KÍNH CHÀO BẠN ĐỌC

 

Di sản Hán Nôm gồm những thư tịch và tài liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, là kho văn hoá thành văn to lớn và phong phú nhất của nước ta trước khi có các văn bản ghi bằng chữ La-tinh. Bảo tồn lâu dài và khai thác có hiệu quả kho di sản văn hoá này, là để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ trên, năm 1970 Ban Hán Nôm thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập. Ban đã quy tụ nhiều nhà hoạt động cách mạng lão thành và có kiến thức Hán Nôm uyên bác, như: Phạm Thiều, Thạch Can, Cao Xuân Huy, Hoa Bằng, Đào Phương Bình, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Đổng Chi, v.v., cùng các cộng tác viên như Trần Duy Vôn, Lê Duy Chưởng, Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Văn Lãng, Lê Xuân Hoà, v.v.. Ban đã tổ chức nghiên cứu và phiên dịch các tài liệu Hán Nôm trong 9 năm (1970-1979).

Ngày 13-9-1979, Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thành lập trên cơ sở Ban Hán Nôm, theo quyết định số 326/CP của Hội đồng Chính phủ và được tái khẳng định thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia trong Nghị định số 23/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ. Đây là một cơ quan duy nhất ở Việt Nam vừa là Trung tâm bảo tồn các nguyên bản chữ Hán và chữ Nôm, vừ là Trung tâm khai thác các tư liệu chữ Hán và chữ Nôm.

Nhiệm vụ cụ thể của Viện Nghiên cứu Hán Nôm là:

1/ Về bảo tồn, nghiên cứu khai thác các tư liệu Hán Nôm và đào tạo cán bộ nghiên cứu Hán Nôm được xác định:

- Bảo tồn và giám định các nguyên bản chữ Hán chữ Nôm, sao các bản gốc thành nhiều bản để sử dụng hoặc cung cấp cho các thư viện và các cơ quan có nhu cầu;

-Tổ chức biên dịch (gồm cả chú giải) và chính thức công bố các tư liệu chữ Hán chữ Nôm, duyệt lại các bản dịch Hán Nôm đã được công bố;

- Nghiên cứu văn bản học, biên soạn những sách công cụ cần thiết cho công tác biên dịch và nghiên cứu tư liệu chữ Hán chữ Nôm;

- Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm.

2/ Về công tác sưu tầm và bảo quản tư liệu chữ Hán và chữ Nôm, Viện được Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam giao các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Tiến hành điều tra, thu thập các văn bản Hán Nôm và các tư liệu liên quan ở Việt Nam và ở nước ngoài, nhằm thống nhất quản lý thư tịch và tài liệu Hán Nôm trong phạm vi cả nước.

- Hệ thống hoá và gìn giữ các văn bản chữ Hán, chữ Nôm và các tư liệu liên quan hiện còn và sưu tầm được, đảm bảo kỹ thuật bảo tàng và kỹ thuật thư viện, nhằm lưu giữu và cho nhân bản để phục vụ cho công tác nghiên cứu trước mắt và lâu dài.

3/- Về công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu Hán Nôm, Viện được giao nhiện vụ đào tạo nghiên cứu sinh và cao học trong nước:

- Năm 1994, Viện được giao nhiệm vụ là cơ sở đào tạo tiến sĩ.

- Năm 1996, Viện được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ.

Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã triển khai hoạt động trên các mặt công tác và thu được những thành tựu nhất định, đáp ứng những yêu cầu mà Nhà nước giáo phó.

Trịnh Khắc Mạnh

Viện trưởng

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

...............................................................................................

Sơ đồ Tổ chức của Viện

..............................................................................................

Cơ cấu tổ chức của viện

.............................................................................................

Tin tức hoạt động

* Hội Nghị công tác viên Tạp chí Hán Nôm

Ngày 17 tháng 1 năm 2006 Tạp chí Hán Nôm tổ chức Hội nghị cộng tác viên đầu năm để sơ kết công tác Tạp chí trong năm 2005 và xây dựng phương hướng công tác trong năm 2006, cũng như định hướng cho sự phát triển của Tạp chí trong các năm tiếp theo. Về dự Hội nghị, có gần 100 cộng tác viên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hội nghị đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến rất có giá trị, nhằm xây dựng Tạp chí Hán Nôm ngày càng tốt hơn về nội dung và hình thức, xứng đáng là tạp khoa học của ngành. Tạp chí Hán Nôm sẽ cố gắng thực hiện tốt phương hướng nhiệm vụ của mình. Tạp chí Hán Nôm tin tưởng rằng, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ tích cực của các nhà nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, của các cộng tác viên trong cả nước, của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và của Bộ Văn hoá Thông tin.

* Hội Nghị Thông báo hán Nôm học năm 2005

Ngày 20 tháng 1 năm 2006, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (số 183, Đặng Tiến Đông, Hà Nội), đã diễn ra Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2005 của ngành Hán Nôm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì. Ban tổ chức Hội nghị nhận được 109 bài tham luận của 114 tác giả. Các báo cáo gửi đến Hội nghị tập trung thông báo những phát hiện mới các tư liệu Hán Nôm hiện còn nằm rải rác ở các địa phương và trong các kho tư liệu trong cả nước, thông tin những kết quả nghiên cứu lý luận bổ sung những kiến thức cơ bản của ngành, giới thiệu kết quả xã hội hoá di sản Hán Nôm, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức tạo nên bầu không khí học thuật sôi nổi, vấn đề Hán Nôm trong nhà trường và thưởng thức Hán Nôm, v.v.. Với tư cách là cơ quan chủ trì Hội nghị Thông báo Hán Nôm học hàng năm, Viện Nghiên cưú Hán Nôm tin tưởng rằng ngành Hán Nôm học ngày càng phát triển.

* Hội thảo Khoa học về mối quan hệ của tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam và Hàn Quốc

Tại Hà Nội, ngày 18-19/2/2006 đã diễn ra Hội thảo khoa học về mối quan hệ của tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam và Hàn Quốc, tham gia Hội thảo có 60 nhà khoa học của Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. 20 tham luận khoa học đã được trình này tại Hội thảo. Đáng chú ý là các tham luận: Tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc thế kỷ XV-XVI của GS. Cha Yong Ju, Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam thế kỷ XV-XVI của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na, Tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc thế kỷ XVII-XIX của GS. Lee Su Bong, Tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam thế kỷ XVII-XIX của PGS. Trần Nghĩa, và các tham luận của GS. Trần ích Nguyên, GS. Kim Kwang Soon, GS.TS. Jeo Hye Kyung, v.v.. Hội thảo đã thảo luận về đặc trưng thể loại tiểu thuyết chữ Hán của mỗi nước (Hàn Quốc, Việt Nam), thể hiện tài năng văn chương trong truyền thống văn hoá dân tộc của mỗi nước và những nét tương đồng về mối quan hệ phát triển thể loại tiểu thuyết trong khu vực đồng văn.

..............................................................................................

 

 

 

 

 

Hội thảo khoa học

Viện đã tổ chức các hội thảo khoa học nhằm thu hút các chuyên gia Hán Nôm trong nước và quốc tế tham gia về phương hướng phát triển của Viện nói riêng và của ngành Hán Nôm học Việt Nam nói chung. Một số hội thảo được coi như những mốc quan trọng trong sự phát triển của Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

- Hội thảo về Thư tịch cổ và nhiệm vụ mới (1979), đặt ra những phương hướng, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài về công tác sưu tầm, bảo quản, biên dịch, nghiên cứu khai thác, công bố giới thiệu di sản Hán Nôm và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm cho ngành Hán Nôm học Việt Nam; nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra.

- Hội thảo về Dịch thuật (1981), nêu lên những vấn đề quan trọng về công tác phiên âm và dịch nghĩa các tác phẩm Hán Nôm, làm sao các tác phẩm Hán Nôm khi dịch ra tiếng Việt hiện đại phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản: tín, đạt, nhã. Hội thảo đã thống nhất cách đặt vấn đề là: dịch từ Hán sang Việt phải được coi là một khoa học và một nghệ thuật, nhằm chuyển tải những thông tin chính xác từ các văn bản viết bằng chữ Hán và chữ Nôm do ông cha ta để lại cho thế hệ người Việt Nam hôm nay.

- Hội thảo về Văn bản học Hán Nôm (1982), nhận xét về tình hình, đặc điểm các văn bản Hán Nôm và nhiệm vụ cần thiết của công tác văn bản học Hán Nôm hiện nay; đánh giá khái quát quá trình phát triển của các văn bản và của công tác văn bản học Hán Nôm; xác định mối quan hệ giữa văn bản học và sử liệu học; những yêu cầu khoa học đối với việc khảo dị, hiệu đính khôi phục văn bản và công bố văn bản Hán Nôm. Hội nghị đã cố gắng góp phần xây dựng lý luận và giải quyết những vấn đề thực tiễn của công tác văn bản học Hán Nôm.

- Hội thảo về Sưu tầm bảo quản thư tịch và tài liệu Hán Nôm (1983), đặt ra những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho công tác sưu tầm, bảo quản các tư liệu Hán Nôm hiện còn. Về công tác sưu tầm, hội nghị đề xuất cần có một kế hoạch tổng thể và xác định những địa bàn trọng điểm để sớm triển khai công tác sưu tầm một cách có hiệu quả. Về công tác bảo quản, hội nghị nêu lên những nhiệm vụ cần tập trung giải quyết, như sắp xếp phân loại, phục chế tu bổ, bảo quản thật tốt các tài liệu Hán Nôm hiện có.

- Hội thảo về Chữ Nôm (1985), đề cập một cách khái quát tình trạng các văn bản Nôm và kinh nghiệm giải mã một số tác phẩm Nôm nổi tiếng, trên cơ sở đó đã cung cấp những vấn đề lý luận cho việc nghiên cứu chữ Nôm và việc giải mã các văn bản Nôm. Đặc biệt là việc nghiên cứu chữ Nôm và văn bản Nôm của các dân tộc ít người (Tày, Nùng, v.v.).

- Hội thảo Hán Nôm trong đổi mới (1991), gợi mở nhiều hướng phát triển mới cho hoạt động nghiên cứu Hán Nôm như gắn liền nghiên cứu chuyên môn Hán Nôm với thực tiễn xã hội hiện nay, áp dụng những phương tiện kỹ thuật tiến bộ vào việc quản lý và giải mã các tư liệu Hán Nôm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (đặc biệt là đào tạo Sau đại học), mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế v.v.

- Từ năm 1996 đến nay, hàng năm Viện tổ chức Hội nghị Thông báo Hán Nôm học và in Kỷ yếu Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho giới nghiên cứu công bố những kết quả sưu tầm, phát hiện và nghiên cứu mới nhất về Hán Nôm học ở Việt Nam và thế giới.

- Năm 2004, Viện đã kết hợp với Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo quốc tế về nghiên cứu chữ Nôm với chủ đề: Chữ Nôm - Quá khứ - Hiện tại - Tương lai. Hội thảo đã thu hút 150 học giả thuộc các nước và khu vực, như: Hoa Kỳ, Canađa, Pháp, Việt Nam.

- Năm 2004, Viện đã kết hợp với Harward Yenching (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo quốc tế về Nho giáo, trong đó tập trung nghiên cứu và giới thiệu giá trị của di sản Hán Nôm đối với Nho giáo Việt Nam. Hội thảo đã thu hút 100 học giả thuộc các nước và khu vực, như: Hoa Kỳ, Singapor, Pháp, Việt Nam và Đài Loan.

.............................................................................................

nghiên cứu khoa học

Nhận thức được giá trị lớn lao của kho sách Hán Nôm và ý nghĩa của ngành Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian qua đã hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào các vấn đề sau:

1- Để góp phần xây dựng cơ sở lý luận khoa học cho ngành Hán Nôm, vạch ra những định hướng phát triển trong từng thời kỳ, Viện đã tập trung biên soạn những công trình mang tính chất cơ sở lý luận khoa học và tổng kết những thành tựu chung của ngành Hán Nôm học Việt Nam. Hướng việc nghiên cứu khoa học chuyên ngành nhằm giới thiệu tinh hoa văn hoá dân tộc, những tri thức khoa học của ông cha trải hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong thời gian qua, Viện đã biên soạn một số công trình, có thể kể như: Thư tịch cổ nhiệm vụ mới (Nguyễn Đổng Chi chủ trì), Dịch từ Hán sang Việt một khoa học một nghệ thuật (tập thể), Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm (tập thể), Lịch sử thư tịch Việt Nam (Nguyễn Văn Bên chủ biên), Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các đời (Ngô Đức Thọ), Hồ Xuân Hương-Tiểu sử văn bản, Tiến trình huyền thoại dân gian hoá (Đào Thái Tôn), Những vấn đề văn bản Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi (Nguyễn Văn Nguyên), Nghiên cứu văn bản học Đăng khoa lục Việt Nam (Nguyễn Thuý Nga), Văn học chữ Hán trước thế kỷ X (Trần Nghĩa), Viện Nghiên cứu Hán Nôm - 30 năm xây dựng và phát triển (Trịnh Khắc Mạnh chủ trì), Ngữ văn Hán Nôm gồm 4 tập (Trần Lê Sáng chủ biên), Nhìn lại Hán Nôm học Việt Nam thế kỷ XX (Trịnh Khắc Mạnh và Trần Nghĩa chủ trì), ấn chương Việt Nam (Nguyễn Công Việt), v.v..

2- Nghiên cứu về văn tự, đặc biệt là chữ Nôm - loại chữ do ông cha ta sáng tạo ra, góp phần nghiên cứu lịch sử chữ viết và tiếng Việt. Chữ Nôm Việt là một sáng tạo rất có ý nghĩa về văn hoá của ông cha ta. Chữ Nôm ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng của nền văn hoá dân tộc trên con đường độc lập tự chủ. Công tác nghiên cứu về văn tự mà nổi trội là nghiên cứu về chữ Nôm của Viện trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. ở đây chúng tôi xin nêu hai vấn đề cơ bản sau:

+/ Nghiên cứu về văn tự, về chữ Nôm Việt; các công trình của Viện đã tập trung nghiên cứu về âm tiết và loại hình ngôn ngữ, khảo sát quá trình hình thành và phát triển chữ Nôm, cùng kết cấu nội tại của chữ Nôm, cách đọc chữ Nôm, mối quan hệ giữa chữ Nôm và tiếng Việt. Về lĩnh vực nghiên cứu văn tự và chữ Nôm, Viện đã tổ chức biên soạn các công trình, như: Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (Nguyễn Quang Hồng), Nghiên cứu chữ Nôm Tày (Cung Văn Lược), Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt (Nguyễn Tá Nhí), Các Phương thức biểu ý trong cấu trúc chữ Nôm Việt (Lã Minh Hằng), Mối tương quan giữa âm Hán Việt và âm Nôm trong cách đọc chữ Nôm (Trương Đức Quả), Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Hoàng Thị Ngọ), Chữ Nôm và tiếng Việt qua văn bản Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Thị Lâm), Truyền kì mạn lục-Nghiên cứu văn bản và vấn đề dịch Nôm (Hoàng Hồng Cẩm),v.v..

+/ Về việc phiên âm các văn bản Nôm, Viện đã tập trung phiên âm các tác phẩm có giá trị văn chương, nhằm cung cấp một cách nhìn toàn diện về văn học Việt Nam thời trung đại, có thể kể như: Quốc âm thi tập (Cao Hữu Lạng), Hồng Đức quốc âm thi tập (tập thể), Ngọc kiều lê (Kiều Thu Hoạch), Thiên Nam minh giám (Hoàng Thị Ngọ), Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Thị Lâm), Lục Vân Tiên (Trần Nghĩa), Truyện Kiều (Đào Thái Tôn), Di văn chùa Dâu (Nguyễn Quang Hồng chủ biên), Thơ Nôm Hàn luật (Nguyễn Tá Nhí chủ biên), v.v.

+/ Tham gia xây dựng bảng mã chữ Nôm và đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế IRG/ISO, tổng số chữ Nôm Việt đã đưa vào kho chữ chung hiện nay là 9299 chữ, trong đó số chữ Nôm không trùng hình với chữ của các nước trong khu vực khoảng 4200 chữ. Tiếp tục sưu tầm và vẽ chữ Nôm để đưa vào bảng mã chuẩn quốc tế (gồm chữ Nôm Việt và chữ Nôm Tày), kế hoạch sẽ đưa thêm khoảng hơn 2.000 chữ mới.

3- Biên soạn những bộ sách công cụ, nhằm góp phần tạo nên những phương tiện tra cứu khi tiếp cận di sản Hán Nôm cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói chung và nghiên cứu Hán Nôm nói riêng. Việc biên soạn các sách công cụ phản ánh kết quả nghiên cứu và trình độ trưởng thành về khoa học, trong thời gian qua Viện đã tập trung biên soạn một số loại sách công cụ về chữ Hán, chữ Nôm, về địa danh, về sách thư mục, về các tác gia Hán Nôm, về những người đỗ đạt, v.v., có thể kể như: Từ điển chữ Nôm (Nguyễn Quang Hồng chủ biên), Từ điển chữ Nôm Tày (Viện phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu chữ Nôm Tày ở Cao Bằng), Từ điển Hán Việt (Phan Văn Các chủ biên), Từ thường dùng trong Hán văn cổ (Phan Văn Các), Đối chiếu chữ Hán thể triện, thảo, khải (Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên), Tên làng xã Việt Nam (Dương Thị The - Phạm Thị Thoa), Bảng tra thần tích theo làng xã (Nguyễn Thị Phượng chủ biên), Di tích lịch sử văn hoá Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam (Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi), Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu gồm 3 tập (Trần Nghĩa chủ biên), Thư mục Hán Nôm - mục lục tác giả (Dương Thái Minh), Thư Mục Văn bia (Hoàng Lê chủ biên), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Nguyễn Quang Hồng chủ biên), Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh), v.v.

4- Tiến hành khai thác và biên dịch những bộ tùng thư theo chuyên đề, nhằm xã hội hoá ngày càng nhiều các tư liệu Hán Nôm, giúp cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay hiểu được giá trị đích thực của văn hoá truyền thống trong lịch sử. Một số bộ tùng thư mà Viện đã triển khai trong thời gian quan, có thể kể như: Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam gồm 4 tập (Trần Nghĩa chủ biên), Thư tịch Hán Nôm về nghề nông cổ truyền (tập thể), Phụ nữ Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm (Đỗ Thị Hảo chủ biên), Thơ đi sứ (tập thể), Tổng tập văn khắc Hán Nôm Việt Nam 3 tập (tập thể), Văn bia thời Mạc (Đinh Khắc Thuân), Văn bia Hà Nội (tập thể), Bia Văn miếu Hà Nội (Ngô Đức Thọ chủ biên), Tục lệ Lạng Sơn (Hoàng Giáp chủ biên), Văn bản thần tích Thái Bình (Mai Hồng), Các văn pháp luật Việt Nam thời phong kiến (Nguyễn Ngọc Nhuận chủ biên), Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam (Trịnh Khắc Mạnh), Thư tịch gia phả (Nguyễn Hữu Tưởng), Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam 36 tập (tập thể),v.v.

5- Tiến hành biên dịch và giới thiệu các tác gia Hán Nôm ưu tú và các tác phẩm Hán Nôm có giá trị trong chiều dài lịch sử văn hoá Việt Nam.

Trong những năm qua, Viện đã triển khai các hệ thống đề tài nghiên cứu giới thiệu tác gia, tác phẩm Hán Nôm, phần nào đáp ứng những thông tin thời sự, cập nhật của chuyên ngành Hán Nôm; việc làm này, không chỉ đối với các tác gia Hán Nôm nổi tiếng, mà kể cả các tác gia khác. Viện đã biên dịch và giới thiệu một số tác gia, tác phẩm, có thể kể như: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, của Ngô Thì Nhậm (Hà Thúc Minh), Thơ văn Phan Huy ích gồm 3 tập (Nguyễn Ngọc Nhuận giới thiệu), Thơ văn Nguyễn Trãi (Nguyễn Đổng Chi chủ biên), Đại Việt sử ký tục biên (Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng), Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn (Nguyễn Tuấn Lương chủ biên), Thơ văn Ninh Tốn (Hoàng Lê chủ biên), Thơ văn Lê Thánh Tông (Mai Xuân Hải chủ biên), Lê quý dật sử (Phạm Văn Thắm), Trùng san Lam Sơn thực lục (Trần Nghĩa), Thơ văn Nguyễn Cao (Phan Văn Các), Hội Tao đàn (Nguyễn Văn Bến chủ biên), Nghệ An ký (Nguyễn Thị Thảo), Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông (Mai Xuân Hải chủ biên), Thơ văn Nguyễn Đề (Nguyễn Thị Phượng chủ biên), Lịch triều tạp kỷ (Hoàng Văn Lâu), Diệu Liên thi tập (Đỗ Thị Hảo) ứng Khê thi văn tập (Nguyễn Thị Oanh), Đại Việt sử ký tiền biên (Lê Văn Bảy, Phạm Thị Thoa, Dương Thị The), Ô châu cận lục (Trịnh Khắc Mạnh - Nguyễn Văn Nguyên), Phạm Đình Hổ tuyển tập thơ văn (Trần Kim Anh), Hồ Xuân Hương (Đào Thái Tôn), Cổ duệ từ (Phan Văn Các), Minh Mệnh chiếu dụ (Trần Văn Quyền), Đặng gia thế phả (Trần Lê Sáng, Nguyễn Huy Thức, Nguyễn Hữu Tưởng), Cổ tâm bách vịnh (Mai Xuân Hải), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Quang Hồng), Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Thị Lâm), Đoạn trường lục (Phan Văn Các), Diệu Liên thi tập (Đỗ Thị Hảo),Việt sử cương mục tiết yếu (Hoàng Văn Lâu), v.v..

6- Ngoài ra, còn có thể kể tới hàng chục công trình khác trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới Hán Nôm đã được công bố, do sự nỗ lực và năng động của cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong mối quan hệ hợp tác với các cơ quan và các địa phương trong cả nước, như Tây Dương Gia Tô bí lục, Lượn Cọi, Truyện Thạch Sanh, Dương Từ - Hà Mậu, Phạm Thận Duật, cuộc đời và tác phẩm, Quốc triều hương khoa lục, Làng Đại Bái gò đồng, Văn Lãng huyện biên giới, Đền bà Chúa kho, Văn bia Lạng Sơn, Văn bia Hà Tây, Hương ước cổ Hà Tây, Việt âm thi tập, Những điển tích Phật giáo kì thú, Từ điển Chu dịch, Nhật Bản linh dị ký, Đường thơ một thuở, Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù, Hà Nội làng phố làng nghề, Truyện Kiều nghiên cứu văn bản và thảo luận, Lý luận văn học cổ Trung Quốc, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Người Hà Tây trong làng khoa bảng, Một thế kỷ sưu tầm văn hoá dân gian và nhiều sách tái bản khác, v.v.

..................................................................................................

Điều tra sưu tầm tư liệu Hán Nôm

Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm luôn luôn là điều trăn trở không riêng của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà của toàn xã hội. ý thức sâu sắc về trách nhiệm phải đảm đương trước tổ tiên, cha ông và con cháu muôn đời mai sau, Viện đã tổ chức nhiều chuyến đi về các địa phương để mua sách và làm bản dập bia, chuông, khánh, biển gỗ, v.v. Trong nhiều năm qua, Viện đã triển khai thực hiện Dự án Điều tra sưu tầm tư liệu Hán Nôm trên các mặt công tác như:

- Xác định địa bàn trọng điểm để triển khai thực hiện công tác điều tra sưu tầm tư liệu Hán Nôm.

- Lập phiếu điều tra tình trạng di tích và tiến hành điều tra thu thập tư liệu Hán Nôm hiện còn ở các di tích tại các địa phương trong phạm vi toàn quốc và đưa ra những phương án thích hợp để quản lí, thu thập nguồn tư liệu này.

- Sao chép các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm gắn với các di tích như hoành phi, câu đối, bài vị, v.v..

- In dập trên giấy dó nguyên dạng văn khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ, khánh, bệ đá, cột mốc, ngai thờ v.v.

- Thu thập tư liệu Hán Nôm với các hình thức: mua, trao đổi, photocopy để đưa về kho lưu trữ của Viện.

Đến nay, Viện hoàn thành cơ bản việc điều tra và sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Nhiều tư liệu Hán Nôm quí hiếm đã bổ sung cho kho sách của Viện, như các tập thơ văn viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, sách chữ Nôm Tày - Nùng, sách chữ Thái cổ và văn khắc Hán Nôm thời Lý - Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn ở các địa phương trong toàn quốc, v.v.. Hiện nay Viện đang phân loại và lập thư mục giới thiệu toàn bộ các tư liệu Hán Nôm đã sưu tầm được trong thời gian qua đồng thời triển khai nghiên cứu, công bố những tác phẩm Hán Nôm có giá trị.

...............................................................................................

 

 

 

 

Bảo quản tư liệu Hán Nôm

Với tinh thần trách nhiệm cao, trong nhiều năm qua, công tác bảo quản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã làm được khá nhiều việc, xin nêu cụ thể như sau:

- Tiến hành sao chụp, nhân thành 3 bản các sách Hán Nôm để phân tán ở các kho khác nhau và tiến tới phục vụ bạn đọc bằng bản photocopy, còn bản gốc đưa vào kho lưu giữ theo chế độ bảo tàng.

- Lập các phiếu quản lý sách Hán Nôm và thác bản văn khắc Hán Nôm, nhằm nêu lên những đặc điểm về nội dung và hình thức của sách, để kiến nghị những biện pháp bảo quản và triển khai nghiên cứu khai thác một cách hữu hiệu nhất.

- Tiến hành bồi vá, tu bổ, phục chế các sách Hán Nôm và thác bản văn khắc Hán Nôm bị rách nát, hư hỏng.

- Làm hộp bảo quản sách Hán Nôm, bởi vì các sách Hán Nôm làm bằng chất liệu giấy dó nên sách rất mềm và khi đưa dựng lên giá sách không đứng được. Do vậy việc làm các hộp bảo quản là rất có tác dụng đối với các sách Hán Nôm.

- Tổ chức và cử cán bộ theo học nhiều lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bảo quản do chuyên gia Mỹ, Nhật hướng dẫn. Hiện nay cán bộ của Phòng Bảo quản đã tiếp thu được khá nhiều kiến thức về nghiệp vụ bảo quản tài liệu cổ và đã vận dụng vào công tác bảo quản, tu bổ, bồi vá các tài liệu Hán Nôm.

......................................... ............................................................

thư viện

Từ một vốn liếng ban đầu còn rất nghèo nàn với vài chục đầu sách, đến nay Thư viện của Viện đã có một phông sách khá phong phú, gồm các nước Việt, Trung, Anh, Pháp, Nga và hàng ngàn cuốn tạp chí các loại.

Từng bước hiện đại hoá thư viện theo theo chuẩn khu vực và quốc tế.

Hàng năm Thư viện phục vụ hàng ngàn độc giả trong nước và quốc tế.

...............................................................................................

Công tác thông tin (CSDL)

Viện đã được triển khai phục vụ công tác tra cứu dữ liệu Hán Nôm nhằm mục đích khai thác nghiên cứu di sản Hán Nôm và giao lưu văn hoá với bên ngoài. Phục vụ công tác thống kê, phân loại, góp phần quản lý và khai thác nguồn thông tin Hán Nôm một cách hiệu quả.

Trong những năm qua Viện đã xây dựng phương án ghi lưu kho tư liệu Hán Nôm trên các phương tiện mang tin điện tử hiện đại (CD, DVD...) như đĩa compact, đĩa số v.v. nhằm phát huy tính ưu việt về độ an toàn, hiệu quả, chính xác, dễ bảo quản, dễ truy cập của phương tiện này. Thiết kế và xây dựng hệ CSDL Hán Nôm và tiếng Việt, bao gồm các thông tin văn bản, bản đồ, hình ảnh v.v. dựa trên biện pháp kỹ thuật tin học hiện đại.

Xây dựng mạng (LAN) phục vụ việc tìm tin theo một qui trình tự động hoá khi phục vụ độc giả, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khai thác tư liệu.

.................................................................................................

Tạp chí Hán Nôm

Tạp chí Hán Nôm ra đời trên cơ sở Tập san Nghiên cứu Hán Nôm từ năm 1984, nhằm giới thiệu những kết quả mới nhất của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng cộng tác viên của Viện trên các lĩnh vực sưu tầm, gìn giữ, nghiên cứu khai thác thư tịch, tài liệu Hán Nôm do ông cha để lại. Đến giữa năm 1986, Tập san được nâng lên thành loại ấn phẩm định kỳ, tức Tạp chí Hán Nôm với mỗi năm ra 2 số.

Đến năm 1993, để phục vụ độc giả kịp thời hơn, Tạp chí đã tăng kỳ xuất bản lên gấp đôi, mỗi năm ra 4 số.

Từ năm 2002, Tạp chí tiếp tục tăng kỳ xuất bản, mỗi năm ra 6 số.

Tạp chí Hán Nôm trong thời gian qua đặt mình trong xu hướng phát triển của thời đại và của đất nước, bắt nhịp được hơi thở của đời sống văn hoá xã hội và sự phát triển của khoa học và nhân văn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức Hán Nôm, làm chỗ dựa tin cậy của đông đảo người Việt Nam hôm nay và mai sau khi tìm về văn hoá thành văn truyền thống của dân tộc.

Tạp chí Hán Nôm là tạp chí khoa học chuyên ngành nằm trong khoa học xã hội và nhân văn, là diễn đàn của chuyên ngành Hán Nôm học Việt Nam, trong thời gian qua đã xác định rõ hơn phương hướng phát triển trên 3 vấn đề chủ yếu sau đây: tính khoa học, tính cập nhật và tính xã hội.

.............................................................................................

Đào tạo cán bộ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tập trung nhiệm vụ nâng cao và bồi dưỡng trình độ chuyên môn sâu cho cán bộ, như tổ chức các lớp: Lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Nho giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, Tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam, Kinh nghiệm dịch từ Hán sang Việt, Nghiên cứu về chữ Nôm, Thư pháp, Nghiên cứu văn bản học, Ngữ văn học Hán Nôm, Chữ Nôm Tày - Nùng và các khoá bồi dưỡng khác, v.v.

Viện đã hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo sau đại học, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Nhiều tiến sĩ và thạc sĩ đã bảo vệ thành công luận án tại Viện với chất lượng xuất sắc, được dư luận đánh giá cao.

.......................................................................................................

Hợp tác quốc tế

Quá trình xây dựng và pháp triển Viện Nghiên cứu Hán Nôm gắn liền với việc củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các ngành, địa phương, cơ quan, trường đại học trong nước và quốc tế. Viện đã hợp tác với một số viện nghiên cứu và các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo cán bộ có trình độ đại học và sau đại học.

Trong nước, như: với Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, Viện Sử học v.v. thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia; với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội v.v. thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài nước, như: Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây), Trường Đại học Tổng hợp Tokyô, Ôsaka (Nhật Bản), Học viện Viễn Đông Bác cổ và Trường Cao học Khoa học xã hội (Cộng hoà Pháp), Harward Yengching (Hoa Kỳ) và một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, v.v.

Việc mở rộng mối quan hệ với các ngành, các địa phương là nguyên tắc nhất quán từ trước tới nay của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Viện đã tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị với các địa phương, như Lạng Sơn, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Bình Định v.v. Những công trình thắm đượm tình nghĩa giữa Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các đơn vị bạn đã lần lượt ra mắt bạn đọc.