TB

TIỂU THUYẾT CHỮ HÁN CỦA NHẬT BẢN

TRẦN NGHĨA

Để hiểu tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản, trước hết hãy nhìn lại một chút quá trình du nhập và sử dụng chữ Hán cùng tiếng Hán ở đất nước này.

Nếu những ghi chép trong sách Sơn hải kinh là chính xác, thì người Nhật Bản đã được người Trung Quốc biết tới từ thế kỷ III (TCN). Trong cuốn địa lý thuộc loại cổ nhất Trung Quốc nói trên, chữ 倭 (âm Hán Việt đọc là Oải, Noải, hoặc Nụy) chỉ người Nhật, hoặc nếu không thì cũng là một giống người có mặt ở Nhật Bản liên quan đến chữ có nghĩa là lùn thấp. Nhưng Trung Quốc và Nhật Bản thực sự có quan hệ, phải chờ đến năm 57 (SCN), khi một sứ đoàn Nhật Bản đến kinh đô Lạc Dương mà sách Hán Thư có chép. Theo G.B Sansom, lúc này trên phần đất Nhật Bản gần Triều Tiên nhất có một số bộ lạc độc lập sinh sống, mỗi bộ lạc có tù trưởng của mình, bộ lạc nào cũng cố tăng cường sức mạnh bằng cách tiếp thụ một nền văn hóa cao hơn(1), và thế là không ai hẹn ai, họ kẻ trước người sau tìm tới lục địa để học hỏi tri thức mà sứ đoàn năm 57 chỉ là một trường hợp. Có điều, do kỹ thuật làm thuyền còn lạc hậu, người Nhật Bản lúc này chưa thể đến thẳng Trung Quốc được, mà thường phải qua môi giới Triều Tiên; việc tiếp thu văn hóa Trung Quốc cũng mượn Triều Tiên làm cầu nối.

Những cuộc tiếp xúc giữa đảo quốc và lục địa như trên chắc chắn đã mở đường cho chữ Hán du nhập vào Nhật Bản không muộn hơn thế kỷ III (SCN). Tam quốc chí, Ngụy chí, Oải nhân truyện có chép việc Ngụy Minh Đế (227 - 233) từng gửi một bức “chiếu thư” dài bằng chữ Hán cho Nữ hoàng Himico nước Da Mã Đài thuộc quần đảo Nhật Bản. Tiếp đấy, cho đến thế kỷ IV, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn thường liên hệ với nhau qua văn thư, chứng tỏ ở đảo quốc đã có người biết chữ Hán để đảm đương công việc đó. Nhưng cũng phải đến cuối thế kỷ IV đầu thế kỷ V, chữ Hán mới được sử dụng nhiều ở đảo quốc, do việc Nhật Bản cho quân đánh chiếm Tân La, Bách Tế, can thiệp sâu vào nội chính Triều Tiên, bắt cóc nhiều thầy đồ Trung Quốc cũng như Triều Tiên ở đây đưa về Nhật Bản, tôn lên làm “Quy hóa nhân” (Kikajing) hoặc chuyên viên ký lục (Fuhito), những vị sứ giả mang văn minh lục địa đến cho người quần đảo. Đến thế kỷ VII, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật làm thuyền, người Nhật Bản đã có thể trực tiếp đến Trung Quốc bằng đường thủy mà không cần qua trung gian Triều Tiên nữa. Sự du nhập của đạo Phật, sự tiếp xúc thường xuyên hơn với người Trung Quốc đời Đường trong các thế kỷ VII, VIII, IX, và sự giao thiệp với vương quốc Cao Cú Lệ (tiếng Triều Tiên là Koguryo) ở phía bắc bán đảo Triều Tiên, tạo cơ hội cho chữ Hán cùng văn hóa Hán tràn ngập đảo quốc(2).

Vậy là chữ Hán, chữ của “nước mặt trời lặn”(3) đã vào “nước mặt trời mọc”(4) chưa hề có chữ viết bằng con đường trải chiếu hoa, khác với thân phận bị áp đặt “không mời mà đến” của nó như ở Triều Tiên, nước láng giềng của Nhật Bản, từng một thời là cái “kênh” quan trọng chuyển tải văn minh lục địa sang đảo quốc.

Người Nhật Bản từng nói ngôn ngữ của họ mặc sức vẫy vùng giữa kho “văn ngôn” (văn ngôn văn) như là xỏ rất vừa chân vào đôi giầy cũ vậy. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là người Nhật học chữ Hán có nhiều khó khăn, vì những chiếc “giầy cũ” này là tiếng đơn âm, có rất nhiều thanh điệu, trong khi tiếng Nhật thuộc loại đa âm tiết, lại rất chắp dính. Cả về vốn từ vựng, cấu trúc từ và cấu trúc câu, hai bên cũng khác hẳn nhau. Do vậy sang thế kỷ VIII, người Nhật đã hợp tác với những “Quy hóa nhân” chính thức cải chế chữ Hán thành một thứ văn tự mới, có lẽ sít sao với đôi chân của họ hơn, để ghi tiếng mẹ đẻ của họ, ấy là chữ Kana(5). “Ka” là giả tá, vay mượn. “Na” là ký hiệu theo âm tiết. Có thể dịch Kana là chữ “giả danh” tức mượn một bộ phận nào đó của chữ Hán, càng đơn giản càng tốt, để làm tự mẫu ghi tiếng Nhật Bản. Thí dụ tự mẫu コ(ko) là một bộ phận (mẩu, mảng) của chữ 古 (âm Hán Việt là Cổ); Tự mẫu タ(ta) là một bộ phận của chữ 多 (âm Hán Việt là đa)… Khi lựa chọn các tự mẫu này, những người cải chế đã thừa hưởng kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp ở lục địa trong việc dùng chữ Hán để ghi tiếng nước ngoài. Cần nói thêm rằng người Nhật sử dụng chữ Hán và cải chế thành chữ Kana đều qua liên hệ với người Triều Tiên từ những thế kỷ trước(6). Những bằng chứng nay còn có thể kiểm tra được về chữ Kana là các bộ sách hoặc tài liệu cổ Nhật Bản như Cổ sự ký(7), Tuyên mệnh(8) , Vạn diệp thư(9)

Chữ Kana diễn biến qua 3 thời kỳ khác nhau. Thoạt đầu người ta dùng các loại chữ Hán có kết cấu đơn giản để ghi từ Nhật Bản. Thí dụ dùng chữ 山 (âm Hán Việt là sơn) 1 âm tiết của chữ Hán để ghi từ yama 2 âm tiết của tiếng Nhật, đều có nghĩa là núi. Đó là lối huấn độc. Tiếp đến, người Nhật dùng một số dấu phụ để chú thích các thành phần ngữ pháp, như những trường hợp thường gặp ở sách Tuyên mệnh. Cuối cùng, dùng một loại ký hiệu vừa đơn giản về cách viết, vừa xác định về mặt ghi âm, vừa bổ túc cho phần đơn âm của chữ Hán, đó là chữ Vạn diệp giả danh (Manyogana). Chữ Kana sau đó được cải tiến thành chữ Phiến giả danh (Katakana) và một lối viết tháu gọi là Bình giả danh (Hiragana). Cả hai lối viết đều song song tồn tại.

Sau khi chữ Kana ra đời, giới trí thức Nhật Bản vẫn ưa dùng chữ Hán làm phương tiện ghi chép chính thức. Chỉ những khi thật cần thiết, mới dùng chữ Manyogana để chú thích bên cạnh chữ Hán, hoặc sử dụng chữ Hán để ghi tiếng Nhật theo lối huấn học. Đến đời Bình An (794 - 1185) văn học nữ giới hưng thịnh, lối viết Kana mới được sử dụng phổ biến. Từ đời Liêm Thương (1293 - 1333) trở về sau, người ta sử dụng chữ Kana xen kẽ với chữ Hán; cuối cùng thì “nhã tục hỗn hợp”, chữ Hán (nhã) và chữ Kana (tục) được coi trọng như nhau trong việc ghi âm tiếng Nhật Bản như tình trạng ngày nay.

Cùng với việc sử dụng chữ Hán bộ phận văn học tiếng Hán của người Nhật Bản cũng đã ra đời, trong đó nổi bật là thơ và các loại bút ký, truyện ngắn, truyện dài mà ta gọi chung là “tiểu thuyết”, hiểu theo nghĩa rộng của từ này.

Tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản tuy không phong phú bằng tiểu thuyết của Triều Tiên(10), nhưng cũng đạt được một số lượng đáng kể, gồm đủ loại, phản ánh nhiều mặt cuộc sống của người Nhật Bản trong hàng chục thế kỷ.

Về số lượng, theo ước tính của Gs Vương Tam Khánh trường đại học Văn hóa Đài Loan, ở Nhật Bản có khoảng 80 tác phẩm tiểu thuyết viết bằng chữ Hán, trong đó ông đã khảo sát kỹ 32 trường hợp(11) .

Căn cứ vào danh mục tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản do GS. Vương Tam Khánh cung cấp, ta có thể lập bảng thống kê số lượng tác phẩm được viết ra qua từng thời đại như sau:

Qua bảng thống kê trên, có thể thấy tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ VIII và càng về sau, số lượng tác phẩm càng nhiều. Chỗ khó hiểu là cho đến nay vẫn chưa tìm thấy một cuốn tiểu thuyết chữ Hán nào được viết trong giai đoạn từ Liêm Thương Mạc Phủ đến cuối An Thổ Đào Sơn, kéo dài trong suốt 400 năm. Lý do của sự thiếu vắng này, theo Vương Tam Khánh, là bởi sự chèn ép của chữ Kana, sự khống chế của Phật giáo và Lý học, kể cả cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ vào Nhật Bản năm 1274 và 1281 đã cắt đứt hoặc kìm hãm mối giao lưu văn hóa truyền thống Nhật - Trung, trực tiếp ảnh hưởng đến việc sáng tác văn học bằng tiếng Hán ở Nhật Bản.

Các tác phẩm tiểu thuyết chữ Hán được viết vào thời Nại Lương là: 1. Nhật Bản thư kỷ (720) 2. Phong thổ ký; 3. Thượng cung thánh đức đế vương thuyết; 4. Đường đại hòa thượng Đông chinh truyện [= Giám Chân đại hòa thượng truyện].

Các tác phẩm tiểu thuyết chữ Hán được viết vào thời Bình An là: 5. Thập di vãng sinh truyện; 6. Hậu htập di vãng sinh truyện; 7. Tam ngoại vãng sinh ký; 8. Bản triều thần tiên truyện; 9. Tục bản triều vãng sinh truyện; 10. Giang đàm sao; 11. Đế vương vật ngữ; 12. Nhật Bản hiện báo thiện ác linh dị ký; 13. Nhật Bản quốc Pháp hoa kinh linh nghiệm ký; 14. Nhật Bản vãng sinh Cực Lạc ký; 15. Bản triều tân tu vãng sinh truyện; 16. Nhật Bản vãng sinh toàn truyện; 17. Tạo Tiểu Đinh Tử tráng suy thư; 18. Tân Viên lạc ký; 19. Vân Châu tiêu tức; 20. Sứ quán minh thoại.

Các tác phẩm tiểu thuyết chữ Hán được viết vào thời Giang Hộ Mạc Phủ là: 21. Nhật Bản thất phúc thần truyện (1698); 22. Dịch chuẩn khai khẩu tân ngữ (1751); 23. Hợp đường kỷ sự (1793); 24. Bản Triều tiểu thuyết (1799);25. Nhật Bản thi cố sự tuyển; 26. Thiên đàm (1824); 27. Cận thế tùng ngữ (1828); 28. Mê lâu hầu sử (1834); 29. Kỳ đàm tân biên (1842); 30. Kỳ đàm nhất tiếu; 31. Tục Cận thế tùng ngữ (1845); 32. Hải ngoại dị truyện (1850); 33. Tây chinh khoái tâm biên (1857); 34. Hiền hồ kỷ (1859); 35. Tích tích xuân thu; 36. Như thị ngã văn (1832?); 37. Ký ẩm (1867 ?); 38. Nghĩa nhân lục; 39. Đại Đông thế ngữ; 40. Cơ nhân truyện; 41. Cận thế nhân kính lục; 42. Tiên triết tùng đàm; 43. Tiên triết tùng đàm hậu biên; 44. Bác vật tân biên; 45. Đương thế tân thoại tục biên; 46. Thanh lâu thập nhị thần; 47. Ký tùng phố diêm cốc ứ phì sự; 48. Khử cấu tập.

Các tác phẩm tiểu thuyết chữ Hán được viết từ thời Minh Trị trở về sau là: 49. Kỳ văn hân thưởng (1868); 50. Đương thế tân thoại (1875); 51. Sư hữu chí (1877); 52. Thiên hạ cổ kim văn uyển kỳ quan (1879); 53. Áp Đông tân thoại (1881); 54. Nhật Bản Ngu Sơ tân chí (1881); 55. Kỳ văn quán chỉ bản triều Ngu Sơ tân chí (1882); 56. Dịch chuẩn khởi ngữ (1885); 57. Cảnh tỉnh thiết tiên (1886); 58. Dạ song quỷ đàm (1889); 59. Hàn đăng dạ thoại (1915); 60. Tam Sơn bi ký; 61. Đại Đông khuê ngữ; 62. Mãn ngu lạc tán vân sử (1921); 63. Tùng Bắc dạ dịch (1927); 64. Bắc Lý danh kỷ truyện; 65. Hợp hoan tục biên; 66. Cận thế tiên triết tùng đàm; 67. Cổ văn cố sự; 68. Phiên học sử đàm; 69. Tây kinh truyện tân ký; 70. Nhĩ thực lục; 71. Diễm hoa văn tùng; 72. Kinh quốc mỹ đàm; 73. Đàm hải; 74. Lai mỹ nhân; 75. Tình thiên tỉ dực duyên; 76. Đệ nhị thế mộng tưởng binh vệ hồ điệp vật ngữ; 77. Đông Đô tiên động dư đàm [= Tân Kiều bát cảnh giai thoại ]; 78. Đông Dương Ba Lan; 79. Minh Trị quốc tính da; 80. Nhất lạc sự.

Có thể chia 80 tác phẩm kể trên thành 3 mảng lớn, với số lượng cụ thể thuộc từng mảng như sau:

Bút ký: 32 tác phẩm.

Truyện ngắn: 46 tác phẩm.

Truyện dài: 2 tác phẩm.

“Bút ký” nói ở đây, chỉ loại tiểu thuyết viết dưới dạng bút ký, ghi chép những chuyện còn bỏ sót về một nhân vật lịch sử, hay danh nhân văn hóa nào đó, với một lối văn thường là hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Thuộc loại này, còn có những câu chuyện mang tính dân dã mà sử sách chính thống không thấy nói tới . Một vài tác phẩm tiêu biểu:

- Cận tùng thế ngữ : 4 tập, 8 quyển, do Giác Điền Giản soạn, khắc in năm 1828. Sách chia thành 29 chuyên mục : đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn học v.v…Nguồn tư liệu để viết là các văn tập, các tài liệu ghi chép (bái sử) của những nhà sưu tầm (bái quan), các câu chuyện nghe được từ những vị bô lão kể lại…Một lời nói, một cử chỉ, một việc làm nếu có thể gây xúc động, kinh ngạc, khâm phục mà không có trong chính sử, đều được chép vào sách.

- Sư hữu chí: 1 tập, do Lại Xuân Thủy soạn, khắc in năm 1877. Lời dẫn của sách có nói mới ngày nào tác giả cùng bạn bè theo thầy dạo chơi đây đó, vậy mà nay họ đã khuất bóng gần hết, chỉ lác đác còn lại mấy người. Tác phẩm này được viết ra để ôn lại những kỷ niệm xưa.

- “Truyện ngắn” chỉ đoản thiên tiểu thuyết viết bằng văn ngôn, văn “sử truyện”. Có thể chia thành các loại như truyện lịch sử: 7 tác phẩm; truyện diễm tình: 5 tác phẩm; truyện tự sự: 7 tác phẩm; truyện truyền kỳ: 19 tác phẩm. Một vài thí dụ:

- Hải ngoại dị truyện (truyện lịch sử): 1 tập, do Tân Phiên Trai Đằng Chính Khiêm sáng tác, khắc in năm 1850. Tác phẩm kể chuyện một người Nhật tên là Sơn Điền Trưởng Chính làm bá chủ ở Xiêm La; chuyện hai anh em Tân Điền Mị Binh uy hiếp người Hồng Mao; Chuyện Trịnh Thành Công làm vua Đài Loan. Có người cho đây là khúc nhạc dạo đầu của các tác phẩm xuất hiện liên tiếp sau đó như Tây chinh khoái tâm biên, Đông phương Ba Lan, Minh Trị quốc tính da hô hào “Nam tiến”!

- Đại Đông khuê ngữ (truyện diễm tình): 1 tập, do Bình An Kim La Ma sáng tác, in bằng chữ rời (hoạt tự) chưa rõ năm xuất bản. Truyện kể về những điều thuộc loại “thâm cung bí sử” của Hoàng Hậu Quang Minh.

- Dạ song quỷ đàm (truyện tự sự): 2 tập, do Thạch Xuyên Hồng Trai biên soạn làm sách học cho trẻ em, in bản chì năm 1889. Sách gồm những chuyện ma quỷ rất hợp khẩu vị của lứa tuổi tò mò.

- Kỳ đàm tân biên (truyện truyền kỳ): 1 tập, do Đam Sơn Tử sáng tác, khắc in năm 1842. Sách gồm những chuyện kỳ lạ, ít nghe thấy, lượm lặt được từ xóm cô đầu ở Tân Nhai, quán trà ở Thiên Bảo Sơn, khu lạc thú ở miền đất mới Nan Ba…

- Tích tích xuân thu (truyện chí quái): 1 tập, do Trung Tỉnh Lý Hiên sáng tác, không đề năm khắc in. Bìa 1, phía bên trái, có ghi mấy dòng chữ bằng tiếng Nhật: “Văn chương Lý Hiến nổi tiếng một thời, vậy mà còn truyền lại rất ít. Cuốn sách này viết về chuyện đồng thoại Đào Thái Lang dẹp đảo quỷ và chuyện vượn, cua, chồn thủy bộ phối hợp tác chiến, phỏng theo kiểu viết có phần “kinh” phần “truyện” ở sách Xuân thu, cốt để mua vui. Ấy thế nhưng văn pháp lại cao siêu điển nhã, thật sự là mẫu mực để học làm văn”

- Thiên đàm (truyện hài hước): 1 tập, do Cao Cương Mộc Nhất Quán Mạnh Thứ sáng tác, khắc in năm 1824. Tác giả cho hay trong thời gian dưỡng bệnh tại một xóm vắng, không biết làm gì để giải khuây, bèn cầm bút viết một loạt truyện cười thành sách này.

“Truyện dài”, chỉ loạt tiểu thuyết viết bằng văn bạch thoại, theo dạng chương hồi. Mảng tác phẩm này chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong toàn bộ tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản. Lý do có thể là vì đối với người Nhật, viết loại này khó khăn hơn nhiều so với viết truyện ngắn bằng văn ngôn. Một là tác phẩm dài hơn không dễ dàng tổ chức câu chuyện. Hai là phải diễn đạt bằng lời ăn tiếng nói cùng tâm tư tình cảm người bản địa, nhưng lại bằng ngôn ngữ nước ngoài. Các truyện dài của Nhật Bản hiện được biết là:

- Cảnh tỉnh thiết tiên (chuyện thần ma); 1 tập, 5 hồi (viết chưa xong), do Điền Trung Tùng Ngô Hiên Tiên Sinh sáng tác, em là Tiểu Vĩnh Tỉnh Tiểu Chu Tiên Sinh bình luận, khắc in năm 1886. Nội dung kể chuyện tác giả một đêm nằm mơ, thấy mình dạo chơi khắp Thiên Đường, Địa Ngục, xúc tiếp với đủ loại thần thánh, ma quỷ, sau học được phép “vãm tâm nhập mộng” (kéo lòng vào cõi âm) có điều kiện quan sát, chiêm nghiệm và đem toàn bộ những điều nghe thấy trong mộng viết lại thành sách dùng để răn đời, nêu cao cái thiện, ngăn chặn điều ác. Thiện và ác cuối cùng đều được phân sử, thưởng phạt công minh.

- Tây chinh khoái tâm biên (chuyện viễn tưởng): do Nham Viên Nguyệt Châu sáng tác, in bản trì năm 1857. Chuyện kể viên Đại tướng nước Hoàng Phát (tóc vàng) ở Hải Đông, Phù Tang thấy triều đình Mãn Thanh sau Chiến tranh nha phiến, càng bị nước Anh ức hiếp tợn, trong lòng rất đỗi bất bình, bèn qua môi giới Tổng đốc Giang Nam và Nguỵ Nguyên, thuyết phục vua Hàm Phong liên kết với nước Hoàng Phát chống lại nước Anh, nhân đó cổ động người Ấn nổi lên chống lại Anh để khôi phục đất nước. Sau 5 tháng thực hiện kế sách này, liên quân Hoàng Phát - Mãn Thanh đã đẩy lùi được quân Anh, các nước phương Tây như Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Nga, Pháp đều nối nhau tới triều cống, uy thế Phương Đông lên mạnh. Trong hồi cuối cùng, tác giả dự đoán rồi đây nước Nga sẽ trở thành mối lo lớn, các nước Trung, Ấn, Nhật, Miến cần liên kết với nhau để chống lại. Đặc biệt về mặt biển phải có chính sách phòng bị để đủ sức ứng phó một khi tình huống xảy ra. Tiểu thuyết chữ Hán của Nhật Bản tuy chỉ chiếm một góc nho nhỏ trong toàn bộ nền văn học Nhật Bản, nhưng không phải vì vậy mà đứng bên lề cuộc sống sôi động của dân tộc đất Phù Tang.

Tiểu thuyết chữ Hán của thời Nại Lương và Bình An mang đậm tư tưởng Phật giáo ở khía cạnh dễ lôi cuốn quần chúng nhất của nó: ở hiền gặp lành, làm điều ác sẽ bị quả báo; chết không phải chấm hết mà là chuyển sang một cuộc đời khác; nếu kiếp này biết tu hành sẽ có khả năng “ vãng sinh cõi Phật”, nghĩa là rời khỏi thế giới trần tục, siêu thăng về nơi Cực Lạc của Phật A Di Đà, hóa sinh trên tòa sen, đời đời hết khổ lụy. Thập di vãng sinh truyện, Tam ngoại vãng sinh ký, Nhật Bản vãn sinh cực lạc ký, Nhật Bản vãng sinh toàn truyện v.v… là những tác phẩm thể hiện các tư tưởng nói trên.

Thời Giang Hộ thì lại khác, Phật giáo một thời là vú em của sự uyên bác ở Nhật Bản, lúc này do chính sách những người cầm quyền phong kiến, trở nên lu mờ. Thiên Chúa giáo cũng bị coi là gắn liền với sự xâm lược, một hiểm họa tiềm tàng cần tránh, bên cạnh việc cắt đứt mọi tiếp xúc với phương Tây. Người Nhật Bản muốn quay về với chính họ, trau tria nền văn hóa cố hữu của họ, và như vạy cũng tức là trở lại với Khổng giáo, với đạo đức, với chữ “trung”, chữ “hiếu”, với nền nếp trật tự xã hội truyền thống của phương Đông. Tiểu thuyết chữ Hán thời Giang Hộ phần lớn trở thành phương tiện chuyển tải đạo lý, văn chương gắn với giáo hóa, ngay từ những chuyện có vẻ ly kỳ quái đản cũng hàm ý răn giới, khuyến thiện trừng ác. Các tác phẩm Nhật Bản thất phúc thần truyện, Cận tùng thế ngữ, Kỳ đàm tân biên, Hiền hồ kỷ… đều có thể xem là những thí dụ tiêu biểu.

Từ thời Minh Trị trở về sau, Nhật Bản tiến hành công cuộc duy tân (đổi mới) để vươn lên cạnh tranh cùng các nước tiên tiến, mong mở rộng lãnh thổ, tăng cường quyền lực, coi Trung Quốc như miếng mồi ngon trong tầm tay… Một số tiểu thuyết chữ Hán như Hải ngoại dị truyện, Tây Chinh khoái tâm biên, Đông Dương Ba Lan, Minh Trị quốc tích da là những dự báo quan trọng cho bước ngoặt trên đây.

Còn có thể kể những tác phẩm được viết ra cốt để mua vui như Kỳ đàm nhất tiếu, Như thị ngã văn, hoặc để làm sách giáo khoa dạy người bản xứ học chữ Hán như Dạ song quỷ đàm, Tích tích xuân thu và một phần tiểu thuyết bút ký. Mỗi loại đều có tầm quan trọng riêng của nó giữa cuộc sống đời thường của người Nhật Bản trong quá khứ.

CHÚ THÍCH

(1) G.B Sansom: Lược sử văn hóa Nhật Bản (Japan, a short cultural historry), Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1990, tr.26.

(2) Xem Ishida Kazuyoshi: Nhật Bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Tập1, Bd. Của Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, Sài Gòn, 1972, tr.95-97.

(3) (4) Chữ dùng của Thái tử Shitoku Nhật Bản, trong bức thư gửi vua Tùy - Trung Quốc năm 607. Xem lược sử văn hóa Nhật Bản, Sđd, tr.98.

(5) Xem Tầy Thôn Chân Thứ: Nhật Bản văn hóa sử khái luận, soạn năm Chiêu Hòa thứ 5 (1930). Bd. Tiếng Trung Quốc của Từ Bích Huy. Thượng Hải, 1935, tr.135.

(6) Theo G.B Sansom, từ “Kana” có lẽ là do lấy từ 2 chữ đầu của vần chữ cái Triều Tiên (xuất hiện vào năm 690) bắt đầu bằng Kana ta ra. Xem Lược sử văn hóa Nhật Bản, Sđd, tr.174, phần chú thích.

(7) Cổ sử ký (Kojiki): tập quốc sử đầu tiên của Nhật Bản, soạn năm 712.

(8) Tuyên mệnh (Semyo): tập chỉ dụ của một số vua Nhật Bản, ra đời khoảng cuối thế kỷ VII đầu thế kỷ VIII.

(9) Vạn Diệp Thư (Manyoshu): gồm 20 quyển, với hơn 4000 bài gồm thơ, ca, vè… được sáng tác trong khoảng thời gian từ 313 đến 759. Đây là tập thơ ca được ghi lại bằng tiếng mẹ đẻ cổ nhất của Nhật Bản.

(10) Xem Trần Nghĩa: Tiểu thuyết chữ Hán của Triều Tiên, Tạp chí Hán Nôm, số 3, 1993.

(11) Vương Tam Khánh: “Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu sơ cảo”, trong cuốn Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu, Trung Quốc cổ điển văn học nghiên cứu

TB

NHÌN SANG HÁN HỌC CHÂU ÂU (*)

PHAN VĂN CÁC

Ở Châu Âu, Hán học ra đời muộn hơn Ấn Độ học và Xêmit học(2) bởi hứng thú nghiên cứu Ấn Độ bắt nguồn từ điều phát hiện tiếng Sanskrit là tổ tiên của ngữ hệ Ấn - Âu, còn Xêmit học thì xuất phát từ nhu cầu bảo vệ Cơ đốc giáo chống Hồi giáo.

Hán học phương Tây thực sự khởi đầu có thể tính từ ngày 11-12-1814 với việc mở lớp ngữ văn Trung Quốc - Tácta - Mãn Châu tại Pháp quốc Học viện, giảng viên đầu tiên là Jean - Pierre Abel - Remusat (1788 - 1832) bấy giờ mới 27 tuổi. Lớp học mở ra giữa thời đế chế Napoléon tan rã. Các giáo sư Antonie Bazin (1799 - 1853) Stanislas Julien (1797- 1873) cũng như Remusat đều chưa từng đến Trung Quốc. Nổi tiếng nhất là Gabriel Deveria (1844 - 1899), người đã viết bộ Lịch sử bang giao Trung Quốc Annam các thế kỷ XVI - XIX. Các nước khác đều muộn hơn. Ở Đức, giáo sư Hán văn xuất sắc là Georg von der Gabelentz (1840 - 1893), vốn là giáo sư ngôn ngữ học đại cương ở Lai - xich. Ở Anh, ghế giáo sư Hán ngữ ở Oxford và Cambridge nửa sau thế kỷ XIX được trao cho những nhà ngoại giao và nhà truyền giáo lừng danh như Sir Thomas Wade (1818 - 1895), Harbert Allen Giles (1845 - 1935) ,James Legge (1815 - 1897). Tuy nhiên những trường lớp này cũng chỉ mới làm được công việc giới thiệu sơ lược có tính chất “đất nước học” chứ chưa có nền tảng học thuyết vững chắc.

Cũng cần phân biệt công việc nghiên cứu Hán học mang tính chất học thuật với việc dạy “bạch thoại” nhằm mục đích thực dụng, mặc dù chúng liên quan chặt chẽ với nhau và thường được tiến hành trong cùng một tổ chức. Các nhà sử học có thể chỉ ra động cơ rất khác nhau và tính không đồng đều của việc xây dựng ngành Hán học ở mỗi nước, thậm chí ở từng trường Đại học. Người Pháp sau chiến tranh thuốc phiện mới bắt đầu dạy tiếng Trung Quốc khẩu ngữ, điều này gắn với quan điểm của họ đối với Đông Nam Á. Chủ nghĩa đế quốc Anh gắn chặt 3 động cơ buôn bán, ngoại giao và hoạt động truyền bá tân giáo. Hà Lan từ thế kỷ XVII đã là cường quốc ngoại thương, về sau thành một nước thực dân ở Đông Nam Á. Nga đã sớm chú ý đến Trung Quốc vì sau khi chinh phục Siberie vào thế kỷ XVII, Nga trở thành nước láng giềng có chung hàng ngàn kilômet biên giới với Trung Quốc. Nga cũng là nước châu Âu đầu tiên ký điều ước chính thức với đế quốc Trung Hoa.

Tình hình khác hẳn đối với người German. German không có thuộc địa ở châu Á và buôn bán với Trung Hoa cũng không đáng kể. Các nhà Hán học đi đầu của họ như Wilhelm Scott (1807 - 1889) ở Berlin và Giohann Heinrich Plath (1802 - 1874) ở Gottingen đều là những nhà Hán học thành tựu song đều xuất phát từ sự hiếu kỳ học thuật thuần túy. Mãi sau khi nước Đức thống nhất mới có viện Đông Phương Ngữ (Seminar fűr Orientalische Sprachen) sáng lập ở Berlin năm 1887. Viện này được Bismark ủng hộ mạnh mẽ, có thể nói là sản phẩm của buôn bán và dã tâm thực dân Đức. Duy Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dù từ cuối thế kỷ XVI đã tiếp xúc nhiều với Trung Quốc, nhưng trước sau vẫn không coi trọng Hán học.

Từ Sinologist (nhà Hán học) xuất hiện lần đầu tiên năm 1838 và từ sinology (Hán học) muộn hơn vào năm 1882 đánh dấu sự thành thục ở châu Âu một ngành khoa học lấy Trung Quốc làm đối tượng nghiên cứu. Thật ra trong khoảng 2 thế kỷ trước đó châu Âu đã được giới thiệu về nền văn minh của đất nước vĩ đại phương Đông này qua các công trình của một loạt giáo sỹ Thiên chúa giáo học vấn uyên bác mà trình độ tinh thông Hán ngữ như độ lớn các thành tựu Trung Quốc học cho đến nay vẫn hiếm có người vượt qua nhưng không hề tự nhận là nhà Hán học, bởi vì họ lấy truyền giáo làm mục đích, tìm hiểu Trung Quốc chỉ là phương tiện. Tác phẩm của họ bán rất chạy trên thị trường sách châu Âu suốt 2 thế kỷ XVII, XVIII, một phần bởi đó cũng chính là thời đại được Âu Châu trung tâm luận gọi là “Phát kiến lớn”. Ở Itali, đó là Matteo Ricci (1552 - 1610) Tác giả cuốn sách đầu tiên giới thiệu tổng quát địa lý - lịch sử - triết học - tôn giáo - tổ chức nhà nước và phong tục xã hội Trung Quốc; Martino Martini (1614 - 1691) tác giả cuốn bản đồ mới của Trung Hoa: Basilio Brollo (1648 - 1704) tác giả bộ từ điển Hán - Latin đầy đủ đầu tiên.

Dưới ngòi bút của các giáo sỹ Datô thế kỷ XVI, XVII, và nữa đầu thế kỷ XVIII, một Trung Quốc ổn định với nền văn minh nhiều thành tựu hiện ra trước mắt người châu Âu khiến họ dần dần tin rằng sống ngoài nền văn hóa Cơ đốc giáo, người ta vẫn có thể xây dựng cơ sở cho một xã hội yên ổn và phồn vinh trong khuôn khổ một quốc gia cai trị bởi những Hoàng đế minh triết. Vontahire rất mê văn hóa Trung Hoa, trường phái “trọng nông” và trường phái “bách khoa” cùng đề cao văn hóa Trung Hoa, coi là mẫu mực lý tưởng. Trong nghệ thuật châu Âu đầu thế kỷ XVIII, phong cách Trung Hoa về trang phục, dụng cụ gia đình, kiến trúc cho đến vườn cảnh đều được mến mộ. Đó là điều mà các nhà viết lịch sử tư tưởng châu Âu gọi là “thái độ thân Trung Hoa kiểu baroque” (sự kỳ cục).

Từ giữa thế kỷ XVIII về sau, hình ảnh đẹp đẽ về Trung Quốc bắt đầu bị xóa dần Adam Smith (1723 - 1790) và Thomas Robert Malthus (1766 - 1834) coi Trung Quốc là vùng đất trì trệ và đen tối. Trong hệ thống lớn của Friedrich Hegel (1770 - 1831) về lịch sử thế giới đầu thế kỷ XIX, Trung Quốc là xứ sở lạc hậu về tự do vì ở đất nước chuyên chế ấy, tự do chỉ thuộc về một người duy nhất là Hoàng đế. Thế kỷ XIX chứng kiến một thái độ quay ngoắt coi Trung Hoa là một thế giới lạc hậu cần học hỏi châu Âu về mọi mặt để hiện đại hóa. Học giả tiêu biểu của Hán học thế kỷ XIX là James Legge nước Anh với công trình phiên dịch các sách kinh điển của Trung Quốc. Nhưng sang thế kỷ XX với cuộc khủng hoảng giá trị phương Tây dẫn đến Đại chiến thế giới thứ nhất, người châu Âu trước hết là người Đức lại tìm đến trí tuệ Trung Hoa thể hiện trong các học thuyết Nho và Lão, như một sự lựa chọn có thể cứu vớt châu Âu ra khỏi khủng hoảng. Và rồi đến giữa thế kỷ này, một bộ phận trí thức châu Âu, một lần nữa, lần này ngắn thôi, lại hướng về Trung Hoa, chỉ có khác là thần tượng Khổng Tử “đại thánh nhân” là phương Tây đã sùng thượng trong thế kỷ XVIII, lần này thay bằng Mao Trạch Đông, để rồi hoàn toàn vỡ mộng trong những năm 60, 70.

Thế kỷ XX chứng kiến một sự nở rộ thành tựu trong Hán học châu Âu với các tên tuổi: Ở Pháp, Edouard Chavannes (1865 - 1918) với công trình phiên dịch đồ sộ có ý nghĩa vạch thời đại Mémeireshistoriques xuất bản năm 1900, và học trò xuất sắc của ông Marcel Gramet (1884 - 1940) với bộ chuyên khảo Religoindes Chinois (tôn giáo của người Trung Quốc) xuất bản năm 1922; Henri aspero (1883 - 1945) nhà sử học và ngôn ngữ học (từng công tác tại EFEO Hà Nội), viện sỹ viện ngữ văn học Pháp, tác giả các bộ Trung Quốc cổ đại, Khảo về tôn giáo và lịch sử Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Phương Ngôn Tràng An đời Đường… ; Paul Pelliot (1878 - 1945) từng công tác tại EFEO Hà Nội) chủ biên tạp chí Đông Phương học, T´oungpac, tác giả bộ chuyên khảo lớn về Đôn hoàng. Ở Thụy Điển, Bernard Karlgren (1889 - 1978) là một cái mốc lớn về ngữ âm học, đặc biệt là về âm Trung cổ với các tác phẩm Nghiên cứu về âm vận học Trung Quốc, Khái yếu về âm Trung cổ và âm Thượng cổ tiếng Hán, Chữ giả tá trong văn hiến trước đời Hán

Nhà bác học Mỹ gốc Pháp - Canada, Willam James Durant (1885 - 1967) tác giả Lịch sử văn minh, dành quyển đầu cho lịch sử văn minh phương Đông, soạn xong năm 1935.

Ở Anh có Joseph Needham tác giả bộ Lịch sử khoa học và văn minh Trung Quốc. Ở Đức những năm 1930, Otto Franke (1863 - 1946) cho ra mắt bộ Lịch sử Trung Hoa và Max Weber bằng con mắt lịch sử so sánh, nghiên cứu tư tưởng Nho gia, Đạo gia và chế độ quan liêu với tình hình phát triển kinh tế Trung Quốc, mở ra một hướng mới của Hán học.

Các học báo Hán học như Journal Asiatique của Pháp, T´oung Pao của Đại học Leyden (Hà Lan) là những tạp chí có uy tín lớn từ hơn trăm năm nay.

Những tên tuổi Hán học đương đại của châu Âu có thể kể Goran Malaqvist người Thụy Điển, ủy viên hội đồng giải thưởng văn học Nobel: Harbert Fralke Giám đốc học viện Bayern Đức: Erik Zurcher, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán học trường Đại học Leyden Hà Lan: Piet Van Der Loon giáo sư Oxford: J. Denys Lompard, giám đốc EFEO, Paul Demieville (Pháp)…

Trên đây là những nét phác sơ lược về xu thế của học giới phương Tây trong cuộc giao lưu văn hóa với Trung Hoa cũng đông thời phân vạch mấy giai đoạn phát triển của Hán học châu Âu.

CHÚ THÍCH

(1) Riêng Hán học Nga - Xô viết không đưa vào đây, vì đã có bài của PTS. Tạ Ngọc Liễn (Xem Văn Nghệ, số đầu tháng 8-1993).

(2) Semites, chỉ chung một số tộc người vùng Tây Á-Bắc Phi như Babylone, Cyprus, Assyria, Phoenicia./.

TB

CÂU ĐỐI TẾT, CÂU ĐỐI XUÂN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

TẢO TRANG

Trong bài viết cho Cứu quốc số ra ngày 4/7/1973, dưới đầu đề Mấy nét về câu đối Tết, nhà nghiên cứu văn học và lịch sử Hoa Bằng cho rằng: “Lai lịch câu đối Tết ở Việt Nam không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng theo sách Lĩnh Nam chích quái, một bản cổ bằng Hán văn, truyện “Thiên tử đáo gia”, một ông vua đã đi chơi phố phường trong Kinh đô vào một ngày giáp Tết, và đã vào một nhà thợ nhuộm tặng đôi câu đối để dán cổng ngõ, có “khẩu khí” thiên tử. Nhưng tiếc rằng tài liệu không cho chúng ta biết Tết ấy là đời nào và ông vua ấy là ai”. Tác giả ghi thêm ở chú thích: “Không kể tài liệu Trung Quốc cho rằng câu đối Tết của Trung Quốc bắt đầu từ đời Minh Hiếu Tông (1488 - 1505) vì ông vua này Tết đến, vi hành đi chơi trong Kinh đô, nghĩ đỡ cho các đồ tể kiêm hoạn lợn một đôi câu đối…”. Về vua Việt Nam, sách Giai thoại văn học Việt Nam (Nxb. Văn học, 1965) có chép sự kiện về câu đối này và ghi là của Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Như vậy nếu tin ở truyền thuyết, câu đối Tết đã xuất hiện trong khoảng thế kỷ XV.

Nhưng dù chưa có tài liệu thật chính xác, ta cũng có thể sơ bộ đoán định rằng câu đối Tết xuất hiện sớm hơn nhiều. Sách Kinh Sở tuế thời ký viết khoảng thế kỷ thứ VI về phong tục trong những ngày tuần tiết hàng năm tại đất Kinh Sở thuộc địa bàn Bách Việt trong đó có Lạc Việt là tổ tiên dân tộc Việt Nam, có ghi chép hai tục lệ địa phương về ngày Tết đầu năm. Đó là tục đốt pháo trúc (“trúc bộc”, lấy ống tre nhồi thuốc nổ rồi châm ngòi đốt), và tục treo hai bên cửa ngõ Bùa gỗ đào (đào phù) có hình hai vị thần: Thần Đồ và Uất Lũy. Đốt pháo và treo bùa đều nhằm trừ ma quỷ thường đến quấy rối vào những ngày cuối năm và đầu năm. Hai tục lệ đốt pháo và treo bùa này tồn tại mãi về sau này . Nhưng riêng về “đào phù” được thay thế bằng hai vế câu đối dán hai bên cửa, và trở thành một tên gọi của câu đối xuân (“xuân liên”), còn hình vẽ Thần Đồ và Uất Lũy vẫn còn, được treo hai bên cửa ngõ, nhiều khi bên cạnh câu đối xuân tức “đào phù” (X. Từ nguyên Từ hải, mục Đào Phù). Một câu đối chữ Hán khá phổ biến được dán ở các cổng nhà vào ngày xuân đã ghi lại đậm nét hai tục lệ trên của dân Lạc Việt:

爆 竹 一 聲 除 舊 歲
桃 符 萬 户 惹 新 春
Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế,
Đào phù vạn hộ nhạ tân xuân.

Có thể dịch:

Pháo tre một tiếng, xóa năm qua,
Bùa đào muôn nhà gọi xuân mới.

Và nếu hiểu “đào phù” là “câu đối xuân” như các tự điển Trung Quốc đều giảng, thì có thể dịch:

Một tiếng pháo tre xóa trừ tuổi cũ .
Muôn nhà câu đối vẫy gọi xuân về.

Câu trên khá tiêu biểu: nó chứng tỏ câu đối đã gắn liền với tiết đầu xuân. Hai tục lệ của dân Bách Việt đầu năm, qua câu đối này đã giũ bỏ được tính chất mê tín vu vơ. Pháo tre chỉ là tiếng nổ vui, vì xóa trừ được cái cũ, “bùa đào” đã trở thành câu đối vẫy gọi mùa xuân vừa sang, “xóa cũ, đổi mới”, ý nghĩa của mùa xuân, ý nghĩa của cuộc đời.

Bên cạnh câu chữ Hán trên, có thể kể một câu đối chữ Nôm tiêu biểu không kém và đã được rất nhiều người biết:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.

Cái vui cái đẹp của ngày Tết cổ truyền như nằm cả trong 14 chữ !

Thú thưởng thức ăn ngon lành rất “Tết” và cũng rất “Việt Nam”: thịt mỡ có dưa hành đi kèm để giảm chất ngấy, bánh chưng món ăn tổng hợp có đủ chất đạm, chất béo, chất đường. Thú nghe tiếng pháo nổ giòn giã càng vang xa khi được đốt treo trên cây nêu cao, thú nhìn mầu sắc hài hòa tươi vui, mầu xanh bánh chưng bên cạnh mầu đỏ câu đối. Và thêm cả thưởng thức nét chữ, lời văn, tình ý trong câu đối xuân. Có người cho rằng câu này phép đối không chỉnh lắm, và muốn đổi vế sau: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Nhưng đối như vậy sẽ làm giảm hẳn không khí tưng bừng của ngày Tết trong câu văn. Và theo phép đối cổ điển, câu này vẫn rất chỉnh. Đó là lối “tiểu đối” hay “tựu cú đối”. Nếu trong nội bộ mỗi vế đã có hai nhóm chữ đối nhau đúng phép, thì giữa hai vế sự đối nhau không cần phải thật nghiêm nhặt, miễn là bảo đảm luật âm thanh. Đây cũng là trường hợp câu “Tứ thời bát tiết canh chung thủy sẽ nói ở phần sau.

Dù sao, câu đối này cũng như câu chữ Hán trên, không gợi chút nào về sự xua đuổi tà ma ngụ trong “trúc bộ” “đào phù” của tục lệ dân Bách Việt, mà trong cả cây nêu truyền rằng cũng nhằm trừ quỷ dữ, vì nó chứng thực sự bảo hộ của đức Phật từ bi và lắm phép mầu. Câu đối đã thể hiện niềm vui hết sức thực tế của một quần chúng trước đây thường sống trong thiếu thốn, thường chỉ “no ba ngày Tết”, nhưng thường xuyên biết tìm hưởng mọi thú vui, thưởng thức mọi cái đẹp trong hoàn cảnh thực tại của mình.

“Yêu cái đẹp” là một đức tính của tâm hồn Việt Nam. Xuân là mùa thiên nhiên đổi mới, khí dương át khí âm, mọi vật tràn đầy sức sống, muôn hồng nghìn tía đua tươi. Nhân dân Việt Nam mừng đón mùa xuân, mừng đón cả câu đối xuân. Do đó trong khung cảnh đón Tết cổ truyền của thủ đô Hà Nội xưa kia, không thể thiếu được cảnh các cụ đồ viết câu đối từ ngày rằm tháng chạp cho đến Tết. Câu đối Tết cũng như hoa đào hoa cúc báo hiệu mùa xuân. Đi dạo quanh phố, ngắm nhìn những ông đồ gò lưng nắn nót những dòng chữ đẹp, đọc những câu đối xuân chữ tốt văn hay, đầy ý nghĩa lạc quan vui đón cái mới, cũng như đi dạo ngắm những cành đào đỏ thắm, những khóm cúc vàng tươi, là một trong những thú tao nhã đón xuân về, khiến con người trẻ lại. Kho tàng câu đối Tết Việt Nam rất phong phú, và mang đậm sắc thái Việt Nam.

Điểm qua những câu đối được nhiều người biết trước cách mạng tháng Tám, có thể phân biệt mỗi loại sau đây:

1. Loại câu đối thờ. Xưa kia chỉ có một số ít nhà Việt Nam là có treo bên bàn thờ tổ tiên những câu đối thờ khắc trên gỗ có chữ, nhiều khi là chữ thiếp vàng trên nền sơn đen bóng rất đẹp. Số đông không đủ khả năng có được những thứ đắt tiền trên, nhưng đến ngày Tết thế nào cũng phải có đôi câu đối thờ viết trên giấy đỏ, để được dán lên một khung gỗ khổ câu đối treo trên cột, hoặc dán ngay vào cột bên bàn thờ. Câu đối làm sáng đẹp khu trung tâm trang trọng nhất của căn nhà, nhưng chủ yếu là tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiên tổ, và bầy tỏ ước nguyện giữ vững nếp sống tốt đẹp của dòng họ, bồi đắp đức tốt để tạo phúc lâu dài.

Hầu hết những câu đối loại này đều bằng chữ Hán, thứ chữ của “thánh hiền” theo quan niệm cũ. Thí dụ:

新 春 奮 志 惟 忠 孝
佳 節 銘 心 只 儉 勤
Tân xuân phấn chí duy trung hiếu,
Giai tiết minh tâm chỉ kiệm cần.

(Hiếu trung vững chí mừng xuân mới,
Cần kiệm ghi lòng đón Tết vui).

Hoặc một câu khác:

孝 友 外 何 事 可 樂
和 睦 中 到 處 皆 春
Hiếu hữu ngoại, hà sự khả lạc,
Hòa mục trung, đáo xứ giai xuân.

(Ngoài hiếu hữu, không điều gì vui thích,
Giữ thuận hòa, khắp chốn thấy xuân tươi)

Câu đối loại này, lời lẽ chỉ cần trang trọng hơn là trau chuốt. Có thể nói đây là những châm ngôn xử thế, được trưng lên như những khẩu hiệu nhắc nhở ý nghĩa chân chính của cuộc đời với cách đón xuân mới vui tươi, hợp với nếp sống lành mạnh, cần kiệm, thuận hòa. Những câu đối này thường kèm theo mấy chữ đại tự cũng viết giấy đỏ, treo thành bức hoành ở bên trên: “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước sông, nghĩ đến nguồn), “Đức lưu quang” (Đức chan hòa ánh sáng), thể hiện lòng thành kính biết ơn, niềm tưởng nhớ tiên tổ, gắn liền với quyết tâm sống xứng đáng với công ơn các bậc tiền nhân, trong năm mới.

2. Câu đối tức cảnh xuân, thường treo ngoài sân hay ngoài cổng, có thể viết trên giấy đỏ hoặc khắc lâu dài vào lớp vôi vữa phủ trên tường gạch. Tả cảnh, nhưng thường bao hàm nhiều ý tình bên trong:

淑 氣 勳 佳 節
和 風 扇 早 春
Thục khí huân giai tiết,
Hòa phong phiến tảo xuân.

(Khí lành ấm áp tiết đẹp,
Gió hòa phây phẩy xuân tươi)

Câu đối này rất hợp với hàng cột ngoài hiên hoặc dẫy tường thấp bằng gạch cạnh khu vườn. Hơi ấm, gió nhẹ là đặc điểm của xuân sớm, tạo đủ điều kiện cho sự phát triển sức sống muôn loài.

Một câu khác:
近 水 樓 薹 先 得 月
向 陽 花 草 易 知 春
Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt,
Hướng dương hoa thảodị tri xuân (1)

(Gần làn nước trong, lâu đài trước tiên được ánh trăng,
Hướng hơi dương ấm, cây cỏ sớm biết xuân về).

“Hướng dương” có thể dịch “hướng ánh dương sáng” hay “hướng hơi dương ấm”. Lâu đài ở gần nước do đó đón được ánh trăng trước tiên, ánh trăng trực tiếp chiếu xuống từ trên không và ánh trăng phản chiếu từ dưới nước lên, còn hoa cỏ thì hướng về mặt trời nên dễ có điều kiện mơn mởn đua tươi sớm đón xuân về. Cảnh trước mắt đẹp, ý bao hàm bên trong cũng đẹp: hòa hợp với chung quanh, hướng về ánh sáng thì mọi thứ đều tươi đẹp, tốt lành. Cảnh, tình và ý trong loại câu đối này gắn liền với nhau. Thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, đồng thời nâng cao tư tưởng và tình cảm, mắt trong sáng hơn, tâm hồn cũng trong sáng hơn.

3. Câu đối về nghề nghiệp. Đây là những câu đối dán ở cửa hàng cửa hiệu - cũng có thể dán ở chỗ ngồi chơi trong nhà - ghi lại những đặc điểm nhất là những điều đáng tự hào của nghề, những triển vọng tốt đẹp của nghề trong mùa xuân mới. Mỗi nghề có một loạt câu đối thích hợp, thường được thu thập trong những sưu tâp đối liên. Sau đây là mấy câu đối cổ nổi tiếng gắn liền với những giai thoại, có nhiều người biết đến và tán thưởng.

4. Tương truyền Lê Thánh Tông, ông vua rất chuộng văn học ở thế kỷ XV, một năm gần giao thừa vi hành thăm phố phường Kinh Đô để xem xét dân tình. Vua vui thích thấy hầu hết mọi nhà đều bầy biện trang hoàng cây nêu câu đối đầy đủ. Riêng có một nhà không có câu đối. Vua vào chơi hỏi, biết là nhà thợ nhuộm, vợ góa chồng hành nghề, con trai đi vắng. Vua bèn lấy giấy bút viết hộ câu đối:

天 下 青 黃 皆 我 手
朝 廷 朱 紫 總 吾 家
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủy,
Triều đình chu tử tổng ngô gia.

(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ,
Đỏ tía triều đình tự cửa ta.)

Tự bàn tay lao động, tự cửa hàng này, đã tỏa ra mọi mầu sắc rực rỡ, làm đẹp khắp gầm trời, và nhất là làm đẹp cả triều đình, nơi tập trung các người quyền quý. Không phải chỉ có thế: “Thanh hoàng” còn chỉ mạ xanh và lúa chín vàng, tức thóc lúa, sản phẩm quý nhất trong một nước nông nghiệp. Quan niệm của phong kiến, mỗi tấc đất trong nước đều là của vua, mọi thóc lúa sản xuất từ đất đều trong tay vua. “Thanh hoàng giai ngã thủ” có thể hiểu “Tự tay ta mà ra”, cũng có thể hiểu “đều ở trong tay ta, thuộc quyền sở hữu của ta”, tức là của vua. “Chu tử” chỉ áo phẩm phục, và theo nghĩa rộng, chỉ người mặc phẩm phục, tức trăm quan trong chiều. “Chu tử tổng ngô gia” có nghĩa “đỏ tía đều từ cửa ta mà ra, và cũng có nghĩa”, Triều thần đều dưới cửa ta” tức là dưới quyền vua, đúng là “khẩu khí thiên tử”.

Câu này chính là câu mà Hoa Bằng, trong bài báo nói ở trên, cho rằng không biết của ông vua nào. Ông đã ghi vế trên hơi khác: “Thiên hạ thanh hồng giai ngã thủ”, dịch: “màu xanh, màu đỏ trong thiên hạ đều ra từ tay ta”, và giải thích đoạn này: ẩn ý “khẩu khí” tỏ ra rằng ta là chúa Xuân trang điểm các mầu xanh đỏ bằng hoa lá để tô đẹp cho cảnh non sông khắp trong thiên hạ - đồng thời cũng là người đứng đầu triều đình, ban mũ áo màu tía màu đỏ cho bách quan”. Nhưng chúng tôi nghĩ nếu cả hai câu đều thuộc khẩu khí của vua, thì “thanh hoàng” đắt nghĩa hơn “thanh hồng”.

Một giai thoại văn học nổi tiếng không kém liên can đến câu đối viết cho một nhà có nghề thịt lợn. Tương truyền Nguyễn Khuyến, nhà thơ lừng danh Tam nguyên Yên Đổ, khi về hưu ở quê nhà, có một người làm nghề thịt lợn đến biếu bát tiết canh và đôi bồ dục và xin câu đối xuân. Nhà thơ đã viết :

四 時 八 節 更 終 始
彥 柳 堆 蒲 欲 點 莊
Tứ thời bát tiết canh chung thủy,
Ngọn liễu đôi bồ dục điểm trang.

(Bốn mùa tám tiết lần lượt đổi thay,
Liễu bờ sông, cỏ bồ gò đất đang muốn điểm trang.)

“Tám tiết” chỉ tám tiết chính trong năm, mỗi mùa có hai tiết: lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí. Câu trên nói về sự chuyển vận của thời tiết , trước sau nối nhau không cùng, để dẫn ý câu dưới: nay đến lúc cây cỏ nẩy mầm đâm lộc, tự làm cho đẹp và làm đẹp chung quanh, đó là tiết xuân. Mọi vật chuyển vận không ngừng,niềm vui trước cảnh thay cũ đổi mới đã ánh vào câu đối, đơn giản nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa. Về mặt “đối”, bốn chữ đầu ở mỗi vế “tứ thời bát tiết” và “ngọn liễu đôi bồ” không đối chọi nhau từng chữ, khiến mới đầu tưởng rằng đối gượng ép. Nhưng đây cũng là trường hợp tương tự với câu “thịt mỡ dưa hành” đối với “nêu cao pháo nổ” nói ở trên. Đây là môt trong 6 cách đối mà Lê Quý Đôn đã phân tích trong Kiến văn tiểu lục (mục Thiên chương), gọi là “tiểu cú đối” (đối cả đoạn câu, không đối từng chữ). Câu trên có 4 chữ đầu đối nhau 2 chữ một (“tứ thời” đối với “bát tiết”), câu dưới cũng vậy (“ngọn liễu” đối với “đôi bồ”). Như vậy một khi luật âm thanh đã được bảo đảm, 4 chữ vế trên coi như đủ điều kiện để đối với 4 chữ vế dưới. Có thế, mới đem được 6 chữ “bát tiết canh, đôi bồ dục” không đối nhau từng chữ và là 6 chữ nêm luồn vào hai vế câu đối chữ Hán và ở vị trí đối nhau. Câu đối thật tài tình, nhất là khi đọc lên vẫn không cảm thấy có chỗ nào gò bó, mà ý nghĩa về mùa xuân, về cảnh đẹp thiên nhiên của mùa xuân như hiện ra trước mắt.

Vẫn loại câu đối này về nghề nghiệp, một truyền thuyết kể rằng Cao Bá Quát, nhà thơ thiên tài giữa thế kỷ XIX có làm câu đối cho một cửa hàng sũ:

天 添 歲 月 人 添 壽
春 滿 乾 坤 福 滿 堂
Thiên thiên tuế nguyệt nhân thiêm thọ,
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.

(Trời thêm ngày tháng người thêm thọ,
Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà.)

Đúng là câu đối xuân: thời gian trôi qua, mỗi năm tới thêm năm tháng, người thêm tuổi thọ, xuân về khắp vũ trụ, đem lại hạnh phúc đầy nhà. Câu đối đã khéo dùng chữ cuối 2 vế ghép lại thành từ “thọ đường” có nghĩa là “quan tài” (từ “thọ đường” chữ Hán có nghĩa chỉ huyệt đào sẵn khi người còn sống, chuyển sang tiếng Việt, từ ngày chỉ “quan tài làm sẵn để ở nhà có cụ già”, thường gọi là” cỗ thọ đường”). Liền sau đó, lại một người đàn bà có mang đến xin Cao Bá Quát câu đối xuân cho mình. Ông đã lấy nguyên câu trên, chỉ bớt chữ cuối mỗi vế mà viết:

天 添 歲 月 人 添
春 滿 乾 坤 福 滿
Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm,
Xuân mãn càn khôn phúc mãn.

(Trời thêm ngày tháng, người cũng thêm,
Xuân đầy đất trời, phúc đầy đủ)

Như vậy là đã cắt hai chữ cuối “thọ” và “đường”. Không còn “thọ đường” vì câu đối không còn là của hàng sũ. Vẫn là câu đối xuân, và vẫn đầy đủ ý nghĩa, bao hàm ý đón xuân vui và ý chúc tụng đầy đủ, cả trời lẫn người. Nhưng “nhân thiêm” và “phúc mãn” là lời chúc tụng thêm ý tinh nghịch “thêm người, thêm con” và chơi chữ, dùng chữ “phúc” trùng âm với “phúc” là “bụng”. “Phúc mãn” có nghĩa “bụng đầy, bụng to”, rõ ràng là hợp với người xin câu đối. Niềm vui đón xuân kèm nụ cười đùa rỡn nhẹ nhàng đáng yêu.

5. Loại câu đối Tết có tính cách tự tình của kẻ sỹ. Đây là những nhà nho nghèo, trước cảnh tưng bừng của xã hội chung đón xuân, không thể không liên hệ với hoàn cảnh của mình: những khó khăn và vấp váp trong cuộc sống năm qua, những mơ ước về năm sắp tới. Đó là trường hợp một nho sĩ bần hàn đón xuân với một bàn thờ trơ trọi trên mâm bồng chỉ có một trái bưởi được bày. Chàng đã làm câu đối:

A Tết đến đó rồi, mấy độ giơ cùi cùng tuế nguyệt,
Ờ xuân sang đấy nhỉ, này phen mở múi với giang sơn.

“Giơ cùi”: ý nói chưa có gì đóng góp cho đời, chỉ phô ra những thứ tầm thường vô tác dụng. “Mở múi”: ý nói xuất đầu lộ diện, tỏ lộ tài năng tiềm tàng của mình. Câu đối đầy tự tin và lạc quan, coi sự thành công là tất yếu.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều học trò cũ, không những không có cái gì để “giơ cùi” hay “mở múi”, mà còn phải lo lắng xoay xở đối phó với bọn chủ nợ, thường nhè vào những gày cuối năm để thôi thúc đòi nợ, lấy cớ là phải “tiêu Tết”:

Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Xuân là “tống cựu nghênh tân” (tiễn cũ đón mới). Ở câu đối trên, xuân trở thành “tống bần nghênh phúc”. Hành vi xua đuổi càng quyết lịêt thô bạo bao nhiêu, thì hành vi đón tiếp càng trìu mến ân cần bấy nhiêu.

Nói đến “đuổi cũ đón mới”, “giơ tay bồng ông phúc”, ta không thể không nhớ tới Hồ Xuân Hương đã có một câu đối xuân khá tiêu biểu cho cá tính hiên ngang của nhà thơ “Bà chúa thơ Nôm”:

“Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma Vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào”.

Câu đối nhắc lại phong tục hàng ngàn năm trừ ma quỷ trong những ngày giáp Tết. Nhưng nhà thơ không đốt pháo trồng nêu, chỉ đóng chặt cửa buồng, cửa có hai cánh, tượng trưng cho âm dương, cho trời đất (càn khôn) để không cho ma vương đưa quỷ giữ tới quấy nhiễu. Ở đây Ma Vương và lũ quỷ có thể chỉ là bọn người trên trần thường đến làm rầy nhà thơ. Vế dưới nói đến việc đón xuân sáng mùng một. “Lỏng then tạo hóa “tức là thuận theo lẽ tự nhiên của mọi vật, mở rộng cửa để cô gái nhỏ “bế xuân vào”. “Cô gái nhỏ” với nghĩa đen, còn bao hàm một ý nghĩa sâu sắc hơn. Theo “Kinh Dịch”, trong 8 quẻ chính, ngoài hai quẻ Càn và Khôn tượng trưng cho Trời và Đất, Cha và Mẹ, còn 6 quẻ khác tượng trưng cho sáu con, 3 trai, 3 gái. Và trong 3 gái thì cô gái nhỏ (thiếu nữ) tương ứng với quẻ Đoài, có nghĩa, “đẹp lòng, vui vẻ”. Đón xuân mới, phải đẹp lòng vui vẻ, phấn khởi tiến lên xây dựng tương lai. Câu đối ở vế trên phản ánh tâm hồn ngang tàng của nhà thơ, sống dưới sự o ép bất công của xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, đã chống trả bằng thái độ phản kháng nhạo đời, nhưng ở vế sau lại tỏ lộ vẫn giữ niềm vui và niềm tin, đón cảnh tươi sáng của ngày xuân mới.

Các câu đối về tâm tình nói trên đều là những câu đối Nôm. Rõ ràng chỉ có tiếng mẹ đẻ, tiếp nhận từ thời măng sữa khi còn ở trong nôi, mới thể hiện được trung thực những tình cảm sâu lắng của tâm hồn.

6. Câu đối Tết trong tù. Đây là những câu đối xuất hiện ở thế kỷ này, dưới thời thực dân Pháp thống trị, của các chiến sĩ cách mạng bị chúng bắt giam tại nhà tù Sơn La năm 1942.

Trong hoàn cảnh vô cùng bi đát, bị tra tấn hành hạ, cả về thể xác lẫn tinh thần, câu đối Tết vừa là một hứng thú thanh tao đón chào xuân mới, vừa là một nguồn động viên có tác động sâu sắc cho việc giữ vững lòng tin tưởng ở tương lai, thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng. Thí dụ câu đối dán ở bếp đun nước:

Khói lửa dập tan, ngày mới đậm đà hương vị mới,
Máu tim sôi sục, xuân chung tô điểm nước non chung.

“Khói lửa”, “sôi sục” gắn liền với chuyện bếp nước. Từ một chuyện tầm thường, trong một cảnh thực tế đầy gian khổ, câu đối đã nâng cao lên tới những cảm tình trong sáng, tin tưởng ở những ngày xuân mới, với ý thức trách nhiệm sâu nặng đối với “nước non chung”.

Một câu khác dán ở trại giam:

Tối ba mươi giũ nợ phong trần, song sắt nhìn coi tranh lịch sử;
Sáng mùng một mở màn xã hội, lửa lòng chờ đợi pháo duy tân.

Đối với Tết Việt Nam, ngoài cây nêu tiếng pháo, còn có tranh Tết, tức những tranh dân gian con gà, con lợn, hái dừa v.v…, hầu như không thể thiếu được để đón những ngày đầu xuân. Xuân trong tù không có tranh và pháo. Các chiến sỹ cách mạng đã thay thế bằng “tranh lịch sử” nhìn qua “song sắt”, và “pháo duy tân” do “lửa lòng” đốt cháy. Nhận thức sáng suốt về tiến trình lịch sử kết hợp với nhiệt tình cách mạng đã đem lại một mùa xuân đầy hứa hẹn. Và đây không phải là không tưởng. Sau Tết đó, một số chiến sĩ đã vượt khỏi nhà tù, tiếp tục hoạt động. Và chỉ ba năm sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, hệ quả tất yếu của thái độ tích cực kiên cường trong việc đón xuân ghi ở những câu đối trên.

Sau Cách mạng Tháng Tám, câu đối Tết không hề bị mai một, mà còn phát triển với những sắc thái khá phong phú. Chỉ nói về thời kỳ trước đó, câu đối Tết, câu đối xuân đã có một vị trí xứng đáng trong nền văn chương bác học cũng như trong văn học dân gian Việt Nam, trong cuộc sống văn hóa sôi động, trong nếp sống tinh thần cao đẹp của nhân dân ta. Câu đối xưa trong những ngày đón xuân đã phản ánh cao độ tâm hồn Việt Nam: yếu cái mới, cái đẹp, biết thưởng thức và biết đem cái đẹp vào trong cuộc sống thường ngày, lúc nào cũng tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng và không ngừng phấn đấu để vươn tới trong một thời gian ngắn nhất.

CHÚ THÍCH

Tô Lâm, người Trung Quốc, cũng có hai câu thơ tương tự với câu đối này, chỉ khác ở chỗ trong câu thứ hai, Chữ “thảo” được viết là “mộc”, chữ “ tri” được viết là “vi” (xem Thanh dạ lục của Du Văn Bảo, người đời Tống) - Tòa soạn TCHN./.

TB

ĐẶC ĐIỂM THỂ LOẠI VĂN BIA
VIỆT NAM

TRỊNH KHẮC MẠNH

Văn bia là hiện tượng văn hóa được nảy sinh từ đời sống xã hội như là nét đăc thù và là một trong những hình thức thông tin thời kỳ cổ đại và trung cổ. Văn bia xuất hiện từ khá sớm, truyền thống sáng tạo văn bia bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó được lan truyền sang các nước như Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản (những nước sử dụng chữ khối vuông). Theo ý kiến của nhà nghiên cứu kim thạch người Trung Quốc Chu Kiếm Tâm ghi trong cuốn Kim thạch học: “Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản kỷ ghi việc Thủy Hoàng (221- 207 TCN) có 6 khắc thạch: “lên Trâu Dịch, lên Thái Sơn, lên Lang Nha, lên Chi Phù, lên Kiệt Thạch, lên Cối Kê, nhiều thuyết cho là khắc vào núi đá hoặc tấm đá rồi dựng lên. Lại nói việc Nhị Thế (207 - 136 TCN) tuần du các quận huyện phía đông đều có khắc lên tấm đá mà Thủy Hoàng đã dựng… Cái tên khắc thạch bắt đầu từ đó”. Cũng theo sự chỉ dẫn của Chu Kiếm Tâm(1), trong Ngữ Thạch của Diệp Xương Xí có ghi: “tất cả nội dung khắc trên đá đều gọi là văn bia bắt đầu từ đời Hán về sau; hay trong Tạp cổ lục của Âu Dương Tu cũng ghi: “từ Hậu Hán về sau mới có văn bia, tìm văn bia trong bia, thời Tiền Hán chưa thể thấy được”(2)

Như vậy văn bia từ Hậu Hán mới xuất hiện. Còn Sự tổ quảng ký dẫn trong Quản Tử: “Vô Hoài thị phong cho thần núi Thái Sơn, khắc vào đá để ghi công, là nguồn gốc của khắc thạch, đó là điều chưa đáng tin hẳn”(3)

Văn bia, xét về mặt thể loại, đã được nền văn học truyền thống phương Đông xác định như là thể văn thời cổ đại(4). Nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới cũng có những nhận xét về thể văn này: “những bài văn bia đã đánh dấu bước đi ban đầu của văn học thành văn”(5), hay: “những trang sách đá là lĩnh vực đặc thù của nền văn học, trước hết là ngôn ngữ văn học(6)

Văn bia Việt Nam ra đời trong mối quan hệ văn hóa vùng, đó là sự tiếp nhận ảnh hưởng của truyền thống sáng tạo văn bia ở Trung Quốc, tất nhiên văn bia Việt Nam có những nét đặc trưng mang bản sắc của truyền thống văn hóa dân tộc. Đó là truyền thống của một dân tộc có lịch sử dựng nước lâu đời, có truyền thống anh hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, và những phong tục tập quán nhân hậu vị tha của nhân dân Đại Việt.

Những văn bia sớm ở nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc hiện nay tìm thấy quá ít ỏi, chưa thể làm tư liệu khi nghiên cứu lịch sử truyền thống sáng tạo văn bia ở Việt Nam.

Như đối với các nước trong khu vực. Điều này có liên quan đến nhiều yếu tố dẫn tới sự mất mát nguồn tư liệu văn bia ở nước ta, có thể kể như: chính sách hủy diệt truyền thống văn hóa Việt ở các triều đại phong kiến phương Bắc, chiến tranh tàn phá hoặc do thiên tai khắc nghiệt v.v. Những văn bia có giá trị trên đất nước Đại Việt mà hiện nay chúng ta đã tìm thấy chỉ có thể kể từ thế kỷ X, đó là các cột kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni có niên đại 973 ở Hoa Lư (Ninh Bình) cùng với sự ra đời của nền văn học viết trong thời kỳ đất đôc lập tự chủ.

Trong buổi bình minh của nền văn học Việt Nam, khi xuất hiện các văn bia có giá trị thực sự đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học có thể kể từ thế kỷ XII, Khi nghiên cứu những bài văn bia của thế kỷ này, chúng ta thấy “các tác giả đã trình bày nội dung của bài văn bia theo một khuôn mẫu và phong cách thống nhất, đồng thời chúng ta bắt gặp những gia phả, tiểu sử cuộc đời và những lời ngợi ca về công lao vĩ đại, về phẩm chất tốt đẹp của các thiền tăng, các tướng lĩnh, các bậc trượng phu…”(7). Điều này dễ dàng nhận thấy ở các văn bia như: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi do Chu Văn Thường soạn, niên đại Hội Phong 9 (1100) ở chùa Báo Ân núi An Hoạch (Đông Sơn - Thanh Hóa) đã ca ngợi công tích rực rỡ và đạo làm tôi của Thái úy Lý Thường Kiệt; Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi do Lý Thừa Ân soạn niên đại Long Phù Nguyên Hòa (1107) ở chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) ghi chép tiểu sử và cuộc đời một viên châu mục vùng núi Vị Long (nay thuộc Tuyên Quang) - Hà Khánh Di và ca tụng công tích của tổ tiên họ Hà ở vùng này; Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh do Pháp Bảo soạn, niên đại Đại Khánh 9 (1118) ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hậu Lộc - Thánh Hóa) ghi chép về con người và sự nghiệp lớn lao của Thông Phán Chu Công khi được nhà vua trao quyền coi giữ quận Cửu Chân Đại Việt quốc dương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên linh tháp bi do Nguyễn Công Bật soạn, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 2 (1121) ở chùa Sùng Thiện Diên Linh (Duy Tiên - Nam Hà) miêu tả sự anh tài tuấn kiệt và công đức của vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) khi cai trị đất nước; Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh, khuyết danh, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 5 (1124) ở chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni (Đông Sơn - Thanh Hóa) ghi chép về sự giàu thịnh của một dòng họ lớn ở quận Cửu Chân - dòng họ Thiên sư Đạo Dung và việc tu sửa chùa Hương Nghiêm của Thiền Sư; Phụng Thánh phu nhân Lê Thị mộ chí, khuyết danh, niên đại Chính Long Bảo Ứng 11 (1173) ở chùa Phúc Thánh (Tam Nông - Vĩnh Phú) ghi chép về tiểu sử và đức hạnh Phu nhân của Thần Tông Nhân Hiếu hoàng đế(8) họ Lê húy Lan Xuân v.v.

Sang thế kỷ XIII, chúng ta vẫn thấy xuất hiện những bài văn bia nổi tiếng viết theo phong cách văn xuôi tiểu sử, có thể kể như: Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự do Lê Củng Viên soạn, niên đại Hưng Long 1 (1293) ở đền thờ Công Chúa Phụng Dương, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc - Nam Hà) ghi chép về tiểu sử Công chúa họ Trần, tên được ban là Phụng Dương và ca ngợi những đức tính tốt đẹp của Công chúa, mợt khuôn mẫu về nhân cách của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ phong kiến; Đại Việt quốc Binh Hiệp hương Thiệu Long tự bi, khuyết danh , niên đại khoảng năm Kiến Trung 1 (1226) ở chùa Thiệu Long xã Tam Hiệp (Phúc Thọ - Hà Tây) ghi chép về gia thế Đỗ Năng Tế v.v

Những ví dụ nêu trên, có thể nói xét về mặt phong cách thể loại văn bia Việt Nam thế kỷ XII - XIII có sự trùng hợp với các văn bia ở các nước trong khu vực. Ở Trung Quốc những miếu bia đã bắt đầu nổi tiếng ngay từ thời Hán, “những bài văn bia thời kỳ đó ca ngợi những chiến công và phẩm hạnh của các chúa vương, tướng soái và được gọi là công đức tụng”(9). Ở Triều Tiên một trong những tấm bia nổi tiếng đã ghi công đức vị đứng đầu nhà nước Ko Gu Ri O - Khơ Van Gét Thô Van (395 - 410) có niên đại 414. “Nội dung bài văn bia đã giới thiệu dòng họ Khơ Van Gét Thô Van bắt đầu từ ông tổ huyền thoại, sau đó kể đến công lao của người đứng đầu nhà nước Ko Gu Ri O là Khơ Van Gét Thô Van trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”(10). Nghiên cứu văn bia này, các chuyên gia nghiên cứu về văn học Triều Tiên cho rằng: “đây là tấm bia đại diện cho những tấm bia thể hiện một thể loại đặc biệt của nền văn học tiểu sử mang tính chất truyền thống được phổ biến ở các nước vùng Viễn Đông”(11). Những điều trình bày ở trên hoàn toàn phù hợp với nhận định của nhà nghiên cứu Ga Lư Ghi Na khi nghiên cứu lý thuyết thể loại văn học Trung Quốc thời kỳ trung cổ: “Văn xuôi tiểu sử thường có một phong cách nhất định, trước hết là ghi chép về họ và tên húy, tên thường gọi; tiếp theo là thông báo về lai lịch dòng họ, về công việc, về hàng loạt những sự kiện xuất phát từ đời sống của nhân vật. Mục đích của văn xuôi tiểu sử là chuyền tải những thông tin về những con người nổi tiếng và kể cả một dòng họ”(12).

Tiếp nhận lý luận thể loại văn học để nghiên cứu các bài văn bia thời kỳ Lý - Trần, có thể đưa ra nhận xét rằng: Nhiều bài văn bia đã thể hiện phong cách thể loại đặc biệt của nền văn học tiểu sử truyền thống văn hóa vùng, đây cũng là một đặc điểm cơ bản của thể văn bia thế kỷ XII - XIII.

Từ thế kỷ XIV văn bia Việt Nam bắt đầu mở rộng phong cách biểu hiện xuất phát từ nhu cầu xã hội về chức năng và nội dung phản ánh. Những bài văn bia thế kỷ này hầu hết tập trung ghi chép về địa giới đất đai, về việc cúng ruộng vườn cho nhà chùa, hoặc tập trung miêu tả phong cảnh chùa chiền, như: A Nậu tự Tam bảo điền bi, khuyết danh, niên đại Hưng Long 1 (1318) ở chùa A Nậu (Hoa Lư - Ninh Bình); Thị Đức xã tự bi do Thiền sư Huệ Văn soạn, niên đại Khai Hựu 3 (1331) ở chùa xã Thị Đức (Tứ Lộc, Hải Hưng); Thiên Tôn động bi, khuyết danh, niên đại Long Khánh 3 (1377) ở động Thiên Tôn (Hoa Lư - Ninh Bình); Sùng Khánh tự bi minh tính tự do Tạ Khúc Ngao soạn, niên đại Đại Trị 10 (1367) ở chùa Sùng Khánh (Vị Xuyên - Hà Giang); Sùng Nghiêm tự vân Lỗi sơn đại bi do Phạm Sư Mạnh soạn, niên đại Thiệu Khánh 3 (1372) ở chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi (Nga Sơn - Thanh Hóa); Từ Ân bi minh tịnh tự do Hồng Tông Thốc soạn, niên đại Xương Phù 6 (1382) ở chùa Từ Ân (Thái Thụy - Thái Bình) v.v. Tuy nhiên thể văn xuôi tiểu sử vẫn song song tồn tại, có thể kể như Hưng Phúc Tự Bi, khuyết danh, niên đại Khai Thái năm Giáp Tý (1324) ở chùa Hưng Phúc (Quảng Xương - Thanh Hóa) ghi chép về dòng họ Lê ở hương An Duyên (Thanh Hóa) đã xây dựng nên chùa Hưng Phúc và sau này con cháu lại có công trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của giặc Nguyên Mông; Phụng tự bi, khuyết danh, niên hiệu Quang Thái 3 (1390) ở đình xã Cam Lâm (Phúc Thọ - Hà Tây) ghi sự tích Phùng Hưng và Ngô Quyền; Ma Nhai kỷ công bi văn do Nguyễn Trung Ngạn soạn, niên đại Khai Hựu 7 (1335) ở sườn núi Trầm Hương (Nghệ An) ghi lại sự kiện lịch sử khi vua Trần Nhân Tông thân chinh đi đánh giặc v.v… Và ở thế kỷ XIV, chúng ta thấy người ta bắt đầu khắc sắc chỉ trên bia đá, như: Thái Thượng Hoàng đế thánh chỉ do vua Trần Hiến Tông soạn, niên đại Kỷ Sửu Thiệu Phong (1349) ở núi Non Nước (Ninh Bình) khắc sắc chỉ của nhà vua do chùa Thủy Sơn được sở hữu các thứ như: ruộng đất, cây cối, hoa quả của nhà chùa.

Thơ ca là một trong những thể loại văn học xuất hiện khá sớm trong hệ thống thể loại văn học cổ Việt Nam, nhưng đến nay chúng ta mới tìm thấy những bài thơ khắc ở vách núi đá có niên đại kể từ thế kỷ XIV, các thế kỷ trước chỉ có nhũng bài minh ở cuối mỗi bài văn bia mà thôi. Đó là bài thơ Đăng Dục Thúy sơn lưu đề do Phạm Sư Mạnh soạn, không ghi niên đại, ở núi Dục Thúy (Ninh Bình), khắc bài thơ ngũ ngôn ca ngợi vẻ đẹp của núi Dục Thúy. Tiếp đến là bài thơ Dương nham cũng do Phạm Sư Mạnh soạn, niên đại Đại Trị 12 (1369) ở vách động Kính Chủ (Hải Hưng), khắc bài thơ ngũ ngôn ca ngợi giang sơn hùng vĩ và những chiến công lừng lẫy của dân tộc trên sông Bạch Đằng lịch sử

Như vậy có thể nói bắt đầu từ thế kỷ XIV, văn bia Việt Nam phát triển theo khuynh hướng mới xét về thể loại và chức năng phản ánh.

Bước sang thế kỷ XV, văn bia Việt Nam phát triển rất phong phú về số lượng và đa dạng về nội dung. Điều này có liên quan đến đặc điểm xã hội Việt Nam thời kỳ này. Sau cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của nhà nước phong kiến triều Minh (Trung Quốc) toàn thắng, vương triều nhà Lê nắm quyền cai trị đất nước, từ đây nước Đại Việt có nhiều biến đổi lớn lao về ý thức hệ tư tưởng, về học thuật và sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Trong ý thức hệ phong kiến Việt Nam thì Nho, Phật, Lão là 3 yếu tố đi liền nhau, nhưng từ thế kỷ XV Nho giáo thay thế Phật giáo chiếm vị trí độc tôn và chi phối mọi hoạt động xã hội. Văn học Việt Nam thời kỳ này phát triển trong những điều kiện xã hội mới và khuynh hướng chính trị mới. Đặc biệt là sự phát triển về thể loại, tiến tới sự hoàn thiện hệ thống thể loại văn học cổ Việt Nam.

Nằm trong quỹ đạo phát triển của nền văn học, văn bia Việt Nam từ thế kỷ XV - XIX đã được người ta khắc nhiều thể văn trong hệ thống thể loại văn học cổ Việt Nam trên bia đá và vách đá.

Trước hết là thể văn xuôi tiểu sử của nền văn học truyền thống vẫn tiếp tục được sử dụng và phát triẻn ở các thế kỷ tiếp sau. Có thể kể như: Lam Sơn hựu lăng bi do Nguyễn Thiên Tích soạn, niên đại Đại Bảo 3 (1442) ở xã Lam Sơn (Thọ Xuân - Thanh Hóa), ghi tiểu sử và hành trạng của vua Lê Thánh Tông; Diên Thụy Lăng bi - khuyết danh, niên đại Quang Hưng 21 (1598) ở làng Mật Sơn (Đông Sơn - Thanh Hóa) ghi chép tiểu sử và đức hạnh Minh Phi Nguyễn Thị Diệm vợ vua Lê Anh Tông; Cổ Pháp diện tạo bi do Phùng Khắc Khoan soạn, niên đại Hoằng Định 4 (1604) ở xã Đình Bảng (Tiên Sơn - Hà Bắc) ca ngợi các đời vua thời Lý có công chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước phồn vinh; Lê tướng công sự nghiệp huân danh bi do Vũ Phác Phủ soạn, niên đại Vĩnh Thịnh 12 (1716) ở từ đường họ Lê xã Quần Trọng (Thọ Xuân - Thanh Hóa) ghi sự tích Tướng công Lê Phúc Toàn có tài thao lược, từng theo chúa Trịnh đem quân đi đánh dẹp Thuận Hóa lập được nhiều chiến công; Thiên Mỗ đại vương từ đường bi ký do Hà Tông Huân và Nghiêm Bá Dĩnh soạn, niên đại Vĩnh Hựu 2 (1736) ở xã Đại Mỗ (Từ Liêm - Hà Nội) ghi chép về tiểu sử và hành trạng của Thám Hoa Nguyễn Quý Đức; Phương Đình Chí đạo tiên sinh thần đạo bi do Nguyễn Trọng Hợp soạn, niên đại Thành Thái 6 (1894) ở xã Kim Lũ (Thanh Trì - Hà Nội) ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Siêu, v.v.

Thơ được khắc trên bia đá và vách đá từ thế kỷ XV khá nhiều như: Thác Bờ bi do vua Lê Thái Tổ soạn, niên đại Thuận Thiên 5 (1432) ở sườn núi Thác Bờ (Ninh Bình) khi nhà vua đem quân đi đánh đèo Cát Hãn trở về, qua đây cảm hứng làm thơ thất ngôn cho khắc vào vách núi làm kỷ niệm; Đề Long Quang động do Thiên Nam Động Chủ Lê Thánh Tông soạn, niên đại Hồng Đức 9 (1478) ở xã Võng Châu (Đông Sơn - Thanh Hóa), khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông trên đường đi bái yết Sơn Lăng về qua động Long Quang thấy phong cảnh hữu tình liền làm bài thơ Đường luật khắc vào vách đá; Miễn tử tôn cần học thi do Tướng Công họ Vũ soạn, niên đại Vĩnh Thọ 3 (1660) ở xã Phù Ủng (Kim Thi - Hải Hưng) khắc bài thơ Đường luật khuyên con cháu siêng năng học hành; Thư bút ngự tứ do vua Lê Hiển Tông soạn, niên đại Cảnh Hưng (không ghi rõ năm) tại mộ Trần Tướng Công xã Phương Triện (Gia Lương - Hà Bắc) khắc bài thơ của nhà vua tặng ông Trần Danh Lâm (bố Trần Danh Án) ca ngợi tài đức và công lao sự nghiệp của ông; Ngự chế thi Thiết Cảng do vua Thiệu Trị soạn, niên đại Thiệu Trị 2 (1842) ở xã Tập Phúc (Yên Thành - Nghệ An), khắc bài thơ thất ngôn của vua đề vịnh Thiết Cảng.

Thơ chữ Nôm được khắc trên bia đá hiện sưu tầm được có từ thế kỷ XV với bài Ngự đề Quang Khánh tự của vua Lê Thánh Tông, niên đại Hồng Đức 17 (1486)(13) ở chùa Quảng Khánh xã Dưỡng Mông (Kim Thi - Hải Hưng), bài thơ ghi lại cảm xúc của nhà vua trước cảnh đẹp của chùa. Tiếp đến các thế kỷ sau, chúng ta thấy có khá nhiều bia khắc thơ chữ Nôm, có thể kể như: Thiên đài thạch trụ bi do Nguyễn Thiên Tải soạn, niên đại Chính Hòa 20 (1699) ở chùa Thanh Tú xã Phượng Trì (Vĩnh Phú), bài thơ ca ngợi những người có công xây dựng thiên đài thạch trụ; Ngự đề nhạc lâm tự thi do vua Lê Dụ Tông soạn, niên đại Vĩnh Thịnh 13 (1717) ở chùa Ngọc Lâm xã Sơn Lê (Quốc Oai - Hà Tây), bài thơ ghi lại cảm xúc của nhà vua khi tới thăm chùa; Trùng cửu đăng sơn đắc vũ do Trần Nhật Tỉnh soạn, niên đại Thành Thái 11 (1899) ở núi Hàm Rồng (Thanh Hóa), bài thơ tả cảnh lên núi ngày 9 tháng 9 gặp mưa; Quan Thánh tự b - không rõ tác giả, năm Kỷ Tỵ (không rõ niên hiệu), ở chùa Quan Thánh xã An Hoạch (Đông Sơn - Thanh Hóa) bài thơ ca ngợi chùa Quan Thánh v.v. Những văn bia khắc thơ chữ Nôm hiện có trong kho thác bản văn bia lưu trữ tại Viện Hán Nôm khoảng trên 30 bản.

Thể văn thư tín, công văn hành chính được khắc trên bia đá đã có từ thế kỷ XIV với những nội dung là ghi chép về ruộng đất hoặc khắc lại sắc chỉ của nhà vua. Từ thế kỷ XV, thể văn này được khắc trên đá hết sức phong phú về nội dung và đa dạng về chức năng. Người ta coi bia đá là một trong những loại hình văn bản để chuyển tải những nội dung thông tin cần thiết, hơn nữa loại văn bản chất liệu đá này lại lưu giữ mãi mãi về sau. Cho nên hầu như các thể văn thư tín và văn hành chính đều được khắc trên bia đá khi cần, như: lệnh dụ, sắc chỉ, khải, văn khế, chúc thư, văn kiện tranh chấp ruộng đất, rồi kể cả hương ước v.v Có thể lấy một vài bài văn bia làm ví dụ: Hồng Đức nhị niên, niên đại Hồng Đức 26 (1495) tại xã Trung Bản (Yên Hưng - Quảng Ninh) khắc hai đạo sắc chỉ của vua Lê Thánh Tông ban vào năm Hồng Đức 2 (1471) vào năm Hồng Đức 20 (1489) về việc cấp đất cho 4 xã thuộc huyện Yên Hưng; Phù Ủng xã lục giáp bi ký, niên đại Khánh Đức 3 (1651) tại đình xã Phù Ủng (Kim Chi - Hải Hưng), khắc hương ước của 6 giáp trong xã, quy định các nghi lễ về lên lão, cưới xin, ma chay; Tân tạo bi ký các bức đảng tự, niên đại Thịnh Đức 5 (1657) tại xã Thổ Ngõa (Quốc Oai - Hà Tây), ghi văn kiện về sự tranh chấp ruộng đất giữa hai xã Sơn Lô và Tiên Lữ. Thụy tổng mãi bản huyện giáo phường tư đoạn đình trù tiền văn bi ký do Đoàn Công Quyền soạn, niên đại Dương Đức 1 (1672) tại xã Trung Thụy (Đan Phượng - Hà Tây), khắc văn khế mua bán phần đăng cai ca hát của giáo phường ở đình; Phú Điền xã tự hậu đệ thất bi, niên đại Bảo Thái 7 (1726) tại chùa xã Phú Điền (Thanh Oai - Hà Tây), khắc bản trúc thư của Bùi Đắc Tuệ trụ trì chùa Phúc Lâm nói về việc phân chia ruộng hương hỏa cho các giáp trong thôn; Tạo lệ bi ký do Vũ Đình Trác soạn, niên đại Cảnh Hưng 42 (1781) ở đền Bạch Mã (Hà Nội), khắc bài khải của mọi người ở phường Hà Khẩu kêu xin với chúa Trịnh chuẩn y cho một số người được miễn thuế để phục dịch ở đền; Khâm sao, niên đại Quang Trung 2 (1788) tại xã Trạo Hà (Kim Môn - Hải Hưng), khắc sắc của Nguyễn Nhạc và chiếu của Nguyễn Huệ thăng chức và giao nhiệm vụ cho Hữu Trung Doãn Đông Phái bá làm Đô chỉ huy sứ, Đông Phái hầu hiệp trấn thủ trấn An Quảng; Minh Mệnh dụ bi, niên đại Minh Mệnh 17 (1836) tại Văn Miếu - Huế (Thừa Thiên - Huế) khắc lời dụ của vua không cho các hoạn quan tham dự vào công việc triều chính v.v

Ký, một thể văn có vị trí xứng đáng trong hệ thống thể loại của nền văn học cổ Việt Nam và những bài bi ký (ký trên bia đá) cũng đã đóng góp một phần vai trò của mình. Chúng ta đều biết những bi ký đã xuất hiện từ thế kỷ XII như bài: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký, Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký, Thanh Hư động ký v.v. Từ thế kỷ XV những bài ký trên đá đã được sử dụng rộng rãi với những nội dung khác nhau như: luận thuyết về tôn giáo, khuyến khích khoa cử, khuyên giáo mọi người làm điều thiện, ca ngợi các công trình xây dựng, ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước v.v với sự tham gia của những cây bút nổi tiếng, văn chương truyền tụng một thời. Có thể nêu một vài bi ký làm ví dụ như: Trung Tân quán bi ký do Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn, niên đại Quảng Hòa 3 (1543) ở làng Trung Am (Vĩnh Bảo - Hải Phòng) luận bàn về chữ “Trung” và chữ “Tân” theo quan niệm của nhà nho; Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký do Thân Nhân Trung soạn, niên đại Hồng Đức 15 (1484) tại Văn Miếu (Hà Nội) mở đầu cho việc khắc đá đề tên những người đỗ đạt để khuyến khích những người hiền tài ra giúp nước; Công đức bi ký do Nguyễn Đình Lộc soạn, niên đại Hoằng Định 11 (1610) tại chùa Vĩnh Khánh xã Phương Xá (Tứ Lộc - Hải Hưng) ghi việc một số người trong thôn Hoàng Xá đã bỏ tiền của công sức để làm việc thiện như làm chùa, xây đình, lập chợ; Đề danh bi đình ký do Lê Hữu Thanh soạn, niên đại Tự Đức 16 (1863) tại Văn Miếu (Hà Nội) ghi việc quy hoạch nhà bia ở Văn miếu. Trùng tu Văn miếu bi ký do Nguyễn Tế soạn, niên đại Cảnh Hưng 5 (1744) tại xã Thiên Trạo (Hoa Lư - Ninh Bình) bài văn ca tụng đạo Nho và ghi lại quá trình xây dựng, tu sửa Văn miếu của bản huyện; Nhất trụ bi ký, niên đại Thiệu Trị 7 (1847) ở chùa Diên Hựu (Hà Nội) ca ngợi chùa Một Cột, một trong những thắng cảnh ở Thăng Long; Đông Môn tự ký do Nguyễn Văn Hiệp soạn, niên đại Vĩnh Tộ 6 (1625) tại chùa Đông Môn (Hà Nội) ca ngợi cảnh chùa là nơi danh lam cổ tích của đất Thăng Long v.v

Đặc điểm cuối cùng là truyện văn xuôi cũng được khắc nhiều trên bia đá, đó là truyện các thần linh, ví dụ như các văn bia: Hiển Linh từ thạch bi do Nguyễn Thạc Đức soạn, niên đại Hoằng Định 6 (1606) tại đền Hiển Linh xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) khắc sự tích Phù Đổng Thiên Vương; Thần chi đức thịnh do Nguyên Bính soạn, năm Hồng Phúc 1 (1572), khắc năm Vĩnh Hựu 5 (1739) tại miếu Linh Hựu xã Bồng Lai (Hoài Đức - Hà Tây) khắc sự tích thần Linh Hựu và Quý Minh; Nhật chiêu điện bi ký khắc năm Minh Mệnh 16 (1835) tại điện Nhật Chiêu (Hà Nội) khắc sự tích Linh Lang đại vương; Thiên Y tiên nữ truyện ký do Phan Thanh Giản soạn, khắc năm Tự Đức 7 (1854) tại núi đại An (Khánh Hòa) khắc truyện Thiên Y tiên nữ; An Dương Vương từ bi ký do Phạm Huy Lượng soạn, khắc năm Tự Đức 27 (1874) tại đình xã Tập Phúc (Diễn Châu - Nghệ An) khắc sự tích An Dương Vương; Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký do Trần Văn Tựu soạn, khắc năm Thành Thái 13 (1901) tại chùa Thiên Niên (Hà Nội) chép sự tích tinh cáo trắng chín đuôi và sự tích hình thành Hồ Tây v.v.

Từ những đặc điểm nêu trên, có thể đưa ra nhận xét rằng: Văn bia được xác định như là thể văn trong hệ thống thể loại văn học cổ chỉ có ý nghĩa giá trị ở thời kỳ khai sáng của thể văn này. Trong tiến trình phát triển, thể văn bia được sử dụng hoàn toàn theo ý đồ sáng tác của các tác giả, có nghĩa là tác giả không bị ràng buộc bởi nội dung và hình thức thể loại cũng như chất liệu thể hiện mà đã được xác định của thể văn này. Như vậy rõ ràng là bia đá đã được coi như là một trong những loại hình văn bản trong sáng tác văn học nghệ thuật.

CHÚ THÍCH

(1) Chu Kiếm Tầm: Kim Thạch học, Thượng Hải, 1955, tr.171 (tiếng Trung).

(2) Chu Kiếm Tầm: Sdd, Tr.173

(3) Chu Kiếm Tầm: Sđd. Tr.1-2.

(4) Trung Quốc cổ điển văn học từ điển, Bắc Kinh, 1989, trang 953 (tiếng Trung).

(5) Ríp Tin B.L: Hoàng Lê nhất thống chí và những truyền thống của tiểu thuyết vùng Viễn Đông/Truyền thống và cách tân trong nền văn học các nước Đông Nam Á, Matxcơva,1982,trang 111 (tiếng Nga).

(6) Ni Cu Lin N.I: Văn học việt Nam từ thế kỷ X - XIX, Matxcơva,1977, tr.18 (tiếng Nga)

(7) Tức Lý Thần Tông (1117 - 1137) vua thứ 5 nhà Lý.

(8) Ni Cu Lin N.I. Sđd, tr.16.

(9) Đờ Gian Rưn Ga Xin Nô Va. R.S: Những nhận xét về văn bia Triều Tiên // Văn bia vùng Đông và Nam Á, Matxcơva, 1972, trang 99 (tiếng Nga).

(10) Ni Ki Ti Na. M.I: và Tơ Rô Se Vích. AФ: Sơ thảo lịch sử văn học Triều Tiên, Matxcơva, 1969, trang 8 (tiếng Nga).

(11) Ga Lư Ghi Na . K.I: Lý thuyết thể loại và văn học Trung Quốc thời kỳ Trung Cổ // Lý thuyết thể loại và văn học phương Đông, Matxcơva,1985, trang 171 (tiếng Nga).

(12) Theo dòng họ lạc khoản đề ở thác bản.

TB

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CHỮ NÔM NHỮNG NĂM QUA

TRƯƠNG ĐỨC QUẢ

Mấy mươi năm qua, đã có không ít các bài viết, các công trình nghiên cứu về chữ Nôm, đặc biệt là ở các mặt thời điểm xuất hiện chữ Nôm; vấn đề cấu trúc chữ Nôm; diễn biến của chữ Nôm; vấn đề phiên âm và giảng dạy chữ Nôm…

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn điểm qua tình hình nghiên cứu về thời điểm xuất hiện chữ Nôm và cấu trúc của chữ Nôm là những vấn đề mà theo tôi khá then chốt, nhưng ý kiến lại đang còn phân rẽ, những mong thời gian tới được quan tâm nghiên cứu hơn.

I- VỀ THỜI ĐIỂM RA ĐỜI CỦA CHỮ NÔM

Hiện có hai nhận định khác nhau:

1. Chữ Nôm xuất hiện từ rất sớm: Phạm Huy Hổ đoán định: Việt Nam dùng chữ Nôm từ thời các vua Hùng(1) Một số người khác lại cho rằng chữ Nôm xuất hiện vào thời kỳ Sĩ Nhiếp cầm quyền ở Giao Châu (187 - 226). Mang quan điểm này, có thể kể trước hết là tác giả sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa(2). Bài tựa sách viết: “Đến thời Sĩ Vương dời xe đến nước ta, hơn bốn mươi năm, hoàn thành việc giáo hóa to lớn, giải nghĩa bằng tiếng Nam để thông chương cú, hợp thành thi ca quốc ngữ để ghi tên gọi”(3). Trong lời tựa cuốn Đại Nam Quốc Ngữ, Nguyễn Văn San cũng chia sẻ nhận định trên, về sau, Trương Vĩnh Ký trong cuốn Giáo khoa sử ký cũng nêu quan điểm: Chữ Nôm của Việt Nam xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp.

Khác với những người đi trước, Nguyễn Văn Tố căn cứ vào hai chữ “ Bố Cái” trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, cho rằng chữ Nôm xuất hiện vào thời Phùng Hưng (791).

Những quan điểm trên chủ yếu dựa vào những ghi chép trong các bộ sử, nên sau này một số người cảm thấy băn khoăn. Chẳng hạn học giả người Pháp, Henri Cordier(4)

Hay Trần Văn Giáp biện luận rằng: “Tất cả đều là giả thuyết hoặc dựa vào một số truyền thuyết dân gian mà phỏng đoán, không có văn kiện cụ thể”(5)

2. Chữ Nôm xuất hiện từ đầu thời nhà Lý về sau:

Trong công trình nghiên cứu của mình, Đào Duy Anh không tán thành các nhận định trên(6). Ông viết: “Có thể là cái truyền thống tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương có ngay tù sau khi Phùng Hưng mất, song cái hiệu “Bố Cái Đại Vương” được chép vào sử sách phải là ở khi bắt đầu có sử, tức là theo tài liệu hiện có thì phải là ở thời Trần. Nhưng sách Việt sử lược là sách tóm tắt bộ sử ký của Lê Văn Hưu thì không thấy chép hiệu “Bố Cái Đại Vương”; mà bia đền thờ Phùng Hưng ở xã Cam Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây). Dựng năm Quang Thái 3, tức 1390 đời Trần Thuận Tông, cũng không thấy chép hiệu ấy. Mãi đến sách Đại Việt sử ký toàn thư ở thời Lê sơ mới thấy chép hiệu “Bố Cái Đại Vương”(7). Đào Duy Anh có viết tiếp: “Hiệu nước thời nhà Đinh ‘Đại Cồ Việt” cũng đến bấy giờ mới thấy chép. Như thế thì cũng chưa có thể tin chắc rằng những chữ Nôm “Bố” và “Cái” đã có từ thế kỷ VIII(8).

Để đi đến các nhận định, Đào Duy Anh đã phân tích các nguồn cứ liệu sau đây:

- Sự xuất hiện xác thực của chữ Nôm trên các văn bản như bia, chuông… còn lại đến nay.

- Cứ liệu trong các bộ sử.

- Cứ liệu ngôn ngữ học.

Từ các cứ liệu trên, Đào Duy Anh cho rằng không thể loại trừ khả năng Sĩ Nhiếp đã giải thích nghĩa tiếng Việt bằng chữ Hán, có thể tương tự như một số quan chức người Trung Quốc đã làm, chẳng hạn Trần Cương Trung trong An Nam dịch ngữ. Nhưng đấy không phải là chữ Nôm do người Việt sáng tạo. Ông đã so sánh chữ Nôm Việt với việc hình thành một loại chữ viết tương tự của người tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đồng thời sơ bộ khảo sát con đường thình thành cách đọc Hán Việt, từ đó tán thành quan điểm của nhà Hán ngữ học: H.Maspéro là: Cách đọc Hán Việt căn bản giống cách đọc tiếng Hán thời nhà Đường ở Trường An. Thực tế cấu trúc chữ Nôm cho thấy nó được xây dựng trên cơ sở chữ Hán với cách đọc Hán Việt(9). Bằng phương pháp phân tích như vậy, Đào Duy Anh kết luận: “Chúng ta có thể suy rằng do yêu cầu mới của xã hội từ sau cuộc giải phóng, đặc biệt dưới triều Đinh, Lê, có thể đến đầu nhà Lý (đầu thế kỷ XI) chữ Nôm đã xuất hiện”(10)

Nguyễn Tài Cẩn cũng nhất trí với quan điểm của H. Maspéro, nhưng phân tích sâu hơn, toàn diện hơn trong một công trình chuyên khảo của ông nhan đề Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt(11)

Trong một công trình khác bàn về chữ Nôm, Nguyễn Tài Cẩn nhận định: “Ở vấn đề thời điểm xuất hiện của lối văn tự này, chúng tôi đã dựa vào thời điểm hình thành cách đọc Hán Việt để chứng minh rằng tuyệt đại đa số các mô hình ngữ âm để cấu tạo nên kho chữ cơ bản(12) đều không thể ra đời sớm hơn giai đoạn Lý Trần, trước giai đoạn này chỉ có thể là thời kỳ manh nha với sự sáng tạo số lượng cách ghi lẻ tẻ”(13). Sau khi phân tích, so sánh các phụ âm đầu, vần của tiếng Việt thể hiện trong chữ Nôm với hệ thống Hán Việt, Nguyễn Tài Cẩn kết luận: “Chúng ta chỉ có một con đường giải thích ổn thỏa hơn cả là công nhận rằng loại chữ Nôm mà chúng ta hiện có, nhìn trên đại thể, không thể hình thành trước thế kỷ thứ VII thứ VIII. Giai đoạn manh nha sớm nhất chỉ có thể bắt đầu xuất hiện vào khoảng nước nhà đang chuyển mình để bước vào thời kỳ tự chủ thế kỷ VIII - IX”(14).

Theo ông, chữ Nôm xuất hiện với tư cách thành một hệ thống phải vào thời kỳ từ thế kỷ X lại đây.

Về vấn đề này Lê Quán cũng có chung quan điểm với Nguyễn Tài Cẩn(15)

Theo chỗ chúng tôi nghĩ, việc sáng tạo chữ Nôm có lẽ không phải là trường hợp riêng biệt của Việt Nam. Trong khu vực Châu Á, và ngay trong bản địa Trung Quốc nữa, việc hình thành các loại chữ viết riêng như chữ của dân tộc Choang, chữ I Du của Triều Tiên, chữ KANA của Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của chữ Hán và không thể nói giữa chúng không có ít nhiều chỗ giống nhau. Một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và văn minh phương Đông người Pháp, André Fable(16) đã nhận xét rằng: để hình thành chữ viết riêng của dân tộc, cần phải có một số điều kiện như:

- Trước hết, không phải chỉ có sự đồng hóa chữ viết ngoại quốc mà còn có sự đồng hóa hệ thống chữ viết (ngôn ngữ) đầu tiên do các dân tộc trước kia không có chữ viết sử dụng.

- Việc sử dụng thuần túy và đơn giản tiếng Hán Cổ.

- Việc sử dụng biến đổi chữ Hán nhằm để viết tên riêng (tên người, tên các địa phương) và tên chung (tên các loại chức vụ), bởi vì những loại tên này không thể viết bằng chữ Hán.

- Những văn bản viết bằng tiếng Hán nhưng lại theo thứ tự cú pháp bản địa.

- Ký hiệu dựa trên những hình vị của ngôn ngữ bản địa.

- Cách đọc chữ Hán theo tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật và tiếng Việt.

Nghĩa là cần soi chiếu vấn đề từ nhiều góc độ hơn nữa, đặc biệt là trong quan hệ đối sánh với các hiện tượng tương đồng ở các nước cùng khu vực với ta như Triều Tiên, Nhật Bản. Cần nói thêm rằng ở Triều Tiên, chữ IDU đã xuất hiện từ thế kỷ thứ VI; ở Nhật Bản, chữ KANA đã xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII, đều khá sớm.

II VỀ CẤU TRÚC CHỮ NÔM

Trên cùng một hệ thống chữ Nôm, do nhấn mạnh vào các đặc điểm cấu trúc cụ thể và việc sử dụng hệ thống thuật ngữ khác nhau, cho đến nay, có nhiều phương pháp phân tích dẫn tới nhiều nhận định khác nhau về cấu trúc chữ Nôm.

Phương pháp thứ nhất là dựa vào “lục thư” để xem xét cấu trúc chữ Nôm. Đào Duy Anh viết: “Các nhà Nho học nước ta từ trước tới nay đều cho rằng chữ Nôm của ta là phỏng theo “Lục thư” và căn cứ vào chữ Hán mà tạo thành”(17). Ông dẫn lại ý kiến của Văn Hựu được nhà nghiên cứu Nhật Bản Yamamoto Tatsuro giới thiệu(18), và nhất trí rằng chữ Nôm có ba dạng cấu tạo chính:

1. Chữ biểu ý.

2. Chữ biểu âm

3. Chữ bán âm bán ý.

Ba dạng này theo ông, tương tự ba phép hội ý, giả tá và hình thanh của “lục thư”. Tuy nhiên, ông vẫn thấy không phải mọi chuyện đều ổn thỏa. So sánh phụ âm đầu, vần giữa Việt và Hán Việt có những chỗ khác nhau, do đó việc tạo chữ Nôm có khó khăn và có những dạng cấu tạo mới (so với lục thư).

Nguyễn Quang Xỹ và Vũ Văn Kính cũng sử dụng phương pháp “lục thư” chia chữ Nôm thành bảy dạng cấu tạo chính:

1- Chữ Hán: học sinh 學 生

2- Đọc nghĩa: nhà 家

3- Hài thanh: trong 瑇

4- Hài thanh Nôm: lời 坘

5- Hội ý: trời 俼

6- Giả tá:

a. Loại mượn nguyên âm Hán: ta 些

b. Mượn gần đúng: có 固

7- Giả tá Nôm và một số trường hợp đặc biệt: khề khà(19) 儬 儫

Hoàng Xuân Hãn trong bài Văn Nôm, chữ Nôm đời Trần Lê phái thiền Trúc Lâm Yên Tử nhận xét: “Đại cương thì chữ Nôm được cấu tạo theo một trong bốn phương sách:

1) Phương sách âm ý:

a. Ghi đúng âm: tâm tình 心 情

b. Hơi khác âm: dùng 用

c. Âm bị đổi vẫn giữ gốc Hán: việc 役

2) Phương sách mượn âm:

a. Mượn đúng: một khi 沒 欺

b. Mượn không đúng: biết 別

c. Các chữ dùng các dấu: xa 車; ma 么 , cá 个 , cự 巨; đa 多 ; ba 巴 ; tư 司 ;

3) Phương sách hình thanh

4) Phương sách hội ý .

Bên cạnh những kết quả phân tích vừa nêu, có một vài chủ trương tuy chưa thoát ly hẳn phương pháp “lục thư” nhưng cũng có hơi khác một chút. Sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa(20) trong phần tựa bằng chữ Nôm, nêu rằng chữ Nôm cổ xưa thiên về cấu trúc “kép”, và ở sách Chỉ nam… này sẽ tạo chữ Nôm “đơn” để người đọc dễ tiếp thu. Nhưng trên thực tế, ta thấy chữ Nôm trong sách Chỉ nam… rất phức tạp về cấu trúc và khó phiên âm. Một tác giả người Pháp khác, ông Chéon có nghiên cứu chữ Nôm, và nêu 6 quy tắc trong việc cấu tạo chữ Nôm sau đây, ít nhiều cũng còn mang hơi hướng của “lục thư”:

1. Các chữ Hán giữ nguyên cả âm nghĩa.

2. Có thay đổi đôi chút âm và nghĩa.

3. Các chữ thay đổi nhiều.

4. Ghép hai thành tố một chỉ âm, một chỉ nghĩa.

5. Ghép hai thành tố chỉ nghĩa.

6. Các chữ có thêm bộ khẩu(21)

Phương pháp thứ hai là căn cứ vào chính cấu trúc nội tại của chữ Nôm để phân tích và nhóm lại thành các dạng tiêu biểu.

Nguyễn Tài Cẩn và N.V.Xtankiêvich đã từ bỏ con đường “lục thư” cổ truyền để xây dựng một hướng phân tích mới. Đó là việc khu biệt ra thành hai hệ thống lớn: vay mượn và tự sáng tạo, tương ứng với hai dạng chính: chữ đơn và chữ phức hợp; đồng thời “lập một bảng phân loại chi tiết, xác định vị trí cho từng kiểu nhỏ”(22). Hai nhà nghiên cứu đã đưa ra một bảng sơ đồ phân loại với nhiều dạng cấu tạo chữ Nôm tiêu biểu, ký hiệu bằng bảng chữ cái:

* A1 (才 tài); A2 (符bùa); B (爪 vuốt); C1 (沒 một); C2 (別 biết)

* D (買 nới); Đ (迀trái); E (俼 trời); G1 (找 qua); G2 (礊 cỏ)

Các dạng từ A1 đến C2 là vay mượn (chữ đơn). Từ D đến G2 là chữ tự tạo (chữ phức). Với mỗi dạng cấu tạo, hai nhà nghiên cứu đã phân tích, so sánh rất chi tiết và nhận xét: “Tiêu chí hình thức để tách hai loại như vậy là khá rõ ràng”(23) Tuy nhiên, theo các tác giả, vẫn còn đôi trường hợp gây băn khoăn, thí dụ “chỉ 沚” và “chào 嘲” vừa là chữ Hán, vừa là chữ Nôm tạo ra ngẫu nhiên trùng với chữ Hán.

Ông Lê Quán khi phân tích cấu trúc chữ Nôm, đã phân biệt hai khu vực chính: Khu vực sử dụng nguyên mẫu chữ Hán gồm 6 dạng tiêu biểu và khu vực sáng tạo gồm 8 dạng tiêu biểu, tổng cộng là 14 dạng tiêu biểu(24). Về mặt nguyên tắc và phương pháp phân tích cấu trúc chữ Nôm cũng tương tự như Nguyễn Tài Cẩn và N. V. Xtankiêvich.

Trong một công trình chuyên khảo(25) Nguyễn Ngọc San đi sâu phân tích cấu trúc nội tại của hệ thống chữ Nôm, phân biệt tỷ mỉ chức năng của từng thành tố để tạo nên mỗi chữ Nôm hoàn chỉnh. Ông cũng chia chữ Nôm thành hai nhóm. Nhóm I gồm những mã chữ chỉ có một thành tố đơn A. Nhóm II gồm những mã chữ có hai thành tố A và B, trong đó B là thành tố chỉ có chức năng chỉnh âm. A là thành tố gốc - thành tố định âm. Theo ông, thành tố B trong cấu trúc chữ Nôm có 4 dạng ký tự:

1. Các thành tố phụ (nháy cá, bớt nét)

2. Ký hiệu chỉnh âm đầu.

3. Bộ thủ.

4. Chữ Hán nguyên dạng hoặc viết tắt.

Với sự phân tích trên, tác giả chuyên luận đưa ra chín dạng chữ Nôm tiêu biểu, các thuật ngữ sử dụng được gọi theo chức năng của các thành tố, trên cơ sở khả năng định âm hay chỉnh âm Việt mà nó hàm chứa

Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang đẩy mạnh công tác sưu tầm, hy vọng sẽ có nhiều tư liệu hơn, nhất là các văn bản Nôm, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên của chữ Nôm. Mặt khác, như trên đã nói, cần nghiên cứu chữ Nôm trong tình hình chung của khu vực, giữa các nước chịu ảnh hưởng ngôn ngữ và văn tự Hán. Và vì thế, trong thời gian tới, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới để công việc nghiên cứu chữ Nôm cũng như một số loại chữ viết khác đạt được thành tựu cao hơn.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Phạm Huy Hổ: Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào, tạp chí Nam Phong.

(2) Sách của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB.372.

(3) Nguyên văn chữ Hán: “Chí ư Sĩ Vương chi thời, di xa tựu quốc, tứ thập dư niên, đại thành giáo hóa, giải nghĩa Nam tục dĩ thông chương cú, tập thành quốc ngữ thi ca, dĩ chí hiệu danh”.

(4) Xem Henri. Cordier: Ba loại văn tự dùng ở Việt Nam: Chữ Nho, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ, tài liệu dịch, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bt 143.

(5) Trần Văn Giáp: Lược khảo về nguồn gốc chữ Nôm, Nghiên cứu lịch sử, số 10 - 1969.

(6) Đào Duy Anh: Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.

(7) Tham khảo thêm Thái Hoàng trong bài Bàn về tên làng ở Việt Nam, Tạp chí Dân tộc họ c số 1-1982, tr.60, cho rằng: “Bố Cái” thực ra là phiên âm hai từ “Pu Cấy”, tiếng Việt cổ có nghĩa là “Người đàn ông lớn”.

<8) Chữ Nôm - nguồn gốc… Sđd., tr.42.

(9) H. Maspéro: Phương ngôn miền Trường An ở thời Đường BEFEO số 2

(10) Chữ Nôm - nguồn gốc…, Sđd, tr.52

(11) Nxb. KHXH, H. 1979.

(12) Tức chữ Nôm.

(13) Nguyễn Tài Cẩn: Mấy vấn đề về chữ Nôm Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985, tr.228.

(14) Sđd., tr.108.

(15) Xem Lê Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1981.

(16) André Fable: Trois écritures à base de caratères chinois: le IDU (Coreé), les KANA (Japon) et le chữ Nôm (Việt Nam) ; xem tạp chí Ėtudes asiatiques N034, 2.1980, tr.206-225.

(17) Chữ Nôm - nguồn gốc…, Sđd, tr. 59

(18) Xem Đông Dương học báo, 1935, số 22

(19) Xem Nguyễn Quang Xỹ, Vũ Văn Kính: Tự điển chữ Nôm, Bộ giáo dục trung tâm học liệu Sài Gòn xuất bản, 1971.

(20) Theo Trần Xuân Ngọc Lan trong bản dịch chú Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985 thì sách này ra đời vào khoảng năm 1761.

(21) Dẫn theo Cordier trong bài Ba loại văn tự dùng ở Việt Nam: chữ Nho, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ, tài liệu đã dẫn, tr.6.

(22) Xem Nguyễn Tài Cẩn và N.V. Xtankiêvich: Điểm qua vài nét tình hình cấu tạo chữ Nôm. In trong Tạp chí Ngôn ngữ số 2 -3, năm 1976

(23) Tạp chí đã dẫn, tr.49

(24) Lê Quán : Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH - 1981

(25) Nguyễn Ngọc San: Vấn đề cấu trúc chữ Nôm (Tóm tắt Luận án PTS, Hà Nội, 1983)./.

TB

MỘT VÀI NGHI VẤN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP QUA VIỆC NGHIÊN CỨU VĂN BẢN: "DIỆU LIÊN THI TẬP"

ĐỖ THỊ HẢO

Mai Am tên thật là Nguyễn Trinh Thận, con gái thứ 25 của vua Minh Mệnh. Bà là em cùng mẹ với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Gần 80 năm của cuộc đời (1826 - 1904) bà đã được chứng kiến bao sự kiện trong suốt thế kỷ XIX đầy biến động. Ngoài những bài ca được dân chúng ở Huế truyền tụng, tác phẩm chính Mai Am để lại là Diệu Liên thi tập. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu một vài ý thông tin mới qua việc nghiên cứu văn bản tác phẩm vừa nêu.

Hiện nay thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được 9 bản Diệu Liên thi tập(1) mang những ký hiệu sau: VHv.685, VHv.686, VHv.687, A.2604, VHv.688, VHv.1897, VHv.1398, VHv.689, A.313. Qua khảo sát các dị bản trên, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

1). Văn bản Diệu Liên thi tập ghi cụ thể thời gian sáng tác.

Có lẽ Mai Am đã phần nào tiếp thu được cách làm việc rõ ràng, tỷ mỉ, có thể nói là khoa học của những công trình đồ sộ dưới vương triều nhà Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục…, nên mặc dù bà là nhà thơ chứ không phải làm công việc biên khảo như các vị trong Quốc sử quán, Diệu Liên thi tập của bà vẫn mang dáng dấp một nhật ký sáng tác. Mở Diệu Liên thi tập ra, bài thơ đầu tiên bà làm năm Đinh Mùi (1847), lúc đó Mai Am 20 tuổi. Xuôi theo dòng thời gian, đến năm Kỷ Dậu (1849) bà sáng tác được 8 bài. Từ năm Kỷ Dậu đến năm Canh Tuất (1850): 3 bài. Từ năm Canh Tuất đến năm Tân Hợi (1851): 3 bài. Từ năm Tân Hợi đến năm Nhâm Tý (1852): 4 bài…

Cứ thế cho đến những bài thơ cuối cùng trong Diệu Liên thi tập được làm vào năm 1891, phải nói hiếm có những văn bản chữ Hán cùng thời được ghi cụ thể về thời gian sáng tác như vậy. Trong suốt 44 năm, với số lượng 270 bài thơ, rõ ràng Mai Am, đã lấy việc sáng tác thơ, làm sự nghiệp của mình. Có thể coi Diệu Liên thi tập là một quyển “nhật ký” của Mai Am, nhưng quyển nhật ký này lại được làm dưới dạng những bài thơ. Qua quyển “nhật ký” thơ này với phương pháp ghi chú rất cụ thể về thời gian sáng tác, Diệu Liên thi tập đã làm sáng tỏ được nhiều tín hiệu, nhiều vấn đề chúng ta còn nghi vấn. Xin đơn cử một ví dụ:

Như ta đã biết, trước đây Giáo sư Bùi Văn Nguyên, nhà nghiên cứu văn học Triều Dương và nhiều người khác nữa cứ băn khoăn và đặt ra câu hỏi: không biết Bà Huyện Thanh Quan làm Cung trung giáo tập dưới thời Minh Mệnh hay Tự Đức ? Nhưng nếu đọc bài thơ Mai Am chia tay với bà huyện Thanh Quan, (Tống Lưu Ái Lan thất Nguyễn Thị quy Hà Nội) trong Diệu Liên thi tập, ta sẽ thấy bài thơ được sáng tác vào năm Đinh Tị (1857). Đối chiếu với niên hiệu Tự Đức thứ 10, Minh Mệnh đã mất được 17 năm, lúc này Mai Am 30 tuổi, ta có thể thấy ngay lúc nào hai nhà thơ nữ có quan hệ bè bạn với nhau và bà huyện Thanh Quan làm việc ở Kinh đô dưới triều vua nào…

2). Ghi xuất xứ cho từng bài thơ

Phần lớn những bài thơ trong Diệu Liên thi tập đều có lời dẫn của tác giả. Căn cứ vào đó chúng ta có thể lý giải được nhiều vấn đề còn là ẩn số từ trước đến nay. Qua phần ghi chú ở bài thơ “Đáp Sĩ Luân nhị thập bát vịnh” và bài “Đệ tam phụ chính Kim Giang Nguyễn tiên sinh vi thuyên chuyết tập bổ di hoàn, triếp tự hỉ thành phú thi lục thập vận dụng thân cảm tạ” (Đệ tam phụ chính Nguyễn Kim Giang tiên sinh in xong tập bổ di vui mừng, làm thơ gồm 60 vần để cảm tạ), ta biết được quá trình ra đời của Diệu Liên thi tập: lần đầu tác phẩm được in 100 bản. Nội dung do Tùng Thiện Vương tuyển chọn. Phạm Thuật và Thân Trọng Di trông nom việc in, gồm quyển 1, quyển 2, in năm Tự Đức 20 (1867), Mặc Vân sào tàng bản. Lần tái bản, Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp giúp việc in ấn bổ sung thêm quyển 3 (1891). Rõ ràng là căn cứ vào những ghi chú, ta có thể hiểu xuất xứ của văn bản một cách cặn kẽ và chuẩn xác.

Cũng xuất phát từ những ghi chú - tức là văn bản, chúng ta còn có thể làm sáng tỏ về cuộc đời tác giả và nhiều vấn đề, nhiều thông tin phong phú khác. Hãy lấy một ví dụ: Tất cả sách báo viết về Mai Am từ trước tới nay đều không biết bà sinh và mất năm nào ? Cuộc đời bà đã trải qua những bất hạnh ra sao ? Qua những dòng ghi chú trong chùm thơ 15 bài khóc con (“Khốc nhi”), hoặc qua bài thơ “ Phụng họa gia tỷ Nguyệt Đình sơn cư nhàn vịnh kiến ký chi tác”. (Họa bài thơ của chị Nguyệt Đình nhân lúc nhàn rỗi ở sơn cư gửi cho), đối chiếu với tấm bia “Tiên mẫu Thục Tân Nguyễn Khắc thị thần đạo biểu”(2) do Tùng Thiện Vương soạn, đặc biệt qua cuốn Hoàng tử Công chúa sách, ta có thể biết được một cách rành rọt Mai Am sinh vào giờ Hợi ngày 11 tháng 8 năm Bính Tuất (1826) và mất tháng 1, 1904. Ta còn có thể biết về cuộc đời của một nhà thơ nữ không đơn thuần chỉ là con gái thứ 25 của vua Minh Mệnh mà thôi. Cũng từ văn bản Diệu Liên thi tập, “Mặc Vân sào” như hiện ra trước mắt chúng ta: nằm trong khu Ký Thưởng Viên, bên cạnh gò Nga Pha, trước mặt là hồ, đằng sau là núi. Đây là nơi Tùng Thiện Vương đọc sách và làm thơ, cũng là nơi “tàng bản” nhiều tác phẩm tiêu biểu của nền văn hóa dân tộc. Đã từ lâu chúng ta cũng quen với tên gọi “Tùng Vân thi xã”. Nhưng chưa thấy được đề cập đến trong văn bản Hán Nôm nào cả(3). Điều khúc mắc trên đây đã được lý giải qua Diệu Liên thi tập của Mai Am. Trong bài “Mai Am thi tập tự”(4) có đoạn: “Quyết hậu, Thương Sơn công kiến văn nhật quảng, tạo nghệ ích thâm, truy tích lưỡng Hán tam Đường phục cổ chi học, Tao đàn thụ xí, hiệu lệnh nhất tân, kỳ Tùng Vân xã tập” (về sau, kiếm văn của Thương Sơn công ngày một thêm rộng, sáng tác ngày càng sâu sắc, ông tìm theo dấu vết của đời Hán đời Đường, khôi phục lại cổ học, dựng ngọn cờ Tao đàn, hiệu lệnh một phen đổi mới, lập ra Tùng Vân xã…). Tháng 3 năm Canh Ngọ (1870) Tùng Thiện Vương qua đời. Mặc Vân Sào trở nên hoang phế, Tùng Vân thi xã cũng vì vậy mà tan rã. Diệu Liên thi tập còn cung cấp những tư liệu liên quan đến những tác gia Hán Nôm đương thời. Như việc Mai Am tìm thấy bản Giang đình yến tập của Trương Đăng Quế sau khi ông đã qua đời. Việc Mai Am cho in tập thơ của em gái Tĩnh Hòa tên tự là Huệ Phố(5). Việc Bùi Dị làm thơ vịnh hoa cúc được Tự Đức ban thưởng. Việc Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp vì bị bệnh xin nghỉ việc năm 1888, đến năm 1890 lại được vời vào Kinh làm phụ chính, khởi hành ngày 9-1 đến Đà Nẵng rồi đi theo đường bộ về Kinh…

3). Bài thơ “Ức Mai” có phải của Mai Am hay không ? Đứng ở góc độ văn bản học mà nói, đọc Diệu Liên thi tập ta có thể từ văn bản mà suy nghĩ về tác giả, song từ tác giả ta lại phải quay lại xét khâu văn bản. Một trong những trường hợp ấy là bài thơ khá nổi tiếng, bài “Ức Mai” (Nhớ hoa mai). Bài thơ tuy không phải là tuyệt tác, nhưng nhiều người cho đó là một bài thơ hay của Mai Am. Từ đầu đề cho đến nội dung bài thơ đều gợi nhớ một cuộc gặp gỡ với người đẹp bên bờ nước, từng chữ từng lời trong bài thơ như còn đọng lại niềm nhớ thương man mác. Điều này khiến nhà nghiên cứu Lương An trong một bài viết của mình(6) phải phân vân đặt vấn đề: Nguyễn Trinh Thận lấy hiệu là Mai Am thì sao lại viết bài “Nhớ mai” (Ức mai). Cũng theo ông và một vài ý kiến nữa cho rằng bài thơ có thể là của Nguyễn Hàm Ninh. Vì một lý do nào đấy Mai Am đã chấp nhận đưa bài “Ức mai” vào thi tập của mình để đáp lại tấm lòng tri kỷ. Chúng tôi cho rằng điều lý giải trên chưa mấy thuyết phục vì lẽ trong văn học Việt Nam không hiếm những bài thơ thác lời người khác để nói tâm trạng của mình, như Nguyễn Du thác lời chàng trai phường Nón, Nguyễn Gia Thiều thác lời nàng cung nữ để tạo nên khúc ngâm cung oán thật bất hủ, phải chăng đây chỉ là một thủ pháp nghệ thuật mà thôi. Hơn nữa đối với Mai Am. Một con người đa tài, đa tình, đã từng viết những vần thơ táo bạo, thiết tha:

“Nửa gối nhớ ai tan tác mộng,
Mười năm tình cũ xốn xang lòng”(7)
(Bài Tiếng Chuông)

đau đớn mà mãnh liệt:

“Giọt lệ đớn đau sao đầy mãi,
Trái tim đành cắt xé đôi nơi(8)
(Bài Chong đèn)

thì không có gì không làm được bài thơ “Nhớ mai”,

Huống hồ khi đề tựa Diệu Liên thi tập, Thương Sơn cũng đã viết “… Tập thơ có 2 bài “Thức hương”, “Ức mai”, rất hay. Đó là những vần thơ Mai Am làm ngay trong tiệc rượu cùng bè bạn”. Về sau bài thơ “Ức mai” được Tùng Thiện Vương nhờ Quảng Thế Trương Đăng Quế bình duyệt. Cũng trong Diệu Liên thi tập, qua bài: “Duyệt Ức mai thi đề trình thượng Thương Sơn Công” (Duyệt bài Ức mai đệ trình lên Thương Sơn Công) Trương Đăng Quế đã đánh giá rất cao bài thơ. Ông viết:

Đã đọc vần thơ đẹp ba lần, ý tứ quá hàm xúc,
So với bài Ức mai, đời nay ai chiếm được giải nhất(9).

Đánh giá bài thơ “Ức mai”, Tuy Lý Vương Miên Trinh cũng cho rằng: “Nghệ thuật phân thân của tác giả trong câu 5 câu 6 của bài thơ cục cao”(10). Có thể thấy tác giả bài thơ “Ức mai” không phải là ai khác, ngoài công chúa Mai Am.

Chú thích:

(1) Hiện ở Paris có hai bản Lại Đức công chúa Diệu Liên thi tập, chữ in (Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993).

(2) Bia No 13458, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(3) Trong cuốn Thơ Tuy Lý Vương Miên Trinh, Trần Như Uyên dịch chú và giới thiệu, Sở VHTT Huế. 1992, có nói: “Tùng Vân thi xã: đến nay chưa thấy tài liêụ chính xác nói về tên thi xã do Miên Thẩm lập ra…

(4) Bài tựa của Dương Đăng Quế.

(5) Huệ phố thi tập hiện chưa tìm thấy.

(6) Tạp chí Sông Hương (1988).

(7) Nguyên văn:

“Bản chẩm tương tư kinh mộng hậu,
Thập niên tình sự đáo tâm đầu”
(Chung Thanh)

(8) Nguyên văn:

“Ngọc lệ vị thùy hàm phục thế,
Phương tâm đáo để cát hoàn sinh”
(Tiễn Chúc)

(9) Nguyên văn:

“Tam phục giai chương ý hữu dư,
Đương nhật “Ức mai thuỳ đệ nhất”

(10) Ngũ lục thân phân cực cao./.

TB

GÓP PHẦN HIỂU THÊM VỀ SỰ TÍCH BÀ CHÚA KHO Ở BẮC NINH, TỈNH HÀ BẮC

NGUYỄN HUY THỨC

Từ các nơi người ta đang đổ xô về Thị Cầu, Bắc Ninh để đến với Bà Chúa Kho theo những tiếng gọi thầm kín khác nhau, nhưng sự tích của bà, mặc dù đã có hai cuốn sách vừa xuất bản(1), đến nay vẫn cứ còn là một dấu hỏi lớn.

Bài viết này nhằm cung cấp thêm một số tư liệu Hán Nôm do chúng tôi vừa sưu tầm hiện tại các địa phương hiện thờ Bà Chúa Kho ở đất Hà Bắc, mong góp phần tìm hiểu sự tích của Bà, một vấn đề mà hiện nay nhiều người đang quan tâm tới.

Ở địa bàn Hà Bắc hiện nay qua chuyến khảo sát của chúng tôi, có khá nhiều nơi thờ Bà Chúa Kho.

Đáng chú ý nhất là các nơi sau đây:

1.Ở phường Vệ An phía tây thị xã Bắc Ninh, có đền “ Trung cơ linh từ “thờ bà Chúa, vùa được sửa chữa trang nghiêm. Trong đền hiện có một số đồ tế tự và ba đôi câu đối:

- Vị liệt Thánh trung thiên chủ khố;

Anh linh thần nữ thế gian vô.

(Ở ngôi Thánh làm chủ kho trời,

Là nữ thần linh thiêng, thế gian chẳng có)

- Anh dục tú chung thế xuất nữ trung Nghiêu Thuấn.

Linh thông hiển ứng danh tôn thiên hạ Thánh Thần (Núi sông chung đúc nên bậc Nghiêu Thuấn(2) trong giới nữ ở, Hiển ứng linh thiêng tên tuổi được tôn xưng là Thánh Thần thiên hạ).

- Vị liệt nữ trung thần cơ trọng Tùng thành thương khố chủ,

Đức vi thiên hạ mẫu trường thùy Bắc trấn hiển linh thanh..

(Ngôi thần trọng vọng trong giới nữ, (Bà) là chủ kho tàng chốn Thành Tùng(3)

Đức xưng là mẹ thiên hạ, để lại mãi sự lĩnh thiêng nơi trấn Bắc).

Truyền thuyết ở đây nói rằng ngôi đền thờ Bà Chúa ở vào phía cửa tiền thành Bắc Ninh. Nên khi mở của thành, bao giờ cũng phải mở cửa hậu trước. Ngược lại, nếu mở của tiền trước, thì thường xảy ra ốm đau tang tóc ở địa phương. Phải chăng đây là ý niệm chỉ sự linh thiêng về việc phụng thờ Bà.

2. Ngôi đền thứ hai thờ Bà Chúa được dựng trên sườn núi Kho, làng Cô Mễ, xã Vũ Ninh, ở phía Bắc thị xã Bắc Ninh. Ngôi đền mới được xây dựng lại rất khang trang rộng rãi, gồm cung thờ Linh từ Thánh Mẫu Bà Chúa Kho, hai bên tả hữu là Ban Chầu Bà, Ban Đức Ông. Phía trước là Tam tòa Thánh Mẫu. Gian ngoài là Hoàng Bơ, ban công đồng tứ phủ, Hoàng Bẩy, Bát lô sơn trang, Ban Cô, Ban Cậu. Ngoài sân có đài Cửu thiên, bể hóa vàng… Xem cách bài trí tổng thể, gần như là một bàn thờ theo tín ngưỡng Tứ phủ. Trong đền có đầy đủ đồ tế khí trang nghiêm. Có ba tấm hoành phi:

- Chủ Khố từ (Đền Chúa Kho)

- Chủ Khố linh từ (Đền thiêng Chúa Kho)

Và ba đôi câu đối”

- Lê triều chưởng khố chương hồng liệt,

Nữ giới di danh trọng phúc thần (4)

(Giữ kho tàng nhà Lê, công tích lớn lao rạng rỡ,

Tên tuổi Bà còn để lại, là vị Phúc Thần đáng kính)

- Nguyệt Đức chí kim lưu thắng tích,

Doanh sơn tự cổ tráng thanh thiên.

(Sông Nguyệt Đức tới nay còn lưu lại thắng cảnh,

Núi Doanh Sơn tự xưa đã hùng tráng sánh trời xanh)

- Chủ khố linh từ lưu đà tích

Anh linh thần miếu liệt cao sơn(5)

(Đền thiêng Bà Chúa Kho còn lưu dấu vết Phật ,

Miếu thần anh linh lẫm liệt chốn núi cao)

Ngoài số câu đối giới thiệu trên, đền không còn một văn bản Hán Nôm nào liên quan đến sự tích Bà Chúa cả.

3. Ngôi đền thứ ba tại làng Quả Cảm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, kề ngay ngoại vi thị xã. Đây là nơi mà truyền thuyết và sách vở thường nói là quê hương Bà Chúa. Ngôi đền thờ Bà được dựng ngay trên khu đất núi nhưng bằng phẳng ở đầu làng. Truyền thuyết nói hài cốt Bà chôn ở nơi này nhưng xưa nay dân làng vẫn giữ kín. Ngôi đền không to lớn, đồ sộ, nhưng rất thoáng đãng, lại đầy vẻ trang nghiêm. Trong đền hiện còn giữ hai loại tư liệu quý. Một là tượng Bà và các đồ tế khí. Hai là 8 đôi câu đối, 2 bức hoành phi, 3 đạo sắc phong và một cuốn Thần Phả ghi sự tích Bà cùng 1 bài văn tế Nôm gọi là: “ Văn tế Bản Đức”, dùng để đọc vào các ngày lễ hội kỵ bà hằng năm.

- Hoành phi thứ 1 ghi:

Phúc quả linh từ (Đền thiêng quả phúc)

- Tấm hoành phi thứ 2 ghi bằng chữ Nôm:

Linh từ Đức Vua Bà

Trong 8 đôi câu đối, đáng chú ý, có hai câu sau:

- Bản Đức nguyên tòng dung nghi thù tục,

Trần triệu phong tặng ngôn hạnh cao tôn.

Bản Đức vốn theo nét dung nghi khác tục,

Triều Trần phong tặng là bậc ngôn hạnh cao vời)

- Quả hữu địa linh tinh tử khí ,

Cảm kỳ thần huệ hóa văn phong

(Quả có đất thiêng nên làm khí đẹp.

Cảm được ơn thần cải hóa văn phong)

Sắc phong gồm:

- Một đạo đời vua Cảnh Hưng thứ 44 (1783);

- Một đạo đời vua Gia Long thú 9 (1810);

- Một đạo đời vua Khải Định thứ 9 (1924)(6)

Bà được bao phong với các mỹ tự sau:

Hà Dương, Phương Khiết, Trai Trang Thục Thân Công Chúa. Trong bài văn tế Bà, cũng ghi rõ tự hiệu, Mỹ tự như trong sắc phong và được đọc vào các dịp lễ hội tế Bà.

Cuốn Thần tích của Bà, gồm 3 trang giấy dó, khổ 25x15cm. Mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng khoảng 20 chữ Hán hoặc Nôm. Thần tích được ghép lại vào năm Gia Long 9 (1810). Dịch nghĩa như sau(7):

“Bản Đức là người làng Quả Cảm. Người ra đời vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ tư (1235) (?) Người có dáng dấp đặc biệt, tư thái khác thường. Cha mẹ Người đã từng làm nhiều việc thiện. Ông Bà sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, có thêm buôn bán nhỏ, suốt đời chịu khó lam làm, không hề tranh cạnh với ai. Năm ấy tuổi đã ngoại ba mươi mà điềm lành về con cái lại chưa thấy có. (Một hôm) ông nói nhỏ với bà rằng: “Trời đất rất mực công bằng, cớ sao về đường con cái ta lại muộn mằn thế ? Hay là ta đi cầu đảo, xem sao!” Thế rồi Ông Bà đến cầu xin trước cửa Phật. Mấy ngày sau một đêm xuân vào khoảng quá canh ba, Bà bỗng thúc Ông trở dậy, nói với Ông về ý mình và hỏi xem Ông có cảm thấy mùi hương quẩn quanh trùm lên chăn gối không, Ông liền trả lời Bà rằng: “Không dè trong giấc mộng vừa rồi, ta cũng cảm thấy điềm phúc tràn trề ấy”. Bà vui sướng hỏi gạn Ông: “ Cớ sao vậy?” Ông nói “Đêm khuya thanh vắng, ta gặp một bà lớn đĩnh đạc trên tòa sen, Bà ban cho vợ chồng ta một đám mây đẹp. Ta cúi đầu lạy tạ, và mang đóa mây về đây”. Bà bảo lại ông rằng: “Thiếp cũng gặp giấc mộng như thế ! Từ đó bà ung dung nghỉ ngơi. Đến khi no ngày đủ tháng, Bà sinh hạ được một người con gái. Khi còn là một đứa trẻ trong lúc chơi đùa cùng bè bạn, nàng bao giờ cũng đàng hoàng đĩnh đạc. Lớn lên, nàng tài sắc hơn người. Vào đời vua Anh Tông (1293 - 1329), nàng theo mẹ đến Trường An(8) buôn bán. Một hôm, vừa sớm tinh mơ, mẹ con nàng đang đi thì gặp xe vua. Ngẩng đầu nhìn, thấy xe rèm rủ kín mít. Mẹ con nàng đành tạm lánh ra bên đường mà không còn nhìn rõ gì ở xung quanh đó nữa. Rồi bỗng thấy sứ giả tới truyền lệnh rằng: “Nơi này xuất hiện một mây trắng chính là mặt trời chỉ báo. Ai ẩn náu ở đây phải ra ứng chỉ ngay!” Mẹ con nàng bàng hoàng, chân tay bủn rủn, đành sửa lại xiêm áo rồi bước tới trước mặt nhà vua, theo lệnh lên xe, cùng về. Sau đó nhà vua lại cho phép nàng đưa mẹ hiền về quê phụng dưỡng. Vài năm ở nơi cung cấm quen dần, nàng luôn được nhà vua sủng ái và ban ơn huệ cho cha mẹ. Được ít lâu nàng mang thai. Nhà vua phong nàng làm Hoàng Phi đệ tam cung và cấp cho 72 trang làm bổng lộc riêng. Làng Quả Cảm quê hương nàng vì vậy cũng được thơm lây. Năm ấy sao dời, nàng mắc bệnh vì mang thai rồi qua đời. Nhà vua đích thân tới tận nơi khóc lóc thảm thiết làm lễ tang và truy tặng nàng làm Hoàng Hậu. Sau đó lại cho phép dân thuộc 72 trang, nơi hưởng bổng riêng của nàng được thờ nàng làm phúc thần. Nhà vua còn ra lệnh cho quan trọng thần đem theo quân tướng, ngựa voi hộ tống thi hài nàng về quê, xây lăng an táng nàng tại đất đầu núi Hoàng Nghênh làng Quả Cảm…(9)

Ngoài các văn bản vừa giới thiệu, trên núi Kim Sơn làng Quả Cảm còn tấm bia mộ chí của song thân Bà Chúa. Tấm bia này hiện được đưa về bảo quản tại đình làng trên bia ghi dòng chữ: “Tiên khảo tỷ Trần Dương mộ chí”. (mộ chí của cha mẹ ông họ Trần và bà họ Dương). Bia có 4 mặt, khổ 50x25cm, chất liệu đá xanh. Mỗi mặt có chín dòng, mỗi dòng có khoảng mười tám chữ Hán xen Nôm. Bia được dựng vào đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), nội dung nói về sự tích cụ họ Trần và cụ họ Dương là song thân của Bà Chúa. Vì bia để ngoài trời khá lâu bị mưa gió xâm thực, nên nhiều chữ mất nét khó đọc.

Ở thôn Xuân Ái ngay bên cạnh Quả Cảm còn có một khu lăng mộ đá, dân địa phương nói là lăng Hoàng Tử, người con trai của Bà Chúa. Kề sát là thôn Xuân Viên, có tên Nôm là Vườn Đào, tương truyền là vườn hoa của Bà Chúa. Cả con ngòi “Ba Huyện” ở đây cũng tương truyền là dòng sông Bà Chúa khơi để đi dạo chơi lúc rảnh rỗi .

Trong số trang ấp được vua Trần ban cho làm bổng lộc riêng, có ba làng Lẫm (kho) là Lẫm Thượng Đồng thuộc Tiên Trung Đồng thuộc Việt Yên và Hạ Đồng thuộc Tiên Sơn, đều trong địa bàn Hà Bắc ngày nay. Dân trong ba thôn này hiện vẫn coi nhau như anh em một nhà.

Vào những ngày lễ Thánh, họ thường cùng nhau hợp tác tổ chức lễ hội coi như ngày lễ chung. Truyền thuyết kể rằng do được lộc Bà Chúa ban cho, dân làng Quả Cảm ít làm ruộng, chỉ quen làm nghề bánh trái hoặc trồng cây ăn quả. Còn lúa gạo thì cứ đến các làng Lẫm hoặc Cô Mễ lĩnh về dùng. Hiện nay dân Quả Cảm vẫn sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn quả và làm hàng quà bánh để bán.

Thôn Thượng Đồng, xã Vạn An cùng huyện, xưa gọi là “Đại Tảo xứ, Thượng Đồng Thôn”, cũng thờ Bà Chúa làm phúc thần. Tại đình làng nơi thờ Bà hiện còn một tấm bia lớn, hai mặt khổ 65x120cm, dày 20cm, bằng chất liệu đá xanh. Trán bia trạm “Lưỡng long triều nguyệt” (hai rồng trầu nmặt trăng) , xung quanh viền hoa dây. Dưới trán bia khắc bốn chữ lớn “Thượng đẳng tối linh” (Linh thiêng tuyệt đỉnh). Lòng bia gồm 24 dòng, mỗi dòng khoảng ba mươi chữ Hán xen Nôm. Nội dung bia nói về thần tích hai vị phúc thần thờ ở đình làng là Đức vua Bà (Bà Chúa Kho) và Đức Cao Sơn. Sự tích Vua Bà được khắc ở mặt trước phía bên phải của tấm bia. Số chữ và nội dung đúng như bản thần tích. Bà chúa Kho hiện có ở đền thờ Bà tại làng Quả Cảm. Cuối bia ghi thời hiệu Tự Đức thứ 21 (1868). Chúng tôi cho rằng văn bản tấm bia này là chép từ bản thần tích Quả Cảm. Qua các tài liệu trình bày trên đây, ta thấy vấn đề sự tích Bà Chúa Kho cho đến nay vẫn là một vấn đề nan giải. Bởi vì sách vở chính thống không ghi chép mà chủ yếu dựa vào truyền thuyết thì cũng có thể đúng và cũng có thể không đúng. Ví như đền Bà Chúa ở làng Cô Mễ, truyền thuyết nói là Bà sống ở đời Lý, nhưng đôi câu đối thờ ở đền lại ghi Bà sống vào đời Lê, chưa kể không biết là Lê nào.

Ngay như cuốn Thần Phả Bà Chúa Kho ở đền làng Quả Cảm cũng còn điểm tồn nghi. Thần phả ghi là Bà sinh vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ tư triều Trần, tức vào năm 1232. Vậy mà mãi đến đời vua Trần Anh Tông (1232 - 1329) mới ban cho Bà làm Hoàng Hậu. Vậy lúc này Bà chẳng đã quá lớn tuổi rồi sao?

Dù vậy, qua số tư liệu tìm thêm được mà chúng tôi cho là rất quý, ta vẫn có thể hình dung được Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó ở làng Quả Cảm. Bà hay lam hay làm, biết tổ chức cuộc sống vì dân, đã cai quản 72 trang trại, dẫn dắt dân các nơi này khai hoang lập ấp, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần bảo vệ an ninh đất nước. Ở vào thời buổi ấy, công lao của Bà thật không nhỏ. Bà xứng đáng được nhân dân địa phương tôn kính. Cho đến ngày nay, nhiều người còn gửi gắm niềm tin ở Bà, mong Bà ban cho những điều tốt lành, để cho cái thiện mãi mãi vượt lên trên cái ác.

Thiết nghĩ các cơ quan hữu trách cần có kế hoạch cụ thể để phát huy vẻ đẹp truyền thống quê hương Bà Chúa Kho, chiếc nôi sinh của các điệu hát Quan họ nổi tiếng. Mặt khác, cũng cần gạt bỏ những quan niệm sai lầm hoặc lợi dụng tiếng thơm Bà Chúa mà làm những việc không đúng gây ảnh hưởng xấu cho quê hương Bà.

CHÚ THÍCH

(1) Xem Lịch sử Đền Bà Chúa Kho, Giáo hội Phật giáo Hà Nội xuất bản, 1991; và Đền Bà Chúa Kho của Hoàng Hồng Cẩm, Nxb. Văn hóa dân tộc, H. 1992.

(2) Nghiêu Thuấn: hai vị vua hiền tài trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, theo truyền thuyết.

(3) Thành Tùng: chỉ Thị xã Bắc Ninh.

(4)(5): Hai câu đối này có chép lại ở sách Đền Bà Chúa Kho. Nhưng chỉ có phần phiên âm.

(6) Tất cả các văn bản Hán Nôm ở di tích này hiện đều do cụ Nguyễn Văn Khương, chủ tịch mặt trận bảo quản.

(7) Vì văn bản dài, xin lược phần phiên âm Hán Việt.

(8) Chỉ Kinh đô Thăng Long (Hà Nội).

(9) Cuốn Thần phả, có chép các sắc phong đã giới thiệu trên bia./.

TB

HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH

PHẠM THỊ THOA

Họ Vũ làng Mộ Trạch là một trong những “thế gia vọng tộc”. Đã có một số sách giới thiệu danh nhân trong họ này như: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm(2) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam(3) Lược truyện các tác gia Việt Nam(4). Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu một số tư liệu mới về dòng họ và tìm hiểu nguyên nhân vì sao trong họ có nhiều người thành đạt.

Theo Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích (gọi tắt là MTVT)(5) thì cụ thủy tổ là Vũ Hồn người huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, làm quan đời Đường Kính Tông, sau sang làm Đô hộ sứ nước ta, rồi sinh cơ lập nghiệp ở làng Mộ Trạch. Con cháu về sau nhiều người hiển đạt trở thành dòng họ lớn của vùng đất này.Về khoa bảng thì kể từ cụ tổ khoa bảng đầu tiên là Vũ Tá Nghiêu đậu Tiến sĩ đời Trần đến Vũ Huy Đĩnh đậu khoa Giáp Tuất (1754) tất cả có tới gần ba chục người. Đây là con số mà chưa mấy dòng họ có được. Có những khoa thi hai ba người cùng đỗ như khoa Bính Thân năm Thịnh đức 4 (1656) có ba người đỗ: Vũ Trác Lạc, Vũ Đăng Long, Vũ Công Lượng. Ngay khoa sau khoa Kỷ Hợi năm Vĩnh Thọ 2 (1659) lại có ba người cùng đỗ: Vũ Bật Hài, Vũ Công Đạo, Vũ Cầu Hối. Có những gia đình hai anh em cùng đỗ như: Vũ Công Đạo và Vũ Công Lượng, Vũ Đăng Long và Vũ Trác Lạng, Vũ Cầu Hối và Vũ Bạt Tụy. Lại có gia đình cha con, ông cháu cùng thi đỗ như ông Vũ Bạt Tụy đậu Tiến sỹ khoa Giáp Tuất năm Đức Long 6 (1634). Con trưỏng của ông là Vũ Duy Đoán đậu Tiến sỹ khoa Giáp Thìn (1664) và 36 năm sau cháu đích tôn của ông là Vũ Duy Khuông đậu Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670). Trong Đăng khoa lục sưu giảng (ĐKLSG)(6) còn ghi: “Họ Vũ làng Mộ Trạch huyện Đường An khoa giáp rất thịnh. Có khoa hai ba người đỗ cùng, anh em, chú cháu, làm quan đầy triều. Thời bấy giờ, quan trong triều nói đùa rằng: Các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng ở triều đình à ? Đến khoa Kỷ Hợi năm Vĩnh Thọ 2 (1659 ) quan chủ khảo nghi trước đây có lẽ vì tư tình cho nên họ Vũ đỗ nhiều. Khoa thi năm ấy cho đào các hố, các ông Cống sĩ ngồi dưới đó làm bài, mỗi hố lại lấy tranh lợp lên trên, kiểm soát rất chặt. Việc thi cử xong khớp phách lại, người làng Mộ Trạch có Vũ Cầu Hối, Vũ Bật Hài, Vũ Công Đạo, anh em chú cháu đỗ liền ba người. Lại có Lê Công Triều cũng người Mộ Trạch đỗ khoa ấy. Từ đó mới tin trước đây không phải vì tư tình mà liên quan đến phong thổ của làng này vậy…”

Phải nói rằng, dòng họ Vũ làng Mộ Trạch từng được nhiều người mến mộ. Nhiều người đã làm thơ văn ca ngợi truyền thống khoa bảng vẻ vang của dòng họ này. Trong MTVT có chép bài thơ(7) của Thám hoa Vũ Thạnh(8) bày tỏ niềm tự hào về một dòng họ danh vọng thời bấy giờ nhân khi Vũ Đình Ân (người trong họ) thi đỗ Tiến sĩ. Bài thơ như sau.

Phiên âm:

Bát bách niên lai đạo mạch trường,
Danh khoa thạnh vọng thế tương vương.
Cao tằng vân nhĩ huân hiền kế,
Tước lộc khoa danh ấm trạch quang.
Bát diệp Tiêu môn thanh vị kiệt,
Tam hòe Vương thị tích kham phương.
Phô trương mạc tận quân gia sự,
Bút để thời văn hàn mặc hương.

Tạm dịch:

Đã tám trăm năm mạch đạo trường,
Danh khoa thạc vọng đời phồn xương.
Tài năng công nghiệp truyền nhau nối,
Tước lộc khoa danh rạng bốn phương.
Tám đời họ Tiêu(9) danh bất tận,
Tam hòe sự tích(10) vẫn không nhường.
Nhà ông sự nghiệp phô sao hết,
Viết để văn này tỏa ngát hương.

Dòng họ Vũ ngày càng đông đúc, nhiều người đã di cư đến nơi khác làm ăn sinh sống, và cháu chắt họ cũng đỗ đạt làm quan, như họ Vũ làng Lan Khê, huyện Lang Tài; làng Xuân Hy, huyện Kim Anh; làng Nhật Hy, huyện Giao Thủy; làng Quỳnh Khê, huyện Kim Thành. Trong MTVT(11) cong ghi Bồi Tụng Vũ Miên đậu Hội nguyên, bản huyện mừng trướng thi:

Triệu thủy tích tòng đông Mộ Trạch;
Thành danh kim thị bắc Lang Tài.
(Thủy tổ xưa ở làng Mộ Trạch;
Thành danh nay tại huyện Lang Tài)

Khoa thi Hương năm Đinh Mão, họ Vũ làng Nhật Hy, huyện Giao Thủy đậu ba người. Họ cho rằng nhờ phúc ấm tổ tiên bèn về Mộ Trạch làm lễ tạ và có làm thơ, trong đó có một bài bằng Quốc âm(12):

Nẻo xưa tú khí cấu từ đông,
Chỉ diệp tuy khơi vốn cùng dòng.
Của có điền viên nhờ tổ ấm,
Thói vầy đàn tụng nức nho công.
Hàng chen khoa đệ lừng phương dự ,
Dấu dõi y quan rỡ chính tông.
Báo bản chẳng quên niềm kính tín,
Họ ta càng thịnh phúc trùng trùng.

Họ Vũ làng Mộ Trạch đời truyền đời thi đỗ làm quan như vậy, có lẽ nguyên nhân chính là dòng họ rất coi trọng răn dạy và chăm lo việc học hành thi cử. Những lời khuyên răn được khắc lên bia dựng tại nhà thờ họ để truyền lại cho muôn đời con cháu (như nhà thờ Trường Xuân). Hiện thư viện Viện Hán Nôm có lưu giữ bốn thác bản văn bia(13) dựng năm Dương Đức 1 (1672) do Vũ Cầu Hối soạn và Vũ Đăng Long nhuận sắc. Trên bia khắc những bài “Tu châm” và “Giảng châm” khuyên con cháu phải lo tu dưỡng đạo trung tín, gắng sức học hành, mới mong thành đạt. Văn bia ở từ đường còn khắc những bài “Hỷ đăng khoa” (mừng thi đỗ), “Khuyến học” (khuyên gắng học) được viết bằng quốc âm(14):

Ông đến cha con kể với ba,
Mừng thay nối được dấu đăng khoa.
Người đà trước nọ nhuần ơn nước,
Ta lại sau này rạng nghiệp nhà.
Tiêu tám vạc mai(15) đều mặn mẽ,
Đậu năm cành quế(16) trỗi dầm dà.
Xưa nay đạo thánh thề chẳng phụ,
Dăn bảo con con cháu cháu ta.
(Hỷ đăng khoa)

Học hành gia mắm tấm lòng son,
Sách đọc cho thông chữ cái con.
Bữa đói muối dưa nên chớ quản,
Văn làm gỏi chả mới hầu ngon.
Bảng vàng ta đỗ danh bằng sấm,
Của báu vua ban giá tựa non.
Cha dạy con con nên dạy cháu,
Trời còn nhà ắt thế khoa còn.
(Khuyến học)

Coi trọng việc học hành thi cử, luôn răn dậy con cháu làm sáng nghiệp tổ tiên, đã làm cho dòng họ Vũ ngày càng thành đạt. Có thể đưa ra con số chính thức về các nhà khoa bảng của dòng họ Vũ như sau để chứng minh điều vừa trình bày trên.

STT HỌ VÀ TÊN THỜI ĐẠI NĂM ĐỖ
1 Vũ Tá Nghiêu Trần ?
2 Vũ Minh Nông Trần ?
3 Vũ Hữu 1463
4 Vũ Ứng Khang 1472
5 Vũ Quỳnh 1478
6 Vũ Nguyên Trinh 1481
7 Vũ Đôn 1487
8 Vũ Thận Trinh(17) 1493
9 Vũ Cán 1502
10 Vũ Lân Chỉ 1520
11 Vũ Tĩnh 1562
12 Vũ Đường 1565
13 Vũ Bạt Tuỵ 1634
14 Vũ Lương 1643
15 Vũ Trác Lạc 1656
16 Vũ Đăng Long 1656
17 Vũ Công Lượng 1656
18 Vũ Bật Hài 1659
19 Vũ Công Đạo 1659
20 Vũ Cầu Hối 1659
21 Vũ Duy Đoán 1664
22 Vũ Công Bình 1664
23 Vũ Đình Lâm 1670
24 Vũ Đình Thiều 1680
25 Vũ Trọng Trình 1685
26 Vũ Đình Ân 1712
27 Vũ Phương Đề 1736
28 Vũ Huy Đĩnh 1754

Trong số những người kể trên, có người đã để lại cho hậu thế những tác phẩm giá trị như Vũ Quỳng, Vũ Phương Đề, Vũ Huy Đĩnh v.v.. Và còn có những người trong dòng họ Vũ tuy không được đăng khoa, nhưng nổi tiếng một thời như Vũ Huy Tấn. Chúng tôi cho rằng dòng họ Vũ làng Mộ Trạch cần được giới nghiên cứu quan tâm hơn nữa.

CHÚ THÍCH

(1) Làng Mộ Trạch nay thuộc xã Tần Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng.

(2) Tập I: Nxb. Văn hóa, H. 1894; Tập II: Nxb. KHXH, H.1990.

(3). Nxb. KHXH, H. 1991.

(4). Nxb KHXH, H. 1971.

(5). Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu VHv.1342/1-3.

(6). Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu VHv.2029 tờ 47.

(7). Sách MTVT tờ 20 và Công dư tiệp ký (CDTK) A.44 tờ 6 đều chép bài thơ này nhưng có một số xuất nhập. Chúng tôi định theo bản chép trong MTVT.

(8) Vũ Thạnh: Người làng Đan Loan, nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng. Ông đậu thám hoa khoa Ất Sửu (1685)

(9) Họ Tiêu: Tức Tiêu Vọng Chi người thời Tiền Hán. Dòng họ ông rất danh vọng thời bấy giờ.

(10) Tam hòe sựu tích: Vương Hựu người đời Tống trồng ba cây Hòe ở giữa sân rồi nói: ba câu hòe này tức là ba vị tước công. Sau con ông là Vương Đản được làm tể tướng.

(11) Sđd, tờ 21

(12) Các thác bản N0 19828-19829; N0 19830-19831; N0 19832-19835; N0 19836-19837.

(13) Thác bản bia N0 19828- 19829.

(14) Bài văn bia này có chép trong MTVT, Sđd, tờ 85.

(15) Vạc mai: cái chảo lớn nấu canh mơ, ý chỉ người có tài.

(16) Cành Quế: tức “bẻ cành quế” ý nói thi đỗ.

(17) Đăng khoa lục: ghi ông đỗ khoa Kỷ Mùi (1499). Vũ tộc khoa hoạn phả ký A.662 chép ông đỗ khoa Quý Sửu (1493). Cả hai khoa này bia Văn miếu đều không có, nên chúng tôi không khảo được./.

TB

VỀ BÀI "GIÁO TRÌNH TIẾNG HÁN CỔ ĐẠI VÀ VIỆC DẠY CHỮ NÔM" CỦA ÔNG
HOÀNG TRỌNG PHIẾN

NGUYỄN THANH BÌNH

Vừa rồi, ô. Hoàng Trọng Phiến (HTP) thông qua bài viết Giáo trình tiếng Hán cổ đại và việc dạy chữ Nôm(1), để trao đổi với GS. Lê Văn Quán (LVQ) - tác giả cuốn sách giáo trình này - về một số vấn đề xung quanh cuốn giáo trình ấy và quan niệm của ông LVQ về việc dạy chữ Nôm mà ô. HTP đã tiếp cận. Là một trong những người có dịp đọc kỹ cuốn Giáo trình tiếng Hán cổ đại - tập I của ô. LVQ tôi muốn bàn lại một số vấn đề sau đây trong bài viết ấy của ô. HTP

1.Theo ô. HTP: “Giáo trình này chưa thỏa mãn được mục đích và phưong pháp như lời nói đầu của sách đề ra(2). Thiết nghĩ, bộ giáo trình có đến 5 tập, ô. HTP mới chỉ đọc, chỉ tiếp cận tập I (tập đầu), chứ chưa đọc hết tất cả 5 tập đó, thế thì, ông căn cứ vào đâu mà khẳng định như vậy ?

2. Ô. HTP lại viết tiếp: “Nhưng với tư cách là sách mở đầu, đặt cơ sở cho một hệ thống sách giáo khoa của một ngành đào tạo Hán Nôm…”(3). Chúng tôi có xem lại lời nói đầu của cuốn giáo trình thì “ bộ giáo trình này nhằm phục vụ các cán bộ và sinh viên ở các ngành: Lịch sử, Triết học phương Đông, Đông y và Trung văn”(4). Rõ ràng bộ giáo trình này không phải là dành đào tạo chuyên ngành Hán Nôm như ô. HTP nói.

3. Cùng trong lời nói đầu cuốn giáo trình, ý muốn của ô. LVQ là “Các nhà nghiên cứu và giảng dạy “Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam” cần phải có một trình độ chữ Hán nhất định để tìm hiểu các vấn đề có liên quan(5). Nhưng ô. HTP lại gán cho cuốn giáo trình một kỳ vọng khác, đó là học xong tập I, người học có đủ cơ sở hiểu biết để học tiếp các giáo trình cao hơn; đủ khả năng biết đọc các văn bản bình thường, bia mộ và các văn học triết học phương Đông, Đông y, tiếng Hán hiện đại(6). Qua đó có thể thấy hình như ô. HTP không chịu đọc kỹ lời nói đầu của cuốn giáo trình.

4. Trong bài viết của mình, ô. HTP còn đưa ra 4 thiếu sót của Giáo trình (tập I) mà theo ông “không thể chia sẻ được với một tác giả như Giáo sư Lê Văn Quán”(7).

a. Khi bàn về văn tự, ô. HTP cho rằng việc ô. LVQ khẳng định “hình chữ có quan hệ mật thiết với nghĩa của chữ” là không chuẩn xác. Ở trang 16 cuốn giáo trình, ô. LVQ có viết: “Chữ Hán là phù hiệu ghi chép tiếng Hán, nó là loại hình văn tự khối vuông (văn tự biểu ý), hình chữ có quan hệ mật thiết với nghĩa của chữ”. Tôi được biết, các nhà Hán học Trung Quốc cũng có cùng quan niệm với ô. LVQ về vấn đề trên. Thí dụ sách Cổ đại Hán ngữ viết: “chữ Hán là phù hiệu ghi chép của tiếng Hán, nó là loại văn tự biểu ý, hình chữ và nghĩa chữ có quan hệ mật thiết với nhau”(8). Từ tr.16 đến tr.28 của giáo trình, ô. LVQ đã lý giải và đưa ra những ví dụ cụ thể để chứng minh cho nhận định trên. Trong khi đó thì ô. HTP không đưa ra một thí dụ nào làm chỗ dựa cho sự phản bác của mình cả.

Thêm vào đó, khi phân tích hình chữ, tác giả cuốn giáo trình đã viết: “Chữ Hán thuộc hệ thống văn tự biểu ý, nói chung thông qua hình chữ biểu hiện nghĩa của từ”(9). Như vậy, chứng tỏ ô. LVQ không nhầm lẫn giữa chữ và từ như ô. HTP đã nói.

b. Chữ Chi. Ở tr.163, theo cách trình bày của giáo trình, thì chi là động từ có nghĩa là “đi”, trong trường hợp cụ thể ở bài 18 (tr.44). Nhưng ô. HTP lại đòi hỏi tác giả phải trình bày đầy đủ chức năng ngữ pháp và nghĩa của chữ chi trong mọi trường hợp điều mà theo chúng tôi nghĩ những người soạn sách có kinh nghiệm không ai làm.

c. Các từ :

+ Điểm chung: Trang 155, tác giả giáo trình đã giải thích: “Điểm chung: giờ (giấc)”. Ở đây, nghĩa của “điểm chung” nên hiểu là giờ hoặc giờ giấc, chứ tác giả không nói nghĩa của từ “điểm chung” là giấc như ông HTP đã viết.

+ Đống. Trang 159, tác giả giáo trình đã ghi 2 nghĩa, nghĩa mở rộng và nghĩa có trong từ điển: “Đống: cái cột, cái đòn nóc nhà”. Nhưng trong bài viết của mình, ô. HTP đã sẻ một nửa, chỉ lấy nghĩa “cái đòn nóc nhà” mà phê phán ô. LVQ là sai. Vả lại, căn cứ vào nội dung của bài 12 (tr.39) thì việc tác giả giáo trình lấy nghĩa mở rộng để dùng trong bài dịch mẫu (tr.188), theo tôi là đúng là hợp lý hơn.

+ Căn. Trang 161, tác giả giáo trình cũng ghi 2 nghĩa mở rộng và nghĩa có trong từ điển: “Căn: gốc cây, rễ”. Nhưng cũng trong bài viết của mình, ô. HTP lại chỉ trích lấy một nghĩa “rễ cây”, dễ làm cho độc giả hiểu nhầm ô. LVQ.

+ Võng. Trang 165, tác giả giáo trình ghi Võng: nói láo, nói bậy”. Ở đây, tác giả giải thích “nói láo” là căn cứ vào nghĩa ở bài đọc (Bài 20, tr.47), nhưng đáng tiếc là tác giả ghi sót chữ ngôn (言), vì đúng ra, “võng ngôn” mới là nói láo. Nhưng ô. HTP thêm nghĩa “nói điêu”, thì chữ này không thấy có trong giáo trình.

+ Chấn. Trang 171, tác giả giáo trình giải thích: “Chấn: sét, rung động, sấm chớp”. Theo tôi, căn cứ vào bài học (bài số 25.1, tr.72), việc tác giả giáo trình dịch “Chấn: sấm chớp” là hợp lí. Cố nhiên, “Đả thiểm”, mới là chớp.

5. Về một số câu dịch.

Trong bài viết, ô. HTP cũng dành một phần để góp ý với tác giả giáo trình về một số trường hợp mà theo ông là dịch sai hoặc không chuẩn mực.

a- “Cổ chi vi trị giã tương dĩ ngu dân”. Trang 92 của giáo trình, ô. LVQ dịch: “Thời xưa, người cai trị định để cho dân ngu:. Còn trong bài viết, ô. HTP dịch là “Ngày xưa người cai trị muốn cho dân ngu”(10). Xem và đối chiếu lời dịch của hai ông, tôi thấy chẳng có gì khác biệt lắm. Cái “thần” của câu văn đều được hai ông dịch đúng. Nên chăng, theo tôi, ô. HTP chẳng nên góp ý câu này làm gì.

b- “Nữ tử bất hảo”. Trong trang 103, tác giả giáo trình viết và dịch như sau: “Đây là người con gái bất hiếu”. Còn trong bài viết, ô. HTP viết “Nữ tử bất hảo, nghĩa là người con gái không đẹp, chứ không phải là người con gái bất hiếu”(11). Ô. LVQ dùng từ “bất hiếu”, dễ gây hiểu nhầm là “không thương yêu cha mẹ”, ít ra là đối với những người không biết chữ Hán. Chữ này khi dùng làm động từ (âm Hán Việt là hiếu hoặc hảo), có thể dịch là “thích”; “bất hiếu” là “không thích”. Còn khi chữ được dùng làm tính từ (âm Hán Việt là hảo), có thể dịch là “tốt”; “bất hảo” là “không tốt”. Dịch là “không đẹp” như ô. HTP cũng không sát nghĩa.

c. “Thần Nông chi thế nam canh nhi thực, nữ chức nhi ý, hình chính bất dụng nhi trị, giáp binh bất khởi nhị vượng”. Ở giáo trình (tr.92), tác giả dịch: “Đời Thần Nông, con trai cày ruộng mà ăn, con gái dệt vải mà mặc, chính hình không dùng mà yên trị, quân đội không dùng mà thịnh vượng”. Còn trong bài viết, ô. HTP lại dịch thành: “Không dùng hành chính mà vẫn yên trị, không động binh mà vẫn thu phục được thiên hạ”. Chỗ khác nhau cơ bản trong hai cách dịch là ở chữ “hành chính”. “Hình” ở đây là hình pháp, hình luật. Dịch “hình chính” là “hành chính” như ô. HTP, hoàn toàn không có cơ sở. Dịch là “chính hình” như ô. LVQ cũng chẳng có gì sai.

Nhưng trường hợp còn lại dưới đây, ô. HTP đã góp ý kiến đúng:

+ Chữ (tr.172) là Diệp, chứ không phải là Hoa (âm Hán Việt).

+ “… ẩm thực chi chính dã” (tr.109) nên dịch là “mùi vị chính của đồ ăn thức uống” thì câu văn sẽ sáng hơn.

+ “Mặc bi nhiễm ty” (bài 13, tr.39) là tên bài đọc, cho nên dịch như ô. HTP có lý hơn. Tất nhiên, tôi không biết, có nhiều nhà Hán học có uy tín có những cách dịch khác với cách dịch của ô. HTP và ô.LVQ về cái tên của bài đọc này.

Dù có những sai sót nhất định, theo tôi cuốn Giáo trình tiếng Hán cổ đại của ông LVQ rất bổ ích và thiết thực cho tất cả những ai bắt đầu học môn ngoại ngữ này.

Còn những vấn đề liên quan đến việc học chữ Hán và chữ Nôm, chúng tôi sẽ trao đổi ý kiến vào một dịp khác.

CHÚ THÍCH

(1) Xem: Tạp chí Hán Nôm, số 2 (15) - 1993, tr.40-45.

(2) (3) Tcdd, tr.41.

(4) GS. Lê Văn Quán: Giáo trình tiếng Hán cổ đại (Tập I), Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, H. 1991, tr.3.

(5) Sđd, tr.3.

(6) (7) Tcđd, tr.41.

(8) Trình Hy Lam, Ngô Phúc Hy (chủ biên): Cổ đại Hán ngữ, Cát Lâm nhân dân xuất bản xã, 1983, tr.1.

(9) Sđd, tr.57.

(10) Tcđd, tr.42. (11) Tcđd, tr.43.

(11) Tcđd, tr.43./.

TB

MỘT TẤM BIA GÓP TÌM HIỂU QUÊ QUÁN TÔ HIẾN THÀNH

NGUYỄN THỊ THẢO

Tô Hiến Thành là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, có nhiều công lao trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước thời nhà Lý. Thế nhưng về hành trạng, đặc biệt là quê hương bản quán của ông nhiều sách vẫn còn để ngỏ hoặc đánh dấu hỏi nghi ngờ. Chẳng hạn sách Dưỡng Trai tập (ký hiệu A.429, Thư viện Viện Hán Nôm) tờ 13, phần Nhân vật chí, Vũ Phạm Khải viết: “Phàm các danh thần thời trước, đều có ghi chép đầy đủ. Nhưng trong đó như Đinh Điền, Nguyễn Bặc đời nhà Đinh, Thái úy Tô Hiến Thành đời nhà Lý, sử cũ đều không ghi chép quê quán. Song hai ông Đinh Điền, Nguyễn Bặc… sử nhà Lê chép hai ông cùng làng với Đinh Tiên Hoàng, tức ở tỉnh Ninh Bình là không còn nghi ngờ gì nữa. Riêng Tô Hiến Thành thì không ghi ở đâu, có người nói ông là người Bắc Ninh, có người nói ông là người Thanh Trì, Hà Nội. Nay thấy ở xã Vĩnh Trung thờ ông làm phúc thần, sẽ dò hỏi rộng khắp mọi nơi, may ra tìm được quê quán ông chăng ! Nếu không tìm được thì tạm theo thuyết cũ trên đây và để tồn nghi đợi khảo cứu sau vậy”(1).

Gần đây, nhân chuyến đi công tác về xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, chúng tôi tìm thấy một tấm bia dựng năm Bảo Đại thứ ba (1928), văn bia cho biết nơi đây hãy còn hai tấm bia cũ, một nói về Tô Hiến Thành, một nói về Đỗ Khắc Chung. Hai ông đều là người bản xã, được dân xã thờ làm tiên hiền. Về Tô Hiến Thành trong bia ghi rõ: Ông thi đỗ Thái học sinh khoa Mậu Thìn (1138) niên hiệu Thiệu Minh đời Lý, làm quan đến Thái phó nhập nội kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, sau thăng Thái úy, rồi lại thăng Thái sư Trung tiết vương….

Sau đây, xin dịch toàn văn bài bia để bạn đọc tham khảo.

BÀI KÝ TRÊN BIA VĂN HIẾN ĐƯỜNG Ở KIM SƠN

Ngọn núi ở phía đông miền Ô Diên, phía nam hàm rồng, góc tây bắc là làng, đấy là núi Kim. Ngôi nhà ở trên đỉnh núi, phía tây tây bắc có rồng thiêng tỏa khí, phía đông đông nam có dòng nước chầu về, đó chính là nhà Văn hiến vậy. Trong nhà Văn hiến có hai tấm bia lớn sừng sững cùng hai pho tượng trang nghiêm, đó chính là thành tích của hai vị tướng họ Tô và họ Đỗ, bậc tiên hiền của xã ta. Tô tướng công(2) ở vào thời Lý, niên hiệu Thiệu Minh năm đầu (1138) thi đỗ Thái học sinh, được nhận chức Thái phó nhập nội, kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, sau thăng giữ chức Thái úy, rồi lại thăng Thái sư Trung tiết vương. Ngài trong thì giúp rập thái tử, ngoài thì tuần tra biển nam, núi sông một tay, son sắt một dạ, danh thơm tiếng lớn giữa hết văn hiến triều đình. Từ sau được hồi Y Doãn, Chu Công, có lẽ chưa có ai hơn được Ngài vậy.

Từ Lý đến Trần, từ Trần đến Lê, Đỗ tướng công(3) nổi lên kế tiếp. Ngài đỗ nhị giáp cấp đệ chánh Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi năm Hồng Đức thứ 16 (1475) được ban Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, nhập nội thị, tả thị lang, đứng đầu khoa Kim cương tám bộ, tham dự hội Quỳnh uyển cửu ca. Sử sách khen vua Thánh Tông văn võ toàn tài, anh hùng vượt cả trăm đời, lại có ngài và hai mươi tám ngôi sao Tao Đàn bên cạnh giúp đỡ. Văn hiến thời Lê rực rỡ chính là lúc này vậy.

Hai ngài sống cách nhau khoảng ba trăm năm, cảnh ngộ không giống nhau, thời thế không giống nhau, nhưng đều là bậc văn hiến đứng đầu trong nền văn hiến nước ta. Người xưa đã từng dựng bia ghi lại để bổ xung những chỗ khiếm khuyết của Văn hiến thông khảo. Dựng bia là việc không thể thiếu được vậy nhà Văn hiến có thể thiếu đựơc sao?

Từ đời Thành Thái trở về trước, nhà Văn hiến này chưa có, bia kỷ niệm còn đặt bên bờ ruộng khoa trường; ngoài nhà để bia ra, bốn bề gió lộng. Kìa những bậc lừng khoa danh, những người nổi sự nghiệp, trải các triều đại, đều dựng miếu phụng thờ, gấm hoa phong sắc, ở Văn chỉ hàng huyện, xuân thu hai kỳ, vẫn hương khói thờ cúng. Vậy mà ở nơi làng quê xưa cũ, chỉ còn một tấm bia tàn ở chốn đồng hoang nội vắng. Hàng năm vào rằm tháng ba, ngoài ngày hội tư văn cúng lễ, thì chỉ có kẻ chăn trâu cắt cỏ lại qua, những người có tâm huyết ít ai coi bia đó như bia ở núi Nghiễn.

Từ đời Lê về sau, cuộc thế dời đổi mấy lần mà nơi đây vẫn chưa tu sửa được gì, hình như muốn trông đợi ở người đời nay vậy. Nay gặp Tam Thánh đế quân điện hạ khai hóa mở mang, vào ngày rằm tháng tám năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân thứ nhất (1907) ban làm quyển Cổ kim truyền lục(4) để ngoài việc làm đẹp luân thường đạo lý ra, đặc biệt giành một chương đề cao công đức, cầm lên đọc kỹ, rõ ràng có ý phải xây dựng (Văn hiến) đường… Dĩ nhiên là phải chọn đất, chọn gỗ tốt, hướng sáng sủa, nơi không lụt lội và thế đất bằng phẳng, để làm ngôi nhà này.

Nhưng làm nhà ở đâu thì còn chưa xác định. Đến mồng một tháng mười, sách hoàn thành, thánh ban cho năm sáu bài thơ, lúc bấy giờ hướng núi hướng sông, tất cả đều mới rõ. Hình dáng thực của núi Kim này mới hiện ra. Năm tháng hết rồi mà chưa xây dựng được gì ! Ngày 26 tháng chạp, trời mưa to gió lớn, nước ngập tràn nơi bể bia. Bỗng nổi lên một đám mây hồng, tỏa ra muôn ánh hào quang trời đất rung động, hang núi vang dội. Lát sau mưa tạnh, người xem đông nghịt, thì nền đá vỡ, cột đá gẫy mà tấm bia vẫn sừng sững đứng nguyên giữa trời quang.

Năm sau, cuối xuân Mậu Thân (1908), vâng lời bề trên dạy, dựng điện mới ngay trên đỉnh núi Kim, dời bia cũ về đây. Trong điện chính, thờ các vị thần và hai vị tướng công. Ngoài điện có bia, phối thờ các vị thần cùng các vị giám sinh, sinh đồ của các khoa.

Đến mùa xuân năm Kỷ Dậu (1909), công việc hoàn thành, bèn đề lên chỗ cao của ngôi nhà mấy chữ “Kim sơn linh tích” và lấy vàng tô lên bảng lớn đề: “Văn hiến đường”. Nhà mà gọi là “Văn hiến”, thì văn hiến là đủ rõ nghĩa của nó vậy. Nhà ở núi Kim, đủ rõ nghĩa vàng then ngọc dát vậy. Như thế “vật hoa thiên bảo” không phải là ở núi này sao? Người giỏi đất thiêng không phải ở nhà Văn hiến này sao?

Lạ thay, qua bao năm tháng, hoa sen đã tám lần nở rồi lại tàn, mà núi Kim vẫn sừng sững, cây cối um tùm, đẹp đẽ cành lá rung rinh, nước khe róc rách, cùng với hoa núi Dẫn, suối núi Lam chung một cảnh trí. Đó chẳng phải là trời làm đẹp công đức của hai Ngài đó sao? Và để làm nơi chiêm ngưỡng cho người đời sau đó sao? Công trạng của hai Ngài còn mãi với đất nước, Ân trạch của hai ngài còn mãi với xóm thôn, anh linh của hai Ngài, còn mãi giữa khoảng trời đất. Chẳng phải do non cao nên nhà thành rực rỡ mà vì có núi khiến mọi người đều ngưỡng trông. Không những thế, trải các đời lại xuất hiện nhiều bậc hậu hiền, có năm người đỗ đạt, rồi tiếp đến hai mươi sáu người đỗ đạt nữa, tất cả được thờ ở bên phải và bên trái ngôi nhà ấy và muôn đời được hưởng hai chữ “Văn hiến” tại nhà (Văn hiến) ấy, trên ngọn núi này. Thật là một nền tảng, một thang bậc vậy. Đến như những người tới xin thẻ bốc thuốc, tiếng thơm đồn xa, cũng chỉ là tí chút thôi, làm sao nói hết được sự linh ứng, của ngôi nhà [văn hiến] ! Chính ở ngọn núi này, trời đã cho ta ngôi nhà này. Chính ngôi nhà là do trời ủy thác cho để ta làm tốt đẹp thêm ! Xây dựng ngôi nhà đâu phải chỉ do bàn tay của những người thợ khéo léo?

Năm Đinh Mão là năm có năm ngôi sao chầu về sao Khuê, bản đường cùng toàn dân sửa sang đồ tế khí, cùng tế xuân thu, để ngôi Văn hiến đường này có người nhớ đến mà rằng đây là Văn hiến đường của làng ta, trong đó thờ các bậc Văn hiến của làng. Ngẩng đầu lên gần mặt trời hồng, cất bước đi gặp vừng mây trắng. Kim Sơn có thần thường ngầm giúp rập.

Kính cẩn đem họ tên các vị đường sinh cũ và mới cùng các nghi thức ghi vào bia để lưu truyền mãi mãi. Còn như trẻ em đến người lớn, từ kẻ ở gần đến kẻ ở xa, dù tài giỏi đến đâu cũng không thể nào biết hết được sự tích. Vậy làm bài ký này.

Dựng bia ngày 12 tháng 6 năm Mậu Thìn, niên hiệu Nguyễn Bảo Đại thứ 3, tương đương dương lịch ngày 28 tháng 7 năm 1928.

Chánh tổng Bùi Tất Nho, chủ Văn hiến đường, người xã Hạ Mỗ, tổng Thường Hội, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông(5) cùng vị đường sinh hiệu đính.

Thi đỗ sư phạm, bổ làm Tổng sư tổng Thượng Trì là Đường sinh Nguyễn Thế An phụng khảo.

Thi đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu, nhận chức Kiểm tịnh tại Viện Hàn Lâm, người xã Thúy Giang, bản tổng là Quách Như Liệt phụng duyệt.

CHÚ THÍCH

(1) Xem thêm các sách: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1991; Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1993; - Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, Nxb. Văn sử địa, 1958.

(2) Tức Tô Hiến Thành.

(3) Tức Đỗ Khắc Chung.

(4) Ván in sách này hiện còn giữ được khá đủ bộ ở đền thờ Tô Hiến Thành, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.

(5) Xã Hạ Mỗ, nay thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây./.

TB

VĂN BẢN CHỮ HÁN TRÊN PHO TƯỢNG PHẬT THẾ KỶ XV MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN TẠI HÀ BẮC

PHẠM THỊ VINH

Có một pho tượng đá đã lặng lẽ tồn tại suốt hơn 500 năm ở một ngôi chùa tỉnh Hà Bắc mà không mấy ai biết đến giá trị quý giá của nó. Đó là pho tượng Phật Quan Âm mang hai chức năng Nam Hải và Tọa Sơn tại chùa thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, Hà Bắc(1)

Tượng cao 51cm, được đặt trên bệ đá rộng 43cm, cao 37cm. Tượng được tạo theo tư thế ngồi thiền kiểu nhà Phật. Hai chân xếp bằng, hai bàn chân bắt chéo, lòng bàn chân ngửa lên. Hai tay đặt lên đầu gối, một tay cầm chén nước, tay kia đặt nhẹ lên đùi trong tư thế cầm giữ một vật gì đấy, nhưng đã bị sứt phía trên nên không đoán định được. Khuôn mặt bầu, nhân hậu, ngón tay, ngón chân dài. Mũi cao, cánh mũi to, miệng rộng, môi dày có nổi gờ. Vai to. Trên đầu tượng đội mũ. Chính giữa mũ là bông sen, xung quanh là những tia dài uốn cong như mây vờn. Gờ phía trên mũ được tạo bởi những bông hoa cúc nhỏ, gờ phía sau với những tua dài uốn cong, gờ phía dưới tiếp giáp với trán là dải khăn quấn quanh đầu được tạo bởi những dọc song song. Từ chỗ gờ tiếp giáp với hai tai trở về phía trán là những bông cúc nhỏ với khoảng cách đều nhau. Tượng được khoác lên mình hai lớp áo. Lớp trong là áo dài đến tận chân, hai tà áo buông, hở ngực, bụng. Tà áo vắt sang hai cổ tay rồi chảy dài đến chân với nhiều nếp gấp uốn lượn. Hoa văn khắc trên gờ áo trước ngực và sau lưng là những cánh hoa cúc, hoa dây, xen lẫn hoa sen. Từ bả vai trở xuống có những tia dài như tia lửa.

Bệ đá đặt tượng được làm thành 3 phần: trên cùng là bệ sen gồm những bông sen, cánh sen và hoa dây trên bề mặt. Dưới bệ sen là những múi to, khỏe, xòe ra đỡ bệ sen hình tròn ở trên. Khoảng giữa thắt lại, chạm khắc sóng nước, đường văn sóng to, nhấp nhô như hình sin, nhưng khoảng cách không đều nhau. Giữa sóng nước đó là hai con rắn chạm nổi. Đầu chúng có nét giống đầu rồng nhưng không có bờm. Hai đầu rắn đang ngoảnh mặt vào nhau, một con đang thè lưỡi. Thân rắn được tạo dáng mềm mại, uyển chuyển, có vây to. Hai đầu rắn chầu dưới mặt chính của bệ, còn thân của mỗi con rắn được kéo dài về từng mặt của bệ, đuôi chúng gặp nhau và quấn vào nhau ở mặt bệ cuối cùng. Sóng nhấp nhô phía trên và dưới mình rắn. Phần cuối của bệ đá là 2 bậc gờ đá hình vuông.

Khi khảo sát niên đại bức tuợng, thực may mắn chúng tôi đã phát hiện những dòng chữ Hán khắc ở sau lưng tượng và trên bệ đá. Tất cả có 67 chữ. Trong đó 39 chữ khắc trên lưng tượng là: (Phiên âm):

“Lê triều Đệ tam Hoàng đế Thái Hòa Kỷ Tỵ thất niên. Bắc Giang trung lộ Vũ Ninh huyện, Kiệm xã, tín chủ Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bé, Nguyễn Thị Thiếu đẳng”.

Đáng chú ý là 8 chữ “Lê triều Đệ tam Hoàng đế Thái Hòa” viết theo chiều ngang thành 2 dòng:

Lê triều

Đệ tam Hoàng đế Thái Hòa.

Còn từ các chữ “Kỷ Tỵ thất niên (...) đẳng” viết theo chiều dọc, từ phải qua trái.

Các chữ khắc ở bệ đá là: “Thái Hòa thất niên tuế thứ Kỷ Tỵ bản xã tín chủ Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bé, Nguyễn Thị Thiếu, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều đẳng”. Những chữ này viết thành 2 hàng ngang trên hai gờ đá.

Hai phần chữ Hán được khắc trên lưng và bệ đá của tượng có nghĩa là:

“Năm Kỷ Tỵ niên hiệu Thái Hòa thứ 7 triều vua thứ ba nhà Lê (1449). Các tín chủ ở xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung là: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bé, Nguyễn Thị Thiếu, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều”.

“Năm Kỷ Tỵ niên hiệu Thái Hòa thứ 7. Các tín chủ ở bản xã là Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bé, Nguyễn Thị Thiếu, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều”

Xem xét văn bản chữ Hán trên đây ta thấy:

- Cả hai lần chữ khắc ở sau lưng tượng và bệ đá đều khẳng định: tượng được một nhóm người có lòng hảo tâm dựng và cung tiến vào năm Kỷ Tỵ Thái Hòa thứ 7, tuy rằng thứ tự ghi năm can, chi và niên hiệu có hơi khác nhau. Niên đại phía sau lưng ghi thật là cụ thể, rõ ràng thậm chí có thể nói là dư thừa về thông tin.

Dưới chân gỗ bệ đá đặt tượng, lại nhắc lại lần nữa niên đại tạo dựng tượng “ Thái Hòa thất niên tuế thứ Kỷ Tỵ”. Và tên những người cung tiến lại một lần nữa xuất hiện. Có lẽ như thế cốt để cho đời sau khỏi hiểu lầm, cho là tượng và bệ đá không phải là một, do hai thời điểm khác nhau và những người khác nhau cung tiến.

Địa danh ghi trong văn bản “Bắc Giang Trung lộ Vũ Ninh huyện…” là những tên huyện, lộ chỉ xuất hiện vào cuối đời Trần - Hồ đến đầu thời Lê sơ(2). Sang đến đời Lê Thánh Tông, năm 1446, vùng này đã đổi lại là “ Thừa Tuyên Bắc Giang”. Huyện Vũ Ninh cũng là tên huyện xuất hiện vào thời Lê sơ, đến cuối đời Trần - Hồ, nằm trong địa phận của lộ Bắc Giang(3). Đến thời Lê Trung hưng, huyện Vũ Ninh được đổi thành hai huyện Võ Giang và Quế Dương. Xã Kiệm là tên cổ của xã Cung Kiệm huyện Võ Giang (nay là thôn Cung Kiệm xã Nhân Hòa). Các bia còn lại hiện ở chùa Cung Kiệm từ thời Lê Chính Hòa đến thời Quang Trung đều ghi là xã Cung Kiệm. Khi điều tra tên thôn xã thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, chúng tôi có gặp các cụ cao tuổi trong thôn để hỏi về tên thôn. Các cụ cho biết: từ lâu lắm rồi gọi là Kiệm chứ không phải là Cung Kiệm. Điều này phù hợp với địa danh “xã Kiệm” ghi sau lưng tượng.

- Về nghệ thuật mô típ trang trí văn hóa, chúng tôi cũng có một vài nhận xét là: Kích thước pho tượng nhỏ như một số tượng quan hầu thời Lê sơ tại Điện Lam Kinh(4). Hoa văn sóng nước nhấp nhô với làn sóng to khắc trên bệ đá của tượng phù hợp với nét chủ đạo của hoa văn thời Lê sơ trên các bia đá là hoa văn sóng nước với những sóng to hình sin(5).

Như vậy, theo chúng tôi, dựa trên cơ sở văn bản chữ Hán trên pho tượng cùng với một số nét về hoa văn trang trí: Sóng nước, hoa dây nêu trên có thể xác định đây chính là một tác phẩm mĩ thuật về tượng của thời Lê sơ. Ngoài ra một số tự dạng của chữ Hán mang đậm nét dấu ấn của thời đại. Như kiểu viết chữ “niên”. Bình thường chữ “niên” viết phải đủ nét. Nhưng một số văn bản cổ chữ vẫn hay viết thành hoặc. Nhất là trong bia đá, kiểu viết chữ “niên” như thế thường thấy xuất hiện trên các bia thời Trần, thời Lê sơ. Sang đến các đời sau rất ít gặp. Chúng tôi đã so sánh tượng này với một số bia có niên đại Thái Hòa thì thấy rằng kiểu viết chữ “niên” đặc biệt như trên là giống nhau(6).

Hy vọng rằng việc phát hiện và xác định niên đại Lê sơ cho pho tượng này sẽ là một cái mốc quan trọng để bổ sung cho mảng tượng Lê sơ hiện còn trống vắng trong lịch sử mĩ thuật nước ta. Hiện vật quý hiếm này cần được giữ gìn và bảo vệ.

Tháng 8 - 1993

CHÚ THÍCH

(1). Pho tượng này do Phạm Thị Vinh - Lã Minh Hằng phát hiện. Nhân đây cho phép chúng tôi gửi lời cảm ơn tới các cụ cao tuổi, các chính quyền thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa và các đồng chí ở phòng Văn hóa - Thể thao huyện Quế Võ đã giúp đỡ chúng tôi trong việc phát hiện ra pho tượng này.

(2), (3). Theo Địa chí Hà Bắc, Sở Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1982.

(4). Xem Mỹ thuật thời Lê sơ, Nxb. Văn hóa.

(5). Ví dụ hoa văn trên các bia Lam Sơn Vĩnh lăng bi tạo năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Bảo lai tự phụng Phật bi tạo năm Thiệu Bình thứ Thiên Nam Đệ nhất (1434) (kí hiệu 17773), hoặc Ông chủ lưu đề tạo năm Quang Thuận 8 (1467) (ký hiệu 7968).

(6). Ví dụ bia Bối động thánh tích bi kí tạo năm Thái Hòa 11 (1453) (kí hiệu 2104-06).

TB

MỘT BẢN ĐỊA BẠ THỜI THÁI ĐỨC

HUỲNH CÔNG BÁ

Vừa qua, trong quá trình đi điền dã tại thôn 8 (Phú Lộc), xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi có tìm được một bản địa bạ đời Thái Đức năm thứ 8 (1785). Đây là một loại địa bạ xưa còn lại rất ít trên đất Quảng Nam, mà trước đây các phái đoàn nghiên cứu của Học viện Viễn đông Bác cổ thường gọi là “tiền bộ”, là một trong những cơ sở để họ xác định tiền hiền trong các làng xã thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng.

Địa bạ gồm 12 tờ (24 trang), giấy bồi, khổ 29,5x17,5cm, chữ Hán, Nôm. Trang bìa ghi: “Ất Tỵ niên - Thân bộ - Phú Châu thuộc, Bàu tròn châu”. Trang cuối ghi niên hiệu: “Thái Đức bát niên, thập nguyệt nhị thâp nhất nhật”. (Ngày 27 tháng10 năm Thái Đức - tức ngày 17/12/1785).

Đoạn mở đầu (tờ 2a) viết: “Điện Bàn phủ Nội phủ, Phú Châu thuộc, thổ số Bàu Tròn châu, Trùm Năm Lê Tất Sĩ, Giáp Thanh Lê Tất đặng, Cha Vân Đỗ Viết Vân, Cha Trang Trương Viết Thiện, Cha Trường Lê Viết Tức, bổn châu đẳng. Thân kê: Nhất thừa khai do Ất Tỵ niên thừa hữu thể bộ Tăng - Điện nhị phủ. Thần dân đẳng mỗ danh hữu công tư điền thổ, cứ kim canh trực khai tiêu đầu nộp. Tái từ truyền hứa bỉ đẳng tự siêu tự đạc, thảng dư can mẫu tiêu khai tận ngữ. Chí nội bổn châu bỉ đẳng dĩ đầu khai túc số. Tư bỉ thừa khai bổn thổ các danh thực canh dĩ đầu nộp quan thuế, tịnh thủy khai tăng tục, các khoảnh, cụ trần vu thứ”.

Tạm dịch như sau: “Số liệu đất đai của châu Bàu Tròn, thuộc Phú Châu, phủ Điện Bàn. [Các chủ đất] thuộc bổn châu gồm Trùm Năm Lê Tất Sĩ, Giáp Thanh Lê Tất Đặng, Cha Vân Đỗ Viết Vân, Cha Trang Trương Viết Thiện, Cha Trường Lê Viết Tức v.v… xin kính trình: Vâng lệnh kê khai theo thể lệ địa bạ năm Ất Tỵ của hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Thần dân, chúng tôi, gồm những họ tên đã nêu, có số ruộng đất công tư hiện đang canh tác, xin được trực tiếp kê khai để nộp [thuế]. Lại cho phép dân chúng tôi được tự đo đạc ruộng đất, nếu có thừa diện tích thì phải kê khai một cách đầy đủ. Đến [nay] dân trong bổn châu chúng tôi đã kê khai đầy đủ các số liệu. Vì vậy nay bổn châu chúng tôi xin vâng lệnh kê khai số ruộng đất thực canh đã nộp thuế, cùng với số lượng đất khai khẩn buổi đầu và số khai khẩn thêm về sau, tất cả các khoảnh, xin được trình bày một cách đầy đủ theo thứ tự liệt kê như sau”.

Phần tiếp theo, địa bạ liệt kê số ruộng đất, vườn ở, các khoảnh, diện tích, xứ “tọa lạc”, do “tiền canh” hay “tang khai”, đông tây tứ cận từng khoảnh của 8 chủ hộ. Tổng cộng toàn bổn châu “tang căn tư thổ lục thập mấu lục cao ngũ xích lục thốn” (60 mẫu 6 sào 5 thước 6 tấc tư). Trong đó(1) phần “tiền canh” 31 mẫu 9 sào 2 thước 3 tấc, phần “tăng khai” 28 mẫu 7 sào 3 thước 3 tấc. Đó là số đất phải chịu thuế, cụ thể theo thứ tự như sau(2):

1- Trùm Năm Lê Tất Sĩ đất phần canh 12 mẫu 5 sào 10 thước 9 tấc tại 2 xứ Phúc Khang và Bốc Mã. Trong đó phần “tiền canh” là 5 mẫu 1 sào 2 tấc gồm 2 thửa “tổ phụ” lưu, cộng 2 mẫu 7 sào và 6 thửa do “thân huynh” và “thân tỉ” lưu, cộng 4 mẫu 7 sào 10 thước 7 tấc. Phần “tăng khai” do “chiếm canh” là 7 mẫu 4 sào 10 thước 7 tấc gồm 2 thửa tại xứ Phúc Khanh, cộng 2 mẫu 2 sào 1 thước 6 tấc và 4 thửa tại xứ Bốc Mã, cộng 2 mẫu 8 sào 13 thước 6 tấc.

2- Giáp Thanh Lê Tất Đặng đất phần canh 22 mẫu 3 sào 8 thước tại 2 xứ Phúc Khang và Bốc Mã. Trong đó phần đất “tiền canh” là 11 mẫu 1 sào 1 thước 4 tấc gồm 4 thửa do “tổ phụ” lưu, cộng 5 mẫu 8 sào 6 thước 1 tấc và 5 thửa do “thân huynh” và “thân tỉ” lưu, cộng 5 mẫu 2 sào 10 thước 3 tấc. Phần “khai tăng” do “chiếm canh” là 11 mẫu 2 sào 6 thước 6 tấc gồm 2 thửa tại xứ Phúc Khang cộng 3 mẫu 6 thước 4 tấc và 10 thửa tại xứ Bốc mã, cộng 8 mẫu 2 sào 2 tấc.

3- Giáp Vân Đỗ Viết Vân đất phần canh 14 mẫu 2 sào 9 thước tại 2 xứ Phúc Khang và Bốc Mã.Trong đó phần “tiền canh” là 11 mẫu 6 sào 7 thước gồm 2 thửa do “tổ phụ” lưu, cộng 2 mẫu 5 sào 10 thước, 1 thửa do “thân thúc” lưu, cộng 3 mẫu 1 sào 4 thước và 5 thửa do “thân đệ” lưu, cộng 5 mẫu 9 sào 8 thước. Phần “tăng khai” do “chiếm canh” là 2 mẫu 6 sào 2 thước gồm 1 thửa tại xứ Phúc Khang, cộng 1 mẫu 2 sào 9 thước và 1 thửa tại xứ Bốc Mã, cộng 1 mẫu 3 sào 8 thước.

4- Cha Trang Trương Viết Thiện đất phần canh 4 mấu 3 sào 14 thước do “chiếm canh” gồm 2 thửa tại xứ Phúc Khang, cộng 2 mẫu 5 sào 6 thước và 3 thửa tại xứ Bốc Mã, cộng 1 mẫu 8 sào 8 thước.

5- Cha Trường Lê Viết Tức đất phần canh 2 mẫu 9 thươc 5 tấc tại 2 xứ Phúc Khang và Bốc Mã. Trong đó phần “ tiền canh” gồm 1 thửa cộng 1 mẫu 14 thước 7 tấc tại xứ Phúc Khang do “tổ phụ” lưu. Và phần “ tăng khai” do “chiếm canh” gồm 1 thửa, cộng 9 sào 10 thước tại xứ Bốc Mã.

6- Giáp Lành Nguyễn Viết Thống đất phần canh 2 mẫu 8 sào 14 thước tại 2 xứ Phúc Khang và Bốc Mã. Trong đó phần “tiền canh” là 1 mẫu 9 thước gồm 1 thửa, cộng 1 mẫu 9 thước tại xứ Bốc Mã do “tổ phụ” lưu. Và 2 thửa tại xứ Bốc Mã cộng 9 sào, 1 tại xứ Phúc Khang, cộng 9 sào 5 thước, có lẽ do “chiếm canh” (văn bản không ghi rõ).

7- Mụ Thạc Nguyễn Thị Nai đất phần canh 1 mẫu tại xứ Phúc Khang thuộc đất “tiền canh” do “tạo mãi” gồm 2 thửa: 1 thửa 6 sào và 1 thửa 4 sào.

8- Mẹ đào Hồ Thị Cúc đất phần canh 1 mẫu 1 sào tại 2 xứ Phúc Khang và Bốc Mã. Trong đó phần “tiền canh” do “tổ phụ” lưu, là 9 sào gồm 1 thửa tại xứ Phúc Khang, cộng 7 sào và 1 thửa tại xứ Bốc Mã cộng 2 sào. Phần “tăng khai” có lẽ do “chiếm canh” gồm 1 thửa tại xứ Bốc Mã cộng 2 sào.

Ngoài ra, cả bổn châu còn có 32 mẫu 1 sào 14 thước 4 tấc đất chùa miếu (tự miếu), đất gò (thổ khư), đất cát trắng (bạch sa), đất nền cát (sa cơ), đất lở (thủy phá) và đất hoang (hoang thổ) tại 2 xứ Phúc Khang và Bốc Mã. Trong đó có phần “tiền chiếm biệt trưng” 10 mẫu tại xứ Phúc Khang.

Cuối cùng là phần cam đoan và “bổn châu đồng điểm chỉ” gồm dấu chấm tay của các ông Lê Tất Sĩ, Lê Tất Đặng, Đỗ Viết Vân, Trương Viết Thiện, Lê Viết Tức, và “tá bộ” là Trò Thuận ký. Có dấu phê “Phú chấp bằng” của quan “Phụ chính”.

Bản địa bạ đã cung cấp những thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu về công cuộc khẩn hoang đất Bàu Tròn, tức là làng Phú Lộc về sau, thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng. Với Ô châu cận lục (giữa thế kỷ XVI) chưa thấy có địa danh Bàu Tròn. Dựa vào cước chú “do tổ phụ lưu lại” của bản địa bạ đối chiếu với phổ hệ của những tộc lâu đời trong làng (đến thời điểm lập địa bạ là đời thứ 3) cho phép khẳng định xã hiệu “Bàu Trong châu” ra đời sớm nhất là giữa thế kỷ XVII. Địa bạ cũng cung cấp những số liệu cụ thể về ruộng đất khai phá lúc ban đầu và số mở rộng về sau, cung cấp những họ tộc đầu tiên đến khẩn hoang đất Bàu Tròn (như Lê Tất, Đỗ Viết, Lê Viết, Nguyễn Viết…) v.v..

Huế, 19/ 6/ 1993

CHÚ THÍCH

(1), (2) Số liệu do chúng tôi tổng hợp trên văn bản./.

TB

"THƯỢNG CỔ XÃ TAM SƠN ĐỒNG DÂN CÔNG ƯỚC CHÍ" MỘT VĂN BẢN CÓ GIÁ TRỊ

BÙI XUÂN ĐÍNH

Tại nhà ông Ngô Ngọc Minh ở xóm Đông, làng Tam Sơn thuộc xã Tam Sơn (huyện Tiên Sơn, Hà Bắc) hiện còn lưu giữ một văn bản có tiêu đề Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí (trong bài viết này gọi tắt là Tam Sơn công ước chí) . Sách dày 162 trang, viết trên giấy bản khổ 28x16cm. Hầu hết các trang là chữ Hán, nét chữ chân phương, dễ đọc, song ở một số trang lại có chữ Nôm, hơi khó đọc. Văn bản được lập ngày 19 tháng 8 năm Duy Tân thứ 5 (1911), trên cơ sở cải biên bản cũ (nay đã bị mất). Chữ viết ở hầu hết các trang là cùng nét, cùng thứ mực, song ở một số trang, chữ viết bằng mực khác và nét chữ khác, có lẽ do được bổ sung về sau. Ở đại đa số các trang đều có dấu của lý trưởng.

Làng Tam Sơn hồi cuối Lê đầu Nguyễn thuộc xã Tam Sơn, tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Nằm ở đồng bằng, nhưng giữa làng nổi lên ba ngọn núi đất, gồm núi Vường, núi Giữa, và núi Chùa, tên chữ gọi chúng là Tam Sơn. Tên xã “Tam Sơn” cũng nhân đó mà thành. Điều này đã được sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận(2)

Từ xưa, Tam Sơn nổi tiếng là làng có kinh tế trù phú, có nghề dệt lụa khá phát đạt, ghi trong sách Kinh Bắc phong thổ ký. Tam Sơn còn nổi tiếng là làng khoa bảng với 2 Trạng nguyên, một Bảng nhãn, một Thám hoa, 12 Tiến sĩ và một Phó bảng qua các kỳ thi của nhà nước phong kiến, trong đó Nguyễn Quan Quang là Trạng nguyên đầu tiên của nước nhà, trong kỳ thi Đại tỷ tổ chức lần đầu vào năm 1246.

Trở lại với văn bản Tam Sơn công ước chí. Qua nghiên cứu bước đầu chúng tôi thấy văn bản gồm các phần với những nội dung sau:

1. Từ trang 1 đến trang 2: Ghi lại nội dung 4 bài thơ tương truyền là của các tôn thần nguyên là cung phi thời Lý giáng bút, khi đến vãn cảnh chùa Tam Sơn, tức chùa Cảm Ứng (bản tự Lý triều cung phi tông thần giáng bút) Tên của tôn thần các cung phi đó là Thần Châu, Bảo Liên và Thuận Dương công chúa.

2. Trang 5 - 12: Liệt kê các vị Thần, Phật được thờ ở chùa Cảm Ứng. Ngoài các vị tôn thần cung phi nhà Lý, cùng các thiền sư Định Hương, Bảo Tính, Minh Tâm - những vị thế sư nổi tiếng có uy tín lớn đối với vua Lý Thái Tông mà sách Thiền uyển tập anh đã ghi nhận(3)

Chùa còn thờ các vị thành hoàng làng (Sơn thần, Trang nguyên Nguyễn Quan Quang và Tiến sĩ khoa Giáp Tuất đời Hông Thuận (1514) Nguyễn Tự Cường), các vị “tiên hiền bản xã” (16 Tiến sĩ của làng), các vị gia tiên, những người đặt hậu Thần, hậu Phật, các vị đương niên hành khiển và cả Thần nông nghiệp nữa.

3. Trang 13: Nghi thức tế lễ ở chùa Cảm Ứng, theo nghi thức tế Thành hoàng ở đình làng.

4. Trang 15 - 44: Phần này có tiêu đề chung là “ Toàn niên tế văn”, ghi lại các bài văn tế thần, văn cúng Phật trong các kỳ lễ tiết tại các khu vực của chùa Cảm Ứng. Kế đó là các đôi câu đối tại các nơi trong chùa.

5. Trang 45 - 106: Với tiêu đề “Bản xã công lệ”. Đây là phần chính của “Tam Sơn công ước chí” mà thực chất là hương ước của làng, gồm 60 điều, trong đó các điều khoản nói về việc biện lễ và tế lễ chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Ngoài ra, còn có một số điều nói về việc bảo vệ ba ngọn núi, bảo vệ an ninh và sản xuất, quy định về ngôi thứ, lên lão, chế độ của làng với những người đi thi và đỗ đạt, lệ nộp cheo làng v.v…

6. Trang 107 - 138: Chép về số công điền còn lại của làng trong đó có ghi rõ diện tích, phân bố, cách phân phối và sử dụng v.v.. của từng loại ruộng.

7. Trang 139 - 144: Ghi số lễ vật (lợn, xôi, oản, chuối cùng các phụ phí khác) mà các thôn(4) phải nộp đủ cho các kỳ lễ tiết trong nhiệm kỳ đăng cai của mình.

8. Trang 145 - 148: Ghi niên hiệu triều vua, ngày tháng năm lập văn bản, tiếp đó là họ tên những người đứng ra lập văn bản. Trong số họ có Nguyễn Thiện Kế, người đứng đầu văn bản, đỗ Phó bảng năm 1898 và Ngô Tác Tân (Lý Trưởng), thân sinh đồng chí Ngô Gia Tự. Cả hai ông đều đã tham gia Đông Kinh nghĩa thục, sau khi phong trào lắng xuống, trở về làng đứng ra vận động cải tổ phong tục, trọng tâm là bỏ lệ tế, rước thành hoàng bằng trâu, thay bằng oản và hoa quả. Kết quả của cuộc cải tổ này đuợc ghi rõ trong phần “Bản xã công lệ”.

9. Trang 149-158: Chép một số điều lệ sửa đổi vào năm Bảo Đại thứ 6 (1913). Nét chữ, nét mực ở những trang này khác hẳn với các trang trước và các trang này không có dấu lý trưởng, tiếp đó là nội dung bài điệp văn hòa bình và bài thơ họa lại bài “Vịnh cây bèo” gửi Mao Bá Ôn - tướng nhà Minh vào năm 1541. Từ trước tới nay, giới nghiên cứu vẫn cho rằng bài điệp văn và bài thơ này là của Giáp Hải tức Trạng Kế. Song theo các cụ già Tam Sơn và cuốn Lịch sử họ Ngô tổng hợp(5) thì đó là của Ngô Miễn Thiệu, người làng Tam Sơn, đỗ Trạng nguyên năm 1518, sau làm quan Thượng thư nhà Mạc.

Qua phần điểm những nội dung chính của Tam Sơn công ước chí, chúng tôi thấy văn bản này có một giá trị như sau:

1.Trước hết, Tam Sơn công ước chí góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề về lịch sử chùa Cảm Ứng trong mối quan hệ với triều Lý. Việc chùa Cảm Ứng còn có tên là chùa “Ba Sơn”, việc tôn thần nguyên là cung phi nhà Lý đề thơ tặng chùa Cảm Ứng, cùng việc xác nhận các thiền sư Định Hương, Bảo Tính, Minh Tâm được thờ tại chùa này (mà sách Thiền uyển tập anh ghi rõ là chùa Cảm Ứng ở núi Ba Sơn - tên cũ của Tam Sơn), cho phép chúng ta suy luận chùa được hình thành từ rất sớm, trước thời Lý. Đối chiếu những ghi chép về chùa Cảm Ứng của văn bản này với các sách Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Thiền uyển tập anh, chúng tôi cho rằng chùa Cảm Ứng ở núi Tam Sơn là nơi Lý Công Uẩn đưa sư Vạn Hạnh về ẩn náu, tránh sự truy lùng của Lê Ngọa Triều khi trong dân gian xuất hiện câu sấm truyền, được Vạn Hạnh cắt nghĩa với sự diệt vong của nhà Tiền Lê và sự lên ngôi của Lý Công Uẩn; chứ không phải các ông về trốn ở núi Tiêu Sơn (xã Tương Giang) như các tác giả của Toàn thư và dịch giả sách này và sách Việt sử lược đã khẳng định(6). Thời Lý, chùa là một chùa lớn nên mới được các thiền sư có thế lực và uy tín với vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) như Định Hương, Bảo Tính, Minh Tâm về trụ trì, hành đạo(7). Vì thế, vua Lý Thái Tông vì muộn con nên từng về đây cầu tự vào năm 1061 và đến năm 1063 ông đã cho xây chùa(8). Như vậy, chùa Cảm Ứng có một vị trí quan trọng nhất định đối với triều Lý và nước đại Việt thế kỷ XI.

1. Hệ thống các vị thần, Phật được ở chùa Cảm Ứng mà Tam Sơn công ước chí đã ghi là tư liệu quý để nghiên cứu một hiện tượng dân tộc học - tôn giáo khá độc đáo của dân làng Tam Sơn. Chùa là nơi hội tụ của các tín ngưỡng dân gian (thờ thành hoàng, thờ tổ tiên) với các tôn giáo khác như Phật giáo (các vị Phật, các thiền sư thời Lý, những người đặt hậu Thần, hậu Phật), Nho giáo (các vị tiên hiền bản xã tức 16 Tiến sỹ của làng), Đạo giáo (các vị đương niên hành khiển). Đặt việc thờ cúng này trong bối cảnh làng Tam Sơn nổi tiếng là một làng Nho học và khoa bảng mới thấy được hiện tượng dân tộc học độc đáo đó. Đây là biểu hiển rõ nét nhất của sự “hỗn dung tôn giáo” của người Tam Sơn nói riêng và người Việt nói chung.

2. Với nội dung tương đối tổng hợp, gồm hương ước, sự phân cấp và sử dụng công điền, việc tổ chức biện lễ và tế lễ cho hệ thống các vị Thần, Phật được thờ ở chùa Cảm Ứng…, Tam Sơn Công ước chí là nguồn tài liệu quí để nghiên cứu làng Tam Sơn trên bình diện dân tộc học từ cơ cấu tổ chức, vấn đề ruộng đất công, đến tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, qua phần của mục “Bản xã công lệ”, người đọc dễ dàng nhận thấy nét khác biệt nhất về cơ cấu tổ chức của thiết chế làng xã Tam Sơn cổ truyền là giáp không giữ một vai trò gì trong việc điều hành việc làng, không phải là “đinh chốt”, một mắt xích quan trọng nhất trong sự vận hành tổng thể của cơ cấu tổ chức của làng Việt - như nhà dân tộc học Trần Từ đã nêu lên trong tác phẩm Cơ cấu tổ chức của làng Việt Cổ truyền ở Bắc Bộ(9).

Bởi thế, thiết chế giáp không hề được nhắc đến trong văn bản. Vị trí và vai trò quan trọng của giáp trong việc phân bổ và thực thi việc làng ở Tam Sơn thuộc về Thôn - một thiết chế mà thành viên của nó là các đinh nam của các xóm hay cụm xóm - như đã trình bày.

1. Về mặt văn bản học, việc khảo cứu kỹ bốn bài thơ của các tôn thần nguyên là cung phi nhà Lý “giáng bút” chùa Cảm Ứng và bài thơ “Vịnh cây bèo”, bài điệp văn hòa bình của Ngô Miến Thiệu gửi Mao Bá Ôn được ghi trong Tam Sơn công ước chí sẽ góp phần thẩm định lại xuất xứ văn bản của các tư liệu trên, qua đó góp phần làm sáng tỏ những cứ liệu lịch sử của các sự kiện này.

Tóm lại, với những nội dung trên, mặc dầu được biên soạn khá muộn, Tam Sơn công ước chí thực sự là văn bản có giá trị về nhiều mặt.

CHÚ THÍCH

(1) Bài viết được sự giúp đỡ về dịch thuật của Giáo sư Phan Đại Doãn và các nhà nghiên cứu Hán Nôm: Lục Văn Pảo, Đinh Văn Minh, Đinh Khắc Thuân. Xin chân thành cảm ơn.

(2). Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.71.

(3). Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, H. 1990, tr.49, 50, 81.

(4). Thôn: Thiết chế tổ chức gồm đinh nam của một xóm hoặc cụm xóm, đảm nhiệm các công việc do làng phân bổ. làng có ba thôn: Thôn Tây (trùng với xóm Tây), thôn Xanh (xóm Xanh và xóm Ô), và thôn Lẻ (xóm Đông, xóm Trước và xóm Núi).

(5). Lịch sử họ Ngô tổng hợp - nhóm Ngô gia xuất bản, 1992.

(6). Xem Bùi Xuân Đính: hội chùa Tam Sơn, tạp chí Văn hóa dân gian số 3 - 1993, tr.19-25.

(7). Thiền uyển tập anh, sách và các trang đã dẫn.

(8). Việt sử lược - Nxb. Văn Sử Địa, H. 1960, tr.98-99.

(9). Trần Từ: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ - Nxb. KHXH, H. 1984.

TB

MỘT BÀI THƠ NÔM CỦA NGUYỄN KHẢN MỚI PHÁT HIỆN

NGUYỄN XUÂN DIỆN

Vừa qua, trong dịp về thăm đền Và (thuộc xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây - Hà Tây) chúng tôi có may mắn sưu tầm được một bài thơ Nôm của Nguyễn Khản, anh ruột Nguyễn Du. Để hiểu bài thơ này, trước hết, chúng tôi muốn giới thiệu qua vài nét về ngôi đền và vị thần được nhân dân thờ ở đây.

Đền Và, còn có tên gọi là Đông Cung, là một trong bốn chấn cung thờ thần núi Tản Viên - vị thần trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Nơi đây hiện còn rất nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị trên các di vật bằng các chất liệu đá, giấy, gỗ... Cụ thể như sau: thần tích, thần phả: 4 cuốn; sắc phong: 18; hoành phi: 18; câu đối: 44; bia đá: 2; biển gỗ: 8; chuông: 3.

Riêng bài thơ của Nguyễn Khản được khắc trên một biển gỗ, nét chữ nói chung rõ ràng, trừ một vài chữ do bị vỡ, hơi khó đọc.

Sau đây là phần dịch nghĩa (đối với lời dẫn bằng chữ Hán) và phiên âm (đối với bằng thơ bằng chữ Nôm) toàn văn tác phẩm của Nguyễn Khản được khắc trên biển gỗ:

“Khản tôi, từ năm Canh Thìn nhập sỹ, làm Đốc đồng Sơn Tây. Qua hai kỳ khảo xét công trạng, năm Đinh Dậu phụng mệnh trấn giữ hai trấn Sơn Tây - Hưng Hóa, chẳng bao lâu thì vì có việc mà bị giải nhậm. Nay nhờ Vương thượng nối theo nghiệp sáng(1) mà lại làm việc ở trấn. Bấy giờ có đến lễ ở chấn cung ba lần, ngẫu hứng mà làm một bài thơ luật vụng về, viết lên biển gỗ để tỏ ý kính trọng.

Thơ rằng:

Cây làm tản cái, đá làm ngai,
Vòi vọi thần cung rạng Đậu, Thai(2)
Bảo triện(3) đùn đùn mây nhiễu khám,
Ngọc hào rỡ rỡ ráng in đài.
“Rồng oanh hùm trạm”(4) thiêng ngôi đất,
Đà phảng Lô trong(5) vững bác trời.
Chiêm bái trót từng ba độ đến,
Trộm nhờ linh đức trấn phương Đoài(6)

Vào tiết Thanh minh năm Quý Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, người xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Tiến sỹ khoa Canh Thìn (1760), Tả tư giang, Lại bộ Thượng thư, Phụng sai trấn thủ Sơn Tây, kính đề”.

Theo những dòng lạc khoản ở trên, chúng ta có thể thấy đây là bài thơ được Nguyễn Khoản sáng tác vào lúc cuối đời (ông mất khoảng năm 1786).

Thơ văn Nguyễn Khản chắc còn nhiều, đáng tiếc là chưa sưu tầm được mấy. Việc tìm thêm những bài thơ khác của Nguyễn Khản là rất hữu ích và cần thiết, đặc biệt là những tác phẩm do ông làm bằng chữ Nôm.

CHÚ THÍCH

(1) Chỉ việc Đoan Nam vương Trịnh Khải lên ngôi chúa năm 1782.

(2) Đẩu, Thai: tên hai ngôi sao rất sáng ở giải Ngân Hà.

(3) Bảo triện: cán bàn nhỏ có khảm các đồ quý.

(4) “Rồng oanh hùm trạm”: rồng uốn hổ ngồi, một thế rất đẹp theo quan niệm phong thủy thời phong kiến.

(5) Đà, Lô: tức sông Đà và sông Lô.

(6) Phương Đoài: tức phương Tây theo bát quái phương vị, đây chỉ vùng đất thuộc tỉnh Sơn Tây cũ.

TB

NHÓM YÊU THƠ HÁN NÔM Ở HÀ NỘI

THẾ ANH

Ngày 16-9-1992 những người yêu thích thơ văn Hán Nôm ở Hà Nội đã tự nguyện họp nhau lại thành một nhóm gọi là “Nhóm yêu thơ Hán Nôm” với mục đích tìm hiểu, học tập mong cảm nhận được ý nghĩa, cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của thơ văn Hán Nôm; trao đổi, học hỏi lẫn nhau để từng bước tập viết, phiên âm, dịch và làm thơ, câu đối Hán Nôm nhằm ca ngợi thiên nhiên, đất nước, ca ngợi người tốt, việc tốt, phê phán những tiêu cực trong xã hội và đồng thời cũng để bộc bạch tâm sự qua những vần thơ trong khi nhàn rỗi.

Thành viên của nhóm là những người cao tuổi đã nghỉ hưu, trước đây đã từng tham gia công tác thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa, giáo dục khác nhau. Có cụ đã ở tuổi 80 hoặc sắp bước vào ngưỡng cửa của tuổi 80 như các cụ Tôn Trung và Lương Trúc. Phần lớn các cụ tuổi đời cũng xấp xỉ 70. Trình độ Hán học của các thành viên trong nhóm cũng khác nhau. Có người từ nhỏ đã học hết “Tứ thư” trước khi đến trường học chữ Quốc Ngữ, có người được bố là thầy đồ kèm cặp, cũng có người trong kháng chiến chống Pháp được đi học Trung văn để làm phiên dịch, nhưng trong quá trình công tác không ai theo “nghề” Hán Nôm và cũng chẳng có thì giờ để luyện bút, làm thơ. Chỉ sau khi về hưu những người yêu thích thơ văn Hán Nôm mới có dịp tập hợp nhau lại, ôn lại vốn liếng chữ Hán đã học thừ thời còn để chỏm, có người còn sắm bút lông, mực tầu để viết. Cái quý ở đây là sự đam mê, là một cách di dưỡng tinh thần, một lối chơi tao nhã của những người đã làm tròn nghĩa vụ đối với xã hội.

Nhóm sinh hoạt 2 tháng một kỳ để đọc cho nhau nghe những bài thơ, bài dịch, trao đổi với nhau những điều tâm đắc, góp ý cho nhau về một câu thơ chưa đạt, một chữ dùng chưa chỉnh. Nhóm đã ra được hai tập san nội bộ, tập hợp các bài đã viết để tiện góp ý, sửa chữa cho nhau. Trong buổi gặp mặt đầu xuân Quý Dậu, bác Văn Tung đã có những bài thơ thanh thoát, lạc quan:

Xuân nhật đào hoa xứ xứ khai,
Long vân hội ngộ hỉ xuân lai.
Tửu trà tương thưởng, thi ngâm vịnh,
Ái Hán Nôm thi cộng cảm hoài.

(Hoa đào nở rộ khắp nơi nơi,
Mừng đón mùa xuân lại đến rồi.
Bầu bạn vui vầy thơ xướng họa,
Cảm hoài vốn cổ chén đầy vơi)

Trong bài “Hưu tẩu thi” (Ông già về hưu) bác Nguyễn Đức Chỉnh - một nghệ nhân chạm bạc đã tâm sự:

Tùng cúc hương nùng quân tự lạc,
Cầm thi nhã hứng ngã vong ưu.

(Người mượn cúc tùng làm lạc thú,
Ta thời thơ nhạc tạo nguồn vui)

Nói về vấn đề tinh tuý của văn thơ Hán Nôm, bác Đỗ Quang Liên viết:

Quốc túy quốc hồn vô giá bảo,
Tử tôn thừa kế vĩnh miên miên.

(Tổ tiên để lại kho vô giá,
Muôn thuở cháu con gắng giữ gìn)

Nhiều người đã say sưa dịch thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu... như cụ Lương Trúc và các bác Như Nhã, Văn Tùng, Đức Như, Tú Sót...

Các thành viên trong nhóm còn làm nhiều câu đối và trướng mừng thọ nhân dịp có những bạn thơ lên lão.

Trong tình hình đất nước ta đang trải qua một bước ngoặt cơ bản nhằm định hướng lại nhiều mặt trong cuộc sống xã hội, trong lúc nhiều người chưa nhận thức được sự cần thiết phải bảo vệ các giá trị tinh thần của dân tộc và di sản của cha ông thì việc làm của các vị cao niên trong nhóm yêu thơ Hán Nôm là một điều có nhiều ý nghĩa và đáng khích lệ.

TB

KHAI GIẢNG KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC NGHIÊN CỨU SINH CHUYÊN NGÀNH HÁN NÔM

Thực hiện Quyết định số 300 - Ttg ngày 21 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Quyết định số 1511/QĐ - SĐH của Bộ giáo dục và Đào tạo giao nnhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh chuyên ngành Hán Nôm, mã số 5.04.32 cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm, được sự đồng ý của Lãnh đạo Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Ban Tổ chức cán bộ và Đào tạo, ngày 20 tháng 11 năm 1993, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khai giảng khóa học bổ túc kiến thức chuyên môn rộng và hẹp thuộc chuyên ngành Hán Nôm cho một số cán bộ làm công tác nghiên cứu Hán Nôm.

Chương trình gồm các bộ môn: Khoa học cơ sở và Khoa học chuyên ngành do các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ giảng dạy.

Cuối khóa học sẽ tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho những học viên đạt yêu cầu.

P.V

TB

BỘ TỪ ĐIỂN VIỆT - LATINH CỦA PIGNEAUX DE BE'HAINE

LTS: Bộ sách nguyên mang tên Dictionnarium Anamitico Latinum, bản thảo viết tay, do Pierre Pigneau de Béhaine (1741 - 1700) soạn tại Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII.

Pierre Pigneau de Béhaine (gọi tắt là Pigneau) có tên Việt là Bá Đa Lộc hay Bi Nhu, người Pháp, đến Việt Nam vào năm 1765. Từ 1780 trở về trước, ông chủ yếu là một nhà truyền giáo. Ông có bị Chúa Đàng ngoài là Trịnh Sơn bắt giam khoảng một tháng, rồi được thả. Từ 1780 trở về sau, ông có liên hệ với Nguyến Ánh trong việc chống lại chúa Trịnh, rồi sau đó là phong trào Tây Sơn. Ông mất tại Việt Nam vào năm 1799, mộ ông hiện còn tại Tp. Hồ Chí Minh.

Do lâu năm sống và hoạt động trên đất nước ta, Pigneau khá quen thuộc với đồng đất, con người miền Nam và thông thạo tiếng Việt. Ông còn giỏi cả chữ Hán lẫn tiếng Trung Quốc. Ngoài bộ từ điển Việt - La tinh, ông còn soạn các sách như Chinois - Annamite - Latin (Từ điển đối chiếu giữa ba thứ tiếng Trung Quốc, Việt Nam và Latinh) và Thánh giáo yếu lý Quốc ngữ (bằng chữ Nôm, soạn năm 1774, in năm 1782 tại Quang Đông).

Riêng bộ Từ điển Việt – Latinh có các đặc điểm như sau: sách được biên soạn xong vào năm 1773, tại miền Nam nước ta, dày 732 trang (64 + 4 + 664), cỡ 34,5x24cm, bản thảo viết tay, gồm phần tra cứu chiếm 67 trang và phần chính văn chiếm 662 trang (không kể vài ba trang phụ). Phần tra cứu gồm một bảng đối chiếu chữ Nôm và chữ Quốc ngữ và một bảng hướng dẫn cách tra một số chữ Nôm khó. Phần chính văn gồm 5.943 mục từ, nếu kể cả các từ kép hoặc cụm từ trong phần hạng nghĩa, số từ vựng dễ chừng lên tới bốn năm vạn(1).

Xét thấy đây là một bộ từ điển rất quý, có thể giúp ích, chúng ta trong việc nghiên cứu về tiếng Việt cổ, chữ Quốc ngữ cổ, đặc biệt là chữ Nôm thế kỷ XVIII, Tạp chí Hán Nôm bắt đầu từ số 1 (14) -1993 lần lượt đăng thành nhiều kỳ toàn văn bộ từ điển để bạn đọc cùng tham khảo. Phần chính văn sẽ được đăng trước, phần tra cứu sẽ đăng cuối cùng.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Văn khố của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris (Séminaire des missions étrangères, Paris) nơi hiện đang tàng trữ bản thảo bộ từ điển, cùng Trung tâm nghiên cứu và sưu tầm về Đông Á hiện đại (Centre d’ études et de recherches sur l’Asie orientale contemporaine) thuộc trường Đại học Nice nước Cộng hòa Pháp, và các ông Paul Schneider (tức Xuân Phúc), Pierre Pichard Féray (Trường Đại học Nice), bà Christiane Rageau (Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp), các ông J.Vérinand, J.Guennou (cán bộ lưu trữ của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris) đã tận tình giúp đỡ, để chúng tôi có được cái hân hạnh giới thiệu bộ từ điển cùng bạn đọc hôm nay.

Kỹ thuật in ấn hiện còn nhiều hạn chế, mong quý vị lượng thứ cho(2).

CHÚ THÍCH

(1). Tập san Nghiên cứu Hán Nôm. Số 1 - 1985 có bài giới thiệu khá kỹ về bộ từ điển này, bạn đọc có thể tham khảo.

(2). Xem Tạp chí Hán Nôm từ số 1 (14) - 1993./.