TB

VĂN BẢN DƯƠNG SỰ THỦY MẠT
VÀ QUAN HỆ CỦA NÓ VỚI
ĐẠI NAM THỰC LỤC

VU HƯỚNG ĐÔNG

Dương sự thủy mạt (dưới đây gọi tắt là Thủy mạt) là một bộ sưu tập sử liệu chuyên đề về quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chưa rõ tên người biên soạn, chủ yếu ghi chép những sử liệu về thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, quan hệ Việt - Pháp, Việt Nam trở thành nước thuộc địa... vào nửa cuối thế kỷ XIX. Đối với bộ sưu tập này, trước đây đã có một số học giả Việt Nam, như Trần Văn Giáp, Trần Lê Hữu quan tâm nghiên cứu. Mấy năm gần đây, chúng tôi đã có những nghiên cứu bước đầu và đã công bố bài viết có liên quan(1). Nhân dịp sang nghiên cứu ở Hà Nội mấy tháng, tôi lại có điều kiện tiến hành khảo sát văn bản của bộ sử liệu này và quan hệ của nó với Đại Nam thực lục, nay xin nêu những kết quả đã khảo sát, mong được sự chỉ giáo của các nhà nghiên cứu.

1. Văn bản, niên đại và tác giả của Dương sự thủy mạt

Thủy mạt ra đời khoảng cuối thế kỷ XIX về sau, có lẽ chỉ được lưu truyền qua bản chép tay và các bản sao, chưa được khắc in, 3 bản đã biết đều không ghi họ tên tác giả, có thể do nguyên bản chép tay đã thiếu các phần tựa, bạt... nên rất khó căn cứ vào bản sao chép hiện còn để đoán định tác giả và niên đại cụ thể của sách. Thủy mạt chủ yếu ghi chép theo lối biên niên, bắt đầu từ sự kiện "Thuyền Tây dương đến nước ta" vào tháng 2, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) đến khi vua Hàm Nghi bị đưa sang Pháp "điều trị" tháng 11, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888). Việc ghi chép sự kiện trong khoảng thời gian hơn 40 năm ấy, có khi lấy, có khi bỏ, có sự kiện tường tận, có sự kiện sơ lược. Từ niên đại kết thúc ghi chép sự kiện, chúng ta có thể sơ bộ biết được thời gian sách soạn xong là sau năm 1888.

Chúng tôi đã thấy có 3 bản Thủy mạt, tình hình cụ thể như sau:

Một là "Bản Hoàng Hải" của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.2373, sao chép trên giấy trắng thông thường, gồm 156 tờ, vốn không ghi số tờ. Mỗi tờ 2 mặt, mỗi mặt 8 dòng, mỗi dòng từ 18 đến 20 chữ, dòng ghép rất nhiều, chữ viết theo lối thảo. Trang tên sách chú rõ: "Chép xong ngày 26 tháng 2 năm 1962". Dưới ngày tháng, có tên Hoàng Hải và có đóng dấu vuông nhỏ "Hoàng Hải ấn". Từ đó có thể biết, bản sao này vốn là của Hoàng Hải, hoặc do Hoàng Hải sao chép, cho nên chúng tôi gọi là "bản Hoàng Hải". Bản này ở cuối sách ghi: "Ngày mồng 3 tháng 2 năm Việt Nam dân chủ cộng hòa thứ 17", dưới có chú "Ngày 8 tháng 3 năm 1962", dưới nữa có ghi "Kiểm duyệt: Nguyễn Khắc Xương, Nguyễn Tấn Minh". Trần Văn Giáp tiên sinh đã nghiên cứu bản này, cho rằng hai vị kiểm duyệt là Tú tài thời Pháp thuộc, có trình độ Hán văn khá tốt, kiểm duyệt rất thận trọng, "nhưng vẫn có nhiều chữ sai chưa sửa, chấm câu cũng khó tránh khỏi lầm lẫn"(2).

Về bản Hoàng Hải, có 2 vấn đề cần chỉ rõ. Thứ nhất, bản này có một số nhận xét ghi ở bên lề, khái quát nội dung ghi chép của chính văn, như "Thuyền Tây dương bắt đầu đến nước ta", "Thành Gia Định mất", "Lý tướng (Hồng Chương) gửi thư sang", "Quân nhà Thanh tập trung ở các tỉnh phía bắc", "Thắng trận ở Cầu Giấy", "Tướng Pháp đánh bại quân Thanh ở tỉnh phía bắc"... Trong chính văn còn một số chỗ sửa, đính chính lại các chữ sai, chữ tục, chữ thảo, thêm ít chữ sót, chữ mất, và có thêm chấm câu, hình như Trần Văn Giáp cho rằng những công việc này là do hai vị kiểm duyệt làm. Từ tình hình thời gian, họ tên người kiểm duyệt ghi ở cuối quyển đều dùng bút mực và kiểu chữ thống nhất với chính văn, nhưng nhận xét ở lề sách và sửa chữa ở chính văn lại dùng bút son, kiểu chữ cũng khác, thì thấy, nhận xét ở lề sách, sửa chữ chính văn và chấm câu có thể là do người khác làm. Thứ hai, từ dấu tàng thư đóng trên trang tên sách có thể biết, sau khi sao chép vào những năm 60 của thế kỷ XX, bản sao này sớm nhất có thể do Thư viện Khoa học xã hội thu giữ, sau chuyển đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ, vẫn còn mấy dấu niên đại kiểm duyệt của đơn vị tàng thư, sớm nhất là năm 1967. Những dấu tàng thư và dấu niên đại này đã cung cấp thông tin cho người sau khi khảo sát quá trình lưu truyền và thời gian của bản sao sách này, từ đó chúng tôi cho rằng, bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thể chính là nguyên bản bản Hoàng Hải mà Trần Văn Giáp đã thấy.

Hai là bản của Phòng Tư liệu Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn). Bản này ký hiệu là Hv.246, sao chép trên giấy kẻ ô dọc để in ván gỗ, lề giữa có 4 chữ "Long Cương tàng bản", trong lề giữa còn ghi niên hiệu các sự kiện xẩy ra ở trang đó, như "Thiệu Trị năm thứ 7", "Tự Đức năm thứ 9"... Bản này viết theo lối hành thảo, chữ viết khỏe đẹp, thanh thoát, nhưng nét chữ không thống nhất, hình như không phải do một người viết. Toàn sách có 146 tờ, 292 mặt, mỗi mặt 8 dòng, mỗi dòng từ 21 đến 25 chữ. Những điều ước, văn thư thương lượng giữa Việt Nam và Pháp, một số tên người, tên đất và chú thích chép ở bản này đều ghi bằng chữ nhỏ, xen vào giữa dòng. Trong sách có không ít chữ thông tục và chữ kiêng húy, như để kiêng húy Thánh Tổ hoàng hậu triều Nguyễn họ Hồ, dùng chữ "hư" thay chữ "thực", kiêng húy của Nguyễn Phúc Thì (vua Tự Đức), dùng chữ "thìn" thay chữ "thì"... Từ 4 chữ "Long Cương tàng bản" có thể biết, bản này do Thư viện Long Cương của Cao Xuân Dục sao chép, vốn là tàng thư của Cao Xuân Dục. Cao Xuân Dục là một học giả nổi tiếng, một vị quan ở hậu kỳ triều Nguyễn, có tàng thư rất phong phú. Để giáo dục thế hệ sau, ông đã thuê người sao chép số lượng lớn sách vở, có cống hiến không nhỏ trong việc bảo tồn văn hiến cổ tịch Việt Nam. Bản này chắc là sách do ông thuê người sao chép. Bản này đã được học giả Trẫn Lê Hữu dịch sang tiếng Việt từ rất sớm (dịch xong ngày 20 thánh 10 năm 1964), hiện bản dịch cũng lưu giữ ở Phòng Tư liệu Khoa Sử của Trường này, ký hiệu Vt.30. Nhưng đáng tiếc chỉ còn tập 2. Nếu còn tập 1, chúng ta có thể biết được nhiều thông tin và nghiên cứu tác phẩm này của ông và đồng nghiệp.

Thứ ba là bản sao của Viện Sử học, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, ký hiệu Hv.418/1-2, sao chép bằng bút sắt, chữ viết khá đều đặn, rất dễ đọc. Bản sao này gồm 152 tờ, chú thích ngắn gọn trong đó dùng chữ nhỏ viết xen vào giữa dòng, còn những văn thương thuyết khá dài giữa hai bên Việt Pháp thì chép vào trong dấu ngoặc đơn, cuối sách chú rõ: "Chép theo nguyên bản của Thư viện Khoa học xã hội, ký hiệu VHv.2373" (nay là Viện Nghiên cứu Hán Nôm), "Chép xong tháng 5 năm 1965", không thấy có thông tin họ tên người sao chép. Từ những ghi chép này có thể thấy, bản sao này là chép theo bản của Thư viện Khoa học xã hội, cũng tức là bản Hoàng Hải, nhưng bản này lại không có những nhận xét bên lề như bản Hoàng Hải. Điều này cũng có thể, từ một mặt khác, chứng minh cho suy đoán của chúng tôi về nhận xét và lời chú của bản Hoàng Hải có lẽ do người khác thêm vào. Đương nhiên, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng người sao chép đã lược bỏ lời nhận xét ở lề sách, xét từ thời gian sao chép, đây là một bản sao xuất hiện muộn nhất.

Mấy văn bản này đều có ưu điểm riêng. Lời nhận xét bên lề của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ và bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thực tế là những tiêu đề nhỏ, nêu ra những sự kiện quan trọng được ghi trong sách. Bản của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ còn dùng niên hiệu triều Nguyễn nêu rõ niên đại xảy ra các sự kiện ghi trong trang ở lề giữa sách. Những điều đó giúp người đọc tra tìm nội dung trong sách. Bản của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ chép bài sớ xin đánh của Hoàng Tá Viêm, nội dung rối rắm, không dễ đọc hiểu, còn bản của Viện Sử học thì không có sai sót này, sử dụng tiện lợi.

Trong 3 văn bản này, bản của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, cũng tức là tàng bản Cao Xuân Dục là văn bản xuất hiện tương đối sớm, còn bản Hoàng Hải và bản của Viện Sử học cũ thì là bản sao, xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Chúng tôi cho rằng, Thủy mạt là trích biên từ bộ sử nhà nước của triều Nguyễn - bộ Đại Nam thực lục (dưới đây gọi tắt là Thực lục ). Nếu nhìn nhận như vậy, thì có thể suy đoán rằng thời gian soạn sách này vào khoảng từ năm 1909 đến năm 1962, vì phần ghi chép về thời kỳ Tự Đức đến Đồng Khánh trong kỷ thứ 4, thứ 5, thứ 6 của Thực lục chính biên lần lượt hoàn thành vào các năm 1894, 1900, 1909. Rất có thể Thủy mạt được biên soạn thành sách từ đầu thế kỷ XX đến những năm 60 của cùng thế kỷ.

Chúng ta biết rằng, đầu thế kỷ XX là thời kỳ ý thức dân tộc và phong trào chống Pháp của Việt Nam dâng cao. Đứng trước sự xâm lược của Pháp và ách thống trị thực dân, nhiều học giả và các bậc chí sĩ đã rong ruổi để lo cứu nước, vì thế có người chú ý tới "dương sự" là rất tự nhiên. Chúng ta còn biết, Cao Xuân Dục mất năm 1923, rất nhiều bản sao chép của Thư viện Long Cương được hoàn thành trước khi ông mất. Theo đó, chúng tôi có thể suy đoán thêm một bước là, Thủy mạt được biên soạn khoảng đầu thế kỷ XX đến những năm 20 cùng thế kỷ. Nếu suy luận như vậy, thì có thể cho rằng Cao Xuân Dục có quan hệ mật thiết nhất với Thủy mạt hay không ? Thậm chí là người biên soạn nguyên bản chép tay? Nhưng chỉ vì là trích lục từ Thực lục nên không ghi tên ?

2. Về những ghi chép ở quyển đầu của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ

Trong nghiên cứu văn hiến cổ tịch, những tự, bạt, đề từ ở quyển đầu và những lời bình, lời phê, chú thích ở quyển giữa đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu biên soạn sách cổ và lưu truyền bản sao. Trong mấy văn bản của Thủy mạt, ở quyển đầu của bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ có 2 trang ghi chép mà ở 2 bản kia đều không có. Những ghi chép này mang tính chất gì, có quan hệ gì với chính văn, có giá trị đối với việc tìm hiểu các bản sao của Thủy mạt hay không? Rất đáng được chú ý.

Dưới đây xin dịch 2 trang ghi chép ở quyển đầu bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ:

Trang 1: "Người giỏi xem ngựa, phải chọn được giống ngựa kỳ ngựa ký, có chạy ngàn dặm mới có thể rong ruổi đường dài. Tuyển cử phải được thực tài, cũng như vậy. Vì sao thế? Vì hiền tài là nguyên khí của quốc gia và tuyển cử là sự kiện lớn của nhà nước. Chọn kẻ sĩ mà chuộng hư danh là tiểu nhân, trưng tập mà bất tài, không kham nổi chức nhiệm. Chọn kẻ sĩ mà quý trọng tài năng là người hiền, dẫn dắt rồi dần thành tài, có thể sử dụng cho đời. Vì thế, phép tuyển cử không thể chỉ có danh mà không có thực. Xem thế thì những điều kinh điển đã dậy, các bậc đế vương xưa thực hành, đều có thể khảo sát rõ ràng".

Trang 2: "Tự có thể đúng đắn chu toàn, suy thế thì sẽ không tràn lan, không a dua, mà con người sẽ có thực tài để sử dụng, có thành tựu, có căn cơ, kẻ sĩ không chuộng hư danh, chắc là đạo ở đó vậy. Kẻ sĩ may gặp đời thịnh, theo đòi trường văn, cách nhìn hẹp hòi như vậy, chẳng biết có đúng hay không, xin người cầm quyền chọn lựa dâng lên. Kẻ sĩ xin trả lời." "Tổng cộng trong quyển này xóa 2 chữ, móc 1 chỗ, tẩy bổ sung 1 chỗ". Bên phải, trước đoạn ghi chép có viết 3 chữ lớn: "Nguyễn Huy Tuân", phía dưới chú bằng chữ nhỏ: "Thôn Vạn Phúc, tổng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông". Phía dưới bên phải lại có 4 chữ: "Hàn thập tứ hiệu".

Đoạn ghi chép này nói về việc tuyển chọn nhân tài và ý nghĩa quan trọng của nó đối với quốc gia, nhưng tôi cho rằng 2 trang ghi chép ấy hầu như không có quan hệ gì với chính văn của Thủy mạt, rất có thể là đoạn văn chép lẫn vào, càng không nên cho là lời tựa của sách Thủy mạt. Có người cho rằng, do thực dân Pháp xâm lược, triều đình họ Nguyễn rất cần tuyển chọn nhân tài để chống ngoại xâm, đoạn văn này chính là trình bày vấn đề tuyển chọn nhân tài, nên được đưa vào quyển đầu làm lời tựa(3). Tôi không đồng ý cách nhìn này. Thứ nhất, rõ ràng 2 trang văn tự này có dạng tương tự quyển thi trả lời sách vấn trong khoa cử. Trên quyển thi đã nêu rõ người ứng thi là Nguyễn Huy Tuân, quê quán cũng đã nói rõ, "Hàn thập tứ hiệu" là số hiệu theo thiên tự văn của thí sinh. Xét từ việc chú rõ chữ xóa, chỗ móc... rất có thể là quyển chép lại để phòng ngừa nạn đổi quyển thi. Thứ hai, xét từ nội dung và cách thức hành văn, phần đầu của những ghi chép này có thiếu sót, phần giữa hình như cũng có thiếu sót, do đó không phải là một quyển thi hoàn chỉnh. Điều mà đoạn ghi chép này bàn tới là lựa chọn và sử dụng nhân tài, căn bản cũng không đề cập tới cái mà chính văn gọi là "Dương sự". Thứ ba, đoạn văn tự này không thấy chép ở bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng chưa thấy có ai giới thiệu, cho rằng Thủy mạt có lời tựa thì thiếu bằng chứng. Thứ tư, xét từ văn bản, chính văn sao chép trên giấy kẻ khung của "Long Cương tàng bản", còn văn tự ở quyển đầu lại sao chép trên giấy trắng không kẻ khung, hơn nữa phong cách thư pháp lại khác với chính văn. Cho nên, tôi cho rằng 2 trang văn tự ấy là do người ta đóng nhầm vào, không có mối liên hệ tất nhiên với chính văn.

Chúng ta đều biết, điển tịch Hán Nôm Việt Nam trong quá trình lưu truyền, phần lớn truyền lại bằng những bản sao, hiện tượng sao chép chung, đóng chung thường hay xảy ra. Từ khía cạnh chỉnh lý văn hiến mà nói, hiện tượng này là không thể bỏ qua. Sao chung, chép chung, đóng chung tiện cho việc lưu giữ văn hiến, có giá trị nghiên cứu riêng của nó. Còn về 2 trang văn tự ở quyển đầu bản Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, dù là chép chung, đóng chung một cách có ý thức, hay vô tình đóng lộn vào, đối với việc nghiên cứu chế độ khoa cử triều Nguyễn, nó có thể còn có giá trị, nhưng đối với việc nghiên cứu sách Thủy mạt thì không có giá trị trực tiếp. Còn Nguyễn Huy Tuân chỉ là một người ứng thi, có thể khẳng định, ông không phải là tác giả của Thủy mạt, có thể cũng không có quan hệ trực tiếp với bản sao Thủy mạt. Người biên soạn Thủy mạt đã khó tra khảo, đương thời Trần Văn Giáp tiên sinh cũng đã nói một cách tiếc rẻ rằng: "Đáng tiếc không rõ họ tên người biên soạn"(4). Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu trước kia và Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu gần đây đều đã giới thiệu sơ lược tình hình bản Hoàng Hải, nhưng cũng không phát hiện được tác giả của Thủy mạt là ai(5).

3. Quan hệ của Dương sự thủy mạt với Đại Nam thực lục

Thủy mạt ghi chép sự giao thiệp và xung đột Pháp Việt, tức cái gọi là "Dương sự" ở Trung kỳ triều Nguyễn. Trong lịch sử cận đại Việt Nam, cũng còn một tác phẩm quan trọng khác bao gồm nội dung ghi chép tương tự - Thực lục. So sánh 2 tác phẩm này, có thể giúp chúng ta nhận thức quan hệ giữa 2 bộ sử tịch đó, tìm hiểu giá trị sử liệu của Thủy mạt .

Thực lục bắt đầu từ thời kỳ Minh Mệnh (1820 - 1840) do Sử quán triều Nguyễn không ngừng biên soạn, kéo dài mãi tới đầu thế kỷ XX. Là một bộ chính sử của nhà nước, nó có nội dung phong phú, số quyển đồ sộ. Phần Tiền biên ghi chép giản lược lịch sử chính quyền họ Nguyễn ở Quảng Nam, là tiền thân của triều Nguyễn. Phần Chính biên thì ghi chép tỉ mỉ lịch sử thời kỳ thống trị của mấy đời quân chủ triều Nguyễn. Nếu tính chung toàn bộ phần Tiền biên Chính biên của Thực lục, phần Tiền biên Chính biên của Liệt truyện thì tổng cộng có tới 548 quyển. Sự kiện biên chép trong thời gian từ năm 1847 đến năm 1888 (cũng là năm khởi đầu và kết thúc của Thủy mạt) lần lượt thấy ở Kỷ thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, phần Chính biên của Thực lục.

Thực lục căn cứ vào châu phê để biên soạn, đã phản ánh tình hình các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa triều Nguyễn, với nội dung đồ sộ, giá trị sử liệu rất cao. Về "Dương sự", Thực lục cũng ghi chép rất nhiều, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ trong khuôn khổ của bộ sử. Thực lục Thủy mạt đều đã ghi chép "Dương sự", vậy thì, những ghi chép về "Dương sự" ở 2 tác phẩm ấy có khác nhau gì không, có mối quan hệ nào không? Khi chỉnh lý Thủy mạt, chúng tôi phát hiện số lượng, nội dung, thậm chí lối hành văn, cách dùng từ trong ghi chép sự kiện của Thủy mạt đều giống với Thực lục. Rất rõ ràng, giữa 2 tác phẩm tồn tại quan hệ nhân tập. Chúng tôi cho rằng quan hệ nhân tập này biểu hiện cụ thể là Thủy mạ t trích lục nội dung "Dương sự" ghi chép trong Thực lục mà không thể là Thực lục đã tham chiếu ghi chép của Thủy mạt. Kỷ thứ 3 phần Chính biên của Thực lục hoàn thành năm 1877, khắc in năm 1879, do đó, ghi chép sự kiện về năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) của Thực lục không thể lấy Thủy mạt viết sau năm 1888 làm bản nền.

Chúng tôi đã chỉ rõ, Thủy mạt là sưu tập sử liệu chuyên đề về giao thiệp và xung đột Việt Pháp chép trong Thực lục. Qua so sánh thận trọng, có thể biết, "Dương sự" chép trong Thực lục, nội dung phong phú, nội dung về "Dương sự" ở các năm chép trong Thủy mạt, tuyệt đại bộ phận đều có thể tìm thấy nguyên văn trong Thực lục, nếu có sai biệt, cũng là rất nhỏ, chủ yếu là khi trích lục, Thủy mạt đã giản hóa về mặt văn tự. Còn nội dung về "Dương sự" một vài năm có chép trong Thực lục, lại không thấy ở Thủy mạt thì có thể là do tác giả của Thủy mạt có chọn lựa hoặc bỏ sót.

Trần Văn Giáp nói Thủy mạt "mới xem qua phần nhiều tưởng là trích lược ở bộ Đại Nam thực lục. Nhưng xem kỹ sẽ thấy sách này có ghi chép một số việc lặt vặt không có trong Thực lục"(4). Qua so sánh, chúng tôi thấy những ghi chép về "Dương sự" giữa hai tác phẩm là đại đồng tiểu dị, chỗ khác nhau chủ yếu biểu hiện ở mấy mặt dưới đây.

 Thủy mạt có ghi một vài sự kiện lặt vặt mà Thực lục không chép. Tất cả có 5 chỗ:

1/ Mục tháng 2 năm Tự Đức thứ 26 (1873): "Vua theo lời tâu, liền phát giao sắc ấn cho đại thần toàn quyền, cho sứ thần Lê Tuấn làm toàn quyền (khi ấy Lê Tuấn vì ốm nên vẫn ở lại Gia Định điều trị), Nguyễn Văn Tường làm phó, cho được cùng ông định ước".

Câu ghi trong ngoặc đơn không thấy ghi trong Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 4).

2/ Mục tháng 8 năm Đồng Khánh thứ 1 (1886): "Quan binh Pháp thu phục hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Toàn quyền Pháp điện bảo triều đình nên đặt quan lại như cũ".

Trong đó, câu "Toàn quyền Pháp điện bảo triều đình nên đặt quan lại như cũ" không thấy ghi trong Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 4).

3/ Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) ghi: "Tháng Giêng mùa xuân, năm Đồng Khánh thứ 2, quan binh Pháp ở Thanh Hóa đánh tan Phạm Bành ở Ba Đình (thuộc huyện Nga Sơn, bốn mặt là hơn 2 nghìn mẫu ruộng sâu, ở giữa nổi lên gò đất, rộng hơn trăm mẫu, ba thôn Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê ở liền nhau, ba ngôi đình vọng vào nhau, nên tục gọi như vậy), san phẳng đồn ấy".

Cũng nội dung này, Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 6) ghi: "Tháng Giêng, mùa xuân, năm Đồng Khánh thứ 2, quan binh Pháp ở Thanh Hóa đánh tan Phạm Bành ở Ba Đình (đình 3 thôn Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê liền nhau nên gọi như thế), san phẳng đồn ấy".

4/ Tháng 8, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) ghi: "Nhường giao đất các xứ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam (Khố Diện của Hà Nội, Hải Phòng của Hải Dương, Đà Nẵng của Quảng Nam), đều do Toàn quyền kinh lý buôn bán".

Sự kiện này Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 11) không ghi.

5/ Mục tháng 2, năm Đồng Khánh thứ 3: "Tháng 10, mùa đông, Khâm sứ Hạc tô về nước, đến từ biệt. Vua thấy sứ thần có lòng giúp đỡ, cho trích bạc ở trong kho tặng cho (các hạng ngà voi, trà, gấm hoa, đồ vàng ngọc) và mở tiệc tiễn đưa".

Câu "và mở tiệc tiễn đưa" không thấy ghi trong Thực lục (Chính biên, Kỷ thứ 6, quyển 11).

Khác nhau nhỏ trong hành văn, dùng từ

Hiện tượng này có rất nhiều, chiếm khoảng 4/5 trong số 600 mục hiệu chú do chúng tôi làm khi chỉnh lý, ví dụ:

Thủy mạt: Tháng 9, Toàn quyền Pháp ở Ninh Bình là Ha-la-măng-jing đặt tòa Công sứ ở sát tỉnh thành. (Mục tháng 9, năm Tự Đức thứ 36).

Thực lục: Ninh Bình, vào tháng 9, Toàn quyền Pháp là Ha-la-măng-jing đặt tòa Công sứ ở sát tỉnh thành. (Chính biên, Kỷ thứ 5, quyển 1).

Thủy mạt: Bấy giờ, Kinh lược Nguyễn Chính đóng quân ở xã Đặng Xá, (thuộc huyện Mỹ Lộc) không nhận. (Mục tháng 2, năm Tự Đức thứ 36).

Thực lục: Bấy giờ, Kinh lược Nguyễn Chính đóng quân ở xã Đặng Xá (thuộc huyện Mỹ Lộc) không chịu nhận. (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 69).

Thủy mạt: Nam Định tâu xin đắp thêm giang đạo, dựng đặt lũy. (Mục tháng 3, năm Tự Đức thứ 35).

Thực lục: Nam Định tâu xin đắp giữ giang đạo, dựng đặt lũy. (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 67).

Thủy mạt: Vua cho là nó xảo trá, lời nói không đáng tin. (Mục tháng 5, năm Tự Đức thứ 26).

Thực lục: Vua nói: "Nó rất xảo trá, đã chiếm đất gan ruột của ta, lại còn nói chuyện nộp thành giảng hòa, không thể tin được". (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 49).

Thủy mạt: Quân Tây đánh úp 6 thành Gia Định không được. (Mục tháng 4, năm Tự Đức thứ 12).

Thực lục: Quân Tây đánh úp 6 đồn Gia Định không được. (Chính biên, Kỷ thứ 4, quyển 20).

ƒ Sự khác nhau về tên người, tên đất, thời gian, và ghi chép một vài sự kiện

1/ Khác nhau về tên người

Như tháng 2 năm Tự Đức thứ 16 (1863), Thủy mạt ghi: "Sứ 2 nước Phú Lãng Sa, Y Pha Nho là bọn Phô Na, Pha Lăng Y Ca (Pháp soái kiêm sứ) đến Kinh sư". Thực lục cũng ghi chép như vậy, nhưng, "Pha Lăng Y Ca" lại viết là "Pha Lăng Ca", "Pháp soái kiêm sư" viết là "giải sư kiêm sứ". Lại như trận đánh ở tỉnh thành Sơn Tây tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: "Đề đốc Tam Tuyên Lưu Vĩnh Phúc và Thống lĩnh quân Thanh Đường Cảnh Tùng đôn đốc Lưu Vĩnh Thanh ra thành nghênh chiến". Thực lục ghi là "Trương Vĩnh Thanh". Có 5 chỗ khác nhau như vậy.

2/ Khác nhau về tên đất

Như tháng 4, năm Tự Đức thứ 14 (1861), Thủy mạt ghi: "Nay Gia Định, Định Tường đường xá đã tiện, Vĩnh Long, Biên Hòa địa thế trơ trọi cách trở". "Biên hòa", Thực lục ghi là "An, Hòa", tức An Giang, Hà Tiên. Lại như tháng 2 năm Tự Đức thứ 15 (1862), Thủy mạt ghi: "Văn Uyển biết (chúng) định gây mầm loạn, liền nghiêm lệnh cho quan Lãnh binh Tôn Thất, quyền sung lãnh binh Nguyễn Đài, Lê Đình Cửu (đều phái đi trú đồn Vĩnh Long)..." "đồn Vĩnh Long", Thực lục ghi là "đồn Vĩnh Tùng". Có 9 chỗ khác nhau như vậy, có một số chỗ có thể nhìn ra là do Thủy mạt viết sai.

3/ Khác nhau về thời gian chép việc

Mục tháng 5 năm Tự Đức thứ 17 (1864), Thủy mạt ghi: "Sứ thần toàn quyền Phan Thanh Giản trao đổi sắc văn với viên soái Pháp là Ha-ba-li. Sứ Pháp đã trở về, bọn Phan Thanh Khoa dâng sớ xin chịu tội". Cùng nội dung này, Thực lục ghi vào tháng 6 cùng năm, tường thuật khá tỉ mỉ. Có 6 chỗ khác nhau về thời gian như vậy. Trong đó có 3 chỗ thời gian ở Thủy mạt sớm hơn Thực lục 1 năm, tháng cũng không giống nhau; một chỗ số ngày khác nhau, đó là sự kiện tháng 10 năm Tự Đức thứ 36 (1883), quân Pháp tấn công cửa Bắc thành Hà Nội, quân giữ thành cầm cự với quân Pháp, Thủy mạt ghi là "cầm cự nhau 4,5 ngày", Thực lục ghi là "cầm cự nhau 17 ngày".

4/ Khác nhau về tên quan chức

Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Thủy mạt ghi: "Cho viên soái Pháp là Lê-na đặt dinh thự ở bờ nam sông Hương của Kinh thành". Thực lục ghi: "Cho Khâm sứ Pháp là Lê na...". Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: "Tá Viêm cùng bọn Tán tương Lê Tư Thứ đóng đồn ở ngoài cửa nam La thành". "Tán tương" Thực lục chép là "Tham tán". Chỉ có 2 trường hợp như thế này.

5/ Khác nhau về số người chết và bị thương khi chiến đấu, về số lượng binh dõng, dinh quân, thuyền chiến

Như tháng 10 năm Tự Đức thứ 11 (1858), Thủy mạt ghi: "Vua thấy trận này quân ta chết và bị thương ngang với giặc, nên miễn". Thực lục ghi: "Vua thấy quân ta bị thương (10 người), bị chết (22 người, 2 cỗ voi), nhưng quân Tây cũng chết nhiều (45 tên), nên miễn". Lại như tháng 3, năm Hàm Nghi nguyên niên (1885), Thủy mạt ghi: "Bấy giờ soái phủ Pháp bàn trích 6 nghìn lính của tỉnh này, trao cho súng diễn tập để lúc cần sai đi tiễu trừ". Thực lục thì chép là "bàn trích 1 nghìn quân của tỉnh này". Những con số khác nhau như vậy có 8 chỗ.

6/ Khác nhau trong ghi chép sự kiện

Như tháng 4 năm Tự Đức thứ 12 (1859), Thủy mạt ghi: "Gia Định thì số thuyền hiện đậu ít, mà ở xa ngoài biển, tiến sát thực khó". Thực lục ghi: "Gia Định thì số thuyền hiện đậu nhiều, mà ở gần mặt biển, tiến sát rất khó". Chỗ này ghi chép ở 2 sách khác nhau rất lớn. Có những chỗ chỉ là sai khác nhỏ, như tháng 6, năm Tự Đức thứ 36 (1883), Thủy mạt ghi: "Tháng 6 (ngày 16 tháng này Hoàng đế nước Anh băng), thuyền Pháp (1 to, 1 nhỏ) đi qua sông Hát Giang đến sông Nhật Chiếu". Thực lục ghi: "Ngày 6, thuyền Pháp (1 to, 1 nhỏ) đi qua sông Hát Giang đến sông Nhật Chiếu". Sai khác nhỏ của một vài sự kiện có khoảng hơn 10 chỗ.

Qua so sánh trên đây, có thể thấy, Thủy mạt là trích lục chuyên đề về nội dung "Dương sự" ghi chép trong Thực lục, nhưng 2 sách không hoàn toàn giống nhau, chỗ khác nhau, có thể là do trích lục sai, có thể là do người trích lục gia công giản hóa, có thể là do có căn cứ khác. Xét về mặt nội dung, là sử liệu chuyên đề về "Dương sự", Thủy mạt vẫn có giá trị đáng được coi trọng. Trần Văn Giáp nói: "Vậy ta có thể coi sách này là một bộ dã sử về thời quân Pháp mới xâm lược nước ta"(7).

Là một bộ sưu tập sử liệu, Thủy mạt còn rất ít được chú ý ở Trung Quốc, chỉ có Từ Thiện Phúc qua chuyển dịch Việt văn, đã sử dụng những ghi chép của sách này(8). Cần nói rằng, Thủy mạt còn có giá trị khi nghiên cứu lịch sử chiến tranh Trung Pháp, lịch sử quan hệ Trung Việt. Thủy mạt là trích biên sử liệu có tính chất chuyên đề, tạo thuận lợi rất lớn cho những ai tìm hiểu sự giao thiệp và xung đột Việt Pháp, sử dụng những tư liệu liên quan. Dù trong Thực lục đã ghi chép những sử liệu này, thậm chí nội dung còn nhiều hơn, còn quyền uy hơn Thủy mạt, nhưng Thực lục là một bộ sách của nhà nước, do triều đình nhà Nguyễn biên soạn, số quyển số tập rất đồ sộ, tra tìm rất bất tiện. Còn Thủy mạt chuyên chép "Dương sự", khuôn khổ không đến 10 vạn chữ, viết theo lối biên niên, tra tìm sử dụng rất tiện. Đối với các bộ sử đồ sộ, học giả Việt Nam xưa nay có truyền thống biên tập bản rút gọn kiểu "tiết yếu", "toát yếu". Như sau khi triều Nguyễn biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì đã có Việt sử cương mục tiết yếu. Kiểu tiết yếu này là sự cô đọng, rút gọn toàn bộ nội dung của nguyên tác, nhưng kiểu trích yếu chuyên đề như Thủy mạt đối với Thực lục này thì không thấy nhiều. Do đó, chỉnh lý xuất bản Thủy mạt dù là đối với việc nghiên cứu văn hiến lịch sử Việt Nam, hay là đối với việc nghiên cứu lịch sử cận đại, đều là có ý nghĩa.

V.H.Đ

CHÚ THÍCH:

(1) Đới Khải Lai, Vu Hướng Đông: "Về Dương sự thủy mạt, sử liệu chuyên đề Pháp xâm lược Việt Nam". Tập san Đông Nam Á tung hoành. Số 1, năm 1998, Nam Ninh.

(2) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập 1, Thư viện Quốc gia xuất bản, H. 1971, tr.167-169.

(3) Lư Tiểu Lợi: "Nghiên cứu bước đầu về Dương sự thủy mạt " Luận văn Nghiên cứu sinh Thạc sĩ Đại học Trịnh Châu, năm 1995.

(4) Xem chú thích 2.

(5) Trần Nghĩa chủ biên: Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu. Nxb. KHXH, H. 1993, Tập 1, tr.457. Vương Tiểu Thuẫn chủ biên: Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu. Đài Loan Trung ương Nghiên cứu viện, Trung Quốc Văn triết nghiên cứu sở biên ấn, 2002, tr.45.

(6) Xem chú thích 2.

(7) Xem chú thích 2.

(8) Từ Thiện Phúc: "Lưu Vĩnh Phúc viện Việt kháng Pháp đích quang huy lịch trình" đăng trong Trung Pháp chiến tranh luận văn tập do Trung Pháp chiến tranh sử học hội biên tập. Nxb. Nhân dân Quảng Tây, 1986.

TB

VỀ MỘT SỰ KIỆN ĐƯỢC GHI TRONG
VIỆT SỬ CƯƠNG MỤC TIẾT YẾU

NGUYỄN CÔNG VIỆT

Việt sử cương mục tiết yếu (VSCMTY) - tác phẩm tiêu biểu của nhà Sử học Đặng Xuân Bảng (1828-1910) đã được TS. Hoàng Văn Lâu dịch, chú giải và xuất bản năm 2000. Đây là bộ sử lớn được giới khoa học xã hội đánh giá cao. Dịch giả đã sưu tâm, giám định, chỉnh lý văn bản và dịch thuật, chú giải với một tinh thần nghiêm túc, công phu, cẩn thận và xứng đáng nhận nhiều lời khen ngợi của đồng nghiệp về việc dịch chú bộ sử này.

Đọc VSCMTY tôi cũng khẳng định về sự thành công của tác phẩm cũng như người dịch. Tuy nhiên ở trang 190 mục Kỷ nhà Trần - Nhân Tông Hoàng đế tôi thấy sách ghi: “... Nhâm Thìn, [Trùng Hưng] năm thứ 8 [1292]. Mùa xuân, tháng Giêng, lấy Phí Mạnh làm An phủ sứ Diễn Châu... Lấy Trần Kiến (người Đông Triều Hải Dương) làm An phủ sứ lộ Yên Khang (nay là phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Kiến là môn khách của Hưng Đạo vương Quốc Tuấn. Khi quân Nguyên sang xâm lược, vua sai Kiến bói một quẻ, được quẻ Hằng biến sang quẻ Chấn. Kiến đoán “Mùa hạ sang năm quân Nguyên sẽ thua”. Giặc lại sang. Vua lại sai bói quẻ, được quẻ Quan biến sang quẻ Hoán. Kiến đoán: “Điềm ly tán, quân Nguyên nhất định tan vỡ”. Sau đúng như vậy. Vua cho là tài, nên cất nhắc dùng.”

Là người quan tâm đến Chu Dịch, tôi cứ băn khoăn mãi về sự biến quái từ quẻ Hằng sang quẻ Chấn trong đoạn dịch trên. Từ quẻ Quan biến sang quẻ Hoán nếu tính theo phương pháp Mai hoa Dịch số thì rất đúng, nhưng từ quẻ Lôi Phong Hằng biến sang quẻ Thuần Chấn thì thấy không thuận. Mà đoạn này lại ghi về sự kiện lớn chống giặc Nguyên xâm lược của dân tộc ta với hai danh nhân tiêu biểu là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và vua Trần Nhân Tông. Do đó tôi thấy cần phải viết bài này để mong được sự giải đáp điều băn khoăn, và cũng là để học hỏi thêm cái tinh túy sâu xa của Chu Dịch.

Bắt đầu bằng việc đối chiếu với nguyên tác chữ Hán có in kèm tính ngược từ cuối sách trở lại trong VSCMTY, trang 145 sách chép rằng: Nhâm Thìn bát niên xuân chính nguyệt dĩ Phí Mạnh vi Diễn Châu An phủ sứ... Dĩ Trần Kiến (Hải Dương Đông Triều nhân) vi Yên Khang (Kim Ninh Bình Yên Khánh phủ) An phủ sứ. Kiến Hưng Đạo vương Quốc Tuấn môn khách. Sơ Nguyên binh lai xâm, đế triệu Kiến phệ chi đắc Hằng chi Chấn, chiêm viết minh niên hạ Nguyên binh bại. Cập tái chí, Phục mệnh phệ chi, đắc Quan chi Hoán, viết ly tán chi triệu. Nguyên binh tất hội. Tốt như kỳ ngôn. Đế dĩ vi năng, cố trạc dụng chi. (Xem phụ lục).

Đối chiếu bản dịch với nguyên tác chữ Hán thì thấy dịch giả dịch rất chuẩn không thiếu một chữ. Riêng chữ Quan 觀 vì là tên trong 64 quẻ ở Chu Dịch thì phải đọc là Quán. Quẻ Phong Địa Quán 風 地 觀 này có hai âm đọc. Âm ở quẻ thì đọc là Quán, nghĩa là bày tỏ cho người thấy. Âm ở sáu Hào (phần Hào từ và Tiểu tượng truyện) thuộc quẻ này thì đọc là “Quan”, nghĩa là nhìn xem. Dịch giả viết tên quẻ là “Quan”, sơ suất này không đáng kể, mà tôi muốn nói về vấn đề khác cũng trong đoạn dịch đó là quẻ Hằng biến sang quẻ Chấn ? Quẻ Hằng tức là quẻ Lôi Phong Hằng 雷 風 恒 và quẻ Chấn tức là quẻ Bát Thuần Chấn 八 純 震. Quẻ Hằng có biến được sang quẻ Chấn hay không? Đúng sai như thế nào? Xin được ngược dòng lịch sử tìm hiểu phương pháp dự đoán theo bát quái của người xưa.

Phải nói rằng mọi phương pháp dự đoán như Bát quái, Nhân tướng, Tử vi Đẩu số, Chiêm tinh, Đại lục nhâm, Tiểu lục nhâm, Lưu sao theo tháng, Chiết tự... đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Riêng phương pháp đoán theo Bát quái được xuất hiện sớm nhất, phát triển mạnh nhất qua nhiều giai đoạn với nhiều phái cùng phép đoán khác nhau; nó được coi là phương pháp cao siêu, cụ thể và chính xác hơn cả. Người Trung Quốc cổ xưa đã dùng cách đốt mai rùa xem đường nứt thế nào để đoán cát hung. Đồng thời là phép bói cỏ Thi cũng tính theo Chu Dịch. Người ta dùng 49 cây cỏ tương ứng với 49 số trong tổng số 50 số đại diện trong Hệ từ, sau đó đặt cây cỏ qua mười cây tám lần biến mà thành quẻ. Theo tượng quái mà lập được Lý quái, Từ quái, từ Hào động... để cuối cùng tính được sự việc thành bại cát hung.

Cuối thời Đông Chu, học thuyết âm dương ngũ hành bắt đầu được vận dụng trong Bốc phệ, phép bói đã được cải tiến hơn và phát triển mạnh. Sang thời Tây Hán, Đổng Trọng Thư đi tiên phong trong việc phát triển thuyết âm dương ngũ hành trong phép bói. Tiếp đó nhà Dịch học Kinh Phòng trên cơ sở đó đã phát minh ra phương pháp phối hợp bói cỏ Thi với Chiêm bốc gọi là Nạp giáp(1), nó ưu việt hơn phép bói cỏ Thi rất nhiều. Đến đời Đường người ta lại dùng phương pháp mới là Bói tiền(2) để thay cho phép bói cỏ Thi rườm rà. Tuy nhiên những phương pháp trên còn bị hạn chế là người muốn đoán phải tự mình gieo quẻ mới đoán được, còn người ở xa thì không có cách gì đoán được.

Sang đời Tống nhà Dịch học kiêm Thiên văn học nổi tiếng Thiệu Khang Tiết(3) đã phát minh ra phương pháp gieo quẻ theo năm, tháng, ngày giờ bắt đầu bằng một quẻ bói chính xác khi Thiệu tiên sinh đi ngắm hoa Mai, thấy hai con chim sẻ tranh nhau đậu cành Mai bị sa xuống đất. Ông đã đưa toán học cộng, trừ, nhân, chia vào trong phương pháp này để lập ra Chính quái, Hỗ quái, xác định được Hào động để tìm ra Biến quái. Đồng thời căn cứ vào sự sắp xếp của âm dương ngũ hành trong mỗi quái (Chính quái, Hỗ quái, Biến quái) để tính được sinh, khắc của Thể và Dụng. Ở đây lấy Dịch quái làm Thể và lấy sự chiêm bốc làm Dụng biểu thị cho Động và Tĩnh quái để phân chia Chủ và Khách. Thuyết Thể - Dụng tổng quan là: Thể quái làm chủ, Dụng quái làm sự việc, Hỗ quái là trung gian của Sự và Thể; khắc ứng và Biến quái là kết quả của sự việc. Thể quái phải vượng không được suy. Quái khí của ứng thể cũng phải thịnh... Từ đó mới tính chính xác được cát hung, thành bại...

Trong phát minh mới ngoài cách tính theo năm, tháng, ngày giờ suy ra số, Thiệu Khang Tiết còn đặt ra nhiều cách bố quái khác là Toán theo cách đếm số vật bằng bốc thăm, Toán theo lối Chiết tự chữ Hán, Toán theo tiếng nghe được, Toán từ vật đo được (thước đo), Toán động vật, Toán tĩnh vật... Nhưng tựu chung vẫn theo phương pháp tổng thể lập các quái và tính sinh khắc của quẻ Thể - Dụng trên. Phương pháp của Thiệu Khang Tiết bắt đầu bằng quẻ Quan mai (ngắm bông mai) để rồi làm ra sách nên từ đó người đời gọi Dịch số của ông là Quan mai Dịch số hay Mai hoa Dịch số. Rồi từ đó còn sản sinh ra các sách khác như Mai hoa bí truyền... Phương pháp ưu việt của Thiệu Khang Tiết được ứng dụng và lưu hành rộng rãi trong nước rồi truyền bá sang các nước khu vực qua giao lưu văn hóa, trong đó có Việt Nam.

Ở nước ta Đạo giáo cũng đã truyền bá hòa nhập vào văn hóa truyền thống Việt Nam từ rất lâu đời. Trong xã hội phong kiến xưa ngoài giới tăng lữ, đạo sĩ, đa số các quan lại trí thức đều tinh thông hoặc hiểu biết về Dịch lý, thuật số; Việc nghiên cứu Lý số thường gắn liền với việc chiêm bốc bói toán. Từ thế kỷ XV trở về trước, nhà nước phong kiến chú trọng vấn đề này, coi Chu Dịch và học thuyết âm dương ngũ hành là văn hóa, triết học chính thống. Có những thời kỳ đã đặt chức quan về âm dương học, chiêm tinh... để nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho việc dự đoán trên nhiều lĩnh vực(4). Hầu hết các việc đại sự trong nước, vua đều hỏi ý kiến các nhà âm dương gia giỏi qua các quẻ bói.

Thời Trần việc truyền bá, nghiên cứu, ứng dụng lý số khá phát triển, vua và các thân vương đại thần quan lại rất quan tâm lĩnh vực này. Tiêu biểu là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, ông đã từng soạn bộ Vạn kiếp tông bí truyền thư Binh gia diệu lý yếu lược trên cơ sở Chu Dịch và thuyết âm dương ngũ hành, thuật số để truyền dạy trong hoàng tộc. Ông còn để lại Chính kinh văn và lời huấn thế răn dạy người đời được dân gian hóa truyền tụng đến nay. Môn khách của Trần Hưng Đạo thường là người xuất chúng, Trần Kiến là một trong số đó. Ông đã dự đoán chính xác hai lần quân Nguyên bại trận bằng hai quẻ bói và đã được vua Trần Nhân Tông phong làm An phủ sứ lộ Yên Khang năm 1292.

Trở lại phương pháp của Triệu Khang Tiết đã được truyền bá vào Việt Nam khoảng vài trăm năm trước đó. Đấy là phương pháp ưu việt nên việc các âm dương gia như Trần Kiến dùng phương pháp của Thiệu Khang Tiết để toán quẻ là lôgíc. Điều này sẽ được phân tích và chứng minh phần dưới đây.

Trần Kiến đã bói như thế nào? Việc sao chép ghi về quẻ bói của đoạn sử trên có chuẩn xác hay không? Đấy là vấn đề khó khiến chúng tôi phải dò dẫm lập giả thiết, phân tích đánh giá... VSCMTY ghi bói làm hai lần, lần 1 bói quẻ Hằng biến thành quẻ Chấn? Lần 2 bói quẻ Quán biến thành quẻ Hoán. Tôi cho rằng quẻ bói lần 2 ghi chính xác còn quẻ bói lần 1 ghi Biến quái là quẻ Thuần Chấn là chưa chuẩn xác. Xin được phân tích sơ bộ quẻ Quán biến thành quẻ Hoán trước.

Trần Kiến đã toán quẻ tính số lấy giờ lập được Chính quái là quẻ Phong Địa Quán 風 地 觀 Tượng quẻ là . Từ đó ta có thể tính luôn được ra Hỗ quái là quẻ Sơn địa bác 山 地 剝 . Ở đây đã có ngay đáp án (Sử đã ghi) Biến quái (5) là quẻ Phong thủy Hoán 風 水 渙 ; từ đó ta chỉ cần tính ngược lại thì biết ngay động Hào mấy và Hào động nằm ở Thượng quái hay Hạ quái của Chính quái. Ở quẻ Phong Địa Quán này Hào động là Hào hai nằm ở Hạ quái, như vậy Hạ quái là Dụng quái và Thượng quái là Thể quái (6). Rõ ràng ở đây chỉ có một Hào động là Hào 2, điều đó chứng minh rằng Trần Kiến đã chiêm bốc theo phương pháp của Thiệu Khang Tiết chứ không dùng phương pháp nào khác. Xét về ngũ hành sinh khắc Thể – Dụng ở quẻ này. Thể quái là mộc 木, Dụng quái và Hỗ quái đều là thổ 土, còn Biến quái phần Thượng quái là mộc 木 và Hạ quái là Thủy 水. Như vậy Thể quái, khắc Dụng, khắc Hỗ quái và lại được Biến quái có Hạ quái sinh Thể và Thượng quái tị hoà Thể. Thể quái ở đây rất vượng, khẳng định đây là một quẻ rất tốt cho chủ thể xem bói. Giải nghĩa quẻ Hoán theo Tượng quẻ Tốn phong ở trên Khảm thủy, gió thổi trên mặt nước, nước đụng gió thì Hoán tán tứ tung. Nên mới đặt tên quẻ là Hoán với nghĩa của nó là tan tác Hoán giả ly dã 渙 者 離 也. Chính vì bốc được quẻ Quán ra Biến quái là quẻ Hoán này mà Trần Kiến mới khẳng định với vua Trần Nhân Tông rằng “Điềm ly tán, quân Nguyên nhất định sẽ tan vỡ”.

Trở lại vấn đề chính là quẻ Hằng có biến sang được quẻ Chấn hay không ? và cách giải thích như thế nào để có tính thuyết phục. Quẻ Lôi Phong Hằng 雷 風 恒 theo cách định nghĩa của Chu Dịch “Tốn hạ là nội Tốn, Chấn thượng là ngoại Chấn. Chấn lôi, Tốn phong nên tên quẻ gọi là Lôi Phong Hằng, Hằng có nghĩa là lâu dài”(8). Tượng quái là . Thượng quái và Hạ quái của quẻ Hằng đều thuộc mộc. Quẻ toán được (quẻ Hằng) này còn được gọi là Chính quái. Từ đó ta có thể tính ngay được Hỗ quái(9) là quẻ Trạch Thiên Quải 澤 天 夬; Tượng quái là . Điều khó ở đây là ta không biết Trần Kiến toán được số mấy? lúc mấy giờ ? và cũng không biết được là động Hào mấy ?... Vì phải biết được Hào động thì mới tính được Biến quái. Vì vậy ta phải lập giả thiết dò từng trường hợp, tính lần lượt Động từ Hào 1 đến Hào 6 để xem tính lôgíc hợp nghĩa, hợp lý của từng Hào động dẫn đến Biến quái là gì ? Nghĩa của Biến quái có trùng với nghĩa quân Nguyên tan vỡ không ? Đồng thời tính ngũ hành sinh khắc của Thể quái với Dụng quái, Hỗ quái và Biến quái... để có kết luận sơ bộ. Sẽ có 6 trường hợp của sáu Hào động lần lượt từ Hào 1 đến Hào 6, từ Hạ quái đến Thượng quái của quẻ Hằng. ở quẻ Hằng này vị trí Dụng quái và Thể quái phụ thuộc vào Hào động, còn Hỗ quái là cố định. Do đó xét ngũ hành sinh khắc tôi chỉ tính qua Thể và Dụng, chú trọng Biến quái để tính kết quả cuối cùng, còn Hỗ quái sẽ nói ở phần sau.

* Nếu động Hạ quái thì Thượng quái là Thể quái còn Hạ quái là Dụng quái.

1. Trường hợp thứ nhất: Nếu động Hào 1 (Hào Sơ lục) thì Hào Sơ lục sẽ biến thành Hào dương là Hào Sơ cửu ở quẻ Biến quái. Như vậy Biến quái sẽ là quẻ Lôi Thiên Đại Tráng 雷 天 大 壯 , tượng quái là . Đại Tráng nghĩa là dương đã tráng thịnh lắm.

Nếu tính ngũ hành sinh khắc Thể quái và Dụng quái đều thuộc mộc 木 là bình hòa. ở Biến quái có Thượng quái thuộc mộc 木 và Hạ quái thuộc Kim 金. Như vậy Hạ quái của Biến quái đã khắc Thể. Kết quả cuối cùng lại xấu, cộng với nghĩa của Biến quái không hợp với nghĩa quân Nguyên tan vỡ, ta loại bỏ trường hợp này.

2. Trường hợp thứ 2: Nếu động hào 2, (Hào Cửu nhị) thì Hào Cửu nhị ở quẻ Hằng sẽ biến thành Hào âm là Hào Lục nhị ở Biến quái. Như vậy Biến quái sẽ là quẻ Lôi Sơn Tiểu Quá 雷 山 小 過. Tượng quái là . Tiểu Quá có 3 nghĩa: 1) Cái nọ có ý quá; 2) Việc nhỏ có quá; 3) Quá chút ít(11).

Nếu tính ngũ hành sinh khắc Thể quái và Dụng quái đều thuộc mộc 木 là tị hòa. Còn ở Biến quái này thì Thượng quái là mộc 木 Hạ quái là Thổ 土. Như vậy Thể quái đã khắc Biến quái (Hạ quái) sinh khắc như vậy là được, nhưng xét về nghĩa của Biến quái không hợp với nghĩa quân Nguyên tan vỡ. Trường hợp này ta tạm gác lại.

3. Trường hợp 3: Nếu động Hào 3 (Hào Cửu tam) thì Hào Cửu tam ở quẻ Hằng sẽ biến thành Hào âm là Hào Lục tam ở Biến quái. Như vậy Biến quái sẽ là quẻ Lôi Thủy Giải 雷 水 解 tượng quái là . Giải nghĩa là tan, bao nhiêu việc hiểm nạn đến bây giờ đều giải tán hết cả.

Thể quái và Dụng quái đều thuộc mộc 木 là tị hòa; Còn ở Biến quái này thì Thượng quái là mộc 木, Hạ quái là Thủy 水. Như vậy Biến quái (Hạ quái) đã sinh Thể quái. Sinh vậy là rất thuận và kết quả cuối cùng là rất tốt. Xét về nghĩa của Biến quái là phù hợp với việc quân Nguyên tan vỡ. Đến trường hợp này gần như ta đã có đáp số, nhưng để cho chuẩn xác xin được tiếp ba trường hợp còn lại.

* Nếu động thượng quái thì Hạ quái là Thể quái còn Thượng quái là Dụng quái

4. Trường hợp 4: Nếu Động Hào 4 (Hào Cửu tứ) thì hào Cửu tứ của quẻ Hằng sẽ biến thành Hào âm là Hào Lục tứ ở Biến quái. Như vậy Biến quái sẽ là quẻ Địa Phong Thăng 地 風 升 , Tượng quái là . Thăng nghĩa là chồng chất lên cao.

Tính ngũ hành sinh khắc Thể quái và Dụng quái đều thuộc mộc 木 là tị hòa; Còn ở Biến quái này thì Thượng quái thuộc thổ 土, Hạ quái thuộc mộc 木. Như vậy Thể quái đã khắc Biến quái (Thượng quái) sinh khắc như vậy cũng được, nhưng xét nghĩa biến quái không hợp với nghĩa quân Nguyên tan vỡ. Trường hợp này ta cũng gác lại.

5. Trường hợp 5: Nếu động hào 5 (Hào Lục ngũ) thì Hào Lục ngũ ở quẻ Hằng sẽ biến thành Hào dương là Hào Cửu ngũ ở Biến quái. Như vậy Biến quái sẽ là quẻ Trạch Phong Đại Quá 澤 風 大 過 . Tượng quái là . Đại Quá có hai nghĩa a) Phần đại nhiều quá (dương nhiều hơn âm); b) Lớn quá (công nghiệp lớn quá). Nghĩa chung là công việc quá chừng lớn.

Tính ngũ hành sinh khắc Thể quái và Dụng quái đều thuộc mộc 木 là tị hoà. Còn ở Biến quái này thì Thượng quái thuộc kim 金, Hạ quái thuộc mộc 木. Như vậy Biến quái (Thượng quái) khắc Thể quái. Kết quả quẻ là không được, và xét nghĩa của Biến quái không hợp với nghĩa quân Nguyên tan vỡ. Trường hợp này bị loại bỏ.

6. Trường hợp 6: Nếu động Hào 6 (Hào Thượng lục) thì Hào Thượng Lục ở quẻ Hằng sẽ biến thành Hào dương là Hào Thượng Cửu ở Biến quái. Như vậy Biến quái sẽ là quẻ Hỏa Phong Đỉnh 火 風 鼎 tượng quẻ là . Đỉnh nghĩa là cái vạc để biến đồ sống ra đồ chín, đổi cứng ra mềm.

Tính ngũ hành sinh khắc Thể quái và Dụng quái đều thuộc mộc 木 là tị hoà; Còn ở Biến quái này thì Thượng quái thuộc Hỏa 火, Hạ quái thuộc mộc 木. Như vậy Thể quái phải sinh Biến quái (Thượng quái). Kết quả là không được và xét nghĩa của Biến quái không phù hợp với nghĩa quân Nguyên tan vỡ. Trường hợp này bị loại bỏ.

Như vậy tôi đã dừng lại ở trường hợp 3 để đưa đến những suy luận có lý là Trần Kiến đã toán được quẻ Lôi Phong Hằng rồi tính được Hào động là Hào 3 của Chính quái này. Từ đó Hào 3 là Hào Cửu tam ở Chính quái đã biến thành Hào lục tam để hình thành xong Biến quái là quẻ Lôi Thủy Giải 雷 水 解. Giải nghĩa là tan, giải tán. Như cách thích nghĩa của Chu Dịch ...”in như tượng quẻ, Chấn là Lôi, Khảm là vũ, âm dương giao cảm hào xướng mà đồng thì mưa sấm lung tung, bao nhiêu khí u uất đến lúc bấy giờ giải tán hết ráo, ấy là chữ Giải.

Nên đặt tên bằng quẻ Giải, 解 者 緩 也 (Giải giả hoãn dã)(11). Soán truyện lại thích nghĩa “Soán viết, giải, hiểm dĩ động, động nhi miễn hồ hiểm, giải. 彖 曰 , 解 , 險 以 動 , 動 而 免 乎 險 , 解. Đây là lấy đức quẻ thích nghĩa tên quẻ, Khảm là có tính hiểm, Chấn là có tính động, vì hiểm mà sinh ra nạn, vì động mà thoát được nạn, ngộ hiểm mà còn động được, mới thấy được người có tài 險 以 動, động mà thoát khỏi hiểm mới thấy có tài giải nạn 動 而 免 乎 險, nên đặt tên quẻ bằng Giải 解...”(12)

Trong 6 trường hợp động Hào với 6 Biến quái trên thì chỉ có Biến quái Lôi Thủy Giải là hợp với sự kiện lúc đó quân Nguyên xâm lược, nước ta gặp hiểm nạn, rồi kiên cường chiến đấu, giặc thua, ta qua hiểm nạn. Cũng mới thấy được sự lãnh đạo tài tình của vua Trần, Hưng Đạo vương cùng các vương tướng khác.

Ở đây ta cũng phải tính đến Hỗ quái là quẻ Trạch Thiên Quải, trong việc toán được quẻ Lôi Phong Hằng thì Hỗ quái ở đây là tất yếu bất biến. Cả 6 trường hợp Biến quái đều có chung Hỗ quái là quẻ Quải. Nếu xét ngũ hành sinh khắc thì Hỗ quái thuộc kim tuy khắc Thể quái (cả 6 trường hợp kim khắc mộc) nhưng riêng ở quẻ Giải, Hỗ quái lại tương sinh với Hạ quái của Biến quái (kim sinh thủy) làm giảm bớt cái khắc Thể của Hỗ quái và lại tăng sức cho Biến quái sinh Thể (thủy sinh mộc); đồng thời nghĩa lại phù hợp sự kiện lịch sử lúc đó. Tháng 12 năm 1284 khi quân Nguyên xâm lược lần đầu, thế giặc rất mạnh, quân dân nhà Trần gian khổ chiến đấu nhiều trận phải lùi, xa giá vua và Thượng hoàng phải xiêu dạt (Hỗ quái khắc thể). Đến tháng 5 năm 1285 ta mới chém được Toa Đô, đuổi Ô Mã Nhi chạy, giết Lý Hằng, Lý Quán khiến Thoát Hoan bại trận (Biến quái sinh Thể), Biến quái sinh Thể là kết quả cuối cùng thành công.

Trở lại về Thể quái và Dụng quái ở quẻ Hằng biến sang quẻ Giải. Thể - Dụng ở Chính quái đều thuộc mộc, Thể - Dụng ở đây tị hòa là tốt. Dụng quái khi động Hào sang Biến quái lại thành thủy 水 và sinh Thể quái. Như vậy Dụng quái trước tốt rồi sau lại càng tốt hơn mà nhất Dụng này rất quan trọng. Tuy rằng Hỗ quái và Biến quái cũng được coi là dụng, nhưng chỉ là Thứ Dụng mà thôi.

Đến đây xin trở lại vấn đề vì sao VSCMTY lại ghi “được quẻ Hằng biến sang quẻ Chấn”? Sự biến Dịch sang quẻ Chấn bằng cách nào ? Có hợp lý không ? Nghĩa của quẻ Chấn có hợp với nghĩa quân Nguyên tan vỡ không ?...

Như đã trình bày ở trên nếu tính theo phương pháp của Thiệu Khang Tiết động một Hào, thì lần lượt động từ Hào 1 đến Hào 6 không có Biến quái nào thành quẻ Thuần Chấn được. Đặt giả thiết ở đây đã nảy sinh ra phương pháp gieo quẻ khác tính nhiều Hào động vào Chính quái. Cách tính nhiều Hào động là động từ 2 Hào trở lên đến cả 6 Hào. ở trường hợp này thì chỉ có cách tính nhiều Hào động vào Chính quái Lôi Phong Hằng thì mới có thể biến thành quẻ Thuần Chấn được. Tức là phải động liền cả 3 Hào (Hào 1, Hào 2 và Hào 3) vào Hạ quái của Chính quái thì mới được Biến quái Bát Thuần Chấn. Nhưng theo nguyên tắc toán quẻ lập Chính quái tính Hào động, đã động thì phải biến, động Hào nào thì Hào đó được biến đổi ngay sang Hào khác (từ âm sang dương hoặc từ dương sang âm) để hình thành ngay Biến quái mới. Trong một Chính quái cũng có thể động nhiều Hào để tính nhiều việc trong Chính quái đó, nhưng việc động Hào cũng phải tính lần lượt hết Hào này rồi mới sang Hào khác... xoay quanh trục cố định là Chính quái. Nếu ta cho rằng Trần Kiến đã dùng phương pháp bói Dịch theo Bốc phệ chính tông gieo tiền đếm quẻ hoặc tính năm tháng ngày giờ lúc xem thì lại không có sự thống nhất như việc chiêm bốc quẻ Quán sang quẻ Hoán đã nêu trên. Do đó chúng tôi cho rằng khó thể có sự Biến dịch thẳng từ quẻ Hằng sang quẻ Chấn được.

Bây giờ xin được bình đến quẻ Thuần Chấn xem nghĩa có phù hợp với nghĩa quân Nguyên xâm lược bị đánh tan hay không? và ngũ hành sinh khắc thuận nghịch thế nào?

Chu Dịch định nghĩa quẻ Chấn: “Chấn hạ cũng là nội Chấn, Chấn thượng cũng là ngoại Chấn. Trên dưới trong ngoài thảy là Chấn, nên tên quẻ đọc bằng Bát Thuần Chấn... Quẻ Chấn là quẻ nhất dương ở dưới nhị âm tượng Chấn là sấm, nghĩa của Chấn là động”.

Soán từ thích nghĩa: “Chấn hanh, Chấn lai khích khích, hậu tiếu ngôn hách hách; Chấn kinh bách lý, bất táng chủy sưởng. 震 亨 。 震 來 虢 虢 , 後 笑 言 啞 啞 , 震 驚 百 里 , 不 喪 匕 鬯(13) . Nghĩa là Tượng Chấn là sấm, sấm phát động mà vạn vật nảy nở, có nghĩa là được hanh thông. Chấn lại có nghĩa là kinh động, thoạt có việc gì mà kinh động tới nơi. Người ta gặp phải sự tình như thế thời nên cẩn thận kỹ càng, đón trước ngó sau rồi sau sẽ được cười nói êm ái, tỷ như tiếng sấm vang động kinh chuyển đến trăm dặm mà tinh thần vẫn vững không làm mất đồ tế khí.”(14) Soán truyện thích nghĩa cũng tương tự như Soán từ. Đại Tượng truyện ghi: “Tượng viết, tấn lôi, Chấn, quân tử dĩ khủng cụ tu tỉnh 象 曰 洊 雷 , 震 君 子 以 恐 懼 修 省 . Chấn nguyên nghĩa là sấm, trên dưới hai lần Chấn, tượng là Sấm dồn là tượng quẻ Chấn. Quân tử xem tượng ấy, mà trong lòng cũng thường có một cách tấn lôi, khi bình thường vô sự mà cứ lo sợ luôn luôn, dẫu có gặp những biến cố gì, thời càng lo xét sửa cho mình”(15).

Xem toàn bộ định nghĩa và thích nghĩa của Soán từ, Soán truyện, Đại tượng truyện cùng Hào Từ và Tiểu Tượng truyện của quẻ Thuần Chấn tôi không thấy có sự liên hệ với sự kiện quân Nguyên xâm lược bị quân dân ta đánh tan phải rút chạy, không có ý nghĩa giống như quẻ Phong thủy Hoán và quẻ Lôi Thủy Giải như đã nói ở trên.

Nếu tính ngũ hành sinh khắc với Thể Dụng ở quẻ Thuần Chấn này thì Thượng quái và Hạ quái của quẻ Chấn đều thuộc mộc 木, đã bình hòa với Thể quái, như vậy là tương đối thuận. Nhưng Biến quái Chấn ở đây lại bị Hỗ quái Trạch Thiên Quải khắc cả Thượng quái và Hạ quái (Kim 金 khắc mộc 木), do đó nó bị chiết giảm nhiều độ bình hoà với Thể quái. Về mặt này quẻ Chấn không thể so sánh được với quẻ Hoán hay quẻ Giải như đã nêu trên.

Từ đó chúng tôi cho rằng khó thể có hiện tượng toán quẻ Lôi Phong Hằng sinh ra Biến quái Bát Thuần Chấn được. Nhưng vì sao VSCMTY lại chép như vậy? Điều này thật khó lý giải vì dịch giả không giới thiệu việc sưu tầm, giám định, chỉnh lý văn bản VSCMTY ở đầu sách nên chúng tôi cũng chỉ căn cứ vào phần phụ lục in nguyên tác bộ sử để xem lại toàn bộ văn bản và chú trọng ở đoạn ghi sự kiện bói Dịch trên.

Bộ sử VSCMTY được chia làm 8 quyển từ quyển 1 đến quyển 8, đánh số thứ tự từ trang 8 đến trang 672. Trang 7 đầu sách là lời tựa của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng. Toàn bộ văn bản chữ Hán bộ sử này có một số điểm đáng chú ý. ở các quyển I, quyển IV, quyển V, quyển VI và quyển VIII giấy đã bị cũ và hơi ố mỏng nên bản photocopy có một số điểm bị mờ nhòe, nhiều chỗ ở cuối trang bị rách mòn một chút. Chữ Hán viết Chân có nét chữ giống nhau, viết hơi tháu phong cách tự nhiên liền mạch, nhiều chỗ có các nét xóa, nét chữ đậm nhạt tương phản hơi mờ. Nét chữ và phong cách viết cùng một vài đặc điểm văn bản khác rất giống trang đầu do Thiện Đình Đặng Xuân Bảng viết lời tựa ghi ngày 12 tháng Giêng năm Thành Thái thứ 17 (1905).

Ở các quyển II, quyển III và quyển VII thấy có sự khác biệt, giấy mới hơn và lành lặn không bị rách mòn, khi photocopy lại không một điểm nào bị nhòe. Chữ Hán viết Chân cẩn thận, rõ ràng từng nét chấm câu như một văn bản chép lại. Nét chữ, kiểu chữ và phong cách viết hoàn toàn khác với chữ ở các quyển I, IV, V, VI, VIII và trang lời tựa. Màu mực chữ ở các quyển II, III và VII này tuy không đậm nhưng trông tươi và mới hơn nhiều so với màu mực chữ của 5 quyển trên.

Đoạn sử ghi về sự kiện bói Dịch trên nằm ở trang 145 thuộc quyển II tức là quyển mà chúng tôi cho rằng đã được sao chép sửa lại gần hoặc sau một thời gian Đặng Xuân Bảng thực hiện nguyên tác. Điều này sẽ là hợp lý vì cuối lời tựa Thiện Đình Đặng Xuân Bảng đã ghi rằng: “... Nay về Ngoại kỷ thì xa xôi khó khảo cứu, tạm dựa vào Việt sử. Chỗ nào dài dòng thì bỏ bớt, hoặc gộp việc cùng loại làm một để cho gọn gàng. Về chú thích thì căn cứ vào địa danh cổ, sửa lại và dẫn các sách phụ xét ở dưới. Về thời đại Tây Sơn thì xin tra xét thực lục của bản triều và bổ sung thêm bằng sách sử của các nhà, tất cả gồm 8 quyển. Chỗ nào ngờ thì để khuyết, để đợi các nhà bác nhã sau này bổ sung. Nay viết tựa”.

Thành Thái năm thứ 17 tháng Giêng ngày 12 Thiện Đình viết lời tựa.

Từ những phân tích trên chúng tôi cho rằng xuất phát từ việc sửa chữa thêm bớt sao chép lại một số phần trong VSCMTY như lời tựa đã nói ở trên; Hoặc giả sau này có sự thất lạc, thay đổi... phải sao chép lại ở các quyển II, III và VII để bộ sử được trọn vẹn hoàn chỉnh ! nên ảnh hưởng chút ít đến sự chuẩn xác của nguyên tác, dẫn đến sự nhầm lẫn một chữ như trường hợp quẻ Chấn trong đoạn sử trên ghi trong quyển II. Việc nhầm lẫn một vài chữ ở trong một bộ sử đồ sộ cũng là một việc rất bình thường, nhất lại là ở trong giai đoạn biến động lớn của nước ta đầu thế kỷ XX, lúc đó chắc chắn nhà sử học Đặng Xuân Bảng đã vượt qua không ít khó khăn để hoàn thành bộ VSCMTY này. Qua đó chúng ta cũng thấy được cái khó khăn vất vả từng câu, từng chữ của những người làm công tác dịch chú sách sử nói riêng và dịch thuật nghiên cứu Hán Nôm nói chung.

Là người hậu học và còn hiểu biết hạn hẹp về Chu Dịch và các phương pháp bói Dịch, chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu văn bản VSCMTY, do đó bài viết không thể tránh được những hạn chế nhất định, chúng tôi mong được lĩnh giáo ý kiến của các nhà Dịch học và nghiên cứu Hán Nôm.

N.C.V

CHÚ THÍCH:

(1) Nạp giáp. Lấy 64 quẻ chia làm 8 rồi xếp theo 8 cung, mỗi cung có 8 quẻ. Mỗi quẻ đều có “Hào thế” và “Hào ứng”. Rồi lấy can chi sắp xếp với 6 Hào của Bát quái để được quẻ thuộc địa chi của ngũ hành. Căn cứ vào ngũ hành sinh khắc của quẻ mà định ra Lục Thân: Phụ mẫu, Huynh đệ, Thê tài, tử tôn, Quan quỷ. Ngoài ra có Lục thần: Thanh long, Bạch hổ, Huyền vũ, Chu tước, Phi xà, Câu trần. Lấy Lục thần và Can chi thuộc ngũ hành sinh khắc cùng thời gian gieo quẻ để đoán cát hung.

(2) Bói tiền: Lấy 3 đồng tiền úp trong 2 bàn tay để lắc, trước khi lắc thì khấn, niệm xin quẻ, khi đổ ra xét sấp ngửa ghi thành các vạch hào âm dương từ dưới lên trên, tổng 6 lần lắc được 6 hào thành quẻ.

(3) Thiệu Khang Tiết quê ở Ngọc Châu tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, ông đã truyền lại kiến thức Dịch học, Thiên văn học cho con cháu. Hiện nay Thiệu Vĩ Hoa (sinh năm 1936) là hậu duệ đời thứ 29 của Thiệu Khang Tiết cũng trở thành ngôi sao Dịch học Trung Quốc; ông là Tổng giám đốc các Trung tâm dự đoán Thiệu Vĩ Hoa của các thành phố Ngọc Châu, Tây An, Thâm Quyến... Ông đã biên soạn bộ sách nổi tiếng “ Chu Dịch với dự đoán học”, “Các ví dụ giải quẻ của Chu Dịch”, “Tứ trụ dự đoán học”...

(4) Thời Trần và Lê sơ đặt Tư thiên giám là Sở chuyên chiêm tinh, báo thời tiết, làm lịch, xem xét và luận đoán các sự việc hiện tượng ở vũ trụ không gian và xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống thực tại, sau đó làm tờ tấu lên vua. Quan đầu Sở là chức Tư thiên lệnh. Giai đoạn sau đổi làm Khâm thiên giám có chức năng tương tự.

(5) Biến quái khi đã lập Chính quái tìm được Hào động rồi thì Hào động đó được biến đổi từ Hào âm (- -) sang Hào dương (-) hoặc từ Hào dương (-) sang Hào âm (--), Hào mới này quyết định cho sự hình thành quẻ mới gọi là Biến quái. Biến quái cũng có Thượng quái và Hạ quái tương ứng với Thể quái và Dụng quái. Phần tương ứng với Dụng quái từ Hào động chuyển sang là đặc biệt quan trọng, nó có tương sinh với Thể quái hay để Thể khắc không ? hoặc ngược lại đều có ý nghĩa quyết định cuối cùng đối với sự việc cát hung thành bại của Biến quái.

(6) Sau khi đoán quẻ được Chính quái (còn gọi là chủ quái) mới tìm Hào động để phân Chính quái làm Thể quái và Dụng quái. Hào động ở đâu (Hạ hoặc Thượng quái) thì phần đó là Dụng còn lại là Thể. Thể quái chỉ mình, chủ thể là giai đoạn đầu; Dụng quái là người khác hay sự việc. Tính ngũ hành sinh khắc của Thể - Dụng, Thể nên khắc Dụng hoặc để Dụng sinh Thể, không nên để Dụng khắc Thể hoặc Thể sinh Dụng. Dụng quái ở Chính quái rất quan trọng, ứng nghiệm ngay giai đoạn đầu, còn Hỗ quái và Biến quái cũng được gọi là Dụng, hợp với Dụng quái Chính gọi là ứng quái.

(7) Xem Chu Dịch. Sào Nam Phan Bội Châu - Nhà sách Khai Trí - Sài Gòn xuất bản năm 1969. tr.1027 LIX. Quẻ Phong Thủy Hoán.

(8) Hạ chỉ Hạ quái, Nội chỉ Nội quái đều chỉ chung một đơn quái nằm dưới. Thượng chỉ Thượng quái, Ngoại chỉ Ngoại quái đều chỉ chung một đơn quái nằm trên.

Xem Chu Dịch XXXII - Quẻ Lôi Phong Hằng - Sđd., tr.597.

(9) Hỗ quái: Hỗ quái là lấy Chính quái bỏ đi Hào trên cùng và Hào dưới cùng, chỉ giữ lại 4 Hào 2, 3, 4 và 5, rồi chia thành Thượng quái và Hạ quái. Hỗ quái là trung gian ứng, thứ quan trọng. Quẻ Hỗ còn chia ra Hỗ quái của Thể và Hỗ quái của Dụng. Nếu Thể quái ở trên thì Hỗ quái của thể cũng ở trên, nếu Thể quái ở dưới thì Hỗ quái của Thể cũng ở dưới. Hỗ quái cần sinh Thể hoặc bình hoà, không được khắc Thể. ở quẻ Hằng này có Hỗ quái là Trạch Thiên Quải. Hỗ Quái Quải này không thay đổi và đi chung với Biến quái nếu ta tính động lần lượt 6 hào.

(10) Chữ Quá có 2 nghĩa:

a) Quá là quá.

b) Quá là lỗi. Nhưng Quái từ không dùng chữ Quá là lỗi.

(11) Chu Dịch. Sách đã dẫn, tr.727-728 XXXX. Quẻ Lôi Thủy Giải.

(12) Chu Dịch. Sách đã dẫn, tr.730, XXXX Quẻ Lôi Thủy Giải

(13) Bất táng chủy sưởng: chủy nghĩa là đũa muổng là đồ để tiến soạn lúc tế. Sưởng là rượu nghệ dùng để tế thần. Câu này ý nói làm chủ tế mà được vững vàng.

(14) Chu Dịch. Sách đã dẫn - quẻ Bát thuần Chấn, tr.919 đến tr. 923

(15) Chu Dịch. Sách đã dẫn - quẻ Bát thuần Chấn - Đại Tượng truyện, tr. 923, 924

TB

VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÁC MÃ CHỮ "TRONG" Ở MỘT SỐ VĂN BẢN NÔM

TRƯƠNG ĐỨC QUẢ

Hiện nay nhìn vào hệ thống chữ Nôm trong các tự điển chúng ta thấy hiện tượng cùng một âm đọc có nhiều mã chữ khác nhau, đồng thời một mã chữ lại có nhiều cách đọc. Đây là một vấn đề phức tạp có thể xem là những đề tài nghiên cứu cần thiết cho việc phiên âm Nôm và nghiên cứu văn bản Nôm. ở vấn đề thứ nhất cùng một âm đọc có nhiều mã chữ khác nhau, chúng ta chỉ có thể thấy được một cách khái quát, rằng hệ thống chữ Nôm được hình thành trong khoảng gần 1000 năm, dù là thứ chữ ghi âm không chính xác, nhưng ít nhiều cũng phản ánh được diễn biến quá trình phát triển của ngữ âm tiếng Việt. Và do đó xuất hiện các cách tạo chữ khác nhau. Tuy nhiên ở nhóm chữ nằm trong hiện tượng này, nếu chỉ đọc trong các tự điển chúng ta sẽ không thấy được quá trình xuất hiện cũng như diễn biến của chúng.

Ví dụ: Bảng tra chữ Nôm (1) có các mã chữ “trong” sau:

工 , 中 , , 沖 , , , ,

Muốn tìm hiển căn nguyên của nhóm chữ có hiện tượng nêu trên, cần phải xem xét ở từng văn bản cụ thể, với từng chữ cụ thể, xuyên suốt quá trình hình thành và lưu truyền các văn bản đó.

Chữ "trong" là một chữ trong nhóm chữ Nôm cùng một âm đọc có nhiều cách viết khác nhau, mà chúng tôi thử tìm hiểu sự hiện diện của nó trong các văn bản Nôm qua các thời đại.

Bảng 1: Sự hiện diện các mã chữ "trong" ở một số văn bản:

STT Văn bản Ký hiệu
thư viện
Chữ Nôm Thời điểm ra đời Thời điểm khắc in, sao chép
1 Thiền tông bản hạnh AB. 562
Trần Nhân Tông (1258 – 1308) In / Bảo Đại 7 (1932)
2 Quốc âm thi tập Nc.134 工 中
Nguyễn Trãi (1380-1442) In / Tự Đức 1868
3 Hồng Đức quốc âm thi tập AB. 392 Lê Thánh Tông (1442-1497) Sao chép
4 Bạch Vân thi tập AB.157 Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) Sao chép
5 Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh Bản sao chụp 工 共 Thể kỷ XV In / khoảng 1700-1730
6 Tân biên truyền kỳ mạn lục... HN.257-258 (Viện Văn học) Nguyễn Thế Nghi thế kỷ XVI In/ Cảnh Hưng 35 (1774)
7 Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa... AB.372 工 中 Trước thế kỷ XVII In
8 Biển gỗ: Lạc Lâm tự thi N.1959 Khắc/Vĩnh Thịnh 13 (1717)
9 Cổ Châu phật bản hạnh In từ bản khắc chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). In/ Cảnh Hưng 13 (1752)
10 Chinh phụ ngâm AB.361 Đoàn Thị Điểm (1705-1746) sao chép
11 Cung oán ngâm khúc AB.392 Nguyễn Gia Thiều (1742-1798) sao chép
12 Hoa tiên nhuận chính VNb.72 Nguyễn Huy Tự (1743-1790) In / Tự Đức ất Hợi 1875
13 Tiên thánh thăng hà Hoàng hậu ai vãn AB.184 Lê Ngọc Hân (1770-1799) sao chép
14 Đoạn trường tân thanh AB.12 Nguyễn Du (1766-1820) In / Thành Thái (1902)
15 Ngọc kiều lê VNb.76 Lý Văn Phức (1785-1849) In / Đồng Khánh 1888
16 Đại Nam quốc sử diễn ca AB.1 Lê Ngô Cát (1827-1875) Phạm Đình Toái In / Tự Đức 23 (1870)
17 Lục Vân Tiên ca diễn Vv.304 Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) Chép 1883

Bảng 1 trên cho thấy mã 工 hiện diện ở hầu khắp các văn bản từ thời Trần đến cuối Lê. Có thể tạm xem Cổ Châu hạnh là văn bản có sự hiện diện sau cùng của mã này. Bởi vì sau đó chừng hơn 20 năm ở bản in Tân biên truyền kỳ mạn lục không còn ghi bằng mã 工 nữa mà đã dùng mã . Nhưng bên cạnh các mã 宮,共,工 các văn bản ở thời kỳ này lại còn hiện diện các mã khác như 中, , ... Để lý giải vấn này trước hết xin dẫn từ một trường hợp cụ thể đó là Thiền tông bản hạnh.

Văn bản chúng tôi đưa vào bảng thống kê trên (số thứ tự 1) hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu AB.562. Đây là bản in, cuối bài tựa đề rõ niên đại: Hoàng triều Bảo Đại thất niên tam nguyệt trung cán cát nhật [Ngày tốt tuần giữa tháng 3 niên hiệu Bảo Đại 7 (1932)] cũng ở phần cuối bài tựa này (do Tỳ khưu tự là Thanh Hanh viết) cho biết: trước đây có một bản do vị tăng trụ trì chùa Hoa Yên tự là Tuệ Thân cùng các sư đồ cho khắc in lại vào niên hiệu Gia Long 4 (1805) nhưng bản này đã mất, nay tìm lại được một bản nên cho khắc in để lưu truyền rộng rãi. Văn bản này gồm có một bài Tựa bằng Hán văn, một bài Hạnh và 7 bài phú bằng chữ Nôm. Trong đó có 3 bài phú: 2 bài do vua Trần Nhân Tông viết và 1 bài do sư Huyền Quang viết là những bài đã được giới nghiên cứu thẩm định về mặt văn bản học. Để đảm bảo độ tin cậy, chúng tôi chỉ chọn 3 bài phú này làm đối tượng khảo sát xem mã chữ Nôm "trong" hiện diện như thế nào. Kết quả khảo sát cho thấy: trong 3 bài phú chỉ có 2 bài của Trần Nhân Tông (Cư trần lạc đạo và Đắc thú lâm tuyền) là có sử dụng đến từ "trong". Bài Vịnh Hoa Yên tự phú không sử dụng đến từ này. Chi tiết như sau: Cư trần lạc đạo có 5 lần sử dụng từ "trong", Đắc thú lâm tuyền có 2 lần. Chỉ nhìn vào các mã chữ ở văn bản này chúng ta sẽ không giải thích được vấn đề đặt ra nếu như không may mắn có được văn bản khác. Đó là văn bản Thiền tông bản hạnh do cụ Hoàng Xuân Hãn giới thiệu trong bài: Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê phái Thiền Trúc lâm Yên Tử in trong ba số 5, 6, 7 của Tập san Khoa học Xã hội xuất bản tại Paris(2) từ 1978 đến 1980. Cụ cho biết đây là văn bản do nhà sự trụ trì chùa Liên Hoa làng Hoàng Mai Hà Nội(3) có pháp danh là Giải Ngạn tặng cụ năm 1943. Văn bản này bên lề có tên: Thiền tông bản hạnh, trong có một bài Bạt bằng Hán văn và bốn bài văn Nôm: Bài mở đầu (bài hạnh) tiếp theo là ba bài: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông và bài Vịnh Hoa Yên tự phú của Huyền Quang. Đây là bản in có niên đại Cảnh Hưng 6 (1745). Việc đối sánh chi tiết hai văn bản này chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác, ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào sự hiện diện của chữ Nôm "trong". Để tiện theo dõi chúng tôi gọi bản do cụ Hoàng Xuân Hãn giới thiệu là bản Cảnh Hưng, bản ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm là bản Bảo Đại.

Ở bảng 2 trong 7 ngữ cảnh có hiện diện chữ "trong" đã có sự thay đổi về mã chữ.

- Ngữ 1: thành tố biểu 中 nghĩa ở bản Cảnh Hưng, đến bản Bảo Đại đã được thay bằng 青 [清]

- Ngữ 2 và ngữ 4: mã chữ không thay đổi.

- Ngữ 3: mã 工 ở bản Cảnh Hưng đã được thay thế bằng mã ở bản Bảo Đại.

- Ngữ 5, 6, 7: mã 工 ở bản Cảnh Hưng đã được thay thế bằng mã ở bản Bảo Đại.

Chúng ta thấy ở Thiền tông bản hạnh mã chữ "trong" 工 ở bản Cảnh Hưng đã được thay thế toàn bộ bằng hai mã ở bản Bảo Đại.

Bảng 2: Các ngữ cảnh có chữ "trong" ở hai văn bản Thiền tông bản hạnh văn bản in năm Cảnh Hưng 6 (1745), văn bản in năm Bảo Đại 7 (1932)


Sự thay thế này, theo chúng tôi, phản ánh hai khả năng:

Một là, đến thời Bảo Đại cách đọc âm tiết "trong" đã biến đổi khác trước (trường hợp thay thế mã 工 bằng hai mã ).

Hai là do xu thế sửa chữ Nôm theo hướng "chính xác hóa" để khu biệt nét nghĩa (trường hợp thay bằng ).

Trường hợp ở ngữ 2 mã 宮 (4) ở bản in Bảo Đại vẫn giữ nguyên. Phải chăng đây là mã hiếm thấy, người biên tập không dám chắc là chữ "trong" nên không thay thế. Có thể xem 宮 là mã quý hiếm và là một trong những cứ liệu để xác định về nguồn gốc văn bản các bài phú trong Thiền tông bản hạnh.

Để xác định niên đại của các mã chữ Nôm "trong" xin dẫn thêm hai cứ liệu nữa.

Khi nghiên cứu văn bản Thiên Nam ngữ lục (5), Nguyễn Thị Lâm đã khẳng định: tác phẩm này chắc chắn phải xuất hiện từ năm 1685 trở về sau và muộn nhất cũng chỉ vào mấy năm đầu của thế kỷ XVIII. Bằng việc khảo sát ngôn ngữ văn tự 6 dị bản Thiên Nam ngữ lục, Nguyễn Thị Lâm cho rằng văn bản AB.478 cổ nhất so với các bản còn lại. Văn bản này được sao lại từ văn bản khá cổ. Thời điểm sao chép vào khoảng cuối triều Tây Sơn và những năm đầu niên hiệu Gia Long (đầu thế kỷ XIX). Nguyễn Thị Lâm có đối sánh nhiều chữ Nôm giữa các dị bản. Chúng tôi chỉ xin trích lại một cách ghi từ "trong" của các dị bản Thiên Nam ngữ lục:

B.478 B.192 B.573 B.308 B.315 B.337

Sự hiện diện của mã 工 trong Thiên Nam ngữ lục khẳng định thêm sự tồn tại của mã này ở cuối thể kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Còn đối với các mã khác chúng tôi xin được trích dẫn cứ liệu do Nguyễn Tài Cẩn cung cấp trong công trình: Một số vấn đề về chữ Nôm(6). Trong phần phụ lục của công trình này (tr.282) ông đã dẫn ra niên đại xuất hiện của nhiều chữ Nôm (chủ yếu trong văn bia và một số văn bản Nôm khác) trong đó có 5 mã Nôm ghi từ "trong" như sau: (Chúng tôi trích dẫn theo những niên đại sớm nhất).

1531 1622 1672 1676 1676

Với các niên đại trên thì việc 中 hiện diện ở Chỉ Nam ngọc âm hay ở Thiền tông bản hạnh bản Cảnh Hưng (1735) và Tân biên Truyền kỳ mạn lục (Cảnh Hưng 1774) là có cơ sở. Tổng hợp lại chúng tôi thống kê được 12 mã Nôm ghi từ “trong”: 宮, 工, 共, 中, , ,, , , , .

Các mã này chúng tôi xác định niên đại theo từng nhóm như sau:

Nhóm 1: gồm 3 mã 宮, 共, 工 đây là nhóm mã được sử dụng một thời gian dài từ Trần sang Lê, trong đó mã 工 được dùng rộng rãi hơn. Nếu xem văn bản Cổ Châu hạnh là một giới hạn thì thời gian hiện diện của mã 工 là từ khoảng thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XVIII.

Nhóm mã này tuy cách viết khác nhau nhưng có cùng bản chất ngữ âm, phản ánh tiếng Việt ở thời kỳ này, âm tiết "trong" đang còn được phát âm với tổ hợp phụ âm đầu có thể xác lập là "klong". Trong đó tiền tố "k" đang được phát âm đậm nét hơn "l"..

- Nhóm 2: cũng có 2 mã 中 xuất hiện từ giữa thế kỷ XVI và khoảng giữa thế kỷ XVII. ở thời điểm này có thể coi 中 là mã thiên về biểu nghĩa, và ở thời gian sau là mã đồng dạng biến thể. là mã điển hình hội đủ hai yếu tố "kl" (hoặc "kr")(7) nhưng hiếm gặp. Tuy nhiên việc xuất hiện của 2 mã này báo hiệu đây đó cách phát âm tiền tố "k" đã bắt đầu mờ dần.

- Nhóm 3 với hai mã trong cứ liệu văn bia xuất hiện sớm nhất vào cuối XVII. Trong Thiền tông bản hạnh bản Cảnh Hưng (1745) ở ngữ 1, 4 đã xuất hiện 2 mã thay thế cho mã 工. Từ dẫn liệu trong một số văn bản ở bảng 1 chúng tôi cho rằng: việc hiện diện của nhóm mã Nôm này ở cuối thế kỷ XVII nửa đầu thế kỷ XVIII chỉ mới là khởi đầu lẻ tẻ. Việc hiện diện rộng rãi của hai mã này trên các văn bản Nôm phải vào khoảng từ giữa thế kỷ XVIII về sau. Với sự xuất hiện của nhóm mã này dùng thành tố biểu âm cho thấy ở giai đoạn cuối XVII nửa đầu XVIII yếu tố phát âm tiền tố "k" đã sắp biến mất hoàn toàn nhường chỗ cho cách phát âm mới rõ nét và định hình vào nửa cuối thế kỷ XVIII về sau gần như "trong" hiện nay.

-Nhóm 4 là các mã: 沖, , . với bản chất của thành tố biểu âm không có gì thay đổi khi xuất hiện ở nhóm ba. Có thể xem các mã ở nhóm 4 này thể hiện xu hướng "chính xác hoá" các mã Nôm của giai đoạn trước bằng cách chọn lựa thay thế, thêm vào các thành tố biểu nghĩa những bộ thủ để phù hợp hơn với nét nghĩa mà nó biểu đạt. Nhóm mã này thuộc vào thế hệ lớp mã chữ Nôm hậu kỳ xuất hiện nhiều trong các văn bản từ thế kỷ XIX về sau.

Từ việc xác định niên đại của các mã chữ Nôm ghi từ "trong" như trên chúng tôi cho rằng: cũng tương tự như hiện tượng thay thế mã chữ ở Thiền tông bản hạnh bản Bảo Đại, các mã chữ hiện diện ở các văn bản: Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân thi tập Tân biên truyền kỳ mạn lục là mã chữ đương đại ở thời điểm in ấn, sao chép do người biên tập, sao chép hoặc vô tình hay cố ý thay thế.

Chúng ta biết Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi ra đời khoảng mấy mươi năm đầu thế kỷ XV. Văn bản hiện còn ngoài bản in do Dương Bá Cung sưu tập cho khắc in trong bộ Ức Trai di tập năm 1868, là mấy bản chép. ở bản in Phúc Khê này trong tổng số 254 bài thơ Nôm, chúng tôi thống kê được 23 bài/25 lần dùng đến từ "trong"; trong đó 19 lần ghi mã 工, 2 lần mã , 3 lần mã , 1 lần mã 中. Chúng tôi khẳng định rằng 工 là mã trung thành với bản cổ thậm chí với đúng mã ghi ở những năm Nguyễn Trãi sáng tác Quốc âm thi tập. Các mã , , 中là do người sưu tầm, sao chép từ văn bản trước đó vốn có, hoặc là vô tình hay cố ý thay thế vào. Nhưng văn bản có sự hiện diện của 2 mã này cũng khó có thể có trước thế kỷ XVIII mà phải từ thế kỷ XVIII về sau.

Hồng Đức quốc âm thi tập ra đời vào nửa cuối thế kỷ XV do Lê Thánh Tông và các hội viên Hội Tao Đàn sáng tác. Văn bản còn đến nay cũng là những bản chép tay. Cũng giống như ở bản in Quốc âm thi tập, sự hiện diện của mã 工 chứng tỏ nó được sao từ văn bản còn giữ được cách ghi của thời điểm sáng tác. Còn mã là dấu ấn của những lần sao chép về sau nhưng cũng không thể sớm hơn thế kỷ XVIII.

Bạch Vân thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm được sáng tác vào thế kỷ XVI. Bản còn đến nay cũng là bản chép tay. Bản chúng tôi nghiên cứu (AB.157) từ "trong"được ghi bằng hai mã . Điều này phản ánh hai khả năng: một là người sao chép tự ý thay thế khi sao chép lại; hai là bản này được sao chép lại từ văn bản khác trong đó có sự hiện diện của các mã rồi. Như vậy thì bản sao này có nhiều khả năng được sao chép vào thời điểm muộn hơn bản Quốc âm thi tập Hồng Đức quốc âm thi tập. Tất nhiên là một cứ liệu từ cách ghi của một từ "trong" là chưa đủ mà còn phải tập hợp thêm nhiều cứ liệu ngôn ngữ văn tự khác nữa. Nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn đưa ra nhận xét như vậy và coi đây là cái mốc quan trọng cho hướng nghiên cứu văn bản của ba tác phẩm nêu trên. Bởi vì ở cả ba tác phẩm văn học Nôm của thời Lê này, hiện vẫn còn những vấn đề về "văn bản" đang còn tạm thời treo đó chờ nghiên cứu giải quyết.

Tân biên truyền kỳ mạn lục là tác phẩm cả nguyên tác bằng chữ Hán (tác giả Nguyễn Dữ) và phần giải âm Nôm (Nguyễn Thế Nghi) đều ra đời trong thế kỷ XVI. Văn bản có phần giải âm truyền lại cả in và chép tay có nhiều thế hệ. Chúng tôi dựa vào bản chụp từ văn bản lưu giữ tại Viện Văn học do GS. TSKH. Nguyễn Quang Hồng cung cấp trong công trình Truyền kỳ mạn lục giải âm (Nxb. KHXH, H. 2001). Tác phẩm này gồm 20 truyện được dịch Nôm văn xuôi, cú pháp và ngôn từ khá cổ. Mã Nôm ghi từ "trong" ở văn bản này là . Chúng tôi cho rằng ở thế kỷ XVI khi giải âm Truyền kỳ mạn lục từ "trong" vẫn còn đang được ghi là 工. Mã là mã của thế kỷ XVIII về sau, mà ở thời điểm khắc in (1774), người biên tập đã thay vào.

Bằng việc xem xét sự hiện diện của các mã chữ Nôm ghi từ “trong” trên một số văn bản với thời gian gần mười thế kỷ chúng tôi đã xác định được niên đại hiện diện của các mã chữ này, đồng thời lý giải việc cùng một tiếng “trong” có nhiều mã chữ khác nhau chủ yếu do hai yếu tố sau:

Một: ở thời kỳ từ thế kỷ XIII(8) đến nửa thế kỷ XVIII tiếng “trong” có cách đọc khác nên thường dùng mã 工. Từ khoảng nửa thế kỷ XVIII về sau, cách đọc đã biến chuyển dẫn đến khác hẳn thời kỳ trước, nên dùng mã làm thành tố ghi âm. Như vậy mã chữ thay đổi là để phù hợp với sự biến đổi của ngữ âm.

Hai: quá trình sáng tạo chữ Nôm tùy thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của từng cá nhân. ở mã chữ “trong” cũng phản ánh điều này: 中 và các thành tố biểu ý khác như 內, , 清 thể hiện sự tùy chọn mang đậm dấu ấn cá nhân khi tạo lập văn bản.

Từ các yếu tố trên cho thấy trong quá trình biên tập để khắc in hoặc sao chép lại các văn bản Nôm cổ việc thay thế, sửa đổi một số mã chữ cổ bằng mã chữ đương đại là một thực tế khá phổ biến.

T.Đ.Q

CHÚ THÍCH:

(1) Bảng tra chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1976.

(2) Các tập 5. 6 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu CV17 tập 7, ký hiệu Vt.25.

(3) Nay là chùa Liên Phái thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

(4) Chữ này Hoàng Xuân Hãn phiên là "cuông" giải thích với nghĩa như “trong”. Đào Duy Anh trong Chữ Nôm nguồn gốc cấu tạo diễn biến (tr.169) phiên là: cung (nhà) giải thích từ này khiến có thể nghĩ rằng tác giả là vua. Chúng tôi phiên thẳng là: trong (Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa).

(5) Nguyễn Thị Lâm: Về các văn bản “Thiên Nam ngữ lục” hiện còn, Tạp chí Hán Nôm, số 4-1997

(6) Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985

(7) Trong sáng tạo chữ Nôm, ở thành tố biểu âm, đối với các từ Việt có phụ âm "r" thường dùng âm Hán Việt có phụ âm 'l" để biểu thị. Do đó ở trường hợp này xác lập là nhóm "Kr" cũng là một khả năng hiện thực.

(8) Sở dĩ chúng tôi lấy mốc từ thế kỷ XIII là vì hiện nay chưa tìm thấy văn bản Nôm nào trước thế kỷ XIII có sự hiện diện của mã 宮, 共 và 工. Do đó tạm thời lấy mốc từ văn bản Thiền tông bản hạnh.

TB

BIA VÀ VĂN BIA CUNG ĐÌNH THỜI NGUYỄN TẠI HUẾ - MỘT DI SẢN QUÝ CẦN ĐƯỢC CHÚ Ý BẢO TỒN

PHAN THANH HẢI

Bia cung đình là những bài văn bia gồm cả văn, thơ, phú, kí,...) do đích thân hoàng đế ngự chế hoặc do triều đình theo lệnh vua biên soạn và khắc dựng. Bia đá và văn bia cung đình Huế hầu như chỉ tập trung ở kinh đô, thể hiện rõ tính chất độc đáo, tính "cung đình" của văn hóa Huế.

Thực ra văn bia cung đình Huế chỉ là một mảng trong số di sản văn khắc Hán Nôm hết sức đồ sộ và phong phú của thời Nguyễn. Mặc dù trải qua nhiều biến động lịch sử và sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, thiên tai... hiện nay tại khu vực Huế vẫn còn giữ được một số lượng rất đáng kể các tấm bia thuộc dạng này. Theo thống kê của chúng tôi, không kể hàng trăm tấm bia định danh (tức các tấm bia ghi tên công trình, tên đất, sông, núi,...), ở khu vực Huế vẫn còn 70 tấm bia Ngự chế và khoảng 7 tấm bia cung đình được khắc dựng trong thời Nguyễn (1802-1945).

I. Thống kê

1. Bia Ngự chế

STT Tên văn bia Nội dung văn bia Vị trí đặt bia, năm dựng bia Dung lượng Ghi chú
1 Thánh đức thần công bi ký Ca ngợi công đức, sự nghiệp vua Gia Long Lăng Gia Long, 1820 18 dòng 781 chữ Nhà bia đã bị hỏng, bia bị nứt
2 Thánh đức thần công bi ký Ca ngợi công đức, sự nghiệp vua Minh Mạng Lăng Minh Mạng, 1841 34 dòng 2270 chữ Có nhà bia
3 Thánh đức thần công bi ký Ca ngợi công đức, sự nghiệp vua Thiệu Trị Lăng Thiệu Trị, 1848 34 dòng 1900 chữ Có nhà bia
4 Khiêm Cung ký Tự sự của vua và thuật lại việc xây lăng Lăng Tự Đức, 1875 69 dòng 4950 chữ Có nhà bia, bia khắc 2 mặt
5 Thánh đức thần công bi ký Ca ngợi công đức, sự nghiệp vua Đồng Khánh Lăng Đồng Khánh, 1916 34 dòng 900 chữ Có nhà bia, bia khắc 2 mặt
6 Thánh đức thần công bi ký Ca ngợi công đức, sự nghiệp vua Khải Định Lăng Khải Định, 1925 14 dòng 950 chữ Có nhà bia
7 Thiên Mụ chung thanh Vịnh cảnh chùa Thiên Mụ Chùa Thiên Mụ, 1846 31 dòng 1800 chữ Có nhà bia
8 Huỳnh tự thư thanh, 1846 Vịnh cảnh trường Quốc tử giám Quốc tử giám, 1846 và 1908 10 dòng 180 chữ Dựng lại năm 1908
9 Hương Giang hiểu phiếm Vịnh cảnh sông Hương Phu Văn Lâu, 1843 16 dòng 240 chữ Có nhà bia
10 Bình lãnh đăng cao Vịnh cảnh núi Ngự Bình Chân núi Ngự Bình, 1843 10 dòng 100 chữ Có nhà bia nhưng nóc đã hỏng
11 Trạch nguyên tao lộc Vịnh cảnh săn nai đầu nguồn sông Hương Ngã ba Bằng Lãng, 1843 10 dòng 155 chữ Nhà bia đã hỏng 100%
12 Đông lâm dặc điểu Vịnh cảnh rừng phía Đông kinh đô Làng Thần Phù, xã Thủy Châu, 1843 10 dòng 138 chữ Nhà bia đã hỏng 100%
13 Vân sơn thắng tích Vịnh cảnh chùa Thánh Duyên, núi Thúy Vân Chùa Thánh Duyên, 1843 10 dòng 160 chữ Có nhà bia
14 Hưng Tổ miếu bi Về việc dựng lại miếu Hưng Tổ Bên tả Hưng Miếu, 1821 12 dòng 142 chữ Gắn trên bình phong
15 Hồ tân liễu lãng Vịnh cảnh thứ 13 của vườn Cơ Hạ Vườn Cơ Hạ, 1844 8 dòng
134 chữ
Không có nhà bia
16 Vũ giang thắng tích Vịnh cảnh thứ 11 của vườn Cơ Hạ Vườn Cơ Hạ, 1844 8 dòng
134 chữ
Không có nhà bia
17 Thị học tịnh tự Khuyến khích việc học hành, khoa cử Trước trường Quốc tử giám, 1854 và 1908 25 dòng 1200 chữ Năm 1908 mới dời về. Chữ đã mờ
18 Thuận An tấn ký Vịnh cửa Thuận An Bảo tàng MTCĐ Huế, 1872 và 1923 47 dòng 1800 chữ Không có nhà bia
19 Ngự Hà bi ký Về việc đào Ngự Hà và dựng cầu Ngự Hà, Đông thành thủy quan Trước đồn Mang Cá Lớn, 1836 13 dòng 273 chữ Nhà bia đã bị hỏng hoàn toàn
20 Khánh Ninh kiều bi ký Đào Ngự Hà và dựng cầu Khánh Ninh, Vĩnh Lợi, Tây thành thủy quan và Hoằng Tế Bờ bắc Ngự Hà, đầu đường Trần Văn Kỷ - Ngô Thế Lân, 1836 13 dòng 292 chữ Có nhà bia
21 Thác Bái Châu Thuật lại lí do dựng bia (gặp rái cá) Phía đông cầu Châu Ê, 1841 14 dòng 400 chữ Không còn nhà bia, bia bị đổ, chữ mờ
22 Quá Phổ Lợi hà cảm tác Về việc đào sông Phổ Lợi Bên đường về Thuận An, 1843 21 dòng 779 chữ Không còn nhà bia, bệ đã tu bổ
23 Thuận An bát thập vận Vịnh cửa Thuận An Trường PTTH Thuận An, 1843 Dòng(1) 618 chữ Có nhà bia
24 Tịnh Viêm hành cung bi ký Về việc dựng hành cung Tịnh Viêm Thị trấn Lăng Cô Không còn nhà bia
25 Bia khắc bài Dụ của vua Minh Mạng Cấm hoạn quan tham gia chính sự Văn Miếu, 1836 17 dòng 550 chữ Có nhà bia
26 Bia khắc bài Dụ của vua Thiệu Trị Cấm ngoại thích tham gia chính sự Văn Miếu, 1846 19 dòng 700 chữ Có nhà bia
27 Thánh Duyên tự chiêm lễ và Thủy Vân sơn trúc cung tức cảnh Đề vịnh cảnh chùa Thánh Duyên và hành cung Thúy Vân Chùa Thánh Duyên, 1837 14 dòng 900 chữ Dựng lại trong bếp chùa
28 (Ngự chế thi) đề Diệu Đế tự Nói về việc xây chùa và đề vịnh cảnh chùa Diệu Đế Chùa Diệu Đế, 1846 34 dòng 1000 chữ Có nhà bia, có cả phần Tự trước các bài thơ
29 Tứ Thọ Xuân Vương thất thập tự phổ ca Mừng thọ Xuân Vương 70 tuổi Phủ Thọ Xuân, 1960 Không có nhà bia, bia đúc xi măng
30 Thiên Mụ tự Phước Duyên tháp lâm hạnh ngẫu thành nhất luật tịnh tự Đề vịnh chùa Thiên Mụ, tháp Phước Duyên Chùa Thiên Mụ, 1919 14 dòng 389 chữ Không có nhà bia
31 Thiên Mụ tự Phước Duyên Bửu tháp bi ký Lịch sử chùa và việc dựng tháp Phước Duyên Chùa Thiên Mụ, 1846 27 dòng 1200 chữ Có nhà bia
32 Tiến sĩ đề danh bi (Võ) Ghi danh Tiến sĩ võ khoa Tự Đức (1865) Võ Miếu, 1858 12 dòng 150 chữ Không có nhà bia
33 Tiến sĩ đề danh bi (Võ) Ghi danh Tiến sĩ võ khoa Tự Đức Võ Miếu, 1858 38 dòng 471 chữ Không có nhà bia
34
--65
Tiến sĩ đề danh bi (văn) (gồm 32 tấm) Đề danh các Tiến sĩ thời Nguyễn (1822-1919) Văn Miếu Mới dựng lại nhà bia, các bia bị mờ phần lớn
66 Bia tẩm Kiên Thái Vương (bên hữu) Ca ngợi công đức, sự nghiệp của Kiên Thái Vương Bên hữu tẩm Kiên Thái Vương, 1917 15 dòng 500 chữ Có nhà bia
67 Bia tẩm Kiên Thái Vương (bên tả) Ghi lời truy tôn của 3 vua Kiên Phúc, Đồng Khánh và Hàm Nghi đối với Kiên Thái Vương Bên tả tẩm Kiên Thái Vương 5 dòng 39 chữ Có nhà bia

I.1. Bia cung đình (không phải bia Ngự chế)

1 Bia Hoàng Khảo miếu Về việc dựng miếu Hoàng Khảo Bên tả Hưng Miếu, 1804 15 dòng 221 chữ Gắn trên bình phong
2 Bia Thiên Mụ (Bộ Công) Ghi lại năm tu bổ tháp Phước Duyên Chùa Thiên Mụ, 1899 4 dòng
20 chữ
Không có nhà bia
3 Võ công bi ký Về việc dựng Võ Miếu và khắc tên 10 vị khai quốc công thần Võ Miếu, 1820 14 dòng 316 chữ Không có nhà bia
4 Võ Công tả bi Khắc tên tuổi 5 vị khai quốc công thần Võ Miếu, 1820 20 dòng 600 chữ Không có nhà bia
5 Võ Công hữu bi Khắc tên tuổi 5 vị khai quốc công thần Võ Miếu, 1820 19 dòng 500 chữ Tôn Thất Bật bị đục tên
6 Bia mộ Đức Quốc Công Công trạng, sự nghiệp của Phạm Đăng Hưng Đức Quốc công từ 33 dòng 2.362 chữ Không có nhà bia
7 Thái Tổ Miếu bi Về việc dựng miếu Thái Tổ Bên tả Thái Miếu, 1804 19 dòng 273 chữ Gắn vào tường nhà

II. Vài suy nghĩ và đề xuất

1. Về văn bia Ngự chế

- Theo bảng thống kê trên, tại khu vực Huế vẫn còn đến 67 tấm bia khắc thơ văn Ngự chế của các vua Nguyễn. Tuy nhiên, so với thời kỳ huy hoàng khi Huế còn là Kinh đô, thì đã có khá nhiều bia Ngự chế bị thất lạc hoặc tiêu hủy, như 12 tấm bia thuộc Thần kinh nhị thập cảnh thì nay mới tìm ra 7 tấm; các bia vịnh cảnh vườn Cơ Hạ nay chỉ còn 2 tấm; 4 tấm bia vịnh cảnh Thuận An của vua Minh Mạng(2), bia ở lầu Kỷ Ân(3) của vua Thiệu Trị, và các bia Tàng thư lâu ký, Dữ dã viên ký... thì đều không tìm thấy.

- Không kể các bia đề danh Tiến sĩ (cả văn và võ), phần lớn trong số hơn 30 tấm bia Ngự chế còn lại đều được khắc dựng trong khoảng thời gian trị vì của 3 hoàng đế Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), tức trong giai đoạn thịnh vượng nhất của triều Nguyễn(4). Đáng chú ý hơn cả là vua Thiệu Trị , tuy chỉ trị vì trong 7 năm nhưng ông lại là tác giả của nhiều văn bia (14 văn bản). Ông vua nổi tiếng nhiều chữ Tự Đức chỉ đứng hàng thứ 2, tương đương với vua Minh Mạng với 6 văn bia.

- Về mặt nội dung, có thể tạm phân văn bia Ngự chế thành một số mảng sau:

+ Thánh đức thần công bi ký: tức các tấm bia khắc các bài ký do vị vua kế vị viết để ca ngợi công đức, sự nghiệp của vị vua tiền nhiệm (thường là thân sinh của vị vua ấy). Trên 7 khu lăng của các hoàng đế triều Nguyễn có 6 tấm bia thuộc dạng này (lăng Dục Đức không có bia), nếu kể cả 2 tấm bia tại tẩm mộ Kiên Thái Vương thì có cả thảy 8 đơn vị. Tuy nhiên bài Khiêm cung ký tại lăng vua Tự Đức là một trường hợp đặc biệt, bởi đây là bài văn do chính vị vua này soạn cho mình; tấm bia được khắc dựng lên khi vua còn tại thế. Đây lại là tấm bia thuộc dạng lớn nhất, khắc bài văn dài nhất trong lịch sử văn bia Việt Nam. Còn 2 tấm bia tại tẩm mộ Kiên Thái Vương cũng khá đặc biệt: tấm bia bên hữu do vua Khải Định, cháu nội ông "Ngự chế" và khắc dựng; trong khi tấm bia bên tả lại ghi nhận sự truy tôn 3 vị vua Kiến Phúc, Đồng Khánh, Hàm Nghi (đều là con ông) đối với người cha không phải là vua nhưng lại có đến 3 người con làm vua này.

+ Đề vịnh cảnh: loại văn bia này chủ yếu là thơ phú của các vua đề vịnh những cảnh đẹp của Huế. Nổi bật trong số này là chùm thơ về vịnh Thần kinh nhị thập cảnh của vua Thiệu Trị với 7 bài(5). Ngoài ra còn có văn bia đề vịnh các tiểu cảnh của vườn Cơ Hạ với 2 bài Hồ Tân Liễu lãng Vũ Giang thắng tích. Các bài Thánh Duyên tự chiêm lễ của vua Minh Mạng; Thuận An tấn ký, Thuận An bát thập vận của vua Tự Đức... tuy không hoàn toàn là đề vịnh cảnh đẹp nhưng cũng có thể xếp vào dạng này.

+ Bia nêu danh các vị Tiến sĩ văn và võ: đây là một dạng văn bia đặc thù chỉ có tại Văn Miếu, Võ Miếu của Kinh đô. Văn bia đề danh Tiến sĩ thời Nguyễn không có phần dụ của hoàng đế viết ở phần đầu như văn bia thời Lê ở Quốc tử giám Hà Nội nhưng chúng tôi vẫn xếp vào loại văn bia Ngự chế vì chúng đều được đích thân Hoàng đế "ân tứ".

+ Các dạng khác: cũng khá phong phú, gồm văn thơ khuyến học (bia Thị học tịnh tự ở Quốc tử giám); răn cấm Hoạn quan, Thái giám tham dự triều chính (bia khắc dụ của vua Minh Mạng, Thiệu Trị tại Văn Miếu); bia ghi lại việc xây dựng các công trình như Quá Phổ Lợi hà cảm tác của vua Thiệu Trị, Tịnh Viêm hành cung bi ký của vua Khải Định; ghi lại một kỷ niệm đáng nhớ (bia Thác Bái châu)...

2. Về văn bia cung đình Nguyễn (không phải bia Ngự chế):

Loại văn bia này, xưa có lẽ có khá nhiều nhưng nay chỉ còn 7 tấm.

Về mặt nội dung, văn bia cung đình Nguyễn tuy không nhiều nhưng cũng khá đa dạng; có bia ghi lại việc xây dựng hoặc tu bổ công trình (bia ở Hưng Miếu, bia của Bộ Công ở chùa Thiên Mụ), có bia nêu danh công thần (các bia ở Võ Miếu), cũng có bia ghi lại sự nghiệp, công lao của danh tướng (bia Đức Quốc Công từ)(6).

3. Vài ý kiến đề xuất

- Với 74 tấm bia cung đình hiện còn, Huế vẫn chứng tỏ là một trong những khu vực tập trung số lượng lớn nhất các di sản Hán Nôm dạng bi văn của nước ta. Bởi vậy, việc đầu tư nghiên cứu "trung tâm" di sản này là hết sức cần thiết. Bia cung đình thời Nguyễn nói chung và văn bia nói riêng là một loại hình di sản hết sức đáng quý nhưng cho đến nay tình trạng bảo quản, khai thác và phát huy tác dụng vẫn còn rất nhiều điều bất cập. Không kể số bia đá đã bị hủy hoại hay thất lạc, số bia còn lại phần lớn đều đang ở trong tình trạng bảo quản không tốt (không có nhà bia che chắn hoặc nhà bia đã bị hư hỏng). Do sự hủy hoại của chiến tranh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một số tấm bia quý đã bị nứt gãy (bia Thánh Đức thần công lăng Gia Long, bia Quá Phổ Lợi hà cảm tác... ), một số khác thì văn tự đã bị bào mờ hoàn toàn hoặc phần lớn (bia Thị học tịnh tự, bia Thác Bái Châu, bia Quá Phổ Lợi hà cảm tác... ). Vì vậy, vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay là các cơ quan chức năng phải nhanh chóng có các biện pháp bảo tồn, tôn tạo một cách thích hợp.

- Về mặt chất liệu và hình thức, các bia đá cung đình Nguyễn hầu hết được chế tác từ đá thanh, hình thức nói chung là đồng nhất và khác hẳn bia thời Lê ở khu vực đồng bằng Bắc bộ. Bia cung đình Nguyễn đều có hình chữ nhật, có trán bia, tai bia rất rõ ràng; các chi tiết trang trí được chạm khắc tỉ mỉ, công phu nên đều có giá trị cao về mỹ thuật. Các bia Nguyễn nói chung có kích thước vừa phải, các bia đề danh Tiến sĩ thì nhỏ hơn bia thời Lê (tại Văn Miếu - Hà Nội) nhiều. Nhưng các bia Thánh Đức thần công lại là ngoại lệ, hầu hết chúng đều rất lớn, đặc biệt là bia lăng Tự Đức - một tấm bia xưa nay vẫn được xem là lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu về hình thức, chất liệu và phong cách bia Nguyễn. Có thể xem đây là một thiếu sót lớn cần sớm được khắc phục.

- Về mặt nội dung, nói chung văn bia cung đình thời Nguyễn có giá trị cao về nhiều mặt: văn bản, sử liệu, ngôn ngữ... nên đã được giới nghiên cứu rất chú ý. Khá nhiều văn bia đã được dịch và giới thiệu. Tuy nhiên, sự giới thiệu các văn bản trên còn rải rác và chưa phản ánh hết tầm quan trọng cùng ý nghĩa đặc biệt của loại hình di sản này. Những công trình tương đối bề thế mới xuất bản trong thời gian gần đây của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế như Thần kinh nhị thập cảnh - Thơ vua Thiệu Trị (1997), Khoa cử và các nhà khoa bảng thời Nguyễn (2000)... đã bước đầu giới thiệu một cách có hệ thống về loại hình di sản Hán Nôm rất cần được phát huy. Theo chúng tôi, đã đến lúc cần có một công trình quy mô để giới thiệu một cách hoàn thiện về di sản Hán Nôm Huế trong đó có mảng văn bia cung đình Nguyễn.

- Bên cạnh loại văn bia cung đình thời Nguyễn, tại khu vực Huế hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số bia đá và văn bia trước Nguyễn rất quý như các bia Ngự chế của chúa Nguyễn Phúc Chu viết về chùa Thiên Mụ, chùa Quốc Ân, bia chùa Hà Trung, tháp sư Liễu Quán, tháp sư Tạ Nguyên Thiều, bia chùa Thiền Lâm, bia chùa Kim Sơn (nay đặt tại Bảo tàng MTCĐ Huế), bia mộ bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ... Các bia này đều được khắc dựng trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII, tức trong giai đoạn chuyển tiếp phong cách từ Lê sang Nguyễn - một giai đoạn đang rất cần được đầu tư nghiên cứu. Ngay trong thời Nguyễn, bên cạnh các bia cung đình còn có rất nhiều các bia và văn bia có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. Đó là hàng chục bia dựng tại các chùa chiền, hàng chục bia tại tẩm, mộ của các thân vương, thân huân, đại thần của triều Nguyễn. Đây cũng là những đối tượng rất cần được chú ý bảo tồn và giới thiệu rộng rãi để phát huy tác dụng.

P.T.H

CHÚ THÍCH:

(1) Tấm bia này hiện đã mờ hết chữ nên không xác định được số dòng. Còn số chữ thì do chúng tôi căn cứ bài giới thiệu của hai tác giả Phan Thuận An- Lê Nguyễn Lưu (có công bố cả nguyên bản chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa) trong tập sách Tuyển tập các bài nghiên cứu về triều Nguyễn. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản năm 2002.

(2) Đây là 4 tấm bia khắc 4 bài thơ Viên đài hùng trữ, Đại hải tráng quan, Sa thành miên cắng và Dạ lâm tích thúy, đều dựng vào năm Minh Mạng thứ 12 (1931). Xem Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Bản dịch của Viện Sử học, Bộ Công, tập 13, tr.470.

(3) Bia lầu Kỷ Ân (nằm trong vườn Thường Mậu, gần khu Tịch Điền) khắc bài Dụ của vua Thiệu Trị, dựng năm 1842. Xem Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Bản dịch của Viện Sử học, Bộ Công, tập 13, tr. 470.

(4) Riêng trường hợp tấm bia Tứ Thọ Xuân Vương thất thập tự phổ ca (1879) dựng trước phủ Thọ Xuân Vương là một trường hợp đặc biệt. Tuy bài văn đúng là do vua Tự Đức ngự chế, nhưng tấm bia thì mới do con cháu Thọ Xuân Vương dựng lên năm 1960. Đây lại là một tấm bia đúc bằng xi măng.

(5) Đây chỉ là 7/12 tấm bia đã được phát hiện. Thơ vịnh 20 thắng cảnh Thần kinh xưa của vua Thiệu Trị thì 8 cảnh đầu được khắc vào biển đồng, 12 cảnh còn lại khắc vào bia đá. Xem thêm Phan Thanh Hải, Thêm vài thông tin về 20 thắng cảnh xưa của đất Thần kinh. In trong sách Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa Phú Xuân. Nxb. Thuận Hóa, Huế - 2002.

(6) Bia Đức Quốc từ do 2 đại thần Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng vâng mệnh Thái hậu Từ Dũ để soạn. Bia này còn có một phiên bản tương tự dựng tại khu mộ của ông Phạm Đăng Hưng ở Gò Công.

TB

TÌM HIỂU VĂN BẢN VÀ GIÁ TRỊ CỦA BẮC THÀNH ĐỊA DƯ CHÍ LỤC

VŨ THỊ LAN ANH

Trong kho tàng di sản Hán Nôm, loại sách địa chí tuy chiếm tỷ lệ không cao lắm, nhưng lại là loại sách rất có giá trị để nghiên cứu địa danh lịch sử cũng như diên cách, rộng thì cả nước, hẹp thì từng phủ huyện, xã thôn ở nước ta qua các đời.

Hiện nay trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn khoảng gần 300 tên sách thuộc loại này. Sách tổng hợp có viết riêng thiên địa lý, về đời Lê có sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thiên Phong vực trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, thiên Khu vũ trong Vân Đài loại ngữ cũng của Lê Quý Đôn v.v... Đến đời Nguyễn có thiên Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú v.v... Các sách viết riêng về địa lý gồm 2 loại: quốc chí và địa phương chí. Sách quốc chí thì có bộ Nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn đời Gia Long, Các trấn tổng xã danh bị lãm (1) (CTTX ) soạn đời Minh Mệnh, Đại Nam nhất thống chí (2) (ĐNNTC) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đời Tự Đức, bộ Đồng Khánh địa dư sắc chế ngự lãm (ĐKĐDC) cũng do Quốc sử quán biên soạn vào đời Đồng Khánh v.v... Các sách địa phương chí, về đời Mạc tiêu biểu là tác phẩm Ô Châu cận lục (3) của Dương Văn An soạn năm Cảnh Lịch (1555), Hưng Hóa phong thổ lục của Hoàng Bình Chính soạn năm 1778. Đến triều Nguyễn, hai bộ sách địa phương chí có quy mô lớn nhất là Bắc thành địa dư chí lục (BTĐDCL) của Lê Chất và bộ Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, đều soạn vào đời Minh Mệnh. Sau đó là các sách: Bắc Ninh tỉnh chí soạn năm Tự Đức 29 (1875), Hưng Yên tỉnh nhất thống chí soạn năm Đồng Khánh 2 (1887) v.v...

BTĐDCL là bộ sách địa phương chí có nội dung ghi chép bao quát cả 12 trấn ở miền Bắc đầu triều Nguyễn, tương đương với 12 tỉnh thành ngày nay. Đó là nguồn tư liệu quý giá mà chúng ta có thể dựa vào để tìm hiểu sự diên cách địa danh sơn xuyên, thổ sản, kỹ nghệ của từng trấn, từng vùng v.v...

Trong bài viết này, chúng tôi bước đầu giới thiệu về tác giả, văn bản và giá trị nội dung của tác phẩm.

I. Tác giả: Lê Chất

Có nhiều cách ghi về tác giả này. Sách Gia Định thành thông chí ghi là Lê Văn Chất, Đại Nam nhất thống chí ghi là Lê Đại Cương. Còn sách BTĐDCL ghi là Lê Chất. Ông người làng Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Trước làm quan võ với nhà Tây Sơn, sau làm quan với nhà Nguyễn, chức Tả đồn đô thống chế, tước Quận công. Năm Canh Ngọ Gia Long 8 (1810), ông làm Hiệp tổng trấn Bắc Thành. Đến tháng giêng năm Mậu Dần Gia Long 17 (1818) được bổ làm Tổng trấn Bắc thành(4), mất năm 1826(5), thọ 56 tuổi. Sau khi chết, ông bị đình nghị luận tội, đến đời Tự Đức mới được truy phục nguyên hàm, truy tặng chức Thiếu phó, thuỵ là Trung Nghị.

II. Tác phẩm

Sách BTĐDCL có nhiều tên gọi khác nhau: Bắc Thành chí lược (Bài tựa của chính sách này), Bắc Thành địa dư chí (Đại Nam nhất thống chí, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm), Bắc Thành dư địa chí (Lược truyện các tác gia Việt Nam), Bắc thành địa dư chí lục (Địa lý hành chính Kinh Bắc).

1. Quá trình hình thành tác phẩm

Hiện nay, chúng ta không còn những thông tin trực tiếp về việc biên soạn sách của Lê Chất, nhưng căn cứ vào bài Tựa ở đầu sách do Nguyễn Văn Lý(6) viết, có thể biết sách được soạn vào đời Minh Mệnh, trong thời gian Lê Chất làm Tổng trấn Bắc Thành. Bài Tựa viết: “Sách Bắc Thành chí lược này mới có từ năm Minh Mệnh triều ta, trong thời gian Tổng trấn Lê Chất làm quan ở Thăng Long, chiêu tập các nhà Nho mà làm ra” [Tựa, 1a]. Tuy chưa tìm được cứ liệu biết chính xác năm soạn, nhưng tác phẩm phải được hoàn thành trong khoảng thời gian sau khi Lê Chất nhậm chức Tổng trấn (1818) và trước khi ông mất năm 1826.

Như vậy, trong khoảng 8 năm (1818-1826) ông đã hoàn thành việc tổ chức biên soạn bộ sách BTĐDCL. Sau khi ông mất phải khoảng chục năm sau, Nguyễn Văn Lý có được bản thảo bộ sách trong tay. Nguyễn Văn Lý không nói rõ ông có được nó như thế nào, nhưng chúng ta có thể hình dung: sau khi bản thảo hoàn thành, chưa kịp khắc in thì Lê Chất mất, một người nào đó, có thể là con cháu trong gia tộc, đã kịp lưu giữ bản thảo, sau đó nó được trao cho Nguyễn Văn Lý. Nguyễn Văn Lý “vẫn thường áy náy: sống trong một nước còn thiếu sách ‘chí’ thì làm sao biết được diên cách xưa nay, biết được núi sông nhân vật, tự mình không đủ sức khảo xét” [Tựa, 1b]. Vì vậy, khi có được sách này, Nguyễn Văn Lý vui mừng “tự tay sao chép, trong đó cũng có chỗ thay đổi, sửa chữa, cũng có chỗ bổ sung cốt hoàn thành chí nguyện của Lê công để cho sau này và cũng để tỏ rõ rằng điều tốt không bao giờ mất” [Tựa, 1b]. Sau khi công việc sao chép và sửa chữa đã xong, ông liền đề Tựa cho sách vào mùa xuân tháng 2 năm ất Tỵ niên hiệu Thiệu Trị 5 (1845).

Như vậy, sách BTĐDCL của Lê Chất được biên soạn trong khoảng thời gian từ 1818-1826. Sau đó Nguyễn Văn Lý sao chép, chỉnh lý, bổ sung và đề tựa năm 1845. Hiện nay chúng tôi chưa có cứ liệu xác định rõ những “bổ sung, sửa chữa” của Nguyễn Văn Lý, nhưng những dòng “chua” dưới mỗi đề mục mà có bản có (A.1565/1-2), bản không có (A.1758/1-2; A.81/1-2) khiến chúng tôi suy nghĩ, có lẽ đó là những dòng chữ Nguyễn Văn Lý chua thêm cho rõ. Hơn nữa, chúng tôi đánh giá rất cao việc “giữ từ cũ là có ý tồn cổ” [Tựa, 1b] của Nguyễn Văn Lý. Hệ thống địa danh đời Minh Mệnh - tức thời điểm Lê Chất soạn sách đã được Nguyễn Văn Lý bảo lưu nguyên vẹn, mặc dù khi ông hiệu chỉnh sách, một số địa danh đã bị đổi theo lệnh kiêng húy đời Thiệu Trị. Chính sự bảo lưu này đã làm cho bộ sách có giá trị cao hơn.

2. Văn bản tác phẩm

Hiện nay chỉ có kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 3 văn bản BTĐDC, đều là sách chép tay, cả 3 bản đều không đề tên người sao chép, không ghi năm và nơi tàng bản. Đó là các bản:

A.1565/1-2: gồm 300 tờ, tờ 2 trang, mỗi trang 8 dòng, khổ 29x17cm, bìa catton màu nâu, giấy dó, tình trạng sách còn tốt, chữ chân đá thảo, một số đoạn trong văn bản có dấu ngắt câu. Đầu sách có bài Tựa của Nguyễn Văn Lý

Nội dung sách gồm 12 quyển, đóng thành 2 tập:

Tập I, từ quyển 1 đến quyển 4:

Bắc thành chí lược tự

Q.1: Thăng Long thành (1a-19a)

Q.2: Hải Dương trấn (1a-57b)

Q.3: Sơn Nam Thượng trấn (1a-43b)

Q.4: Sơn Nam Hạ trấn (1a-37b)

Tập II, từ quyển 5 đến quyển 12

Q.5: Sơn Tây trấn (1a-41b)

Q.6: Kinh Bắc trấn (1a-41a)

Q.7: Thái Nguyên trấn (1a-17b)

Q.8: Tuyên Quang trấn (1a-13a)

Q.9: Hưng Hoá trấn (1a-18b tờ)

Q.10: An Quảng trấn (1a-16 a)

Q.11: Lạng Sơn trấn (1a-21a)

Q.12: Cao Bằng trấn (1a-16 a)

A. 1758/1-2 : Gồm 222 tờ, tờ 2 trang, mỗi trang 7 dòng, khổ 20x13cm, bìa quét sơn đen, giấy dó, tình trạng sách còn tốt, chữ viết đá thảo, đôi chỗ có dấu chấm câu bằng mực son. Nội dung chỉ còn 4 quyển, đóng thành 2 tập. Cụ thể như sau:

Tập I: 2 quyển

Q.2: Hải Dương trấn (1a-88 b)

Q.3: Sơn Nam Thượng trấn (1a- 61b)

Tập 2: 2 quyển

Q.5: Sơn Tây trấn (1a-56 b)

Q.12: Cao Bằng trấn (1a-27a)

A. 81/1-2: 149 tờ, tờ 2 trang, mỗi trang 10 dòng, khổ 33x23cm, bìa catton màu hồng nhạt, tình trạng sách còn tốt, chữ chân dễ đọc. Văn bản có dấu bút son đánh dấu địa danh hoặc ngắt câu. Đầu sách không có bài Tựa, còn 5 quyển, đóng thành 2 tập:

Tập 1: 3 quyển

Q.1: Thăng Long thành (1a-22b)

Q.2: Hải Dương trấn (1a-56a)

Q.3: Sơn Nam Thượng trấn (1a-24a)

Tập 2: 3 quyển

Q.7: Thái Nguyên trấn ( 1a-23a)

Q.8: Tuyên Quang trấn (1a-16b) Q.9: Hưng Hóa trấn (1b-18b)

Trong phần chú thích sách Địa danh hành chính Kinh Bắc viết và in bằng chữ Pháp, Nguyễn Văn Huyên chỉ nhắc đến 2 bản Bắc thành địa dư chí lục 北 城 輿 地 志 錄 (Fonds vn. A.81 et A.1565)… Lê Đại Cương 黎 大 綱 [tr.5] chúng tôi chưa rõ vì lý do gì ông lại không nhắc đến bản A.1758/1-2.

Trong bài Tình trạng sách Các trấn tổng xã danh bị lãm và công việc phiên âm biên soạn(7), viết ở phần đầu tác phẩm dịch Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX , hai dịch giả Dương Thị The và Phạm Thị Thoa chỉ nhắc đến 2 văn bản: A.1758/1-2 và A.81/1-2. Các dịch giả viết: “Đem so BTĐDCL với các tên trong sách Các trấn tổng xã danh bị lãm thì phần lớn giống nhau, chỉ có điều hai bộ sách trên đều không đầy đủ...”(8). Dưới phần chú thích, các dịch giả ghi rõ hơn: “Hiện nay Thư viện KHXH có 2 bản nhan đề là Bắc thành địa dư chí lục đều thiếu. Một bản kí hiệu A.81/1-2 và bản A.1758/1-2. Mặc dù thiếu nhưng đây là tài liệu tốt dùng để đối chiếu với Các trấn tổng xã danh bị lãm.” (9)

Có lẽ khi ấy, các dịch giả CTTX chưa biết đến bản có ký hiệu A.1565/1-2 là bản đầy đủ vốn vẫn hiện diện trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Chúng tôi lập bảng kê tình trạng văn bản sách như sau:

Tập/quyển A.1565/1-2 A.1758/1-2 A.81/1-2
Tập 1
Q.1: - Tựa x
- Thăng Long thành x x
Q.2: Hải Dương trấn x x x
Q.3: Sơn Nam Thượng trấn x x
Q.4: Sơn Nam Hạ trấn x
Tập 2:
Q.5: Sơn Tây trấn x x
Q.6: Kinh Bắc trấn x
Q.7: Thái Nguyên trấn x x
Q.8: Tuyên Quang trấn x x
Q.9: Hưng Hóa trấn x x
Q.10: An Quảng trấn x
Q.11: Lạng Sơn trấn x
Q.12: Cao Bằng trấn x x

Nhìn vào bảng kê trên, chúng ta thấy, trong 3 văn bản hiện còn, chỉ có bản A.1565/1-2 là đầy đủ nhất: gồm bài Tựa và 12 quyển. Hai văn bản: A. 1758/1-2 và A.81/1-2 đều tàn khuyết.

Nếu đem gộp 2 văn bản A. 1758/1-2 và A.81/1-2 lại thì trùng 1 quyển (Q.2), nhưng vẫn thiếu đến 4 quyển (Q.4, Q.6, Q.10 và Q.11).

Với tình hình văn bản như trên, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng bản A.1565 làm bản chính để đối chiếu, khảo dị với bản A.1758 và A.81. Chúng tôi đã tiến hành đối chiếu và lập bảng kê những chỗ sai khác giữa các văn bản, qua đó thấy xuất hiện một số vấn đề sau:

Ngoài những chỗ chép sai khác, thiếu một số chữ, bản A.1565/1-2, như đã nói ở trên còn có thêm những đoạn “chua” bằng chữ nhỏ sau mỗi đề mục mà 2 bản A.1758/1-2 và A.81/1-2 không có. Ví dụ: Phần trấn Sơn Tây, sau mục Trấn thành, A.1565/1-2 có thêm dòng “chua” nhỏ: 周 禮 辨 方 正 位 建 國 經 野, 此 建 國 之 權 輿 也 “Chu Lễ: biện phương chính vị kiến quốc kinh dã, thử kiến quốc chi quyền dư giã” (Sách Chu Lễ [thiên Thiên quan, Chủng tể]: xem xét phương hướng, chọn phương chính vị, phân chia giới hạn, đó là sự bắt đầu của việc dựng nước vậy) [1a]. Hoặc mục Cương vực có thêm dòng “chua”: 國 書 云: “申 畫 郊 圻 慎 固 封 守. 州 邑 雖 錦 亙 有 限. 而 犬 牙 相 維 , 必 葉 列 眉 斯 燦 爾 指 掌” “Quốc thư vân: thân hoạch giao kỳ thận cố phòng thủ. Châu ấp tuy cẩm cắng hữu hạn, nhi khuyển nha tương duy, tất giảo nhược liệt mi, tư xán nhĩ chỉ chưởng” (Quốc thư chép: hoạch định đất đai, thận trọng theo hay sửa đổi các vùng đất đã chia. Châu ấp tuy đẹp như gấm vóc nhưng có giới hạn mà có mối ràng buộc lẫn nhau như thế răng chó, tất sự lựa chọn chính xác như thế mới rõ như lòng bàn tay) [1b] v.v...

Trong phần ghi chép tên các xã thôn cũng có một số sai khác, do tình trạng 3 văn bản chép tay, chỉ còn trùng nhau 1 quyển (quyển 2: Trấn Hải Dương) nên chúng tôi đã tiến hành lập bảng so sánh địa danh giữa chúng để thấy được sự khác biệt đó:

STT A.81/1
( Đơn vị, số tờ)
A.1758/1
(Đơn vị, số tờ)
A.1565/1
(Đơn vị, số tờ)
1 陶 舍 (xã), 3a 陶 舍 , 3b 濁 舍 , 2b
2 澤 舍 (xã), 3a 澤 舍 , 3b 津 舍 , 2b
3 美 澤(xã), 3b 美 澤 , 3b 美 津 , 3a
4 富 澄 (xã), 3b 富 澄 , 3b 宜 澄 , 3a
5 穫 澤 (xã), 3b 穫 澤 , 3b 護 津 , 3a
6 富 多 (xã), 3b 富 多 , 3b 宜 多 , 3a
7 明 鑾 (tổng), 4a 明 鑾 , 3b 明 彎 , 3a
8 柴 莊 (tổng), 5b 柴 莊 , 4a 莊 , 4a
9 汾 陽 (xã), 6a 汾 陽 , 5a 渭 陽 , 4a
10 王 舍 (tổng), 7a 王 舍 , 6a 玉 舍 , 5a
11 玉 軸 (tổng), 7b 玉 軸 , 6a 玉 岫 , 5a
12 安 津 (xã), 8b 安 津 , 6b 安 澤 , 5b
13 時 雍 (xã), 11a 時 雍 , 7a 辰 雍 , 6b
14 祠 堂 (xã), 11a 祠 堂 , 7a 祠 [...] , 7a
15 榔 甸 (xã), 12a 榔 甸 , 8b 榔 甸 , 7a
16 阮 舍 (xã), 12b 阮 舍 , 9a 元 舍 , 7b
17 和 銳 (xã), 13b 和 銳 , 9b 和 稅 , 8a
18 貴 川 (xã), 14a 貴 川 , 10a 貴 丹 , 8a
19 祥 雲 (xã), 14b 祥 雲 , 10a 洋 雲 , 8b
20 宗 德 (tổng), 15a 宗 德 , 10a 尊 德 , 9b
21 文 譚 (xã), 19b 外 譚 , 12a 外 潭 , 13b
22 漢 南 (tổng), 22a 漢 南 , 12a 浚 [...], 14b
23 太 萊 (xã), 33b 大 萊 , 22b 大 萊 18a
24 費 家 (xã), 36b 費 家 , 24a 費 家 , 19a
25 下 駒 (xã), 37a 下 駒 , 24b 下 鉤 , 19b
26 娶 陽 (tổng), 8b 安 陽 , 25a 安 陽 , 20a
27 椰 園 樂 (tổng), 38b 椰 園 , 25a 榔 園 , 20a
28 福 海 (tổng), 41a 腹 海 , 27a 福 海 , 21b
29 玉 泉 (xã), 41b 玉 泉 , 27b 玉 淵 , 21b
30 (tổng), 43a , 28b Không có, 23 a

Qua bảng kê trên, chúng tôi có một vài nhận xét:

Bản A.1565/1 tách riêng thành 1 nhóm dị bản. Các chữ sai khác so với 2 bản kia gồm 3 loại:

- Loại sai khác do sao chép, nhưng lại theo một quy luật: những chữ Trạch 澤 đều đổi thành Tân 津 (Trạch Xá 澤 舍 thành Tân Xá 津 舍, Mỹ Trạch 美 澤 thành Mỹ Tân 美 津, Hoạch Trạch 穫 澤 thành Hộ Tân 護 津 gồm 3 chữ và 1 trường hợp ngược lại: Tân 津 đổi thành Trạch 澤 (xã An Tân 安 津 thành An Trạch安 澤).

Chữ Phú 富 đều chép thành Nghi 宜 Phú Đa 富 多 thành xã Nghi Đa 宜 多, Phú Trừng 富 澄 thành Nghi Trừng 宜 澄 (2 trường hợp):

- Loại chép địa danh theo tên đã được đổi theo lệnh kiêng húy, gồm 2 tên xã đổi từ đời Tự Đức là Thì Ung 時 雍 à Thìn Ung 辰 雍 và Nguyễn Xá 阮 舍 à Nguyên Xá 元 舍 (kiêng húy tên vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Thì), 2 tên đổi đời Thiệu Trị: Tông Đức 宗 德 à Tôn Đức 尊 德 và Ngọc Tuyền 玉 泉 à Ngọc Uyên 玉 淵(11)

- Loại thứ 3 nhầm do nhầm tự dạng hoặc vô ý viết sai:

Ở phần Trấn Sơn Tây (Q.5) xã Phú Miên 富 綿 thành Phú Cẩm 富 錦 (4b), xã Động Lâm 洞 林 thành xã Cương Lâm 崗 林 (5a), xã Hà Lương 河 良 thành xã Giang Lương 江 良 (18b) v.v…

Ngoài ra tham khảo tài liệu địa danh biên soạn cùng thời là sách CTTX và bản A.1758, chúng tôi thấy bản này chép sai một số chữ đồng âm như ở phần Trấn Hải Dương Minh Loan 明 鑾 thành Minh Loan 明 彎. Sài Trang 柴 莊 thành Sài Trang 莊 v.v...

Đồng thời bản A.1565/ 1-2 chép sót một số chữ, ví dụ phần Trấn Sơn Tây, tờ 22b, văn bản ghi tổng Miêu Duệ, huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng gồm 7 xã nhưng lại chép có 6, thiếu xã Dị Nậu v.v...

Từ những so sánh trên, chúng tôi cho rằng 3 văn bản này chia thành 2 nhóm và được sao chép từ 2 bản gốc khác nhau: Bản A.1758/1-2 sao lại từ bản có nguồn gốc chưa được Nguyễn Văn Lý bổ sung, còn bản A.81 rất có thể người chép đã tham khảo từ bản A.1758/1-2 nhưng đã thêm một số chữ như: 今 平 江 ở đoạn: 在 上 洪 府 今 平 江 錦 江 縣 邯 江 社 地 面 “Tại Thượng Hồng phủ (kim Bình Giang) [viết lưỡng cước] Cẩm Giàng huyện Hàm Giang xã địa diện”, hay ở mục kê tên các đơn vị hành chính phủ Hạ Hồng cũng ghi 今 寧 江 ở đoạn 下 洪 府 今 寧 江 領 縣 四 ... “Hạ Hồng phủ (kim Ninh Giang) lĩnh huyện tứ...” Những chữ này là do người sao chép thêm vào sau... Còn bản A.1565/1-2 chép lại từ bản có nguồn gốc đã được Nguyễn Văn Lý bổ sung (có những đoạn “chua”). Trong bài Tựa, Nguyễn Văn Lý viết: “giữ từ cũ là có ý tồn cổ” [1b] có lẽ là nói việc ông cố gắng giữ lại những ghi chép của Lê Chất. Thế nhưng, chúng ta thấy riêng trong bảng kê địa danh sai khác của tỉnh Hải Dương xuất hiện 4 tên xã đã đổi, trong đó có 2 xã đổi đời Thiệu Trị và 2 xã đổi đời Tự Đức (Thì thành Thìn, Nguyễn thành Nguyên), điều đó chứng tỏ bản này phải được sao lại sau đời Tự Đức. Khi sao chép, người ta đã ghi theo hệ thống địa danh đương thời, đồng thời tạo ra một số sai lầm do vô ý hoặc vô ý lặp lại. Trong số các địa danh có sự dị biệt, chúng tôi thấy hiện tượng chữ Trạch 澤 đều được chép thành chữ Tân 津 và ngược lại chữ Tân chép ngược lại chữ Trạch, những chữ Phú 富 chép đổi thành chữ Nghi 宜. Trong đời Nguyễn chúng tôi không thấy có chữ “Trạch”, chữ “Phú” thuộc diện kiêng huý phải kiêng tránh, vì thế mà các địa danh có chữ này cũng không phải thay đổi. Trên văn bản có lẽ người chép chép sai và vô tình lặp đi lặp lại

Như vậy, 3 văn bản BTĐDCL hiện còn thì chỉ có một văn bản đầy đủ, đó là bản A.1565/1-2. Bản này có thể đã được sao lại từ bản đã được Nguyễn Văn Lý “hiệu chỉnh, bổ sung”. Trong văn bản đã xuất hiện những địa danh thay đổi đời Thiệu Trị, Tự Đức nên nó phải được chép đời Tự Đức hoặc sau đó.

Dù có một số sai sót nhưng nó là bản đầy đủ. Nếu đối chiếu với những quyển còn lại của 2 bản kia và tham khảo với các tài liệu địa danh đồng đại như CTTX thì BTĐDCL, bản A.1565/1-2 là một tài liệu quý để nghiên cứu lớp địa danh đầu triều Nguyễn ở miền Bắc nước ta.

3. Nội dung và giá trị của tác phẩm

Đầu triều Nguyễn cùng vào đời Minh Mệnh có 2 bộ địa phương chí lớn nhất là BTĐDCL Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Sách Gia Định thành thông chí viết về địa chí các trấn thuộc thành Gia Định, tức 5 tỉnh Nam kỳ (trấn Phiên An, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Thanh, trấn Hà Tiên, trấn Biên Hòa) nay là các tình thuộc Nam bộ. Đó là bộ địa chí thứ 2 viết về cực nam nước ta. Còn viết về địa chí ở phía Bắc, bộ BTĐDC có khối lượng lớn hơn, nội dung ghi các trấn thuộc Bắc thành, tức 12 trấn (như chúng tôi đã kê ở trên), nay là 12 tỉnh Bắc bộ. ở mỗi trấn có ghi đủ 12 mục là:

1/ Trấn thành

2/ Hành cung và các doanh trấn thủ

3/ Cương vực

4/ Danh sơn

5/ Danh xuyên

6/ Miếu vũ

7/ Chức quan

8/ Tô thuế

9/ Quan thôi

10/ Chân độ, hoành độ

11/ Thị triền

12/ Thổ sản (phụ thuật nghiệp)

BTĐDC cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin, về các lĩnh vực văn hóa có đền miếu; lĩnh vực kinh tế có: tô thuế, cửa quan, chợ búa, kỹ nghệ, thổ sản v.v... từng vùng. Trong phần viết về trấn Sơn Tây ở quyển 5, mục Thổ sản (phụ Thuật nghiệp) sách BTĐDC viết: “Dương Liễu, Quế Dương dệt vải dày. ỷ La, La Nội dệt vải thưa... Nghề làm nồi sành có ở huyện Yên Lãng, Tam Nông, đồng ở Tam Dương, đất vàng ở Yên Sơn, diêm tiêu ở các huyện Đông Quan, Đương Đạo, cá anh vũ ở Ngã Ba Sông Bạch Hạc, đều là đặc sản của địa phương. Lại nói đến sự hưng thịnh của văn học: các xã Thanh Mai, Cổ Đô, Phú Xuyên huyện Tiên Phong... các xã Đông Ngạc, La Khê, ỷ La, Tây Đam, Thiên Mỗ... huyện Từ Liêm đều là các làng có văn học”(12).

BTĐDCL là một công trình địa lý học có quy mô khá lớn và giá trị về nhiều mặt. Ngay từ khi biên tập Nguyễn Văn Lý đã nhận xét: “Trong sách này có nói về diên cách các thành trì, sự xa gần lớn nhỏ của bờ cõi, số làng xóm cùng là núi, sông, đền miếu, chức quan, lại lệ, tô thuế, thuế cửa quan, bến đò, chợ búa, cuối cùng là phần thổ sản và nghề nghiệp…Tuy thể thức sáng tác chưa thật đầy đủ nhưng sau này phải dùng làm tài liệu” [Tựa, 1b].

Quả đúng như vậy, không phải đợi lâu, vào năm Tự Đức 18 (1865) Quốc sử quán triều Nguyễn tiến hành biên soạn bộ ĐNNTC, đây là bộ sách địa chí có quy mô lớn nhất đầy đủ các tỉnh của nước ta dưới triều Nguyễn. Các soạn giả đã tham khảo và dẫn dụng nhiều tư liệu từ các thư tịch cổ như Thủy kinh chú (của Trung Quốc), An Nam chí, Dư địa chí, Lĩnh Nam chích quái, Kiến văn tiểu lục. Trong đó BTĐDCL cũng được dẫn dụng nhiều khi viết về các tỉnh thuộc Bắc kỳ. Ví dụ, ở quyển XXI, tỉnh Sơn Tây, mục ghi về núi sông, sách ĐNNTC ghi: “Theo Bắc thành địa dư chí của Lê Đại Cương bản triều thì núi này ở địa phận huyện Bất Bạt phủ Quảng Oai, hình tròn như cái tán, nên gọi là núi Tản Viên. Núi cao 2310 trượng, chu vi 48.605 trượng, bốn mặt có sông bao bọc, cây cối um tùm, hình thế đẹp sáng, trên núi có giống cỏ “vô phong độc dao” (không có gió mà cỏ vẫn động), thân cỏ có hai nhánh, tự chụm nhau và tách ra, tương truyền, đeo thứ cỏ này trong mình thì vợ chồng yêu nhau”.(13) là những chỗ các soạn giả ĐNNTC đã trích dẫn từ BTĐDCL.

Sau này, người chú ý sớm nhất và đầu tiên dùng tư liệu của BTĐDC là học giả Nguyễn Văn Huyên. Trong sách Địa lý hành chính Kinh Bắc(14) viết và in bằng tiếng Pháp, tác giả đã căn cứ theo một số tài liệu địa chí như CTTX, BTĐDC, ĐKĐDC để trình bày lớp địa danh của Kinh Bắc đời Nguyễn. Đồng thời so sánh rất tỷ mỷ địa danh giữa CTTX, BTĐDC, ĐKĐDC. Bản A.1565 có trấn Bắc Ninh, nên ông đã dùng bản này để so sánh một số địa danh trong khi biên soạn sách, dưới mỗi chú thích, ông đều ghi “Cf. Bắc thành địa dư chí lục 北 城 地 輿 志 錄 (A.1565), q.6) [tr.64].

Cuối thập kỷ 40, Phạm Xuân Độ đã căn cứ vào nhiều tư liệu trong BTĐDC để viết sách Sơn Tây tỉnh địa chí, đó là một tài liệu mà theo đánh giá của Thanh tra học chính người Pháp C. Mougenel là: “một quyển sách có giá trị rất bổ ích cho việc học và khảo cứu”(15).

Khi viết về tài liệu địa chí, các học giả như Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, v.v… đều có nhắc đến BTĐDC. Trong lời dẫn sách Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh khi viết về lịch sử biên soạn sách địa chí đã viết về BTĐDC như sau: “Riêng về Bắc bộ thì có bộ Bắc thành địa dư chí gồm 12 quyển, có chép về sự diên cách của mỗi trấn và cho cả danh sách các tổng xã của mỗi huyện”(16)

Năm 1970, trong cuốn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Trần Văn Giáp ở phần giới thiệu các tài liệu địa chí ở nước ta đã giành một mục riêng số 192 (trong II. 3 Địa phương chí) để giới thiệu BTĐDC. Ông còn cho viết chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa toàn văn bài Tựa ra tiếng Việt(17)

Những năm cuối của thập kỷ 90, khi bắt đầu thực hiện công trình dịch chú bộ địa chí đồ sộ Đồng Khánh sắc chế ngự lãm địa dư chí, trong bài tham luận Đồng Khánh địa dư và việc bóc tách các lớp địa danh triều Nguyễn, khi điểm về các tài liệu địa chí mà có ghi hệ thống địa danh đến tận cấp xã thôn, PGS. TS. Ngô Đức Thọ đã viết: “Những sách địa phương chí toàn quốc (hoặc miền) mà có ghi hệ thống địa danh đến cấp xã thôn thì vẻn vẹn chỉ có mấy cuốn. Cổ nhất mà văn bản hiện còn thì chỉ có Ô Châu cận lục của Dương Văn An cho ta một hệ thống địa danh đời Mạc của miền đất ngày nay thuộc ba tỉnh Bình Trị Thiên. Cả Lê sơ, Lê Trung hưng và triều Tây Sơn không có cuốn nào. Triều Nguyễn có cuốn Các trấn tổng xã danh bị lãm, tuy không phải là một sách địa dư chí thực thụ, nhưng sách này cho ta một hệ thống địa danh hoàn chỉnh của các phủ huyện từ Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh trở ra). Kế đến là Bắc thành địa dư chí của Lê Chất cho ta địa danh của các tỉnh Bắc Thành đời Minh Mệnh. Rồi đến Đồng Khánh địa dư. Tất cả chỉ có vậy.”(18)

Nếu dùng BTĐDCL so sánh với các tài liệu cùng loại sau đó như ĐNNTC, ĐKĐDC có thể chúng ta sẽ có được một bảng tổng hợp về tình hình kinh tế xã hội của nước ta dưới triều Nguyễn. Nhưng chúng tôi muốn nói đến một giá trị khác của BTĐDC: đó là hệ thống địa danh đầu triều Nguyễn mà nó mang lại. Nguồn thư tịch địa chí cổ có kê địa danh đến xã thôn, như đã nói ở trên chỉ có 4 quyển: Ô Châu cận lục đời Mạc, CTTX đời Gia Long, BTĐDC đời Minh Mệnh và ĐKĐDC đời Đồng Khánh. Hệ thống địa danh trong BTĐDC về cơ bản là giống với CTTX nhưng nếu đem so sánh với CTTX ĐKĐD chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi về tổ chức hành chính và cả một hệ thống địa danh diên cách từ đầu đời Nguyễn đến cuối đời Nguyễn của các tỉnh miền Bắc. Nếu lập một bảng kê rồi so với các tài liệu cùng thể loại, theo thứ tự thời gian, chúng ta sẽ thấy rõ sự thay đổi về tổ chức hành chính cấp phủ, huyện, xã do tách nhập và quan trọng hơn là sự thay đổi địa danh (tên huyện xã) vì nhiều lý do, trong đó có lý do kiêng húy gây ra. Lớp địa danh tên xã phản ánh sự thay đổi này rất nhiều và rất rõ. Vì vậy có thể dùng BTĐDCL như một tư liệu để nghiên cứu địa danh lịch sử của cả trấn Bắc Thành đời Nguyễn. Và như vậy BTĐDCL đóng vai trò là một tài liệu trung gian, mà như PGS. TS. Ngô Đức Thọ gọi là “đầu cầu”(19) để ngược thời gian nghiên cứu địa danh trước đời Nguyễn và xuôi thời gian về sau để tiếp cận với lớp địa danh hiện đại đầu thế kỷ XX, rồi từ đó mà chuyển sự nghiên cứu đến tận ngày nay.

Vì có giá trị như vậy cho nên bộ BTĐDCL đã được Nha văn hóa Sài Gòn cho dịch và in ra vào năm 1969(20). Tuy nhiên, trong bản dịch này, vấn đề giới thiệu văn bản không được dịch giả quan tâm, việc đối chiếu với các tài liệu địa danh liên quan để chỉnh lý những chỗ nguyên bản chép sai, chép thiếu cũng không được tiến hành; nên trong bản dịch vẫn còn nguyên những chỗ sai, thiếu. Hơn nữa, dịch giả là người miền Nam, không am hiểu địa danh, phong tục vùng Bắc Thành nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phiên âm tên đất, sông núi. Thậm chí, có những đoạn trong nguyên bản dịch giả không xử lý được, đành ngắt câu mà cứ theo mặt chữ Hán phiên âm ra(21). Tất cả những điểm trên đã làm cho bản dịch BTĐDC của Nha văn hóa có nhiều hạn chế, nhất là khi cần tham khảo về địa danh làng xã. Hiện nay, ở các thư viện lớn tại Hà Nội không có đủ bộ của bản dịch này, tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ có bản dịch 4 quyển từ 1-4, tương đương với Tập 1 trong nguyên bản.

Qua những điều vừa trình bày trên đây, chúng ta thấy BTĐDCL là một tác phẩm địa chí có quy mô lớn, nội dung phong phú. Tác phẩm được Lê Chất tổ chức biên soạn trong khoảng cuối đời Gia Long đến đầu đời Minh Mệnh (1818-1826), Nguyễn Văn Lý đính chính, bổ sung và viết bài Tựa năm Thiệu Trị 5 (1845).

Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 3 văn bản: A.1565/1-2, A.1758/1-2 và A.81/1-2, trong đó 2 bản A.1758/1-2 và A.81/1-2 có cùng nguồn gốc, tạo thành một nhóm và đó là những văn bản tốt. Nhưng tiếc là chúng đều tàn khuyết nên việc sử dụng bị hạn chế. Bản A.1565/1-2 là bản đầy đủ nhất. Mặc dù có một số chữ chép sai, nhưng nếu đem nó đối chiếu với tài liệu cùng loại như CTTX đồng thời so sánh với hai dị bản kia thì nó sẽ là một tài liệu quý để nghiên cứu về địa chí lịch sử của cả một vùng Bắc kỳ rộng lớn trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX.

V.T.L.A

CHÚ THÍCH:

(1) Các trấn tổng xã danh bị lãm (Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX ) Dương Thị The, Phạm Thị Thoa phiên dịch. Nxb. KHXH, H.1981.

(2) Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1992.

(3) Ô Châu cận lục, Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên dịch chú, Nxb. KHXH, H.1997.

(4) Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỷ, Q.LVII. Bản dịch Viện sử học 1963, tr.343.

(5) Đại Nam thực lục, Đệ nhị kỷ. Q.XLII, Sđd, Nxb. KHXH, H. 1964, tr.147.

(6) Nguyễn Văn Lý (1795-1869), tự Chí Am và Tuần Phủ, hiệu Chí Hiên và Đông Khê, người phường Đông Tác huyện Thọ Xương - nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. 31 tuổi đỗ Cử nhân khoa ất Dậu năm Minh Mệnh 9 (1828), 38 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn năm Minh Mệnh 13 (1832). Làm quan trải các chức: Hàn lâm biên tu, thuyên bổ Tri phủ Thuận An, án sát Phú Yên, thăng Đốc học Hưng Yên, hàm Hàn lâm viện trước tác. Sau đó, năm 1865, ông cáo quan về quê dạy học.

(7) Tên làng xã... Sđd, tr.5

(8) Tên làng xã... Sđd, tr.6.

(9) Tên làng xã... Sđd, tr.6.

(10) Thời là tên húy vua Tự Đức, Nguyễn là tên húy họ các vua đời Nguyễn nên phải đổi. Xem Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Ngô Đức Thọ. Nxb. Văn hóa 1997, tr.151.

(11) Tông, Tuyền là tên húy vua Thiệu Trị. Xem Ngô Đức Thọ… Sđd, tr.147.

(12) Q.5, Trấn Sơn Tây, tờ 42.

(13) Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tr. 211.

(14) Xem Nguyễn Văn Huyên: Địa lý hành chính Kinh Bắc. Nxb. Văn hóa, 1996.

(15) Xem Sơn Tây tỉnh địa chí, Phạm Xuân Độ, Tài liệu đánh máy, 1941.

(16) Xem Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb. KHXH, H.1964, tr.9.

(17) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, T.1. Nxb. KHXH, H.1984, tr. 400.

(18) Xem Thông báo Hán Nôm học năm 1998, Nxb. KHXH, H. 1999, tr. 406-407.

(19) Đồng Khánh địa dư chí. Nxb. Thế giới 2003, tr.XXVII.

(20) Xem Bắc thành địa dư chí, Nha văn hóa, phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1969. Tú tài Hán học Đặng Chu Kình dịch, Lê Xuân Giáo, Lê Phục Thiện và Đinh Quốc Khánh hiệu đính.

(21) Xin trích nguyên văn đoạn ghi chú của dịch giả: “Xin chú ý. Từ đây trở xuống là tên phường, tên thôn trong 8 tổng, nhưng không thấy có chấm câu, chấm phết gì cả, nên khó phân biệt, vậy xin cứ theo nguyên văn viết vào để bị khảo”. Xem BTĐDC bản dịch, Sđd., T.1, Thành Thăng Long, tr.8.

TB

CÂU ĐỐI ĐỀN NGỌC SƠN - VÀI VẤN ĐỀ ĐỊA CHÍ VÀ DỊCH THUẬT

VŨ THẾ KHÔI

Câu đối là một thể loại sáng tác văn học đặc biệt có những câu ý tứ bộc lộ ngay trên bề mặt từ ngữ trong câu, nhưng cũng nhiều câu thông tin cô đọng, ý tứ thâm thúy, chỉ những người “trong cuộc”, hoặc biết rõ tình huống ấy, mới thấu hiểu. Mọi người đều biết những câu đối của các bậc thầy như các cụ Nguyễn Khuyến và Tú Xương, trên mặt chữ nghĩa là mừng, khen nhưng trong thâm ý là trách, khiến trong cuộc người thì hả hê, kẻ thì xạm mặt. Đó là vì câu đối thường bao hàm cái gọi là “ý tại ngôn ngoại”, nghĩa là cái “ý vị” của nó được chứa đựng không chỉ trong nghĩa của từ và điển cố trong câu - những thứ có thể dùng từ điển các loại để tra cứu và dịch, mà còn ẩn trong cảnh quan và cảnh ngộ, lịch sử địa phương và nhân vật, phong tục và tập quán đương thời, - tất cả những yếu tố người xưa gọi chính xác là địa chí (ghi chép về bản sắc một vùng đất). Trong trường hợp thông tin địa chí vì lý do này khác chưa chính xác và đầy đủ, thì chưa thể hiểu hết và chuyển đạt đúng nội hàm câu đối. Trong đền Ngọc Sơn không ít những câu đối thuộc loại này, khiến những bản dịch trước đây chưa chuyển đạt thoát ý, kể cả bản dịch công phu của hai cụ Tuấn Nghi và Tảo Trang(1) - một đóng góp đáng kể vào việc tìm hiểu di sản Hán Nôm trong đền Ngọc Sơn mà những người đi sau như chúng tôi được thừa hưởng để học tập và tiếp tục hoàn thiện.

Trong phạm vi vấn đề đang bàn trong bài này, chúng tôi chỉ xin lần lượt phân tích chùm câu đối có niên đại tương đối sớm tại “ngôi đền văn minh” (Hoàng Đạo Thúy), liên quan địa chí văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm nửa đầu thế kỷ XIX, vốn có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu và dịch câu đối trong đền Ngọc Sơn.

Trước hết, xin đề cập một câu đối mà ý tứ gắn liền với cảnh quan đương thời ở đầu phía Bắc hồ Hoàn Kiếm. Tại mặt trong của hai cột trụ chính giữa cổng đền Ngọc Sơn có câu:

慶 瑞 一 峰 高 玉 佩 築 鯨 傳 勝 跡
釣 台 雙 廟 峙 靈 金 耀 斗 護 神 光

Khánh Thụy nhất phong cao, Ngọc Bội trúc kình truyền thắng tích
Điếu đài song miếu trĩ, linh Kim diệu Đẩu hộ thần quang
.

Câu này đã được dịch như sau:

Một cung Khánh Thụy vươn cao, núi Ngọc Bội ghi chiến công dấu danh thắng truyền lại;

Hai miếu Điếu đài đối lập , Gươm Vàng thiêng chiếu sao Đẩu hộ thần quang”*.

Các dịch giả có kèm theo những chú giải địa chí như sau:

(a) “Cung Khánh Thụy: cung do chúa Trịnh Giang dựng lên trên gò đất cao tức Ngọc Sơn ở tây - bắc hồ vào năm Lê Vĩnh Hựu (1735 – 1739).

(b) Ngọc Bội: tên một quả núi nhỏ, do Trịnh Giang cho đắp ở bờ hồ phía đông để ghi chiến công đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo). Chữ “trúc kình” trong nguyên văn... (vế đối thứ nhất) có thể hiểu là “kình nghê kình quán = quán kình nghê”, chỉ những gò đống chôn xác giặc, ghi chiến công (xem câu thơ Ngô Ngọc Du được ghi trong Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện, Nxb. Văn hóa, H. 1959, tr.164).

(c) Điếu đài: từ thời Lý - Trần, ở phía Tả Vọng của hồ Hoàn Kiếm có một gò đảo trên có ngôi chùa nhỏ, lâu ngày bị đổ nát. Đời Lê thường dùng nơi này (tức chỗ đền Ngọc Sơn hiện nay) làm nơi câu cá, gọi là Điếu đài. Ngoài ra, theo các cụ kể lại, hai quả núi Đào Tai và Ngọc Bội đồng thời cũng là hai nơi có thể đứng để câu cá, giành cho vua chúa, cũng gọi là Điếu đài. Hai miếu Điếu đài đối lậprất có thể là chỉ hai nơi câu cá sau cùng này (theo Hà Nội Sơn xuyên phong vực, Thăng Long cổ tích khảo Văn Xương miếu bi của Nguyễn Văn Siêu)”. (Chúng tôi gạch chân những phần cần lưu ý - V.T.K)

Tuy nhiên hai ngữ đoạn đầu của câu đối trên đã bị dịch giả hiểu sai lệch nên phân cú đoạn sai, mà trong Hán ngữ cổ đã phân cú đoạn sai, tất chuyển dịch không chính xác. Dịch đúng phải là: Nơi [trước] có cung Khánh Thụy, [hiện còn] một gò nhô cao... - Chỗ [xưa] là đài Câu cá, [nay xây] hai đền sừng sững (*)... Những phần gạch dưới trong đoạn chú giải trên đây cho thấy: sở dĩ dịch giả phân cú đoạn sai là vì xuất phát từ ý niệm sai lầm về cảnh quan đương thời ở phần phía bắc hồ Hoàn Kiếm do nhiều thế hệ Hà Nội học đã dựng lên, đó là: Điếu đài (= đài Câu) đời Lê lập trên Ngọc Sơn, cung Khánh Thụy cũng lại xây trên Ngọc Sơn và hai ngọn núi giả Độc Tôn và Ngọc Bội đều được đắp trên bờ phía đông hồ Gươm(2). Xuất phát điểm sai lầm này dẫn đến cách xử lý phần đầu của câu đối thành: “Một cung Khánh Thụy vươn cao... - Hai miếu Điếu đài đối lập...”, tuy đối rất chỉnh đến từng từ nhưng phi lý, bởi lẽ cung Khánh Thụy đã bị Lê Chiêu Thống đốt phá để trả thù họ Trịnh từ đầu năm 1787, còn đâu mà năm 1841, khi Hội Hướng Thiện dựng đền Ngọc Sơn, vẫn “vươn cao” trên đảo Ngọc?! Và đài câu ở trên đảo Ngọc vốn chỉ có một, nhưng vì đã không phân tách mà lại gán ghép “Điếu đài” với “song miếu” thành một cụm từ, nên dịch giả phải lý giải hai ngọn núi Đào Tai (thực ra theo Nguyễn Văn Siêu là Độc Tôn) và Ngọc Bội, “theo các cụ xưa kể lại... cũng là hai nơi có thể đứng để câu cá,... cũng gọi là Điếu đài”, để dịch gượng ép “Điếu đài song miếu...” thành “hai miếu Điếu đài...” cho đối với “Một cung Khánh Thụy...”, mặc dù “Điếu đài” không phải là nơi thờ cúng nên không thể gọi là miếu được ! Lô-gich của sai lầm tất yếu khiến dịch giả phải xử lý sai danh ngữ “nhất phong cao” (dịch đúng là: một ngọn đất cao) thành động ngữ “vươn cao”.

Thực ra, như chúng tôi đã chứng minh căn cứ thơ văn 1833 - 1841 của Tiến sĩ Vũ Tông Phan và bản đồ Hà Nội 1873, Cung Khánh Thụy được xây không phải trên Ngọc Sơn mà ở bờ phía tây của hồ Hoàn Kiếm, tại vị trí sau này người Pháp xây dinh thự Chánh án Đông Dương (nhà số 8 Lê Thái Tổ), nay là khách sạn Hà Nội Vàng dang dở, và núi Ngọc Bội được đắp ở vị trí có cung Khánh Thụy, tức cũng tại bờ tây hồ Hoàn Kiếm(3). Với một cảnh quan thực tế như vậy, mọi sự trở nên sáng tỏ: khi Hội Hướng Thiện xây đền Ngọc Sơn thì trên bờ tây, nơi từng có cung Khánh Thụy, chỉ còn là một ngọn đất nhô cao - chính là di tích các núi Ngọc Bội xưa, Trịnh Doanh (chứ không phải Trịnh Giang, như các nhà Hà Nội học viết, bởi vì Trịnh Giang chỉ là chúa từ 1729 đến 1739 thì bị truất và không hề cầm quân đi đánh Quận Hẻo) cho đắp để kỷ niệm võ công của mình sau khi, vào năm 1751 đóng đại bản doanh ở núi Ngọc Bội thuộc dãy Tam Đảo, đã phá được sào huyệt của Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương trên núi Độc Tôn(4); đăng đối với một gò di tích Ngọc Bội trên bờ tây ấy**, Hội Hướng Thiện trùng tu và dựng trên đảo Ngọc (gần bờ đông) hai ngôi đền (= miếu) mới, chỉ cách nhau một cái sân trong rất nhỏ (chí ít đến tận năm 1887, theo sự miêu tả của G. Dumoutier trong sách Les pagodes de Hanoi, hai ngôi đền ấy còn chưa nối thành một cấu trúc liên hoàn như ngày nay(5)): trùng tu đền ở phía bắc thờ Quan Vũ và sáng lập đền ở phía Nam thờ Văn Xương, để thần (mà tượng trưng là “Gươm thiêng”) và thần Văn (tượng trưng là sao “Bắc Đẩu”) - lý tưởng văn võ kiêm toàn của Nho gia - cùng ủng hộ cho ánh sáng thần diệu mới (= ánh sáng văn hóa) trên đảo Ngọc, bởi vì từ nay đền Ngọc Sơn phải trở thành nơi “bọn sĩ phu kết bạn với nhau” để “gìn giữ chí khí, tu dưỡng bản thân” và “làm những việc có ích cho mọi người” - như vị Hội trưởng đầu tiên của Hội Hướng Thiện Vũ Tông Phan đã phát biểu trong bài văn bia soạn năm 1843, ngay sau khi khánh thành Đền(6). Chỉ có xuất phát từ cảnh quan thực tế ấy, từ mục đích văn hóa - giáo dục sâu sắc ấy của việc sáng lập đền Ngọc Sơn thì mới có thể hiểu đúng (như những người trong cuộc đương thời đã hiểu !) cái ý tại ngôn ngoại gửi gắm trong câu đối trên và diễn dịch sáng tỏ sang tiếng Việt lô-gich nội tại giữa các ngữ đoạn trong một vế đối, cũng như giữa cả hai vế:

[Tại bờ Tây] nơi từng có cung Khánh Thụy, hiện còn một gò nhô cao đó là núi Ngọc Bội đè (a) cá Kình (b), vẫn lưu truyền dấu tích chiến thắng [xưa] (c);

[Trên đảo Ngọc] chỗ xưa lập một đài Câu, nay xây hai miếu sừng sững, ngụ ý Gươm thiêng rọi chiếu Bắc Đẩu, cùng ủng hộ hào quang thần diệu [mới] (*).

Xin chú giải thêm cách dịch của chúng tôi:

(a) chữ “trúc” (築) Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có cho một nghĩa gốc là lèn đất cho chặt.

(b) cá Kình, cá Nghê xưa thường dùng để chỉ giặc mạnh.

(c) chữ “thắng” (勝) cũng tự điển trên cho hai nghĩa: 1. được, 2. đẹp hơn; trong văn cảnh này “thắng tích”, bao hàm ý dấu tích ghi chiến công thắng giặc mạnh.

Và tạm dịch thành câu đối như sau:

Tại nền xưa Khánh Thụy, một gò đắp cao cao - đó là Ngọc Bội đè cá Kình truyền lưu danh thắng tích;

Nơi dấu cũ Đài Câu, hai miếu xây sừng sững - đây Gươm thiêng rọi sao Đẩu ủng hộ ánh phong văn. (*)

Nhân đây xin nói thêm, tuy trên câu đối này không đắp niên đại, song từ sự phân tích văn bản trên đây, có thể đoán định nó xuất hiện ngay sau khi Hội Hướng Thiện khánh thành đền vào mùa thu 1842, bởi vì trong đợt Nguyễn Văn Siêu trùng tu đền, căn cứ một bài văn của chính ông, vào 1859-1863 (chứ không phải vào 1865 như Bản giới thiệu tóm tắt trong đền và Từ điển bách khoa Việt Nam ghi), ông chỉ viết về Độc Tôn trên bờ đông mà không nhắc gì tới Ngọc Bội ở trên bờ tây nữa, có lẽ đến thời điểm đó gò đã mai một. Tuy nhiên, di tích nền cung Khánh Thụy hẳn phải còn đến tận 1885, khi người Pháp bắt đầu đuổi dân, san đất làm đường vòng quanh hồ Hoàn Kiếm thì ông Phạm Đình Bách, nhân viên Sở Địa chính Đông Dương làm bản Chú thích cho bản đồ Hà Nội 1873 mới ghi vị trí trên bờ phía tây hồ được mã hóa bằng con số “21” là cung Khánh Thụy.

Nếu như câu đối trên gắn liền với cảnh quan thiên nhiên đương thời, thì những câu phân tích dưới đây chủ yếu lại liên quan sinh hoạt văn hóa đương thời của nhóm sĩ phu trong Hội Hướng Thiện đã sáng lập đền Ngọc Sơn. Bởi vậy trong trường hợp bối cảnh văn hóa - xã hội đương thời ấy chưa được làm sáng tỏ và thì chưa thể hiểu thấu ý tứ sâu sắc mà soạn giả gửi gắm trong vế đối và việc chuyển dịch khó tránh khỏi sự hời hợt và mất mát.

Trước hết xin được bàn về câu ở 2 cột chính giữa, gọi là “câu đối dẫn”, thường là định hướng cho khách đoán biết về nội dung thờ cúng trong di tích: phật, thánh hay anh hùng, vĩ nhân.

Câu đối dẫn tại đền Ngọc Sơn như sau:

臨 水 登 山 一 路 漸 入 佳 景
尋 源 訪 古 此 中 無 限 風 光

Lâm thủy đăng sơn, nhất lộ tiệm nhập giai cảnh
Tầm nguyên phỏng cổ, thử trung vô hạn phong quang.

Câu đối trên đã được dịch như sau:

Ngắm nước, trèo non, một lối lần vào cảnh đẹp;

Tìm nguồn thăm cội, trong đây biết mấy phong quang”.

Xét về mặt chữ nghĩa thì từng từ đã được chuyển ngữ chính xác và câu dịch chỉnh chu về mặt đối đến từng từ, tuy nhiên chưa lột tả được hàm ý của câu đối dẫn. Vấn đề ở chỗ là cách hiểu các từ (此 中) - “thử trung” và (風 光) - “phong quang”. Trong một bài viết trước đây, chúng tôi cũng đã tiếp thu cách hiểu “thử trung” = trong đây(7). Nay xem xét toàn diện các yếu tố trong và ngoài văn bản chúng tôi cho rằng ở câu này “thử trung” có nghĩa: trong việc này, tức trong việc “tầm nguyên phỏng cổ”, chứ không phải “trong đây”, tức trong đảo Ngọc, bởi 2 lẽ:

a) Về kết cấu văn bản, “thử trung” đứng trực tiếp sau ngữ cú chỉ hoạt động, chứ không chỉ đảo Ngọc (không gian);

b) Về thông tin ngoài/sau văn bản (tức bối cảnh sinh hoạt văn hóa đương thời), nhóm sĩ phu sáng lập Văn hội Thọ Xương (1832) và Hội Hướng Thiện (1836?) - các tổ chức văn hóa - xã hội đã xây dựng Văn chỉ Thọ Xương (1838) và sáng lập đền Ngọc Sơn (1841) - từng nhiều lần đề cập vấn đề tầm nguyên như một nội dung căn bản trong hoạt động chấn hưng văn hóa - giáo dục của mình: “Lạc lạc tầm nguyên hậu / Tiêu tiêu nhập thất sơ” (Sau khi sôi nổi truy tìm cội nguồn / Lại trầm ngâm khi bắt đầu thấu hiểu lẽ đạo - Nguyễn Văn Siêu, khoảng 1833 - 1843: Phỏng Vũ Hoán Phủ Kiếm hồ u cư(8)). Họ đã tầm nguyên điều gì ? Hẳn phải là “cựu bang văn nhã” - phong tục sáng đẹp của nước Việt xưa và “cổ đạo nghi hình” - chuẩn mực của đạo Nho cổ (với chữ (仁) - “Nhân”, chứ không phải chữ (忠) - “Trung” làm nền tảng), như vị Hội trưởng của cả 2 Hội, Vũ Tông Phan đã kết hợp thành một phương châm của họ về chấn hưng văn hóa Thăng Long trong câu đối từng treo tại bái đường văn chỉ Thọ Xương: Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến - Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh (tạm dịch: Phong văn nước cũ truyền người trước - Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau)(9).

Nếu “thử trung” đã chỉ hoạt động (tầm nguyên phỏng cổ) chứ không biểu thị không gian (đảo Ngọc), thì “phong quang” cũng không thể chỉ hiểu theo nghĩa thuần túy không gian “cảnh quang đãng, khoáng đạt”. Chữ “quang” nghĩa từ nguyên là ánh sáng, chữ “phong” vừa có nghĩa gió, vừa có nghĩa phong hóa. Bởi những lẽ trình bầy trên, theo chúng tôi, nếu với vế thứ nhất bằng từ “giai cảnh” (phong cảnh tươi đẹp) các Nho sĩ trong Hội Hướng Thiện đã ca ngợi thiên nhiên nơi lập đền, thì hàm ý họ gửi gắm trong từ “phong quang” ứng đối với nó, theo quy luật liên tưởng ngữ nghĩa của người trong thời cuộc bấy giờ vốn biết rõ ý đồ và hoạt động của Hội Hướng Thiện khi lập đền, - phải là ánh sáng phong hóa, bởi vì chỉ có nó, ánh sáng, mới có thể “vô hạn” trong ngôi đền trên đảo Ngọc nhỏ bé.

Vậy xin dịch lại câu đối dẫn tại đền Ngọc Sơn như sau:

Vượt qua bến nước trèo lên đỉnh non, thấy có một con đường đưa dần vào cảnh tươi đẹp;

Truy tìm nguồn cội, thăm hỏi cổ xưa mới hiểu trong việc này vô hạn ánh sáng phong văn. (*)

Vế thứ nhất hoàn toàn miêu tả không gian thiên nhiên: non nước cùng “giai cảnh” tức ngôi đền mới dựng hài hòa với thiên nhiên tươi đẹp, vế thứ hai nói về hoạt động con người tại ngôi đền này là tầm nguyên phong cổ để cắm những “cột tiêu” (= chuẩn mực) của đạo lý làm người. Ngoài ra, còn có ý liên tưởng đến những ngôi tư thục do các ông Nghè, ông Cử danh tiếng đã về mở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm theo lời kêu gọi của Văn hội Thọ Xương “vi hương quân tử vi xã tiên sinh” (làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã(10)), đều phải trở thành “cầu bến” giác ngộ cho đời. Đó cũng là ý tứ những người sáng lập ngôi đền văn minh gửi gắm trên câu đối đắp ở 2 cột biên:

立 人 標 表 開 人 徑
度 世 津 梁 覺 世 關

Lập nhân tiêu biểu khai nhân kính
Độ thế tân lương giác thế quan.

Xin tạm dịch lại nghĩa của câu đối này như sau:

Gây dựng con người [thì cắm] những cột tiêu dẫn đường khai hóa cho người;

Cứu giúp cuộc đời [hãy xây] các cầu bến làm cửa giác ngộ cho đời (*).

Điển tích, điển cố cũng thuộc phạm trù địa chí văn hóa và nắm vững chúng chính là mặt mạnh của các vị túc nho tiền bối trong việc hiểu sâu và dịch đúng nhiều câu đối cổ. Tuy nhiên, mặt mạnh có khi lại trở thành điểm yếu: trường hợp câu đối dưới đây trong đền Ngọc Sơn cảnh báo việc hiểu điển tích, điển cố một cách máy móc, thoát ly bối cảnh văn hóa cụ thể từng được người xưa vận dụng chúng, thì có thể dẫn đến cách hiểu và dịch sai lầm. Chúng tôi muốn nói đến câu đối trên hai cột trụ chính giữa tiền đường:

山 名 不 在 高 水 靈 不 在 深 自 有 主 者
天 柱 賴 以 尊 地 維 賴 以 立 惟 此 浩 然

Sơn danh bất tại cao, thủy linh bất tại thâm, tự hữu chủ giả
Thiện trụ lại dĩ tôn, địa duy lại dĩ lập, duy thử hạo nhiên.

Câu này đã được dịch như sau:

“Núi nổi tiếng không vì cao, nước linh thiêng không vì sâu (a), chính vì vốn có chủ;

Cột trời (b) nhờ đó mà cao vững, dải đất (c) nhờ đó mà bền chắc, toàn nhờ khí hạo nhiên (d)”.

Các dịch giả có kèm theo những chú giải như sau:

(a) “Cổ văn có câu: Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh = Núi không cần cao, có tiên ắt nổi tiếng; nước không cần sâu, có rồng ắt linh thiêng”.

(b) Theo sách Thần dị kinh núi Côn Luân có cột cao chọc trời, gọi là cột trời (cột chống trời).

(c) Nguyên văn là “địa duy”. Duy là 4 giềng lớn, 4 giây chính ở 4 mép lưới. Người xưa quan niệm trời hình tròn, đất hình vuông, nên gọi là “địa duy” (đất hình lưới vuông). Dịch là “dải đất” cho dễ hiểu.

(d) Khí hạo nhiên: chữ trong sách Mạnh Tử. “Hạo nhiên” là rất rộng lớn. Khí hạo nhiên là khí tốt lành rộng lớn, bao chùm cả vũ trụ và con người. Đó là sức sống của muôn vật. Riêng ở con người đó là ý chí hướng về điều Thiện”.

Mặc dù đã có những chú giải chi tiết như vậy, ý của câu đối này vẫn không rõ ràng, câu dịch vẫn không thanh thoát được. Nguyên nhân e rằng chính là vì dịch giả đã quá câu nệ điển cố “Thiên trụ” trong sách Thần dị kinh của Trung Hoa nên dịch phần đầu của vế sau thành “Cột trời nhờ đó mà cao vững”, thế nhưng thực ra nó có nghĩa là: Trời trụ vững nhờ được tôn kính (*), bởi những lẽ sau đây:

a) Về kết cấu văn bản câu đối, vế trước viết “Sơn danh”, trong đó (名) - “danh’” là vị ngữ và dịch giả đã dịch đúng là “núi nổi tiếng”, thì theo luật đối trong vế sau (柱) - “trụ” ứng đối với “danh” cũng phải là vị ngữ, nên không thể dịch thành “cột” mà phải dịch là trụ vững. Từ nguyên quả có cho một nghĩa của (柱) là: “dữ (拄) thông dã”; nghĩa này trong các tự điển tiếng Trung hiện đại không thấy ghi nữa. “Thiên trụ” đã dịch sai thì tất kéo theo (地 維) “địa duy” cũng dịch sai thành “dải đất”, thế nhưng “duy” ở đây ứng đối với vị ngữ “linh” ở vế trên (đã được dịch đúng thành vị ngữ: nước linh thiêng), cho nên “duy” cũng là vị ngữ và phải dịch thành duy trì/tạo lập. Có lẽ dịch giả thấy trong vế đối viết (天 柱) “thiên trụ” với chữ (柱) các tự điển hiện đại chỉ còn cho nghĩa sự vật, thì theo phản xạ của người thông thạo các điển cố, đã vội cho rằng soạn giả sử dụng điển cố, nhưng thực ra trong trường hợp này Lê Duy Trung chỉ tận dụng sự liên tưởng điển cố đó của các nho sĩ để vận dụng điển cố mà phát biểu ý tưởng của mình.

b) Cái “ý tưởng của mình” đây, tức của các sĩ phu trong Hội Hướng Thiện sáng lập đền Ngọc Sơn, lại chỉ có thể tìm hiểu thông qua thông tin ngoài/sau văn bản. Rất may điều này còn thấy trên bài văn bia Ngọc Sơn Đế Quân từ ký: Phù Kiếm hồ thiên nhiên chi thắng, sơn bất tại cao, thủy bất tại thâm, tịnh bất dĩ nhân công chi hữu vô nhi gia tổn dã... (Ôi ! Hồ Gươm là cảnh đẹp thiên nhiên, núi không cần cao, nước không cần sâu và cũng không cần có bàn tay khéo léo của con người mà tăng hay giảm giá trị...). Ông Nghè Tự Tháp đã bỏ đi cả tiên lẫn rồng trong câu của danh gia Lưu Vũ Tích, chỉ tận dụng một phần câu văn nổi tiếng để gửi gấm cái ý tưởng của mình là: Thiên nhiên tự nó tươi đẹp và linh thiêng, tự nó có chủ, có lý riêng. Trong vế thứ nhất của câu đối soạn sau văn bia có 1 năm, 1844, Lê Duy Trung, một người đồng chí tâm huyết của Vũ Tông Phan trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long, đã cô đọng ý đó. Nhưng điều không kém quan trọng là: “Duy nhãn tiền hữu cảnh, khởi chung hư phận. Thướng hữu nhân yên, tự ưng dữ cảnh tấu hợp (Duy có điều, đối cảnh trước mắt há nỡ phụ mà để suông hoài. Nếu có người ở đấy thì nên hòa hợp cùng với cảnh(11))”. Cái chủ trương vị Hội trưởng Hướng Thiện muốn phát biểu qua những lời trên là: thiên nhiên phải được người có chí hướng thiện (chính là “hạo nhiên khí”!) tôn thờ và tạo dựng thì mới không “bị phụ mà để suông hoài”). Đây chính là chìa khóa để giải mã vế thứ hai.

Vậy xin tạm dịch lại nghĩa câu đối này như sau:

Núi nổi danh không phải vì cao, nước linh thiêng chẳng phải vì sâu mà bởi [thiên nhiên] tự nó có chủ;

Tuy nhiên trời trụ vững cũng nhờ tôn kính, đất duy trì cũng nhờ tạo lập - đều do chí hướng Thiện [của người] (*)

Xin lưu ý là trong đền Ngọc Sơn hiện thời còn một câu đối nữa “na ná” câu trên đây:

Tiên tắc danh long tắc linh tự hữu chủ giả
Trụ dĩ tông, duy dĩ lập duy thử hạo nhiên.

Câu này đã được dịch như sau:

Tiên thì lừng, rồng thì thiêng, đều do tự có chủ;

Cột được trọng, giềng được lập, toàn nhờ khí hạo nhiên.

Các dịch giả trước cho rằng câu đối này “lặp ý” câu đối trên. Thiết nghĩ, không phải như vậy: một là, ở đây cái thiêng liêng không còn là thiên nhiên (núi sông, non nước) mà là rồng và tiên - những linh vật đạo Giáo tôn sùng; hai là, cột với giềng làm sao sánh với Trời và Đất được ! Vế đối mất hẳn khẩu khí của “đại khối văn chương” (văn chương mang ý tưởng lớn lao của Trời Đất) mà những người sáng lập ngôi đền văn minh từng tuyên bố. Tuy nhiên, về một số ít ỏi câu đối có nội dung Phật giáo và Đạo giáo, cũng như về vài từ ngữ mang mầu sắc Phật, Lão ở trong đền, theo sự nghiên cứu của chúng tôi, đều xuất hiện ở đây rất muộn, vào cuối TK XIX - đầu TK XX, xin phép sẽ được đề cập trong một dịp khác.

Để kết luận, có thể khẳng định rằng hiếm có một đền miếu nào khác trên đất Hà Nội ngày nay, kể cả Văn Miếu - Quốc tử giám, có được một bộ câu đối lời hay ý đẹp, tư tưởng khoáng đạt, có giá trị nhân văn cao như ở đền Ngọc Sơn - một di sản văn hóa quý báu cần được giới thiệu đầy đủ hơn với mọi người.

V.T.K

CHÚ THÍCH:

* Trong bài viết này, những câu dịch và chú thích để trong ngoặc “...” đều trích từ bản dịch của hai cụ Tuấn Nghi và Tảo Trang. Những câu chúng tôi dịch lại, sẽ không đóng ngoặc “...” mà ghi dấu (*) để bạn đọc tiện phán xét; trong trường hợp cần thiết, chúng tôi thêm một vài từ cho lọn nghĩa, đều để trong ngoặc [...].

(**) Một năm sau những công bố của chúng tôi (xin xem tài liệu tham khảo 4), ông Nguyễn Vinh Phúc trong bài giới thiệu đền Ngọc Sơn, đăng tạp chí Thế giới mới số 457 ra ngày 8/10/2001, cũng đã viết lại rằng cung Khánh Thụy xây trên bờ tây hồ Hoàn Kiếm, song ông vẫn lầm Ngọc Bội được đắp trên bờ đông, nên đã trách oan các tác giả sách Đại Nam nhất thống chí rằng Độc Tôn... họ “vì lẽ gì đó gọi lầm là Ngọc Bội”. Nếu tiếp cận được nguyên bản chữ Hán, có thể thấy họ không hề nhầm lẫn như vậy !

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Tuấn Nghi, Tảo Trang: Câu đối, hoành phi, đề tự bằng chữ Hán trong đền Ngọc Sơn Hà Nội. Tạp chí Hán Nôm, số 1/1991, tr.69-80.

(2) a) Doãn Kế Thiện: Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội - xuất bản năm 1938, Nxb. Hà Nội tái bản năm 1999, tr.93-104.

b) Lịch sử thủ đô Hà Nội. Trần Huy Liệu chủ biên, Viện sử học, H. 1960, tr.406.

c) Nguyễn Vinh Phúc, Trần Huy Bá: Đường phố Hà Nội. Nxb. H. 1979, tr.228-231;

Nguyễn Vinh Phúc: Hồ Gươm huyền thoại - trong sách Hồ Gươm. Hoàng Kim Đáng chủ biên. Nxb. VH - TT, H. 2000, tr.21.

d) Nguyễn Văn Uẩn: Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX . Nxb. H. 1995, T.II, tr.342-353.

e) Từ điển bách khoa Việt Nam - H. 1995, T.I, Từ mục Đền Ngọc Sơn.

g) Ngô Thế Long: Đình và đền Hà Nội - Nxb. VH - TT, H. 1998, tr. 235.

(3) Vũ Thế Khôi: a) Hồ Hoàn Kiếm đầu thế kỷ XIX qua thơ văn Vũ Tông Phan - Tạp chí Xưa & Nay, số 74, tháng 4-2000; b) Một tấm bản đồ quý về Hà Nội xưa - Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 11/2000, tr.3-14, cũng đăng giản lược trên báo Lao Động, 7/11/2000; ánh Tuyết, Vũ Thế Khôi: Biên niên các sự kiện chủ yếu vùng hồ Hoàn Kiếm (đến đầu thế kỷ XX) - trong sách Hồ Gươm. Hoàng Kim Đáng chủ biên. Nxb. VH - TT, H. 2000, tr.184-189.

(4) Đại Việt sử ký tục biên. Nxb. KHXH, H. 1991, tr.222-231.

(5) G. Dumoutier: Les Pagodes de Hanoi. - Imprimerie - Typographique F.H.Schneider, Hanoi, 1887, pp. 13 - 14.

(6) Vũ Tông Phan: Tuyển tập thơ văn. T/T Văn hóa & Ngôn ngữ Đông tây xuất bản, H. 2001, tr.232-235; nguyên bản chữ Hán tr.346-347.

(7) Vũ Thế Khôi: Câu đối đền Ngọc Sơn - một di sản văn hóa quý giá. Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 9 - 10/2001.

(8) Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long. Vũ Thế Khôi (chủ biên). T/T Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Tây. H. 2001, tr.225-228.

(9) Sđd. trên, tr.240-242 và 253-254; cũng có thể xem: Tạp chí Hán Nôm, số 3/2000 (bài Nguyễn Tư Giản - Trưởng môn Hồ đình với Lỗ Am tiên sinh).

(10) Tuyển tập văn bia Hà Nội, q.II. Nxb. KHXH, H. 1978, tr.178.

(11) Sđd. ở chú (6), tr.233, nguyên bản chữ Hán 247./.

TB

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG ĐÀO THÁI TÔN: BÌNH CHÚ ĐÂU PHẢI LÀ VU CÁO

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Trong quyển Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận(1) ông Đào Thái Tôn có cho in lại bốn bài viết của tôi đã đăng trên Tạp chí Văn học và tuần báo Văn nghệ mà không xin phép tôi.

Không những ông đã không xin phép tôi để in lại các bài ấy dài tổng cộng tới 72 trang mà ở trong các bài ấy ông còn ghi thêm các lời “Bình chú” ở cuối mỗi trang để phê phán sai lệch về các điều tôi viết.

Nếu ông có được phép in thì ông cũng chỉ được in đúng nguyên văn bài tôi đã viết. Đằng này ông lại bình chú khắp các trang để giành phần phải về mình. Điều này cũng chẳng cần nói làm gì vì tôi tin chắc các độc giả đều nhận biết ngay.

Tôi chỉ nêu ra hai điều ông đã vu cáo tôi:

1/ Về quyển Tổng tập Văn học Việt Nam tập 13

Ông Đào Thái Tôn đã tìm mọi cách để phá tôi trong việc tái bản tập 12 thuộc Tổng tập văn học Việt Nam nhưng không được. Ông bèn vu cáo tôi vì là “chủ biên” nên vẫn tìm cách đưa “văn bản đã bị thải loại vào” với lời giới thiệu rất lúng túng:

Từ trước đến nay có nhiều nhà nghiên cứu giới thiệu các văn bản Truyện Kiều, trong số đó có nhiều văn bản có giá trị. ở đây chỉ xin giới thiệu văn bản của Đào Duy Anh (Nxb. Văn học, H. 1979 và 1984) là văn bản khảo đính gần đây nhất (? ĐTT) và thuộc loại rất có giá trị khoa học.

Tiếp theo đó, xin giới thiệu văn bản mà Nguyễn Quảng Tuân vừa mới khảo đính (? ĐTT) (phần chú thích giới thiệu kèm văn bản này từ trang 852 đến trang 1034 (tr.312. Sđd.).

Ông Đào Thái Tôn sau khi trích đoạn văn trên đã nặng lời đả kích là đã “xé bỏ tất cả những phần tâm huyết của Đào Duy Anh (giới thiệu, chú giải) chỉ để lại mấy chục trang phiên âm văn bản để “làm phép” với Hội đồng. Nguyễn Quảng Tuân đã đánh tráo đưa văn bản và mấy bài báo của ông vào Tổng tập”...

... “Việc làm của Nguyễn Quảng Tuân chẳng những đã xúc phạm tới người đã khuất là học giả Đào Duy Anh - người có công nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều - mà vừa qua đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý mà còn làm hỏng phần Truyện Kiều trong bộ Tổng tập Văn học Việt Nam” (tr.312. Sđd).

Tôi thấy cần trả lời ngay để ông Đào Thái Tôn được biết là đoạn giới thiệu ấy không phải tôi viết mà do Ban biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội viết.

Nếu tôi viết thì không khi nào tôi lại viết: “Tiếp theo đó xin giới thiệu văn bản mà Nguyễn Quảng Tuân vừa mới khảo đính” mà tôi phải viết: “Tiếp theo đó, xin giới thiệu văn bản mà chúng tôi vừa mới khảo đính. Sao ông không đọc kỹ để biết như vậy mà lại đi vu cáo cho tôi là đã “xúc phạm tới người đã khuất là học giả Đào Duy Anh.”

Tôi cũng cần phải nói thêm để các độc giả và ông Đào Thái Tôn rõ là tôi không có đưa văn bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh vào Tổng tập Văn học Việt Nam tập 13 (mới in lại) mà chính Ban biên tập bộ sách đã tự ý làm như vậy và cũng không cho tôi hay biết gì trước.

Ban biên tập cũng đã bỏ đi các bài báo in trong tập 12 cũ và trong tập 13 mới chỉ còn có văn bản Truyện Kiều, chú thích, bản Nôm Kiều Oánh Mậu.

Sao ông không xem lại mà cứ cố tình xuyên tạc như vậy. Các độc giả chỉ cần đọc những lời “bình chú” ấy sẽ thấy ngay ác ý của ông Đào Thái Tôn muốn lái sang vấn đề chính trị là tôi “đã xúc phạm tới người đã khuất là học giả Đào Duy Anh..., người vừa qua đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý...”

2/ Về tờ chiếu của vua Gia Long thăng cho Nguyễn Du lên chức Hữu Tham tri bộ Lễ và phong cho tước Du Đức hầu

Về tờ chiếu này, trong bài viết đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 3-1997, chúng tôi đã nói rõ là của ông Nam Ký sưu tầm và in trong bộ Văn đàn bảo giám, tập II do Nam Ký thư quán in lại lần thứ ba năm 1934.

Vì tấm hình của ông Nam Ký chụp quá nhỏ, không đọc được mấy chữ ghi “năm tháng” nên tôi đã phải căn cứ vào Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền để suy đoán là: Gia Long thập tứ niên ngũ nguyệt thập cửu nhật (Gia Long thứ 14, ngày 19 tháng 5).

Ông Đào Thái Tôn đã cố tình không để ý gì đến các điều tôi đã viết mà đã vội bình chú rằng:

“Để chứng minh cái SAI của Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Quảng Tuân đã đưa ra cái “đúng” của ông là tờ chiếu của vua Gia Long. Khi phiên âm tờ chiếu này, ông dùng dấu “chấm chấm”, bỏ hoang đấy mấy chữ ghi năm, tháng viết tờ chiếu. Đã bỏ hoang bằng dấu “chấm chấm” (....) ở nguyên bản như thế, thì biết tờ chiếu này được viết vào năm, tháng nào trong đời Gia Long. Chỉ biết là ngày 19 thôi. Thế mà không hiểu ông “dịch” thế nào mà dám cả gan viết: “Theo tờ chiếu của vua Gia Long thì mãi đến năm 1815, sau khi đi sứ nhà Thanh về, Nguyễn Du mới được thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ và mới được phong tước Du Đức hầu (!?)...

... Tôi đã dùng mọi loại kính lúp để soi mà không đọc được năm tháng viết trên tờ chiếu đó. Gần đây tôi mới được biết: Thì ra tờ chiếu này có phải do Nguyễn Quảng Tuân sưu tầm đâu: nó được ông Nam Ký sưu tầm, cho in trên Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên từ trước năm 1934 rồi ! Thế mà Nguyễn Quảng Tuân dám chụp lại cái ảnh tờ chiếu người ta đã công bố hơn sáu chục năm để gửi cho Tạp chí Hán Nôm với chú thích ảnh ghi công là Nguyễn Quảng Tuân sưu tầm (!). Thảo nào, nó nhòe nhoẹt thế !

Làm khoa học mà đến nông nỗi này thì là ẩu, hay là tính toán quá kỹ trong công việc công bố ảnh chụp lại cái ảnh chụp tờ chiếu một nơi, công bố nội dung tờ chiếu một nẻo nhằm mục đích nào đó, hay là sự coi thường người đọc?” (tr.315-316, Sđd.).

Tôi chỉ trích lại mấy đoạn trên trong bài viết của ông Đào Thái Tôn và xin trả lời ngay để các độc giả biết rằng khi tôi gửi bài cho Tạp chí Hán Nôm, tôi gửi cả ảnh chụp tờ chiếu kèm theo. Nếu Ban biên tập có cho đăng hình riêng trước và đăng bài sau là do quyết định của Ban biên tập, tôi đâu có yêu cầu làm như vậy. Và lời chú ở tấm hình cũng do Ban biên tập ghi, tôi đâu có ghi là do mình tự chụp mà ông Đào Thái Tôn phê bình tôi. Tôi xin nhắc lại tôi đã ghi rõ xuất xứ của tấm hình là do ông Nam Ký chụp và cho in trong quyển Văn đàn bảo giám tập II, tái bản năm 1934. Thế mà ông Đào Thái Tôn vẫn cố tình xuyên tạc tôi.

Về năm tháng của tờ chiếu, tôi đã nói là tôi căn cứ vào gia phả để suy ra là tháng 5 năm Gia Long thứ 14”. Thế mà ông Đào Thái Tôn vẫn cho rằng tôi “dám cả gan viết là năm 1815 (Gia Long thứ 14) Nguyễn Du mới được thăng Hữu Tham tri bộ Lễ, tước Du Đức hầu.”

Điều suy đoán của tôi căn cứ vào gia phả đã đúng vì đến năm 2000, khi có dịp sang Hoa Kỳ tôi đã xin được quyển Le vicux An Tịnh của Hippolyte Le Breton. Trong quyển này có in tờ chiếu của vua Gia Long thăng cho Nguyễn Du lên chức Hữu Tham tri bộ Lễ và phong cho tước Du Đức hầu do Lê Thước chụp được. Bức hình này rất rõ, đọc được cả ngày, tháng và năm: đúng là Gia Long thập tứ niên, ngũ nguyệt, thập cửu nhật (Ngày 19 tháng 5 năm Gia Long thứ 14 tức là ngày 25-6-1815).

Tôi đã cho đăng bài giới thiệu tờ chiếu ấy trên Kiến thức ngày nay, số 363 ra ngày 10-9-2000.

Chúng tôi nhận thấy ông Đào Thái Tôn vẫn cố tình xuyên tạc những điều tôi viết mặc dầu quyển Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận mới được tái bản năm 2003.

Nếu các độc giả muốn biết rõ hơn sự thực, chúng tôi xin mời quý vị xem lại bài viết về Tờ chiếu đã được đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 3-1997 và nhân đây chúng tôi cũng xin cho in lại tấm hình chụp Tờ chiếu chúng tôi xin được khi qua Mỹ năm 2000.

Vậy để kết luận bài viết này, chúng tôi xin báo để ông Đào Thái Tôn được biết, nếu ông muốn in lại những bài của tôi viết (dài tới 72 trang) vào trong sách của ông thì ông phải xin phép trước và không được “bình chú” gì để giữ được sự khách quan và dành quyền nhận xét cho các độc giả.

N. Q. T

CHÚ THÍCH:

(1) Nxb. Hội Nhà văn. In lần thứ nhất, H. 2001. Sở văn hóa Thông tin Hà Tĩnh. In lần thứ hai 2003.

TB

ĐÔI LỜI THƯA LẠI
ÔNG NGUYỄN QUẢNG TUÂN

ĐÀO THÁI TÔN

Cuộc tranh luận giữa chúng tôi và ông Nguyễn Quảng Tuân về ý kiến của học giả Hoàng Xuân Hãn trong việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều trên báo Văn nghệ từ tháng 9 năm 1997, được tiếp nối trên Tạp chí văn học giữa GS. Vũ Đức Phúc và ông Nguyễn Quảng Tuân đã gợi ra nhiều vấn đề về phương pháp luận, kiến thức và đạo đức của người nghiên cứu. Vì thế, khi đưa in Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận(1), chúng tôi thấy cần tập hợp đầy đủ các bài tranh luận vào cuốn sách, nên đã in lại trung thành bốn bài của ông như những tài liệu đối chứng ba mặt một lời (bạn đọc, chúng tôi và ông Nguyễn Quảng Tuân). Chúng tôi thấy không cần thiết phải “xin phép” khi in lại là vì thế. Nhưng do ông Nguyễn Quảng Tuân thường hay trích sai câu chữ của người khác (bài này cũng vậy) thậm chí xuyên tạc cả từ điển để cãi cố… nên chúng tôi phải đặt tới 82 lời bình chú dưới các bài của ông để chỉ ngay ra sự cố tình trích sai câu chữ và những sự không trung thực khác trong từng bài viết đó.

Nhờ cách bố cục bài vở như thế, ba năm qua ông Nguyễn Quảng Tuân đã lặng im, không trả lời được dù chỉ là một trong 82 lời bình chú. Thế mà nay ông viết bài “Bình chú đâu phải là vu cáo ?” thì ngay cách đặt tên bài của ông đã đủ là sự vu cáo rồi ! Tên bài báo đã không đúng. Cái gọi là lời BÌNH CHÚ cũng không đúng(2). Thế thì phỏng còn gì để bàn ? Nhưng vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ, cùng lúc ông Nguyễn Quảng Tuân đã gửi bài viết này cho nhiều tờ Tạp chí tại Trung ương, nên chúng tôi phải thưa chuyện, bằng cách nhắc lại những điều đã viết năm 1997 và những lời viết thêm năm 2001 ở nguyên dạng đã trình bày trong sách cho được tỏ tường ngành ngọn.

1. Về cuốn Tổng tập văn học Việt Nam

Năm 1997, khi thấy ông Nguyễn Quảng Tuân viết trên Tạp chí Văn học số 6/1997: “Học giả Hoàng Xuân Hãn (…) có thắc mắc là “không biết ông Kiều Oánh Mậu có thêm thắt gì không” trước khi cho in. Nếu thắc mắc như vậy thì đúng là học giả Hoàng Xuân Hãn đã không biết bài Lệ ngôn thập tắc (mười điều lệ ngôn) của Kiều Oánh Mậu”…, thì tôi đã viết trên Văn nghệ số 36, ngày 6/9/1997:

“Đây là một câu văn phũ ! Không ai có thể chấp nhận được và cũng không ai có thể tin được khi ông viết câu văn “đúng là học giả Hoàng Xuân Hãn không biết bài Lệ ngôn thập tắc”. Bởi vì trong bài nói chuyện, ít nhất, Hoàng Xuân Hãn đã nhắc tới bản Kiều Oánh Mậu ba lần; ông còn liên hệ văn bản này với những văn bản khác. Vì đó là tài liệu mà ai nghiên cứu Truyện Kiều cũng phải biết, cũng phải đọc; là tài liệu có thể nói, theo một góc độ nào đó, là phổ biến, thậm chí ai mù chữ Hán chữ Nôm cũng vẫn tìm đọc dễ dàng qua bản dịch của cụ Lê Thước mà Nguyễn Thạch Giang đã cho in nhiều lần từ năm 1972 đến nay !…

Ấy thế mà ông lại còn cẩn thận chú thích: “Bản Nôm Đoạn trường tân thanh này chúng tôi đã cho in lại trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 12, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1996”!

“Thì ra, ông muốn giới thiệu cuốn Tổng tập và bài Lệ ngôn do ông “dịch”! Vậy thì nhân cái chú thích của ông đây, tôi xin được phép mở ngoặc để nói ngay là: Cuốn Tổng tập do Nguyễn Quảng Tuân chịu trách nhiệm chính, đã được biên soạn sai quy cách thậm tệ tham lam quá đáng: không ai cho phép ông đưa toàn bộ việc khảo cứu Truyện Kiều và “tái bản” phần lớn trang chữ trong cuốn Chữ nghĩa Truyện Kiều…, đưa hầu như tất cả những bài báo của ông vào Tổng tập Văn học Việt Nam…, những tác phẩm còn hoài nghi, thậm chí chỉ là giai thoại văn học vào Tổng tập… để làm “nổi” cá nhân mình và có lời bất nhã, thiếu tế nhị với người đã khuất. Ở trang 862 cuốn Tổng tập, để bác lại luận điểm của Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “Chữ Khái là chữ cổ, nghĩa là hổ, cọp mà đến nay thì Nghệ An đến phía bắc Quảng Bình vẫn nói và dùng một cách chuyên nhất”, Nguyễn Quảng Tuân đã “hạ” một câu văn quá lạ lùng, “bất cận nhân tình” xuống phần chú thích: “Làm sao ông có thể xác định được khi không về ở Việt Nam chỉ sống ở bên Pháp cho đến khi qua đời” (!!!).

“Tôi tha thiết đề nghị các vị trong “Hội đồng biên tập Tổng tập Văn học Việt Nam” xem xét. So với quy cách làm Tổng tập ban hành từ năm 1974-1975 mà hơn hai chục năm qua các soạn giả Tổng tập vẫn chấp hành nghiêm chỉnh thì, đây là cuốn Tổng tập ẩu nhất, tùy tiện nhất do đã bị ông Nguyễn Quảng Tuân lợi dụng để tự đề cao cá nhân mình một cách quá “hồn nhiên”! Nên nhớ rằng Tổng tập Văn học Việt Nam - tập 12 là cốt để giới thiệu tác giả Nguyễn Du chứ không phải nơi để Nguyễn Quảng Tuân tự định vị mình trong lịch sử văn học bằng cách tái bản Truyện Kiều đã in năm 1995, 1996 và nhiều trang viết, bài báo chưa định hình của ông” !

“… Tôi cũng rất ngạc nhiên khi Nguyễn Quảng Tuân dùng lại bản dịch bài Lệ ngôn mà ông xóa bỏ tên người dịch cũ là cụ Giải nguyên Lê Thước. Cho đến bài Tựa của Đào Nguyên Phổ, ông cũng bỏ tên người dịch cũ là cụ Trần Lê Nhân, rồi chú thích (có lẽ chú thích chung cho cả hai bài), rằng: “Do chúng tôi phiên âm và dịch. Khi dịch, chúng tôi có đối chiếu với các bản dịch của Lê Thước, Nguyễn Văn Tố, Giản Chi”!

Theo tôi thì không nên làm như thế. Nếu ông “phiên âm và dịch” thì tại làm sao bài Lệ ngôn do ông phiên âm sai nhiều thế ? Chấm câu đến nỗi vừa sai vừa sót đến như thế ? (chẳng hạn, ông phiên âm chữ khoái chá thành quái chích; chữ hoằng thành hoành; chữ tiếm thành thiết; chữ suy thành thôi..., chữ khổ tâm thành nhược tầm, chữ nghị thành nghĩa !) (...) Phiên âm đã sai, chấm câu cũng sai mà bản dịch ông Nguyễn Quảng Tuân nhận là “do chúng tôi dịch” vẫn đúng như bản dịch cũ! Thế là thế nào?”(3)

Văn mạch của chúng tôi viết năm 1997 và lời viết thêm 2001 là thế. Nay ông Tuân trích lại lỗ mỗ bảo là chúng tôi vu cáo ông, nên tôi xin thưa từng điểm:

a/ Ông Nguyễn Quảng Tuân thanh minh: “Lời giới thiệu ấy không phải tôi viết mà do Ban biên tập Nxb. KHXH viết”. Thanh minh như thế là chưa thuyết phục. Vì nhiều khi, do muốn giới thiệu một cuốn sách cho sâu sát với nội dung, Ban biên tập các Nxb. vẫn nhờ người làm sách viết giùm. Dĩ nhiên là Nxb. sẽ duyệt. Nếu thấy không có gì sai lầm về nội dung cuốn sách hoặc không thấy người viết tự đề cao cá nhân quá đáng thì cũng cho qua.

b/ Còn như bảo rằng: “Nếu tôi viết thì không khi nào tôi lại viết: “Tiếp theo đó xin giới thiệu văn bản mà Nguyễn Quảng Tuân vừa mới khảo đính” mà tôi phải viết “Tiếp theo đó xin giới thiệu văn bản mà chúng tôi vừa mới khảo đính”, thì cái lý này cũng non; vì khi nói hoặc viết, để cho nhã nhặn, người ta thường dùng từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất số nhiều (chúng tôi), thay cho ngôi thứ nhất số ít (tôi). Vậy thì dù ông viết là “Nguyễn Quảng Tuân” hay “chúng tôi ” cũng thế cả. Chẳng ai để ý chuyện không đáng để ý ấy đâu.

c/ Ông lại viết: “Ác ý của ông Đào Thái Tôn muốn lái sang vấn đề chính trị là tôi “đã xúc phạm tới người đã khuất là học giả Đào Duy Anh…, người vừa qua đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ chí Minh”. Thưa ông, nhắc tới việc xúc phạm cụ Đào, tôi muốn lưu ý đến khía cạnh đạo đức. Trong văn mạch của tôi, không ai hiểu là tôi “muốn lái sang vấn đề chính trị”. Xin ông hãy yên lòng.

d/ Còn như ông nói rằng ông “ không có đưa văn bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh vào quyển Tổng tập… ” mà “chính Ban biên tập bộ sách đã tự ý làm như vậy và cũng không cho tôi hay biết gì trước” thì tôi không tin. Bởi vì sau bài báo (Văn nghệ số 36, ngày 6/9/1997) của chúng tôi, chính GS. Đinh Gia Khánh đã cho biết khi nào in cùng lúc trọn bộ Tổng tập (42 tập), sẽ dùng văn bản của cụ Đào.

e/ Ông Nguyễn Quảng Tuân cho rằng tôi “đã tìm mọi cách để phá” ông “trong việc tái bản tập 12 nhưng không được” thì thật là oan, vì cái “được” của bài báo Văn nghệ số 36, ngày 6/9/1997 của tôi là đã rung một hồi chuông báo động Hội đồng biên tập Tổng tập . Nhờ đó, khi tái bản, Hội đồng đã bỏ đi các bài báo và nhiều trang vô nghĩa khác của ông. Kết quả là đã gạt ra 378 trang ở bản in cũ! (Nếu trừ 165 trang in độn bản Nôm Đoạn trường tân thanh, thì bản in năm 1996 là 735 trang. Năm 2000, bỏ đi 378 trang, chỉ còn 357 trang thôi). Bỏ hơn 50% ! Xin ông hãy tĩnh tâm suy ngẫm về các số liệu biết nói đó.

2. Về tờ chiếu của vua Gia Long

Trên Văn nghệ số 36, ngày 6/9/1997, tôi viết: “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói: “Có thể nói rằng, về những bản in khắc ván mà có nói đến Truyện Kiều, Kim Vân Kiều án là bản đầu tiên. Ông ấy dùng nhiều câu trong Kiều và nhất là trong ấy, ông ấy gọi Cụ Nguyễn Du là Hầu Đông các chứ không gọi là hầu Cần chánh, cái titre (chức) Cần chánh là vua Gia Long cho Cần chánh học sĩ để mà đi sứ. Lúc đi sứ người ta thường cho một cái titre cao hơn titre thường nhưng ra ngoài, người ta chỉ biết đến hầu Đông các”. Ông Nguyễn Quảng Tuân liền hấp tấp “phán” luôn: “Học giả Hoàng Xuân Hãn có sự nhận định sai về điều này vì khi Nguyễn Du được thăng Đông các học sĩ hoặc Cần chánh điện học sĩ ông vẫn chưa được phong tước hầu”.

Vì thế tôi phải viết: “Để chứng minh cái SAI của Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Quảng Tuân đưa ra cái “đúng” của ông là tờ chiếu của vua Gia Long. Khi phiên âm tờ chiếu này, ông dùng dấu “chấm chấm”, bỏ hoang đấy mấy chữ ghi năm, tháng viết tờ chiếu. Đã bỏ hoang bằng dấu “chấm chấm” (...) ở nguyên bản như thế, thì biết tờ chiếu này được viết vào năm, tháng nào trong đời Gia Long. Chỉ biết là ngày 19 thôi… Tôi không thể giải thích được vì sao ông không gửi tờ chiếu đó để in ngay vào bài viết trên Tạp chí Văn học mà lại gửi về Tạp chí Hán Nôm để Tạp chí này đăng khống cái ảnh chụp tờ chiếu đó vào bìa 4 của số 2-1997, như một sự quảng cáo, ghi công sưu tầm của ông trong chú thích ảnh: “Tờ chiếu của vua Gia Long phong cho Nguyễn Du tước Du Đức hầu do Nguyễn Quảng Tuân sưu tầm ”. Thảo nào… Làm khoa học mà đến nông nỗi này (...) coi thường người đọc”. Và, sau khi chứng minh “về danh nghĩa, ngay từ năm 1813, Nguyễn Du chẳng những được thăng chức Cần chánh mà còn được phong cả tước Hầu nữa”, chúng tôi viết tiếp: “Vậy thì “đúng như học giả Hoàng Xuân Hãn nói, cái “titre” này chỉ là hư danh để đối ngoại thôi. Bởi vì: “Cần chánh điện học sĩ là hàm phong cho các chánh sứ đi Trung Quốc thời Gia Long. Trong thực tế không có phẩm hàm này. Thời Minh Mệnh mới có Cần chánh điện Đại học sĩ, là quan đầu triều - chánh nhất phẩm. Nguyễn Du làm Cai bạ Quảng Bình chỉ chánh tam phẩm, Hồ Công Thuận, Nguyễn Xuân Tình làm Ký lục cũng chánh tam phẩm, khi phong làm chánh sứ mới ban hư hàm Cần chánh điện học sĩ”(4).

“Bây giờ tôi lại càng lấy làm sửng sốt về cái tư duy lộn xộn đến nhường này: Cụ Hoàng Xuân Hãn đang bàn đến cái chức Cần chánh, sao ông lại mang chức Hữu tham tri bộ lễ ra “cãi” Cụ? Người ta bàn là bàn cái chức Cần chánh và cái tước Hầu được ban năm nào, thực ban hay hư hàm chứ có ai bàn đến chức Hữu tham tri Bộ Lễ đâu mà ông lại phải mang tờ chiếu nhoè nhoẹt ấy ra cho người đọc mất công soi tìm, mà lại sinh ngờ ?”.

Văn mạch chúng tôi viết là như thế. Vậy mà để biện minh, ông Nguyễn Quảng Tuân đã phạm những sai lầm như sau:

1. Thay đổi chữ nghĩa

a/ Trong bài viết, chúng tôi băn khoăn về việc Tạp chí Hán Nôm đăng khống cho ông cái ảnh chụp tờ chiếu vào bìa 4 của Tạp chí với chú thích ảnh quy công: Tờ chiếu của vua Gia Long phong cho Nguyễn Du tước Du Đức hầu do Nguyễn Quảng Tuân sưu tầm. Nay, ông Nguyễn Quảng Tuân thanh minh rằng “lời chú ở tấm hình cũng do Ban biên tập ghi, tôi đâu có ghi là do mình tự chụp”, thì ông Nguyễn Quảng Tuân đã thay chữ “sưu tầm” bằng chữ “tự chụp”.

b/ Khi ông Nguyễn Quảng Tuân viết: “Trong bài viết đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 3/1997, chúng tôi đã nói rõ là của ông Nam Ký sưu tầm và in trong bộ Văn đàn bảo giám”… “Vì tấm hình của ông Nam Ký chụp quá nhỏ, không đọc được mấy chữ ghi “năm tháng” nên tôi đã phải căn cứ vào gia phả họ Nguyễn Tiên Điền để suy đoán Gia Long thập tứ niên ngũ nguyệt thập cửu nhật... Ông Đào Thái Tôn đã cố tình không để ý gì đến các điều tôi đã viết mà đã vội bình chú rằng:…”, thì hai chữ “bình chú” là xuyên tạc; vì tôi viết ở phần chính văn chứ không phải phần bình chú! Việc dẫn Tạp chí Hán Nôm số 3/1977 là sự nực cười. Bởi đã là từ dùng để chỉ việc xảy ra trong quá khứ. Bài của Nguyễn Quảng Tuân in trên Tạp chí Văn học số 6 năm 1997. Ngày 20/7/1997 chúng tôi viết bài báo trên. Sớm ra, cũng phải cuối tháng 9/1997 Tạp chí Hán Nôm mới có bài của Nguyễn Quảng Tuân (Tạp chí ra ba tháng một số). Thế thì ngày 20/ 7, làm sao tôi biết được ông “đã” viết bài tháng 9/1997?

2. Tiền hậu bất nhất:

a/ Nực cười hơn là, ông viết trên Tạp chí Hán Nôm số 3/1997, cuối trang 80 thế này cơ mà: “Bức ảnh chụp tờ chiếu của vua Gia Long, khổ 5,5 x 6cm (…). Sau khi photocopy và cho phóng to ra, chúng tôi đã đọc được toàn bản văn và đã dịch sang quốc ngữ” (?). Thế là “gậy ông đập lưng ông”! Xin xem mục 2.1. b/ trên đây!

- Ba năm sau, trong Nguyễn Du và Truyện Kiều (Nxb. KHXH, H. 2000), ông vẫn viết: “Sau khi chụp lại và cho phóng to ra, chúng tôi đã đọc được toàn bản văn và đã dịch sang quốc ngữ” (!).

b/ Vài tháng sau, ông lại viết trên Kiến thức ngày nay số 363 (10/9/2000): “bức ảnh chụp quá nhỏ, nên đã không đọc được, dù đã cho phóng to ra”(!).

Thật chẳng hiểu vì đâu nên nỗi tờ chiếu kia cứ “khi tỏ khi mờ” qua sự miêu tả của ông Nguyễn Quảng Tuân !

Nhưng sự bất nhất suốt 6 năm nay và ngay trong bài viết này của ông Nguyễn Quảng Tuân, khiến tôi ngờ rằng, từ lâu ông đã có bản chụp rất rõ ràng của cụ Lê Thước (vì Le vieux An Tịnh trong Bulletin des Amis du Huế năm 1936, không phải là tài liệu quý hiếm đến mức phải sang tận Pháp và Mỹ mới mò ra), và cũng có thể từ lâu ông đã có bản dịch của ai đó để “đối chiếu”. Nhưng khi muốn khoe rằng ông phải căn cứ vào gia phả để suy đoán ngày tháng trong tờ chiếu, thì ông bảo rằng không đọc được, dù đã cho phóng to ra; còn khi muốn ghi công “dịch sang quốc ngữ” thì ông nhấn mạnh rằng đã đọc được toàn bản văn.

Công việc nghiên cứu là công việc đi tìm sự thật. Đã “đi tìm” thì bất kỳ ai cũng có thể phạm phải sai lầm. Đó là chuyện bình thường. Điều quan trọng là ở chỗ, người làm nghề nghiên cứu trước hết phải trung thực. Trung thực trong đóng góp. Trung thực ngay cả trong những sai lầm.

Chúng tôi rất tiếc thời gian khi phải viết những bài như thế này. Nhưng đây là sự bần cùng. Thôi thì một công đôi việc, nếu có dịp in lại cuốn sách, tôi sẽ mang bài viết này đặt thành lời BÌNH CHÚ thứ 83 dưới các bài viết của ông Nguyễn Quảng Tuân vậy.

Xin cảm ơn Tạp chí Hán Nôm đã cho in song song hai bài trên cùng số báo để tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của độc giả.

Đ.T.T

CHÚ THÍCH:

(1) Nxb. Hội Nhà văn, H, 2001. Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh in lần thứ hai, 2003.

(2) Bài viết của Nguyễn Quảng Tuân đề cập đến điều mà chúng tôi đặt xuống chú thích ghi rõ là viết thêm về cuốn Tổng tập nhân khi in bài Nhân một bài nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều (Văn nghệ số 36, ngày 6/9/1997) vào sách – tr.311, chứ không phải lời bình chú). Về tờ chiếu của Gia Long, chúng tôi viết ở phần chính văn bài báo này chứ cũng không phải lời bình chú !

(3) Viết thêm: Sau bài báo này, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tổng tập Văn học Việt Nam đã cho PGS. Bùi Duy Tân và tôi biết rằng: khi tái bản (in cùng lúc, trọn bộ) Tổng tập, sẽ loại bỏ văn bản của Nguyễn Quảng Tuân, thay bằng văn bản của Đào Duy Anh. Tại bộ Tổng tập tái bản năm 2000, Truyện Kiều được xếp vào tập 13 cùng một số tác giả khác chứ không để thành biệt (tập 12) như năm 1996 nữa. Nhưng vì vẫn để Nguyễn Quảng Tuân “chủ biên”, nên ông vẫn tìm cách đưa văn bản đã bị thải loại vào, với lời giới thiệu rất lúng túng:

“Từ trước đến nay có nhiều nhà nghiên cứu giới thiệu các văn bản Truyện Kiều, trong số đó có nhiều văn bản có giá trị. Ở đây chỉ xin giới thiệu văn bản của Đào Duy Anh (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1979 và 1984) là văn bản khảo đính gần đây nhất (? ĐTT) và thuộc loại rất có giá trị khoa học . Tiếp theo đó, xin giới thiệu văn bản mà Nguyễn Quảng Tuân vừa mới khảo đính (? ĐTT) (phần chú thích giới thiệu kèm văn bản này từ trang 852 đến trang 1034)”.

Tại sao đã chỉ mà còn “tiếp theo đó”? Nguyễn Quảng Tuân giới thiệu văn bản Truyện Kiều do ông biên soạn chiếm từ trang 852 đến trang 1034 mà không nói văn bản của Đào Duy Anh nằm từ trang nào đến trang nào ? ấy là vì, sau khi xé bỏ tất cả những phần tâm huyết của Đào Duy Anh (Giới thiệu, Chú giải) chỉ để lại mấy chục trang phiên âm Văn bản để “làm phép” với Hội đồng, Nguyễn Quảng Tuân đã đưa văn bản và mấy bài báo của ông vào Tổng tập. Nhưng theo quy định thì, mỗi tập trong Tổng tập, ngoài bài Khải luận do chủ biên viết, các tác gia, tác phẩm trong tập (dù lớn), cũng chỉ cần một bài giới thiệu gọn, đủ. Không in kèm các bài báo của cá nhân. Đã tước bỏ hết các phần tâm huyết của Đào Duy Anh như thế thì bạn đọc làm sao biết được đó là văn bản thuộc loại rất có giá trị khoa học ? Tại sao lại chụp 165 trang chữ Nôm bản Đoạn trường tân thanh để in độn vào Tổng tập này ? Tổng tập có giới thiệu văn bản Kiều Oánh Mậu đâu ? Việc làm của Nguyễn Quảng Tuân chẳng những đã xúc phạm tới người đã khuất là học giả Đào Duy Anh - người có công nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều mà vừa qua đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Huân chương [trong lần tái bản 2003, chúng tôi đã sửa “huân chương” thành “giải thưởng”. ĐTT] Hồ Chí Minh cao quý mà còn làm hỏng phần Truyện Kiều trong bộ Tổng tập Văn học Việt Nam.

Chúng tôi đề nghị Hội đồng biên tập thu hồi tập 13, cho làm lại. Không nên để nó nằm chung trong bộ sách chất lượng cao mà các nhà nghiên cứu vừa hoàn thành sau gần ba chục năm làm việc, lần đầu tiên được in trọn bộ.

(4) Đỗ Bang, Nguyễn Minh Tường: Chân dung các vua Nguyễn, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.106./.

TB

PHÚC VƯƠNG TRANH VÀ TẤM BIA Ở HẠNH HOA KHÊ

VŨ DUY MỀN

Các tài liệu lịch sử hiện còn cho biết, Phúc Vương Tranh là con của vua Lê Thánh Tông và bà Tài nhân họ Nguyễn. Tài nhân là con gái của ông Nguyễn Đình Hy, người làng Thiên Mỗ(1) (nay thuộc làng Tây Mỗ, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Trong Đại Việt thông sử, nhà bác học Lê Quý Đôn có chép về bà Tài nhân họ Nguyễn: “Tài nhân họ Nguyễn, người làng Thiên Mỗ huyện Từ Liêm. Ông tổ 5 đời là Nguyễn Văn Bình làm quan ở Viện Xu mật. Tổ bốn đời là Thần, làm quan Nhập nội hành khiển kiêm Tri thẩm hình viện sứ. Ông nội tên là Văn Hiến, làm chức Chủ bạ, đều là quan có tiếng thời Trần. Cha là Đình Hy làm quan triều ta, giữ chức Thái Trung đại phu Thượng thư tự khanh, Hộ bộ Tả thị lang. Mẹ họ Chu, bà được tuyển vào cung vua Thánh Tông. Ngày Nhâm Thìn tháng 3 năm Quang Thuận thứ 8 (1467), bà sinh ra Phúc Vương Tranh. Bà mất ngày Giáp Tý, tháng 7 năm Kỷ Hợi niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479), thọ 35 tuổi, đem về mai táng ở phía bắc khe Tùng thuộc quê nhà”(2).

Như vậy những ghi chép trên của Lê Quý Đôn cho biết khá chắc chắn từ tổ 5 đời, đến phụ thân của Tài nhân họ Nguyễn đều làm quan có danh vọng ở đời Trần và đời Lê. Các cụ quán tại làng Thiên Mỗ (Tây Mỗ) huyện Từ Liêm. Cũng đồng thời cho biết được cụ bà họ Chu vợ Nguyễn Đình Hy đã sinh ra Tài nhân. Tài nhân được tuyển vào cung của Lê Thánh Tông đã sinh ra Phúc Vương Tranh. Phúc Vương Tranh là người tốt đức, tiếc thay phúc phận của Tài nhân và Phúc Vương Tranh quá ngắn. Sau khi Tài nhân và Phúc Vương Tranh qua đời đều được an táng tại cánh đồng Hạnh Hoa, bên khe Tùng ở (Tây Mỗ).

Bên trên mộ của Phúc Vương Tranh được dựng một tấm bia lớn Hạnh Hoa khê(3). Dân làng gọi là Mả Bia. Do đứng dưới trời mưa nắng nhiều năm nên bia đã mờ hết chữ, nay không đọc được. May thay bài văn bia đã được ghi lại trong gia phả họ Nguyễn Đình, (một dòng họ từng có tiếng ở làng Tây Mỗ) để truyền đời cho con cháu.

Bản gia phả họ Nguyễn Đình làng Tây Mỗ viết bằng chữ Hán ngày nay đã mất, chỉ còn lại bản dịch chữ quốc ngữ do Nguyễn Đình Duật cháu 17 đời phụng dịch.

Trong phần mở đầu gia phả được viết:

Bản dịch này theo chữ Nho, phả cũ, đúng theo sự thực. Không dùng văn chương bóng bẩy. Còn hay hơn nữa xin nhường những nhân tài hậu thế.

Dịch ngày 27 tháng 11 năm Canh Thìn (1940).

Viết lại ngày 12 tháng 12 năm Đinh Dậu (tức ngày 1 tháng 1 năm 1958).

Ghi chú: bài văn bia sau đây có tên ông thủy tổ ở đấy, vì đời vua Tây Sơn đốt cháy cả gia phả, nhờ có bia đá mới biết tên ông thủy tổ họ ta là hiển hách nên chép ra đây(4).

Dưới đây là nguyên văn bản dịch bài văn bia trên lăng đức ông Phúc Vương Tranh ở xứ Hạnh Hoa Khê (Mả Bia):

Mảng tượng

Nhà Chu to bề tộc tính, lân chỉ có thơ; nhà Hán nhiều các phiên vương, khuyển nha mạnh thế.

Cũng ví như gốc rễ sâu thì lá hoa nẩy tốt; nguồn suối xa thì dòng nước mới chảy dài. Có trước thì mới có sau.

Cung duy hoàng triều

Phúc Khánh hợp nhà Chu, quy mô đè nhà Hán.

Họ thêm lớn ra, trời càng tựa lắm.

Vua Thánh Thượng Hoàng đế.

Hết đạo hiếu để thừa nghiệp lớn; rộng lòng nhân để phúc đông tôn.

Phụng xét:

Vua Phúc Vương tên húy là Tranh, con thứ sáu vua Thánh Tôn Thuần Hoàng đế, em ruột vua Thánh Thượng Hoàng đế, thân mẫu là bậc Tài nhân, con gái ông Nguyễn Đình Hy làm thái Trung đại phu quyền Hộ bộ Hữu thị lang. Vua ở đời Quang Thuận năm thứ 8 là năm Đinh Hợi (1467) giờ Thìn ngày 27 tháng 3 ứng kỳ sinh ra. Sáng chia cành ngọc, phái dẫn sông Ngân, kể dòng dõi thật là tôn quý.

Đời Hồng Đức năm thứ 2 là năm Tân Mão (1471), ngày 7 tháng 10 là ngày Tân Hợi, vua Thánh Thượng đặc sai quan Tuyên lực công thần Tiến phụ Đại tướng quân, Đại tư mã Đông quân đốc phủ Hữu đô đốc tước Thượng trụ quốc là ông Lê Huy Cát đeo chữ vàng ấn báu phong ngài làm Phúc Vương. Miện khuê đội sủng thang mộc gội ơn, rất là hiển vinh.

Vua làm phủ cho ngài ở phường Đông Tác, huyện Vĩnh Xương kinh thành (Hà Nội).

Năm thứ 17 là năm Bính Ngọ (1486), tháng chạp ngày 10 là ngày Kỷ Tỵ ngài lấy con gái quan Lễ bộ Thượng thư Trịnh Văn Lượng là bà Thục Tuân làm chính phi, mới được 9 năm bà chính phi tạ thế.

Năm thứ 26 là năm ất Mão (1495), tháng chạp ngày 27 là ngày Đinh Tỵ ngài lấy con gái quan Chiêu Liệt đại phu tước Mậu Ân hầu là Lưu Cảnh Đạt là bà Châu Cáp làm kế phi, nối dây cầm sắt, vui chốn môn lan, đã báo điềm con hùng bi lại ứng mộng con xà hủy, sinh con trai còn bé, con gái có 3, con gái lớn Thị Dự đến kỳ cài trâm, con gái thứ Thị Dượng lên sáu tuổi, con gái bé mới cười bò.

Cây trúc xanh, cây du biếc, sáng lạn đầy sân; quả ấn bạc, dây tơ vàng vinh hoa có lúc. Sắp sửa được tăng quan đời trước, chấn khởi đời sau.

Ngờ đâu thiện không được phúc, vạ lại trái thường. Tưởng những phì gia chợt lo phục trẩm. Đời Cảnh Thống năm thứ 3 là năm Canh Thân (1500), ngày 12 tháng 6 là ngày Giáp Ngọ, Đức vua phải cảm.

Ngày 21 tháng 6 là ngày Quý Mão vua Thánh Thượng đặc sai quan Cung môn, Thừa chế phụng ngự là Phạm Thế Tứ và quan Biện nghiệm tòa Thái y viện là Nguyễn Sỹ vào thăm bệnh.

Ngày Nhâm Thân vua lại sai Nguyễn Duy Hàn (hiệu thuốc Tế sinh đường) đến chữa thuốc.

Ngày 4 tháng 8 là ngày Bính Tuất bệnh càng nặng thêm, vua lại sai Cung trung Thừa chế phụng ngự Lê Duy Biểu và quan Thái y viện đại sứ Lý Thủ Nhượng đến chữa. Vận mệnh không thể chuộc được. Khi sắp chết chẳng lầm lẫn câu gì, ngồi dậy đòi các quan trong phủ đến dặn việc ma chay: hà tiện, chớ theo đạo Phật, cứ theo lễ cổ.

Giờ Mùi ngày 6 tháng 8 là ngày Mậu Tý ngài mất ở chính tẩm, xuân xanh 34 tuổi.

Tiếc thay tuổi xuân xanh, giọt sương ngọn cỏ, cành ngọc gió lay, vườn lê tuyết rủ, chẳng tránh khỏi được những điều thương tiếc, như ở đất Duyệt Xuyên khi trước. Được tin, vua Thánh Thượng Hoàng đế thương tiếc vô cùng, bỏ triều đình thông 3 ngày. Sắc cho các tước vương, cùng các công chúa phải để chở có từng bậc.

Ngày 8 tháng 8 là ngày Canh Dần, vua sai quan Hữu điểm tướng quân tác Giám thừa Đào Thế Cảnh trông coi đóng quan tài, lại cho 282 quan để chi tiêu tang sự.

Ngày 2 tháng 9 là ngày Kỷ Mùi thuyên chuyển quan tài, vua lại sai quan Trụ quốc Thượng tướng quân Lê Đạt làm chủ việc tế lễ.

Việc ma chay đủ cả trình, văn.

Ngày 10 tháng 9 phát dẫn, đến ngày 22 tháng 9 táng ở xứ Đông Lạch Hạnh Hoa Khê (Mả Bia) ở làng Tây Mỗ (Hà Đông) theo về quê mẹ.

Ngài tên thụy là Khang lúc sống nhàn nhã, ít nói, ít cười, theo lễ giáo; ham học, có tài thơ, phú lại dịch sách tài, từ bé đã theo hầu về chốn Lam Kinh lễ yết và phụng sửa bài chế bài mạnh.

Vua Thánh Tông Thuần Hoàng đế thưởng cho các thứ xa hoa (vải Cao Ly...) lại thường gọi vào nội điện ăn yến và đưa thơ cho họa.

Vua Thánh Thượng Hoàng đế giáng tờ dụ khen ngợi, lại cho các hàng xa xỉ vải vóc tơ lụa... bảo đọc sách làm vui. Vua trọng đãi yêu thương gần bằng vua Đông Bình, vua Hà Đan khi xưa. Bỗng đâu mắc bệnh đã vội từ trần về nơi chín suối cũng khá tiếc đấy.

Đời vua thịnh trị,
Hóa khởi từ nhà.
Hát thơ lân chỉ,
Mạnh thế khuyển nha.
Bản đồ nước Việt
Hoàng triều mở mang.
Phúc nhà thịnh vượng
Ngôi nước vinh sang.
Vua Thánh Thượng Hoàng
Trọng bề nhân luân.
Sẵn lòng lấp ái
Hết đạo mục thân.
Yêu vua Phúc Vương
Liệt vào phiên để.
Tính vua ôn hòa
Nết vua hiếu đễ.
Chăm nghề học hành
Trọng quan sư phó.
Điều thiện vui làm
Tuổi trời đáng thọ.
Việc bỗng trái thường
Số nan liệu định.
Mới ngoài ba mươi
Chợt mang một bệnh.
Dễ đường sinh tử
Khó bề thuốc thang.
Vườn cô bóng thỏ
Cỏ tàn giọt sương.
Xót xa bài vãn
Lạnh lẽo dặm trường.
Mồ yên linh phách
Cảnh biệt huỳnh đường.
Thánh Hoàng thương tiếc
Ân nghĩa càng chu.
Chênh vênh bia đá
Trời đất nghìn thu(5).

Bản dịch bài văn bia trên không thấy ghi lạc khoản, nên không rõ năm tháng dựng bia. Song căn cứ vào nội dung bài văn bia cho biết khá chi tiết các sự kiện liên quan đến Phúc Vương Tranh: Ông là con cháu nhà ai, ngày giờ sinh - giờ Thìn ngày 27 tháng 3 năm 1467. Các con ông - một con trai và 3 con gái. Con gái lớn Thị Dự đến kỳ cài trâm, con gái thứ Thị Dượng lên 6 tuổi, con gái bé mới biết cười bò. Ngày mất - ngày Mậu Tý 6 tháng 8 năm 1500. Ngày Canh Dần 8 tháng 8 quan Giám thừa Đào Thế Cảnh trông coi việc đóng quan tài. Ngày Kỷ Mùi 2 tháng 9 Trụ quốc Thượng tướng quân Lê Đạt đến dụ tế (thay mặt nhà vua làm chủ tế). Ngày 10 tháng 9 phát dẫn. Ngày 22 tháng 9 đem táng ở xứ Đông Lạch, Hạnh Hoa Khê ở làng Tây Mỗ.

Trong văn bia ca ngợi tính hạnh của Phúc Vương là người theo lễ giáo Nho gia, ham học, hay thơ phú. Lời lẽ văn bia khiêm xưng: cung duy Hoàng triều, Thánh Thượng Hoàng đế thương tiếc vô cùng.

Từ những thông tin trên có thể đoán rằng: Bài văn bia được soạn vào khoảng thời Cảnh Thống (1498 - 1504), ngay sau khi Phúc Vương mất ít lâu. Văn bia cũng bổ sung thêm những ghi chép của Lê Quý Đôn về Nguyễn Đình Hy thân phụ của Tài nhân họ Nguyễn và Phúc Vương Tranh con của Tài nhân được ghi trong Đại Việt thông sử(6). Từ đó giúp chúng ta biết được một phần cuộc đời và chung cục của Phúc Vương, cùng những nghi lễ an táng long trọng mà triều đình nhà Lê giành cho ông. Từ đó chúng ta có thể suy đoán thêm về lễ giáo phong kiến thời Lê sơ đối với thân phận các Hoàng tử do các bà vợ thứ của Hoàng đế sinh ra.

Ngày nay ở xứ đồng Mả kề sát xóm Hạnh vẫn còn đền thờ Phúc Vương Tranh - Lê triều phúc vương từ; mà dân làng Tây Mỗ quen gọi là đền Am.

Ngoài cổng đền Am còn lưu giữ được hai câu đối chữ Hán:

Hạnh hạng bồi nguyên hoa mãn địa

Lê triều di tích trụ kình thiên.

Đền được xây dựng trong một khuôn viên nhiều cây cổ thụ soi bóng nước bên hồ, rất nên thơ. Kiến trúc của đền Am đơn giản, cửa bức bàn, mái đền lợp bằng ngói âm dương. Nhìn tổng quan dáng vẻ kiến trúc của đền cho thấy nhiều đường nét, phong cách Nguyễn muộn vào khoảng cuối thế kỷ XIX.

Trong đền hiện còn lưu giữ hai đạo sắc phong:

Sắc Lê triều Phúc Vương dực bảo trung hưng lệnh phù tôn thần... không rõ niên đại vì tờ sắc đã rách nhiều chỗ, không còn nhận ra Quốc ấn và dòng lạc khoản.

Sắc Hà Đông tỉnh, Hoài Đức phủ, Tây Mỗ xã phụng sự Lê Phúc Vương Tranh... ghi ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

Phía tường bên trái trong đền là Tập thiện hội bi. Trán bia chạm lưỡng long chầu nguyệt. Bia cao 0,90m, rộng 0,50m. khắc chữ Hán. Nội dung bia ghi các ngày lễ; lễ phẩm (trị giá tiền) của các thí chủ - hội viên Hội thiện đóng góp vào đền Am để cúng Phúc Vương Tranh. Bia được lập ngày mồng 3 tháng 9 Thành Thái thứ 11 (1899).

Sát tường phía bên phải trong đền dựng Tập thiện hội bi. Trán bia chạm lưỡng long chầu nguyệt; hai bên diềm bia để trơn. Bia cao 0,90m, rộng 0,55m, khắc chữ Hán chân phương. Nội dung bia ghi việc trùng tu đền Am và ghi tên các thành viên Hội thiện cúng tiền, ruộng vào đền Am. Bia lập ngày 21 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 3 (1928).

Hàng năm lễ hội đền Am được tiến hành trọng thể trong hai ngày mồng 6 mồng 7 tháng 8 âm lịch. Ngày này nhân dân Tây Mỗ làm lễ tế Phúc Vương Tranh; tưởng nhớ đến người con của đức vua Lê Thánh Tông, mà cũng là con cháu của dân làng Tây Mỗ. Sinh thời Phúc Vương là người đức hạnh, ham học hỏi, xứng đáng để con cháu ngày nay học tập phát huy.

Về nhân vật lịch sử Phúc Vương Tranh cùng giá trị của khu di tích đền Am đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, ngày 29 tháng 4 năm 1992. Đấy chính là sự khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa hiện hữu của làng Tây Mỗ. Giá trị đó cần phải được mọi người giữ gìn trân trọng và phát huy trong công cuộc xây dựng làng quê đổi mới.

Như vậy những tư liệu trên góp phần vào việc tìm hiểu nhân vật lịch sử Phúc Vương Tranh người con thứ 6 của vua Lê Thánh Tông và Tài nhân họ Nguyễn. Mẹ của Phúc Vương là người con gái danh giá của dòng họ Nguyễn Đình làng Tây Mỗ. Chính điều đó tạo nên niềm tự hào và làm phong phú thêm lịch sử làng xã Tây Mỗ.

V.D.M

CHÚ THÍCH:

(1) Làng Thiên Mỗ thời Lê gồm cả Tây Mỗ và Đại Mỗ hiện nay.

(2) Đại Việt thông sử. Nxb. KHXH, H. 1978, tr.131-132.

(3) Tên bia do chúng tôi đặt.

(4) Gia phả họ Nguyễn Đình. tr.9.

(5) Gia phả họ Nguyễn Đình. Sđd. tr.11-15.

(6) Xem thêm Đại Việt thông sử. Sđd. tr. 149-150.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Gia phả họ Nguyễn Đình làng Tây Mỗ. (Bản dịch, đánh máy). Lưu tại nhà ông Nguyễn Đình Dược 70 tuổi, xóm Hạnh, làng Tây Mỗ.

2. Lê Quý Đôn toàn tập. Tập III, Đại Việt thông sử, Nxb. KHXH, H. 1978.

3. Sắc phong Phúc Vương (Hán văn).

4. Tập thiện hội bi (Hán văn).

5. Tư liệu điền dã ở làng Tây Mỗ 2001-2002.

TB

MỤC LỤC BÀI VIẾT VÀ CÁC TÁC GIẢ BÀI VIẾT ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ HÁN NÔM NĂM 2003

STT Tên bài Tác giả Số/năm
1 Ấn chương trong nghệ thuật thư họa Trung Quốc Lê Tiến Đạt 1/03
2 Bài ký tự của Hữu đề điểm Đoàn Đình Kim Nguyễn Tá Nhí 5/03
3 Bài thơ của vua Lê Hiến Tông (1461-1504) đề núi Chiếu Bạch. Hồng Phi - Hương Nao 3/03
4 Bản dịch Pháp văn Lĩnh Nam chích quái 115 năm trước Nguyễn Nam 2/03
5 Bế giảng lớp Văn tự Tày - Nùng khóa 2000 - 2002 Phạm Văn Thắm 1/03
6 Bia và bia cung đình thời Nguyễn tại Huế - một di sản quý cần được chú ý bảo tồn Phan Thanh Hải 6/03
7 Biểu hay tấu ? Nguyễn Văn Nguyên 3/03
8 Bước đầu tìm hiểu loại hình văn khắc chữ Hán của Nhật Bản Phạm Thị Thùy Vinh 5/03
9 Câu đối chơi chữ theo cách tách ghép, chuyển hóa chữ Hán Triều Nguyên 2/03
10 Câu đối đền Ngọc Sơn - vài vấn đề địa chí và dịch thuật Vũ Thế Khôi 6/03
11 Côn Sơn - miền ẩn cư của Nguyễn Trãi Trần Thị Băng Thanh 2/03
12 Cụ cử Phạm Xuân Hòa và những vần thơ để lại Phạm Kỳ Nam 1/03
13 Cúc thu bách vịnh - tập thơ xướng họa giữa Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm Nguyễn Ngọc Nhuận 3/03
14 Chữ “Hiểu” trong nhan đề bài thơ Tiêu tự hiểu chung của Mạc Thiên Tích và đôi điều ngộ nhận Nguyễn Quảng Tuân 5/03
15 Chữ Nho với nền văn hóa Việt Nam Nguyễn Cảnh Toàn 4/03
16 Danh nhân Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) Trịnh Khắc Mạnh 3/03
17 Đại hội Chi hội nhà báo Tạp chí Hán Nôm PV 3/03
18 Đặc trưng văn bản bia Lí - Trần và vấn đề niên đại của bia A Nậu tự tam bảo điền bi Đinh Khắc Thuân 4/03
19 Đôi điều về Ức Trai thi tập trong Nguyễn Trãi toàn tập của Hoàng Khôi Lê Toan 5/03
20 Đôi lời thưa lại ông Nguyễn Quảng Tuân Đào Thái Tôn 6/03
21 Gia phả và tư liệu gia phả ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Trần Thị Kim Anh 1/03
22 Gia phả với Dân tộc học và Bảo tàng Dân tộc học Nguyễn Anh Ngọc 1/03
23 Giới thiệu Tạ Quốc Bửu - một nhà thơ đất Giá Rai, Bạc Liêu Trần Phước Thuận 5/03
24 Hán văn Lý - Trần và Hán văn thời Nguyễn trong cái nhìn vận động của cấu trúc văn hóa Việt Nam thời Trung đại Phạm Văn Khoái - Tạ Doãn Quyết 1/03
25 Hòa tự của Nhật Bản - đôi điều so sánh với chữ Nôm Việt Nam Lã Minh Hằng 4/03
26 Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Hán Nôm đầu năm 2003 Trịnh Khắc Mạnh 1/03
27 Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2002 PV 1/03
28 Hộp thư bạn đọc PV 3/03
29 Khai giảng lớp chữ Nôm cơ bản PV 5/03
30 Khảo thuật về cổ tịch có liên quan đến Việt Nam thuộc các triều đại ở Trung Quốc Hà Thiên Niên 5/03
31 Lập học chiếu và chính sách giáo dục triều Tây Sơn Đinh Khắc Thuân 3/03
32 Mấy nét về tập thơ Ngọc đường xuân khiếu của Ngô Thì Nhậm. Lê Việt Nga 3/03
33 Một bài Sli mửng pi mấư (Thơ mừng năm mới) của người Tày - Nùng trong kho sách Hán Nôm Hoàng Phương Mai 2/03
34 Một trường hợp “lộng giả thành chân” trong nghiên cứu sử Trương Minh Đạt 4/03
35 Mục lục bài viết và các tác giả bài viết đăng trên Tạp chí Hán Nôm năm 2003 Đào Phương Chi 6/03
36 Ngô Thì Nhậm, một tấm lòng Thiền chưa viên thành Trần Thị Băng Thanh 3/03
37 Ngô Thì Nhậm với đời thường Lâm Giang 3/03
38 Nghĩa của hai chữ “trùng san” trong bản Truyện Kiều do Duy Minh Thị khắc in năm 1872 Đào Thái Tôn 3/03
39 Nghiên cứu và khai thác giá trị của gia phả, kinh nghiệm phả điệp học Trung Quốc Phan Văn Các 1/03
40 Nhân đọc bản dịch cuốn Đường thi tam bách thủ Thế Anh 1/03
41 Những vấn đề bức xúc trong nghiên cứu các loại phả Hán Nôm Trần Lê Sáng 1/03
42 Phân tích một số đặc điểm ngữ pháp của Thiền uyển tập anh Phạm Văn Khoái 4/03
43 Phúc Vương Tranh và tấm bia ở Hạnh Hoa Vũ Duy Mền 6/03
44 Suy nghĩ thêm về quá trình truyền bản tác phẩm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi Hoàng Thị Ngọ 2/03
45 Tác giả Nguyễn Huy Quýnh và mười bài thơ họa thập cảnh Quan Lan sào Lại Văn Hùng 4/03
46 Tấm bia đời Lý tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa Phạm Văn Thắm 5/03
47 Tên tự, tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam - một công trình khoa học nghiêm túc và giá trị Nguyễn Đăng Na 3/03
48 Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo và bài Thệ sư giới quân sĩ từ Nguyễn Thị Trang 5/03
49 Tìm hiểu lịch sử võ cử ở nước ta Nguyễn Thúy Nga 2/03
50 Tìm hiểu văn bản và giá trị của Bắc thành địa dư chí lục Vũ Thị Lan Anh 6/03
51 Từ phú Trung Quốc đến phú Việt Nam Nguyễn Đình Phức 4/03
52 Thêm một tấm bia đời Trần ở Thanh Hóa Nguyễn Đức Toàn 2/03
53 Thêm một văn bản phóng tác Truyện Tỳ bà vừa phát hiện Nguyễn Xuân Diện 4/03
54 Thiên văn học cổ đại Trung Quốc với việc xây dựng hoàng thành, hoàng cung Hoàng Giáp 1/03
55 Thời điểm sáng tác Truyện Kiều và chữ húy trong bản in của Duy Minh Thị (1872) Đào Thái Tôn 2/03
56 Thử bàn về đạo “hiếu” của Nho gia Lê Văn Quán 2/03
57 Thử tìm hiểu hiện tượng nhầm lẫn do đồng âm trong Lĩnh Nam chích quái và một số tác phẩm Hán văn thời Lí - Trần Nguyễn Thị Oanh 2/03
58 Trao đổi với ông Đào Thái Tôn: Bình chú đâu phải là vu cáo Nguyễn Quảng Tuân 6/03
59 Triển lãm Đồ đồng phục chế của Trung Quốc tại Nhà Thái học Văn miếu - Quốc tử giám, Hà Nội P.V 5/03
60 Triển lãm và Hội thảo về giấy sắc phong Long Đằng Việt Nam PV 3/03
61 Trịnh Cương với khúc ca ghi việc đi tuần tỉnh Lã Minh Hằng 2/03
62 Vài nét về tổ chức chính quyền, quân đội và tên chức quan thời Tây Sơn Nguyễn Công Việt 4/03
63 Văn bản Dương sự thuỷ mạt và quan hệ của nó với Đại Nam thực lục Vu Hướng Đông 6/03
64 Văn bản Hào mân ai lục của Ngô Thì Nhậm Phạm Thị Thoa 3/03
65 Vấn đề đọc tên tác giả Truyền kỳ mạn lục Nguyễn Quang Hồng 1/03
66 Về cuốn Văn hóa khoa bảng làng Đông Ngạc Đông Hà 1/03
67 Về hai câu thơ của Nguyễn Trãi trong bài Dục Thúy sơn Nguyễn Hùng Vĩ 5/03
68 Về hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Dự án Tổng thể và triển khai kế hoạch sưu tầm di sản Hán Nôm ở Trung - Nam bộ PV 3/03
69 Về mấy bài tuyên ngôn độc lập Trần Bá Chí 4/03
70 Về một sự kiện được ghi trong Việt sử cương mục tiết yếu Nguyễn Công Việt 6/03
71 Về những chữ Nôm ghi các từ Việt cổ đã thay đổi ý nghĩa trong Thiên Nam ngữ lục Nguyễn Thị Lâm 5/03
72 Về sự hiện diện của các mã chữ “trong” ở một số văn bản Nôm Trương Đức Quả 6/03
73 Về tình hình biên soạn hội điển triều Lê Trần Thị Kim Anh 5/03
74 Việc sử dụng chữ Nôm trong loại hình phả ký Hoàng Thị Ngọ 1/03
75 Vô cùng thương nhớ Giáo sư Đinh Gia Khánh PV 3/03
76 Vô cùng thương nhớ Giáo sư Bùi Văn Nguyên PV 3/03

TB

DANH MỤC TÁC GIẢ CÁC BÀI VIẾT NĂM 2003

STT Tác giả
1 Trần Thị Kim Anh 21, 73
2 Vũ Thị Lan Anh 50
3 Thế Anh 40
4 Phan Văn Các 39
5 Đào Phương Chi 35
6 Trần Bá Chí 69
7 Nguyễn Xuân Diện 53
8 Trương Minh Đạt 34
9 Lê Tiến Đạt 1
10 Vu Hướng Đông 63
11 Hoàng Giáp 54
12 Lâm Giang 37
13 Đông Hà 66
14 Phan Thanh Hải 6
15 Lã Minh Hằng 25, 61
16 Nguyễn Quang Hồng 65
17 Lại Văn Hùng 45
18 Phạm Văn Khoái 24, 42
19 Vũ Thế Khôi 10
20 Nguyễn Thị Lâm 71
21 Hoàng Phương Mai 33
22 Trịnh Khắc Mạnh 16, 26
23 Vũ Duy Mền 43
24 Nguyễn Đăng Na 47
25 Phạm Kỳ Nam 12
26 Nguyễn Nam 4
27 Hương Nao 3
28 Hà Thiên Niên 30
29 Nguyễn Thúy Nga 49
30 Lê Việt Nga 32
31 Hoàng Thị Ngọ 44, 74
32 Nguyễn Anh Ngọc 22
33 Triều Nguyên 9
34 Nguyễn Văn Nguyên 7
35 Nguyễn Tá Nhí 2
36 Nguyễn Ngọc Nhuận 13
37 Nguyễn Thị Oanh 57
38 Hồng Phi 3
39 Nguyễn Đình Phức 51
40 Trương Đức Quả 72
41 Lê Văn Quán 56
42 Tạ Doãn Quyết 24
43 Trần Lê Sáng 41
44 Lê Toan 19
45 Nguyễn Cảnh Toàn 15
46 Nguyễn Đức Toàn 52
47 Đào Thái Tôn 20, 38, 55
48 Nguyễn Quảng Tuân 14, 58
49 Trần Thị Băng Thanh 11, 36
50 Phạm Văn Thắm 5, 46
51 Phạm Thị Thoa 64
52 Đinh Khắc Thuân 18, 31
53 Trần Phước Thuận 23
54 Nguyễn Thị Trang 48
55 Nguyễn Hùng Vĩ 67
56 Nguyễn Công Việt 62, 70
57 Phạm Thị Thùy Vinh 8
58 P.V 17, 27, 28, 29, 59, 60, 68, 75, 76

TB

ĐÍNH CHÍNH

Bài: “Thêm một văn bản phóng tác Truyện Tỳ bà” của tác giả Nguyễn Xuân Diện in trong Tạp chí Hán Nôm số 4 (59) - 2003

Vị trí In sai Sửa lại
Tr.81, cột, 2, dòng 13 Theo đó thì Phượng Du Lý là tên gọi khác của một người là Duy Minh Thị... Theo đó thì Phượng Du Lý là tên chữ của Xóm Dầu ở Chợ Lớn - Sài Gòn; còn Minh Chương tức là Minh Chương tiên sinh (cũng là Dương Đức thị, Duy Minh Đức thị), những tên gọi khác của một người là Duy Minh thị...