TB

DƯ ĐỊA CHÍ TRUYỀN BẢN VÀ THỂ LOẠI

TRẦN NGHĨA

Dư địa chí (từ đây trở xuống, viết tắt là DĐC), qua bản dịch của Phan Huy Tiếp và bản hiệu chú của Hà Văn Tấn, đến với đông đảo bạn đọc đã hơn một phần tư thế kỷ(1). Vậy mà nhiều vấn đền về tác phẩm quan trọng này cho tới nay vẫn chưa được đi sâu nghiên cứu, thí dụ DĐC đã thành sách làlưu truyềnnhư thế nào; DĐC thuộc thể loại gì vàothời thời Nguyễn Trãi vàcó thể xếp vào những bộ môn gì trong thời đại chúng ta; DĐC liên quan như thế nào đến một số ngành khoa học hiện đại?...

Với bài viết này, chúng tôi muốn trình bày một vài suy nghĩ của mình về hai vấn đề đầu, tức truyền bản và thể loại DĐC, nhằm góp phần đưa việc nghiên cứu DĐC lên một tầm cao xứng đáng.

I. Truyền bản Dư địa chí

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện tàng trữ 5 bản DĐC, trong đó có 1 bản in và 4 bản chép tay. Bản in mang kí hiệu VHv. 1772/3, là quyển thứ 6 của bộ Ức Trai di tập gồm 7 quyển, do Phúc Khê ấn hành năm Tự Đức thứ 21 (1868), các bản chép tay mang kí hiệu VHv. 1489; A. 2251; A. 2815 và A. 53. Cả 4 bản này đều có nguồn gốc chung từ bản in Phúc Khê 1868, chất lượng sao chép của tứng bản cố nhiên không đồng đều. Có thể nói bản in Phúc Khê hiện là bản khá nhất, khả dĩ làm chỗ dựa để nghiên cứu DĐC của Nguyễn Trãi.

Thế nhưng đến lượt nó, bản Phúc Khê lại chứa đựng nhiều điều khó hiểu, xét về mặt văn bản học.

Trước hết là vấn đề người biên soạn DĐC. ở bản chữ Hán ký hiệu VHv. 1772/3, tờ 1a, sách chép: “Năm Thiệu Bình thứ hai (1435), đức giáo nhà vua lan ra khắp bốn phương, các nước chư hầu đến triều cống. Quan Hành khiển Lê Trãi bèn làm sách đề bạt với vua rằng...”. Như vậy tác giả DĐC là Lê Trãi, tức Nguyễn Trãi. ở tờ 32a, bản Phúc Khê lại chép: “Bèn sai Nguyễn Thiên Túng làm tập chú, Nguyễn Thiên Tích làm cẩn án, Lý Tử Tấn làm thông luận”. Như vậy, người chú thích DĐC là Nguyễn Thiên Túng, người khảo cứu DĐC là Nguyễn Thiên Tích, và người bình luận DĐC là Lý Tử Tấn. Đó là những điều sách nói. Bây giờ chúng ta hãy xem cách trình bày bản in. Phần chính văn, tức lời của tác giả Nguyễn Trãi, được thể hiện bằng chữ lớn, các dòng đều đài lên một chữ; phần chú giải của Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn cũng được in bằng chữ lớn, nhưng các dòng đều thụt xuống một chữ, nhằm phân biệt với chính văn. Thế là từ chỗ sách nói đến cách trình bày bản in đều mang tính nhất quán.

Nhưng đi sâu vào văn bản, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong phần chính văn lại dùng những địa danh như Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc... là những đơn vị hành chính cấp tỉnh, mãi đến thời Lê Thánh Tông, tức sau khi Nguyễn Trãi mất ngót 30 năm mới xuất hiện. Hoặc những tên đất như Ninh Sơn, Tân Phúc, Thao Giang... lại vì kiêng húy Lê Trang Tông, Lê Kính Tông, Trịnh Giang... mà đổi thành Yên Sơn, Tiên Phúc, Lâm Thao...(2). Và cũng thật là lạ khi thấy trong phần chú giải của Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn lại có cả những câu như “Dân bộ là Bộ hộ, Chính thư là sách dùng vào việc nước thời bấy giờ” (tờ 4b). “Bộ hộ” là một trong 6 bộ đến thời Lê Nghi Dân (1459), tức sau khi DĐC ra đời gần 25 năm mới được thiết lập(3); và những chữ “thời bấy giờ” (đương thời) cũng cho thấy câu chú thích này là của người không sống cùng thời với các nhà chú giải DĐC. ở phần chú thích, tờ 32a, lại có câu “Thiên Túng, Thiên Tích hồi bấy giờ đang làm việc ở Viện Can gián, phần nhiều có lời nói thẳng. Tử Tấn thì từ chức Hành khiển đạo Bắc được điều về Kinh làm thừa chỉ, trông coi việc soạn thảo chiếu cáo, văn chương thâm sâu, thanh nhã, có những bài đáng ca ngợi”. Chẳng lẽ Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn lại tự khoe mình như vậy sao, đặc biệt là ở một văn bản soạn cho nhà vua đọc?

Từ ngạc nhiên, chúng ta dần dần đi đến chỗ lúng túng khi thấy DĐC hkông chỉ là công trình riêng của Nguyễn Trãi và những người sống cùng thời với ông như lời sách nói, mà còn có sự gia công, thêm thắt của các thể hệ sau, phần này được bản Phúc Khê in bằng chữ nhỏ hơn, một số trường hợp có ghi cả tên người bổ chú. Chẳng hạn tờ 2b, dưới chữ Phiên Ngung, có chú thích “nay thuộc Quảng Đông”; tờ 9a, dưới chữ Phúc Lộc, có chú thích thêm “thuộc Mê Linh thời cổ”; tờ 13b, dưới chữ Yên Bang có chú thích thêm “về sau, vì kiêng húy, đổi tên là Yên Quảng”... ở các tờ 10a, 13b, 14b, 16b, 17b, 24b, 27b đều có phụ lục. Thí dụ, phụ lục ở tờ 10a chép: “Thần núi Tản Viên - Trụ Quốc Đại Vương - là linh hiền hơn cả. Lý Nhân Tông sai thợ xây ngôi đền ngay trên ngọn thứ nhất của núi này, có lầu cao 20 tầng. Tĩnh Vương đi dẹp giặc miền Tây về, muốn lên thăm ngôi đền, bỗng nổi cơn mưa to gió lớn, tướng sĩ lạc đường, không thể nào trèo tới”. Trường hợp có ghi tên người bổ chú, như các tờ 4b, 9b có ghi “Nguyễn Thị nói”, Nguyễn Thị đây không thể là Nguyễn Thiên Túng hay Nguyễn Thiên Tích, vì được in bằng chữ nhỏ, và trong lời văn có nói tời Long Đức (1732 - 1735), một niên hiệu xuất hiện sau Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích rất lâu. ở tờ 4b còn ghi “Ngô Thị nói”, Ngô Thị ở đây có lẽ là Ngô Thế Vinh, người từng tham gia chỉnh lý Ức Trai di tập thời Tự Đức. ở các tờ 13a, 16a, 20a, 24b, 26b có ghi “Nguyễn Thư Hiên nói”, Nguyễn Thư Hiên đây phải chăng là Nguyễn Tông Khuê (1693- 1767) hiệu Thư Hiên? Tờ 33a có ghi “Chúc Lý Ngô Thị nói” Chúc Lý đây, theo Hà Văn Tấn, là tên hiệu của Ngô Sĩ Liên(4)...

Thức tế trên đây đưa ta tới nhận định là bản in Phúc Khê năm 1868 rốt cục chỉ có thể xem như một truyền bản gần đúng về DĐC của Nguyễn Trãi.

Quá trình hình thành DĐC, theo những ghi chép mà bản thân sách cung cấp có thể phác họa như sau: Vào năm Thiệu Bình thứ hai (1435), Nguyễn Trãi dâng lên Thái Tông một báo cáo nói về cương vực, dòng giống, các đơn vị hành chính và tình hình hộ khẩu nước ta qua các đời (từ tờ 1a đến tờ 4a). Xem xong báo cáo này, vua Lê bèn ra lệnh cho Dân bộ ghi lại những phần có liên quan để làm tài liệu trị nước. Vua lại yêu cầu Nguyễn Trãi trình bày tiếp bằng văn bản những đổi thay về Kinh đô, nơi trung tâm chính trị văn hóa của cả nước, cùng tình hình đất đai, thổ sản, phong tục, tập quán các địa phương (4b). Nguyễn Trãi đáp ứng một cách xuất sắc yêu cầu này của nhà vua, qua bản báo cáo thứ hai, được ghi lại từ tờ 5a đến thờ 31b trong DĐC. Xem xong bản báo cáo Thái Tông đặc biệt khen ngợi, nhưng có lẽ vì Nguyễn Trãi viết quá cô đúc, nên vua đã ra lệnh cho Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích và Lý Tử Tấn đem bản báo cáo lần này cùng bản báo cáo lần trước của Nguyễn Trãi ra chú thích, khảo cứu, bình luận, cốt làm cho văn kiện trở nên dễ đọc, dễ hiểu hơn (tờ 31b và 32a). Chỉ trong 10 ngày, toàn bộ công việc hoàn tất, báo cáo chuyển lại cho vua xem. Lê Thái Tông hết sức khích lệ người làm báo cáo (tờ 32a) và Nguyễn Trãi cũng thật bụng vui mừng có được một đấng bề trên hiểu lòng kẻ bề tôi (tờ 33a).

Về quá trình lưu truyền DĐC, cũng theo những nguồn tin mà bản thân sách cung cấp, có thể hình dung như sau: DĐC đã chú giải được Lê Thái Tông đánh giá cao, ra lệnh đem in để công bố. Năm 1442, Nguyễn Trãi gặp nạn, cả bản khắc lẫn bản in DĐC đều bị hủy sạch, trừ một bản duy nhất để tại Thư viện Hoàng gia. Bản này sau được Lê Nhân Tông phát hiện và đưa về phòng ngủ cảu mình làm sách tham khảo trong việc trị nước (tờ 33b). Đến thời Hồng Đức, Tần Khắc Kiệm theo lệnh triều đình sưu tầm, chỉnh lý toàn bộ di cảo của Nguyễn Trãi, trong đó có DĐC, và đưa in năm 1480. Trong lần in này, Trần Khắc Kiệm đã sử dụng một số ý kiến của Lý Tử Tấn làm lời bạt cho DĐC (tờ 33b). Từ đấy về sau, do có sự kiêng húy, sự thay đổi các đơn vị hành chính, sự thất lạc, sự sao đi chép lại, sự bổ sung, bình luận, chú thích thêm và rất nhiều nguyên nhân khác nữa, sách đã không còn giữ nguyên bộ mặt ban đầu. Bản in Phúc Khê 1868 đã phản ánh toàn bộ con đường trải qua trên đây của DĐC.

II. Thể loại Dư địa chí

DĐC của Nguyễn Trãi được gọi là An Nam Vũ cống (sách mang kí hiệu A.2251), hoặc Lê triều cống pháp (sách mang kí hiệu A. 53). Như chúng ta đều biết. “Vũ cống” trong “An Nam Vũ cống” vốn là tên một thiên sách trong Kinh thư, nội dung nói về việc Hạ Vũ chia đất ra làm 9 châu, tiến hành công tác thủy lợi, tổ chức sản xuất và thu thuế. Chính hai chữ “cống pháp” trong tên sách “Lê triều cống pháp” cũng nhấn mạnh cái ý “thu thuế” đó. Các bộ thư mục cổ Trung quốc xếp Kinh thư vào loại “Lục nghệ” như Thất lược của Lưu Hâm đời Hán; hoặc vào loại “Kinh điển” như Thất chí của Vương Kiệm đời Lưu Tống; Thất lục của Nguyễn Hiếu Chử đời Lương... Từ đời Đường trở về sau, trong các bản thư mục như Tùy thư Kinh tịch chí, Đường thư Kinh tịch chí, Tân Đường thư Nghệ văn chí, Tống sử Nghệ văn chí, Minh sử Nghệ văn chí, Tứ khố toàn thư tổng mục, Thanh sử cảo Nghệ văn chí... các tác phẩm kiểu Vũ cống đều được xếp vào mục Đại lý thuộc bộ Sử.

Đề tựa cho mục Địa lý, Tùy thư Nghệ văn chí chép: “Lưu Hướng có nói sơ qua về các vùng đất, thừa tướng Trương Vũ sai người ghi chép thêm về phong tục, Ban Cố nhân đấy soạn sách Địa lý chí, các vấn đề như châu quốc, quận huyện, núi sông hiểm trở, phong tục khác nhau, tính tú phân chia, phong khí nảy nở, khu vực rộng hẹp, hộ khẩu nhiều ít... đều trình bày cả, giống như các thiên Vũ cống, Chu quan(5) thời cổ vậy (...). Đến đời Tấn, Chấp Ngu phỏng theo Vũ cống, Chu quan làm sách Kỳ phục kinh, trong đó ghi đầy đủ tình hình các châu, quận, huyện, vùng trời, bờ cõi, sự nghiệp, đô thành, núi non, sông rạch, đình trạm, thành trì, đường sá, ruộng đất, con người, sản vật, phong tục, nhân tài... gồm tất cả 170 quyển”(6).

Đến đây ta thấy DĐC của Nguyễn Trãi được mệnh danh An Nam Vũ cống hay Lê triều cống pháp là có lý do riêng của nó.

Bên cạnh nhan đề An Nam Vũ cống hay Lê triều cống pháp, kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn một bản DĐC nữa mang tên Nam Việt Dư địa chí A. 2815, ý muốn nhấn mạnh đây là một cuốn sách địa lý nước ta. Các bản thư mục cổ Việt Nam không xếp loại tác phẩm địa lý vào bộ Sử như Trung Quốc. Trong Nghệ văn chí (Lê triều thông sử), Lê Quý Đôn xếp Nam Bắc phiên giới địa đồ Thiên hạ bản đồ vào phần Hiến chương; xếp Cao Vương di cảo, Hoàng Phúc cảo, Hình thể địa mạch ca, Tả Ao địa lý luận vào phần Phương kỹ. Trong Văn tịch chí (Lịch triều hiến chương loại chí), Phan Huy Chú xếp các đồ bản vào phần Hiến chương, xếp các sách phong thủy vào phần Truyện ký. Đến Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Trần Văn Giáp cũng theo truyền thống nước ta, không xếp các tác phẩm địa lý vào phần Lịch sử(7), mà tách ra thành một phần độc lập - phần địa lý - bao gồm 3 mục: Địa lý chí (địa lý toàn quốc), Sơn xuyên lý lộ (phong thủy), Địa phương chí (địa lý địa phương). Theo tính chất và trật tự thời gian, DĐC của Nguyễn Trãi thuộc về phần Địa lý chí, có thể xếp sau các tác phẩm Nam Bắc phiên giới địa đồ của Lý Anh Tông, soạn năm 1147; An Nam chí lược của Lê Trắc, soạn vào khoảng cuối thế kỉ mười ba đầu thế kỉ mười bốn, và trước các tác phẩm Thiên hạ bản đồ đời Hồng Đức; Tân định bản đồ đời Bảo Thái... Tìm hiểu kho sách Hán Nôm sở dĩ không đưa DĐC vào phần Địa lý chí, có lẽ vì xem DĐC như là một bộ phận khăng khít của Ức Trai di tập đã được giới thiệu ký ở phần Lịch sử trước đó rồi.

Qua phân tích trên về DĐC, có đối chiếu trong chừng mực nhất định với cách sắp xếp loại sách này ở các bản thư mục cổ Trung Quốc và Việt Nam, ta thấy tác phẩm Nguyễn Trãi cũng như nhiều sách địa lý cổ khác, bao quát một nội dung thường rọng hơn nhiều so với khái niệm “địa lý” hiện đại của chúng ta. Nó gắn không ít với các vấn đề mà hiện nay chúng ta đang quan tâm như đất nước và con người, quốc gia và khu vực, truyền thống và hiện đại. Các ngành khoa học như kinh tế học, dân số học, dân tục học, địa chất học và nhất là khoa địa lý hiện đại chắc chắn sẽ tìm thấy ở DĐC của Nguyễn Trãi một số tư liệu và gợi ý bổ ích cho công tác nghiên cứu của mình.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Dư địa chí, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960.

(2) Xem Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb KHXH, Hà Nội, 1969, tr.184.

(3) Dẫn theo Hà Văn Tấn. Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd tr.523.

(4) Xem Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.621.

(5) Chu quan: nội dung nói về cách đặt quan, phân chức, dùng người của nhà Chu (Thư, Tự, Truyện)

(6) Trung Quốc cổ đại mục lục học giản biên, Trùng Khánh xuất bản xã, Trùng Khánh, Trung Quốc, 1983.

(7) Khái niệm “Lịch sử” ở đây hẹp hơn và hiện đại hơn khái niệm Sử hay bộ Sử thời cổ.

TB

GIỚI THIỆU LÊ QUÍ DẬT SỬ

PHẠM VĂN THẮM

Xã hội phong kiến Việt Nam cuối thời Lê - Trịnh đã xẩy ra nhiều biến động lịch sử. Trong kho tàng thư tịch Hán Nôm, chúng ta còn giữ được nhiều sách sử ghi chép về giai đoạn này. Ngoài các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Phần Tục biên, hay Việt sử thông giám cương mục, còn có loại dã sử (sách sử do tư nhân chép như Lịch triều tạp kỷ (Ngô Quang Lãng), Lê Quý Kỷ sự (Nguyễn Thu) Vấn Lê di sử (Nguyễn Quốc Ninh); Hậu Lê dã lục; Hậu Lê thời sự kỷ lược; Lê quý dật sử... mỗi tác phẩm đều có nét đặc trưng và giá trị riêng. Nhiều tác phẩm đã được xuất bản như Lịch triều tạp kỷ Lê quý kỷ sự. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bàn về vấn đề tác giả và giá trị sử.

I. Vấn Đề tác giả của dật sử.

Lê quý dật sử không để tác giả, ghi chép các sự kiện lịch sử theo thể biên niên từ năm Mậu Dần Cảnh Hưng thứ mười chín (1758) đến năm Quý Sửu Cảnh Thịnh một (1793). Sách này có một bản, hiện để tại thư viện Viện Sử học, kí hiệu HV.195, 140 trang, chữ viết có Nôm, lối đá thảo.

Từ trước tới nay Lê quý dật sử được trích dẫn trong nhiều công trình nghiên cứu, nhưng ít người đề cập tới tác giả của nó. Riêng Lược truyện các tác gia Việt Nam có ghi nhận tác giả của sách là Bùi Dương Lịch(1). Trong lời giới thiệu sách Đại Việt sử kí toàn thư phần Bản kỷ tục biên, cũng có nhắc lại Lê quý dật sử là của Bùi Dương Lịch nhưng vấn đề chưa được chứng minh. Vậy ở đây, chúng tôi sẽ trình bày rõ những chứng cứ cho thấy tác giả của Lê quý dật sử chính là Bùi Dương Lịch.

Trước hết, đi vào nội dung, cuốn sách có tới mười một chi tiết liên quan tới cuộc đời tư của Bùi Dương Lịch ở các thời kỳ: thi đỗ tam trường và thi đỗ Hoàng giáp năm Chiêu Thống một (1787); ra Thăng Long gặp lúc nghĩa quân Tây Sơn ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh, Phải lẩn trốn tại thôn Phùng Quang; làm quan phò giúp Lê Chiêu Thống, không đi với phong trào Tây Sơn...(2) Những chi tiết này viết khá cụ thể, sinh động, như: Thấy cảnh kiêu binh làm loạn “Huấn đạo Bùi Dương Lịch đang ở kinh có bài thơ:

Phiên âm: Nam lai nhất kỵ dịch trần phi

Quốc thế biên tình vị khả tri
Tuệ giới bất linh biên tướng cấp
Thái A ký đảo viện bình trì
Thuỳ đầu Ban lão phong hầu bút
Bất kiến Phùng quân thoái lỗ thi
Vô kể ưu thiên hoàn tự tiếu
Khu khu văn mặc quả hà vi.

Dịch nghĩa:

Một con ngựa chạy trạm từ phương Nam phi tới
Thế nước và tình nơi biên cương chưa biết thế nào
Phật chùa không thiêng, tướng cầm quân nơi biên cương nguy cấp
Gươm Thái A cầm ngược cán, viện binh chậm trễ.
Ai ném bút {tòng quân} được phong hầu như Ban Lão
Không thấy thơ lui “giặc của Phùng quân”
Cứ tự cười mình lo trời sập, mà chả có mưu kế gì.
Bo bo với sách vở thì làm được gì.

Hay khi theo Chiêu Thống chạy trốn Tây Sơn “Bùi Dương Lịch đi Lang Tài tìm vua, không qua được quãng đò Bình phải quay về có thơ rằng...” (tờ 46b). Nghiên cứu tất cả các chi tiết đó, theo chúng tôi, đấy không phải là Bùi Dương Lịch thì khó ai có thể viết ra những chi tiết về quãng đời tư của ông một cách tường tận như vậy.

Thứ hai, về lập trường quan điểm của người viết. Các sử gia phong kiến thời Hậu Lê phần nhiều đều mang tư tưởng “không phò chính thống” và coi các phong trào nông dân là “Nguỵ” là “giặc” cả những tư tưởng “khuông phò chính thống” ở mỗi tác phẩm lại có các biểu hiện khác nhau, thường đề cao họ Trịnh, hạ thấp uy quyền nhà Lê, riêng ở Lê quý dật sử những đoạn nói đến vua Lê đều rất cung kính, trân trọng, ngược lại khi miêu tả chúa Trịnh, tác giả lại biểu thị thái độ phủ định rõ rệt, như đoạn nói về Trịnh Bồng “Bồng vốn tính nhu nhược, thiếu tình quyết đoán, đối với bề dưới thì bẽn lẽn, chính sự đều do tay Tích Nhưỡng. Các bề tôi chỉ so kè chức vị hơn kém, không lo việc nước, kẻ trong ngoài chỉ nghiêng nghé dòm ngó lẫn nhau, bọn thủ hạ cướp bóc dân ven thành giữa ban ngày không ai kiềm chế nổi...”(tờ 40a). Rõ ràng ở đây tác giả đề cao họ Lê, hạ thấp vai trò họ Trịnh. Còn đối với Tây Sơn, chiến thắng chống quân xâm lược nhà Thanh chỉ được tác giả ghi lại có ít dòng, nhưng cái gọi là “tội” của Tây Sơn được tác giả ghi lại rất nhiều. Những điều này rất phù hợp với những chi tiết có liên quan tới tiểu sử của Bùi Dương Lịch được ghi ngay trong tác phẩm này_ một con người đã từng làm quan phò giúp Lê Chiêu Thống, mong muốn khôi phục lại uy quyền cho nhà Lê, một con người biết khá nhiều về phong trào Tây Sơn, nhưng do mang nặng tư tưởng trung quân mà không đi với Tây Sơn.

Thứ ba, trong sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch(3) có phần tiểu truyện Bùi Dương Lịch và một số sự kiện xảy ra trong năm 1786. Nếu so sánh một số đoạn ghi chép trong tác phẩm này với các đoạn tương ứng trong Lệ quý dật sử thì thấy từ nội dung các sự kiện được miêu tả cho đến lối hành văn, kể cả tên riêng ở hai tác phẩm này đều giống nhau. Điều này chứng tỏ chúng có chung nguồn gốc và do Bùi Dương Lịch viết, ví dụ:

- Nghệ An ký chép: “Ngày 24 tin từ biên giới báo về, đình thần bàn việc sai tướng đem quân vào cứu viện và bàn sách lược phòng thủ các trấn. Nội giám là Quyên được Trịnh Đoan Vương tin cầu xin cẩn cho con nuôi là Mãn làm thống lĩnh, đình thần viết thư bác đi bác lại ba bốn lần...(tờ 75a).”

- Lê quý dật sử chép: “Ngày 24 tin từ biên giới báo về, đình thần bàn việc sai tướng đem quân vào cứu viện và bàn kế bảo vệ các trấn. Xin cho con nuôi là Mân làm Thống lĩnh, đình thần viết thư bác đi bác lại ba bốn lần vẫn chưa quyết định (tờ 31a).

- Nghệ An ký chép: “Vua đến dụ Chỉnh hộ giá, Chỉnh xin cho con là Hoằng đi theo, Hoằng từ chối, Chỉnh chần chừ nhìn quanh trong nhà, trời sắp mưa. Bị ép mãi Hoằng bất đắc dĩ phải theo...”

- Lê quý dật sử chép: “Vua đến dụ chỉnh hộ giá, Chỉnh xin cho con là Hoằng đi theo, Hoằng từ chối, Chỉnh chần chừ nhìn quanh trong nhà, trời sắp trưa. Bị ép mãi Hoằng bất đắc dĩ phải theo...” (tờ 45a).

Các tác phẩm ghi chép về giai đoạn cuối Lê như Hậu Lê dã lục, Hậu Lê thời sự kỷ lược, Việt sử thông giám cương mục... đều chép con của Chỉnh là Du. Riêng Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, chúng ta có thể khẳng định tác giả của Lê quý dật sử là Bùi Dương Lịch.

II. vài nét về đặc trưng và giá trị sử liệu của tác phẩm:

Lê quý dật sử đã ghi chép được nhiều sự kiện lịch sử khá chi tiết. Sở dĩ như vậy là vì Bùi Dương Lịch đã sống cùng thời với những biến động thời bấy giờ. Rất có thể tác giả đã xem các sách sử ghi chép về giai đoạn này nhưng ông thấy còn nhiều thiếu sót. Là chứng nhân của những biến động xã hội, hơn nữa lại là một nhân vật có vai trò lịch sử trong một thời gian khá dài. Bùi Dương Lịch có điều kiện thuận lợi ghi lại một cách chi tiết nhiều sự kiện mà các tác phẩm khác bỏ qua. Đây chính là nguyện vọng của các tác giả và cũng là nét tiêu biểu của tác phẩm. Những sự kiện mà Bùi Dương Lịch đã ghi lại, có thể chia làm hai loại:

1. Loại ghi tóm tắt: Đại để các sự kiện lớn mà chính sử đã ghi, tác giả đã tóm tắt cho dễ theo dõi.

2. Loại ghi chi tiết thêm: Ví dụ về thi cử thì các sách sử đều ghi chép về khoa cử. Nhưng qua Lê quý dật sử ta biết thêm về những tệ nạn, phiền toái trong thi cử. Lê quý dật sử chép: “Các quyển thi của các bậc sảo thông(4) lại dùng nhiều duyệt lẫn với các quyển thi của bậc thứ thông(5) và bọn trẻ nhỏ. Do vậy nhiều người bất hạnh bị trượt hoặc là “việc kho hạch cho người trong sổ và ngoài sổ(6) hơn kém nhau nhưng cũng có khoa không cho hơn kém nhau mà đánh trượt cả. Như vậy há không phiền phức tạo ra vận rủi may cho học trò và mở đường cho quan khảo hạch ăn hối lộ đó sao?...(tờ 10, T1). Về loạn kiêu binh, Lê quý dật sử ” chép rõ “kiêu binhđòi hỏi mối lợi nơi điếm tuần, bến đò, đầm hồ, gò bãi, của ải, chợ búa. Dân chúng khổ sở về sự quấy nhiễu hà khắc của chúng” (tờ 24).

3. Loại bổ sung thêm, không thấy ghi ở các sử sách khác. Về loại này khá phong phú. Thí dụ Lê quý dật sử đã sưu tập chép được nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, qua đó ta thấy được chữ Nôm hồi ấy đã được sử dụng rất rộng rãi trong các hoạt động của đời sống xã hội. Lê quý dật sử đã trích ghi lại bốn câu thơ Nôm của Nguyễn Huệ viết về Nguyễn Hữu Chỉnh:

“Gạo Phục Ba khéo chất hình non
Đường Thục đạo rõ bầy nơi hiểm dễ
Đây nhược thuỷ hay dò đáy nước
Sông Nhị Hà tỏ mạch chôn sâu nông.
(tờ 47a)

Lê quý dật sử cũng ghi lại hoàn chỉnh hai bài hịch bằng chữ Nôm; Bài hịch của lính tam phủ khi nổi dậy phể Cán lập Tông và Bài hịch của Tây Sơn. Bài hịch thứ nhất, mở đầu là lời kể tội họ Trịnh:

“Sắc khuynh quốc dễ bao phen nhẫm tịch
Nỗi yêu da nên đích tử dời ngôi
Mộng bại gia lân sấm chốn đình vi
Lời kết tóc để Đông cung rủi mạng
Kết bè dừ há e chi nữa
Ôm thống thiêng mong giữ được chăng vv....”

Bài hịch thứ hai nêu lên khí thế mãnh liệt khi tiến quân ra Bắc: “...Chúng điêu tàn đều mong cờ nghĩa quân về đầu, khiến quân số một ngày một thịnh;

Dân cơ cận cảm lòng nhân ngóng cổ, nên binh uy càng tháng càng thêm.

Quảng Nam đã quét sạch bụi nhơ. Thuận Hoá lại đem về bờ cõi

Nam một dải tăm kình phẳng lặng, cơ thái bình đứng đợi đã gần;

Bắc mấy thành chằm chán chưa yên, bề cứu viện ngồi xem sao tiện...”

Do quan điểm chính thống, Bùi Dương Lịch đã không đi với phong trào Tây Sơn, coi Tây Sơn là “nguỵ triều” bởi vậy ông đã ghi lại nhiều “tội” của Tây Sơn. Nhưng trong khi kể “tội”, tác giả thỉnh thoảng cũng ghi lại nhiều chi tiết khách quan đáng quý. Ví du: khi Tây Sơn ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh “thuyền đến cửa Hội, trấn thủ là Bùi Thế Toại bỏ chạy, thuyền đi như vào chỗ không người, quân đi đến đâu như gió lướt đến đó, không ai dám chống cự” (tờ 32). Khi Nguyễn Huệ đã vào thành Thăng Long “quân lệnh của Tây Sơn rất nghiêm ngặt, không ai được tơ hào một tý gì của dân” (tờ 36). Hoặc khi Nguyễn Huệ bắt tay công cuộc xây dựng lại đất nước; “sắp xếp lại hàng ngũ quan lại” (tờ 57); “đổi mới các chế độ luật lệ, định rõ ngạch thuế ruộng công, ruộng tư” (tờ 57b) “gặp năm đói kém mất mùa , Tây Sơn ban chiếu đại xá tô ruộng” tờ (53a); chú trọng nhân tài thì ngoài việc “mời La Sơn Phu tử Nguyễn Khải Xuyên” Quang Trung còn triệu “Hoàng giáp triều Lê cũ là Bùi Dương Lịch, tiến sĩ Phan Bảo Định vào Phú Xuân” (tờ 58). Loại sự kiện bổ sung thêm trong Lê quý dật sử đã làm phong phú thêm mảng tư liệu trong giai đoạn này. Những tư liệu trong Lê quý dật sử rất đáng tin cậy nên đã được Quốc sử quán triều Nguyễn chọn làm tư liệu gốc để tham khảo(7) Lê quý dật sử còn được dẫn dụ trong nhiều công trình nghiên cứu và biên dịch. Khi bộ Việt sử thông giám cương mục người dịch đã tham khảo Lê quý dật sử đê bổ sung cho chỗ bị mờ, bị sót trong nguyên bản(8) Hoặc khi dịch Lịch triều tạp kỷ, Hoa Bằng đã dựa vào Lê quý dật sử để chua rõ một số chi tiết về Phạm Nguyễn Du tức Vĩ Khiêm(9). Hoàng Xuân Hãn khi viết về La Sơn phu tử(10), Văn Tân khi viết về phong trào Tây Sơn(11). Nguyễn Lương Bích và Phan Ngọc Phụng khi viết Tìm hiểu thêm về tài quân sự Nguyễn Huệ(12) đã dẫn dụng khá nhiều tư liệu trong Lê quý dật sử.

Nguồn sử liệu trong Lê quý dật sử tương đối phong phú và đáng tin cậy. Hi vọng một ngày không xa, Lê quý dật sử sẽ được dịch và ra mắt bạn đọc.

CHÚ THÍCH

(1) Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội. 1971.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư phần Tục biên, tập I. Nxb KHXH, H., 1982, tr. 7.

(3) Nghệ An ký, Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu VHv. 1713/1-2. Sách này được con cháu Bùi Dương Lịch đem khắc in khoảng năm Tự Đức. Về Bùi Dương Lịch, xin xem thêm: Nguyễn Thị Thảo: Bùi Dương Lịch. Nghiên cứu Hán Nôm số 2, 1985.

(4) (5) Từ năm Bảo Thái 2 (1721) bỏ lệ khảo hạch ở xã mà cho thi ở huyện 2 lần. Ai trúng tuyển thì cho th ỉ trấn. Người nào trúng luôn được gọi là sảo thông. Người nào chỉ trúng kỳ khảo ở huyện gọi là thứ thông.

(6) Số trúng tuyển được phân làm hạng sảo thông và thứ thông. Nừu người thứ thông chưa được phục tình, cho phép vạch rõ đích danh người sảo thông, và cho phép người đó được cùng so đọ để định người hơn người kém.

(7) Ví dụ: Một chi tiết khi vua Lê Chiêu Thống chay lên Kinh Bắc:

+ Lê quý kỷ sự chép: “Chỉnh vào Thăng Long bàn với Tự hoàng sang Kinh Bắc (Lê quý kỷ sự, Nxb KHXH, H., 1974, tr. 85).

+ Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Chỉnh liền bảo quan Tham tri chính sự là Nguyễn Khuê vào tâu xin với vua đến ngày mai xa giá đi sang Kinh Bắc” (Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H., 1964, tr. 271).

+ Lê quý kỷ sự chép: “Nửa đêm Chỉnh từ sông Sinh Quyết trở về vua sai với mấy lần, Chỉnh không đến mà uỷ cho Tham tri chính sự Nguyễn Như Khuê đến tâu xin vua chạy lên phía Bắc” (tờ 44).

+ Việt sử thông giám cương mục chép: “Nửa đên Chỉnh từ sông Thanh Quyết trở về, nhà vua sai với mấy lần, nhưng Chỉnh không đến, chỉ bí mật uỷ thác cho Tham tri chính ự Nguyễn Khuê vào tâu với nhà vua đi sang Kinh Bắc” (Việt sử thông giám cương mục, Quyển 47, tr. 42).

(8) Việt sử thông giám cương mục, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội. 1957, tr. 1988.

(9) Lịch triều tạp kỷ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1975, tr. 197.

(10) Xem Hoàng Xuân Hãn: la Sơn Phu tử, Nxb Minh Tân. 1952.

(11) Xem Văn Tân: Con người Nguyễn Huệ. Nghiên cứu Lịch sử, 1965, số 71, tr. 10.

(12) Xem Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng: Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, Nxb QĐND, Hà Nội, 1971.

TB

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU
CHỮ HUÝ ĐỜI TRẦN

NGÔ ĐỨC THỌ

Trong các văn bản Hán Nôm, chữ huý là những chữ vì lí do kiêng tên của vua chúa, các vị thần, của người thân trong gia tộc... mà người viết, theo quy định hoặc tự nguyện, đã phải viết biến dạng để trống hoặc thay đổi hẳn đi. Cả quần thể chữ húy họp lại tạo thành một hệ thống những biệt lệ của chữ viết. Người nghiên cứu cần nắm được những biệt lệ đó để đọc văn bản, từ đó nhân ra những biến động về văn bản do việc kiêng huý gây ra. Mặt khác, các chữ huý gắn với những nguyên nhân ra đời và tồn tại của nó, cho nên có thể dùng nó như những chiếc “chìa khoá” để giám định niên đại cho văn bản.

Những người nghiên cứu Hán Nôm thực tế đều tự lý giải những chữ huý thường gặp. Nhưng cho đến nay chúng ta chưa có công trình nào tổng kết thể thức kiêng huý các đời, lấy chữ huý làm đối tượng nghiên cứu khảo tả để có thể cung cấp phương tiện tra cứu khi cần thiết. Cố gắng theo hướng đó, trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu kết quả khảo sát một số chữ huý đời Trần, bước đầu tìm hiểu những định lệ và thể thức viết chữ huý ở thời kỳ này.

I. Lệ viết kiêng huý có từ thời nào?

Những thông tin đầu tiên về việc viết kiêng huý được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt: Toàn thư) bắt đầu ở kỷ nhà Trần, Suy ra có thể hiểu rằng trước đời Trần các triều đại độc lập của nước ta không có lệ kiêng huý chữ viết nhưng không loại trừ một khả năng: có thể vì thiêu tài liệu mà sử không chép hoặc chép sót. Vì vậy chúng tôi đã tìm những tư liệu liên quan để giải đáp cho câu hỏi này.

Di vật có chữ viết thời Đinh - Lê còn lại rất ít. Đáng chú ý dòng lạc khoản ở cột kinh khắc năm 973 có ghi họ tên người chủ trì việc khắc dựng là “Nam Việt Vương Đinh c Liễn”(1). Điều này gợi một ý tham khảo: Đinh Liễn là nhân vật số hai của triều đình đã được vua cha uỷ cho danh nghĩa đứng đầu vương quốc khi giao thiệp với nhà Tống, trong môi trường có lệ viết kiêng huý thì ở dòng lạc khoản nêu trên ông chỉ cần ghi “Nam Việt vương Đinh” là đủ.

Về văn bia đời Lý, số lượng bia đã biết và công bố là 10 bia(2). Số bản rập (thác bản) hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm là 6. Kết quả khảo sát 6 bản rập đó cho thấy: 2 bản không gặp chữ cần xem xét (No20953, No20957), 4 bản khác có 12 chữ tên của cả ba vua Lý và 1 chữ tên mẹ vua:

1. Chữ Uẩn (tên huý của Lý Thái Tổ) ở bia chùa Linh Xứng. núi Ngưỡng Sơn, dựng năm 1126 (No20954); 2 chữ Tôn (tên húy của Lý Thánh Tông) ở bia mộ chí Phụng Thánh phu nhân họ Lê, dựng năm 1174 (No20955), và bia chùa Báo Ân, dựng năm 1920 (No4102); 4 chữ Đức (tên huý Lý Nhân Tông) ở văn bia chùa Báo Ân (đã dẫn); một chữ Châu (tên huý của hoàng hậu họ Đỗ, mẹ vua Lý Cao Tông ở bia chùa Báo Ân (đã dẫn).

Các chữ kể trên đều khắc đúng nét theo lối viết bình thường không kiêng huý. Với kết quả khảo sát đó, chúng ta có cơ sở để kết luận rằng từ đời Lý về trước ở nước ta chưa có định lệ viết kiêng húy, và những định lệ về việc đó chỉ bắt đầu cơ từ thời Trần như sử cũ đã ghi.

II. Các điều lệnh kiêng huý đời Trần

Hiện chỉ có Toàn thư là tài liệu duy nhất cho biết một số điều lệnh kiêng huý ở đời Trần (Cuơng mục triều Nguyễn trong phần sọan lại sử đời Trần, đã lược bỏ hầu hết các khoản ghi đó). Từ thời Thái Tông (1225 - 1258) đến Thuận Tông (1388 - 1398), tức là gần hết đời Trần, sử ghi 8 lần triều đình xuống lệnh kiêng húy. Nội dung các quy định như sau:

1. Ban bố những chữ phải kiêng huý:

- Năm 1232: Toàn thư không ghi rõ chữ huý, nhưng lệnh cấm năm 1294 sẽ nhắc lại, so sánh có thể xác định năm này lệnh nêu 3 chữ huý là: Lý, Thừa, Cảnh (Thái Tông, Kiến Trung 8, BK5,7b)(3).

- Năm 1294: Ban bố 10 chữ huý: Thuyền, Khẩm, Khoảng, Cảnh, Thừa, Lý, Phong, Diệu, Oánh, Hâm (Anh Tông, Hưng Long 2, BK6, 1a).

- Năm 1298: Ban bố hai chữ huý: Nguỵ, Châu (Anh Tông, Hưng Long 6, bk6 5a)

- Năm 1299: Quy định 10 chữ huý: Liễu, Nguyệt, Nguỵ, Thấp, Nam, Kiều, Tô, Tuấn, Anh, Tảng (Anh Tông, Hưng Long 7, BK6, 5b)

- Năm 1314: Nhắc lại các chữ húy trước, thêm 3 chữ, tên huý của Ninh Hoàng (tức Trần Minh Tông) huý Manh, và của cả 2 Thái hậu Tuyên Từ, Bảo Từ (không rõ tên) Anh Tông, Hưng Long 22; BK6, 31a)

2. Quy định thể thức kiêng huý:

- Lệnh năm 1232: quy định đổi họ làm họ Nguyễn vì lí do kiêng huý của nguyên tổ (vị sáng lập) là Trần Lý.

- Lệnh năm 1299: quy định khi làm văn không được dùng chữ Liễu và chữ Nguyệt. Còn đối với các chữ huý khác (nêu trong lệnh ấy) thì phải viết bớt nét.

- Lệnh tháng 8 - 1304: quy định “phàm những chữ miếu và ngự danh thì phải viết bớt nét” (Anh Tông, tháng 7 Hưng Long12; BK6, 19b)

3. Quy định những chữ thôi kiêng huý:

- Lệnh năm 1395: Quy định bỏ chữ huý Nguyệt Nam, cho dùng như cũ(Thuận Tông, Quang Thái 8; BK, 15a).

4. Quy định những chữ không được viết kiêng húy:

- Lệnh tháng 9 - 1304 cấm viết bớt nét theo lối kiêng huý đối với 8 chữ miếu huý của nhà Lý(4) (Anh Tông tháng 8 Hưng Long 12, BK6, 19b).

III. Chủ nhân của chữ huý và lệ chứng văn bản

1. Về tên huý của hai đời bậc trên của Trần Thái Tông:

a) Lý: Toàn thư chép: “Vì nguyên tổ huý Lý, cho nên đổi họ Lý làm họ Nguyễn, vả lại để tuyệt lòng mong nhớ của dân đối với nhà Lý” (BK5, 7b). Với điều kiện đó, nhà Trần chính thức ban bố tên huý của ông nội Trần Thái Tông (cha của Thượng hoàng Trần Thừa) là Trần Lý. Việc một người nào đó dùng biểu tự của một dòng họ khác để đặt tên mình, nói chung không phổ biến lắm. Trong trường hợp này lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa tên ông nội vua với họ của triều vua vừa bị thay thế. Lại liên hệ với một trường hợp tương tự sau này nhà Lê cũng công bố chữ Trần là tên húy của Hoàng hậu (vợ) Lê Lợi (Phạm Thị Ngọc Trần) (BK10. 58b), và người họ Trần, vì vậy phải đổi làm họ Trịnh. Sự việc như vậy, gợi lên câu hỏi: Phải chăng cả hai vương triều này đã sử dụng lệ kiêng huý như một biện pháp đặc biệt “để tuyệt lòng mong nhớ” của người dân đối với triều vua trước? Lệnh kiêng húy nói trên có lẽ đã được thi hành khá chặt chẽ. Chúng ta đã biết tên những người họ Lý phải sửa thành họ Nguyễn trong các văn bản đời Trần: trong Đại Việt sử lược, Thái uý Lý Thường Kiệt đổi là Nguyễn Thường Kiệt, tiêu đề kỷ nhà Lý đổi ghi là Nguyễn Kỷ vv... Thiền uyển tập anh (bản in năm 1715 dựa theo văn bản đời Trần) đổi họ của sứ nhà Tống là Lý Giác thành Nguyễn Giác vv...

b) Thừa 承 tên huý của Trần Thừa, Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần: chữ này (Thừa 1) có nghĩa là: vâng chịu, tiếp nối, đồng âm với chữ 丞 (Thừa2 = giúp) và đồng âm với một trong 2 âm của chữ 乘 (Thừa3 = nhân theo, tăng thêm; Thặng = cỗ xe, đánh xe).

Cả 3 chữ Thừa nói trên, âm tiếng Hán thời Đường - Tống đều học là Thằng. Các từ thư tự điển cố ghi âm là “Thự lăng thiết” (= Thằng)(5). Riêng chữ huý thứ 3 với nghĩa gốc là cỗ xe, đánh xe thì đọc âm theo âm Thặng (ghi âm là “Thực chứng thiết”).

Nhưng trong cách đọc âm Hán Việt chúng ta vẫn quen đọc cả 3 chữ ấy với âm Thừa (riêng chữ huý thứ 3 giữ thêm âm Thặng) Chẳng hạn với Thừa 1 (= tiếp nối) “kế thừa” = tiếp nối với trước; Thừa 2 (= giúp) có “thừa tướng” = người giúp vua xử lý triều chính; Thừa3 (= nhân theo, tăng lên) có “thừa số” = số tăng lên; “Tiều thừa”, “Đại thừa” - các môn phái Phật giáo.

Như vậy, âm Thừa xuất hiện trong các đọc Hán - Việt có thể coi là một trường hợp rất đặc biệt(6), cần được nghiên cứu thêm. Theo ý kiến chúng tôi thì ở thời Trần một số âm Hán Việt đã phải thay đổi cách đọc do định lệ kiêng huý, như Nguyệt ® ngoại, Nam ® Nôm, Kiền ® càn (xin xem ở mục viết về chữ Hán này). Về sau, tuy không phải kiêng huý những chữ đó nữa nhưng thể biến âm của nó đã lưu truyền khá rộng rãi trong dân gian và tiếp tục còn lại đến nay, song song với chính âm, Chữ Thừa 1 theo ý kiến chúng tôi là một chữ thuộc loại này. Trước đời Trần cả 3 chữ thừa 1, 2, 3 vẫn được đọc là Thằng (Thừa 3 thêm âm Thặng). Đến đầu đời Trần âm đó trùng với tên huý của người cha Trần Thái Tông (rất có thể là một tên Nôm), do đó phải đổi cách đọc: Từ đây nó theo cách biến âm đã có tiền lệ trong tiếng Việt rụng a; → ưa như Gs Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý, xem chú (6) mà đọc thành Thừa, tiểu thừa, đại thừa... là thuật ngữ Phật học chỉ môn phái Phật giáo, các từ điển đều xếp ở âm “Thặng ” với ý nghĩa Phật giáo coi các tăng sĩ như những cỗ xe truyền đạt tư tưởng của Phật đến khắp chúng sinh. Như vậy đáng phải đọc là Tiểu Thặng, Đại Thặng, huý đó sử dụng rộng rãi, lâu dài, cả sau đời Trần đến nay, hầu như đã thay hẳn chính âm, chỉ còn lại dạng Thặng liên quan đến việc đọc kinh điển Nho giáo mà thôi.

- Chữ Thừa 1 chưa tìm thấy mẫu viết, nên kiêng huý, chỉ mới thấy một dạng kiêng huý bỏ trống ô chữ ở câu “Tự thị c tiên húy bất tòng”. ở vị trí bỏ trống c chú bằng chữ nhỏ: “Thái Tổ huý” (Thiền uyển tập anh, tờ 30 d). Tên huý của Thái Tổ nói ở ở đây tức là chữ Thừa 1, (Trần Thừa chỉ là Thái Thượng hoàng, không chỉ chính thức ở ngôi vua, nhưng các vua Trần vẫn tôn xưng là Thái Tổ)

- Chữ Thừa 2 có thể tìm thấy biểu hiện kiêng huý trong việc đổi gọi chức quan. Năm 1299 Trần Anh Tông lấy Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. Chức quan này nhà Tống gọi là Ngự sử trung thừa(7). Nhà Trần vì kiêng âm thừa, đổi làm ngự sử trung tán (lấy tán thay cho thừa 2, đều có nghĩa là giúp)

- Chữ Thừa 3 hiện đã phát hiện được mấy mẫu chữ kiêng huý khắc trên bia, chuông:

- Bài Kí khắc trên chông quán Thông Thánh ở Bạch Hạc do Hứa Tông Đạo soạn, đề niên hiệu Đại Khánh ()1314-1323) đời Trần Minh Tông(No4997) có câu: “Đồng lưu phụ bách, thừa hứng nhập Nam” (Theo dòng xuôi thuyền, nhân cảm hứng đi vào nước Nam). Nền bản rập hơi mờ, nhưng soi kính lúp thấy rõ chữ Thừa 3 khắc một nét mác, thay vào đó một vòng tròn nhỏ (xem ảnh 1)

Bài kí khắc bia ở vách đá Đại Bi chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi do Phạm sư Mạnh soạn năm Thiệu Khánh 3 (1372) đời Trần Nghệ Tông (No20965) có các câu: “Thừa u không tịch” (cưỡi cõ i tối, không thể chế cõi lặng); “Thừa hứng du phương” (nhân cảm hứng đi du ngoạn nhiều nơi): Cả hai chữ Thừa 3 trên đây đều cùng một mẫu chữ Thừa 3 ở quán Thông Thánh (so sánh ảnh 1 và 2)

2. Tên huý các vua Trần:

Ngoài các chữ huý đã ghi trong toàn thư (Thái Tông: Cảnh(8). Thánh Tông: Hoảng; Nhân Tông Khẩm, Anh Tông: Thuyển, Minh Tông: Mạnh; Hiến Tông: Vượng; Dụ Tông: Hạo; Nghệ Tông: Phủ; Duệ Tông: Kính; Phế Đế: Hiện; Thuận Tông: Ngung; Thiếu Đế: An; Hậu Trần Giản Định: Ngỗi, Trùng Quang: Quý Khoáng). Còn có một số tên huý khắc được ghi lại trong An Nam chí lược (ANCL) của Lê Trắc (thế kỉ XIV):

- Thái Tông từ năm Mậu Ngọ (1258) đổi tên là Quang Bính (ANCL, Q12, 1b); Thánh Tông trước còn có tên là Thế (Q12,2a); Nhân Tông đổi tên là Nhật Huyế (Q12,2a), lại có chỗ ghi là Nhật Tôn ( Nhật + Tôn) (Q2, 5b); Anh Tông còn có tên là Nhật Sủy (Trên chữ hoả dưới chữ Trường); Trần Minh Tông có tên cũ nay là Thiên Minh(9), sau đổi là Nhật Khoảng.

Ngoài ra nguyên sử (Q.209) còn ghi Trần Thánh Tông có tên là Quang Nột (Khẩu + Nội); Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (Thế kỷ XV)ghi thêm 2 tên huý khác: Trần Dụ Vương (Tức Dụ Tông) còn có tên huý là Lộc Tinh; Nghệ Vương (tức Nghệ Tông) huý là Thúc Minh.

Nhận xét: các chữ huý đã kể trên đây, chúng ta có thể thấy các vua Trần hầu hết đều chọn những chữ “hóc hiểm” để đặt tên. Những chữ ấy phần nhiều đều có nghĩa từ vựng rất đẹp, nhưng sắc thái ngữ nghĩa không mấy khác nhau: đều là những đặc tính của ánh sáng, như Cảnh = ánh sáng mặt trời, Hoảng = ánh sáng rực rỡ, Khẩm = sáng rõ; Thuyển = ánh lửa vv... Đó là những chữ không những ít dùng trong các văn thư thường ngày, mà ngay cả trong sáng tác văn học cũng không mấy gặp. Thậm chí có những chữ như Suỷ (trên chữ hoả + dưới chữ trường) do ANCL ghi, thì ngay cả tự điển Ngọc Thiên (dẫn trong Khang Hy) cũng ghi là “không rõ nghĩa gì”. Hoặc như chữ (trên An + dưới hoả) mà chúng ta tạm đọc âm là An, thực ra chưa rõ âm định ghi là gì. Soạn giả Cương mục phải chú rằng: “Tra trong tự điển (Chỉ Khang Hy tự điển) khắp các phần bị khảo, bỏ đi đều không thấy có chữ này, chưa rõ âm đọc thế nào”!

Có thể thấy dụng ý của người đặt tên, cốt cho tên huý các vua khỏi trùng với tên của dân thường. Và cũng do những chữ ấy rất ít khi xuất hiện trên giấy tờ sách vở nên người viết sách chép sách cũng đỡ phải sử lý việc kiêng huý. Nhưng cũng do đặc điểm này, trong tình hình các văn bản thư tịch, bi kí đời Trần hiện còn rất ít, xác suất tìm thấy nguyên mẫu chữ húy của các vua Trần là rất thấp.

An Nam chí lược ghi lại khá đủ một bộ tên huý đã thay đổi của các vua đầu đời Trần trong khi các sử sách nước ta không hề nói đến. Những tên huý đó xuất hiện rải rác trong các trích lục chiếu chế của nhà Nguyên gửi cho vua Đại Việt, điều đó khiến ta có cơ sở để đoán định rằng: trong các văn thư giao thiệp với nhà Nguyên, các vua Trần đã tự xưng một tên khác (hoặc nói đổi tên). Có thể coi là những “tên giả”, chỉ đặt ra để dùng với nhà Nguyên. Có thể lý giải lí do sử dụng tên giả là vì trong quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên trước và trong thời gian 3 lần nhà Nguyên xâm lược nước ta, các vua Trần đề phòng việc quân giặc xấc xược phạm đến tên huý của tông miếu và uy tín của vương triều. Cuối đời Trần, trong quan hệ ngoại giao căng thẳng với nhà Minh, biện pháp đó tiếp tục được thực hiện, và do vậy có thêm một số tên huý giả kiểu đó ghi trong Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng.

3. Về các chữ “nội huý” (tên huý của các Hoàng hậu)

Gồm 4 chữ: Phong, Diệu, Oánh, Hâm. Các bà hoàng này kể từ khi được chọn vào cung làm vợ vua, đến khi chính thức được lập làm Hoàng hậu, khi sinh Hoàng tử nối ngôi vv... đều có những tôn hiệu khác nhau. Vì vậy chỉ căn cứ những điều ghi riêng biệt thì không dễ nhận ra ngay chữ huý nào chỉ bà Hoàng hậu nào. Tuy vậy, phối hợp với các điều ghi trước sau trong Toàn thư, có thể xác định được 3 trong 4 chữ kể trên:

- Oánh: Tên huý của bà Hiển Từ Hoàng hậu họ Lý (Lý Thị Oánh), con gái trưởng của Lý Huệ Tông, hiệu Thuận Thiên công chúa, trước là vợ của Hoài Vương (tức An Sinh Vương) Trần Liễu, sau là Hoàng Hậu, của Trần Thái Tông, mẹ đẻ của Trần Thánh Tông.

- Hâm: tên huý của Nguyên Thánh Hoàng hậu họ Trần (Trần Thị Hâm), con gái thứ năm của An Sinh Vương Trần Liễu, Thánh Tông lập làm Thiên Cảm Hoàng hậu. Bà là mẹ đẻ của Trần Nhân Tông, bà nội của Anh Tông. Toàn thư (BK5, 24b) còn ghi bà có tên huý là Thiều, nhưng chữ ấy không thấy ghi trong bản kê chữ huý.

- Diệu: tên húy của Thuận Từ Hoàng hậu họ Lê (Lê Thị Diệu) mẹ của Trần Thái Tông.

- Về chữ Phong (trùng + phong = con ong), Toàn Thư ghi tên huý của Thánh Từ Hoàng hậu. Nhưng từ thời Anh Tông trở về trước không thấy Toàn Thư chép bà Hoàng nào hiệu là Thánh Từ. Trong các sách chép thế phả nhà Trần có cuốn Trần gia ngọc phả (A2046) là tài liệu duy nhất, tuy không ghi tôn hiệu Thuận Từ, hoàng hậu, nhưng có chép phu nhân của thượng Hoàng Trần Thừa họ Lê tên là Phong. Nhưng sách này phạm nhiều sai lầm thô bạo(10), vì vậy không đáng tin cậy. Vả lại có thể lí giải điều sai lầm này có thể là do người làm sách Trần gia ngọc phả dựa theo Toàn Thư mà nhặt ra, thấy phần đầu kỷ nhà Trần chép việc Trần Liễu giữ chức Tri thánh từ cung từ đó suy ra vợ của Thượng hoàng (ở cung Thánh Từ) thì cũng có hiệu là Thánh Từ Hoàng hậu. Sự thực thì không riêng ở đời Thái Tông, các triều vua đầu đời Trần đều gọi nơi ở của thượng hoàng là Cung Thánh Từ. Hơn nữa, đó cũng là cơ quan hành chính có các quan chức phân biệt với quan chức ở cung quan triều là cơ quan và văn phòng của vua đương vị. Chẳng hạn: năm Thiệu Phong thứ tư (1344), Trần Dụ Tông đổi Hành khiển tị ở cung thánh từ làm Thượng thư sảnh... (BK&).”. Bởi hai lẽ trên có thể xác định Thánh Từ không phải là hiệu của bà vợ Trần Thừa(11).

Đối với Anh Tông mà nói, thì trong 4 chữ nội huý nói trên, còn thiếu tên mẹ và vợ. Nhưng lúc xuống lệnh đã dẫn (1294) Anh Tông chưa lập Hoàng Hậu, phải 15 năm sau (1309), khi Hoàng thái tử Mạnh được phong, thì bà mẹ mới được tôn lập làm Thuận Thánh Hoàng hậu. Như vậy, có thể xác định chữ Phong là tên huý của mẹ Anh Tông, tức Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu, con gái trưởng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vợ của Nhân Tông. Còn sự khác biệt giữa Khâm từ và Thánh Từ, với lý do đã nói, có thể lý giải là do Toàn Thư chép nhầm (hoặc bản in, kể cả bản Chính Hoà thứ 18(1697) đã khắc in nhầm từ Khâm Từ ra Thánh Từ).

4. Về các chữ huý của họ ngoại:

ở lệnh năm 1299 (đã kể trên), sau khi ghi các chữ húy Toàn Thư nhận xét thêm: “nhà Trần kiêng huý họ ngoại bắt đầu từ đó” (BK6,5b). Do có quan hệ hôn nhân nội tộc, cho nên họ ngoại của các vua Trần từ Thánh Tông đến Anh Tông trong thực tế cũng chính là họ nội (xem đoạn nói về 4 bà hoàng hậu ở trên). Nhưng những người có tên được kiêng huý không phải xét theo thứ bậc chú bác (trong họ nội) của vua, mà vì họ là bố mẹ của vua. Bên họ ngoại đó, An Sinh Vương Trần Liễu và phu nhân là Thiệu Đạo quốc mẫu huý Nguyệt là 2 vị tổ ở thế thứ cao nhất. Sự hiềm khích giữa Trần Liễu và Thái Tông (do sự việc về bà công chúa Thuận Thiên) đã được giải toả phần nào khi hai người còn sống. Sau đó, với công lao to lớn và lòng trung thành tuyệt đối của Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn đối với tổ quốc và vương triều Trần, danh vọng của chi họ An Sinh càng trở nên nổi bật. Vì vậy 2 chữ Liễu Nguyệt được xếp vào hạng trọng huý, ghi thành một khoản riêng trong lệnh năm 1299 quy định hai chữ ấy khi “làm văn không được dùng”.

Hiểu chặt chẽ thì “không được dùng” có nghĩa là phải có đổi dùng chữ khác hoặc khi viết phải để trống ô chữ. Tuy vậy, qua khảo sát tìm thấy một số chữ Nguyệt viết bớt nét chứ không phải hoàn toàn không được viết ra. Mẫu chữ Nguyệt có thể có đến 4 kiểu:

+ Kiểu bên trong chỉ có một nét (hoặc gạch ngang, hoặc gạch lệch)

- ất Hợi tứ Nguyệt (bia chùa Đại Bim xã Hướng Đạo, huyện Văn Lầm, dựng năm Khai Hựu 4 (1327) đời Trần Minh Tông, N05310; Bính dần tam nguyệt( N 05310 đã dẫn).

+ Kiểu bên trong đủ hai nét ngang nhưng không đóng khít

- Tuế thứ Nhâm Ngọ niên ngũ nguyệt (bia chùa Sùng Thiên, xã Thị Đức, huyện Gia Lộc dựng năm Khải Hựu 3 (1331) đời Trần Hiến Tông, No5114).

+ Kiểu cắt một nét bên thân (trái hoặc phải)

- Tại Thanh Hóa phủ Nguyệt Nga hạng (bia chùa Sùng Thiên, No5114, đã dẫn, xem ảnh 3)

- Tư kỷ kỳ nhật nguyệt (Bia vách đá đại Bi, chùa Sùng Nghiêm, núi Vân Lỗi No20965, đã dẫn, xem ảnh 4).

+ Kiểu cắt một nét ngang qua thân chữ

- Thiên phong thập thất niên Đinh Dậu chính Nguyệt (bia chùa Phúc Hưng, xã Chỉnh Đốn, huyện Gia Viễn, dựng năm Thiệu Phong 17 (1357) đời Trần Dụ Tông, No19162)

Mấy lệ chứng trên đây cho thấy các kiểu viết kiêng huý chữ Nguyệt ở đời Trần trong thời gian lệnh kiêng huý có hiệu lực (1299_ 1395). Mặt khác cũng có thể thấy lời ghi của Toàn Thư: “Khi làm không đựơc dùng”có lẽ chỉ là cách nói để nhấn mạnh, còn thực sự thì không cấm hẳn, chỉ cần viết bớt nét hoặc làm cho biến dạng đôi chút để phân biệt với chính tự là đủ.

Đáng chú ý như chữ Nguyệt được kiêng huý khá rộng rãi cả ngữ âm: do kiêng húy từ đời Trần mà chữ Nguyệt đọc và nói chệch thành Ngoạt. Nhiều địa phương cả 3 miền nước ta vẫn quen nói: “lúa bát ngoạt” (= lúa Ba Trăng, lúa trồng trong 3 tháng). Tờ khai sắc thần làng Long Phước huyện Vĩnh Bình tỉnh Vĩnh Long (cũ) khai bằng chữ Quốc ngữ khoảng năm 1938 phiên âm dòng lạc khoản là “Tự Đức ngũ niên thập nhứt ngoạt (TV. KHXH: Q4o18/35, bản khai số 68).

- Kiền chữ thứ 2 trong tên tước 2 chữ của Phụng Kiền vương Trần Liễu (tước hiệu cũ được ban dưới thời nhà Lý, BK5, 10a). Chính âm của chữ này đọc là Kiền (cừ yên thiết), từ trước đời Trần vẫn đọc là Kiền. Đời Trần, vì kiêng huý chuyển đọc là càn. Đến nay chúng ta cũng vẫn còn quen đọc càn. Cũng do kiêng huý mà cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh) đời Lý ghi tên chữ Hán Kiền hải, đến đời Trần Anh Tông vì kiêng huý đổi tên là Cần Hải (BK6,30a). Núi Kiền Ni (xã Phủ Lý huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) còn chùa Hương Nghiêm, tên núi ghi rõ ở bia chùa này (No20957) dựng năm 1124 đời Lý Nhân Tông, sách Thiền Uyển tập anh của soạn giả đời Trần đổi chép là núi Ma Ni (tờ 63a). Bia chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi (đã dẫn) cũng ghi tên núi Kiền Ni thành Ma Ni.

- Tuấn , tên huý của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: vương vừa là bố vợ của Trần Nhân Tông, vừa là ông nội của vợ Trần Anh Tông.

- Anh, tên huý của Công chúa Thiên Thành, con gái của Thượng hoàng Trần Thừa, phu nhân của Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn, thời Anh Tông truy tôn là nguyên Từ quốc mẫu. Sở dĩ có thể xác định được tên của bà Trần Thị Anh, vì chữ Anh (trong lệnh năm 1299) xếp sau chữ Tuấn (tên chồng) và trước chữ Tảng (tên con).

Cuốn Dược sơn kỷ tích toàn biên (A.709, in ván gỗ năm Thành Thái Kỷ Hợi,1899) tuy thuộc loại sách thờ cúng Đức Thánh Trần, nhưng có phần hành trạng Hưng Đạo Vương biên soạn tuơng đối tốt. cũng ghi vương phi Nguyễn Từ quốc mẫu tên huý là Anh (tờ3b). Có điều là sách ấy ghi chữ Anh theo kiểu “thượng tòng thảo, hạ tòng ương” thì hẳn đó là cách ghi của người làm sách đời Nguyễn, chứ không phải mẫu chữ huý đời Trần.

Gần đây Phòng bảo tàng Hải Hưng mới phát hiện trong bia tháp Viên Thông chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh) dựng năm Đại trị thứ năm (1362) đời Dụ Tông(12). Chúng tôi chưa có dịp xem bia hiện vật, nhưng đã được ông Hà Văn Tấn giúp cho xem bản rập của bia này: mặt trước của bia rập khá mờ, mặt thứ 2 rõ hơn, trên mặt đó có hai chữ Anh (đều ghi miếu hiệu Anh Tông) khắc chữ kiêng huý theo dạng: 英 (so với chính tự thì nét ngang giữa thân chữ huý này thu ngắn lại, không thòi ra hai đầu). Đó là một mẫu chữ thêm vào bộ sưu tập chữ huý đời Trần.

- Tảng, tên huý của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng con thứ 3 của Hưng Đạo Vương, con gái của ông là vợ của Anh Tông. trước được phong là Thánh Tư phu nhân, sau lập làm Thuận Thánh hoàng hậu.

Như vậy là trong lệnh năm 1298 và 1299 còn đến 5 chữ Nguỵ, Châu, Thấp, Nam, Tô chưa biết rõ là tên húy của người nào. Trong đó, 2 chữ Nam hiện đã tìm được cứ liệu chữ mẫu:

- Nam

+ Câu đã dẫn ở bài kí khắc chuông Quán Thông Thánh ở Bạch Hạc (No4997) “...thừa hứng nhập nam” có thể thấy rõ chữ Nam 南 khắc bớt một nét sổ ngắn trong lòng chữ (xem ảnh 5).

+ Bia chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi (N020965) đã dẫn có câu “Kì Nam ấp trường giang...” (Phía Nam có sông dài bao quanh...) có thể thấy rõ (ảnh 6) phần bên trong của chữ Nam được viết tựa như chữ “ngọ”,tức là cố ý bớt một nét phẩy, ngắn ở trên. Về cách đọc và nói, chữ Nam cũng thuộc loại kiêng âm khá rộng rãi: Nam ® Nôm(= chữ hoặc tiếng nói của người nước Nam), Nam ®→ Nôm(= gió thổi từ phương Nam tới) vv...

- Tô:

+ Bia khắc ở bệ Phật Tam thế chùa xã Ngọc Đình, tổng Thủy Cam, huyện Từ Liêm (nay ngoại thành Hà Nội) năm Long Khánh thứ 3 (1375) đời Duệ Tông (No19582) ghi họ tên một tín chủ là Tô Nghĩa, tự thủ Phận Cư Sĩ với chữ viết kiêng huý 蘇: bớt một nét cuối, thay bằng một vòng tròn nhỏ (ảnh 7) như kiểu chữ Thừa (Thặng) đã dẫn ở ảnh 1 và 2.

5. Một số chữ huý khác

Trong lời bình về chính sự dưới thời Minh Tông, Ngô Sỹ Liên cho biết Minh Tông “có một quyển sổ nhỏ biên những chữ huý không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung nhân”... “phàm kẻ thần hạ người nào cùng tên (với thân thuộc vua) tất đổi cho tên khác, như người tên là Độ đổi làm Sư Mạnh vì cùng tên với Thượng phụ {Trần Thủ Độ} tên là Tung thì đổi làm Thúc Cao, vì là cùng tên với Hưng Ninh vương (Trần Tung con trưởng của An Ninh Vương) (BK6,32b). Theo lời của họ Ngô, chúng ta được biết dưới thời Minh Tông (và có thể thời Anh Tông nữa) có một số chữ huý có phạm vi hẹp trong họ tông thất và các quân tại triều. Những chữ huý ấy tuy không đưa vào lệnh ban bố chính thức, nhưng kiêng không nói đến, đối với trường hợp trùng tên thì phải đổi.

IV. Vài nhận xét chung.

1. Lệ kiêng húy chữ viết ở nước ta chỉ bắt đầu từ đời Trần. Dưới thời Thái Tông. Thánh Tông và Thánh Tông chứ kiêng tên huý của vua là Thượng hoàng, có truy gia của ông nội Thái Tông là Trần Lý, Định lệ kiêng huý đời Trần chủ yếu ban định thời Anh Tông; trong 21 năm ở ngôi, ông vua này đã 6 lần xuống lệnh kiêng huý họ ngoại (cha mẹ của Hoàng hậu) là một đặc điểm riêng của định lệ kiêng huý đời Trần.

2. Quan khảo sát bi kí đời Trần còn lại, có thể thấy các định lệ kiêng huý đã được tuân thủ rộng khắp cả những nơi xa kinh kỳ (như: quán Thông Thánh ở Bạch Hạc; chùa Phúc Hưng ở Gia Viễn, Hà Nam Ninh chùa Thanh Mai ở Chí Linh Hải Hưng....; về ngữ âm cũng có những biến đổi phổ biến trong cách đọc (và nói) các chữ huý, như) Nguyệt ® ngoạt, Nam ® Nôm, Kiền→ càn và cả Thằng (Thặng) ® thừa nữa.

3. Đối với họ tên người, tên đất, tên gọi chức quan: đổi dùng chữ khác (như Lý - Nguyễn, Tung - Thúc Cao; Kiên Ni - Ma Ni; Ngự sử trung thừa - Ngự sử trung tán...). Những chữ huý khác khi gặp cần phải xử lý theo cách viết bớt nét (khuyết bút). ở vị trí bớt nét có khi khuyên một vòng nhỏ để đánh dấu (như ở chữ Thừa, chữ): Đó là một kiểu kiêng huý đặc biệt Việt Nam, không thấy có lệ chứng trong các công trình sưu tập, nghiên cứu chữ huý của Trung Quốc(13). Và cũng chỉ riêng có ở đời Trần, không thấy kiểu viết kiêng huý như vậy ở đời Lê hoặc đời Nguyễn về sau. Nét viết bớt thường là nét cuối cùng, nhưng không nhất thiết chỉ bớt ở nét cuối cùng (như chữ Nam ở ảnh 6). Cá biệt cũng có chữ không bớt nét, khi viết chỉ cần chú ý thể hiện đủ để phân biệt với chữ bình thường (như chữ Nguyệt với hai nét ngang lửng, hoặc chữ Anh với nét ngang ở thân rất ngắn, không thòi đầu).

4. Ở đời Trần chưa có kiểu viết chữ huý bằng cách đảo vị trí các bộ phận chữ, hoặc thêm bộ ký hiệu 4 hay 3 nét gãy (巛,巡) như kiểu viết chữ huý thường thấy từ đời Lê về sau.

Văn bản thư tịch, bi ký đời Trần còn lại không mấy, tự liệu về các định lệ kiêng huý ở thời này cũng rất ít. Nhưng việc nghiên cứu chữ huý là cần thiết đối với công tác thực tiễn chúng tôi hi vọng rằng việc nhận diện các chữ huý và thể thức kiêng huý ở đời Trần, kể cả những chữ đã nói đến trong bài này và những chữ khác còn có khả năng phát hiện thêm, sẽ giúp chúng ta có căn cứ để giám định các văn bản, bi ký của thời kỳ này, nhất là đối với những trường hợp có nghi vấn về niên đại, hoặc điều ghi về niên đại chính xác bị mất thiếu, mờ mòn.

CHÚ THÍCH

(1) Cột kinh phát hiện được ở cố đô Hoa Lư, hiện đã đem về trưng bày ở Viện Bảo tàng lịch sử, Hà Nội.

(2) Xem: Thơ văn Lý Trần, T.1, Nxb KHXH, 1972. Sách có in nguyên văn chữ Hán, nhưng vì in theo lối giản thể nên không tiện dùng cho việc nghiên cứu chữ húy.

(3) Bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư. Kỷ nhà Tràn ở tập II (Nxb KHXH, 1967). Để tiện việc nghiên cứu chữ húy, trong bài này chúng tôi có chú dẫn xuất xứ theo nguyên văn chữ Hán ở bản in năm Chính Hòa 18 (1697). Số trang tờ ở bản này cũng giống như ở bản A.3 Viện Nghiên cứu Hán Nôm BK5, BK6... là chữ viết tắt: phần Bản kỷ quyển 5, 6...

(4) Đây là trường hợp người viết suy từ lệ kiêng húy đương thời để viết kiêng húy của các vua triều trước, ở Trung Quốc cũng có những lệ chứng tương tự (Xem Trần Viên - Sử húy cử lệ. Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1962, tr. 80).

(5) Xem Trùng tu Quảng vận (bản in phỏng khắc theo bản đời Tống), Thượng Hải, Trung Hoa thư cục, Tập 2, tr. 34-35. Các từ điển đời sau như Khang Hi tự điển, Trung văn đại từ điển... đều có dẫn cách ghi âm của Quảng vận. Cũng xem: Đinh Thanh Phụ: Cổ kim tự âm đối chiếu thủ sách. Bắc Kinh, Khoa học xbx, 1958.

(6) Sự đặc thù không riêng với âm Thừa, mà nói rộng ra là cả vần ưa nữa: ở các vần khác, âm Hán Việt có khi thống kê được 15 - 25 trường hợp có ghép vần. Riêng vần ưa, ngoài chữ hứa (xuất phát từ vần Lữ) chỉ có 1 âm Thừa mà thôi. GS Nguyễn Tài Cẩn cũng nhận đó là một cách đọc hơi lạ, tuy về âm lý có thể giải thích được: Có thể nghĩ đến sự biến đổi theo tiền lệ đã có trong tiếng Việt như chả/chẳng: rụng phụ âm cuối ng, sau đó a ® ưa (như lả/lửa)... Cũng có khả năng biến đổi do phương ngữ tiếng Hán như B. Karlgren đã ghi trong Etudes sur la phonologie chinoise: một số nơi ở Sơn Tây, Cam Túc không có phụ âm ng. Nếu theo nguồn đó vào Việt Nam thì âm Thằng (Thặng) cũng có thể không có phụ âm ng (Xin cám ơn GS Nguyễn Tài Cẩn đã giúp cho gợi ý quí báu - Tg.).

(7) Từ đời Lê Ngọa Triều (1006 - 1009) trở về sau tên gọi quan chức nước ta đại thể dựa theo quan chế đời Tống (Toàn thư, BK1, 27b).

(8) Toàn thư (BK5, 1a) còn ghi Thái Tông khi chưa lên ngôi có tên là Bồ (= cây cỏ bồ), nhưng chữ đó không thấy ghi trong các lệnh kiêng húy.

(9) Có cơ sở để đoán định truyền bản ANCL chép hoặc khắc in nhầm: tách chữ Mạnh (gồm 2 phần trên chữ thiên, dưới chữ Minh, thành 2 chữ Thiên Minh).

(10) Như nói phu nhân của Trần Quốc Tuấn là bà họ Lý con gái vua Lý Huệ Tông (?), hẳn là nhầm với bà Hiền Từ. Hoặc nói Thái Tông có người con gái thứ 3 (chị của An Tự Công chúa) hiệu là Sầm Quế (?), có Sầm lâu tập lưu hành ở đời. Đúng ra theo Toàn thư, cũng như Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn và Văn tịch chí của Phan Huy Chú, thì Sầm lâu tập là tập thơ của Uy Văn vương Trần Toại.

(11) Trong Lược truyện tác gia Việt Nam (in lần thứ 2, Nxb KHXH, 1971, T1, tr. 153) soạn giả ghi “Trần Thái Tông là con của Trần Thừa và bà Lê Thị Phong” có thể là nhầm do sử dụng tư liệu ở Trần gia ngọc phả.

(12) Xem Tăng Bá Hoành: Sưu tầm, bảo vệ, và khai thác nguồn tư liệu văn bản Hán Nôm ở Hải Hưng - Tập san Nghiên cứu Hán Nôm số 1, 19984, tr. 45.

(13) Xem: Lục Phí Trì: Lịch đại đế vương miếu thuỵ niên huý phả, soạn năm Càn Long ất Mùi (1775), Thượng Hải, Trung Hoa thư cục, hiệu san, không đề năm; và Trần Viên: Sử huý cử lệ, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục. 1962.

TB

TÌM HIỂU CHỮ NÔM CÓ DẤU PHỤ TRONG HỆ THỐNG CẤU TẠO CHỮ NÔM

LÊ ANH TUẤN

Chữ Nôm có kí hiệu phụ - một đặc điểm đặc thù trong loại chữ Nôm sáng tạo, được các học giả chú ý từ lâu. Loại chữ Nôm có dấu phụ này xuất hiện trên các văn bản không nhiều so với các kiểu cấu tạo chữ Nôm khác.Tiền đề của loại này là loại chữ Nôm mượn nguyên chữ Hán và đọc chệch âm đi, thí dụ “quần” (Hán) đọc “còn ” (Nôm); “an” (Hán) đọc ăn (Nôm) ; “la” (Hán) đọc “là” (Nôm) vv...

Điều đáng chú ý là: Qua khảo sát các văn bản Nôm từ thế kỷ XVvề sau, hai loại chữ Nôm - đọc chệch âm và chữ có dấu phụ cùng tồn tại song hành cho tới khi chữ Hán, chữ Nôm được thay thế bằng chữ Quốc ngữ. chữ Nôm đọc chệch âm, trong thực tế giảm dần so với các kiểu loại cấu tạo khác, cũng như loại chữ đọc theo âm cổ: trăng (ba + lăng), treo (cự + liêu), trống (cổ + lộng)... tỷ lệ nghịch với loại cấu tạo kiểu hình thanh. Điểu này phù hợp với quy luật phát triển của Tiếng Việt và khả năng hoàn thiện của chữ Nôm. Bài này, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn để hình dung đôi nét diện mạo, vai trò của loại chữ mang dấu phụ trong các kiểu loại chữ Nôm sáng tạo.

a) Trước thế kỷ XV, tình hình các văn bản chưa có căn cứ chắc chắn, chữ Nôm chỉ thấy xuất hiện lẻ tẻ xen lẫn trong các văn bản chữ Hán chủ yếu trong các văn bia, và loại chữ có dấu phụ hầu như chưa thấy có.

b) Đến thế kỷ XV, một tác phẩm văn học Nôm đồ sộ, thuộc loại nguyên vẹn và xưa nhất còn lại tới ngày nay là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (dĩ nhiên trong khảo sát chúng tôi không loại trừ khả năng pha trộn những hiện tượng cấu tạo thời kỳ sao lại). Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ Quốc âm(1) với tổng số 9416 chữ Nôm. Loại ra những kiểu cấu tạo khác, chữ Nôm có kí hiệu phụ còn lại là 64 chữ, chiếm 0,68%. Trong Quốc âm thi tập thấy xuất hiện dấu phụ “cá” và “nhỏ” .

Ví dụ:

- Chữ Nôm “tóc” trong: trong “Thì nghèo sự biến nhiều bằng tóc ” (bài 46).

- Chữ Nôm “ngõ” trong “Ngõ tênh hênh nằm cửa trúc” (bài 6).

- Chữ Nôm “mọc” trong “Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi” (bài 19) vv...

Loại chữ Nôm có dấu phụ “cá” hoặc “nhỏ ” này chiếm một tỷ lệ không đáng kể so với các kiểu cấu tạ khác trong Quốc âm thi tập.

- Cuối thế kỷ XV, thấy có hiện tượng chỉ dùng dấu phụ (nháy) như trong câu sau đây ở Hồng Đức quốc âm thi tập):

“Bới lông mựa nỡ tìm nơi vết” (bài 18) . Chữ “vết” viết .

Trong Hồng Đức quốc âm thi tập(2) cá biệt trong trường hợp dùng dấu phụ khẩu - theo chúng tôi có lẽ do người sao chép đời sau đã ghi thêm vào như:

Chữ Nôm “vui” trong câu: “Thục nữ tơi bời vui cửi dệt” (bài 46). Chữ này, trong Quốc âm thi tập , hết thảy dùng chữ “bôi” (Hán Việt) đọc chệch thành “vui”.

Sang thế kỷ XVI, trong cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa(3) chỉ thấy ký hiệu phụ khẩu. Xét một đoạn trong hoà cốc bộ không thấy dấu phụ nào khác ngoài một lần dùng dấu phụ khẩn trong số 182 chữ Nôm:

“Bạch san gạo giã dư trăm tiếng chày” (chữ “giã” trong “giã gạo” gồm hai chữ “giã” (Hán Việt) + dấu phụ “khẩu”).

c) Tới thế kỷ XVII, trong Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú(4) Thập tam phương gia giảm(5) tình hình hơi khác một chút, lẻ tẻ xuất hiện dấu phụ (cá).

Sách Thập tam phương gia giảm có 41 chữ mang dấu phụ trong số 8546 chữ ; chúng tôi xem xét một đoạn 266 chữ, thấy chỉ có một trường hợp dùng dấu phụ khẩu. Trong các văn bản Nôm thế kỷ XVI, XVII có sự đan chéo cách dùng dấu phụ. Nhưng ở giai đoạn sau, kí hiệu dấu phụ khẩu đã dần dần thay thế các kí hiệu dấu phụ “cá” “nháy” và “nhỏ”.

d) Thế kỷ XVIII, XIX, giai đoạn nâng cao tương đối ổn định của chữ Nôm, thời kỳ nở hoa của văn học viết bằng chữ Nôm, đánh dấu bước phát triển huy hoàng của văn tự Nôm.

Tác phẩm Nôm tiêu biểu cho Thế kỷ XVIII, XIX phải kể đến Tam thiên tự toản yếu, Đại nam quốc sử diễn ca, Đoạn trường tân thanh.

Trong Tam thiên tự toản yếu với tổng số 3000 chữ, có 39 chữ mang dấu phụ(6). Khảo sát 50 tờ đầu sách Đại Nam quốc sử diễn ca với 9880 chữ, có 72 chữ mang dấu hiệu phụ(7).

Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (bản Kiều Oánh Mậu, 1902), sau khi khảo sát cho thấy: các chữ mang kí hiệu đọc chệch, hết thảy đều dùng dấu hiệu phụ “khẩu” ; các dấu “cá” “nháy” và “nhỏ” không còn xuất hiện nữa. Theo thống kê trong Đoạn trường tân thanh có 44 chữ mang dấu phụ “khẩu ” (không tính số lần lặp lại). Hầu như các chữ có dấu phụ “cá” “nháy” và “nhỏ” ở các tác phẩm thế kỷ trước, đến giai đoạn này hoặc dùng dấu phụ khẩu thay thế có điều cần nhắc lại trong giai đoạn thế kỷ XVIII, XIX, số chữ nôm sáng tạo đã tăng lên rõ rệt so với loại chữ Nôm vay mượn . Xu thế hình thanh hóa kiểu gồm hai thành tố y + âm chiếm ưu thế hơn. Hẳn ở thời kủ này chữ có ký hiệu phụ chững lại ở trạng thái ổn định bằng dấu phụ khẩu.

Trong Đoạn trường Tân thanh(8) có những chữ mang dấu phụ chỉ xuất hiện một lần như bẽ (bẽ bàng) gồm dấu phụ “khẩu” biểu thị đọc chệch + chữ “bỉ” (Hán Việt) biểu âm ; chau (chau mày) gồm dấu phụ khẩu + chữ “giang” (Hán Việt) biểu âm vv... có những chữ Nôm có dấu phụ khẩu + chữ di (Hán Việt) biểu âm.

Ở các tác phẩm Nôm Lục Vân Tiên(9) của Nguyễn Đinh Chiểu ta thấy:

Trong 50 trang đầu, chữ mang dấu phụ “khẩu chiếm 24,72% trong số cách chữ có bộ thủ “khẩu” 口 ghi ý + chữ Hán ghi âm và chữ mang dấu phụ “khẩu” kí hiệu đọc chệch. Cũng như trong Đoạn trường tân thanh trong Lục Vân Tiên chỉ duy nhất dùng dấu phụ “khẩu” ngoài ra không dùng ký hiệu nào khác, ví dụ:

- “Sao dời vật đổi còn gì mà trông”, chữ “đổi” (dời đổi) gồm dấu phụ “khẩu”+ “đối”(Hán Việt) ghi âm.

- “ Vái cùng nguyệt lão hỡi ông”, chữ “ vái” (vái lạy) gồm dấu phụ “khẩu” + “bái” (Hán Việt) ghi âm vv...

Sau khi điểm qua các tác phẩm Nôm đại biểu cho từng giai đoạn phân kỳ, chúng tôi có mấy nhận xét sau:

Một là, chữ Nôm sáng tạo theo kiểu ký hiệu phụ nhằm thông báo cần phải đọc chệch âm, chỉ thấy có 4 dấu phụ trong các văn bản. Đó là các dấu cá, nháy, nhỏ và khẩu.

Hai là, các văn bản Nôm thế kỷ XVchủ yếu dùng chữ Hán ghi âm đọc chệch. thảng hoặc dùng dấu phụ thì chỉ thấy xuất hiện dấu phụ “cá” “nháy” và “nhỏ” không thấy dấu phụ “khẩu”.

Ba là, các văn bản Nôm thế kỷ XVIII, XIX, bắt đầu lẻ tẻ xuất hiện các dấu hiệu phụ “khẩu”. Mặt khác vẫn tồn tại các dấu “cá”, “nháy” “nhỏ” , nhưng xu hướng những ký hiệu phụ “khẩu’ đươc dần dần thay thế các dấu phụ khác.

Bốn là, thế kỷ XVIII, XIX, trong các văn bản Nôm, dấu phụ “khẩu” chiếm ưu thế tuyệt đối, được coi là đại biểu chính thức của dấu phụ để tạo nên chữ Nôm sáng tạo có gia thêm thành tố phụ biểu thị đọc chệch âm. Các dấu phụ “cá”, “nháy” “nhỏ” hầu như mất hẳn(10).

Năm là, ngoài 4 dấu hiệu phụ cá, nháy, nhỏ và khẩu ở trên còn có hai dạng đặc biệt khác. Đó là “cự ” 巨 và “tư” 司. “Cự ” vốn là một ý phù, trong các chữ như “to” (cự + tô), “lớn” (cự + lại) . Nhưng cũng có khi nó được dùng như một dấu phụ, biểu thị đọc chệch âm. Ví dụ “sửa sang”: “sửa ” (cự + lang).

“Tư” (ty) được dùng như một dấu phụ trong các chữ “bốn” (tứ + tư) ; gương (khương + tư), “vui” (bôi + tư)...

Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm trường hợp dấu phụ khẩu “khẩu” vừa là một ý phù, biểu đạt ý nghĩa, vừa là một dấu phụ biểu đạt đọc chệch âm. Nhưng ở trong chữ Nôm “khẩu” bao giờ cũng có vị trí này có thể gây nên sự nhầm lẫn trong khi đọc và lý giải chữ Nôm có ký hiệu “khẩu”.

Cuối cùng, có thể thấy được xu thế chuẩn hoá dấu phụ trên bước đường phát triển của chữ Nôm. Đó là một quá trình phủ định, thay thế nhau, từ dấu cá, nháy, nhỏ và cuối cùng là khẩu, mặc dù dấu phụ này mới chỉ ra một cách đọc “chệch” một âm “tương đối” đúng, chứ chưa phải là một cách ghi âm chính xác.

CHÚ THÍCH

(1) Quốc âm thi tập, Phúc Khê tàng bản, 1868, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm A. 139.

(2) Hồng Đức Quốc âm thi tập, sách chép tay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm AB. 292.

(3) Cuốn Tự điển chữ Nôm giải thích chữ Hán gồm 39 loại bộ, ký hiệu AB. 372.

(4) Sách của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv 1491.

(5) Như trên, ký hiệu AB. 306.

(6) (7) Theo thống kê của Lê Quán trong Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb KHXH. 19??, tr. 177.

(8) Bản Kiều Oánh Mậu, in năm Thánh Thái Nhâm Dần, 1902.

(9) Bản chữ Nôm của Trần Nguyên Hanh trong Lục Vân Tiên ca diễn của A.des Michels in năm 1883, tại Paris.

(10) Ở một số văn bản Nôm, tình hình sử dụng dấu phụ có thể không nhất trí với nhận xét trên. Điều này cũng dễ giải thích, vì những văn bản này, do người sau sao chép, ít nhiều đã mang dấu vết văn tự của thời đại người sao chép.

TB

SO SÁNH CÁCH DỊCH DANH TỪ CỦA BẢN NÔM CHINH PHỤ NGÂM HIỆN HÀNH VỚI BA BẢN DỊCH NÔM KHÁC

NGUYỄN DANH ĐẠT

Nói đến văn bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành hẳn mọi người dễ thừa nhận rằng đây là một kỳ công, nó không chỉ phản ánh rèn luyện gian khổ để đạt đến trình độ nghệ thuật xuất sắc cuả cá nhân người dịch mà còn phản ánh cả trình độ ngôn ngữ và văn học của dân tộc ta trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Để làm sáng rõ, trong phạm vi bài này, chúng tôi xin phép được khảo sát riêng về cách dịch danh từ mà theo ý chúng tôi, đã tập trung được những nét đặc sắc của bản dịch.

Trước hết cách làm của chúng tôi là thống kê phân loại những danh từ có trong nguyên tác rồi đem so sánh với những từ ngữ chuyển đổi tương ứng trong các bản dịch khác nhau(1). Sau đó mới phân tích tìm nguyên nhân của những trường hợp chuyển dịch. Để có thể tiến hành được, dựa theo ý nghĩa và mô hình câu Hán văn của từng đơn vị từ ngữ đã được bản Nôm chuyển đổi, chúng tôi tạm thời chia ra làm ba loại chính theo ba hạng sau đây:

a) Dạng nguyên: là dạng gồm những từ ngữ:

- Nguyên cấu trúc là âm đọc Hán Việt. Ví dụ: Hịch, nguyệt.

- Cấu trúc và âm đọc đã chuyển sang Việt. Ví dụ: Bán dạ: nửa đêm.

- Cấu trúc và âm đọc đã chuyển sang Việt, trong đó đã có thêm hoặc bớt đi một số yếu tố do đặc trưng ngôn ngữ Việt quyết định. Ví dụ: Hồng nhan: Khách má hồng(thêm: “khách”). Hàm Dương: chốn Hàm Dương (thêm: “chốn”). Kỳ Lân đài: Đài Lân (bớt: “kỳ”).

b) Dạng đổi: Những loại này có nguyên nhân là do đặc trưng giữa hai ngôn ngữ khác nhau hoặc là do văn cảnh và cách lĩnh hội nội dung nguyên tác khác nhau của người dịch, cho nên những từ ngữ Hán Việt trong nguyên tác không đi theo hướng như trên mà được chuyển sang một dạng khác với mục đích là miêu tả nội dung ý nghĩa của từ ngữ nguyên tác.

Ví dụ: Long tuyền(nguyên là tên riêng của một thanh gươm quý) dịch là “gươm”

Tạc dạ phòng (nguyên nghĩa là: phòng đêm qua) dịch là “buồng cũ chiếu chăn”.

c) Dạng lược: Đó là những từ ngữ có trong nguyên tác nhưng khi đối chiếu với bản dịch Nôm, chúng tôi không thấy có sự hiện diện của những từ Nôm tương ứng mà được hàm ẩn dưới những dạng khác nhau trong câu thơ Nôm. Ví dụ: “vân hoàn mấn” trong câu “vị quân sơ truất vân hoàn mấn(xin vì chàng mà chải chuốt mái tóc mây), ” nhưng tác phẩm lại dịch là: “xin vì chàng rũ lớp phong sương”. Ở đây, cụm danh từ “mớ tóc mây” đã ẩn cả vào trong câu thơ trên. Trường hợp này chúng tôi xếp vào loại không địch và gọi là dạng lược. Trên cơ sở như vậy, chúng tôi tập trung khảo sát 603 danh từ có trong tác phẩm theo 3 dạng đã trình bày. Sau đây là kết quả cụ thể:

1. Kết quả chung khi so sánh với các bản dịch khác.

Căn cứ vào nguyên tắc phân chia trên, sau khi khảo sát 603 danh từ Hán Việt có trong nguyên tắc, so sánh với cả 4 bản dịch(chúng tôi gọi bản dịch hiện hành là bản A, các bản khác là B, C, D) chúng tôi thấy tình hình diễn ra như sau:

Qua bản tổng hợp trên, chúng tôi thấy tình hình chung cả 4 bản dịch đều có sự tương đương về phương thức chuyển hoá danh từ: dạng nguyên trên dưới 60 %; dạng đổi trên dưới 20%; dạng lược cũng vậy, khoảng trên dưới 20%. Tình hình đó cho thấy mức độ nhận thức đối với nội dung nguyên tác của các bản dịch cũng đã đi sát nhau tương đối. Cả 4 bản dịch đều thể hiện rõ khả năng chuyển hoá danh từ Hán Việt sang Nôm là rất phong phú và đa dạng. Đọc tất cả các bản dịch, mọi người dễ nhận thấy sự diễn biến và mức độ phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt. Đặc biệt ở bản dịch hiện hành, với mức độ Việt hoá cao của nó, từng chữ, từng câu, đã trở thành những viên ngọc quý tiêu biểu cho ngôn ngữ đẹp đẽ, trong sáng của văn chương Việt Nam.

2. Riêng đối với bản Nôm hiện hành:

Tuy vậy, vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng.Đến đây một câu hỏi đặt ra và cần được giải đáp, đó là bản dịch hiện hành đã đi theo hướng như thế nào mà đạt được trình độ cao về nghệ thuật như thế”.

Dựa vào tài liệu thống kê được, ở đây chúng tôi cũng sẽ phân tích và bình luận về ba dạng khác nhau của việc chuyển dịch từ Hán Việt sang Nôm như sau:

TT Các bản dịch Nôm Dạng nguyên Dạng đổi Dạng lược
1 2 3 Tổng số
SL % SL % SL % SL % SL % SL %
1 A 54 8 118 31 151 25 393 65,17 09 15,42 117 19,40
2 B 66 10 213 35 137 22 416 68,19 115 19,07 72 11,94
3 C 55 9 181 30 131 21 367 60,93 121 20,1 115 19,07
4 D 48 7 204 33 95 15 347 57,54 132 21,89 124 20,56

Dạng nguyên: Dạng này có tất cả 393 trường hợp chiếm 56,7%, trong đó, có 54 trường hợp giữ nguyên âm đọc Hán Việt, chiếm 8%. Khi nghiên cứu những trường hợp này, chúng tôi thấy trên đại thể, các danh từ này phần lớn đều đã hoàn toàn lọt vào trong hệ thống các tự ngữ Việt. Các danh từ này đều có thể đứng độc lập như những danh từ thuần Việt khác.Đây là một bước tiến khá dài của dịch phẩm hiện hành trên con đường Việt hóa từ ngữ HánViệt. Nó không những đã vượt xa các dịch phẩm Chinh phụ ngâm khác mà còn là một mẫu mực cho một lối diễn đạt trong sáng theo cách nói và viết của người Việt. Vể điểm này có lẽ chúng tôi không cần phải bàn thêm. Đây chỉ xin nêu lên một số trường hợp ở các bản dịch khác chứng tỏ ở đó các dịch giả đã chưa thoát được khỏi ảnh hưởng của Hán Ngữ, do đó mức độ Việt hoá còn bị hạn chế. Ví dụ:

TT Danh từ Hán Bản Nôm A dịch Cách dịch của các bản Nôm khác
1 Vũ thần Quan võ B: kẻ vũ thần
2 Thê noa Thê noa B: tình duyên
C: nỗi vợ con
D: tình thất gia
3 Oán Oán B: Giận thiết tha
C: Giận
4 Trượng phu chí Chí làm trai B: Trượng phu
5 Mã cách Da ngựa B: Mã cách

Còn hiện tượng “thêm bớt” thì ở văn bản có 151 trường hợp, chiếm 33%. Khi phân tích hạng này, chúng tôi thấy có những đặc điểm sau:

Nguyên tác viết:

Thiên địa phong trần,
Hồng nhan đa truân,
Du du bỉ thương hề, thuỳ tạo nhân.

Bản dịch hiện hành:

“Thủa trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên,
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”.

Ở câu thơ Nôm trước các danh từ trời đất, gió bụi, má hồng, truân chiêm là những từ ngữ Việt có thể nói là biểu hiện những khái niệm tương đương với các chữ Hán: Thiên địa, phong trần, hồng nhan, truân, tác giả đã thêm các từ thuở (thuở trời đất), cơn (cơn gió bụi), khách (khách má hồng) theo những đặc trưng cho phép của ngôn của ngôn ngữ Việt khiến cho câu văn thêm cụ thể, thêm sáng, Điều đó nếu đem đối chiếu với các bản dịch khác thì càng dễ thấy:

Bản B: Trời đất thủa gió bay bụi nổi
Khách hồng nhan nhiều nỗi truân chuyên
Kìa thăm thẳm nhẽ thương nhiên
Uẩy ai gây dựng nhân duyên lỡ làng?
Bản C: Nào trời đất nổi cơn gió bụi
Kẻ hồng nhan nhiêu nỗi gian truân
Kìa xanh thăm thẳm mấy lần
Duyên này ai khéo xây vần cho nên?
Bản D: Trên trời đưới đất bụi bay
Má hồng phận bạc đắng cay nhiều bề
Vòi vọi kia ngõ hay chẳng tả
ấy vì ai tạo hoá nhân duyên?

Trừ bản D, bản dịch có nhiều chỗ không sát đúng với tinh thần nội dung nguyên tác, (câu đầu đã diễn tả một cảnh tượng trời đất gió bụi chung chung, không làm người đọc có liên tưởng với cảnh tượng chiến tranh. Nhân vật chịu nỗi cơ cực ở nguyên tác là tất cả mọi người phụ nữ nói chung chứ không riêng gì “má hồng phận bạc”, câu thơ cũng chưa nói thoát), thì bản B và C là có nhiều nét gần gũi với bản A. Tuy vậy đối chiếu với hai bản dịch trên, có điều dễ cho chúng ta phải suy nghĩ là ngoài những từ còn phải bàn như: nên dịch hay không nên dịch chữ Nhân Hán Việt thành danh từ Nôm “nhân duyên” (bản B) hay “duyên này” (bản C) hoặc còn vướng nhiều ảnh hưởng ngữ âm và cấu trúc hán như “thương thiên” (bản B). ở đây có một từ thêm vào hết sức quan trọng, nó chứng tỏ sự thâm nhập sâu sắc hay chưa sâu sắc nội dung của nguyên tác, đó là từ “thuở” (bản A, bản B) hay chữ “nẻo” (bản B). Trong hai từ thêm vào đó, từ nào thể hiện đúng nội dung nguyên tác?

Trước hết từ “thuở” là một khái niệm chỉ thời gian bắt đầu của một hành động, tương đương với các từ “buổi” “lúc” “khi” (Đái Xuân Ninh: hoạt động của từ tiếng việt NXB, Hà Nội, 1978. Tr 107), còn “nẻo” là một lối đi, một lối đi, một đường đi (Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều - phần giải thích từ “nẻo”).

Trong nguyên tác, do tính chất khái quát ca của tổ hợp thiên địa phong trần và do yêu cầu kết cấu của câu thơ không cho phép tác giả thêm những từ có tính chất xác định về thơì gian hay không gian, khiến các dịch giả khi cầm bút trở nên phân vân (bản D tránh không dịch) do đó mới có tình trạng “thuở” và thêm “nẻo”.

Ta có thể nói rằng ở đây tác giả của dịch phẩm A, B dùng “thuở” là xác đáng, vì:

- “Thuở” là chỉ phạm vi của thời gian. Đó là thời gian bao giờ cũng có khả năng hàm chứa cả không gian bên trong nó. Câu thơ dịhc thêm chữ “thuở” tiếp đến thêm chữ “cơn” (đứng trước danh từ “gió bụi”), chỉ một hiện tượng, một tình trạng đột nhiên xảy ra và có tính chất dữ dội (Đái Xuân Ninh, sách đã dẫn, tr. 107) cho ta liên tưởng ngay tính chất đột biến bắt đầu của hiện tượng, khác với “nẻo” chỉ cho ta một phạm vi có hạn định trong không gian, chữ “nẻo” ở đây nói không đúng ý nghĩa của nguyên tác.

- “Thuở” rất phù hợp với nội dung nguyên tác muốn diễn đạt. Điều đó thể hiện rõ khi ta đọc tiếp câu thơ số 8, số 9 của nguyên tác:

Thanh bình tam bách niên thiên hạ
Tòng thử nhung y thuộc vũ thần.

Chỉ thêm một chữ “thuở” trong câu đầu, tiếp đến thêm chữ “cũ” vào câu số 8 và gói kết lại với nhóm từ “từ đây” đã góp phần làm sáng tỏ dụng ý của nội dung khúc ngâm mà trong nguyên tác có khi vì lý do đặc trưng ngôn ngữ hoặc do luật thơ khiến những ý đó phải ẩn đi. Sự phát hiện ý đồ của nội dung nguyên tác để rồi thêm một số từ thích đáng vào trong bản dịch tiéeng dân tộc, đồng thời với việc kết hợp những từ ngữ có sẵn của nguyên tác tạo thành một khối hoàn chỉnh bổ sung cho nhau để làm sáng rõ nội dung nguyên tác chỉ có thể thực hiện được trong tay những nghệ sĩ có tài. Điều này thật hiển nhiên khi ta đem so sánh với bản B.

Bản B tuy cũng dựa vào một từ “thuở” thật đấy nhưng ý câu thơ yếu hơn hẳn so với bản dịch hiện hành. Lý do thật dễ thấy: Câu số 8 “thanh bình tam bách niên thiên hạ”, bản B lại dịch một ý chung chung là: “ba trăm năm dưới đời bình trị”, không ăn ý với câu sau: “Việc nhung y với kẻ vũ thần”.

- Sử dụng từ biệt loại hoặc những danh từ có khả năng mang tính biệt loại để cụ thể hoá nội dung từ ngữ Hán. Dưới đây, xin nêu ba ví dụ để so sánh giữa các bản dịch khác:

TT Nguyên tác viết Bản dịch A Bản dịch B
1 Nhất nhung yên Một cỗ nhung yên Một chiếc nhung yên
2 Công danh Áng công danh Hội công danh
3 Sơ song Bức rèm thưa Chiếc song thưa
4 Lộ nhất quần Một đàn Một cò (Bản B)

Đi đôi với việc thêm vào những từ biệt loại hết sức chính xác đối với từng danh từ như trên, nghiên cứu bản dịch Nôm hiện hành, chúng tôi còn thấy một hiện tượng đáng chú ý khác. Đó là người dịch đã cụ thể hoá hay thông tục hoá những từ ngữ mang điển cố hết sức cầu kỳ khó hiểu của nguyên tác bằng cách thêm vào trước nó những từ mang tính biệt loại như: “Sự” thêm vào trước danh từ “Phục ba” để dịch từ “Mã Viện”, “Cành”, “đoá” vào trước danh từ “Diêu”, “Nguỵ” để dịch từ “Diêu hoàng, Nguỵ tử” của tiếng Hán.

Ở đây, sự khiến người đọc dễ liên tưởng tới một sự trạng ít nhiều có tổ chức, có diễn biến, có kết thúc; còn “cành” và “đoá” khiến người đọc nghĩ ngay đây là những danh từ chung chỉ loài thực vật và các loài hoa, khác nào như “cành mẫu đơn”, “đoá hoa”...

Có thể nói đây là một hình thức Việt hoá các từ Hán mang điển cố của dịch phẩm thật là đặc sắc. Điều này không thấy có trong các bản dịch khác.

b) Dạng đổi và dạng lược.

Theo thống kê, tỷ số đổi và lược ở các bản dịch tương đối ngang nhau:

Bản A: 34,8%; Bản B: 31,01%; Bản C: 39,17%; Bản D: 42,45%.

Nhưng sở dĩ bản A, chất lượng cao hơn cả ba bản Nôm còn lại là vì bản này đã đi theo hướng mà các bản dịch khác (B.C.D) chưa làm được, hoặc làm được nhưng chưa đầy đủ. Hướng đó là: dịch phẩm luôn luôn bám sát phong cách diễn đạt của tiếng Việt, không lệ thuộc vào hình thức biểu đạt của nguyên tác Hán văn (mặc dầu ở đây nguyên tác cũng đã được Việt hoá). Dịch phẩm sẵn sàng chuyển đổi hoặc gạt hẳn những yếu tố ngoại lai khiến cho văn bản Nôm tuy là văn bản dịch mà nhiều người có cảm giác như văn làm (Hoàng Xuân Hãn). và sau đây là những hướng đi cụ thể đó:

- Từ ngữ Hán Việt sang Nôm phải đổi khác đi do những từ ngữ đó phản ánh tổ chức đời sống xã hội Hán khác Việt. Ví dụ:

Tỉnh ấp chuyển sang Nôm là nhà thôn. Ở đây danh từ không phải ở dạng nguyên như trên mà người dịch đã chuyển nghĩa theo tinh thần của nội dung từ ngữ đó. Theo các nhà nghiên cứu Hán ngữ thì tỉnh có nghĩa là giếng, ấp có nghĩa là làng xóm. Riêng chữ tỉnh cũng có nghĩa là làng xóm. Theo phép của chế độ nhà Chu xưa, mỗi một dặm đất vuông vạch theo chữ “tỉnh” làm 9 phần, mỗi phần trăm mẫu, chia cho 8 nhà (làng xóm) còn phần chính giữa là của công. Tám nhà chung sức làm phần thứ 9 ở giữa là công điền khỏi nạp thuế. Vì vậy gọi là tỉnh điền, tỉnh ấp. Cách tổ chức đó hoàn toàn khác với xóm thôn Việt Nam. Vì vậy dịch phẩm Nôm hiện hành đổi tỉnh ấ sang nhà thôn (Nhà thôn gió bụi chông chênh) là hoàn toàn phù hợp với cách nghĩ của người Việt Nam. Các bản nôm khác bỏ qua không dịch, theo ý chúng tôi có lẽ đây là một danh từ xem ra cũng khó chuyển đạt, bởi người dịch các bản Nôm B, C, D đã bị vướng về ấn tượng tổ chức xã hội Hán như đã trình bày.

Quắc: có nghĩa là cái tai bị cắt rời ra. Theo tập tục của người Hán, giết giặc cắt lấy tai trái đem về nộp lấy công là yêu cầu không thể thiếu đối với người lính khi tính công. Vậy quắc ở đây vừa có nghĩa là tai trái vừa có nghĩa là công. Bản Nôm hiện hành đã không bị lệ thuộc vào tập quán hiển hiện của từ đó mà đã dịch thành từ công (Triều thiên vào trước cung đình dâng công), trong khi đó các bản dịch khác vẫn bị ấn tượng về từ “quắc” khống chế.

Bản B dịch: “Dâng đầu Hiệt lợi chín trùng Vị ương”

Bản C dịch: “Cung Ương hiến quắc, rạng nhờ khen không”

Bản D dịch: “Cung Vị ương mấy quắc đem tâu”.

Thanh ty kỵ, hưởng điệp lang: (Ngựa thanh ty, Hiên hưởng điệp) trong câu: Quân biên vân ủng thang ty kỵ, Thiếp xứ đài sinh hưởng điệp lang.

Ngựa thanh ty vốn là thứ ngựa quý, buộc tơ xanh ở đuôi, chuyên dùng cho tướng tá cưỡi (Lại Ngọc Cang: CPNKT và GT. Tr. 375).

Hiên hưởng điệp: Vua Ngô Phù Sai cho người đào đất, bắc gỗ làm sàn cho Tây Thi đi lên trên để có tiếng vang nên gọi là “hưởng điệp lang”.

Bản dịch Nôm hiện hành đã đổi hai nhóm từ trên thành ngựa (thay cho từ “thanh ty kỵ”) và lối cũ (thay cho “hưởng điệp lang”):

Chàng dong ngựa dặm đường mây phủ
Thiếp dạo hùi lối cũ rêu in.

Trong khi đó bản B dịch: “ngựa”, “thềm hoa”.
Chàng chốn nà o ngựa len mây nổi
Chốn thiếp ngồi rêu nổi thềm hoa.

Bản C dịch: “Hàng kỵ”, “chái”:

Chốn chàng đi mây chen hàng kỵ
Chốn thiếp ngồi, chái để những rêu.

Bản D dịch: “quân kỵ”, “hưởng điệp”

Mây tuôn quân kỵ theo chàng
Rêu lang hưởng điệp là làng thiếp nương.

So sánh như thế, chúng tôi thấy bản Nôm hiện hành đã dựa hẳn vào tinh thần nội dung nguyên tác để dịch, không hề bị lệ thuộc máy móc vào các từ ngữ Hán cụ thể. Nhờ đó câu thơ dẽ trở nên thanh thoát bóng bẩy.

- Những từ ngữ Hán phải đổi hay phải lược đi vì phong cách diễn đạt ngôn ngữ Hán khác phong cách diễn đạt của ngôn ngữ Việt.

+ Tỉnh lược chủ ngữ

Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt, dịch là:

“Phép công là trọng niềm tây sá nào”, hành nhân ở đây bị lược bỏ.

Cẩm trướng quân vương tri dã vô, dịch là:

“Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ”, quân vương bị lược.

+ Tính khái quát thay thế tính cụ thể quá chi tiết của Hán. Ví dụ:

Lương nhân nhị thập Ngô môn hào

(Chàng hai mươi tuổi dòng hào kiệt họ Ngô).

Bản A dịch là:

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”.

Ở đây, tuổi 20, dòng họ Ngô đã bị thay thế bằng tuổi trẻ hào kiệt.

Khứ khứ lạc mai thanh tiệm viễn

(Tiếng hát lạc mai nghe xa dần).

Bản A dịch là:

“Tiếng địch trỗi nghe chừng đồng vọng”.

Lạc mai là một khúc nhạc cụ thể đã bị thay thế bằng tiếng địch.

Thiếp quy xứ hề tạc dạ phòng,

(Nơi thiếp trở về là phòng đêm qua).

Bản A dịch:

“Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”.

Buồng đêm qua bị thay bằng buồng cũ chiếu chăn...

Tóm lại, những từ ngữ Nôm trong bản dịch hiện hành đã phản ảnh cuộc sống văn hoá, cách suy nghĩ của người Việt luôn hướng theo thói quen dân tộc như trên đã trình bày. Bởi vậy, từng chữ từng câu trong dịch phẩm là những viên ngọc quý đậm đà sắc thái tâm hồn của người Việt. Những câu thơ đó không hề bị gò bó, không hề sa vào những chi tiết vụn vặt cầu kỳ. Đọc thơ Chinh phụ ngâm sở dĩ người đọc cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái chính là vì vậy.

CHÚ THÍCH

(1) Nguyên tác Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đã được nhiều người dịch ra Nôm. ở đây chúng tôi căn cứ vào 4 bản đã được Hoàng Xuân Hãn cho công bố để khảo sát. Xem: Chinh phụ ngâm bị khảo, Nxb Minh Tân. Paris, 1953.

TB

THỬ TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP SƯU TẦM
CHỈNH LÝ THƯ TỊCH CỦA LÊ QUÍ ĐÔN

ĐINH CÔNG VĨ

Tình hình thư tịch nước ta thế kỷ 18 đã được nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá là “chế tác đầy đủ, kỹ càng, văn hiến đứng đầu cả Trung châu, điền chương rộng cả thời đại”(1). Là nhà bác học đương thời, Lê Quí Đôn một mặt bằng những sáng tác của mình, góp phần làm giầu kho tài sản tinh thần dân tộc; mặt khác, bằng chính những công trình có tính chất sưu tầm, chỉnh lý thư tịch, đã tổng kết một cách đầy tài năng toàn bộ kho di sản tinh thần của dân tộc 5.7 thế kỷ trước đó. Những đóng góp nổi bật của ông gồm có: Việc hoàn thành bản thư mục tổng quát nhất, tập hợp những tên sách Hán, sách Nôm sưu tập được từ trước cho đến bấy giờ; việc sưu tầm những thư tịch dùng cho bộ bách khoa thư tịch về văn học, lịch sử chính trị, triết học... và những phương pháp khoa học để tiến hành chỉnh lý thư tịch như biện nguỵ, hiệu khám huấn hỗ...

Về bản thư mục thì Nghệ Văn chí trong Lê triều thông sử của Lê Quí Đôn là tấm gương thành công, phản ánh những nét cơ yếu nhất số sách của nước ta mà nhà bác học sưu tầm được. Nhà thư mục học của chúng ta có tinh thần sáng tạo, không chịu phân loại rập khuôn kiểu “kinh, sử, tập” đã có ở những người đi trước, mạnh dạn cho những tên sách thuộc “Hiến chương” sưu tập được đứng riêng thành mục loại lớn. Ông chia thư tịch sưu tập được thành bốn loại: 1. Hiến chương (có 16 tên sách); 2. Thi văn (có 66 tên sách). Tất cả gồm 115 tên sách. Mới nhìn vào số tên các bộ sách đó, ta có thể tưởng rằng số lượng thư tịch nước ta xưa kia quá ít. Song nếu nhìn vào độ dầy từng quyển, vào số quyển trong từng bộ sách, ta sẽ thấy một tình hình đáng tự hào. Riêng trong “Phương kỹ loại”, một bộ “Tam tạng kinh” đời Lý đã có 4826 quyển, một bộ “Đại tạng kinh” đời Trần đã có 2565 quyển... chứng tỏ rằng, trước Lê Quí Đôn 5 đến 7 thế kỷ, số lượng thư tịch người nước ta tích trữ và sử dụng đã không nhỏ. Đó là chưa kể số thư tịch mất mát. Trong Tựa Nghệ văn chí Lê Quí Đôn cho thấy ở đời Trần Nghệ Tông (1370 – 1372) Chiêm Thành đốt sách của ta; đời Minh, bọn Trương Phụ cướp sách ta mang về Trung Quốc; loạn Trần Cảo làm “giấy tờ sách vở rắc bỏ đầy đường”; khi triều đình (Lê Trịnh) lấy lại kinh thành, sách vở “lại bị lửa cháy”. Nếu không thế chắc rằng số sách Lê Quí Đôn sưu tập được còn nhiều hơn nữa.

Công trình thư mục của Lê Quí Đôn tuy không cho chúng ta biết đủ số nhưng đã cung cấp cho chúng ta khá đủ loại và là những loại thư tịch tiêu biểu của 7 thế kỷ soạn thảo, sáng tác, sưu tập.

Xem “Hiến chương loại”, ta có thể tìm thấy những hình thư, ngọc điệp, điển lễ, địa đồ … tiêu biểu cho các triều đại ở nước ta; xem “Thi văn loại”, tay thấy được thơ văn của vua chúa, công khanh, của người theo đạo Phật, đạo Nho. Một số sách trong đó đã mất rồi nhưng Lê Quí Đôn cũng nêu một vài đặc tính của nó. Điều này rất cần để có cái nhìn chung về kho tàng thư tịch trước đây.

Theo truyền thống cũ, ở xã hội chữ viết dân tộc chưa được nâng lên địa vị xứng đáng. Lê Quí Đôn không thể dồn chú ý vào việc sưu tầm các thư tịch viết bằng chữ Hán, và có nhẹ đi phần nào việc sưu tầm các thư tịch viết bằng Quốc âm tức chữ Nôm. Ông bỏ sót cả những thư tịch viết bằng chữ Việt nổi tiếng như thơ Quốc âm của Hồ Quí Ly, Hồ Tông Thốc, Nguyễn Trãi … Song cái đáng làm chúng ta trân trọng công trình thư mục này là ở chỗ Lê Quí Đôn không bỏ qua một số tác phẩm có tính chất mốc thời đại, có thể coi như những biên đá tảng trong nền Quốc âm Việt Nam như: ông đặt lên hàng đầu trong số những tên sách Việt tập Phi sa tập của Nguyễn Thuyên, một tập thơ đã chứng tỏ rằng cái thời kỳ chữ Nôm chỉ xuất hiện lác đác trên các văn bia ghi tên người tên đất đời Lý đã qua rồi. Từ đây bắt đầu thời, kỳ “văn thơ nước ta dùng nhiều bằng Quốc ngữ”(2). Cho nên dù còn bỏ sót mà Lê Quí Đôn vẫn có thể cho chúng ta biết một số tập thơ Nôm nổi tiếng như Quốc ngữ thi của Chu An; Bạch Vân Quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Là người từng đi sứ Trung Quốc, có dịp sưu tập các tác phẩm của những người đi sứ nước ta, đáng chú ý nhất là những tác phẩm viết bằng Quốc âm của họ, nên hơn ai hết, Lê Quí Đôn rất trân trọng tác phẩm “Sứ Bắc quốc ngữ thi tập của Hoàng Sĩ Khải và ông đã chọn xếp sách đó vào Nghệ Văn chí của mình”.

Ở nước ta thời phong kiến hiếm người viết ký bằng Quốc âm nên cũng hiếm người sưu tập đươc tác phẩm ký Quốc âm, do vậy mà việc Vũ Cận cho ra đời tập Kim Lăng ký “toàn dùng Quốc Ngữ” (Nghệ văn chí) đã được Lê Quí Đôn xem là độc đáo, chứng tỏ nhà bác học có chú ý sưu tập thể loại hiếm đó.

Ngoài ra, ông cũng không quên sưu tập các tác phẩm viết bằng Quốc ngữ trong nhiều kịp khác. Chẳng hạn: ở Kiến văn tiểu lục, mục Phong vực xứ Hưng Hoá, ông đã chép toàn văn bài phú bằng Quốc âm của Nguyễn Hãng; bài Đại đồng phong cảnh phú hay ở Đại Việt thông sử phần nói về Mạc Phúc Nguyên, ông chép được cả tờ quốc thư bằng Quốc â của Lê Bá Ly gửi các tướng sĩ nhà Mạc.

Sau việc sưu tập ở Nghệ Văn chí, trước tiên ta phải nói đến quá trình sưu tập để hình thành bộ sách “tinh tuý nhất”(3) của Lê Quí Đôn, bộ Vân đài loại ngữ. Đây không phải là một thư mục chuyên môn như “Nghệ văn chí” mà là một bộ bách khoa. Song chính vì là bách khoa mà nó phải tập trung, phải phân loại nhiều tri thức và như vậy, nó phải tìm đến nguồn tư liệu liên quan đến các tri thức đó nằm trong nhiều thư tịch Đông, Tây, kim, cổ. Lê Quí Đôn đã phải đọc và dẫn dụng trên 700 tên sách. Trong khối lượng sách lớn này, có thể phần chủ yếu là do ông đọc hoặc sưu tập được khi sứ Trung Quốc (năm 1760 - 1762). Các sách công cụ bách khoa kiểu Tam tài đồ hội, Uyên giám loại hàm... các truyện ký, dã sử, vĩ thư, Bách gia chư tử... có phần chắc là được sưu tập vào dịp đi sứ … Trong lúc cái lệnh không cho mua sách phương Bắc của Trịnh Giang còn có tác dụng, trong lúc vẫn phổ biến cái học theo lối tóm tắt của Bùi Huy Bích … đã hạn chế sự hiểu rộng của nho sĩ nước ta, thì việc sưu tập rộng rãi các loại sách này của Lê Quí Đôn là rất cần thiết và có ý nghĩa.

Có nhiều sách ở Trung Quốc liên quan tới nước ta, nhân đi sứ, Lê Quí Đôn có dịp tìm ra, giới thiệu ở bộ Vân đài. Đấy là những tư liệu đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu nước ta khi nghiên cứu về mối quan hệ Việt - Trung thời xưa. Thuộc loại sách này, có 5 mảng: 1. Thư tịch của đám người Việt lưu vong ở Trung Quốc như Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng... 2. Thư tịch chuyên bàn về lịch sử, địa lý, phong tục nước ta do các sứ giả và trí thức phương Bắc viết như An Nam tức sự của Trần Cương Trung đời Nguyên... 3. Thư tịch không chuyên, chỉ có vài đoạn trong đó đề cập đến chuyện nước ta, như Tống sử, có chỗ nói về Thái Duyên Khánh, Tri châu đất Hoạt, học cách tổ chức quân đội của An Nam... 4. Sáng tác văn học của người Trung Quốc phản ánh ít nhiều tình hình nước ta, như An Nam kinh đô bát cảnh... 5. Thư tịch nói về miền đất biên giới, có liên hệ với nước ta, như Quảng Đông tân ngữ của Khuất Đại Quân đời Thanh...

Lê Quí Đôn còn đặc biệt lưu ý sưu tập các tư liệu nói về vùng Đông Nam á. Quan hệ mật thiết với các sứ giả Triều Tiên, những người ở vùng đất “có nhiều sách mà Trung Quốc không có(4), ông rất quan tâm tới thư tịch Triều Tiên và đã sưu tập được đoạn chép Sứ Cao di lục trong sách Vân lộc mạn sách sao của người đời Tống nói về đất nước đó. Ông tìm tới hàng loạt thư tịch của người Trung Quốc nói về các nước Đông Nam Á như Sứ Lưu cầu ký, Chân lạp phong thổ ký, Hạ Tây dương ký(5)…

Dù lúc ấy, bởi tư tưởng “nội Hạ ngoại Di”, người ta chưa hết kỳ thị với ngoại ngữ, dị thư, nhưng Lê Quí Đôn, với sự khát khao hiểu biết, được đi nhiều nơi và với cách làm việc khách quan khoa học, đã vượt khỏi một số hạn chế phương Đông để bước đầu tiếp xúc và sưu tầm được một số thư tịch giới thiệu phương Tây xa xôi. Các thư tịch đó, đã dần vào bộ bách khoa, có thể chia thành hai loại sau:

1) Sách khoa học phương Tây do người Trung Quốc và các Giáo sĩ phương Tây dịch ra chữ Hán, như Khôn dư đồ thuyết của Nam Hoài Nhân(6).

2) Sách do người Trung Quốc đời Thanh viết về những tri thức tân kỳ của Tây phương, như Thuyết Linh, Kiên biểu tập...

Có thể gọi đó là những “tân thư” so với “cựu thư” của ta và Trung Quốc, mà đây chủ yếu là tân thư về khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, trước những “tân thư” của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu mang mầu sắc khải mông chủ nghĩa mà Phan Bội Châu sau này có đọc và nhắc tới.

Về thư tịch sử học: Trong lời tựa Đại Việt thông sử Lê Quí Đôn có nói tới các khó khăn trong di sản lịch sử cho ông để lại. Theo ông, người làm sử phải “xét những lời trong bia ký, mộ chí, hành trạng”, phải “căn cứ vào công luận, xén bỏ những ngoa lầm của dã sử, tiểu thuyết”. Trong Tôn chỉ và ý nghĩa trọng yếu của việc soạn sử, ông cho thấy người làm sử còn phải: “Lấy gốc ở những tài liệu ghi chép” của các quan theo rõi hoạt động hàng ngày của vua, chú ý “bài chế, bài chiếu”. Dẫn lời Trương Bật đời Tống ông khẳng định “Sử quan phải thông thiên văn, địa lý, biết lễ nhạc quân sự”. Nhà sử học, theo Lê Quí Đôn, phải sưu tầm nhiều thư tịch thuộc các loại trên, và đây thực ra không phải là điều dễ thực hiện trong hoàn cảnh sách vở bị mất mát nhiều như ở nước ta. Ông tôn trọng chính sử, nhưng không xem nhẹ các thư tịch ngoài chính sử. Ông đã tìm thấy những điều mới mẻ mà chính sử còn sót, như nhờ tìm thấy bia của Trình Thuấn Du, ông đã xác định được vai trò quyết định của người anh hùng áo vải Lê Chích trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh.

Về thư tịch văn học: Các công trình sưu tập thơ văn của Lê Quí Đôn như Toàn Việt thi lục (Tập hợp được 2391 bài thơ của 175 nhà thơ, Hoàng Việt văn hải (thu hết các tác phẩm còn sót từ Lý Trần đến Lê sơ, gồm chiếu, sách, phú, tụng, tựa, ký, tạp ký) và phần văn học trong Phủ biên tạp lục (văn bản sưu tập thơ văn nhiều nhất, sớm nhất ở chốn cực Nam Tổ quốc ta từ thế kỷ 18 trở về trước)… Tất cả đều thể hiện sự nỗ lực tối đa mà không một nhà sưu tập văn học nào ở nước ta trước đó có thể bì kịp với ông. Những tiêu chuẩn tuyển chọn chú trọng cả nội dung lẫn hình thức, cả đạo đức tác giả lẫn dư luận số đông và dành cho phụ nữ vai trò xứng đáng... của ông còn soi sáng cho các nhà sưu tập sau này.

Cách sưu tập của Lê Quí Đôn cũng thật đa dạng. Nếu ở Nghệ văn chí, tác giả còn chia tên sách tìm được thành loại, thống kê chỉ theo nhan đề là chính, thì ở Kiến văn tiểu lục mục Hiến chương, những tên sách sưu tập, được tác giả liệt kê, có chen vào phần giới thiệu các nội dung hoặc chi tiết quan trọng. Ở đây, Lê Quí Đôn không tách rời việc sưu tập với việc làm thư tịch chí (bibliography) như ở Nghệ văn chí. Đến Phủ biên tạp lục; cách sưu tập của Lê Quí Đôn là xông vào thực tế “hỏi di tích, xem lệ cũ, tuỳ bút chép ra…” Đặc biệt, ông chú ý hơn đến việc sưu tập địa phương chí, như kiểu Ô châu cận lục của Dương Văn An đời Mạc. Chưa ở tác phẩm nào Lê Quí Đôn lại có điều kiện sưu tập và đã sưu tập được nhiều tư liệu thư tịch ở nha môn hành chính như ở tác phẩm này. Kết hợp sưu tập văn bản, với sưu tập tư liệu trong đời sống; kết hợp dò hỏi với xem, nhớ và ghi chép nghiêm túc, đặc biệt là cach ghi bằng thẻ, có phê phán … một việc gần giống lối làm phít rất khoa học bắt đầu hình thành ở Châu Âu cũng vào thời gian tương đương với thế kỷ Lê Quí Đôn, là những đặc điểm nổi bật trong phương pháp sưu tầm thư tịch của nhà bác học này của nước ta.

Kết hợp chặt chẽ với sưu tầm, Lê Quí Đôn đã tiến hành chỉnh lý thư tịch với một phương pháp khoa học và tác phong thận trọng. Điều đáng khẳng định là ông đã vận dụng những tri thức của biện nguỵ học, hiệu khám học và huấn hỗ học rất thành công trong công tác nghiên cứu chỉnh lý văn bản cổ.

1) Biện nguỵ: ở nước ta không tìm đầu ra một cuốn biện nguỵ chuyên khảo như Sớ chứng cổ văn thượng thư của Diêm nhược Cừ, người Trung Quốc(7). Các nhà nghiên cứu văn bản nước ta hay đi vào biện nguỵ một phần hay một s chi tiết của tác phẩm. Lê Quí Đôn cũng vậy. Song cái hơn người của ông là ở chỗ: những ý kiến, dẫn liệu về biện nguỵ của ông dù không tập trung vào một chương, một quyển hẳn hoi, nhưng có thể tìm thấy ở nhiều nơi, nhiều đoạn văn khá phong phú và đặc biệt là rất điển hình, có thể thành gương cho người làm nguỵ biện về sau.

Bằng tri thức uyên bác, ông có thể vạch ra trong một cuốn sách, chỗ nào thực của mình, chỗ nào vay mượn của người, như ông nêu: “Sách Lĩnh Nam chích quái tương truyền tác giả là Trần Thế Pháp, nhưng những chỗ vay mượn phụ hội không kể xiết, như truyện Việt tỉnh, truyện này thấy chép trong sách Trung Quốc mà tác giả phụ hội soạn ra”. Lê Quí Đôn dẫn sách Nam Hải cổ tích ký của Ngô Lai đời Nguyên, sách Tài quỉ ký của Trương Quân Phòng đời Tống; sách Thuyết phu của Đào Tông Nghi đời Minh để chứng minh cho ý kiến của mình(8).

Cũng có khi một cuốn sách có những chỗ có vẻ là giả, khó tin là thật, nhưng là người đọc nhiều biết rộng, Lê Quí Đôn vẫn có thể tìm ra cái thật trong vô số cái khó tin ấy, như ở Kiến văn tiểu lục, ông viết: “Truyền kỳ mạn lục phần nhiều là ngụ ngôn cho nên ít người tin. Nhưng Kim hoa thi thoại nói là của Phù phu nhân thì là người thật. Cứ xem Trích diễm thi tập có chép thơ của Nguyễn Hạ Huệ và chua rằng: Nguyễn Hạ Huệ tự là Quỳnh Hương, ngưi xã Lựu Khê, huyện An Lạc, là vợ Giáo thụ Phù Thúc Hoành, Quỳnh Hương thông hiểu âm luật, có tập Mai trang lưu hành ở đời. Nay trong tập ấy, thấy có hai bài “Thái liên khúc (…) Nay ở xã Phù Lỗ, huyện Kim Hoa còn đền thờ Phù học sĩ”(9).

Lê Quí Đôn có ý phân biệt hai loại: nguỵ trang cốt truyện và nguỵ do in khắc, chứ không phải do tác giả cố ý. Về loại nguỵ thứ nhất, ông nói tới “chuyện Công Dã Tràng (ở Luận ngữ) do người quê kệch phía đông nước Tề bịa ra”; về loại nguỵ thứ hai, ông nói tới “bản khắc sách Thiếu vi thông giám nhiều chỗ sai lầm”.

Đáng lưu ý là do sự phát triển của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, càng ngày người ta càng thấy rằng việc nghiên cứu chất liệu thư tịch là rất cần cho việc xác định niên đại của nó, từ đó góp phần khẳng định mức độ chân nguỵ, hỗ trợ cho biện nguỵ học. Giăng Ma-bi-li-ôn (1632-1707), người tổng kết kỹ thuật xác định niên đại chân xác của tài liệu phương Tây qua Sáu cuốn sách về văn bản học không bỏ được ý này. Lê Quí Đôn cũng vậy. Ở Vân đài loại ngữ mục Phẩm vật Âm tự, ông dành nhiều trang nghiên cứu về giấy, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm làm và nhuộm giấy mực, dùng cây vân thảo (vân hương) để trừ mọt sách, in bản gỗ, in hoạt tự … Chính gia đình Lê Quí Đôn là một trong những cơ sở ấn loát có tiếng. Ngành cổ tự học cũng phần nào hỗ trợ cho biện nguỵ học. Ở Vân đài loại ngữ, mục Âm tự Lê Quí Đôn đã đi sâu vào ngành đó khi tìm hiểu lịch sử chữ Lệ, chữ Thương Hiệt, chữ Triện và thư pháp. Những trang bàn về chất liệu thư tịch, về cổ tự học đó của ông dù chưa trực tiếp đi vào biện nguỵ học, nhưng chính là cơ sở cho bịên nguỵ học.

2) Hiệu khám: trước Lê Quí Đôn đã có người bàn nhiều về vấn đề này. Trong Nghệ văn chí mục Hiến chương Lê Quí Đôn viết: “Sách Công văn cách thức Hoàng triều quan chế đã được hiệu định, sách Lĩnh Nam chích quái đã được Vũ Quỳnh hiệu chính”. Tức là những công việc khác nhau của hiệu khám trước thời Lê Quí Đôn đã tiến hành. Song nói như Lê Quí Đôn trong Tựa Nghệ văn chí thì lúc đó “việc so sánh từng bản và sao chép ra (…) đều không đươc qui định thành phép riêng, lệ riêng (…) gián hoặc có người chịu sao chép, thì cũng coi nhẹ viêc hiệu thù (so sánh)”.

Sống ở thời đại phong khí hiệu khám sôi nổi ở đất Bắc và theo truyền thống, do việc khảo cứu sách vở đặt ra phải so sánh nhiều văn bản khác nhau, nên dù không viết những cuốn sách lý luận qui mô, chuyên chú về hiệu khám học, Lê Quí Đôn vẫn để lại những trang (dù ít nhưng rất quí) về hiệu khám học. Ông là người rất hiếm trong chế độ phong kiến nước ta đã có ý thức đề cập tới thuật ngữ “thù hiệu” khi trích sách Biệt lục của Lưu Hướng đời Hán nói về đặc trưng của công việc hiệu thù(10).

Đi sâu vào hiệu khám, Lê Quí Đôn chú ý so sánh các dị bản, luôn luôn muốn trở lại bản lai điện mục, như nói về Lam Sơn thực lục, ông than thở “Bản cũ hãy còn” mà các công thần sao chép nhiều chữ sai, làm “mất cả sự thực, không phải toàn thư” (nguyên bản cũ), gián tiếp chỉ ra muốn hiệu khám tốt phải trở về nguyên bản. Biên soạn Toàn Việt thi lục tuy Lê Quí Đôn không nêu thật rõ cả quá trình tìm hiểu, so sánh các dị bản ra sao, nhưng chỉ cần xem bộ Toàn Việt đó bằng chữ Hán có những chỗ viết “bản khác có chép là” và xem mấy dòng chữ ở phần “Lệ ngôn” của sách này về “Gạn lọc cái tinh hoà trong trăm năm, gom góp cái thơm tho tươi mát của my mươi nhà …” ta cũng phần nào có thể hình dung quá trình hiệu khám rất nghiêm túc và công phu của Lê Quí Đôn bỏ ra ở đây.

3) Huấn hỗ: huấn hỗ vốn có truyền thống lâu đời ở Trung Quốc và ở ta. Song ở ta phải đến thời Lê Quí Đôn mới có những cách tân thật sự. Với nước ta, Lê Quí Đôn là người đầu tiên nói tới thuật ngữ “huấn hỗ” với tư cách là một khoa học. Ở Vân đài loại ngữ mục Âm tự, điều 3, ông khẳng định: “Không có khoa học huấn hỗ thì không phân biệt được ý nghĩa”. Theo ông, khoa học huấn hỗ “cốt yếu là để vận dụng vào tìm nghĩa sách” vì ông đã thấy được tầm quan trọng trong câu nói đầy hình tượng của Vương Hy Chi đời Tấn ở Trung Quốc: “Đọc sách mà tìm được một nghĩa thì cũng như được một thuyền hạt ngọc”(11). “Huấn” có nghĩa là chú giải ý nghĩa. Với Lê Quí Đôn, thì “huấn” là phải căn cứ vào hình dạng, âm đọc của chữ mà giải thích ý nghĩa của bản thân chữ đó. Nói tới quan hệ hình chữ và âm đọc Lê Quí Đôn đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của phiên thiết: “Nếu không có phương pháp phiên thiết thì âm tự không thông được”; “chỗ nào không phiên thiết được thì không hết được âm”(12). Việc dùng chữ Hán phiên âm tiếng Phạn, đi đến hiểu nghĩa các văn bản Phạn, bắt đầu có từ đời Đông hán ở Trung Quốc và được tiến hành qua nhiều thế kỷ, tiếp sau đó, có thể giúp ta so sánh những cách phiên âm ở các thời kỳ khác nhau để phát hiện ra những đổi thay quan trọng. Một ví dụ về sự đổi thay ở vị trí phụ âm đầu: tên gọi “Hin du” (hoặc In du) vào đời Hán được phiên là “Thân độc”, đã được Lê Quí Đôn nêu rõ “Nước Thân độc đời Hán, sau gọi là nước Càn Đốc và nước Thiên Trúc”(13), dù ông chưa nói cụ thể như chúng ta ngày nay rằng: trước đời Đường, phụ âm “trúc” còn cấu âm với vị trí như ở “độc”, chỉ về sau mới có sự phân hoá làm cho hai bên khác nhau như ở sơ đồ trúc, độc = trúc / độc. Ông cho chúng ta thấy câu chuyện Vương An Thạch đời Tống chú giải Kinh Kim Cương “hàng trăm lời mà vẫn trái với ý nghĩa chữ ấy”. Theo ông là vì “chữ Phạn và chữ Trung Quốc cách hành văn khác nhau, phải phiên dịch và chú giải mới rõ được nghĩa cốt yếu, không thể tìm ngay ở chữ ấy được”(14). Lê Quí Đôn còn hướng chúng ta ra bên ngoài để tìm hiểu nghĩa chữ, tức là đi vào “hỗ”. “Hỗ” là dùng tiếng ngày nay để giải thích tiếng đời xưa, dùng tiếng phổ thông để giải thích phương ngữ, làm nó dễ hiểu. Cũng như các ông Sơn Lộc Tố Hành, Đằng Nhân Tô ở nước Nhật(15) muốn đi thẳng vào bản lai diện mục của những sử sách chính thống cổ đại, chứ không chỉ dựa một chiều vào những chú giải pha trộn của các nho sĩ Tống Minh, Lê Quí Đôn mạnh dạn phê phán: “Nhà Minh định phép học chỉ lấy Tứ thư, Ngũ kinh cùng dạy, còn Hiếu kinh, Nhĩ nhã không lấy mà ra bài, nên học giả ít người thông hiểu lời huấn hỗ của nó”. “Đời Tống về trước bỏ hết chú sớ không dùng nghĩ cũng hẹp hòi” và ông đề nghị “nên phụ thêm lời cổ chú ở dưới tập truyện để người học biết được nguyên uỷ và dễ khảo cứu”(16). Trong Vân đài loại ngữ, phần Âm tự, điều 23 đến 95, tỏ rõ là người dầy công sưu tập gốc chữ ở Trung Hoa, Việt Nam và các nơi khác.

Như vậy, một mặt, bằng những công trình sưu tập lớn nhỏ, Lê Quí Đôn đã giữ lại cho chúng ta ngày nay môt khối lượng lớn tác phẩm của nhiều tác giả các đời: mặt khác, bằng thiên Nghệ Văn chí cô đọng, ông để lại đời sau một cột mốc chỉ đường để hình dung lại cả một chặng đường trước tác dài hàng mấy thế kỷ. Điều đáng quí nữa là, trong quá trình sưu tầm, chỉnh lý thư tịch, Lê Quí Đôn đã vận dụng một phương pháp khoa học, với tác phong thận trọng, tỉ mỉ đến nơi đến trốn. Tác phong và phương pháp khoa học ấy đến ngày nay vẫn còn có ý nghĩa đối với chúng ta.

CHÚ THÍCH

(1) Lịch triều hiến chương loại chí, Tựa Văn tịch chí.

(2) Ngô Thì Nhậm: Hải Đông chí lược. Bản chép tay. Ký hiệu A. 103, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tờ 38.

(3) Tựa của Tiến sĩ trần Danh Lâm, người cùng thời với Lê Quý Đôn, viết cho Vân đài loại ngữ.

(4) Vân đài loại ngữ, thư tịch, điều 107.

(5) Xem Vân đài loại ngữ, Khu vũ, điều 4.

(6) Tức Ferdinan due Verbiert, Giáo sĩ nước Bỉ.

(7) Diêm Nhược Cừ đã viết cả một tác phẩm để chứng minh sách Thượng thư cổ văn là nguỵ thư.

(8) Kiến văn tiểu lục, Nxb KHXH, H., 1977, tr. 169 - 170.

(9) Kiến văn tiểu lục, Thiên chương, tr. 205 - 206.

(10) Vân đài loại ngữ, Âm tự, điều 92.

(11) Kiến văn tiểu lục, Chân cảnh, tr. 17.

(12) Vân đài loại ngữ, Âm tự, điều 3.

(13) Vân đài loại ngữ, Âm tự, điều 14.

(14) Kiến văn tiểu lục, Thiền đạt, tr. 370 - 371.

TB

SUY NGHĨ SƠ BỘ VỀ BỘ BẢN ĐỒ HỒNG ĐỨC QUA TẤM BẢN ĐỒ KINH THÀNH THĂNG LONG

PHẠM HÂN

Bản đồ Hồng Đức là bộ bản đồ địa lí đầu tiên của nước ta. Bộ bản đồ được thực hiện từ năm Quang Thuận thứ 8 (1467)(1) theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), được hoàn tất và ban hành vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490)(2). Bộ bản đồ phản ánh phạm vi cương giới, hệ thống hành chính nước Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ 15. Bộ bản đồ gồm: bản đồ nước Đại Việt, bản đồ kinh thành Thăng Long, bản đồ 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh thời đó được gọi là thừa tuyên.

Bộ bản đồ còn đươc lưu lại đến ngày nay bằng những bộ sưu tập bản đồ địa lý, gồm bộ bản đồ Hồng Đức và một số bản đồ khác, do người đời sau thực hiện. Hiện nay, tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm người ta thấy có đến 10 cuốn sách loại này. Đó là:

1. Hồng Đức bản đồ, A.2499

2. Hồng Đức bản đồ, VHt, 41

3. An Nam quốc, Trung Đồ tính thập tam thừa tuyên hình thế đồ hoạ A.2531

4. An Nam hình thắng đồ A.3034

5. Thiên Nam Lộ đồ, A.1081

6. Nam Việt bản đồ A.1603

7. Giao Châu dư địa chí, VHt.30

8. Thiên tải nhàn đàm, A.584

9. Thiên tải nhàn đàm, 2006

10. Thiên hạ bản đồ tổng mục lục đại toàn, A.1362

Trong số 10 cuốn sách nói trên, 4 cuốn (các số 1, 2, 3, 4) có ghi năm tháng bộ bản đồ được ban hành (ngày mồng 6 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 21 (1490)(3).

Về niên đại, có 2 cuốn sách hoàn thành vào cuối thế kỷ 18; 5 cuốn vào nửa đầu thế kỷ 19, 3 cuốn không ghi niên đại.

Về nội dung, bộ bản đồ nước Đại Việt trong 10 cuốn sách nói trên giống nhau về đại thể (phạm vi cương giới, hệ thống hành chính, địa hình, đại vật thể hiện). Sự đồng dạng đó nói lên, phải chăng chúng đều bắt nguồn từ bộ Bản Đồ Hồng Đức ban hành vào năm 1490(?). Đây là vấn đề phức tạp chỉ có thể được kết luận dựa trên những căn cứ khoa học.

Ở bài này, chúng tôi chỉ giới thiệu tấm bản đồ kinh thành Thăng Long được gọi là Phù Trung Đô trong những bản đồ đó mà chúng tôi đã so sánh, chọn lọc để sử dụng trong công trình nghiên cứu về thành Thăng Long.

Bản đồ kinh thành Thăng Long được thể hiện trong 10 cuốn sách nói trên, giống nhau về địa hình, đại vật tổng quát của kinh thành và vùng kế cận. Song, những chi tiết thể hiện sự cấu trúc của hoàng thành có khác nhau. Sự khác nhau đó xin khái quát giới thiệu như sau (theo số thứ tự bản đồ ở trên):

Bản đồ số 1:

Cấm thành hình vuông, thể hiện một quần thể kiến trúc cung điện theo một đường trục từ năm lên bắc: Cửa chính Nam, cửa Đoan Mỡn, toà điện không tên, điện Thị Triều, điện Kính Thiên, toà điện không tên. Bên trái toà điện không tên cuối cùng đề hai chữ Ngọc hà. Bên phải đề hai chữ Chí Kính. Không rõ hai khu vực này là cung điện hay một vật thể kiến trúc gì đó. Phía sau khu vực có tên là Ngọc Hà, đề ba chữ Vạn Thọ điện, tức là Điện Vạn Thọ, tuy không vẽ cung điện. Phía tây điện Vạn Thọ, cho đến Cửa Tây cấm thành (chếch về phía tây bắc) trên bản đồ không vẽ gì.

Phía đông cấm thành là Đông Cung và Thái Miếu. Hai khu này ngăn cách nhau bằng một bức tường gấp khúc từ phía đông sang phía tây nam. Cửa Đông cung kề gốc đông nam cấm thành. Khu Đông Cung có hồ lớn hình bầu dục hướng bắc nam. Khu Thái Miếu vẽ một toà điện và trước mặt là một hồ lớn hình bầu dục theo hướng đông tây.

Phía trước cấm thành là một dải đất hẹp có tường vây phía trước, mỗi đầu có một cửa quay về hai hướng đông và tây. Trên dải đất đó, phía đông đề ba chữ Đông Trường An, phía tây đề ba chữ Tây Trường An.

Phía trước, bên ngoài tường vây là một hồ lớn chạy từ đông sang tây, trên hồ có nhà thuỷ tạ.

Bản đồ số 2:

Cấm thành hình vuông, không thấy vẽ cửa. Trên tường thành phía nam có 4 toà điện. Trên bức tường thứ 2 chạy song song vẽ 3 toà điện. Trên bức tường thứ 3 cũng chạy song song, vẽ 1 toà điện ở đầu phía tây. ở hình chữ nhật phía đông bắc đề 3 chữ Vạn Thọ Điện. Cắt đôi bức tường thành thứ 3 là một đoạn tường cụt chạy từ tường thành phía bắc đến giữa cấm thành. Không một toà điện nào được đề tên.

Đông Cung và Thái Miếu, đại thể như bản đồ số 1, trong vẽ cửa Đông Cung.

Phía trước cấm thành, vẽ ký hiệu một bức tường chạy suốt đến tường phía đông hoàng thành (lớp tường bên ngoài). Ba chữ Đông Trường An đề trước cấm thành (không đề chữ Tây Trường An). Hồ nước trước cấm thành và Thái Miếu, đại thể như bản đồ số 1.

Bản đồ số 3:

Cấm thành hình chữ nhật, không vẽ một cửa nào. Trong ô chữ nhật ở giữa chếch về phía bắc đề 3 chữ Vạn Thọ Điện.

Không vẽ Đông Cung và Thái Miếu.

Trước cấm thành, giữa đề 3 chữ Đông Trường An chếch, về phía tây đề 3 chữ Tây Trường An.

Bản đồ số 4:

Cấm thành hình chữ nhật, liền với Đông Cung. Cửa nam đề hai chữ Triều Nguyên. Phía sau là cửa Đoan Môn. bên đông và tây Đoan Môn, mỗi bên vẽ hai toà điện nối tiếp, không đề tên là điện gì. Tiếp sau là một toà điện đề 2 hàng chữ Thị Triều, Kính Thiên. Bên đông và tây điện này, mỗi bên vẽ hai toà điện nối tiếp, không đề tên là điện gì.

Vị trí Thái Miếu và hồ trước mặt giống bản đồ số 1.

Bản đồ số 5:

Cấm thành hình vuông, có vẽ cửa, vị trí như bản đồ số 1. Cửa Nam và cửa Đoan Môn, mỗi cửa vẽ 3 lối ra vào. Sau cửa Đoan Môn, kế tíep nhau là hai hàng chữ Thị Triều, Kính Thiên, không vẽ toà điện nào. Góc đông bắc là Ngọc Hà, Văn Thọ Điện, như bản đồ số 1. Tường phía đông chỉ vẽ đến bức tường có cửa Đoan Môn.

Đông Cung – Thái Miếu, khác bản đồ số 1, là từ phía đông, bức tường ngăn cách qua một lần gấp khúc (bản đồ số 1 hai lần gấp khúc), rồi đi về phía tây gặp cấm thành.

Trước cấm thành không có Đông và Tây Trường An.

Bản đồ số 6.

Cấm thành hình vuông, không vẽ cửa. Bên trong vẽ 2 bức tường chạy song song theo hướng đông – tây. ở giữa vẽ mấy đoạn tường cụt hoặc thước thợ. Góc đông bắc đề 3 chữ Vạn Thọ Điện. Ngoài ra, không vẽ hoặc đề tên một cung điện nào.

Đông Cung – Thái Miếu không có tường ngăn cách, không vẽ cửa. Hồ ở giữa. Góc đông bắc đề 3 chữ Càn Thọ Điện.

Trước cấm thành không vẽ gì, không đề Đông và Tây Trường An, không vẽ hồ nước, kể cả hồ trước Thái Miếu.

Bản đồ số 7 và 8

Hai bản đồ này giống nhau, vì cùng một tác giả.

Cấm thành hình chữ nhật. Không vẽ tường phía nam cấm thành, chỉ vẽ cửa Đoan Môn chia làm 3 ngăn. Sau Đoan Môn đề hai chữ Thị Triều, tiếp đó là một bức tường bên đông đề hai chữ Vạn Thọ.

Đông Cung và Thái Miếu không có tường ngăn cách. Góc đông bắc đề hai chữ Càn Thọ.

Ba chữ Đông Trường An để ở bên ngoài hoàng thành. Ba chữ Tây Trường An để ở góc tây nam cấm thành.

Bản đồ số 9

Cùng tác giả với bản đồ số 7 và 8. Chỗ khác là: cửa Đoan Môn đề là Ngọc Môn, chữ Kính Thiên đề ở khu vực bên trong phía tây cấm thành.

Bản đồ số 10.

Vẽ tồi nhất. Không vẽ cấm thành. Trong lớp tường hoàng thành, vẽ Điện Kính Thiên, Điện Vạn Thọ. Đông Cung và Thái Miếu. Hồ trước cấm thành và Thái Mioếu vẽ liền nhau.

Ngoài ra, trong sách Đại Nam tổng mục lục đại toàn, ký hiệu A73, có bản đồ Sơn Tây vẽ năm Tự Đức thứ 9 (1856), bản đồ thành Thăng Long cũng đại thể giống bản đồ số 6. Chỗ khác là giữa cấm thành đề 3 chữ “Kính Thiên Điện” và 3 chữ “Vạn Thọ Điện”, đề ở cả ô chữ nhật cuối cùng. Cuốn sách này không vẽ bản đồ 13 thừa tuyên.

Như vậy, nếu kể riêng bản đồ kinh thành Thăng Long, như giới thiệu ở trên, có đến 11 bản đồ. Song xét về mức độ phản ánh và kỹ thuật thể hiện, thì bản đồ số 1 là hoàn chỉnh và sắc sảo hơn cả. Những bản đồ khác, nhược điểm chung là sơ lược về thể hiện và thô kệch về kỹ thuật thể hiện.

Còn về mức độ chính xác, chỉ có thể đi đến kết luận sau khi đã đối chiếu, so sánh với những nguồn tư liệu khác (tư liệu thành văn, di tích trên thực địa …) Vừa qua, trong quá trình nghiên cứu về thành Thăng Long, so sánh đối chiếu 11 bản đồ với nhau và với những nguồn tư liệu khác, tôi thấy bản đồ số 1 là chính xác hơn cả. Chỉ có bản đồ đó mới thể hiện rõ nét quần thể kiến trúc cung điện trong cấm thành mà ngày nay trên thực địa vết tích những công trình chủ yếu vẫn còn (cửa Đoan Môn và nền Điện Kính Thiên). Chỉ có bản đồ đó mới cung cấp cho ta nguồn thông tin tương đối đầy đủ để tìm hiểu vị trí thành Thăng Long mà nay ta đang quan tâm tìm kiếm.

Cũng vì vậy, tôi đã chọn bản đồ số 1, tức bản đồ Phru Trung Đô trong sách Hồng Đức bản đồ, ký hiệu A.2499, làm cơ sở cho việc đối chiếu với các nguồn tư liệu khác để phác hoạ vị trí của thành Thăng Long. Bản đồ này đã được giới thiệu trên báo Hà Nội mới, số ra ngày chủ nhật, mồng 4 tháng 8 năm 1985.

Song, đây chỉ là một bộ phận trong bộ bản đồ Hồng Đức. Dù có hoàn chỉnh, chính xác hơn các bản đồ khác cũng chưa đủ cơ sở để nói lên bộ bản đồ Hồng Đức trong sách Hồng Đức bản đồ ký hiệu A.2499 có gần gũi với bộ bản đồ ban hành năm 1490 hay không.

Việc so sánh, chọn lọc một bộ bản đồ Hồng Đức tiêu biểu nhất để biên dịch, chú giải, xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về môn khoa học địa lý lịch sử vẫn là một yêu cầu đang được đặt ra đối với các nhà Hán Nôm học hiện nay.

CHÚ THÍCH

(1) (2) Đại việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), tập III, Nxb KHXH, 1972, tr. 210, 306.

(3) Toàn thư chép việc Lê Thánh Tông ban hành bộ bản đồ này vào ngày mồng 5 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 21 (1490).

TB

NGHIÊN CỨU HÁN NÔM NÊN MỞ RỘNG MỤC TRAO ĐỔI Ý KIẾN

THẠCH CAN

Thân gửi các đồng chí biên tập.

Trước hết, tôi rất hoan nghênh bài Nhân chú thích ở một bài thơ cổ đăng trong tập Nghiên cứu Hán Nôm 1/1985. Những lập luận và minh chứng trong bài viết tôi cho là rất xác đáng.

Dưới đây, tôi xin nói thêm quá trình để xẩy ra sai sót và sau này tôi đã sửa sai ở một chỗ khác để các đồng chí rõ.

Tuyển tập Ngô Thị Nhậm ra năm 1978 do tôi và cụ Cao Xuân Huy chủ biên, trong đó có nhiều người dịch. Tập Hoàng Hoa đồ phả do một người dịch và một người hiệu đính, tôi cũng có tham gia hiệu đính một phần. Sau khi hoàn chỉnh bản thảo, tôi có trách nhiệm duyệt lại lần cuối cùng và tiếp tục hiệu đính nếu thấy cần thiết. Đến bài Khế Chương Đức, tôi cũng thấy vương vướng. Nhiều bài thơ khác Ngô Thị Nhậm mạt sát Tào Tháo hết lời, sao bài này lại ca tụng Tào Tháo thế này? Song chưa tìm được cách giải quyết mà thì giờ nộp bản thảo cho Nhà xuất bản gấp gáp nên cũng không còn thì giờ để tra cứu. Tôi cũng đã định gác bỏ nhưng rồi vấn đề lại. Do đó cái sai lầm ấy trách nhiệm chủ biên phải gánh chịu lấy.

- Gần đây Tổng tập Văn học Việt Nam phần “Văn học thời Tây Sơn” do anh Nguyễn Lộc trường Đại học Tổng hợp chủ biên có trích tuyển khá nhiều văn thơ trong tuyển tập thưo văn Ngô Thị Nhậm trong đó có bài Khế Chương Đức và vấn đề nguyên cả dịch và chú như trong Tuyển tập. Tôi cũng là một thành viên trong nhóm biên soạn nên dạo này năm ngoái anh Nguyễn Lộc đưa toàn bộ bản thảo cho tôi đọc duyệt lại để đưa Nhà xuất bản sẽ xuất bản vào năm nay (thật ra đáng lẽ tập này, theo kế hoạch, xuất bản vào năm 1980, song khó khăn về giấy nên đến 1983 mới ra đời được). Tôi chật vật với tập bản thảo gần 2000 trang đánh máy mất mấy tháng trời. Đến bài thơ “Khế Chương Đức” (thật ra tôi thấy sai lầm từ lâu rồi), mới đi tra cứu để sửa sai.

Theo tôi hiểu, ý của tác giả trong 2 câu 3.4 là đem đối chơi 2 Nguỵ Công: Tào Nguỵ Công đời Hán với Hàn Nguỵ Công đời Tống cùng ở Nguỵ Quận này để đè Tào Nguỵ Công xuống và tôn Hán Nguỵ Công lên. Tào Nguỵ Công tức Tao Tháo làm Thừa tướng nhà Hán, được phong tước Quốc công và thực ấp ở Nguỵ Quân (cũng tức Nghiệp Quân) Đời Tam quốc thành 3 nước Nguỵ, Thục, Ngô. Nước Nguỵ đóng đô ở Kiến Nghiệp, goi là Nghiệp Đô. Đến con Tào Tháo cướp ngôi nhà Hán xưng là Văn Đế và tôn Tào Tháo là Vũ Đế. ý câu thơ thứ 3: Khu Đế đô ở Nghiệp Quân, cung điện đền đài chả còn dấu vết gì, tức là ý nói sự nghiệp của kẻ gian hùng theo dòng nước sông Chương mà trôi xuống biển đông hết rồi, chả còn dấu vết gì. Câu 4: còn sự nghiệp làm tướng của Hán nguỵ công thì cho đến nay tên họ vẫn còn nức tiếng thơm, được người đời tuyền tụng (câu này 3 chữ cuối “tính danh hương’ để đối với “đài diện tận” và chú thích của câu này tôi chữa lại như sau:

“Nguỵ công tức Hàn Kỳ, người đời Tống, que ở An-Dương lúc thi Tiến sĩ quan Thái sử tâu vua ở Kinh đô có xuất hiện mây ngũ sắc (chi tiết này tác giả dùng ở câu thứ năm nên tôi để ở đây). Ông làm tể tướng trải qua ba triều đại vua nhà Tống, có công lớn giữ vững cơ nghiệp nhà Tống và có chính tích tốt đối nhân dân. Được phong tước quốc công, thực ấp, ở Nguỵ Quận, nên thường gọi là Hàn Nguỵ Công, đến nay người đời vẫn ca tụng công đức ông.

Câu 5: “Thuý Vân vi vấn - Chương Đài quán”

Tôi cho là chữ /// do tam sao thất bản đã chép sai, nên hiệu đính lại là ‘gián”/// (chỉ thêm một nét) mà dịch là “Mây biếc chưa gián đoạn ở Chương Đài quán”.

Câu 6: “Trú Cẩm đường”, chú là: Hàn Nguỵ công khi về hưu, làm nhà ở quê, đặt tên là “Trú Cẩm đường”, lấy ý từ câu của Hạng Vũ: “Phú quí bất qui cố hương như ý cẩm dạ hành, thuỳ tri chi giả”.

Ngoài ra trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thị Nhậm cũng còn khá nhiều sai sót khác. ngay cả phần tôi tuyển dịch, nay đọc lại cũng phát hiện khá nhiều chỗ sai, thậm chí sai nghiêm trọng.

Xin lấy một vị trí: bài “Thứ Thái sử Thự đinh hầu” Ngay câu 1: “Hàn trai thiệu chúc tái tư tương”, chữ “trai” chép sai là chữ “nho” Ngô Thị Nhậm với quan Thái sử là quan lớn chứ đâu phải anh nho nghèo. Câu này có nghĩa là “Trong buồng vắng một mình khêu đèn nghĩ đi nghĩ lại”.

Câu 4 cũng chếp sai: Bài này trong tập Cẩm đường nhàn thoại có 2 bản chép khác nhau: Một bản chép là “Cao nhân đa tại lợi danh trường”, một bản chép theo bản chữ ‘đa”. Bây giờ xem lại thấy là sai, nhưng tôi cho là chữ “khỉ” cũng chưa hẳn là đúng. Tôi ngẫm nghĩ để tìm hiểu ý thơ của tác giả. Bậc cao nhân ra làm quan là để lo cho dân cho nước chứ không phải lo cho danh lợi riêng của mình. ý này được biểu lộ trong thơ văn Ngô Thị Nhậm ở nhiều chỗ. Chẳng hạn trong bài Đề Yết tâm xứ (tr.444), ông viết: “Xử giang hồ tắc ưu kỳ quản. Cư miếu đường tắc ưu kỳ dân”. Nghĩa là trong tư tưởng do sao chép tam sao thất bản, người đọc là na tại, người chép viết thành đa tại. (Na với đa âm gần nhau). Đến người sao chép lại thấy chữ đa là sai nên chữa lại là “khỉ” thật ra chứ na với chữ khỉ nghĩa gần giống nhau thôi. Nhưng chữ khỉ nghĩa hơi nặng mà câu thơ mất âm hưởng.

Đến câu 5, 6 thì rõ ràng nói rõ ý câu 3, 4, không phải là tư tưởng để tâm ở lợi danh.

Đến câu kết mới thành là lôi thôi, chỉ hiểu sai một li là sai đi một dặm. Câu 7 thì khôgn có vấn đề gì rồi, còn câu 8 đã dịch là.

“Con thuyền ????????, vẫn cứ thênh thang” thật là sai với ý thơ của tác giả quá. Câu này nguyên văn chữ Hán là “Biên chu hoạn hải tự thương thương” ở đây chữ “Biên chu” xuất xứ từ truyện Phạm Lãi: “Thừa biên chu du Ngũ Hồ’ về sau các thi nhân lấy chữ “biên chu” làm biểu tượng người đi ở ẩn. Như vậy, ở câu này “biên chu”, với “hoan hải” là hai chứ không phải là một. Có nghĩa là: Dù cưỡi con thuyền nhỏ đi ngao du hay lăn lội trong biển hoạn thì ta vẫn cứ thanh thản, thảnh thơi. Như câu đã dịch trong Tuyển tập thì hoá ra là: Bơi con thuyền trong biển hoạn… thật là sai. Hay chi ít ra dịch như tếh rồi đánh cho một dấu phẩy dưới chữ con thuyền rồi chú thích chữ biên chu thì cũng tạm được.

Ngoài ra trong Tuyển tập thơ văn Ngô Thị Nhậm cũng còn khá nhiều “hạt đậu nhọn’ cần nhặt anh ạ! Mà nếu nói rộng ra các sách dịch chỉ kể từ 1955 đến nay, nếu duyệt lại thì cũng khá nhiều sai sót, kể cả sách dịch của các vị túc nho học giả cũng không ít sai sót. Cho nên tôi đề nghị tập san Nghiên cứu Hán Nôm nên mở rộng mục trao đổi ý kiến để làm cái việc lượm lặt những ‘hạt đậu nhọn” trong dịch thuật.

Thôi thư cũng khá dài rồi, vậy xin tạm ngừng bút. Thú thật với anh, bức thư này tôi phải viết làm mấy ngày đấy. Vì sức khoẻ tôi lúc này tồi quá, cầm búg viết một lúc – là mệt, lại gấp thếp giấy lại để đấy, vài hôm lúc nào thấy kha khá lại viết tiếp, phải mất đến 3 ngày mới xong đấy anh ạ!

Chào thân ái.

25-10-1985
Thạch Can

TB

VỀ VĂN BẢN BÀI THƠ GỬI NÊ RU TRONG TẬP NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN THỊ HÀ

Tập thơ Nhật ký trong tù, của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Viện Văn học biên dịch ra xuất bản năm 1983(1) không những đã sửa chữa và chỉnh lý lại một số bài dịch cũ, mà còn công bố thêm 12 bài mới. Gửi Nê Ru nằm trong số 12 bài mới công bố đó. Đây là bài thơ Bác gửi cho Sơ-ri Ja-va-hac-lan Nê-ru (1889 - 1964), một chiến sĩ của nền độc lập ấn Độ và là Thủ tướng ấn Độ từ 1947 đến 1964.

Nguyên văn bài thơ được công bố ở tập Nhật ký trong tù nói trên như sau:

Ngã phấn đấu đích quân hoạt động
Quân nhập ngục đích ngã trú lung
Vạn lý dao dao và kiên diện
Thần giao tự tại bất ngôn trung(2)

Đây là bài thơ thất ngôn tuyệt cú. Nhưng ngay câu thơ đầu tiên đã có tới 6 chữ thanh trắc, và chỉ có 1 chữ thanh bằng (quân); Câu thứ 2 và thứ 5 chữ thanh trắc và 2 chữ thanh bằng trắc của các bài thơ loại này.

Về mặt ý nghĩa, hai chứ “đích” ở câu 1 và 2 gây nên sự mơ hồ khó lý giải. Bằng chứng là ở ngay phần dịch nghĩa và pơhần dịch thơ trong tập sách đã không nhất trí: Phần dịch nghĩa:

Tôi phấn đấu thì anh hoạt động,
Anh vào ngục thì tôi ngồi tù(3)

Chữ “đích” đã được hiểu như một liên từ. Phần dịch thơ:

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động
Anh phải vào lao, tôi ở tù(4)

“Ngã phấn đấu đích” ở đây lại được hiểu như một kết cấu chỉ thời gian (khi tôi phấn đấu).

Cần chú ý diễn đạt khái niệm thgời gian thì trong tgập Nhật ký trong tù, Bác đã hơn một lần dùng chữ “thời”:

Ngã lai chi thời hoà thượng thanh(5)
(Khi ta đến lúa còn xanh)

Quá Quả Đức thời ngật tiên ngư
Quá Bào Hương thời ngật cẩu nhục(6)
(Khi qua Quả Đức ăn cá tươi,
Khi qua Bào Hương ăn thịt chó).

Bác cũng có lần dùng câu thơ với kết cấu có chữ “đích”, nhưng kết cấu này làm chủ ngữ, chứ không phải làm trạng ngữ chỉ thời gian:

Tinh kỳ đại đích cố tu hữu,
Tiểu đích tinh kỳ bất khả vô(7)

(Cờ lớn cố nhiên phải có,
Nhưng cờ nhỏ cũng không thể không có).

Như vậy, nguyên văn bài thơ Ký Nê Lỗ của tập Ngục trung nhật ấy như thế nào?

Được sự giúp đỡ của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi có dịp tiếp xúc với tập Ngục trung nhật ký của Bác Bài Ký Nê Lỗ ở trang 31, có đánh số 87 và 88. Nguyên văn (bài 87) phiên âm là:

Ký Nê Lỗ
Ngã phấn đấu thời quân hoạt động,
Quân nhập ngục thời ngã trú lung.
Vạn lý dao dao vị kiến diện,
Thần giao tự tại bất ngôn trung.
(Nguyên văn chữ Hán xem ảnh chụp).

Thế là đã rõ, Chữ “thời” ở vị trí trên, vừa bảo đảm luật bằng trắc của bài thơ thất ngôn tuyệt cú, vừa bảo đảm tính chính xác trong cách diễn đạt.

Chữ “thời” này được Bác sử dụng tới 9 lần trong tập Ngục trung nhật ký.

Nhân đính chính văn bản bài thơ của Bác, chúng tôi cũng mong muốn các đồng chí làm công tac sbiên dịch lưu ý hơn nữa về mặt văn bản khi công bố các tác phẩm của Bác, để tác phẩm của Bác đến với bạn đọc được trọn vẹn hơn

CHÚ THÍCH

(1) Nhật ký trong tù, Nxb Văn học, H., 1963.

(2) Nhật ký trong tù, Sách đã dẫn, tr. 197.

(3) Nhật ký trong tù, Sách đã dẫn, tr. 198

(4) Nhật ký trong tù, Sách đã dẫn, tr. 199.

(5) Bài Dã cảnh, tr. 95.

(6) Bài Bào Hương cầu nhục, tr. 185.

(7) Bài Song thật nhật, tr. 166.

TB

VỀ BÀI THƠ "CHU CÔNG PHỤ THÀNH VƯƠNG ĐỒ" CỦA NGUYỄN TRÃI

HOÀNG VĂN LÂU

Câu chuyện Chu Công giúp Thành Vương vẫn được các sử gia phong kiến coi như một mẫu mực về những gì mà người bề tôi trung thành có thể làm được khi nhận di chiếu giúp đỡ vua nhờ giữ yên giang sơn xã tắc. Là em ruột của Vũ Vương, Chu Công ra sức giúp anh đánh Trụ. Dẹp loạn xong, ông ta không trở về đất phong, tự nguyện ở lại bên cạnh anh. Khi Vũ Vương ốm nặng, ông khẩn cầu tổ tiên trời đất xin được chết thay cho anh. Vũ Vương chết, ông nắm quyền trị nước giúp cháu là Thành Vương còn nhỏ tuổi. Khi có lời dèm, ông lánh ra Đông Đa, làm thơ trao cho Thành Vương.

“Lòng thành’ của Chu Công đã cảm hoá cả trời đất, đến nỗi “bão tổ, sấm sét nổi lên đùng đùng”. Thành Vương tỉnh ngộ, đón ông về phụ chính. Đến lúc Thành Vương trưởng thành, ông đã trao trả lại mọi quyền hành trị nước. Tấm gương Chu Công được các triều đại phong kiến đề vao, và rất có ý thức “khai thác”, nhất là ở khía cạnh giúp đỡ vua trẻ một cách hết lòng, vô tư, mọi bề êm đẹp.

Việc vẽ tranh Chu Công giúp Thành Vương có từ khá sớm. Hán thư ghi lại chuyện Hán Vũ Đế sai thợ vẽ tranh Chu Công giúp Thành Vương triều kiến chư hầu ban cho Hoắc Quang, có ý nhờ Quang phò tá người con thứ của ông ta là Hán Chiêu Đế khi ấy mới lên 8 tuổi làm vua(2). ở nước ta, hơn 40 năm trước ngày Lê Lợi để lại di chiếu lập con nhỏ là Lê Nguyên Long lên ngôi, có chuyện Trần Nghệ Tông ban tranh cho Hồ Quí Ly. Sử chép rằng: “Giáp Tuất, năm thứ 7 (1394) tháng 2, Thượng Hoàng (Nghệ Tông) sai thợ vẽ tranh Chu Công giúp Thành Vương, Hoắc Quang giúp Chiêu Đế, Gia Cát giúp Thục Hậu chúa, Tô Hiến Thành giúp quan gia (Thuận Tông) cũng nên như thế”(3). Xem thế, việc vẽ tranh Chu Công việc ban tranh Chu Công đã trở thành một tập tục lịch sử. Người sai vẽ tranh và ban tranh là có ý gửi gắm con côi, người nhận tranh là nhận một sự phó thác đặc biệt, một sứ mang thiêng liêng. Làm bài thơ Chu Công phụ Thành Vương đồ, Nguyễn Trãi hẳn không phải bỗng dưng vô cớ. Nhà sử học uyên bác Lê Quí Đôn từng ghi nhận: “Khi Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Trãi nhận cố mệnh phụ chính”(4). Đặng Trọng An trong Nam Hà ký văn tập cũng khẳng định: “Do công lao, ông (Nguyễn Trãi) được phong Quan phục hầu và nhận di mệnh phù vua trẻ”(5). Có thể nghĩ rằng, bài thơ trên gắn với sự kiện Nguyễn Trãi nhận di mệnh giúp Lê Nguyên Long khi lên ngôi mới 11 tuổi, và được tác giả sáng tác vào lúc xúc động nhất - lúc nhận di mệnh, khoảng năm 1433.

Nếu sự kiện Nguyễn Trãi nhận di mệnh giúp vua trẻ Lê Thái Tông là một minh chứng về quan hệ có thể coi là trong sáng giữa vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn vào những phút cuối đời với người mưu sĩ số một của mình, thì việc tìm hiểu bài thơ, ít nhiều cũng có thể sáng tỏ đôi nét tâm sự nào đó của Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc đáng kính.

Hai chữ ý thân trong câu thơ đầu có nghĩa là “chí thân”, “người ruột thịt”. Tả truyện: “Thị tắc huyên đệ, tuy hữu tiểu phẫn, bất phế ý thân”(6). (Như vậy, anh em dẫu có giận nhau, nhưng vẫn khong bỏ được quan hệ ruột thịt). Chứ ý thân vừa nói đúng quan hệ giữa Chu Công và Thành Vương (chú cháu ruột) vừa có thể lý giải tại sao câu 7 tác giả lại liên tưởng đến một ông Tử Mạnh(7).

Câu thứ hai: “Xử biến thuỳ tương Y Doãn đồng”, Nguyễn Trãi toàn tập dịch là: “Xử cảnh quyền biến, ai đem để cùng với Y Doãn”(8). Đúng là thuỳ có một nghĩa là “ai”, tương có một nghĩa là “để’, đồng có một nghĩa là ‘cùng”, nhưng hiểu như câu dịch, thì ý nghĩa rất mơ hồ, câu thơ sẽ trở thành một câu đố, không phù hợp với truyền thống diễn đạt của các câu “thừa đề”, vốn là để nói rõ tiếp ý của câu đầu.

Thực ra chữ thuỳ trong câu trên, có nghĩa là “hà”. Từ nguyên (tr.1383): “Thuỳ, hà dã”. Như thuỳ kế nghĩa là “hà kế’ (kế gì) ở câu:

Trần thổ cánh thành thuỳ kế thị,
Sơn lâm hựu hối nhất niên phi.
(Thơ Đường Ngạn Khiêm tặng Mạnh Đức Mậu)

Hay thuỳ văn nghĩa là “hà văn” (văn kiện gì) ở câu

Nhược sử Hoa Dương chung ngoạ khứ,
Hán gia phong thiện hữu
thuỳ văn.
(Thơ Bì Nhật Hưu gửi Nhuận Khanh bác sĩ)

Hoặc thuỳ nhân nghĩa là “hà nhân” (người nào, ai) ở đâu:

Đế đình u điều không đề nguyệt.
Mô tháp
thuỳ nhân vị tác minh
(Thơ Đoàn Văn Khâm viếng nhà sư Quảng Trí).

Sơn cao hải khoá t thùy tận khổ
(Thơ Trương Tịch)

Thuỳ năng có nghĩa là “hà năng” (làm sao có thể) ở đâu

Tầm trục xuân phong tróc liễu hoa.
(Bạch Cư Dị: Hý đáp Mộng Đắc hoạ dương liễu chi)

Chữ tương trong câu thơ trên có nghĩa là “dữ” (cùng với). “Tương … đồng” có nghĩa là “dữ … đồng” (giống với, giống như …) như nghĩa chữ tương ở các câu thơ dưới đây:

Thời mệnh bất tương minh chủ hợp
Bố y không nhiễm Lạc Dương trần.
(Cơ Mẫu Tiềm: Tảo phát Đông Thượng môn)

“Bất tương minh chủ hợp” nghĩa là “bất dữ minh chủ hợp” (Thời mệnh không hợp với minh chủ). Hay.

Tâm tương lưu thuỷ đồng thanh tịnh,
Thân dữ phù vân vô thị phi.

(Sầm tham: Thái Bạch hồ tăng ca)
(Trái tim cùng trong sạch với dòng nước chảy
Con người như mây trôi không có điều thị phi(9)

Vậy cả câu thơ “Xử biến thuỳ tương Y Doãn đồng” của Nguyễn Trãi ta phải hiểu là: “ứng xử lúc nguy biến sao mà giống Y Doãn vậy”(10)

Câu 3 và 4:

“Ngọc kỷ di ngôn thường tại niệm,
Kim đẳng cố sự cảm ngôn công”.

(Lời trối trăng bên ghế ngọc vẫn luôn luôn để trong dạ. Lời khẩn cầu thế mạng xưa đặt trong hộp vàng, đâu dám nói đùa công minh) là nói viêc Chu Công nhận di mệnh của Vũ Vương và lời khẩn cầu thế mạng đặt trong hộp vàng.

Câu 5 và câu 6:

“An nguy tự nhiệm phù vương thất
Tả hữu vô phi bảo thánh cung”.

(Tự gánh trách nhiệm bảo vệ vương thất lúc nguy nan. Gần gửi bên cạnh cũng chỉ để giữ gìn thánh chúa), vừa để nói Chu Công, vừa như có ý phân trần.

Câu 7:

“Tử Mạch khỉ năng chiêm phảng phất”.

“Tử Mạnh” là tên tự của Hoắc Quang, một vi “Đại Tư mã” “Đại Tướng quân” của Hán Vũ Đế. Vũ Đế muốn lập người con thứ do bà tiệp dự họ Triệu đẻ ra, liền sai thợ vẽ bức tranh “Chu Công giúp Thành Vương triều kiến chư hầu” ban cho Quang, để lại di chiếu cho Quang phù ấu chúa. Chiêu Đế lúc lên ngôi mới 8 tuổi, mọi việc trong triều đều do một Quang quyết định. Quang lại là người ngay thẳng, giữ lễ, nhiều quyền thần chạy chọt, nhờ cậy đều bị Quang từ chối, nhiều âm mưu phế lập đều bị Quang đập tan. Uy tín, danh vọng của Quang chấn động khắp nước. Trong 13 năm nắm quyền trị nước, Quang đã làm cho “trăm họ đầy đủ”, “bốn cõi thần phục”. Chiêu Đế chết, Quang lập Xương ấp Vương Hạ. Nhưng ông này vô đạo, tàn ngược, Quang lại (học tập) Y Doãn, phế bỏ Hạ để lập Tuyên Đế, theo đúng lời khuyên của Điền Diên Niên: (Y Doãn giúp án phế bỏ Thái Giáp để giữ yên tông miếu xã tắc, được đời sau ca ngợi. Nếu tướng quân làm được như vậy thì cũng Y Doãn của nhà Hán Đấy”(11). Hơn 20 năm trời, hết giúp Chiêu Đế, đến lập Xương ấp Vương, rồi lại phế Xương ấp Vương, lập Tuyên Đế, sử đã khen Quang là người (chưa hề có lầm lỗi nào, làm việc rất thận trọng, chu đáo, rất được tín nhiệm). Xem ra, về mặt “Thành tích” giúp vua trẻ cái ông Tử Mạnh này, theo Nguyễn Trái, có phần còn “trội” hơn cả Y Doãn, Chu Công nữa.Điều này được tác giả khẳng định ở câu sau cuối cùng:

“Ủng Chiêu cận khả ấp dư phong”

Chữ 僅 trong tiếng Hán cổ độc là “cận”(12). Từ nguyên (tr.139): (Kỵ ân thiết, âm cận). Tân Hoa tự điển (tr.213) phiên âm là jìn. có chú nghĩa là: “tương cận” (gần); “cơ hồ” (hầu như) và ghi thêm. (Thường thấy trong thơ văn đời Đường như: Sơn thành cận bách tằng (Thành núi suýt soát trăm lớp), sĩ tốt cận vạn nhân (quân lính gần vạn người). Bài Sơ xuất Lam Điền lộ tác của Bạch Cư Dị có câu: “Tầm Dương cận tứ thiên, Thuỷ hành thất thập lý”

Bài Chiêu quốc hàn cư có câu:

“Hoè hoa mãn, điền địa,
Cận tuyệt nhân hành tích”.

Ở các trường hợp này, “cận” có nghĩa là “gần” và “hầu như”, không thể hiểu là “chỉ” được. Các văn bản Hán của chúng ta cũng dùng “cận” theo nghĩa này. Thí dụ trong câu “Phạm Quang Chước tự niệm niên cận thất thập, suy lão nhi truyền sở sinh nữ tử…” (Đông Ngạc xã Phạm Gia An phân thư A. 1685 tờ 24a) “niên cận thất thập” là “tuổi gần 70”. Nhóm Cúc Lâm cư sĩ(13) cuối thế kỷ 19, đã dịch câu “Tung tập dư nhận, Cận hữu tứ chu” thành: “Lưu Tung nối ngôi trừ nhuận vừa được bốn năm”(14).

Như vậy, người nước ta trước đây đã có trường hợp dùng chữ “cận” với nghĩa là “vừa”, “gần”, suý soát “hầu như”. Chúng tôi thấy khi diễn đạt ý nghĩa “chỉ”, “chỉ có”, “chỉ là” thì trong thơ Nguyễn Trãi đều dùng chữ chỉ:

Truyền gia sự nghiệp chỉ thanh chiên
(Hạ nhật mạn thành)

Khách lý giang sơn chỉ thử tình
(Quy Côn Sơn chu trung tác)

Trần thồ đê đầu chỉ tự lân
(Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác)

Vãng sự trùng tầm chỉ mộng hồn
(Chu trung ngẫu thành)

Mông trung chỉ hữu hoa kham thiết
(Đề Hoàng ngự sử Mai tuyết hiên)

Nhi kim chỉ ái sơn trung trú
(Ngẫu Thành)

Chữ “ấp” 挹 có nghĩa là “rót”, “múc”(15). Từ nghĩa này mới dẫn tới các nghĩa, “hưởng”, “thừa hưởng”, “kế thừa”… như nói “ấp thanh huy”, “ấp đài quang”, “ấp xuân phong”, “ấp di phong”…

Ty đẳng nhĩ ấp thanh huy bội tăng cảnh mộ.
(Lịch triều tạp kỷ Q.6 tờ 70b)
(Bọn tôi gần hưởng ánh trời, bội phần ngưỡng mộ)v.v….

“ấp dư phong”hay “ấp di phong” có nghĩa là “kế thừa di sàn tinh thần của người trước”, “kế thừa truyền thống cũ”. Như vậy, hai câu cuối ở bài thơ Chu Công phu Thành Vương đồ của Nguyễn Trãi:

“Tử Mạnh khỉ năng chiêm phảng phất.
Ủng chiêu cận khả ấp dư phong”.

Có nghĩa là: “Có thể coi Tử Mạnh cũng na ná như Chu Công chăng(16) việc phò tá Chiêu Đế xem như nối gót được người xưa đó”(17).

Quật khởi từ ấp nhỏ Lam Sơn, tiến lên quét sạch bọn giặc Minh hung tàn cướp nước, sự nghiệp của Lê Lợi đã vượt xa Vũ Vương đời Chu. Nhưng theo truyền thống “Pháp tiên vương” trước đây, các triều đại phong kiễn vẫn thấy ở Văn Vương. Vũ Vương hình mẫu lý tưởng về một thời thịnh trị. Lê Lợi cũng có điểm giống Vũ Vương: Dùng võ công đánh kẻ bạo tàn, và cũng có con nhỏ kế vị. Trong hoàn cảnh đó, Lê Lợi mong muốn người phụ chính được như Chu Công là điều dễ hiểu. Nhưng với tư cách là kẻ nhận di mện phò vua nhỏ, không thể làm một vị “quốc thúc” như Chu Công, mặc dù hoài bão của ông, tài năng và đức độ của ông hẳn không thua kém gì. Ông tìm một tấm gương khác, sát với mình hơn, và có nói ta thì cũng là “danh chính”, “ngôn thuận”. Đó là Hoắc Quang: là một đại thần khác họ vua, Quang đã nắm quyền phụ chính suốt hơn 20 năm, làm cho “muôn họ đầy đủ”, “bốn phương thuần phục” đất nước thanh bình. Đấy là sự nghiệp của Quang và cũng là điều tâm niệm của Nguyễn Trãi. Có điều cung đình nhà Lê sau khi Lê Lợi mất không cho phép Nguyễn Trãi thực hiện hoài bão phò vua trẻ, xây dựng dất nước như ta đã biết. Ông đành ngậm ngùi lui về ở ẩn chốn Côn Sơn. Dầu vậy, lời ký thác sâu nặng của Lê Lợi hình như luôn ở sâu thẳm trong trái tim ông. Vì vậy, khi Thái Tông khôn lớn, nhận ra lẽ phải, cho gọi đến ông thì vị lão thần này xúc động khôn xiết, vội vàng đáp lại yêu cầu của ông vua trẻ ra phò vua giúp nước. Đọc bài biểu tạ ơn của ông khi được Thái Tông tín nhiệm(18) ta thấy tâm trạng hả hê rất hồn nhiên của ông, cứ như là Chu Công ở đất Đông Đô khi được ông vua trẻ đã hối lỗi là Thành Vương đón mời về Kinh Đô vậy.

CHÚ THÍCH

(2) Súc ấn Bạch nạp bản Nhị thập tứ sử, Hán thư, Q.38 (từ đây trở xuống, gọi tắt là Hán thư).

(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb KHXH, H., 1971, tr. 214.

(4) Lê Quý Đôn: Toàn Việt thi lục, tập II, phần “Tiểu sử tác giả”.

(5) Đặng Trọng An: Nam Hà ký văn tập, Sách chép tay, ký hiệu VHv. 1789, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tờ 2b.

(6) Dẫn theo Từ nguyên, tr. 597.

(7) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, dịch là “người thân tốt”.

(8) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr. 300.

(9) Xem: Trương Tương: Thi từ khúc ngữ từ hối thích, Trung Hoa thư cục, 1957, tr. 317.

(10) Y Doãn là một ẩn sĩ, cày ruộng ở đất Sằn, được vua Thang mời ra giúp đánh Kiệt. Thang chết, cháu ông ta là Thái Giáp vô đạo, Y Doãn bèn đuổi ra đất Đồng ba năm. Sau đó Thái Giáp ăn năn hối lỗi, Y Doãn lại đón về và trao trả quyền trị nước.

(11) Xem Hán thư, sách đã dẫn, Q.38.

(12) Chữ này còn có âm đọc là “cẩn” và nghĩa là “chỉ”. Nhưng đó lại là cách đọc và nghĩa sau này Nguyễn Trãi toàn tập đã đọc và dịch theo âm và nghĩa đó.

(13) Nhóm Cúc Lâm cư sĩ gồm có Vũ Miên, Ninh Tốn, Nguyễn Lệ, Phạm Khiêm.

(14) Xem Tam thiên tự lịch đại văn Quốc âm, bản in năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), tờ 12a.

(15) Toàn tập (tr. 300) dịch là “vái”, “nhường”. Nhưng chữ “ấp” với nghĩa “vái” có mã chữ 揖.

(16) Chữ “khỉ” ở câu này có hai nghĩa: Một là từ phản vấn, tương đương với chữ “há”, “lẽ nào” của tiếng Việt. Toàn tập dịch theo nghĩa này. Hai là biểu thị ngữ điệu cân nhắc, như chữ “kỳ”, tương đương với chữ “chăng” của tiếng Việt. Chúng tôi dịch theo nghĩa thứ hai.

(17) Hai câu này Toàn tập dịch là: “Tử Mạnh há có thể xem phưởng phất được chăng. Cái việc ủng phò Chiêu Đế cũng phải nhường đứng dưới gió”.

(18) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr. 204.

TB

HAI BÀI THƠ QUỐC ÂM Ở CHÙA ĐẬU (HÀ SƠN BÌNH)

ĐINH KHẮC THUÂN

Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo tự, thờ thần Pháp Vũ nên còn gọi là chùa Pháp Vũ (Pháp Vũ tự) thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình. Chùa Đậu nằm trong hệ thống này ra đời từ khá sớm(1). Về lịch sử kiến tạo chùa Đậu được xây dựng từ thời lý, tu bổ và tái tạo vào các thời Trần, Mạc, Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Thời Lê trung hưng cùa Đậu khá khang trang, được vua Lê Thần Tông (1649 – 1668) bạn sắc phong cho chùa là “An Nam đệ nhất danh lam” (Danh lam số 1 của nước Nam). Trãi bao phen thiên tai, địch hoạ, chùa Đậu ngày nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều di vật quý như rồng đá thời Trần, gạch vào bệ đá hoa sen thời Mạc, những bức phù điều gỗ thời Lê trung hưng, hai pho tượng là thi hài hai nhà sư được cướp giữ vào đầu thế kỷ 17, cùng bia đá, chuông đồng, sách đồng, sắc phong… đặc biệt hơn, ở đây còn có hai bài thơ Quốc âm khắc trên hai biền gỗ thời Lê Trịnh. Một bài đã được chép trong Khâm định thăng bình bách vịnh tập và một trong Hồng Đức Quốc âm thi tập(2). Bài viết này xin giới thiệu toàn bộ văn bản khắc trên hai biền gỗ đó và một số kiến giải của chúng tôi.

1. Biền gỗ và văn bản trên biền gỗ:

Cả hai biền gỗ đều là hình chữ nhật, được vát chéo hai góc phía trên. Một biền có kích thước là 0,95 x 0,45m (chúng tôi gọi là biền gỗ thứ nhất). Một biển có kích thước lớn hơn: 1,20 x 0,65m (gọi là biền gỗ thứ hai). Đường diềm mặt sau biền gỗ thứ hai trang trí đề tài “Lưỡng lòng triều nguyệt”. Văn bản được khắc toàn bộ ở mặt trước biền gỗ. Bài thờ trên biền gỗ thứ nhất có chữ “ngự đề” và tên bài thơ cùng dòng niên đại. Bài thơ trên biền gỗ thứ hai có lời dẫn và dòng niên đại.

- Văn bản khắc trên gỗ thứ nhất bằng chữ Nôm, tạm phiên âm như:

Ngự đề
Pháp Vũ tự thi(3)
Vô biên công đức dậy lừng danh,
Phơi ngỏ hồ thiên cảnh tứ thanh
Ngọc thỏ một vầng in địa trục,
Bàn long đòi thế mở đồng tranh.
Cầm thông gió quyến khi tuyên pháp,
Hoa báu mưa rây thuở diễn kinh
Tiết gặp thăng bình nhân thưởng ngoạn
Tuệ quang hay được khí chung linh(4)
(Vĩnh Thịnh thập tứ niêm thập nguyệt sơ cửu nhật)(5)

- Văn bản khắc trên biền gỗ thứ hai, gồm lời dẫn bằng chữ Hán và bài thơ viết bằng chữ Nôm. Lời dẫn bằng chữ Hán tạm dịch như sau:

“Giữa nơi bằng phẳng của vũ trụ, cảnh chẳng có mây hồng ráng tía, thú không có vách đá muôn hình mà tạo thành một thế giới” lưu li. Chùa Pháp Vũ thuộc đất Gia Phúc thật kỳ vĩ. Trên mặt đất nổi lên đài sen, lầu son sáng rạng. Cây cỏ xum xuê rủ kín một trời, cành dương tốt tươi nhuần che muôn vật. Gió lành rười rượu hoà cùng lá bối, trăng sáng lung linh ánh với đàm hoa. Bốn phương rộng lớn đuốc tuệ dõi xa. Trăm sông về một mối, thuyền từ cập bến thiêng. Tinh linh mồn một như hiện ngay trước mắt. Công đức chất chồng không bề lượng tính. Ngẫu hứng trước danh thắng mà ngầm ngợi rằng:

Bài thơ bằng chữ Nôm tạm phiên âm như sau:
Thanh quang mẽ mẽ chốn giao quang,
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cả mở tượng đồ, đồ tuệ chiếu,
Vẹn gồm khoa lục, lục kim cương.
Duềnh thâu bích hải quyềnh quanh quất,
Sắc ánh từ vân sắc rỡ ràng.
Đức thịnh ngày càng ngày hiển ứng.
Rành thay rành rãnh dấu đăng hương(6).
(Chính Hoà Mậu Dần mạnh xuân cốc đán)(7)

2. Niên đại và tác giả:

Trên hai biền gỗ đó đã có niên đại: năm Vĩnh Thịnh 14 (1718) và năm Chính Hoà Mậu Dần (1698). Niên đại này hoàn toàn phù hợp với phong cách trang trí trên biền gỗ. Hình hoa lá trên đường, diềm biền gỗ thứ nhất tương tự hình hoa lá trang trí trên diềm bìa cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 ở một số địa chùa Đậu và các địa chùa phương khác(8). Hình rồng trên biền gỗ thứ hai được tả thực đậm nét dân gian. Trên đầu, trên lưng rồng điềm thêm những hoa văn \ lưỡi mác khoẻ khoắn – loại hoa văn tiêu biểu ở thế kỷ 17(9). Hơn nữa cả hai bài thơ đều là thơ vãn cảnh, đề tặng nên thường được lập tức khắc lại để lưu truyền về sau. Do đó niên đại ghi trên biển gỗ là niên đại bài thơ và trong trường hợp này cũng là niên đại của biền gỗ(10).

Vậy thì hai bài thơ được làm năm 1718 và năm 1698 là của ai?

Bài thơ thứ nhất có chữ “Ngự đề” thì chỉ có của vua hoặc chúa mà thôi. Niên hiệu Vĩnh Thịnh là của vua Lê Dụ Tông 9(1705 – 1719). Cùng thời gian này, Trịnh Cương đang ở ngôi chúa (1709 – 1729). Trong thực tế, vua Lê Dụ Tông cũng như các vị vua Lê khác thời Lê Trịnh đều không thích thơ Quốc âm, ngược lại Trịnh Cương và các chúa Trịnh khác rất thích thơ Quốc âm, từng vãn cảnh đề thơ nhiều. Hơn nữa, năm 1718 Lê Dụ Tông đang trở tang cha(11). Theo phong tục cổ truyền thì một người có đại tang không thể du ngoạn đề thơ được, đặc biệt đối với một ông vua. Do vậy bài thơ làm năm Vĩnh Thịnh 14 là của An Đô Vương Trịnh Cương.

Bài thơ thứ hai này tuy không có chữ “Ngự đệ” nhưng chũng chỉ có thể của vua hoặc của chúa, bởi biền gỗ được chạm khắc khá công phu, sử dụng hình rồng làm đề án trang trí chính vì sự thể hiện hết sức tôn nghiêm. Biền gỗ và hình thức văn bản này tương tự biền gỗ và hình thức văn bản trên biền gỗ ở Văn Miếu (Hà Nội) khắc bài thơ Quốc âm của Trịnh Căn năm ất Hợi (1695). Mặt khác, tại chùa Đậu, Trịnh Căn đã từng đóng góp tu bổ chùa với quy mô lớn vào năm Dương Hoà 5 (1639) và từng qua lại lễ Phật(12). Vì thế bài thơ làm năm 1698 ở Chùa Đậu có phần chắc là của Định Vương Trịnh Căn(13).

3. Một vài nhận xét:

Hai văn bản thơ Quốc âm trên có thể coi là những văn bản gốc ở giai đoạn cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. So sánh chúng với văn bản trong hai sưu tập Hồng Đức Quân thi âm và Khâm định thăng bình bách vinh, thấy nổi lên mấy trường hợp như sau:

- Khác chữ, khác âm: như chữ thứ 2 cây 5, bài thơ làm năm 1718 trên biền gỗ ghi “gió quyến”, trong sưu tập chép “phong quyến”. Trong câu thơ này rõ ràng không thể là “Phong quyến”, được vì thất niêm, mà phải là “gió quyến”. Có lẽ khi chép chữ “gió” người sưu tập đã bỏ sót chữ “dũ” ở dưới nên thành “phong”.

- Cùng âm, cùng nghĩa nhưng khác về tự dạng: Như chữ “tranh” câu 4 bài thơ năm 1718, trên biền gỗ ghi “Cân + trinh” trong sưu tập chép “cân + tranh”.

- Khác nhau về cấu tạo chữ Nôm: Những chữ trên biền gỗ mới chỉ có bộ phận chỉ âm, chưa có phần chỉ nghĩa thì trong sưu tập đã ghi đầy đủ cả phần chỉ âm và nghĩa như chữ “gặp” trong bài thơ năm 1718. Trên biền gỗ “gặp” được viết “cập” trong sưu tập chép “cập + bộ xước”. Và những chữ phải đọc chệch âm thì trong sưu tập ghi thêm dấu nháy như “mẽ”, “vẹn”, “gấp” ở bài thơ năm 1698. “Mẽ” trên biền gỗ ghi “mỹ” trong sưu tập chép “mỹ + cá nháy”. “Vẹn” trên biền gỗ viết “viện” trong sưu tập chép “viện +cá nháy”. “Gấp” trên biền gỗ viết “cấp” trong sưu tập chép “cấp + cá nháy”.

…………

Từ sự khác nhau trên có thể nghĩ răng hai bài thơ trong hai sưu tập đã được chép lại từ hai bài thơ trên hai biền gỗ này. Và như vậy, thời gian sưu tập thơ Quốc âm Hồng Đức và thơ Quốc âm Lê Trịnh mới được tiến hành, sớm nhất cũng không thể vượt quá thời điểm xuất hiện hai bài thơ trên ở chùa Đậu, tức là từ thế kỷ 18 trở về sau. Đồng thời người sưu tập thơ Quốc âm có lẽ chủ yếu để ghi lại chứ không sao nguyên bản cũ. Khi xác định tác giả, người sưu tập gặp một trở ngại là thơ không ghi rõ tên người soạn. Do vậy họ cũng chủ yếu dựa vào lời tuyên khẩu trong dân gian hoặc theo cảm nhận chủ quan của mình mà đoàn định. Chẳng thế trong hài bài ở Chùa Đậu một bài có chữ “ Ngự đề” và mang tên là “Pháp vũ tự thi” thì có người cho là bài thơ của Lê thánh Tông (1460 – 1497)(14) và được xếp vào tập Hồng Đức Quốc âm thi, còn một bài không rõ xuất xứ thì cho là bài thơ của Trịnh Tùng (1570 – 1623) và được xếp vào tập Khâm định thăng bình bách vịnh.

Vì vậy những bài thơ trong Hồng Đức Quốc âm thi tập và Khâm định thăng bình bách vịnh tập cũng như một số sưu tập thơ Quốc âm khác bị lẫn lộn về tác giả là điều có thể hiểu được.

Tóm lại: việc phát hiện hai văn bản thơ Quốc âm ở Chùa Đậu góp thêm những cứ liệu mới để tìm hiểu thơ Quốc âm Lê Trịnh và góp phần lý giải văn bản một số sưu tập thơ Quốc âm khác.

CHÚ THÍCH

(1) Chúng tôi muốn nói đến hệ thống Tứ pháp ở Luy Lâu, nay thuộc huyện Thuận Thành (Hà Bắc).

(2) Mang ký hiệu AB. 292 tại kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(3) Thơ chùa Pháp Vũ.

(4) Bài thơ này đã được giới thiệu. Xem Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên: Hồng Đức Quốc âm thi tập, xuất bản lần thứ 2, Nxb Văn hoá, H., 1982.

(5) Ngày 9 tháng 10 năm Vĩnh Thịnh mười bốn (1718).

(6) Hai văn bản trên gỗ ở chùa Đậu đã có thác bản tại kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 7880 và 7881.

(7) Ngày lành tháng giêng năm Chính Hoà Mậu Dần (1698).

(8) Như bia Tu tạo Pháp Vũ tự, dựng năm Dương Hoà 5 (1639); Pháp Vũ tự bi, dựng năm Thịnh Đức 3 (1655) tại chùa Đậu.

(9) Xem Phương Anh - Thanh Hương: Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập 2, Hà Bắc 1976, tr. 39.

(10) Có khi thơ có trước, mãi về sau mới được khắc lên gỗ, lên bia. Trong trường hợp đó niên đại bài thơ và niên đại biển gỗ hoàn toàn khác nhau, như bài thơ trên biển gỗ Văn Miếu (Hà Nội).

(11) Cha là Lê Hy Tông mất năm Vĩnh Thịnh 12 (1716).

(12) Xem bia Tu tạo Pháp Vũ tự tại chùa Đậu.

(13) Trịnh Căn làm chúa từ năm 1682 đến năm 1709.

(14) Có thể Lê Thánh Tông có thơ ở chùa Pháp Vũ, nhưng là chùa Pháp Vũ ở Thuận Thành (Hà Bắc) chữ không phải ở chùa Đậu.

TB

THỬ ĐỌC LẠI MỘT SỐ CHỮ TRONG TRUYỆN KIỀU NÔM

TRƯƠNG LỆ NGA

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học, cũng là một trong những tác phẩm cổ điển tồn tại nhiều vấn đề văn bản phức tạp nhất. Theo một thống kê được công bố(1) thì trong các bản “Truyện Kiều” đã ấn hành có tới gần 1.200 chỗ dị đồng. Những dị đồng này, có trường hợp là cả một đoạn dài, có khi là trọn một câu, nhiều hơn là những từ, những chữ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khôi phục lại bộ mặt vốn có của tác phẩm, hiệu đính được một văn bản gần nguyên tác nhất, đó là yêu cầu đối với công tác văn bản học Truyện Kiều. Để đạt tới mục đích đó, một việc soát xét lại những câu chữ còn “có vấn đề” trong Truyện Kiều có lẽ cũng là điều bổ ích:

Dưới đây, chúng tôi muốn trở lại một vài chữ đã được nhiều người chú ý.

1. Câu thứ 8: “Phong tình cố lục còn truyền sử xanh”.

Chữ “cố” trong câu này, ở hầu hết các bản Nôm như Liễu Văn Đường, Tự Đức 24 (1871); Thịnh Mỹ Đường, Kỷ Mão (1879); Đề My Sen (1884); Kiều Oanh Mậu (1902); Quan Văn Đường, Thành Thái, Bính Ngọ (1906); Quan văn Đường, Quý Hợi (1923); Liễu Văn Đường, Giáp Dần (1914); Phúc Văn Đường, Mậu Ngọ (1918), Quý Hợi (1923), Kỷ Mão (1939) v.v… đều khắc là “cố” 固 chỉ có 1 bản Nôm của hiệu Phúc An in lại năm Quý Dậu (1933) khắc là “cổ” 古.

Chúng ta hãy xem các bản Quốc ngữ phiên như thế nào mà chữ “cố” đó: bản Trương Vĩnh Ký ( 1875) và bản Đề My Sen (1884) phiên là “Phong tình có lúc”. Bản Tản Đà (1941), bản Nguyễn Văn Tố (trên Tri Tân, 1942), bản Viện Văn học (1965) phiên là “Phong tình cố lục”. Các bản Noóc đơn man (1897), Nguyễn Văn Vĩnh (1912), Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (1925) đều tin từng đôi chữ một trong gạch nối “phong tình cổ lục” hoặc trong ngoặc kép nhỏ “phong tình cố lục”. Các sách quốc ngữ về sau và cho đến bản Truyện Kiều của Thạch Giang gần đây nhất (1972) phần nhiều đều phiên là “cổ lục” và hiểu là một pho sách phong trình cổ.

Xét về mặt tần số xuất hiện, thì trong trường hợp này, có thể nói là mã chữ 固 được sử dụng nhiều lần. Chữ này đọc theo âm Nôm hay âm Hán Việt đều không thể là đọc là “cổ” – không thể có một việc làm ngược đời là sử dụng một mã chữ phức tạp hơn, âm đọc sai lạc hơn đề ghi âm một chữ đơn giản như chữ “cổ” 古 được.

Mặt khác, theo cách đọc chữ Nôm, chữ “cố” có thể coi là “có”. Nhưng vì sao chúng tôi chưa thể đồng tình với cách đọc là “có” trong trường hợp này? Theo chúng tôi, một từ Nôm “có” trong tổ hợp 4 chữ “phong tình có lục” vừa gây sự mơ hồ về ý nghĩa, vừa không phù hợp với phong cách sử dụng tổ hợp 4 chữ Hán trong Truyện Kiều như “Bỉ sắc tư phong”, “phong tư tài mạo”, “tài tử giai nhân”… “quyết kế thừa cơ”, “lễ tiên tập hậu, khắc cờ tập công”…

Nhưng nếu ta đọc là “phong tình cố lục” thì vấn đề sẽ được sáng tỏ: về ý nghĩa “Phong tình cố lục” có nghĩa là “một pho sách phong tình cũ” cố, nghĩa cũ là cũ, bản Kiều của cụ Nghè Nguyễn Khai ở Tiên Điền cũng ghi: “Cố lục, cổ lục giã” (cố lục nghĩa là cổ lục). Về cách dùng: “Phong tình cố lục” là một tổ hợp 4 chữ Hán, làm chủ ngữ trong cả câu: “phong tình cố lục truyền sử xanh”.

2. Câu 78:

Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa
(Hoặc Bụi hồng một nấm hoặc dầu cỏ hoa)

Phần lớn các văn bản cổ như: Quan Văn Đường, Liễu Văn Đường, Phúc Văn Đường, Trương Vĩnh Kỳ, Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim v.v.. đều ghi là “vùi nông”. Bản Kiều Oanh Mậu và Tản Đà sửa là “bụi Hồng”. Tản Đà chú rằng: “Hai chữ “Bụi hồng” đầy chỉ là lời văn lịch sự, nói cái mả chôn ở bên đường. Có nhiều bản đề là “Vùi nông” thời gian mất cả vẻ hay mà lại thành ra cái tình của người khách không có trung hậu. Sự sai lầm đó rất có hại đến văn lý…”.

Kiều Oanh Mậu thì dè dặt hơn, chú thích như sau: “… “Bụi Hồng” có sách chép là “vùi nông” thì cũng thông. Nhưng ba chữ “tử”, “châu” và “hông” đối chiếu với nhau là nghệ thuật nhà văn”.

Các nhà nghiên cứu lỗi lạc như Kiều Oanh và Tàn Đà đã nhận định như vậy, dễ dẫn đến đồng thình của thế hệ sau. Từ đó các bản Quốc ngữ đều chép theo Tản Đà, kể cả Truyện Kiều của Viện Văn học 1965 và Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang cũng đều chấp nhận chữ “bụi hồng” và chú nghĩa như sau: “bụi hồng” là do chữ hồng trần; chỉ đời thế lục bụi bặm, nơi phồn hoa náo nhiệt. Đây nấm mồ của khách hồng nhan còn lưu lại trong cõi hồng trần gió bụi”.

Trước hết xét về tần số xuất hiện chữ “vùi nông” đã xuất hiện trên đa số văn bản và đặc biệt là các văn bản cổ như Liễu Văn Đường (1871), Quan Văn Đường Bính Ngọ (1906) v.v… Ngay cả Kiều Oánh Mậu cũng công nhận rằng: “ Có sách chép là vùi nông thì cũng thông…” còn Tản Đà cũng ghi: “Nhiều sách chép là vùi nông..”

Vậy thì chữ “vùi nông” có đúng là “sai lầm” có hại cho văn lý” như Tản Đà nói không? Khi nói tới việc chôn cất cho người đã khuất trong Truyện Kiều còn dùng chữ “thiên thổ”:

Xin cho thiền thổ một đôi
Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh(2)

Câu này các bản Kiều Oánh Mậu, Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, Quan Văn Đường Bính Ngọ (1906) đều chép như vậy. Một số bản khác chép lầm thành “tiện thổ” (Trương Vĩnh Ký), Liễu Văn Đường chép là “tiện sĩ”. Chúng ta có thể hiểu được sự biến đổi văn bản này. Vì tự dạng chữ “thiền” dễ nhầm thành “tiện” và chữ “thổ” dễ nhầm thành “sĩ”. Theo Kiều Oánh Mậu đã chú trong Đoạn trường tâm thanh và theo bản Thuý Kiều tường chú của Thúc Viên Lê Mạnh Liêu xuất bản ở Sài Gòn năm 1966, thì Nguyễn Du đã dịch câu “xin cho thiên thổ một đôi” … từ nguyên lục câu Hán trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân: “Kiều vân dĩ nhất phầu thiên thổ yềm kỳ hài cốt..” (Kiều rằng xin cho một nắm đất nông để chôn cất hài cốt…)

“Thiên Thổ” (đất nông) trong Truyện Kiều hay “nhất phần thiền thổ” (một nắm đất nông) trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân đều là từ ước lệ, dùng để chỉ mồ mả, hoặc chỉ việc chôn cất người đã khuất. Và chữ “vùi nông” trong câu “vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa” là xuất phát từ các chữ “nhất phần thiên thổ” đó mà ra, chỉ việc mai táng chôn cất cho Đạm Tiên, hoàn toàn không có nghĩa là chôn nông hay chôn sâu, cũng không có hàm ý gì là bạc tình hay hậu nghĩa. Nếu nói như Tản Đà thì việc Kiều xin cho Từ Hải “thiên thổ một đôi” cũng là không trung hậu với Từ Hải hay sao?

Vì những lữu lẽ trên chúng tôi đề nghị trả lại cho chữ “vùi nông” trong vản bản Truyện Kiều ý nghĩa đích thực của nó và thanh minhh cho sự oan uổng của nó trước những phê phán có phần chủ quan của Tản Đà.

3. Câu 99:

Ngày xuân con én đưa thoi
(Hoặc: Tiết vừa con én đưa thoi)

Các bản Kiều Nôm như Quan Văn Đường, Liễu Văn Đường, các văn bản mang ký hiệu VNb. 10, VNb. 9, Vnb. 60, Vnb. 27… trong kho sách Hán Nôm đều chép là “tiết vừa con én đưa thoi” bản Kiều Oánh Mậu, Tản Đà và các bản chép về sau này như bản VNb.12, Chép thời Bảo Đại, bản Kiều khắc năm Khải Định 9 sửa là “ngày xuân”. Riêng bản Trương Vĩnh Ký chép là “mùa xuân”, các bản Quốc ngữ đều phiên theo Kiều Oánh Mậu và Tản Đà.

Chữ “tiết vừa” xuất hiện trên nhiều văn bản cổ và các bản khác theo bản Phường. Hai chữ này theo chúng tôi, có khả năng gần nguyên tác nhất.

Sách xưa có chép: Một năm có 4 mùa, và 8 tiết và 24 khí, Mùa xuân có 2 tiết Lập xuân và Xuân Phân. Tiết lập xuân có 2 khí: Vũ thuỷ và Kinh trập. Tiết Xuân phần có 2 khí: Thanh Minh và Cốc vũ. Sách Cầm kinh chép: “Xuân phân yến phi xuất, Thu phân yến phi nhập”. (tiết xuân phân là lúc chim én hay ra [khỏi tổ]; Tiết thu phân là lúc chim én bay vào [tổ] Thế thì “tiết vừa con én đưa thoi” tức là đúng vào tiết xuân phân là lúc chim én bay ra khỏi tổ vào nhào liệng trên trời như thoi đua vậy. Nguyễn Du là một bài thơ tinh tế, và hiểu rộng, ông dùng từ có cân nhắc, chọn lọc. Trong cả đoạn thơ:

Tiết vừa con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài bảy mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
v.v…

Tất cả mọi từ ngữ đều tập trung mô tả thời tiết vào lúc Xuân phân ấy. Vì thế theo chúng tôi, nên chọn chữ “tiết vừa” thay cho chữ “ngày xuân” bởi chữ “tiết vừa” nó có giá trị mô tả chính xác của nó trong trường hợp cụ thể này.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Truyện Kiều, Nxb Văn học, H., 1965.

(2) Truyện Kiều, câu 2561 - 2562.

TB

GÓP MỘT VÀI Ý KIẾN NHỎ VỀ BẢN DỊCH HỊCH TƯỚNG SĨ HIỆN HÀNH

NGUYỄN CẢNH PHỨC

Cũng như hầu hết các tác phẩm khác ở thời Lý Trần, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Túan được viết bằng chữ Hán. Nhiều người đã dịch ra tiếng Việt như Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố…. Bản dịch hiện hành do ông Bùi Văn Nguyên dịch trên cơ sở tham khảo các bản dịch của ba ông trên.

Đối với một tác phẩm “thiên cổ hùng văn” như thế, chúng ta đều mong muốn có một bản dịch tốt, xứng đáng với nguyên tác. Chúng tôi thấy bản dịch Hịch Tướng sĩ hiện hành là một bản dịch tốt vì:

1. Nhìn chung đã chuyển đạt được nội dung cơ bản của nguyên tác

2. Đã chuyển đạt được tính chất hài hoà, cân đối, nhịp nhàng của thể văn biền ngẫu ở nguyên tác.

3. Đã bảo lưu được sắc thái cổ kính của một tác phẩm ra đời cách đây gần 700 năm nhưng vẫn tương đối dễ hiểu đối với chúng ta ngày nay.

Tuy vậy, bản dịch hiện hành vẫn tồn tại một số nhược điểm cần khắc phục, mà chủ yếu là có nhiều chỗ dịch chưa sát, dẫn đến hiểu sai nội dung của nguyên tác. Trước hết, chúng tôi thấy cần phải hiện đính lại tiêu đề của bài Hịch. Nếu chú ý, người đọc sẽ phát hiện ra rằng: theo tiêu đề “hịch tướng sĩ” thì Trần Quốc Tuấn viết bài hịch này nhằm khuyên răn, động viên, kêu gọi các tướng lĩnh và binh sĩ nhưng suốt cả bài hịch ông chỉ nhằm vào các tướng lĩnh chứ không hề đề cập tới hàng ngũ binh sĩ. Điều này chứng tỏ tiêu đề không phù hợp với nội dung. Tại viện bảo tảng lịch sử Hà Nội còn trưng bày một dị bản khác của bài hịch với tiêu đề Dự chư tướng hịch văn nghĩa là “Bài hịch khuyên răn các tỳ tướng”. Tiêu đề này honà tonà ăn khớp với nội dung cho nên nó hợp lý hơn. Xác định đúng đối tượng của bài hịch là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì nó sẽ giúp ta tìm hiểu sự nhận thức của Trần Quốc Tuấn về vai trì và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân cũng như sự phát triển tư tưởng của tổ tiên ta từ thời Trần đến thời Lê.

Ở nguyên tác, đoạn tố cáo thái độ hống hách, láo xược của tên sứ nhà Nguyên, Trần Quốc Tuấn viết: “Thiết kiến nguỵ sữ vãng lai đạo đồ bàng ngọ” nghĩa là: “Ngõ trộm tên nguỵ sứ đi lại nghênh ngang ngoài đường”. Trần Quốc Tuấn dùng từ “Thiết kiến” nghĩa là “nhìn trộm” để các tỳ tướng thấy được nỗi nhục nhã của mình – những vị tướng của triều đình khi đứng trước tên nguỵ sứ của quân Nguyên. Từ đó, ông khơi dậy ở họ lòng căm thù giặc sâu sắc để họ biến căm thù thành sức mạnh dặng báo thù cho chủ, rử nhục cho nước. Câu đó, bản dịch hiện hành là : “ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường”. “Ngó thấy” tức là nhìn một cách công khai không diễn đạt được dụng ý sâu sác của tác giả. Cũng trong câu trên, tác giả dùng từ “nguỵ sức” nghĩa là “tên sứ giả hiệu”. Tác giả coi tên sứ của quân Nguyên là nguỵ sứ vì theo quan niệm truyền thống của nhân dân Trung Quốc, hai triều đại Nguyên và Thanh là hai triều đại giả hiệu, không chính thống nên họ đều gọi là “nguỵ triều”: Triều nguyên do quân Mông Cổ xâm chiếm Trung Quốc là lập nên, triều Thanh do Mãn Thanh xâm lược lãnh thổ của người Hán mà dựng dậy chứ không phải là hai triều đại chính thống của nhân dân Trung Quốc. Tên sứ của nguỵ triều ắt phải là nguỵ sứ. Tác giả gọi tên sứ của quân Nguyên là nguỵ sứ sẽ phù hợp với lập trường và quan điểm của nhân dân Trung Quốc nhất là dân tộc Hán lúc bấy giờ, đều có thể tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của họ. Nhờ thế mà có tác dụng phân hoá kẻ thù, làm suy yếu lực lượng quân địch. Thế mới thật là sâu sắc. Thế nhưng từ “nguỵ sứ” được dịch là “sứ giặc”. Từ “Sứ giặc” chỉ biểu thị dược lòng căm thù chứ không mang ý nghĩa sâu sắc như từ “nguỵ sứ”. Nếu muốn diễn đạt ý “sứ giặc” thì Trần Quốc Tuấn sẽ chọn 1 trong 3 từ sau đây: “Lỗ sứ”, “tặc sứ” và “khấu sứ”. Về mặt thanh điệu, cả 3 từ đó đều là những âm tiết mang thanh trắc như từ “nguỵ sứ” nên không ảnh hưởng gì đến âm điệu của câu văn. Vởy chúng tôi đề nghị dịch câu: “thiết kiến, nguỵ sứ ngang ngoài đường”.

Trong bài hịch, Trần Quốc Tuấn phê phán gay gắt một số thái độ và việc làm sai trái của các tỳ tướng như: : “Vi bang quốc chi tướng, thi lập di trù nhi vô phẫn tâm” nghĩa là: “Làm tướng của một nước phải đứng hầu tên tù trưởng mọi rợ mà không biết tức”. Tác giả không những gọi tên sứ của quân Nguyên là “nguỵ sứ” mà còn gọi là “di trù” nghĩa là “tên tù trưởng mọi rợ”. Tác giả dùng từ “di tù” với 3 dụng ý sau:

- Biểu thị sự khinh bỉ tột độ của mình đối với quân giặc

- Khơi dậy các tỳ tướng lòng tự tôn dân tộc để họ càng căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm biến căm thù thành sức mạnh.

- Cách gọi đó phù hợp với quan niệm lâu đời của dân tộc Hán

- Lúc đó, họ đang ngày đêm nung nấu căm thù để tìm trăm phương nghìn kế lật đổ ách thống tị cuả ngoại tốc là quân Mông Cổ – một thứ “mọi rợ” tàn bạo nhất thế thới ở thế kỷ VIII. Vì thê mà lại có tác dụng phân hoá kẻ thù, làm suy yếu lực lượng quân địch.

Câu nói được dịch là: “làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức”. Từ “di tù” được dịch là “quân giặc”, từ “quân giặc” chỉ biểu thị được lòng căm thù chứ không chứa đựng được nhiều ý nghĩa sâu sắc như từ “di tù”.

Trần Quốc Tuần còn phê phán các tỳ tướng: “hoặc cam mỹ tửu, hoặc thị dâm thanh” nghĩa là: “hoặc ham thích rượu ngon, hoặc yêu thích ca nhạc bất chính”. Như vậy Trần Quốc Tuấn chỉ phản đối các tỳ tướng yêu thích loại ca nhạc yếu đuối vì nó làm giảm ý chí chiến đấu và làm sao nhãng việc luyện tập võ nghệ, từ đó dẫn đến nguy cơ mất nước “Hoặc mê tiếng hát” thì sẽ làm cho người đọc hiểu nhầm rằng Trần Quốc Tuấn là người quá khắt khe, phản đối các tỳ tướng thích mọi loại ca nhạc dù cho đó là loại ca nhạc chân chính. Vậy chúng tôi đề nghị câu “hoặc cam mỹ tửu”, hoặc thị dâm thanh” là “hoặc thích rượu ngon, hoặc mê âm nhạc”.

Đoạn tố cáo tội ác tày trời và lòng tham vô đáy của quân giặc, Trần Quốc Tuấn viết: “Giả Vân Nam Vương chỉ hiệu nhi nhu kim ngân” nghĩa là: “Dựa vào mệnh lệnh cảu Vân Nam Vương mà đòi bạc vàng”. Theo lệnh của Hốt Tất Liệt và Vân Nam Vương, tên nguỵ sứ của quân Nguyên sang nước ta lúc bấy giờ ra sức vơ vét vàng bạc châu báu để mang về nước ta một cách vô cùng ngang nhiên, trắng trợn. Câu ấy có dịch là: “Giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng”. trong tiếng việt ta, từ “Giả hiệu” có nghĩa là giả dối, giả mạo, khống chính hiệu. Người đọc sẽ hiểu câu: “giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng” là: “Tên sứ của quân Nguyên sang nước ta giả mạo lấy lệnh của vân Nam Vương mà thu bạc vàng”(chứ bản thân Vân Nam Vương không ban lệnh ấy). Như vậy hành động vơ vét bạc vàng châu báu nước ta của tên sứ quân Nguyên vốn ngang nhiên trắng trợn và đại diện cho triều đình quân giặc lại trở nên lén lút, vụng trộm và chỉ mang danh ghĩa của cá nhân nó. Vì vậy mà sức tố cáo tội ác tày trời và lòng tham vô đáy của quân giặc đã làm giảm đi rõ rệt. Vậy chúng tôi đề nghị dịch câu: “Giả Vân Nam Vương chỉ hiệu nhi nhu kim ngân’ là: “Dựa lệnh Vân Nam Vương mà thu bạc vàng”.

Trong đoạn nói về cách đối xử của mình với các tỳ tướng, Trần Quốc Tuấn viết: “Quan ty trắc hiên kỳ trước” nghĩa là: “Quan nhỏ thì ta thăng trước”, hay “chức nhỏ thì ta thăng trước”. Ngày xưa, chức và tước thường tương ứng với nhau nên thăng chức thường cũng đi đôi với thăng tứơc, nhưng cũng có khi vị tất như thế. Mối quan hệ giữa chức và tước ngày xua cũng na ná như mối quan hệ giữa chức vụ và quân hàm của sĩ quan hiện nay. Trần Quốc Tuấn, chủ trường thăng tước cho những vị tỳ tướng quan còn nhỏ, chức còn thấp nhằm mục đích tăng thêm đãi ngộ về quyền lợi vật chất để vợ con họ luôn luôn có một đời sống kinh tế ổn định. Có như vậy, họ mới thực sự an cư lạc nghiệp, ra sức huấn luyện quan sĩ, trau dồi võ nghệ đặng tiêu diệt quân địch, báo thù cho chủ, rửa nhụ cho nước. Câu nói đó đã được dịch là: “Quan nhỏ thì ta thăng chức”. Như vậy thành ra những vị tỳ tướng nào quan còn nhỏ đều được thăng chức, đều được “đề bạt” cả. Do đó dẫn đến tình trạng xô bồ giao việc quá sức một cách phổ biến tạo ra một đội ngũ cán bộ chỉ huy cao cấp nhưng năng lực yếu. Dịch như thế sẽ làm cho người đọc hiểu sai thiện ý, hiểu sai “đường lối cán bộ” của Trần Quốc Tuấn - Vị tướng thiên tài của dân tộc ta. Chúng tôi đề nghị cứ dịch thẳng câu: “Quan ty tắc thiên kỳ tước” là “Quan nhỏ thì ta thăng tước”.

Trên đây chúng tôi đã nêu lên những ưu điểm và đặc biệt lưu ý tới một đôi chỗ chưa thật sát dúng của bản dịch “Hịch tướng sĩ” hiện hành nhằm mục đích trao đổi với mọi người để cùng nhau hiểu cho thật chính xác một tác phẩm bất hủ ra đời trong hào khí Đông A.

TB

ĐÍNH CHÍNH CHO TẢN ĐÀ

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Trong bài Từ hiểu sai, hiểu chưa hết đến lơ đễnh dịch sai đăng ở tập (Nghiên cứư Hán nôm số 1 năm 1985, chúng tôi có nói đến bài thơ Tống khách qui ngô của Lý Bạch và cho rằng Tản Đà đã dịch sai khi nói mùa thu mà lại có hoa đào nở.

Nếu chỉ căn cứ vào quyển Tản Đà vận văn(1) và quyển Thơ Đường(2) thì chúng ta sẽ cho rằng Tản Đà đã “lơ đễnh” phiên âm sai câu “Đảo hoa khai chước chước” ra thành “Đào hoa khai chước chước” và đã dịch sai là “Cây đào hớn hở ra hoa”. Chúng tôi nhận thấy nếu viết bằng chữ Hán thì chữ “đảo” 島 và chữ “đào” 桃 không thể nhầm lẫn được. Nhưng nếu viết bằng Quốc ngữ thì hai chữ ấy lại rất rễ nhầm lẫn vì chỉ khác có mỗi một cái dấu hỏi (?) và dấu huyền (\), chúng tôi vì lẽ đó vẫn thắc mắc có phải Tản Đà đã “lơ đễnh” phiêm âm sai và dịch sai như vậy không?

Thì tình cờ, một hôm đọc lại báo Ngày nay số 119 ra ngày chủ nhật 17/7/1938, ở trang 8 có đăng bài dịch Tống khách qui Ngô, nguyên văn như sau:

Tống khách quy ngô
Giang thôn thu võ yết,
Tửu tận nhất phàm phi.
Lô lịch ba đào khứ,
Gia duy toạ ngoạ qui,
Đảo hoa khai chước chước,
Đinh liễu tế y y.
Biệt hậu vô du sự,
Hoàn ưng tảo điếu ky.
(Lý Bạch)

Tiễn khách đi về Ngô
Sông thu ngớt hạt mưa tuôn,
Rượu vừa cạn chén, cánh buồm xa bay.
Đường đi trải mấy nước mây,
Ngồi, nằm ai chẳng khó thay đến nhà.
Cây đồi hớn hở ra hoa,
Lăn tăn lá liễu thướt tha bên ngàn.
Xa nhau rồi những thành nhàn,
Thú chơi quét tấm thạch bàn ngồi câu.
(Tản Đà dịch)

Theo bài thơ dịch thì Tản Đà đã phiên âm đúng là “đảo hoa” và đã dịch là “cây đồi”. Chữ “đồi” tuy không đúng hẳn nghĩa chữ ‘đảo” nhưng cũng không sai hẳn nghĩa như chữ “đào”.

Vậy chúng tôi xin đính chính lại một sai lầm mà quyển Tản Đà vận văn và quyển Thơ Đường đã để lại.

Riêng về các bài thơ Đường khác của Tản Đà dịch và in trong quyển Tản Đà vận văn, Nhà xuất bản Hương Sơn còn để lại rất nhiều lỗi và cũng còn sưu tầm thiếu gần ba chục bài), chúng tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác.

CHÚ THÍCH

(1) Nxb Hương Sơn Hà Nội, in lần thứ nhất, năm 1945. Nxb Á châu, Sài Gòn, in lại lần thứ ba, không ghi năm in.

(2) Thơ Đường, tập II, Nxb Văn hoá, H., 1962.

TB

THƠ NÔM BÙI XƯƠNG TỰ

NGUYỄN ĐĂNG

Bùi Xương Tự (1656-1728) hiệu là Túc Trai, người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là ông nội của nhà văn Bùi Huy Bích. Thuở nhỏ ông học rất giỏi, năm 22 tuổi thi Hương đỗ tứ trường, song thi Hội ba lần đều không đỗ. Thời bấy giờ ông nổi tiếng về tài làm thơ, sáng tác cả Nôm lẫn Hán, nay còn lại một số bài ghi trong Hoàng Việt thi tuyển. Bùi thị gia phả. Riêng về thơ Nôm ông chỉ còn để lại 16 bài chép trong sách Bùi thị gia phả để ở kho sách của Thư viện Hán Nôm, ký hiệu A640. Các bài thơ này dường như có chung chủ đề là cơ ngợi danh lam thắng tích, nơi ông đã từng sống và làm việc, trong đó, 9 bài sáng tác khoảng năm 1687 - 6898 khi ông làm Huấn đạo phủ Nam Sách; 4 bài sáng tác trong những năm 1699 - 1706, khi ông giữ chức Tri phủ Nghĩa Hưng; 1 bài viết năm 1707 khi ông được thăng chức Hiến sát phó trấn Thanh Hoa; 2 bài viết năm 1715 khi ông phụng mệnh đi công cán ở trấn Sơn Nam Hạ.

Thơ ông viết rất trong sáng, lời lẽ bình dị, ít dùng điển cố. Đọc lại thơ Nôm Bùi Xương Tự, chúng ta không chỉ được thưởng thức những câu thơ hay, những tứ thơ lạ, mà còn tìm được những cứ liệu quí giá để nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Chẳng hạn từ “Song viết” đến cuối thế kỷ 17 còn thấy Bùi Xương Tự sử dụng. Điều đáng lưu ý hơn là tiếng “viết” trong từ “song viết’ lại được dùng để hiệp vận trong bài thơ vần trắc “Cửa Đạt”, v.v…

Dưới đây là toàn bộ 16 bài thơ Nôm của Bùi Xương Tự, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

A. Thời kỳ làm Huấn đạo phủ Nam Sách.

1. Phúc lâm tự (Chùa Phúc Lâm)

Thế giới ba ngàn mở phạn cung(1)
Xui người nhân hứng thuở thung dung.
Gió thiền giúp quạt xen rung lá
Trăng bụt thay đèn quế nở bông.
Réo rắt mừng chào con phật điểu(2)
Thuôn chân(3) ngại tiếp đứa tăng đồng
Tầng tầng sớm dậy chân dời bước
Lòng hãy đeo đai bạn trúc thông.

2. Cửa đạt

Cảnh thanh mất thú càng thanh mất
Mọi cửa đều thông danh(4) cửa Đạt.
Sóng lẩn đầu ghềnh thuở gió doi(5)
Khói loà mặt nước khi sương toát.
Thanh thơi bến liễu tiện vào ra
Ngang dọc thuyền lan dầu cậy bát(6)
Bờ cõi văng băng(7) chẳng cấm ngăn
Mặc ai chiếm lấy làm song viết(8).

3. Vạn công

Tằng tằng vừa mảng(9) tiếng thôi chung(10)
Thoắt thoắt rằng đà tới Vạn Công.
Bãi Sở ngàn Tương chăng cấm đoán,
Vòng câu tay lưới dễ phao tung.
Đón trăng cầu nọ rèm dầu hí(11)
Thuận gió buồm kia cánh hãy dùng.
Thấy cảnh ngâm chơi thơ vịnh cảnh,
Câu thiêng(12) mắc bởi thế bung tung.

4. Kênh hai

Cuộn cuộn duềnh la một dải dài
Khen ai khéo đặt hiệu Kênh Hai,
đầy vơi đòi thuở ưa chiều nước
Xuôi ngược đôi bờ đẹp thích ai.
Dan díu liễu hoa cầu mượn nhịp.
Thanh thơi phong nguyệt cửa quên cài.
Vật vờ loài mọn nào thông kể(13)
Trong sạch là lòng vốn chẳng sai.

5. Ngã ba nông

Vẳng vẳng kìa đâu tiếng trống rung
Vốn danh gọi đấy Ngã Ba Nông.
Chợ hoè mọi vật chan chan họp.
Bến liễu tư mùa lẻo lẻo trong.
Nhè nhẹ thuyền tiên đôi cánh gió.
Đùn đùn am bụt mấy hàng thông.
Thanh thơi thế mấy chàng ngư phủ.
Lộc nước thừa lưa(14) vẫn chẳng cùng.

6. Bến hới

Giang sơn thành thị đã từng tới
Cũng hữu tình thay Bến Hới
Con gái mua dâu giỏ đã đầy
Đứa đò chèo khách thuyền còn đợi
Chiếu hoa phong dặm liẽu phan phan
Buồn lá tếch duềnh la phới phới
Đón thấy bè Trương(15) thử hỏi xem
Cõi thần tiên ấy thanh(16) chăng hỡi.

7. Cửa lục

Chợt đến đây rằng Cửa Lục
Tứ bề lộng lộng đường ngang dọc
Nước in màu thước(17) tựa trăng trời.
Bụt nhuộm hơi sương lồng vẻ ngọc
Xuôi ngược dầu ai chẳng cấm ngăn,
Vào ra mặc khách đà quen thuộc.
Một chiều trong sạch vốn xưa nay.
Tả hết(18) mọi mùa cạn trọc(19).

8. Bồng châu

Càng ngẫm càng nhìn hãy chửa no(20)
Cảnh nào hơn nữa cảnh Bồng Châu,
Hoa mừng xuân tới hoa phô gấm,
Mai đượm sương nhuần lá điểm châu(21)
Vơ giỏ chiều ai nàng Chức Nữ
Trưa cày vì chúa đứa nông phu,
Ước đâu mượn được tài tay thợ,
Một bức đan thanh ướm vẽ đồ.

9. Tự nhiên châu

Giữa trời chia một cảnh tự nhiên,
Một điềm trần ai chẳng bá men(22)
Làng hạnh y y mây lẫn khói,
Duềnh ngân rệt rệt nước đường quyên(23)
Thừa phong(24) bé bé và(25) gian điếm.
Khắp mặt ngư ông mà thử hỏi,
Thú này bao nữa thú Đào Nguyên(26).

B. Thời kỳ làm Tri phủ phủ Nghĩa Hưng.

10. Đề tiên sơn tự (Thơ đề ở chùa Tiên Sơn)

Nguyên chú: Chùa ở làng Côi Sơn, huyện Thiên Bản.

Côi Sơn triền(27) đặt hiệu Tiêu Sơn
Thanh lạ qua ưa(28) khác thế gia
Gác báu đỉnh đang hồi khánh nện
Rừng thiền inh ỏi chậu ve đàn
Mừng xuân mấy đoá hoa phô gấm
Ngăn tục đòi hàng liễu phủ màn
Tiểu hỡi: “Cảnh này ai khéo dựng?”
Thưa rằng: “Tạo vật vốn khai đoan”(29).

11. Mỹ côi tự thuật (Tự thuật cảnh Mỹ Côi)

Nguyên dẫn: Ta vâng lệnh triều đình làm lễ báo công. Lúc này bầu trời trong sáng, cảnh tượng hiền hoà. Mù tan gió lặng, trăng sáng sao trong. Đỉnh núi chót vót, cây cối sum suê. Mai khoe hương tuyết, thông rợp tán mây. Sách vở đầy nhà, thú vui không kể. Bốn vẻ đẹp đủ đầy, bảy vần thơ gợi mở(30).

Thu mảng tin xuân báo hạn lành,
Cảnh thanh chiều khách mới càng thanh.
Quải hàng(31) thông nhuộm xanh pha tán,
Chiếm bảng mai khoe bạc rỡ cành
Mòn ráng(32) phủ thơm phong tám bức,
Đèn trăng khôn rạng suốt năm canh.
Chén dâng kính chúc hoàng vương thọ
Tuổi sánh Nam sơn ví Lão Bành(33).

12. Đề bình phong sơn tự (Thơ đề ở chùa núi Bình Phong)

Nguyên chú: Túc núi Nam Bảo Đài, ở xã Động Mã, huyện Vọng Doanh, trên núi có suối nước ngọt chảy ra không bao giờ cạn, tục gọi là chùa Suối.

Một chụm lâu đài thế giới tiên
Cõi ngoài trần tục dám so phen.
Hoa lồng mùi đạo thơm muôn lộc
Nước gội nguồn nhân tả mọi phiền(34)
Kinh mấy quyển in gieo phép bụt.
Chuông và hồi gióng tỏ cơ thiền.
Tri âm chẳng lo tìm đâu nữa,
Nọ trúc kia thông ấy bạn quen.

13. Bài 2 (Chùa núi bình phong)

Một khuôn ai dựng giữa bầu trời
Cảnh giới so xem chỉn khác vời
Muôn pháp nhơn nhơn(35) nhuần mọi đỉnh
Nguồn nhân cuộn cuộn dõi muôn đời.
Cửa từ nền phúc vang vang rộng,
Biển đức bia cong rở rờ bài.
Dầu bụt dầu tiên đây ấy cũng,
Sá chi tìm tới chốn Bồng Lai.

C. Thời kỳ giữ chứ hiến phó Sứ trấn Thanh Hoa.

14. Thần phù

Từng trải Nam thiên(36) khắp quận chu
Đâu vui hơn nữa cảnh Thần Phù
Cỏ hoa sặc sỡ ngàn tầng gấm
Mây khói lao xao một thức mù.
Triều dẫy(37) duềnh sông tuôn cuộn cuộn
Mưa chan sườn núi chảy u u.
Chàng Từ ả Giáng(38) đôi duyên hợp,
Nấy tới nay đà biết mấy thu.

D. Thời kỳ phụng mệnh đi công cán Sơn Nam Hạ.

15. Hoàng Đạo Tuần (Điếm tuần Hoàng Đạo)

Chịu mệnh đòi phen việc phụng sai,
Tới đây cảnh cũ hay an bài(39)
Cờ trương bến liễu lễ cơ xét,
Buồn thuận thuyền lan khách vãng lai.
Chim vẹt thung thăng mừng trước mắt,
Cánh gà inh ỏi dắng bên tai.
Giang hồ thú ấy dầu thong thả,
Mặc kẻ buông câu kẻ vãi chài(40).

16. Giao thuỷ thị (Chợ Giao Thuỷ)

Nức tiếng khong khen ắt chẳng sai,
Hai chiều danh lợi có hoà hai.
Khúc xoang chặp phím ưa đòi chốn,
Vật lạ mùi ngon đủ mọi loài.
Liễu lục đào hồng này quán các,
Gió êm trăng sáng nọ Bồng Lai.
Xa trông nguồn trí thanh thơi nhỉ,
Thuyền Phạm(41) bè Trương(42) mặc thích ai.

CHÚ THÍCH

(1) Phạn cung: Chùa thờ Phật.

(2) Phật điểu: Chim nhà Phật.

(3) Thuôn chân: Vất vả, chen chân vào.

(4) Danh: Tên là, gọi là.

(5) Gió doi: Gió thổi nhẹ.

(6) Dầu cậy bát: Mặc sức chèo lái đưa thuyền đi.

(7) Văng băng: Bừa bãi, thoải mái.

(8) Song viết: Chưa rõ nghĩa.

(9) Mảng: Nghe thấy.

(10) Thôi chung: Gõ chuông.

(11) Dầu hí: Thoả sức vui chơi.

(12) Câu thiêng: Câu thơ hay.

(13) Thông kể: Kể đủ.

(14) Thừa lưa: Dồi dào, đầy đủ.

(15) Bè Trương: Bè vượt sông của Trương Khiên. trương Khiên người thời Hán, tương truyền ông từng đóng bè đi ngược dòng Hoàng Hà lên đến tân trời.

(16) Thanh: Thanh tú, xinh đẹp.

(17) Màu thước: Màu 1 lông chim thước.

(18) Tả hết: Rửa sạch.

(19) Trọc: Đục.

(20) No: Đủ, thoả mãn.

(21) Lá điểm châu: Lá cây có sương đọng trông như viên ngọc.

(22) Bá men: Bám vào, dính vào.

(23) Nước dường quyên: Dòng nước đẹp như dải lụa.

(24) Thừa phong: Đón gió

(25) : Một vài

(26) Đào nguyên: Nơi chư tiên ở

(27) Côi Sơn triền: ở ven làng Côi Sơn

(28) Qua ưa: Rất được ưa chuộng

(29) Khai đoan: Mở đầu.

(30) Lời dẫn này cũng như lời chú của một số bài khác nguyên văn chữ Hán, khi dịch chúng tôi có ghi rõ “nguyên dẫn” hoặc “nguyên chú”.

(31) Quải hàng: Sắp hàng

(32) Ráng: Ráng mây, ráng trời

(33) Lão Bành: Tức Bành Tổ, nhân vật truyền thuyết, tương truyền sống được 800 tuổi

(34) Tả mọi phiền: Rửa hết mọi phiền luỵ.

(35) Nhơn nhơn: Uy nghiêm

(36) Nam thiên: Trời Nam, chỉ chung đất nước Việt Nam.

(37) Triều dẫy: Nước triều dâng đầy.

(38) Chàng Từ ả Giáng: Từ Thức và Giáng Kiều. Truyền thuyết dân gian kể, nàng tiên Giáng Kiều xuống trần đi vãn cảnh chùa, mải xem hoa lỡ gãy mất một cành. Nhà chùa giữ lại bắt đền, vừa hay Từ Thức đến thăm chùa, bèn cởi áo xin chuộc cho nàng. Giáng Kiều cảm ơn bèn xin kết duyên cùng Từ Thức, sau hai người cùng lên tiên.

(39) An bài: Sắp xếp.

(40) Vãi chài: Thả lưới

(41) Thuyền Phạm: Con thuyền của Phạm Lãi. Sách Sử ký chép, Phạm Lãi là một danh tướng của nước Việt, giúp Việt vương Câu Tiễn diệt xong nước Ngô, bèn bỏ đi thả thuyền dong chơi ở Ngũ Hồ.

(42) Bè Trương: Xem chú thích bài Bến Hới.

TB

ĐỌC CUỐN
CƠ SỞ NGỮ VĂN HÁN NÔM TẬP I

PHAN VĂN CÁC

Tập I (Từ chữ nghĩa đến văn bản) trong bộ sách 4 tập Cơ sở ngữ văn Hán Nôm(1) đã ra mắt bạn đọc. Bộ sách được các tác giả xác định là một “công cụ đầu tiên cho ngành Việt Hán học”(2).

Bộ sách gồm hai phần lớn: Phần I mang tên Từ chữ nghĩa đến văn bản (tức tập I) được trình bày thành 5 chương: 1. Chữ viết trong thế giới cổ đại và vấn đề chữ viết ở Việt Nam; 2. Văn tự Hán: Kết cấu – Hình thể – Cách thể hiện. Bộ thủ; 3. Từ và câu trong Hán văn cổ; 4. Vấn đề ngữ văn Hán cổ ở Việt Nam; 5. Một số biện pháp tu từ chủ yếu thường được dùng trong các văn bản Hán cổ ở Việt Nam. Phần II (gồm các tập còn lại) là những tài liệu tham khảo tra cứu văn học cổ điển về các học thuyết Phật, Đạo, Nho và một số phạm trù, khái niệm. Cuối sách là một phụ lục “Từ vựng tối thiểu” trình bày ngắn gọn nghĩa gốc và nghĩa mở rộng của 1443 chữ Hán được coi là cơ bản, là “cái vốn không thể thiếu được để nắm và dùng tốt tiếng Việt”.

2. Như chúng ta đều biết, ngữ văn Hán nôm là một thực thể văn hoá đặc biệt. Trong nhà trường, nó truyền thụ những trí thức lâu đời, nhưng lại là một môn học mới mẻ(3).

Do những điều kiện địa lý – lịch sử – xã hội nhất định, nền văn hoá Việt Nam, bao gồm ngôn ngữ, văn học và nhiều lĩnh vực khác nữa, đã tiếp thu có chọn lọc những yếu tố của ngôn ngữ, văn học và văn hoá Trung Quốc. Trải qua sàng lọc trong qúa trình lịch sử, chúng đã trở thành một bộ phận của tiếng Việt và của văn học Việt Nam, và nói chung là nền văn hoá Việt Nam.

Sức sống của văn hoá Việt Nam không chỉ thể hiện ở khả năng đề kháng mạnh mẽ chống âm mưu đồng hoá của ngoại bang thống trị có vũ lực lớn mạnh và thủ đoạn xảo quyệt dai dẳng hàng chục thế kỷ. Sức sống ấy còn thể hiện ở khả năng đồng hoá những thành tựu văn hoá tiếp thu được trong cuộc sống đối thoại với các nền văn hoá láng giềng.

Ông cha ta đã dùng chữ Hán làm phương tiện để sáng tạo nên một nền văn học viết với nhiều tác phẩm có giá trị lớn về nội dung tư tưởng cũng như về hình thức nghệ thuật mà ngày nay chúng ta có quyền tự hào.

Từ bài Thơ đuổi giặc (Thoái lỗ thi) của chiến tướng Lý Thường Kiệt, bài Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) của vị vua đầu nhà Lý, bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, bài Cáo Bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) của Nguyễn Trãi …, từ rất nhiều thơ phú của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mông Tuân, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thị Nhậm, Phan Huy ích, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền cho đến Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán này đều gắn với những chặng đường gian khổ mà minh quang của lịch sử dân tộc.

Ngoài sáng tác văn học, ông cha ta còn dùng chữ Hán để trước tác trên nhiều lĩnh vực – triết học, lịch sử, địa lý, quân sự, y dược … ở đó tàng trữ một phần khá lớn di sản văn hoá tư tưởng, khoa học và nghệ thuật của dân tộc ta trong lịch sử bốn ngàn năm văn hiến.

Đặc biệt phải kể đến thành tựu quan trọng của ông cha ta trong việc sáng tạo ra một nền văn tự dân tộc: chữ Nôm, thứ chữ viết cấu tạo trên cơ sở Hán dùng để ghi âm tiếng Việt. Với chữ Nôm, trí tuệ và tâm hồn dân tộc được ghi lại trực tiếp hơn, nguyên vẹn hơn và vì thế cũng được kế thừa đầy đủ hơn và được tích luỹ với gia tốc ngày càng cao. Các tập thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, các khúc ngâm Cung ván và Chinh phụ, các truyện dài như Hoa tiên và Nhị độ mai, Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, cùng với thơ phú của nhiều tác giả không những là những viên ngọc quí trong kho di sản văn học rực rỡ của dân tộc mà còn là những chứng tích và tư liệu đáng tin cậy, có thể dựa vào đó, để khôi phục phần nào diện mạo lịch sử của tiếng Việt và của cả nền văn hoá Việt Nam.

Mặt khác, những yếu tố của ngôn ngữ Hán cũng được tiếp nhận vào tiếng Việt. Trong khi kiên quyết và bền bỉ giữ gìn bản sắc của ngôn ngữ dân tộc, cha ông ta đã làm giàu thêm tiếng nói của mình bằng một khối lượng đáng kể từ vựng vay mượn của tiếng Hán. Tất nhiên, những yếu tố vay mượn ấy đã được Việt hoá, thay đổi cách phát âm, kết cấu hoặc ý nghĩa, cách dùng, sắc thái tu từ … để phục vụ đắc lực nhu cầu giao tiếp của nhân dân ta.

Như vậy, các thư tịch bằng chữ Hán và chữ Nôm của cha ông ta để lại, cùng với các tri thức được ghi lại trong đó về văn học, nghệ thuật, về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, chính là một di sản cực kỳ quí báu của dân tộc ta mà các thế hệ Việt Nam ngày nay và mai sau có trách nhiệm chọn lọc, khai thác và phát huy mãi mãi những mặt khả thủ của nó. Đó không chỉ là những cổ vật bằng giấy mực mà là máu từ trái tim của cha ông, là tấm lòng, là chất óc người xưa để lại.

Với ngành giáo dục, vấn đề xây dựng bộ môn Hán Nôm được đặt ra trong sự thiết kế một chiến lược tối ưu nhằm truyền đạt cho thế hệ trẻ những giá trị văn hoá tinh thần quí báu và bền vững của dân tộc, kết hợp hữu cơ và hài hoà với những tri thức và kỹ năng hiện đại nhất mà loài người hiện nay đã chiếm lĩnh được.

Trong cơ cấu tri thức của người Việt Nam tốt nghiệp bậc học phổ thông, có những tri thức phổ thông thuộc lĩnh vực Hán Nôm. Bởi vậy các giáo viên ngữ vănư ở nhà trường phổ thông cần được trang bị một trình độ cơ sở về Hán Nôm để đảm bảo cho việc giảng dạy các tri thức đó tránh được sai sót và có khả năng đạt tới một độ sâu nhất định tring việc giảng dạy tiếng Việt và bình giảng các tác phẩm văn học sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, ngày nay được truyền đến học sinh phổ thông qua các bản dịch hoặc bản phiên âm.

3. Cơ sở ngữ văn Hán Nôm là một bước cụ thể thực hiện chiến lược ấy.

Có thể nói ngay rằng đây là một cuốn sách tốt, biên soạn công phu, là kết quả nghiền ngẫm của tác giả sau hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm ở trường đại học.

3.1. Đặc điểm và cũng chính ưu điểm nổi bật của tập sách là ở chỗ tác giả, trên nền tảng xác định cho môn học ngữ văn Hán Nôm một vị thế thích đáng, đã khá thành công trong việc chọn lọc những tri thức cơ bản nhất giữa kho tàng tri thức Hán Nôm vốn rất phong phú đa dạng và đa diện, để trình bày chúng theo một trình tự hợp lý, khoa học nhằm dắt dẫn người đọc đi vào thế giới Hán Nôm đầy hoa thơm trái ngọt nhưng cũng nhiều gai góc gian nan.

3.2. Với một văn phong sinh động, khá trong sáng, các chương của phần I làm thành một hệ thống tương đối chặt chẽ, đóng được vai trò một dẫn luận lý thuyết “vạch đường đi đáng tin cậy vào các tập sau” như tác giả mong muốn.

3.3. Phần II và phụ lục tuy chỉ là những công cụ để tra cứu, nhưng cũng không đơn thuần là bản sưu tập, phiên dịch và sắp xếp các tài liệu tương ứng có khá nhiều bằng tiếng Hán mà có thể nói, nhiều mục nhiều điều trong đó đã thể hiện những suy nghĩ, những tâm đắc mang dấu ấn riêng của tác giả.

Bên cạnh những ưu điểm rất cơ bản nói trên, tập sách đương nhiên cũng không khỏi còn những điều phải luận thêm.

Trên đại thể, chúng ta có thể chia sẻ với tác giả quan điểm cơ bản về nội dung và phương pháp giảng dạy bộ môn Hán Nôm như đã thấy, nhưng khẳng định rằng “Cách trình bày theo một trình tự có tính chất sư phạm như vậy là thích hợp” và “không có con đường nào tốt hơn” thì e không tránh khỏi phiến diện và vội vã. Rõ ràng để đi tới cùng một cái đích là nắm vững tri thức và kỹ năng lý giải văn bản Hán Nôm người ta có thể có nhiều con đường khác nhau và trene thực tế mỗi cách làm đều có chỗ mạnh, chỗ yếu của nó.

Đi vào chi tiết cụ thể, theo chúng tôi, tài liệu tra cứu “Một số phạm trù khái niệm” là có nhiều vấn đề hơn cả. Thực chất đó là một thứ từ điển. Mà đã là từ điển thì trước hết phải xác định cho được một “bảng từ’ thoả đáng. Muốn vậy phải có một loại tiêu chí: Theo một số tiêu chí, những đơn vị A, B, C… được lựa chọn làm “mục từ” để giải thích (tiêu chí khẳng định); ngược lại, theo một số tiêu chí khác, những đơn vị X, Y, Z… không được đưa vào ‘bảng từ’. Qui mô từ điển càng nhỏ thì việc lựa chọn càng phải nghiêm ngặt và hệ tiêu chí càng phải đầy đủ, chặt chẽ. Với “Từ điển tối thiểu”, yêu cầu lại càng khắt khe hơn. Không làm như vậy thì khó lòng tránh khỏi tình trạng tuỳ tiện, vừa thiếu lại vừa thừa.

Người đọc dễ tính nhất cũng có thể đặt những câu hỏi, đại loại. Phải chăng trong sách Luận ngữ chỉ có 4 chữ hứng, quan, quần, oán (tr.125) là đáng giải thích hơn cả?

Tương tự như vậy là mệnh đề “dĩ ý nghinh chí’ (tr.122) trong sách Mạnh Tử. Thật ra còn biết bao nhiêu khái niệm cơ bản hơn, bao nhiêu mệnh đề quan trọng hơn! Tại sao chỉ giải thích “lục ngôn” mà bỏ qua “ngũ ngôn”, “thất ngôn”, chỉ giải thích “cổ thể” mà “không giải thích “cận thể”? Đáng ngạc nhiên hơn nữa là sự có mặt các mục Thuỷ kinh chú (tr.143) Vê đa (tr.149), Xăng-xcơ-ri (tr.150).

Các chữ được chọn vào bảng từ vựng tối thiểu về cơ bản có thể chấp nhận được song không phải không có những trường hợp đáng băn khoăn: Có thật là hoàn toàn cần thiết “không thể thiếu được cho bất kỳ người có văn hoá nào để nắm và dùng tiếng Việt” như tác giả đã khẳng định (tr.152) chăng, những chữ như lư (số 1438) nghĩa là ‘đen”, thoán (số 1440) nghĩa là “bếp nấu ăn” chẳng hạn?

Rải rác đây đó một số chi tiết thiếu chính xác hoặc chưa đầy đủ. Chẳng hạn các chữ kiết (số 39) và quyết (số 40) trong bảng từ vựng tối thiểu (tr.155) đáng lẽ phải ghi nghĩa gốc của chúng (có liên quan tới mặt chữ); Kiết có nghĩa gốc là “cụt tay phải”, quyết là “cụt tay trái”. Chữ Kiết có ghi một nghĩa “hết sạch” là không chính xác. Kiết không hề có nghĩa đó. Ngay thí dụ tác giả nêu ra Mỹ hữu Kiết di trích trong Bình Ngô đại cáo để làm dẫn chứng cũng đủ bác bỏ ý nghĩa trên. Cái nghĩa “chẳng còn gì” “hết sạch” chính là nghĩa của cả tổ hợp Mỹ hữu kiết di trong đó có từ phủ định mĩ; còn Kiết vẫn chỉ có nghĩa là “bé nhỏ” “ít ỏi” mà thôi…

Cách viết từ phiên âm Pâ-li (tr. 150) chẳng hạn, cũng là không thoả đáng, không phù hợp với chính tả tiếng Việt v.v…

Đôi điều “mỹ trung bất túc” nêu ra trên đây chủ yếu là thuộc về kỹ thuật biên soạn và đều tương đối dễ khắc phục. Nhìn chung lại, tập I Cơ sở ngữ văn Hán Nôm là một cống hiến của tác giả cho bộ môn Hán Nôm học còn non trẻ trong nhà trường, đồng thời cũng là một tài liệu tham khảo bổ ích cho giới nghiên cứu Hán Nôm, đáng được trân trọng.

CHÚ THÍCH

(1) Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, Lê Trí Viễn chủ biên, Nxb Giáo dục, 1984. Tập I (Từ chữ nghĩa đến văn bản) Đặng Đức Siêu soạn.

(2) Lê Trí Viễn, Lời nói đầu (chung cho bộ sách), sđd, tr. 3.

(3) Hán Nôm được chính thức đưa vào chương trình ngữ văn các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm theo quyết định số 1298/QĐ của Bộ Giáo dục nước CHXHCH Việt Nam ban hành ngày 27-9-1980.

TB

VĨNH BIỆT ĐỒNG CHÍ TRẦN THẠCH CAN
NHÀ LÃO THÀNH CÁCH MẠNG THÂN THIẾT CỦA CHÚNG TA

PHẠM HUY THÔNG

Đồng chí Trần Thạch Can, nhà cách mạng lão thành thân thiết của chúng ta, không còn nữa.

Đồng chí đã sống trọn cuộc đời giàu ý nghĩa, cuộc đời phấn đấu hăng say và bền bỉ cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà đồng chí đã giác ngộ, đã gắn bó từ rất sớm. Nay đồng chí ra đi trong niềm thương tiếc khôn nguôi của Đảng, của đồng bào và tất cả chúng ta.

Xuất thân từ một nhà nho nghèo yêu nước, cha anh là những chí sĩ của phong trào Đông kinh Nghĩa thục và những phong trào cứu quốc khác, ngay từ thuở thiếu thời, đồng chí Dương Nhật Đại, tức Trần Thạch Can, đã được bồi dưỡng lòng yêu nước thương dân, khí tiết sống trong sạch và cứng cỏi. Từ lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng từ tuổi hai mươi, năm 1930 – 1931, và đã đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam trong cao trào cách mạng 1936 – 1939.

Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng nhiệt thành được Đảng giao cho những trách nhiệm quan trọng: Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Thành uỷ viên Sài Gòn – Chợ Lớn … Trên những cương vị này, đồng chí đã có cống hiến to lớn trong việc gây dựng phong trào cách mạng và xây dựng Đảng ở thời kỳ khó khăn của cách mạng, những năm 1938-1941. Sau khi được cách mạng giải phóng khỏi lao tù Côn Đảo, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, đồng chí đã xin ở lại chiến đấu tại Nam Bộ, chiến trường nóng bỏng nhất của cả nước lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh kháng chiến ác liệt, có lúc mất liên lạc với tổ chức, nhưng với bản chất cách mạng và tính năng động của mình; đồng chí đã chủ động gây dựng phong trào, và tìm về hàng ngũ chiến đấu.

Đồng chí đã hoạt động rất thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau: mặt trận an ninh, mặt trận ngoại giao, phong trào công nhân và công đoàn, công tác Mặt trận, xây dựng tổ chức … ở lĩnh vực nào đồng chí cũng tỏ rõ bản lĩnh và phẩm chất của người cách mạng, trung thành với lý tưởng, lăn lộn với phong trào, chan hoà với đồng chí, đồng bào. Từ việc tỏo chức bình dân học hội ở đất La Nội quê hương, nhằm giúp nhau tìm lý tưởng cách mạng đúng, đến việc gây dựng cơ sở trong công nhân bến cảng Sài Gòn và sau này là những hoạt động ‘ba cùng” với nông dân vùng Kiến An, tổ chức đào mương, chống hạn, cứu đói, cứu rét, đồng chí đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc và tấm lòng yêu thương hết mực đối với nhân dân, suốt đời chiến đấu vì dân.

Đồng chí là một nhà hoạt động văn hoá và khoa học sôi nổi. Với kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú của mình, đồng chí hiểu rõ sức mạnh của nền văn hoá truyền thống. Khi đến công tác tại Ban Hán Nôm, tiền thân của Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện nay thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, đồng chí say sưa nghiên cứu, góp phần đưa tinh hoa di sản tinh thần của dân tộc vào phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm sáng thêm, rõ thêm những ánh sao tươi đẹp trên bầu trời trí tuệ và nhân văn Việt Nam.

Những người làm công tác, Hán Nôm học tập nhiều ở đồng chí tinh thần miệt mài lao động đêm, tác phong làm việc thận trọng, tỉ mỉ, những phẩm chất rất cần thiết đối với mỗi cán bộ trong ngành. Chúng tôi xúc động được biết, trong lúc nằm trên giường bệnh, đồng chí vẫn viết bài cho tập san Nghiên cứu Hán Nôm, vẫn nhiệt tình hướng dẫn cán bộ trẻ nghiên cứu văn bản Truyện Kiều. Và khi bệnh đã năng, đồng chí vẫn còn viết thư khuyến khích đồng nghiệp mọi lứa tuổi viết bài đăng tập san, xây dựng ngành.

Đồng chí Thạch Can đã sống cuộc đời gắn bó với Đảng, với nhân dân, một cuộc đời cách mạng đầy hào hứng, luôn luôn lạc quan dù trong giờ phút khó khăn gian khổ, hay khi tuổi đã cao, sức đã kiệt … Đồng chí đã hy sinh hai người con cho cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, rồi trong kháng chiến chống Mỹ. Những công lao của đồng chí đối với đất nước, đối với Đảng, đối với khoa học, đã được ghi nhận. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quí: Huy hiệu bốn mươi năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc …

Đồng chí mất đi, để lại nỗi đau thương lớn cho gia đình, niềm thương tiếc vô hạn cho bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp … Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc với các cơ quan đồng chí đã phục vụ, với Đảng uỷ Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Đồng chí Thạch Can kính mến!

Đồng chí ra đi, nhưng sự nghiệp của đồng chí, phẩm chất của đồng chí, vẫn sống mãi với chúng tôi. Chúng tôi đau đớn vĩnh biệt đồng chí và cùng nhau đưa đồng chí đến nơi yên nghỉ cuối cùng, tại Hà Nội nơi đồng chí đã sống và chiến đấu với biết bao tâm huyết, tại nghĩa trang Mai Dịch, dành cho những đồng chí đã có những cống hiến xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc.

Xin chào vĩnh biệt!

TB

HỘI NGHỊ KHOA HỌC VỀ NÔM

CAO HỮU LẠNG

Ngày 20 tháng 11 năm 1985 Viện nghiên cứu Hán Nôm tổ chức hội nghị khoa học về Nôm với 67 bản tham luận của các nhà nghiên cứu, những người làm công tác giảng dạy, sáng tác, thuộc các Viện nghiên cứu, Hội nhà văn, các trường Đại học, Cao đẳng và một số nhà xuất bản ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh … chuyên bàn về vấn đề Nôm trên các lĩnh vực nghiên cưú giảng dạy và công bố.

1. Chữ Nôm trở thành đối tượng nghiên cứu khá hấp dẫn đối với các nhà khoa học trong, ngoài nước từ mấy thập kỷ nay. Nhiều tham luận tập trung bàn tới nguồn gốc, cấu tạo, và diễn biến của chữ Nôm.

Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn cho rằng chữ Nôm phát sinh từ các chùa Việt Nam. Bởi vậy hướng nghiên cứu về nguồn gốc chữ Nôm, theo ông, nên đi vào nguồn tư liệu ở các đền, chùa. Đi xa hơn, Giáo sư Bùi Văn Nguyên trong tham luận ý nghĩa sáng tạo và linh động với việc sáng chế chữ Nôm trong tiến trình lịch sử, cho rằng: chữ Nôm ra đời có thể là để thay thế một loại hình văn tự của dân tộc ta từ xa xưa đã bị mất đi vì ảnh hưởng của nền văn hoá Hán cùng với chính sách Hán hoá trong những đêm dài Bắc thuộc. Trong tham luận Một vài suy nghĩ về một thực tế văn hoá chữ Nôm, Giáo sư Đặng Đức Siêu đã đẩy thời điểm xuất hiện của chữ Nôm lên đến khoảng thế kỷ IV – V. Qua việc nghiên cứu chữ Cham trên bia trước thế kỷ X và chữ Nôm trên các bia thời Lý Trần, đồng chí Phạm Văn Thẩm nêu nhận xét chữ Chàm cổ và chữ Nôm đều xuất hiện trong thời thịnh của đạo Phật ở nước ta. Đồng chí Trần Thuyết có phần khẳng định thời điểm ra đời của chữ Nôm ở thời kỳ dân tộc ta bị phong kiên phương Bắc đô hộ lúc mà chữ hán được sử dụng rộng rãi trong các văn thư hành chính, mà tự nó (chữ Hán) tỏ ra không đáp ứng được mọi nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ta.

Vấn đề cấu tạo chữ Nôm được nhiều người chú ý Đồng chí Trương Đức Quả cho rằng chữ Nôm là loại văn tự ghi âm, nhưng là loại văn tự ghi âm đặc biệt, mà đại thể có thể chia làm 2 dạng chính: dạng các thành tố ghi âm, và dạng hai thành tố: một ghi âm, một ghi ý. Đi vào các văn bản Nôm cụ thể. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã so sánh cấu tạo của chữ Nôm ghi các tiếng thuần Việt trong các văn bản. Nôm có niên đại chính xác để chứng minh văn bản Quốc âm thi lập của Nguyễn Trãi (quyển 7b) ức Trai di tập) của Dương Bá Cung là văn bản phá tạp, bao gồm được nhiều sách viết từ thế kỷ XV đến XVII, rồi bằng vào phương pháp loại trừ có thể lọc ra chữ Nôm thời Nguyễn Trãi. Đồng chí Bùi ThanH hùng thì so sánh cấu tạo của chữ Nôm trong Quốc âm thi tập của nguyễn Trãi với chữ Nôm trong Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm, tập chú để đi đến kết luận: Phần lớn chữ Nôm có mặt trong QÂTT của Nguyễn Trãi (ban Phúc Khê) là những mã chữ Nôm cổ trước thời Dương Bá Cung (thế kỷ XIX). Đồng chí Nguyễn Nam so sánh cấu trúc chữ Nôm qua hai truyền bản Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi rút ra nhận xét: Bản chép tay có thể ra đời vào thời Tự Đức, chép theo một bản thời Minh Mạng. Bản in khác trung thành theo một bản có trước 1802. Phó tiến sĩ Nguyễn Ngọc San tham luận về tính nhất quán và tính linh động là hai mặt đối lập song song tồn tại của chữ Nôm. Tính chất quán giữ thể cân bằng ổn định cho chữ Nôm. Tính linh động nhằm bổ trợ cho chữ Nôm khi có hiện tượng bất lực trong quá trình thực hiện chức năng ghi chép.

Một số tham luận đề cập đến hướng nghiên cứu chữ Nôm trên bình diện đồng đại và địa lý khu vực. Cần xét đéen mối liên hệ các loại văn tự phái sinh từ chữ Hán ngoại văn tự của dân tộc T hoang. Giáo sư Trần Nghĩa trong tham luận Thử so sánh chữ Nôm với chữ Idu, chữ Kana về các mặt nguồn gốc và diễn biến, sau khi phân tích, nhận định về văn tự Idu của Triều Tiên và Kana của Nhật Bản, đã cho rằng Chữ Nôm xuất hiện sớm hơn chữ Idu và Kana, nhưng để trở thành một hệ thống chữ viết thì lại muộn hơn. Giải thích hiện tượng này, một trong những điều người ta có thể nghĩ tới là nguyên nhân chính trị: Mười thế kỷ “Bắc thuộc” đã làm ảnh hưởng đến sự ra đời muộn màng của chữ Nôm? Đồng chí Trần Lê Sáng đi vào nghiên cứu một số từ ghi tên cỏ cây, chim muông ở phương Nam trong thư tịch cổ Trung Quốc, mà trước đây Lê Quý Đôn đã nói đến trong Kiến văn tiểu lục Vân đài loại ngữ. Đồng chí Dương Thái Minh quan tâm đến việc nghiên cứu chữ Nôm ở góc độ người sáng tạo ra các văn bản Nôm, đồng chí Nguyễn Doãn Tuân nghiên cứu chữ Nôm trong các bộ tư điển Hán – Nôm, coi chữ Nôm là “Phương tiện phản ánh” và chữ hán là “Cái phản ánh”. Qua đó thấy được tính đa dạng của chữ Nôm, và chính chữ Nom và tự hoạch định một ranh giới với chữ Hán. Đồng chí Nguyễn Thị Lâm nêu lên một số hiện tượng đặc biệt trong việc ghi từ Hán Việt ở một số văn bản Nôm, mà có thể xem như một hình thức Việt hoá những chữ Hán đó. Đồng chí Bùi Thiết phát biểu về những yếu tố Nôm trong một số địa danh làng xã Việt Nam.

2. Nghiên cứu Nôm ở góc độ ngữ văn vẫn tập trung được sự chú ý của nhiều tham luận, vì xét cho cùng, nghiên cứu chữ Nôm là để tiến tới nắm vững văn bản Nôm, hiểu ý nghĩa nội dung những trang quá khứ của cha ông bằng ngôn ngữ dân tộc. Những vấn đề chưa được giải quyết lâu nay cũng được đem ra thảo luận.

Từ “Song viết” lại được bàn đến qua hai tham luận của các đồng chí Trần Thị Kim Snh và Lâm Giang. Một số từ ngữ cổ trong các truyện Nôm phổ biến vẫn được tiếp tục nghiên cứu. Đồng chí Trương Lệ Nga tham luận về việc hiệu đính một số từ trong Truyện Kiều. Đồng chí Hoàng Hồng Cẩm phát biểu về cách phiên âm một số chữ Nôm trong bản Truyện Hoa tiên do Đào Duy Anh phiên âm và chú thích. Giáo sư Nguyễn Sĩ Lâm và nhà thơ Trần Lê Văn phát biểu vè mấy bài thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Thị Trang, Hoàng Thị Ngọ nêu một số ý kiến về cách phiên âm một số từ trong Hồng Đức Quốc âm thi tập. Đồng chí Nguyễn Tá Nhí khảo về chim “bố cốc” ở bài thơ Nôm của nhóm Hồng Đức. Đồng chí Phạm Văn Khoái nghiên cứu chữ “Trửa” bằng phương pháp đối chiếu song ngữ. Đồng chí Nguyễn Công Việt tìm hiểu bài văn tế Nôm “Khóc chị” của Nguyễn Hữu Chỉnh và nêu kiến nghị về chỗ đứng của ông trong văn học Nôm. Tương tự, đồng chí Hoàng Giáp công bố một bài thơ Nôm của Nguyễn Duy Thanh, Đồng chí Lưu Đình Tăng điểm qua những nét chung về thể tài diễn ca lịch sử.

Một vài tham luận đi vào nghiên cứu mảng sách Hán diễn Nôm. Đồng chí Hoàng Văn Lâu nhận xét về đặc điểm của văn Nôm trong cuốn Tam thiên tư lịch đại văn giải âm của nhóm Cúc Lâm cư sĩ, in năm 1845, để góp phần hiểu về văn xuôi tiếng Việt đương thời. Đồng chí Nguyễn Huy Thức nghiên cứu văn Nôm trong bản Tam tự kinh giải âm. Có tham luận chuyên nghiên cứu về phần tác phẩm Nôm của một tác giả, như tham luận của phó tiến sĩ Trương Thâu và đồng chí Trần Anh Vinh chuyên bàn về mảng văn thơ Nôm của Phan Bội Châu, Đồng chí Đinh Công Vĩ phát biểu về những đóng góp của Lê Quý Đôn đối với văn Nôm qua trước tác của ông.

3. Về phần thư tịch Nôm, tham luận của đồng chí Mai Hồng giới thiệu mảng văn “Thiên đàn” viết bằng Quốc âm. Các đồng chí Hoàng Lê, Dương Thị The, Phạm Thị Thoa nghiên cứu về Nôm ở các bản văn khắc. Các đồng chí Đinh Khắc Thuân, Lã Minh Hằng đi vào khảo một số bài thơ Quốc âm khắc trên đá, trên gỗ.

4. Cũng như các thứ văn tự khác, chữ Nôm là một phương tiện truyền đạt nền văn hoá quá khứ. Một bộ Từ điển Nôm – Việt mang tính chất hồi cố không thể thiếu được trong việc giải mã chữ Nôm, trong việc giảng dạy và học tập chữ Nôm nghiên cứu khai thác các văn bản Nôm. Giáo sư Phan Văn Các; Giáo sư Đỗ Văn hỷ và các đồng chí Vũ Tuấn Xán, Nguyễn Duy Chính đã phân tích khá kỹ những ưu điểm và hạn chế của các bộ từ điển Nôm trước đây, đồng thời giới thiệu những nguồn tư liệu cần thiết trong việc biên soạn một bộ Từ điển Nôm – Việt mới.

5. Hội nghị cũng được nghe 7 tham luận về mảng Nôm của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Đồng chí Bế Sĩ Uông (Hội văn nghệ Bắc Thái) đã nêu lên sự khác nhau giữa Nôm Tay với Nôm Nùng mà trước nay người ta vẫn lầm là một. Các đồng chí Lê Thị Bích Ngân, Cung Văn Lược và Triệu Hữu Lý nghiên cứu về chữ Nôm của người Dao. Đồng chí Lã Văn Lô nêu lên sự bức thiết trong việc biên soạn một cuốn từ điển văn liệu Hán Nôm Tày Nùng – Việt để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu văn học cổ của hai dân tộc Tày Nùng. Đồng chí Trúc Cương (nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội) nêu lên những nét tinh tế về ngôn ngữ, văn tự trong những văn bản Nôm Tày Nùng.

Dư luận khá quan tâm đến hội nghị này, coi đây như là một bước mở đầu có ý nghĩa cho việc nghiên cứu về Nôm một cách cân đối hơn, có cơ sở khoa học hơn.

TB

TIN HỢP TÁC KHOA HỌC

NGUYỄN DOÃN TUÂN

Hai năm qua phòng Bảo Tồn Bảo Tàng Sở văn hoá Thông tin Hà Nội đã hợp tác với Viện nghiên cứu Hán Nôm làm xong việc khảo sát, lập hồ sơ khoa học cho các di tích ở 4 quận nội thành Hà Nội. Toàn bộ những tài liệu văn bia, câu đối, hoành phi, sắc phong, thần phả, ngọc phả, chuông khánh có chữ Hán chữ Nôm ở các đình, đền, chùa, miếu đã được sao chép, in chụp và phiên dịch để làm tư liệu cho việc nghiên cứu, đánh giá, xếp hạng. Trên cơ sở những hiện vật, những cứ liệu lịch sử, những tài liệu Hán Nôm hiện còn ở các di tích, Sở Văn hoá và Uỷ ban nhân dân thành phố đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá quyết định xếp hạng các di tích hoặc các nhóm di tích sau đây:

1. Đình Yên Phụ ở làng Yên Phụ: Đền Thuỵ Khê ở phố Thuỵ Khê, Đình Vạn Phúc ở phố Đội Cấn. Cả 3 di tích này đều thờ thần Linh Lang Đại Vương đời Lý.

2.Chùa Kim Cổ phố Đường Thành thờ nguyên Phi ỷ Lan.

3. Đình Mai Động ở làng Mai Động thờ thần Tam Chinh, một danh tướng của Hai Bà Trưng.

Hiện nay, phòng Bảo Tàng Sở Văn hoá và Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tiếp tục hợp tác để lập hồ sơ cho những di tích ở các huyện ngoại thành, Huyện Mê Linh ở phía bắc Thủ đô, nơi tập trung nhiều truyền thuyết dân gian và tài liệu Hán Nôm nói về Hai Bà Trưng, đã được tiến hành trước. Kết quả kiểm kê cho thấy: trên địa bàn 23 xã trong huyện, có: 58 đình, 55 chùa, 17 đền, 10 miếu, 5 lăng mô, 5 thành quách, 6 đền thờ tư nhân, 12 di tích cách mạng, 25 di tích kháng chiến.

Số lượng văn bản Hán Nôm hiện còn gồm: 220 bia, 51 chuông, 5 khánh, 297 sắc phong, 30 thần phả, 220 câu đối, 184 hoành phi, 10 bài thơ.

Toàn bộ số tài liệu trên đây đã được in chụp, sao chép, viết bút lông, phiên dịch và lưu trữ.

Những tấm bia ở đây vừa đa dạng về kích thước, hoa văn và chữ viết: vừa phong phú về nội dung và thể loại. Cốt cách văn bia đời Lê khách văn bia đời Nguyễn. Có bia nói về việc xây dựng chùa đình, quí tình tu sửa; có bia nói về công đức, việc gửi hậu, có lối văn khúc chiết của cây bút đại gia, có lối văn giản dị của cây bút bình dân….

Tìm hiểu các bia này, ta còn bắt gặp những chữ Nôm ghi tên người, tên địa danh tên đơn vị đo lường thời xa xưa.

Những quyền thần phả thường nói về công lao với nước với dân, với quê hương bản quán của các bậc danh nhân các đời. Đặc biệt xã Mê Linh – quê hương của hai Bà Trưng, nơi mà hai nữ tướng đã tế cờ khởi nghĩa, cất quân đánh thánh Luy Lâu, có đền thờ Hai Bà Trưng, vẫn giữ được 1 thần phả có giá trị. Trong huyện có nhiều đình, đền giữ được thần phả nói về các tướng của Hai Bà Trưng như:

- Đình Đức Cung xã Cao Minh xây dựng năm 1806 có ngọc phả nói về thần Sa Lai và bà Thanh Sam là nữ tướng của Hai Bà.

- Đình Xuân Hoà xã Cao Minh dựng năm 1511 có ngọc phả nói về thần Nguy Nguy là tướng của Hai Bà.

- Đình Hiền Lễ xã Cao Minh dựng năm 1158 có một thần phả nói về ông bà Vũ Lục, Trịnh Thị Thanh là tổ nghề gốm của làng Hiền Lễ. Hiện nay làng Hiền Lễ vẫn có nghề làm gốm truyền thống.

- Ngọc phả đền Thái Lai xã Tiến Thắng, đình Phú Mỹ xã Tự Lập cũng nói về việc Hai Bà cất quân khởi nghĩa…

Các sắc phong, câu đối, hoành phú, thơ … cũng có thể giúp ta hiểu thêm về công lao của nhiều nhân vật lịch sử và sự đánh giá của người đời sau. Chùa Gia Trung xã Quang Minh còn giữ được 27 đạo sắc; đình Gia Lạc xã Quang Minh còn giữ được 42 đạo sắc của nhiều triều đại khác nhau. Nhìn chung ở các nước chùa, đền, đình, miếu đều còn giữ được nhiều tài liệu Hán Nôm quý.

Công việc hợp tác để tổng kiểm kê, thu thập phiên dịch và lưu trữ các tài liệu Hán Nôm ở các di tích và danh thắng của Phong Bảo tồn Bảo tàng Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội và Viện Nghiên cứu Hán Nôm trên quê hương của tiếng trống Mê Linh chẳng những giúp cho việc nghiên cứu đánh giá xếp hạng di tích ở địa phương mà còn góp phần bảo quản tốt những di sản văn hoá của cha ông, cung cấp góp phần bảo quản tốt những di sản văn hoá của cha ông, cung cấp những tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu truyền thống văn hoá văn minh của dân tộc, trước hết là ở Hà Nội, trái tim của Tổ quốc.

TB

TIN ĐÀO TẠO CÁN BỘ NGÀNH HÁN NÔM

NGUYỄN THỊ OANH

Được sự đồng ý của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cũng như của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt nam, Viện Văn học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội đã tổ chức lớp chuyên tu Hán Nôm khoá II, nhằm tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận trong công việc nghiên cứu khai thác vốn văn hoá cổ – di sản văn hoá thành văn của dân tộc.

Học viên của lớp chủ yếu là cán bộ đã tốt nghiệp của các ngành Văn, Sử… trường Đại học Tổng hợp và ngành Trung văn trường Đại học Ngoại ngữ, đang làm công tác nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu tại Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Văn hoá dân gian, Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong Uỷ ban khoa học xã hội. Một số cơ quan khác cũng gửi người đến học.

Nhiều giáo sư, giảng viên có kinh nghiệm, cán bộ nghiên cứu lâu năm của Uỷ ban Khoa học xã hội và trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư Phạm Hà Nội I được mời tham gia giảng dạy.

Chương trình học tập của lớp, ngoài việc đi sâu vào chữ nghĩa, văn mạch… các văn bản Hán, Nôm còn trang bị cho học viên một số kiến thức nhất định về Kinh, Sử, Tử, Tập; về Nho, Phật, Lão; và đặc biệt là lịch sử tư tưởng văn học cổ cận đại Việt Nam qua một số tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu.

Sau 3 năm học liên tục (khoảng 3500 giờ) học viên sẽ có đủ điều kiện nghiên cứu trực tiếp các văn bản Hán, nôm. Năm cuối, mỗi học viên sẽ đi sâu nghiên cứu một chuyên đề nhất định để làm luận án tốt nghiệp.

Đây là lớp Đại học Hán học khoá II, tiếp theo sau khoá I (1965 – 1968) do Viện Văn học tổ chức. Hai mươi năm qua, hầu hết các học viên khoá I đã trở thành lực lượng nòng cốt trong Ngành nghiên cứu Hán Nôm. việc tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ Hán Nôm trong điều kiện chiến tranh quyết liệt trước đây, cũng như việc tổ chức tiếp khoá II Đại học Hán Nôm ngày nay, thể hiện thái độ trân trọng đối với di sản văn hoá dân tộc và đường lối kế thừa các giá trị truyền thống rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.