Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 1996
Đào Thái Tôn
44. Tìm nghĩa chữ "nương long" trong "Thiên Nam minh giám" (TBHNH 1996)

Cập nhật lúc 17h12, ngày 12/12/2007

TÌM NGHĨA CHỮ “NƯƠNG LONG” TRONG “THIÊN NAM MINH GIÁM”

ĐÀO THÁI TÔN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong Thiên Nam minh giám(1), hai chữ Nôm “nương long” xuất hiện trên ba câu thơ:

- Gạo dẽ lầm lửa làm bén củi

Dại chẳng chừa gió thổi nương long

(câu 146)

- Phúc gặp chúa dẹp duyên cá nước

Mở nương long dâng chước luận môn

(câu 486)

- Trai đâu dạ sắc gan rèn

Nghe hơi tên pháo chẳng bền nương long

(câu 854)

Chữ “nương long” được soạn giải chú thích là: “chỗ cạnh sườn, lòng dạ”. Đặt trong văn cảnh từng đoạn thơ mà câu thơ xuất hiện, nghĩa này (chỗ cạnh sườn, lòng dạ) tỏ ra không ổn. Trên báo Văn nghệ số 2 (11-1-1997) sau khi nêu lên rằng: trong Tục ngữ và thơ Hồ Xuân Hương, hai chữ NƯƠNG LONG có nghĩa là ngực phụ nữ, tôi đã đặt câu hỏi: “Vậy thì, về mặt ngôn ngữ lịch sử, ở thế kỷ XVII, hai chữ “nương long” này có nghĩa là gì mà đến thế kỷ XVIII nó đã được biến nghãi đi để nằm gọn gàng, sáng rõ trong Tục ngữ và Thơ ca như vậy”? Vì thế, tôi đi tìm nghĩa chữa NƯƠNG LONG. Điều lý thú trước tiên mà tôi nhận ra: thì ra các cụ ta xưa đã dùng hai chữ “nương long” để dịch nghĩa hoặc chữ HUNG (@) là ngực, hoặc chữ PHÚC (@) là bụng.

1- Để dịch chữ “HUNG”:

a, Trong sách Chỉ Nam ngọc âm có nghĩa câu như:

- Yếm hung là yếm che nương

- Áo thanh long vận kín nương(2)

Mà chữ “nương” ở câu sau lại được chú là: “Nương long, cạnh sườn lòng dạ”. Đấy là chú theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus của (Sài Gòn, 1895).

b, Lê Thánh Tông có hai câu thơ chữ Hán:

Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo

Vũ Mục hung trung liệt giáp binh

Câu thơ này được chính Lê Thánh Tông (1442-1292) chú rằng: “Tư mã Lê Khôi thụy là Vũ Mục hầu, chúa của đức Thái Tổ Cao Hoàng đế, thâm trầm hùng dũng, tài lược hơn người, đánh nhau với quân Minh trận nào cũng thắng, trấn thủ Thuận Hóa, người Chiêm rất sợ”(3). Đến khi viết chữ Nôm, trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (bài Giới nho sĩ), ta lại thấy Lê Thánh Tông viết:

Lè lưỡi nuốt chầm Vân Mộng

Cách “nương long” dư ngàn đội giáp binh

Điều này chứng tỏ rằng: chính Lê Thánh Tông đã dùng chữ NƯƠNG LONG để dịch chữ HUNG.

2- Để dịch chữ PHÚC:

a- Trong Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, khi tả cái thai thuận, thai nghịch trong bụng mẹ, có câu văn Nôm rất cổ: “Nhược phải con trai thảo thuận, bó tay chắp nương mà sinh, chẳng móc lòng nạ (mẹ). Nhược phải con ngũ nghịch, bới tách hết bọc chửa nạ (mẹ), tay bèn bới lòng gan nạ (mẹ), chân xẻ trong xương cùng nạ (mẹ), khiến cho nạ bằng muôn dao ngập trong lòng”(4). Cái thai “con trai thảo thuận” thì khi nằm tròn thu lu trong lòng mẹ, nó “bó tay chắp nương”, tức là chắp tay khoanh tròn vào BỤNG, nên người mẹ sinh con đỡ đau đớn.

b, Trong Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn có hai câu thơ chữ Hán, tả nỗi khổ của người chinh phu:

Thanh sơn thượng, tuyết mông đầu

Thanh khê hạ, thủy một phúc

Hai câu này, bản dịch phổ biến hiện nay dịch là:

Sương đầu núi, buổi chiều như gội

Nước lòng khe, nẻo lội còn sâu

Dịch như thế thì bốn chữ “nẻo lội còn sâu” này không lột được ba chữ “thủy một PHÚC” (nước ngập bụng). Thế nhưng, nhờ học gia Hoàng Xuân Hán mà hôm nay ta còn đọc được nhiều bản dịch Chinh phụ ngâm khác nhau. Theo học giả họ Hoàng, trong một bản dịch - mà đây mới đúng là bản dịch của Đoàn Thị Điểm, hai câu thơ này đã được dịch như sau:

Nẻo trên khe, đầu rây thức tuyết

Dưới suối thì nước xiết NƯƠNG LONG

“Thủy một phúc” (nước ngập bụng) mà dịch là “nước xiết nương long” thì hay quá. Tức là nước chảy xiết ngang bụng người chinh phu, vì người chinh phu đang lội suối. Vì biết rõ ràng chữ “nương long” này dùng để dịch chữ “phúc” trong Chinh phụ ngâm, nên cụ Hoàng chú thích chữ “NƯƠNG LONG” là phần ở hai bên hông, ngang dốn” (trang 270); “phần thân thể, cũng gọi là hông” (tr.39)(5). Và trong văn cảnh này, cụ chú như vậy là rất chính xác.

Đến đây, có vấn đề là tại sao “nương long” lại được dùng để dịch khi thì chữ hung (@) khi thì chữ phúc (@? Theo Hán ngữ đại từ điển thì: “HUNG” là khoảng ở bộ phận phía trước của thân thể, giữa cổ và bụng (thân thể tiền diện cảnh dữ phúc chi gian đích bộ phận). Với hàm nghĩa của chữ “hung” (ngực) như thế này, ta thấy chữ “hung” có khả năng dính líu đến chữ “phúc” thật. Bởi vì khi nói “hung” (ngực) là ở “giữa cổ và bụng” tức là xuống quá ngực một tý đã là bụng rồi. Nhưng cái khoảng biên giới này nào có rạch ròi gì ghê gớm - nhất là lại dùng trong văn chương. (Tôi bảo nước ngập bụng thì liệu có khác gì anh bảo nước tới ngực)?! Chắc là vì thế mà dịch chữ “phúc” ngay dù có biết rằng trước đó mấy thế kỷ, cụ Lê Thánh Tông đã dùng để dịch chữ “hung” rồi? Thế là ta đã thấy chữ “nương long” dù hiểu là bụng hay ngực đều được cả. Ấy vậy mà trong thơ văn, hàm nghĩa của chữ “nương long” vẫn cứ được bổ sung thêm nữa.

Chẳng hạn, khi chú thích hai câu thơ Hồ Xuân Hương:

Lược trúc biếng cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới nương long

Nguyễn Lộc chú: Nương long là “Ngực phụ nữ, Tục ngữ: Nương long ngày càng cao, má đào ngày càng thắm”. Tôi chưa được thấy câu tục ngữ này trong cuốn sách nào đó. Nhưng tôi tin lời chú của GS Nguyễn Lộc. Bởi vì, ngay trong Kinh Thánh, ta đã thấy xuất hiện hàng chục lần chữ “Nương long” để chỉ “cặp tuyết lê” một cách rõ ràng. Đây là đoạn 4 trong chương Nhã ca của Kinh Thánh, tả vẻ đẹp người phụ nữ:

Hỡi bạn tình ta, này mình đẹp đẽ thay, mình đẹp đẽ thay!

Mắt mình trong lúp giống như mắt bồ câu

Tóc mình khác nào bầy dê nằm nơi tiên núi Ga-la-át.

Răng mình như thể bầy chim mới hớt hông

Từ ao tắm rửa đi lên (…)

Môi mình tợ sợi chỉ hồng (…)

Hai NƯƠNG LONG mình như cặp con sanh đôi của hoàng - dương.

Thả ăn giữa đám hoa huệ

(Nhã ca 4 (1, 2, 3, 5)

Hay: “Chúng tôi có một em gái nhỏ, chưa có NƯƠNG LONG

Phải làm gì cho em gái tôi

Trong ngày người ta hỏi nó

(Nhã ca 8 (8)

Vậy là, với câu Tục ngữ và trong Kinh Thánh ta thấy chữ NƯƠNG LONG này không còn là cái ngực chung chung nữa mà nó chỉ có một nghĩa chỉ cái bộ phận ngày càng cao trên tấm ngực được xác định giới tính rồi. Thế thì hai chữ nương long này đã có thể thay thế hoàn toàn ba chữ “cặp tuyết lê” trong thơ của đồng chí Trường Chinh: “Nếu thi sĩ vùi đầu mài miệt tả cặp tuyết lê hồi hộp trước tình yêu”. Xin được thưa thêm trước bạn đọc là: khi đọc giúp tôi bài viết này, PGS-PTS Nguyễn Đăng Na cho tôi biết hiện ông đang phiên âm một tác phẩm thơ Nôm trong đó có câu thơ tả bộ ngực con gái Vu Hùng: “Nương long chum chúm tuyết sơn”. Tôi thực sự lấy làm thích thú vì được ông cho một ngữ liệu quý báu, vội rối rít cảm ơn mà thưa rằng: Thế thì quý quá! Quí nhất là hai chữ “chum chúm” này đây, bởi thuở ấu thơ tôi đã nghe các anh trai làng đọc câu ca dao vô cùng tinh nghịch:

Vú em chum chúm núm cau

Cho anh mó tí, có đau anh đền!

Ta đã duyệt qua các nghĩa của hai chữ “nương long”. Thế mà khi quay lại sách Thiên Nam minh giám, vẫn chưa biết chọn nghĩa nào cho phải. Chỗ cạnh sườn ư? chỗ ngang hông, ngang rốn ư? Ngực ư? Bụng ư? Ngực phụ nữ ư? Cặp tuyết lê ư?... Ghép các nghĩa này vào các câu thơ Thiên Nam minh giám xem ra đều không ổn. Nó “vênh” về mạch văn thế nào ấy. Và do ngữ cảnh của các câu thơ, ta ngờ rằng hai chữ “nương long” lại đã một lần nữa chuyển nghĩa mất rồi. Ngôn ngữ nào cũng có sự chuyển từ nghĩa gốc ra nhưng nghĩa dẫn xuất mà ta thường gọi là nghĩa dẫn thân hay nghĩa phái sinh. Cứ bằng vào những câu thơ trong Thiên Nam minh giám, có lẽ nghĩa dẫn thân của “nương long” ở đây sẽ là khối óc, trái tim, kiến thức, tư tưởng, tấm lòng, cái khí lượng của con người chăng? Nói đâu xa, ngay trong chữ Hán ta cũng thấy rõ, chẳng hạn, khi muốn nói: dám xin giãi bày hết ruột gan, xin nói hết ý tự đáy lòng, Hán ngữ hiện đại có ba chữ: cảm bố phúc (@ @ @). Thế là chữ “phúc” ở đây không còn mang nghĩa là cái bụng nữa mà là trái timgan ruộtcan tràng. Hay chẳng hạn, để chỉ sự dự tính, sự suy nghĩ… Tô Thức đã có câu “Họa trúc tất tiên đắc thành trúc ư hung trung”. Câu này đã trở thành thành ngữ hiện đại Trung Quốc “Hung hữu thành trúc”. Nghĩa là trước khi muốn vẽ cây trúc, anh ắt phải hình dung ra được toàn bộ cây trúc trong đầu óc trong tư duy rồi. Nói như Marx, người kiến trúc sư trong lúc thiết kế một biệt thự đã hình dung được từ cái cầu thang đến ngõ ngách của biệt thự đó trong tâm trí rồi. Thế thì chữ “hung”ở đây không còn nghĩa là “ngực” nữa mà nó sẽ là khối óc, là tư duytrí tưởng tượng… Trở lại câu thơ Lê Thánh Tông, thì chữ HUNG kia, cũng không ai thật thà đến mức dịch là ngực nữa. Bằng cớ là ông Mai Xuân Hải đã dịch xuôi câu thơ:

Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo

Vũ Mục hung trung liệt giáp binh

Là: Ức Trai trong lòng rạng vẻ sao khuê. Vũ Mục đầy bụng chứa chất binh giáp.

Tiếng Việt cũng vậy: chúng ta không nói nghĩ bằng khối óc mà nghĩ nói nghĩ bằng bụng: tôi nghĩ bụng rằng: không nói suy nghĩ, tư tưởng anh kia là xấu mà nói rằng anh ấy xấu bụng xấu dạ. Không nói là đầu óc anh ta chứa nhiều kiến thức mà nói anh kia bụng đầy chữ. Đầy đến mức -như câu chuyện có ông Trạng nọ, gặp khi trời nắng, phải nằm tềnh hênh ra phơi bụng để hong… sách cho khỏi…ẩm!

Nếu nghĩ thế này rồi, thì thử mang “lắp” hai chữ “nương long” này vào các câu thơ “Thiên Nam minh giám” xem có khớp không?

a, Phúc gặp chúa đẹp duyên cá nước

Mở nương long dâng chước luận môn

Thì “nương long” ở đây là tấm lòng, là trái tim, khối óc là nhiệt huyết v.v… ý câu thơ là: May phúc cho tôi là hôm nay tôi đã được gặp bậc chúa mà tôi thấy phù hợp như cá gặp nước, tôi xin đem hết nhiệt huyết, tấm lòng, trái tim, khối óc của tôi để dâng kế sách và bàn luận mọi bí quyết gây dựng cơ đồ cho nhà chúa.

b, Còn câu:

Trai đâu dạ sắt gan rèn

Nghe hơi tên pháo chẳng bền nương long.

Thì “nương long” ở đây nghĩa là lòng dũng cảm, ý chí chiến đáu v.v… ý câu thơ là tài trai gì mà hèn thế, đã được rèn luyện ý chí vững vàng như sắt như thép mà tại sao vừa mới ngửi thấy mùi thuốc súng đã không giữ được lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu nữa, định “Tùy nghi di tản” là thế nào?! Nếu đúng vậy, thì ra Thiên Nam minh giám đã không cho phép chúng ta dựa vào người đi trước để chú thích hai chữ “nương long” mà chúng ta phải tìm hiểu những nghĩa dẫn thân của hai chữ đó, rồi tùy văn cảnh mà kiếm chữ để chú sao cho sáng.

Đã đành là vậy, nhưng trong khoa học, không gì bằng có chứng lý cụ thể. Cái thú vị cho chúng ta là hôm nay ta đã tìm được chứng để tin vào cái lý mà ta vừa suy trên đây.

Chứng đó là: Trong cuốn Từ điển của J.P.M Génibrel, in tại Sài Gòn năm 1895 có mục từ Nương long như sau:

“NƯƠNG LONG” Côté, flanc, m Cạnh nương long, Id. Tích vào nương Conserver un Profond souvenir. Bồi hồi nương long, Serrement de ceur; Avoir le coeur serré. Lửa sôi trào, nung nướng nương long, Quand le feu de le colère monte en bouillonnant, ce n’est plus dans le coeur qú un immense incendie”(6).

Thế này thì hóa ra đến những năm sát nút cuối thế kỷ XIX, ngay cả người Pháp cũng đã hiểu được hai chữ “nương long” như chúng ta định hiểu rồi. Đến cuối thế kỷ XIX, các văn liệu về hai chữ “nương long” này còn sẵn đến như vậy, thì hẳn người Việt ta thời điểm ấy ai cũng thấy cái nghĩa trên đây như lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Có ai ngờ chỉ đúng 100 năm sau, nó đã biến mất cái nghĩa đã có để hôm nay ta phải lụi hụi đi tìm. Dù sao thì qua trường hợp hai chữ “nương long” này, ta cũng vui vì đã bỏ công theo dõi để hiểu được quá trình sinh ra, lớn lên và chết đi của những nét nghĩa trong một từ, trong vòng dăm bảy thế kỷ.

Tôi tin rằng mình đã tìm được nghĩa hai chữ “nương long” trong Thiên Nam minh giám. Nhưng mà nơi tìm được 2/3. Vì còn một câu thơ tôi thấy khó hiểu:

Gạo đã lầm lửa làm bén củi

Dại chẳng chừa gió thổi nương long

Không hiểu văn bản có sự lầm nào không? Khó quá. Tìm trong từ điển Huỳnh Tịnh Paulus Của, “nương long” lại có một nghĩa lạ, là nhè nhẹ. Đi “nương long” là đi nhè nhẹ (!!!). Vậy: “Gió thổi nương long” là Gió thổi nhè nhẹ chăng? Nhưng sao lại:

Gạo đã lầm lửa làm bén củi

Dại chẳng chừa gió thổi… nhè nhẹ

là thế nào? Thế là trong cuộc tìm kiếm này, tôi còn nợ một câu thơ chưa sáng nghĩa. Tôi cũng còn chưa tìm được xem Génibrel “đào” ở tác phẩm Nôm nào ra được mấy chữ “bồi hồi nương long” và câu thơ “Lửa sôi trào nung nướng nương long” hay đến thế?!

Nhưng đó chính lại là lý do mà tôi thú vị đọc Thiên Nam minh giám nhiều lần để học chữ Nôm cổ. Và tôi nghĩ: cứ chịu khó học, thế nào cũng có lúc gỡ được câu thơ này.

Chú thích:

1. Hoàng Thị Ngọ phiên âm, chú giải, Nxb. Văn học, H.1994.

2. Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm, chú giải, Nxb. KHXH, H.1985.

3. Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb. KHXH, H.1994, tr.220.

4. Hoàng Thị Ngọ: Luận án PTS ngữ văn “Nghiên cứu về chữ Nôm tiếng Việt qua bản giải âm “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. Hà Nội, 1996.

5. Hoàng Xuân Hãn: Chinh phụ Ngâm bị khảo Nxb. văn học, H.1993.

6. Dịch “NƯƠNG LONG, Cạnh sườn, Cạnh nương long, giống như tích vào nương long, giữ một kỷ niệm sâu sắc. Bồi hồi nương long, lòng se lại; Có một trái tim thắt lại. Lửa sôi trào, nung nướng nương long, khi cơn tức giận sôi sục lên thì trong tim cũng bùng lên một đám cháy lớn”.

Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr. 404-414)

In
Lượt truy cập: