Nghiên cứu Hán Nôm >> Chủ đề >> Thư tịch
4. Về quyển gia phả của hậu duệ nhà Mạc ở Trà Kiệu (Duy Xuyên - Quảng Nam) (TBHNH 1997)

Cập nhật lúc 11h02, ngày 21/10/2007

VỀ QUYỂN GIA PHẢ CỦA HẬU DUỆ NHÀ MẠC Ở

TRÀ KIỆU (DUY XUYÊN - QUẢNG NAM)

HUỲNH CÔNG BÁ

Đại học Huế

Trong bài Về thân thế và sự nghiệp Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đọc tại lễ tưởng niệm 650 năm ngày mất của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, tổ chức tại Văn miếu - Quốc tử giám (Hà Nội), GS Trần Quốc Vượng cho biết, vào cuối năm 1995, GS có đến thăm nhà thờ họ Mạc ở xứ Trà Kiệu Tây, “trong đó giữ gìn cuốn gia phả họ Mạc dầy dặn nhất” mà từ xưa đến nay GS được biết. Trước đây, trong quá trình sưu tầm tư liệu điền dã ở Quảng Nam, chúng tôi cũng đã có dịp được tiếp xúc với một phần nội dung của bản gia phả này, thông qua bản gia phả của tộc Huỳnh Hưng (vốn là con cháu ông Mạc Kính Điển) hiện cư trú tại làng Mông Nghệ (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Nay có dịp được tiếp xúc với toàn bộ bản gia phả gốc của tộc Nguyễn Trường (vốn là con cháu ông Mạc Cảnh Huống) ở tại Trà Kiệu là bản gia phả mà GS Trần Quốc Vượng đã nhắc đến trên đây, chúng tôi xin được giới thiệu về bản gia phả này như sau:

1. Bản gia phả được viết trên giấy bổi, khổ 23 x 13cm hiện còn 20 tờ (tức là 40 trang). Đây là một bản “khai” (Nguyên văn đề là “Nhất thừa khai”) có lẽ được chép lại những đoạn chủ yếu từ một bản “Mạc thị mục lục” cũ, được biên soạn và nộp tại Thái giám (Nguyên văn: “Lao lai thừa cựu bản dĩ ký nạp tại Thái giám lưu tri”) Đề ngày 8 tháng 10 nhuận năm Vĩnh Trị 5 (1680). Phần đầu của văn bản chép về lai lịch, thế thứ và công nghiệp của các ông tổ họ Mạc, kể từ vị Mạc Đô Giai (thân sinh của Mạc Đĩnh Chi) cho đến vị Nguyễn Phước Vinh (phò mã của Chúa Nguyễn Phước Nguyên). Phần hai của văn bản chép về định lệ thờ tự tôn thích của nhà Nguyễn thuộc chi hệ của Đức Bá Giai Nguyễn Thị Ngọc Giai, vốn là Hoàng hậu của Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (mở đầu phần này ghi: “Nhất thừa biên tiên tổ nội chi Đức Bá Giai do Tiền triều Đức Thượng vương - tức Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan – Phân trí từ đường phụng tự tại Quảng Nam xứ Trà Kiệu xã”. Phần ba của văn bản chép sự kiện vào năm Nhâm Ngọ Dương Hòa 8 (1642), Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan cho trùng tu chùa Bửu Châu (Trà Kiệu) vốn là nơi trước đây Mạc Cảnh Huống đã lập ra để tu hành trong những năm về già. Qua văn bản cho biết trong lần trùng tu này, chúa Nguyễn Phước Lan đã cho huy động 3 cơ thủy quân thuộc dinh Quảng Nam cùng với các tượng cục sở tác và nhân dân ở 7 xã Trà Kiệu, Phố Hoa, Thi Lai, Bà Mã, Hàm Lng, Mỹ Xuyên, Chiêm Sơn tham gia xây dựng. Phần thứ tư của văn bản là một bản “khai” về “Tôn đồ công nghiệp sự” kể từ “Mạc Thị chánh tông tam đại Hoàng đế” cho đến đời vị Đức Bá Giai Nguyễn Thị Ngọc Giai, Hoàng hậu của Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên. Cuối văn bản có dòng chữ phê duyệt của huyện đường Duy Xuyên: “Hoàn bản huyện tư hữu lịnh duyệt tuyển đại điển tra vấn thừa khai quả Cổ Trai xã ngoại tôn thân Đức Thượng Vương tái hữu công nghiẹp vi thử”. Có thế nói, quyển này tập trung chép về công nghiệp và lai lịch của các vị từ Mạc Đô Giai Lực sĩ (thân sinh của Mạc Đĩnh Chi) cho đến vị Nguyễn Phước Ban (tức Nguyễn Phước Vinh), người có công mở đất Đàng Trong dưới thời Chúa Nguyễn.

Ngoài quyển trên, tộc còn giữ một quyển thứ hai có tên là “Tông đồ mục lục” lập năm Minh Mệnh 13 (1832) do Hộ lăng tiền vệ Đệ thất đội Chánh đội trưởng Nguyễn Trường Phương “cung chiếu mục lục” biên soạn từ “Thủy tổ Thống thủ Huống Đức hầu Nguyễn Cảnh Huống” trở xuống và được các đời sau chép tiếp cho đến vị Nguyễn Trường Chanh hiện đang còn sống. Quyển này cũng gồm 20 tờ, tức 40 trang chép tỉ mỉ họ tên, chức tước, ngày sinh ngày kỵ, một táng, việc sinh hạ của từng vị trong tộc. Có lẽ quyền này hợp cùng với quyển trên thành một bộ chung là Gia phả Nguyễn Trường tộc – Nguyên bản Mạc tộc phái hệ Mạc Cảnh Huống, mà tiêu đề này thấy được chép lại ở một bản sao Hán tự mới.

Ngoài ra, còn có một quyển gồm 5 tờ, tức 10 trang, có tiêu đề là Nam triều Nguyễn chúa Khai quốc công nghiệp diễn chí phả hệ mục lục, chép tóm tắt các sự kiện từ “Thái sư Huệ quốc công Nguyễn Trãi, phò tá Lê Thái Tổ cho đến Đông cung Thái tử Thái bảo Đĩnh quận công Nguyễn Phước Thụ (Chú) pháp danh Pháp Quang” được quần thần suy tôn đưa lên kế vị vào năm Bảo Thái 6 (1725), tức Chúa Túc Đông hay còn gọi là Ninh Vương.

2. Theo các văn bản đã dẫn, có ghi gốc tích tổ tiên họ mạc ở “Hải Dương thừa tuyên, Kinh Môn phủ, Nghi Dương huyện, Cổ Trai đại hương xã”. Thủy tổ của dòng tộc là Mạc Đô Giai Lực sĩ. Mạc Đô Giai sinh hạ Mạc Đĩnh Chi vào giờ Thìn, ngày 1 tháng 4 năm Bính Thìn (vì tính chất giới thiệu văn bản, chúng tôi xin ghi nguyên văn các năm tháng ngày giờ được ghi trong văn bản và xin không luận giải). Năm 18 tuổi, Mạc Đĩnh Chi đỗ thủ khoa và là Trạng nguyên của cả hai nước (Việt Nam và Trung Quốc). Ông được vua Trần Minh Tông trao chức Tả bộc xạ kiêm Thái úy, Hình bộ Thượng thư. Mạc Đĩnh Chi sinh được một người con trai, lúc còn nhỏ tuổi đã đi tu ở chùa Tu Nghiêm. Đến năm 53 tuổi, vào giờ Mùi ngày 10 tháng 3 năm Mậu Thân, Mạc Đĩnh Chi sinh thêm được một người con trai nữa là Mạc Cảnh Thống cho làm con nuôi của vua Trần Giản Định Đế. Mùa hạ, giờ Ngọ ngày 5 thang 5 năm Bính Dần, Mạc Cảnh Thống sinh hạ Mạc Đại Thành. Là người thông minh tài giỏi, dũng cảm và kiên nghị, làm quan võ đến chức Thái úy. Vào năm 30 tuổi, giờ Mùi ngày 15 tháng 7 năm Ất Mùi, Mạc Đại Thành sinh hạ ra Mạc Đăng Dung lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Đức, Mạc Thái Tông hoàng đế lên ngôi đổi niên hiệu là Đại Chính, ở ngôi được 2 năm. Mạc Huệ Tông hoàng đế lên ngôi, lấy hiệu là Quảng Hòa, sau cải là Vĩnh Định, rồi Thuận Đức. Mạc Huệ Tông sinh được 4 người con trai; một người di trú lên Cao Bằng và lập tông phái họ Mạc ở đây, người thứ hai là Mạc Hoằng Ninh, người thứ ba là Khiêm Vương Mạc Kính Điển, người thứ tư là Mạc Cảnh Lịch (đạo hiệu là Huống). Vào năm Tân Sửu, Mạc Khiêm Vương bị Anh Trấn hầu truy kích. Khiêm Vương bị đại bại, phải lui vào hang hơn một tuần, được thiền sư (tì tướng?) ở Sơn Nam đưa về Đông Kinh. Ông có 4 người con, cả trai lẫn gái. Một người con trai tên là Ông Chúa Khánh về ở Cao Bằng, người con trai thứ hai của Mạc Kính Điển gia phả không ghi rõ tên, nhưng theo phổ hệ của tộc Huỳnh Hưng (làng Mông Nghệ - Quế Sơn) thì tộc này là con cháu trực tiếp Mạc Kính Điển và ông tổ ten là Huỳnh Cầu (vì lánh nạn nên Khải đổi họ). Còn lại, hai người con gái của Mạc Kính Điển tên là Đức Bá Giai Nguyễn Thị Ngọc Giai và Vãi Đô Nguyễn Thị Ngọc Lâu. Sau khi ông Mạc Kính Điển qua đời, bà Từ dung (vợ của Mạc Kinh Điển) tái giá với ông Quảng Đô Chiêu Vũ hầu (hiệu là Vô Sự). Hai người con gái của Mạc Kính Điển trốn vào ở với chú là Mạc Cảnh Huống và trú tại Lam Sơn điện tự. Mạc Cảnh Huống lấy bà Quận phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Dương là chị ruột của bà Nguyễn Thị Ngọc Quý, Hoàng hậu của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Đại Nam liệt truyện tiền biên có chép: “Cảnh Huống người huyện Nghi Dương, thuộc hải Dương, là em Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Bà Hiếu Văn hoàng hậu là cháu gọi Mạc Cảnh Huống bằng chú. Năm Mậu Ngọ (1558), mùa đông, Thái Tổ vào Nam trấn thủ Thuận Hóa. Cảnh Huống đem gia quyến đi theo, làm quan đến Thống binh, tham mưu trong màn trướng, giúp việc lúc khai quốc” (Bản dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993 tập 1, trang 81). Lúc bấy giờ bà Nguyễn Thị Ngọc Quý sinh được tới 10 người con trai. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Dương thì lại muộn con, sợ không có người lo về ngày sau, nên xin nuôi người con trai thứ 6 của bà Quý làm thân tử, tức là công tử Nguyễn Phước Nguyên (sau này lên thay Chúa Tiên lấy hiệu là Chúa Sãi) hay gọi lầ Đức Sĩ Vương, lúc bấy giớ mới lên 2 tuổi. Đức Sĩ Vương, đã được hai ông bà Mạc Cảnh Huống nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành vào năm 33 tuổi. Đức Sĩ Vương (cháu gọi dì ruột của bà Nguyễn Thị Ngọc Dương, vợ Mạc Cảnh Huống) được cho lấy Đức Bá Giai Nguyễn Thị Ngọc Giai (cháu gọi ông Mạc Cảnh Huống bằng chú ruột) cũng đang ở với gia đình Ông Mạc Cảnh Huống. Đức Bá Giai trở thành Hy Tông Hiếu Văn hoàng hậu. Đại Nam liệt truyện tiền biên có chép: “Bà họ Nguyễn (cẩn án, xét trước là họ Mạc sau đổi họ Nguyễn). Tiên tổ là người huyện Nghi Dương tỉnh Hải Dương. Bà là trưởng nữ Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Khi Kính Điển bị bại vong, bà theo chú là Cảnh Huống đem gia quyến vào Nam, ẩn ở chùa Lam Sơn, nhân đó nhập tịch ở Quảng Trị. Nguyễn Ngọc Dương vợ Cảnh Huống, là dì ruột Hy Tông hoàng đế, nhân tiến bà vào hầu chúa ở nơi tiềm để. Tính bà minh mẫn thuần thục, nói và làm đều đúng mực thước, bà được chúa yêu và quý trọng. Sinh được 5 trai: con trưởng là Kỳ, làm Hữu phủ chương phủ sự, trấn thủ Quảng Nam - tặng Thiếu bảo Khánh quận công; con thứ hai tức là Thần tông hoàng đế, con thứ ba là Trung, con thứ tư là An, con thứ năm là Nghĩa chết sớm. Ba con gái: trưởng là Ngọc Liên, thứ là Ngọc Vạn, út là Ngọc Khoa, (Sđd, trang 21). Về sau, ông bà Mạc Cảnh Huống sinh hạ được một người con trai là ông chưởng Thanh (còn gọi là Ban). Ông Ban được Đức Sĩ Vương nhận làm con nuôi, ban cho quốc tính, đổi thành Nguyễn Phước Vinh.

Trở vào, vào năm Quý Tỵ, Quang Hưng 16, Đức Tiên Vương Nguyễn Hoàng buộc phải ra kinh sư tại Thanh Hoa để triều yết vua Lê và đã ở lại đó 7 năm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Quý cùng các con ở xứ Bái Trời thuộc Châu O phải ngày đêm mong ngóng. Hai ông bà Mạc Cảnh Thống đã chuyển đến ở cùng và góp lời yên ủi, giúp sức điều khiển công việc. Nhân việc quận Kế và quận Mỹ làm phản, đức Tiên vương trở về lại Ô Châu, gặp lại vợ con và tiếp tục xây dựng vương nghiệp. Năm Hoằng Định 14, Đức Tiên Vương mất, Mạc Cảnh Huống về tu ở chùa Bửu Châu (xã Trà Kiệu). Năm Hoằng Định 18, Đinh Tỵ tháng giêng ngày Mồng một, Mạc Cảnh Huống qua đời. Đức Sĩ Vương và Đức Bá Giai đứng ra lập từ đường và trùng tu chùa Bửu Châu để phụng tự. Về sau, Đức Bá Giai qua đời, thần chủ của bà cũng được đưa về thờ tại từ đường Mạc Thống Thủ (tức Mạc Cảnh Huống).

Nguyễn Phước Vinh, con trai của Mạc Cảnh Huống (chú ruột của Đức Bá Giai) và bà Nguyễn Thị Ngọc Dương (dì ruột của Đức Sĩ Vương), đồng thời là con nuôi của Đức Sĩ Vương, được Đức Sĩ Vương (tức Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên) cho lấy con gái trưởng của mình và Đức Bá Gia (Nguyễn Thị Ngọc Giai) là công chúa Nguyễn Thị Ngọc Liên, tục gọi là Bà Quận Thanh. Từ đó Nguyễn Phước Vinh được phong là phò mã Thanh Lộc hầu. Năm Đức Long 8 (Kỷ Tỵ). Trấn Biên dinh Văn Phong làm phản về với Chiêm Thành. Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên sai phò mã Thanh Lộc hầu Nguyễn Phước Vinh đem quân đánh bại Văn Phong, lập ra dinh Trấn Biên Bình Khang. Vì lập được công to, Nguyễn Phước Vinh được Chúa Sãi Vương cấp cho châu ấn (con dấu đỏ) được quyền cắt đặt các chức từ Cai đội Câu kê cho đến Đề đốc. Năm Khánh Đức 2 (Canh Dần), Xí Nhật giết chết Nặc Vu Thượng để chiếm ngôi vua Cao Miên. Thái Tử Miên quốc là Nặc Giao Ba phải chạy trốn lên thượng đạo. Trấn Biên dinh Thanh Lộc hầu Nguyễn Phước Vinh liền sai Đốc Thiết dụ Giao Ba về quy hàng và đem một người giáo phường quê ở xã Thạch Kiều (Quảng Nam) gả cho hoàng hậu, lấy hiệu là Chúa Đồi. Đến năm Khánh Đức 4 (Nhâm Thìn), Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần sai Trấn Biên dinh Thanh Lộc hầu Nguyễn Phước Vinh đem binh tướng vào Đồng Nai với danh nghĩa “đón Giao Ba, diệt Xí Nhật”. Vợ Xí Nhật bèn giết chết Xí Nhật (Xí Nhật là anh rể Giao Ba), đón em Giao Ba lên ngôi. Chiêm Thành thấy binh mã của Chúa Nguyễn hùng mạnh nên phải bó tay xưng thần, không dám động binh. Thế là Chúa Nguyễn đã thành công đối với cả hai nước Chiêm Thành và Cao Miên. Năm Quý Tỵ (1653), Trấn Biên dinh Thanh Lộc hầu Nguyễn Phước Vinh trở về lại triều. Năm sau, Giáp Ngọ (1654), ngày 3 tháng Giêng ông qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Ông và bà Nguyễn Thị Ngọc Liên sinh hạ được một trai là Đội trưởng Toàn Trung hầu Nguyễn Phước Tao. Nguyễn Phước Tao lấy bà Nguyễn Thị Quyết sinh hạ ra Đội trưởng Huề Nguyễn Phước Lân. Nguyễn Phước Lân lấy bà Lê Thị Hán sinh hạ Chánh đội trưởng Nguyễn Trường Phương, tức người đã soạn bản “Tông đồ mục lục” năm Minh Mệnh 13, mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên.

Tóm lại, tuy có một số ngày tháng chênh lệch so với chính sử, song quyển gia phả của nhóm hậu duệ nhà Mạc ở Trà Kiệu (Duy Xuyên - Quảng Nam) là một tư liệu quý, đã cung cấp bổ sung cho chúng ta nhiều thông tin về giai đoạn lịch sử Việt Nam hồi thế kỷ XVI-XVII, về lịch sử dòng họ Nhà Mạc và cả lịch sử dòng họ chúa Nguyễn, nhất là mối quan hệ thân tích giữa hai dòng họ này. Đấy cũng là điểm giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc nội chiến phong kiến ở Việt Nam hồi trung thế kỷ

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.22-30)

In
Lượt truy cập: