TB

SƠ BỘ TÌM HIỂU TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIẾT BẰNG CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM

TRẦN NGHĨA

I. TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ MỘT “HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ”

Lâu nay, khi nói về tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam, ta chỉ nghĩ đến một tác phẩm tường chừng như duy nhất: Hoàng Lê Nhất thống chí. Nhưng mấy năm gần đây, do những cố gắng trong việc sưu tầm thư tịch Hán Nôm, và sự mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, đặc biệt là với các nước thuộc cộng đồng văn hiến chữ Hán như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… chúng ta đã nhìn lại và phát hiện trước cũng như sau Hoàng Lê nhất thống chí còn có một loạt tác phẩm cùng loại mà nếu gom vào một chỗ, chúng sẽ chiếm một khoảng không nhỏ trong khu vườn văn học Việt Nam. Ấy là Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí và Trùng Quang tâm sử(1).

Hoan Châu ký còn có tên là Thiên Nam liệt truyện Nguyễn Cảnh Thị Hoan Châu ký, biên soạn vào khoảng năm Chính Hòa (1680 - 1705) đời Lê. Tác giả là một người thuộc dòng họ Nguyễn Cảnh (họ kép), nhưng chưa rõ tên cụ thể.

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện có 2 dị bản Hoan Châu ký, một bản mang ký hiệu VHv.4079 (thay cho ký hiệu cũ là VHv.4199) và một bản mang ký hiệu VHv.3588 (thay cho ký hiệu cũ là VHv.4200), đều là những bản sao. VHv.4079 được chép lại vào thời Gia Long (1802-1819); VHv.3588 được chép lại vào năm Thành Thái thứ 6 (1894). Cả hai bản đều do dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An hiến tặng cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Sách đã được dịch và xuất bản lần đầu(2).

Nam triều công nghiệp diễn chí còn có tên là Việt Nam khai quốc chí truyện, do Nguyễn Bảng Trung soạn, Phong Sơn Dương Thận Trai đề tựa, Tri huyện huyện Phù Ninh tên là Giản đề bạt. Nguyễn Bảng Trung tên thực là Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736), tự Bảng Trung, tước Bảng Trung Hầu, nguyên quán Hải Dương, sinh quán Hương Trà, Thừa Thiên, làm quan đến chức Cai bạ phó đoán sự. Dương Thận trai và Tri huyện Giản đều là người sống vào đầu triều Nguyễn(3).

Hiện có 4 truyền bản Nam triều công nghiệp diễn chí sau đây, đều ở dạng viết tay: 1 bản của Viện Hán Nôm, ký hiệu A.24/1-2; 1 bản của Viện Sử học, ký hiệu HV.503; 2 bản của Thư viện Hiệp hội châu Á Paris, ký hiệu HM.2140 và HM.2141. Tất cả đều mang tiêu đề Việt Nam khai quốc chí truyện, có lẽ do người đời Nguyễn chữa lại. Tên gọi bạn đầu của tác phẩm, theo gia phả họ Nguyễn Khoa, là Nam triều công nghiệp diễn chí.

Sách đã được dịch và xuất bản(4).

Hoàng Lê nhất thống chí nguyên tên là An Nam nhất thống chí, theo Ngô Giáp Đậu thì phần đầu sách do Học Tốn viết; phần tiếp theo do Trưng Phủ viết (xem Hoàng Việt long hưng chí tự tự). Học Tốn là tên tự của Ngô Thì Chí (1753 - 1788), hiệu Uyên Mật, người Tả Thanh Oai, Hà Tây, con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương sự. Ông là tác giả 7 hồi đầu của Hoàng Lê nhất thống chí. Trưng Phủ là tên của Ngô Thì Du (1772 - 1840), hiệu Văn Bác, cháu gọi Ngô Thì Sĩ bằng bác ruột, làm Đốc học Hải Dương. Ông là tác giả 7 hồi tiếp theo (từ hồi 8 đến hồi 14). Mấy hồi cuối (từ hồi 15 đến hồi 17) tương truyền do Ngô Thì Thuyến (có người đọc là Thiến) viết.

Hiện có 12 dị bản Hoàng Lê nhất thống chí đều ở dạng viết tay: 6 bản của Thư viện Viện Hán Nôm, mang các ký hiệu A.22/1-2 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, Học Tốn Công trứ, Trưng Phủ Công tục. Cuối hồi 1, có một đoạn lời bình), A.883 (in ảnh trên giấy tây, tiêu đề Lê quí ngoại sử, Sơn Nam Thanh Oai huyện Tả Thanh Oai Thiêm thư Ngô Thì Thuyến soạn, Long phi Kỷ Hợi niên (1899) hạ lục nguyệt thập ngũ nhật, Hàn lâm viện thị độc sung Bắc Kỳ Thống sứ phủ thụ đệ ngũ hạng Lục sự Nguyễn Hữu Thường phụng lục), VHv.1542/1-2 (tiêu đề An Nam nhất thống chí, bản này cùng loại với bản do Nguyễn Hữu Thường chép), VHv.1296 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, có “mi phế”), VHv.1534 1/2 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, có dấu ấn của Hoàng Xuân Hãn), VHv.1534/B (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, chỉ có 8 hồi đầu, hồi thứ 8 chép chưa hết); 1 bản của Thư viện Quốc gia Hà Nội (tiêu đề An Nam nhất thống chí, chỉ có 7 hồi đầu); 4 bản của Thư viện Hiệp hội Châu Á Paris, mang các ký hiệu HM.2224 (7) (tiêu đề An Nam nhất thống chí, chép từ sách Ngô gia văn phái, Tập 7, Quyển 19-20, phần Học Tốn Công di thảo), HM.2134 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, Học Tốn Công trứ, Trưng Phủ Công tục; bản này chép từ bản A.22 của Viện Hán Nôm), Ms.b.21 (tiêu đề Hoàng Lê nhất thống chí, Gia Long tam niên Giáp Tí (1804) quí đông sóc, Lê Cảnh Hưng Quý Mùi khoa Tiến sĩ Tả Thanh Oai nhân Ngô Thì Nhậm biên tập, cuối hồi 1 có một đoạn lời bình. Đây là sách của Fonds Landes), và 1 bản chưa lên ký hiệu (tiêu đề An Nam nhất thống chí, Thiêm thư bình chương Học Tốn Công di thảo. Đây là sách của Fonds Demiéville).

Sách đã được dịch và xuất bản nhiều lần(5).

Đào hoa mộng ký còn gọi là Đào hoa mộng tục Đoạn trường tân thanh, do Tiên Phong Liên Đình soạn, Lê Bỉnh Đức đề thơ, Tương Giang Mai Cát Phủ đề từ và viết các phần bình luận. Tiên Phong Liên Đình tên thật là Nguyễn Đăng Tuyển, hiệu Mộng Liên Đình và Hy Lượng Phủ, người làng Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, đỗ Tú tài năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), là Giám sinh Quốc tử giám, làm Chủ sự Bộ Hộ, thăng Thị độc, Sử quán biên tu, cuối cùng giữ chức Tri phủ Thuận Thành. Ông có đi sứ Trung Quốc. Ngoài Đào hoa mộng ký, Nguyễn Đăng Tuyển còn có tác phẩm như Yên Đài anh ngữ, Quốc phong thi hợp thái, Sử ca (soạn năm 1860). Lê Bỉnh Đức tên thật là Lê Hựu, hiệu Thiệu Hiên và Lộc Đàm Chủ Nhân, nguyên Tổng đốc Bình Thuận. Tương Giang Mai Cát Phủ chưa rõ tên thật và tiểu sử. Trong sách, ở Q1, sau tiêu đề Lan Nương tiểu sử, còn ghi tên một người nữa là “Cấn Phong Hà Đạm Hiên”; cuối chuyện Hội chân ký do Tiên Phong Liên Đình soạn, có chép: “Nguyễn Sinh kể lại chuyện mình cho bè nghe, ai cũng lấy làm lạ. Có người tên là Hà Sinh bèn dựa theo chuyện kể, viết Lan Nương tiểu sử cho chàng (tức Nguyên Sinh - TN), đặt tên là Đào họa mộng”, người cùng tham gia sáng tác Đào hoa mộng ký với Nguyễn Đăng Tuyển, nhưng cũng chưa rõ tên thật và tiểu sử.

Hiện có 2 dị bản Đào hoa mộng ký, đều ở dạng viết tay, được tàng trữ tại Viện Hán Nôm mang các ký hiệu VHv.2152 và A.436. Bản VHv.2152 nguyên là sách của Bảo tàng lưu niệm Nguyễn Du, mang ký hiệu ban đầu là 392 M-ND. Đáng tiếc là tác phẩm chỉ còn 2 quyển đầu trong số 8 quyển tất cả, theo mục lục ở đầu sách cho biết. A.436 là bản sao từ Q.1 nhưng chưa đầy đủ, của bản VHv.2152. Đào hoa mộng ký ngoài chính văn, còn có các phần phụ như “độc pháp”, “hồi bình” và “giáp bình”, một hình thức mang ý nghĩa lý luận phê bình (bình điểm) văn học thường xuất hiện trong các loại tiểu thuyết cổ.

Việt Lam xuân thu còn gọi là Hoàng Việt xuân thu hay Việt Lam tiểu sử, biên soạn khoảng cuối thế kỷ XIX, được sửa sang lại và xuất bản vào năm Duy Tân Mậu Thân (1908). Người khởi thảo, tương truyền là Vũ Xuân Mai (xem Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1990, tr.179). Người biên tập và đề tựa là Lê Hoan. Vũ Xuân Mai quê phường Xuân Yên tỉnh Hà Nội (cũ), đậu Cử nhân năm Kiến Phúc Giáp Thân (1884) làm Tri huyện huyện Phúc Thọ (Hà Tây). Lê Hoan (1856-?) người thôn Cự Lộc, xã Nhân Mục (làng Mọc), tổng An Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội (cũ) (nay là xã Nhân Chính, phường Thượng Đình, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo Thanh Trì Lê Lưu thị thế phả, Lê Hoan từng giữ các chức Binh Bộ Thượng thư kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Ninh Thái Hải Yên, tước Phú Hoàn Nam. Trong bài tựa viết cho sách khi xuất bản, Lê Hoan có nói ông tìm thấy bản thảo Việt Lam xuân thu trong hòm sách một gia đình cựu học. Khi mang ra đọc, ông lấy làm tiếc là về mặt kết cấu cũng như mạch lạc câu chuyện trong sách chưa được “xảo điệu tinh kỳ” lắm, cho nên nhân lúc rỗi rãi, ông đã “lạm gia tài tước”, mạn phép tác giả tỉa tót, cắt xén, cốt làm cho tác phẩm mang tính văn học hơn, rồi đưa in, đặt tên là “Việt Lam tiểu sử” để phân biệt với chính sử. Trong sách có “giáp phế”, “giáp bình”.

Hiện có 12 dị bản Việt Lam xuân thu : 5 bản của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang các ký hiệu VHv.1819/1-3 (sách in, thiếu 10 hồi cuối), VHv.1683 (viết tay thiếu 32 hồi cuối) và VHv.2085 (viết tay, thiếu 9 hồi đầu và hồi 60 ở cuối sách); 2 bản của Thư viện Viện Sử học mang các ký hiệu HV.84 (sách in, đủ cả 3 quyển và 60 hồi) và HV.141 (viết tay); 1 bản của Thư viện Quốc gia Hà Nội, ký hiệu R.451 (viết tay, chỉ có Q.2 với các hồi từ 22 đến 40); 1 bản của Hiệp hội Châu Á Paris, ký hiệu HM.2184 (viết tay); 1 bản của Thư viện Quốc gia Paris, ký hiệu A.69/1-2, có “giáp phê” của người đời sau; 1 bản của Bảo tàng Guimet Paris, ký hiệu MG.FV.55732 (sách in); và 1 bản của Đông Dương văn khổ Nhật Bản (mang tiêu đề Việt Lam tiểu sử).

Hoàng Việt long hưng chí biên soạn xong vào năm Thành Thái Giáp Thìn (1904), tác giả Ngô Giáp Đậu (1853 - ?), hiệu Tam Thanh, biệt hiệu Sự Sự Trai, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (Hà Tây), đậu Cử nhân năm Thành Thái thứ 3 (1891) làm Đốc học. Ngoài Hoàng Việt long hưng chí, ông còn là tác giả một số cuốn giáo trình về sử như Trung học Việt sử toát yếu, về địa lý như Hiện kim Bắc Kỳ địa dư, v.v…

Hiện có 1 bản Hoàng Việt long hưng chí tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.23 (viết tay).

Sách đã được dịch và xuất bản lần đầu.(6)

Trùng Quang tâm sử do B.G sáng tác, Hiến Hán dịch, lần lượt đăng trên Binh sự tạp chí ở Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) từ số 81 tháng 1 - 1921 đến số 132 tháng 4-1925. Có người cho “B.G” chính là B.C, chữ C xếp chữ nhầm thành G (xem Phan Bội Châu toàn tập tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.288 chú thích 1). “B.C” tức Bội Châu hay Phan Bội Châu (1867 - 1940), hiệu Thị Hán, biệt hiệu Sào Nam, người làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một chính khách nổi tiếng, được người trong nước hết sức kính mến vào những năm đầu thế kỷ XX. “Hiến Hán” là bút danh của người “dịch” thực ra là biên tập tác phẩm này để đăng tạp chí. Tác phẩm sau khi biên tập, có khác với lúc đầu chút ít về tên người, tên đất, cũng như số chương hồi.

Hiện có 3 dị bản về Trùng Quang tâm sử đều ở dạng viết tay: 2 bản của Viện Hán Nôm chép theo bản thảo lúc đầu, ký hiệu VHv.1524 (tiêu đề Hậu Trần dật sử), Sào Nam Phan Bội Châu trứ. Bản này chép vào năm 1957 và VHv.2716 (tiêu đề Hậu Trần dật sử, Sào nam Phan Bội Châu trứ. Bản này chép vào năm 1964, theo bản VHv.1524); 1 bản của Thư viện Quốc gia Hà Nội, ký hiệu R.2258 (tiêu đề Hậu Trần dật sử). “Hậu Trần dật sử” là tên do người chép đặt tạm, do lúc bấy giờ chưa biết tên thật của tác phẩm.

Sách đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản nhiều lần(7).

Các tác phẩm kể trên trước nay có nhiều cách hiểu về mặt thể loại.

Từng được xếp vào diện “cổ tích”, như Trùng Quang tâm sử, những “trang sử lòng ở trại Trùng Quang” mà tác giả cuốn sách coi như “cổ sử” hoặc “cố sự”, tức “chuyện đời xưa” đem ra kể cho “quốc dân đồng bào” nghe (xem đoạn đầu Trùng Quang tâm sử).

Xếp vào diện “lịch sử” như Nam triều công nghiệp diễn chí, Việt Lam xuân thu Hoàng Việt long hưng chí. Nam triều công nghiệp diễn chí được Dương Thận Trai và Tri huyện Giản gọi là “chí” hay “chí truyện” (xem Việt Nam khai quốc chí truyện tự Việt Nam khai quốc chí truyền bạt), trong khi Ngô Giáp Đậu gọi là “truyện chí” (Xem Hoàng Việt long hưng chí tự tự). Việt Lam xuân thu được coi như cùng loại với sách Xuân thu của Khổng Tử; nếu hiểu “xuân thu” theo nghĩa rộng, chỉ loại sách “lịch sử” nói chung, thì “Việt Lam xuân thu” có nghĩa là lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở nước Việt. Hoàng Việt long hưng chí được tác giả xếp vào loại “chí” hoặc “truyện chí”, cùng tính chất với Nam triều công nghiệp diễn chí (xem Hoàng Việt long hưng chí tự tự). “Chí”, “chí truyện”, “truyện chí”, hay “xuân thu” ở đây đều được hiểu là những phân nhánh của “chính sử” hoặc “lịch sử”.

Xếp vào diện “tiểu thuyết” như Hoan Châu ký, Hoàng Lê nhất thống chí Đào hoa mộng ký. Hoan châu ký, được tác giả gọi “bái quan dã sử” (Lời bạt). Hoàng Lê nhất thống chí có lúc còn được cài thêm vào nhan đề sách mấy chữ “Lê quí ngoại sư” (như ở bản A.883). “Bái quan dã sử” hoặc “ngoại sử” đều là những cách gọi khác nhau của tiểu thuyết(8). Riêng Đào hoa mộng ký của Mai Cát Phủ). Nhưng hai chữ “tiểu thuyết” ở đây, trong cách hiểu của người xưa không phải lúc nào cũng đồng nhất với khái niệm tiểu thuyết hiện đại.

Có thể thấy vào thời kỳ các tác phẩm trên ra đời, ở nước ta, trong quan niệm sáng tác cũng như trong nghiên cứu phê bình văn học vẫn còn nhiều chỗ lẫn lộn về ranh giới giữa “văn” và “sử”. Ngay trong lĩnh vực “văn” , việc phân chia thể loại cũng chưa thật rạch ròi(9).

Với cách nhìn của chúng ta ngày nay, Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chi, Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí Trùng Quang tâm sử đều là những tác phẩm văn học thực thụ và đều mang đặc trưng của thể loại “tiểu thuyết chương hồi”, một thể loại văn học quen thuộc ở các nước thuộc cộng đồng văn hiến Hán. Điều này được tự cụ thể hóa trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức ở cùng tác phẩm vừa kể.

Trước hết, ta thấy ở các tác phẩm vừa nêu, toàn bộ câu chuyện được chia ra làm nhiều mảng, hay đúng hơn, tác phẩm do nhiều “hồi” hoặc “tiết” có quan hệ vừa “khép” vừa “mở”, vừa “gián cách” vừa “liên tục” hợp lại mà thành. Mỗi mảng như thế, ở Hoan Châu ký Trùng Quang tâm sử được gọi là “tiết” (Hoan Châu ký có 16 tiết, Trùng Quang tâm sử có 22 tiết); ở Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu Hoàng Việt long hưng chí được gọi là “hồi” (Hoàng Lê nhất thống chí có 17 hồi, Đào hoa mộng ký theo mục lục có 20 hồi, Việt Lam xuân thu có 60 hồi, Hoàng Việt long hưng chí có 34 hồi). Riêng Nam triều công nghiệp diễn chí thoạt nhìn, tưởng như tác phẩm được viết liền mạch từ đầu chí cuối, chỉ chia “quyển” mà không chia “hồi” hoặc “tiết”. Nhưng đọc kỹ nguyên bản, ta thấy ở cuối Q.4 có câu: “Vị tri Tú phượng nhập Nam triều báo tín nhược hà, thả khán hạ hồi phân giải”, cuối Q.5 có câu: “Vị tri hư thực như hà, thả thính hạ hồi phân giải”, cuối Q.7 có câu: “Vị tri hậu sự nhược như hà, thả thính hạ hồi phân giải”; từ đó có thể nghĩ mỗi “quyển” ở đây được tác giả xem như một “hồi”, Nam triều công nghiệp diễn chí có cả thảy 8 quyển, cũng tức là 8 hồi.

Mỗi “hồi” hoặc “tiết” như vậy trong cùng một tác phẩm thường có độ dài xấp xỉ như nhau, kể lại một câu chuyện nhỏ tương đối hoàng chỉnh. Mở đầu các “hồi” hoặc “tiết” là 2 câu đối ngẫu, mỗi câu từ 7 đến 16 chữ (riêng Nam triều công nghiệp diễn chí mỗi “hồi” (quyển) được mở đầu bằng một bài từ hoặc một bài thơ thất ngôn Đường luật, trừ hồi thứ 2 và hồi thứ 7; Trùng Quang tâm sử trước mỗi “tiết” là một cụm từ 4 chữ) vừa dùng để khái quát nội dung, vừa dùng làm đầu đề cho “hồi” đó hoặc “tiết” đó, gọi là “hồi mục”. Kết thúc mỗi “hồi” hoặc “tiết” thường lại có 2 câu đối ngẫu nữa, mỗi câu 7 chữ, cùng một câu văn lề lối (sáo ngữ) kiểu “muốn biết (…) như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ”, một là nhằm dự báo nội dung của “hồi” tiếp theo, hai là nhằm kích thích sự tò mò của người đọc (Riêng Trùng Quang tâm sử không thấy sử dụng hình thức này).

Ở một số tác phẩm, ngoài những tiêu chí nói trên, còn có các phần mang tính chất bình luận văn học (bình điểm) như “độc pháp”, “hồi bình”, “giáp bình”, “my phê”,… cũng là hiện tượng thường thấy trong tiểu thuyết chương hồi của các nước cùng khu vực. “Độc pháp” thường đặt ngay ở đầu sách, tổng luận về nội dung hoặc giải thích, nhấn mạnh một số điểm cốt yếu thuộc chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chẳng hạn đoạn văn đặt ở đầu hồi 1 của Hoàng Lê nhất thống chí, bài từ Lâm giang tiên và phần “phê bình” của Mai Cát Phủ đầu hồi 1 của Đào hoa mộng ký, bài Truyện tự đặt ở đầu hồi 1 của Việt Lam xuân thu, đoạn văn đặt ở đầu tiết 1 của Trùng Quang tâm sử đều có thể xem là “độc pháp”. “Hồi bình” là những lời bình luận viết cho từng hồi một, đặt liền sau “hồi mục”, thấy xuất hiện ở Đào hoa mộng ký. Riêng Hoàng Lê nhất thống chí, “hồi bình” lại đặt ở cuối hồi 1 và đây cũng là trường hợp có “hồi bình” duy nhất ở tác phẩm này. “Giáp bình” là những lời bình luận viết xen kẽ trong từng hồi hoặc từng tiết, thấy xuất hiện nhiều nhất ở Việt Lam xuân thu. “My phê” là những câu chữ bình luận viết ngay lên khoảng giấy trống đầu trang sách, thấy xuất hiện nhiều nhất ở Trùng Quang tâm sử.

II. NGUỒN GỐC TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIẾT BẰNG CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM

Việt Nam cũng như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản,… đều có tiểu thuyết chương hồi. Nhưng như vậy không có nghĩa là con đường dẫn tới sự hình thành tiểu thuyết chương hồi ở các nước thuộc cộng đồng văn hiến Hán này đều hoàn toàn giống nhau.

Tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam có nguồn gốc khác với Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, tiểu thuyết chương hồi bắt nguồn từ thoại bản. “Thoại” có nghĩa là “cố sự”, bản gốc. “Thoại bản” tức bản gốc mà nghệ nhân hay người kể chuyện (thuyết thoại nhân) dùng làm chỗ dựa để giảng về truyện xưa tích cũ cho người ta nghe, một hình thức văn nghệ dân gian chớm lên từ đời Đường và đặc biệt thình hành vào giai đoạn Tống Nguyên do rất đỗi hợp “goût” của tầng lớp thị dân mới trỗi dậy hồi đó.

Có thể chia thoại bản Trung Quốc thành hai loại lớn: tiểu thuyết và giảng sử. “Thoại bản tiểu thuyết” thường ngắn, viết bằng văn bạch thoại, phản ánh đời sống của quần chúng lớp dưới như những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, phụ nữ bình thường… Thí dụ các thoại bản Phùng Ngọc Mai đoàn viên, Thố trảm Thôi Ninh. Ở loại này, lời văn thường sinh động, bình dị. Trước phần chính văn, thường có mấy câu mào đầu bằng thơ, từ hoặc một mẩu chuyện ngắn, cốt lôi kéo thính giả tới nghe kể chuyện, gọi là “đắc thắng đầu hồi” (gây hứng thú ngay từ hồi đầu) hoặc “nhập thoại” (vào câu chuyện kể). Trong khi miêu tả nhân vật hoặc tường thuật sự kiện, thường xen vào những câu văn vần để cho câu chuyện thêm sinh động. Buổi kể chuyện thường dừng lại ở đoạn gay cấn nhất, nhằm lôi cuốn người nghe đến nghe tiếp vào lần sau, đêm sau. Kết thúc mỗi buổi kể hoặc đoạn kể, thường dùng những câu thơ hoặc bài từ ngụ ý “khuyên giới”. “Thoại bản giảng sử” so với “thoại bản h” thường dài hơn, viết bằng văn ngôn, đôi khi cũng pha phách văn bạch thoại. Loại thoại bản này chịu nhiều ảnh hưởng của chính sử. Nội dung dựa vào truyện tích lịch sử là chính, như Tân biên Ngũ đại sử bình thoại chẳng hạn. Nhưng cũng có khi vừa giảng sử, vừa chen vào những mẩu chuyện đời thường, như Đại Tống Tuyên Hòa di sự, Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, v.v…

Chính trên nền tảng phát triển rôm rả của thoại bản mà tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc đã ra đời, với những tác phẩm tiêu biểu như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký,… trong đó Tam quốc diễn nghĩa là một trong những cuốn tiểu thuyết chương hồi ra đời sớm nhất, lưu hành rộng rãi nhất và được nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới đặc biệt ưa thích.

Khác với Trung Quốc, Việt Nam không có thoại bản(10). Sự ra đời của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam trước hết liên quan tới các bản thần tích, thần phả được ghi lại từ truyền thuyết dân gian, theo khuynh hướng ngày một hệ thống hóa, với quan niệm cả dân tộc đều sinh ra từ một bọc, có chung một cội nguồn. Hệ thống hóa, nhưng lại phải tách bạch, Cùng xuất từ một nguồn, nhưng lại phát triển có lớp lang. Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh,… được biên soạn và nhiều lần sửa chữa, bổ sung trong tình thần như vậy. Đặc biệt khoảng thế kỷ 15, 16, triều đình nhà Lê sai một số nho thần có trình độ học vấn uyên bác như Đào Cử (1449 - ?), Nguyễn Bảo (TK.XV), Lê Tung (1451-?), Nguyễn Bính (TK.XVI)… sưu tầm, chỉnh lý và viết lại một cách đầy đủ, có hệ thống các thần ở nước ta, làm thành bộ Ngọc phả (còn gọi là Ngọc phả lục hay Ngọc phả cổ lục), đặt tại Bộ Lễ, thông qua đó để cấp bằng sắc, quản lý các di tích lịch sử, văn hóa trên phạm vi cả nước, kết hợp với việc giáo dục truyền thống cho dân. Bộ Ngọc phả chính thức đặt tại Bộ Lễ (Quốc triều Lễ Bộ chính bản) này, nay đã mất, nhưng một số bản thần tích, thần phả chép lại từ bộ sách gốc trên về sau vẫn còn lưu giữ ở các địa phương từng được Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội tổ chức soa chép lại thành 537 tập Thần tích hiện để tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mang ký hiệu AE(11). Qua các tập Thần tích, hay đúng hơn, bộ Ngọc phả triều Lê được khôi phục lại một phần này, ta có thể mường tượng cách hệ thống hóa các thần trong “Quốc triều Lễ Bộ chính bản” ở thế kỷ XV, XVI như sau:

Dưới mỗi mục thần (Nhân thần, Nữ thần, Thiên tầhn, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần, Âm thần) lại còn chia ra thành nhiều nhánh (Càn chi, Khảm chi, Cấn chi, Chấn chi, Tốn chi, Ly chi, Khôn chi, Đoài chi) và dưới mỗi nhánh, lại chia làm Thượng đẳng thần, Trung đảng thần…

Cũng qua Ngọc phả đời Lê, ta còn thấy quá trình các anh hùng dân tộc được truyền thuyết hóa, rồi thần linh hóa và cuối cùng, tiểu thuyết hóa như thế nào. Thí dụ chuyện Ngô Long chép trong Hà Nội Hàm Long thần tích AE a1/1, trích từ “Nam Việt Hùng triều Duệ Vương Long thần xuất thế phù quốc uy linh Đại Vương tự điển” (Quốc triều Lễ Bộ chính bản Thượng đẳng phúc thần). Ngô Long, với một địa chỉ cụ thể, một sự tích thần kỳ, đã được những người lập truyện xây dựng như một nhân vật tiểu thuyết thực thụ. Mới lên tám, đã có tài “thất bộ thành chương”, làm xong một bài thơ trong vòng bảy bước. Ngô Long còn làu thông cả “bách gia chư tử”, “tam lược lục thao”, “Thái Công phù phép” và đặc biệt, ông còn sáng tác không ít thơ “Đường luật”, dù đang sống dưới triều Hùng ! Có thể nói mỗi một bản thần tích trong Ngọc phả là một thiên tiểu thuyết, một “bái quan dã sử”!

Chính phương pháp hệ thống hóa từ các đơn lẻ và lối viết sinh động, hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh trên đây của Ngọc phả, trong chừng mực nhất định, đã ảnh hưởng đến tiểu thuyết chương hồi Việt Nam về sau, rõ nhất là ở Hoan Châu ký, một tập gia phả được cải dạng thành tác phẩm văn học.

Tiểu thuyết chương hồi Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của thể văn biên niên, thực lục và kỷ sự. Ở sử biên niên (như Đại Việt sử ký toàn thư) và thực lục (như Lam Sơn thực lục, Trung hưng thực lục, Đại Nam thực lục) các biến cố lịch sử được trình bày theo niên đại các triều vua. Lối viết này để lại dấu ấn khá đậm nét trong Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Việt Nam xuân thu Hoàng Việt long hưng chí. Có thể nêu một vài ví dụ. Nam triều công nghiệp diễn chí, Q.6 viết: “Lại nói năm Thịnh Đức Nhâm Dần thứ 10, tháng giêng, trung tuần, Nguyên soái công tử Hiệp Đức bèn chuyển quân đến đóng ở xa Vũ Xá, cùng các tướng bàn kế tiến đánh”. Việt Lam xuân thu. Hồi 20 viết: “Năm Bính Tuất, Khai Định thứ 1 (Minh Vĩnh Lạc thứ 5), mùa xuân, tháng giêng, ngày Giáp Dần, tiến quân về phía Trù Giang” v.v… Nhiều đoạn trong tác phẩm đã hành văn y như sử biên niên, lấy năm tháng làm tuyến ngang (kinh), sự kiện làm tuyến dọc (vĩ). Chẳng hạn Hoan Châu ký, Hồi 2, Tiết 2 có đoạn: “Ngày 12, gặp dịp sinh nhật của Tiết chế Trưởng quận công, trăm quan vào chúc mừng. Lễ xong, mở tiệc lớn chiêu đãi. Trong quân ai nấy đều vui say. Ngày 14 tháng 8 vào giờ Dần, quan Tiết chế cùng các tước đốc quân thủy bộ cùng tiến về sông Hát yết kiến miếu Trưng Vương (…). Ngày 15, vào giờ Thân, quân tiến đến cửa Nam thành Thăng Long, tạm nghỉ. Ngày 18…”. Thậm chí có tác phẩm như Hoàng Việt long hưng chí, bên cạnh sự kiện, còn kèm theo những chú giải đôi khi khá dài dòng về tên người, tên đất như chúng ta thường gặp ở các bộ sử chính thống. Ở thể loại kỷ sự, mỗi sự kiện là một thứ dây giềng (cương) xuyên qua một chuỗi chi tiết (mục), câu chuyện nhờ đó có đầu có đuôi, không bị cắt xén. Hoàng Lê nhất thống chí Trùng Quang tâm sử đại để chịu ảnh hưởng cách thể hiện này.

Nhưng nói gì thì nói, tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam chắc chắn sẽ khó ra đời nếu thiếu cái “hích” đầy quyết định của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Sẽ không có Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí, kể cả Trùng Quang tâm sử nữa nếu không xuất hiện Tam quốc diễn nghĩa(12), Thủy hử(13) trước đó. Và cũng sẽ không có Đào hoa mộng ký, nếu không xuất hiện Kim Vân Kiều truyện(14), Hạnh hoa thôn(15), Đào hoa ảnh(16) trước đó(17). Chính tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc đã cung cấp thể loại và kiểu mẫu cho văn học chữ Hán Việt Nam trong bước đi lên, đổi mới và phát triển. Đặc biệt là Tam quốc diễn nghĩa. Có thẻ nói không một tác phẩm nào trong số các tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử của Việt Nam lại không chịu ảnh hưởng nhiều hoặc ít ở Tam quốc diễn nghĩa, từ tư tưởng sáng tác đến nghệ thuật tự sự, miêu tả. Thí dụ Hoan châu ký trong hồi 1 tiết 2, từng vì việc Nguyễn Tử Nha định sử dụng Lê Trang Tông làm bung xung theo kiểu Tào Tháo sử dụng Hán Hiến Đế truyện quấn Tam quốc diễn nghĩa. Hay Nam triều công nghiệp diễn chí, chỉ trong phạm vi Q.1 trong số 8 quyển của tác phẩm, đã có ít ra là 4 trường hợp dính dáng đến Tam quốc diễn nghĩa: Quận Lập muốn bắt chước Quan Vân Trường “đơn đao phó hội”; Phùng Khắc Khoan xuấu xí, nhưng có cái tài của Gia Cát, Lưu Cơ; Phan Ngoạn tự xưng là Quang Vũ tái sinh; Trịnh Tùng mắng Phùng Khắc Khoan muốn bắt chước Trương Lương đêm ít Châu về theo Lưu Bị. Với Đào hoa ảnh, Hạnh hoa thôn và Kim Vân Kiều truyện cũng vậy. Các tác phẩm vừa nêu, nhất là Kim Vân Kiều truyện đã trở thành đối tượng mô phỏng trên một vài phương diện nào đó của Đào hoa mộng ký, một tiểu thuyết “diễm tình”, thuộc loại “tài tử giai nhân”, viết về tình yêu nam nữ.

Có thể nói tiểu thuyết chương hồi Việt Nam ra đời là kết quả của những hối thúc từ bên trong do sự vận động nội tại của bản thân nền học thuật chữ Hán Việt Nam sinh ra, cộng với những kích thích từ bên ngoài do giao lưu văn học mang lại. Đây cũng là tình hình từng diễn ra ở văn học nhiều nước thuộc cộng đồng văn hiến Hán như Nhật Bản, Triều Tiên,…

III. NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI VIẾT BẰNG CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM

Có thể chia tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán của Việt Nam ra thành hai nhóm lớn: tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử gồm Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Trùng Quan tâm sử và tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài tình yêu gồm Đào hoa mộng ký. Nội dung phản ánh cũng như nghệ thuật diễn tả thuộc từng nhóm có nhiều điểm khác nhau.

Ở nhóm thứ nhất, Trùng Quang tâm sử kể lại cuộc nổi dậy đầy khí thế của nhân dân ta do Trần Quý Khoáng cầm đầu chống lại ách đô hộ của nhà Minh vào đầu thế kỷ 15 tại Nghệ An… Hoàng Việt xuân thu viết về thất bại khó tránh của cha con Hồ Quý Ly và thắng lợi dương nhiên của anh em Lê Lợi trong việc lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi quân ngoại xâm, giải phóng đất nước, giành lại độc lập và chủ quyền cho dân tộc. Hoan Châu ký tái hiện công cuộc Trung hưng của nhà Lê sau khi bị họ Mạc tiếm ngôi, cùng những đóng góp về mặt võ công của dòng họ Nguyễn Cảnh ở Hoan Châu lúc này được coi là rất xuất sắc và chỉ sau họ Trịnh. Nam triều công nghiệp diễn chí phác họa lại 133 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, từ lúc Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hóa cho đến khi Chúa Ngãi mất. Tác phẩm cũng đã dành một phân lượng không nhỏ để nói về công lao của Chúa Nguyễn trong việc mở mang, kiến tạo nửa phần đất nước phía Nam, vừa là nơi “dung thân”, vừa là chỗ dựa để tranh giành quyền lực cùng chúa Trịnh ở phía Bắc. Hoàng Lê nhất thống chí là hiện thân sức mạnh của phong trào nông dân khởi nghĩa ở nước ta trong thế kỷ 18 đã đánh bại ba tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn, đập tan mưu đồ tái chiếm Việt Nam của nhà Thanh, đưa giang sơn về một mối. Hoàng Việt long hưng chí là một bổ sung và tiếp nối của Hoàng Lê nhất thống chí. Ở đây, những nét bút còn mờ nhạt về phía chúa Nguyễn trong Hoàng Lê nhất thống chí đã được tô đậm hoặc vẽ lại một cách công phu, tỉ mỉ hơn. Nhất là quá trình Nguyễn Ánh xóa bỏ nhà Tây Sơn, nhân những lục đục không tự dàn xếp được trong nội bộ triều đình Quang Toản. Tiểu thuyết còn bao quát cả mười mấy năm tại vị của Nguyễn Ánh lúc này là Gia Long, nhằm tạo cho câu chuyện “Trung hưng” của nhà Nguyễn có một dáng vóc trọn vẹn.

Dễ dàng thấy những khúc quanh quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ cuối đời Trần đến đầu đời Nguyễn đều được các tiểu thuyết chương hồi của ta đề cập tới.

Ở nhóm thứ hai, giường như có một thử nghiệm chuyển đổi về đề tài tiểu thuyết. Trước Đào hoa mộng ký, kể cả nhiều thập kỷ sau đó nữa, hễ nói đến tiểu thuyết chương hồi, người ta chỉ nghĩ đến tiểu thuyết lịch sử. Có biết đâu dưới dạng chương hồi còn có thể viết về chuyện cổ tích (các tiểu thuyết thần thoại, thần ma, thần quái), chuyện tâm lý xã hội (tiểu thuyết thế tình), chuyện trào phúng (tiểu thuyết phúng thích), chuyện tình yêu nam nữ (tiểu thuyết diễm tình, tiểu thuyết tài tử giai nhân) v.v…

Vậy là để “đổi món”, Đào hoa mộng ký đã chọn đề tài tình yêu. Nhưng viết về tình yêu, không khéo vẫn cứ rơi vào sáo cũ. Từng có một số tác phẩm văn học thậm chí nổi tiếng, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng vay mượn đề tài của nước ngoài. Đào hoa mộng ký viết: “Các truyện diễn âm phần nhiều dựa vào tiểu thuyết phương Bắc (chỉ Trung Quốc - TN) mà dịch ra tiếng phương Nam (chỉ Việt Nam - TN), ngay như Hoa tiên, Kim Vân Kiều gọi là sách của danh gia cũng không tránh khỏi. Thỉnh thoảng có một vài cuốn sách tuy hư cấu thật đấy, nhưng phải cái câu chuyện thì quê kệch, văn vẻ thì vụng về, muốn tìm cho ra một câu chuyện tươi mát, bút mục có hồn, quả là không dễ. Nào biết đâu từ thuở khai thiên lập địa tới nay, tài tử giai nhân đời nào chẳng có (…). Cứ cầm bút viết thẳng những câu chuyện ấy cùng những con người ấy, e còn chưa nói hết sự kỳ diệu của nó, hà tất phải ngược lên hàng nghìn năm trước để mượn thần thế, tìm chuyện tìm người, bằng vào đấy mà thăng hoa bút mực!”. Vậy là, cũng để canh tân, Đào hoa mộng ký đã chọn ngay một câu chuyện về người Việt Nam xảy ra trên đất Việt Nam làm đề tài sáng tác: cuộc tình duyên giữa Nguyên Sinh và Lan Nương. Nguyên Sinh người Giang Bắc, là con một cựu thần nhà Lê. Khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc, chàng theo gia đình chạy tới Giang Tây. Tại đây, Nguyên Sinh gặp Lan Nương, một ca kỹ nổi tiếng. Như có một sức mạnh huyền bí nào đó run rủi, hai bên - một trai tài, một gái sắc - bất giác cứ quấn vào nhau. Rồi trải qua một phen “bi-hoan-li-hợp”, cuối cùng họ mới hiểu hóa ra “đằng trai” là hậu thân của Kim Trọng, “đằng gái” là hậu thân của Thúy Kiều, và tất cả những người chung quanh họ không một ai nằm ngoài danh mục những kẻ mà kiếp trước vốn dĩ là nhân vật Truyện Kiều. Chẳng hạn Trần Thư tiền thân là Thúy Vân, Dư Mỗi tiền thân là Từ Hải, Huệ Nương tiên than là Đạm Tiên, v.v… Nhân vật Truyện Kiều phải sống thêm một cuộc đời nữa để chứng kiến hạnh phúc đôi lứa tròn đầy giữa Lan Nương và Nguyên Sinh dưới bóng Phật tổ từ bi, điều mà trong kiếp trước cả hai chưa thực sự được hưởng.

Về phương diện nghệ thuật, các tác phẩm lệ thuộc rất nhiều vào quan niệm về “tiểu thuyết”, một vấn đề từng gây trăn trở, xáo trộn và chia rẽ không ít trong giới sáng tác phê bình văn học hồi này.

Khi bàn về cách tiếp cận Đào hoa mộng ký, một tác phẩm diễm tình, Tương Giang Mai Cát Phủ viết: “Xem tiểu thuyết, phải “nhận chân” (thực sự để tâm vào) mới gọi là có “nhãn lực” lớn (biết cách xem). Đại phàm các sách “bái quan dã sử” (tiểu thuyết) xưa nay phần nhiều do các bậc tài hoa sáng tác. Có kẻ nhàn rỗi không biết làm gì, bèn rong chơi nơi bút mực. Có người tài cao nhưng chẳng gặp thời, đành lưu lạc giang hồ, bất đắc dĩ phải mượn truyện “Ô Hữu Tiên Sinh” (chuyện hư cấu) để bộc bạch sự nghiệp hoàng lương. Cũng có kẻ nói toàn chuyện hiếm thấy, cốt biểu tỏ tài năng lỗi lạc của mình. Lại có người dùng những lời lẽ mà người nghe đến phát sợ, nhằm làm vơi bớt nỗi bất bình tức uất của bản thân. Cho nên không nhất thiết phải có một nhân vật đích thực như thế, một câu chuyện đích thực như thế. Vậy mà trang giấy cứ lâm ly, ngòi bút cứ thổn thức; con người ấy, sự việc ấy, tình cảnh cứ hệt như thật, khiến người xem xúc động, tinh thần được cổ vũ, tưởng chừng như gặp Tiêu Lang, Tống Ngọc chốn thần giao, vào quán Sở lầu Tần nơi cõi mộng. Rồi bỗng dưng mà tới, bỗng dưng mà đi. Hiện hữu ư? Không hiện hữu ư? Chân thật ư? Hư cấu ư? Mắt xem đến đâu lòng hiểu đến đấy, bất cần phải phân biệt đâu là có, đâu là không, đâu là thật, đâu là giả. Sáng tác mà được như vậy, phải nói là trong văn có tranh vẽ; người đọc mà thấy được điều đó, cũng tựa thể trong mắt có ngọc châu” (ĐHMK, Q.2, phần Phê bình). Từ đoạn văn trên có thể rút ra mấy ý chính:

- Đặc trưng mang tính thể loại của tiểu thuyết là hư cấu.

- Nhưng sự hư cấu này vẫn có khả năng đạt tới một sự thật hơn cả sự thật ngoài đời.

- Chính cái “thật hơn” đó, cái thật mang tính nghệ thuật, qua sự trừu tượng hóa, khái quát hóa… của tiểu thuyết, đã có sức mạnh truyền cảm, chinh phục trái tim và khối óc người đọc.

- Người biết đọc tiểu thuyết là người tìm thấy cái mà tác giả muốn trao gửi, tức là “tâm”, chứ không phải phương tiện để trao gửi tức “văn chương”.

Nhưng những người viết tiểu thuyết lịch sử lại quan niệm vấn đề theo một lối khác. Như trên kia đã nói, họ tự nguyện đem tác phẩm của họ đặt vào một góc khiêm tốn trong ngăn kéo dành cho các bộ chính sử. “Tiểu thuyết” với họ, dù được mệnh danh là “chí”, “chí truyện” hay gì gì chăng nữa, thì bất quá cũng là một dòng nhỏ, một nguồn bổ sung cho quốc sử. Mà đã là “quốc sử” thì phải “thực”, trăm phần trăm chính xác, chứ không thể là “hư”, thêu dệt, vẽ vời, dựng chuyện… Tất nhiên nói vậy thôi. Trong thực tiễn sáng tác, để thu hút người đọc, các tác giả cũng đã phấn đấu làm sao cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, tình tiết trở nên ly kỳ, nhân vật trở nên sinh động, nghĩa là đều phải gia công nghệ thuật. Cái gọi là “nhân chân” (người thật), “sự chân” (hợp tình) ở đây không ít thì nhiều đều có châm chước, xuất nhập cả. Không thế, họ đã không chọn hình thức tiểu thuyết chương hồi, một thể loại văn học thường dành cho độc giả những hồi hộp, bất ngờ thú vị và độc giả cũng không cứ phải xem tác phẩm của họ, vì đã có những bộ sử chỉnh chiện như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục… kia rồi!

Ở nhóm tiểu thuyết viết về tình yêu, từ quan niệm tiểu thuyết không thể không hư cấu, tác giả Đào hoa mộng ký đã mạnh dạn sáng tạo không những về nội dung câu chuyện mà cả trong nghệ thuật trình bày. Hình thức tiểu thuyết chương hồi vừa có phần chữ Hán dành cho bình luận, vừa có phần chữ Nôm viết theo thể thơ lục bát, phải kể là một độc đáo.

Ở nhóm tiểu thuyết viết về lịch sử, do biết khai thác chỗ mạnh của tiểu thuyết chương hồi, một số tác phẩm, nổi nhất là Hoàng Lê nhất thống chí, biết kết hợp “sử” với “văn”, làm cho tác phẩm tuy thực mà hư, tuy hư mà thực, nhờ vậy đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ, có thể sánh cùng các bộ tiểu thuyết lịch sử ưu tú của các nước cùng khu vực. Hoan Châu ký, một cuốn gia phả trình bày dưới dạng tiểu thuyết chương hồi, cũng có mặt sáng tạo riêng của nó.

Tuy nhiên, hình tượng nhân vật trong Đào hoa mộng ký nói chung chưa sắc nét. Phần bình luận bằng văn xuôi của tác phẩm tuy có nhiều cái mới, nhưng phần sáng tác bằng văn vần thì còn lâu mới đuổi kịp Truyện Kiều, một kiệt tác mà Đào hoa mộng ký muốn vượt qua.

Ở nhóm tiểu thuyết lịch sử, do không biết tận dụng mặt sở trường của tiểu thuyết là hư cấu, nên hầu hết các tác phẩm, trừ Hoàng Lê nhất thống chí Trùng Quang tâm sử, nghệ thuật đều không cao. Ở Đây hình tượng nhân vật thường khô khan, văn vẻ kém hình ảnh và ít khả năng gợi cảm. Riêng Việt Lam xuân thu tuy có chú ý hơn đến vấn đề hư cấu, nhưng một số chỗ lại quá đà, làm cho tính chất “truyền kỳ” của tiểu thuyết lấn át tính chất “truyền tín” của chính sử, ảnh hưởng đến niềm tin của độc giả. Thí dụ tác phẩm đã dựng lên chuyện Lê Lợi hợp tác với giặc Minh để tiêu diệt nhà Hồ, là điều không thể nào xảy ra ở một nhân vật mà tác giả vốn xem như biểu tượng của sự trầm tĩnh, khôn ngoan, kiên định.

Những hạn chế trên đây thật ra không khó hiểu đối với tiểu thuyết chương hồi Việt Nam, một nền tiểu thuyết còn nhiều no trẻ. Dẫu sao thì mảng tiểu thuyết này cũng đã mang lại cho người đọc những hiểu biết nhất định về lịch sử dân tộc được trình bày một cách không quá khô khan “khó ngốn” như sử, góp phần nào nhu cầu thưởng thức văn học nói chung(16).

CHÚ THÍCH

(1) Trên Tạp chí Nam phong, từ số 48, Nguyễn Hữu Tiến có dịch và giới thiệu bộ tiểu thuyết chương hồi nhan đề Lĩnh Nam dật sử mà theo lời tựa của sách thì tác phẩm này do Trần Nhật Duật người đời Trần dịch từ chữ Hán ra Hán văn. Nhưng đúng như Nguyễn Đổng Chi, tác giả Việt Nam cổ văn học sử từng cảm nhận: “Xét câu văn và lối sắp đặt thì còn hồ nghi lắm” (VNCVHS, Nxb. Hàn Thuyên, 1942, tr.273). Gần đây, chúng tôi độc cuốn Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục của Tôn Giai Đệ. Tác giả xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, ở tr.150 có giới thiệu lai lịch bộ sách đỏ như sau: “Lĩnh Nam dật sử 28 hồi, khắc in vào năm Gia Khánh thứ 14 (1809) đời nhà Thanh. Hiện còn loại bản khổ nhỏ, ngoài bìa đề “Lâu Ngọc Lâu tàng bản”. Một loại bản khổ nhỏ khác ngoài bìa đề “Văn Đạo Đường tàng bản”. Sách do Hoàng Nại Am người đời Thanh soạn. Trong sách có ghi Hoa Khê Dật Sĩ biên thứ: Túy Viên Cuồng khách bình điểm; Trác Trai Trương Khí Giã và Trúc Viên Trương Tích Quang đồng tham hiệu. Đầu sách có bài tựa của Tây Viên Lão Nhân viết năm Giáp Dần, Càn Long thứ 59 (1794), một bài tựa nữa của Trương Khí Giã. Bản Văn Đạo Đường thiếu hai bài tựa trên, nhưng lại có bài tựa của Lý Mộng Tùng viết năm Tân Dậu, Gia Khánh thứ 6 (1801) và một bài Phàm lệ gồm 4 mục. Nại Am người Quảng Đông. Tên thực cũng như quê hương bản quán, chờ tra cứu”. Có thể thấy bản Lĩnh Nam dật sử viết tay hiện tàng trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.856/1-3, cuốn mà Nguyễn Hữu Tiến đã dựa vào để dịch, chỉ là một “ngụy tác” hay đúng hơn, đánh tráo một bộ tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc.

(2) Hoan Châu ký, Nguyễn Thị Thảo dịch, GS Trần Nghĩa khảo đính và giới thiệu. Nxb. KHXH, H. 1988.

(3) Hoàng Xuân Hãn, trong bài Đúng 300 năm trước (Tập san Sử Địa, số 26 Sài Gòn, 1974), dựa vào Quốc triều hương khoa lục, cho rằng “Tri huyện Giản” tên thực là Nguyễn Giản, người xã Yên Định, huyện Thụy Anh, xứ Sơn Nam (nay thuộc Thái Thụy, Thái Bình), đỗ Hương cống năm 1807, làm quan đến Án sát. Cũng trong bài viết trên, dựa vào Đại Nam thực lục Chính biên, ông cho giữ chức Tham hiệp trấn Sơn Tây đầu đời Nguyễn (Dẫn theo Nam triều công nghiệp diễn chí, Bd lại có sửa chữa của Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga, Ngô Đức Thọ giới thiệu, sách sắp xuất bản).

(4) Trịnh Nguyễn diễn chí, Ngô Đức Thọ dịch, Sở VH - TT Bình Trị Thiên xuất bản, 1986; Mộng bá vương, Ngô Đức Thọ dịch, Nxb. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990.

(5) Bd. của Cát Thành xuất bản năm 1912; Bd của Ngô Tất Tố xuất bản năm 1942, tái bản năm 1958; Bd. của Nguyễn Đăng Tấn - Nguyễn Công Liên xuất bản năm 1950 dưới tiêu đề Hậu Lê thống chí; Bd. của Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch xuất bản năm 1964, tái bản vào các năm 1970, 1984.

(6) Hoàng Việt long hưng chí, Ngô Đức Thọ, Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Nguyên dịch, Ngô Đức Thị giới thiệu và chỉnh lý. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993.

(7) Bd. của Trần Lê Hữu, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1957, dưới tiêu đề Hậu Trần dật sử; Bd của Nguyễn Văn Bách, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1971, dưới tiêu đề Trùng Quang tâm sử.

(8) “Bái” trong “Bái quan dã sử” nguyên nghĩa là “gạo tấm”. “Bái quan”, theo Nhan Sư Cổ, chỉ chức quan nhỏ do triều đình cử về các địa phương để tìm hiểu, phong tục tập quán cùng lời ăn tiếng nói ở nông thôn, ghi lại và tâu lên cho vua biết. Những tư liệu ghi lại đó gọi là “bái quan dã sử” hay “bái quan tiểu thuyết” - những câu chuyện vụn vặt, “tấm mẳn” thu lượm được từ nơi thôn dã. “Ngoại sử” là cách gọi khác của “bái sử” (bái quan dã sử) hay “tiểu thuyết”.

(9) Thậm chí đến năm 1941, khi Dương Quảng Hàm đưa in bộ Việt Nam văn học sử yếu, trong sách còn xếp Hoàng Lê nhất thống chí vào thể loại “truyện ký”, bên cạnh Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Thượng Kinh ký sự… (xem Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, tr.288 - 289).

(10) Trong kho thư tịch Hán Nôm Việt Nam hiện có một cuốn sách nhan đề Lưu Kính thoại bản, mang ký hiệu AB.594, soạn theo thể văn kể chuyện, mỗi câu 6 chữ, nhưng không thuộc ngôn ngữ văn học khu vực thời cổ tức Hán ngữ, mà thuộc về ngôn ngữ văn học dân tộc Việt Nam tức văn Nôm. Vả chăng loại “thoại bản” như thế này ở nước ta cho đến nay chưa thấy có trường hợp thứ hai.

(11) Bao gồm thần tích thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiến An, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Phúc Yên, Quảng Yên, Sơn Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Yên dưới triều Nguyễn.

(12) Tam quốc diễn nghĩa: do La Quán Trung (1330 - 1400?) người đời Minh soạn. Bản in sớm nhất hiện còn là bản ấn hành vào năm 1522, thời Minh Gia Tĩnh. Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử dài viết theo kiểu chương hồi đầu tiên của Trung Quốc, nội dung kể lại quá trình từ hưng thịnh đến suy vong của ba nước Ngụy, Thục, Ngô.

(13) Thủy hử: do Thi Nại Am (1296? - 1370?) người đời Minh soạn, nội dung kể lại cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Bắc Tống, do Tống Giang lãnh đạo.

(14) Kim Vân Kiều truyện : do Thanh Tâm Tài Nhân, người đời Thanh soạn, gồm 20 hồi.

(15) Hạnh hoa thiên: do Cổ Đường Thiên Phóng Đạo Nhân, người đời Thanh soạn, gồm 14 hồi. Đào hoa mộng ký có dẫn.

(16) Đào hoa ảnh: do Từ Chấn, người đời Thanh soạn, gồm 12 hồi. Đào hoa mộng ký có dẫn.

(17) Riêng bộ Lĩnh Nam dật sử 28 hồi hiện có trong kho sách Viện Hán Nôm, ký hiệu A.856/1-3, ghi: “Ma Văn Cao hiệu Dịch Sơn Động Sĩ người vùng sông Đà sáng tác, Nhật Duật tức Chiêu Văn Vương dịch và đề tựa năm Hưng Long Đinh Dậu (1297), Quốc Toản tước Hoài Văn Hầu hiệu chính, Trương Hán Siêu hiệu Thặng Am bình luận”. Đây chỉ là một ngụy tác như trên kia đã chứng minh. Trên thực tế, Việt Nam không có và không thể có một cuốn tiểu thuyết chương hồi nào ra đời trước Tam quốc diễn nghĩa Thủy hử.

(18) Khi viết bài này, tôi có tham khảo một số chỗ trong bộ sách Trung Quốc cổ điển văn học từ điển do PTS. Trịnh Khắc Mạnh cho mượn. Nhân đây, xin cảm ơn PTS.

TB

TỪ ĐIỂN SONG NGỮ HÁN VIỆT
DO CÁC HỌC GIẢ VIỆT NAM BIÊN SOẠN

PHAN VĂN CÁC

Nếu Từ điển tường giải đánh dấu sự phát triển tự thân của một ngôn ngữ, thì Từ điển song ngữ là sản phẩm chỉ ra đời khi sự tiếp xúc giữa 2 ngôn ngữ, sự giao lưu giữa 2 nền văn hóa đã phát triển đến một trình độ cao.

Tiếp xúc ngôn ngữ và giao lưu văn hóa Hán Việt xảy ra từ rất sớm, và đến nay đã có ít ra là hơn 2100 năm lịch sử, nhưng cuốn từ điển song ngữ Hán Việt đầu tiên do người Việt Nam biên soạn, đến nay được biết, chỉ mới xuất hiện cách đây chứng non 4 thế kỉ (khoảng từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII)(1).

Từ đó đến nay, đã lần lượt có hàng mấy chục bộ từ điển song ngữ Hán Việt khác nhau được biên soạn bởi nhiều thế hệ các nhà Hán học Việt Nam. “Kiểm kê”, đánh giá những gì đã đạt được trong đó, không chỉ có ý nghĩa từ điển học, mà còn rút ra được những kinh nghiệm bổ ích cho việc biên soạn từ điển hiện nay.

Trong hơn 4 thế kỉ ấy, từ góc độ nghiên cứu các từ điển đối dịch Hán Việt, theo chúng tôi, đến nay có thể nói đã có 4 tác phẩm tương đối quan trọng, dưới đây xin điểm qua:

1. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (thế kỉ XVII), chưa rõ tiểu sử của các tác giả mang tên hiệu Pháp Tính(2), là một cuốn từ điển song ngữ xếp theo chủ điểm, gồm 3394 mục từ Hán được chú âm, dịch nghĩa bằng tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm, được phân bố vào 41 chương bộ, trong đó 38 chương bộ, đặt thành văn vần tạo thành 38 bài thơ, bài dài nhất 460 câu, ngắn nhất 11 câu, và 35 đoạn “bổ di”.

Có 1536 chữ Hán trong các mục được chú âm, tạo thành 768 cặp.

Dù với tất cả những hạn chế và sai sót khó tránh ở thời điểm ra đời của nó, thì, không kể những giá trị nhiều mặt của nó với tư cách một chứng tích quan trọng về lịch sử tiếng Việt trên các bình diện ngữ âm, ngữ pháp và nhất là từ vựng, về dạng chữ Nôm, về tri thức bách khoa trong các lĩnh vực thiên nhiên và sinh hoạt kinh tế xã hội Việt Nam qua các mục hòa cốc, nông canh, hôn nhân, nhân luân, thiên văn, nhạc khí, binh khí, pháp khí, v.v… Riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ học, Hán ngữ học, đặt biệt là trong lịch sử nghiên cứu từ điển song ngữ Hán Việt, chỉ nam ngọc âm giải nghĩa đã cắm được cái mốc đầu tiên cực kỳ quan trọng, ghi dấu sự phát triển về chất của quá trình tiếp xúc ngôn ngữ và văn hóa giữa hai dân tộc Trung Việt(3).

2. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Tiếng Dân, 1932 là một bộ từ điển đã có cống hiến không nhỏ cho học thuật nước nhà. Tuy nhiên, do không phân biệt hai loại hiện tượng ngôn ngữ có liên quan với nhau nhưng hoàn toàn khác nhau, làm đối tượng của hai loại từ điển khác nhau, làm đối tượng của hai loại từ điển khác nhau - một bên là từ điển song ngữ Hán Việt với chức năng đối dịch hai ngôn ngữ giống như từ điển Nga Việt, từ điển Pháp Việt, còn một bên là từ điển các từ Việt gốc Hán, những từ này là của tiếng Việt, có thể là không tồn tại hoặc không còn tồn tại nữa trong tiếng Hán hiện đại, hoặc có những nghĩa, nét nghĩa, cách dùng hay sắc thái riêng không giống các đơn vị tương ứng trong tiếng Hán - đã nhập cục hai loại đơn vị thuộc hai hệ thống như vậy nên đã không tránh khỏi rơi vào rối loạn, lẫn lộn, sai lạc.

Nhược điểm của cuốn sách đến nay quá rõ: Có đến ba phần tư cuốn sách không hề phát huy tác dụng. Nếu dùng nó để học từ Hán Việt thì rất nhiều từ trong đó chưa từng gia nhập tiếng Việt. Chẳng hạn lấy một mục bất kỳ, mục Ải mà xét, thì trong số 6 đơn vị thu nhập, có lẽ chỉ có từ ải quan còn tạm dùng được, còn lại 5 từ kia: ải hại, ải hạng, ải hiểm, ải sát, ải tử thì người Việt chẳng dùng đến bao giờ. Còn nếu dùng để học tiếng Hán thì nó hoàn toàn bất lực.

3. Từ điển Trung Việt của Văn Tân, Nhà xuất bản Sự thật, 1959, đã khắc phục được nhược điểm cơ bản nói trên của từ điển Đào Duy Anh. Đây thực sự là một từ điển song ngữ Hán - Việt đầu tiên lấy từ làm đơn vị.

Tuy nhiên nó đã có nhược điểm sau đây:

a) Dung lượng nhỏ: Số lượng chữ đơn và từ ngữ đều ít.

b) Ở một bộ phận khá lớn các mục từ, tác giả không đưa ra được đơn vị tương ứng trong tiếng Việt mà chỉ dịch lại lời giải thích của một từ điển tường giải của Trung Quốc.

4. Từ điển Trung Việt của các tác giả (xếp theo ABC) Phan Văn Các, Phạm Đình Cầu, Nguyễn Duy Chiếm, Nguyễn Trung Hiền, Nguyễn Quý Hữu, Lê Khả Kế, Huỳnh Lứa, Lê Đức Niệm, Nguyễn Văn Phát, Nguyễn Đức Sâm, Lê Xuân Thại, Lê Huy Tiêu, Nxb. KHXH, H. 1992, là cuốn từ điển song ngữ Hán Việt mới nhất, với dung lượng lớn(4), khoảng 60.000 từ, khắc phục được những nhược điểm của các từ điển đã có trước kia, lại tiếp thu được những thành tựu của từ điển học và Hán ngữ học, Việt ngữ học trong những thập kỷ qua, thể hiện trong một bản thể lệ chung, ở đó các vấn đề cách sắp xếp, hình chữ và hình từ, chú âm, dịch nghĩa… đều được xử lý tương đối khoa học và nhất quán, thỏa đáng.

Một là những vấn đề từ điển học Hán ngữ nói chung:

Do đặc điểm của chữ Hán là hệ thống văn tự biểu ý, ghi âm tiết (Idéogramme syllabique) nên ngoài những vấn đề từ điển học đại cương có ý nghĩa phổ quát đối với mọi ngôn ngữ, từ điển học Hán ngữ còn phải giải quyết 3 loại vấn đề có tính đặc thù sau đây:

a) Vấn đề điều mục: từng nảy sinh những sự tranh cãi hoặc thắc mắc quanh hai thuật ngữ tự điển @ và từ điển @. Ở các ngôn ngữ khác không có sự phân biệt này. Thật ra đơn vị nhỏ hơn từ mà từ điển cần thu thập chỉ có thể là ngữ tố (morphềm) chứ không phải là “chữ” Tân Hoa tự điển (Bản 1965) chẳng hạn mang tên tự điển, song nói cho chặt chẽ thì phải gọi là ngữ tố điển, vì nó lấy ngữ tố làm đơn vị và có những điều mục gồm hai hoặc trên hai chữ Hán như: @.

Tự điển truyền thống của Trung Quốc như Khang Hi tự điển chỉ có mục chữ đơn, không có mục nhiều chữ. Cảm riêng, lãm riêng. Từ năm 100, Hữu Thận soạn Thuyết văn giải tự đã làm như vậy, có điều là trong Thuyết văn giải tự không có cả cảm lẫn lãm. Nhưng tương tự như vậy, Thuyết văn giải tự xếp làm 2 mục. Trong bộ mộc có chữ (@) và giải thích “tì bà mộc dã” (tì bà tên cây). Mục là chữ đơn, nhưng trong lời giải thích thì buộc phải để xuất hiện từ song tiết tì bà, vì riêng một chữ thì không giải thích được. Trong bộ mộc cũng có chữ nhưng là một chữ khác, không liên quan gì với trong tì bà.

Quảng vận do Trần Bành Niên và một số người khác hiệu đính năm 1008, cũng tách 2 chữ, nhưng ở cả 2 mục đều nêu tì bà trước, sau đó mới giải thích tì bà là gì, như thế chặt chẽ và hợp lý hơn Thuyết văn giải tự.

Phải đến Từ nguyên (lần thứ nhất xuất bản năm 1915) mới xây dựng trên khái niệm ngôn ngữ học hiện đại, lấy từ làm đơn vị. Xét về các điều, nó lấy từ làm chính, tuy cũng lập mục chữ đơn.

Thật ra lập các điều mục của từ điển cũng không chỉ dùng lại ở từ. Các từ tổ có tính “thục ngữ” (thành ngữ, idiomatique) mà ý nghĩa không thể suy ra từ mặt chữ, như @ cũng cần được chọn làm điều mục từ điển.

b) Vấn đề chữ Hán: Xoay quanh các khái niệm phồn thể, giản thể, dị thể cũng từng có không ít trường hợp khiến người làm từ điển phải lúng túng lúc phải xử lí những hiện tượng cụ thể.

Nói chung từ điển cổ Hán ngữ, thì mục chữ nên dùng chữ phồn thể, mở ngoặc chú giản thể, còn từ điển Hán ngữ hiện đại nên dùng chữ giản thể, nhưng sau “đầu chữ” giản thể có chữ phồn thể và dị thể trong hai dấu ngoặc, là thích hợp. Những trường hợp dị thể như @ và @; vừa là dị thể vừa là giản thể như @ và @, cần có cách xử lí phân biệt.

c) Vấn đề sắp xếp: Lấy sắp xếp theo chữ cái phiên âm cách đọc hiện đại làm chính kết hợp với việc cung cấp các bảng tra chữ theo kí hiệu 4 góc và theo 214 bộ thủ truyền thống là cách làm thích hợp nhất hiện nay.

Hai là những vấn đề của một cuốn từ điển song ngữ:

a). Chọn từ;

b). Tách và nhập các nét nghĩa;

c). Cung cấp đơn vị tương ứng trong ngôn ngữ thứ hai.

Không thể không nhắc đến việc ghi chú đầy đủ hai loại âm đọc (phiên âm Bắc Kinh và âm đọc Hán Việt) của toàn bộ các mục chữ đơn.

Đương nhiên, công trình từ điển song ngữ Hán Việt mới nhất này cũng không tránh khỏi thiếu sót.

Dễ phát hiện hơn cả là việc vay mượn sống sượng các bản phụ lục của từ điển tường giải Trung Quốc, thậm chí các lời thuyết minh của chúng cũng giữ nguyên không dịch (!)

Ngoài ra, lẻ tẻ trong một số mục từ cũng còn những chi tiết thiếu chính xác, còn những lời dịch chọn chưa đắt, còn thiếu một số từ mới xuất hiện trong những năm gần đây(5).

CHÚ THÍCH

(1) Từ điển song ngữ Hán Việt đầu tiên có lẽ là tác phẩm của học giả Trung Quốc, bản từ vựng Hán Việt trong Hoa Di dịch ngữ, do Tứ Di quán đời Minh biên soạn khoảng đầu thế kỉ XII.

(2) Xem thêm Trần Xuân Ngọc Lan. Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, 1985.

(3) Các cuốn Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự đều biên soạn theo nguyên tắc đối dịch Hán - Việt từng đơn vị từ vựng, trong đó có những cuốn khá độc đáo trong cách lựa chọn các cặp từ đồng cận nghĩa hoặc phản nghĩa, tức là nằm trong cùng một trường ngữ nghĩa; lại được sắp xếp có vần, dễ thuộc dễ nhớ; nghĩa và lời dịch được chọn đều khá tiêu biểu, điển hình, kiểu như “thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tám ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, ngựa, cự cựu, nha răng, chăng, hữu có, khuyển chó, dương dê, quy về, tẩu chạy, bái lạy, quỳ quỳ, khứ đi, lại lại…” Song đó chỉ là những sách dạy chữ Hán chứ không thể xem là từ điển, bởi lẽ các đơn vị không được sắp xếp theo một trật tự có thể tra cứu được.

(4) Theo ước lệ của một số nhà từ điển học ngày nay thì một quyển từ điển có bảng từ khoảng:

3000 - 8000 đơn vị mục từ là loại nhỏ;

8000 - 40.000 đơn vị mục từ là loại vừa;

40.000 đơn vị mục từ trở lên là loại lớn.

Hoa Nga đại từ điển, công trình của 33 nhà Hán ngữ học Xô Viết, do I.M. Ô-Sa-nin chủ biên, Nxb. Khoa học Mockba, 1983 - 1984, thu thập 15.681 chữ đơn và 25 vạn từ ghép.

(5) Xem thêm bài Một số ý kiến nhận xét về cuốn “từ điển Trung Việt”, Tạp chí Hán Nôm Số 1 (14) - 1993.

TB

VÀI NÉT VỀ KIM NGỌC BẢO TỈ
TRIỀU NGUYỄN

NGUYỄN CÔNG VIỆT

Dưới chế độ quân chủ chuyên chế, nhà Nguyễn cũng như các triều đại phong kiến trước nó lấy ấn tín để biểu thị cho quyền lực tối cao. Điển hình nhất của ấn tín là Kim Ngọc Bảo tỉ. Kim Ngọc Bảo tỉ là những ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại. Ấn được làm bằng ngọc gọi là “Ngọc tỉ”, được đúc bằng vàng gọi là “Kim Bảo tỉ”. Có thể nói Bảo tỉ là báu vật của quốc gia và tượng trưng cho đế quyền.

Những hiện vật và tài liệu ghi chép về Kim Ngọc bảo tỉ ngày nay còn lại rất ít. Với sự góp nhặt tư liệu, hiện vật, đặc biệt qua cuốn Cơ mật viện túc trình(1), chúng tôi tạm hệ thống sơ lược về Kim Ngọc bảo tỉ, bổ sung đoạn nói về Bảo tỉ của giáo sư Trần Kinh Hòa(2).

Bảo tỉ nhà Nguyễn gồm hai loại chính bằng vàng và bằng ngọc. Ngoài ra những Bảo tỉ dùng ngoài ý nghĩa quốc gia trọng đại thường được làm bằng bạc dát vàng, bằng bạc, bằng ngà, đá quý, bằng đồng dát bạc và bằng gỗ quý. Bảo tỉ cũng như các trọng khí khác của các vua Nguyễn, thường lấy hình tứ linh (long, li, quy, phượng) làm biểu tượng. Ở Bảo tỉ chủ yếu được đúc theo hình rồng và lân. Hình rồng và hình lân trên mỗi Bảo tỉ cũng được cách điệu khác nhau. Sự đa dạng của nó càng làm phong phú thêm cho mĩ thuật điêu khắc chạm trổ ở thế kỉ XIX.

Trọng lượng và thể tích của Bảo tỉ thường lớn hơn nhiều so với các loại hình ấn khác. Nó có thể lớn gấp đôi, gấp ba ấn Quan phòng; lớn gấp năm hoặc gần chục lần Tín kí và Triện(3).

Mặt dấu của Bảo tỉ thường làm theo hình vuông hoặc một số làm theo hình tròn hoặc hình thoi. Viền vòng ngoài chữ Triện hay khắc hình lưỡng long. Những họa tiết này thấy nhiều ở dấu hình tròn.

Việc đúc Kim Bảo tỉ cũng phải được tiến hành đúng theo quy chế mà vua và triều đình đề ra. Đại Nam hội điển toát yếu ghi: “Phàm khi có đúc ấn bằng vàng, thì trước đó Bộ Lễ tư cho Khâm thiên giám chọn ngày tốt, phủ Thừa Thiên sắm sửa lễ vật. Đến ngày đã định, Hữu ti kính cáo với thần tư công. Rồi Bộ hội đồng với kho vũ khố, phủ Nội vụ, kinh cẩn giám thị, theo như quy thức chế tạo khi đúc xong dâng lên”(4).

Trừ một vài quả được làm từ thời chúa Nguyễn, nói chung các Kim Ngọc bảo tỉ được làm ở thời kì Nguyễn sơ. Những Bảo tỉ ở giai đoạn sau là những Bảo tỉ dùng ngoài ý nghĩa quốc gia trọng đại.

Bảo ấn có niên đại sớm nhất của triều Nguyễn còn giữ lại được đến đời Bảo Đại là ấn “Việt Nam quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”. Bảo ấn này được làm từ đời Hiến Tông Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) Đại nam thực lục chính biên đã ghi: “Năm Canh Tý (1780)… vua (Nguyễn Ánh) mới theo, lên ngôi vương ở Sài Gòn. Văn thư đưa xuống gọi là Chỉ truyền, sai phái gọi là Chỉ sai, dùng ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” (Ấn này do Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế chế, nay dùng làm của báu truyền ngôi)”(5).

Bảo ấn này cũng thấy chép trong Cơ mật viện túc trình, sách ghi rõ chất liệu của ấn bằng vàng. Hiện nay trên tấm bia đá lớn ở chùa Thiên Mụ (Huế) có khắc hình dấu Kim bảo này. Đợt công tác tại Huế năm 1989 chúng tôi đã in rập được nguyên bản hình dấu Kim bảo đã nói trên. Dấu hình vuông, kích thước 11x11cm. Viền ngoài để rộng 1,1cm. 9 chữ Triện bên trong xếp thành 3 hàng dọc, mỗi hàng 3 chữ. Lối Triện tự viết theo kiểu thời Lê - Trịnh, nét vuông vức uốn nhiều nét.

Khi lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long ra sắc lệnh dùng vàng đúc ấn Bảo tỉ. Minh Mệnh chính yếu chép: “…Đức Hoàng khảo Thế Tổ Cao Hoàng đế ta, dựng thành quy chế, lập ra pháp luật, trăm chế độ đều mới cả, ra sắc lệnh dùng vàng đúc các loại ấn như: Chế cáo chi bảo, Quốc gia tín bảo, Sắc chính vạn dân chi bảo, Thảo tội an dân chi bảo, Ngư tiềm chi bảo, Mệnh đức chi bảo…(6)

Những Kim bảo tỉ trên đều được làm bằng vàng; trong Cơ mật viện túc trình cũng đã ghi.

Tiếp xúc với những văn bản chữ Hán thuộc triều Gia Long ở kho Châu bản triều Nguyễn, chúng tôi thấy nhiều hình dấu Bảo tỉ trên; ngoài ra còn những dấu Bảo tí khác mà Minh Mệnh chính yếu cũng như một số sách khác không thấy ghi, như dấu “Văn lí mật sát”, “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”(7) v.v…

Mỗi một Bảo tỉ đều có cách sử dụng riêng và dùng cho một loại văn thư chỉ định. Dưới đây xin liệt kê những Kim bảo tỉ triều Gia Long.

1. “Chế cáo chi bảo”: dùng đóng trên tờ huân giới, chiếu lệnh sai phái các quan văn võ.

2. “Quốc gia tín bảo”: đóng trên các văn kiện tuyên triệu tướng soái, trưng phát sĩ binh.

3. “Sắc chính vạn dân chi bảo”: đóng trên các đạo sắc, văn khuyến giới dân chúng tứ phương, tinh biểu các nhân vật tiết nghĩa hiếu hạnh.

4. “Thào tội an dân chi bảo”: đóng trên các tờ chiếu văn sai phái các tướng mang quân đi đánh dẹp.

5. “Ngự tiền chi bảo”: đóng trên các tờ dụ hai tờ chỉ thuộc về thường sự.

6. “Mệnh đức chi bảo”: đóng trên các bản văn ban thưởng các quan viên có huân lao, thành tích đặc biệt hay trung thành.

7. “Văn lí mật sát”: đóng trên những bản dụ, chỉ, chương, sớ ở những chỗ sửa chữa, viết thêm và nơi giáp trang.

8. “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”: đóng trên đầu tờ giấy trong các đạo chiếu văn.

9. “Phong tặng chi bảo”: đóng trên các sắc cáo phong tặng thần nhân hay công thần.

Xin giới thiệu một số hình dấu Kim bảo đã nói ở trên hiện còn giữ được trong Châu bản triều Nguyễn tại Cục lưu trữ quốc gia.

Dấu “Quốc gia tín bảo” có hình vuông cỡ: 11,3x11,3cm. Viền ngoài để đậm 1,6cm. Bốn chữ Triện bên trong được khắc theo hình vuông xếp theo 2 hàng. Nét chữ vuông vức rõ ràng dễ đọc. Vị trí dấu đóng đè lên chữ Gia Long trên dòng ghi niên hiệu ngày tháng.

Kim bảo “Ngự tiền chi bảo” được làm 2 cái. Một cái bằng vàng và một bằng bạc. Cái bằng vàng mặt dấu được đúc theo hình thoi, cái bằng bạc mặt dấu đúc theo hình lục giác, 2 cái khác nhau nhưng tự dạng trong dấu có cùng một kiểu. Dấu “Ngự tiền chi bảo” bằng vàng có kích thước 2,5x 3cm, viền ngoài cỡ 0,5cm trong có họa tiết điều đặc biệt ở đây là tất cả những Kim Ngọc Bảo tỉ tự dạng đều khắc theo kiểu Triện tự. Riêng dấu “Ngự tiền chi bảo” có tự dạng lối Chân thư. Nét chữ khắc đậm, nhạt như chữ viết trên giấy. Vị trí của dấu trên các văn bản đóng ở Trang thứ nhất, hàng niên hiệu cuối cùng trên 2 chữ “Khâm thử” (Ảnh 3).

Kim bảo “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành” đương thời và về sau được gọi là “Tiểu long bảo”. Bảo ấn được đúc làm hai chiếc: một vàng, một bạc có hình thức như nhau. Dấu có hình chữ nhật đứng, cỡ 3,4x 4,9cm. Viền ngoài để rộng 0,6cm. Bên trong khắc hình 2 con rồng nhỏ nét mảnh. Có lẽ vì thế nên triều Nguyễn gọi là “Tiểu long bảo”. Chữ Triện xếp theo chiều dọc 2 hàng, mỗi hàng 4 chữ. Đó là 8 chữ “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành” (Ảnh 4). Con dấu này được đóng trên đầu tờ giấy trong những đạo chiếu văn. Đến đời Minh Mệnh thứ 9 (1828) vua Minh Mệnh thấy ý nghĩa của dấu này chỉ nặng về mặt hình thức nên bỏ không dùng. Minh Mệnh chính yếu ghi: “Còn như các chiếu văn việc cũ dùng ấn “Tiểu long” đóng lên đầu tờ giấy đều phải đình chỉ…”(8).

Khi lên ngôi, với ước vọng xây dựng đất nước thành một quốc gia hùng cường, vua Minh Mệnh đã đặt tên nước là “Đại Nam” có ý sánh với nhà Đại Thanh bên Trung Quốc. Hai chữ “Đại Nam” từ đây đã được khắc trên một số Bảo tỉ. Đến năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) nhà vua đã kiện toàn lại vấn đề dùng Ấn, Bảo tỉ. Minh Mệnh chính yếu chép rằng: “Trẫm kính thừa mệnh lên ngôi báu, nay gặp buổi thanh bình, nghĩ làm sáng tỏ quy mô ngày trước để lại đời sau. Sai lấy vàng đúc ấn Hoàng đế, lại đúc thêm ấn Hoàng đế tôn thần, ấn Sắc mệnh, ấn Khâm Văn, ấn Duệ vũ và ấn trị lịch minh thời… Các ấn lần lượt đúc xong…”(9).

Việc định lệ dùng ấn cũng được làm ngay khi đã hoàn thành việc đúc ấn. Mỗi bảo tỉ được đúc ra cũng đều có cách sử dụng riêng và dùng cho một loại văn thư chỉ định. Tiếp theo xin giới thiệu những Kim bảo tỉ có từ đời Minh Mệnh:

1. “Hoàng đế tôn thân”: đúc bằng vàng, đóng trên các bản văn tiến dâng húy hiệu hay thụy hiệu.

2. “Sắc mệnh chi bảo”: đúc bằng vàng, đóng trên các sắc cáo cho các quan văn võ công thần, phong tặng các thần dân.

3. “Khâm văn chi tỉ”: đúc bằng vàng, đóng trên các văn kiện và những vấn đề văn hóa, dựng việc học, mở khoa thi, học đường, sĩ tử.

4. “Duệ vũ chi tỉ”: đúc bằng vàng, đóng trên các văn kiện liên quan đến việc binh nhung, cáo văn cho binh sĩ, mở trường và sử dụng, những việc võ bị.

5. “Trị lịch minh thời”: đúc 2 ấn, một vàng và một bạc, đóng trên các bản lịch, bản chích sóc.

6. “Hoàng đế chi bảo”: đúc bằng vàng, dùng để đóng trên các bản cáo dụ ban xuống cho các bậc huân thần và quan lại cao cấp.

Những bảo tỉ mà Minh Mệnh chính yếu không chép:

1. “Tế gia chi bảo”: đúc bằng vàng, đóng trên các dụ, chỉ hay huấn thị trong nội đình.

2. “Đại Nam hiệp kỉ lịch chi bảo”: đúc bằng vàng, loại này cũng như bảo “Tri lịch minh thời” dùng đóng trên các bản lịch do triều đình in và ban cấp hàng năm.

Những Kim bảo tỉ được đúc đời Minh Mệnh ngoài những cái mới dùng cho những loại văn thư riêng biệt mới mở. Ở đây còn có những Kim bảo tỉ được làm ra dùng thay cho Kim bảo tỉ cũ, đều được dùng cho một loại văn thư. Đó là Bảo ấn “sắc mệnh chi bảo” được đúc để thay cho Bảo ấn “Phong tặng chi bảo”. Sử sách không ghi lại, nhưng xem xét một loại sắc phong từ Gia Long đến Minh Mệnh thứ 8, chúng tôi thấy trên sắc phong chỉ có một dấu “Phong tặng chi bảo”. Từ Minh Mệnh thứ 9 trở đi, trên sắc không thấy dấu “Phong tặng chi bảo” nữa, thay thế nó là dấu “sắc mệnh chi bảo” có kích thước lớn hơn.

Theo tài liệu được cung cấp ở Huế, chúng tôi được biết Bảo ấn “Sắc mệnh chi bảo” nặng 395 lượng vàng. Một võ quan khỏe mạnh thấy vất vả vì sức nặng của ấn khi phụ giúp việc đóng dấu. Những hình dấu “Sắc mệnh chi bảo” hiện còn lưu lại trên những bản sắc phong chứng minh điều đó. Đây là con dấu lớn nhất trong tất cả các hình dấu còn đến nay. Dấu hình vuông có kích thước 13,5x13,5cm. Viền ngoài để rộng 1,3cm. Bốn chữ Triện khắc vuông vức bên trong, cỡ mỗi chữ là 5x5cm.

Cách sử dụng “Sắc mệnh chi bảo” ngoài đoạn nói ở trên trong Minh Mệnh chính yếu còn ghi thêm: “Người quyền thự chức hàm, tuy chưa được cấp sắc, nhưng đối với người tầm thường sai phái có khác biệt thì chiếu văn, thăng chức quyền thự cũng chuẩn cho dùng ấn Sắc Mệnh”(10).

Có những trường hợp ấn vàng đã sử dụng đến đời vua sau vì kiêng tên húy, nên lại phải đúc ấn mới. Việc này sử sách cũng ghi lại: “Ấn Dậi nam hiệp kỉ lịch đã đúc xong bá cáo trong ngoài (vì ấn cũ gặp chữ Tôn húy cho nên đổi đúc ấn mới)(11).

Ngọc tỉ là loại ấn được đúc bằng ngọc. Có loại ngọc bình thường, có loại được gọi là ngọc tốt. Loại Ngọc tỉ này cũng chủ yếu được làm ở thời kì Nguyễn sơ. Vì chất lượng quý hiếm hơn nên số lượng Ngọc tỉ ít hơn so với Kim bảo tỉ.

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) có người dâng vua một viên ngọc cực lớn, nó là sản vật ở núi Ngọc huyện Hòa Điền, vùng đất Quảng. Thấy viên ngọc quý vua Thiệu Trị mừng lắm, mới sai quan Hữu tư giũa làm thành quả ấn. Khi thợ làm xong, vua xem thấy Tỉ ấn cứng rắn, đẹp đẽ, ôn nhuận sáng sủa. Hình thể mặt trên ấn là theo hình rồng uốn khúc, cao hơn 4 tấc. Mặt hình dấu khắc theo hình vuông. Kích thước 3,1x3,1cm.

Khi ấn ngọc làm xong, việc khắc chữ Triện vào Ngọc tỉ cũng phải tiến hành theo đúng nghi lễ. Viên ngọc nói trên, triều đình phải trọn ngày tốt là ngày 15 tháng 3. Thiệu Trị thân làm lễ Đại tự, thỉnh mệnh trời đất, kính yết Tổ khảo giúp vận nước lâu dài, và khắc 9 chữ Triện: “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỉ” lên mặt ấn ngọc. Sau đó gặp tiết Vạn thọ, ấn ngọc đã chế xong, đến ngày 1 tháng 6 vua sai chuẩn bị lễ văn. Thiệu Trị thân bưng ngọc tỉ, kính cáo miếu linh thánh. Nghi lễ xong xuôi, lệnh cho các cung giám phụng mang cất giữ cẩn thận ở Trung Hòa Điện trong Càn Thành. Ngọc tỉ này được coi trọng bảo vệ như Kim bảo “Nam Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn tri bảo”.

Cũng như Kim bảo tỉ, quá trình từ lúc chuẩn bị cho đến khi hoàn thiện một ngọc tỉ phải thực hiện đúng theo sự chỉ định của vua triều đình, cùng với sự giám sát của các cơ quan hữu trách. Việc sử dụng Ngọc tỉ cũng giống như Kim bảo tỉ, phải được dùng cho một loại văn thư chỉ định. Xin giới thiệu một số Ngọc tỉ mà chúng tôi được biết.

1. “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỉ”: ấn này như một biểu tượng của cả vương triều Nguyễn, mang tính chất truyền quốc, sử dụng một cách đặc biệt, được giữ rất cẩn thận.

2. “Đại Nam thiên tử chi tỉ”: đóng trên các văn kiện ngoại giao.

3. “Đại Nam Hoàng đế chi tỉ”: đóng trên các văn kiện về việc tuần thú các tỉnh, trên những bản sắc thư và trên các văn kiện gửi đi nước ngoài.

4. “Hoàng đế chi tỉ”: đóng trên các chiếu văn ban trong dịp cải nguyên hay đại xá và ban ân.

5. “Vạn thọ vô cương ngọc tỉ”: đóng trên các ân chiếu, cáo văn và khánh chức trong dịp lễ vạn thọ.

6. “Hành tại chi tỉ”: đóng trên các bài huấn thị hoặc sắc thư trong thời kì tuần thú ở hành tại của vua.

7. “Thần hàn chi tỉ”: đóng trên các bản châu dụ, ngự bút trong lúc ngự giá tuần dụ, ban xuống từ nơi hành tại của vua.

Cách sử dụng các Kim ngọc bảo tỉ: Ngay từ thời Gia Long đã để nghi thức dùng Bảo tỉ trên cơ sở những quy chế dùng Bảo tỉ từ thời các chúa Nguyễn. Những quy chế này được hoàn thiện trong thời kì Nguyễn sơ.

Kim ngọc bảo tỉ đều được cất giữ ở Trung Hòa Điện trong Càn Thành. Mỗi khi Nội các dùng đến Bảo tỉ nào thì Bảo tỉ ấy do các cung giám phụng đưa ra. Việc sử dụng cũng phân chia rõ rệt. Những bảo tỉ thường như “Sắc mệnh chi bảo”, “Ngự tiền chi bảo” mỗi khi được dùng thì các quan Nội các phải họp nhất trí với bộ quan được trực, đặt một cái án giữa Tả vu của điện Cần Chánh để hầu bảo (tức đóng dấu). Những Bảo tỉ khác được coi là quan trọng hơn như “Hoàng đế chi bảo”, “Đại Nam Thiên tử chi tỉ” lại phải theo những nghi thức riêng. Đầu tiên cơ quan hữu trách làm phiếu tấu trình Hoàng đế, xin phép định ngày hầu bảo. Đúng ngày đã định, quan thường trực đặt một cái án ở điện Cần Chánh. Nội thần kính cẩn bưng tráp đựng ấn ra. Cấm vệ quan cầm kiếm tuốt trần đứng dàn hầu hai bên. Quan nội các thị vệ, khoa đạo cùng trực thần mặc phẩm phục màu xanh, bước vào chiếu mở tráp lấy ấn đóng vào chỗ quy định. Xong việc lại đưa trả vào tráp. Quan Nội các niêm phong, rồi Nội thần nhận kính cẩn bưng cất vào chỗ cũ. Mỗi lần dùng ấn về công việc gì, Hội đồng phải lập biên bản ghi vào sổ, hòm chìa khóa phải dâng vào Đại nội, trước khi ra về.

Với Kim Ngọc Bảo tỉ, còn một nghi lễ quan trọng nữa mà chúng tôi cũng biết được qua chuyến công tác tại Huế năm 1989: Lễ Phất thức(12): Nghi Lễ này bắt đầu có từ năm 1837. Cứ vào hạ tuần tháng chạp hàng năm lễ Phất thức đặt cử hành long trọng tại điện Cần chánh. Trước ngày đã định, Nội các dâng trình nhà vua bản danh sách các Hoàng tử và văn võ đại thần trật nhất phẩm cùng các trưởng quan ở Nội các và Cơ mật viện, Nhà vua lựa chọn những người được dự lễ. Đến ngày hành lễ, Trực, quan đạt hương án giữ điện Cần Chánh. Hai hàng vòng ngoài là cấm quan cầm gươm tuốt trần. Các hoàng tử và các quan đều mặc lễ phục đứng vòng trong. Khi Nội thần bưng Kim Ngọc Bảo tỉ ra thì kiểm thị, rồi dùng lụa đỏ để lau và dùng nước hương thang chùi các ấn. Xong xuôi các hòm ấn lại được niêm phong cẩn thận, Nội thần lại bưng Bảo tỉ cất vào chỗ cũ. Ngày làm lễ Phất thức trên cũng là ngày giờ đầu năm sau, Triều đình lựa ngày tốt làm lễ khai ấn rồi mới được dùng lại.

CHÚ THÍCH

(1) Cơ mật viện túc trình: sách chữ Hán, dày 58 trang, khổ 28,7x16cm, phần lớn ghi về Kim Ngọc bảo tỉ triều Nguyễn có đóng dấu “Cơ mật viện ấn” và kiềm nhỏ “Cơ mật”. Đây là cuốn sách của viện Cơ mật chép năm Bảo Đại nguyên niên (1926), do nhà nghiên cứu Phan Thuận An tại Huế cung cấp.

(2) Mục lục châu báu triều Nguyễn - triều Gia Long, Trần Kinh Hòa, Nxb. Đại học huế, 1960.

(3) Về Ấn Quan phòng, Tín kí và Triện, xin xem bài Giới thiệu sơ lược ấn Triện triều Nguyễn của Nguyễn Công Việt, Tạp chí Hán Nôm số 1 - 1990.

(4) Đại Nam hội điển toát yếu… Tập II, trang 115, Luận văn viết tay của Ngô Thế Long, Thư viện Viện Hán Nôm, kí hiệu L.A.13.

(5) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỉ, Nxb. Văn Sử Địa, 1960, tr.33.

(6) Minh Mệnh chính yếu - Tập V, quyển 18, Pháp độ, bản dịch của Hà Ngọc Xuyển, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản, 1974, tr.27.

(7) Các dấu “Văn lí mật sát”. “Thủ tín thiên hạ văn võ quyền hành” đóng ở Chư bộ nha, triều Gia Long. Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hà Nội.

(8) Minh Mệnh chính yếu, tập 5, Q18, Pháp độ, Sđd, tr.28.

(9) Minh Mệnh chính yếu, Sđd, tr.27

(10) Minh Mệnh chính yếu, Sđd, tr.27.

(11) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ tứ kỷ, tr.202.

(12) Tài liệu về lễ Phất thức, do nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Trung tâm quản lý di tích Huế cung cấp.

TB

TÌM HIỂU NIÊN ĐẠI CỦA "TOẢN TẬP THIÊN NAM TỨ CHÍ LỘ ĐỒ THƯ"

PHẠM HÂN

Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (dưới gọi tắt là Lộ đồ) là tập bản đồ đường sá Việt Nam, do một nho sinh trúng thức(1) tên là Công Đạo, họ Đỗ Bá, quê ở Bích Triều, Thanh Giang soạn vẽ. Đây là tập bản đồ cổ thứ hai sau Hồng Đức bản đồ còn lưu truyền lại đến ngày nay.

Tập bản đồ gồm 4 quyển. Quyển 1 thể hiện đường đi từ Phủ Phụng Thiên (kinh đô Thăng Long) đến Chiêm Thành; quyển 2 đường đi từ Phủ Phụng Thiên đến Châu Khâm, Châu Niệm (Châu Liên) quyển 3 thể hiện đường đi từ Phủ Phụng Thiên đến Quảng Tây, Vân Nam; quyển 4 thể hiện đi từ Phủ Phụng Thiên đến Bắc Quan.

Tập bản đồ có giá trị trong việc nghiên cứu địa lý lịch sử của nước ta hồi thế kỷ XVII. Ngoài hệ thống đường chính (quốc lộ), ở mức độ nào đó có thể thấy bộ mặt nước ta thời kỳ này.

Ở quyển 1, có thể thấy bờ biển nước ta từ cửa sông Đáy đến cửa sông Phan Rang, cùng tên các cửa biển khác của nước ta thời đó. Ngoài ra, còn thấy tên địa hình, địa vật, tên phân khu hành chính dải đất Miền Trung, thấy “Bãi Cát Vàng” (Hoàng Sa) ở Biển Đông.

Ở quyển 2, có thể thấy vị trí Châu Vân Đồn ở vào vùng Vịnh Hạ Long ngày nay.

Ở quyển 3, một vùng lãnh thổ rộng lớn của nước ta, từ lưu vực Sông Đà đến lưu vực Sông Gâm, được thể hiện cho đến nơi tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam Trung Quốc. Tổng Tụ Long thuộc tỉnh Tuyên Quang cũ và các châu Hoàng Nham, Hợp Phì, Tuy Phụ và Lễ Tuyền thuộc tỉnh Hưng Hóa cũ vẫn nằm trong địa giới nước ta.

Ở quyển 4, có thể thấy vị trí Ải Chi Lăng với lời ghi chú của tác giả: “Trung Quốc khắc đá đề rằng Vạn cổ Quỷ Môn Quan, thập nhân khứ bất nhất hoàn” thấy thành cổ Lạng Sơn, thấy Ải Bắc Quan của Việt Nam, đối diện với Ải Nam Quan của Trung Quốc.

Đó là nội dung của tập bản đồ. Còn niên đại của bản đồ đến nay vẫn mới chỉ là phỏng đoán.

Năm 1896, Dumoutier, phái viên Bộ Giáo dục Pháp tại Hà Nội nghiên cứu, cho vẽ lại, dịch ra chữ quốc ngữ và công bố quyển 1 tập “Lộ đồ” nói trên.

Theo ông, thì tập bản đồ này “bắt nguồn” từ thời gian mà nước Chiêm Thành “được tổ chức lại thành các tỉnh của An Nam” (1677), bằng cách dựa vào các tin tức do “Thống đốc các tỉnh trên gửi về”. Nghĩa là tập bản đồ này có niên đại từ thế kỷ XV như nhà xuất bản ghi vào nhan đề bài nghiên cứu của ông(2).

Biết rằng, đơn vị hành chính Quảng Nam được thành lập vào tháng 6 năm 1671 và bản đồ đơn vị hành chính này được công bố năm 1690 cùng các đơn vị hành chính khác. Bản đồ đơn vị hành chính Quảng Nam không để lại bất kỳ chi tiết nào có thể sử dụng làm căn cứ cho việc soạn vẽ tập “Lộ đồ” của Đỗ Bá.

Thật vậy, trên “Bản đồ cổ” mà Dumoutier nghiên cứu và công bố năm 1896 chỉ là một dị bản quyển 1 tập “Lộ đồ” của Đỗ Bá.

“Bản đồ cổ” cũng mở đầu bằng kinh đô Thăng Long và kết thúc bằng kinh đô cuối cùng của Chiêm Thành, có Lũy Thầy được xây dựng năm 1630, có Dinh Cát, Dinh Phú Xuân, nơi đóng đô của chúa Nguyễn khi cát cứ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam và kinh đô Chiêm Thành đã bị đẩy lùi sang phía Tây sông Phan Rang năm 1653.

Với địa hình, địa vật và địa danh như vậy sao có thể cho rằng niên đại bản đồ này là thế kỷ XV.

Năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục chính quyền Sài Gòn xuất bản sách Hồng Đức bản đồ do các ông Trương Bửu Lâm, biên dịch và giới thiệu(3).

Theo ông Trương Bửu Lâm, thì “Lộ đồ” của Đỗ Bá được thực hiện vào khoảng sau năm 1630, khi chúa Nguyễn xây Lũy Thầy và trước năm 1653, khi chúa Nguyễn lấy đất Chiêm Thành lập hai phủ Thái Khang và Diên Ninh.

Căn cứ vào địa hình, địa vật và địa danh thể hiện ở phần cuối quyển 1 “Lộ đồ” có thể thấy giới hạn của niên đại tập bản đồ là khoảng giữa năm 1653 và năm 1697.

Nếu cuối quyển 1 “Lộ đồ” thể hiện kinh đô Chiêm Thành ở phía tây sông Phan Rang (trên Lộ đồ ghi là “Bãi Vũng Kiền”), thì rõ ràng “Lộ đồ” không thể có trước năm 1653, là năm chúa Nguyễn vượt Đèo Cả đẩy lùi đại giới nước Chiêm Thành tới phía Tây sông Phan Rang(4) và nếu trên “Lộ đồ” vẫn còn quốc đô Chiêm Thành thì nó không thể xuất hiện sau năm 1697, là năm chúa Nguyễn lấy nốt phần đất còn lại của Chiêm Thành đặt phủ Bình Thuận(5).

Hơn nữa, ở phần cuối “Lộ đồ” người ta còn thấy địa danh “Phủ Mới” và 4 “Quán” trên chặng đường từ Đèo Cả đến sông Phan Rang. Điều đó càng làm sáng tỏ sự thật về niên đại tập bản đồ không thể có trước năm 1653.

Nhưng trong khoảng từ 1653 đến 1697 tập bản đồ xuất hiện vào năm nào liệu có thể tìm thấy không ?

May thay, trong kho tàng Hán Nôm người ta có thể tìm thấy niên đại tuyệt đối của “Lộ đồ” của Đỗ Bá trong sách Thiên hạ bản đồ mang ký hiện A.2628.

Thiên hạ bản đồ, một bộ sách khuyết danh được thực hiện sau đời Vĩnh Thịnh (1705 - 1719)(6). Sách bao gồm danh mục hệ thống hành chính đời Hồng Đức, Toản tập An Nam lộ, bản đồ thành Mục Mã (thị xã Cao Bằng ngày nay), bản đồ Cao Bằng (Lộ đồ không ghi tên), phần lời văn ghi chép về “Khoa mục huyện Kim Hoa” (Kim Anh sau này), về “Tám cảnh xưa nay”, về “Xứ Thanh Hoa”, về “Sự tích Tả ao”. Ba bản đồ trên về sau được biên tập trong sách Hồng Đức bản đồ (A.2499) với sự thể hiện hoàn chỉnh hơn về nội dung cũng như về tên gọi. Toản tập An Nam lộ mang tên Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, bản đồ thành Mục Mã mang tên Mục Mã trấn dinh đồ, bản đồ Cao Bằng mang tên Cao Bằng phủ toàn đồ.

Thiên hạ bản đồ giải đáp cho ta về tác giả và niên đại của tập bản đồ thể hiện đường sá Việt Nam vào thế kỷ XVII mà trong sách này mang tên Toản tập An Nam lộ và nhiều sách về sau, trong đó có Hồng Đức bản đồ mang tên Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, nghĩa là “tập sách bản đồ đường đi bốn ngả của nước Việt Nam”. Trên trang đầu tập “Lộ đồ”, bên cạnh hình vẽ có dòng sông bắt nguồn từ núi Ngũ Lĩnh mang tên Phân tam chi đồ đề các dòng chữ: “Toàn tập An Nam lộ”, “Chính Hòa thất niên”, “Thanh Giang, Bích Triều nho sinh trúng thức Đỗ Bá thị tự Công Đạo tập” (xem phụ lục).

Biết rằng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) là niên hiệu thứ hai của Vua Lê Hy Tông (1676 - 1705). Năm thứ bẩy niên hiệu Chính Hòa là năm 1686 Dương lịch. Vậy, niên đại của tập bản đồ đường sá Việt Nam thế kỷ XVII do vị Nho sinh trúng thức Đỗ Bá Công Đạo soạn vẽ là năm 1686.

Trong nhiều dị bản về sau được biên tập trong các sách Thiên Nam lộ đồ (1770) A.1018, An Nam hình thắng đồ (cuối thế kỷ 18) A.3034, Hồng Đức bản đồ (1800) A.2499, Nam Việt bản đồ (trước 1838) A.1603, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (sau 1856) A.73 đã lược tên tác giả và niên đại của tập bản đồ, trừ sách Hồng Đức bản đồ chép tên tác giả sau lời dẫn về “Lộ đồ” mà sách Thiên hạ bản đồ không có (không rõ lời dẫn này xuất xứ từ đâu?).

Do tình trạng “tam sao thất bản” trên đây mà nhiều người khi nghiên cứu tập bản đồ này đã phỏng đoán không chính xác niên đại của bản đồ.

Giới thiệu sách Thiên hạ bản đồ với niên đại của tập “Lộ đồ của Đỗ Bá với hy vọng tránh cho các nhà nghiên cứu khỏi hiểu sai niên đại của tập bản đồ này là thế kỷ XV hay vào khoảng 1630 và 1653 được đề cập ở trên.

CHÚ THÍCH

(1) “Nho sinh trúng thức” là học vị của các thí sinh đã vào thi hội, thấy chép trong Lê triều tạp ký, đời Lê Gia Tông (1672 - 1675) và Lê Hy Tông (1676 - 1605), Nxb. KHXH Hà Nội, 1975, tập I, trang 44, 132), Đỗ Bá Công Đạo.

(2) Étude sur un portulan Annamite du XVe siècle par M.G. Dumoutier, correspondant du ministère de I’Instruction publique à Hànoi, Paris, Imprimerie nationale, M DCCC XCVI. Thư viện Quốc gia Pháp, ký hiệu 922, tr.1-3.

(3) Theo micro - film lưu ở Đông Dương văn khố, Tokyo, ký hiệu 100891, nội dung không khác sách Hồng Đức bản đồ A.2499.

(4) Lê Quý Đôn toàn tập, tập I, Nxb. Hà Nội, 1978, tr.56, 64.

(5) Lê Quý Đôn toàn tập, tập I, Nxb. Hà Nội, 1978, tr.56, 64.

(6) Trong phần: “Kim Thoa huyện đăng khoa ký” chép Nguyễn Cơ thi khóa đời Vĩnh Thịnh, niên hiệu muộn nhất được chép ở đây.

TB

TÌM HIỂU "KIM CỔ CÁCH NGÔN" CỦA LƯƠNG VĂN CAN

PHẠM QUỐC BẰNG

Lương Văn Can (1854 - 1972) Người xã Nhị Khê huyện Thường Tín, đỗ Cử nhân vào năm Giáp Tuất (1874) triều Tự Đức, lúc mới 21 tuổi. Tuy đỗ đạt sớm, nhưng ông đã khước từ mọi chức tước, phẩm hàm, chỉ ở nhà biên soạn sách dạy học để nuôi chí… Và đến khi điều kiện cho phép, ông đã cùng một số sĩ phu yêu nước sáng lập “Đông kinh nghĩa thục” để khai mở dân trí, cổ vũ tinh thần yêu nước những năm đầu thế kỷ XX. Thông thường người ta nhìn ông ở 2 góc độ nhà hoạt động chính trị, như chính di bút ông để lại:

“Vì nước mà sống, cũng vì nước mà chết, trải mấy chục năm trời chưa thỏa chí. Chỉ mong người đời sau cùng tôi nhớ tới mối hờn đất nước đừng quên”(1).

Gần chín thập kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu văn học, sử học đã để tâm tìm hiểu về Đông Kinh Nghĩa Thục cũng như vị lãnh tụ tiêu biểu của phong trào này. Song đến nay, việc sưu tầm, nghiên cứu các tác phẩm của ông Cử can quả còn quá ít. Cùng lắm, người ta chỉ mới dẫn ra được ông là tác giả của Việt nam địa dư ca. Lý do cũng thật dễ hiểu. Khi Đông Kinh Nghĩa Thục lại đóng cửa (tháng 11 năm 1907) thì ông đang bị lưu đày ở Campuchia, và tất cả năm người con trai ông, người thì hy sinh, người đi ra nước ngoài, rồi lần lượt qua đời cả.

Mãi gần đây, trong dịp giỗ tổ họ Lương ở làng Nhị Khê, chúng tôi được bà con trong họ cho xem một số sách Hán Nôm mà dòng họ còn giữ được trong đó có một số bản thảo viết tay của Lương Văn Can.

Dưới dây, chúng tôi xin giới thiệu cuốn Kim cổ cách ngôn, một trong số di cảo của ông.

Kim cổ cách ngôn là một tác phẩm do Lương Văn Can biên soạn để làm tài liệu giảng dạy về chữ Hán trong trường Nghĩa Thục. Ngoài bìa sách, dưới bốn chữ “Kim cổ cách ngôn”, còn có hai chữ “trị gia”, chứng tỏ bên cạnh mục tiêu dạy chữ Hán, sách còn nhằm vào việc giáo dục con em trong gia đình. Dưới đây là một số đoạn chích dịch từ Kim cổ cách ngôn để bạn độc tham khảo.

Đời người với của cải(2)

Người ta từ sự ăn uống, may mặc đến những việc ở tuổi trưởng thành như trai lấy vợ, gái lấy chồng, chỗ đi mừng, nơi đến viếng đều phải nhờ cậy vào tiền của. Của cải là sự sống của con người. Chính vì vậy khi dùng của cải, phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa không, tiêu đi có xứng đáng không, hay thái quá hoặc bất cập. Của cải lấy từ trời đất, song phải được làm nên bởi tâm sức của mình. Như đấng quân tử phải lao tâm mà được bổng lộc; kể nông phu phải đổ sức ra cấy lúa, trồng dâu, nuôi súc vật; người thợ thủ công làm bách nghệ, kẻ gồng gánh bán buôn thu được tiền của thì của ấy đều là nghĩa cả. Nếu không phải thế thời là phi nghĩa. Nguồn của cải đã trong sáng, thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính toán, cân nhắc việc nhẹ, việc nặng; việc khoan, việc gấp, việc trước việc sau. Việc gì nên chi thời chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì không được phóng túng. Mọi việc chi tiêu đều phải lấy nghĩa làm trọng. Như bậc quân tử từ xưa tới nay luôn luôn vì nghĩa, chẳng nói lợi mà lợi ở tỏ ấy. Còn kẻ tiểu nhân thì chỉ vì lợi vậy mà lợi chưa thấy lợi, hại đã ở bên trong rồi. Cho nên nói của cải đến bằng con đường vụ lợi, ích kỉ thì nguy hại cho đời người lắm thay!

Ai cũng có nết tín

Người ta bởi cùng khốn, đến nỗi phải chịu thiếu tiền bạc của người, hoặc vay mượn đồ vật của người mà không trả ngay được, thì lập tức bị người ta cho là kẻ xấu. Nếu nhẫn nhục đến kêu xin người ta khoan nhẹ cho, thì liền bị chê trách là bẻm mép. Nếu gặp mà không nói, thì người ta lại cho là lì lợm, gian dối. Tóm lại, chỉ vì thiếu thốn mà không biết cách gì để làm cho hợp ý người được. Ta thiết nghĩ lương tâm, nết tín thật ra ai cũng có. Ai chẳng muốn đền ơn đáp nghĩa, giữ niềm tin. Song chỉ vì túng thiếu mà phải loanh quanh đưa đẩy. Tục ngữ rằng: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Chẳng ai có của mà lại chịu điều thất tín với người!

Kinh doanh phải hiểu nghĩa

Ý nghĩa của hai chữ “kinh doanh” thật là sâu sắc. Như người dân quê chuyên cấy trồng, Người thợ làm bách nghệ, nhà thương gia buôn chuyến hay đứng cửa hàng đại lý… tất thảy đều là kinh doanh. Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa, bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham khôn cùng đấy thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo là ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đây cũng là phép thuật kinh doanh vậy! Kìa xem những người bụng dạ khắc bạc, trong kinh doanh chỉ chăn chắn lợi mình, hại người, nguồn lợi trước mắt thu về nhiều đấy, vậy mà tương lai con cháu mạt vận. Cũng là bởi đạo trời ban phúc cho người thiện, trừng phạt kẻ gian tà. Vậy nên nhà kinh doanh phải lấy điều đó mà xem xét mình!

Không gì bằng ruộng đất

Xem trong thiên hạ từ xưa đến nay, người ta tàng chứa của cải thường gặp phải lửa cháy, nước dâng hoặc trộm cướp, giặc giã lấy đi… Người trữ vật báu thì càng sinh nguy, mắc nạn. Như người thôn quê nhà có vài trăm đồng bạc thì đêm ngủ không yên. Duy có ruộng đất thì chẳng lo ngập lụt hỏa hoạn, chẳng lo trộm cướp, giặc giã. Kẻ cường bạo cũng không dễ cướp nổi một thước đất. Dẫu người có sức khỏe xách nổi ngàn cân cũng không có thể gồng ruộng mà chạy được. Ruộng đất chính là vàng mười quý giá mà không người nào phải no cầm giữ, canh phòng. Ví bằng có gặp cảnh binh lửa, loạn lạc, người ta phải bỏ làng xóm ra đi, nhưng lúc yên hàn lại trở về. Cửa nhà có thể tan nát, song ruộng đất thì đâu vẫn thuộc về đấy. Lại bảo nhau khai khẩn, cấy trồng thì chẳng mấy vụ, sẽ có thể trở nên giàu có. Vậy mới nói: trong thiên hạ không gì quý bằng ruộng đất, người ta cần phải bảo nhau mà giữ lấy!

Răn người đứng trước của cải

Việc làm ra của cải, xưa nay vốn có đạo lý của nó. Bậc chính nhân muốn “trị quốc, bình thiên hạ” cũng phải lấy của cải làm gốc. Người dân bình thường hàng ngày ăn uống, may mặc, tiêu dùng,… không có của thời không được. Song đứng trước của cải, đối với người đời vẫn cần phải răn bảo. Cần răn người lấy của không thuộc quyền sử dụng của mình; răn người thấy lợi mà quên điều nghĩa; răn lòng tham không đáy lao theo của cải không biết đường trở lại; răn kẻ gian dối không còn chút lương tâm, hại người để làm lợi cho mình vậy.

Với người nghèo, muốn vươn lên phải chọn nghề cẩn thận. Không nên vì nghèo mà chứa sòng bạc để cám dỗ con em người khác. Không nên nhân buôn bán đổi chác mà làm lẫn của giả lừa lọc người ta.

Kẻ hàn sĩ thì không nên võ đoán, ra vào trong xóm ngoài làng, đương chỗ đất bằng mà sinh sóng gió. Kẻ chen mình vào chốn quan nha thì không nên vì lợi riêng mà làm hại người lương thiện. Không nên kiếm chuyện quấy nhiễu nhân dân, khiến người oan không được rửa oan. Kẻ bình dân thì đừng lừa nhau để chiếm đoạt tài sản của nhau đừng vay mà chẳng trả, hoặc kiếm cớ tước đoạt công sức người khác. Ấy toàn điều bất lương, lược kể ra đây để răn người đời trước của cải phải bền lòng giữ lấy đức vậy”.

CHÚ THÍCH

(7) Các trích dẫn trong bài này đều do chúng tôi dịch nguyên bản chữ Hán.

(8) Tiêu đề các trích đoạn là do chúng tôi tạm đặt - PQB.

TB

VÀI NÉT VỀ ĐÔNG DƯƠNG VĂN KHỐ VÀ PHÔNG SÁCH HÁN NÔM TẠI ĐÂY

NGUYỄN THỊ OANH

Là một người nghiên cứu Hán Nôm, tôi có may mắn được tới đất Phù Tang - xứ sở của hoa anh đào học tập và nghiên cứu.

Ngay từ những ngày đầu, tôi đã đến thăm Đông Dương văn khố và đọc sách Hán Nôm ở đây.

Đông Dương văn khố gồm 4 tòa nhà cao 5, 6 tầng ẩn mình trong vòm cây xanh biếc, bên cạnh đại lộ Shinobazn, gần công viên Rikugi - một công viên hoa anh đào nổi tiếng của khu Bunkyo, thành phố Tokyo. Với diện tích mặt đất là 3.687,63m2, Đông Dương văn khố được chia làm 2 khu: khu thứ nhất gồm các phòng nghiên cứu và sự vụ, khu thứ hai là kho sách. Ở khu thứ nhất cũng được chia làm hai: tòa nhà 5 tầng (phụ 1 tầng tháp) với diện tích: 1.357,18m2 được gọi là Honkan (bản quán) gồm các phòng Hội nghị. Tòa nhà 4 tầng (phụ 2 tầng tháp) với diện tích 1.686,20m2 được gọi là Betsukan (biệt quán) gồm các phòng đọc, nghiên cứu, phòng họp và phòng in chụp tư liệu. Ở khu thứ hai cũng được chia làm hai: tòa nhà 6 tầng được gọi là tòa thứ nhất, với diện tích 2.882,54m2 và tòa nhà 5 tầng được gọi là tòa thứ hai với diện tích 1.202,19m2 là nơi lưu trữ các loại sách Hán thư, Dương thư (sách Âu Mỹ), Hòa thư (sách Nhật Bản), các sách xuất bản và phòng vi phim. Tổng cộng 112 phòng, với diện tích 7.134,40m2.

Với một quy mô rộng lớn như vậy, Đông Dương văn khố là Thư viện chuyên môn về Đông Dương học và là Trung tâm nghiên cứu châu Á của Nhật Bản.

Đông Dương văn khố trước đây là văn khố của George Ernest Morrison (1862 - 1920) đương thời là cố vấn phủ Tổng thống Trung Hoa dân quốc, năm 1917 tức năm Taisho (Đại Chính) thứ 6, cố Iwasaki kyuya (1865 - 1955) mua lại và xây dựng thành Đông Dương văn khố ngày nay.

Morrison sinh ra ở Oxtrâylia, chuyên môn về y học, nhưng ông rất say mê miền Cực đông. Năm 1897 ông tới Trung Quốc với tư cách là thông tín viên của Luân Đôn và Nữu Ước. Năm 1912 ông tham gia hoạt động và trở thành cố vấn chính trị của phủ Tổng thống Trung Hoa dân quốc mới được thành lập trong Cách mạng Tân Hợi. Morrison ngoài công việc chuyên môn, còn thích thu thập sách vở. Ông đã sưu tầm tất cả các thư tích của một châu Âu có liên quan đến Trung Quốc và đã xây dựng một kho sách của riêng mình ở Bắc Kinh. Ông còn cho mọi người được tự do đến đọc kho sách của ông, vì vậy cái tên “Morrison văn khố” được biết tới trong giới nghiên cứu về Trung Quốc.

Năm 1917, thời hạn 5 năm làm cố vấn cho phủ Tổng thống Trung Hoa dân quốc đã hết, hơn thế nữa, trong thời gian này, sinh hoạt ở Bắc Kinh cực kỳ đắt đỏ, Morrison đành phải thay đổi kế hoạch: bán Văn khố và trở về Oxtrâylia. Lúc đó ông Odagiri Masunosuke (Tiểu Điền Thiết Vạn Thọ Chi Trợ) chơi rất thân với Morrison, biết Morrison sớm muốn sẽ bán văn khố của mình, bèn thuyết phục ông Inoue Junnosuke (Tỉnh Thượng Chuẩn Chi Trợ) đương thời là Giám đốc Ngân hàng Yokohamashokin (Nay là Ngân hàng Tokyo) mua lại toàn bộ văn khố của Morrison với giá 35.000 bảng Anh, tương đương 350.000 yên hồi bấy giờ.

Tất cả số sách nói trên được đóng gói cẩn thận, chuyển bằng ôtô từ Bắc Kinh đến Thiên Tân, sau đó được chuyển lên tàu thủy và ngày 26 tháng 9 tàu đã cập bến cảng Yokohama của Nhật Bản.

Văn khố của Morrison rất phong phú về mảng tư liệu liên quan đến Trung Quốc. Nhưng ở các khu vực khác của châu Á lại không đầy đủ. Vì vậy Iwasaki kyuya đã mở rộng phạm vi thu thập sách ra toàn bộ khu vực châu Á, và không chỉ có thư tịch Âu Mỹ mà cả Hán tịch thuộc các nước khác nữa. Năm Taisho thứ ba (1924), văn khố được cải tổ thành Văn khố Tài đoàn pháp nhân Đông Dương, chuyển địa điểm từ văn phòng Mitsubishi ở Marunouchi về Honkomagome khu Bunkyo. Cũng trong năm này đã xây dựng Đông Dương văn khố, ngoài bộ phận thư viện còn có các bộ phận nghiên cứu. Lần đầu tiên ở Nhật Bản các phòng nghiên cứu về Đông Dương học đã ra đời.

Iwasaky Kyuya đã khẳng định sự nghiệp của dòng họ Mitsubishi, một dòng họ tuy không đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển kinh tế tài chính của Nhật Bản thời cận đại, nhưng lại có những cống hiến rất lớn đối với việc phát triển văn hóa học thuật Nhật Bản. Đông Dương văn khố cũng là một trong số tài sản lớn nhất về sự nghiệp văn hóa còn lại của dòng họ này.

Gần đây Đông Dương văn khố qua việc thu thập sách vở, qua việc xuất bản, giới thiệu thành tích nghiên cứu của các học giả Nhật Bản và việc phổ cập tri thức Đông Dương học, đã có cống hiến lớn trong việc phát triển Đông Dương học của thế giới.

Năm 1948 (năm Chiêu Hòa thứ 23) khi Thư viện Quốc hội thành lập, đã sát nhập Đông Dương văn khố vào thành một bộ phận của Thư viện Quốc hội.

Đông Dương văn khố được chính phủ nhân dân Nhật Bản và người nước ngoài gửi tiền đến giúp đỡ. Hơn thế nữa, theo yêu cầu của Ủy ban Unesco, năm 1961 (năm Chiêu Hòa thứ 36) một trung tâm nghiên cứu về văn hóa Đông châu Á đã được đặt tại Đông Dương văn khố, với sự hợp tác của các nước này. Việc mở rộng nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa thế giới là một trong những hoạt động phát triển nhất mang tính quốc tế của Đông Dương văn khố.

Về tàng thư: Sách lưu trữ tại Đông Dương văn khố, tính đến tháng 4 năm Chiêu Hòa thứ 63 (1988) lên tới 70 vạn bản, chủ yếu là sách Đông Dương văn khố Morrison sưu tầm. Có khoảng 4000 sách địa phương chí và tùng thư của Trung Quốc; 800 tộc phả Trung Quốc; sách Mãn Mông và thư tịch của triều Thanh xuất bản; các loại Tạng kinh của Tây Tạng; Ngữ đồ thư Tây Tạng. Kho của Iwasaky Kyuya chủ yếu là Hòa Hán thư; các tư liệu tiếng Arabia; Perushia… và khoảng 5 triệu bản vi phim.

Trong số các tư liệu đưa ra dưới đây, có rất nhiều được coi là “quốc bảo”.

1. Văn khố Morrison: Đây là kho sách Morrison đã khổ công sưu tầm trong thời gian ông ở Trung Quốc. Trong số 24.000 sách Âu Văn đồ thư, có 6.000 loại sách ghi chép về Trung Quốc, hơn 120 loại sách xuất bản định kỳ. Đặc biệt có sách đáng chú ý như các loại sách in của Marukoporo với tác phẩm Đông Dương kiến văn lục; hơn 500 sách về Trung Quốc địa phương ngữ từ thư; khoảng 300 tư liệu về cuộc chiến tranh Nhật - Liên Xô và các báo cáo của đội thám hiểm châu Á của các nước.

2. Cựu tàng thư của dòng họ Maema Kyusaku: về các loại bản đồ cổ và thác bản văn bia.

3. Các sách do dòng họ Wanatabe Kyusaku gửi tặng, như Thuận Thiên thời báo, Hoa Bắc chính báo.

4. Sách “Hòa Hán thư” của dòng họ Fujita Toyohachi.

5. Văn khố của Iwasaky: “Hòa Hán thư” có 7142 bộ, với 37.833 sách. Các sách của dòng họ Hirohashi, Arai Hakuseki, Ono Ranzan; Kimura Masazi. Các tư liệu quý hiếm như các sao bản cổ, ngũ sơn bản và các sách cổ được san khắc từ thời Khánh Trường trở về sau, bao gồm các tư liệu rất quý như: sách chép tay, văn học thời Edo, các loại kịch bản và các sách có liên quan tới địa lý. Các sách này là những tư liệu rất quý đối với việc nghiên cứu lịch sử Nhật Bản và văn học Nhật Bản.

6. Cựu tàng An Nam bản của Nagata Yasukichi. Ngoài ra còn tàng thư của 15 dòng họ, chủ yếu là các sách Hòa Hán thư, Hán tịch, các sách có liên quan đến y học và y học phương Tây, các thư tịch của Triều Tiên, văn hiến Thái Lan, và các sách có liên quan tới văn học, ngôn ngữ, tôn giáo khu vực châu Á, trong số đó phải kể đến các thư tịch và tài liệu do Unehara thu thập. Ông đã khổ công sưu tầm toàn bộ đồ thư và tư liệu khảo cổ có liên quan tới Skythai, Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong các tư liệu vi phim đáng chú ý có các sách thiện bản tàng trữ tại Bắc Kinh quốc lập đồ thư quán cũ, bao gồm các sách quý hiếm như: các sách về kinh, Sử (đặc biệt là địa phương chí), văn tập, chính thư, ước chừng khoảng 300 cuốn, và Paris Cực đông Học viện sở tàng An Nam bản, Jesuitas Vương cung đồ thư quán sở tàng (Jesuitas na Asia).

Về các sách xuất bản: Đông Dương văn khố cho ra đời các ấn phẩm có liên quan đến Thư viện này như: Đông Dương văn khố luận tùng.

Tùng thư đã tuyển chọn các tác phẩm được xác nhận có đóng góp to lớn đối với việc nghiên cứu có liên quan đến Đông Dương học (hiện tại có 55 bộ): Đông Dương văn khố Âu văn luận tùng xuất bản 6 bộ tính đến năm Chiêu Hòa thứ 63 (1988). Đông Dương văn khố Âu văn kỷ yếu (Memoirs of the Research Depatement of the toyo Bunko). Đây là kỷ yếu tuyển chọn và dịch ra các thứ tiếng Âu Mỹ các luận văn xuất sắc bằng tiếng Nhật, nhằm trao đổi học thuật và giới thiệu trình độ Đông Dương học của Nhật Bản với đông đảo các giới nghiên cứu khoa học, học thuật Âu Mỹ. Đông Dương văn khố Hòa văn kỷ yếu, còn gọi là Đông Dương học báo. Trước chiến tranh, Đông Dương học báo thuộc Cơ quan điều tra Hiệp hội học thuật Đông Dương; sau chiến tranh, được Đông Dương học thuật hiệp hội phát hành, đến năm Chiêu Hòa thứ 3 đã phát hành đến số 3 và 4, quyển thứ 70. Đông Dương văn khố kỷ yếu biệt loát (The M.T.B. Reprint Series), Đây là kỷ yếu được phát hành riêng nhằm làm tăng thêm số bài viết cho kỷ yếu Đông Dương văn khố, hiện đã xuất bản với số 31, năm Chiêu Hòa 63 (1988). Đông Dương văn khố các chủng nghiên cứu ủy viên hội san hành vật, gồm thư mục các sách dẫn, thư mục văn hiến được phát hành từ các ủy viên hội như Tống đại sử nghiên cứu ủy viên hội; Thanh đại sử (Mãn Mông) nghiên cứu ủy viên hội; Đông Á Khảo cổ học nghiên cứu ủy viên hội. Đến năm Chiêu Hòa 63 đã phát hành được 145 bộ. Đông Dương văn khố tùng san, san khắc, phục chế lại các sách có giá trị đối với viện nghiên cứu Đông Dương học đã có nguy cơ hỏng nát. Tính đến năm 1988 đã in được 28 bộ. Các sách của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á thuộc Ủy ban UNESCO đặt ở Đông Dương văn khố (Đông Dương Văn khố, phụ trí UNESCO đông ASIA Văn hóa nghiên cứu SENTA san hành vật).

Đông Dương văn khố mục lục: gồm mục lục phân loại các sách lưu trữ tại Đông Dương văn khố. Tính đến năm Chiêu Hòa 63 (1988), phát hành được 68 bộ.

Đông Dương văn khố với mục tiêu là Trung tâm nghiên cứu châu Á của Nhật Bản và là nơi lưu trữ các tư liệu nghiên cứu Đông Dương học, ngoài Trung Quốc còn có rất nhiều sách vở có liên quan tới khu vực châu Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn Châu, Mông Cổ, Siberia, Việt Nam,… Có thể nói toàn bộ sách sưu tầm được là một tài sản văn hóa vô cùng quý giá. Các tư liệu vi phim có liên quan đến nghiên cứu châu Á là những tư liệu quý khó tìm thấy trên thế giới. Một trong số sách được coi là bảo vật của Nhật Bản, có cuốn Sử ký Tần bản kỷ đệ ngũ mang niên đại Thiên Dưỡng thứ 2 (năm 1145). Các tư liệu có giá trị, trừ những sách đặc biệt, còn tất cả đều có thể đáp ứng các yêu cầu sao chép, chụp ảnh.

Về phòng sách Hán Nôm của Việt Nam: Theo thư mục công bố năm Chiêu Hòa thứ 14 (1939), phông này có 104 tên sách xếp theo Kinh, Sử, Tử, Tập. Số sách này là của ông Nagata Yasukichi (Vĩnh Điền Can Cát đương thời là Tổng lãnh sự quán Nhật tại Hà Nội gửi tặng. Sau chiến tranh, được sự viện trợ của chính phủ Nhật và các tập đoàn kinh tế trong nước, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan có liên quan, số sách, tư liệu ở Đông Dương văn khố tăng lên rất nhiều. Vì vậy số sách Hán Nôm ở đây cũng không dừng lại ở con số 104 cuốn mà tăng lên tới trên 250 tên sách. Các sách Hán Nôm được bổ sung về sau này phần lớn do Học viện viễn Đông bác cổ Pháp và một số cơ quan có liên quan gửi tặng.

Các bộ sách quan trọng về sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký lục biên, Lịch triều hiến chương loại chí; Đại Nam thực lục chính biên; An Nam chí lược, v.v… Hay các tác phẩm văn học nổi tiếng trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam như: Ức Trai tập, Truyền kỳ mạn lục, Kim Vân Kiều tân truyện, v.v... đều thấy được tàng trữ ở đây. Thực ra sách Hán Nôm ở đây nói chung không nhiều, dko có gì thật đặc biệt so với sách Hán Nôm ở Thư viện Viện Hán Nôm. Nhưng cá biệt cũng có một số tác phẩm đáng chú ý, như bộ Đại Việt sử ký toàn thư có lời tựa năm Chính Hòa 18 (1697); Truyền kỳ mạn lục bản được in năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712). Bản này đã được Giáo sư Trần Nghĩa giới thiệu sau chuyến sang công tác ở Paris(1) X-2-112, sách in từ vi phim. Theo chỗ chúng tôi biết thì đây là cuốn hương ước duy nhất có ở phông sách Hán Nôm tại đây.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ở Đông Dương văn khố có 3 bộ: bộ có kí hiệu thư viên X-2-2 là bộ có lời tựa, viết năm Chính Hòa 18 (1697). Thủ quyển và phần mục lục (trong đó có lời tựa) là sách chép tay. Ngoại kỷ 5 quyển, Bản kỷ 19 quyển (thiếu quyển 4), trừ quyển 5 là sách chép tay, còn lại là sách in. Sách chép tay và sách in đều khổ 16x 28cm. Không rõ sách được san khắc năm nào, nhưng trong Thủ quyển và mục lục bản chép tay có ghi do những người ở Hồng Lục Liễu Chàng san khắc. Tiếp đến là bài Tựa sách Đại Việt sử ký tục biên thư viết năm Ất Tỵ Cảnh Trị thứ 3(1665), do Phạm Công Trứ đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, giữ chức Tham tụng Lại bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, Thiếu bảo Yên Quận công phụng biên(2). Ngoài ra còn 2 bộ Đại Việt sử ký toàn thư nữa. Bộ có ký hiệu thư viện X - 2 - 1 gồm Thủ quyển, mục lục (sách này có lời tựa viết năm Chính Hòa 18 (1697), Ngoại kỷ 5 quyển, Bản kỷ thiếu quyển 16, 17. Tất cả đều là sách in, khổ 15,5x 26cm, Quốc Tử Giám tàng bản, Tử nhân Hồng Lục Liễu Chàng san khắc, nhiều chỗ mờ. Bộ sách này do Thư viện Bảo Đại gửi tặng ông Nagata năm Chiêu Hòa 17 (1942). Bộ nữa có ký hiệu thư viện X. 2. 801. Bộ sách do Nhật in năm Minh Trị 17 (1884), do ông Kawada, Giáo sư trường Đại học Tokyo kiêm Nhật Bản cung nội văn học viết lời tựa.

Cuốn Truyền kỳ mạn lục, ký hiệu X - 3 - 10, in năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) khổ 16x 26cm, sách được bồi vá cẩn thận, gồm 4 quyển 2 sách. Quyển này do thư phường Hồng Lục Nguyễn Tự Tín san khắc, lời tựa do Hậu học Tô Châu Nguyễn Lập Phu biên. Cuốn Ức Trai tập ký hiệu X - 4. 7. 3 quyển, sách in khổ 15x 27cm. Quyển I, II có ghi lời tựa của Dương Đình Ngô Thế Vinh viết cho lần in năm Minh Mệnh thứ 6 (1825). Tiếp đến là bài tựa do Nguyễn Năng Tĩnh viết cho lần in năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833) và bài tựa của Cấn Đình Dương Bá Cung viết cho lần in năm Mậu Thìn Tự Đức thứ 11 (1858). Quyển 5, 6 phần sự trạng, bình luận, có ghi lời tựa do Trần Khắc Kiệm soạn năm Hồng Đức thứ 11 (1480). Đây có lẽ là bản Phúc Khê thứ 2, phần tiếp sau cuốn Ức Trai di tập ký hiệu VHv.2159 ở Thư viện Viện Hán Nôm. Ở quyển 4, phần Quân trung từ mệnh tập, phần mục lục chỉ ghi 34 văn kiện, nhưng khi lên danh mục lại là 40 văn kiện. Các văn kiện còn sót là: Tái dữ Thái giám Sơn Thọ thư, Dụ Điêu Kiêu thành thổ quan thư, Dụ Bắc Giang thành thư, Dụ tam Giang thành thư, Tái dụ Vương Thông thư, Tái dụ Vương Thông thư.

Trở lên là một số sách đáng chú ý. Có thể còn nhiều cuốn khác nữa, song do khuôn khổ bài viết và sự hiểu biết có hạn, chúng tôi chỉ đề cập tới một số cuốn hiện đang được quan tâm để độc giả tham khảo.

Mặc dù số lượng không nhiều nhưng phông sách Hán Nôm của Việt Nam ở Đông Dương văn khố thực sự đã thu hút được rất nhiều học giả trong và ngoài Nhật Bản. Trong cuốn Thư mục văn hiến khu vực Châu Á (Đông Nam ASIA bang văn tư liệu mục lục) 1946 - 1983 do Hội tư liệu khẩn thoại châu Á biên soạn và xuất bản tháng 8 năm 1985 đã công bố một bản thư mục gồm 577 tác phẩm và bài viết về Việt Nam của các học giả trong và ngoài Nhật Bản trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, xã hội, lịch sử, văn học, ngôn ngữ… ít nhiều liên quan đến kho sách Hán Nôm tại đây. Như cuốn Việt Nam dân tộc tiểu sử của Giáo sư Matsumoto Nobuhiro xuất bản năm 1969, 218 trang do Nhà xuất bản Iwanami Tokyo phát hành. Cuốn An Nam sử nghiên cứu của Giáo sư Yamôt Tatsuro, xuất bản năm 1975, dày 234 trang. Về văn học, có cuốn Lịch sử văn học Việt Nam của Giáo sư Imamura Yoshio in trong bộ Lịch sử văn học Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên. Hay trong cuốn Thư mục văn hiến bằng tiếng Nhật về tư liệu khu vực châu Á do Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á biên soạn, xuất bản tháng 5 năm 1992, có một số bài viết ít nhiều liên quan đến phông sách Hán Nôm tại đây, như bài Vùng châu thổ sông Hồng thời kỳ đầu triều Lê Việt Nam của Phó tiến sĩ Yao Takao (Đại học Ngoại ngữ Osaka) đăng trong cuốn Lịch sử văn hóa Đông Nam Á số 19, xuất bản tháng 5 năm 1990, tr.3-25.

Ngoài ra, theo chỗ chúng tôi biết rất nhiều tác phẩm và bài viết nghiên cứu về Việt Nam mà 2 cuốn thư mục nói trên chưa đăng tải hết. Như cuốn Địa chí của An Nam, của Giáo sư Yamamoto Tatsuro xuất bản năm 1943, Giáo sư Yamoto viết cuốn sách này có sử dụng tư liệu cuốn Đồng Khánh ngự lãm địa dư ký đồ ký hiệu X - 2 - 802 trong phông sách Hán Nôm tại Đông Dương văn khố. Hay cuốn Sự hình thành nông thôn Việt Nam của Giáo sư Sakurai Yumio (Trường Đại học Tổng hợp Tokyo), xuất bản năm Chiêu Hòa 62 (1987) dày 578 trang, ít nhiều có dựa vào một số tư liệu trong phông sách Hán Nôm tại đây. Ngoài ra Giáo sư Sakurai còn đăng liên tục các bài viết về chế độ ruộng đất Việt Nam, về sự di dân ở các làng quê vùng châu thổ sông Hồng trên các tạp chí Văn hóa lịch sử Đông Nam Á (5 bài đăng trong các năm 1973 - 1974, 1975 - 1977), tạp chí Lịch sử hiện đại Đông Nam Á (năm 1977), tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Đông Dương học báo, tạp chí Lịch sử, v.v…

Gần đây nhất có bài viết của ông Simao Minonu (Phó tiến sĩ trường Dại học Keio) về cuốn Lư sử vựng biên ký hiệu X.2.112 trong phông sách Hán Nôm tại Đông Dương văn khố với tiêu đề Xem xét các điều lệ trong Hương ước được tái biên, do Viện nghiên cứu Văn hóa Ngôn ngữ trường Đại học Keio xuất bản tháng 12 năm 1992, số 24.

Đông Dương văn khố với tư cách là Trung tâm nghiên cứu Đông Dương học của Nhật Bản, 76 năm qua kể từ khi thành lập, đã có những đóng góp lớn trong việc nghiên cứu phát triển Đông Dương học của thế giới. Nhiều năm gần đây Đông Dương văn khố đã mở rộng sự hợp tác với các chuyên gia, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu để tiến hành sự nghiệp hợp tác mang tính quốc tế, nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu Đông Dương ra toàn quốc và thế giới(3).

CHÚ THÍCH

(1) Xem bài: “Một bản Truyền kỳ mạn lục in năm 1712 vừa tìm thấy” của Trần Nghĩa, Nghiên cứu Hán Nôm số 2, 1985.

(2) Do chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu cuốn sách này, chúng tôi chỉ nêu ra 1 số dữ liệu trên để độc giả tham khảo.

(3) Để viết bài này, chúng tôi có tham khảo cuốn 60 năm của Đông Dương văn khố của Enoki kazna, Đông Dương văn khố xuất bản, tháng 11 năm Chiêu Hòa 52 (1777). Nhân đây chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn ông KOYAMA ISAO phụ trách phòng học thư viện Đông Dương văn khố đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho bài viết này.

TB

ĐI TÌM CĂN CỨ GỐC CHO DANH XƯNG CỦA TÁC GIẢ "SỨ HOA TÙNG VỊNH" KHUÊ HAY QUAI?

CHU XUÂN GIAO

Nhân kỷ niệm lần thứ 300 ngày sinh tác giả Sứ Hoa tùng vịnh, (1693 - 1993), trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin thể thao Thái Bình và Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà tổ chức lễ tưởng niệm và hội thảo khoa học tại quê hương ông. Khách quan mà nói, những vấn đề các nhà nghiên cứu đã công bố mới chỉ là những khai phá bước đầu. Muốn có một chân dung hoàn thiện về ông, cũng còn cần phải đợi một thời gian nữa. Nay chỉ đề cập tới danh xưng của ông, cũng đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Ông là Nguyễn Tông Khuê hay Nguyễn Tông Quai, hay Nguyễn Tông Phong?

1. Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 1927 đến nay đã từng có những cách đọc tên tác giả như sau:

a) Đọc là Nguyễn Tông Khuê

阮 宗 奎 : Bản dịch Vũ Trung tùy bút trên tạp chí Nam Phong năm 1927, Giáo trình văn học Việt Nam thế kỉ 10 - nửa đầu thế kỷ 18 (Nxb. ĐH và THCN, H, 1979, tập II), Từ điển văn học (Nxb. KHXH, H, 1984, tập II) Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ (SVH và TT Nghĩa Bình, 1986), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb. KHXH, H, 1991), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Nxb. KHXH, H, 1993), Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (Nxb. KHXH, H, 1993)…

b) Đọc là Nguyễn Tông Quai

(阮 宗 ): Bản dịch Hoàng Việt thi văn tuyền (Nxb. Văn hóa, H, 1958, tập III), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Nxb. KHXH, H, 1990, tập II), Danh nhân Thái Bình (SVH và TT Thái Bình, 1986, tập I). Kỷ yếu hội thảo (SVH và TT Thái Bình, 1993), Từ điển Bách khoa (bản thảo)…

c) Đọc là Nguyễn Tông Qui rồi mở ngoặc hay ghi chú “còn đọc là Khuê” và ngược lại.

d) Đọc là Nguyễn Tông Phong

阮 宗 峰 : Bản dịch Đăng khoa lục sưu giảng (Trung tâm học liệu, 1986)(1).

2. Thư tịch Hán Nôm xung quanh việc ghi chép tên tác giả

2.1. Trong 11 tư liệu gồm bia, sử kí, lục, tùy bút, chí và phả chúng tôi đã khảo sát kết quả như sau:

a) Chín tư liệu ghi là (): Bia Đề danh tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) (Bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thác bản No 1379 Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên (A.1189 - tờ 26a, 27b, HV 119 Viện Sử học), Kiến văn tiểu lục (A.32 - Thiên chương - quyển 4 - tờ 12a), Tang thương ngẫu lục (A.218 - quyển hạ - tờ 20b), Vũ trung tùy bút (A.1297 - tờ 146b, 147a), Lịch triều hiến chương loại chí (A.1551 - quyển 43, tờ 21b và quyển 47, tờ 36b), Hoàng Việt thi tuyển (VHv.1451 - quyển 5 tập hạ). Đặng khoa lục (A.1387 - quyển 3, VHv.2140/3, tờ 69b) và Gia phả học Nguyễn Tông (Tư liệu địa phương).

b) Một tư liệu ghi là (奎): Vũ tộc hoa phả (tư Liệu tại gia đình Ông Vũ Thế Khôi).

c) Một tư liệu ghi là (峰): Đăng khoa lục sưu giảng.

2.2. Kết quả khảo sát 9 tư liệu chép tác phẩm và có ghi tên ông:

a) Bảy tư liệu ghi là (): Sứ Hoa tùng vịnh (trong 28 dị bản có 3 bản ghi tên A.2001, VHv.1404/1-2, VHv.3205), Sứ trình (A.1548, tờ 10a), Sử văn trích cẩm (VHv.2148, tờ 56a), Càn nguyên ngự chế thi tập (A.139, quyển 3 mục lục và tờ 8a), Lê triều hội chí văn tập (VHv.426/1 - tờ 79a).

b) Hai tư liệu ghi là (奎): Ngũ luân tự (AB.128 - bản duy nhất), việt sử thi quyển (A.1214 và A.849).

c) Không tư liệu nào ghi (峰).

3. Hiện diện của 2 chữ (奎) và () trong từ điển Hán ngữ:

Chữ (奎) là chữ thông dụng, các từ điển Hán - Việt đều đọc là Khuê. Còn chữ () là chữ ít dùng, tất cả từ điển Hán - Việt và ngay Từ nguyên từ điển Từ hải từ điển (cả bản cũ và mới) đều không có, Ngữ âm tập vận (Hàn Đạo Chiêu người đời Lương soạn) phiên thiết: “Cát oai thiết” Khang Hy tự điển Hán Ngữ đại từ điển (Tứ xuyên từ thi xuất bản xã, Hồ Bắc từ thư xuất bản xã 1992) [guai]. Khảo chính ngọc đường tự vựng (Dân quốc tứ niên xuất bản - Thượng Hải cẩm chương đồ thư cục ấn hành) chú: “âm quai” (音 乖).

4. Từ thực tế văn bản

4.1. Nếu căn cứ vào tình hình văn bản và âm đọc trong từ điển trên thì quả đã rõ tác giả Sứ Hoa tùng vịnh là Nguyễn Tông Quai bởi số thư tịch được khảo sát hầu hết ghi là () trong đó có các văn bản quan trọng độ tin cậy cao:

1. Gia phả; 2. Bia tiến sĩ; 3. Đăng khoa lục.

4.2. Chỉ dừng ở đây thì vấn đề tưởng chừng quá giản đơn. Nhưng xung quanh mấy chữ này có nhiều giả thiết rất lí thú:

a) Có thể () (B) có gốc từ () (A)? Khi tiến hành làm thư mục về tác giả chúng tôi thấy trên Piche của cuốn Sứ Hoa tùng vịnh kí hiệu R.20 tại thư viện Quốc gia viết tên tác giả là (阮 宗 ) và phiên là Nguyễn Tông Quai, đồng thời chúng tôi cũng nhận được ý kiến cho rằng có thể (B) có gốc từ (A).

b) Có ý kiến cho rằng: Có thể Nguyễn Tông Quai được đổi tên thành Khuê? Trong các kỳ thi hội, thi đình có thể có những nhân vật được nhà vua cải tên, chẳng hạn Nghiêm Viên được Lê Thánh Tông đổi cho thành Nghiêm Hoãn, Trần Tất Môn được vua Lê cải cho thành Trần Tất Văn, Mai Thế Tuấn được Minh Mạng cải cho thành Mai Anh Tuấn. Vậy phải chăng Nguyễn Tông Quai cũng nằm trong những trường hợp này ?

c) Lại có ý kiến căn cứ vào chỗ thời trước tên tự và tên hiệu thường có liên quan về mặt nghĩa với nhau (có chung trường nghĩa) từ đó dẫn đến chỗ cho rằng một người có hiệu là Thư Hiên thì không hợp với tên tự Quai mà phải là Khuê.

4.3. Liệu () và () có là kết quả của sự diễn tiến lịch sử về văn tự hay không? Chúng có nằm trong sự diễn tiến từ bộ huyệt (穴 ) sang bộ miêu (宀) như một số chữ ( , chuyển thành 字 , chuyển thành 宇 , chuyển thành 宦) hay không?

Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra trong các từ điển thì không thấy có dấu hiệu nào cho thấy A chuyển thành B. Ba trường hợp chuyển đổi nêu trên đều được ghi chú rất rõ trong Khang hy tự điển: ( ) là dạng cổ của (字, 宇, 宦). Hai chữ A và B không thấy các chú giải tương tự, nghĩa là hai chữ độc lập với nhau. Vả lại, riêng về mặt âm, chữ () có rất nhiều âm nhưng không có âm nào là Quai cả mặc dù có âm là Khuê, Hán ngữ đại từ điển phiên la-tinh là [gửi].

Từ điển thì đã rõ như vậy, nhưng có thể đây là cách viết cách đọc riêng của từ điển Hán văn Việt Nam phỏng theo cách giản hóa từ (穴) sang (宀) chăng ? Chẳng phải hỏi đâu xa, ngay các vị túc nho Thúc Ngọc Trần Văn Giáp, Đỗ Phú Hứa và nhóm Lê Quý Đôn cũng đọc () là Quai, không đọc là Khuê.

Trở lại văn bản, khi thấy piche đề là () chúng tôi đã kiểm tra nguyên bản, trong 164 trang của R.20 không thấy chỗ nào ghi là (阮 宗 ) cả, chỉ thấy đề hiệu Thư Hiên hoặc Phó sứ. Trường hợp này tương tự như thư mục về tấm bia có thác bản No 12162 – 63 (Trùng tu thánh miếu bi ký) trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. “Bia Văn Miếu xã Trần Xá, tổng Hà Trường, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay là Hải Hưng). Nguyễn Tông Khuê (阮 宗 珪) Tiến sĩ khoa Tân Sửu 1721 soạn”. Chúng tôi kiểm tra bản rập thì không thấy có chữ (珪) mà chỉ thấy đề: “… Hộ bộ tả thị lang, Ngọ Đình hầu, Nguyễn Thư Hiên (阮 舒 翰) kính soạn”.

Thêm nữa, trong số tất cả các thư tịch mà chúng tôi đã tiến hành khảo sát thì chưa một lần nào có sự hiện diện của (), chỉ thấy lẫn lộn chủ yếu giữa () và (奎) mà thôi. Như vậy đây hẳn là nhầm lẫn của người lập piche.

4.4. Đỗ Phú Hứa trong phần chú thích bài Nguyễn Tông Quai ở sách Danh nhân Thái Bình (sđd) viết: “có 1 số sách phiên âm là Khuê là do nhầm lẫn chữ Quai với chữ Khuê. Hai chữ này dạng chữ Hán gần giống nhau”. Nhầm lẫn giữa () với () và (奎) là do nhầm lẫn giữa miên (宀) với huyệt (穴) và đại (大).

Một căn cứ quan trọng nữa làm bằng cho sự nhầm lẫn là cách đặt tên của dòng họ Nguyễn Tông: Nguyễn Tông Quai (); con trai: Tông Tân (賓), Tông Điều (), Tông Sùng (崇), Tông Trạch (宅); cháu gọi bằng ông: Tông Ngụ (寓), Tông Mão (), Tông Hựu (宥), Tông Tự (字)…

Sự hiện diện của chữ (峰) trong Đăng khoa lục sưu giảng cũng cung cấp thêm cho sự nhầm lẫn này.

4.5. Theo gia phả ghi: Mùa xuân Nhâm Dần 1722, ông vào thi đình, lẽ ra được Bảng Nhãn (đỗ cao nhất, thời đó không lấy Trạng Nguyên) nhưng do bị phạm một lỗi nhỏ (viết sai một chữ niên thành thập khi đề niên hiệu nhà vua) giáng xuống đệ nhị giáp tiến sĩ. Có thể vì cớ này ông được vua để ý và cải tên chăng? Dẫu sao đây chỉ là truyền thuyết, hơn nữa những trường hợp được vua cải tên thì sổ sách ghi chép cẩn thận, đến giờ chúng ta vẫn chưa tìm được văn bản làm bằng cho giả thiết này.

4.6. Với giả thiết 3 chúng ta hãy trở về tìm trường nghĩa của Thư Hiên Quai. Thư Hiên (舒 翰) có thể hiểu là cái hiên vắng, cái hiên nhàn. Còn chữ Quai, Khang Hy tự điển, Hán Ngữ đại từ điển Khảo chính ngọc đường tự vựng đều chú nghĩa: “Quai, quai lâu dã” (, 樓 也 ). Giải nghĩa như vậy thì quả là khó hiểu, những mấu chốt cơ bản là bộ miêu (mái nhà, che đậy) và kết cấu nghĩa của nó có chữ lâu (cái lầu). Như vậy thì Quai chắc chắn phải nằm trong một trường nghĩa với Thư Hiên, chí ít thì độ tương đồng về nghĩa của nó với Thư Hiên mạnh hơn giữa Khuê với Thư Hiên.

4.7. Bằng vào những kết quả trên đây, chúng tôi nghĩ rằng nên thống nhất đọc tên tác giả Sứ Hoa tùng vịnh là Nguyễn Tông Quai. Và những cách đọc Khuê hay Phong nên coi là kết quả của những nhầm lẫn: có thể do Phiên âm trên mặt chữ đã bị viết nhầm (ví dụ như một số bản phiên dịch Ngũ Luân tự, Vịnh sử thi quyển. Sử trình tân truyện và Đăng Khoa lục sưu giảng); có thể do phiên sai chữ (), vì đây là chữ ít dùng, khi thấy chữ (圭) (Khuê) ở dưới thì tạm đọc là Khuê mà không tra lại từ điển (ví dụ nguyên bản Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tùy bút và Kiến văn tiểu lục là chữ (h2 ), nhưng các bản dịch phiên Khuê)(2), trường hợp này giống như đã từng có người thấy trong chữ () (Việp) có chữ () (Hoa) mà phiên Việp thành Hoa; cũng có thể do chưa tiếp xúc hết với văn bản sử dụng văn bản qua người khác, thậm chí còn my đoán chữ () có hai âm đọc và tự chọn Khuê vì cho rằng âm này nghe hay hơn.

Tất nhiên ý kiến của riêng chúng tôi vẫn cần phải nghiên cứu thêm, đặc biệt là tìm nghĩa của chính chữ ().

CHÚ THÍCH

(1) Lược truyện các tác gia Việt Nam (Nxb. KHXH, H, 1971, tập I) ghi là Nguyễn Tông Quai. Đây là cách đọc chữ của cụ Trần Văn Giáp, tới Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (1990) đã sửa lại là Quai.

(2) Trong các nhà Khoa bảng Việt Nam, chúng tôi còn biết thêm được hai vị có tên là Quai nữa: Nguyễn Quai (阮 ), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Trị 8 (1670); Nguyễn Công Quai (阮 公 ), đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khao Canh Dần (1710). Tên hai vị này trong thư mục Nhân vật đỗ đạt tại Viên Nghiên cứu Hán Nôm đều phiên là Khuê.

TB

CẦN PHẢI TÌM HIỂU CHÍNH XÁC HƠN BÀI "ĐỘC TIỂU THANH KÝ" CỦA NGUYỄN DU

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Gần đây trên mặt báo, bài Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du lại được đề cập tới. Ông Nguyễn Danh Đạt trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (14) - 1993 đã có bài “Góp phần tìm hiểu thêm về nội dung bài Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du. Giáo sư Nguyễn Đình Chú trên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) số 24 (1744) thứ bẩy 12-6-1993 đã có bài “Về lời dịch Độc Tiểu Thanh ký (Nguyễn Du) để trao đổi với ông Nguyễn Danh Đạt”. Ông Trần Đình Sử trên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) số 28 (1748) ngày 10-7-1993 đã có bài “Mấy điều suy nghĩ về bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du”.

Sau khi đọc các bài báo ấy, chúng tôi xin được đóng góp một vài ý kiến để tìm hiểu chính xác hơn về bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du qua mấy điểm chính sau đây:

1- Thời kỳ Nguyễn Du viết bài Độc Tiểu Thanh ký

Về điểm này, có hai thuyết trái ngược nhau:

Thuyết thứ nhất cho rằng Nguyễn Du đã viết bài thơ ấy trong thời kỳ đi sứ Trung Quốc (xem Thơ chữ Hán Nguyễn Du của các soạn giả Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh, do Nxb. Văn hóa in năm 1959).

Thuyết thứ hai cho rằng Nguyễn Du đã viết bài thơ ấy trước khi đi sứ Trung Quốc, thời kỳ làm quan ở Bắc Hà (1802 - 1804) (xem thơ chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước - Trương Chính, do Nxb. Văn học in lần thứ nhất năm 1965).

Thực ra việc sắp xếp này cũng chỉ là do sự suy đoán thôi chứ không lấy gì làm chắc chắn lắm, vì bài thơ dù có được sao chép ở trong Thanh Hiên thi tập hay Bắc hành thi tập cũng chỉ là được sưu tầm về sau này mà thôi.

Theo chúng tôi nghĩ thì có thể Nguyễn Du đã viết bài thơ này trong thời kỳ đi sứ Trung Quốc, nhân khi được đọc bài ký viết về Tiểu Thanh, chứ không phải nhân khi đi qua mộ Tiểu Thanh. Bài ký ấy có thể đã được chép trong bộ Tình sử hoặc trong bộ Nữ Liêu trai chí dị (do Quảng Ích thư cục xuất bản và không có ghi tên tác giả). Và Nguyễn Du có thể cũng đã đồng thời xem thấy trong quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân lời bàn của Thánh Thán ở hồi thứ nhất nói về Tiểu Thanh mà sinh lòng thương cảm mới viết nên bài thơ điếu nàng.

Chúng tôi xin chép lại Lời bàn ấy như sau:

… “Ta thấy tạo vật ghét sự hoàn toàn, hễ cho ai đủ cái này thì lại bớt đi cái khác. Sinh ra một đóa hồng nhan, bắt chịu mười phần dậy gẫy; phó cho một mảnh tài tình, bèn tặng ngay cho mười phần nghiệp chướng, quả thực không sai vậy.

Tức như nàng Tiểu Thanh ở Dương Châu, kể về tài tình, sắc, tính thì không điểm nào không đứng vào bực nhất, thế mà lại ghép ngay cho một anh chồng ngây ngô, khác gì đã bị bẻ gãy, lại gặp thêm một tay đố phụ áp bức nàng phải chết một cách khổ cực! Há chẳng đáng thương.

Nhưng biết đâu, chính vì cái đau thương đó đã làm cho các văn nhân mặc khách phải xúc động, than thở rồi sinh ra thương tiếc, vì thương tiếc nên mới thay thế để thu thập lại những tàn biên truyền đến bất hủ.

Ví bằng Tiểu Thanh cũng chỉ là một gái tầm thường như nữ bình chương, được nhởn nhơ trong hàng tiểu tinh cũng đã mãn nguyện, rồi đem cơn mây sầu oán đổi thành cái thú tuyết nguyệt phong hoa, thì sao lại được lưu truyền bất hủ. Ắt phải mai một tức thì.

Nói tóm lại: Ngọc hễ không mài thì không thấy rắn. Cây gỗ đàn không tốt thì không thấy hương thơm. Nhưng chẳng riêng gì một Tiểu Thanh, phàm hạng con gái trong thiên hạ, hễ tài mạo song toàn mà sinh chẳng gặp thời, thì đều giống như Tiểu Thanh hết thảy và cũng được lưu truyền bất hủ như Tiểu Thanh vậy”(1).

Sau lời bàn này, Thánh Thán đã ví Thúy Kiều với Tiểu Thanh và cho rằng “về phần tài mạo cũng chẳng kém gì Tiểu Thanh mà cảnh ngộ còn éo le hơn nữa”.

Như vậy thì có thể Nguyễn Du đã đọc cả lời bàn của Thánh Thán về Tiểu Thanh lẫn bài Tiểu Thanh ký trước khi viết mấy vần thơ điếu nàng.

2. Nội dung của bài thơ

a) Phần dịch nghĩa

Bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du khá hàm súc nên việc tìm hiểu các câu thơ cũng rất khó khăn.

Mấy bản dịch nghĩa của các bậc túc nho cũng không giống ý nhau. Chúng tôi xin dẫn chứng qua khai thác hai bản dịch: một bản của Bùi Kỷ - Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh (viết tắt là Bản A) và một bản của Lê Thước và Trương Chính (viết tắt là Bản B).

Bản A Bản B
Đọc bài ký truyện Tiểu Thanh .
C2: Trước song một mình viếng một tập giấy.
C3: Son phấn như có thần sau khi chết, người ta còn thương tiếc.
C4: Văn chương còn có số mệnh gì mà làm cho người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt.
Đọc tập Tiểu Thanh ký .
C2: Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.
C3: Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết.
C4: Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.

Qua mấy câu dịch trên, chúng ta nhận thấy ý nghĩa đã khác nhau rất nhiều.

Ngay nhan đề bài thơ, Bản B dịch là đọc tập Tiểu Thanh ký thì không đúng. Bản A dịch hợp nghĩa hơn.

Câu 2 cả hai bản A và B đều dịch không được rõ nghĩa. Câu ấy có thể hiểu là:

“Trước song cửa ta một mình ngồi viết bài thơ này để điếu nàng trên một tờ giấy”.

Câu 3 và câu 4 cả hai bản A và B đều dịch chưa được đúng ý nghĩa theo như Nguyễn Du muốn viết sau khi đọc bài ký viết về truyện nàng Tiểu Thanh.

Nguyên truyện trong Nữ Liêu trai chí dị kể lại rằng: “Một hôm, nàng Tiểu Thanh bảo người vú già đi mời thấy họa giỏi lại. Nàng bảo vẽ truyền thần nàng. Vẽ xong, nàng soi gương nhìn kỹ nói: “Hình tôi thì giống, nhưng chưa lột được hết thần của tôi. Thôi bỏ đi”.

Vẽ bức khác. Nàng lại nói: “Thần thì được rồi nhưng bóng dáng chưa được lưu động… thôi bỏ đi”.

Nàng bèn cùng vú già nói cười, hoạt động tự nhiên rồi bảo ông thầy họa trông vẽ lại.

Tranh vẽ xong, đủ dáng lộng lẫy, nàng cười nói: “Được rồi đấy!”.

Khi thầy học ra về, nàng để bức tranh ở trước giường, đốt hương thơm… mà khấn rằng: “Tiểu Thanh! Tiểu Thanh! Chốn này có phải nơi duyên phận của mày đâu”.

Nói xong, nước mắt chan hòa, nấc lên một tiếng rồi chết”.

Dựa theo nguyên truyện nàng Tiểu Thanh ấy thì câu thứ ba có thể hiều là: Bức chân dung mà ông thầy họa vẽ nàng đủ dáng lộng lẫy (son phấn) có thần kia tiếc thay đến khi nàng chết đi rồi cũng bị người vợ cả đốt mất khiến cho người đời sau ai cũng phải thương cảm cho nàng.

Câu thứ ta cũng có thể hiểu là: Văn chương của nàng không có mệnh (ý nói không được lưu truyền hậu thế) đã được nàng tự đốt bỏ đi hầu hết các bài đã làm từ trước mà chỉ để lại mấy bài gọi là tập phần trước mà chỉ để lại mấy bài gọi là tập phần dư (gồm có 9 bài thơ tuyệt cú, 1 bài cổ thi, một bài từ và mọt bài thơ gửi cho người vợ cả) thì cũng đều bị người vợ cả lấy đốt đi hết.

Sách Nữ Liêu trai chí dị có chép rằng: “May khi nàng sắp mất có mấy chiếc xuyến hoa, tặng cho con gái nhỏ của nàng, bọc vào hai tờ giấy. Chính ở những tờ giấy ấy, người ta thấy có thi cảo của nàng gồm 12 bài”.

Có xem lại truyện nàng Tiểu Thanh thì mới hiểu được các từ “hữu thần” “phần dư”. Tập phần dư không phải là tập thơ của nàng Tiểu Thanh bị người vợ cả đốt đi mà còn sót lại. Tập ấy chính là 12 bài(2) thơ mà Tiểu Thanh lưu để lại, sau khi đã tự đốt cách bài thơ khắc của mình.

Sách Nữ Liêu trai chí dị cũng chép rằng: “Người vợ cả biết chuyện giận lắm, chạy đến đòi bức tranh. Chàng giấu bức thứ ba đi, đưa ra bức thứ nhất. Lập tức bức này bị đốt cháy. Người vợ lại đòi tập thơ. Thơ đưa ra cũng bị đốt hết… Người ta lục bản thảo, không còn chi nữa”.

Như vậy truyện nàng Tiểu Thanh đã giúp cho ta hiểu được hai câu:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Bốn câu thơ sau không có gì khó hiểu và hai bản A và B đã giảng nghĩa như nhau, tuy cách diễn tả có khác chút ít.

b- Phần dịch thơ

Có thể nói phần dịch thơ, bản A và bản B đều không đạt, kể cả bản dịch của Quách Tấn trong Tố Như thi.

Chúng ta hãy đọc lại bản dịch thơ của Vũ Tam Tập mà các sách giáo khoa (Văn lớp 10) đã sử dụng cho học sinh học:

Độc Tiểu Thanh ký
Tây hồ hoa uyển tận thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư,
Chi phấn hưu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Dịch thơ:

Đọc tập Tiểu Thanh ký
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng ?

Vũ Tam Tập dịch

Vì bản dịch không đạt nên ở quyển Văn lớp 10 giáo sư Đặng Thanh Lê đã hướng dẫn học sinh hãy “tìm hiểu cảm xúc qua nguyên văn và lời dịch nghĩa để có thể nắm được ý nghĩa cụ thể”, và ở quyển Văn học lớp 10 giáo sư Nguyễn Lộc đã hướng dẫn các học sinh hãy “đọc kỹ nguyên văn và bản dịch văn xuôi của bài thơ để hiểu chính xác bài thơ dịch vì bài thơ dịch có đôi chỗ nghĩa không được rõ”.

Điều này thử hỏi các học sinh biết gì chữ Hán mà bảo “cảm xúc qua nguyên văn” hoặc “đọc kỹ nguyên văn”?

Vậy có thể nói về nội dung bài thơ này rất hàm súc, cần phải được tìm hiểu cho chính xác hơn mới đem vào chương trình học được.

3. Những nghi vấn quanh hai câu kết của bài thơ

Hai câu kết:

Bất tri tam bách dự niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Đã nêu ra nhiều nghi vấn:

a- Hai câu ấy có đích thực là của bài Độc Tiểu Thanh ký không ?

Năm 1924, vào dịp lễ kỷ niệm Nguyễn Du, hai ông Phan Sĩ Bàng và lê Thước có cho ra một quyển sách nhỏ nhan đề là Truyện cụ Nguyễn Du và trong sách ấy hai ông có cho biết là hai câu thơ trên là hai câu khẩn chiếm của Nguyễn Du trước khi mất. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim trong quyển Truyện Thúy Kiều in năm 1925 cũng cho là như vậy.

Căn cứ vào hai câu thơ ấy người ta đã giải thích rằng: “Từ năm Gia Tĩnh triều Minh (1522) đến năm Nguyễn Du mất (1820) thì vào khoảng 300 năm. Nguyễn Du nhớ đến nàng Kiều sống trước mình 300 năm rồi nhân đó liên tưởng sau mình 300 năm có ai khóc mình như mình đã khóc Thúy Kiều chăng?”. Cách giải thích ấy về sau đã bị bác bỏ khi Đào Duy Anh cho đăng trên báo Thanh Nghị (1942) bài Tam bách dư niên hậu và cho biết hai câu “khẩu chiếm” kia chỉ là hai câu kết của bài Độc Tiểu Thanh ký.

Nhưng hai câu ấy ghép vào trong bài thơ thì lại thất niêm:

Câu 6: Phông vận kỳ oan ngã tự cư.

Câu 7: Bất tri tam bách dư niên hậu.

Đúng ra chữ thứ nhì câu 7 phải thuộc thanh trắc thì mới niêm được với chữ thứ nhì câu 6 thuộc thanh trắc. Ở đây tri (bằng) không niêm được với vận (trắc). Có phải Nguyễn Du muốn “phá cách” chăng? Chúng tôi không cho là như vậy, vì các bài thơ “phá cách” đềuddc phá ngay từ câu mở đầu, chứ không có trường hợp nào sáu câu đầu làm theo luật chắc(3) bằng và hai câu cuối lại làm theo luật trắc.

Vậy hai câu kết này cũng phải được xem xét lại.

b. Hai câu ấy có đúng với tâm sự của Nguyễn Du không ?

Nếu bảo rằng “tạm bách dư niên hậu” là tính từ khi Tiểu Thanh mất cho đến lúc Nguyễn Du làm bài thơ này thì cũng sai. Theo Nữ Liêu trai chí dị thì Tiểu Thanh mất vào năm Nhâm Tý, niên hiệu Vạn Lịch (tính ra Dương lịch là năm 1612, chứ không phải là năm 1492 như ông Trần Đình Sử đã ghi), như vậy thì tính đến năm Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc (1813) và viết bài thơ Độc Tiểu Thanh ký mới có 200 năm.

Quyển Từ Nguyên và quyển Cổ thi trích dịch của Phan Mạnh Danh lại chép Tiểu thanh sống ở đời nhà Thanh, như vậy thì tính đến năm 1813 chưa được 200 năm.

Căn cứ vào những nhận xét trên và nhất là căn cứ vào sự thất niêm của bài thơ, chúng tôi cho rằng hai câu kết:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!

Không phải là của bài Độc Tiểu Thanh ký.

Qua ba phần trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du về nguyên văn đã quá hàm súc, về phần dịch nghĩa chưa rõ ràng, về phần dịch thơ chưa đạt và nhất là về câu kết còn chưa chắc đã thuộc về nguyên bản, nên chúng tôi đề nghị không vội đem vào chương trình môn Văn lớp 10 để giảng dạy cho các học sinh được.

CHÚ THÍCH

(1) Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân sáng tác Nguyễn Đình Diệm dịch, Nhà Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1971.

(2) Mưòi hai bài thơ của Tiểu Thanh được chép in trong quyển Cổ thi trích dịch của Phan Mạnh Danh, phần Thơ đời Thanh, từ trang 117 đến trang 132. Thanh Hoa thư xã Hà Nội xuất bản 1953.

(3) Trong cả tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du chỉ có hai bài phá cách mà phá cách từ câu mở đầu như bài Hoàng Mai kiều văn điển và bài La Phù giang thủy các, độc tọa.

TB

VĂN CHUÔNG CHÙA ĐÀ QUẬN - VIÊN MINH TỰ - MỘT TƯ LIỆU QUÝ VỀ THỜI MẠC Ở
CAO BẰNG

CUNG VĂN LƯỢC
CHU QUANG TRỨ

Chùa Đà Quận tên chữ là Viên Minh tự, hiện thuộc xã Hưng Đạo huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng, nay đã tan hoang, nhưng trong khu đất nền chùa còn có hai quán nhỏ rêu phong, bên trong treo hai quả chuông lớn. Trong cuộc Hội thảo về văn hóa Dân gian Cao Bằng tiến hành vào các ngày 21-23/2/1993, họa sĩ Phan Ngọc Khuê(1) cho rằng: chuông đã mờ hết chữ, không miêu tả, nhưng thuộc “phong cách nghệ thuật cuối Trần đầu Lê”(2).

Để xác minh rõ giá trị hai quả chuông này, ông Triệu Đình Vương Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và ông Y Phương, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Cao Bằng, đã tổ chức ngay một cuộc khảo sát điền dã giữa hai buổi họp sáng và chiều ngày 23-2-1993, trực tiếp đưa GS. Trần Quốc Vượng cùng hai chúng tôi đến thăm chùa Đà Quận. Với thời gian eo hẹp, đoàn chúng tôi đã khẩn trương tìm hiện vật và thu được một số tư liệu để bước đầu có thể tạm gợi ra vài nhận xét nhỏ bé. Sau khi trở lại Hà Nội, chúng tôi đã tra xét các văn bản cổ của người xưa để lại, mà trong đó có đề cập đến danh vật, danh nhân, chùa chiền và lịch sử - văn hóa Cao Bằng, nhằm hiểu sâu hơn về giá trị hai quả chuông này.

Ở đây, chúng tôi muốn giới thiệu, miêu tả lại đôi nét về hai quả chuông chùa Đà Quận và qua đó mạnh dạn nêu nên một vài nhận xét sơ bộ.

- Hai quả chuông chùa Đà Quận vào loại những chuông lớn ở nước ta. Quả chuông to: cao 1,75 m, miệng rộng 1,07m. Quả chuông nhỏ: cao 1m55, miệng rộng 0m95. Cả hai đều đúc bằng hợp kim đồng, lâu ngày đã ngả sang màu gang. Quả chuông to ở bồ lao treo bị cưa mất một chân rồng. Quả chuông nhỏ ở thân thủng một lỗ (Dân địa phương kể rằng: tiếng chuông kêu vang to quá làm mọi người trong bản mường mất ngủ, do đó họ đục đi cho bớt vang).

- Hai quả chuông như vậy, nhưng quai treo thì lại rất ngắn và chỉ cao chừng hơn 20cm, khiến cho dáng chuông như lùn xuống và bè ra. Cả hai quả chuông đều có dáng rất mập khỏe, hình khối căng bầu. Trang trí đơn giản với miệng loe nhưng để trơn. Chủ yếu là bốn nhóm gờ dọc và một nhóm gờ ngang ở chừng 1/3 thân chuông (tính từ dưới lên). Nơi gặp nhau của các nhóm gờ ngang và dọc ấy tạo thành núm đánh. Ngoài ra ở cuối của hai nhóm gờ dọc, đối nhau cũng có núm đánh. Tất cả có 6 núm đánh nổi to, rõ. Các núm này cấu tạo giống nhau: trong là một hình tròn, bao ngoài là một bông sen nổi cao, gồm 12 cánh vuông. Quanh vai chuông cũng có một nhóm gờ ngang để phân ra phía trên là đỉnh chuông bẹt, ở đó có bồ lao treo là đôi rồng gắn nối ngược chiều nhau ở khoảng ngực. Những con rồng này đều có mào dài, sừng ngắn và mập, tóc chải mượt, thân mập.

Nhìn chung dáng dấp chuông và trang trí chuông mang chất điêu khắc nối khối, chân chất, thoáng đãng, mộc mạc. Hình khối và đường nét đều rõ ràng. Do vậy, vừa thoáng nhìn, chúng tôi đã có thể liên hệ với lịch sử và cảm nhận cả hai quả chuông này đều thể hiện nhiều khả năng đặc điểm là những di vật của hậu kỳ thời Mạc.

- Về văn tự ngay đến tên chuông, mà thông thường vẫn thấy được đúc bằng đại tự nổi cao, thì ở cả hai chuông đều không có. Thoạt nhìn, mặt chuông không thấy Minh văn, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy mặt quả chuông nhỏ có khắc chữ vuông ở tất cả các ô. Trong đó, những ô thuộc nửa trên đã mờ gần hết chữ, những ô thuộc nửa dưới còn rõ hơn. Ở đó có khắc phần đầu của bài văn đã đọc được hầu hết các chữ vuông là chữ Hán.

Phiên âm Hán Việt như sau: “Viên Minh tự chung, minh Tán viết: Thiên khi Nam Việt, Địa tịch Cao Bằng. Trung cư bản Phủ, Để khống Đế thành. Thạch Châu lặc [?], Đà Quận địa linh. Thanh Sơn(3) Thủy tú, Mãng(4) Thủy nhiễu oanh. Tổ danh thắng tích, Tự hiệu Viên Minh. Cao đồng chú thạch, Nhật dương tương hành. Thượng huyền lâu các, Thạch trí vu thinh. Phong lịch ngồi ngỗi, Kim ngọc khanh hạnh. Bồ xao nguyệt động, Khí động phong thanh. Thần từ đối diện, Cung điện tranh vanh. Thời canh trú dạ. Tịch chung minh. Thế tình biến hoán, Nhân vật hoành sinh. Nhân do [?] [?], Trí lực kinh dinh. Tá Mạc thánh chúa, Phù Tộ hiền khanh. Kim đồng bị thạch, Phật tự mô hoành. Tưu công tạo tác, Lưu đại Phan Hình. Y thời cẩn tốt, Hội chủ cáo thành. Hoàn viên như nguyện, Viễn cận tri danh. Âm công ký hiển, Dương báo tất vinh!”.

Tạm dịch “Văn khắc chuông chùa Viên Minh. Lời tán rằng: Trời mở Nam Việt, Đất lập Cao Bằng. Ở giữa bản Phủ, Vững đất thành Vua. Thạch Châu kiên [cố?], Đà Quận đất thiêng. Non xanh nước biếc, sông Mãng uốn quanh. Cổ danh thắng tích, Chùa gọi Viên Minh. Chế đồng đục đá. Sống cùng trời trăng, chuông treo lầu gác. Chuông đặt trong sảnh. Gió thổi vang vang, tiếng ngọc rung rinh, chuông động vầng nguyệt, Mỗ động gió âm. Đền Thần đối diện, Cung điện chênh vênh, Giờ giấc sớm tối, Tiếng chuông u huyền. Thế tình biến đổi, người vật nảy sinh. Nhân do [?] [?], ra sức sửa trị. Giúp thánh chúa Mạc, Tôi hiền phù vận. Chuông đồng bia đá, Chùa Phật lớn lao. Đón thợ dựng xây, Giữ mãi hình Phật. Đúng hạn hoàn thành, Hội chủ báo công. Lòng thành trọn vẹn. Gần xa biết tiếng. Âm công rạng tỏ, Dương báo vẻ vang!”

Rõ ràng tác giả bài minh rất tự hào với mảnh đất Cao Bằng của nước Nam Việt, nơi đây cảnh thú thanh lịch, có chùa Viên Minh, đền thần và cung điện lầu cao gác đẹp, có chuông chùa hàng ngày đánh lên vang động không trung. Tác giả cũng đề cao nhà Mạc hội tụ được nhân tài. Như vậy, rất có thể chuông chùa Viên Minh được đúc khi nhà Mạc đang chiếm giữ Cao Bằng và đóng đô ngay tại đây.

Ở một ô khác trên chuông có ghi tên người hưng công. Phần nhiều tên bị mờ, song còn rõ hơn cả là dòng tên một người vợ là Phạm Thị Ngọc Yến, tức phải thuộc vào dòng dõi quyền quý.

- Kiểm tra lại dự đoán niên đại ở trên, chúng tôi tìm được trong sách Đại Nam Nhất thống chí, mục Chùa quán thuộc tỉnh Cao Bằng (Tập IV, tr.404, bản dịch, Nxb. KHXH, 1971) có ghi: “Chùa Minh Viên: ở xã Xuân Lĩnh huyện Thạch An, nay trong chùa có một quả chuông, khắc chữ Kiền thống thập cửu niên Tân Hợi chú”. Và “Chùa Đông Lân”: ở xã Vu Thủy huyện Thạch Lâm Tương truyền chùa này cùng chùa Minh Viên đều do nhà Mạc dựng”.

Chúng tôi nghĩ rằng: chùa Minh Viêng trong đoạn trích trên rất có thể là chùa Viên Minh ở Đà Quận mà chúng tôi đã được mục kích và tìm hiểu. Và nếu như vậy, thì quả chuông chùa Viên Minh với bài minh, chẳng những sẽ có niên đại tương đối vào thời Mạc mà còn có niên đại tuyệt đối là năm Kiền Thống 19, tức năm 1611.

Cũng cần nêu thêm rằng: Chuông thời Mạc đến nay còn rất hiếm. Những áng văn thơ hay của thờ mạc cũng chẳng còn được bao nhiêu. Và ngay cả những nhận thức về thời Mạc cũng chưa thống nhất. Dầu sao đi nữa quả chuông với bài Minh trên kia vẫn là những tư liệu rất quý. Còn quả chuông to không có chữ hiện ở chùa Viên Minh ở Đà Quận, liệu có thể là quả chuông chùa Đông Lân chuyển về không ? Chúng tôi chờ lời đáp trong sự phối hợp nghiên cứu của các nhà khoa học với tỉnh Cao Bằng.

CHÚ THÍCH

(1) Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

(2) Xem bài Truyền thống văn hóa trong cuộc sông dân gian Cao Bằng, của họa sĩ Phan Ngọc Khuê, trong sách Văn học dân gian Cao Bằng, Hội Văn nghệ Cao Bằng, 1993, trang 279-197.

(3) Do quan hệ kết luận đối, nên có lẽ là: “Sơn thanh thủy tú” thì phải.

(4) Chữ Hán vốn đọc Mang, đồng bào địa phương đọc Mãng chỉ sông Mãng. Đây là hiện tượng mượn chữ, không mượn âm trong văn bản Tày.

TB

"CANH TÝ THI TẬP" CỦA
VUA THÀNH THÁI?

PHAN THUẬN AN

Vừa qua, chúng tôi sưu tầm được một tập thơ chữ Hán chép tay, nhan đề là “Canh Tý thi tập”, trong đó ghi là do vua “Thành Thái ngự chế”. Dù nó có những điểm khả nghi, chúng tôi cũng xin giới thiệu để mọi người thẩm định.

I. MÔ TẢ TẬP THƠ

- Tập thơ bằng giấy bổi; khổ 29x 16cm; có 18 tờ (kể cả tờ đơn lẫn tờ đôi), gồm: 3 tờ bìa đơn (một mặt màu gạch: bìa trước 1 tờ, bìa sau 2 tờ), 6 tờ lót bìa (bìa trước 3 tờ đôi, bìa sau 1 tờ đôi và 2 tờ đôi lồng vào nhau), và 9 tờ ruột (tờ đôi). Chỉ đóng cũ đã bị sút mất, nay đóng lại bằng chỉ mới.

- Mỗi trang có in sẵn khung và chia đều thành ô dòng để viết. Chữ viết theo lối chân phương bằng mực xạ. Chữ viết rõ và đẹp. Cuối từng câu thơ được khuyên bằng mực son (châu khuyên).

- Dù bìa và ruột có bị xơ và rách đôi chút ở rìa tờ giấy, nhưng nhìn chung, tập thơ còn tốt về hình thức và nguyên vẹn về số chữ đã viết.

II. HÌNH THỨC TẬP THƠ

- Bìa trước đề 4 chữ “Canh Tý thi tập”.

- Ở tờ 1a, dòng 1 viết lại 4 chữ ấy; dòng 2 viết 4 chữ “Thành Thái ngự chế”; dòng 3 bắt đầu viết mục lục bằng 5 chữ “Kim thể thập thất thủ” (17 bài làm theo thể thơ Đường). Nhưng, từ đó đến cuối tờ 2b lại viết đến 19 đầu đề!

- 19 đầu đề trong bản mục lục:

1. Nguyên đán (Buổi sáng đầu năm).

2. Tân thiều thí bút (Thử khai bút trong ngày xuân mới).

3. Thượng nguyên tịch ngoạn nguyệt (Thưởng trăng đêm rằm tháng giêng).

4. Phú đắc xuân viên thảo mộc vinh (Vườn xuân cây cỏ tốt tươi).

5. Đại tự lễ thành cung kỉ (Sau lễ tế lớn [ở Đàn Nam Giao] kính ghi).

6. Thanh minh tiết triển yết An Lăng lễ thành khấp thuật (Sau lễ viếng An Lăng trong tiết Thanh Minh kính thuật).

7. Đình hoa thịnh khai hữu vịnh (Vịnh hoa nở rộ trên sân).

8. Hữu mẫu đơn (Hoa mẫu đơn).

9. Hữu thục quỳ (Hoa thục quỳ).

10. Hữu hải đường (Hoa hải đường).

11. Hữu phương lan (Hoa phương lan).

12. Hữu bạch cúc (Hoa cúc trắng).

13. Dạ nguyệt phiếm châu Ngự Hà (Đêm trăng dạo thuyền trên sông Ngự Hà).

14. Hạnh Tịnh Tầm đặc điểu (Đến bắn chim ở Hồ Tịnh Tâm).

15. Cao lâu văn thiếu (Lầu cao ngắm cảnh buổi chiều).

16. Trung thu bộ nguyệt (Đêm Trung thu đi tản bộ dưới trăng).

17. Phú đắc nguyệt chiếu thủy trung minh (Trăng sáng dưới đáy nước).

18. Đông tình hạnh Dinh Châu tác (Thơ làm trong một ngày đông trời tạnh đi đến đảo Dinh Châu).

19. Đông nguyệt (Trăng mùa đông).

- Trong tập thơ thiếu mất bài 12 (Hữu bạch cúc), có viết đề nhưng không chép thơ. Có lẽ người ta sơ ý nên bỏ sót.

- Trong số 18 bài thơ ấy, có 11 bài được làm theo thể thất ngôn bát cú, và 7 bài làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt.

III. NỘI DUNG TẬP THƠ VÀ DỊCH VÀI BÀI TIÊU BIỂU

Qua các đầu đề trên đây, và nhất là sau khi đọc kĩ 18 bài thơ trong “Canh Tý thi tập”, chúng tôi thấy nội dung chủ yếu là ca tụng thiên nhiên, cảnh vật xinh đẹp ở Kinh đô triều Nguyễn, và nói đến một số sinh hoạt lễ nghi cung đình thời vua Thành Thái. Không thấy động cập gì đến thời sự chính trị bấy giờ.

Dịch bài thơ tiêu biểu:

1. Đại tự lễ thành cung kỉ.
Đại tự kim niên chính giới kì,
Cẩn tuân thành hiến cử long nghi.
Thương thương tễ tễ y quan liệt,
Túc túc ung ung lễ độ thi.
Khấu thủ đàn tiền trần ngọc bạch,
Chỉnh dung án hạ hiến sinh hy.
Dụ kì quốc thái dân an lạc,
Vật phụ điền phong triệu tánh di.

Tạm dịch:

Sau cuộc lễ tễ lớn [ở Đàn Nam Giao] kính ghi.
Cuộc tế năm nay đến đúng kì,
Kính tuân hiến định, lễ uy nghi.
Xếp hàng áo mũ nghiêm trang đứng,
Theo bậc vua tôi lễ độ quỳ.
Cúi lạy trước đàn dâng ngọc bạch(1),
Vái xin dưới án cúng sinh hi(2).
Nguyện cầu quốc thái dân an lạc,
Lúa tốt, nhân dân chẳng thiếu gì.

2. Dạ nguyệt phiếm châu Ngự Hà.
Ngọc kính cao huyền dạ sắc thanh.
Ngự Hà nhất vọng thủy trừng minh.
Khinh dao quế phảng thừa ba phiếm,
Sậu vũ lan nhiêu trục lãng hành.
Ngạn thượng kì hoa hương phức úc,
Lưu trung thố ảnh chiểu tinh oanh,
Xuân tiêu tín thị thiên kim giá,
Dương vũ hàm nghi thảo mộc vinh.

Tạm dịch:

Đêm trăng dạo thuyền trên sông Ngự Hà(3)
Trăng sáng treo lơ lửng giữa trời.
Ngự Hà nước biếc cả dòng khơi.
Nhẹ lay thuyền quế trôi theo sóng,
Chợt vẫy chèo lan lướt giữa vời.
Hoa cỏ trên bờ thơm bát ngát,
Bóng trăng dưới nước rạng ngời ngời.
Đêm xuân đáng giá vàng nghìn lượng.
Mưu tạnh muôn lời cây cỏ tươi.

3. Hạnh Tịnh Tâm dặc điểu
Thú thử xuân minh giá tiểu kha
Bắc Hồ lâm hạnh lộ phi xa.
Đê gian nộn liễu phinh đình thậm,
Đảo thượng giai cầm tiểu ngữ đa.
Thí thủ Ban Cưu minh tại phảng,
Lập tương Dã Hạc lạc vu ba.
Thứ sung cam chỉ cung từ thiện,
Phản trạo hồi lai nhật vị tà.

Tạm dịch:

Đến bắn chim ở hồ Tịnh Tâm(4)
Dạo thuyền lững thững giữa trời xuân,
Đường đến Bắc Hồ(5) kể cũng gần.
Đê lắm liễu non phe phẩy rũ,
Đảo nhiều chim đẹp líu lo ngân.
Bắn chơi, chim đã kêu bên cạnh,
Nhắm thử, hạc liền rớt mấy lần.
Thêm món ăn ngon dâng Thái hậu.
Chèo thuyền về lại nắng còn vương.

4. Hữu mẫu đơn
Minh Hoàng đóa đóa hướng triêu huy.
Nhất phiến trung trinh bảo bả trì.
Kính tiết hiên ngang siêu chúng hủy,
Tân kiều diệm dả đối viêm uy.

Tạm dịch:

Hoa mẫu đơn
Từng đóa hoa vàng hướng nắng mai.
Trung trinh quyết giữ chẳng tàn phai.
Hiên ngang khí tiết hơn hoa cỏ,
Kiều diễm nhìn lên phía mặt trời.

IV. ĐÔI ĐIỀU VỀ VĂN BẢN HỌC VÀ VỀ TÁC GIẢ CỦA TẬP THƠ

Khi mới bắt gặp được tập thơ, chúng tôi đã ngạc nhiên một cách thích thú. Nhưng khi đọc kỹ và tìm hiểu sự nghiệp thơ văn của vua Thành Thái, chúng tôi cảm thấy băn khoăn.

- Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phước Bửu Lân, sinh năm 1879, lên ngôi năm 1889, vì có khuynh hướng chống Pháp đô hộ nên bị truyết phế năm 1907, đưa vào giam lỏng ở Vũng Tàu, đến năm 1916 thì bị đày qua đảo La Réunion (ở châu Phi) cùng một lần với vua Duy Tân. Mãi đến năm 1947, vua Thành Thái mới được về nước, nhưng chỉ được chính quyền thực dân cho phép sống tại Sài Gòn. Năm 1953, vua có ra thăm lại cố đô Huế, rồi mất vào năm sau.

Từ đó đến nay, hễ nói đến vua Thành Thái, người ta thường nhắc nhở đến tấm lòng yêu nước của vua, chứ không ai cho rằng vua đã làm nhiều thơ. Vua có làm thơ chăng, cũng chỉ có mấy bài, nhưng cũng không chắc là do vua sáng tác.

Đọc một số sách văn học sử viết trong gần 40 năm qua, chúng tôi không hề thấy vua Thành Thái được ghi nhận vào đó như một nhà thơ dù ở bất cứ khuynh hướng nào (chẳng hạn như những bộ sách Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Từ điển Văn học). Một số thơ của vua chỉ thấy nói đến trong mấy quyển sách viết có tính cách giai thoại xuất bản ở Sài Gòn, như Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển của Trịnh Vân Thanh (1967), Việt Nam danh nhân từ điển của Nguyễn Huyền Anh (1970), Giai thoại làng nho của Lãng Nhân (1972), Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế của Hoàng Trọng Thược (1973).

Theo các tác giả này, vua Thành Thái đã từng làm 2 bài thơ chữ Hán và 2 bài thơ chữ Quốc ngữ, đều theo thể Đường luật thất ngôn bát cú. Hai bài chữ Hán đã được vua làm nhân dịp ra Hà Nội dự lễ khánh thành cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) vào năm 1902. Đó là bài “Võ võ văn văn ý cẩm bào” và bài “Thăng Long thành hoài cổ”. Còn 2 bài chữ Quốc ngữ mang nhan đề chung là “Cảm hoài” thì được vua làm trên đường đi từ Vũng Tàu lên Sài Gòn vào năm 1947 sau khi hồi hương. Nhưng, riêng bài “Võ võ văn văn ý cẩm bào” đã bị chính vua Thành Thái phủ nhận mình là tác giả và nói với Cụ Lê Thanh Cảnh rằng Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải bấy giờ đã dùng tâm trạng của nhà vua để làm bài đó. (Xem: Hoàng Trọng Thược, sđd., tr.87-88).

Còn 10 bài thơ xướng và 10 bài thơ họa mang đầu đề “Khuê phụ thán” thì đã rõ ràng là do nhà giáo Phan Quốc Quang và nhà thơ Lê Quang Nhơn ở Vĩnh Long thác lời Bà phi Nguyễn Thị Dịnh (mẹ vua Duy Tân) và lời vua Thành Thái mà cảm tác (Xem: Lãng Nhân, sđd, tr.645-651).

Ấy thế mà, theo chữ nghĩa ghi trên Canh Tý thi tập, vua Thành Thái đã “Ngự chế” đến 19 bài thơ Hán chỉ nội trong một năm, năm Canh Tý (1900). Chỉ một năm mà làm chừng ấy thơ, huống chi trong hơn 18 năm trị vì (1889 - 1907), nhà vua đã “Ngự chế” biết bao thi phẩm?

Mặt khác, về cách viết trong Canh Tý thi tập, chúng tôi thấy có một số điểm hơi lạ, chẳng hạn như:

. Bốn chữ “Thành Thái ngự chế” ở tờ 1a. Ngày xưa, Thành Thái chỉ là “niên hiệu”, chứ không phải là tên vua như chúng ta dùng ngày nay…

. Ở cuối tập thơ, không thấy đề tên người chép, hay “cung lục”, hoặc “phụng sao”, cũng chẳng ghi thời điểm sao lục.

. Nếu chép lại thơ “ngự chế” để nhà vua “ngự lãm” thì không thể xảy ra những sơ xuất rất đáng trị tội, như sót mất một bài chẳng hạn.

Tuy nhiên, Canh Tý thi tập không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó đã được trân tàng và nay còn lại trong phủ thờ của một cựu đại thần ở đất cố đô. Tập thơ không có dấu hiệu gì cho phép nghi ngờ là ngụy tạo. Sau từng câu thơ lại được “châu khuyên”. Hơn nữa, dù nội dung tập thơ không hề đề cập đến bối cảnh chính trị nghiệt ngã đương thời (1900), nhưng một số bài trong đó thích hợp với cuộc đời và sinh hoạt của vua Thành Thái, và khớp với cảnh vật Huế. Những bài nói về các loài hoa lại vương đôi chút khẩu khí. Chữ nghĩa trong một số bài khác mang ngôn từ của bậc đế vương.

Tóm lại, dù Canh Tý thi tập có những điểm đáng ngờ khi nói nó là của vua Thành Thái, nhưng cũng thật khó phủ nhận điều này.

Dù sao, chúng tôi cũng xin mạnh dạn giới thiệu tập thơ “ngự chế” ấy để mọi người cùng xem xét, nhận định và xác minh.

CHÚ THÍCH

(1) Ngọc bạch: ngọc và lụa, là những tế phẩm ấn định phải có trong lễ tế trời đất ở Đàn Nam Giao.

(2) Sinh hi: sinh (sanh) và hi là những con vật ngày xưa dùng để tế thần. Tế Nam Giao có cúng tam sanh: trâu, heo, dê.

(3) Ngự Hà: tên con sông đào trong Kinh thành Huế. Một trong những chức năng của nó là để vua đi dao bằng thuyền rồng, cho nên đặt tên như thế.

(4) Tịnh Tâm: tên một cái hồ lớn và đẹp trong Kinh thành Huế. Trên hồ có 3 đảo với hàng chục công trình kiến trúc xinh xắn, và một con đê trồng nhiều cây liễu. Các vua nhà Nguyễn thường ra nghỉ ngơi và bắn chim ở đó. Hiện nay, vẻ đẹp ngày xưa của hồ Tịnh Tâm không còn nữa.

(5) Bắc Hồ: vì hồ Tịnh Tâm không ở xa về phía bắc của Đại Nội, cho nên còn gọi là Bắc Hồ (hồ phía bắc).

TB

MỘT BÀI VĂN BIA
CỦA PHÙNG KHẮC KHOAN

LA ĐỨC TÔ
HOÀNG VĂN PHẨM
NGUYỄN HỮU UẨN
BÙI XUÂN VĨ

Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Tây). Học giỏi, nhưng không đi thi và làm quan cho triều Mạc. Năm 1550, ông vào Thanh Hóa tham gia phù Lê diệt Mạc. Năm 1580, nhà Lê mở khoa thi, ông đậu Hoàng Giáp. Ông là một nhà hoạt động chính trị, kinh tế và nhà thơ. Trong thời gian phù Lê diệt Mạc và làm quan với nhà Lê, Phùng Khắc Khoan đi lại nhiều nơi trong tỉnh Thanh Hóa. Ông kết bạn thân với Đăng quận công Nguyễn Khải ở Cổ Bôn cũ, nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Vì vậy theo yêu cầu của Đăng quận công, ông có làm bài bia trùng tu cầu Ngọc Khuê ở quê Nguyễn Khải.

Bia này dựng ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bia bằng đá trắng, năm 1975 đã bị vỡ làm đôi, đầu năm 1993, một trong hai mảnh trên lại bị vỡ làm đôi. Tuy bị vỡ, nhưng chữ vẫn rõ, dễ đọc.

Sau đây xin giới thiệu toàn văn bản dịch:

Bia trùng tu cầu Ngọc Khuê

Quốc triều trung hưng

Hoàng thượng ngự kinh thành

Đô nguyên súy Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương làm việc nước, trong thiên hạ nơi nào có cầu kè đều được sửa sang. Điều thiện việc đức đúng vậy.

Nay có ngài quận Đăng, họ Nguyễn, Kiệt tiết tuyên lực dương võ uy dũng công thần, đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Trung quân đô đốc phủ, Đô đốc thiêm sự, người huyện Đông Sơn, xã Ngọc Phúc Quỳnh Thọ là dòng dõi danh gia thế phiệt.

Làng ngài có cầu Ngọc Khuê là một cổ tích, dưới cầu là con sông nhỏ phát nguyện từ Thụy Nguyên, chảy đến giáp giới huyện rồi cuồn cuộn ra biển, chính là một nơi qua lại lớn trong xứ.

Xưa các vị quân tử đã từng làm cầu này. Ông nội ngài là quan Tham nghị, thân phụ ngài là quan Thượng thư lại sửa sang thêm, nhưng lâu ngày cũ nát, chỉ còn lại chiếc cột giữa dòng.

Nay đến ngài sẵn lòng lành Bồ tát mở đường thuận tiện giúp đời, mới tự xuất của nhà, mua gỗ từ rừng cao về, mời thợ giỏi trong nước đến. Mùa hạ tháng năm năm Nhâm Dần khởi công, đến mùa đông tháng mười thì xong. Cầu dựng mười ba nhịp, cong uốn như cầu vồng, đôi bên có lan can, trên dưới đều bằng gỗ lim, mái lợp ngói lá sen vàng, chót vót hàng cột ngất trời xanh, chơi vơi dãy thềm đón trăng bạc. Là cũng nhân có đại công phu mà vững thêm đại chế độ. Tiếp đó lại làm cầu Phúc Lai năm nhịp, cầu Hữu Nhung ba nhịp và cầu My Ngọc ba nhịp. Mọi cầu dựng xong bốn phương tấp nập. Đứng trên cầu rung rinh, bay giữa trời cao tít, tay đỡ vừng hồng. Đi trên cầu chững chạc, bước trên đất phằng lì, chân lùa mây biếc.

Công trình hoàn thành, ngài sai người đến xin tôi bài văn để khắc bia truyền lại lâu dài. Tôi xưa nay vốn được biết gia đình ngài quận học vấn rộng, khoa bảng cao, quan tước lớn. Chú ruột là quan Binh Khoa đô cấp sự trung, cháu ngài là quan Hàn Lâm viện hiệu lý, đều là những bậc văn chương nổi tiếng một thời, sao lại cứ đòi cho được lời văn quê kệch của tôi? Ấy là vì ngày thường ngài quận rất thích lời văn của tôi, cho nên tôi không nề hà vì vụng về mà từ chối.

Tôi trộm nghĩ rằng: dựng tám chiếc cầu thật là công đức lớn lao, phúc đức về sau thật là cao dày. Ngài quận, lại khuếch trương thêm, không cần roi quất đá biển tần Doanh, chẳng phải sai chim thước sộng Ngân Hán, mà cuồn cuộn nước chảy giữa dòng góp sức với trời cho vẹn, cùng xoay với đất cho tròn. Nếu không phải là bậc giúp đời, đại đoan, đại lực lượng thì sao mà được đến như vậy!

Tuy nhiên người xưa dựng cầu thường chỉ có một, chưa từng thấy nhiều cầu gác nhịp ngất ngưởng trên dòng nước bạc, bề thế, to lớn như thế này bao giờ. Thế thì cầu của ngài quận không những vượt hẳn qui mô xưa, mà lại còn nối được chí của cụ thân sinh, lưu truyền phúc lành lại cho con con cháu cháu. Công đức lớn ấy, phúc đức lớn ấy mười phần toàn vẹn, đáng sánh với cát sông Hằng, khắc ghi vào đá truyền vĩnh cửu, thật là xứng đáng lắm vậy!

Khách có người yêu thích lời thơ đẹp vì sự tích Tư Mã Tương Như đề chữ ở cột cầu Thăng tiên nên có thơ rằng:

Thái công sự nghiệp khác đời bao,
Xây dựng Ngọc Khuê với tám cầu.
Ngọn nước hợp dòng xuôi biển cả,
Nhịp cầu gợn sóng vỗ trời sao!
Hơn Đường tướng chúc ba thù dẹp,
Vượt Hán vườn nho vạn hội chầu.
Từ đó ông Đăng lên cõi thọ,
Nối đời con cháu vượt Tiên cao.
Hoằng Định vạn vạn niên.

Tứ Canh Thìn khoa tiến sĩ xuất thân, Hộ bộ thượng thư, Quốc tử giám tế tửu, Mai Lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan Nghi Phủ soạn(1).

CHÚ THÍCH

(1) Cụ Lê Văn Uông có xem giúp bản dịch trên khi gửi đăng Tạp chí Hán Nôm. Nhân đây, chúng tôi xin có lời cảm ơn.

TB

MỘT BỘ SÁCH MỚI ĐÁNG TRÂN TRỌNG

VŨ NGỌC KHÁNH

Đó là cuốn Văn Khắc Hán Nôm Việt Nam (tuyển chọn, lược thuật) do một nhóm soạn giả ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm biên soạn. Sách được sự tài trợ của tổ chức Toyota (Nhật Bản), và do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành (1992). Chủ biên bộ sách là Giáo sư Nguyễn Quang Hồng. Sách này đến 1146 trang, in đẹp, có nhiều ảnh màu được chọn lọc cẩn thận. Những văn bản trên các bia đá, biển gỗ, chuông đồng, được tóm tắt giới thiệu như những mục từ, lên đến con số 1919 đơn vị. Nhóm biên soạn chia các tụ điểm và di tích thành 6 cụm: đình, chùa, đền, miếu, từ đường lăng mộ, văn chỉ vũ chỉ và các tụ điểm đa dạng khác: cầu, đò, chợ, điếm, núi, hang, v.v… Văn bản giới thiệu đều nằm trong các cụm ấy, lại được lần lượt trình bày theo địa lý, từ tỉnh này sang tỉnh khác, khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Diện mạo và khối lượng trình bày như thế là công phu, hợp lý, tỏ ra một khả năng bao quát được vấn đề, có thể giúp cho ta một cái nhìn tổng thể đại quan về kho tàng văn khắc Việt Nam. Nhóm soạn giả cho biết Viện Hán Nôm còn có hai công trình khác cùng đề tài này: Danh mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Thư mục bia Việt Nam (Lưu ở Viện, chưa có điều kiện xuất bản). Như vậy là ở phạm vi đề tài này. Viện Hán Nôm đã chứng tỏ có nhiều cố gắng để phục vụ việc nghiên cứu. Được sự tài trợ của nước bạn, lần này Viện công bố Văn khắc (xin gọi thế cho gọn) là một đóng góp của Viện và của nhóm soạn giả đối với học thuật nước ta.

Nói như thế, vì phải thừa nhận rằng về loại hình văn khắc này, ở nước ta chưa được lưu tâm đến bao nhiêu. So với thế giới, văn khắc của ta không nhiều lắm, nhưng vẫn có giá trị nhất định, chỉ có điều là xem nó như một bộ môn thì hình như đến nay cũng còn dè dặt. Số lượng bản rập ở các kho lưu trữ có nhiều, mà việc nghiên cứu thì còn ít (thiếu điều kiện kinh tế đã đành mà điều kiện chuyên môn cũng hạn chế). Sách xuất bản có lẽ chỉ mới có Tuyển tập văn bia Hà Nội: ra đời cách đây vài chục năm. Trên các sách báo, tạp chí, lẻ tẻ mới công bố vài tấm văn bia được chụp. Do đó, cuốn Văn khắc ra đời, có bề thế như chúng ta đang cầm trong tay, là rất đáng trân trọng ở cả công phu lao động và ở cả giá trị nghiên cứu.

Có bộ Văn khắc này trong tay, tôi nghĩ những người nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi về rất nhiều mặt. Trước hết là ở giá trị chính xác của tư liệu so với nhiều văn bản khác, kể cả văn bản đã được in. Không phải tất cả những gì có trên văn khắc đều là đáng tin cậy cả, nhưng văn khắc có một thuận lợi là không có tình trạng tam sao thất bản, lại được hoàn toàn xác định về mặt niên đại. Từ những căn cứ chắc chắn ấy, ta có thể tiến hành những công phu đối chiếu khác về văn bản học, sử học, v.v… Điều đó là rõ ràng, ai cũng thấy được. Những văn khắc được giới thiệu trong cuốn sách này, chắc có thể giúp người nghiên cứu lập thêm hồ sơ cho việc đối chiếu khoa học của mình. Xin đưa một thí dụ về sư Huyền Quang. Ai cũng biết tiểu sử của vị tổ Trúc Lâm thứ ba này, còn có nhiều nghi vấn. Không rõ văn bia Lý Trạng nguyên (số 1166) căn cứ vào đâu, đã cho ta một bản tiểu sử khá đầy đủ: có thế thứ gia tộc của Huyền Quang từ đời Lý Anh Tông, cho đến khi nhà sư mất năm 1334. Bia mãi đến năm 1865 mới dựng, và được một ông phó bảng soạn, tất nhiên cũng chưa đủ khả năng thuyết phục, song rõ ràng khi nghiên cứu, phải lấy đây làm một căn cứ hơn những lời ca dao truyền văn, hay những gợi ý trong các sách khác, kể cả Tam tổ thực lục hay Thiền uyển tập anh. Tập Văn khắc còn có thể cung cấp nhiều thí dụ tương tự như khu tìm đến các bia về Đồng Xiên Cương (số 600) về Lê Thánh Tông (số 522), về Ngô gia văn phái (số 1315). Một số bia thì chắc chắn là ít phải nghi vấn hơn, vì bản thân người trong cuộc đã viết lấy. Thí dụ bia Tiên tổ di huấn (số 1421) do Nguyễn Xí soạn, bia Hồng Lưu phái diễn (số 1426) do Nguyễn Nghiễm soạn.

Tôi tin rằng có tập văn bia trong tay, ta có thể hiểu thêm quan niệm tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam. Chẳng hạn, điều rất thú vị là đại đa số những nhà nho khoa bảng, và là những người danh tiếng đều soạn bia cho các nhà chùa, và tất nhiên không phải là lời bài bác Phật giáo như Trương Hán Siêu, Lê Quát. Tập Văn khắc này có lời bia của Nguyễn Duy Thì (số 518), Giang Văn Minh (số 914), Dương Trí Trạch (số 537), Phạm Khiêm Ích (số 695), Lê Anh Tuấn (số 694), Phạm Quý Thích (số 542), v.v… Viết lịch sử Phật giáo Việt Nam có lẽ phải quan tâm đến những tài liệu ấy. Và ở các dạng tín ngưỡng khác, ta thấy nhà nho Hà Tông Quyền đề bia ở đền thờ Quan Vũ (số 1265), nhà nho Đặng Huy Trứ đề bia đền thờ Độc cước tiên ông (số 1255), Nguyễn Bỉnh Khiêm đề bia cho chùa Cao Dương ở Thái Bình (số 891) là chùa có tượng thờ Thích Ca, Lão Đạm, Khổng Tử và có cả bà Diệu thiện. Chùa Quang Khải ở Hải Phòng có tượng Phật và cả tượng Ngọc hoàng thượng đế (số 820). Rõ ràng là có khá nhiều điều mách bảo trong các tín hiệu này.

Những năm gần đây, ở nhiều nơi trong nước ta đang có phong trào xây dựng quy ước các làng khá sôi nổi. Nhiều bạn trong giới nghiên cứu cũng chú trọng phát hiện và giới thiệu những bản hương ước. Được tham gia vào cuộc hội thảo, tôi có nói đến chuyện hương ước không phải chỉ là loại điều lệ bất thành văn hay những quy định ghi trên giấy, mà người ta còn khắc vào đá, vào tường. Thật là phấn khởi được có bản Văn khắc dày dặn này để chứng minh cho ý kiến đó. Sách này giới thiệu được rất nhiều hương ước khắc vào bia để ở các đình. Có thể kể ra đây bia Hương Trại điều lệ (số 29) ở Vĩnh Phú, dựng năm 1767. Tấm bia ghi 7 điều lệ là: Khuyến học hậu lão, tuất tang, tu phúc, thị dịch, cống khẩu và huệ cấp. Thật là một tài liệu quý để nghiên cứu văn hóa xã hội Việt Nam xưa. Và đó không phải là tấm bia độc nhất. Trái lại, có rất nhiều hương ước quy định việc học hành, việc lập hội tư văn, việc trân trọng người cao tuổi, việc giành chế độ ưu đãi cho người đi lính, v.v… Có hương ước rồi, còn có cả đoan ước nữa. Hương ước là giàng riêng cho một làng, đoan ước là những quy định về sự giao thiệp ứng xử giữa làng nọ với làng kia. Thí dụ bia Nhị xã đồng nhất ước của hai xã Hạ Đỗ và Ngạc Đông ở Hải Phòng (số 271). Có lẽ bạn đọc và cả các nhà nghiên cứu có thể ngạc nhiên là có những tấm bia khắc về những vụ kỷ luật nữ! Ví dụ như tấm bia khắc về những vụ kỷ luật nữ! Ví dụ như tấm bia ở xã Chúc Thôn (Chí Linh, Hải Hưng) ghi rõ về một ông quan đã thu thuế nhầm và ức hiếp dân (số 678). Vụ kiện xử xong, viên quan bị phạt. Biên bản trình việc kiện tụng này (xưa gọi là tờ khải) được khắc vào bia.

Nhiều người vẫn có định kiến rằng văn bia ở các di tích chỉ toàn nói chuyện phụng thờ, công đức hoặc ca tụng người có thành tích nọ kia. Thật ra văn bia là đa dạng. Các ngành nghề đều có thể khắc bia, bên cạnh việc thời cúng tổ sư, cũng có những tín hiệu cho biết các sinh hoạt kinh tế và chuyên môn khác. Tập Văn khắc đã giới thiệu nghề gò đồng (số 123), nghề xướng ca (số 107), nghề thợ sơn (số 128), nghề đóng thuyền (số 320), nghề buôn thuyền (số 323), v.v… Có lẽ những nghề này hãy còn nhiều, và phải có một công phu sưu tầm điền dã rộng hơn nữa mới thu thập hết được(1).

Cũng xin lưu ý thêm bạn đọc là Văn bia Việt Nam không phải chỉ viết riêng về những người Việt Nam. Có cả bia người Nhật (số 1446), người Trung Quốc (số 1447), người Tây Ban Nha (số 1449), người Pháp (số 1462). Văn bia không phải chỉ chép những bài dài hay ngắn, mà còn có thể khắc trọn vẹn cả một cuốn sách nữa. Đó là bia Vũ vu thiển thuyết (số 1392) khắc toàn bộ cuốn sách của Minh Ngạn, dài 3000 chữ (thế kỷ XVIII). Quả thực bia văn là vô cùng phong phú.

Tất nhiên cuốn sách này chỉ là một cuốn “tuyển chọn” và “lược thuật”, không thể đòi hỏi cầu toàn. Nhưng trừ trường hợp vào lục tìm ở kho sách của Viện là không phải lúc nào mà ai ở đâu cũng sẵn sàng điều kiện, còn việc in toàn bộ hàng vạn bản văn khắc như vậy thì không thể hoặc chưa thể thực hiện được. Cho nên, khi đọc một tập sách dày dặn, mà không gặp một số bài quan trọng (để ít nhiều quen thuộc), thì người ta vẫn có cảm tưởng là thiếu sót. Chẳng hạn, những bi ký sau đây không thấy được đưa vào:

- Bia về Lê Ngọc gọi là bia Trường Xuân ở Đông Sơn (Thanh Hóa). Tôi không rõ bia này có bản rập ở Viện không nhưng đã được Đào Duy Anh nhắc đến trong một bài viết công phu, đăng tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, như vậy là bia còn đọc được.

- Bài văn bia Đại Việt quốc đương gia độ tứ đế Sùng thiện diện linh tháp bi của Nguyễn Công Bật, từ đời nhà Lý. Sách Văn khắc có nhắc đến bia Sùng Thiện, nhưng là của sư Huệ Văn đời Trần (số 767). Có nhắc đến Nguyễn Công Bật, nhưng là Tiến sĩ đời Lê, bạn đồng khoa với Hồ Sĩ Dương (số 1562).

- Bia Hương Nghiêm, núi Cân Ni, quê hương Lê Văn Hưu, nói rõ về dòng họ nhà sử học này. Sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn có nhắc đến.

- Bia chùa Viên Quang ở Giao Thủy (Nam Định) do sư Giác Hải soạn, đời nhà Lý. Sách Văn Khắc có nhắc đến chùa Viên Quang, nhưng là ở Hải Hưng, đời Mạc (số 753), và một chùa Viên Quang nữa, cũng ở Hải Dương, còn có tên khác là chùa Quang Minh (số 706, 707).

- Bia quán Thông Thánh Bạch Hạc, (khắc trên chuông). Bản này do Hứa Tông Đạo viết (đầu thế kỷ 14). Từ năm 1966, Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm đã công bố.

- Bia chùa Hưng Phúc năm 1324. Tấm bia này rất quan trọng vì thuật lại cuộc chặn giặc Toa Đô ở bến Cổ Bút (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Phan Đại Doãn đã dịch và in trong tập Thơ văn Lý Trần, v.v…

Xem cách trình bày nhất quán ở các mục từ, có thể đoán ra vì sao có sự vắng mặt của những văn khắc kể trên (còn có thể kể thêm nữa). Có lẽ nhóm biên soạn chỉ thuật và tả (nhất là tả) những văn khắc nào được “kiến kỹ hình”, chứ không muốn “văn kỳ thanh”, nghĩa là không chủ trương đưa những gì theo thông tin gián tiếp. Đó cũng là một thái độ khoa học đáng hoanh nghênh. Mặt khác ai có ở trong nghề mới thông cảm được với những nỗi khó khăn. Có những tài liệu cách đây không lâu đã được phát hiện, nhưng hôm nay đi kiểm tra lại, thì hoặc đã bị di chuyển đi, khó lần ra dấu vết, hoặc có thể vì một lý do nào khác mà không tiếp cận được. Vả chăng, ta đã biết mục tiêu cuốn Văn khắc không phải là ghi cho hết, cho đủ. Song dù sao thì những người nghiên cứu, xem một cuốn sách dày dặn thế này mà không gặp những tư liệu quan trọng thì cũng dễ ngạc nhiên. Giá như nhóm biên soạn phụ thêm vài dòng chú thích thì sẽ đỡ nhiều thắc mắc. Nhất là khi bộ sách lại có một ưu điểm khác, là công bố được nhiều bài văn bia có giá trị tư liệu, giá trị lịch sử lâu nay ít người biết đến. Chẳng hạn như tấm bia mộ của Phan Sĩ Thục (số 1423) do Yên Đổ Nguyễn Khuyến viết. Lời bia cho thấy tấm gương thanh bạch của một ông Tiến sĩ, làm quan đến Tham tri mà “khi mất không đủ đồ khâm liệm, không có nhà linh cữu” v.v… Phải có công phu đi vào thực tế mới ghi chép được lại hiện tượng này, có lẽ không ít trong xã hội ta xưa(2). Và như vậy, giá như cuốn Văn khắc có thể thông tin thêm một số bia như bia về Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, có cái tên mà H.Le Breton rất trân trọng: Tam Bình Nham. Bia do Cao Xuân Dục viết, đã được công bố trong sách An Tĩnh cổ lục. Hoặc tấm bia khác như bia họ Phan, do đình nguyên thám hoa Phan Kính (Lai Thạch, Hà Tĩnh soạn (1756). Bia này có cái đặc biệt là do một học sinh Quốc Tử Giám ở Phúc Kiến (Trung Quốc) viết chữ. Cũng có sự chờ đợi như vậy, khi ta đọc đến một loạt bia ở Dương Xuân (Thừa Thiên - từ số 1433). Thấy rất đầy đủ bia về hai bà vợ của Minh Mệnh, một bà vợ của Nguyễn Phúc Khoát, nhưng lại không có tấm bia về công chúa Mai Am. Tuy Lý Vương Miến Trinh soạn văn bia này, lúc Mai Am đang còn sống. Tiện đây, cũng nên nhắc qua, có lẽ mục số 1434 nói về hành trang bà tiệp dư họ Lê, cho rằng Miên Thẩm là con của bà (dòng 10 từ dưới lên) là sai. Miên Thẩm là con bà Thục Tân Nguyễn Thị Bửu (mục số 1435 ghi đúng). Không rõ do in lầm hay sai từ bản gốc, hay do người dịch không hiểu mối quan hệ giữa các hoàng tử với những bà trong cung.

Cùng với sự khát khao thông tin của những người nghiên cứu, tôi có cảm tưởng rằng những lời thuật ở mỗi mục từ có lẽ sơ sài quá, và quả là… lược thuật. Có nhiều bài bi kí nên được đi kỹ lưỡng hơn (so sánh với những mục từ khác, chứ không đòi hỏi đi quá sâu không hợp với yêu cầu cuốn sách). Chẳng hạn như văn bản khắc trên chuông Thanh Mai (số 433). Hồi Tạp chí Hán Nôm giới thiệu chuông này, một quả chuông cổ nhất, từ thế kỷ thứ tám (798) với rất nhiều chi tiết giúp ích cho việc khảo cứu, dư luận đã rất quan tâm, vì có được nhiều gợi ý, nhiều tín hiệu giá trị. Nhưng sách chỉ giới thiệu trong phạm vi 14 dòng, trong khi nhiều hiện vật khác hoặc đã quan thuộc, hoặc không có tầm quan trọng bằng lại được giới thiệu nhiều hơn. Trường hợp bia Dương võ (số 1129) cũng vậy. Có lẽ đây là tấm bia dồi dào tư liệu nhất về phép dạy voi dưới đời Lê: văn bia cung cấp một danh sách những vị tướng có tài luyện voi đông đến 127 người, trong đó có đến 70 người quê quán ở Thanh Hóa. Ngoài ra những chi tiết về các tướng, về hệ thống chức tước, đội ngũ của tượng binh cũng được ghi lại cẩn thận. Sách Văn khắc, chỉ nêu có một chi tiết là Vũ Bật thân đứng ra xây dựng miếu thì thật là quá ít.

Nhìn chung thì lược thuật như vậy - trừ nhược điểm là sơ sài - cũng đúng yêu cầu. Tuy nhiên về mặt khoa học vẫn có thể góp ý thêm. Trong từng mục từ, văn của người thuật và văn dịch theo nguyên văn thường không phân biệt. Rất ít đoạn được đặt trong ngoặc kép. Điều đó cũng giảm phần nào sự tin cậy của những người ưa cẩn thận.

Ở cuối một số trang trong bộ sách, nhóm soạn giả có đưa thêm vài dòng chú thích giúp cho người đọc có khái niệm rõ rệt hơn về một số hiện vật. Những dòng chữ nhỏ bé và sơ lược ấy lại có giá trị đặc biệt, chỉ tiếc rằng nhiều trường hợp khác lại không được quan tâm. Một vài ví dụ:

- Ở số 211, tiểu mục ghi là: Hoàng thượng vạn vạn niên. Có lẽ đây là mấy chữ đầu của bản văn bia, còn bia không có tên. Cứ theo lời giới thiệu sơ sài thì đây là bia xã Hạ Tông bàn vợ chồng bà Phùng Thị Xứ làm hậu thần. Nhưng đặt đầu đề thế thì không được. Hơn nữa, ở trên nói là xã Hạ Tông. Thật khó hiểu.

- Ở số 667, thuật về bia chùa Chiêu Phúc (Hải Dương), cốt kể công đức ông Đào Ngọc Lâm có hảo tâm đóng góp. Nhưng lại thấy tôn vinh ông là An Nam thánh tổ Đại Việt quốc sư. Một vị quốc sư như vậy, mà thành tích chỉ là đóng góp vài mẫu ruộng thì hơi lạ.

- Ở với 1463, về bia quan Thái Bảo, có cái trái khoáy là bia chữ Hán, lại bị một vài dòng chữ Pháp chồng lên. Có lẽ nên chú thêm vốn đó là bia Phạm Đăng Hưng, ở chùa Khải Tường. Quân Pháp đã khắc chồng lên để kỉ niệm viên đại úy Barbe (Không phải Barbe) tử trận.

- Một số bia khác, tôi nghĩ là những ai quen công tác nghiên cứu khi đọc đến sẽ có băn khoăn. Như bia Nhật Chiêu (số 1134) ghi rõ Lê Văn Hưu soạn cuốn Việt điện u linh; hay bia Trù Thủ (số 903) cho rằng Nguyễn Minh Không là học trò Từ Đạo Hạnh, và chính Từ đã đặt tên cho Nguyễn v.v… đó là những vấn đề nghi án trong nghiên cứu văn học. Dù không phải nhiệm vụ của mình, dù nhóm biên soạn có khiêm tốn để tự hạn chế, thì cũng không nên chỉ bằng lòng với sự miêu tả hay tường thuật mà phải liên hệ thêm. Liên hệ ở đây là để nhắc cho độc giả phải theo dõi vấn đề, chứ hoàn toàn tập trung hay tin hẳn vào bản văn khắc ở những trường hợp ấy là không ổn.

Một vài ý kiến trên đây chưa nói hết tầm quan trọng của những thông tin trong tập Văn khắc này. Tôi tin nó có thể gợi ý cho rất nhiều đề tài nghiên cứu văn học, sử học, dân tộc học, v.v… Cũng chưa nói hết những cố gắng của nhóm biên soạn (nhất là theo giác độ chuyên ngành). Nhưng đã có thể phát biểu được một câu đánh giá tổng quát. Câu ấy tôi đã dùng để đặt đầu đề cho bài viết này.

CHÚ THÍCH

(1) Thí dụ, chúng tôi đã nhắc đến bản văn bia của một làng có nghề mổ thịt lợn. Xem sách Lược truyện thần tố các ngành nghề của Vũ Ngọc Khánh, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.147.

(2) Từ năm 1989, tôi đã tranh thủ giới thiệu Phan Sĩ Thục trong cuốn Giai thoại xứ Lang, nên rất mừng khi đọc đến mục từ 1423. Cùng lúc này, gia đình họ Phan cũng cung cấp cho tôi nguyên văn bài bia ấy.

TB

NHÂN ĐỌC "BẢNG TRA CHỮ NÔM MIỀN NAM"
VỪA XUẤT BẢN

VŨ THANH HẰNG

Đối với một thứ chữ chưa được “chuẩn hóa” như chữ Nôm, việc giải mã sao cho thật chính xác là điều khá khó khăn cho người nghiên cứu các văn bản viết bằng chữ Nôm. Là một người có nhiều nỗ lức nhằm giải quyết khó khăn đó, Vũ Văn Kính hầu như để hết tâm lực vào việc xây dựng những cuốn sách có tính chất tra cứu về chữ Nôm: Tự vị Nôm (1970), Tự điển chữ Nôm (1971), Bảng tra chữ Nôm thế kỷ 17 (1992), Chữ Nôm sau thế kỷ 17, và gần đây nhất cuốn Bảng tra chữ Nôm miền Nam do hội Ngôn ngữ học, Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994.

Đúng như tên gọi, cuốn sách nhỏ khổ 14,5x 20,5cm, dày 132 trang, trình bày trang nhã với tấm bìa màu vàng nhạt làm nổi bật mấy hàng chữ đỏ, chữ đên, riêng chỉ giới thiệu về chữ Nôm miền Nam.

Để người đọc hiểu rõ thế nào là chữ Nôm miền Nam, ngay ở đầu sách, trong mục “Vài nét về chữ Nôm miền Nam”, soạn giả Vũ Văn Kính đã nêu những điểm khác biệt giữa ngôn ngữ miền Nam và ngôn ngữ Việt nói chung. Những điểm khác biệt đó thể hiện rất rõ nét trong cách đọc và lối viết chữ Nôm của người miền Nam. Soạn giả đã xây dựng hai bảng lược đồ: lược đồ về lối đọc và lược đồ về lối viết chữ Nôm miền Nam dị biệt với chữ Nôm chung. Qua đó người xem rất dễ nhận dạng được chữ Nôm miền Nam, và cũng dễ dàng so sánh chữ Nôm miền Nam với chữ Nôm chung để thấy rõ những đặc thù của nó.

Không chỉ có thế, nhằm giúp người đọc có chỗ dựa để có thể phiên âm được mọi chữ Nôm miền Nam, kể cả những chữ còn chưa có trong khuôn khổ cuốn sách, Vũ Văn Kính đưa ra những nguyên tắc đọc chữ Nôm miền Nam, so với chữ Nôm chung:

Đặc biệt hơn, soạn giả còn dành một phần cuốn sách để giới thiệu 134 phương ngữ và từ ngữ cổ miền nam mà ông đã lượm lặt từ các tác phẩm Nôm miền Nam. Có thể nói đây là phần rất bổ ích cho những ai cần tiếp xúc với các văn bản Nôm miền Nam.

Phần chính của cuốn sách - phần bảng tra - soạn giả chia làm 2 loại:

1. Bảng từ âm tra chữ: Phần này bao gồm 2230 âm của 4241 chữ, được xếp theo vần A, B, C.

2. Bảng từ chữ tra âm. Phần này bao gồm 3700 chữ của 4423 âm, được xếp theo 4 nét viết trước tiên là chấm ( - ), ngang ( ), sổ ( | ) , phẩy ( 丿) và theo thứ tự từ ít đến nhiều nét của từng loại.

Cách phân chia và sắp xếp như trên của Bảng tra chữ Nôm miền Nam đã khắc phục được những hạn chế của một số sách cũng của soạn giả trước đây, giúp cho người sử dụng dễ dàng tra cứu trong cả hai trường hợp: biết âm muốn biết chữ và biết chữ muốn tìm âm.

Tuy vậy, cuốn sách cũng có một vài điểm nhỏ có lẽ chưa “chỉnh” lắm, xin nêu để soạn giả tham khảo.

Về phạm vi của “chữ Nôm miền Nam”, trên trang bìa sau của cuốn sách ghi rõ: “Những chữ Nôm miền Nam khác hẳn với chữ Nôm chung cả nước về cách viết, cách đọc. “Như vậy, giới hạn của chữ Nôm miền Nam trong cuốn sách được soạn giả quy định là “Khác hẳn chữ Nôm chung cả nước về cách đọc, cách viết”. Thế nhưng trong cả hai phần của Bảng tra, có thể thấy khá nhiều chữ Nôm rất thông dụng trong cả nước. Thí dụ chữ “chà” (烮 ), “chầu” (涱 ) hay “châu chấu” (蛛 蛀 )… Hoặc có khác chăng, chỉ là vì một bộ phận của chữ được viết tắt cho nhanh mà thôi, chẳng hạn chữ “búa” (洔) được viết: 怖 , “bữa” (耉 ) được viết: @, “chân” (觮 ) được viết: 慎 … Có một số chữ viết chưa chuẩn xác, có lẽ do người viết viết vội hoặc sơ ý nên thiếu nét, hoặc sai nét, như chữ “chăn” 绖 viết là @, hoặc “ao” @ viết thành @ … Đối với những trường hợp này, nên chăng bên cạnh chữ viết sai cần có một chữ chuẩn xác để trong hai dấu ngoặc, như thế người đọc sẽ dễ hiểu hơn và có thể dựa vào đó để chỉnh lý văn bản được tốt hơn.

Tuy quy mô còn rất khiêm tốn, Bảng tra chữ Nôm miền Nam vẫn là một đóng góp đáng ghi nhận, chắc chắn sẽ được những người quan tâm đến chữ Nôm, đặc biệt là chữ Nôm miền Nam hoan nghênh. Cuốn sách là một nỗ lực tích cực để tiến tới xây dựng một cuốn Tự điển Nôm hoàn chỉnh trong tương lai, đáp ứng lòng mong mỏi của người làm công tác Hán Nôm.

TB

"RỒNG TRUNG QUỐC"

TRỊNH KHẮC MẠNH
NGUYỄN VĂN NGUYÊN

Con Rồng mặc dù là kiệt tác sáng tạo nghệ thuật có lịch sử từ lâu đời, nhưng cho đến nay có thể khẳng định rằng chưa hề có ai nhìn thấy con Rồng thật. Như vậy Rồng chỉ là sản phẩm nghệ thuật đặc biệt mà thôi. Nói như vậy, bởi vì Rồng không tồn tại trong giới tự nhiên mà là sự sáng tạo nghệ thuật siêu tự nhiên. Cùng với sự phát triển của lịch sử, đã từ lâu các nước ở phương Đông hình thành nên quan niệm phổ biến về con Rồng, tổng hợp trong nó những trí tuệ, tín ngưỡng, lý tưởng, nguyện vọng, sức mạnh và hình tượng Rồng đã trở thành biểu tượng cho mỗi dân tộc.

Trải qua bao đời, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật, thợ thủ công ở mỗi nước phương Đông đã dần dần tạo cho con Rồng thành biểu tượng cao quý và sức sống vĩnh hằng có ảnh hưởng to lớn, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống xã hội ở mỗi nước. Mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo đều có mối quan hệ mật thiết với Rồng.

Việt Nam đất nước của con Rồng cháu Tiên bắt nguồn từ câu chuyện huyền thoại về Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở thành trăm người con. Hà Nội Thủ đô của cả nước là đất Thăng Long - Rồng bay. Vùng Đông Bắc đất nước có Hạ Long một trong những cảnh quan đẹp nhất. Đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu - nơi hội tụ của chín con Rồng uốn khúc. Có thể nói rằng, Rồng ở Việt Nam cũng như ở các nước khác phương Đông đã vượt ra khỏi phạm vi nghệ thuật hội họa. Đề tài về Rồng còn tồn tại đến ngày nay được biểu hiện ở các sản phẩm mĩ thuật, điêu khắc, kiến trúc cổ, khắc đá, tranh vẽ nghệ thuật, v.v… với số lượng to lớn, nghệ thuật tinh xảo, phong cách dân tộc độc đáo, ý nghĩa rộng rãi. Đó là một bộ phận di sản văn hóa dân tộc vô cùng phong phú và quý giá đáng được trân trọng, phát huy, gìn giữ. Rất đáng tiếc, hiện nay ở Việt Nam còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu lý luận và những sưu tập về Rồng hoàn chỉnh. Để giúp cho việc tìm hiểu Rồng Trung Quốc và việc nghiên cứu Rồng Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu cuốn Trung Quốc đích Lon g để bạn đọc tham khảo.

Năm 1988, Sở phát hành Tân Hoa thư điếm Bắc Kinh đã phát hành cuốn Trung Quốc đích Long do Nhà xuất bản Công nghiệp nhẹ (Trung Quốc) xuất bản. Đây là một công trình đồ sộ và công phu do Từ Hoa Đương biên soạn và Lý Tông Lương chịu trách nhiệm biên tập.

Sách có nội dung phong phú, hình ảnh đẹp. Với lối viết dễ hiểu, tác giả đã trình bày một cách toàn diện và có hệ thống về quá trình lịch sử từ lúc bắt đầu xuất hiện cho đến các mặt về phong cách nghệ thuật của con Rồng, qua các đời, phương pháp vẽ Rồng hoa văn Rồng trên các đồ trang trí và kiến trúc cổ v.v… căn cứ vào các hiện vật đã khai quật được ở Trung Quốc, tác giả phân tích tính dân tộc, tính sáng tạo nghệ thuật trong hình tượng Rồng với ý thức trân trọng di sản văn hóa. Trung Quốc đích Long là tác phẩm vừa có ý nghĩa nghiên cứu lý luận vừa có giá trị tư liệu về Rồng Trung Quốc.

Trung Quốc đích Long dày 220 trang, khổ giấy 26x14cm. Sách gồm các nội dung sau:

Mở đầu tập sách là bài tựa do Đặng Bạch viết. Tác giả bài tựa đã ngược tìm trong văn hiến cổ những điều ghi chép vẽ Rồng, các loại hình Rồng và phương pháp vẽ Rồng trong các sách Chu Dịch, Lễ Ký, Hán thư, Tạp thuyết của Hàn Dũ, Họa Long tập yếu của Đổng Vũ, Đồ học kiến văn chí của Quách Nhược Hư và các thư tịch khác, nhằm cung cấp cho bạn đọc tri thức về Rồng của Trung Quốc trong lịch sử. Tác giả bài tựa còn đưa ra những nhận xét của mình về giá trị khoa học của Trung Quốc đích Lon g trong lịch sử nghiên cứu về Rồng ở Trung Quốc hiện nay.

Nội dung chính của sách được chia làm 9 chương với 265 hình Rồng minh họa kèm theo.

Chương 1: Đồ đằng(1), chiếc nôi của Rồng phương Đông.

Chương 2: Con Rồng đầu tiên của thiên hạ.

Chương 3: Quá trình diễn biến qua triều đại và đặc điểm nghệ thuật của Rồng.

Chia làm 6 phần:

- Hoa văn Rồng thời kỳ Thương Chu.

- Hoa văn Rồng thời kỳ Xuân thu Chiến quốc.

- Hoa văn Rồng thời kỳ Tần Hán.

- Hoa văn Rồng thời kỳ Lục triều, Tùy Đường.

- Hoa văn Rồng thời kỳ Tống Nguyên.

- Hoa văn Rồng thời kỳ Minh Thanh.

Chương 4: Chủng loại, tên gọi và hình thức của Rồng.

- Chín con do Rồng sinh ra.

Chương 5: Phép vẽ Rồng.

Chương 6: Rồng tượng trưng cho quyền lực và đức độ của vua chúa.

Chương 7: Rồng trong dân gian.

- Mùa Rồng.

- Đua thuyền Rồng.

Chương 8: Hoa văn Rồng trên đồ gốm sứ.

Chương 9: - Hoa văn Rồng khắc trên các khí cụ bằng đồng.

- Hoa văn Rồng khắc trên các quai treo và gương đồng.

Chương 10: Hoa văn Rồng trên ngói, gạch đời Hán và trên đá.

Chương 11: Hoa văn Rồng thêu trên đồ gấm vóc.

- Long bào - sự tinh hoa trong công nghệ dệt gấm Trung Quốc.

Chương 12: Rồng trong các phong tục của nhân dân Trung Quốc.

Chương 13: Rồng trong trang trí kiến trúc cổ Trung Quốc.

- Nghệ thuật trang trí trong tranh vẽ màu cổ.

- Phù điêu chín Rồng của Trung Quốc.

Chương 14: Hoa văn Rồng trên các đồ mỹ nghệ xưa và nay.

- Thuyền Rồng, sản phẩm nghệ thuật quý giá.

Chương 15: Phong cách trang trí Rồng.

Cuối sách là một phụ lục gồm khoảng 200 hình Rồng trang trí trên các vật loại dụng ở Trung Quốc (có khác với 265 hình Rồng học trong phần chính văn).

CHÚ THÍCH

(1) Là một con vật kết hợp giữa sùng bái tự nhiên và sùng bái tổ tiên trong dân gian thời kỳ nguyên thủy. Từ này là thổ ngữ của người Indian có nghĩa là một loại phù hiệu được 1 hoặc nhiều bộ lạc cùng sùng bái. Phù hiệu này thường được ghi trên các biển gỗ, cờ, xí, hoặc cột đá.

TB

CHỮ CỦA CHA ÔNG TA ĐI VÀO
BỘ NHỚ QUỐC TẾ

PHÁC CAN

Trong kỳ họp thứ hai của mình tại Hà Nội từ ngày 28-2-1994 đến ngày 3-3-1994, “Nhóm báo cáo viên văn tự biểu ý” (Ideogrphic Rappoteur Group, viết tắt IRG) thuộc Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã nhất trí chấp nhận đề nghị của Việt Nam đưa chữ Nôm nói chung và Bộ mã chuẩn 16 bit chữ Nôm dùng trong trao đổi thông tin “mang mã TCVN 5773 - 1993 tham gia vào kho chữ (repertoire) mã hóa thông dụng quốc tế.

Bộ mã chuẩn này do Tiểu ban mã chuẩn chữ Nôm gồm một số nhà nghiên cứu Viện Hán Nôm: Gs Phan Văn Các, GSTS Nguyễn Quang Hồng. NCV. Ngô Thế Long, Nguyễn Tá Nhí và một số chuyên gia tin học: GS. Nguyễn Lãm, PTS. Nguyễn Văn Muôn, PTS. Ngô Trung Việt thuộc Ban kỹ thuật Công nghệ thông tin, có sự công tác của một số nhà tin học người Việt Nam ở nước ngoài như Ngô Thanh Nhàn, Nguyễn Hoàng, Đỗ Bá Phước biên soạn. Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đề nghị và được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành, theo Quyết định số 1847/QD ngày 31-12-1993, phần I bao gồm 2397 chữ thuần Nôm thường dùng, trong đó có 581 trường hợp trùng với hình chữ sẵn có của ISO.

Chữ Nôm, sáng tạo lâu đời của cha ông ta từ nay đã có mặt trong bộ nhớ quốc tế, từ hình thức viết tay và khắc ván xưa kia, đã bỏ qua giai đoạn chữ rời đúc chì đi thẳng vào máy tính điện tử.

TB

HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ "BẢO QUẢN TƯ LIỆU HÁN NÔM BẰNG HỆ THỐNG ĐIỀU HOÀ
TRUNG TÂM"

NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

Những tài liệu văn hiến lâu đời đang lưu trữ tại kho Bảo quản Viện Nghiên cứu Hán Nôm gồm sách và các tư liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ của các dân tộc ít người, phần lớn đều viết trên giấy dó và hầu hết chỉ còn một bản. Đây là những tài liệu thuộc loại quý hiếm, việc bảo quản cần được đặt lên vị trí hàng đầu. Trong nhiều năm qua, Viện Hán Nôm đã trang bị hệ thống điều hòa trung tâm tương đối hiện đại đề bảo quản. Nhưng bên cạnh những ý kiến khẳng định, vẫn có người phân vân về hiệu quả của cách bảo quản này. Để việc bảo quản có cơ sở khoa học, vào ngày 4.1.1994, Viện Hán Nôm đã tổ chức hội thảo khoa học về “Bảo Quản tư liệu Hán Nôm bằng hệ thống điều hòa trung tâm”, nhằm giải quyết hai vấn đề sau đây:

- Có nên dùng điều hòa trung tâm để bảo quản các tư liệu Hán Nôm hay không ?

- Những điều kiện cần bảo quản nếu sử dụng hệ thống điều hòa

Tham gia hội thảo, có:

- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I;

- Trung tâm đo lường - Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường:

- Viện Công nghệ giấy Xenluylo;

- Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam;

- Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam;

- Viện Kỹ thuật quân sự Bộ quốc phòng;

- Công ty hóa chất thuốc sát trùng Việt Nam;

Cùng với sự có mặt của Giáo sư Lê Hữu Tầng, Phó giám đốc Trung tâm KHXH và NVQG và một số cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có cán bộ của Phòng Bảo quản và Phòng Vận hành máy.

Hội thảo đã nghe gần 10 báo cáo tham luận, cùng một số ý kiến trao đổi, tranh luận tại chỗ. Phần lớn ý kiến đều cho rằng việc sử dụng hệ thống điều hòa (có thể là điều hòa trung tâm, có thể là điều hòa cục bộ) để bảo quản tư liệu Hán Nôm là cần thiết.

Ông Lê Quang Phấn trong tham luận của mình đã nhấn mạnh: “Tuổi thọ của giấy không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố bên trong của tờ giấy (dạng xơ sợi, điều kiện công nghệ để sản xuất giấy và in ấn tài liệu) mà còn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài là ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, hàm lượng SO2 trong không khí hoạt tính của nấm mộc…”. Tác giả đã kết luận “Giấy nên bảo quản tốt nhất là trong các nhà kho có sử dụng máy điều hòa không khí và nhiệt độ, không có SO2 tự do, với độ ẩm 50 + 1% và nhiệt độ 20o - 23oC”.

PTS Nguyễn Cảnh Dương, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia I cho rằng “với chế độ nhiệt ẩm tối ưu (To = 20 + 1oC và r = 45 + 5%), cần phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ kết hợp với các giải pháp thiết kế kho lưu trữ để có khả năng đảm bảo tính ổn định của chế độ nhiệt ẩm đó”.

Ông Triệu Văn Hiển, chuyên viên Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã nêu kinh nghiệm về việc sử dụng 3 hệ thống điều hòa để bảo quản hiện vật và tư liệu tại Viện Bảo tàng Cách Mạng, đó là hệ thống điều hòa trung tâm; hệ thống điều hòa cục bộ, hệ thống điều hòa vừa trung tâm vừa cục bộ, cùng với các máy hút ẩm, quạt thông gió được bố trí đều cho các kho.

Tham luận của hai đại biểu ở Trung tâm Đo lường - Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã phân tích rất sâu sắc những điều kiện cần bảo đảm khi sử dụng điều hòa trung tâm như: giải nghiên cứu nghiêm túc vấn đề vật liệu bảo quản; phải nghiên cứu việc chống ồn, chống rung khi hệ thống điều hòa để trong nhà; chú ý vấn đề bảo ôn, lắp đặt hệ thống bảo trì nhiệt độ; lưu ý vấn đề vệ sinh trước khi vào kho; cần có hành lang kỹ thuật làm nhiệm vụ trung chuyển. Những yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt khi vận hành máy như: lập bảng biểu theo dõi nhiệt độ ngoài trời và trong nhà liên tục trong cả năm. Ghi chép thường xuyên tình trạng máy chạy; dùng hệ thống dàn sấy ở hai đầu máy để thường xuyên sấy máy. Vấn đề đào tạo nhân viên vận hành có đủ trình độ kỹ thuật, sức khỏe và tinh thần trách nhiệm để sử dụng vận hành máy cũng rất đáng quan tâm.

Ông Trần Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Đo lường nói: “Công cụ bảo quản tốt nhất ở đây là điều hòa trung tâm. Cần an tâm để đầu tư. Phải được đối xử với nó đúng với chức năng của nó. Không thể chỉ đầu tư một lần”.

Chuyên viên hóa chất Đỗ Văn Sửu đã nêu một số loại côn trùng phá hoại sách và một số phương pháp tiêu diệt phòng ngừa.

Kết thúc hội thảo, Giáo sư Lê Hữu Tầng đã thay mặt Trung tâm KHXH và NVQG nói: “Việc sử dụng điều hòa để bảo quản tư liệu Hán Nôm như vậy là tốt, cần thiết và có thể yên tâm với phương thức bảo quản này. Song vấn đề còn cần phải làm là giải trình với trên để có đủ kinh phí cho công tác bảo quản. Cần có kế hoạch bổ sung hoàn chỉnh hệ thống kho tàng và các máy móc cần thiết như máy sấy, máy hút bụi, hút ẩm, chế độ duy trì bảo dưỡng máy, chế độ nhân sự thích hợp cho việc vận hành máy…

Chúng ta sẽ từng bước, từng bước Hoàn chỉnh phương thức Bảo quản bằng hệ thống điều hòa trung tâm một cách đồng bộ và có hiệu quả nhất”.

TB

TRUNG QUỐC NGHIÊN CỨU
LỊCH SỬ VIỆT NAM

NGUYỄN VĂN HỒNG

Giữa năm 1993, chúng tôi có dịp trở lại Trung Quốc tham quan trao đổi khoa học và giảng dạy lịch sử ở 4 trường: Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Kinh, Đại học Sơn Đông và Đại học Trịnh Châu. Chúng tôi được gặp lại các GS, các bạn đồng nghiệp thuộc nhiều thế hệ nghiên cứu lịch sử Việt Nam và lịch sử các nước Đông Nam Á như: GS Chu Nhất Lương (nay đã hơn 80 tuổi), GS Lương Chí Minh, GS. Đốc Khả Lại và hàng trăm giảng viên, nghiên cứu viên khác. Nhưng cuộc gặp gỡ trao đổi với các học giả Trung Quốc đã đem lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc và hết sức bổ ích.

Nhân đây, chúng tôi xin thông báo một số thành tựu nghiên cứu lịch sử Việt Nam của các học giả Trung Quốc, một vấn đề mà giới nghiên cứu Hán Nôm chúng ta đang quan tâm.

Trước hết cần phải nói rõ là Trung Quốc đi sâu nghiên cứu lịch sử Việt Nam với tư cách là một nước lớn có kế hoạch lâu dài, tầm cỡ. Những nhà nghiên cứu sử Việt Nam và châu Á của Trung Quốc đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu các quốc gia khu vực. Họ hiểu rõ ưu thế về nguồn tư liệu cổ của họ mà ngay các nhà sử học phương Tây cũng thừa nhận (A.Hall, John Coast), (Weirtheim). Người Trung Quốc có câu nói “Tư liệu là nguồn sống của người nghiên cứu”. Họ đã làm theo cách nghĩ đó.

1. Xét về công tác nghiên cứu các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Trung Quốc đã có một đội ngũ nghiên cứu có bề dày và chuẩn bị khá đầy đủ tư liệu. Tôi đã đi thăm một số phòng tư liệu, thư viện của các trường Đại học, tủ sách cá nhân của các học giả, thì thấy thật là phong phú. Hầu như nguồn sách ở Việt Nam, Nhật, Pháp, Mỹ về Việt Nam, Đông Nam Á họ đều có. Các giáo sư đều có nhà rông, đủ để có một thư phòng, có tiền mua tư liệu. Phải nói đó là do sự chăm lo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc.

Các học giả Trung Quốc đã khai thác khá toàn diện kho tư liệu cổ của Trung Quốc và của Việt Nam, họ có lợi thế về ngôn ngữ chữ Hán, và họ cũng biết sử dụng nguồn các nhà trí thức Hoa Kiều ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

2. Tập hợp biên soạn và chú giải hiệu đính.

Công việc này Trung Quốc mới trở lại từ năm 1978, khi nhu cầu nghiên cứu khu vực và kinh nghiệm phát triển đạt thành vấn đề thời sự trong chính sách của Trung Quốc. Nhưng ngay từ sau năm 1950 đến giữa những năm 60, họ đã chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có năng lực cả về phương pháp nghiên cứu lẫn ngoại ngữ để nghiên cứu các nước, đặc biệt về Việt Nam. Do vậy những thành công của các nhà nghiên cứu Trung Quốc về Việt Nam là có cơ sở.

Nhằm khai thác cơ bản, toàn diện. Trung Quốc đã biên tập một bộ sách hơn 10 tập và lần lượt xuất bản: “Lịch sử giao thông giữa Trung Quốc và các nước phương Tây” (thực ra là nói Trung Quốc và thế giới). Trong đó, có nhiều sách quý như: Chân Lạp phong thổ ký, Đảo di chí lược, Đông Tây dương khảo, Doanh nhai thắng lãm, Tinh sà thắng lãm, Tây dương phiên quốc chi, Tây dương triều cống điền cục, Hải ngoại ký sự, v.v… Những tập sách này đều được ngắt câu, chú giải, hiệu đính rất công phu; đều do những nhà văn bản học, các giáo sư có kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử văn học, địa lý… góp công sức hoàn thành.

Về sách chữ Hán của Việt Nam như An Nam chí lược, Linh Nam chích quái, Gia Định thông chí, Mạc thị gia phả, các học giả Trung Quốc đã chú giải rất kỹ, in lại rất chuẩn đính chính các lỗi in, và cả kiến thức sai. Họ phải hiện và nói với chúng tôi sách Việt Nam in sai và dịch sai khá nhiều, nhất là sách của Sài Gòn cũ. Công việc làm của các nhà biên tập là: Ngắt câu cho chuẩn, chú giải cho rõ, cho đúng, chữa câu chữ in sai, và bước đầu nghiên cứu, tổng hợp.

Một ví dụ điển hình là Trương Tú Dân, một chuyên gia về mục lục và dị bản, đã phát hiện tác giả đích thực của cuốn An Nam chí nguyện và tìm ra nguồn giá trị chính của nó. Nội dung sách theo kết quả nghiên cứu của ông, là từ “Vĩnh Lạc Giao Chỉ Tổng chí” do Hoàng Phúc và một số tác giả nữa biên soạn. Sách không thể do Cao Hùng Trưng, một ông thầy đồ ở địa phương biên soạn được. Phần An Nam chí chỉ có 15000 chữ. Tên chính của sách là An Nam chí nguyên tục, do tam sao thất bản, người sau chỉ gọi là An Nam chí nguyện.

3. Phân sách sử của tác giả Việt Nam, các học giả Trung Quốc nhận rõ những đóng góp quan trong của các thế hệ nghiên cứu. Họ dịch hầu hết các bộ sử của Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Minh Tranh, Nguyễn Khánh Toàn, Phan Huy Lê, v.v… Có những cuốn biên dịch rất công phu, đến nỗi phần chú thích dẫn giải dài gấp hai lần nguyên bản và theo tôi, có giá trị không chỉ với người Trung Quốc mà ngay với những nhà nghiên cứu Việt Nam cũng thật bổ ích. Trung Quốc vốn có truyền thống về công tác khảo cứu và biên dịch. Ví dụ như Lược sử Việt Nam của Trần Trọng Kim, Lịch sử Việt Nam của Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh. Các học giả Trung Quốc đều làm chú giải khá công phu. Riêng cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời được chú thích, khảo cứu đến nhiều địa danh huyện, thôn dày gấp ba lần sách Việt Nam và phong phú hơn nhiều lần.

4. Với phần lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam, các học giả Trung Quốc khai thác theo 3 hướng.

a) Biên tập các tài liệu của Trung Quốc và nghiên cứu.

b) Dịch và khai thác tư liệu sử của Việt Nam.

c) Thu thập sử liệu từ nhiều nước: Nhật, Pháp, Mỹ, v.v…

Ở đây, có lẽ ta phải kể tới bộ Trung Pháp chiến tranh tư liệu xuất bản năm 1956, gồm 7 tập và bây giờ đã lên tới hơn 10 tập đó là bộ sử tư liệu về quan hệ ngoại giao, chiến tranh, quan hệ Việt Nam, Trung Hoa và Pháp. Hiện nay Trung Quốc đặc biệt chú trọng khai thác tư liệu từ Pháp, họ cử khá nhiều học sinh đi Pháp học tập nghiên cứu.

Trung Quốc cũng đã tập trung sưu tập nghiên cứu và xuất bản các sách về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thời kỳ cận đại như những tài liệu về biên giới Việt Nam - Trung Quốc, về quan hệ Pháp - Thanh, về Lưu Vĩnh Phúc và một cuộc kháng Pháp tại Việt Nam, nghiên cứu các dân tộc vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về lịch sử hiện đại Việt Nam, Trung Quốc. Về lịch sử hiện đại Việt Nam, Trung Quốc không những khai thác, dịch thuật những tài liệu lịch sử thời kháng chiến chống Pháp, mà ngay phần chống Mỹ của Việt Nam họ cũng đã bắt đầu triển khai việc sưu tầm nghiên cứu:

a) Chụp lại toàn bộ tư liệu của Bộ quốc phòng Mỹ và của các tác giả Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Tập hợp tư liệu nghiên cứu chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam.

b) Bước đầu nghiên cứu mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và quốc tế trong giai đoạn này.

Trung Quốc đã tập trung nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam và có những thành tựu đáng kể về:

- Hồ Chí Minh với Trung Quốc của Hoàng Thanh.

- Ngục Trung nhật ký chú giải.

- Việt Nam cải cách, mở cửa và quan hệ với Đông Nam Á.

- Việt Nam cải cách, đổi mới; Việt Nam năm 2000.

Về nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Trung Quốc đã chuẩn bị lực lượng khá chu đáo, đội ngũ gồm 3 thế hệ: 70 - 80 tuổi; 50 - 60 tuổi; 20 - 30 tuổi. (Họ bị hẵng hụt thế hệ 30 - 40 tuổi).

Đội ngũ nghiên cứu Việt Nam đông đến hàng trăm. Chỉ riêng tỉnh Hà Nam có đến khoảng 100, Quảng Tây, Quảng Đông chắc chắn đông hơn. Trung Quốc đang bước vào giai đoạn nghiên cứu Việt Nam một cách cơ bản, sâu rộng và tự tin, họ thường nhắc đến những ưu thế ngôn ngữ tư liệu nghiên cứu, và mượn lời của học giả Mỹ và Âu Châu nói: “Nếu các học giả Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ trình độ chữ Hán để nghiên cứu cổ sử Việt Nam một cách bảo đảm thì vài năm sau chúng tôi sẽ đến Trung Quốc, Nhật Bản nghiên cứu về Việt Nam”. Đó là một lời khuyên, một lời cảnh tỉnh đối với các nhà nghiên cứu lịch sử của Việt Nam.

TB

LỄ RA MẮT CỦA TRUNG TÂM TRUNG QUỐC HỌC TRỰC THUỘC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
SƯ PHẠM HÀ NỘI I

Vào ngày 30 tháng 12 năm 1993, tại Hội trường lớn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Trung Quốc, gọi tắt là “Trung tâm Trung Quốc học” trực thuộc Nhà trường đã long trọng tổ chức lễ ra mắt.

Đến dự, ngoài các vị Lãnh đạo của Nhà trường, còn có nhiều Nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại các trường ĐHSP Hà Nội I, ĐHTH Hà Nội, các Viện Văn học, Sử học, Triết học, Dân tộc học, Hán Nôm, Mác-Lênin, v.v…

Mở đầu cuộc họp, GS.TS Bùi Văn Ba, Giám đốc Trung tâm, đã trình bày lý do ra đời của Trung tâm và chương trình hoạt động khoa học của Trung tâm trong thời gian tới. Về lý do ra đời, GS nói: “Là một cơ sở Đào tạo và Nghiên cứu lớn của đất nước, trường ĐHSP Hà Nội I thành lập thêm Trung tâm Trung Quốc học để góp phần vào việc Nghiên cứu, giảng dạy về Văn học, Sử học, Triết học, Trung Quốc học trong các khoa Văn, Sử, Triết,… của Nhà trường, một phương diện cực kỳ quan trọng trong tình hình mới trước mắt. Về chương trình hoạt động, dự kiến sẽ tổ chức một số cuộc Hội thảo mà cuộc Hội thảo đầu sắp tới sẽ là đánh giá lại thành tựu Trung Quốc học trong thời gian hiện đại ở nước ta; trên cơ sở đó, sẽ ra một kỷ yếu bao gồm các nội dung như danh mục các sách báo dịch và viết về Trung Quốc, tổng thuật kèm theo đánh giá ưu khuyết điểm, tuyển đăng lại những bài nghiên cứu xuất sắc, giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan… Cuộc Hội thảo tiếp sau đó sẽ tập trung nói về thành tựu Trung Quốc học Đông - Tây và nếu có thể được, cũng sẽ ra một kỷ yếu.

Tiếp ngay sau Lễ ra mắt là một cuộc Hội thảo với 15 bản tham luận, nhằm cung cấp một số thông tin sốt dẻo làm đà cho hoạt động Trung tâm thời gian tới.

P.V

TB

HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ MỘT DANH NHÂN LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
ĐẦU THẾ KỶ 20

Trương Đăng Quế (1793 - 1865) tự Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê Tẩu, người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay thuộc huyện Sơn Tịnh), tỉnh Quảng Ngãi. Ông đỗ Hương tiến (tương đương với Cử nhân) năm 1819, trở thành người khai khoa cho sĩ tử Quảng Ngãi từ đó về sau. Tuy chỉ đỗ Hương tiến, nhưng với tư chất thông minh, cần mẫn, sâu sát trong công việc, Trương Đăng Quế đã không ngừng tự nâng mình lên, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn, trải qua ba triều Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức.

Để nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp TĐQ nhân kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của ông (1793 - 1993), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp cùng Sở VHTT Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học về TĐQ lần thứ nhất trong hai ngày 13 và 14 tháng 12 năm 1993 tại Hội trường UBND tỉnh.

Tham gia Hội thảo, có một số GS, TS, PTS cùng nhiều nhà nghiên cứu về Văn học, Sử học,… thuộc các trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh, ĐHTH Huế, ĐHSP Hà Nội I, CĐSP Quảng Ngãi, CĐSP Quy Nhơn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Trung tâm KHXH và NVQG, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, v.v…

Sau báo cáo đề dẫn của Ban tổ chức Hội nghị do Nhạc sĩ Hiền Minh, Giám đốc Sở VHTT Quảng Ngãi trình bày, Hội nghị đã nghe tất cả 26 bản tham luận đi sâu vào cuộc đời và sự nghiệp TĐQ, đặc biệt là ở những khía cạnh đang còn có ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề vì sao TĐQ lại được triều Nguyễn trọng vọng như vậy.

Trong tinh thần đổi mới về quan điểm và phương pháp nghiên cứu. Hội nghị cũng đã hào hứng bàn về những cống hiến không nhỏ của TĐQ trên các lĩnh vực Sử học, Văn học và Giáo dục.

Cuối cuộc Hội thảo, mọi người đều nhất trí với ý kiến đề xuất của Lãnh đạo tỉnh là trên cơ sở những vấn đề đã xới lên trong cuộc họp lần này, cần gấp rút chuẩn bị để tiến tới Hội thảo khoa học về TĐQ lần thứ hai, cũng tổ chức tại Quảng Ngãi, vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 130 ngày mất của ông (1865 - 1995).

TB

BỘ TỪ ĐIỂN VIỆT - LATINH CỦA PIGNEAUX DE BE'HAINE