Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 1998
27. Phát hiện sách đá ở một thân phụ Trạng nguyên Giáp Hải (TBHNH 1998)

Cập nhật lúc 08h06, ngày 27/09/2007

PHÁT HIỆN SÁCH ĐÁ Ở MỘ

THÂN PHỤ TRẠNG NGUYÊN GIÁP HẢI

TRẦN VĂN LẠNG,

NGUYỄN VĂN PHONG

Bảo tàng Bắc Giang

Ngày 6 tháng 8 năm 1998, bà con thôn Đồi Cốc, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang tiến hành tu sửa nâng cấp đường làng đã phát hiện một ngôi mộ cổ ở giữa đường nằm dưới độ sâu chừng 0,5m. Xung quanh mộ được xây bằng gạch chỉ mỏng (21cm x 11cm x 3,5cm). Bề mặt ngôi mộ được xếp một lượt gạch cùng loại. Lật lượt gạch lát bên trên thì phát hiện có một tấm bia rất lạ. Bia được tạo tác hai nửa ốp vào nhau: Phần mặt bia và phần nắp đậy. Nắp đậy có kích cỡ 72cm x 49cm x 16cm, xung quanh để diềm nổi 3cm. Trong lòng đục sâu 3,5cm. Phần mặt bia thì ngược lại, bề mặt tạo tác lồi 3cm, xung quanh điềm lại đục gờ sâu 3,5cm. Khi phát hiện thì 2 mặt úp vào nhau, xung quanh bề ngoài được bọc một lớp vữa xốp nhẹ.

Cả hai phần trên đều khắc văn tự Hán – Nôm. Phần mặt bia có khắc hoa văn đường diềm xung quanh là các họa tiết dây cuốn, rất đặc trưng của hoa văn điêu khắc đá thời Mạc.

Nội dung chữ Hán khắc trên nắp bia tạm dịch như sau: “Mộ của Khánh Sơn tiên sinh, họ Giáp. Được tặng Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, hàm Thái Bảo triều Mạc”.

Phần chính văn (mặt bia) có tiêu đề: Tiên khảo Thái bảo Giáp phủ quân mộ chí (Ghi chép về một tổ quan Thái bảo họ Giáp). Chúng tôi dịch tóm tắt nội dung bài văn như sau:

Cụ tổ họ Giáp xưa tên huý là Hà, tự là Đạm Phủ, người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Sơn. Cụ tằng tổ tên huý là Thuận Trung. Cuối triều Hồ có loạn giặc Minh, gia đình ở phía nam thành Xương Giang. Không theo nhà Minh nên tránh nạn về cư trú ở xã Như Thiết Thượng, huyện Yên Dũng… Khi mất mộ táng tại đó. Đến đời cụ tổ tên huý là Bảo Phúc lại trở về quê lập nghiệp. Cha tên huý là Đức Hưng, tặng phong hàm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu – Thái bảo. Cụ sinh năm Nhâm Dần niên hiệu Hồng Đức thứ 13 (1482)… Là người hiền tài đức độ, hay làm việc thiện nghĩa, lại chăm chỉ dạy dỗ con cái theo nghiệp khoa cử. Ngày 12 tháng 7 niên hiệu Cảnh Lịch thứ 2 (1549) cụ qua đời hưởng thọ 68 tuổi, lấy thụy hiệu là Khánh Sơn phủ quân. Ban đầu cụ Khánh Sơn (Đức Hưng) lấy bà họ Nguyễn, sinh con trai là Hãng… Sau lấy bà vợ hai là con gái họ Đỗ, sinh hai người con trai, một người con gái. Con đầu đặt tên là Trừng (tức Giáp Hải) dự khoa thi Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính nhà Mạc, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ. Hiện làm quan Đông các đại học sĩ, tước Kế Khê bá, hàm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu. Con út tên là Thanh, cũng được thụ hàm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu. Người con gái lấy chồng là Trần Địch Triết làm Quốc tử xá sinh. Sau này cụ Khánh Sơn lại lấy bà vợ nữa là con gái viên quan Binh khoa Đô cấp sự trung, họ Nguyễn nhưng không có con… Cụ có 7 người cháu: cháu nam là Quảng Uyên được thụ ấm Mậu lâm lang và những người cháu khác là: Trị, Hồng, Lễ, Sùng, Khang và một cháu gái… tất cả đều còn nhỏ tuổi.

Bài văn được soạn ngày 26 tháng 12 năm Kỷ Dậu, niên hiệu Cảnh Lịch (1549).

Ở phần nắp đậy còn khắc thêm 7 dòng chữ Hán của Trạng nguyên Giáp Hải khi di táng mộ cụ Khánh Sơn từ núi Ngò về núi Cốc Lâm. Nội dung như sau:

Người cha được phong tặng Thái bảo, hiệu Khánh Sơn phủ quân. Có con là Trừng từng làmquan Thượng thư các bộ: Bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình; kiêm Đông các Đại học sĩ, tri Kinh diên sự, hàm Thiếu bảo, tước Luân quận công. Có lệ phong ấm cha được phụng phong Đặc tiến kim sử Vinh lộc đại phu, hàm Thiếu bảo. Tặng thêm chức Tả thị lang, tước Diễn Văn hầu. Mẹ được tặng phong Diễn Văn chánh phu nhân.

Triều vua Diên Thành năm thứ 4 (1581) tháng 8, ngày Nhâm Dần (các con) kính cẩn di chuyển mộ về núi Cốc Lâm, xã Dĩnh Trì.”.

Căn cứ nội dung văn bia, chúng ta dễ dàng xác định chính xác cụ Khánh Sơn Giáp Đức Hưng là cha đẻ của Trạng nguyên Giáp Hải. Cụ Khánh Sơn tuy không làm quan, nhưng theo lệ phong ấm của triều Mạc, cụ vẫn được tặng phong chức, hàm, tước vị (Tả thị lang - Thiếu bảo - Diễn Văn hầu). Và với ngôn từ trong văn bia, ta có thể khẳng định bài văn trên bia là do Trạng nguyên Giáp Hải soạn để khóc cha. Hơn nữa, trong số ba anh em (Giáp Hãng, Giáp Hải, Giáp Thanh) thì chỉ có Trạng nguyên Giáp Hải là giỏi văn, đỗ đạt cao, lại làm quan cận thần có uy tín của triều Mạc, cho nên khả năng ông soạn văn khóc cha thay anh em là hợp lý hơn cả.

Theo chính sử nước nhà thì Giáp Hải người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Sơn (sau đổi thành Phượng Nhãn), phủ Lạng Giang. Sinh năm 1507, thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Mậu Dần, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538). Năm 1540, Mạc Phúc Hải kế ngôi vì kiêng huý nên ông đổi tên thành Giáp Trưng. Năm 1549 làm quan Đông các học sĩ, tước Kế Khê bá. Năm 1562 được phong tước Kế Khê hầu năm 1568 phong tước Luân quận công, năm 1582 thăng Sách Quốc công. Từ năm 1572-1585 ông làm quan trải Lục bộ Thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ, tri Kinh diên sự. Được tặng hàm Thiếu bảo. Năm 1585 về trí sĩ. Mất năm 1586, thọ 80 tuổi. Và tấm bia vừa phát hiện đã bổ sung nhiều thông tin chính xác rõ ràng về thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Giáp Hải.

Cụ nội là Giáp Hà tự là Đàm Phủ, ông nội là Giáp Bảo Phúc, cha là cụ Khánh Sơn Giáp Đức Hưng… và ghi thêm cả con cháu cụ Khánh Sơn trong đó có con trai Trạng nguyên Giáp Hải là Giáp Lễ… Những thông tin này bất đồng với các tư liệu xưa nay công bố: Giáp Hải là con bà bán hàng nước ven đê ở Bát Tràng (Gia Lâm), cha người làng Công Luận (Văn Giang). Hai tuổi dong chơi bên đường thị bị thương gia họ Giáp người làng Dĩnh Kế bắt cóc về làm con nuôi. Sau cho ăn học cẩn thận đã thi đậu Trạng nguyên.

Trở lại với báu vật trên, chúng tôi thấy tên gọi sách đá là phù hợp hơn. Bởi mục đích khắc văn bản trên cùng cách bảo quản không giống với bia đá khắc dựng để mọi người cùng xem, cùng đọc rồi chiêm nghiệm học hỏi tiền nhân. Chính sách đá này là hiện vật có giá trị đặc biệt, đồng thời là nguồn tư liệu Hán – Nôm quý giá cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin chính xác bổ ích về một danh nhân lịch sử tiêu biểu của nước nhà. Nó góp phần bổ khuyết cho chính sử và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về thân thế Trạng nguyên Giáp Hải.

Sách đá cũng cung cấp thêm một tác phẩm, một trước tác cho sự nghiệp sáng tác của Trạng nguyên Giáp Hải mà các nhà nghiên cứu quan tâm.

Trong phần chính văn của sách đá xuất hiện hai chữ húy thời Mạc: chữ Hiếu (人人人 trên 孝 dưới) và chữ Nguyên (人人人 trên 元 dưới). Chữ hiếu được xuất hiện 3 lần trong văn bản trong các từ “hiếu hữu”, “hiếu đễ”, “giáo hiếu”. Và cả ba đều có cách viết giống nhau. Phần trên là 4 nét gẫy (@@), phần dưới bên trái là chữ tử (子), bên phải là phần còn lại của chữ hiếu (孝). Còn chữ nguyên xuất hiện khi niên hiệu “Thống Nguyên (人人人 trên 元 dưới) tứ niên. Nét ngang phía trên chữ nguyên (元)được viết bằng 3 chữ nhân (人人人), phần dưới giữ nguyên (元). Tìm trong lịch sử dưới triều Mạc, ta thấy có mẹ Mạc Đăng Dung tên là Đặng Thị Hiếu, ngoài ra không có người nào có tên gọi như vậy. Phải chăng cách viết kỵ huý về chữ hiếu như trên là để kỵ huý tên bà Đặng Thị Hiếu? Còn chữ nguyên thì là cách viết kỵ huý tên vua Mạc Phúc Nguyên. Và từ hai chữ kỵ húy trên đã góp phần cho việc nghiên cứu tìm hiểu chữ húy Việt Nam vào triều mạc.

Bắc Giang tháng 1-1999

Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.235-239)

In
Lượt truy cập: