Chi tiết
70. Về tấm bia KIẾN GIA thời LÝ ở Ninh Bình (TBHNH 2003)

Cập nhật lúc 09h58, ngày 17/04/2007

VỀ TẤM BIA KIẾN GIA THỜI LÝ Ở NINH BÌNH

TRẦN THỊ TIỆP

Bảo tàng Ninh Bình

Chùa ở động thôn Phong Phú xã Ninh Giang huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình dcó tạc vách dhang hình 18 vị La Hán và nhiều văn bia của nhiều thời đại. Trên hình mỗi vị La Hán cũng có một dòng chữ Hán, đã mờ nhiều, hẳn là ghi tên từng vị, phải cố gắng thật nhiều may ra mới đọc được. Bản thân các văn bia cũng có tình trạng tương tự. Trong bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu một trong số các tấm bia đó - bia có niên hiệu Kiến gia Bính ngọ thời Lý.

1. Vị trí: Bia được tạc vào vách hang bên trái (từ ngoài nhìn vào), sát mặt đất (có lẽ ban đầu bia còn ở trên cao, nhưng về sau người ta đã đổ đất tôn cao nền hang làm cho nền hang cao ngang chân bia). Phía trước bia là khoảng không gian dùng làm nơi lễ bái. Tiếp đó là phật diện, có một số bệ đất nung trang trí sóng nước điển hình thời Lý. Như vậy bia được tạc vào vị trí trang trọng của chùa hang.

2. Kích thước, hình dáng: bia có hình chữ nhật, trán tròn, rộng ngang 30cm, chiều cao đo chính giữa là 72cm.

3. Trang trí: diềm bia được ngăn cách với mặt bia và vách hang bởi hai đường chỉ chìm chạy vòng 2 bên và trán bia, một đường hoa dây kép uốn lượn hình sin phủ kín diềm. Chân bia là một hàng cánh sen nghiêng gồm 10 cánh.

4. Minh văn: như đã nói ở trên, phần minh văn bị mờ nhiều, có chữ đoán đọc, có chữ không thể đọc được. Đã vậy, sự phong hóa đã làm cho mặt bia “nẻ chân chim” dọc ngang khiến rất dễ lầm lẫn là nét chữ, do đó càng gây khó khăn cho việc đoán đọc chính xác phần minh văn.

Văn tự được khắc từ trên xuống, từ phải qua trái, gồm 4 dòng, 3 dòng đầu mỗi dòng 14 chữ, dòng cuối 12 chữ, tổng 54 chữ. Nét chữ chân phương dễ đọc, nhưng chỉ đọc được 50 chữ, 4 chữ rất khó mà luận cho ra là chữ gì. Dưới đây là nguyên văn chữ Hán:

 建 嘉 丙 午 。 大 權 具 化 , 代oo次 二o 修 人 南 宗 禪 師o 。 于 孤 峰 山 , 憑 恩 安 國 大 王 重 開 創 寶 福 岩 , 永 貽 供 養 後 世 , 若 人 歷 覽 其 言 重 添 種 助 。 
Phiêm âm:
         Kiến gia Bính ngọ niên, đại quyền cụ hóa, đại
oo thứ nhị o tu nhân Nam tông thiền sư o.vu Cô Phong sơn, bằng ân An Quốc đại vương trọng khai sáng Bảo phúc nham, vĩnh di cúng đường hậu thế, nhược nhân lịch lãm kỳ ngôn trọng thiêm chủng trợ.

Tạm dịch: Năm Bính Ngọ niên hiệu Kiến Gia (1211-1224). Biến hóa khôn lường, quyền mưu to lớn, đời o thứ 2 o người tu hành Nam tông thiến sư(1) o ở núi Cô phong ghi nhớ công ơn sâu nặng của An Quốc đại vương - người đã có công khai lập nên [chùa hạng] núi Bảo phúc, vĩnh hằng cúng dàng cho hậu thế, để cho mọi người o đều xem xét một cách tường tận lời nói ấy mà thêm phần coi trọng sự giúp đõ giống nòi.

Một vài nhận xét:

- Về niên đại, thường thì dòng ghi năm tháng ở các văn bia được khắc cuối cùng, trong trường hợp này lại được đưa lên đầu tiên. Kiến Gia là niên hiệu của vua Lý Huệ tông, có 14 năm (1211-1224), khởi đầu là năm Tân Mùi, kết thúc bằng năm Giáp Thân. Trong khoảng thời gian đó không có năm Bính Ngọ, ngờ rằng người soạn văn bia đã nhầm năm Nhâm Ngọ (1222) ra năm Bính Ngọ không có thực. Nếu giả thiết này đúng thì văn bia có niên đại năm Nhâm Ngọ niên hiệu Kiến Gia đời vua áp chót Lý Huệ tông, tức năm 1222.

- Về cách viết chữ niên, chúng tôi đã phát hiện ra cách viết chữ niên không bình thường, cụ thể chữ niên ở dòng Kiến Gia Bính Ngọ niên được viết: Äờ . Phải chăng đây là cách viết kiêng húy ?

- Về nhân vật An Quốc đại vương: Theo bia Khúc mộ tự bi ký cũng được tạc tại chùa hang này (niên hiệu Gia Long 16, 1817) cho biết thời Đinh, An Quốc công đã sáng lập ngôi chùa này, và trên vách hang còn dòng chữ khắc là: Năm thứ nhất đời vua Đinh Tiên Hoàng lập nên chùa. Và trong văn bia đời Kiến Gia chúng tôi đang nói ở đây cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với An Quốc đại vương đã có công sáng lập nên chùa. Vậy ông đại vương này là ai ?

Theo thần tích Huyền Thiên Trấn Vũ làng Bích Đào, làng Đại Phong, Tổng Yên Phong huyện Gia Khánh tỉnh Ninh Bình, vào ngày 10 tháng 3 năm Tự Đức 6 (1853) (Hoàng Giáp dịch ngày 19/3/1996), thì đây là vị thiên thần, nguyên là hoàng tử nước Tịnh lạc, do Thiện Thắng hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25, gọi là Huyền Nguyên. Lớn lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (tức núi động Thiên Tôn) tu luyện suốt 42 năm trời, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa vô cùng, tận trừ tà ma quỷ quái. Ngọc hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Sau phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều mà hóa. Thời Ngô Quyền năm đầu, Cao Đô Đường Thái sư xây đền ở cửa động núi Dũng Dương (Thiên tôn), tạc tượng tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương... Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa ở động Hoa Lư được hai tướng Rùa, Rắn của Chân Vũ (tức Trấn Vũ) giúp sức nên được sắc phong là An Quốc hoàng đế. Có 7 nơi thờ thần là Bích Đào, Đại Phong, Yên Cư của huyện Yên Khánh, Lực Giá và Phú gia của huyện Gia Viễn.

Theo bia Khúc mộ tự bi ký (đã nói ở trên) cho biết chùa ở động Phong Phú nơi có tấm bia Kiến Gia vốn là thôn Phong Sơn xã Phú Gia xưa. Như vậy chùa động này ngoài thờ Phật, còn thờ cả An Quốc đại vương nữa. Có lẽ vì quá lâu ngày nên giờ đây hình ảnh Trấn Vũ Thiên tôn, tức An Quốc đại vương đã bị lu mờ trước các vị phật. Nhưng nói rằng An Quốc đại vương đã khai sáng ra chùa này thì không chắc đúng. Trên đã nêu, Trấn Vũ lấy núi Dũng Dương (tức núi động Thiên Tôn, thôn Đa Giá xã Ninh Mỹ) tu hành suốt 42 năm, sau đó đã phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều mà hóa. Đến thời Ngô Quyền cho lập đền thờ thần tại đây. Vởy làm sao sang thời Đinh vị thần này còn có công xây dựng được ngôi chùa hang Phong Phú (xã Ninh Giang)? Có thể là, do có công giúp vua Đinh dẹp loạn cát cứ, theo thần tích nên vua Đinh đã cho mở mang cảnh thổ, tạo nên nơi thờ Phật và thần An Quốc ở đây mà thôi.

- Trở lại văn Kiến Gia, câu “Đại quyền cụ hóa” là muốn nói đến tài năng của An Quốc đại vương mà như thần tích mô tả: khi đã đắc đạo thần có thể bay lượn trên không trung, biến hóa vô cùng, tận trừ tà ma quỷ quái. Do đó đoạn cuối của văn bia lưu ý “quân nhân lịch lãm kỳ ngôn” là muốn nhắc đến câu “Đại quyền cụ hóa” này chăng.

- Về chủ nhân của văn bia, mặc dù bia không ghi cụ thể, nhưng căn cứ vào câu “đại oo thứ nhị o tu nhân Nam tông thiền sư” thì có thể đoán rằng đây chính là người đã tạc nên văn bia này. Tuy bị mờ mất 4 chữ, nhưng chúng ta có thể hiểu đại khái là: vào khoảng thời gian niên hiệu Kiến Gia đời vua Lý Huệ tông, người tu hành theo phái Nam tông đời thứ hai đã tu ở chùa này. Theo lịch sử Phật giáo, đời thứ 6 của dòng thiền ở Trung Quốc chia làm Nam tông và Bắc tông. Nam tông do Tuệ Năng làm tổ sư, sở trường về phép Đốn giáo, về sau phát triển rất mạnh, trở thành dòng thiền chính tông. (2)Khi truyền bá vào Việt Nam, ở thời Lý có dòng thiền Thảo đường được thành lập, và vua Lý Cao tông (1176-1210) là người thuộc phái này. Thiền Thảo đường có xu hướng Nho giáo và có thể cả Tịnh độ, và cũng như thiền nói chung thời Lý – Trần, thiền Thảo đường có tư tưởng nhập thế. (3)Tuy nhiên vào giai đoạn cuối Lý, từ Cao tông, Phật giáo đã bị tha hóa biến thành ủy mị, tràn ngập mê tín dị đoan, mất hết sức sống, Lý Cao tông thì rong chơi vô độ, Huệ tông thì chán đời bất lực, bỏ ngai vàng đi tu trong sự vô vọng. Thiền tông vốn hòa trộn với Mật tông, khi vào Việt Nam, lại phải sống chung với tín ngưỡng dân gian, và ở giai đoạn cuối triều Lý, lại còn tràn ngập mê tín dị đoan như đã nêu ở trên, cho nên trong bia Kiến Gia đời Lý Huệ tông, vị Nam tông thiền sư ca ngợi An Quốc đại vương là “Đại quyền cụ hóa” - biến hóa khôn lường, quyền mưu to lớn cũng là lẽ thường nhiên.

Tóm lại việc nghiên cứu văn bia này gợi ý cho chúng ta đi sâu tìm hiểu tình hình Phật giáo dưới thời Lý (và cả thời Đinh - Lê nữa) về một dòng thiền Thảo đường pha trộn nhiều yếu tố Mật giáo và tín ngưỡng dân gian, về một phật điện kết hợp thần điện (vừa thờ Phật vừa thờ thần), ở đó không chỉ có bình dân tin sùng, mà còn có cả vua quan - một mặt nhận dlàm đệ tử nhà thần phật, mặt khác lại vô cùng thác loạn và có tư tưởng tiêu cực (vua Lý Cao tông, Lý Huệ tông). Từ sau thế kỷ X, Ninh Bình không là trung tâm chính trị của đất nước nữa, nhưng vẫn là một trong những trung tâm của Phật giáo, mà nội dung văn bia này là một trong số những minh chứng đó.

Chú thích:

(1) Câu tu nhân Nam tông thiền sư có thể là người chuyên tu theo dòng thiền Nam tông, khác với Bắc tông.

(2) Từ điển Phật học Hán – Việt, H. 1992, Tập I, tr. 853.

(3) Nguyễn Hùng Hậu: Mấy nét về những tư tưởng nhập thế trong Phật giới Việt Nam thời Lý - Trần. Sách Phật Giáo và văn hóa dân tộc. Thư viện Phật học xuất bản, 1990, tr.39.

Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.527-532

In