TB

HÁN VĂN LÝ - TRẦN THỜI KỲ CỔ ĐIỂN CỦA 10 THẾ KỶ HÁN VĂN VIỆT NAM THỜI ĐỘC LẬP

PHẠM VĂN KHOÁI

1. Trong bài viết “Một vài nét khác biệt về mặt ngôn ngữ (ngữ pháp) giữa hai nhóm văn bản hán văn trong Thơ văn Lý - Trần (tập I” trên Tạp chí Hán Nôm số 3(28)-1996, chúng tôi có đề cập đến sự khác biệt về ngôn ngữ giữa hai nhóm văn bản được tập hợp trong Thơ văn Lý - Trần (tập I). Trên thực tế, đó là Hán văn của thời Lý trở về trước. Ở đó, chúng tôi nêu lên sự khác biệt giữa ngữ lục Thiên tông và các văn bản có tính chất nghi thức, hành chính và nêu lên 2 mô hình ngôn ngữ của hai nhóm văn bản này. Nhóm các văn bản ngữ lục Thiền tông phần nào định hướng theo ngôn ngữ nói của bạch thoại Trung đại (bạch thoại sớm), do nó chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ các bản dịch kinh Phật và do nhiều yếu tố xã hội - ngôn ngữ khác nữa. Nhóm các văn bản có tính chất nghi thức hành chính viết theo ngôn ngữ của các văn bản cổ (chủ yếu là ngôn ngữ của Kinh thư).

Ở bài viết này, trên cơ sở những gì đã đề cập trong bài báo trên, chúng tôi muốn bàn thêm về một số vấn đề còn lại, để nêu lên những đặc trưng chung của chữ Hán thời Lý - Trần trong mối quan quan hệ với các dạng thức ngôn ngữ viết của tiếng Hán nói chung, qua đó, đặt vấn đề nêu lên vai trò cũng như quan hệ của Hán văn Lý - Trần với tiến trình 10 thế kỷ sử dụng chữ Hán ở Việt Nam thời độc lập nói riêng.

2. Để nêu ra những nhận xét về đặc trưng tình hình sử dụng chữ Hán ở một khoảng thời gian dài gồm 5 thế kỷ vốn thường được gọi bằng một cái tên chung: Hán văn Lý-Trần, cần phải phân loại các văn bản còn lại của giai đoạn này trên hai cơ sở: cấu trúc và chức năng của Hán văn. Nếu xuất phát từ 2 tiêu chí này, Hán văn Lý-Trần được qui vào 3 nhóm văn bản sau:

- Nhóm các văn bản nghi thức, công văn hành chính.

- Nhóm các văn bản ngữ lục Thiền tông.

- Nhóm các văn bản thơ văn.

Mỗi nhóm văn bản trên đây có những đặc trưng phân biệt của mình không chỉ về phương diện mục tiêu, mục đích được viết ra, hay các tác giả - chủ nhân tạo tác văn bản. Hơn nữa, chúng lại có những đặc trưng ngôn ngữ, thể loại, phong cách riêng của mình. Chẳng hạn, ở nhóm các văn bản nghi thức, công văn hành chính, người viết chủ yếu là những người tham gia bộ máy quản lý Nhà nước. Do yêu cầu về nội dung diễn đạt (những mệnh lệnh, chính lệnh, chủ trương nào đó), nên ngôn ngữ của nó phải theo mẫu mực, chủ yếu dựa vào Kinh thư. Khuôn mẫu ngôn ngữ tạo các văn bản này đã trở thành nội dung của thi cử. Trong các khoa thi (nhất là vào thời Trần) đểu có kỳ thi chiếu, biểu. Xét về mặt chức năng xã hội, sự xuất hiện của nhóm văn bản này đã chứng tỏ chữ Hán được khẳng định là ngôn ngữ của mọi hoạt động nghi thức, hành chính. Đây chính là cơ sở để xem chữ Hán là quốc gia văn tự, tạo điều kiện cho việc mở mang, phổ biến chữ Hán, nếu khi xét từ góc độ Nhà nước. Nhóm văn bản ngữ lục Thiền tông, do đặc trưng ngôn ngữ của mình, lại là dấu hiệu cho sự tiếp nối của một thời kỳ chữ Hán được dùng như một sinh ngữ ở cuối thời Bắc thuộc sang chữ Hán được dùng như một ngôn ngữ viết thuần tuý ở thời độc lập.

Nhóm các văn bản thơ, phú, văn, ký chủ yếu có niên đại vào thời Trần. Chúng xuất hiện ngày càng nhiều. Đội ngũ những người viết cũng rất đông đảo: vua, quan, Nho sĩ… Sự xuất hiện nhóm văn bản này đã mang đến một bộ mặt mới cho thực tế sử dụng chữ Hán về mọi phương diện: lý tưởng thẩm mỹ, phong cách, thể loại viết, đặc điểm ngôn ngữ… Cũng như các thể loại ở nhóm văn bản nghi thức, hành chính, thơ phú đã trở thành môn thi bắt buộc trong các kỳ thi. Bởi vậy, thơ, phú (và nhất là thơ) xuất hiện ngày càng nhiều, chiếm số lượng chủ yếu trong thực tế sử dụng chữ Hán. Việc thơ có mặt trong thi cử đã khiến cho mức độ người sử dụng chữ Hán để làm thơ tăng lên như Trần Nguyên Đán đã phát biểu:

Đấu tướng tòng thần giai thức tự,
Lại viên, tượng thị diệc năng thi.

(Tướng võ quan hầu đều biết chữ,
Thợ thuyền, thơ lại cũng hay thơ).
(Thơ văn Lý-Trần, tập 3, tr.196)

Thi cử với nội dung thơ phú đã dấn đến sự mở rộng thi phẩm về số lượng và cũng ngầm tạo nên tính nhà trường trong thơ chữ Hán.

3. Phân chia thành ba nhóm văn bản trên đây không có nghĩa là lúc nào ranh giới giữa chúng cũng tuyệt đối rõ ràng, có khi có những hiện tượng chuyển jtiếp. Về mối liên hệ và đặc trưng ngôn ngữ có tính chuyển tiếp ở đây, có lẽ cần phải nhắc đến hai hiện tượng có tính chất chuyển tiếp rõ nét.

Nhiều vua nhà Trần vừa là những người quản lý Nhà nước, vừa là những người rất am hiểu Thiền tông, đồng thời cũng là những người trước tác nhiều bằng chữ Hán. Trong số đó phải kể đến vua Trần Thái Tông. Ông là tác giả của nhiều tập sách có liên quan đến Thiền tông như: Thiền tông chỉ nam (đã thất truyền, nay chỉ còn bài tựa), Khoá hư lục … Ông có sáng tác thơ và bài thơ Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn được chọn làm mở đầu cho bộ hợp tuyển thơ chữ Hán Việt Nam đầu tiên - Việt âm thi tập do Phan Phu Tiên khởi thảo, Chu Xa hoàn thành, Lý Tử Tấn phê điểm… Các vua như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… đều có thơ. Thơ họ, nói chung, đều nói về Thiền, song chắc hẳn, có nhiều điều khác với ngữ lục Thièn tông thuần tuý… Thơ họ chủ yếu nói đến cuộc sống hiệun thực theo ý vị Thiền, tựa hồ không thấy sáo ngữ của Nho. Thơ họ nặng về tự sự, diễn tả sự vật, hiện tượng, trong sự sâu lắng của đạo Thiền.

Hãy đọc vài câu trong bài Đăng Bảo Đài sơn của Trần Nhân Tông làm ví dụ.

Địa tịch đài dũ cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỳ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm.

Một số vua Trần lại có thi tập. Danh từ thi tập ở đây đã có âm vang Hán học, đâu chỉ còn là những câu kệ của các tổ do học trò ghi lại nữa… Thơ họ có hình thức chải chuốt hơn, tuy vẫn giữ nguyên ý vị Thiền, nhưng mang đầy hơi thở của cuộc sống, đâu đã xuất hiện cách nói quá nhiều điển tích, điển cố… Đây cũng là dấu hiệu cho bước chuyển từ ngữ lục Thiền tông sang ngôn ngữ thơ, mà các Nho sĩ là đại diện ở nửa cuối thế kỷ XIV.

Hiện tượng thơ trở thành di sản Hán văn chủ yếu được sưu tập trong Thơ văn Lý-Trần tập III biểu thị một bước chuyển biến mới trong thực tế dùng chữ Hán. Nghiên cứu ngôn ngữ thơ của các tác giả được sưu tập ở đây, chúng tôi thấy rằng các văn bản thơ được viết bằng ngôn ngữ hỗn nhập. Thơ thời Trần tạo nên nhóm văn bản riêng, nó có thể được coi là sự chuyển biến có liên quan về văn thể.

4. Cùng với thời gian, do yêu cầu Nhà nước tập quyền, Nho học càng được đẩy mạnh và tương ứng với nó, phạm vi những người biết chữ Hán cũng được mở rộng thêm. Chính tình hình này đã tạo nên một sự chuyển biến mới trong việc sử dụng chữ Hán. Vấn đề chọn khuôn mẫu viết đã được đặt ra và được một nhà Nho tiêu biểu của thời kỳ này là Phạm Sư Mạnh phát biểu trong bài Ngày xuân hoạ thơ vua dưới thuật ngữ “văn thể” của ngữ văn truyền thống.

Duật vân ngũ sắc ủng cung vi,
Tuyệt triệu Nho thần xuất điện trì.
Nhũ yến minh cưu đương ngọ hậu,
Tế chiên quảng hạ thiết hương di.
Thần tâm Nhị đế, Tam vương cổ,
Văn thề Tiên Tần, Lưỡng Hán kỳ.
Trắc thính nội thần truyền nội chỉ,
Kỳ hoa Đại xã định tân nghi.

(Mây lành năm sắc phủ quanh cung cấm,
Chiếu vua gọi Nho thần đến trước thềm điện.
Sau buổi trưa, chim yến, chim cưu kêu,
Dưới cờ tua nhỏ trong ngôi nhà rộng đặt đỉnh hương.
Tấm lòng của Vua như Nhị đế, Tam vương khi xưa,
Văn thể của người kỳ diệu như văn thể thời Tiên Tần, Lưỡng Hán.
Lắng nghe thị thần truyền chiếu chỉ của nội điện,
Định nghi thức mới cho lễ Đại xã cầu được mùa.
(Thơ văn Lý - Trần, tập III, tr.91).

Trong cái tinh thần hướng về “Nhị đế, Tam vương” về phương diện tổ chức Nhà nước, thì văn thể cũng được nhằm vào để viết theo kiểu Tiên Tần, Lưỡng Hán. Đâu còn tình hình như đầu thời Trần có sự phân chia chức năng của Nho, Phật trong Thiên tông chỉ nam tự, mà Trần Thái Tông đã phát biểu nữa. Sự định hướng luôn cả tình hình học chữ Hán, viết chữ Hán cả một thời kỳ, giai đoạn, và có thể nói, cũng là định hướng cho suốt các thế kỷ sau này.

Nói đến “viết bằng chữ Hán” cũng tức là mới chỉ đề cập đến một thuật ngữ chung chung, chưa định hướng rõ xem đó là định hướng vào thời kỳ cụ thể nào. Bời vì, từ khi có hệ thống văn bản viết đến những thế kỷ XIII-XIV, tiếng Hán đã có một bề dày lịch sử, với chí ít là 2 hình thái ngôn ngữ viết. Việc xác định các mẫu mực cần vươn tới là văn thể thời Tiên Tần (văn chư tử) và thời Lưỡng Hán (sử) để người Việt Nam lúc đó hướng vào khi viết, là đã xác định cái tính cách căn bản của cách viết Hán văn từ đây… Điều này còn được quán triệt trong suốt các thế kỷ sau, mà minh chứng hiển nhiên cho tư tưởng này là các bộ tuyển tập đầu tiên về thơ văn Lý-Trần ra đời vào thời Lê sơ chủ yếu sưu tầm thơ Nho, thơ các nhà quản lý mới của giai đoạn Lý-Trần. Nội dung thi học Lý-Trần của Hoàng Đức Lương chủ yếu dành cho thơ Nho cũng là ví dụ cho tính định hướng trên đây…

5. Tính định hướng trên đây, trong bối cảnh bận rộn của công cuộc xây dựng Nhà nước phong kiến tập quyền theo kiểu Nho giáo, đầy ắp công việc, đã mang lại một tinh thần, một dấu ấn riêng của Hán văn Lý-Trần… Hán văn Lý-Trần là Hán văn phác thực, đầy sức sống… Thi cử tuy có hướng vào từ chương, song chưa bị mặt tiêu cực từ chương tác động, nên kẻ sĩ thời Trần có phẩm cách như Lê Quý Đôn đã nhận xét: “Các vị ấy phẩm hạnh và thanh giới cao khiết, có tư cách người trí thức quân tử như đời Tây Hán, không phải kẻ tầm thường sánh được”.

Sự định hướng vào văn thể Tiên Tần, Lưỡng Hán là sự định hướng vào các giá trị mẫu mực của ngôn ngữ viết tiếng Hán, vào thời mà các ngôn ngữ viết đã đóng vai trò rất lớn trong nhận thức cuộc sống… Những giai đoạn Tiên Tần, Lưỡng Hán trên đây trong lịch sử ngôn ngữ viết của tiếng Hán là những giai đoạn của ngôn ngữ phác thực. Những giá trị cổ điển về ngôn ngữ viết ở thời Tiên Tần đã đạt được trong nhã ngôn (và sau đó gọi là văn ngôn), và lối viết này lại một lần được biến đổi vào thời Lưỡng Hán, mà những gì được ghi chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên và Hán thư của Ban Cố đã được người Việt Nam học tập để diễn đạt theo tình hình mới của mình.

Có lẽ ví dụ điển hình nhất cho sự định hướng mô phỏng viết chữ Hán là bài Lâm chung di chiếu của Lý Nhân Tông.

Viết di chiếu lúc lâm chung là việc thường làm. Lâm chung di chiếu của Lý Nhân Tông được Phạm Đình Hổ đánh giá là “già dặn, súc tích, phảng phất như văn đời hán” (Vũ trung tuỳ bút. 1989, tr.136). Hán Văn Đế cũng có một bài Lâm chung di chiếu còn được lưu giữ trong Hán thư. Thế nhưng, nếu so hai bài Lâm chung di chiếu với nhau, thì ta thấy không có gì khác mấy. Khác chăng là công việc cần làm khác, người kế vị khác, tình hình khác… Những cái đó buộc lòng phải tự viết ra, không thể chỉ còn là việc đổi từ, đổi ngữ nữa. Ở những đoạn mới này, ngôn ngữ cổ hơn, đầy rẫy trích dẫn từ Kinh thư. Nếu đem so sánh hai bản di chiếu, xét về ngôn ngữ, ba thấy bản của Lý Nhân Tông ra đời sau bản của Hán Văn Đế hơn chục thế kỷ, lại có cách viết cổ hơn rất nhiều…

Khi định hướng vào văn thể Tiên Tần, Lưỡng Hán và các giá trị cổ điển khác, dường như ở thời Lý - Trần, người ta chỉ chọn từ đây ra những cái gì đặc trưng nhất. Điều này thể hiện qua nội dung thi cử. Chương trình khoa thi năm Bính Tý niên hiệu Quang Thái thứ 9 (1396), ở kỳ thứ ba, thi bài chiếu theo thể Hán… sự định hướng trên đây dễ dẫn đến mô phỏng.

6. Những điều nêu trên là những nét chấm phá, phần nào đã đề cập đến những đặc trưng sử dụng chữ Hán thời Lý-Trần. Hán văn thời Lý-Trần đã tạo nên giá trị cổ điển của mười thế kỷ sử dụng chữ Hán ở Việt Nam thời độc lập. Điều này đã được các nhà trí thức dân tộc các thế kỷ sau đó như Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ… phát biểu.

Đến thời Lê Trung hưng, khi thi cử làm cho văn viết chữ Hán đã trở thành tệ lậu, thì chính là lúc đó người ta đề cao giá trị của Hán văn thời Lý-Trần, coi đó là mẫu mực, lấy đó làm tự hào. Công cuộc sưu tập di sản hán văn Lý-Trần trong nhiều thế kỷ, từ nhiều nguồn… (chủ yếu xuất phát từ góc độ thơ văn), đã phần nào khôi phục lại diện mạo của thực tế sử dụng chữ Hán thời Lý-Trần và đó cũng là một phần rất trọng yếu của mười thế kỷ dùng chữ Hán ở Việt Nam thời độc lập. Có thể nói, chữ Hán ở thời Lý-Trần là chữ Hán phác thực, có ý nghĩa và giá trị cổ điển cho các thế kỷ sau này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Thơ văn Lý - Trần, Viện Văn học. I.II (thượng), III, Nxb. KHXH.

2. Lê Quý Đôn. Kiến văn tiểu lục. Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1977.

3. Phạm Đình Hổ. Vũ trung tùy bút. Nxb. Trẻ, 1989.

4. Phạm Văn Khoái: "Một vài nét khác biệt về ngôn ngữ (ngữ pháp) giữa hai nhóm văn bản Hán văn trong Thơ văn Lý - Trần (tập I)" Tạp chí Hán Nôm số 3 (28)-1996.

TB

NGUYỄN ĐÔNG CHÂU ĐÃ DỰA VÀO BẢN CHỮ HÁN NÀO ĐỂ DỊCH "VIỆT LAM XUÂN THU"

TRẦN NGHĨA

Vừa rồi tôi được một người bạn tặng cho bản sao chụp cuốn Việt Lam xuân thu (VLXT) do Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, Đông Kinh ấn quán Hà Nội lần lượt công bố trong các năm 1914, 1915 và 1916, sách hiện tàng trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu Q80116(2), số định vị 22709. Đây là một bản dịch VLXT vào loại sớm mà chúng tôi chưa có dịp tiếp cận khi thực hiện bản dịch mới, in trong Tổng tập văn học Việt Nam tập 8B, Nxb. KHXH, H. 1996 và trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập IV, Nxb. Thế giới, H. 1997.

Đối chiếu bản dịch VLXT của Đông Châu (gọi tắt là Bd.ĐC) với nguyên bản chữ Hán sách VLXT(1) mà chúng tôi đã dựa vào đó để thực hiện bản dịch mới (gọi tắt là Bd.TN), ta thấy có một độ chênh không nhỏ. Hãy lấy ngay hồi 1 và hồi 2 của sách làm thí dụ. Xem bảng đối chiếu dưới đây:

TT Tờ / Dòng Nguyên văn chữ Hán Bd.TN Bd.ĐC Bị chú
Hồi thứ 1
1 1b/3 . 話 說 天 下 大 物 也 Chuyện kể rằng thiên hạ là trọng đại Cầm quyền cai trị trong một nước Văn dịch có xuất nhập
2 1b/3 . 自 非 聖 德 好 生 ,神 武 不 殺 Nếu không phải là bậc thánh đức yêu sinh linh, thần vũ không giết chóc Nếu không có thánh đức, thần võ id
3 2a/2 . 日 Nhật Suyền (thiếu)
4 2b/4 . 天 聖 元 年 Thiên thánh thứ nhất (thiếu)
5 2b/6 . 辛 巳 Năm Tân Tị (thiếu)
6 2b/8 . 壬 午 二 年 (明 成 祖 永 樂 元 年 ) Năm Nhâm Ngọ, Thiệu Thành 2 (Minh Thành Tổ, Vĩnh Lạc 1) (thiếu)
7 3a/1 . 癸 未 三 年 (永 樂 二 年 ) Năm Quý Mùi, Thiệu Thành 3 (Vĩnh Lạc 2) (thiếu)
8 3a/6 (không có) (không có) [xin bệ hạ] phán chỉ
9 3a/7 (không có) (không có) [Hán Sương] xem thư xong
10 3a/7 (không có) (không có) phải trốn ra [ngoại quốc]
11 3a/8 以 兵 追 之 đem quân đuổi theo đem quân ra chống giữ Văn dịch có xuất nhập
12 3b/5 . 極 於 美 戾 gái đẹp toàn bậc nhan sắc giỏi giang id
13 3b/7 (không có) (không có) Tâu bệ hạ
14 3b/8 . 出 朝 議 事 cho họp triều thần để bàn cách đối phó ra ngự triều phán bảo Văn dịch có xuất nhập
Hồi thứ 2
15 4b/4 . 既 離 南 地 dần xa đất Việt (thiếu)
16 5a/2 (không có) (không có) Tâu lạy thiên triều Hoàng đế
17 5a/2 聲 教 外 臣 恭 遇 天 朝 biết rõ uy danh và giáo hoá của Thượng quốc, một lòng cung kính thiên triều (thiếu)
18 5a/3,4 .飾 奸 造 作 , 殺 主 逆 民 bày trò gian trá, giết chúa phản dân (thiếu)
19 5a/6 . 瞻 望 朝 廷 無 由 控 告 . 幸 今 皇 上 八 承 大 統 ,率 由 舊 章 ngóng trông triều đình mà khôn bề bày tỏ. Này Hoàng thượng thừa kế đại thống, tôn trọng nếp xưa (thiếu)
20 5b/6 . 今 事 燃 眉 , @ 臍 何 及 Nay nước đã đến trôn, chạy sao cho kịp (thiếu)
21 5b/7 (không có) (không có) Đến lúc nghe tin loạn thần thoán nghịch
22 6a/1 .遠 隔 天 里 cách xa nghìn dặm (thiếu)
23 6a/1 . 跋 步 而 來 lặn lội đến đây (thiếu)
24 6a/1,2 . 興 滅 繼 絕 vực dậy cái đã bị diệt, nối lại cái đã bị đứt cứu nước suy nhược Văn dịch có xuất nhập
25 6a/7 . 成 祖 曰 試 令 [ 使 者] Thành Tổ bảo thử đưa [sứ giả] (thiếu)
26 6a/8 . 遂 詔 禮 部 出 天 平 見 之 Bèn chỉ thị Bộ lễ cho Thiên Bình ra gặp sứ giả (thiếu)
27 6b/3 . 而 臣 民 共 為 蒙 弊 vậy mà thần dân đều bị bưng bít (thiếu)
28 6b/5 . 賊 子 亂 臣 天 共 怒 , 弒 君 篡 國 地 難 容 Tặc tử loạn thần trời cũng giận, Giết vua cướp nước đất khôn dung Tội ác đã bày vừng nhật tỏ, Trừ hung khôn nhẽ lưới giời dong Văn dịch có xuất nhập

Từ bản đối chiếu trên, ta có thể đi đến mấy nhận xét:

1. Nhiều câu chữ có trong nguyên bản chữ Hán, nhưng lại thiếu vắng trong bản dịch của Đông Châu, như các trường hợp 3, 4, 5, 6, 7, 15, 17, 18,19, 20, 22, 23, 25, 26, 27 (chiếm tỷ lệ 15/ 28).

2. Một số câu chữ xuất hiện trong bản dịch Đông Châu lại không thấy có trong nguyên bản chữ Hán, như các trường hợp 8, 9, 10, 13,16, 21 (chiếm tỷ lệ 6/ 28).

3. Một vài chỗ có xuất nhập giữa hai bản dịch, như các trường hợp 1, 2, 11, 12, 14, 24, 28 (chiếm tỷ lệ 7/ 28).

Vậy là, chỉ nhìn qua hai hồi đầu, cũng đã thấy giữa nguyên bản chữ Hán và bản dịch của Đông Châu có nhiều chỗ không khớp. Nếu mở rộng việc đối chiếu ra toàn bộ 60 hồi của tác phẩm, ta sẽ thấy tình hình còn đáng ngạc nhiên hơn, nhất là những bộ phận hoặc những đoạn văn ở nguyên bản chữ Hán thì có mà trong bản dịch của Đông Châu lại không có. Cụ thể là bản dịch của Đông Châu đã thiếu hẳn những phần như sau:

1. Lời tựa truyện Việt Lam tiểu sử (Việt Lam tiểu sử tự) do Lê Hoan soạn.

2. Phần chỉ dẫn về nơi lưu giữ ván khắc:"Hà Đông tỉnh, Thanh Trì huyện, Khương Đình tổng, Nhân Mục Môn xã,Cự Lộc - Chính Kinh nhị thôn đình tàng bản" (Ván khắc để lại đình hai thôn Cự Lộc và Chính Kinh thuộc xã Nhân Mục Môn, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông).

3. Lời tựa truyện Việt Lam xuân thu (Việt Lam xuân thu truyện tự): gồm 14 câu thơ, mỗi câu 4 chữ, hiệp theo vần "ương".

4. Toàn bộ phần đối chiếu với niên hiệu vua nhà Minh,Trung Quốc, gồm trên 20 trường hợp.

5. Toàn bộ phần "lưỡng cước chú" trong sách (gồm phê ngữ và chú thích), cả thảy trên 270 trường hợp.

Bản dịch Đông Châu còn thiếu cả một đoạn trích dài, gồm 18 câu, từ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, ở hồi 39,như bản chữ Hán vốn có. Vân vân và vân vân...

Giải thích như thế nào về các hiện tượng trên?

Mới đầu,chúng tôi cứ nghĩ rằng đây chỉ là một bản dịch thoát,hay đúng hơn, một thứ "phỏng dịch". Trong trường hợp này,dịch giả có thể lược bớt những từ, những câu, thậm chí cả những đoạn, những bộ phận của tác phẩm mà mình cho là không cần thiết lắm, để tập trung vào việc truyền đạt những ý chính, cái "thần" của tác phẩm. Và, cũng xuất phát từ một định hướng như vậy, trong bản dịch có thể thêm vào một số từ ngữ "đưa đẩy" mà bản gốc không có, đồng thời vận dụng một lối dịch ít nhiều có xất nhập so với nguyên bản như Đông Châu đã làm và chúng ta đã thấy, không gì khác hơn là nhằm giúp bạn đọc thời hiện đại dễ tiếp nhận một văn bản cổ viết bằng Hán ngữ như VLXT...

Nhưng rồi càng đọc kỹ bản dịch, ta lại thấy không phải thế.

Ngay ở mặt 2 tờ bìa 1 cuốn thứ nhất của bản dịch, Nguyễn Đông Châu viết: "Nguyên bản chữ nho truyện Việt Lam xuân thu này có đã lâu lắm, không biết đích xác là ai làm, nhưng có nhiều người truyền là của ông Nguyễn Trãi làm ra. Đến năm Duy Tân Mậu Thân, quan Tổng đốc Hải Dương Phú Hoàn tử Lê tướng công có đề thêm một bài tựa và khắc bản in ra, ai ai cũng được đọcvà cũng lấy làm hay lắm.

Chúng tôi thấy sách hay, nên dịch ra quốc âm để chư vị dễ xem, không những là mua vui trong mươi lăm phút đồng hồ,mà ai xem truyện này, lại biết được cả sự tích nước mình" (Nhời của người dịch sách).

Từ những câu vừa dẫn, thực khó mà xác quyết rằng Đông Châu đã dựa vào bản VLXT do Lê Hoan "đề thêm một bài tựa và khắc bản in ra" để dịch. Ở đây dịch giả chỉ nói: "Chúng tôi thấy sách hay, nên dịch ra quốc âm để chư vị dễ xem" mà thôi. Nghĩa là Đông Châu chỉ đề cập đến giá trị về nội dung của sách, mà không hề cho biết ông đã dựa vào bản nào trong số 2 bản chữ Hán sau đây để dịch:

1. Bản "nhiều người truyền là của ông Nguyễn Trãi làm ra" (ta tạm gọi là Cựu bản)(2) .

2. Bản do "quan Tổng đốc Hải Dương Phú Hoàn tử(3) Lê tướng công có đề thêm một bài tựa và khắc bản in ra" vào năm Duy Tân Mậu Thân (1908) (ta tạm gọi là Tân bản).

Muốn trả lời câu hỏi Đông Châu đã dựa vào Cựu bản hay Tân bản để dịch, có một chi tiết, theo tôi, rất đáng quan tâm, đó là việc tách quyển rất khác nhau tron phần Mục lục của Tân bản, tức hệ bản chữ Hán mà hiện nay chúng ta đều biết, với việc tách quyển trong phần Mục lục của bản dịch Đông Châu.

Ở Tân bản, VLXT được chia làm 3 quyển:

- Q1 gồm từ Hồi 1 đến hết Hồi 21;

- Q2 gồm từ Hồi 22 đến hết Hồi 40;

- Q3 gồm từ Hồi 1 đến hết Hồi 60;

Trong khi đó thì ở bản dịch Đông Châu,VLXT lại chia làm 7 quyển:

- Q1 gồm từ Hồi I đến hết Hồi thứ XI;

- Q2 ồm từ Hồi XII đến hết Hồi thứ XIX;

- Q3 gồm từ Hồi đến hết Hồi thứ XXVII;

- Q4 gồm từ Hồi XXVIII đến hết Hồi thứ XXXV;

- Q5 gồm từ Hồi XXXVI đến hết Hồi thứ XLIV;

- Q6 gồm từ Hồi XLV đến hết Hồi thứ LIV;

- Q7 gồm từ Hồi LV đến hết Hồi thứ LX;

Việc tách quyển trong phần Mục lục của bản dịch Đông Châu được phản ánh khá trung thực qua 7 lần xuất bản riêng biệt, mỗi lần 1 quyển:

- Lần xuất bản thứ nhất in vào năm 1914, chủ yếu gồm 11 hồi đầu, tương đương với Quyển thứ nhất (từ tr.1-tr.33);

- Lần xuất bản thứ hai in vào năm 1915, chủ yếu gồm 8 hồi tiếp theo, tương đương với Quyển thứ nhì (từ tr.33 - tr.64);

- Lần xuất bản thứ ba in vào năm 1915, chủ yếu gồm 8 hồi tiếp theo, tương đương với Quyển thứ ba (từ tr.65 - tr.96);

- Lần xuất bản thứ tư in vào năm 1915; chủ yếu gồm 8 hồi tiếp theo, tương đương với Quyển thứ tư (từ tr.97 - tr.128);

- Lần xuất bản thứ năm in vào năm 1915; chủ yếu gồm 9 hồi tiếp theo, tương đương với Quyển thứ năm (từ tr.129 - tr.160);

- Lần xuất bản thứ sáu in vào năm 1915; chủ yếu gồm 10 hồi tiếp theo, tương đương với Quyển thứ sáu (từ tr.161 - tr.192);

- Lần xuất bản thứ bảy in vào năm 1916; chủ yếu gồm 6 hồi cuối, tương đương với Quyển thứ bảy (từ tr.193 - tr.214);

Sở dĩ nói "chủ yếu", vì sách in các hồi liền kề nhau để tiếp kiệm giấy, không nhất thiết phải sang trang mới mỗi khi chuyển hồi, do đó các lần xuất bản có thể dôi ra hoặc hụt đi một chút, nếu lấy hồi làm đơn vị tính.

Với thực tế trên, ta có thể nghĩ bản dịch của Đông Châu không phải là một thứ dịch thoát hay phỏng dịch theoTân bản, mà là một dịch phẩm dựa vào Cựu bản, một văn bản gốc hiện nay đã thất lạc.

Nếu điều phỏng đoán này là gần với sự thực, thì qua bản dịch Đông Châu, ta có thể mường tượng tới bộ mặt ban đầu của cảo bản VLXT mà Lê Hoan đã dựa vào đó để biên tập lại thành Tân bản, với hy vọng nâng cao về nội dung cũng như về nghệ thuật một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử trình bày dưới dạng chương hồi.

CHÚ THÍCH

(1) Hiện có 12 dị bản VLXT: 5 bản của Thư viện Viện NCHN mang các ký hiệu VHv.1819/ 1-3 (sách in, mang tiêu đề VLXT, thiếu 10 hồi cuối), A.13 (viết tay), A.3215 (viết tay, mang tiêu đề Hoàng Việt xuân thu, gồm Sơ tập, Trung tập Hạ tập), VHv.2085 (viết tay, thiếu 9 hồi đầu và hồi 60 ở cuối sách); 2 bản của Thư viện Viện Sử học mang các ký hiệu Hv.84 (sách in, đủ cả 3 quyển và 60 hồi) và Hv.141 (viết tay); 1 bản của Thư viện Quốc gia Hà Nội, ký hiệu R.451 (viết tay, chỉ có Q2 với các hồi từ 22 đến hết 40); 1 bản của Thư viện Hiệphội châu Á Paris, ký hiệu HM.2184 (viết tay); 1 bản của Thư viện Quốc gia Paris, ký hiệu A.69/1-2; 1 bản của Bảo tàng Guimet Paris, ký hiệu MG.FV.55732 (sách in); và 1 bản của Đông Dương văn khố Nhật Bản (sách in, đủ 3 quyển, 60 hồi) mang ký hiệu X-2-35, đều mang tiêu đề Việt Lam tiểu sử.

(2) Thực ra thì VLXT không thể do Nguyễn Trãi soạn, vì một lý do đơn giản: sách đã tiểu thuyết hoá lịch sử, điều mà một người đang sống trong cuộc như Tế Văn hầu khó có thể làm.

(3) Theo lạc khoản bài tựa Việt Lam tiểu sử (Việt Lam tiểu sử tự) do Lê Hoan viết, tước của ông là "Phú Hoàn nam", chứ không phải "Phú Hoàn tử" như Đông Châu nói ở đây. Trong Thanh Trì Lê Lưu Thị thế phả cũng chép tước hiệu của Lê Hoan là "Phú Hoàn nam". Chi tiết này cho thấy Đông Châu chưa đọc,hoặc có đọc mà chưa kỹ bài tựa Việt Lam tiểu sử của Lê Hoan.

TB

MỘT VÀI NHẬN XÉT
VỀ ĐỊA DANH "HOA LƯ"

ĐẶNG CÔNG NGA

1- Theo sự thống kê của chúng tôi từ 52 tài liệu văn bia, câu đối, đại tự, thần tích, thần phả… có ghi địa danh Hoa Lư thì có tới 52 chữ Hoa Lư được sử dụng với cac cách viết như sau:

- 12 chữ Hoa Lư có nghĩa là “lô hoa” (hay dịch ngược ngữ pháp tiếng Hán là Hoa lau). Tuy vậy chữ Hoa lại có 5 cách viết khác nhau, cùng một nghĩa là bông hoa 花 ; chữ Lư có 2 cách viết khác nhau, cùng một nghĩa là cây lau 蘆 .

Tài liệu viết chữ Hoa Lư là Hoa lau, có niên đại xưa nhất (theo thống kê được) là bia Đức Long ở chân quèn động Hoa Lư (1630).

Cách đọc hai chữ này là Hoa lô, Hoa la, hoặc Hoa Lư.

Có 37 chữ Hoa Lư được viết theo nghĩa là làng Hoa, hay cổng làng Hoa. Chữ Hoa có 10 cách viết, với các nghĩa tinh hoa, vinh hoa, hoa lệ, xa hoa, phồn hoa, màu mỡ, tài hoa 華 , và bông hoa, màu sắc loang lổ, nốt đậu trẻ con, lãng phí, nhà trò, con hát, năm đồng tiền cổ gọi là 1 hoa 花 . Tựu chung có 2 nghĩa chính là tinh hoa và bông hoa. Chữ Lư có 2 cách viết đều cùng một nghĩa là làng hoặc cổng làng 閭 . Tài liệu xưa nhất viết Hoa Lư theo nghĩa này là Lời tâu của Tống Cảo lên vua Tống vào năm 990.

Một tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư có nghĩa là hoa màu đen, cái cung đen có hoa, con chó đốm tốt. Trường hợp này, chữ Hoa có nghĩa là bông hoa, chữ lư (lô) có các nghĩa đen, đốm 蘆 .

Một tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư theo nghĩa con lừa hoa 花 驢 .

Bốn tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư với nghĩa cai lò (hoặc lư, đỉnh hoa 鑪 ).

Một tài liệu viết chữ lư * không rõ là nghĩ gì. Trần Xuân Hảo sao lại từ bản thời Nguyễn.

Một điều đáng lưu ý là, trên cùng một tài liệu, chữ Hoa Lư được viết khác nhau:

+ Bia đá động Hoa Lư niên đại Đức Long 2 (1630), chữ Hoa có 3 cách viết, chữ Lư có 2 cách viết, tuy đều cùng một nghĩa là lô hoa (bông hoa lau).

+ Hai câu đối chùa Hưng Thống xã. Gia Hưng - Gia Viễn, thời Nguyễn, một câu viết chữ Hoa lư theo nghĩa là hoa lau, còn câu khác lại viết theo nghĩa: làng (cổng làng) Hoa 蘆 , 閭 .

+ Đinh triều sự tích, đền Đồng bến - Phúc Am, Đông Thành, thị xã Ninh Bình cũng tương tự, nhưng chữ Hoa có 2 cách viết, đã vậy, lúc thì gọi là Hoa Lư huyện, lúc thì Hoa Lư động, hay Thôn Hoa.

+ Bài ký sự chơi Hoa Lư của Phạm Xuân Quang, một chữ Hoa với 2 cách viết, một chữ Lư cũng hai cách viết với hai nghĩa khác nhau.

Tóm lại, chữ Hoa Lư trong 52 tài liệu vừa trích dẫn có quan hệ với vua Đinh, đến vùng đất “Hoa Lư động” và “Hoa Lư đô” xưa, có tất cả 6 nghĩa khác nhau, trong đó chữ Hoa được viết với 18 cách, chữ Lư được viết với 8 cách.

2- Một số nhận xét:

Tuy có 6 nghĩa khác nhau, theo chúng tôi, chữ Hoa Lư chỉ có một nghĩa chính là Hoa lau, bông lau.

Nếu Hoa Lư là Hoa lau, thì phải viết ngược lại là Lư hoa mới đúng ngữ pháp chữ Hán, và phải đọc là Lô Hoa mới chuẩn. Có nhiều tên Hán Nôm để chỉ cây lau, hoa lau, ví dụ “điều” hoặc “thiều”, “thảm”, “vi”, “địch”. Ngoài chữ “Lô hoa”, thì “Lô địch hoa” cũng có nghĩa là bông lau, hoa lau. Không hiểu từ đời nào, người ta đọc “lô” thành “lư” và “lư hoa” ra “Hoa Lư”? mà không nôm na đọc luôn là Hoa lau cho dễ hiểu. Trong ngôn ngữ Thái, cây lau, cây lách, lau sậy đều đọc là lư. Trong tiếng Anh, chữ cane vừa có nghĩa là cây trúc, mía, mây, cái gậy, lại vừa có nghĩa là cây lau.

Lau là loài thực vật trong dòng họ thảo quả. Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1977 giải nghĩa lau là “loài cỏ cao, lá giống như lá mía, có bông trắng” Từ điển tiếng Việt. 1992 thì viết về lau: “cây cùng loài với mía, mọc hoang thành bụi, thân xốp, hoa trắng tụ thành bông”.

Theo cuốn Cây cỏ thường thấy ở Việt Nam, lau có tên khoa học là Sccharum arundinaceum retzs, họ lúa, loài cây hạt kín, 1 lá mầm. Trổ hoa từ tháng 6 đến tháng 12.

Chữ “Lư” là lau, chỉ có một cách viết đầy đủ và một cách viết tắt. Chữ “Lư” là làng hoặc cổng làng, cũng chỉ có hai cách viết thôi. Với chữ “lư” này, không thể đọc thành “lô” hoặc “la” như chữ lư-lau được. Riêng chữ “Hoa”, có nhiều cách viết, với nhiều nghĩa, thì rốt ráo cũng chỉ có hai nghĩa chính là bông hoa hoặc tinh hoa mà thôi. Sở dĩ có nhiều cách viết, là do người xưa kị húy tên vua chúa, tên ông bà cha mẹ hoặc thày cô giáo, mà cũng có thể kị húy cả tên thần linh nữa (Bạch Hoa công chúa, Trần Thị Hoa, vua Thiệu Trị có bà phi tên là Hoa…). Chữ Hoa không chỉ kị viết mà còn kị cả đọc nữa, có thể đọc hoa là huê.

Theo hiểu biết hiện nay, “Hoa Lư” có 10 khái niệm: Hoa Lư động, Hoa Lư thành, Hoa Lư xứ, Hoa Lư huyện, Hoa Lư quận, Hoa Lư giáp, Hoa Lư đô, Hoa Lư miếu, Hoa Lư sơn, Hoa Lư khẩu. Trong số này, động và thành (hoặc đô) là hai khái niệm được nói viết nhiều nhất, và chữ “động” có tới hai cách viết khác nhau, nhưng đều chỉ động núi cả 洞 , 峒 .

Vào giữa thế kỷ X về trước, Hoa Lư là tên gọi một sơn động vùng Gia Hưng-Gia Viễn bây giờ, đến năm 968 trở đi, sơn động Hoa Lư vẫn còn đó, những còn thêm một Hoa Lư thành (đô) ở vùng Trường Yên, Hoa Lư bây giờ. Địa danh Hoa Lư đã “phân thân” đi theo Đinh Bộ Lĩnh về vị trí đóng đô. Và chỉ có vậy thôi, các khái niệm còn lại như Hoa Lư huyện (quận, giáp…) không phổ biến và không mấy chính xác.

Do chữ “Hoa Lư” có gốc gác từ một sơn động đầy lau sậy, với một Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, cho nên nói đến hoa lau, cờ lau là nghĩ ngay đến thuở ấu thời của Đinh Bộ Lĩnh. Lau mọc ở mọi miền đất nước, và trong văn học, lau được dùng như là hình ảnh của sự chia ly, cách biệt, biên tái, buồn bã đau khổ, hoang sơ. Chỉ riêng ở vùng sơn động Hoa Lư, lau mới đi vào lịch sử như một huyền thoại đẹp, một điển tích cờ lau tập trận của người anh hùng họ Đinh đáng tự hào. Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X ở Trường Yên chỉ mượn tên, còn nội dung đã hoàn toàn khác. Đó là một Kinh thành, Đô thành hẳn hoi, có thành lũy, lâu đài, cung điện, nhà cửa chùa đền. Nghĩa là tìm lại thành quách, khai quật tìm dấu vết một nền văn minh Đại Cồ Việt, điều mà tiền nhân tự hào đối sánh nó với kinh đô Tràng An ở Trung Quốc xưa. Thiết nghĩ việc trồng lau xung quanh hai ngôi đền Đinh và Lê bây giờ sẽ biến cảnh quan một Kinh đô hoa lệ xưa thành một sơn động Hoa Lư hoang sơ đầy lau lách, đó là điều không nên làm.

TB

TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ CA TRÙ:
TRỮ LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ

NGUYỄN XUÂN DIỆN

Ca trù là một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo và có một vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc của người Việt. Ca trù gắn liền với văn chương, âm nhạc, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Nghiên cứu về ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam.

Tư liệu để nghiên cứu ca trù bao gồm nhiều nguồn khác nhau, hiện đang tồn tại trong dân gian như: tượng thờ, tự khí, câu đối, hoành phi, sắc phong, văn bia, ca phả trong các di tích, cùng những tín ngưỡng, tập tục, kiêng kỵ; các bài ca lưu truyền trong các giáo phường... Mỗi nguồn tư liệu này đều có giá trị nhất định trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về ca trù.

Bài viết này chỉ riêng đề cập đến mảng thư tịch Hán Nôm có liên quan đến ca trù được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chủ yếu bao gồm: sách, thác bản văn bia, thần tích.

I. SÁCH HÁN NÔM VỀ CA TRÙ:

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu trữ một số lượng sách về ca trù rất đáng kể. Hiện số sách này chưa được khai thác, sử dụng làm tài liệu nghiên cứu. Dưới đây, chúng tôi bước đầu giới thiệu mảng tư liệu này (tài liệu xếp theo vần a, b, c):

1. Bài hát ả đào: (AB.652), 1 quyển, chép tay, nét chữ chân phương. Gồm 46 trang, khổ 25x15cm. Sách đã mất đầu, mất đuôi và không rõ soạn giả.

Sách chép ca từ của 8 làn điệu trong ca trù. Thét nhạc, Ngâm vọng (1 bài, có hướng dẫn cách sử dụng phách), Hát mưỡu (1 bài), Hát nói (nhiều bài), Gửi thư (nhiều bài), Hát hãm (1 bài), Dồn Đại thạch (1 bài), Thổng Thiên Thai (nhiều bài). Cuối sách có bài hướng dẫn cách nghe hát và điểm trống chầu (chỉ có 5 dòng, bị mất phần sau).

2. Ca điệu lược ký (AB.463), 1 quyển, bản in (không rõ năm in). Gồm 46 trang, khổ 30x18cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép ca từ của 20 làn điệu ca trù.

3. Ca điệu lược ký (AB.456), 1 quyển, chép tay. Gồm 154 trang, khổ 30x18 cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép ca từ của 18 làn điệu ca trù. Phần sau chép một số bài thơ, phú và một vài điệu lý, không thuộc ca trù.

4. Ca phả (AB.170), 1 quyển, chép tay, lề lối chữ Nôm phân minh. Gồm 284 trang, khổ 31x22cm. Không rõ soạn giả.

Phần đầu đề cập đến lịch sử, nguồn gốc ca trù, nhưng không có sức thuyết phục. Phần sau liệt kê tên gọi 16 làn điệu chuyên dùng để hát ở cửa đình; 9 làn điệu chuyên dùng để hát khi tế tiên sư; 9 làn điệu thường dùng ở tư gia. Cuối cùng là ca từ soạn theo 13 làn điệu ca trù, với số lượng hàng chục bài.

5. Ca trù (VNb.14): 1 quyển, chép tay, chữ dễ đọc. Gồm 34 trang, khổ 20 x 13cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép bài Hát nói của các tác giả: Nguyễn Quang Cự, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tôn Thất Tranh, Doãn Khuê, Nguyễn Đức Nhu, Lê Hữu Thanh, Nguyễn Đức Trứ, Nguyễn Cẩm, Ngô Vinh, Nguyễn Quý Tân, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Đức Ý...

* Sách còn có tên gọi khác, đề ở bìa: Thi văn tập.

6. Ca trù (VNv.192): 1 quyển, chép tay. Gồm 106 trang, khổ 28x16cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép ca từ soạn theo 5 làn điệu ca trù (Ngâm vọng, Bắc phản, Ca bộ,

Bắc cung, Xích Bích phú). Phần cuối chép thơ của Tam Nguyên Yên Đổ.

* Sách không có phần hướng dẫn cách điểm trống chầu, cách đệm đàn như Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu đã ghi nhận.

7. Ca trù các điệu (VNb.15): 1 quyển, chép tay. Gồm 152 trang, khổ 14x11cm. Không rõ soạn giả.

Chép ca từ theo 11 làn điệu trong ca trù, trong đó riêng làn điệu Hát nói có 8 bài. Thể cách của 11 làn điệu ca trù.

* Sách còn có tên gọi khác, đề ở bìa: Tạp văn ca khúc.

8. Ca trù các điệu (VNv.268): 1 quyển, chép tay. Gồm 70 trang, khổ 28x16cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép một số bài Hát nói của Nguyễn Công Trứ (1 bài), Nguyễn Thắng (1 bài), Trương Quốc Dụng... Phần sau là một số bài Hát nói, chép lẫn với các thơ văn khúc.

* Ở tờ 15a có ghi thời điểm biên tập sách năm Giáp Dần, niên hiệu Duy Tân 8 (1914).

9. Ca trù cách thức mục lục (VNv.160): 1 quyển, chép tay. Gồm 156 trang, khổ 27x14cm. Người biên tập: họ Phạm, người xã Phùng Xá, tổng Phùng Xá, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, biên tập năm Duy Tân thứ nhất (1907).

Sách chép về cách thưởng thức, cách gõ phách và điểm trống. Mục lục các bài hát ở cửa đình. Các bài ca trù theo nhiều làn điệu khác nhau.

10. Ca trù lược biên (A. 3075), 1 quyển chép tay, chép trong phần Uy Viễn Nguyễn gia thế phả, đóng trong quyển Gia phả tập biên, khổ 29x20cm.

Sách có chép 7 bài Hát nói của Nguyễn Công Trứ.

11. Ca trù tạp lục (VHv.2940): 1 quyển, chép tay. Gồm 100 trang, khổ 20x14cm. Không rõ soạn giả.

Sách gồm 3 phần. Phần 1: Cách thức đàn và hát ca trù, cách điểm trống và thưởng thức ca trù. Phần 2: Thứ tự diễn xướng ca trù, liệt kê gần 20 làn điệu ca trù. Phần 3: Chép các bài đàn theo lối ghi nhạc cổ (hồ, lưu, xừ, xang), gồm các bản Giao duyên, Cổ bản, Nam bằng, Kim tiền, Nam ai, Nam thương, Tứ Đại cảnh... cùng ca từ các điệu này. Các bài này không thuộc các làn điệu của ca trù.

12. Ca trù thể cách (AB.431): 1 quyển, chép tay. Gồm 31 trang, khổ 29x16cm. Sách đã rách nát. Không rõ soạn giả.

Sách chép một số bài Hát nói của Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Quý Đức (?), Nguyễn Quý Tân, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Lê Đình Tân, Trần Đức Ý, Nguyễn Đức Nhu, Ngô Thế Vinh...

13. Ca trù thể cách (AB.160): 1 quyển, chép tay. Gồm 200 trang, khổ 32x22cm. Bìa trong ghi người sao chép họ Tạ, ở giáp 2, phường Bạch Mai, tổng Kim Liên, chép năm Canh Tý (?). Đầu quyển có bài Quốc phong trường dẫn, bàn về nhạc lý dân tộc, viết năm Tự Đức 6 (1853), sau đó là Phàm lệ rồi bài về Ngũ cung và những lề lối biến âm; hướng dẫn dạo đàn. Phần tiếp theo nói về thể cách của 53 làn điệu, trong đó có những làn điệu không thuộc ca trù (Vọng cổ, Hát kể, Hát lý, Hát bội, Hát sắc bùa). Phần cuối sách chép về lề lối của 22 làn điệu ca trù, có ca từ kèm theo, trong đó có 162 bài Hát nói, 15 bài Độc thi, 4 bài Gửi thư.

Sách giới thiệu nhiều làn điệu cổ chưa thấy ai nói trong các sách báo về ca trù, cũng như trong dân gian. Đây là tài liệu quý trong việc nghiên cứu ca trù, trên mọi phương diện.

14. Ca trù thể cách (VNv.99): 1 quyển, chép tay. Gồm 222 trang, khổ 27x14cm. Không rõ soạn giả.

Sách gồm 2 phần. Phần 1: Cách thưởng thức ca trù. Phần 2: Chép ca từ của 7 làn điệu trong ca trù, trong đó có hàng chục bài theo làn điệu Hát nói.

15. Ca trù thể cách (AB.499): 1 quyển, chép tay. Gồm 66 trang, khổ 29x16cm. Sách do Cung Đan (?) sao năm Khải Định 4 (1920).

Mục lục 26 làn điệu ca trù, mỗi điệu đều nói rõ việc sử dụng trong diễn xướng. Bàn về ngũ cung, cách nghe hát và điểm trống. Ca từ của các làn điệu đã ghi trong mục lục, trong đó riêng điệu Hát nói có 95 bài.

16. Ca trù thể cách (AB.20): 1 quyển, bản in, do nhà in Quan Văn Đường in năm Thành Thái 12 (1900). Gồm 50 trang, khổ 24x15cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép ca từ của các làn điệu trong ca trù.

17. Ca trù thể cách (AB.621): 1 quyển, bản in, do nhà in Liễu Chàng in năm Canh Thìn (1880) niên hiệu Tự Đức. Gồm 50 trang, khổ 23x14cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép ca từ của 25 làn điệu trong ca trù.

18. Ca trù thể cách (AB.564): 1 quyển, chép tay, chép lại từ bản in năm Nhâm Tuất (?) của nhà in Đồng Văn Đường. Gồm 142 trang, khổ 26x15cm. Không rõ soạn giả.

Sách gồm 4 phần: Phần 1: luận về ngũ cung. Phần 2: Lề lối điểm trống, dạo đàn, gõ phách. Phần 3: Ca từ của các làn điệu Ngâm vọng, Mưỡu. Phần 4: Mục lục 25 làn điệu ca trù.

19. Ca trù thể cách (VNv.124): 1 quyển, chép tay. Gồm 40 trang, khổ 23x16cm. Không rõ soạn giả.

Sách giới thiệu khá tỉ mỉ lề lối ca trù về đàn, trống, phách, với nội dung dễ hiểu. Phần sau có các bài minh họa.

20. Ca trù tạp lục (AB.426): 1 quyển, chép tay. Gồm 90 trang, khổ 23x13cm. Không rõ soạn giả.

Lề lối phách, trống của vài chục làn điệu ca trù. Ca từ của nhiều làn điệu ca trù, trong đó có vài chục bài theo điệu Hát nói, 12 bài theo điệu Nói Nam, 11 bài theo điệu Hà Nam cách, 7 bài theo điệu Vênh kệ...

21. Ca xướng các điệu (AB.414): 1 quyển, chép tay. Gồm 50 trang, khổ 28 x 16 cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép về thể thức, lề lối các điệu Hát giai, Dâng hương, Hát nói, Cung bắc, Độc phú, Dồn Đại thạch. Cách nghe hát, điểm trống. Phần cuối sách chép một số bài theo điệu Hát nói.

22. Các điệu ca trù và một số bài ca trù cổ (VNv.100): 1 quyển, chép tay.

Gồm 70 trang, khổ 25x13cm. Không rõ soạn giả.

Sách gồm 2 phần: Phần 1: Lễ thức hát ở cửa đình. Phần 2: Ca từ của 15 làn điệu trong ca trù.

23. Các điệu hát cổ và một số bài thơ (VNv.232): 1 quyển, chép tay. Gồm 94 trang, khổ 26 x 15cm. Không rõ soạn giả.

Sách gồm nhiều phần. Phần 1: Ca từ của 13 làn điệu ca trù. Phần 2: Cách điểm trống. Phần 3: Mục lục các bài hát ở cửa đình, gồm 16 làn điệu. Phần 4: Lề lối đàn và phách cho các làn điệu ca trù. Phần 5: Ca từ của 21 làn điệu, trong đó có một số làn điệu cổ chưa thấy ai nói đến trong sách báo cũng như trong dân gian, cũng có làn điệu không thuộc ca trù (Hát dặm).

24. Đại Nam Quốc âm ca khúc (AB. 146): 1 quyển, chép tay. Gồm 232 trang, khổ 31x21cm. Sách ghi do Thượng thư Nguyễn Công Trứ soạn.

Sách gồm 3 phần. Phần 1: Ca từ của hơn 10 làn điệu trong ca trù, trong đó có 40 bài theo điệu Hát nói. Phần 2: Ca từ của các điệu Nam bằng, Nam ai, Tứ Đại cảnh, đều không thuộc ca trù. Phần 3: Các bản đàn Kê Khang, Tư Mã Phượng cầu, Tam thiên tụng, Phú lục, ghi theo lối ghi nhạc cổ, các bản đàn này cũng không thuộc ca trù.

25. Đào nương ca trù xướng loại (VHv.129): 1 quyển, chép tay. Gồm 70 trang, khổ 29x16cm. Cống Đình Nguyễn Thị Tý chép năm Thành Thái 13 (1901).

Trong sách có chép ca từ của một số làn điệu ca trù và cách điểm trống chầu.

26. Điểm ca cổ pháp (VHb.315): 1 quyển, chép tay. Gồm 58 trang, khổ 21x14cm. Không rõ soạn giả.

Sách hướng dẫn cách điểm trống khi nghe hát, có dẫn ca từ theo các điệu và chỉ rõ thời điểm điểm trống. Phần sau chép ca từ của 52 bài theo điệu Hát nói.

27. Đông Ngạc xã phụng sự ca xướng Quốc âm văn (AB.442): 1 quyển, chép tay, chữ thảo khó đọc. Gồm 44 trang, khổ 23x14cm. Không rõ soạn giả.

Sách chép bài Sự thần ca xướng thưởng đào văn là ca từ của một làn điệu ca trù cổ.

28. Hoa Dung tiểu lộ (AB. 422), 1 quyển, chép tay, gồm 50 trang, khổ 27x15cm.

Sách có chép 56 bài ca trù, chủ yếu theo điệu Hát nói của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát...

29. Khẩu sử ký (AB.417): 1 quyển, chép tay. Gồm 47 trang, khổ 26x18cm. Người biên tập: Châu Thụ tử (Nguyễn Hữu Quý). Người sao chép: Trịnh Tuấn Thắng.

Trong sách có chép 3 bài Hát nói.

30. Thi ca tạp biên (VHv.613): 1 quyển, chép tay. Gồm 48 trang, khổ 28x16cm. Không rõ soạn giả.

Trong sách có chép 9 bài Hát nói.

31. Thượng điện xướng ca (AB.642): 1 quyển, chép tay. Gồm 32 trang, khổ 28x16cm. Lý trưởng Nguyễn Văn Thát sao chép năm Thành Thái 14 (1902).

Sách có chép những câu hát giáo đầu ở đền miếu.

32. Vân Trì Dương Đại nhân tiên sinh đối liễn tịnh thi văn (A.3007): 1 quyển, chép tay. Gồm 124 trang, khổ 28x16cm.

Trong sách có chép một số bài Hát nói của Dương Khuê.

33. Vân song tạp lục (A.215): 1 quyển, chép tay. Gồm 88 trang, khổ 32x22cm. Không rõ soạn giả.

Trong sách có chép ca từ 77 bài ca trù, theo các làn điệu khác nhau.

34. Xướng khúc tập thi phụ xướng khúc tập biên (AB.195): 1 quyển, chép tay. Gồm 192 trang, khổ 30x20cm. Nam Dương Ngô (Đình Thái), tự Bảo Quang, hiệu Tùng Hiên soạn.

Trong sách có ca từ của điệu Thổng trong ca trù.

Các tư liệu kể trên, tựu trung đề cập đến hai khía cạnh: 1. Cách thức biểu diễn ca trù (cách đệm đàn, dạo phách, cách hát, cách điểm trống chầu và lề lối diễn xướng...). 2. Ca từ của các làn điệu ca trù.

Số tài liệu này rất quý, trước hết là vì nó được viết ra bởi các quan viên đã từng đi nghe hát, rất hiểu âm luật, sành chơi và thuộc, sáng tác nhiều bài thơ - ca trù. Trong kho sách Hán Nôm, sách chép về các lối hát cổ truyền cũng khá nhiều, song chỉ có ở các tư liệu về ca trù là có đề cập đến nghệ thuật biểu diễn một cách đầy đủ nhất.

Những tư liệu này sẽ giúp cho nhà nghiên cứu và biểu diễn ca trù hình dung và hiểu được về một bộ môn nghệ thuật bác học hiện đang mai một dần. Đây cũng là nguồn tư liệu quan trọng để chứng minh nghệ thuật ca trù là một bộ môn mang tính bác học mà lề lối và cách thức đã nâng lên thành những chuẩn mực với tính khái quát cao. Sử dụng nguồn tư liệu này hẳn sẽ không khó vì nó được trình bày bởi chính các nghệ nhân đã từng hiểu biết đam mê ca trù.

Ngoài những phần thuộc về biểu diễn, một số tư liệu cũng có trình bày những hiểu biết về âm nhạc ca trù theo lối hiểu cổ truyền. Những kiến thức như vậy là cứ liệu cho nhà nghiên cứu về âm nhạc đời sau tìm hiểu âm nhạc trong quá khứ.

Phong phú nhất trong mảng sách về ca trù trong kho tàng thư tịch Hán Nôm là những bài thơ soạn cho ca trù. Số lượng của các bài ca trù thật là lớn. Ca trù có đến hơn 80 làn điệu khác nhau, và mỗi làn điệu này lại có nhiều ca từ (phần lời) khác nhau, khiến cho số bài ca trù lên đến hàng nghìn bài. Nhiều làn điệu rất cổ, hiện rất ít người hát và thuộc được, dường như đã thất truyền thì ca từ vẫn còn được chép trong những sách này.

Ở đây không thể không nhắc đến một làn điệu ca trù đặc biệt: Hát nói. Hát nói là một làn điệu ca trù được sinh ra bởi nhu cầu của chính sự phát triển của bộ môn nghệ thuật này. Nó là đỉnh cao của nghệ thuật ca trù trên mọi phương diện: văn chương, âm nhạc và lề lối thưởng thức. Thể thơ này rất được các nghệ sĩ thi nhân yêu thích. Số lượng các bài Hát nói rất lớn. Mấy trăm bài Hát nói mà Tuyển tập thơ ca trù(1) Việt Nam ca trù biên khảo(2) tuyển chọn chỉ là số ít trong kho tàng các bài Hát nói đã được sáng tác trong hai thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20. Những sách về ca trù kể trên chủ yếu chỉ chép các bài ca trù có tên tác giả, còn những sách như Ca trù thể cách (8 bản), Ca phả (AB.170), Thính ca pháp (VHv.2478), Thính ca điểm cổ sáo phụ hát nói ca (AB.301)... thì lại chủ yếu chép những bài Hát nói của các tác giả khuyết danh. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, số lượng các bài đã lên đến cả nghìn bài.

Các bài ca trù này gợi mở rất nhiều cho việc nghiên cứu, không những ở tư cách một nghệ thuật ngôn từ, mà ở trong đó còn chứa đựng những triết lý và quan niệm nhân sinh mới mẻ và phóng khóang, là một tư liệu bổ ích trong việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng của người Việt. Thơ Hát nói hầu hết sáng tác bằng chữ Nôm và nhiều tác phẩm đã đạt giá trị văn học rất cao. Thơ Hát nói, do vậy phải được coi là có một vị trí xứng đáng trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Thể thơ này cũng mang trong nó trữ lượng đáng kể về vốn sống, vốn ngôn từ, vốn thơ ca và tri thức dân gian.

Dưới góc nhìn Hát nói như một thể loại văn học đặc sắc, các tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề trong chuyên khảo Việt Nam ca trù biên khảo đã chỉ ra rằng: "Trong Hát nói, từ và thơ luật của Tầu đứng cạnh lục bát và song thất lục bát của ta. Từ khi chữ Nôm thịnh hành, chắc chắn các nhà thơ Việt Nam đã khổ công tìm kiếm một thể văn phù hợp với lối chữ viết ấy. Chữ Nôm chính là chữ Hán pha trộn với âm Việt. Thì đây Hát nói cũng chính là thể thơ Tầu pha trộn với thể thơ Việt. Văn thể Hát nói không những biểu hiện cái tinh thần độc lập mà còn biểu hiện cả cái khả năng đồng hóa của dân tộc ta. Chính nhờ có cái tinh thần độc lập và cái khả năng đồng hóa ấy mà nền văn hóa dân tộc của chúng ta vẫn tồn tại và phát triển sau bao lần xâm lược của ngoại bang. Hơn nữa, Hát nói rất phù hợp với những nội dung đứng giữa hai thái cực: một bên là những nội dung cô đọng quá dành cho thơ luật, một bên là những nội dung khai triển quá như truyện và ngâm dành cho lục bát và song thất lục bát"(3).

II. THẦN TÍCH

Ca trù là một bộ môn nghệ thuật mang tính bác học nhưng nó lại được nuôi dưỡng và gìn giữ trong dân gian. Không gian tồn tại của ca trù là hội hè, lễ tiết, phong tục của nông thôn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong không gian này, ca trù được bảo lưu một cách trọn vẹn nhất và không bị tha hóa. Sự bảo lưu của ca trù trong dân gian từ lâu đã được một số học giả để tâm nghiên cứu, sưu tầm. Một số làng như Lỗ Khê (Đông Anh- Hà Nội), Thượng Mỗ (Đan Phượng - Hà Tây), Ngọc Bộ (Châu Giang - Hưng Yên), Cổ Đạm (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), Ngọc Trung (Thọ Xuân - Thanh Hóa)... là nơi có đền thờ và lưu truyền nhiều câu chuyện về sự tích các ca nữ, ca công. Những làng này được xem như những làng nghề ca trù nổi tiếng. Và cũng giống như các làng nghề khác (kể cả các làng nghề thủ công, mỹ nghệ, các làng nghề nghệ thuật như làng chèo, làng rối, làng tuồng) làng nghề ca trù cũng có thờ Tổ nghề. Vị Tổ nghề ca trù là người đem nghề truyền vào làng và dạy cho dân biết nghề. Vị Tổ nghề được coi như là Thành hoàng làng mà việc thờ cúng, huý kỵ được tiến hành và tôn trọng như bất kỳ một làng quê nào khác. Tuy nhiên, thần tích về các vị này thì gần như vắng bóng trong kho sách Thần tích (ký hiệu AE) ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có lẽ nguyên nhân chính là các làng đã lảng tránh không muốn khai với các nhân viên của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp về vị thần là "cô đầu" của họ khi các nhân viên này đến điều tra, sưu tầm thần tích. Vì rằng, vào thời điểm này (1938), sinh hoạt ca trù ở nơi phố thị đã bị lợi dụng để biến thành nơi hút xách, ăn chơi rất tai tiếng.

Hiện nay, chúng tôi mới chỉ thấy xã Lỗ Khê, tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) có bản thần tích về tổ ca trù là Đinh Công và Mãn Đường Hoa ở trong kho Thần tích, mang ký hiệu AE a7/1, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Giờ đây, khi về điền dã ở một số làng ca trù, chúng tôi thấy các làng này đôi khi vẫn còn giữ được thần tích về tổ nghề, cũng như sắc phong của Nhà nước phong kiến phong cho các vị thần. Điều đáng chú ý là vị tổ nghề ở các làng thường gồm 2 người một nam, một nữ, là hai vợ chồng, cũng là đào và kép. Người đàn ông ở đây đựơc gọi bằng cái tên không giống nhau giữa các làng, khi thì là Đinh Lễ (Cổ Đạm), khi thì là Đinh Dự (Lỗ Khê), khi lại là Đinh Triết (Hạ Mỗ)... Các nhà nghiên cứu khi quan sát thấy ở đâu có ả đào thì cũng thường liên

quan đến họ Đinh, đã đặt ra nghi vấn nhưng chưa có lời giải đáp(4).

Trở lại với các làng quê, chúng tôi thấy có nhiều làng không làm nghề ca trù nhưng vẫn có một số miếu, quán, am, đền thờ những ca nữ có cái chết thiêng khi đi qua những làng này, hoặc nhiều khi vì họ có công với dân làng...

Tư liệu thần tích, sắc phong và các tự khí khác trong không gian thiêng ở các đền thờ ca công tại các làng quê có thờ tổ nghề ca trù, nếu được kết hợp trong sự nghiên cứu liên ngành chắc chắn sẽ đưa lại kết luận lý thú về lịch sử ca trù - một vấn đề đang được đặt ra mà chưa đạt được sự thống nhất trong giới nghiên cứu văn hóa hôm nay.

III. VĂN BIA

Văn bia liên quan đến ca trù tuy không nhiều lắm song cũng được coi như một mảng tư liệu khá đặc sắc. Trong bài viết Vài nét về việc mua bán quyền hát cửa đình qua một số tư liệu văn bia, Nguyễn Hữu Mùi đã đề cập về địa bàn phân bố, hình thức, niên đại và nội dung của gần 30 văn bia này, hiện đang có thác bản trong kho sách Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm(5). Những văn bia này là tài liệu đáng tin cậy trong việc nghiên cứu về lịch sử ca trù cũng như về lề lối sinh hoạt ca trù.

Ở đây, chúng tôi muốn nói thêm về các bia đá, khánh đá có khắc các bài ca trù (chủ yếu là theo điệu Hát nói). Vách đá hang Trầm (Long Tiên động) ở Hà Tây, vách đá núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa, vách núi Non Nước ở Đà Nẵng(6) là những nơi có khắc nhiều bài ca trù hay. Các danh thắng thiên nhiên trong cả nước ta chắc chắn còn lưu giữ nhiều bài ca trù nữa mà trong tương lai nếu sưu tập đầy đủ chúng ta sẽ có một tập các bài thơ ca trù về thiên nhiên đất nước có giá trị văn học đặc sắc.

Tóm lại, tư liệu Hán Nôm về ca trù bao gồm sách, thần tích, văn bia và khánh... đang mang một trữ lượng thông tin lớn xung quanh nghệ thuật ca trù. Đây là mảng tài liệu rất quý và đáng tin cậy để nghiên cứu về lịch sử ca trù, lịch sử nghiên cứu ca trù, nghệ thuật biểu diễn và các văn bản thơ - ca trù.

N.X.D

CHÚ THÍCH

(1) Ngô Linh Ngọc và Ngô Văn Phú: Tuyển tập thơ ca trù. Nxb. Văn học, H. 1987.

(2) Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề: Việt Nam ca trù biên khảo. Sài Gòn 1962.

(3) Sách đã dẫn, trang 139 và 140.

(4) Xem Vũ Ngọc Khánh: Thơ nhạc từ dân gian đến bác học để trở về dân gian, Tạp chí Văn học số 4-1997, tr.18.

(5) Nguyễn Hữu Mùi: Vài nét về việc mua bán quyền hát cửa đình qua một số tư liệu văn bia, Tạp chí Hán Nôm số 2-1989.

(6) Xem Hiền Lương, Bạch Văn Luyến: Một số bài thơ Nôm khắc ở vách đá trong hang Trầm. Tạp chí Hán Nôm số 1 - 1988, tr.31 - 33. Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 1993, tr.1052. Trịnh Khắc Mạnh, Trương Đức Quả: Về những thác bản văn khắc chữ Nôm ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1994, tr.19 - 20.

TB

NHỚ BÁC PHẠM THIỀU

PHONG LÊ

LTS: Nhân dịp Viện Nghiên cứu Hán Nôm chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập Viện (1979-1999) và 30 năm thành lập Ban Hán Nôm (1970-2000) tiền thân của Viện, Tạp chí Hán Nôm giới thiệu bài viết của GS Phong Lê về “Bác Phạm Thiều”, người lãnh đạo đầu tiên của Ban Hán Nôm.

Miễn Trai(1) gắng gìn giữ sự trong sạch, bút hiệu ấy tôi thấy thật ít ai thích hợp hơn Giáo sư Phạm Thiều, người tôi không có vinh dự trực tiếp là trò, nhưng vẫn có may mắn được gần gụi và sinh hoạt với ông trong cùng cơ quan Viện Văn học từ 1965, là năm khai giảng lớp Đại học Hán học, đến 1970, là năm ông được điều động sang xây dựng Ban Hán Nôm vừa mới thành lập, tiền thân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay.

Trước khi được cùng sinh hoạt với ông, tôi đã có “biết” ít nhiều về ông qua thái độ trân trọng của Giáo sư Viện trưởng Đặng Thai Mai - người đồng hương xứ Nghệ và có thời cùng là đồng môn với ông ở trường Quốc học Vinh và trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ít tuổi hơn Đặng Thai Mai, nhưng Phạm Thiều lại nổi tiếng là học giỏi, luôn luôn đứng vị trí đầu lớp. Câu chuyện đó sau này Đặng Thai Mai đã có dịp viết trong hồi ký của mình: “Anh Phạm Thiều” bé như cái đinh mén”, nhưng nói đến chuyện học thì không chê vào đâu được: ngày học, đêm học, nắng hè như thiêu đốt, trời đông giá lạnh vẫn học 11, 12 giời đêm. Ngày hè, tháng nghỉ, anh vẫn mê mết với sách vở, với những bài toán của chương trình những năm sắp tới. Đối với anh hình như trong danh bạ của lớp học chỉ có một chỗ ngồi xứng đáng là địa vị đầu lớp”(2).

Có thể nói ở Phạm Thiều là sự chung đúc bản chất, tính cách của một lớp học trò xứ Nghệ, vốn là cả một danh sách dài, có không ít người nổi tiếng những năm 20 và 30, để sau 1945 trở thành đội ngũ cán bộ văn hoá, khoa học cốt cán và đầu đàn của nền Dân chủ Cộng hoà.

Một điều cũng đáng chú ý là lớp trí thức yêu nước xứ Nghệ ra đi từ nguồn Quốc học Vinh ấy gồm những Hoàng Ngọc Phách, Cao Xuân Huy, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn… tiếp đến là Hoài Thanh, Nguyễn Khắc Viện… số lớn đều hành hương ra Bắc, còn Phạm Thiều lại thuộc số ít vào Nam.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Phạm Thiều đã được giao chức trách Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Gia Định-Chợ Lớn, rồi Giám đốc Nha giáo dục phổ thông Nam Bộ. Không kể trước đó ông đã là bậc thầy nổi tiếng về hai môn Hán văn và Việt văn của trường Trung học Trương Vĩnh Ký. Trên cương vị một trí thức tên tuổi cùng lứa với Đặng Thai Mai, Ca Văn Thỉnh… tuổi 40 của Phạm Thiều đã dành cho Nam Bộ nói chung, Sài Gòn-Gia Định nói riêng. Để rồi-chẵn 30 năm sau, sau hai cuộc trường chinh của dân tộc đi đến đại thắng mùa xuân 1975, ông lại cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn tiếp quản những công việc mới mà ông đã có kinh nghiệm trong nhiều năm ở Hà Nội. Ở tuổi 70, sau khi rời Ban Hán Nôm của Viện Khoa học xã hội, chuyển vào Sài Gòn, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu Hán Nôm, và phụ trách Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội. Trong hơn mười năm cuối đời, sống và công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tham gia chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu khoa học xã hội, nhiều hội thảo lớn về danh nhân văn hoá như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông… Ông lại đang có dự định cùng học giả Ca Văn Thỉnh làm một công trình nghiên cứu về Nam Bộ và Văn hoá Nam Bộ trước khi Pháp sang-rất có thể đó sẽ là công trình có đóng góp cho đề tài 300 năm Sài Gòn. Đáng tiếc là công trình này cả hai ông đều chưa thực hiện được.

Kỷ niệm còn lưu giữ khá sâu về Giáo sư Phạm Thiều đối với chúng tôi là thuộc mấy năm ông về Viện Văn học, sau khi thôi công tác Đại sứ một số nước Đông Âu, để làm thấy lớp Đại học Hán học. Gọi ông là Giáo sư là hoàn toàn đúng, dẫu ông chưa hề nhận học hàm Giáo sư. Bởi ông là một trí thức có kiến văn kỹ lưỡng về văn hoá Phương Đông và nền văn hoá cổ dân tộc. Là người có phương pháp sư phạm để truyền thụ một cách rất hấp dẫn các kiến thức khó, theo đúng nghĩa một ông thầy. Còn hơn thế nữa, đối với lớp thanh niên chúng tôi, thầy Thiều hay bác Thiều, hay Cố Tư, hay Phạm mỗ đều là hiện thân gần như trọn vẹn sự toàn tâm toàn ý với các công việc được giao mà không có chút bận tâm gì về quyền lợi, về đãi ngộ. Là người có thẻ gom đủ, hơn thế, là kết tinh cao các phẩm chất: cần cù, giản dị, tận tụy, nghiêm túc, liêm khiết, trong sạch, nhân hậu… Khó có thể chê, hoặc bàn tán gì về ông trong tất cả mọi hành vi, ứng xử của đời công và đời tư. Nét sống nổi bật của ông theo như tôi nhớ, là tuyệt đối không làm phiền ai. Tuyệt đối không vì uy tín và tuổi tác mà nhờ cậy, hoặc sai khiến ai. Việc chợ búa nơi sơ tán ông tự lo. Hàng căng tin của cơ quan ông nhường hết cho lớp cán bộ nghèo. Ăn cơm tập thể ông cũng sắp hàng như mọi người. Lên xe về Hà Nội ông nhường chỗ tốt cho phụ nữ và trẻ con… Tóm lại, đó là tấm gương của sự nhường nhịn, hy sinh, đôi khi đến như khắc khổ và có phần cố chấp, khiến ai không thật hiểu ông đều có thể ít nhiều tự ái hoặc chạnh lòng. Có thể nói, Phạm Thiều-như chính bút danh Miễn Trai của ông, là một cán bộ, một đảng viên, một nhà giáo, một người nghiên cứu cực kỳ gương mẫu - tôi có thể cam đoan thế. Cũng chính từ sự gương mẫu đó mà có giai thoại về chuyện Cố Tư tu dưỡng bản thân theo lối vận dụng hai lọ đỗ đen trắng của Trình tự-một môn sinh họ Khổng thời Trung Hoa cổ đại.

Người thầy dạy Hán Nôm cổ ấy lại cũng là người gắn bó rất tha thiết với thời sự chính trị và văn chương. Dường như mọi kỷ niệm trong những tháng năm hoạt động ở Nam Bộ vẫn in đậm và sống động trong tâm trí ông, trong niềm thương nỗi nhớ của ông. Đó là lý do để nhà nghiên cứu Miễn Trai-chuyên gia về Hàn, Liễu, Âu, Tô; về Ức Trai và Nguyễn Đình Chiểu vẫn viết, và viết hay những tiểu luận và phê bình nhằm cổ vũ cho cuộc chiến đầu ở Miền Nam, cho Văn học Giải phóng Miền Nam, như bài viết về hồi ký Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, về Mỹ thì Mỹ cóc cần! Khẳng định sức sống của cuộc chiến tranh nhân dân ở Miền Nam.

Chức trách Trưởng ban Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội giao cho ông quả ai không xứng đáng hơn. Nhiều dự định lớn ông đang ấp ủ: đào tạo một thế hệ trẻ tinh thông Hán Nôm, làm sách Thư mục Hán Nôm và thơ bang giao đi sứ… Thế nhưng ông đã vui vẻ nhận lãnh nhiệm vụ mới sau bốn năm công tác để vào Thành phố Hồ Chí Minh ở tuổi 70. Những gì ông làm cho việc tiếp quản và xây dựng cơ sở học thuật mới này cần được ghi nhận trong Tiểu sử hơn 20 năm của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Những năm này chúng tôi quá bận rộn trong nhiều công việc mới; mặt khác, đời sống thời bao cấp ở đỉnh cao lại quá lắm khó khăn, nên sau cuộc chia tay với ông bà ở căn gác nhỏ phố Hàn Thuyên, tôi ít có dịp được gặp ông. Mấy cuộc đi công tác phía Nam vào đầu 80, không hiểu sao tôi lại không ghé thăm ông bà- đó là điều mà cho mãi đến hôm nay tôi vẫn không sao nguôi khuây ân hận. Cho đến khi đột ngột nghe tin ông mất- cuối năm 1986 - một cuộc ra đi không bình thường, mà lý do không mấy ai muốn dò hỏi, tôi cùng mấy bạn bè thân thiết bỗng quá sững sở. Và cố nhiên là buồn, buồn hơn bất cứ mọi cuộc ra đi nào khác.

Người trí thức, nhà học giả có trên nửa thế kỷ hoạt động cho sự nghiệp văn hoá, khoa học, giáo dục cách mạng là Phạm Thiều rất đáng được chúng ta nhớ đến và biết ơn vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Suy nghĩ và mong mỏi đó ở tôi bỗng có thêm sự hỗ trợ khi được đọc trên Thế giới mới, số 278, ngày 23-3-1998 bài Vài kỷ niệm khó quên với thầy yêu kính của tôi: cố Giáo sư Phạm Thiều của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê. Bài viết kể lại một kỷ niệm nhỏ mà in dấu rất sâu trong cuộc đời nghề nghiệp của tác giả, sau hơn 40 năm gặp lại thầy Thiều ở Hội thảo khoa học về Nguyễn Trãi tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 1980. Ấy là một cuộc gặp gỡ cảm động giữa trò với thầy, cả hai đều thấm nhuần đạo lý “nhất tự vi sư-bán tự vi sư”. Với Phạm Thiều, ông đồ Nho và đồ Tấy xứ Nghệ, chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm, người cán bộ cách mạng gương mẫu- dường như lúc nào ông cũng giản dị và nhũn nhặn thế, đúng như trong ký ức của Giáo sư Trần Văn Khê.

CHÚ THÍCH

(1) Bút danh của Phạm Thiều (1904-1986).

(2) Hồi ký, Nxb. Tác phẩm mới, H.1985; tr.265.

TB

"SƯƠNG GIEO" CHỨ KHÔNG PHẢI "SƯƠNG SIU"

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Trong quyển Chinh phụ ngâm bị khảo, ở bài F, câu 168, Hoàng Xuân Hãn đã phiên âm hai chữ 霜 超 là “sương siu” và chú thích là vấn vít.

Chúng tôi nhận thấy cần phải tìm hiểu lại xem hai chữ ấy có thể phiên âm là “sương siu” được không?

Nếu truy nguyên về cách phiên âm của hai chữ 霜 超 thì Nguyễn Văn Tố là người đầu tiên đã phiên âm hai chữ ấy là “sương siu” trong Hoa tiên ký diễn âm (c.510) in trong tập Kỷ yếu hội Trí tri (Bulletin de la Société d’Enseignement mutuel) số 3-4 từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1936.

Hoàng Xuân Hãn, đến năm 1953, trong quyển Chinh phụ ngâm bị khảo, chỉ là người thứ hai đã phiên âm hai chữ 霜 超 là “sương siu” và chú thích là vấn vít, bịn rịn.

Lại Ngọc Cang, đến năm1961, trong truyện Hoa tiên, ở câu 754, trang 137 đã phiên âm hai chữ 霜 超 là “sương siu” theo Hoàng Xuân Hãn và đã chú thích như sau:

Sương siu: tiếng cổ, nghĩa là vấn vít, quyến luyến. Đặng Trần Côn viết trong nguyên bản Chinh phụ ngâm: “Lương đầu song yến yến, bạch thủ hà tằng vong khiển quyển.” (Đầu xà nhà, đôi chim én sống bên nhau đến bạc đầu há từng quên vấn vít). Bản F đã dịch là:

Kìa xem đôi én dập dìu,
Trọn mùa ríu rít sương siu đầu rường.

Đào Duy Anh, trong truyện Hoa tiên in năm 1978, đã phiên âm hai chữ 霜 超 theo Hoàng Xuân Hãn là “sương siu” và đã chú thích như sau (ở câu 492):

“Sương siu: từ xưa, có nghĩa là sai trái, trật trẹo. Câu này ý nói vì việc làm sai trái (lạc lối vườn nào) tự tiện sang vườn láng giềng mà phải chịu tội trễ nải. Cũng có khi nghĩa là quấn quýt, bịn rịn nhưng không phải nghĩa ở đây”.

Qua các câu trích dẫn ở trên, chúng tôi nhận thấy sự sai nhầm đã bắt đầu từ Hoàng Xuân Hãn vì ông đã căn cứ vào câu thơ dịch ở bài F (trong Chinh phụ ngâm bị khảo) để phiên âm và chú thích hai chữ 霜 超 .

Nếu căn cứ vào hai câu dịch ở bài F:

Kìa xem đôi én dập dìu,
Trọn mùa ríu rít sương siu đầu rường.

mà đối chiếu với câu nguyên tác của Đặng Trần Côn:

Hựu bất kiến: Lương đầu song yến yến,
Bạch thủ hà tằng vong khiển quyển.

thì chúng ta thấy rõ ngay:

"Hựu bất kiến" đã được dịch là: "kìa xem";

"Lương đầu" đã được dịch là: "đầu rường";

"Song yến yến" đã được dịch là: "đôi én";

"Bạch thủ" đã được dịch là: “sương siu” (gieo);

"Hà tằng vong khiển quyển" đã được dịch là: "dập dìu trọn mùa ríu rít".

rằng Hoàng Xuân Hãn đã nhận nhầm “sương siu” là được dịch từ chữ khiển quyển vì thấy tự điển J.F.M. Génilrel ghi:

KHIỂN: - khuyển (quyển) amis intimes - quyện (bịn rịn), difficile à séparer.

Nhưng thực ra khiển quyển mới có nghĩa là bịn rịn, quyến luyến nhau, không rời xa nhau như bài F đã dịch là dập dìu trọn mùa ríu rít (tức vấn vít, bịn rịn, không xa nhau).

Riêng hai chữ bạch thủ mới được dùng để dịch là 霜 超 (sương gieo) mà Hoàng Xuân Hãn đã phiên âm sai là “sương siu” và đã giải thích sai là "bịn rịn".

Chúng tôi xin nói rõ thêm về hai chữ 霜 超 (sương gieo).

SƯƠNG GIEO tức sương gieo điểm trắng mái đầu là do chữ sương trụy hoặc sương uy thường được dùng trong Hán văn.

Chữ SƯƠNG ngoài nghĩa thông thường là hơi nước đọng thành hạt nhỏ, còn có hai nghĩa bóng:

1. SƯƠNG là trắng:

Từ Hải có ghi 白 曰 霜 (bạch viết sương)

Nghĩa này chúng ta thấy trong nhiều từ như sương phát sương mấn (tóc bạc trắng).

Trong thơ văn của ta cũng có các câu:

Tuyết sương điểm trắng mái đầu hoa râm (Truyện Kiều);

Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về (Chinh phụ ngâm);

Da mồi sạm mặt, tóc sương điểm đầu (Nhị độ mai).

2. SƯƠNG là hình phạt, tai họa (vì sương rơi đã làm cho cây cỏ bị tàn tạ) hoặc sự quở trách nghiêm khắc như sương uy, sương liệt (chỉ uy thế dữ dội, đáng sợ). Tấn thư: “Sương uy nhất chấn = oai sương đã gieo xuống”.

Nay căn cứ vào các nghĩa ấy, chúng ta có thể giảng được câu 492 và câu 736 trong Hoa tiên và câu thứ bảy trong bài Cảm cựu...

a. Câu 492 trong “Hoa tiên”:

Câu này Nguyễn Văn Tố(1), Đinh Xuân Hội, Tôn Thất Lương và Lại Ngọc Cang đều phiên âm là Sương gieo để chịu biết bao tội tình. Nguyễn Văn Tố không có chú thích, Đinh Xuân Hội đã chú thích:

Sương gieo: bởi chữ sương trụy là nói vạ đến như sương gieo vào. Câu này ý Vân Hương nói vì đi lạc lối mà phải mắc cỡ nên xin chịu lỗi với Dao Tiên”.

Tôn Thất Lương cũng chú thích tương tự như Đinh Xuân Hội:

Sương gieo: sương rơi xuống làm cho cây cỏ điêu tàn. Đây ví với sự tai vạ, bị quở trách như sương gieo, do chữ “sương oai nhất chấn”: oai sương đã gieo xuống (Tấn thư), và đã diễn giải là: “Tôi trót vì đi lạc nẻo nơi vườn nào đây (tức là nơi lối thông vườn Lương Sinh) hóa ra về trễ, làm nên tội tình”.

Đào Duy Anh tuy phiên âm theo Hoàng Xuân Hãn (sương siu) nhưng lại chú thích theo Đinh Xuân Hội và Tôn Thất Lương:

Sương siu: từ xưa, có nghĩa là sai trái, trật trẹo. Câu này ý nói vì việc làm sai trái (lạc lối vườn nào) tự tiện sang vườn láng giềng mà phải chịu tội trễ nải. Cũng có khi nghĩa là quấn quýt, bịn rịn nhưng không phải nghĩa ở đây).

Qua cách phiên âm và chú thích ở trên, chúng tôi nhận thấy Đinh Xuân Hội và Tôn Thất Lương đã đúng.

b. Câu 736 trong “Hoa tiên”:

Câu này Nguyễn Văn Tố, Đinh Xuân Hội và Tôn Thất Lương đều phiên âm là:

Đêm lành khéo lẽ sương gieo hẹn lành. Nguyễn Văn Tố không có chú thích. Đinh Xuân Hội đã chú thích:

Sương gieo: nói tin sương đem đến. Đây nói tiện được đêm nay tốt lành, mà tin trước những sự hẹn hò tốt lành về sau”.

Tôn Thất Lương lại chú thích khác:

Sương gieo: do chữ sương trụy = sương rơi cây cỏ vàng úa, ý bóng là sự la rầy quở phạt (sương oai nhất chấn)", và đã diễn giải là:

“Lẽ nào trong khi đêm tốt lành này, không lẽ ước hẹn tốt lành lại bị quở trách”.

Lại Ngọc Cang đã chép theo bản Hoa tiên ký của Nguyễn Văn Tố phiên âm là Đêm lành khéo lẽ sương gieo hẹn lành nhưng lại chú thích theo Hoàng Xuân Hãn:

Sương gieo: tất cả các bản, kể cả bản nguyên tác và bản nhuận chính, đều phiên âm sai. Gieo (chữ Hán là chiêu) cũng đọc là chiu, siu và trong trường hợp này phải phiên âm là siu mới đúng. Sương siu, tiếng cổ, nghĩa là vấn vít, quyến luyến.

Đặng Trần Côn viết trong nguyên bản Chinh phụ ngâm khúc: “Lương đầu song yến yến, bạch thủ hà tằng vong khiển quyển” (Đầu xà nhà, đôi chim én sống bên nhau đến bạc đầu há từng quên vấn vít?) Bản F dịch là: “Kìa xem đôi én dập dìu, trọn mùa ríu rít sương siu đầu rường”.

Qua cách phiên âm và chú thích ở trên, chúng tôi nhận thấy:

- Nguyễn Văn Tố, Đinh Xuân Hội và Tôn Thất Lương đã phiên âm đúng.

- Tôn Thất Lương đã chú thích đúng.

Riêng Lại Ngọc Cang đã phiên âm sai và chú thích sai vì đã theo Hoàng Xuân Hãn mà hiểu lầm “sương siu” là bịn rịn (thực ra khiển quyển mới là bịn rịn). Điều này tôi đã trình bày ở phần trên.

c. Câu thứ 7 bài “Cảm cựu kiêm trình Cần chính học sĩ Nguyễn hầu” trích trong tập Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương.

Nguyên văn bài thơ ấy như sau:

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm trọn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không!
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút
霜 超 買 ,
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng trong.

Trần Thanh Mại, trên Tạp chí Văn học số tháng 11 năm 1964, đã phiên âm ba chữ 霜 超 買 là “sương đeo mái”.

Cách phiên âm ấy chưa được mọi người chấp nhận nên Trương Chính và Lê Thước đã có ý kiến không tán đồng trên báo Văn nghệ số 428 ra ngày 24-12-1971. Đến tháng 10 năm 1973, Hồ Tuấn Niêm trên Tạp chí Lịch sử số 152 đã đề nghị nên phiên âm ba chữ ấy là “sương treo mái” để tránh có người muốn nghịch ngợm mà nói lái đi.

Cho tới năm 1984, trong bài Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long đăng ở Tập san Khoa học Xã hội (Paris), Hoàng Xuân Hãn mới cho biết ba chữ 霜超 買 phải đọc là SƯƠNG SIU MẤY mới có nghĩa và đã giảng hai câu thơ:

Biết còn mảy chút SƯƠNG SIU MẤY (với),

Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong

là: “Liệu chàng có còn mảy may bịn rịn gì với mối tình xưa mà nhớ đến thiếp chăng, chứ còn thiếp thì thiếp vẫn đơn độc vò võ trên lầu nguyệt, năm canh thao thức tưởng nhớ tới chàng!”(2)

Chúng tôi nhận thấy Hoàng Xuân Hãn đã “lấy ý” mà “đoán nghĩa” mà giảng “sương siu” là vấn vít như ông đã chú thích hai câu:

Kìa xem đôi én dập dìu,
Trọn mùa ríu rít sương siu đầu rường.

thì không đúng vì, như đã nói ở trên, “sương siu” không dịch nghĩa từ khiển quyển mà là dịch nghĩa là bạch thủ.

Theo chúng tôi tìm hiểu thì hai câu kết của bài Cảm cựu... có thể phiên âm là:

Biết còn mảy chút sương gieo mãi,
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

Và có thể giảng là:

“Không biết chàng có còn vì những chuyện nhỏ nhặt mà bị quan trên hoặc nhà vua quở trách mãi nữa chăng? Riêng phần thiếp thì vẫn suốt đêm một mình nhớ đến chàng mà lo cho chàng”.

Sự việc này cũng có thể đúng vì chính quyển Đại Nam chính biên liệt truyện cũng có chép lời dụ của vua Gia Long rằng: “Nhà nước dùng người duy dùng người hiền tài, vốn không phân biệt Bắc Nam. Ngươi cùng Ngô Vị đã được đội ân tri ngộ, làm quan đến bực á khanh, nếu biết điều gì cứ tâu bày lên để tận chức vụ, đâu có thể rụt rè sợ sệt như thế mà chỉ vâng dạ thôi!”

Nếu quả bài thơ này là do Hồ Xuân Hương làm để gửi cho Nguyễn Du thì phải nói bà đã rất hiểu ông, đã lo cho ông, vì biết cái tài làm thơ của ông đã khiến cho lắm kẻ phải đố kỵ mà công thần như Nguyễn Văn Thành chẳng đã bị bức tử vì một bài thơ của con trai mình làm ra ư ?

Chúng ta nhận thấy: nhớ nhau mà lo cho nhau như vậy mới thật là chí tình!

*

Chúng tôi, qua phần trình bày ở trên, cho rằng trong từ cổ không làm gì có từ “sương siu” vì chính Hoàng Xuân Hãn cũng đã cho biết hai chữ ấy không có trong các tự điển cổ mà ông chỉ “lấy ý” và “đoán nghĩa” thôi.

Riêng chữ 超 thuộc câu 271, bài C trong Chinh phụ ngâm bị khảo mà ông phiên âm là "Biếng giồi phấn để má siu" và giảng “siu” là mốc thì cũng không đúng vì nếu đem áp dụng âm nghĩa ấy vào câu 280 trong Cung oán ngâm khúc:

“Nghiêng bình phấn mốc để giồi má deo”, mà phiên âm là “Nghiêng bình phấn mốc để giồi má siu” thì rõ ràng là không ổn vì “siu” không thể có nghĩa là “mốc” được.

Vậy để kết luận cho bài viết này chúng tôi xin được minh xác là:

1. Hai chữ 霜 超 không thể phiên âm là “sương siu” như Hoàng Xuân Hãn mà phải phiên âm là sương gieo như Nguyễn Văn Tố, Đinh Xuân Hội, Tôn Thất Lương và Đoàn Thăng.

2. Hai nghĩa 霜 超 (sương gieo) không hề có nghĩa là bịn rịn mà chính chữ khiển quyển mới có nghĩa là bịn rịn, nếu căn cứ vào câu 168, bài F trong quyển Chinh phụ ngâm bị khảo.

CHÚ THÍCH

(1) Nguyễn Văn Tố khi phiên âm bản Hoa tiên ký diễn âm đã viết là sương xiu nhưng khi phiên âm bản Hoa tiên nhuận chính lại viết là sương gieo.

(2) Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục của Đào Thái Tôn, Nxb. Giáo dục, 1993 (tr.42-43).

TB

HÌNH BÓNG CHỮ NÔM VIỆT TRONG CHỮ VUÔNG CHOANG(1)

NGUYỄN QUANG HỒNG

Cuối năm 1997, tôi có dịp được làm quen với GS Lý Lạc Nghị (Bắc Kinh, Trung Quốc) nhân dịp ông sang thăm Việt Nam và làm việc tại Viện Hán Nôm. Tôi rất hân hạnh được Giáo sư trao cho bài nghiên cứu so sánh về chữ vuông Choang và chữ Nôm. Đó là bản báo cáo mà ông đã đọc từ tháng 9 năm 1986 tại Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 19 về ngôn ngữ học và các ngôn ngữ Hán Tạng tại Colombo (Mỹ), và đăng trên Tạp chí Dân tộc Ngữ văn (Trung Quốc) số 4-1987. Gần đây Tạp chí Hán Nôm đã dịch đăng toàn văn bài này vào số 1-1998 để giới thiệu cùng độc giả Việt Nam[1].

Trong bản báo cáo quan trọng này, GS. Lý Lạc Nghị đã bước đầu đặt vấn đề nghiên cứu so sánh chữ Nôm Việt với chữ vuông Choang là hai thứ chữ cùng chung loại hình theo kiểu chữ Hán. Nhiều thông tin ở đây là rất có giá trị cho việc nghiên cứu về chữ Nôm và quan hệ của nó với hệ chữ vuông khác trong khu vực. Tuy nhiên ở đây, trong bài này, tôi chỉ muốn thảo luận thêm một vài khía cạnh về quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa hai thứ văn tự đang xét mà GS Lý Lạc Nghị có đề cập đến. Tôi muốn lưu ý đến đoạn trích sau đây trong bài viết của ông:

“Ông Lý Phương Quế từng giả thiết: “Thứ chữ do tiếng Choang tạo ra có lẽ là có những chỗ đã chịu ảnh hưởng của chữ Nôm Việt Nam”2. Người viết bài này đã phân tích những chữ vuông Choang và chữ Nôm hiện thấy nhưng không tìm thấy bằng chứng có sức thuyết phục nào khả dĩ chứng minh cho giả thiết trên. Cũng tức là nói không có cách gì chứng minh được rằng do ảnh hưởng của một số chữ thuộc bên này đã sản sinh ra một số chữ thuộc bên kia, hoặc bên này đã mô phỏng hay bắt chước một số chữ nào đó của bên kia. Những chữ có hình dạng giống nhau nêu trên3, thực ra chỉ có rất ít và là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng nếu nói bên này đã chịu ảnh hưởng “về tinh thần” hoặc “về phương pháp chung” của bên kia thì lại rất có thể (dù chứng cứ cũng không có đủ). Có điều, nếu căn cứ vào niên đại ra đời trước sau của hai loại văn tự mà nói, thì càng có khả năng là chữ Nôm đã chịu ảnh hưởng hoặc gợi ý chữ Choang, chứ không phải ngược lại” [1,tr.67].

1

Trước hết, theo sự nghiên cứu của tôi mà kết quả bước đầu đã được công bố trên Tạp chí Hán Nôm số 2-1997 [2] thì sự trùng lặp hình chữ giữa chữ Nôm Việt và chữ vuông Choang là khá nhiều. Không kể những chữ trùng hợp do cùng mượn nguyên từ chữ Hán thì những chữ người Việt và người Choang tự tạo cũng gặp gỡ nhau một cách khá phổ biến, có đến hàng trăm chữ như thế. Điều quan trọng hơn là, nếu phân tích một cách cẩn thận hiện tượng này, chúng ta sẽ có thể phân biệt nhiều lớp lang khác nhau, và ở đó, không phải tất cả chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Ở đây, để cho vắn tắt, tôi sẽ không đề cập đến những trường hợp mà mỗi bên có thể chịu ảnh hưởng của nhau “trên tinh thần” hoặc “về phương pháp chung” như GS. Lý Lạc Nghị đã nhận định. Tôi chỉ xin nêu ra những cứ liệu chứng tỏ một bên này thực sự chịu ảnh hưởng của bên kia mà GS. Lý Lạc Nghị đã chưa kịp chú ý đến. Xin hãy xem xét các chữ sau đây mà ta có thể dễ dàng bắt gặp chúng trong các tự điển chữ Nôm Việt và chữ vuông Choang hiện có [3,4,5,6].

(1) Chữ này người Việt đọc là ba có nghĩa là “3’ được cấu tạo theo phép ghép chữ 巴 ba (biểu âm) + chữ 三 tam (biểu ý). Trong khi đó, người Choang đọc chữ này cũng với âm tương tự mbah [ba6] nhưng hiểu nghĩa là “vẩy nước”, không có gì liên quan với thành tố tam 三 là “3” cả.

(2) Người Việt tạo chữ này bằng cách ghép chữ 布 bố (biểu âm) với chữ 王 vương “vua” (biểu ý) để đọc là vua. Ở người Choang chữ này được đọc tương tự là BOZ [pho2], song nghĩa của chữ là “bãi, đống”, không liên quan gì với chữ vương 王 là “vua” cả !

(3) Người Việt tạo chữ này bằng cách ghép chữ 長 trường (viết tắt) “dài” (biểu ý) + 曳 duệ (biểu âm) để đọc là dài. Còn ở người Choang, chữ này có nghĩa là “sạn, đá, cuội”- không liên quan với thành tố biểu ý, mặc dù âm đọc tương tự là SAIZ [0 a: i2].

(4) Người Việt tạo chữ này bằng cách ghép chữ 善 thiện “tốt lành” (biểu ý) + chữ 令 lệnh (biểu âm) để đọc là lành. Người Choang đọc tương tự là LENGZ [le:h2], với nghĩa “cơm trưa”. Lẽ nào nghĩa này lại liên quan với thành tố biểu ý thiện 善 ?

(5) 悞 Người Việt đọc là tên, trong đó chữ 先 tiên (biểu âm) + chữ 名 danh “tên” (biểu ý). Ở người Choang chữ này nghĩa là “tiên (thần)”, với âm đọc tương tự là DEN [te:n1]. Khó có thể nói rằng thành tố danh 名 lại là biểu nghĩa ở đây.

(6) Chữ này người Việt đọc là già (tra), với thành tố biểu âm là 茶 trà + thành tố biểu ý là 老 lão “già”. Người Choang cũng đọc là YAZ [j a2], song với nghĩa khác hẳn: “che, ngăn”, không liên quan gì với thành tố lão 老 ở đây.

(7) Người Việt đọc chữ này là rộng, do chữ 弄 lộng (biểu âm) + chữ 廣 quảng “rộng” (biểu ý). Người Choang thì đọc chữ này là SONGX [0 o: h4], song có nghĩa là “kêu, rống” (rõ là không liên quan gì với nghĩa chữ quảng 廣 là “rộng”.

(8) 煶 Người Việt đọc chữ này là thiêng (thiêng liêng), do chữ 灵(靈) linh “linh thiêng” (biểu ý) + chữ 声 (聲) thanh (biểu âm). Người Choang đọc chữ này là LINGH [li: h6] với nghĩa là “hồn phách”: cả âm và nghĩa đều chỉ liên quan đến thành tố linh 灵 mà thôi. Vậy thành tố thanh 聲 ở đây để làm gì?

(9) Chữ này Nôm Việt là chữ ra, do ghép chữ 羅 la (biểu âm) + 出 xuất “ra ngoài” (biểu ý). Người Choang đã dùng chữ này với nghĩa là “bùn lầy” (không liên quan với thành tố nào cả) và đọc là SAH [0 a6].

(10) Chữ này người Việt đọc là lớn, do chữ 巨 cự “to lớn” (biểu ý) + chữ 懶 lãn (biểu âm). Còn người Choang thì đọc tương tự là LWENX [lue:n4], có nghĩa là “lượn” (sơn ca), nghĩa này khó có thể liên quan gì với cự 巨 là “lớn” cả.

(11) Người Việt đọc chữ này là mới (nghĩa là “cho nên”), cấu tạo bằng cách ghép chữ ,買 mại (biểu âm) + 由 do “do, bởi” (biểu ý). Ở người Choang chữ này cũng đọc na ná như thế MWIJ [mW: i3], nhưng với nghĩa khác hẳn là “hạt (thóc)” - chẳng có gì liên quan với thành thố biểu ý nào ở đây cả.

(12) Chữ Nôm Việt đọc chữ này là tháng, với thành tố biểu ý là chữ (bộ) 月 nguyệt (trăng, tháng) + thành tố biểu âm là chữ 尚 thượng. Người Choang cũng đọc như vậy: DANGJ [tha: h3], nhưng nghĩa là “thắng” (đặt đồ đạc lên lưng trâu, ngựa) - không liên quan với thành tố biểu ý 月 nguyệt ở đây.

(13) Người Việt đọc chữ này là nghe với cấu tạo là chữ (bộ) 耳 nhĩ “tai” (biểu ý) + 宜 nghi (biểu âm). Ở người Choang chữ này đọc là NGENH [he6], nhưng nghĩa là “trâu rống” (lẽ nào lại dùng chữ 耳 nhĩ là “tai” để chỉ hoạt động của miệng?).

(14) Người Việt tạo chữ này bằng cách ghép chữ 更 cánh (biểu âm) với bộ 羽 “lông chim” (biểu ý) để đọc là cánh. Còn người Choang đọc chữ này là GENGJ [ke: h3], song với nghĩa là “quật gậy”-không liên can gì với thành tố 羽 biểu ý ở đây.

(15) Người Việt đọc chữ này là say, do bộ 酉 dậu “hũ, lọ” (đựng rượu) (biểu ý) + chữ 差 sai (biểu âm). Ở người Choang, chữ này đọc tương tự là CAEH [Gai6], song với nghĩa khác hẳn: “trứng”, không có gì chung với nghĩa bộ dậu 酉 cả.

(16) Ở chữ Nôm Việt đây là chữ đau, do bộ nạch (bệnh) “bệnh, tật” (biểu ý) + chữ 刀 đao (biểu âm). Ở người Choang, chữ này cũng đọc âm NDAUH [da: u6], với nghĩa là “tửu diệp” (một loại lá nhai làm cho răng đen và bền chân răng). Rõ ràng bộ nạch 病 chẳng có gì liên quan ở đây cả.

(17) Chữ này người Việt đọc là tóc, do bộ 髟 tiêu “tóc, lông” (biểu ý) + chữ 速 tốc (biểu âm). Người Choang chữ này đọc tương tự là DOK [to: k7] với nghĩa khác hẳn: “đập, gõ”, không liên quan gì với bộ 髟 biểu ý cả.

(18) Ngoài ra còn một chữ nữa có hơi đặc biệt một chút là chữ , người Việt đọc là làm và hiểu chữ này là “làm lụng”, tạo chữ theo phép giả tá chữ 為 vi “làm”, nhưng hình chữ rút gọn, chỉ giữ lại phần trên. Chữ làm người Việt cũng có khi viết là 濫 lạm theo lối giả tá đọc âm, song không phổ biến bằng chữ . Trong khi đó, người Choang đã dùng chữ này với âm tương tự LAMZ [la m2] nhưng để chỉ “cái làn, cái giỏ” (籃)4.

Qua phân tích ba mặt hình, âm và nghĩa các chữ dẫn ra trên đây chúng ta thấy rằng: Nếu như đối với chữ Nôm Việt, các chữ trên đây đều có thể lý giải được một cách rành mạch các thành tố cấu tạo của chúng, thì đối với chữ vuông Choang, tất cả đều không “chịu đựng” được sự phân tích như vậy. Trong chữ Choang, phần lớn các chữ này không tìm thấy thành tố biểu ý của mình. Cá biệt có trường hợp chữ 煶 (8) cả âm và ý đều do thành tố thứ nhất 灵 thể hiện, và thừa ra hẳn thành tố thứ hai 声 vốn là thành tố biểu âm trong chữ Nôm Việt.

Trước một thực tế như vậy, không có cách giải thích nào khác thích hợp hơn là cho rằng những chữ dẫn ra trên đây vốn dĩ là chữ Nôm do người Việt tạo ra, và người Choang do quan hệ tiếp xúc gần gũi với người Việt đã đưa chúng vào kho chữ vuông của mình bằng phép giả tá theo âm.

Cần phải chỉ ra rằng, theo sự ghi chú của Tự điển chữ Choang cổ [3] thì hầu hết các chữ vừa dẫn ra trên đây, trừ chữ thứ (17 ), đều là những chữ chỉ lưu hành ở địa phương. Điều này càng khẳng định rằng các chữ đang xét thực sự là do quan hệ tiếp xúc vay mượn giữa người Choang với người Việt, trước hết là ở vùng biên giới Việt - Trung, mà có mặt trong kho chữ Choang. Nói cách khác, với những cứ liệu vừa dẫn trên đây, hình bóng chữ Nôm Việt chỉ xuất hiện thấp thoáng trong các vùng ngoại biên chứ không nằm hẳn vào vùng trung tâm của kho chữ Choang.

Vậy thì trong Nôm Việt phải chăng cũng có thể tìm thấy những hình bóng thấp thoáng như vậy của các chữ vuông Choang? Tôi đã cố công tìm kiếm song tạm thời chưa phát hiện một tí gì tương tự như vậy trong chữ Nôm Việt. Tôi vẫn biết rằng trong chữ vuông Choang có nhiều yếu tố đặc sắc, song rất tiếc là theo chỗ tôi biết những yếu tố đó hầu như vẫn vắng bóng trong kho chữ Nôm của người Việt.

2

Giáo sư Lý Lạc Nghị căn cứ vào sự ghi chép của Phạm Thành Đại trong tác phẩm Quế Hải ngu hành chí (1175) và của Chu Khứ Phi trong tác phẩm Lĩnh ngoại đại đáp (1178) về một số chữ “tục tự” mà ngày nay đại để trùng với chữ Choang, đã xác định niên đại ra đời của chữ Choang không muộn hơn thế kỷ XII. Với chữ Nôm Việt thì GS Lý Lạc Nghị dựa vào truyền thuyết Hàn Thuyên làm Văn tế cá sấu vào đời nhà Trần (1225-1400) và 22 chữ Nôm khắc trên bia đá ở huyện Yên Lãng (Vĩnh Phú) năm 1210 để đoán định rằng muộn nhất là vào thế kỷ XIII chữ Nôm Việt xuất hiện. Lại căn cứ vào sự giả định niên đại xuất hiện sớm muộn như thế, GS. Lý Lạc Nghị cho rằng “nếu theo niên đại xuất hiện trước sau của hai chữ này mà nói, thì càng có khả năng là chữ Nôm đã chịu ảnh hưởng hoặc sự gợi ý từ chữ vuông Choang, chứ không phải là ngược lại” [1,tr.67].

Xác định niên đại hình thành cho hai thứ văn tự này là câu chuyện phức tạp. Tôi vẫn nghĩ rằng, khi người Việt hay người Choang học được chữ Hán và sử dụng chữ Hán thành thạo đến mức nào đó, thì về nguyên tắc ngay từ lúc đó họ đã có nhu cầu tự thân và có khả năng dựa vào chữ Hán để ghi những từ lẻ tẻ trong tiếng mẹ đẻ mà chữ Hán không diễn đạt được. Có nghĩa là việc tạo ra một số chữ vuông lẻ tẻ nào đó cho từ ngữ tiếng mẹ đẻ là điều có thể xảy ra khá sớm và một cách tự phát. Chẳng hạn, đối với chữ Nôm Việt, có thể ngay từ sau thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ II) dạy Hán văn cho người Việt ở Giao Châu. Vấn đề là những chữ Nôm Việt lẻ tẻ đó có lưu truyền lại được hay không, và người đời sau có phát hiện ra chúng hay không. Vậy thời phải chăng là thỏa đáng và đủ tin cậy nếu chỉ dựa vào một vài phát hiện tạm thời nào đó (mà những phát hiện như thế có thể còn tiếp tục) về niên đại một số chữ lẻ tẻ để quyết đoán về thời điểm ra đời của một hệ thống văn tự như chữ Nôm Việt hay chữ vuông Choang? Cứ theo cách đó, thì thời điểm thế kỷ XII mà GS Lý Lạc Nghị ấn định cho chữ vuông Choang sẽ hóa ra quá muộn, bởi vì theo GS Trương Thanh Chấn viết trong Lời tựa cho bộ Tự điển chữ Choang cổ (1989) [3] thì chứng tích một số chữ vuông Choang có niên đại sớm nhất hiện còn đến nay là tấm bia Đại Tụng Bi do Thứ sử Trình Châu là Vi Kính (người Choang) soạn vào năm Vĩnh Thuần nguyên niên (năm 682) đời Đường. Khó có thể nói trước được rằng, đối với chữ Nôm Việt rồi cũng sẽ phát hiện ra được những tấm bia tương tự như vậy. Song dẫu thế nào mặc lòng, dẫu cho các chứng tích xưa cổ đó về một số chữ vuông lẻ tẻ là rất có giá trị trên nhiều phương diện, chúng vẫn không thể là chỗ dựa chắc chắn và cuối cùng cho sự xác định về niên đại ra đời một hệ thống văn tự chữ Nôm Việt hay chữ vuông Choang. Để có thể xác định được niên đại hình thành thực sự cho mỗi một thứ văn tự như vậy, có lẽ còn đòi hỏi phải dựa vào nhiều chứng tích khác nữa. Trong đó theo tôi nghĩ, chứng tích về sự xuất hiện và lưu hành các văn bản của người bản ngữ thực sự viết bằng chữ vuông Choang hoặc chữ Nôm Việt hẳn là sẽ có giá trị hơn nhiều so với chứng tích về sự xuất hiện lẻ tẻ các chữ “tục tự” trong các văn bản Hán văn. Thế nhưng những chứng tích văn bản như vậy đối với chữ vuông Choang cũng như chữ Nôm Việt, cho đến nay hầu như vẫn còn là điều bí ẩn, nếu như không muốn nhắc đến chúng như là kể chuyện huyền thoại (như câu chuyện về bài Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên chẳng hạn).

Như vậy là chưa có chứng cứ gì thật chắc chắn để quyết đoán rằng chữ Nôm Việt đã xuất hiện muộn hơn chữ vuông Choang hay ngược lại. Mà giả dụ rằng đến một lúc nào đó, ta có đủ căn cứ để kết luận quả là một trong hai thứ chữ đó đã ra đời sớm hơn, thì đó cũng chỉ mới là điều kiện để thứ chữ đó có thể phát huy ảnh hưởng của mình sang dân tộc khác trong bước đầu hình thành chữ viết của họ. Còn khả năng đó có thể hiện trong thực tế hay không lại là chuyện khác. Có một sự thực lịch sử và địa lý là các dân tộc Việt, Tày, Choang vốn có quan hệ gần gũi lâu đời và sâu sắc, xét về cuội nguồn cũng như về giao lưu tiếp xúc. Bởi vậy, sự ảnh hưởng qua lại về ngôn ngữ và văn tự giữa các dân tộc anh em này là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Sơ bộ nghiên cứu, chúng ta có thể nhận thấy hình bóng chữ Nôm Việt và chữ vuông Choang trong chữ Nôm Tày là khá rõ nét [7]. Tuy nhiên, để lý giải hiện tượng này, niên đại ra đời sớm hay muộn của chữ Nôm Tày so với chữ Nôm Việt và chữ vuông Choang có lẽ không phải là sự kiện hiển nhiên cho lắm so với vị trí và mối tương quan về văn hóa chung của người Tày so với người Việt và người Choang trong quá khứ. Ở đây, thiết tưởng có một sự thực cũng cần nhắc đến là từ nhiều thế kỷ trước, hoạt động hành chức của chữ Nôm Việt đã khá sôi động và đạt tới trình độ cao, tạo ra hàng loạt tác phẩm văn học viết, và chúng đã được đem khắc ván in ấn lưu hành rộng rãi. Trong khi đó, những tác phẩm văn học viết được khắc in như vậy hầu như vắng bóng trong sinh hoạt văn hóa Tày, và có lẽ cả ở người Choang cũng vậy [8].

*
**

Tất cả những cứ liệu và luận chứng mà tôi trình bày trên đây, dù chỉ trong một phạm vi hạn chế, là nhằm góp phần xác lập một cách nhìn hợp lý hơn và sát thực hơn về mối quan hệ qua lại giữa các hệ thống chữ viết thuộc loại hình chữ vuông Hán trong khu vực, mà trước hết là đối với chữ Nôm Việt và chữ vuông Choang. Về quan hệ giữa hai thứ chữ này, xem ra, nếu như ý kiến của GS. Lý Phương Quế còn đòi hỏi phải tiếp tục chứng minh, thì ý kiến của GS Lý Lạc Nghị có lẽ cũng còn nhiều điều cần phải làm cho sáng tỏ, như bài này đã mạnh dạn đề cập.

CHÚ THÍCH

(1) Báo cáo khoa học tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ nhất-Hà Nội, 7-1998.

(2) Dẫn từ: Lý Phương Quế- Vũ Minh Chang ngữ. Trung Quốc khoa học viện xuất bản, 1953, tr.33.

(3) Giáo sư Lý Lạc Nghị đã dẫn ra mấy chữ sau đây có hình chữ hoàn toàn giống nhau trong chữ vuông Choang và chữ Nôm Việt.

V: Cầm
C: Gaem "cầm"
V: Củi
C: Oil "mía"
V: Trời
C: Gwnz "trên"
V: Mẹ
C: Gyaeu "đp"

4. Có thể có người nghĩ rằng không loại trừ khả năng chữ 濫 lạm hoặc được viết thành . Song điều này rõ ràng là không hiển nhiên bằng cách lý giải viết tắt 為 thành , cũng như người ta đã viết tắt 能 năng thành và đọc là hay (còn viết là ). Càng khó có thể nói rằng chữ 籃 lạm đã được người Choang viết tắt thành . Với ý kiến này, tôi đã điều chỉnh lại một nhận xét về chữ mà tôi đã ghi chú trong bài trước đây [2, tr.17, chú (3)]

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

[1] Lý Lạc Nghị. Phương khối Tráng tự dữ Nôm tự đích tỉ giảo nghiên cứu. "Dân tộc Ngữ văn", 1987, N.4.

Cũng xem: Lý Lạc Nghị. Nghiên cứu so sánh "chữ vuông Choang" và "chữ Nôm". Tạp chí Hán Nôm, 1998, số 1.

[2] Nguyễn Quang Hồng. Hiện tượng đồng hình giữa chữ Nôm Việt và chữ vuông Choang. Tạp chí Hán Nôm, 1997, số 2.

Cũng xem: "Thông báo Hán Nôm học Năm 1996", Nxb. KHXH, H. 1997.

[3] Cổ Trấn tự tự điển (Sơ cảo). Quảng Tây Dân tộc xuất bản xã, Nam Ninh, 1989.

[4] Bảng tra chữ Nôm (Viện Ngôn ngữ học). Nxb. KHXH, H. 1976.

[5] Vũ Văn Kính. Tự điển chữ Nôm. TP. Hồ Chí Minh, 1992 (tái bản).

[6] Tự điển chữ Nôm tiếng Việt. Nguyễn Quang Hồng chủ biên (bản thảo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1995).

[7] Cung Văn Lược: Chữ Nôm Tày qua so sánh với chữ Hán và chữ Nôm Việt. Luận án PTS Ngữ văn, Đại học KHXH và NV, H. 1992.

[8] Cổ Tráng tự văn hiến tuyển chú. Thiên Tân Cổ tịch xuất bản xã, 1992.

TB

THƠ LÊ LỢI HAY THƠ NGUYỄN TRÃI?

TRẦN ĐẴC THỌ

Theo Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) và Phan Huy Chú (thế kỷ XIX), sự nghiệp văn chương của Lê Lợi chỉ có tác phẩm Lam Sơn thực lục (LSTL) và hai bài thơ kỷ niệm chiến thắng Mường Lễ khắc vào đá núi. Về LSTL, nhiều học giả về sau đã không tán thành ý kiến trên, cho rằng thời họ Lê và họ Phan, nguyên bản LSTL không còn nữa; hai ông đã dựa vào những bản LSTL bị hiệu đính nhiều lần, thậm chí đôi chỗ còn bị viết lại không đúng với sự thực. Chứng cứ hùng hồn nhất là sử thần Ngô Sỹ Liên, đỗ Tiến sĩ dưới triều Lê Thái Tông, người đã từng chứng kiến một quãng đời của Nguyễn Trãi, đã ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: cuối năm Tân Hợi (1431) vua sai làm LSTL, tự mình đề tựa và ký là Lam Sơn Động Chủ (Bài tựa này được viết vào tháng 11 Âm lịch năm Thuận Thiên thứ 4 - 1431). Như vậy, “sự nghiệp văn chương” của ông vua khai sáng nhà Hậu Lê chỉ còn lại hai bài thơ khắc vào đá núi trên vùng Tây Bắc Tổ quốc. Hai bài thơ này ít người biết đến, có lẽ vì nó được đặt ở một nơi đèo heo hút gió: một khắc ở Pú Huổi vào mùa đông năm Tân Hợi (1431) nay thuộc tỉnh Lai Châu và một khắc ở Thác Bờ vào tháng 3 năm Nhâm Tý (1432). Mùa thu năm sau, Lê Lợi mất.

Bài thơ thứ 2, theo tài liệu để lại, Lê Lợi làm lúc hành quân về, sau chiến thắng Mường Lễ, bắt được tù trưởng Đèo Cát Hãn. Nó đã có may mắn được nhiều người biết đến nhờ có công trình thủy điện Sông Đà. Số là bài thơ được khắc ở vách núi Thác Bờ, nằm trong khu vực sẽ bị nhận chìm trong lòng hồ chứa nước dùng cho nhà máy thủy điện. Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình hồi đó đã cho đục lấy tảng đá có khắc bài thơ, mang về triển lãm ở Nhà Văn hóa thị xã Hòa Bình. Nguyên văn bài thơ như sau:

Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,
Lão ngã do tồn thiết thạch can.
Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,
Tráng tâm
di tận vạn trùng san.
Biên phòng hảo vị trù phương lược,
Xã tắc ưng tu kế cửu an.
Hư đạo ngụy than tam bách khúc,
Như kim chỉ tác thuận lưu khan.

Tôi xin tạm dịch:

Đường hiểm thấp cao chẳng ngại ngùng,
Gan già sắt đá, nước non cùng.
Chí cao quét sạch mù nghìn lớp,
Lòng vững rời phăng núi vạn trùng.
Liệu kế sách dài yên xã tắc,
Lo phương lược tốt giữ biên phòng.
Ba trăm ghềnh thác từng đồn đại,
Nay chỉ xem như nước thuận dòng.

Có một điều thực kỳ lạ là trong bài thơ nói trên có câu giống hệt một câu khác trong bài thơ Quá hải của Nguyễn Trãi mà các nhà nghiên cứu cho là ông đã làm hồi ông theo cha là Nguyễn Phi Khanh sang Trung Quốc khi cha ông bị giặc Minh bắt đi (1407). Bài Quá hải như vậy có thể được làm ngay ở Trung Quốc hoặc sau khi ông về nước; nếu tính đến khi xuất hiện bài thơ Thác Bờ (1432) ít ra cũng gần một phần tư thế kỷ. Nguyên văn bài Quá hải như sau:

Quá hải
Bát tận nhàn sầu độc ỷ bồng;
Thủy quang diểu diểu tứ hà cùng!
Tùng Lâm địa xích cương nam bắc,
Long vĩ sơn hoành hạn yếu xung.
Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,
Tráng hoài
hô khởi bán phàm phong.
Biển chu tiễn ngã triều thiên khách,
Trực giá kình nghê khóa hải đông.
(Ức Trai thi tập)

Tôn xin tạm dịch:

Qua bể
Một mình giải muộn, tựa mui hồng,
Ánh nước mông mênh tứ chẳng cùng !
Nam bắc, Tùng Lâm làm giới hạn,
Hiển xung, Long Vĩ tạo biên phòng.
Lòng hùng hô gió, buồm căng nửa,
Chí cả xua mù, lớp sạch không.
Thuyền nhỏ mừng ta thăm thượng giới,
Cưỡi kình vượt biển thẳng về Đông.

Ta thấy câu thứ 3 ở bài thơ Thác Bờ giống như đúc câu thứ 5 của bài Quá hải. Chỉ tiếc rằng do bị lệ thuộc về niêm luật, hai câu thơ dịch ra Quốc ngữ không sao giống nhau được. Chưa kể hai chữ đầu “Tráng tâm” ở câu thứ tư bài Thác Bờ không khác gì hai chữ “Tráng hoài” ở câu thứ 6 bài Quá hải về mặt ngữ nghĩa. Việc đặt dấu hỏi về sự giống nhau này có lẽ không có gì là quá đáng. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng bài Thác Bờ không phải của Lê Lợi như một số thư tịch cổ đã ghi, mà do Nguyễn Trãi làm theo lệnh của Lê Lợi. Đành rằng trong cuộc sống có “những tâm hồn lớn” gặp nhau, nhưng người ta gặp nhau trong ý nghĩ, tư tưởng, mà không trong từng câu, từng chữ như thế này. Việc Nguyễn Trãi sử dụng một câu thơ cũ của mình là một chuyện bình thường. Nhưng Lê Lợi đường đường một đấng chí tôn lại làm một việc thiếu đàng hoàng như vậy thì không ổn. Thư tịch cổ thường hay tôn vinh cá nhân các vị đế vương. Trong trường hợp này, thiết nghĩ cứ viết trungthực là Lê Lợi sai Nguyễn Trãi làm thơ khắc vào vách đá núi để kỷ niệm chiến thắng cũng không hề làm giảm giá trị của nhà vua chút nào, vì Lê Lợi có quyền làm như vậy.

Hơn nữa, sau khi nhà vua chiến thắng ở Mường Lễ trở về, Nguyễn Trãi còn làm 4 bài thơ Hạ tiệp để mừng chiến công của nhà vua (4 bài này có ghi trong Ức Trai thi tập). Việc làm ấy của Nguyễn Trãi cũng chẳng đã đề cao nhà vua lắm rồi sao! Ai mà không biết trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống quân Minh còn có biết bao chiến công lẫy lừng khác như Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang... to lớn hơn chiến thắng Mường Lễ nhiều mà Lê Lợi không hề nổi hứng nảy được vần thơ nào! Thiết nghĩ đây là một sơ suất của người xưa đáng lẽ không nên có.

TB

TRAO ĐỔI VỀ NHỮNG BẢN DỊCH THƠ BỐN BÀI THƠ CHỮ HÁN - NGUYỄN DU TRONG VĂN 10

DUY PHI

Thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10 có 4 bài. Độc Tiểu Thanh ký được qui định là bài học. Các bài: Sở kiến hành, Phản chiêu hồn, Long Thành cầm giả ca là những bài đọc thêm.

Độc Tiểu Thanh ký Phản chiêu hồn có in đủ các phần phiên âm Hán- Việt, dịch nghĩa, dịch thơ. Hai bài còn lại, chỉ có phần dịch thơ. Những bản dịch thơ chữ Hán - Nguyễn Du trong Văn 10 đều rút ra từ tập THƠ CHỮ HÁN - NGUYỄN DU (Nxb. Văn học, 1965). Xin tạm gọi những bản dịch thơ này là bản dịch Sách giáo khoa (SGK). Khi đọc lại những bản dịch SGK, tôi có một số băn khoăn nên đã viết bài Trao đổi thêm về những bản dịch thơ chữ Hán- Nguyễn Du trong Văn 10 in trên Tạp chí Trung học phổ thông số 18 (1997), sau đó lại được in một cách đầy đủ hơn trên báo Giáo dục và thời đại số 38 (1998).

Nay nhân trong tay có thêm tập sách 192 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du - Nxb. Văn Hoá Thông Tin - 1996 - tạm viết tắt là tập “192 BT” của dịch giả Bùi Hạnh Cẩn, tôi xin được thuật đôi ý của bài trước, có mấy lời bàn thêm và trình bày kiến giải riêng của mình.

. Trước hết là bài SỞ KIẾN HÀNH

Câu “Y quần hà khuông nhương”, Nguyễn Du viết mô tả quần áo của bốn mẹ con người ăn mày. Bản dịch SGK là “Quần áo vẻ co rúm”. “Khuông nhương” là rách rưới, dịch “co rúm” không chính xác. Nhiều bộ quần áo mới tinh, may không khéo cũng bị “co rúm”. Bản “1992 BT´dịch chính xác hơn “Quần áo như giẻ bươm”.

Hai câu thơ “Kỳ thống tại tâm đầu- Thiên nhật giai vị hoang”. Ý: Lòng đau xót vô cùng. Vòm trời cũng héo úa. Nguyễn Du viết nỗi đau này đã rung động đến cả trời mây. Bản SGK dịch: “Nỗi đau như xé long- Trời cao có thấu nỗi”. Nghĩa là, không biết trời có thấu không ? Trái với ý chủ đạo của nguyên tác, kiểu “Tiếng oan dậy đất, án ngờ loà mây - Kiều”. Bản “1992 BT” dịch sát, ý sâu:

Nỗi đau xé gan ruột
Trời xanh cũng úa vàng.

Hai câu “Bất khí vô cố tích- Lân cẩu yếm cao lương”. Ý: Thức ăn thừa đổ bỏ đi không hề tiếc. Chó hàng xóm cũng chán thức ăn ngon. Bản SGK dịch “Thức ăn thừa đổ đi - Quanh xóm no đàn chó”. Dịch như vậy, bỏ mất ý hay của “yếm cao lương”, đến chó hàng xóm cũng chán cao lương mĩ vị, đâu phải chúng chỉ ăn no. Bản “192BT”, dịch sát hơn:

Quẳng ném không tiếc rẻ
Chó xóm chán mỡ màng.

Bản dịch thơ Sở Kiến hành trong 92 BT” sát thể thơ, sát ý, có nhiều ưu điểm. Riêng câu “Nhất án bất đắc thực”, dịch là “Trời trưa chẳng có bữa”. Có lẽ do lỗi in. Phải là “Trời mưa chẳng có bữa”. Câu “Mãn trác trần trư dương”, chẳng nên dịch là “Lợn dê bày khắp bàn”, có lẽ nên dịch “Thịt lợn dê đầy bàn”.

Bản dịch thơ Sở kiến hành của dịch giả Bùi Hạnh Cẩn, nếu sửa đôi chữ, có thể chọn đưa vào SGK Văn 10, thay cho bản dịch cũ.

. Bài thứ hai, LONG THÀNH CẦM GIẢ CA

Câu thơ nguyên tác “Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm”. Chuyện xưa: Trang Tích ốm, Sở Vương hỏi mọi người: “Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan ở nước Sở, được phú quý rồi thì còn nhớ nước Việt nữa không?” Viên ngự thi đáp: “Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không thường tỏ ra trong lúc ốm đau. Nếu lúc này ông ta nói tiếng Việt thì tức là nhớ Việt, bằng không thì nói tiếng Sở”. Sở Vương sai người lén nghe thì thấy Trang Tích nói tiếng Việt.

Từ điển tích ấy mà Nguyễn Du viết “Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm”. Khi buồn đau, người ta ngâm nga những bài ca của cố hương, theo tiếng của cố hương. Bản SGK dịch “Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên”. Rên là tiếng phát khẽ, biểu lộ trong lúc đau ốm. Rên ra thành tiếng Việt, cũng được, nhưng mất chất thơ.

Bản “192 BT” dịch “Buồn như tiếng Việt cơn mê thuở nào”. Xem ra, sát với ý của điển tích mà không sát với ý của nguyên tác. Đến câu “Nê thổ kim tièn thù thảo”. Người đẹp hát, bọn vương hầu tỏ ra hào phóng, coi tiền bạc như đất bùn, ném thưởng ào ào. Bản SGK dịch “Tiền như bùn ước lược qua qua”. Sao tiền đã coi như bùn đất mà trước khi ném thưởng cho người đẹp còn ước lược? “Bản 192 BT” dịch sát hơn:

Tả rồi hữu tranh giành gieo thưởng
Bạc vàng coi rẻ rúng đất bùn.

Bản “192 BT” có những câu dịch thơ, gượng gạo. Ví dụ:

Chiếu cuối một người hoa râm tóc
Mặt võ vàng mệt nhọc gày gò.

Nhân đây, tôi xin mạnh dạn, trình bày bản dịch của mình:

BÀI CA NGƯỜI GẢY ĐÀN ĐẤT LONG THÀNH
Long thành người đẹp từng quen,
Đã lâu nào có nhớ tên họ gì.
Nguyệt cầm nổi tiếng đương thì,
Trong thành quen gọi ca nhi: Cồ Cầm.
“Cung phụng” xưa học khúc đàn,
Khúc đàn hay, cả thế gian khôn bì.
Thiếu thời, từng gặp say mê,
Bên hồ Giám, yến tiệc khuya năm nào.
Nàng chừng ba bảy trẻ sao,
Áo hồng, ánh mặt hoa đào hồng thêm.
Ngấm men má đỏ hồn nhiên,
Ngón tay buông bắt diệu huyền năm cung.
Tiếng khoan như gió rừng thông,
Tiếng trong, đôi hạc vọng cùng xa xăm.
Mạnh như Tiến Phúc sét gầm,
Buồn như Tích ốm điệu ngâm quê nhà.
Nghe mê mải nhớ thiết tha,
Nhạc xưa Đại nội Trung Hoà khôn quên.
Tây Sơn quan khách ngả nghiêng,
Mảng vui những muốn nối thêm canh trường.
Bốn bề gieo thưởng tranh hơn,
Bạc tiền coi rẻ như bùn, ném ra.
Vương hầu thua vẻ hào hoa,
Kể gì trai trẻ mấy toà Ngũ Lăng.
Tưởng như ba sáu cung xuân,
Đúc nên vật báu Trường An rỡ ràng.
Tiệc xưa đã hai mươi năm,
Tây Sơn bại, ta trời nam gửi mình.
Tấc gang chẳng thấy bóng thành,
Huống chi dự những tiệc quỳnh múa ca.
Nặng tình Tuyên phủ tiễn ta,
Tiệc vui ca kỹ những là trẻ măng.
Chợt cuối phòng mái hoa râm,
Mặt vàng mình võ âm thầm xót xa.
Nét mày nếp áo phôi pha,
Ai hay đệ nhất tài hoa một thời?
Khúc xưa nghe lệ thầm rơi,
Lắng tai, dạ những bùi ngùi gần xa.
Chốc mòng hai chục năm qua,
Tiệc bên hồ Giám la đà… còn đây…
Thành quách khác, người đổi thay,
Nương dâu xưa hóa biển đầy, mù khơi.
Nghiệp Tây sơn đã mất rồi,
Riêng làng ca vũ một người còn kia.
Trăm năm như bóng chớp loè,
Thương nàng vạt áo này chia lệ sầu.
Nam ra, mình trắng mái đầu,
Trách chi người đẹp xanh xao, héo tàn.
Trừng trừng đôi mắt mơ màng
Quen mà như lạ lại càng thêm thương…

. Bài PHẢN CHIÊU HỒN, bản SGK dịch tên bài là “Chống lại bài chiêu hồn”. Bản “192 BT” dịch “Bác lại bài phú chiêu hồn”. Đọc kỹ nội dung bài thơ, thì không hẳn là chống “bài”, chỉ có bác đi cái việc chiêu hồn thôi. Bời vậy chỉ nên dịch “Bác lại chiêu hồn”.

Hai câu:

Thướng thiên hạ địa giai bất khả
Yên Dĩnh thành trung lai hà vi

Bản SGK dịch:

Lên trời xuống đất hết đường
Mà thành Yên, Dĩnh chớ mường để chân.

Để vần với “đường” ở câu 6, sang câu 8, dịch giả phải dùng chữ “mường”, chính ra là “màng” chăng ? Câu “Chỉ hữu sấu tích vô sung phì”, Bản SGK dịch: “Gày còm xơ xác không còn thịt da”. Gày còm đến mức, không còn thịt, không còn cả da thì quả là đáng sợ. Bản “192 BT” dịch: “Chỉ có gầy guộc không mập phì”. Câu “Tảo liễm tinh thần phản thái cực”, Bản SGK dịch: “Chi bằng sớm liệu chầu trời. Khuất Nguyên đã mất, đã “chiêu hồn”, sao khuyên ông “chầu trời” lần nữa. Mặt khác hai tiếng “chầu trời” trong tiếng Việt còn có ý châm biếm (Bao giờ ông lão chầu trời - Ca dao). Bản “192 BT” dịch: “Sớm thu tinh thần về thái cực”.

Riêng câu “Giảo tước nhân nhục cam như di”. Bản “192 BT” dịch: “Cắn xé thịt người ngon mía de”. Có lẽ dùng từ “de” để cho có vần. DI là loại kẹo mạch nha, ngọt sắc. Ngọt (cam) không phải là ngon. Còn ngọt như mía de thì cũng là lạ. Mía de là loại mía nhỏ - Từ điển Tiếng Việt. Từ điển chú nghĩa như thế cũng chưa thoả đáng. Bây giờ vùng tôi có nhiều loại mía nhỏ nhưng không thấy còn mía de. Xưa, cách đây chỉ chừng 50 năm, ven sông Hồng, sông Đuống có nhiều bãi mía de. Loại mía gầy như những thân sậy, nhiều chỗ mọc hoang như cỏ. Cây mía de to cũng chỉ bằng ngón tay út. Thứ mía những bà mẹ nghèo chợ về mua làm quà cho trẻ nhỏ. Mía de, người lớn có ai ăn? Nói đến bọn Cao, Quỳ mà dịch “Cắn xé thịt người ngon mía de” là khiên cưỡng.

Câu “Ngư Long bất thực sài hổ thực”. Bản “192BT” dịch: “Cá rồng không ăn hùm beo cắn”. Long, nhiều Từ điển chú nghĩa là “rồng”, và cũng ghi rõ: “Rồng” là một trong tứ linh, thường làm mây mưa lợi cho muôn vật. Có Từ điển còn giải thích kỹ hơn: “Rồng, động vật tượng trưng theo truyền thuyết, coi là cao quý nhất trong loài vật. Rồng, còn được chỉ cơ thể, hoặc đồ dùng của vua: Mặt rồng, mình rồng, sân rồng… “Ngư Long” nếu dịch là “cá rồng”, không sát với ngôn ngữ Việt. Dịch “ngư long” là “cá rồng” có thể để người ta hiểu là cá và rồng, cũng như phần cuối của câu “sài và hổ” là chó sói và hổ. “Ngư long” là loại thú ở dưới nước ăn thịt người. Phải chăng trong truyền thuyết ta, có một từ nữa chỉ “ngư long”, đó là thuồng luồng? Và “Thực” cũng chẳng nên dịch là cắn. Cắn ăn thịt khác xa nhau về mức độ nguy hiểm. Từ sự học hỏi, kế thừa, tôi xin trình bày bản dịch “Phản chiêu hồn” của mình:

BÁC LẠI CHIÊU HỒN
Hồn ơi ! Có về ? Hồn ơi !
Đông Tây Nam Bắc đâu nơi tựa hồn ?
Lên trời xuống đất không đường,
Dĩnh, Yên đất cũ sao nương được mà.
Thành xưa dân đã khác xa,
Bụi trần mù mịt lượt là cũng nhơ.
Đứa xe ngựa, kẻ ngất ngư
Tựa Cao, Quỳ cũng say sưa luận bình.
Lộ đâu nọc độc, vuốt nanh,
Mà nhai xương thịt dân lành ngọt không.
Hồ Nam trăm xứ kìa trông,
Đâu béo tốt? chỉ gày nhom, võ vàng.
Con đường xưa của Tam Hoàng,
Hợp thời đâu nữa, đừng màng, hồn ơi!
Thái hư, hồn lánh xa thôi,
Đừng trở lại, kẻo miệng cười thế gian.
Ai ai giờ cũng Thượng Quan,
Khăp nơi sông suối đã toàn Mịch La.
Chẳng thuồng luồng hùm sói tha
Hồn ơi, hồn hỡi, biết là làm sao?

. Bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ, là bài thơ chữ Hán - Nguyễn Du duy nhất có tiết dạy trên lớp. Trong thơ chữ Hán, thất ngôn bát cú, luật Đường, thường khó dịch nhất là hai câu: “thực”, “luận”. Trong bài này:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Bản SGK dịch:

Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án văn chương khách tự mang.

“Son phấn” chỉ người đẹp, mà dịch “chôn” người đẹp nghe chưa ổn. Tử là chết, ngôn ngữ ta có nhiều cách diễn đạt. Trong Truyện Kiều, khi diễn tả người đẹp mất, Nguyễn Du viết:

Kiếp hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.

Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!

Vậy khi gặp cảnh “tử” của khách “son phấn”, ta dịch sao đây ?

“Liên tử hậu”- mất còn thương xót, sao liên dịch là “hận” Chỉ cách một câu thơ, đến câu thứ 5 trong bài có chữ hận “Cổ kim hận sự”, dịch giả đành chuyển hận thành hờn. Thành ra trong bài thơ dịch, câu 3 và câu 5 cùng có ý “hận”- trùng lặp.

Một khía cạnh khác. “Phong vận” và “phong lưu” trong từ Hán đều rút ra từ thành ngữ “Lưu phong dư vận”, có thể hiểu “phong lưu” đồng nghĩa với “phong vận”. Còn trong tiếng Việt, “phong lưu” có nghĩa đầy đủ, giàu có (Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu - Ca dao). Người Việt có ai hiểu “phong lưu” là phong cách phong thái, bản lĩnh của khách văn chương? Thành ra câu thơ dịch “Cái án phong lưu khách tự mang” không đạt ý.

Bản “192BT”, dịch:

Son phấn có thần đau truyện khuất,
Văn chương không mệnh nửa thành tro.
Xưa nay việc hận trời khôn hỏi,
Cũng hội kỳ oan có cả ta.

Những câu “thực”, “luận” trong nguyên tác, theo luật đối từ, đối thanh chu chỉnh. Bản dịch “192BT” không giữ được luật đối, mất đi cái hay của thơ luật Đường. Khác với nhiều bản dịch khác, dịch giả Bùi Hạnh Cẩn rất kỹ, tinh tế trong câu chữ, còn bản dịch này dễ dãi, chưa vượt được bản dịch cũ.

Bài Độc tiểu thanh ký rất khó dịch, trong khi chờ đợi có một bản dịch mới hơn, chúng ta có thể dùng bản dịch SGK (của Vũ Tam Tập); để khắc phục những nhược điểm, xin mạo muội sửa đi đôi chút được chăng ?

Ví dụ:

ĐỌC TẬP TIỂU THANH KÝ
Hồ Tây vườn cảnh hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần lìa thêm xót,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Giận hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Oan khuất tài hoa khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm sau nữa,
Người đời ai khóc Tổ Như chăng ?

Xuất phát từ nguyện vọng muốn giữ sự chân xác trong dịch thuật, từ yêu cầu nâng cao chất lượng sách giáo khoa, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt, tôi mạnh dạn trình bày đôi điều băn khoăn của mình. Mong muốn được chỉ giáo thêm…

TB

VÀI CHỮ HÁN TRONG TRUYỆN KIỀU

ĐINH TRẦN CƯƠNG

Truyện Kiều có dùng một số chữ Hán, xem ra bình thường dễ hiểu. Đọc qua, có khi ta không cảm thấy thắc mắc gì, coi như mình đã hiểu rõ, hoặc cẩn thận hơn, xem thêm lời chú thích ở trong truyện, thì cảm thấy cũng bình thường không có vấn đề gì phức tạp. Thực ra, hiểu cho chính xác cũng không đơn giản. Xin nêu vài ví dụ:

1. Chữ Thanh minh ở câu 43: “Thanh minh trong tiết tháng ba”. Xem trong bản Kiều bằng Quốc ngữ, ví dụ bản của Nguyễn Quảng Tuân (NQT) xuất bản năm 1995, chú thích: “Thanh minh: Theo Âm lịch một năm chia làm hai mươi bốn tiết, tiết Thanh minh là tiết nhằm vào khoảng đầu tháng ba Âm lịch, thường thuộc vào đầu tháng tư Dương lịch”. Nghe ra có vẻ không có gì sai. Nhưng đọc Truyện Kiều ta lại thấy tả cảnh đêm sau buổi chị em Kiều đi lễ tảo mộ, hội đạp thanh về, thấy mặt trời gác núi, rồi chiêng đã thu không, tiếp đó là thấy “gương nga vành vạnh (hoặc chênh chếch) dòm song” (câu 173). Vậy là trăng có từ chập tối. Và đêm ấy cảnh trăng kéo dài suốt đêm, đến khi “Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng” (câu 241), trăng mới sắp lặn. Trăng ở trên bầu trời suốt đêm phải là trăng rằm. Thời kỳ rằm thì không phải là mấy ngày đầu tháng nữa !

Hoặc giả có thể Nguyễn Du thích trăng đẹp, nên mặc dù cảnh thực không có trăng mà cứ tuỳ tiện vẽ nên chăng? Vậy ta phải xác minh qua lịch cho rõ: Ta thấy qua một quá trình nhiều năm, thì có tình hình Thanh minh suýt soát đúng thời kỳ rằm:

- Năm Bính Ngọ (1996), Thanh minh là đúng ngày 15 tháng 3;

- Năm Ất Sửu (1985), Thanh minh là đúng ngày 16 tháng 2 nhuận;

- Năm Quý Dậu (1993), Thanh minh là đúng ngày 14 tháng 3;

- Năm Bính Tí (1996), Thanh minh là đúng ngày 17 tháng 2.

Qua tài liệu trên đây, ta có thể nói Nguyễn Du không tuỳ tiện một cách sai lầm, mà chính là lời chú thích không đầy đủ. Có phần đúng là tiết Thanh minh theo sát Dương lịch (chỉ xê dịch một ngày qua năm trước - năm sau, thường là ngày 5 hoặc 6 tháng tư Dương lịch). Còn khẳng định ngày Thanh minh là ở khoảng đầu tháng ba Âm lịch là sai, do Âm lịch cứ vài năm lại có một năm nhuận, có 13 tháng chứ không phải 12. Và năm nhuận lại có đến 25 tiết, chứ không phải 24 tiết, tuy bình quân thì mỗi năm có 24, nhưng do vấn đề nhuận, lại có năm chỉ 23 tiết. Ta cần phải xét thêm một tí, vì qua tình hình như nói trên, thì câu Kiều số 40: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” phải giải thích thế nào cho ổn?. Xin thưa, tuy năm Âm lịch thì dài ngắn khác nhau, nhưng 24 tiết của bốn mùa, thì lại tương đối ổn định theo vòng quay của quả đất chung quanh mặt trời, mỗi năm là 365 ngày và 1/4, tức là khớp với Dương lịch – Theo thời tiết bốn mùa, thì mùa xuân bắt đầu từ Lập xuân, thường vào khoảng ngày 4 hoặc 5 tháng hai Dương lịch, rồi qua Vũ thuỷ, Kinh trập, Xuân phân, tức khoảng 60 ngày mới sang Thanh minh (sau đó là tiết Cốc vũ). Cứ lấy mỗi mùa là 90 ngày trở lên, tức mỗi tháng ba mươi ngày, thì Thanh minh nằm ở tháng thứ ba của lịch thời tiết, không phải là tháng ba Âm lịch. Xem thế, ta thấy không phải cứ ngày mồng một Tết là đúng đầu xuân. Mà như năm 1998 này, xuân đến chậm sau Tết 8 ngày.

2. Chữ tinh kỳ trong câu 694: “Tinh kỳ giục giã đã mong độ về”. Bản Kiều Nôm của Kiều Oánh Mậu chú: “Tinh kỳ, hôn kỳ dã, hôn giả kiến tinh nhi hành”. Các bản Kiều Quốc ngữ của ta dịch nghĩa câu chữ Hán ra để chú thích là: “Tinh kỳ là kỳ cưới vợ, đám cưới trông thấy sao thì đi”. Nếu suy nghĩ một tí, ta thấy lời chú thích có điểm khó thông, vì ngụ ý đêm cưới phải có sao, nếu không thì dựa vào đâu mà cưới ? Và có phải thường đám cưới không đi ban ngày ư? Lại thử tìm xem ở từ điển, thì Từ nguyên ghi “Tinh kỳ là ngày nhật diệu, ngày nghỉ, theo lịch cũ lấy tên Nhị thập bát tú để phân phối cho mỗi ngày, trong đó, các ngày Phòng, Hư, Mão, Tinh gọi là ngày diệu nhật. Ngày diệu nhật gọi là Tinh kỳ. Mỗi tuần bảy ngày cũng gọi là một Tinh kỳ. Ngày 7 tháng 7 cũng gọi là Tinh kỳ (Nhị thập bát tú, là 28 ngôi sao có các tên: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ; Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích; Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chuỷ, Sâm; Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn). Ta biết hiện nay trong lịch treo tường có ghi chữ Hán, thì cũng lấy Tinh kỳ làm một tuần lễ, và có các ngày Tinh kỳ nhất, Tinh kỳ nhị v.v… qua Tinh kỳ lục, đến Tinh kỳ nhật là ngày mà ta quen gọi là Chủ nhật. Vận dụng nghĩa trên đây, ta có thể hiểu câu thơ số 394 là: Ngày diệu nhật, tức Chủ nhật, mà Mã Giám Sinh hẹn đón dâu đã sắp đến.

3. Chữ nhật tấu trong câu 2568: “Dở say lại ép cung đàn nhật tâu” - Các bản Nôm ghi nhật tấu, nhưng vì là chữ cuối của câu thơ, phải để âm thanh bằng, nên lấy nghĩa của chữ tấu là tâu để ghi, để đọc. Do không phiên âm đúng từ Hán, nên coi đây là đọc chữ Nôm, và bản Quốc ngữ (NQT tái bản) ghi là nhặt tâu và chú thích: “Nhặt: mau, liền, gảy đàn trong suốt buổi tiệc” (NQT), hoặc “đánh với nhịp điệu nhanh cho vui nhộn” (NQT). Chú thích như thế e rằng không đúng. Một là các điệu nhạc cổ truyền có lẽ không có tính cách vui nhộn như các điệu Rốc,… ngày nay, mà nó thường êm ái du dương. Hai là nhạc mà đòi đánh cho mau, cho liền suốt cả buổi tiệc, thì chắc là mất cả hay. Vậy đây phải là chữ nhật tâu, là gảy thường ngày, tức là các cung đàn mà Kiều hay gảy, do đó là thạo nhất, cho nên hay nhất.

4. Chữ bạc trong câu 2991: “Phật tiền ngày bạc (nhà bạc?) lân la”. Đã có hai cách chú thích: “ngày bạc, dịch chữ “bạch nhật”, có nghĩa là ngày sống bình thản, ngày nào cũng như ngày nào” (NQT) và “ngày bạc , do chữ bạch nhật: ban ngày mà đây ngụ ý ngày bạc bẽo” (NQT).

Thực ra, theo từ điển Vương Văn Ngũ, thì bạch nhật là giữa ban ngày (ta hiểu: không phải lúc mới rạng sáng, hoặc khi sắp tối). Và chữ Hán bạc 泊 có 3 nghĩa: 1, đậu thuyền vào bến (Phong Kiều dạ bạc : là đêm, đậu thuyền bến Phong Kiều); 2, Hồ nước (Lương Sơn bạc: Lương Sơn ven hồ nước) và 3, Tĩnh mặc (yên tĩnh, vắng vẻ). Trong câu này dùng theo nghĩa thứ ba, và ngày bạc là ngày thường, vắng vẻ ở thảo am. Có bản Kiều Nôm ghi: “nhà bạc” nghĩa là nơi thảo am vắng vẻ yên tĩnh (bản của Liễu Văn Đường).

Cách giải thích coi bạch nhật là “ngày sống bình thản” không phù hợp với cảnh bọn Tú Bà, Mã Giám Sinh bị hành hình giữa thanh thiên bạch nhật (câu 2396). Hoặc coi chữ bạc ở đây là “bạc bẽo” cũng không đúng, vì có ai bạc bẽo với ai ở thảo am đâu ?

TB

NHÂN ĐỌC CUỐN
TÌM NGUYÊN TÁC TRUYỆN KIỀU

THẾ ANH

Mới đây chúng tôi có được đọc cuốn Tìm nguyên tác truyện Kiều(1 ) do ông Vũ Văn Kính – nhà nghiên cứu chữ Nôm cao tuổi hiệu khảo. Tìm nguyên tác Truyện Kiều là một vấn đề hấp dẫn chẳng những đối với các nhà nghiên cứu và những người quan tâm, mà còn đối với cả những người yêu thích Truyện Kiều, vì lẽ đó, tôi đã say sưa đọc một mạch, sau đó tìm các bản Kiều Nôm để đối chiếu. Chúng tôi rất hoan nghênh nhiệt tình của ông Vũ Văn Kính muốn đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du tiến gần với nguyên tác như lòng mong mỏi của những người yêu thích tác phẩm. Sau đây chúng tôi xin có một đôi điều trao đổi về cuốn sách.

Như chúng ta đã biết, văn bản gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du đã bị thất truyền. Bản Phường tương truyền là do Phạm Quý Thích - bạn của Nguyễn Du nhuận sắc và cho khắc in lần đầu ở phố Hàng Gai – Hà Nội hiện nay cũng bị thất lạc, bản Kiều Nôm xưa nhất là bản Liễu Văn Đường in năm Tự Đức thứ 24 (1871) chúng ta cũng không có trong tay(2), và các nhà nghiên cứu thường dựa vào những bản Quốc ngữ và chữ Nôm có niên đại từ 1875(3) về sau để khảo đính và nhuận sắc Truyện Kiều. Chỉ tính từ 1965 đến nay đã có ba công trình nghiên cứu tiêu biểu, đó là Truyện Kiều của Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1965 trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du; Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang hiệu đính xuất bản lần đầu vào năm 1972 và đến nay đã được tái bản gần 20 lần; công trình nghiên cứu Truyện Kiều do Nguyễn Quảng Tuân hiệu đính và chú giải in trong Tổng tập văn học Việt Nam (tập 12) đã thu thập được nhiều tư liệu có giá trị. Chúng tôi nêu vấn đề này là để liên hệ với cuốn Tìm nguyên tác Truyện Kiều, vì cuốn sách được viết từ trước ngày giải phóng (theo lời người soạn ở đầu sách) nên chưa thu thập được nhiều tư liệu, nhưng nếu khi đưa in, người soạn cố gắng tham khảo thêm những nguồn tư liệu như chúng tôi vừa nêu để bổ sung, thì chắc chắn cuốn sách sẽ hoàn bị hơn và mặt khác, cũng tránh được những sai sót không đáng có. Chúng tôi không có điều kiện xem hết 8 bản Kiều Nôm và Quốc ngữ mà ông Vũ Văn Kính đã chọn để đưa vào phần chính văn do ông hiệu khảo, mà chỉ dựa vào một bản Kiều Nôm tiêu biểu mà ông Vũ Văn Kính gọi là bản A, tức là bản Đoạn trường tân thanh do Kiều Oánh Mậu chú thích để đối chiếu.

Những nhận xét sau đây của chúng tôi là căn cứ vào lời giải thích và phiên âm ở dưới phần chính văn.

Bảng kê những chỗ phiên âm sai so với Bản A (Kiều Oánh Mậu)

TT Những chỗ phiên âm sai (theo số thứ tự trong phần chú thích) Chữ Nôm
trong bản A
Đúng ra phải phiên âm là
1 (68) Gặp tuần ĐÓ LÁ thoả lòng tìm hoa Gặp tuần ĐỎ LÁ thoả lòng tìm hoa
2 (72) Bên cầu tơ liễu bóng chiều THƯỚT THA Bên cầu tơ liễu bóng chiều LA THA
3 (77) Tựa LAN bên triện một mình thiu thiu Tựa NƯƠNG bên triện một mình thiu thiu
4 (285) Lạy thôi nàng mới THƯA chiềng Lạy thôi nàng mới RÉN chiềng
5 (318) Đánh liều âu cũng RẠNG dần Đánh liều âu cũng DẠNG dần
6 (328) Vài tuần RÓT cạn chén khuyên Vài tuần CHƯA cạn chén khuyên
7 (339) Rừng thu TỪNG biếc ố hồng Rừng thu RỖ biếc ố hồng
8 (366) Cắt người coi sóc RƯỚC thầy thuốc THANG 玞 靵 Cắt người coi sóc CHẠY thầy thuốc MEN
9 (466) Lòng quê CŨNG một vài điều ngang ngang Lòng quê DỞ một vài điều ngang ngang
10 (559) Một NIỀM quan tái mấy mùa gió trăng Một MÀU quan tái mấy mùa gió trăng
11 (602) Khuyển Ưng đã GIỮ mưu gian Khuyển Ưng đã ĐẮT mưu gian
12 (635) Sen tàn cúc lại NHỊ (NHUỴ) hoa Sen tàn cúc lại CHIẾNG hoa
* Chiếng là từ cổ; chiếng hoa cũng như nở hoa (S’épanouir, bourge-onner).
13 (679) Giọt châu tầm tã ẨM tràng áo xanh Giọt châu tầm tã ƯỚT tràng áo xanh
14 (700) Máu ghen ai cũng chau mày NHE răng Máu ghen ai cũng chau mày NGHIẾN răng
15 (704) Tiếng gà ĐIỂM nguyệt dấu giày cầu sương Tiếng gà ĐIẾM nguyệt dấu giày cầu sương.
+ Theo ý thơ của Ôn Đình Quân: Kê thanh mao điếm nguyệt, Nhân tích bản Kiều sương
16 (756) Từ rằng tâm PHÚC tương tri Từ rằng tâm PHỦ tương tri.
17 (777) Trong quân CÓ lúc vui vầy Trong quân NHÂN lúc vui vầy
18 (824) Việc ngoài bát tiễu... 便 宜 撫 TIỆN NGHI PHỦ tiễu việc ngoài đổng nhung.
19 (879) CÓ trời mà cũng CÓ ta 在 ...在 TẠI trời mà cũng TẠI ta
20 (887) Một mình CHỊU MỘT 命 橜 Một mình MÌNH CHỊU...
21 (928) Còn tôi MỘT GẶP MẶT nàng mới thôi 碎 沒 Còn tôi, TÔI MỘT GẶP nàng mới thôi.
22 (938) Dường như bên ỐC trước thềm Dường như bên CHÁI trước thềm
23 (1018) Hoa thơm phong nhuỵ TRONG vòng tròn gương. Hoa thơm phong nhuỵ TRĂNG vòng tròn gương.

Ngoài những chỗ phiên âm sai mà chúng tôi đã nêu trên đây, thì rải rác trong phần chính văn đã được ông Vũ Văn Kính hiệu đính và thống nhất với 8 bản Kiều Nôm và Quốc ngữ cũng còn có nhiều chỗ phiên âm sai so với bản A.

Ví dụ:

- Câu 1183: ĐEM người giảy xuống giếng THƠI

Bản A: Phỉnh (恜) người giảy xuống giếng khơi (眡 )

- Câu 1529: Kể chi những NỖI dọc đường.

Bản A: Kể chi những SỰ (事) dọc đường.

- Câu 1923: áo xanh đổi LẤY cà sa.

Bản A: áo xanh đổi BỨC (幅 ) cà sa.

- Câu 1929: Nhân duyên đâu LẠI CÒN mong

Bản A: Nhân duyên đâu NỮA MÀ (女 麻 ) mong.

- Câu 2748: Song TRĂNG quạnh quẽ, vách mưa rã rời.

Bản A: Song MÂY ( 詸) quạnh quẽ, vách mưa rã rời

Với những lý do trên, chúng tôi xin nêu lại câu nhận xét trong bài “Đôi lời cùng độc giả” ở đầu sách người soạn để kết luận”... từ 1902 đến nay, chỉ thấy các sách hiệu đính hay những bài viết, đa số chỉ căn cứ vào những bản Quốc ngữ hay những bản Nôm đã được lưu hành rộng rãi, nhưng cũng chưa có bản nào thuyết phụ được độc giả một cách mỹ mãn”(4) , và cuốn Tìm nguyên tác Truyện Kiều cũng không nằm ngoài số đó.

CHÚ THÍCH

(1) Tìm nguyên tác Truyện Kiề u - Vũ Văn Kính (hiệu khảo), Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh 1998.

(2) Kim Vân Kiều tân truyện, Liễu Văn Đường tàng bản, Tự Đức nhị thập tứ niên (1871) trọng xuân tân san. Đây là bản Kiều Nôm cổ nhất hiện lưu trữ ở Thư viện trường Sinh ngữ Đông Phương Paris. (Mới đây chúng tôi nhận được một thông tin là ở Hương Canh (ngoại thành Hà Nội), tại gia đình một lương y cũng có bản Kiều này, nhưng gia đình giữ lại làm gia bảo, không cho ai sao chép (hoặc xem)

(3) Kim Vân Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký (1875),

- Kim Vân Kiều tân truyện, Thịnh Mỹ Đường tàng bản (1879),

- Kim Vân Kiều tân truyện, Quan Văn Đường tàng bản (1879),

- Kim Vân Kiều tân truyện, Abel des Michels, dịch ra tiếng Pháp (1884 - 85)

(4) Đôi lời cùng độc giả - tr.7, cuốn Tìm nguyên tác Truyện Kiều.

TB

GÓP THÊM TƯ LIỆU MỚI VÀO VIỆC
TÌM HIỂU TÁC GIẢ NGUYỄN BÍNH

NGUYỄN HỮU MÙI

Trong di sản Hán Nôm của cha ông ta để lại đến hôm nay, có một bộ phận khá lớn các bản ngọc phả, thần phả, phả lục, cổ lục, sự tích... hay còn gọi chung là Thần tích. Khi nói đến tác giả của loại hình văn bản này, chúng ta thấy có hai tên người rất quen thuộc, thường được nhắc đến là Nguyễn Bính và Nguyễn Hiền(1). Về Nguyễn Hiền, chúng tôi đã có bài nghiên cứu bước đầu đăng trên Tạp chí Hán Nôm(2). Còn với Nguyễn Bính, do đây là tác gia lớn nên việc tìm hiểu về ông cũng đã được đặt ra từ khá sớm. Năm 1962, trong công trình Lược truyện các tác gia Việt Nam, do Viện Sử học xuất bản, tập I, tr.259, có đề cập đến Nguyễn Bính, nhưng không xác định được năm sinh, năm mất, quê quán ở đâu. Các tác giả căn cứ vào sách Trưng Vương Công thần phả lục, ký hiệu A267, cho biết “ông sống vào khoảng năm 1572, niên hiệu Hồng Phúc năm đầu”.

Năm 1977, Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam in rônêô cuốn Thư mục Hán Nôm, mục lục tác giả (MLTG) ở tr.181, cũng đề cập đến Nguyễn Bính, ghi sau: “Theo sách Trưng Vương công thần phả lục, ông sống vào khoảng năm 1572, niên hiệu Hồng Phúc. Theo Nguyễn Trí tộc gia phả thì ông là người làng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, đỗ Tiến sĩ (?), làm Hàn lâm viện, Đông các đại học sĩ”.

Năm 1983, Nxb. KHXH xuất bản bộ Từ điển văn học, tập II, tr.48, coi Nguyễn Bính là “Nhà văn Việt Nam, chưa rõ lai lịch và hành trạng thật cụ thể. Tập Nguyễn Trí tộc gia phả có nói đến Nguyễn Bính, tổ thứ sáu, người xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, sinh năm Ất Dậu (1525?), mất năm Ất Tỵ (1605?), thọ 81 tuổi, là Nho sinh ở Tú lâm cục, phong Hiển cung đại phu, Đông các học sĩ...”

Đến năm 1993, Nxb. Văn hóa -Thông tin cho ra đời bộ Từ điển văn hóa Việt Nam. Tác giả của mục từ Nguyễn Bính trong bộ sách này đã phân tích nội dung thông tin của MLTG, Nguyễn Trí tộc gia phả Từ điển văn học (ba cuốn sách dẫn trên) đưa ra kết luận: “Cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết gì ngoài đôi dòng ở cuối các thần phả ghi năm soạn thảo và họ tên chức tước của ông” (tr.306).

Gần đây, năm 1995, Nxb. Giáo dục xuất bản bộ Từ điển văn học vẫn có đoạn ghi về Nguyễn Bính như sau: “Căn cứ vào bản Nguyễn Trí tộc gia phả của họ Nguyễn làng Sơn Đồng (huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây ngày nay)... Giới nghiên cứu cho rằng có thể đây chính là Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính đã soạn các bản thần tích vào năm 1572. Nhưng cũng có ý kiến nghi ngờ giả thuyết này” (tr.258).

Trên đây là một số ý kiến của giới nghiên cứu viết về Nguyễn Bính trong mấy thập kỷ qua, kể từ năm 1962 đến nay. Tựu chung có hai quan điểm: Một, không rõ lai lịch Nguyễn Bính. Hai, căn cứ vào bản Nguyễn Trí tộc gia phả, mang ký hiệu A.669 của Thư viện Viện Hán Nôm mà cho Nguyễn Bính là tổ thứ 6 của họ Nguyễn Trí ở làng Sơn Đồng, sinh ngày 5 tháng 6 năm Ất Dậu, mất ngày 17 tháng 7 năm Ất Tỵ, thọ 81 tuổi. Ở bài viết này, chúng tôi xin bàn đến quan điểm thứ hai này.

Theo chỉ dẫn của các tác giả đi trước, chúng tôi xem lại cuốn Nguyễn Trí tộc gia phả (A.669), thì thấy đây là cuốn phả viết bằng chữ Hán, chữ chân phương, dễ đọc. Sách có 15 tờ (30tr), khổ 29x19,5cm, ghi thế thứ, khoa hoạn, ngày sinh, ngày giỗ, phần mộ... của họ Nguyễn Trí làng Sơn Đồng, huyện Đan Phượng. Tờ đầu (1a) cho biết phả được sao lại vào ngày 18 tháng 9 năm Duy Tân thứ 2 (1908), từ chính phả cũ của dòng họ. Đến tờ 2b, phả ghi như sau: Tổ khảo đời thứ 6 Nguyễn quí công, tên tự là Trung Tín, tên hiệu là Phúc Toàn, tên húy là Bính, là Nho sinh ở Tú lâm cục, được tặng phong Hiển cung đại phu, Đông các học sĩ, Tu thận, Thiếu doãn. Sinh giờ Tỵ, ngày mồng 5 tháng 6 năm Ất Dậu, thọ 81 tuổi. Mất ngày 17 tháng 7 năm Ất Tỵ(3).

Nếu căn cứ vào đoạn tư liệu vừa dẫn để coi Nguyễn Bính là tác giả của các bản thần tích thì không ổn, vì chức của Nguyễn Bính ghi trên tất cả các bản thần tích có trong sưu tập AE lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng như số văn bản thần tích có tại các địa phương mà chúng tôi được biết, là “Đông các đại học sĩ”; còn ở đây là “Đông các học sĩ”. Mặt khác, tiếp sau tổ thứ 6 của họ Nguyễn Trí là tổ thứ 7, gia phả ghi rõ tên người là Nguyễn Trí Vị, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn. Sinh năm Canh Tuất, mất năm Bính Tý, thọ 87 tuổi. Về Nguyễn Trí Vị, do đây là nhà khoa bảng nên tra trong các sách Đăng khoa lục đại khoa, chẳng hạn như Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, ký hiệu VHv.2140/q.3, tờ 41b (sách in ván gỗ đời Cảnh Hưng), vào khoa thi năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), có tên Nguyễn Trí Vị, người xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, đỗ Tiến sĩ năm 43 tuổi. Tính theo tuổi ta thì biết Nguyễn Trí Vị sinh năm 1670, mất năm 1756, thọ 87 tuổi. Như vậy, nếu ông tổ thứ 6 được xem là sinh năm 1525, mất năm 1605, thì hai thế hệ kế tiếp đã xa cách nhau đến những 145 năm. Đó là điều rất khó, nếu không nói là không thể xảy ra.

Trước tình hình đó, chúng tôi tiến hành điều tra thực địa tại thôn Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, là nơi có dòng họ Nguyễn Trí để thu thập thêm tư liệu. Thôn này cách Hà Nội chừng 18 km về phía Tây. Hiện tại, thôn có khoảng 1800 nhân khẩu, chủ yếu vẫn là người của họ Nguyễn, với các tên đệm như Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Trung, Nguyễn Bá, Nguyễn Trí v.v. Tại đây, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Trí Thịnh, 35 tuổi, hiện là chi trưởng của họ Nguyễn Trí, và được anh cho xem cuốn Nguyễn Trí tộc trưởng chi phả ký 阮 致 族 長 支 譜 記 do gia đình anh lưu giữ. Đây là cuốn phả viết bằng chữ Hán trên nền giấy dó gập đôi, đóng bìa cậy, khổ 26x14cm. Cả cuốn có 35 tờ (70 trang). Từ tờ thứ 1 đến tờ thứ 8, chép 6 đạo sắc phong đời Lê, phong cấp cho 4 người sau đây:

+ Đạo thứ nhất, ban phong cho Nguyễn Trí Thân, thân phụ của Nguyễn Trí Vị, đề ngày 16 tháng 4 năm Vĩnh Hựu 2 (1736).

+ Đạo thứ hai, đề ngày mồng 2 tháng 4 năm Vĩnh Thịnh 6 (1710).

+ Đạo thứ ba, đề ngày mồng 3 tháng 8 năm Vĩnh Thịnh 8 (1712).

+ Đạo thứ tư, đề ngày 27 tháng 5 năm Vĩnh Hựu 3 (1737).

(Ba đạo này đều ban phong cho Nguyễn Trí Vị, con trưởng của Nguyễn Trí Thân).

+ Đạo thứ năm, ban phong cho Nguyễn Quốc Bảo, con thứ của Nguyễn Trí Thân, đề ngày mồng 9 tháng 6 năm Cảnh Hưng 20 (1759).

+ Đạo thứ sáu, ban phong cho Nguyễn Trí Vọng, con thứ ba của Nguyễn Trí Thân, đề ngày mồng 9 tháng 6 năm Cảnh Hưng 2 (1741).

Từ tờ thứ 9 đến tờ 15 là phần chép gia phả. Đối soát tỷ mỷ từng tờ, từng chữ của phần gia phả này với bản Nguyễn Trí tộc gia phả, ký hiệu A.669 của Viện Hán Nôm, ta thấy rằng phần gia phả của hai cuốn phả giống nhau, tức từ đời tổ thứ nhất đến đời tổ thứ 9 của hai cuốn phả họ Nguyễn Trí không có sự xuất nhập nào. Nói đúng hơn, bản A.669 là bản sao của bản Nguyễn Trí tộc trưởng chi phả ký. Chỉ có điều, ở bản A.669, vì lý do nào đó, người sao đã không chép 6 đạo sắc vào phả.

Điều may mắn khi anh Nguyễn Trí Thịnh đưa tiếp cho chúng tôi xem bản gốc của 6 đạo sắc phong nêu trên, trong đó chúng tôi đặc biệt chú ý tới đạo sắc thứ nhất có liên quan đến vị tổ thứ 6. Đây là đạo sắc khổ 130x40cm, chép trên giấy dó, màu vàng nhạt, có trang trí nền hình rồng và các hình tròn phủ nhũ. Diềm mép xung quanh lại rách nát, có ảnh hưởng ít nhiều đến nguyên văn, nhưng vẫn có thể suy đoán được những chữ đã mất. Lòng sắc có tất cả 75 chữ Hán, chép tay, theo lối khải thư, phân bố thành 8 cột. Chữ “sắc” ở cột 1 và cột 7 được viết đài. Dòng niên đại có 9 chữ: [Vĩnh] Hựu nhị niên tứ nguyệt thập lục nhật. Trên dòng này có hình dấu son, hình vuông, kích thước 11x11cm, với 4 chữ triện Sắc mệnh chi bảo, khẳng định đây là bản chính của triều đình. Xin dịch nghĩa nội dung của đạo sắc:

Sắc cho Nho sinh Tú lâm cục Nguyễn Trí Thân, người xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, là thân phụ của Nguyễn Trí Vị, giữ chức Triều liệt đại phu, Quốc Tử Giám Tế tửu. Cho nên được dự phong tặng, từng có chiếu chỉ phê chuẩn, đáng được tặng Đông các học sĩ. Được tặng Hiển cung đại phu, Đông các học sĩ, Tu thận, Thiếu doãn, Trung liệt. Vậy ban sắc này.

Ngày 16 tháng 4 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).

(Nguyên văn:

敕 丹 鳳 縣 山 桐 社 秀 林 局 儒 [生] 阮 致 身 為 以 朝 列 大 [夫 ] 國 子 監 祭 酒 阮 致 位 親 生 父 [故 ] 預 得 封 贈 已 經 旨 准 應 贈 東 閣 學 士 職 可 贈 顯 恭 [大] [夫]東 閣 學 士 修 慎 少 尹 中 [列] [故 ]敕

[永 ] 佑 二 年 四 月 十 六 日 .

Sắc Đan Phượng huyện, Sơn Đồng xã Tú lâm cục Nho [sinh] Nguyễn Trí Thân, vị dĩ Triều liệt đại [phu], Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Trí Vị thân sinh phụ. [Cố] dự đắc phong tặng, dĩ kinh chỉ chuẩn, ưng tặng Đông các học sĩ chức. Khả tặng Hiển cung [đại phu], Đông các học sĩ, Tu thận, Thiếu doãn, [Trung liệt]. [Cố] sắc.

[Vĩnh] Hựu nhị niên tứ nguyệt thập lục nhật).

Bằng đạo sắc phong của triều đình thời Vĩnh Hựu - nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, cho biết tổ thứ 6 của họ Nguyễn Trí còn có một tên khác mà gia phả không ghi, đó là Nguyễn Trí Thân. Nhưng điều quan trọng hơn, ông là thân phụ của Nguyễn Trí Vị. Mà Nguyễn Trí Vị, như đã biết, ông sinh năm 1670, mất năm 1756, thọ 87 tuổi. Như thế đủ thấy tổ thứ 6 Nguyễn Trí Thân không thể sinh năm Ất Dậu (1525), mất năm Ất Tỵ như Từ điển văn học nhận định, mà là sinh năm Ất Dậu (1645), và mất năm Ất Tỵ (1725). Nghĩa là phải tính muộn hơn 2 hoa giáp (120 năm) mới khớp giữa hai thế hệ cha con. Như vậy theo gia phả và sắc phong, tổ thứ 7 là Nguyễn Trí Vị, thì tổ thứ 6 phải là Nguyễn Trí Bính, hoặc Nguyễn Trí Thân. Vị này sống giữa thế kỷ XVII và XVIII, được truy phong chức “Đông các học sĩ” khi đã mất; còn Nguyễn Bính, người viết các bản thần tích vào năm 1572 và giữ chức “Đông các đại học sĩ” khi còn sống. Rõ ràng đó là hai người khác nhau.

Đến đây, qua gia phả, đặc biệt qua đạo sắc phong mới được biết đến, chúng ta có thể khẳng định: Tổ thứ 6 của họ Nguyễn Trí ở xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng (nay là thôn Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) tuy cũng có tên là Bính nhưng không liên quan gì đến Nguyễn Bính - tác giả của các bản thần tích vào năm Hồng Phúc (1572), đời Lê Anh Tông.

CHÚ THÍCH

(1) Theo kết quả điều tra của chúng tôi trong 2751 văn bản thần tích của 2113 làng xã, thuộc 22 tỉnh thành từ Nghệ An trở ra, đóng trong 568 tập thần tích mang kí hiệu AE, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã có tới 1861 văn bản, chiếm 68% tổng số văn bản ghi tên Nguyễn Bính là người soạn vào năm Hồng Phúc 1 (1572) và Nguyễn Hiền là người sao lại vào năm Vĩnh Hựu (1735-1740). Đây là hiện tượng độc đáo trong mảng sách Hán Nôm đang được nghiên cứu.

(2) Xem bài Quản giám bách thần Nguyễn Hiền, ông là ai ? Tạp chí Hán Nôm, số 3, 1995, tr.26-29.

(3) Nguyên văn: Đệ lục tổ khảo Tú lâm cục Nho sinh, tặng phong Hiển cung đại phu, Đông các học sĩ, Tu thận, Thiếu doãn Nguyễn quí công, tự Trung Tín, hiệu Phúc Toàn, húy Bính. Ất Dậu niên lục nguyệt sơ ngũ nhật Tỵ thời sinh, hưởng linh bát thập nhất tuế. Ất Tỵ niên thất nguyệt thập thất nhật kỵ.

TB

PHẢI CHĂNG MỘ VUA LÝ HUỆ TÔNG ĐƯỢC CHÔN TẠI XÃ ĐÔNG MỸ NGOẠI THÀNH
HÀ NỘI?

TUẤN HÂN

Lý Huệ Tông vua thứ tám đời Lý, lên ngôi năm 17 tuổi. Những năm ông trị vì đất nước là những năm đen tối nhất của cơ nghiệp nhà Lý: nhân dân đói khổ, chết chóc đầy đường; nội bộ quan lại lục đục, chém giết lẫn nhau, phân hóa thành nhiều phe cánh.

Bị sức ép và toan tính của Trần Thủ Độ nên Lý Huệ Tông đã nhường ngôi cho con gái là công chúa Chiêu Thánh lên làm vua tức Lý Chiêu Hoàng vào năm 1224. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Lý Huệ Tông thấy uy thế họ Trần trong triều ngày càng lớn nên ông dứt khoát bỏ đến chùa Chân Giáo ở ẩn và lấy hiệu là Huệ Quang Thiền sư. Còn theo Việt sử lược thì sau khi nhà Trần đã lên ngôi (1225) ông và mẹ đã cùng về tu tại chùa Phù Liệt. Ngày mùng 8 tháng 10 Bính Tuất năm Kiến Trung thứ 2 (tức ngày 30 tháng 10 năm 1226) Trần Thủ Độ đến chùa bắt ông tự vẫn (theo Thơ văn Lý - Trần tập I, trang 557).

Chùa Phù Liệt mà Việt sử lược nêu có lẽ là chùa Đông Phù Liệt, tên Nôm là chùa Nhót, tên chữ là Hưng Long tự ở phía nam Thăng Long, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Chùa Hưng Long theo thư tịch, được xây dựng vào năm Thuận Thiên thứ hai (1011) sau khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Triều đình đã bỏ tiền ra xây một loạt chùa ở trong và ngoài thành. Trong số các chùa ở ngoài thành có chùa Hưng Long mà Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn ghi là chùa Long Hưng (Long Hưng và Hưng Long là một).

Chùa Hưng Long được vua đầu triều Lý bỏ tiền ra xây dựng, rồi tới đời sau (Lý Thái Tông?) lại có hai con gái vua cũng về tu hành và đắc đạo tại chùa này. Dưới triều Lý có vị sư người Đông Phù Liệt được triều đình phong làm Tăng Thống đứng đầu hàng sư trong cả nước. Thời bấy giờ, các nhà sư là các nhà "trí thức" đương thời, nhưng cũng là những nhà chính trị phò vua giúp nước. Cuối đời Lý, cũng chính thời Lý Huệ Tông vào khoảng năm 1216, do tình hình rối ren ở triều đình, nên nhà vua đã sơ tán và thiết lập một "thảo điện" - tức cung điện bằng tre nứa lá tại Tây Phù Liệt, mà Tây Phù Liệt và Đông Phù Liệt tức làng Phù Liệt xưa cùng một địa chỉ, song có hai tên gọi.

Như vật đất Phù Liệt là "đất tin cậy" của triều Lý, nên Lý Huệ Tông đã về tu và ở ẩn ở đây là điều dễ hiểu. Hiện ở cánh đồng làng đã từ lâu đời có một gò đất cao dân làng gọi là Mả Vua (ở sau trường tiểu học Đông Mỹ) mà ngày nay tất cả dân làng từ trẻ đến già còn biết địa danh này, phải chăng đó là mộ vua Lý Huệ Tông?

Ngoài ra ở chùa Hưng Long có một tấm bia lớn ghi lại việc trùng tu chùa vào năm Kỷ Mùi thời Lê - Trịnh (1619), nhưng diềm bia thì trang trí hoa văn và những con rồng lại mang đặc trưng thời Lý. Phải chăng tấm bia đó có từ thời Lý, nhưng tới triều Trần đã bị mờ hoặc bị xóa mà đời sau tận dụng tấm bia ấy khắc lời văn mới, hoặc còn có "thông điệp" gì nhắn cho hậu thế ?

Truyền lại trong dân gian là vua cha của hai vị công chúa nhà Lý đã đốt chùa vì khuyên hai con gái bỏ tu hành về với đời thường, nhưng hai bà quyết quy y đầu Phật nên vua cha giận đốt chùa. Về sau hối lại vua cho xây đền ngôi chùa mới nên gọi là chùa Đền. Các nhà nghiên cứu cho rằng truyền thuyết đó không hợp lý, vì Phật giáo dưới triều Lý được coi như quốc đạo thì không thể có hiện tượng này, mà có thể là ngôi chùa dạng "tiền chùa hậu đền" (tức phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thánh) phổ biến ở nhiều nơi. Nhưng với sự kiện Lý Huệ Tông, truyền thuyết đốt chùa (nếu có thì vào đầu đời Trần) cần đặt thành vấn đề nghiên cứu.

Chùa Đông Phù Liệt nay đã xuống cấp rất nghiêm trọng, khuôn viên chùa đã bị thu hẹp rất nhiều, không gian quanh chùa bị phá vỡ, nhiều văn bia chưa được dịch hết và chắc chắn vẫn còn chứa nhiều chứng tích lịch sử giá trị.

Nếu chùa Hưng Long đích thực được xây từ năm 1011 thời Lý Thái Tổ (vua đầu triều Lý) và Lý Huệ Tông (coi như vị vua cuối cùng triều Lý) đã về tu và tự vẫn tại chùa cũng như mộ được chôn tại đất Đông Phù Liệt (xã Đông Mỹ ngày nay) thì thật có ý nghĩa lớn nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lịch sử.

TB

MỘT CÁCH DÙNG MỚI CỦA DANH TỪ TIẾNG HÁN

NGUYỄN THIỆN

Gần đây, trong tiếng Hán xuất hiện những cách biểu đạt mới, từ đó dẫn đến một số thay đổi về hình thức ngôn ngữ và sự phát triển mới về phạm trù từ loại. ở bài viết này, tôi chỉ xin được đề cập đến một cách dùng mới của danh từ tiếng Hán để chúng ta cùng tham khảo.

Chúng ta đều biết rằng, cũng như trong tiếng Việt, danh từ tiếng Hán là một từ loại biểu thị tên người hoặc sự vật (từ điển Hán ngữ hiện đại). Song trong ngôn ngữ tiếng Hán hiện nay, danh từ còn được dùng như một tính từ (hình dung từ).Và như vậy, với chức năng như một tính từ, những danh từ này đóng vai trò là thành phần tu sức (cũng có lúc làm vị ngữ) trong câu và thường mang một phó từ chỉ mức độ đứng trước nó. Chúng ta hãy xem những ví dụ sau:

1. 這 種 話 若 是 放 在 過 去 趙 文 東 一 定 難 以 入 耳 ,但 今 天 所 上 去 還 行 大 概 是 何 師 娘 態 度 十 分 自 已 人 的 緣 故 . (“Chúng ta là hàng xóm” Văn học Thượng Hải, tháng 11 năm 1992).

2. 其 中 一 個 ...目 光 很 嚴 曆 , 很 階 級 斗 爭 . 讓 人 望 而 生 畏 . bài “Xuyên qua thành phố” trong Dã thảo tháng 2 năm 1993).

3. 他 把 希 望 寄 托 在 了 這 個 据 說 是 很 色 情 , 又 很 有 錢 的 老 女 人 身 上 (xem bài “Người đàn bà hút thuốc bạc hà” trong tạp chí Gia thành tháng 1 năm 1993).

4. 它 太 現 代 , 太 時 髦 , 不 符 合爾 的 气 質 (“Tỉnh mộng”, Văn học đương đại, tháng 1 năm 1993).

5. 老 何 覺 得 giá 個 地 方 倒 真 是 很 陶 淵 明 的 (“Thôn làng đời Tống”, Văn học Hồ Nam, tháng 7 năm 1993).

6. 情 人 ,好 浪 漫 ,好 詩 意 (Lời quảng cáo trên Đài phát thanh Trung ương 26. 7. 1994).

7. 這 孩 子 有 點 李 承 晚 ,不 過 沒 那 麻 漂 亮 (“Vương Sóc dông dài về xã hội”, Nxb. Văn nghệ Bách Hoa, in lần thứ nhất, tháng 1 năm 1993)

8. 老 田 最 福 气 (“Kính vạn hoa Vương Phủ Tỉnh”, tác giả Lưu Tâm Vũ).

9. 那 孩 子 從 容 地 倚 著 門 爾 很 大 人 地 著 麻 仲 (“Vệ sĩ”, Văn học miền Bắc - tháng 1 năm 1993).

10. 但 我 的 內 心 早 巳 宿 命 地 按 受 了 它 (“Vòng tình ái”, trong Phù dung, tháng 6 năm 1992)

Từ những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy:

1. Nếu xét về mặt ý nghĩa, có thể nói thực chất của cách dùng này chính là việc lấy hình thức ngôn ngữ khá đơn giản để biểu đạt ý nghĩa tương đối phức tạp. Từ việc xem xét hàng trăm ví dụ khác nhau, chúng tôi thấy ý nghĩa mà những danh từ này muốn thể hiện gồm hai loại:

Một là tỉnh lược ngôn ngữ dưới một hình thức nào đó, mà thường là động từ. Như ở ví dụ 6 “好 詩 意 ” có thể được hiểu là 好 有 詩 意  giàu ý thơ), hay ở ví dụ 7:

"有 點 李 承 晚" tức là "有 點 象 李 承 晚 ” (có gì đó giống với Lí Thừa Vãn). Ví dụ 8 và 9 cũng tương tự.

Hai là, sự chuyển đổi ý nghĩa của danh từ. Trong trường hợp này, danh từ không được dùng để chỉ tên gọi của người hay sự vật cụ thể, mà nó biểu thị những đặc trưng hay những biểu hiện bên ngoài của người hoặc sự vật đó. Như ở ví dụ 1 chẳng hạn “十 分 自 已 人 có nghĩa là "完 全 象 自 己 人 那 樣 表 現" thể hiện như người trong nhà). ở ví dụ 2 "很 階 級 斗 爭 có nghĩa là 象 摘 階 斗 爭 那 樣 嚴 肅 貳 嚴 歷" (nghiêm khắc như tiến hành đấu tranh giai cấp)

Ví dụ 3: "很 色情 nghĩa là “ 具 有 色 情 這 一 特 貞 征 ( có tính dâm), 特 別 地 喜 歡 男 色 (rất thích đàn ông).

Tương tự như vậy, ở ví dụ 4 "太 現 代" được hiểu là "具 有 現 代 派 的 那 些 表 現" (có những biểu hiện rất hiện đại). Ví dụ 5 có hơi khác một chút "很 陶 淵 明 " lại muốn nói: ông lão Hà cảm thấy nơi ấy có hương vị của cảnh điền viên hay thế giới không tưởng dưới ngòi bút của Đào Uyên Minh.

Trong ví dụ 10, ý nghĩa biểu đạt lại khá đơn giản. Danh từ “宿 命" đóng vai trò như một trạng ngữ tu sức cho động từ "按 受", ý nghĩa không đổi. “但 我 內 心 早 已 宿 命 地 按 受 了 它 " (Từ lâu, tận đáy lòng mình, tôi đã chấp nhận điều đó như một định mệnh). Trường hợp này cũng giống như danh từ "科 學" (khoa học) làm trạng ngữ. Có thể coi đây là một cách dùng khác nữa của danh từ tiếng Hán, song trường hợp này ta ít gặp hơn.

Hiện tượng ngữ pháp mới này, bên cạnh sự phong phú về mặt ý nghĩa, có lúc nó còn mang lại hiệu quả biểu đạt khá độc đáo. Chẳng hạn như trên Nhân dân nhật báo có đăng bài viết về Trương Nghệ Mưu, trong khi miêu tả đạo diễn này, tác giả đã viết "一 副 很 農 民 的 樣 子 "(có vẻ rất nông dân) là có ý khôi hài. Hay "很 階 級 斗 爭 " ở ví dụ 2, "有 點 李 承 晚 ở ví dụ 7 cũng vậy.

2- Về nguồn gốc của hiện tượng này, chúng tôi cho rằng: thứ nhất nó được bắt nguồn từ cách dùng tương tự trước đây đã từng xuất hiện trong tiếng Hán. Ví dụ như "很 科 學" (rất khoa học), "很 經 濟" (rất kinh tế), "很 官 僚 主 義 “ (quá quan liêu).... Vì vậy, có thể coi cách dùng hiện nay chính là việc chủng loại hoá hay là một hình thức mở rộng của cách dùng cũ trước kia. Tất nhiên, việc mở rộng đó cũng có những quy tắc nhất định. Hai là, từ việc bắt chước cách sử dụng từ ngữ trong các tác phẩm của Đài Loan và Hồng Kông. Trên thực tế, mấy năm gần đây có rất nhiều tác phẩm của Đài Loan và Hồng Kông tràn vào Trung Quốc đại lục. Có thể trích ra đây một số ví dụ:

1. 眼 睛 非 常 地 雙 眼 皮 . tác phẩm Mây của Trần Ánh Chân, Đài Loan). "雙 眼 皮 " mắt hai mí.

2. 爾 瞧 線 條 多 么 維 納 斯 . (Tùy bút của Tưởng Tàn Vân, Đài Loan). "維 納 斯  - tượng thần vệ nữ.

3. 她 知 道 那 是 一 個 很 年 輕 的 男 孩 子 , ... 很 陽 剛 气 . (Ngoảnh nhìn câm lặng của Nghiêm Thẩm, Hồng Kông.) "很 陽 剛 气 "- rất đàn ông.

Trong một thời kỳ dài, ở Đại Lục dậy lên mốt bắt chước lối nói của người Hồng Kông và Đài Loan. Và như vậy, cũng thật dễ hiểu nếu ở đâu đó người ta thấy trong các tác phẩm văn học xuất hiện một số danh từ hay cách nói của thổ ngữ Đài Loan hoặc Hồng Kông. Vả lại, chúng cũng có những nét độc đáo riêng về mặt ý nghĩa biểu đạt.

Nói tóm lại, một mặt trong tiếng phổ thông đã từng có những tiền lệ, mặt khác các tác phẩm văn học Đài Loan và Hồng Kông có ảnh hưởng khá rộng rãi đến đời sống ngôn ngữ của người Trung Hoa. Đó cũng chính là hai nguồn gốc chủ yếu làm phong phú thêm hình thức ngôn ngữ biểu đạt và mở rộng phạm trù từ loại trong tiếng Hán hiện đại ngày nay. Trên thực tế, không những chỉ có người Việt Nam học tiếng Hán mà ngay cả một số người Trung Quốc cũng đều cho rằng đó là hiện tượng dùng từ sai và đương nhiên những câu tương tự như trên là câu sai, hoàn toàn không đúng với quy phạm ngữ pháp. (Xem “Ví dụ về cách dùng sai từ "很 " (很 字 用 法 不 當 舉 例 ) của Lý Phương Kiệt đăng trên Nguyệt san ngữ văn tháng 2 năm 1992). Mặc dù vậy ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ, nó vẫn phát triển ngày càng mạnh mẽ và danh từ trong tiếng Hán ngày nay không chỉ đơn thuần là một loại từ đơn nhất mà trong một số trường hợp nhất định nào đó, nó đã trở thành từ kiêm loại, với hai từ tính danh từ và động từ. Như vậy, qua việc phân tích trên và nếu ta đi sâu vào nghiên cứu nguồn gốc của hiện tượng này, chúng ta càng hiểu sâu hơn về tiếng Hán và nhận thấy việc xuất hiện của nó là điều hết sức tự nhiên. Chúng tôi cho rằng, người học ngoại ngữ không những phải nghiên cứu sâu về quy phạm ngữ pháp mà điều không kém phần quan trọng là phải đi sâu vào đời sống ngôn ngữ của người dân bản địa để từ đó tìm thấy những thói quen ngôn ngữ. Có như vậy ngôn ngữ của chúng ta mới dễ hiểu, gần gũi, không sai mà diễn tả sinh động, phong phú.

N.T

CHÚ THÍCH

* Bài viết có sử dụng tư liệu của học giả Điêu Yên Bân và tham khảo ý kiến Giáo sư Thạc sĩ Tôn Diễn Phong, Chủ nhiệm Bộ môn tiếng Việt, trường Đại học Bách khoa Lạc Dương, Trung Quốc.

TB

HỌP CỘNG TÁC VIÊN TẠP CHÍ HÁN NÔM ĐẦU NĂM 1999

Ngày 16 tháng 1 năm 1999, Tạp chí Hán Nôm đã tổ chức cuộc họp Cộng tác viên tại Hội trường Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với sự tham gia của đông đảo cộng tác viên trong và ngoài Viện, cùng toàn thể cán bộ trong Hội đồng biên tập và Toà soạn Tạp chí.

Mở đầu cuộc họp là bài phát biểu về tình hình Tạp chí năm 1998 và hướng hoạt động của Tạp chí năm 1999 của Tổng biên tập Trần Nghĩa. Trong năm 1998, Tạp chí Hán Nôm vẫn ra đều đặn 4 số, mỗi số dày 100 trang như thường lệ, với tất cả 73 bài viết của 77 tác giả, trong đó có các bài nghiên cứu, bài đọc sách - trao đổi ý kiến, bài sưu tầm, tin tức, thường thức Hán Nôm và tư liệu tham khảo.

Mục Nghiên cứu chiếm số lượng nhiều nhất, với những vấn đề được bạn đọc quan tâm như: Diễn biến chữ Nôm theo phương pháp hình thể, Bộ thủ Hán mang ý nghĩa lâm thời trong chữ Nôm, Cơ sở làm tiêu chí cho sự phân kỳ Hán văn Việt Nam, Tài tử thư ở Việt Nam v.v.

Mục Đọc sách - trao đổi ý kiến cũng có những phát biểu có chất lượng, như bài: Nhân đọc bài “Đặc điểm của phép tỉnh lược trong ngữ pháp thơ Đường Luật”. Lại chuyện khinh suất v.v.

Trong số các bài Sưu tầm, Tạp chí Hán Nôm trong năm 1998 đã cung cấp giới thiệu cho độc giả không ít tài liệu quý: Một số sách liên quan đến chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ hiện tìm thấy tại Văn khố Hội truyền giáo nước ngoài, Paris; Bút tích Đình nguyên Phan Đình Phùng, lãnh tụ phong trào Cần vương chống Pháp; Thêm một bài văn của Hồ Tông Thốc: “Chiêu Quang tự chung minh”; Nguyễn Hoằng Nghĩa với bài văn chúc ước; Đinh Nhật Tân và bài sớ hặc tội hai viên quan đại thần v.v.

Mục Thường thức Hán Nôm vẫn đăng tải đều mỗi số một bài, cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết bổ ích đối với ngành Hán Nôm học, như: Ngũ tri đường, Cổ kim tự, Hiện tượng “hữu âm vô tự” trong tiếng Bắc Kinh v.v.

Cuối cùng là mục Tư liệu tham khảo với các bài như Nghiên cứu so sánh chữ vuông Choang và chữ Nôm, Đạo giáo và truyền kỳ đời Đường v.v.

Đặc biệt trong năm qua, với sự khích lệ của Trung tâm KHXH & NVQG, nhất là sự hỗ trợ ít nhiều về kinh phí của Bộ Văn hóa - Thông tin, Tạp chí Hán Nôm đã tổ chức được một cuộc hội thảo khoa học và ra được một số đặc san về Văn học so sánh, với trên chục bài viết có chất lượng, được bạn bè trong giới Hán Nôm học, kể cả Văn học và Văn hoá học hoan nghênh.

Tạp chí Hán Nôm làm được những điều trên là do sự đóng góp tích cực của các cộng tác viên tạp chí, sự nỗ lực của toàn thể anh chị em trong Ban Biên tập và Toà soạn, đặc biệt là sự chỉ đạo sít sao và sự giúp đỡ chí tình của Trung tâm KHXH & NVQG, của Bộ Văn hoá-Thông tin, cùng sự hỗ trợ nhiều mặt của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đối với Tạp chí. Qua Hội nghị lần này, đồng chí Tổng biên tập đã gửi lời cảm ơn chân thành tới những cá nhân và tập thể đã đóng góp vào thành tích chung trên của Tạp chí Hán Nôm.

Sau bài phát biểu của đồng chí Tổng biên tập, nhiều cộng tác viên đã khẳng định tác dụng của Tạp chí Hán Nôm đối với xã hội, đồng thời đóng góp những ý kiến chân thành, với mong muốn làm cho chất lượng Tạp chí ngày càng được nâng cao hơn.

GS. Nguyễn Ngọc San, với tư cách là người giảng dạy trong khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I đề nghị Tạp chí nên có một chuyên mục gắn với trường học, để phản ánh kịp thời tình hình dạy và học Hán Nôm trong nhà trường hiện nay.

GS. Phong Lê, cán bộ nghiên cứu Viện Văn học góp ý Tạp chí nên chú ý đến việc dựng chân dung các nhà Hán học của Việt Nam…

Ngoài ra, một vấn đề được rất nhiều người quan tâm là trong các bài viết trên Tạp chí, nên cố gắng in kèm chữ Hán, để tăng thêm độ tin cậy của văn bản.

Đồng chí Tổng biên tập Trần Nghĩa đã chân thành tiếp thu những ý kiến đóng góp trên và tỏ ý hi vọng rằng Tạp chí sẽ tiếp tục nhận được sự cổ vũ và giúp đỡ chí tình của các cấp lãnh đạo cùng toàn thể các cộng tác viên, để Tạp chí Hán Nôm ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu nhiều mặt về Hán Nôm của đông đảo bạn đọc.

TB

HỌP TRÙ BỊ CHO HỘI THẢO TÌM HIỂU NÉT RIÊNG CỦA DI SẢN HÁN NÔM VIỆT NAM TRONG NỀN VĂN HOÁ CHUNG KHU VỰC

Ngày 19 tháng 1 năm 1999, tại hội trường Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Toà soạn Tạp chí Hán Nôm đã tổ chức cuộc họp trù bị cho hội thảo Khoa học sắp tới với đề tài Nét riêng của di sản Hán Nôm Việt Nam trong nền văn hoá chung của khu vực (đồng văn).

Đến dự họp có nhiều nhà khoa học quan tâm tới lĩnh vực nói trên thuộc Viện Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Sử học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội v.v.

Cuộc họp đã bàn về chủ để, quy mô, và thời gian tổ chức hội thảo sắp tới. Nói chung, những người dự họp đều thống nhất với nhận định: Trong khi cả nước đang bắt tay vào việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Hán Nôm tổ chức một hội thảo như thế này là rất đúng lúc. Nhiều người cho rằng, đây là một đề tài vừa phải và có tính hấp dẫn cao, nhưng để thành công, đòi hỏi mọi người phải hết sức cố gắng. Về nội dung hội thảo, cần quan tâm nhiều hơn tới sự khác biệt của di sản Hán Nôm so với nền văn hoá chung của các nước thuộc khu vực đồng văn, thể hiện qua quan điểm sáng tác, phương pháp luận, cũng như cách thức chọn lựa của người Việt Nam trong giao lưu văn hoá với các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… trước đây.

P.V

TB

THƯ MỤC TỔNG HỢP SÁCH HÁN NÔM VIỆT NAM TẠI BỐN TÀNG THƯ LỚN CỦA NHẬT BẢN (1)

TRẦN NGHĨA

Bốn tàng thư lớn ở đây gồm:

- Đông Dương văn khố (TOYOBUNKO);

- Quốc lập Quốc hội đồ thư quán (KOKURITU KOKAI TOSHKAN);

- Thư viện Đại học Khánh Ứng (KAIO DAIGAKU);

- Thư viện Viện Nghiên cứu văn hoá Đông Dương, thuộc Đại học Tokyo (TOKYO DAIGAKU TÔYBUNKA-KEN KYUJO).

Đã có một số bản thư mục riêng lẻ giới thiệu sách Hán Nôm Việt Nam tại các thư viện trên (trừ Thư viện Viện Nghiên cứu văn hoá Đông Dương) như sau:

1. Thư mục sách An Nam doNagata sưu tầm (Nagata Yasuyoshi Shosusho Annambon mokuroku 永 田 安 吉 民 書 安 南 本 目 錄 ): do Iwai Hirsak biên soạn, đăng trên Tạp chí Sử học (Shigaku) số ra ngày 14-2-1935, tr.104-109, giới thiệu 92 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam do Nagata Yasukichi mua được trong thời gian làm việc ở Tổng lãnh sự quán Nhật tại Hà Nội; sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác trở về nước, ông đã tặng lại số sách này cho Đông Dương văn khố.

2. Thư mục sách An Nam tại Đông Dương văn khố (Toyo Bunko Annambon mokuroku 東 洋 文 庫 安 南 本 目 錄 ): do Đông Dương văn khố biên soạn, in trong phần phụ lục của Thư mục sách Triều Tiên tại Đông Dương văn khố (Toyo Bunko Chosenbon mokuroku 東 洋 文 庫 朝 鮮 本 目 錄 ), xuất bản năm 1939, giới thiệu 104 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam lưu giữ tại Đông Dương văn khố lúc bấy giờ.

3. Thư mục sách Hán nôm tại Đông Dương văn khố, do Nguyễn Thị Oanh soạn, in trên Tạp chí Hán Nôm số 4-1994, tr.55-77, giới thiệu 193 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam hiện có tại Đông Dương văn khố, kể đến 1993.

4. Thư mục sách Hán Nôm Việt Nam tại Đông Dương văn khố (東 洋 文 所 藏 越 南 本 目 錄 (稿 ) do Goto Kinpei (後 藤 均 平 ) cùng một số cộng tác viên soạn năm 1995, gồm thư mục 206 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam tại Đông Dương văn khố ở thời điểm 1995. Chưa xuất bản.

5. Điểm qua sách Hán Nôm Việt Nam tại Thư viện Quốc hội (國 立 國 會 圖 書 館 所 藏 越 南 本 一 覽 ), cũng do Kinpei cùng một số cộng tác viên soạn năm 1995, giới thiệu 29 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam tại Thư viện Quốc hội Nhật Bản.

6. Sách Hán Nôm (漢 喃 本), do Matsumoto Nobuhiro cùng một số cộng tác viên sơ bộ thống kê, gồm 59 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam tại Đại học Khánh Ứng.

Trên cơ sở 6 bản thư mục vừa nêu, kết hợp với những bổ sung, đính chính cần thiết qua việc khảo sát tại chỗ các nguồn sách, chúng tôi xin cung hiến cùng bạn đọc bản THƯ MỤC TỔNG HỢP dưới đây, gồm 250 mục sách chính thức và 12 mục sách phụ lục, với hy vọng giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn, bao quát hơn về tình hình sách Hán Nôm Việt Nam hiện tàng trữ tại bốn tàng thư lớn của Nhật Bản(2).

Để tiện sử dụng bản thư mục, các đơn vị sách trong Thư mục tổng hợp được sắp xếp theo trật tự A, B, C…, có ghi rõ nơi tàng trữ và ký hiệu xếp giá. Sách nào duy nhất có ở Nhật Bản, sẽ được giới thiệu nhiều hơn một chút so với những sách tuy có ở Nhật Bản nhưng đồng thời cũng có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ nội dung của chúng qua bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (3 tập, Nxb. KHXH, H. 1993).

Các ký hiệu và chữ viết tắt sử dụng trong Thư mục tổng hợp:

*: sách duy nhất có ở Nhật Bản.

D: sách tàng trữ ở Đông Dương văn khố.

F: nguồn sách (From)

FC: sách Việt Nam, do Trung Quốc biên tập và in lại.

FJ: sách Việt Nam, do Nhật Bản biên tập và in lại.

FMF: sách in từ vi phim.

FV: sách Trung Quốc, do Việt Nam sao chép hoặc in lại.

K: sách tàng trữ ở Thư viện Đại học Khánh Ứng.

MF: vi phim

Q: sách tàng trữ ở Thư viện Quốc hội.

T: sách tàng trữ ở Viện Nghiên cứu văn hoá Đông Dương, thuộc Đại học Tokyo.

Vt: viết tay.

X: xem

*
**

1.* AN NAM CHÍ LƯỢC 安 南 志 略 Cổ Ái Đông Sơn Lê Trắc 黎 惻 biên soạn. Bài tựa của tác giả đề năm Nguyên Thống sơ nguyên Ất Mão (1333) (Đúng ra, phải là “Nguyên Thống sơ tam Ất Hợi” tức năm 1335, theo sự khảo chứng của Trần Kinh Hoà trong bài Soạn niên, tài liệu và truyền bản An Nam chí lược. Xem Bd. An Nam chí lược, do Ủy ban phiên dịch sử liệu VN thuộc Viện Đại học Huế thực hiện, 1961, tr.VII-tr.XVIII).

Nguyên bản gồm 20 quyển, nay các truyền bản chỉ còn 19 quyển (mất Q20: Danh công đề vịnh An Nam chí).

D.X-2-53. Nhật Bản Nội các văn khố tàng Tiền Đại Hân 錢 大 昕 thủ hiệu sao bản: đựng chung hộp với Lịch triều hiến chương loại chí.- FMF.-vt.-2 tập, 19 quyển (TCàn: tựa, mục lục, Q1-Q6; TKhôn: Q7-Q19).

D.X-2.54. Đông Kinh Tĩnh Gia Đường văn khố tàng Văn Lan Các truyền sao bản: FMF.-vt-20 quyển (bản này thực ra cũng chỉ có 19 quyển: Q11 Triệu thị thế gia chính là A10, và Q20 Đồ chí ca chính là Q19 của các truyền bản).

Q.WA37-3. Tòng Ngũ Nghiễn Lâu tàng Hồ Từ Thôn 胡 茨 村 sao bản; Tiền Thiếu Chiêm 錢 少 瞻 (tức Tiền Đại Hân) giả độc thủ hiệu bản truyền lục: MF.-vt.-19 quyển.

Q.292-33-R17a. Thượng Hải Lạc Thiện Đường diên ấn năm Quang Tự 10 (1884): 424tr., 22,5x14,5cm, trang/10 dòng, dòng/24 chữ. Bản in này đã được Tiền Đại Hân và Ngạn Điền Ngâm Hương (Kishida Ginko) hiệu đính, chất lượng văn bản do đó có khá hơn so với các truyền bản khác.

Q.158-31. Đông Kinh Ngạn Điền Ngâm Hương diên ấn năm Minh Trị 17 (1884), theo bản Lạc Thiện Đường: nội dung giống hệt bản 292-33-R17a.

2. ANH NGÔN THI TẬP 鸚 言 詩 集 Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ 吳 時 仕 sáng tác.

K.244-54-1:vt.-126tr.,27x15, trang/8 dòng, dòng/22 ~ 24 chữ, bìa bồi cậy. - x. Di sản, 2364. Ngô gia văn phái tuyển (T1, Q2).

3. BẠCH MÃ TỪ TAM GIÁP HƯƠNG LỆ 白 馬 祠 三 甲 鄉 例

D.X-3-16: FMF (A.1023). - x. Di sản, 81.

4. BẠCH VÂN AM THI VĂN TẬP 白 雲 庵 詩 文 集

Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮 秉 謙 soạn và viết tựa.

K. 244 - 59 - 1: vt. - 172 tr., 26x15; không có tựa, bạt, mục lục, bìa bồi cậy. - Sách nguyên không có đầu đề; đầu đề là do chúng tôi dựa vào nội dung sách mà tạm đặt. Sách mở đầu bằng bài Kinh luân thiên hạ đại kinh phú, tiếp đến là bài Lại bộ Thượng thư vịnh thi, và bài Trình Quốc công tạ hoãn binh khải; phần còn lại của sách chép thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. - Nếu so với Di sản, 84, Bạch Vân An thi văn tập, thì đây chỉ là một phần thơ, văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

5. BANG GIAO LỤC 邦 交 錄

Lê Thống 黎 統 soạn và viết tựa năm Gia Long 18 (1819).

D.X - 2 - 98: vt. - FMF (A.691/1-2). - x. Di sản, 126.

6. BẢN TRIỀU BẠN NGHỊCH LIỆT TRUYỆN 本 朝 叛 逆 列 傳

Giá Sơn Kiều Oánh Mởu 喬 塋 懋 soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901).

D.X - 2 - 69: vt. - FMF (A.997). - x. Di sản, 118.

7. BẢN TRIỀU THỨ CHÍNH TẠP BIÊN 本 朝 庶 政 雜 編

D.X - 2 - 113: vt. - FMF (A.870). - x. Di sản, 123.

8. BẮC KỲ HÀ ĐÊ SỰ TÍCH 北 圻 河 堤 事 蹟

D.X - 2 - 67: vt. - FMF (A.1938). - x. Di sản, 173.

9. BẮC NAM THỰC LỤC 北 南 實 錄

D.X - 2 - 67: vt. - FMF (A.25). - x. Di sản, 181.

10. * BẮC THÀNH ĐỊA DỰ CHÍ 北 城 地 輿 誌

Hàn lâm viện biên tu, nguyên lĩnh Nam Trực Huấn đạo Thanh am Vũ Trọng Liên 清 庵 武 仲 連 soạn vào mùa xuân năm Canh Tí (1900).

K. 244-29-1: vt. - 130 tr., 28,5x13,5, bìa bồi cậy. - Giới thiệu về diên cách, số huyện, tổng, xã của 16 tỉnh Trung châu và 12 tỉnh Thượng du thuộc Bắc Thành. Nhiều tỉnh có bản đồ minh hoạ, nhưng đã bị cắt lấy mất.

11. BẮC THƯ TẢI NAM SỰ 北 書 載 南 事

D.X - 2 - 106: vt. - FMF (A.117). - x. Di sản, 209.

12. * BÍCH NGỌC THẦN KINH 璧 玉 神 經

D.X - 3 - 3: vt. - 66 tr,m 30,5x19,5, trang/10 dòng, dòng/30 chữ. - Gồm 18 bài bàn về tinh tượng, phong thủy… như Ngũ tinh luận, Huyệt hướng luận, Dương cơ luận v.v.

13. BÌNH NAM THỰC LỤC 平南實錄

Tĩnh vương Trịnh Sâm 靖 王 鄭 森 sai triều thần biên soạn.

D.X - 2 67: đựng chung hộp với Tây Nam biên tái lục Cao Bằng thực lục.- vt. - FMF (A.1396).- x. Di sản, 256.

Q.W951 - 9: vt. - 3 quyển. - 212 tr., 24x13,5, trang/8 dòng, dòng/19 chữ. - x.Di sản, 256.

14. BÙI GIA HUẤN HÀI 裴 家 訓 孩

Cổ Hoan Bùi Dương Lịch 古 驩 楊 歷 soạn năm Cảnh Hưng 38 (1787).

D.X - 3 - 11: vt. - FMF (A.253). - x. Di sản, 288.

15. BÙI THỊ GIA PHẢ 裴 氏 家 譜

Bùi Phổ 裴 溥 soạn và viết tựa vào năm Gia Long 7 (1808)…

D.X - 2 - 76: vt. - FMF (A.1002). - x. Di sản, 290.

16. CÁC NHA MÔN CÂU SAI 各 衙 門 勾 差

D.X - 2 - 100: vt. - FMF (A.331). - x. Di sản, 325.

17. CÁC TRẤN TỔNG XÃ DANH BỊ LÃM 各 鎮 總 社 名 備 覽

D.X - 2 - 117: vt. - 2 tập - FMF (A.570). - x. Di sản, 328.

18. CẢNH HƯNG ĐIỀU LUẬT 景 興 條 律

D.X - 2 - 86: vt. - FMF (A.1945). - x. Di sản, 347.

19. CAO BẰNG THỰC LỤC 高 平 實 錄

Lâm Khê Nguyễn Hựu Cung 阮 祐 恭 soạn và viết tựa vào năm Gia Long 9 (1810).

D.X - 2 - 67: dựng chung hộp với Tây Nam biên tái lục và Bình Nam thực lục. - vt. - FMF (A.1129). - x. Di sản, 357.

20. CAO MAN SỰ TÍCH 高 蠻 事 蹟

Viện Cơ mật triều Nguyễn soạn năm Tự Đức 5 (1852).

D.X - 2 - 67: vt. - FMF (A.106. - x. Di sản, 366.

21. * CẬN NAM TẠP CHÍ 近 南 雜 誌

Soạn năm Thành Thái 9 (1897).

Q.W 951-13: vt. - 38 tr., 24,5x13, trang/8 dòng/24 chữ. - Nội dung chép rất sơ lược về sự tích các chúa Nguyễn, rồi đến nhà Mạc, họ Trịnh, nhà Tây Sơn. Không thấy chép gì về Pháp Lan Tây, như bìa sách có ghi.

22.* CHINH PHỤ NGÂM BỊ LỤC 征 婦 吟 備 錄

Thanh Trì, Nhân Mục, Đặng Trần tiên sinh Côn 鄧 陳 先 生 琨 trứ; Văn Giang, Trung Phú Đoàn phu nhân Điểm 段 夫 人 點 diễn âm. Thần Khê Đồng phong 神 溪 桐 峰 thừa thư. In lại vào năm Nhâm Tuất (?), Liễu Văn Đường tàng bản.

D.X - 4 - 18: đựng chung hộp với Phan Trần truyện trùng duyệt Cung oán ngâm. - in. - 68 tr., 21x12. - Mỗi trang chia thành 4 phần kể từ trên xuống: phần 1 để chú thích âm đọc và nghĩa chữ khó; phần 2 ghi các xuất xứ, điển tích…, phần 3 là thơ Đặng Trần Côn, phần 4 là thơ dịch của Đoàn Thị Điểm.

23. CHU NGUYÊN TẠP VỊNH THẢO 周 原 雜 詠 草

Khắc Trai Lý Văn Phúc 克 齋 李 文 馥 soạn. Lê Văn Đức 黎 文 德 đề tựa năm Thiệu Trị Nhâm Dần (1842).

K.244-49-1- vt.- x. Di sản, 502.

24. CHU TẠ HIÊN THI HẬU TẬP QUYỂN CHI NHỊ 朱 謝 軒 詩 後 集 卷 之 貳

Chu Doãn Trí 朱 允 致 soạn năm Tự Đức Mậu Ngọ (1858), gồm 3 quyển..

D.X - 4 - 10: vt. - 120 tr., 27x16, trang/8 dòng, dòng/20~21 chữ. Nội dung gồm 4 phần: 1. Thơ Chu Tạ Hiên (Q2); 2. Phụ lục: Nguyễn Tuân Phủ tiên sinh bình thi; 3. Chu Tạ Hiên di văn tập mục lục (Q3); 4. Nguyễn Chí Đình tiên sinh bình thi, Nguyễn Phương Đình tiên sinh hiệu văn - x. Di sản, 504. Chu Tạ Hiên tiên sinh nguyên tập.

25. CHÚC THƯ VĂN KHẾ CỰU CHỈ 囑 書 文 契 舊 紙

D.X - 2 - 46: vt. - FMF (A.2917).- x. Di sản, 517

26. CỔ LÊ LUẬT LỆ 古 黎 律 例

D.X - 2 - 85: vt. - FMF (A.613). - x. Di sản, 550.

27. CỔ LOA THÀNH SỰ TÍCH ĐIỀN THỔ SẮC PHONG HỢP BIÊN 古 螺 城 事 蹟 田 土 敕 封 合 編

Biên tập năm Thành Thái 14 (1902).

D.X - 2 - 116:vt. - FMF (A.92). - x. Di sản, 566.

28. CÔNG ÁN TRA NGHIỆM BÍ PHÁP 公 案 @ 驗 秘 法

Phan Duy Phiên 潘 維 藩 và môn sinh soạn năm Vĩnh Thịnh 10 (1714).

D.X - 2 - 118: vt. - FMF (A.401). - x. Di sản, 581.

29. CÔNG DƯ TIỆP KÝ 公 餘 捷 記

Vũ Thuần Phủ 武 純 甫 (Vũ Phương Đề) biên soạn và viết tựa năm Cảnh Hưng 16 (1755). Phần Tục biên do Trần Quý Nha 陳 貴 衙 v.v. soạn.

K. 244 - 3 - 3: vt. - chỉ có Q1 (60tr), Q4 (100 tr), Q5 (20 tr), Q6 (32 tr), Q7 (18 tr), Q8 (16 tr), Q10 (44 tr), 27,5x15,5.

K.244 - 4 - 1: vt. - chỉ có từ Q5 ~ Q10, 190 tr., 27x15,5.

K.244 - 5 - 1: vt.- không chia quyển, 218 tr., 27x15,5.

30. CÔNG HẠ KÝ VĂN THƯỢNG 公 暇 記 聞 上

Trương Quốc Dụng 張 國 用 soạn

D.X - 3- 7: vt. - thiếu quyển Hạ. - x. Di sản, 3588. Thoái thực ký văn.

31.* CUNG OÁN NGÂM 宮 怨 吟

Ôn Như Hàu Nguyễn Gia Thiều 溫 如 侯 阮 嘉 韶 soạn; Thần Khê Đồng Phong thừa thư. In lại vào năm Duy Tân Nhâm Tí (1912), Liễu Văn Đường tàng bản.

D.X - 4- 18: đựng chung hộp với Chinh Phụ ngâm bị lục Phan Trần truyện trùng duyệt. - in. - 24 tr., 21x12. - Mỗi trang chia thành 2 phần kể từ trên xuống: Phần 1 có bài Tự tình tiểu luật (205 câu thơ Nôm, song thất lục bát), bài Tây Hồ đa dương (thơ Nôm, thất ngôn bát cú), bài Thuỷ tiên (thơ Hán, thất ngôn bát cú); phần 2 là chính văn (thơ Nôm, song thất lục bát) của Cung oán ngâm. Cuối sách có câu “Dĩ thượng tự tình nhị khúc, thi tam thủ, văn hàm Chánh thất phẩm lục thập tam lão Thiên Khẩu Thủy vịnh = trở lên, 2 khúc tự tình, 3 bài thơ, là đề vịnh của lão già 63 tuổi, hàm chánh thất phẩm văn giai Tiên Khẩu Thủy (tức Hoạt 活 )”.

32. DÃ SỬ TẠP BIÊN 野 史 雜 編

Vũ Văn Lập 武 文 立 soạn năm Thành Thái 8 (1896), 8 quyển.

D.X - 2 - 11: vt. - x. Di sản, 2282. Nam sử tập biên.

33. DÃ SỬ TẬP BIÊN 野 史 輯 編

Vũ Văn Lập 武 文 立 soạn năm Thành Thái 8 (1896), 8 quyển.

K. 244 - 25 -1: - vt.- x. Di sản, 2282.

34. DỊCH KINH 易 經

D.X - 1 - 1: FV

D.X - 1 - 2: FV

35. DIÊN HÀ PHẢ KÝ 延 河 譜 記

Biên soạn năm Lê Chiêu Thống 1 (1787).

D.X - 2 - 135: vt. - FMF (A.42). - x. Di sản, 729.

36.* DU HỌC KỶ VĂN (TÂN THƯ) 遊 學 紀 文 (新 書 )

Quy Thiện Trần Đình Thái 陳 廷 泰 soạn

K. 244 - 47 - 1: vt. - 74 tr., 27x16, trang/8 dong, dòng/24 ~ 25 chữ. - Nội dung giới thiệu nền giáo dục tân tiến của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản (thời Minh Trị). - Sách có 1 tờ giấy lồng, trên đó ghi Đồng Khánh nhị niên (1887).

37. DƯƠNG TỘC GIA PHẢ 楊 族 家 譜

Chép năm Khải Định 1 (1916)

D.X - 2 - 63: đựng chung hộp với Đại Nam Kinh Bắc trấn Lạc Đạo xã Dương Thị thế phả. -vt.-FMF (A.1657). - x. Di sản, 798.

38. ĐẠI NAM CHÍNH BIÊN LIỆT TRUYỆN SƠ TẬP 大 南 正 編 列 傳 初 集

Nguyễn Trọng Hợp 阮 仲 合 v.v. soạn. Quốc sử quán triều Nguyễn in năm Thành Thái 1 (1889), 8 tập, 33 quyển.

D.X - 2 - 8: in. - chỉ có các quyển 3 ~ 6, 10 ~ 13, 18 ~ 21, 30, 33.- x. Di sản, 834.

D.X - 9:vt. - Q1 ~ Q27. - x. Di sản, 834.

39. ĐẠI NAM ĐIỂN LỆ TOÁT YẾU TÂN BIÊN 大 南 典 例 撮 要 新 書

Lê Minh Yến 黎 明 晏 v.v. biên tập. In năm Duy tân Kỷ Dậu (1909), 4 quyển.

D.X - 2 - 23: in. - x. Di sản, 839.

Q.W 951 - 4: in. - x. Di sản, 839.

40.* ĐẠI NAM ĐANG ÁN 大 南 檔 案

D.X - 2 - 37: đựng chung hộp với Toàn hạt quan lại (…). - vt. - 2 tập (T1: 244 tr., 30x16,5, trang/8 dòng, dòng/24 chữ, T2: 260 tr., 20x16,5, trang/8 dòng, dòng/24 chữ), mỗi tập có 1 mục lục, gồm các vấn đề như: Quân đức, Lê chi đình tiến, Kim tinh bảo tỉ, Cáo sắc thể lệ, Võ viên xưng hô, Hương thí, Ngưu dịch, xuất thú… (T1); tị húy, Hồi tị, Điền xích tân nghị, Khoa mục thụ bổ, Lại dịch thâm niên, Hưu trí thể lệ, Nha phiến thuế lệ, Giang hải thuế lệ… (T2).

D.X - 2 - 42: vt. - 1 tập, 120 tr., 28x15,5, trang/6 dòng, dòng/26 ~ 28 chữ. Nội dung gồm những văn kiện hành chính, phần nhiều là của tỉnh Hưng Yên trong các năm từ Tự Đức 17 (1864) đến Tự Đức 23 (1879) về việc khen thưởng, đánh dẹp bọn phỉ v.v. ở vùng biển Quảng Ninh (Cát Bà…).

D.X - 2 - 67: dựng chung hộp với Tây Nam biên tái lục và Bình Nam thực lục. - vt. - FMF (A.1129). - x. Di sản, 357.

D.X - 2 - 76: vt. - FMF (A.1002). - x. Di sản, 290.