Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 1997
24. Tư liệu Hán Nôm ở khu Hà Nam, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh (TBHNH 1997)

Cập nhật lúc 09h28, ngày 05/10/2007

TÀI LIỆU HÁN NÔM Ở
KHU HÀ NAM
(HUYỆN YÊN HƯNG, QUẢNG NINH)

BÙI VIỆT HÙNG - TRẦN ĐÌNH TẤN

Trường Cao Đẳng Sư phạm Tây Bắc

Khu Hà Nam (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), nàm ở vùng cửa sông Bạch Đằng, được bao bọc bởi hai nhánh của con sông này là sông Rút và sông Chanh. Đây là hòn đảo có cốt đất thấp, từ giữa thế kỷ XV, cư dân ở nhiều vùng đã đến đây quai đê lấn biển, lập nên các làng xã. Đầu thế kỷ XIX, Hà Nam là một tổng gồm nhiều làng: Vị Dương, Vị Khê, Lưu Khê, Quỳnh Biểu, Trung Bản, Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Hải Yến và Hưng Học. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, 10 làng này cũng là 10 xã. Sau 1954, có sự lắp ghép các làng xã thành các đơn vị hành chính mới. Hiện nay, trên đảo có 7 xã là Liên Vị (gồm 2 làng Vị Dương và Vị Khê), Liên Hòa (gồm ba làng Lưu Khê, Quỳnh Biểu và Trung Bản), Phong Cốc và Phong Hải (từ làng Phong Cốc chia thành hai xã). Cẩm La (làng Cẩm La), Yên Hải (hai làng Hải Yến và Yên Đông) và Nam Hòa (gồm làng Hưng Học và xóm Đồng Cốc của làng Phong Cốc cũ).

Trải qua hơn 5 thế kỷ, cư dân đảo Hà Nam vẫn bảo lưu đậm nét các yếu tố văn hóa của làng xã đồng bằng Bắc Bộ với một hệ thống các đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, chứa đựng một khối lượng tài liệu Hán Nôm mang nhiều nội dung phong phú, có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt.

I - THỰC TRẠNG VỀ NGUỒN TÀI LIỆU HÁN NÔM Ở KHU HÀ NAM

(Xem bảng 1)

Biểu thống kê trên đây cho thấy, khu Hà Nam cho đến nay vẫn còn lưu giữ một khối lượng lớn văn bản Hán Nôm với nhiều chủng loại, trong đó bia đá chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tuy nhiên với số văn bản mà người Pháp đã thu thập được hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì tài liệu Hán Nôm ở Hà Nam bị mất mát khá nhiều. Biểu hiện:

1- Về bia: Trừ làng Hưng Học còn giữ được đủ số bia, các làng khác đều bị mất mát. Trong số đó những làng còn giữ được nhiều bia (tuy đã mất) là 3 làng Vị Khê, Phong Cốc, Yên Dông. Tuy nhiên, nhiều bia quí so với thác bản lưu giữ tại Viện Hán Nôm cũng không còn giữ được. Chẳng hạn hai bia hậu thần (thác bản số 18606, 18615), ở đình Hưng Học, bia đình Hải Yến (thác bản số 18073-18604). Do nhiều di tích bị huỷ hoại nên bia bị phân tán. Chẳng hạn, toàn bộ bia đình, bia văn chỉ của làng Yên Đông phải dồn về sau chùa vì các di tích trên đã bị phá. Nhiều tấm bia bị mòn rất khó đọc do dãi dầu mưa nắng như các tấm bia thời Mạc ở chùa Yên Đông, chùa Vị Khê, bia trụ thời Vĩnh Thịnh ở chùa Quỳnh Biểu.

2- Chuông: Chỉ 5 làng còn; song theo các bô lão các làng thì trước đây các chùa đều có chuông.

3- Khánh: Duy nhất ở chùa làng Hưng Học có.

4- Sắc phong: Có hai làng (Quỳnh Biểu, Phong Cốc)

Bảng I: Các loại văn bản Hán Nôm hiện còn lưu ở các làng thuộc khu Hà Nam.

 

Làng

Bia

Chuông

Khánh

Sắc phong

Bản khắc gỗ

Địa bạ, văn bản chia ruộng đất

1- Vị Dương

8

1

-

10

-

 

2- Vị Khê

15

-

-

7

-

 

3- Quỳnh Biểu

1

-

-

-

-

 

4- Lưu Khê

3

1

-

5

-

-

5- Trung Bản

3

-

-

7

-

 

6- Phong Cốc

14

2

-

1

-

 

7- Cẩm La

4

-

-

1

-

 

8- Yên Đông

16

-

-

3

-

2

9- Hải Yến

2

1

-

6

2

 

10- Hưng Học

5

1

1

5

-

-

Cộng

71

6

1

45

2

2

 

không có sắc phong cho thành hoàng làng (làng Phong Cốc chỉ còn sắc phong cho một vị Tiên công. Đặc biệt ở miếu Tiên Công Cẩm La có sắc phong khắc trên ván gỗ, phong cho 17 vị Tiên công khai lập xã Phong Lưu.

5- Thần phả: Không có làng nào còn thần phả, chỉ riêng làng Hải Yến còn bản thần phả có tiêu đề Hà Nam tổng, Hải Yến xã thần tích hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF a19/2.

6- Bản khắc gỗ: Không kể các bức đại tự, hoành phi có ở nhiều làng, riêng làng Hải Yến có hai bản khắc gỗ lập năm Bính Tý đời Tự Đức (1876).

7- Gia phả: Hầu hết các dòng họ đều có gia phả ghi lại quá trình tổ tiên từ nhiều nơi về đây quai đê lấn biển, sinh cơ lập nghiệp. Có giá trị nhất là gia phả họ Vũ ở Phong Cốc, họ Nguyễn ở Yên Đông.

8- Địa bạ và bản kê khai, phân chia ruộng đất: Các làng không có địa bạ. Bộ địa bạ duy nhất (lập thời Gia Long, Minh Mệnh, Thành Thái của các làng còn lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu:

AG a17/4

Tại thôn Yên Đông còn lưu giữ 2 bản chia ruộng đất khi chia Phong Lưu thành 4 xã, bản Gia phả họ Nguyễn ở làng này cũng ghi một số tư liệu về ruộng đất.

9- Hương ước: Các làng đều không còn hương ước, Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn bản khoán lệ của các làng làng với tiêu đề Hà Nam tổng các xã khoán lệ, ký hiệu:

AF a17/4

10- Xã chí: Các làng không còn lưu giữ. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn bản xã chí có tiêu đề Hà Nam Tổng, các xã thôn xã chí, ký hiệu:

AJ 12/3

II.MỘT VÀI GIÁ TRỊ CỦA CÁC NGUỒN TÀI LIỆU HÁN NÔM CÒN LƯU Ở KHU HÀ NAM

1- Bia: Về số lượng bia ở các di tích, xin được trình bày ở bảng 2. (Xin lưu ý trong số 71 bia có 2 câu hương đá, 2 bia trụ).

Bảng 2: Số lượng bia có tịa 10 làng

 

S
TT


Làng

Tổng số
bia

Chia ra theo di tích

Đình

Chùa

Miếu

Từ đường

1

Vị Dương

8

-

8

-

-

2

Vị Khê

15

-

11

-

4

3

Quỳnh Biểu

1

-

1

-

-

4

Lưu Khê

3

-

3

-

-

5

Trung Bản

3

2

-

1

-

6

Phong Cốc

14

2

7

-

5

7

Cẩm La

4

-

2

2

-

8

Yên Đông

16

-

16

-

-

9

Hải Yến

2

1

1

-

-

10

Hưng Học

5

-

5

 

 

 

Cộng

71

5

54

3

9

 

Về niên đại (xem bảng 3): đa số bia ở Hà Nam được lập vào thời Nguyễn (48/71 bia = 76,7%), nhưng vẫn có một số bia có niên đại sớm như 2 tấm bia Hồng Đức lưu ở đỉnh Trung Bản, 4 tấm bia Mạc (2 tấm ở chùa Yên Đông, 1 ở chùa Vị Khê, 1 ở chùa Hưng Linh làng Phong Cốc). Cũng xin lưu ý, trong cuốn Văn bia thời Mạc của Đinh Khắc Thuân mới chỉ giới thiệu 1 tấm bia ở Chùa Yên Đông. Đặc biệt có 2 tấm bia niên đại Tây Sơn (1 tấm bia hậu thần niên hiệu Quang Trung thứ 5 – 1792 đình Trung Bản, 1 tấm bia về đăng khoa lục niên hiệu Cảnh Thịnh 2 – 1794) vốn ở văn chỉ Yên Đông, nay chuyển về chùa làng.

Bảng 3: Số lượng bia chia theo niên đại

 

Đời

Niên đại cụ thể

Số lượng

Lê Sơ

Hồng Đức

2

Mạc

Hưng Trị

Hồng Ninh

3

1

Lê Trung Hưng

Chính Hòa

Vĩnh Thịnh

Bảo Thái

Long Đức

1

4

1

1

Tây Sơn

Tây Sơn

2

Nguyễn

Minh Mạng

Thiệu Trị

Tự Đức

Thành Thái

Duy Tân

Khải Định

Bảo Đại

8

2

8

3

3

8

16

Không rõ niên đại

8

 

- Về nội dung: Văn bia Hà Nam có nội dung khá phong phú như văn bia ở nhiều làng quê khác, song nổi lên là vấn đề khai hoang lập làng và tranh chấp đất đai, vốn là đặc điểm nổi bật của làng Việt nói chung và làng xã ở khu vực này nói riêng. Dưới đây là một số bia tiêu biểu:

+ Hai tấm bia Hồng Đức ở đình Trung Bản ghi lại việc khai hoang thành lập các làng Vị Dương, Lương Quy (Lưu Khê), Phong Lưu (Phong Cốc). Vào năm Hồng Đức thứ 1 (1471), triều đình đã cử quan lại về đo đạc ruộng đất, đê điều, thống kê dân số ở các xã này.

+ Bia Lập thiên trụ bi, niên hiệu Chính Hòa 25 (1704) đặt ở sân đình làng Hải Yến ghi lại việc ông Phạm Nhữ Lâm chiêu tập dân nghèo khai hoang lập ra làng Hải Triều (sau đổi là Hải Yến) vào các năm từ 1484-1489.

+ Bia Kỷ niệm công đức bi (lập năm Bảo Đại 16-1941) đặt ở đình Phong Cốc, bia “Phong Lưu tứ xã Hồ Mạch” (lập năm Bảo Đại 11-1936) ghi lại quá trình phát triển của làng Bông Lưu sau đổi thành Phong Lưu rồi chia thành 4 xã: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản.

Các bia trên cùng ghi lại việc tranh chấp ruộng đất giữa các làng(1).

2- Chuông:

Cả khu có 6 quả chuông. Quả chuông có niên đại sớm nhất là chuông Linh Quang, làng Vị Dương, đúc năm Vĩnh Hựu 2 (1736), quả chuông có niên đại muộn nhất là chuông chùa Phong Cốc đúc năm Bảo Đại 6 (1941). Có một quả chuông niên hiệu Cảnh Thịnh (chùa Hưng Linh làng Phong Cốc). Nội dung các bài minh trên các chuông cho biết việc đúc chuông xây chùa, qua đó có thể biết được một phần tình hình kinh tế - xã hội, thành phần dân cư, cơ cấu tổ chức của các làng ở các thời điểm đó.

3- Khánh: Chiếc khánh duy nhất trong vùng lưu ở chùa Hưng Linh làng Hưng Học, đúc năm Thiệu Trị 4 (1844) nói về việc hưng công đúc khánh, cho biết thêm tư liệu về tình hình xã hội, dân cư của làng ở thời điểm trên.

4- Sắc phong: Sắc phong còn lưu giữ ở các làng cho biết hệ thống các vị thần được tôn thờ.

- Phạm Tử Nghi (thánh Niệm) là một nhân vật có thật sống vào đời Mạc (giữa thế kỷ XV) từng lấy vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng làm căn cứ chống lại triều Lê và nhà Minh, bị nhà Minh bắt mẹ, phải ra hàng, được dân các làng Trung Bản, Vị Dương, Vị Khê, Quỳnh Biểu, Hải Yến thờ. Tục truyền, khi xác Tử Nghi từ Trung Quốc trôi về và mắc cạn ở nhiều đoạn đầm thuộc các làng trên nên được thờ.

- Trần Hưng Đạo: được các làng Trung Bản, Vị Dương, Vị Khê, Lưu Khê, Hải Yến thờ. Tục truyền, xưa Trần Hưng Đạo đến khu Hà Nam tìm trận địa đánh giặc. Ông đã dừng chân, xoã tóc và cắm mũi gươm tại một mảnh đất ở làng Trung Bản. Về sau, nơi ấy dựng đình làng và dân các làng thờ phụng. Trong đình Trung Bản hiện còn bức tượng Trần Hưng Đạo xoã tóc.

- Các vị Tiên công có công chiêu tập dân nghèo khai phá lập nên các làng. Các sắc phong cùng với bia ký, gia phả cho phép khẳng định, có 24 vị Tiên công có công khai phá vùng đất này, chứ không phải có 17 hay 18 người như nhiều người đã lầm tưởng(2).

5- Bản khắc gỗ: Hai bản khắc gỗ được lưu tại đình làng Hải Yến ghi rõ việc dân làng rước các vị Tiên công, các vị thuỷ tổ các dòng họ khai lập làng, các vị Hương trưởng, Văn trưởng, Lý phó trưởng có công đóng góp xây dựng làng vào đình thờ phụng.

6- Gia phả và các văn bản phân chia ruộng đất công làng xã: ở làng Yên Đông và nhiều dòng họ ở các làng khác giúp cho việc tìm hiểu quá trình khai hoang lập làng, sự phát triển của các làng xã, tục lệ chia ruộng đất công trong vùng…

Nhìn chung, mặc dù có bị mất mát nhưng ở khu Hà Nam còn lưu giữ được một khối lượng lớn các tài liệu Hán Nôm có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt. Đề nghị chính quyền các cấp, ngành văn hóa tỉnh Quảng Ninh, huyện Yên Hưng có những biện pháp lưu giữ, bảo quản nguồn tài liệu quý giá này.

Chú thích:

1. Xem thêm: Bùi Việt Hùng: “Một số vấn đề về lịch sử làng xã khu Hà Nam, Yên Hưng, Quảng Ninh qua văn bia”, NCLS số 5-1997.

2. Xem thêm: Bùi Xuân Đính: “Về số lượng các vị Tiên công ở khu Hà Nam (Yên Hưng, Quảng Ninh)”. Những phát hiện mới về khảo cổ học, 1995.

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.224-232)

In
Lượt truy cập: