Chi tiết
73. Tam quan trong kiến trúc chùa Việt Nam (TBHNH 2005)

Cập nhật lúc 10h25, ngày 12/08/2007

TAM QUAN TRONG KIẾN TRÚC CHÙA VIỆT NAM

PHẠM TUẤN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Khi bước vào một ngôi chùa, tâm thanh thản của chúng ta được mở ra, bỏ lại bên ngoài tất cả những bộn tạp của cuộc sống hàng ngày. Cổng chùa là nơi tiếp giáp giữa chốn thanh tịnh và cõi trần thế, bên trong và bên ngoài của hai thế giới hoàn toàn khác nhau về mặt tâm thức, cho mỗi người có sự khế hợp nhất định về tâm linh để hướng họ đến điều lương thiện hơn. Như thế vô hình trung cổng chùa – Tam quan trở thành vạch ngăn cách tâm linh, mở ra hai thế giới vừa đối lập vừa tiếp nối nhau giữa đời và đạo. Tam quan không dừng lại là nơi bước từ bên ngoài vào bên trong ngôi chùa mà đã trở thành hệ thống triết học phổ hợp lên kiểu thức kiến trúc. Tuy nhiên đến nay sự nghiên cứu về Tam quan trong tổng thể kiến trúc ngôi chùa Việt Nam chưa được đánh giá đúng mức. Bài viết này phần nào mở ra hướng tiếp cận cho kiến trúc Phật giáo, mà vấn đề được nêu lên là cổng chùa - Tam quan.

Diễn trình phát triển Phật giáo cho thấy có sự thích ứng trong quá trình hợp thức hóa kiến trúc ngôi chùa. Các đền, miếu thờ tự của Phật giáo Ấn Độ thông thường lấy tháp làm trung tâm, đồng thời là nơi thực hiện các nghi lễ Phật giáo. Cổng tháp phân ra nhiều cửa, có thể mở theo các trục Nam Bắc, Đông Tây, mà sơ đồ mặt bằng như một Man đồ la, lấy con người làm trung tâm trong Vũ trụ quan. Phật giáo truyền vào Trung Quốc ban đầu chịu ảnh hưởng của kiến trúc, điêu khắc cũng như họa tượng mỹ thuật Ấn Độ nói chung. Quá trình Hán hóa Phật giáo tiệm tiến từng bước trong cái nôi văn hóa bản địa, đặc biệt là kiến trúc tự viện thì sự cải biến và dung hợp gần như hoàn toàn. Kiến trúc ngôi chùa ban đầu vẫn giữ nguyên quy mô, dạng thức lấy tháp làm trung tâm thờ Phật của Ấn Độ. Từ năm 67 thời vua Hán Minh Đế, Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Lạc Dương và dinh Hồng lô tự chuyển thành chùa Bạch Mã, cũng từ đó chùa - nơi ở của người tu hành Phật đạo được gọi tên là “tự” (). Sự hoàn thiện về kiến trúc ngôi chùa là sự kết hợp kiểu thức kiến trúc truyền thống Trung Quốc với văn hóa Phật giáo mà các nhà truyền giáo Ấn Độ đưa sang. Tháp không còn là trung tâm của ngôi chùa, mà thường tọa lạc bên cạnh hoặc phía sau, nhưng cũng không phải là hoàn toàn tuyệt diệt kiểu thức. Một ngôi chùa không dừng lại một tòa tháp làm trung tâm thờ tự, mà có thể nhiều tháp trong tổng thể hài hòa về bố cục, mỗi tháp để kỉ niệm công đức của một vị tổ sư, trong tháp lưu tàng xá lị của vị tổ sư đó. Quá trình phát triển hoàn thiện quy mô kiến trúc Thiêu hương, Tiền đường, Tam quan, Hành lang giải vũ, Lầu chuông, Gác trống v.v… chính là sự dung hợp một cách hợp lí. Tam quan, Lầu chuông, Gác trống và cả tháp của tự viện Trung Quốc là sự chuyển hóa của kiểu thức kiến trúc cửa thành phủ, của lầu vọng cảnh, trạm gác v.v… mà tạo nên. Cùng với thời gian nó được hoàn thiện, biến cách và mang một nội hàm văn hóa Phật giáo Trung Quốc riêng biệt. Diễn tiến đó tạo nên kiến trúc hoàn chỉnh của ngôi chùa như ngày nay, đồng thời sự phát triển của lịch sử văn hóa Phật giáo cho thấy chùa ở Việt Nam tiếp thu ảnh hưởng đặc điểm kiến trúc của chùa viện Trung Quốc để thích hợp trong địa vùng văn hóa Nam phương tạo nên một phong cách riêng.

Tam quan trong tổng thể kiến trúc

Kiến trúc Phật giáo có một hệ thống thống nhất theo sự phát triển đạo Phật đến các nước khu vực Nam Á. Điều này đến ngày nay chúng ta còn gặp trong kiến trúc tháp SanchiBharhut của Ấn Độ, tháp ở Malaixia, Inđônêxia v.v… có niên đại trước Công nguyên. Tại Trung Quốc khi Phật giáo mới du nhập, kiến trúc chùa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ rất rõ, điều này còn thấy rất nhiều trong bích họa Đôn Hoàng cũng như trong các di tích. Ngoài những gì bích họa Đôn Hoàng vẽ lại, những ngôi chùa cổ của Trung Quốc còn tới ngày nay cho thấy quy mô rất lớn, kiểu thức lầu quán thường phổ biến, có thể đây là kiểu thức kiến trúc có sau thời du nhập đạo Phật. Sự diễn tiến tạo nên cổng chùa có mô thức lầu gác và nhiều cửa vào chịu ảnh hưởng kiến trúc Trung Quốc là điều khá rõ. Lịch sử kiến trúc cho biết thời gian hoàn thiện kiến trúc cổng chùa - Tam quan là vào thời Ngũ Đại.

Tuy nhiên kiến trúc cổng chùa Trung Quốc gọi là Sơn môn. Theo Trung Quốc kiến trúc nghệ thuật sử thì vào thời Đường cửa chùa ở Trung Quốc đã hình thành nên kiểu thức kiến trúc Sơn môn. Các tự viện Phật giáo Trung Quốc ngày nay dùng từ Sơn môn để chỉ cho toàn bộ ngôi chùa nói chung cũng như tông phái chùa đó, điều này ở Việt Nam tiếp thu rất rõ.

Kiến trúc chùa Việt Nam thường theo trục hướng Nam Bắc, mở đầu cho hướng đó là Tam quan án ngự. Từ Tam quan vào bên trong là toàn thể ngôi chùa bao gồm Lầu chuông, Gác trống phía trước, Hành lang giải vũ hai bên, tiếp vào cùng Thiêu hương, Tiền đường, Thượng điện v.v…

Tam quan thông thường có hai tầng, tầng dưới có ba cửa, ở giữa là cửa chính, hai bên cửa nhỏ hơn và kích thước hai cửa này bằng nhau. Tuy nhiên cũng nhiều chùa xây Tam quan có khi hơn 4 đến 5 tầng, mở ra 4 đến 5 cửa và thường tùy thuộc vào tổng thể kiến trúc của ngôi chùa cũng như ý tưởng của người chủ hưng công khi cho xây dựng. Tầng trên của Tam quan chùa Việt có khi kiêm luôn chức năng lầu chuông, khánh và treo chuông lớn. Mỗi ngôi chùa có kiểu dáng Tam quan khác nhau, nhưng cũng không loại trừ khả năng dị đồng trong phong cách kiến trúc.

Lí giải Tam quan trong triết học Phật giáo

Trong các ngôi chùa, mỗi thành phần kiến trúc cũng như tổng thể văn hóa cơ bản hàm chứa Triết học Phật giáo. Từ các tượng đến các loại hình kiến trúc văn hóa khác, mỗi vật thể đều mang một nội dung văn hóa Phật giáo, trong một ý tưởng lấy con người là trung tâm cho mọi triết thuyết cũng như nhận thức về vũ trụ. Tam quan chùa Phật cũng không nằm ngoài phạm trù trên. Cũng có thể ban đầu, sự xuất hiện của “ba cửa” chỉ là trường hợp ngẫu nhiên cho sự thuận tiện đi lại, nhưng phái xuất từ ý nghĩa đạo giáo, Tam quan mở đầu cho con đường đến với Phật môn, con đường đến giác ngộ, nên một nội hàm đạo giáo đã được thổi phồng vào các cấu trúc kiến trúc cho ngôi chùa nói chung và Tam quan nói riêng.

Tam quan còn âm đọc là Tam quán: Trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu Việt Nam thống nhất cách lí giải Tam quan chính là Tam quán, đây là cách lí giải đã mô phạm lại học giả Trần Trọng Kim trong tác phẩm Phật lục. Theo học giả Trần Trọng Kim thì Tam quan nhưng viết thành Tam quán , vì chữ “Quán” trong chữ Hán cũng đọc thành âm“Quan”. Từ Tam quán là một thuật ngữ Phật giáo mà theo cách lý giải của học giả Trần Trọng Kim thì Tam quán ứng với ba cửa chùa. Đấy là Trung quán ở giữa, còn Không và Giả quán ở hai bên. Về mặt triết học, theo Thiên thai tông, Tam quán chỉ Không quán, Giả quán và Trung quán. Không quán chính là quán các pháp Không vô tự thể; Giả quán là quán các pháp duyên sinh Giả tướng; Trung quán là quán các pháp phi Không cũng phi Giả, chính là cái lí thực tướng Trung đạo vừa Không vừa Giả. Người tu trì theo Tam quán có thể phá trừ hết Tam hoặc, chứng ngộ được Tam trí, thành tựu được Tam đức.

Nhưng không chỉ trong Thiên thai tông mà trong Hoa nghiêm tông, Luật tông cũng chuyên dụng thuật ngữ này. Tuy mỗi tông có cách dùng khác nhau, nhưng cơ bản đều là con đường cứu cánh từ sinh tử phiền não đến Bồ đề, Niết bàn đạo quả.

Tuy nhiên vấn đề chúng tôi nói đến là cửa chùa. Cửa chùa hoàn toàn không thuộc phạm trù Tam quán nói trên. Cũng như từ “quan” (quán) không hề liên quan đến cửa chùa. Qua khảo sát hệ thống bia chí của người Việt Nam viết về việc dựng xây các chùa chiền qua quá trình lịch sử, đã cho thấy một diễn trình phát triển của Tam quan.

Tam quan: Các thư tịch Hán Nôm viết về kiến trúc chùa chiền có niên đại trước Lý - Trần đến nay không còn, chỉ còn lại vài tấm bia đá phần nào cho chúng ta mường tượng nên quy mô kiến trúc Phật giáo thời đại đã qua. Trong quá trình khảo sát chúng tôi cơ bản căn cứ trên hệ thống bia chí để nghiên cứu lịch trình phát triển của Tam quan. Thời Lý - Trần, bia chí không còn nhiều nhưng một số tấm bia còn lại cũng phần nào làm sáng tỏ được ít nhiều về không gian kiến trúc chùa Việt. Bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh ghi chép năm Đại Khánh 4 (1113); bia Thiệu Long tự bi dựng năm Kiến Trung 1 (1226), đều ghi rất rõ Tam quan (ba cửa) là thành phần trong tổng thể kiến trúc ngôi chùa. Thông qua việc tìm hiểu về quá trình lịch sử, cho thấy hệ thống bi chí được khảo sát qua các triều đại Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn về sau đều dùng từ Tam quan để chỉ cửa chùa Phật giáo.

Từ những minh chứng trên cho thấy cửa chùa đã dùng từ Tam quan 三關đúng tự dạng và nghĩa chữ Hán, chứ không phải là Tam quan (Tam quán)như học giả Trần Trọng Kim đã viết, cũng như sự nhầm lẫn của những người nghiên cứu kiến trúc chùa Việt xưa nay đã khảo tả.

Trong các công trình nghiên cứu kiến trúc Phật giáo Trung Quốc, cũng như viết về kiến trúc của chùa Việt, các nhà nghiên cứu đều đồng nhất Tam quan với Sơn môn. Nguyên do từ Sơn môn nghĩa đen là “cửa núi”, chùa viện tọa lạc trên núi và từ này đã được dùng để chỉ cửa ngoài của chùa viện (tại Trung Quốc ngày nay từ này vẫn dùng chỉ cửa chùa. Trung Quốc trong lịch trình phát triển kiến trúc Phật giáo từ Tam quan không được sử dụng phổ biến mà chỉ ở Việt Nam mới có. Về sau, Sơn môn mang thêm một nghĩa là chỉ về ngôi chùa, diễn tiến ý nghĩa cho cách nói về một Tổ đình Phật giáo, chỉ về một tông môn.

Sơn môn theo Phật giáo đại từ điển định nghĩa:

…. Sơn môn tự viện chi ngoại môn dã… Phàm tự viện tất hữu sơn lâm cố chỉ tự viên chi môn viết sơn môn hựu tự viện toàn thể diệc viết Sơn môn”. Sơn môn chính là cửa ngoài của chùa viện vậy…. Phàm là chùa viện ắt có núi rừng, cho nên cửa của chùa viện thì gọi là Sơn môn. Lại toàn thể chùa viện cũng gọi là Sơn môn.

Nhưng Sơn môn tự viện thường ba cửa, cũng chính là nghĩa của từ Tam môn. Theo Phật học đại từ điển, định nghĩa cụm từ Tam môn (ba cửa) như sau:

: “Tam môn: sơn môn chi hình chế như khuyết, khai tam môn cố diệc viết tam môn, hựu chỉ hữu nhất môn diệc hô vi tam môn, cái tiêu xí Không, Vô tướng, Vô tác, Tam giải thoát môn chi xưng dã. Thích thị yếu lãm thượng viết: Phàm tự viện hữu khai tam môn” (Tam môn: cửa chùa có hình thế như cửa khuyết, cho nên cũng gọi là Tam môn, lại cũng có một cửa cũng gọi là Tam môn, để nêu rõ Không, Vô tướng, Vô tác - là cách gọi của Tam giải thoát môn. “Thích thị yếu lãm” quyển thượng viết: chùa viện mở ra cửa Tam môn).

Như vậy các chùa Việt gọi cửa chùa là Tam quan thì các tự viện của Trung Quốc gọi cửa chùa là Sơn môn, gọi là Tam môn, cách gọi tuy khác nhau nhưng bản chất là một. Quy chiếu triết học Phật giáo vào Tam quan cũng chính là cùng hệ quy chiếu đối với Sơn môn. Như trên đã trích dẫn, ý nghĩa Triết học Phật giáo của cổng chùa theo Phật học đại từ điển lí giải “là cách gọi của Tam giải thoát môn”. Vậy Tam giải thoát môn là gì? Tam giải thoát môn chính là ba cửa giải thoát cho chúng sinh thoát khỏi phiền não, tiến nhập vào chốn thanh tịnh, an nhiên tự tại, chốn bỉ ngạn để đạt đạo quả Niết bàn. Ba cửa đấy là Không giải thoát môn, Vô nguyện giải thoát môn, Vô tướng giải thoát môn. Không giải thoát môn là quán sát tất cả các pháp do nhân duyên mà sinh thành, tự tính vốn là không, không làm, không nhận, tất cả mọi thứ như hư huyễn không có thật, thông đạt như thế, thì mới có thể ngộ nhập vào cõi Niết Bàn. Vô nguyện giải thoát môn còn gọi là Vô tác giải thoát môn, chính là tất cả các pháp sinh tử, nguyện xa rời ý niệm tạo tác, để ngộ nhập vào Niết bàn diệu quả; Vô tướng giải thoát môn là quán sát tất cả pháp thế gian đều là giả hợp của hình tướng, hiểu được tứ đại ngũ uẩn giai không, rời các nhân ngã chấp tướng mà ngộ nhập vào cõi Tịch tĩnh của Niết bàn.

Tam giải thoát môn còn gọi là Tam không môn, lại còn gọi là Không môn, vì thế chùa chiền vẫn thường được gọi là Không môn như một cách gọi đại xưng.

Lịch trình kiến trúc Tam quan chùa Việt

Tại Việt Nam, đạo Phật du nhập rất sớm, nhưng sử liệu ghi chép về kiến trúc chùa Phật còn không nhiều, những mảnh vụn của kiến trúc Lý Trần trong các di tích (khảo cổ) đến nay chưa đủ tư liệu để mường tượng nên bộ mặt của kiến trúc bản địa. Sự dung hợp các nguồn văn hóa ngoại lai còn hiện rõ trong các kết cấu chạm trổ, trong mô típ trang trí hoa văn trên các loại hình văn hóa vật thể. Trong sự nối tiếp về tông giáo, thời đại cho thấy kiểu thức kiến trúc hai triều đại Lý Trần có sự sai biệt không đáng kể. Tuy nhiên chúng tôi vẫn dựa trên niên đại của bi chí ghi chép, mô tả về từng thời đại để làm rõ loại hình kiến trúc Tam quan trong giai đoạn hưng thịnh của văn hóa Đại Việt nói chung và đạo Phật nói riêng.

Dựa trên hệ thống bi chí Hán Nôm cũng như ghi chép của các sử gia trong Đại Việt sử kí toàn thư, Thiền uyển tập anh v.v… đã nói nên được bộ mặt Phật giáo Lý Trần, trong đó việc xây dựng chùa chiền được ghi chép. Giai đoạn Lý Trần kiến trúc chùa viện đã có sự phát triển rất lớn, lầu chuông gác trống, hành lang giải vũ được xây dựng với quy mô hoành tráng và lộng lẫy. Sự mô tả được các thư tịch Hán Nôm ghi lại rất rõ. Nếu không phải sự khoa trương của văn chương thì mô tả đó có thể nói là thực hữu trong tổng thể văn hóa kiến trúc Phật giáo Lý Trần, trong cái nôi phát triển của sự dung hòa Tam giáo. Trong tổng thể kiến trúc chùa Phật Lý Trần, Tam quan đã xuất hiện như một cá thể không thể thiếu. Bia Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh ghi chép năm Đại Khánh 4 (1113) đã mô tả: Tam quan chi nội diện, ngẫu lập hộ pháp thiện thần” (phía trong Tam quan bày đặt tượng thiện thần); đấy là bên trong Tam quan của chùa, bên ngoài Tam quan chùa cũng được văn bia mô tả: “Tam quan chi ngoại, sơ song trì nhi chủng hạ liên” (bên ngoài Tam quan, tiếp với hai cái ao để trồng sen mùa hè). Lại như bia Thiệu Long tự bi dựng năm Kiến Trung 1 (1226) đầu thời Trần, đã giới thiệu ở trên, viết về việc xây Tam quan, cuối bia, bài minh lại cho biết chùa dựng Tam quan rộng rãi: Tam quan duyệt lãng” (Tam quan rộng mở).

Thông qua ví dụ trên chúng ta có thể thấy thời Lý Trần các chùa Việt đã có Tam quan và quy mô chùa viện rộng mở về không gian, hài hòa trong sự tương tác về kiến trúc và Triết học.

Thời Lê Mạc về sau thì hệ thống bia ghi việc dựng chùa, trùng tu lầu chuông gác trống rất cụ thể. Bia Hưng Phúc tự bi kí ở xã Xuân Cầu huyện Văn Giang (Bắc Ninh) nay là huyện Mỹ Văn (Hưng Yên) có niên đại Mạc Diên Thành năm 6 (1583) ghi như sau: Văn Giang chi Tân Kiều hữu đại danh lam viết Hưng Phúc tự, tự chi Tam quan hữu Nương” (làng Tân Kiều huyện Văn Giang có ngôi đại danh lam là chùa Hưng Phúc, cửa Tam quan chùa là xứ Nương). Bia thời Mạc Đoan Thái năm 2 (1587), ghi chép việc trùng tu lại Tam quan chùa Phúc Khánh, như sau: “Hựu lập thiết đăng chi tòa, tu tam quan chi môn” (lại lập tào thiết đăng, tu sửa cửa Tam quan) v.v… Có thể nói thời Mạc tiếp giáp theo thời Lí, Trần, Lê tiếp nối theo phong cách kiến trúc, như một chuẩn mực trong nhà chùa, để dựng nên những ngôi chùa có hành lang giải vũ, tam quan được các giai đoạn về sau kế thừa.

Sự nối tiếp trong các giai đoạn sau tiếp tục được hệ thống bia ghi chép rất rõ. Bia kí hiệu 936 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) ở Đại Mỗ huyện Từ Liêm dựng năm Vĩnh Thịnh 2 (1777) nhà Lê: 殿Thượng điện hành lang hoán khai tuệ nhật, Tam quan chung các đỉnh trĩ từ vân” (Thượng điện hành lang rực rỡ mở ra mặt trời trí tuệ, Tam quan gác chuông lồng lộng mây lành) v.v... Bia chùa Hàm Long (Hà Nội) dựng năm Vĩnh Thịnh 10 (1785) triều Lê cũng ghi rất rõ việc dựng chùa cũng như xây dựng Tam quan v.v…

Hệ thống thư tịch Hán Nôm từ thời Nguyễn về sau rất nhiều và những sách vở, bi chí ghi chép về trùng tu chùa chiền, dựng xây Tam quan... Đồng thời cho thấy các chùa Việt còn lại tới ngày nay chủ yếu được trùng tu hoặc xây dựng từ thời Nguyễn. Bia Trường Khánh tự bi ở Hà Nội trong đợt dựng xây năm Tự Đức 23 (1860) đã dựng : 殿“chính điện Tam quan, tiền đường ngũ gian” (trước điện là Tam môn, tiền đường năm gian); Lại như bia chùa Một Cột (Hà Nội) ghi chép về lần trùng tu năm Thiệu Trị thứ 7 (1847): 外一Tả hữu hành lang tam quan chung các tứ chu, nội ngoại nhất luật trang nghiêm” (Tả hữu hành lang, tam quan, các (gác) chuông vây quanh, trong ngoài đều rất mực trang nghiêm)….

Như vậy, trong tổng thể kiến trúc các giai đoạn phát triển của Tam quan chùa Việt đều có sự thống nhất. Về cơ bản kết cấu cũng như lịch trình phát triển của Tam quan đã dung hợp mẫu hình kiến trúc cửa chùa Trung Quốc ở mức độ nhất định, tuy nhiên phong cách Việt Nam được phát huy triệt để thế mạnh mang tính bản địa và bảo lưu phong cách riêng thống nhất theo thời gian.

Phong cách Tam quan

Tam quan mở ra hướng vào chùa, mở ra con đường tiếp nhận đến với Phật giáo. Kiểu dáng Tam quan tùy thuộc vào vị thế địa lí, kinh tế vùng miền, ngôi chùa có sự ảnh hưởng tới văn hóa cộng đồng như thế nào thì xây dựng chùa chiền nói chung và Tam quan nói riêng có những mức độ quy mô khác nhau.

Lịch trình kiến trúc Tam quan chùa Việt Nam cho thấy sự thích ứng trong từng điều kiện nhất định với kiểu thức Tam quan. Trong từng điều kiện kinh tế xã hội nhất định và từng thời đại, Tam quan chùa Việt đã hình thành. Trước tiên là Tam quan gỗ, từ kiểu thức đơn giản nhất là cái cổng để đi lại cho thuận tiện, khoanh vùng cho ngôi chùa, dần dần chuẩn hóa theo kiểu thức cung đình với cấu kiện kiến trúc, chồng giường, diêm tầng lớp mái... Theo phong cách kiến trúc các Tam quan cổ còn lại tới ngày nay trong các chùa Việt là các Tam quan gỗ, kiểu thức như Tam quan chùa Kim Liên, chùa Chân Tiên - Hà Nội.

Tam quan bao giờ cũng trước chùa, theo một trục thẳng vào chính điện, cho nên nhiều chùa không mở cửa Tam quan mà có cửa riêng, khi đó Tam quan chỉ là cửa tượng trưng và những dịp lễ hội, tế tự mới mở ra. Nhưng cũng không ít trường hợp Tam quan chỉ là cửa cho hợp thức về bố cục kết cấu kiến trúc Phật giáo. Nhiều chùa, do diện tích bị thu hẹp, đường đi không thuận tiện theo hướng Tam quan, theo hướng chính mặt tiền của chùa, cho nên cửa vào chùa lại theo một đường thích hợp và thuận tiện cho giao thông. Lại nhiều chùa không có Tam quan như chùa Thầy, hoặc Tam quan ngoài Tam quan trong, hay kiểu dáng Tam quan riêng với lầu chuông như chùa Bút Tháp v.v... cho thấy sự đa dạng trong tổng thể quy mô kiến trúc ngôi chùa mà Tam quan là thành phần có hoặc không.

Thông thường trên chính giữa cổng Tam quan là biển ngạch. Biển ngạch này thường ghi tên chữ ngôi chùa, như: Kim Liên tự, Thiên Thai tự, Báo Quốc tự, Trấn Quốc tự,... Đồng thời hai bên có câu đối, tạo nên sự trang nghiêm cổ kính và hàm ý văn hóa Phật giáo hướng thiện cho người bước vào Tam quan.

Ngoài ra một số cổng chùa - Tam quan còn được đắp tượng thần Hộ pháp uy nghi ngoài cửa, để ngăn cản tà quái, xâm nhập không tốt tới chốn thanh tịnh thiền môn. Hai vị Hộ pháp này được phát sinh trong quá trình Hán hóa, bởi họ được tạo nên trên cơ sở truyền thuyết dân gian cũng như thần quái trong tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa được viết dưới triều Nguyên Minh (Trung Quốc). Hai vị thần đó đều là tướng của vua Trụ nhà Thương, đánh chống lại vua Vũ Vương nhà Chu, sau đều thất bại. Vị thứ nhất là Trịnh Luân, đắc đạo tiên mà có pháp thuật, thở từ mũi ra hai luồng khí sáng hớp hồn người khác cho nên thường được gọi là Hanh tướng. Vị thứ hai là Cáp tướng, tên gọi là Trần Kì bởi vì có pháp thuật chứa không khí trong bụng, khi thở ra khí màu vàng làm cho người nhìn thấy hồn phách siêu tán.

Như vậy, Tam quan chùa Việt Nam kiểu thức phong phú. Ngày nay chúng ta đi nhiều chùa, bước vào Tam quan, sẽ cảm nhận sự tương hợp giữa các cổng chùa với nhau, như một chỉnh thể về phong cách.

Kết luận

Hệ thống chùa chiền ở nước ta rất nhiều, những cảm nhận ban đầu về Tam quan trong tổng thể kiến trúc ngôi chùa phần nào gợi mở cách lí giải và định hướng nghiên cứu về kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Ngôi chùa Việt Nam ngày nay vẫn tồn tại Tam quan như một minh chứng cho sự phát triển của lịch sử tất yếu và nội hàm triết thuyết Phật giáo. Điều này cơ bản đúng trên bình diện nghiên cứu lịch trình của Tam quan cũng như sự tương thích về kiến trúc và môi trường địa lí văn hóa tạo cơ sở cho sự phát triển của tôn giáo mà con đường cứu cánh vẫn là hướng con người vượt qua cái bất thiện để đến với cái lương thiện, cái tốt đẹp hơn.

Tham khảo và chú thích:

1. Thích Thanh Kiểm: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, 2001.

2. Trần Trọng Kim: Phật lục, Nxb. Đà Nẵng, 3-2002.

3. Mã Thư Điền: Trung Quốc Phật giáo chư thần, Đoàn kết xuất bản xã.

4. Trung Quốc kiến trúc nghệ thuật sử, Văn vật xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999.

5. Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, H. 1996.

6. Đinh Phúc Bảo: Phật học đại từ điển, Thượng Hải thư điếm xuất bản, 1991.

Cùng một số thác bản văn bia lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.616-628)

In