Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 1997
21. Những tư liệu về dòng họ Đinh trên đất Thái Bình có liên quan tới việc lên ngôi vua của Lê Thánh Tông (TBHNH 1997)

Cập nhật lúc 09h39, ngày 05/10/2007

NHỮNG TƯ LIỆU VỀ DÒNG HỌ ĐINH TRÊN
ĐẤT THÁI BÌNH
CÓ LIÊN QUAN TỚI
VIỆC LÊN NGÔI VUA CỦA LÊ THÁNH TÔNG

MAI HỒNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Từ trước tới nay, giới sử học thường nhận định rằng, Đinh Liệt và Nguyễn Xí giúp Lê Thánh Tông lên ngôi. Nhưng chưa có ý kiến nào nói rõ địa điểm xuất phát lên ngôi vua của Lê Thánh Tông là từ đâu. Nhân trong các chuyến đi sưu tầm tư liệu điền dã tại Thái Bình, chúng tôi đã thu thập được một số tư liệu có liên quan tới nơi sinh của vị hoàng đế đầy tài ba của dọng họ Lê này như sau:

Ở Thái Bình hiện còn một số di tích thờ ba anh em nhà Khai quốc công thần thời Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh (Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt) và sự đóng góp của họ trong việc phù giúp Lê Thánh Tông lên ngôi trị vì đất nước.

A – Các nguồn tư liệu dân gian

Theo gia phả họ Đinh và các tư liệu dân gian ở đây cho thấy, vào cuối thế kỷ XIV có một người con trai họ Đinh tên là Thỉnh dáng người mảnh dẻ thư sinh rời quê hương sách Mỹ Lâm, huyện Thụy Nguyên đạo Thanh Hoa (tên tỉnh Thanh Hóa xưa) ra Bắc Hà làm gia sư cho phú ông người họ Phạm ở làng Đún Ngoại huyện Thần Khê, phủ Ngự Thiên, đạo Sơn Nam (nay là xã Bình Lăng, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), kết duyên với cô con nuôi của phú ông là Phạm Thị Gái. Sau đó cặp vợ chồng này sinh một cậu con trai đặt tên là Đinh Tôn Nhân. Khi Tôn Nhân đã khôn lớn, hai cha con ông Đinh Thỉnh dắt nhau về quê nội Thanh Hoa tham gia phong trào của Trần Quí Khoáng. Việc không thành, hai cha con ông lại tìm đến gia đình ông Lê Khoáng (thân phụ Lê Lợi) xin làm quản gia. Lê Lợi thấy cha con ông Đinh Thỉnh là người có chí khí, bèn xin cha gả em gái của mình cho Đinh Tôn Nhân. Đinh Tôn Nhân sinh được 3 người con trai: Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt. Ba anh em nhà họ Đinh này sau đều là những bậc kiệt hiệt và đều là khai quốc công thần của triều Hậu Lê. Đinh Bồ hy sinh ở trận Khả Lưu, Lê Lợi vô cùng thương tiếc, truy tặng Định Quốc công. Đinh Lễ làm đến chức Tư không, vào năm 1426 nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển từ thế thủ sang tấn công, tiêu diệt quân thù giải phóng đất nước. Đại quân tiến từ vùng Thanh Nghệ ra Đông Quan để đánh nhau với Tổng binh Vương Thông, Lê Lợi sai Đinh Lễ nhử địch đánh tại trận Trúc Động diệt hơn năm mươi vạn tên, bắt sống trên mười vạn tên khác. Trận đánh ở My Động do Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy, quân ta thắng lớn. Nhân đà thắng lợi, nghĩa quân tiến đánh sát thành Đông Quan, quân địch kéo ra quá đông, lực lượng địch ta chênh lệch quá lớn, voi chiến bị sa lầy, tại bến Chương Dương, Đinh Lễ, Nguyễn Xí bị giặc vây bắt. Nguyễn Xĩ giả hàng, Đinh Lễ không chịu khuất phục nên bị giặc giết hại. Lê Lợi vô cùng thương tiếc, truy tặng Bân Quốc công. Đinh Lễ sinh được ba người con trai và một người con gái: Đinh Trung, Đinh Vệ, Đinh Vĩnh Thái (sau Lê Thánh Tông sai về ở Sáo Đền, trông coi mồ mả họ Đinh và Đốc Hựu điện) và con gái là Đinh Thị Ngọc Kế lấy Ngô Từ con trai tướng quân Ngô Bội. Ngọc Kế sinh ra Ngô Thị Ngọc Giao. Ngô Thị Ngọc Giao được Lê Thái Tông vời vào cung làm Tiệp dư rồi sinh ra Lê Tư Thành (tức Thánh Tông sau này).

Sau khi Đinh Lễ hy sinh, Lê Lợi trọng dụng người em ruột của ông là Đinh Liệt. Bấy giờ Đinh Liệt đang ở mặt trận phía Bắc, vua cho gọi về dinh Bồ Đề (nay thuộc Gia Lâm) giao cho chỉ huy đội quân Thiết đột ở bên cạnh vua. Trong khi ấy, Liểu Thăng đem mười vạn quân sang để tiếp viện cho Vương Thông đang bị vây ở thành Đông Quan, Mộc Thạnh cũng đem năm vạn quân vượt qua biên giới Lao Cai tiến vào nước ta. Vua sai Đinh Liệt và Đại tư mã Lê Sát đem quân Thiết đột tiến lên Lạng Sơn chặn đường đánh địch. Tương truyền, trên đường ra trận Đinh Liệt ghé thăm quê ngoại ở Y Đún, thăm người thân, bái yết phần mộ họ ngoại và cầu đảo tại đền thờ bà Cẩm Hoa (tức Nguyễn Thị Cẩm Hoa, nữ tướng của Bà Trưng). Tại đền bà Cẩm Hoa (Thượng Phán xã Quỳnh Lưu, Quỳnh Phụ) hiện nay còn đôi câu đối chép sự kiện này: “Nghĩa phụ Trưng Vương vong Bắc quốc; Linh phù Đinh tướng phục Nam bang”. Nghĩa là: (Bậc nghĩa phụ lớn Trưng Vương dẹp tan quân giặc Bắc; Linh thiêng hãy phù giúp Đinh tướng khôi phục nước Nam). Sau khi làm kễ cầu thần, Đinh Liệt đem đại binh tiến thẳng tới ải Chi Lăng - Lạng Sơn, trực tiếp chỉ huy trận đánh địch ở núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng, thu được bằng sắc và ấn kiếm của tên giặc này đem về Bồ Đề dâng vua. Kế ngay đó, Đinh Liệt lại cùng Lê Sát và các tướng khác đánh trận Xương Giang bắt sống Thượng thư Hoàng Phúc, Đô đốc Thôi Tụ. Vua sai đem ấn kiếm của Liễu Thăng lên Lao Cai trao cho Mộc Thạnh. Mộc Thạnh run bắn người lên khi nhận tin này. Y bèn xua quân tháo chạy về nước. Vương Thông thế cô cũng mở cổng thành Đông Quan xin đầu hàng quân ta.

Năm 1428, khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Thuận Thiên năm đầu. Triều đình luận công khen thưởng Đinh Liệt là một trong những Đệ nhất công thần Khai quốc. Sau đó ông được giữ chức Thái phó giúp vua Thái Tông trị nước. Bấy giờ vua còn nhỏ tuổi, mà triều đình thì lục đục mâu thuẫn, ông cùng Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí và những trung thần khác cố gắng làm tốt mọi việc. Sau sự kiện Thái Tông đột tử ở Vườn Vải (Lệ Chi viên), Đinh Liệt bị Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh (mẹ của Nhân Tông) bắt giam 3 năm. Truyện ấy ông đã lường được tất cả. Đinh Liệt đã chỉ thị cho con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ chuẩn bị lực lượng đề phòng mọi tình huống bất trắc có thể xẩy ra. Khi ấy Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh ghen ghét với bà Ngô Thị Ngọc Dao, tìm cách ám hại bà. Nhờ có sự che chở bảo vệ của các trung thần, nên bà Nguyễn Thị Anh chưa thi thố được gì, bà ta đành phải cách chức Tiệp dư(1) của Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Anh biết bà Ngọc Dao đang có thai, mới cho ở riêng ra chùa Huy Văn (Văn Chương quận Đống Đa, Hà Nội), chờ sau khi đẻ sẽ định liệu. Trước tình hình gay go như vậy, Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí ngầm đưa bà Ngô Thị Ngọc Dao chạy về Y Đún. Trên đường về đến Cầu Tray, nơi giáp ranh giữa 2 địa phận làng Chép xã Gia Lạp huyện Diên Hà và làng Sâm xã Mậu Lâm huyện Thần Khê thì bà Ngọc Dao chuyển dạ đẻ. Suốt từ chập tối cho đến gần sáng hôm sau, một chuỗi thời gian dài và nặng nề, mọi người lo sợ triều đình sẽ đuổi theo. Trong tình hình tiến thoái đều khó, bà Ngọc Dao cho thắp hương cầu trời Phật. Bài khấn ấy, đến nay vẫn có câu được truyền tụng trong dân gian:

Có phải con mẹ con cha,

Thì sinh ở đất Diên Hà Thần Khê.

Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh,

Thì quăng ra đất vạn ninh(2) cho rồi.

Lời khấn vừa dứt thì bà Ngọc Dao sinh được một cậu con trai (tức Lê Thánh Tông sau này). Mọi người thờ phào nhẹ nhõm. Bấy giờ ở làng Sâm có một bà mẹ đang nuôi con thơ được mời đến cho Hoàng từ bú(3). Sau đó đoàn người đi về làng Đún, taịi làng Đún có 2 bà mẹ họ Đinh sẵn sàng giúp đỡ bà Ngọc Dao và nuôi Hoàng tử.

Phần mộ của hai bà nhũ mẫu ấy sau cũng được để trong khu lăng công thần của họ Đinh ở xứ Đường Vuông.

Hiện nay, tại từ đường họ Đinh ở Y Đún vẫn còn lưu giữ được đôi câu đối nói về sự kiện như sau:

Quốc sử lưu bi địa giáp Chú Đình thang mộc ấp(4)

Thần châu hưng nhượng danh trì mỹ lý duệ di hương.

Nghĩa là: sử sách bia đá còn chép đất Chú Đình (tức sách Thuý Lâm) xưa đã sinh ra vua Lê Lợi. Thần Châu (bãi thiêng) cũng như Thần Khê (sông thần) đẻ Lê Thánh Tông. Thần Khê là danh trì (ở Thái Bình), Mỹ Lý (làng đẹp) cũng như Mỹ Lý (Mỹ Lâm ở Thanh Hóa), vùng đất này đã sinh Lê Thánh Tông, cháu Lê Lợi.

Tạm dịch:

Sử vàng bia đá còn ghi Thuý Sách thủa trước danh ấp thang mộc; Lang đẹp sông thần lại chép Thần Khê ngày nay tiếng thơm con cháu truyền.

Tới khi đã lớn, Thánh Tông lấy đất làng Đún làm căn cứ, xây dựng thành luỹ, dùng ngôi chùa để làm văn phòng, trồng 2 cây thị làm cột cổng dinh(5). Biết tin này, Nguyễn Thị Anh đã cho người về tận nơi tra xét. Quan khâm sai về đến đây thấy cảnh xây dựng đồ sộ hệt như một kinh đô, cũng phải thảng thốt: Đúng là một “kỳ đô” (kinh đô lạ). Bởi thế Đô Kỳ là một địa danh được ghi nhận từ đấy.

Sau khi Lạng Sơn vương Nghi Dân dùng bọn quyền thần Phạm Đồn giết Thái hậu Nguyễn Thị Anh và vua Nhân Tông để cướp ngôi thì Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí, giết bọn Phạm Đồn, truất bỏ Nghi Dân đưa Thánh Tông về Thăng Long lên ngôi Hoàng đế(6).

Lê Thánh Tông lên ngôi phong cho ông ngoại (Ngô Từ) là Duyên Ý Đại vương, mẹ Ngô Thị Ngọc Dao là Hoàng thái hậu, minh oan cho Nguyễn Trãi, vời con cháu Nguyễn Trãi ra làm quan. Khi Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía nam, Hoàng thái hậu về thăm mẹ đang ở Sáo Đền (Song An, Vũ Thư), thăm viếng mồ mả tổ tiên bên ngoại và thăm mộ bà Xang(7). Trở về triều bà yêu cầu vua ban sắc chỉ lập 2 đền thờ họ ngoại ở Sáo Đền (Song An, Vũ Thư) gọi là Đốc Hựu điện và ở Đô Kỳ (Đông Đô, Hưng Hà) gọi là Phúc Dụ điện. Thánh Tông chiều theo ý mẹ, ông giao cho Công chúa Bảo Thanh lo góp tiền hương đăng hàng năm cho 2 di tích này. Cấp 100 mẫu ruộng cho Sáo Đền, cử Đinh Vĩnh Thái con trai út của ông Đinh Lễ về đây ở trông coi Đốc Hựu điện. Cấp 27 mẫu ruộng cho Y Đún – Đô Kỳ, cử Đinh Thế Biểu cháu nội ông Đinh Liệt trông coi Phúc Dụ điện và thờ cúng tổ tiên họ Đinh.

Như trên, ta thấy từ các di tích này mà dòng họ Đinh tới định cư ở đất Thái Bình từ cuối thế kỷ XIV, chưa nói đến việc ông Đinh Thỉnh tới làm gia sư cho nhà họ Phạm trước đó. Và con cháu họ Đinh ở đây đã đóng góp rất nhiều nhân tài cho giai đoạn lịch sử của dân tộc, suốt 300 năm kể từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, qua thời Trung hưng cho tới Hiển Tông - Hậu Lê. Như những cánh chim, con cháu các vị Quốc công: Đinh Lễ, Đinh Liệt bay tỏa đi khắp các vùng của đất nước.

Vào khoảng những năm (1480-1485) có Đinh Thế Vĩnh từ Ngọc Sơn Thanh Hóa di cư ra làng Đún. Sau đó con cháu của Thế Vĩnh chuyển tới làng Hòa Trai xã Hoành Mỹ, huyện Việt Yên, Kinh Bắc (Cẩm Giàng). Chừng các năm (1505-1529), Đinh Phúc Vận (đời thứ 7) làm tướng đóng đồn ở Hòa Trai chống Mạc được phong tước Nam quận công, con trai ông là Đinh Thừa Cận theo chúa Trịnh Tùng, Trịnh Tráng phò vua Lê Trang Tông, Thế Tông, Anh Tông dẫn dắt con cháu họ Đinh ở Hòa Trai, làng Đún đi đánh Mạc lập được nhiều công, được phong đến chức Thái tể, Uy dũng Tán trị công thần, Thúy quận công. Con trai ông là Đinh Diên cùng theo cha đi đánh Mạc lập căn cứ Hàn Giang (Hải Dương), được phong chức Thiếu uý, tức Dương quận công. Hai ông cháu ông Phúc Vận và Phúc Diên được chúa Trịnh Tráng thưởng cho mỗi người một tấm kim bài (thẻ vàng). Năm 1627, ông Đinh Phúc Diên về xây nhà thờ họ Đinh ở làng Đún, mang tấm kim bài về để thờ tổ tiên. Ông Diên còn tạo dựng 2 khu lăng mộ họ Đinh(8) gọi là khu lăng Công thần họ Đinh, qui định tiêu chuẩn ai có chức từ Lãnh binh trở lên mới được để hài cốt ỏ đây. Đến lúc già, ông Đinh Phúc Diên về trí sĩ ở Sáo Đền để chăm lo Đốc Hựu điện. Sau khi chết ông được phong làm phúc thần làng Đún. Con trai ông Phúc Diên là Phúc Tiến được phong Chánh đội trưởng, tước Khuông Cần hầu. Con của Đinh Phúc Tiến là Đinh Phúc Đạt là Chánh đội trưởng, tước Phan Lộc hầu, con trai thứ của ông Phúc Tiến là Phúc Liên định cư ở làng Đún, chức Chánh đội trưởng tước Trí An hầu. Cháu của Đinh Phúc Tiến là Đinh Văn giám được phong tước Điển Phương bá.

Đến năm 1748, ông Đinh Phúc Điền (đời thứ 14) nhận được lệnh chỉ của triều đình, phải làm một tờ khai thành tích của các vị công thần họ Đinh ở Thần Khê trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, thời Trung hưng cho tới cuối Lê giúp vua Lê diệt Mạc nộp lên Quốc Sử quán.

Năm 1776, một chi họ Đinh ở Cẩm Giàng có Đinh Văn Tả(9) làm tướng đem quân đi đánh Mạc Kính Vũ. Quân của Mạc Kính Vũ thua chạy về Long Châu, thu được 4 châu(10) do nhà Mạc cắt cho Tàu trước đây.

Vào năm Cảnh Hưng 14 (1783) chúa Trịnh Khải có lệnh chỉ gọi ông Đinh Do về kinh nhậm chức Phó đội trưởng (tờ khai của Đinh Phúc Thuận và lệnh chỉ của chúa Trịnh chúng tôi sẽ nói ở mục sau kỹ hơn). Ở Hàn Giang, (Hải Dương), còn có Đinh Tích Nhưỡng được phong đến Liễn Trung công. Đến cuối thời Lê, đời vua Dụ Tông và Hiển Tông đều có phong sắc cho các ông Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Phúc Diên làm phúc thần cho làng Y Đún – Đô Kỳ.

Có thể nói tới họ Đinh ở Thái Bình tới đời thứ 16 là một dấu chấm hết một giai đoạn lịch sử huy hoàng của họ này gắn bó với triều đại nhà Hậu Lê và chúa Trinh suốt 300 năm (từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII).

Đến đời nhà Nguyễn, vua Gia Long xuống chiếu tìm con cháu công thần họ Đinh ra làm quan, nhưng đã bị cự tuyệt. Người họ Đinh ở làng Đún viết vào tờ chiếu của Hoàng đế nhà Nguyễn rằng: “Tri Lê triều bất tri Nguyễn triều” (Biết triều Lê không biết triều Nguyễn). Hoàng đế họ Nguyễn tức giận liền phê mấy chữ: “Đinh tộc bất đắc thi” (Họ Đinh không được thi cử). Do vậy mà sự đối kháng của họ Đinh đối với vương triều nhà Nguyễn càng trở nên quyết liệt và gay gắt hơn. Nhất là từ sau khi nhà Nguyễn buộc dòng họ Đinh Phúc ở đây phải đổi thành Đinh Danh để tránh tên huý của tổ nhà mình. Cho nên cả thời Nguyễn con cháu họ Đinh ở Thái Bình không có ai thi cử, không có người làm cộng tác làm quan dưới vương triều nhà Nguyễn. Đến khi phong trào Cần Vương chống Pháp nổi lên, nhất là khi Pháp đánh chiếm Thái Bình, thì con cháu họ Đinh ở đây hưởng ứng rất sôi nổi. Bấy giờ họ Đinh cũng có một số người đứng lên tập hợp lực lượng hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Tiêu biểu có ông Đinh Khắc Nhưỡng (tục gọi là Đốc Nhưỡng) và ông Đinh Văn Giảng đều có lực lượng vũ trang riêng để chống triều đình Nguyễn và đánh Tây. Ông Đốc Nhưỡng xây dựng căn cứ ở Đô Kỳ tổ chức giết tên Việt gian Cai tổng Đấm ngay trên giường ngủ của y, trước ngày hắn đi nhậm chức Tri huyện, về sau bị Lương Đức Vy (thủ hạ của Hoàng Cao Khải) chui vào tổ chức làm phản. Cơ sở Đô Kỳ bị vỡ, Đốc Nhưỡng phải phối hợp với căn cứ Bãi Sậy của ông Đốc Tít tổ chức ra rất nhiều cơ sở suốt từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên lên tới Sơn Tây. Và ông đã bị bắt ở Sơn Tây. Sau khi Đốc Nhưỡng bị bắt, con cháu ông phải sơ tán đi nhiều nơi. Có người đi theo ông Đinh Danh Giảng, người đi theo ông Thương Lương, ông Bang Tốn, Lãnh Nhàn… Không bao lâu, các phong trào này cũng bị dàn áp và tan vỡ. Những tổn thất ấy không phải chỉ tổn thất riêng của những người đứng đầu phong trào chống Pháp thuộc dòng họ Đinh mà nằm trong bối cảnh bế tắc chung của cả phong trào Cần Vương cả nước. Nhưng dù sao cũng đã nói lên rằng dòng họ Đinh ở Thái Bình là một tộc họ lớn, có danh vọng và có công lao đối với đất nước trong nhiều thời đại. Một tộc họ như vậy, đáng nêu lên, đáng được nghiên cứu để làm bài học chung về truyền thống yêu nước thương nhà của nhiều dòng họ khác như họ Đinh.

B- Các tư liệu lịch sử thành văn

I/ Tại di tích Y Đún – Đô Kỳ

1- Gò Bà Xang (nhạc mẫu của ông Đinh Thỉnh, bà ngoại của Đinh Tôn Nhân) qua đời. Bà Xang đi cấy thuê giữa mùa đông giá lạng bụng đói cật rét, rồi chết cóng trên một cái gò đất giữa đồng, qua đêm côn trùng giun dế đùn đất lên cao thành mồ. Dân chúng bảo nhau rằng trời chôn (thiên táng) và gọi đấy là gò Bà Xang.

Thời bấy giờ, có một thầy tướng phán rằng: “Thế đất tường vân bảo nguyệt, địa phát nữ tôn, càn ấn cư khôn, đại phát nữ tôn, nữ tằng vi hậu”. Nghĩa là: (Mây lành trăng báu, đất phát cháu ngoại, phương Khôn (Tây Nam) có kim tinh (sao Kim) làm ấn (con dấu), cháu của con gái phát to, chắt của con gái được phong là Hoàng thái hậu). Về sau con cháu xây lăng Bà Xang ngay trên phần mộ của bà. Lăng xây 2 tầng: tầng trên là lầu thờ, tầng dưới xây vòm để trống. Cửa lầu thờ có 3 chữ đại tự: Sinh tư đức (sống nhờ đức).

Câu đối thờ:

Kỳ địa chung linh truyền tự cổ;

Sùng đài ngật lập nhật duy tân.

Tạm dịch:

Đất thiêng người giỏi truyền từ cổ;

Đài miếu nguy nga mới mỗi ngày.

Từ xưa trước lầu thờ vốn đã có 3 gian tiền tế, năm 1960 Ủy ban xã đã rỡ ra để xây trường học, nên nay chỉ còn trơ trọi có lầu thờ Bà Xang.

2- Tại nhà thờ họ Đinh ở Y Đún: Ngôi từ đường này vốn có từ rất sớm, nhưng đến năm 1726 do ông Thiếu uý Dương quận công Đinh Phúc Diên xây dựng qui mô to và kiên cố hơn. Hiện nay tại đây vẫn còn một số tư liệu thành văn có giá trị:

a- Câu đối thờ:

Quốc sử lưu bi, địa giáp Chú Đình thang mộc ấp;

Thần Châu hưng nhượng danh trì mĩ lí duệ di hương.

b- Đinh gia thế phả: Văn bản này chắc được sao chép vào năm Lê Cảnh Hưng 44 (1783) do ông Đinh Danh Khanh người cao tuổi nhất trong họ hiện thời gìn giữ. Năm 1983 gia tộc đã trao cho Ban Nghiên cứu lịch sử Thái Bình để dịch ra tiếng Việt. Nội dung nói về lịch sử dòng họ Đinh bắt đầu từ ông thuỷ tổ là Đinh Thỉnh cho đến đời con ông là Đinh Tôn Nhân, rồi đời cháu ông là các ông Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt cho đến đời thứ 15 có cha con ông Đinh Phúc Thuần và Đinh Phúc Miên. Giá trị của cuốn gia phả này là chép bản khai công tích của những người họ Đinh đã trải 300 năm cúc cung thờ phụng đóng góp xây dựng vương triều nhà Lê và chúa Trịnh. Và suốt cả chặng đường 3 thế kỷ có dư ấy, vương triều Lê Trịnh đã đáp lại công lao cho họ cũng không phải là nhỏ: hàng chục, hàng chục người công hầu khanh tướng, có người làm đến Thái tể, Quốc công…

c- Các đạo sắc: Ở trong gia phả họ Đinh chép còn 6 văn bản đạo sắc. Nhưng thực tế còn 5 đạo như sau:

- Một đạo sắc của vua Lê Dụ Tông phong cho Đinh Lễ vào năm Vĩnh Thịnh 9 (1913), khen ngợi Đinh Lễ đã có công lao to lớn ngay từ buổi đầu dựng nghiệp nhà Lê - từ hội thề Lũng Nhai, rồi xông pha trận mạc mà hy sinh được Thái tổ tặng đến chức Nhập nội Tư không, Bình chương quân quốc trọng sự Bân quốc công, và tặng làm phúc thần: Đại vương thượng đẳng thần làng Y Đún (đạo sắc này chỉ còn ở trong gia phả).

- Một đạo sắc do vua Lê Duy Phường tặng cho Đinh Lễ, nhắc lại nội dung đạo sắc ở trên và thêm mấy mỹ tự: Huy Nhu, Y Cung, Minh Doãn, Đốc Thực Đại Vương. Năm Vĩnh Khánh 44 (1730) (văn bản đạo sắc này bị rách mất một vài chữ, đã chép vào gia phả).

- Một đạo sắc do Lê Hiển Tông tặng cho Đinh Lễ vào năm Cảnh Hưng 44 (1783), nội dung nhắc lại các đạo trước và thêm mấy mỹ tự: Khoan Hậu, Chính Trực, Quảng Trạch Hồng Ân, Khuông Vận Tế Trị, Thạc Đức Hoằng Tài, Vĩ Vọng Đại Vương.

- Ba đạo sắc phong đồng thời do vua Nguyễn Khải Định tặng cho 3 ông họ Đinh: Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Phúc Diên (mỗi ông một đạo) vào Khải Định 9 (1024). Nội dung khẳng định việc phong tặng của các triều trước cho các vị là hoàn toàn xứng đáng, nay nhân dịp đại lễ của nhà vua lên tuổi 40 ban sắc cho thần dân trăm họ biết, để ai nấy đều lo phận sự của mình (3 đạo sắc này còn rất tốt).

d- Bản kê khai công trạng của các công thần họ Đinh ở Y Đún – Đô Kỳ.

Bản khai này do ông Đinh Phúc Thuần ở đời thứ 14 soạn thảo theo lệnh của triều đình vào năm Lê Cảnh Hưng thứ 18 (1747). Văn bản này dày 12 trang, khổ 30cm x 18cm, 9 hàng chữ theo chiều dọc trên xuống, mỗi hàng trung bình 24 chữ.

Nội dung: Khai công trạng của 15 người họ Đinh đã đóng góp và phụng thờ vương triều Lê Trịnh - từ khi Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, qua thời Trung Hưng diệt Mạc cho đến đời Lê Hiển Tông: Đã có 4 người được phong tước Quốc công, 3 người Quận công, 13 tước Hầu, 1 người tước Bá, 4 người được phong làm Phúc thần, Đại vương. Về chức có những người đã làm đến chức Thái sư, Tư không, Thái phó, Thái tể…

e- Lệnh chỉ của Đoan Nam vương: gọi ông Đinh Do ở Y Đún lên kinh nhậm chức Phó đội trưởng vào năm Lê Cảnh Hưng 44 (1783), nội dung như sau:

Đinh Do là con cháu của Khai quốc công thần Thái sư Lân quốc công Đinh Liệt được ban quốc tính Lê Liệt, xét duyệt người con cháu đáng trúng tuyển vào làm việc ở phủ chúa. Bởi công trạng của tổ tiên xứng đáng được giao chức Phó đội trưởng. Nếu sau này ở nơi nào còn thiếu người sẽ được bổ sung, đó là việc tương lai. Còn như lười biếng, không chuyên tâm và lỡ hẹn chậm chạp không tới, thì sẽ có phép nước xử lý.

Nay ban lệnh chỉ.

II/ Tại cụm di tích Sáo Đền (An Lão)

1- Từ đường họ Đinh

a- Câu đối thời ông Đinh Phúc Diên và tổ tiên của ông.

Đồng bào tam quốc công, quán Đô Kỳ, thiên Thuý Cối, biệt cư An Lão trang đức trạch thần thai kim tử tính;

Nhất đường nghĩa đại phúc, thế tướng tề tế hầu vương, biểu tôn Hoàng thái hậu, Đinh thanh nhân ngưỡng cổ trung hiền.

Tạm dịch:

Ba anh em ruột Quốc công(11), quán tại Đô Kỳ di ở Thuý Cối, biệt ở An Lão trang, đức độ trạch ân ươm trồng để tới nay con cháu hưởng;

Một nhà nghĩa phúc muôn kiếp, đời đời làm tướng đều tới vương hầu, cháu ngoại Hoàng thái hậu, họ Đinh sạch trong nhân ngãi, gương sáng bậc trung hiền thời xưa.

b- Văn bia: Tại từ đường họ Đinh ở Sáo Đền (An Lão) ở xã Song An huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn 1 tấm bia nói về lịch sử dòng họ dựng ngoài hiên trước. Bia không chép niên đại dựng. Nhưng theo tự dạng, trang trí diềm bia chúng tôi cho rằng bia dựng vào thời Nguyễn muộn.

Kích thước bia 130cm x 75cm, trán bia cao 25cm. Lòng bia 105cm x 60cm, 27 hàng chữ chiều dọc trên dưới, 33 chữ một hàng. Thác bản văn bia này được bổ sung vào kho Hán Nôm năm 1993. Ký hiệu 29-620.

Mặt trước: Tiền Lê Hồng Đức Tam công ký (bài ký về 3 ông trước thời Hồng Đức).

Nội dung: Nói về nguồn gốc quê quán của Tam công (3 ông) là ở Thanh Hóa, ông nội của tam công di cư tới ở làng Đún huyện Thần Khê, lấy vợ sinh cơ lập nghiệp ở đó. Sau sinh ra thân phụ của tâm công là Đinh Tôn Nhân và ông đi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, lập công to đều được phong hàm chức lớn.

Có nguyên văn bài chế của vua Lê Thánh Tông tấn phong cho Đinh Liệt chức Thái tử - Thái sư và tước Trung Mục vương vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460). Nơi chốn để lăng mộ của các bà Quốc thái Phu nhân Đinh thị Ngọc Kế, Quang Thục trưởng công chúa: Phù Dung Thái trưởng công chúa; Quốc công Thái Huệ lăn.

Mặt sau: Đinh gia thế thứ cập chư tôn vị lăng mộ tịnh tiền triều chuẩn cấp tự điền xứ sở - (thế thứ họ Đinh, cùng lăng mộ của các tôn vị và xứ sở ruộng thờ cúng mà triều trước đã chuẩn cấp).

Nội dung bia ghi chép về thế thứu của dòng họ Đinh ở Sáo Đền, vốn di cư từ quê Thanh Hóa ra Y Đún – Đô Kỳ huyện Thần Khê đền thời Lê Thánh Tông mới có một chi về đây – chép về địa điểm, phương hướng lăng mộ tên tuổi chức tước của những vị tôn quí của họ Đinh như Mục Huệ vương Đinh Thỉnh, Thái uý Hùng quốc công Đinh Tôn Nhân cùng Thái uý Phu nhân Lê thị (em gái Lê Lợi), Đinh Lễ và Phu nhân, Đinh Bồ và phu nhân, Đinh Liệt và Phu nhân. Đinh Thị Ngọc Kế, Thánh mẫu Ngô Thị Ngọc Dao. Số ruộng đất xứ đồng tên thửa ruộng đất để phục vụ thờ cúng tổ họ Đinh và những vị có lăng mộ kể trên. Trao cho con cháu họ Lê trông coi số ruộng đất hương hỏa này có 2 người Lê Công Vinh và Lê Công Nghi.

2- Tại Đốc Hựu điện:

Như trên đã rõ, Đốc Hựu điện xây dựng đồng thời với Phúc Dụ điện ở Y Đún – Đô Kỳ theo lệnh của vua Lê Thánh Tông. Bấy giờ Thánh Tông sai con trai út của Bân quốc công Đinh Lễ là Đinh Vĩnh Thái về đây trông coi hương khói họ Đinh và điện Đốc Hựu, Vua còn cho công chúa Bảo Thanh phải góp tiền hương đăng cho tổ tiên họ Đinh và điện Đốc Hựu. Một di tích có lâu đời như thế chắc là có nhiều tư liệu nhưng đến nay không còn gì ngoài 1 tấm bia một chí của Công chúa Gia Thục. Nhân dân cho rằng tấm bia này có liên quan tới điện, nên họ đã xây ghép bia này vào tường rào phía trước. Nên bia không chân không trán. Văn bia chép trên tảng đá hình chữ nhật: 76cm x 36cm, tổng số chữ là 254 chữ Hán còn được được. Bia do bọn các ông Hiển cung đại phu, Hàn lâm viện Thị thư, kiêm Sùng Văn quán Tú lâm cục Tư huấn, Lương Thế Vinh soạn vào ngày 11 tháng 10 năm Hồng Đức 14 (1483).

Tên bia Gia Thục công chúa mộ chí.

Nội dung văn bia - về cuộc đời Công chúa Gia thục, tên huý là Toại. Công chúa là con gái lớn của Vua, mẹ người họ Phạm là Tu nghi chủ cung Trường Xuân. Công chúa ra đời thì mẹ chết, nhờ Hoàng thái hậu nuôi 5 năm. Năm Giáp Thân được nhận sắc phong, tới năm Hồng Đức thứ 5 (1474) gả cho con trai Thái bảo Kiến Dương hầu Lê Cảnh Huy tên là Tòng. Công chúa là người phụ nữa nết na hiền hậu, xuất thân con Hoàng đế, khi lấy chồng tầm thường nhưng vẫn giữ đạo làm vợ, không ai chế trách vào đâu được. Đã có sinh con nhưng vô dưỡng, khi qua đời tuổi mới 22. Đám đàn bà con gái trong cung ai ai cũng sụt sùi thương tiếc, thậm chí có kẻ khóc tru kêu trời.

Vậy mới có minh rằng:

Thất bảo hoa hoa

Lục châu phiến phiến

Hốt lai thốt thệ

Thục cứu huyền thiên

Tạm dịch:

Thất bảo(12) lung linh

Lục châu óng ánh

Bỗng đâu khuất núi

Hỡi trời thấu chăng?

C- Một số nhận xét:

1- Những tư liệu dân gian và thành văn tại các cụm di tích của họ Đinh ở Thái Bình là những tư liệu có giá trị để nghiên cứu sâu về các vị Khai quốc công thần thời Lê Lợi.

2- Đánh giá các di tích văn hóa về thời Lê Thánh Tông: Gò Bà Xang, Đốc Hựu điện, Phúc Dụ điện, Đền bà Vũ Sữa, và 2 cây thị tại “cổng dinh Vua”, là nguồn tư liệu rất sinh động trong hoạt động và phát triển của dòng họ Đinh ở Thái Bình. Và đó cũng là sự cống hiến lớn lao của Lê Thánh Tông vào nền văn hóa chung của dân tộc.

Chú thích:

1. Tiệp dư - đứng đầu trong 6 bậc nữ quan (thấp hơn bậc Cửu tần và Tam phi).

2. Vạn ninh: Tức yên lặng muôn thủa, chỉ bãi tha ma.

3. Bà nhũ mẫu ấy, sau được lập đền thờ tại quê làng Sâm của bà mà nhân dân địa phương quen gọi là đền bà Vú Sữa.

4. Thang mộc ấp: là nơi tắm cho vua lúc mới sinh.

5. Hai cây thị hơn 500 tuổi mà dân gian truyền tụng là 2 cây thị cổng vua nay vẫn còn. Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình giao cho Uỷ ban xã Đông Đô huyện Hưng Hà và dòng họ Đinh bảo quản.

6. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: Định Liệt đón Lê Thánh Tông lên ngôi, nhưng không nói đón từ đâu.

7. Bà Xang vốn là tên làng quê bà cụ sinh ra bà Phạm Thị Gái lấy ông Đinh Thỉnh, không ai biết họ tên bà cụ, mọi người cứ gọi là Bà Xang, tới khi cụ đi cấy bị chết rét ở cái gò đất giữa cánh đồng. Sau đấy dân chúng cứ gọi gò ấy là gò Bà Xang.

8. Hai khu lăng mộ họ Đinh: một ở xứ đồng Bà Lễ gọi là khu lăng Đường Vuông; một khu gọi là khu lăng Đường Vuông, Sau Vượt.

9. Đinh Văn TẢ sinh năm 1599 mất năm 1685, thọ 87 tuổi.

10. 4 châu: Thạch Lam, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang.

11. Ba anh em ruột Quốc công: Đinh Lễ - Bân Quốc công, Đinh Bồ - Đinh Quốc công, Đinh Liệt – Lân Quốc công.

12. Thất bảo: có 4 thuyết của nhà Phật về 7 vật quý, có thuyết tiêu biểu là: Kim ngân, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, san hô, pha lê.

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.188-206)

In
Lượt truy cập: