trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn tìm hiểu lý thuyết về tượng số học của Thiệu Ung. Ngoài ra, ông còn chú ý học hỏi phương pháp quan sát sự vật của Thiệu Ung. Ông này nói: “Lấy vật để xem xét vật” (Dĩ vật quan vật), “Quan sát vật bằng lý” (Quan chi dĩ lý), hoặc nói: “Lấy nhất tâm để xem xét vạn tâm, lấy một người để xem xét muôn người, một vật để xem xét muôn vật, một đời để xem xét muôn đời” (Dĩ nhất tâm quan vạn tâm, nhất thân quan vạn thân, nhất vật quan vạn vật, nhất thế quan vạn thế – “Hoàng cực kinh thế. Quan vật nội thiên”). Những quan điểm trên của Thiệu Ung đã có tác dụng gợi ý nhất định trong quan niệm về “lý” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, khiến ông có đôi ba lần thốt lên niềm vui với Nghiêu Phu (Thiệu Ung): “Nhàn trung tự đắc Nghiêu Phu lạc”.

Nhưng có phải tất cả những nguyên lý của “Dịch truyện” và của Thiệu Ung đều được ông chấp nhận? Không hẳn là như vậy. Chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào lập trường, quan điểm, ý thức và kinh nghiệm sống của ông. Tất cả đều được lọc qua bộ óc thẩm định của ông. Ông nói: lý của Kinh Dịch phải được suy xét trong yên lặng: “Muốn biết nơi dương lớn lên và âm tiêu mòn đi, thì cần phải trong yên lặng để suy xét Thái cực” (Dục tri dương trưởng âm tiêu xứ, Thái cực tu cầu tĩnh lý khan – Bộ tế “Xuân dạ hàn” cảm tác). Ông nêu ra rằng, muốn phát hiện được kẻ vụng tức là đức, kẻ trí xảo tức là giặc thì phải trong điều kiện: “Suy nghĩ lúc đất trời yên lặng” (Kiền khôn tĩnh lý suy – Trung tân ngụ hứng). Ông yêu cầu việc vô cùng tận của xưa nay phải được khám phá: “Phải soi rõ công việc vô cùng tận của cổ kim” (Chiếu phá vô cùng kim cổ sự – Trung tân ngụ hứng. Bài 12). Ông thấy nhận thức phải đi sâu vào sự vật: “Trước vật biết được tươi héo, nhìn sóng biết được nước nông sâu” (Tức vật tri vinh tuỵ, quan lan ngộ thiểm thâm – Trung tân ngụ hứng, bài 24). Qua cách thức và ý thức trên, những gì của sách thánh hiền phù hợp với thực tiễn của đất nước đương thời đều được ông chấp nhận, chế biến và sáng tạo để trở thành cái “lý” mạnh mẽ và sắc bén của bản thân mình. Cái gì không phù hợp thì ông không nhắc tới.

Tư tưởng trên về “lý” của ông tuy chưa phản ánh được đầy đủ tính chất và chiều hướng vận động của thế giới hiện thực, thậm chí có luận điểm còn mang tính chất gượng ép và thần bí, như bĩ cực thì thái lai, v.v. nhưng trong khuôn khổ của xã hội phong kiến phương Đông ít thay đổi, thường lặp lại cái đã qua và trong điều kiện khoa học thực nghiệm chưa có, thì những nhận thức đó nhiều khi lại phù hợp với thực tế, nhiều khi lại cho con người khả năng biết trước khi sự vật chưa xảy ra, nhiều khi ý thức có thể vượt trước tồn tại. Chính điều này đã làm cho “lý” của ông có sức mạnh trong nhận thức và hành động. Nhờ “lý” mà ông biết được số phận hẩm hiu sẽ đến với những kẻ chỉ biết truy cầu danh lợi, làm hại dân hại nước, mặc dù họ còn đang có quyền thế trong tay. Ông cảnh cáo họ, đồng thời cũng là để nhắc nhủ những kẻ khác:

“Có thuở được thời mèo đuổi chuột

Đến khi thất thế kiến tha bò”(22)

“Làm người chớ cậy khi quyền thế

Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe”(23)

Qua đó, người đời nghiệm được sự biết trước của ông.

Nhờ “lý” đó mà Nguyễn Bỉnh Khiêm dự kiến và đề xuất được nhiều sự kiện có tính chất lịch sử đương thời, như trong lúc nước lửa, ông khuyên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá để khỏi bị anh rể là Trịnh Kiểm bức hại, khuyên chúa Trịnh phải phò vua Lê thì mới giữ được ngôi báu, khuyên nhà Mạc dời lên Cao Bằng để duy trì thêm vài triều đại nữa, v.v.. Các sự kiện trên đã trở thành hiện thực, đã được lịch sử chứng minh là đúng đắn. Sử sách đã ghi chép nhiều. Mọi người hầu như đều biết.

Nhưng khả năng biết trước có cơ sở hiện thực đó của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng gây cho một số người thắc mắc, muốn gán sức thần cho ông. Thực ra ở đó chỉ là sản phẩm của một đầu óc suy lý, là kết quả của một sự phân tích biết dựa vào thực tế, biết nắm lấy thời thế và biết phát huy tư tưởng “lý” của ông. Một người học rộng biết nhiều, nắm vững lịch sử dân tộc, lại dùng “lý” để suy xét sự vật thì những kiến giải trên không có gì là quá ngạc nhiên.

Từ khả năng biết trước như trên của ông, có người còn tiến tới phú cho ông là nhà tiên tri kiểu Đạo giáo, nhà tiên thiên học có khả năng làm ra những lời sấm dự báo được tương lai xa xôi. Bao nhiêu cuốn “Sấm ký Trạng Trình” đang được lưu truyền là thuộc loại đó. Thực ra đây chỉ là những lời đồn đại, những sự gán ghép vô lối về ông. Đó chỉ là do tâm lý sùng bái danh nhân của một số người còn mang nặng tư duy thần bí, đã khoác tấm áo siêu nhiên cho ông, hoặc đó là kết quả của một mưu đồ chính trị, bịa ra sự kiện, lợi dụng tên tuổi của ông để thực hiện âm mưu, thường là việc làm của người đời sau. Cách làm đó không những không đề cao được vai trò của ông mà còn làm hại uy tín của ông.

Sở dĩ nói hiện tượng “sấm ký” là bịa đặt, bởi vì thực tế khách quan thì phong phú và phức tạp, cái tất nhiên đi liền với vô số cái ngẫu nhiên, khiến con người khó lần ra manh mối. Bản thân Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã nhiều lần nói lên sự hạn chế của mình và của con người nói chung trong nhận thức và hành động. Ông nói: “Cùng và thông, được và mất, lẽ nào do con người quyết định?” (Cùng thông, đắc táng khởi do nhân? – Tự thuật, bài 8), “Cùng và thông, được và mất cũng là do trời!” (Cùng thông, đắc táng diệc do thiên – Trung Tân ngụ hứng), “Việc trái với thời, hàng vạn chỗ bất đồng” (Sự dữ thời vi vạn bất đồng – Nguyên đán ngẫu thành, bài 3), “Đời người mười mong muốn thì đến chín là trái ý” (Nhân sinh thập nguyện cửu thường vi – Hoài cổ). Một sự thực như thế thì làm thế nào ông lại biết trước được các sự việc cụ thể ở bên ngoài mà bản thân không được mục kích, hơn nữa lại cách xa hàng trăm năm sau như “Sấm ký Trạng Trình” ghi chép!?

Đương thời, nhiều nhà Nho chỉ biết truy cầu danh lợi, hoang mang trước thời cuộc, chạy hết nơi này đến nơi khác, hết Mạc lại đến Lê – Trịnh, rồi lại từ Lê – Trịnh quay về Mạc, v.v.. Họ không biết “lý”. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì ung dung trước cuộc sống để ưu dân ái quốc, vì ông có “lý” của mình.

*

**

Trong lịch sử dân tộc, có một số nhà Nho được xem là nhà Lý học, song xét trên mọi phương diện, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là người tiêu biểu hơn cả. Ông đã đưa Nho học Việt Nam lên một giai đoạn mới: giai đoạn Lý học.

Tháng 9, 2007




(1)Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr.304.

(2)Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Sđd., tr. 18.

(3) “Nguyễn Bỉnh Khiêm danh nhân văn hoá”. Hà Nội, 1991, tr.321.

(4) Nghĩa là tước hầu có gốc từ suối học thuật của họ Trình – N.T.T.

(5) Ngô Đăng Lợi. Sách “Nguyễn Bỉnh Khiêm danh nhân văn hoá”. Hà Nội, 1991, tr.100-104.

(6) Vũ Phương Đề. “Công dư tiệp ký”. Phần bổ di của Vũ Khâm Lân. Bản chữ Hán chép tay, tr.145.

(7) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.92.

(8) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.134.

(9) Kinh Dịch. Hệ từ thượng truyện.

(10) Kinh Dịch. Thuyết quái truyện.

(11) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.307.

(12) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.311, 320.

(13) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.142.

(14) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr. 69.

(15) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.75.

(16) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.165.

(17) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.303.

(18) Chu Hy.” Tứ thưz tập chú”. Nhạc Lộc thư xã xuất bản. Hồ Nam, 1986, tr. 411, 412.

(19) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.333.

(20) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.333.

(21) Trình thị dịch truyện. Phục quái.

(22) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.116.

(23) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sđd., tr.147.




[Tóm tắt]

         Từ thế kỷ 20 đến nay, nhiều người nói Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà lý học, song còn ít người bàn tới lý học của ông. Để tìm hiểu những đặc điểm của Nho học Việt Nam, không thể không nghiên cứu mảng lý học của dân tộc, trước hết là ở Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1. Nguyễn Bỉnh Khiêm: từ nhà nho nói chung đến nhà lý học

Hồi nhỏ ở nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bà mẹ am hiểu học thuyết Khổng-Mạnh, dạy cho các kinh truyện của thánh hiền, nhưng đó mới là cái học vỡ lòng, định hướng học tập theo Nho học của ông sau này.

Lớn lên, Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Thầy dạy cho ông những kiến thức trong “Tứ thư”, “Ngũ kinh” và sự chú giải nội dung các cuốn sách đó của các nhà đại nho Trung Quốc. Nhưng đó cũng mới là cái học ban đầu, chưa tạo nên ở ông ý thức chọn lựa các trường phái nho học sau này.

Ba kỳ thi địa phương cho đến kinh đô, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đỗ đầu. Sức học như thế là kiệt xuất, song sự hiểu biết đó cũng chỉ nằm trong phạm vi trường quy của kiến thức giáo khoa Nho học, chưa phải là Lý học.

Sự hình thành Lý học ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là khi ông suy xét và vận dụng các nguyên lý của Tống Nho để nhận thức và giải quyết các sự kiện chính trị, tư tưởng và đạo đức đương thời.

Lý học là một giai đoạn phát triển mang tính chất bước ngoặt của Nho học. Lý học có nhiều trường phái. Lý học của Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc trường phái Nhị Trình và Thiệu Ung. Nguyễn Bỉnh Khiêm kế thừa được dòng chính của Lý học.

Đương thời có nhiều người tinh thông Nho học, hiểu biết Lý học, song không phái vì thế mà ai cũng trở thành nhà Lý học. Phải ở bậc thầy (“phu tử”) như Nguyễn Bỉnh Khiêm, phải trực tiếp sử dụng các khái niệm “Lý”, “số”… mới được mang danh hiệu trên.

Do sự khiêm tốn của nhà nho, cái tên nhà Lý học không phải là do ông tự xưng mà do người đương thời nêu ra để tôn xưng ông. Trong lịch sử Nho học ở Việt Nam, càng về sau càng có người tinh thông Lý học, song nhà Lý học Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có một vị trí không thể thay thế.

2. Hai khái niệm cơ bản trong tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm: “đạo” và “lý”

Sự khác biệt giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà nho Việt Nam trước và cùng thời với ông là ông bàn nhiều đến “đạo” và “lý”. Hai khái niệm đó ở ông vừa có sự đồng nhất vừa có sự khác biệt. Ở đây thiên về tìm hiểu sự khác biệt của hai khái niệm.

Cũng như các nhà Tống nho, “Đạo” ở Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết là đạo nho và sau đó là đạo nói chung cần thiết cho con người. Đạo được phân tách thành hai phần: đạo trời và đạo người.

“Đạo trời” ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỉ những nguyên lý vận động chung của giới tự nhiên, xã hội, và con người, được tạo nên bởi âm dương tiêu trưởng của bản thân sự vật và biểu hiện ra bên ngoài bằng sự đầy vơi, khúc duỗi, vãng phục, tuần hoàn thay thế nhau của sự vật.

Sự vận động và biến chuyển trên của sự vật được cô đúc và thể hiện trong quẻ “bác”, và quẻ “phục” của kinh Dịch. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhiều lần nhắc tới hai quẻ này.

Lý thuyết trên không phải là cái gì mới mẻ mà là kế thừa và phát huy tư tưởng và Dịch lý của Tống nho, nhất là của Thiệu Ung và Nhị Trình.

“Đạo người” là sự biểu hiện của “Đạo trời” trong lĩnh vực cuộc sống con người. Đó là những nguyên tắc, chuẩn mực làm người được thể hiện trong Nho học. Ở đây mang dấu ấn của Tống nho, song căn bản vẫn là tư tưởng Khổng-Mạnh, mà ở đó cốt lõi là “chí nhân”, “chí thiện” đối với con người. Tác giả đã có niềm tin bất di bất dịch vào sức sống của đạo Nho. Xã hội loạn lạc lúc bấy giờ được tác giả xem là lỗi của người cầm quyền chứ không phải là do Đạo.

“Hành tàng” là một phương diện khác của Đạo người đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm. “Hành” của tác giả là làm theo cách truyền bá, thuyết phục, khuyên nhủ kẻ cầm quyền theo Khổng Tử; “Tàng” là về ở ẩn theo quan niệm của Khổng Tử, chứ không phải đạo khác.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nêu lên một đạo người sinh động, tùy theo thời thế mà có lúc làm quan, có lúc về ở ẩn, song không lúc nào quên được thế sự.

3. Ý nghĩa thực tiễn của việc quan sát sự vật theo “lý”

Quan sát sự vật theo “lý” là ý thức thường trực ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dịch lý đã giúp ông không ngỡ ngàng trước những thay đổi của thời cuộc, của triều đại và con người. Nghiên cứu Dịch lý, say sưa với Dịch lý đã làm ông có thói quen tìm ra nguyên nhân hình thành của các sự vật và quan sát sự vật trong quá trình vận động và đi đến xu hướng tất yếu.

Dựa vào Dịch lý nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vươn ra ngoài tư duy của Dịch lý, tìm ra những vận động khác của hiện thực. Chính điều này đã khiến cho ông có những nhận thức sắc sảo và phù hợp với thực tế về sự diễn biến của các sự kiện đương thời.

Những ý kiến khuyên nhủ mang tầm chiến lược đối với đương thời, như nói Nguyễn Hoàng phải vào trấn thủ Thuận Hóa thì mới bảo toàn được tính mạng, như cho rằng họ Trịnh phải dựa vào họ Lê mới củng cố được địa vị của mình, hoặc nói nhà Mạc phải dời lên Cao Bằng thì mới có thể tiếp tục duy trì được mấy triều vua nữa,… đều là kết quả của việc quan sát sự vật theo “lý” của ông. Ở đây không có gì là thần bí.

Người đời lan truyền khả năng linh diệu của ông biết trước sự việc trước khi nó sảy ra, thậm chí biết trước một cách cụ thể, chỉ là những lời đồn đại và gán ghép cho ông. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tâm lý sùng bái danh nhân của một số người còn mang nặng tư duy thần bí, đã khoác tấm áo siêu nhiên cho ông. Các cuốn “Sấm ký trạng Trình” chỉ là những chuyện bịa đặt về ông, không những không đề cao được vai trò của ông mà còn làm hại uy tín của ông.

*     *

*

Trong lịch sử dân tộc, có một số nhà nho được xem là nhà Lý học, song xét trên mọi phương diện, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là người tiêu biểu hơn cả. Ông đã đưa Nho học Việt Nam lên một giai đoạn mới: giai đoạn Lý học./.



 

NGUYỄN BỈNH KHIÊM– A SPECIALIST OF “LIXUE”

 

Prof. NGUYỄN TÀI THƯ

Institute of Philosophy

 

Since the 20th century, Nguyễn Bỉnh Khiêm has been known as a specialist of “Lixue” (“principle”, or li studies), but his Lixue has not been widely researched and discussed. In order to learn about the character of Vietnamese Confucianism, it is impossible to ignore the achievements of “Lixue” of the nation; this must begin with Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1. Nguyễn Bỉnh Khiêm: From a Common Confucian to a Specialist of “Lixue”

As a child, Nguyễn Bỉnh Khiêm was taught the ancient works of Chinese sages by his mother, who was knowledgeable in the doctrines of Confucius and Mencius. This early knowledge was elementary, but it oriented his later studies of Confucianism.

As an adult, Nguyễn Bỉnh Khiêm was a disciple of Dr. Luong Dac Bang, who taught him the “Four Books” (Shih Shu), “Five Classics” (Wu Ching) and the teaching of other great Chinese Confucians. However, this knowledge was also only part of his initial learning, which had not yet determined the future schools of his Confucian study.

Three times, Nguyễn Bỉnh Khiêm completed his examinations with the highest distinction, both at the local level, and in the capital. His capacity for study was obvious, but that study was limited to school curriculum in common subjects, not in Lixue.

The foundation of Lixue in Nguyễn Bỉnh Khiêm was the process of investigating and applying the principles of Sung Confucianism to considering and resolving political, ideological and ethical issues in his time.

Lixue represented a period of change in the history of Confucian studies. There were different schools of Confucianism studies. Nguyễn Bỉnh Khiêm’s Lixue belonged to the schools of the Chengs (Cheng Hao and Cheng Yi) and Shao Yung. Nguyễn Bỉnh Khiêm inherited the fundamental school of Lixue.

In his time, many people had rich knowledge of Confucianism and Lixue, but this knowledge did not mean they were specialists in Lixue. only one who possessed high scholastic standards (“fu Tzu”) like those of Nguyễn Bỉnh Khiêm and who could directly apply the concepts of “Li”, “Shu”, etc., could earn that title.

In accordance with the humility of a Confucian, the title “Specialist in Lixue” is not one he took for himself, but is a name of respect given to him by his appreciative contemporaries. In the recent history of Confucian studies in Vietnam, there have been more and more students and experts of Lixue, but the foremost specialist, Nguyễn Bỉnh Khiêm, still remains the most prominent.

2. Two Fundamental Concepts in the Work of Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Dao” and “Li”

The distinction between Nguyễn Bỉnh Khiêm and other Confucians before and after him was that he concentrated largely on “Dao” and “Li”. To him, these two concepts had both similarities and differences. This presentation pays more attention to the difference between the two concepts.

With Nguyễn Bỉnh Khiêm, as with other specialists of Sung Confucianism (Sungru), “Dao” was firstly the Dao of Confucianism, and only later was it the common, necessary Dao for humanity. Dao was divided into two parts: Universal Dao (Tiendao) and Human Dao (Rendao).

For Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Tiendao” included the general principles of nature, society, and humanity regulated by the movement of the Yin and Yang in a thing. This is evident from the interaction of the two oppositional principles expressed in such notions as fullness-emptiness, shrunkness -stretchedness, going-returning, circulation and replacement of each other in things.

The movements and changes of things were summarized and expressed in the hexagram “bac” (boguai) and the hexagram “fu” (fuguai) in the Book of Change (Yi Jing). Nguyễn Bỉnh Khiêm many times mentioned again these two hexagrams.

These theories were not new, but were inherited and developed from Sung Confucianism’s thought and theory of Yili, especially from those of Shao Yung and the Chengs.

“Rendao” is the manifestation of “Tiendao” in human life. They are norms and principles for the behavior of men, taught in Confucianism. In this work there remains the influence of Sung Confucianism, but it is fundamentally inherited from the thought of Confucius and Mencius, in which the essence was of the “superb benevolence”, and the “superb good” in behavior with man. The author had a consistent belief on the vitality of Confucianism. For him, the troubling condition of wartime was the fault of the ruler, not of Dao.

For Nguyễn Bỉnh Khiêm, “as a mandarin or as a hermit” is another aspect of Rendao. “As a mandarin” means finding a way to persuade, and advise the ruler to follow Confucianism; “as a hermit” means to resign and return to one’s native land to live in seclusion, in accordance with Confucianism, not with any other religions.

Nguyễn Bỉnh Khiêm had proposed a vivid Rendao, in accordance with the political condition: man can work as a mandarin, or resign to live as a hermit, but can never forget political affairs.

3. Practical Meaning of Observing Things According to “Li”

Observing things according to “Li” was one of central thoughts of Nguyễn Bỉnh Khiêm. Yili was a useful foundation that helped him not be shocked by changes of dynasty or rulers in the political sphere. Studying Yili and taking an interest in Yili, he formed a habit of searching for the reason establishing a thing, and of observing things in action, and realizing their natural tendencies.

Depending on Yili but he got out of the limitation of Yili, and discovered other forms of operation of reality. This helped him sharpened his knowledge in order to get accordance with the change of contemporary events.

Take, for example, his strategic suggestions about political situations: he advised Nguyễn Hoàng to come to Thuận Hóa to retain his control, which saved his life; another time he suggested that the Trinh family rely on the Lê family in order to strengthen their position; again, he foretold that the Mạc family should move to Cao Bằng in order to maintain their throne for some generations. All of theses were the result of observing things according to “Li”. Nothing about his predictions was mystical.

There were many rumors about his miraculous abilities, stating that he knew events in advance, and could predict them concretely. This was a result of minds full of mystical thoughts and the worship of famous men.They put a supernatural coat on him. The “Books of Prophecies of Doctor Trình” were fictitious, they neither appreciated his position, nor his prestige.

 

**

*

 

In the long history of nation, there have been Confucians called specialists of Lixue, but Nguyễn Bỉnh Khiêm was the most prominent one in all respects. He had developed Vietnamese Confucian studies in a new period: the period of Lixue.

In
Lượt truy cập: