Hôm nay ngày 19 tháng 4 năm 2024
 

Hà Nội, Ngày20 tháng02năm 2007

THƯ MỜI

THAM GIA HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ NHO GIÁO

Kính gửi:...................................................................

Để đánh dấu một bước phát triển mới về phương pháp nghiên cứu tư tưởng Nho gia ở Việt Nam, đồng thời tập trung nghiên cứu khai thác giá trị của tư liệu Hán Nôm liên quan đến Nho giáo ở Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành (tư tưởng triết học, văn hóa, văn học, lịch sử, tôn giáo, dân tộc, v.v..), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam), cùng với Viện Harvard-Yenching (Hoa Kỳ) đồng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam từ hướng tiếp cận liên ngành.

Hội thảo lần này mang tính quốc tế và tính liên ngành cao, với sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tạo ra những hướng tiếp cận mới và đa dạng trong nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra một không khí đối thoại khoa học thực sự giữa các học giả Việt Nam và nước ngoài.

Nội dung chính của Hội thảo

Ban tổ chức dự kiến gồm 4 chủ đề chính như sau:

I/ TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA NHO GIÁO Ở VIỆT NAM

Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện tàng trữ khá nhiều sách về Nho giáo, trong đó có Tứ thư, Ngũ kinh... cùng không ít tác phẩm của các nhà Nho Việt Nam qua các đời. Đây là nguồn tư liệu quan trọng giúp chúng ta tìm hiểu về tiến trình lịch sử của Nho giáo ở Việt Nam

Có 3 phương án lựa chọn:

1. Tư tưởng Nho giáo Trung Quốc được tiếp nhận, vận dụng (cả hệ thống hoặc bộ phận) một cách trung thành, nguyên xi, cập nhật ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Trong trường hợp này, tiến trình lịch sử của Nho giáo ở Việt Nam cũng chính là tiến trình lịch sử của Nho giáo Trung Quốc hoặc một phần của tiến trình đó (chẳng hạn: Nho giáo nguyên thuỷ đời Tiên Tần; Nho giáo nhuốm màu sắc thần học đời Lưỡng Hán; Lý học Tống Minh ; Nho giáo mới hiện nay).

2. Tư tưởng Nho giáo Trung Quốc sau khi truyền vào Việt Nam, đã dần dần được đồng hoá và tiếp biến theo sự chi phối của nền tư tưởng bản địa. Trong trường hợp này, tiến trình lịch sử của Nho giáo Việt Nam không nhất thiết phải trùng khít với tiến trình lịch sử của tư tưởng Nho giáo Trung Quốc. Nói cách khác, Nho giáo Việt Nam có đời sống và diện mạo riêng của nó trong môi trường tư tưởng và hệ quy chiếu đặc thù của bản địa.

3. Có sự đan chen giữa hai phương án trên.

Phương án 1 có thể được khảo sát theo hướng nghiên cứu ảnh hưởng. Phương án 2 và 3 có thể được khảo sát theo hướng nghiên cứu ảnh hưởng kết hợp với nghiên cứu song song, để nêu bật chỗ tương đồng và chỗ dị biệt giữa Nho giáo Việt Nam và Nho giáo cội nguồn của nó, kể cả Nho giáo các nước Đông Bắc Á khác như Triều Tiên, Nhật Bản, v.v...

Nho giáo ở Việt Nam trong tiến trình lịch sử, luôn chịu sự tác động ở chừng mực khác nhau từ phía Phật giáo, Lão giáo, Thiên Chúa giáo, đặc biệt là nền văn hoá dân gian bản địa. Đây cũng là điều cần được làm rõ trong hội thảo để có cái nhìn thật đầy đủ về con đường hình thành và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam.

Tiểu ban mong nhận được những tham luận đi vào các vấn đề nêu trên, hoặc đề xuất những hướng tiếp cận khác, với mục đích làm sáng tỏ một trong các chủ đề mà Hội thảo muốn bàn sâu: Tiến trình lịch sử của Nho giáo ở Việt Nam.

II/ QUÁ TRÌNH LƯU HÀNH VÀ TIẾP NHẬN KINH ĐIỂN NHO GIA Ở VIỆT NAM

Cho đến thời đại ngày nay, xã hội Việt Nam hiện vẫn đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo. Quá trình tiếp nhận Nho giáo Trung Quốc ở Việt Nam đã diễn ra trong một thời gian dài và phức tạp. Trong quá trình đó, một mặt là, các Nho sĩ quan lại Trung Quốc và Nho sĩ quan lại Việt Nam đã tích cực truyền bá tư tưởng Nho giáo trong đời sống nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau; mặt khác, chính tư tưởng Nho giáo phải luôn đấu tranh với các tôn giáo khác, để tự khẳng định mình trong xu thế hỗn dung tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo). Khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị trong đời sống xã hội Việt Nam, các Nho sĩ Việt Nam đã tiếp nhận những yếu tố tích cực của Nho giáo để xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ và nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Một trong những hoạt động của các Nho sĩ Việt Nam trong quá trình truyền bá tư tưởng Nho giáo, là biên soạn các trước tác để phổ biến trong đời sống nhân dân thông qua việc giáo dục và đào tạo các thế hệ Nho học ở Việt Nam.

Các thư tịch viết bằng chữ Hán, chữ Nôm Việt Nam với mục đích truyền bá tư tưởng chính trị và văn hóa Nho giáo ở Việt Nam trước đây hiện còn lưu giữ được với khối lượng khá lớn, có nội dung phong phú và thể loại đa dạng. Căn cứ theo nội dung, các thư tịch này có thể chia làm mấy loại như sau: tài liệu nhập môn, tài liệu gia huấn, tài liệu kinh điển, tài liệu văn chương cử nghiệp.

Các triều đại phong kiến tiếp theo từ thế kỷ X đến những năm đầu của thế kỷ XX, thì các thư tịch về Nho giáo mà đặc biệt là Tứ thưNgũ kinh ngày càng thu hút các nhà nho Việt Nam quan tâm luận giải, như: Chu Văn An,Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Quí Đôn, Phạm Quí Thích, Phan Huy Chú, v.v... Số lượng tác giả ngày càng đông và tác phẩm luận giải ngày càng nhiều. Các thế hệ nhà Nho Việt Nam, với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và thành kính, đã tập trung diễn giải kinh điển Nho gia Trung Quốc, nhất là đối vớiTứ thưNgũ kinh, nên hai bộ sách này đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn hóa giáo dục ở Việt Nam. Nhiều tác phẩm Nho giáo của Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã lấy Tứ thưNgũ kinh làm đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp để nghiên cứu, luận giải về tư tưởng Nho giáo.

Tiểu ban này, tập trung nghiên cứu việc luận giải Nho điển Trung Quốc (đặc biệt là Tứ thưNgũ kinh) và những tài liệu Nho giáo của Việt Nam. Đây là những tài liệu Nho điển hết sức có giá trị, thể hiện tư tuởng Nho giáo trong nền văn hóa Việt Nam và thể hiện trình độ Nho học của các nhà Nho Việt Nam trước đây.

III/ NGHIÊN CỨU NHO GIÁO Ở VIỆT NAM TỪ HƯỚNG TIẾP CẬN LIÊN NGÀNH

Nho giáo ở Việt Nam là một chủ đề rộng lớn. Trong lịch sử, từ sau khi đạt tới độ cực thịnh dưới thời Lê sơ, Nho giáo và Nho học đã chi phối mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ thiết chế nhà nước, hoạt động chính trị đến kinh tế, quân sự, văn học nghệ thuật, kiến trúc, đạo đức tín ngưỡng, giáo dục khoa cử v.v... Ảnh hưởng của Nho giáo đã từ các sĩ phu trí thức lan toả đến mọi tầng lớp nhân dân, trở thành phong khí xã hội, lâu dần thành phong tục tập quán trong dân gian.

Bởi thế bên cạnh hướng tiếp cận lịch sử và lí thuyết, Hội thảo hoan nghênh các báo cáo và tham luận từ các hướng tiếp cận khác: từ sự phân tích thực tiễn xã hội, nghiên cứu các vấn đề địa phương, từ thiết chế hành chính, luật pháp ở Trung ương đến tục lệ địa phương, từ sự hình thành ý thức tông pháp đến các thiết chế họ tộc, từ đường, gia phả, từ triết học, đạo đức luân lí đến "Nho, y, lí, số", đến các phương thuật địa lí phong thuỷ... Có thể từ một tục kiêng huý, một bộ môn văn học dân gian, một điều mục của hương ước, một loại hình văn bia, từ địa bạ, hay từ ấn chương phân tích ảnh hưởng của ý thức hệ Nho giáo và những yếu tố phi Nho, phản Nho v.v...

Một hướng quan trọng khác là nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của vấn đề Nho giáo với xã hội Việt Nam hiện đại, chủ nghĩa nhân văn Nho gia với kinh tế toàn cầu hoá; luân lí gia đình, luân lí công dân; truyền thống "dân bản" Nho gia với hoà bình nhân loại; giá trị quan Nho gia với đạo đức thời đại; tính tôn giáo của Nho gia; luân lí Nho gia với văn minh chính trị đương đại; tư tưởng "trung hoà" Nho gia với xã hội Việt Nam hiện nay v.v...

Chuyên đề này là diễn đàn cho các học giả nghiên cứu Nho giáo từ nhiều góc độ khác nhau

IV/ NHO GIÁO TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

Một trong những nội dung tích cực của học thuyết Nho giáo là “trị quốc, bình thiên hạ”. Công cuộc “trị quốc, bình thiên hạ” này trên thực tế là tạo cho xã hội một trật tự, một sự điều chỉnh, sự ổn định để đi đến một sự hài hòa. Vì thế ở những khía cạnh nào đó, điều này còn cógiá trị nhất định trong xã hội ở nước ta hiện tại, nhất là trên chặng đường đi vào WTO, chặng đường của hội nhập.

Mặt khác, trong giai đoạn hiện đại, quan hệ gia đình và đất nước vẫn luôn có mối liên hệ hữu cơ. Gia đình vẫn là đơn vị xã hội cơ bản, là tế bào của xã hội. Truyền thống lâu đời của người Việt rất coi trọng gia đình, coi trọng nhân phẩm, rèn dũa đạo đức, lối sống. Ảnh hưởng của Nho giáo càng làm cho truyền thống này được củng cố, bền chặt nâng cao thêm một bậc.

Nho giáo thâm nhập sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội, làm phong phú đời sống văn hoá cộng đồng, mà ngày nay vẫn có vai trò nhất định trong công cuộc xây dựng làng văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đóng góp nổi bật khác của Nho giáo là chú trọng giáo dục. Giáo dục Nho học chủ trương lấy đức dục làm gốc, lấy trí dục làm ngọn. Ngày nay phải theo thời mà học, học tri thức hiện đại để bắt kịp và hòa nhập, nhưng không thể xem nhẹ đức dục như hầu hết các trường học đang noi theo truyền thống của cha ông ta là “tiên học lễ hậu học văn”. Nền giáo dục và khoa cử Nho học đề cao tinh thần hiếu học, coi trọng việc học. Từ gia đình, đến cộng đồng và xã hội đều quan tâm đến sự học của con em mình.

Nho giáo đã lưu truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp xã hội nước ta trong lịch sử, bên cạnh những mặt hạn chế, hiện còn không ít những khía cạnh tích cực có ý nghĩa nhất định trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay của chúng ta, cần được phát huy và điều chỉnh cho phù hợp.

Ban tổ chức Hội thảo, trân trọng kính mời Ông (Bà):................ tham gia viết bài cho Hội thảo.

Nếu Ông (Bà) đồng ý, xin đăng ký tên đề tài theo mẫu gửi kèm theo và gửi lại cho Ban tổ chức.

Qui định bài viết:

· Bài viết không hạn chế số trang, nhưng tối thiểu phải từ 10 trang trở lên, khổ A4, chữ Times New Roman 12, dãn dòng 1.5 lines.

· Chú ý khai thác tư liệu Hán Nôm

Kế hoạch thực hiện

· 28/02 – 28/3/2007 = Gửi thư mời lần thứ nhất và nhận đăng kí đề cương tham luận. Đề cương tham luận sẽ được Ban tổ chức đọc duyệt trước khi có thư mời chính thức đến cá nhân học giả. Chỉ những đề cương được chọn mới được chính thức mời tham gia Hội thảo.

· 6/4/2007 = Thư mời viết tham luận chính thức của Ban tổ chức gửi đến các tác giả có đề cương được chọn.

· 21/5/2007 = Hạn chót nhận bản tóm tắt bài tham luận (kèm theo đĩa).

· 15-31/8/2007 = Nhận bản toàn văn bài tham luận (kèm theo đĩa).

(Hoặc gửi file đính kèm theo hộp thư điện tử: vienhannom@gmail.com)

· Tháng 9/2007 = Biên tập, chế bản, duyệt.

· Đầu tháng 10/2007 = Giới thiệu bản tóm tắt (tiếng Việt và tiếng Anh) trên website của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và gửi giấy mời tham gia Hội thảo.

· 8-10/11/2007 = Hội thảo tiến hành tại Hà Nội.

Ban tổ chức Hội thảo rất mong sự cộng tác của Ông (Bà).

Xin trân trọng cảm ơn

TM/ Ban tổ chức Hội thảo

Viện trưởng

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

 

Trịnh Khắc Mạnh

***

THƯ TRẢ LỜI THAM GIA HỘI THẢO

QUỐC TẾ VỀ NHO GIÁO

 

Tôi là: ..........................................................................

Hiện công tác tại :...........................................................

Địa chỉ liên hệ:...............................................................

Điện thoại (NR):....................... (CQ):............................

Đăng kí tên đề tài tham gia Hội thảo (Đính kèm đề cương tham luận):

...................................................................................................................................................

Mọi chi tiết xin liên hệ với TS. Lã Minh Hằng, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 - Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội. ĐT: 04.5375.785; DĐ: 0982354426; Hoặc liên hệ theo hộp thư điện tử: vienhannom@gmail.com

Ký tên

                                                                 (Ghi rõ chức danh, họ và tên)



HỢP TÁC QUỐC TẾ

Quá trình xây dựng và phát triển Viện Nghiên cứu Hán Nôm gắn liền với việc củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế.

Về đào tạo cán bộ, Viện đã cử cán bộ, viên chức đi học tập ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở một số nước trên thế giới, như: Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây), Trường Đại học Tổng hợp Tokyô, Osaka (Nhật Bản), Viện Viễn Đông Bác cổ, Trường Cao đẳng thực hành và Trường Cao học Khoa học xã hội (Cộng hoà Pháp), Viện Harvard-Yenching (Hoa Kỳ) và một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, v.v.

Về nghiên cứu khoa học, một số công trình khoa học của Viện đã hợp tác nghiên cứu với một số trường đại học, viện nghiên cứu và nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức tài trợ quốc tế, như: Viện Viễn Đông Bác cổ, Trường Cao đẳng thực hành và Tổ chức Pháp ngữ (Cộng hoà Pháp), Trường đại học Trung Chính và Viện Văn Triết (Đài Loan), Viện Harvard-Yenching và Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ), Toyota (Nhật Bản), Viện Nghiên cứu Khổng tử thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc, v.v.. Xin nêu một số công trình hợp tác khoa học như: Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu gồm 3 tập, Tổng tập văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Lý -Trần) 3 tập, Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam gồm 36 tập, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam gồm 4 tập, Bia Văn miếu Hà Nội, Truyền kỳ mạn lục, Đồng Khánh dư địa chí gồm 4 tập, ấn chương Việt Nam, Nho giáo Việt Nam, Nghiên cứu chữ Nôm - Quá khứ - Hiện tại - Tương lai, v.v..


VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM - VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội
Tel: 844. 8573194 - Fax: 844 8570940
Email:
vienhannom@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: Trịnh Khắc Mạnh