Chi tiết
Vương Thị Hường
40. Về cuốn gia phả dòng họ Nguyễn Mậu ở Thọ Xuân, Thanh Hóa (TBHN 2008)

Cập nhật lúc 15h57, ngày 07/12/2010

VỀ CUỐN GIA PHẢ CỦA DÒNG HỌ NGUYỄN MẬU

XÃ XUÂN GIANGHUYỆN THỌ XUÂN

THANH HÓA

VƯƠNG THỊ HƯỜNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Khoảng đầu tháng 7 năm 2008, tôi được cô Nguyễn Triệu Oanh(1) nhờ dịch một cuốn gia phả. Cuốn gia phả có dòng chữ CỐ LÊ KHAI QUỐC CỰU CÔNG THẦN đã ngay lập tức cuốn hút tôi. Càng đọc tôi càng cảm thấy đây là một tư liệu quý, có nhiều thông tin bổ ích, bổ sung vào chính sử và bổ sung vào mảng tư liệu còn đang thiếu hụt của chúng ta khi tìm hiểu về thời Lê sơ.

1. Về hình thức văn bản

Phả viết trên chất liệu giấy dó, đã ngả vàng. Phả viết bằng chữ Hán có xen lẫn chữ Nôm, chữ viết chân phương đá thảo, rất dễ đọc. Khổ 20x16cm, gồm 61 trang, mỗi trang 9 dòng, dòng trung bình 12 chữ.

Mở đầu cuốn phả cũng có một bài kí như bao cuốn gia phả khác: "Ôi, nhà có gia phả giống như cây có cội, nước có nguồn vậy, vì thế không thể xa dời cội được, cần phải biết cho tường tận rõ ràng sự tích [của tổ tông]. Tổ ta là người xã Văn Xá huyện Thanh Liêm phủ Lý [Lỵ] Nhân đạo Sơn Nam. Cuối triều Trần [họ ta] đã có nhiều người đỗ đạt làm quan, có 2 người được làm Phò mã"... [5]. Sau bài tựa là phần phó ý ghi tên tự hiệu, hành trạng, ngày tháng năm sinh năm mất, mộ táng của từng đời. Cuốn phả không đề ngày tháng, người biên tập sao chép. Phả ghi chép được 16 đời của dòng họ Nguyễn Mậu.

2. Nội dung:

Chỉ có điều khác so với các cuốn phả bình thường khác, vì đây là cuốn phả của dòng họ có bậc khai quốc công thần triều Lê nên hành trạng của nhiều nhân vật có những điểm đặc biệt.

Ví dụ: TỔ ĐỜI THỨ 1, ÔNG TÊN HÚY LÀ NHỮ LÃM, da đen thân hình cao lớn, là người có tài năng tranh biện (cụ thể sự tích xem trong quốc sử). Cuối thời nhà Trần, giặc Ngô xâm lược nước ta, Thái tổ cao Hoàng đế khởi nghĩa ở sách Lam Sơn (nay đổi là quận Lam Sơn) huyện Lương Giang (nay là huyện Thụy Nguyên). Ông đem gia thất chạy về phường Đa Mĩ (nay là xã Thịnh Mỹ) huyện Cổ Dương (nay là huyện Lôi Dương) [8] cư trú, chiêu mộ những người tiều phu, ngư dân làm thuộc hạ. Lúc đó Đỗ Phú có hiềm khích với nhà vua nên dẫn quân Ngô vào dày xéo nước ta. Đế phải chạy trốn, thuyền giặc chạy đuổi phía sau. Khi ngoảnh đầu lại nhà Đế thấy thuyền đuổi sát phía sau thì vô cùng lo lắng. Ông [Nhữ Lãm] cùng với tướng quân Trịnh Khả(2) lấy những thuyền nhỏ giả làm thuyền chài, giăng lưới bắt cá, ông lại cho thả rơm cỏ xuống dòng nước, tiến sát vào đoàn thuyền của giặc bất ngờ tập kích, cứu được Hoàng tôn. Vào ngày mùng 9 tháng giêng năm Mậu Dần [9], bọn giặc lại khởi binh đánh đuổi vào tận vùng núi Lam Sơn. Nhà Đế lại rút về đóng đồn ở Lạc Thổ.

Vào ngày 16 tháng đó (tức tháng 9), bị một bề tôi tên là Viên làm phản chỉ đường cho giặc truy đuổi nhà Đế rất gấp. Ông [Lãm] cùng với bọn Lê Lễ, Lê Vấn lại đưa Đế chạy về ẩn ở vùng Linh Sơn, quân tuyệt lương thực suốt 3 tháng. Lúc này ông lại trở về phương Đa Mỹ, lấy thuyền nhỏ bí mật chở gạo muối, nhân buổi tối chở đến vùng Linh Sơn cho quân sĩ. Sau Đế lại phải chạy đến vùng Mang Thôi, rồi lại bí mật chạy đến trú ở Mang Ung.

Ngày 24 tháng 11 năm Nhâm Dần, bọn giặc Ngô [10] lại liên kết với quân Ai Lao, tạo thành thế gọng kìm bao vây quân ta. Đế lại phải rút về Thúy Khối. Quân giặc vẫn tiếp tục truy kích, quân ta hỗn loạn Đế lại phải dẫn quân ẩn ở Linh Sơn, quân tiệt phần lương thực, trong suốt 2 tháng liền chỉ có ăn rau rừng và măng tre. Đế đã phải giết cả voi, ngựa để làm thức ăn. Ông [Lãm] lại một lần nữa phải trở về phường Đa Mỹ, lấy thuyền bí mật chở gạo muối nuôi quân. Từ đó quân không bị thiếu lương thực nữa, sĩ khí tràn trề. Ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn, Đế thừa thắng [11] đánh chiến nhiều trận, quân giặc đại bại, phải chạy về phương Bắc. Bình xong giặc Ngô vào tháng 4 năm Mậu Thân, Đế lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Nhà vua luận công trạng phong thưởng cho tướng sĩ; phong cho ông [Lãm] quốc tính là Lê, vinh thăng làm Thôi trung phụ quốc công thần, Nhập nội Thượng thư lệnh, Nhập nội Kiểu hiệu Thái Bảo đình huyện hầu, (lại phong cho dân chài muối vì có công lao bao bọc nên được phong cho hưởng đất phân không phải đóng thuế từ địa phận Sơn Đầu đến vùng Lê Kiều. Lúc đó thiên hạ mới đại định, sợ người Ngô phẫn chí căm hận thua trận nên chưa chịu thuần phục, nhà vua đã nhiều lần xuống mệnh phủ dụ nhưng chưa được, nên sau đó ông Nghị nhận lệnh làm Chánh sứ [12] sang phương Bắc cầu phong, công việc thành công, mọi việc trôi chảy.

Lại nói quân Chiêm cho lính xâm chiếm các đồn nhỏ, không chịu tuế cống, ông lại vâng mệnh triều đình đem quân đi Nam chinh. Quân Chiêm Thành sợ hãi mà qui phục, thuận lòng mà triều cống. Nhớ tới bậc trung thành Phụ quốc công thần, nhà vua lại đặc chuẩn ban cho chức Kim tử vinh lộc đại phu, Nhập nội thị sảnh, Đô tri Thượng thư, Thái bảo Nhất quận công công nhận quốc tính (họ vua), rồi lại được nhà vua ban tặng Nhất quốc công và tên thụy là Trung Tĩnh [13].

Xem trong Đại Việt sử kí toàn thư, thấy nhắc đến 2 lần Lê Lợi bị quân Ngô vây hãm, có lần vua phải thịt cả voi, ngựa để làm lương ăn cho quân sĩ thì thật trùng hợp, chỉ có điều không nhắc đến tên người đứng ra tiếp tế lương thực để nhà Đế thoát khoải cảnh đó ra sao: "Vua đem quân về đóng ở núi Chí Linh. Quân lính hết lương, hơn hai tháng chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi. Vua giết bốn con voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ" [Đại Việt sử kí toàn thư, quyển X, kỉ nhà Lê, tập II, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.249].

Hay như về tổ đời thứ 2, bản phả viết: ÔNG TÊN HÚY LÀ LỖI, là con trai trưởng của cụ Nhất Quốc công. Ông có công rất lớn trong việc quét trừ bọn ác đảng, dẹp yên bọn gian ngoan, huân nghiệp còn tỏ rõ trong quốc sử. Vào khoảng năm niên hiệu Thiệu Bình (1434-1439), ông làm quan tới chức Thôi Trung tán trị khiêm cung Tuyên lực công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội Tư đồ, Phò mã Đô úy, Thái phó Thanh quận công, lại được ban cho tên húy là Giản Tĩnh. Ông mất ngày 25 tháng 2, mộ táng tại Miếu Nội xã Quần Ngọc. Thái Tông Văn Hoàng đế (còn gọi là Thiệu Bình - tức Hiền đức thánh công, Khâm minh văn võ, Anh duệ Nhân triết Chiêu văn Hoàng đế Lê Nguyên Long) gả cho người con gái cả là An Quốc Quốc trưởng Công chúa, tên húy là Minh Tú. Bà Công chúa mất ngày mùng 6 tháng giêng, mộ táng tại Miếu Nội xã Quần Ngọc... Các đời kế tiếp nhau trong dòng họ đều có người làm quan to trong triều, hành trạng cũng như huân nghiệp của họ vô cùng rực rỡ. Với giọng văn súc tích, lối ghi biên niên rõ ràng vì thế cũng như các cuốn phả khác kê đầy đủ cả về phần vợ con, bên ngoại, quê quán, xuất thân của từng nhân vật nhưng người đọc thấy không bị nhàm chán mà nhanh chóng bị thu hút như ta đem xem một cuốn lịch sử đầy hấp dẫn. Chân dung, tính cách, hoàn cảnh xuất thân, gia cảnh của nhân vật nối tiếp nhau xuất hiện.

Ví dụ đoạn kể về ông tổ đời thứ 5: ÔNG TÊN HÚY LÀ NGHI, tức là con trai út của cụ Hưng Quận công. Khi Hưng Quận công gặp hạn, lúc đó vào cuối triều Trần, mẹ ông mới mang thai ông được 3 tháng. Sau đó sinh ông vào năm Kỉ Mão. Quân nhà Mạc lùng bắt hai mẹ con khắp nơi nên ông được gửi cho bà nhũ mẫu tên là Đồi nuôi dưỡng chăm sóc. Sau đó ông lại phải trốn về quê mẹ ở thôn Thiên Tôn sinh sống, cho đến khi 11 tuổi thì trở về quê cha Thịnh Mỹ. Ông dự thi trúng Tam trường. Trong cơn vận hạn, chí lập nghiệp của ông càng cao. Thật may, có nhà họ Trịnh cũng muốn phù giúp nhà Lê (đó là Minh Khang Thái vương tức Trịnh Kiểm và Thành Tổ Triết vương tức Trịnh Tùng đều là những bậc trung thần của nhà Lê) có tài thao lược khắp thiên hạ. Ông Nghi là người trung nghĩa trời cho, tâm thuật giỏi giang, chăm chỉ mẫn cán trong mọi việc. (Trong quyển phả cũ còn ghi Lê Hoàng đế khi đó không có con nối dõi. Con cháu dòng dõi nhà Lê mới hỏi ý kiến các quan đại thần [22]. Các quan mới tâu rằng nên tìm xem bên ngoại của vua xem có ai là người có đức độ hơn người thì tôn làm Hoàng đế. Xây dựng tên hiệu vào chốn triều chính để thảo phạt ngụy Mạc. Ông bất đắc dĩ phải theo lệnh mà cùng một số đình thần vào triều yết kiến. Ông cho rằng ngôi vị thiên tử đó phải giành cho con cháu nội tộc dòng họ Lê. Trong số các đình thần những người vào yết kiến, những người có chí khí xứng đáng là bậc trượng phu để xứng đáng dự vào ngôi thiên tử chưa thấy có. Chuyện tham dự vào chuyện hoàng tộc của ông vì thế cũng được ghi vào sự tích của Hoàng triều.

Lại nói, vào thời gian đó có Hoàng tử tên húy là Ninh, là con trai của vua Chiêu Tông, là cháu của vua Thánh Tông, mẹ đẻ là bà họ Phạm tên húy là Ngọc Dao (quê quán ở sách Cao Trĩ huyện Thụy Nguyên) gặp đúng lúc nhà Mạc tiếm quyền nên đã phải lẩn trốn về sách Thượng Cốc huyện Nông Cống. Ông Nghi đã đón Hoàng tử Ninh về ẩn cư đợi ngày tính chuyện đại sự. Đại thần và các quan trong triều chuẩn bị làm lễ đón ông Ninh trở về [triều] [23].

Ông [Nghi phụng mệnh] mặc triều phục, đội mũ ngọc thắt đai màu vàng phù giúp Hoàng tử lên ngôi Hoàng đế. [Hoàng đế lên ngôi] lấy quốc hiệu là Nguyễn Hòa, tức là vua Trang Tông Dụ Hoàng đế.

Lại có chuyện truyền rằng: Minh Khang Thái vương [chúa Trịnh - tức Trịnh Kiểm] đang trú quân ở phủ Yên Trường, ông [Nghi] cũng có mặt ở đó phù tá. Phu nhân của ông người họ Lê quê ở xã Thịnh Mỹ, đang đêm mộng thấy có người đến báo rằng: thượng đế đã quan sát thấy vợ chồng nhà ngươi là người trung thành. Ngày mai sẽ có con cháu của họ Lê đến thăm gia đình ngươi. Nói xong người ấy biến mất. [Phu nhân họ Lê] sợ hãi giật mình tỉnh dậy mới biết mình đang nằm mơ. Đặt tay lên trán suy nghĩ, bà cho rằng đây là việc có liên quan đến quốc gia đại sự. Nên đến sáng hôm sau phu nhân dậy sớm quét sạch nhà cửa để chờ. Nhưng chờ mãi đến tận 12 giờ trưa vẫn không thấy bóng dáng ai lai vãng, thì trong lòng rất lấy làm buồn bực. Nhưng cũng đúng lúc đó bà nhìn thấy một người quần áo lam lũ, thắt lưng rách nát, [24] dắt một chiếc đoản đao bước tới bên cửa. Ông ta nói, mình chính là lái buôn đường biển, nhưng chẳng may thuyền va vào đá, nên của cải, gia tài bỗng chốc mất sạch, may mà mình còn sống sót trở về. Nay đến xin bát cơm lúc đói bụng. Phu nhân chăm chú nhìn ông ta. Bà thấy người đàn ông tuy quần áo lam lũ bẩn thỉu nhưng giọng nói sang sảng, hình dáng phi phàm bèn lập tức mang quần áo, thức ăn đến cho ông ta. Người đàn ông ấy kể về lai lịch của mình cho phu nhân nghe, rồi [phân trần] chỉ vì buôn bán gặp nạn chứ chẳng phải do lười biếng mà nên nỗi này. Phu nhân ân cần an ủi, lại chuyện trò hồi lâu. Người đó mới kể rằng, người đó là con cháu 6 đời nhà họ Lê, là con của Đông Lai hầu, là cháu của vua Thánh Tông. Phu nhân một mặt tìm cách giữ người ấy lại, một mặt chuẩn bị thư từ để báo tin cho chồng. Ông [Nghi] cứ thực tình theo thư của vợ mà báo lại [25] cho Minh Khang Thái vương. Vương vô cùng vui mừng, sai người tâm phúc đi xem sự thể thế nào. Thấy sự việc đúng như vậy, bèn ngay lập tức làm lễ thiết bái trời đất ở Long Sùng rồi đón bậc thiên tử trở về xã Thịnh Mỹ, nghênh lập làm Hoàng đế. [Hoàng đế lên ngôi] lấy niên hiệu là Thiên Hựu hay còn gọi là Anh Tông Tuấn Hoàng đế (tức vua Lê Duy Bang]. Chuyện xảy ra năm ấy thì tới nay vẫn chưa có gì để khảo được [chỉ là truyền thuyết mà thôi]. Vả lại ông [Nghi] còn là chú của Anh Tông. Chuyện này còn là [bức màn] bí mật về sự tích của nhà Lê.

Lại có truyện kể rằng: Anh Tông thủa còn hàn vi thường hay đến nhà ông [Nghi] chơi [tức là việc nhìn thấy chứ không phải như truyện trước họ gặp nhau nhờ giấc mộng]. Đến năm niên hiệu Quang Hưng (1578-1599), ông [Nghi] được ban sắc chỉ nhận chức Binh bộ Tả thị lang, Tường Lân hầu, khâm mệnh phụng sự triều đình, phù giúp Đoan [26] Quận công (tức Nguyễn Hoàng, quê quán ở xã Bái Nãi huyện Tống Sơn - tức Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế về sau làm chúa Nguyễn). Lại được cử vào trấn Hóa Châu để thám xét, phủ dụ, đốc thúc việc thuế cống tại biên giới. Ông làm công việc ấy trong khoảng hơn 15 năm thì được triều đình cho vời về triều, thăng chức Phụ quốc công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Ngự sử đài Phó đô ngự sử. Sau khi thảo trừ giặc Mạc xong. (Thời còn nghiệt đảng nhà Mạc là Mạc Kính Điển, Mạc Cung vẫn còn lẩn trốn ở phủ Cao Bằng, chưa tận diệt được, nên chúng mưu gian câu kết với giặc phương Bắc (chỉ Trung Quốc). Chúng nói với vua phương Bắc rằng Cung Hoàng đế tên húy là Duy Đàm, không phải là con cháu dòng tôn thất nhà Lê mà là do Trịnh vương tên húy là Tùng [tức chúa Trịnh Tùng] mạo danh. Vua phương Bắc bắt vua nước ta phải đến quận Quảng Tây để điều tra xem có đúng là con cháu dòng tôn thất nhà Lê hay không. Bản quốc (tức vua nước ta) [27] cùng quần thần bàn bạc xem nên làm thế nào. Trịnh Tùng cùng đình thần kiên quyết dâng lên một bản tấu. Trong đó viết, một viên tiểu mục, Trịnh Tùng, Kì mục 8 người, nguyên quan mục 16 người, tân quan mục 15 người, phía dưới ghi rõ tên từng người một (đóng giả làm vua tôi nhà Lê sang Bắc Quốc cầu phong). Ông [Nghi] đứng thứ 6 trong hàng tiểu mục, sự tích đó vẫn còn ghi trong sử Trung Quốc; công trạng ấy còn được ghi khắc trong sử sách muôn đời.

Nhờ có việc ấy mà khi định công phong thưởng ông được gia tặng thêm chức Lại bộ tả Thị lang. Trải các triều ông tiếp tục được thăng phẩm trật là Công bộ Thượng thư, Hộ bộ Thượng thư, Lại bộ Thượng thư, Thiếu phó tước Quỳnh Quận công, được ân hưởng suốt triều Quang Hưng. Sau ông về trí sĩ, được 3 năm thì mất. Khi ông mất được triều đình truy phong chức Thiếu sư, lại được vua ban cho tên thụy là Trung Cần. [28]. Ông hưởng họ 81 tuổi, mất ngày mùng 6 tháng giêng năm Kỉ Hợi niên hiệu Quang Hưng (tức năm 1599). Sự tích về ông còn được ghi trong quốc sử, kỉ nhà Lê (Quang Hưng). Khi ông mất được triều đình đứng ra lo việc an táng, cử Tả Thị lang bộ Lễ và Lễ bá Ngô Tạo Du làm chủ tế, tuyên đọc sắc phong truy tặng hàm Thiếu sư. Mộ ông táng bên trong miếu xã Quần Ngọc, bên trái mộ tổ, diện tích rộng chừng 5 mẫu. Xung quanh khu mộ cây cối um tùm. Mộ tọa Quí hướng Đinh, phân kim Canh Tý, Canh Ngọ (tức mộ tọa trục Bắc - Nam lệch về Tây). Tất cả các triều về sau, như niên hiệu vua Đức Long, Phúc Thái, Khang Đức được nhiều lần ban sắc phong làm Thái bảo, Thái phó, gia phong hàm Thái tể [29]...

3. Nhận xét:

Đối chiếu với chính sử thì bản phả dẫn rất nhiều sự kiện trùng lặp như chuyện Lê Lợi bị bao vây, không có lương thực, nhờ có sự tiếp tế kịp thời của quân dân mà nhà đế đã nhiều lần thoát khỏi cảnh khó khăn. Hay như việc vua phương Bắc cho rằng Cung Hoàng đế tên húy là Duy Đàm, không phải là con cháu dòng tôn thất nhà Lê mà là do Trịnh vương tên húy là Tùng [tức chúa Trịnh Tùng] mạo danh. Vua phương Bắc bắt vua nước ta phải đến quận Quảng Tây để điều tra xem có đúng là con cháu dòng tôn thất nhà Lê hay không. Bản quốc (tức vua nước ta) cùng quần thần bàn bạc xem nên làm thế nào. Trịnh Tùng cùng đình thần kiên quyết dâng lên một bản tấu. Trong đó viết, một viên tiểu mục, Trịnh Tùng, Kì mục 8 người, nguyên quan mục 16 người, tân quan mục 15 người, phía dưới ghi rõ tên từng nguời một (đóng giả làm vua tôi nhà Lê sang Bắc Quốc cầu phong). Ông [Nghi] đứng thứ 6 trong hàng tiểu mục, sự tích đó vẫn còn ghi trong sử sách. Trong quốc sử thì đúng là có chuyện Trịnh Tùng ngụy trang để thay vua đi cống nộp cho vua Minh...

Thực ra còn phải đối chiếu nhiều chi tiết cụ thể hơn nữa. Nhưng chúng tôi cho rằng đây vẫn sẽ là một cuốn phả rất tốt, có nhiều chi tiết bổ ích giúp giới nghiên cứu có thêm tư liệu khi nghiên cứu về dòng họ và những chi tiết có thể bổ sung cho chính sử.

Chú thích:

(1) Cô Nguyễn Triệu Oanh ở số 10 A8 TT Mai Hương phố Bùi Ngọc Dương - Hai Bà Trưng - Hà Nội.

(2) Trịnh Khả: (1399-1451), là một danh tướng đời Lê Thái tổ, quê ở xã Sóc Sơn huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Vĩnh Hòa huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Vì có nhiều công lao nên ông được vua ban quốc tính nên còn gọi là Lê Khả./.

Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.494-503

In