Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Thư tịch
35. Lượm đôi hạt ngọc ẩn trong chữ nghĩa sách Gia huấn (TBHNH 1997)

Cập nhật lúc 16h13, ngày 03/10/2007

LƯỢM ĐÔI HẠT NGỌC ẨN TRONG CHỮ NGHĨA SÁCH GIA HUẤN

CUNG VĂN LƯỢC

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

00. Lời dẫn:

01. Gia huấn: là một từ Hán Việt song tiết. Các cụ ta xưa dùng để chỉ những lời, điều dạy bảo con cháu trong gia đình. Nay dịch sang tiếng Anh là: family admonition, ra tiếng Pháp là éducatinon familiale.

02. Người Việt suốt máy nghìn năm dựng và giữ nước đã xác lập truyền thống Văn hóa – Giáo dục Gia đình, cốt lõi của nền Văn hóa – Giáo dục Dân tộc. Bách tính Việt Nam, muôn triệu gia đình người Việt nhà nào mà chẳng có gia huấn. Có nhà thì ghi thành sách để lại mãi. Có nhà thì truyền khẩu từ đời này sang đời khác.

03. Tìm trong di sản Hán Nôm của Tổ tiên Ông Bà ta để lại hiện còn một số sách gia huấn. Phần nhiều do các nhà tri thức nổi tiếng, giàu tinh thần yêu nước thương nòi tạo thành. Tạm kể vài trường hợp điển hình:

- Gia huấn ca của Nguyễn Trãi thời nhà Lê thế kỷ XV.

- Hành Tham quan gia huấn của Bùi Huy Bích (1744-1802) người quê gốc Định Công huyện Thanh Trì.

- Đặng thị gia huấn của Đặng Xuân Bảng (1827-1910) người làng Hành Thiện phủ Xuân Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định) v.v…

04. Trong số các gia huấn thành văn hiện thấy được viết phổ biến bằng chữ Nôm, theo thể thơ Lục Bát. Chữ nghĩa nôm na, thanh âm vần điệu tiếng mẹ đẻ, từ ngữ chân quê, bình dị trong sáng. Vì thế mới nói Quốc âm dể đọc và dễ nhớ. Gia huấn Nôm, cha mẹ truyền con theo. Cha có khi bình đọc hay ngâm nga. Mẹ có thể hát hay ru, đưa lời dạy bảo đi vào trái tim, đầu óc con trẻ từ thuở còn nằm nôi, chắp cánh cho thành người lớn.

Một số ít bản gia huấn lại viết bằng chữ Hán, theo lối văn Hán Việt với các đặc điểm riêng, mà nay giới Hán học, các nhà Đông phương học thường gọi chung là văn chương bác học. Dẫu khó đọc và khó hiểu nhưng nội dung lại truyền tải nhiều điều sâu xa, quý báu.

Trong số ít Văn bản gia huấn viết bằng chữ Hán có thể kể đến một bản đại biểu có nhiều vấn đề chữ nghĩa và nội dung khá đặc biệt và rất thú vị, đó là cuốn: Đông tác Nguyễn thị gia huấn của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý.

Bài viết này mới chỉ nêu lên một vài ý kiến đề cập đến một đôi khía cạnh chủ yếu trên cơ sở khai thác, thu hoạch được từ nguyên bản (chưa hề thấy ai giới thiệu, nghiên cứu, dịch thuật và công bố). Người viết bài có ý dành lại phần trình bày tiểu sử thần thế và sự nghiệp tác giả vào một cuốn sách đang trên đường soạn thảo, hơn nữa cũng nhận thấy có nhiều chỗ còn phải tìm hiểu thêm cho kỹ.

I. Bây giờ xin đi luôn vào văn bản.

I.1. Đông tác Nguyễn thị gia huấn gồm 36 tờ đôi. Giấy bản Kẻ Chợ rất tốt. Chữ viết nghiêm trang. Đóng theo lối truyền thống. Ký hiệu A673. Có đóng con dấu hình bầu dục ghi chữ Pháp: “Bibliothèque Ecole Fransaise D’Extrême – Orient”. Hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, địa chỉ 99B - Đặng Tiến Đông – Q. Đống Đa – Hà Nội.

I.2. Nội dung văn bản có mấy vấn đề chính có thể nêu tóm tắt như sau:

A. Thần vị của các cụ tổ tiên, ông bà đời trước (Tờ 1a – 2a)

B. Văn khấn tổ tiên ông bà cha mẹ (Tờ 2b – Dòng 3 tờ 6a).

C. Các bài bia ký nhà từ đường (Dòng 5 tờ 6a – Dòng 4 tờ 8b).

D. Một loạt câu đối của các danh sĩ và nhân vật đương thời đề tặng (Tờ 9a – 12a).

E. Dạy bảo về sinh sản… (Tờ 12b – Dòng 1 tờ 13b).

F. Nói về bốc phệ theo Kinh dịch (Dòng 2 tờ 13b đến hết là tờ 36a).

I.3. Đi sâu vào một vài vấn đề:

A. Thần vị của các cụ tổ tiên ông bà đời trước được liệt tả một cách trang trọng từ trên xuống dưới, thế hệ trước đến thế hệ sau, có cụ ông, cụ bà, đâu ra đấy phân minh, gồm 17 thần vị. Nội dung của thần vị được cấu tạo theo một nguyên tắc chặt chẽ, có tầng thứ nhất định và tính nhất quán theo hệ thống. Mỗi thần vị được coi như một Ngôn phẩm. Hãy thử phân tích một Ngôn phẩm quan trọng ta thấy:

Tầng 1: Cụm từ ngữ tôn gọi. Trong đó thường nêu rõ thuộc cụ ông, dùng chữ Khảo, còn cụ bà dùng chữ Tỷ, có khi dùng chữ Mẫu. Cách ghi cứ sau cụ ông đến cụ bà, vì cụ bà thường là vợ của cụ ông trước đó.

Tầng 2: Cụm từ ngữ chỉ chức danh, phẩm trật do nhà nước tiến phong hay ban tặng.

Tầng 3: Tên thụy (với cụ ông), Hiệu (với cụ bà).

Tầng 4: Họ + Tướng công (với cụ ông có chức phẩm)

+ Phủ quân (với cụ ông bình thường).

Tầng 5: Hai chữ Thần vị hay Linh vị hoặc Thần bài (chung cho cả cụ ông lẫn cụ bà).

Quan sát tổng quát sự sắp xếp các Thần vị có thể rút gòn thành sơ đồ:

Ông (Nam)Bà (Nữ)

1a/ Hiển cao tổ KHẢO…. 1b/ Hiển cao tổ TỈ

2a/ Hiển tằng tổ KHẢO…. 2b/ Hiển tằng tổ TỈ

2c/ Hiển tằng tổ MẪU

3a/ Hiển tổ KHẢO….. 3b/ Hiển tổ MẪU

4a/ Hiển KHẢO……… 4b/ Hiển TỈ

Nhìn sơ đồ thấy rất rõ 4 thế hệ đã qua đời được thờ phụng, xem lần lượt từ dưới lên trên cho tiện nhận biết bằng cách gọi ngày nay:

4a/ CHA………. 4b/ MẸ

3a/ ÔNG……….3b/ BÀ

2a/ CỤ………….2b/ CỤ (bà)

2c/ CỤ (bà sinh)

1a/ KỴ…………1b/ KỴ (bà)

Hãy đọc kỹ nội dung thần vị ở ngôi 1a:

“Hiển cao tổ KHẢO đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, Thị giảng Ty, tặng Công Bộ Thượng Thư Hiển Quận công, gia phong PHÚC THẦN Trực Ôn Văn Nhã – Thông mẫn Tài tuấn - Đại độ Khoan hòa ĐẠI VƯƠNG, thụy Trung Hậu NGUYỄN Tướng công THẦN VỊ”.

Nhờ vào văn bản khác là Liệt truyện Đại vương, do tác giả với cương vị huyết thống xưng là “Huyền tôn Nguyễn Văn Lý bái thuật” thì Thần vị nêu trên là thờ cụ Đại Vương. Ngài huý Vẹ, tự Hy Quang. Sinh ngày 28 tháng 3 năm Giáp tuất cuối niên hiệu Đức Long (1634). Mất ngày 06 tháng 5 năm Nhâm Thân thời Lê Chính Hòa (1692), thọ 59 tuổi. Hiếu học và minh mẫn hơn người, Ngài thông Nho thạo Nôm, giỏi nhiều môn văn, sử, thiên văn, y lý, phong thủy. Thi tứ trường trúng Giải nguyên năm 24 tuổi. Đỗ khoa thi Hội năm 36 tuổi. Sau đó trúng khoa Sĩ Vọng, được bổ làm Giáo thụ Phủ Thường Tín. 40 tuổi được nhà Chúa triệu vào Kinh làm Thái phó dạy Thái tử. Nhân dịp này, Ngài trình bày “Quân thần luận” nêu rõ các đạo lý về quan hệ vua tôi, vấn đề hiểu biết và dùng người, vấn đề yên dân, và đặc biệt là 2 vấn đề nóng hổi đương thời. Việc binh và việc hình cần phải thiết thực. Chúa Trịnh Tạc tán thưởng và ban khen, thăng làm Lang trung bộ Lại kiêm tri bộ Hộ. Khi Thái uý Tấn Quốc công nối nghiệp Chúa, mở phủ Tiết chế, Ngài được uỷ phò tá, thăng làm Công Khoa Cấp Đô trung. Đức độ thanh liêm, chính trực, một lòng trung cần, uy vũ không khuất phục, rất mực yêu thương nhân dân, Ngài làm việc quan trong 8 năm. Năm Dương Đức II (1674), Ngài bỏ tiền lương cùng dân làng Trung Tự phường Đông Tác huyện Thọ Xương (nay là phương Phương Liên quận Đống Đa thành phố Hà Nội) sửa sang làng xóm, làm đẹp bộ mặt quê hương. Trong gia đình thì đời sống giản dị, cần kiệm. Cụ bà nết na hiền thảo, quý chồng chăm con, tần tảo đảm đang việc tề gia nội trợ. Hai cụ suốt mấy năm từ Bính Thìn (1676) đã tố giác và phát đơn kiện bọn quan lại địa phương chiếm đoạt đất đai của làng Trung Tự. Vất vả kiên trì trải qua 3, 4 tòa mới lấy lại được đất cho làng. Năm Nhâm Thân (1692) Ngài lâm bệnh, được nhà Chúa ơn dạy dỗ, thân xuống lập đàn cầu trời cho qua khỏi… Khi Ngài nhắm, thương xót Thày dạy, nhà Chúa nghỉ triều 3 ngày và cho quan bộ Lễ làm văn tế trọng vọng. Triều định tặng Ngài tước Công Bộ Thượng thư Hiển Quận công, phong làm phúc thần, lệnh cho làng Trung Tự và cả Kim Liên thờ làm thượng đẳng thần, cho địa phương này 99 suất đinh để lo việc Xuân Thu thờ phụng, cúng tế theo nghi lễ nhà nước gọi là quốc tế. Tên tuổi được ghi vào Tự điển thờ của Quốc Gia.

Bình sinh cụ hay làm thơ Nôm và có soạn sách. Hiện còn một bài thơ Nôm “Cảm thán khi làm nhà từ đường” và một cuốn sách “Quốc âm sự dẫn”, được coi là của gia bảo của dòng họ Nguyễn làng Trung Tự.

Sự cần thiết khảo tiểu sử như vậy để thấy rằng, thần vị “Hiển cao tổ khảo” mà tác giả sách Gia huấn đã nêu ra phản ánh đúng những nét căn bản về lý lịch và công trạng của cụ Đại Vương. Điều này theo thể chế xưa rất quan trọng vì phải tuân thủ các phép tắc quy định của Nhà nước, nếu vi phạm là bị khép tội. Đồng thời cho thấy tính chất nghiêm túc, trung thực của tác giả thể hiện rõ ngay ở những dòng đầu cuốn gia huấn.

B. Văn khán tổ tiên ông bà cha mẹ: Ở đây tác giả viết 2 bài: Bài trước ký tên “Thứ huyền tôn Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý” và ghi dòng niên đại tuyệt đối: “Ngày Sóc tháng 9 kiến Giáp tuất năm Kỷ Dậu niên hiệu Tự Đức II (1849)”. Bấy giờ tác giả vào tuổi 54, sức khỏe có phần giảm sút, xin phép triều đình Huế về dưỡng bệnh tại quê làng. Nhân đó để tâm chăm lo nhà từ đường tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ.

Lòng văn cho biết nhiều điều khá tỷ mỉ. Đại để là: Lâu nay Đại Vương được thờ làm phúc thần tại đình làng với nghi lễ quốc tế vào 2 kỳ Xuân Thu. Nay dựng nhà từ đường Đại Vương, đóng khám thờ và thiết thần vị để muôn đời chiêm ngưỡng anh linh…

Các bài văn khấn sau lại lý tên là “Con hiếu thảo”, nguyên văn: “Hiếu tử Tiến Sĩ Nguyễn Văn Lý”. Dòng niên đại của ngày khấn thì để trống: “Niên… Nguyệt… Nhật…”. Đọc lòng văn thấy tác giả khấn ngay đến cha “Hiển Khảo tiền sinh đồ, suất Tuyển Tả đội Lương Vũ Bá, tặng Hàn lâm viện thị đọc, thụy Đoan Trực – Phúc Kiên Nguyễn Phủ quân” rồi khấn đến mẹ “Hiển Tỉ phong Nghi Nhân Ý Hạnh Nguyễn Thị…”. Lời khấn chân thành, thống thiết. Tạm dịch một đoạn: “Đời cha mẹ nghèo vất vả, đến đời con thanh bạch, chưa làm được gì. Nay chọn được ngôi đất có phong khí tốt đẹp, ở bên tả từ đường Cao tổ Đại Vương, có thể làm nơi thờ cúng muôn đời. Lại xem được ngày lành tháng tốt lấy tháng Giêng để xây cất và dự định hoàn thành vào tháng 2 cùng năm. Dám xin tiên khảo, tiên tỉ phối hưởng cùng tổ mẫu và các anh linh từ nay yên vị…”. Phần còn lại cho biết cặn kẽ về qui mô, kiểu thức, nhu phí chi dùng vào việc xây dựng 3 gian từ đường này. Đoạn cuối ghi tỏ: “Ngày khởi công mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (1839) và đến ngày 20 tháng 2 thì cáo thành”. Còn cho biết năm sau Canh Tý (1840) đời Vua Minh Mệnh thì gia đình được vinh hạnh nhận Hoàng ân phong cho tiên khảo tứ phẩm, tiên tỉ chánh ngũ phẩm… Cuối văn khấn đề ngày: “Thời Thiệu Trị nhị niên… nguyệt… nhật…” tức vào năm Đinh Mùi (1842).

Căn cứ vào năm viết bài văn khấn cha mẹ là Thiệu Trị nhị niên (1842) thì tác giả ở tuổi 47, đã làm quan nhà Nguyễn được 10 năm. Lại biết trước đó 2 năm là Canh Tý (1840) ông lai kinh đô Huế nhận chức mới Hình bộ Lang trung. Đủ thấy ông một mặt tích cực với việc vua việc nước làm đầu, mặt khác vẫn đinh ninh không quên bổn phận làm con (cháu) trong gia đình nên đã cố gắng tranh thủ các điều kiện cho phép để báo hiếu tổ tiên, cha mẹ.

C. Các bài bia ký nhà từ đường

Tìm hiểu các bài ký này của tác giả, tôi phát hiện thấy: Trước đây ở làng Trung Tự phường Đông Tác có 2 tấm bia báu:

Một là “Thị độc công từ đường bi ký”

Hai là “Thị giảng Thượng Quân Đại Vương từ đường bi ký”.

Tôi đã cất công tìm hỏi thì đến nay không thấy. Nhờ vào tác giả mà 2 áng văn bia trên vẫn còn đến ngày nay. Hy vọng rồi đây gia đình con cháu Tiến sĩ, cùng với Văn hóa quận Đống Đa sẽ cố gắng khôi phục lại, nhằm giáo dục truyền thống văn hóa địa phương. Những người nghiên cứu về Hà Nội học có thể lấy 2 áng văn bia này để tìm hiểu thêm về các bậc tiền bối của gia đình Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, hiểu thêm về gien văn hóa, gien danh nhân.

D. Một loạt câu đối của các danh sĩ và nhân vật đương thời đề tặng.

Tác giả đã cẩn thận và ý tứ ghi chép lại gần 20 đôi đối liễn với không sót một ai danh giá có học vị, có chức sắc và quê quán rõ ràng đã đề tặng từ đường họ Nguyễn Đông Tác nhờ đó ta hiểu thêm về một phương diện khác đó là dòng họ Nguyễn Đông Tác có quan hệ xã hội tốt đẹp ở đương thời, do sự phấn đấu, công lao đóng góp trên cơ sở trí tuệ và tâm hồn của các cụ đời trước, nối liền liên tục đến Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý cho nên mới thu hút được sự trân trọng của các danh sĩ và các nhân vật đương thời.

Điểm danh từng người ký tên ở lạc khoản câu đối ta sẽ rõ:

1. Tổng đốc Sơn Linh tuyên, Ngô Lâm Nguyễn Bá Nghi, người Quảng Nghĩa.

2. Hồng lô Tự khanh lãnh Bố Chánh sứ Hà Nội, Thiết Bình Nguyễn Khắc Thuật, người Bắc Ninh.

3. Cao thụ Gia Nghị Đại phu, Bố Chánh sứ Tuyên Quang, Kim Thanh Bùi Duy Kỳ, người Nam Định.

4. Cáo thụ Tư Thiệu Đại phu, Tổng đốc Hưng Yên Phúc An Nguyễn Quảng, người Thừa Thiên.

5. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Thám hoa, Hàn lâm trước tác, sung Kinh diên ký chú Hoàng Xuân Toàn, người đồng huyện Dũng Thọ.

6. Án sát Hà Nội Nguyễn Thái (Không thấy ghi quê quán và bằng cấp).

7. Án sát Hưng Yên Nguyễn Văn Siêu, người gốc quê Làng Kim Lũ, Thanh Trì (Hà Nội) (mà xưa nay người đời tôn vinh là Thần Siêu).

8. Hoàng giáp Lê Huy Trân, người Thanh Oai.

9. Khúc Giang Tiến sĩ Ngô Dương Đình Thế Vinh (ông đề tặng những 2 đôi câu đối).

10. Tiến sĩ Hoàng Đình Chuyên.

11. Tiến sĩ Cáo thụ Đại phu Bình Bộ Thị Lang Mai Xuyên Phanh Thanh Giản.

12. Tiến sĩ Cáo thụ Phụng Nghị Đại phu Địa lang Bạch Đông Ôn.

13. Ất mùi khoa Tiến sĩ Phụng Nghị Đại phu Địa lang Bạch Đông Ôn và Phủ Kim Phong.

14. Quốc Tử Giám Tế tửu Phạm Bá Thiều.

15. Quốc Tử Giám Tư nghiệp Phạm Gia Chuyên.

Đấy là chưa nhắc đến một số câu đối ký tên là “con”, như của:

- Đệ Tam nam Tiến sĩ Hình bộ Lang Trung Nguyễn Văn Lý.

- Trưởng nam Cúc Hiên cư sĩ Nguyễn Văn Lâm.

- Đệ Tam nam Tiến sĩ Cáo thụ Đại phu Phú Yên Hộ phủ Án sát sứ Nguyễn Văn Lý.

Qua đó ta biết rõ thêm Nguyễn Văn Lý là con thứ 3 trong gia đình. Ông có 2 câu đối thờ cha mẹ. Câu đối trên và câu đối dưới được làm trong hai thời kỳ khác nhau với cương vị chức vụ không giống nhau.

Sẽ rất thiếu sót khi nói tới câu đối của các bậc danh sĩ và nhân vật đương thời đề tặng gia đình Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý mà không điểm qua một đôi để từ đó chúng ta cùng nhau cảm nhận tư tưởng, tình cảm của các ông. Đây là đôi câu đối của Thần Siêu – Án sát Hưng Yên Nguyễn Văn Siêu:

Sư truyện công danh kỳ môn ngộ

Công hầu tôn tử úy hinh hương

Tạm hiểu nghĩa: Sự nghiệp người Thầy, việc công danh gặp gỡ ở cửa Kỳ Môn; Gia đình vẻ vang, tước công hầu con cháu làm nên hương thơm bất hủ!

Và đây câu đối của Thanh Oai Hoàng giáp Lê Huy Trâm:

Nùng Lĩnh khí chung sinh bất ngẫu

Phúc thần huyết thực cửu do vinh

(Khí thiêng núi Nùng hun đúc sinh ra người tài, chẳng phải ngẫu nhiên. Phụng thờ Phúc thần muôn đời mãi mãi vẻ vang).

Có thể nói tất cả các câu đối đều hay và ý thứ rất dồi dào, thể hiện tài học và tâm hồn của các danh sĩ, nhân vật nổi hiếm đương thời. Riêng các câu đối của Nguyễn Văn Lý lại đậm chất triết học uyên áo mà ông thâu thái từ tinh hoa Dịch học. Chỉ ví dụ 1 đôi:

Dự trinh tảo khế tiên thiên cát

Đỉnh lợi tòng khai hậu thế xương.

Nếu thâm nhập Kinh dịch thì sẽ hiểu sâu hai quẻ: DựĐỉnh trinhlợi, rất tốt đẹp cho nguồn gốc tiên thiên và cho hậu thế con cháu đời sau.

Phần cuối sách gia huấn, tác giả dành bút mực luận về Kinh dịch vận dụng vào việc trắc nghiệm, tìm ra các thông tin dự báo trước để lấy đó làm tham số xem xét các sự kiện như thi cử, sức khỏe, con đường công danh, ứng xử, mồ mả tổ tiên, sinh nở mà ông đã trải qua. Ở mỗi trường hợp như vậy ông đều ghi lại đầy đủ hình ảnh các quẻ và lời luận của các vị cổ triết, đồng thời có kèm theo nhận xét cá nhân bằng mấy chữ “Quả bất hoặc” thậm chí rất khiêm tốn ghi lại “Tồn hậu nghiệm”, tức là quả chẳng nghi ngờđể sau này ngẫm nghiệm thêm.

Dầu thế nào thì đây là vấn đề hóc búa của Kinh Dịch và sở học sở thích của tác giả. Vả lại Kinh dịch không phải là một món ăn tầm thường, phù hợp với bất cứ khẩu vị và thể tạng của bất cứ ai!

4 - Vấn đề cuối cùng thật là đặc biệt, trọng đại, đáng ngạc nhiên, rất hiếm thấy có Tiến sĩ nhà nho nào đề cập đến, đó là những điều dạy bảo con cái của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý viết ở phần mang tiêu đề Chí Am tự huấn.

Chí Am hay Tuần Phủ là hai tự danh của Nguyễn Văn Lý. Ông còn có 2 hiệu danh là Chí HiênĐông Khê. Đọc sách do ông viết ta thấy khi thì ông xuất hiện với tự danh, khi lại xuất hiện với hiệu danh, có lúc ghi là Đông Tác Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, cũng có lúc lại ghi là Đông Tác Tiến sĩ Nguyễn Chí Đình. Nói luân như vậy để tiện theo dõi.

Trong hai chữ tự huấn thì chữ huấn dễ hiểu thôi, chỉ những điều dạy bảo. Chỗ khó là ở chữ tự. Tra cứu các từ điển của Trung Hoa như Từ hải, Từ nguyên có thể thấy được nghĩa của chữ này, nhưng phải đọc được và giải mã được vì các từ điển này viết rất cô đúc bằng văn văn ngôn. Hãy sử dụng ngay tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, là người thuộc dòng dõi của tác giả Nguyễn Văn Lý thì lại dễ hiểu hơn. Ở đây chữ tự có các nghĩa sau:

- “Sinh sản, người ta sinh con gọi là Tự. Chữ Tự, trong Văn tự cũng là ở nghĩa ấy mà ra. Ý nói nẩy nở ra nhiều vậy.

- Yêu, Phủ tự là vỗ về, nuôi nấng”.

Với 2 nghĩa trên có thể tạm hiểu Chí Am tự huấn như sau: Những điều dạy bảo của Chí Am về việc sinh sản, thương yêu, nuôi nấng con cái. Trên kia khi tóm tắt các vấn đề thuộc nội dung cơ bản của sách gia huấn, tôi viết cho gọn lại: E. Dạy bảo về sinh sản

Rõ ràng đây là vấn đề rất lớn có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với cả nòi giống, cả xã hội loài người. Phần tôi không được đào tạo về vấn đề này, chỉ dám xin bạo phổi nêu lại một cách cơ giới từ chữ nghĩa của tác giả mà thôi.

Thoạt tiên tác giả đặt vấn đề: Thọ đứng đầu 5 thứ hạnh phúc của con ngườithọ, phú, quý, khang, và ninh. Thọ bắt nguồn ở sự cấu thai. Cấu thai bẩm phú nên mệnh. Nhân tố tạo hóa, âm dương Lưu hành quan hệ rất lớn đến cấu thai. Còn con người thì nam (chồng), nữ (vợ) sức khỏe tốt hay xấu, có bệnh hay không có bệnh là quan trọng. Nam nữ giao cấu phải biết thiên khí và địa khí. Thiên khí và địa khí trong sáng (tình lãng) hay tối tăm (hối minh) hoặc lạnh nóng (hàn thử) có tác động sâu xa đến giao cấu, không thể tùy tiện được. Còn nói về khí huyết thì về người nam (chồng) dù vô bệnh tật nhưng khi gặp người nữ (vợ) vừa mới sạch kinh nguyệt mà cấu thai thì thường sinh ra các trường hợp: tật bệnh, yểu uổng, ngu nhược. Cái đại phúc không gì lớn hơn của người ta liên quan mật thiết đến vấn đề như vậy. Bất luận là nam hay nữ, tài giỏi hay kém cỏi đều không thể không biết đến!

Tác giả còn nhắc đến sự kiện có tính truyền thống trong giáo dục gia đình của họ Nguyễn Đông Tác là: Nhà ta từ thời cụ Ôn Công đã từng lưu ý con cháu trong nhà về việc hôn nhânsinh sản. Tác giả còn căn dặn: Về những điều hệ trọng này, người ta không thể nào không lấy đó ra mà chăm lo, không thể một ngày nào để sao lãng không lấy đó mà tu cái trí hiểu biết. Đó chính là nhân đạo, cũng là y đạo. Con cháu nhà không thể nào không biết tỏ tường.

Tôi có đem vấn đề này thỉnh giáo vài vị Giáo sư Tiến sĩ Bác sĩ và một Giáo sư Tiến sĩ Hóa Sinh học thì được các vị chỉ bảo như sau:

- Vấn đề sách gia huấn đề cập là rất hay, hoàn toàn có tính khoa học nghiêm túc và mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Khoa học hiện đại hiện nay mới thực sự đi vào vấn đề này.

- Thành tựu nghiên cứu chuyên ngành mới đây ở nước Mỹ cho thấy: một số những thí nghiệm về quan hệ giữa thiên khíđịa khí, âm dương lưu chuyển làm thành các bức xạ vũ trụ gây nên activersuractiver đối với AND trong trứng và trong tinh trùng, khiến cho vợ chồng giao hợp thì 1 AND của vợ kết hợp với 1 AND của chồng tạo thành một đôi gồm 2 sợ xoắn.

Hai sợi xoắn nhau này được quyết định bởi: sức khỏe nam và sức khỏe nữ, thiên khí và địa khí, xét với quan hệ giao cấu. Tùy các tình hình sức khỏe với thiên khí và địa khí mà tạo ra đôi dây xoắn AND như thế nào đó. Thai nhi ở tình trạng ra sao hoàn toàn lệ thuộc vào các nhân tố trên.

Là như vậy, người viết bài này đã cố gắng trình bày và phân tích một vài vấn đề rút từ sách Đông Tác Nguyễn thị gia huấn do Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý viết ra để dạy bảo con cháu trong gia đình, bấy giờ vào khoảng thời gian cách nay hơn 100 năm. Do hiểu biết của người trình bày còn hạn chế, chưa thể nêu được đầy đủ, thậm chí chưa chắc đã đúng hẳn, có chỗ còn cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm, song có điều chắc chắn là sách Gia huấn của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý lấp lánh ánh sáng trí tuệ lớn lao, ưu việt và chan chứa tâm hồn vĩ đại của ông đối với các thế hệ sau ông. Hãy cho tôi được coi cố gắng nhỏ này làm vành hoa thơm, làm nén trầm dâng lên Tượng đài Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý.

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.359-374)

In
Lượt truy cập: