Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 1998
43 . Về một tấm bia mang niên hiệu đời Trần. (TBHNH 1998)

Cập nhật lúc 18h49, ngày 26/09/2007

VỀ MỘT TẤM BIA MANG NIÊN HIỆU ĐỜI TRẦN

NGUYỄN KIM OANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Do tình cờ, chúng tôi có trong tay một thác bản văn bia mang niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312) ghi tên người soạn văn bia là Trương Hán Siêu. Để tìm hiểu rõ thêm về tấm bia, chúng tôi đã tổ chức một chuyến đi khảo sát thực tế. Nơi lưu giữ tấm bia này là quán Lại Yên ở xóm Một xã Lại Yên huyện Hoài Đức thuộc ngoại thành Hà Nội (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Đây là một di tích có cảnh quan khá đẹp được nhân dân địa phương có ý thức giữ gìn và tu bổ. Số lượng bia trong di tích hiện còn: 1 tấm bia 1 mặt mang niên hiệu Thành Thái thứ 15 (1905) do Vũ Phạm Hàm soạn, 1 tấm bia 2 mặt mang niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1903) không ghi tên người soạn và tấm bia mà chúng tôi đang đề cập tới. Cả 3 tấm bia đều được di chuyển vào khu vườn nằm phía bên phải đền chính và được xây dựng nhà bia để bảo vệ. Chúng tôi xin giới thiệu về tấm bia mang niên hiệu Hưng Long thứ 20 như sau:

1. Hình thức:

Tấm bia này vẫn còn đẹp, chữ chân phương khắc sâu dễ đọc, tuy trên mặt bia có vài chỗ bị vỡ. Bia có 2 mặt, khổ 94cm x 158cm, mặt 1 có 16 dòng khoảng 336 chữ, mặt 2 có 17 dòng khoảng 349 chữ, toàn văn chữ Hán. Trán bia chạm mặt trời và mây, diềm bia chạm rồng mây.

2. Nội dung:

Phiên âm

Mặt 1: CỔ TÍCH THẦN TỪ BI KÝ

Thanh bi chi lập dĩ lục sự tích dĩ huy công đức vân nhĩ. Tưởng sơ, thiên thần vương từ hạ Việt tự Hùng Vương lục thế Chu Diên bộ Lạc tướng phụng tạo (Càn Tốn hướng) Kính thiên đài, mỗi tuế sơ xuân cung hành phụng thiên đại lễ, như hữu thuỷ hãn hỏa biến, dân gian kỳ đảo triếp linh ứng yên. Phù tiên triều Thuận Thiên thất niên xuân, đế tỉnh lãm sơn xuyên, bái phong Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương. Quyết hậu, lịch đại chư đế hữu tu tạo thần từ, hữu phong tặng thần sắc. Đãng đãng hồ, nguy nguy hồ, nhất đẳng uy linh hĩ. Ngưỡng kim thánh đế bệ hạ vị nghiễm cửu trùng cung đoan vạn hóa, vi tử tôn trường cửu chi kế, truy tư túc nguyện dĩ hiển thần công. Chiếu ban tiền tam bách mân đặc sai tu lý. Ký kiến công hoàn, cưu tập thức thị, qui trình thử ức vạn niên chi công đức dã. Hữu nhược thị phù, thả tu văn đức dĩ khôi bình trị chi công, hựu tạo thần từ dĩ triển kính thành chi ý. Vu dĩ diễn tông xã vô cương chi phúc, nãi biên lục cổ kim sự tích, tường lặc vu mân, dĩ thuỳ vạn thế. Cẩn bái thủ khể thủ nhi minh viết:

Lẫm nhiên linh miếu

Hách hách thiên nhan

Kim lai cổ vãng

Hổ cứ long bàn

Tinh anh vạn kỷ

Huy diệu lưỡng gian

Miếu lợi cải cách

Cái hiểu phù quan

Tích chi tuế cửu

Cổ chí đài man

Khâm tai thời mệnh

Lý tác sơ hoàn

Qui mô luân hoán

Cẩm tú thanh đan

Duy tư công đức

Qui bỉ cao san

Thần chi linh ứng

Quốc dĩ tôn an

Miên hồng bảo tộ

Vĩnh điện thạch bàn

Thiên địa trường cửu

Minh lục bất san.

Thời Hưng Long nhị thập niên Nhâm Tí đông thập nhất nguyệt nhị thập nhật.

Mặt 2:

LỊCH ĐẠI GIA BAN PHỤ KÝ

Thuận Thiên thất niên Xuân nhị nguyệt thập ngũ nhật, sắc phong Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương.

Đại Định lục niên Thu thất nguyệt nhị thập nhật, chiếu ban tiền nhất bách thập ngũ mân tu tạo thần từ.

Thiên Tư Gia Thuy tứ niên tam nguyệt thập nhất nhật, sắc phong Đại vương dữ liệt Vũ miếu quốc tế.

Nguyên Phong nhị niên thập nhị nguyệt sơ bát nhật, chiếu phát tiền ngũ thập mân trang sức thần từ.

Hưng Long thất niên nhị nguyệt sơ lục nhật, phụng ban lệnh lệ xuân tế tiền đệ niên tam thập quan dĩ thân kính ý.

Sắc Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương tinh trừ thái nhất, đức bị âm dương, hãn hoạn ngự tai, nạp dân sinh ư xuân thọ, hiển hưu tích phúc, điện quốc tộ ư thái bàn. Ký đa tương hựu chi công, cái cử bao dương chi điển; Vi lực phù hoàng gia trường cửu, phúc hộ đế nghiệp tuy hưu, âm trợ quốc vương bình định Nam thùy, tiễu trừ nghịch mệnh, cầm hoạch nghịch phù danh Chế Chí, thu hoạch tượng mã khí giới súng đạn, thủ thắng vạn toàn, điện an thiên hạ, thu phục sơn “xuyên nhất thống, nẫm hữu linh ứng. Khả gia phong Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương” thượng liệt quốc tế cập Áp Nha công chúa Lục Phi Nương đồng phối tự, cố sắc.

Hưng Long nhị thập niên lục nguyệt thập thất nhật.

Đặc sai Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chẩn phụng chiếu chỉ.

Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu phụng biên lục.

Dịch nghĩa:

Mặt 1:

BÀI KÍ TRÊN BIA VỀ SỰ TÍCH CỔ Ở ĐỀN THỜ THẦN

Bia đá được dựng lên là để ghi chép sự tích và phô trương công đức vậy. Nhớ xưa, ngôi đền thờ vị thiên thần giáng xuống nước Việt này [là] đài Kính Thiên do Lạc tướng bộ Chu Diên đời Hùng Vương thứ 6 vâng mệnh dựng lên (hướng Tây bắc – Đông nam), hàng năm vào đầu xuân tiến hành đại lễ tế trời, nếu như có nạn lụt, hạn hán hay hỏa hoạn, nhân dân đến cầu đảo là luôn luôn linh ứng. Vua triều trước năm Thuận Thiên thứ 7 (1017) đi thăm cảnh núi sông [đến đây] phong hiệu cho thần là “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương”. Từ đó về sau, vua các triều đều có tu sửa đền thần và ban tặng sắc phong. Mênh mông thay, cao cả thay, uy linh bậc nhất vậy. Kính nay, thánh đế bệ hạ ngôi ở cửu trùng, chở che muôn vật, vì con cháu mà tính kế lâu dài, nhớ lời nguyền cũ mà làm rạng rỡ công lao của thần. Hạ chiếu ban 300 quan tiền, đặc sai tu sửa ngôi đền, tới khi mọi việc hoàn thành, thực là tụ tập đủ mọi qui thức. Qui mô này chính là công đức của ức vạn năm. Sở dĩ làm vậy chính là tu sửa văn đức để khôi phục cái công bình trị, xây dựng đền thần nhằm thể hiện cái ý kính thành. Nhờ đó mà kéo dài được cái phúc vô hạn của tông xã, cho nên ghi chép sự tích xưa nay khắc rõ ràng vào đá cứng để lưu truyền muôn đời. Kính cẩn cúi lạy mà viết bài minh rằng:

Miếu thiêng hiên ngang

Mặt thần rạng rỡ

Từ xưa tới nay

Rồng chầu hổ cứ.

Tinh anh vạn thủa

Rọi sáng âm dương

Miếu được tu sửa

Rộng rãi khang trang.

Dấu tích xa xưa

Đài rêu, bia cổ

Nay vâng mệnh vua

Sửa đẹp như cũ.

Qui mô sáng sủa

Gấm vóc đỏ xanh

Chỉ công đức này

Sánh với núi cao.

Thần nhiều linh ứng

Giúp nước bình an

Kéo dài ngôi báu

Vững tựa thạch bàn.

Sánh cùng trời đất

Bia đá hiên ngang.

Ngày 20 tháng 11 mùa đông năm Nhâm Tí niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312).

Mặt 2:

PHỤ CHÉP SẮC PHONG CÁC TRIỀU ĐẠI BAN CHO

- Ngày 15 tháng 2 mùa Xuân năm Thuận Thiên thứ 7 (1017) sắc phong thần là Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương.

- Ngày 24 tháng 7 mùa Thu năm Đại Định thứ 6 (1146), vua xuống chiếu ban tiền 150 quan để tu sửa đền thần.

- Ngày 11 tháng 3 năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 4 (1190) sắc phong Đại vương và xếp vào hàng Võ miếu được hưởng quốc tế.

- Ngày 8 tháng 12 năm Nguyên Phong thứ 2 (1252) giáng chiếu ban tiền 50 quan để trang hoàng đền thần.

- Ngày 6 tháng 2 năm Hưng Long (1299) vua ban lệnh hàng năm được hưởng 30 quan tiền xuân tế để bày tỏ lòng kính trọng.

Ban sắc cho “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương” là bậc nhất chung đúc tinh anh, âm dương gồm đủ đạo đức. Giải nạn trừ tai, đưa sinh dân tới cõi xuân đài thọ vực; Chở che tích phúc, giúp nước nhà vững chãi như Thạch bàn Thái Sơn. Giúp đỡ công lao, nên được ban khen sử sách, phù hộ hoàng gia trường cửu, giúp rập nghiệp đế yên lành. Ngầm giúp đức vua bình định Nam thùy, dẹp tan bọn giặc, bắt được tù binh tên là Chế Chí, thu nhiều voi ngựa khí giới súng đạn, giành thắng lợi hoàn toàn. Khiến thiên hạ bình yên, thu phục non sông quy về một mối, nhiều lần linh ứng. Khá gia phong là “Đương cảnh thành hoàng Chí Minh đại vương” được xếp vào bậc quốc tế, cùng phối thờ với Áp Nha công chúa Lục Phi Nương. Vậy nay ban sắc.

Ngày 17 tháng 2 năm Hưng Long thứ 20 (1312).

Đặc sai Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn vâng theo chiếu chỉ.

Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu vâng mệnh ghi chép sự việc.

3. Nhận xét:

3.1 Như trên đã nói, ngoài tấm bia mang niên hiệu Hưng Long thứ 20 ra, hiện ở di tích còn lưu giữ lại được 2 tấm bia nữa. Chúng tôi tiến hành điều tra chéo thì thấy tấm bia mang niên hiệu Thành Thái thứ 13 có nhắc đến tấm bia này và ghi rõ niên đại, tên người soạn cùng nội dung văn bia, cũng là sự việc là mặt sau tấm bia phụ ghi tự điển, sắc mệnh của các triều đại Lý - Trần (hoàn toàn phù hợp với hiện trạng tấm bia). Chính do vậy mà tấm bia mang niên hiệu Thành Thái thứ 13 đã bắt chước cách thức của tấm bia Hưng Long thứ 20 để khắc lại các sắc phong thời Lê - Nguyễn vào bia đá. Điều này khẳng định rằng tấm bia mang niên hiệu Hưng Long thứ 20 đã có từ trước năm Thành Thái thứ 13 (1903) khá lâu và vẫn mang đầy đủ niên đại, tên người soạn và nội dung như hiện nay.

3.2 Trên mặt 2 của văn bia ở dòng 7 có từ Đương cảnh thành hoàng. Theo PGS. Nguyễn Duy Hinh: … “Chỉ trong những thần tích và sắc phong hiện còn do Nguyễn Bính soạn năm 1572 thì mới thấy các từ Đương cảnh thành hoàng hay “Bản cảnh thành hoàng”. (Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb. KHXH, 1996, tr.82), nhưng theo như văn bia này thì từ Đương cảnh thành hoàng đã xuất hiện từ đầu đời Lý, cụ thể là năm Thuận Thiên thứu 7 (1017), Nếu đây là cứ liệu đáng tin cậy thì ít nhất cụm từ này cũng xuất hiện cùng với niên hiệu của tấm bia là năm Hưng Long thứu 20 (1312), trước thời điểm mà PGS. Nguyễn Duy Hinh đã nêu là 256 năm, đây cũng là một điều đáng quan tâm.

3.3 Nội dung tấm bia có nêu lên một số sự kiện lịch sử mà khi đối chiếu với Đại Việt sử kí toàn thư (Nxb. KHXH, 1993), chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp, ví dụ như trong văn bia nêu lên một số mốc thời gian vị thành hoàng của xã được nhà nước gia phong hoặc ban tặng, hay việc vua Trần năm Hưng Long thứ 20 đã đánh dẹp quân giặc ở biên giới phía Nam, bắt được tù binh là Chế Chí, thu nhiều voi ngựa khí giới. Đại Việt sử kí toàn thư ghi:

- “Bính Thìn (Thuận Thiên) năm thứ 7… Làm lễ tế vọng các danh sơn (Vua nhân đi xem núi sông…)” (Sđd. Tập I, tr.244).

- “Kỷ Dậu (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 4… Tháng 3, vua ngự đi khắp núi sông, phàm xe vua đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ” (Sđd. Tập I, tr.329).

- “Kỷ Hợi (Hưng Long) năm thứ 7… Tháng 6, tế khắp thần kỳ sông núi” (Sđd. Tập II, tr.76).

- “Nhâm Tý, Hưng Long thứ 20… Mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về”. (Sđd. Tập II, tr.96).

- “Nhâm Tý (Hưng Long) năm thứ 20… Tôn thêm huy hiệu cho các tiên đế, tiên hậu và gia phong danh thần các xứ”. (Sđd. Tập II, tr.96).

Trên đây là một số nhận xét bước đầu của chúng tôi về tấm bia mang niên hiệu Hưng Long thứ 20. Do việc tấm bia còn giữ được khá nguyên vẹn, văn bia không mất chữ nào so với niên đại gần 700 năm mà nó mang; Và điều quan trọng hơn là, trong văn bia xuất hiện nhiều chữ Nguyệt (@) vẫn được viêt theo lối bình thường chứ không viết theo lối kiêng húy, mặc dù như Đại Việt sử kí toàn thư cho biết: “Kỷ Hợi (Hưng Long) năm thứ 7 (1299)… xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh đại vương và Thiện Đạo quốc mẫu (Khâm Minh tên huý là Liễu (@), Thiện Đạo tên huý là Nguyệt (@) khi làm văn không được dùng” (Sđd, Tập II, tr.76). Niên hiệu Hưng Long thứ 20 rất gần với thời điểm ra lệnh này, thêm nữa Trương Hán Siêu là một quan chức cao cấp của triều đình và là một người Nho học uyên thâm, chắc không thể và không dám vi phạm lệnh cấm. Vì vậy chúng tôi đoán định rằng có thể tấm bia này đã được khắc lại. Nhưng nếu vậy thì lại có một vấn đề khác được đặt ra: Việc khắc lại tiến hành vào lúc nào? Và khi nhắc lại, người đời sau liệu có giữ được “bản lai chân diện mục” của bài văn bia cổ hay không? Vấn đề này chúng tôi xin được trình bày trong một dịp khác.

Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.347-356)

In
Lượt truy cập: