Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Tổng mục lục tiếng Việt
Hoàng Thị Thanh Bình
Bài văn bia về hành trạng nhà khoa bảng Lê Bật Tứ (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.60 - 72)

Cập nhật lúc 11h55, ngày 31/03/2013

BÀI VĂN BIA VỀ HÀNH TRẠNG NHÀ KHOA BẢNG LÊ BẬT TỨ

HOÀNG THỊ THANH BÌNH

Trường Cao đẳng nghệ thuật Thanh Hóa

Lê Bật Tứ 黎弼四 (1564-1627) người xã Cổ Định, huyện Nông Cống (nay là xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn), Thanh Hóa được một số sách khoa bảng nhắc đến với tư cách là một nhà khoa bảng nổi tiếng xứ Thanh và là một nhà ngoại giao tài ba của nước Việt dưới thời Lê Kính Tông. Năm 36 tuổi (1598), ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598) đời vua Lê Thế Tông. Làm quan đến chức Thượng thư Bộ Binh, Thiếu bảo, tước Diễn Gia hầu. Khi mất được truy tặng Thái bảo, tước Diễn Quận công. Ông có nhiều công lao đóng góp cho sự trung hưng của nhà Lê và được chúa Trịnh Tùng đánh giá rất cao. Ông có tư tưởng canh tân đất nước trong đó có không ít ý tưởng được chúa Trịnh Tùng khen ngợi và cho thực thi. Ví như điều trần mà ông dâng lên năm 1618 được chúa Trịnh đánh giá rất cao, gồm: 1/ Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp; 2/ Xin khống chế kẻ quyền hào địa phương để gây dựng niềm tin trong dân; 3/ Xin cấm phú dịch phiền hà để đời sống của dân được đầy đủ; 4/ Xin bớt xa xỉ để của cải trong dân được thừa thãi; 5/ Xin dẹp trộm cướp để dân được yên; 6/ Xin sửa sang quân chính để bảo vệ dân; Tư tưởng vì dân ấy của ông vẫn là bài học có ý nghĩa nhất định về sau.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải trong Tạp chí Hán Nôm số 1/1996 Tiến sĩ Lê Bật Tứ còn là tác giả của cuốn Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục.

Tuy nhiên rất tiếc là thân thế sự nghiệp của ông chưa được giới thiệu rộng rãi tới công chúng bởi nguồn tư liệu còn hạn chế. Gần đây trong chuyến công tác tìm hiểu về tư liệu lịch sử xứ Thanh, chúng tôi đã tìm thấy trong khuôn viên đền thờ ông ở xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn có một tấm bia ghi hành trạng của ông. Tấm bia này đã mờ mòn gần hết chữ, chỉ đọc được dòng tên bia là Lê tướng công từ bi kí. May thay chúng tôi lại được cụ Lê Bật Điển, hậu duệ con cháu họ Lê Bật cung cấp cho bản gia phả của dòng họ trong đó có chép nguyên văn bài văn bia này. Để các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu về một nhà khoa bảng và cũng nhằm giới thiệu tới công chúng về một danh nhân xứ Thanh, chúng tôi xin phiên âm và dịch nghĩa toàn văn bài văn bia này:

Phiên âm:

Phụ bi minh tịnh ký

Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, Binh bộ Thượng thư kiêm Huy Văn điện, Thiêm sự viện Thiêm sự, Thiếu phó Diễn Gia hầu, tặng Gia Quận công, Thượng trụ quốc Lê Tướng công từ bi minh tịnh ký.

Phù, Tiến sĩ cao tướng tướng khoa sĩ hoạn, lịch tướng công vị thử. Nhân tình tối vinh nhi kim chi sở đồng dã. Thị dĩ cổ cổ tích hữu danh thần chi hành trạng, hữu danh thần chi thế phả. Cái chí kỳ sở tự chi tôn phái, dữ kỳ bình sinh chi hành nghiệp, dĩ vi thế châm nhi thế thủ yên. Kim Gia Quận công tính Lê húy Bật Tứ, kỳ cửu đại tổ tính Hứa, húy Duy Đàn, tị Trần triều húy cải tính Lê thị, Bát đại tổ húy Duy Thúc, Trần triều cử Tiến sĩ, quan chí Ngự sử trung thừa, Nhập nội hành khiển chưởng kim ngư Trần tước Quan Nội hầu. Kỳ đệ húy Duy Xứ, phục đăng Tiến sĩ, đệ kỳ thân tế Lê Thân diệc trạc Bảng nhãn khôi. Thất đại tổ húy Vô Trụ hựu đăng Tiến sĩ, sĩ chí Lạng Sơn lộ An Phủ sứ. Lục đại tổ húy Hanh Phủ diệc đăng Tiến sĩ, sĩ chí Thanh Đàm huyện (kim Thanh Trì huyện) Chuyển vận sứ. Ngũ đại tổ thụy Vô Trứ. Cao tổ húy Đới hiệu Nhân Tu. Tằng tổ húy Cảnh Văn thụy Phúc Sơn. Hiển tổ húy Trung thụy Vô Tâm, hậu phong Tả Thị lang, Khánh Nguyên bá. Tổ tỷ hiệu Tĩnh Hành, phong Khánh Nguyên Tự phu nhân, dĩ tôn hiển dã. Phụ húy Tốn thụy Đức Dung, hậu phong tặng Tả Thị lang, Diên Hựu bá. Mẫu Nguyễn Thị Oánh hiệu Ý Hạnh, phong Diên Hựu Tự phu nhân dĩ tử quí dã. Kỳ thân sinh huynh đệ nam nữ hữu ngũ trưởng.

Huynh húy Trực, lãnh Giám Nguyên, sĩ chí Tá lý công thần, Tây Kinh điện, Thái Thường tự khanh, Vị Dương tử.

Thứ huynh húy Hiền do học quán, quan chí Đại lý Thiếu khanh. Trưởng tỷ Thị Lan, thứ tỷ Thị Luyện giai hữu hiền hạnh, kỳ quí nãi tướng công dã. Dĩ Giáp Tý niên, Bính Tý nguyệt, Canh Thân nhật, Bính Tý thời sinh, tài thất nhật nhi ương cô độc lại từ mẫu dữ thứ huynh phù vãng cư vu Vọng hương, Sơn Nam Kim Bảng Lưu Xá. Nga nhi từ thị trâm tố nại. Tướng công thử thời tâm báo nan tương thủ thảo cán y đệ khối phạn ngưu sự na sỉ tàn hương công dĩnh tư ngẫu kiến trưởng huynh tự bản quán lai huynh đệ, hữu vu tình công thứ huynh nhậm đại canh dĩ dưỡng. Trường huynh trạch vi giai dĩ huấn kỷ nhi lý trạch đồ cư Bạch Hạc Nhân Nghĩa Nhật Chiêu, Mỹ Huyền Động Cứu ty tầm, gia thời tập trị. Ât Dậu niên Mạc tiếm khoa khai nam thí thu hương giải. Pha chí Mậu Tý niên Tướng công văn chiếu thiết khoa tự Tây đạo hồi bản xứ trường ứng thí. Tảo do châu huyện danh mộc ấp bộ ổn hạc khanh, gia cần độc thư sử thốc thư thân ngọc nhan đô phân nội bất đãi nguyệt, lão hệ thằng hàn công thi tuyền ngộ hợp chính phu nhân Hoàng thị, húy Nhỏ tác phối nãi Hải Dương, Đoàn Lâm nhân dã.

Chí Nhâm Thìn niên, thập nhị nguyệt nhật soái tây lai tư vũ đản nam, định Dục Tường.

Giáp Ngọ nãi Quang Hưng chi nhị thập nhất niên dã.

Mậu Tuất cung ngộ Đô nguyên súy Tổng quốc chính Bình An vương giáp phụ. Thánh hoàng Thế tôn Hân hoàng đế phấn long thụ việt nhậm ưng dương tương vũ công định thiên hạ, dĩ văn giáo hưng thái bình. Thị niên kỷ nguyệt triều đình thiết khoa cẩm vân đình, thiên hạ sĩ nhân ứng cử giả, tam thiên hữu dư, đăng bảng giả, danh đề, tài ngũ tướng công tỉnh thí tắc danh đề đệ nhị. Điện thí tắc danh đề đệ tam, thời niên tam thập ngũ hỹ.

Xuân phong đắc ý, thiên hạ tri danh, lục nguyệt chỉ thụ khoa tự tân lý khả minh, hỷ phong thần ngọc bệ trọng xu. Thập nguyệt nhật sơ thụ Hàn Lâm hiệu lý, thế thế quí dĩ vi thịnh tuyển phối cầu tự hữu giai nhân, hữu Hoan Châu Nguyễn Thị Liên vi thứ phối, nãi Lại bộ Thượng thư, Thái phó Quận công chi lệnh ái dã. Hữu bản quán nhân Lê Thị Dụ vi trắc thất, nãi cự tộc chi lệnh nữ dã. Hậu hựu liên hôn Đông Sơn Binh bộ Thượng thư Thái phó Đăng nữ điệt Nguyễn Thị Niên. Kỳ thiếp Nguyễn Thị Doanh nãi thời trung cốt lương lệnh tộc chi trưởng nữ, nhược bào chu tắc Nguyễn thị, Lê thị, Hoàng thị giai tại số yên, bạch chi số yên.

Canh Tý niên thăng Hộ khoa Cấp sự trung, phụng vãng Đan Phượng huyện độ kham tang căn khải kỳ Phan Ngạn xướng loạn, vu thời tướng công trượng sách truy hướng trừ đô, cập Trường An phủ bái yết, dụng mã cực hoán tòng sự địch khôn phụng. Chính phủ Bồi tụng tham mưu duy ác tọa an xã tắc.

Nhị niên Tân Sửu niên phụng thăng Lại bộ Đô cấp sự trung, tái phụng cấp bản xã điền thập nhất mẫu vi quê điền. Hựu phụng sai Kinh Bắc trường giám thí.

Quí Mão niên phụng sai Thiên Trường giám khảo, thủ sĩ tất đắc hựu phụng Thái tể Vinh Quốc công vãng Cao Bằng hãn bất đình phương.

Ngũ niên Giáp Thìn thăng Ngự sử đài kiêm Đô Ngự sử, Bính Ngọ phụng sai tạ ân bộ chính sứ, phụng cấp bản xã toàn đình các giáp tịnh sứ thần điền ngũ thập mẫu. Phụng thiêm cấp Nhật Chiêu xã tịnh Đoán Quyết xã nhân tùy hành kỳ phụng sứ xưng mệnh toàn uy trọng sự tế công thành, tuy cổ chi lương sứ hà dĩ gia chư.

Cửu niên Mậu Thân lục nguyệt phụng sứ hồi, thăng Hộ bộ Tả thị lang, Cẩm Phong tử, tài chước quốc dụng chính cứu quân tâm kỳ nhậm trọng hỹ. Đương chưởng phú tài chi nhiệm, lư mưu địch mưu quốc chi năng, phiếm chu ư Quảng Yên dịch Bắc binh tuần tán, trưng thuế ư Yên Trường phủ nội phong doanh.

Thập nhất niên Mậu Tuất tiến tước Diễn Gia hầu. Chế viết:

Danh cao Đường sĩ, Ngạn xuất Tống khoa. Cổ lương sứ hà gia, nghi ưng tam phẩm, suy cốc quốc hậu, Tệ thường dụ hạp, liên ngũ đẳng phục, quê ấn tích sủng, phục hoa chi tế, vu dĩ chiêu sủng dị, vu dĩ hiệp kiệm đồng, chế ngự thần công, tước dĩ quí, lộc dĩ phú, xuất nạp công mệnh thế chí trọng, quyền chí tôn tín khuê ấp, diệu thường cấu thái hoa.

Tân Hợi niên phụng thăng gia ấm điển thượng tặng Tổ khảo hạ ấm thê nhi, phong chính thất Hoàng Thị Chính phu nhân, thứ thất Nguyễn Thị á phu nhân, trưởng tử Hoằng tín đại phu, chúng tử Hiển cung đại phu, phụng tặng Thái ấp Đoàn Lâm xã dân thôn, Thời Trung xã Nhân Mục thôn tùy hành.

Quí Sửu niên phụng điển văn hành bãi truất nhiêu hạnh dĩ lệ sĩ tâm.

Mậu Ngọ niên thăng Binh bộ Thượng thư triều đình đãi vi hầu thiệt, bình số đắc dĩ họa điều.

Kỷ Mùi niên phụng thiêm Huy Văn điện, Thiêm sự viện Thiêm sự chức. Chí Quí Mão niên bất đồ Vạn Quận hứng khởi Túc Tường, nhân tâm tao dịch, Tướng công chính thị thời tiết trinh, tế đồn sơ Bằng Lai trại Ngũ Liêu phụ Đại Nguyên soái Thống Quốc chính sư phụ Súy Thanh Vương hiệp tâm mưu nghị, tư tế gian nan chí tiến phát phụng đốc thị hiệp phủ Cảo Nhạc công chỉnh sức bộ binh hợp thủy binh tịnh tiến sào, trừ Mạc nghiệt, tái tạo Đường kinh. Hựu phụng sai Đồng Thái bảo Binh Quận công đốc suất thủy sư phụng nghênh Thánh giá tiến Trình Quang Trạch Trung Hạ tăng bí tiền công. Bản niên vinh thăng Thiếu bảo chức. Bát niên Bính Dần gia thăng Thiếu phó vị. Cửu niên Đinh Mão nhị nguyệt phụng đốc thị Phù Nghĩa phủ, Dũng Lễ công áp tòng loan giá tuần thú Ô Châu. Tướng công số thượng sớ gián chỉ hán sư, cập trấn hoàn thị tuế Đinh Mão hợi nguyệt vọng nhật dậu thời thọ chung vu quan, niên lục thập tướng hữu ngũ hỹ. Thị tịch nguyệt, sắc vi chi ám đạm, quốc gia văn nhi điếu ai, truy ân chẩn niệm mệnh quan vấn úy, nhưng xuất bảng xuyết triều tam nhật, hậu kính ngưu tửu, vinh gia phong tặng Quận công. Phụng Thánh chúa cổ tiền ngũ thập quan, nhưng sai thủy quân hộ tống nhi xa qui sơn, kỳ thủy chung chi lễ như thị sở dĩ thị tuất thần ý dã.

Kỷ Tỵ niên nhuận Kỷ nguyệt thập nhất nhật tái phụng kính cổ tiền nhất bách quán, hựu cổ tiền ngũ thập quán, sai thạch quan phụng tác bàn cụ. Đặc khiển đề Giám sát Ngự sử Thọ Xuân bá Nguyễn Đệ, Hàn lâm Hiệu lý Lê Khả Trù tịnh các môn thừa dụ. Nhạc quan thị vệ đẳng vệ môn hành dụ tế lễ.

Dụ viết: Quốc gia ư huân cựu chi thần, sinh tắc bao sủng chi một, tắc điếu úy chi sở dĩ bảo thủy chung, toàn ân nghĩa dã.

Lê Tướng công phương viên tiết tháo, kinh tế mưu du, nghĩa lý đắc tâm, ung động cứu thánh hiền chi học, văn chương đại thủ, đoạn cao đăng tương tướng chi khoa, thịnh danh mậu trứ ư lũy triều, hiển nhậm điệt cánh ư chúng chức, Đường danh tể tham mưu, bồi ác, quy định kim hoàn, Tống lương sử tu hảo, mục lân công thành sự tế, triều đình vinh chi dĩ đẩu dực, long chi dĩ cùng, tước dục công quốc dĩ đồng hưu dã. Thời phương ỷ trọng, công cự cáo chung, thị dụng mệnh hoạn trí tế công kỳ hưởng chi điếu, úy chi nghi nhược thử, sở dĩ an u hinh dã. Hựu phụng nhưng cấp bản xã nhất giáp, nhị giáp tam giáp tịnh Đoàn Lâm, Thời Trung, Nhân Mục, Đoán Quyết đẳng xã thôn nhân cập sứ điền lộc điền các sở, hứa nguyên tử chúng tử giám thủ dĩ cung phụng sự, kỳ ân sung hậu hỹ.

Ki quan Tướng công chi gia thế, chính phu nhân chi Hoàng thị sinh Khả Giáo trưởng tử, thú bản xã lệnh tộc Lê Thị Thọ, vi chính thất đích, thứ phân định, tử tôn chúng đa, phụng ấm Triều liệt đại phu, do Nho sinh trúng thức nhậm Lại bộ Ty vụ, thăng Viên ngoại lang. Kỉ Mùi niên, hội thí trúng Tam trường, lục Bản bộ Lang trung, Xuân Đài tử. Tái phụng cấp lộc điền nhị xã tiền tùy hành nhân. Á phu nhân Nguyễn thị sinh nữ tử Lê Thị Chỉnh, giá bản quán hứa lập do Giám sinh, lịch nhậm Tri huyện chức. Trắc thất Lê thị sinh nam tử Bật Thế, vi Đông Sơn Đình Đô, nam phong ấm Hiển cung đại phu, dĩ tân hưng chung thí Lễ bộ Tư vụ. Thiếp Phạm thị sinh nam tử Khả Kính, thú Thụy Nguyên Vân nữ, thừa ấm phong Hiển cung đại phu, do trúng thí vi chính điển sự Mỹ Trạch nam, cập nam tôn nữ tôn hữu thất hữu gia, tử tính nhật dĩ ích chúng, tộc tính nhật dĩ ích thịnh, kỳ dư thịnh hỹ.

Hựu quan Lê tướng công chi tôn phả, gia thế bản nho, tự thủy tổ dĩ lai quán thân tương kế, y bát tương truyền, chí tướng công thiếu thời tân khể nhi hậu hiển đạt, khải phi thiên tướng giáng đại nhiệm, ư thị nhân tất tiên gia khổ, kỳ cân cốt dĩ đại, kỳ sở thụ dư, cập kỳ diệu cao khoa, đăng hiển sĩ dĩ ngộ sự cảm ngôn dĩ trí quân trạch dân vi niệm thiện, cập kỳ nhân tắc lạc hữu anh tài giáo dục xưng vi Tiến sĩ, đắc nhân huệ tế chúng tắc thủ hàn sử chi nhu đảo mãn kiên tắc trí chi khang, trang công danh mãn thiên hạ, trung nghĩa mãn triều đình, tam triều thạc phụ, nhất đại tông thần, vị quán quần thần, công thi hậu thế, đẩu dĩ Nam vị hữu như Tướng công chi vinh. Thả thịnh yên. Ý tại tiên thịnh ư hành thiện ngộ ư thực đức, sở dĩ đốc tướng công sinh dã.

Tổ tôn phúc khánh chi đài, nhược thị tướng công thi thư chi trạch, như thử vi tử tôn dã. Đương bồi kỳ đài tồn, kỳ trạch yên.

Tư duy nguyên nam Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Lại bộ Thuyên khảo Thanh lại ty Lang trung, Xuân Đài tử Lê Khả Giáo, dục hiển phụ mẫu công thùy vĩnh thế, nãi chỉ phụng từ ngôn tra thượng thắng xứ mãi thổ tam mẫu dư.

Đinh Mùi tam niên quí đông sánh từ nhị liên tịnh tả hữu vũ toàn thiết mộc, ngõa cái lập tường các vi hữu thực, kỳ đình hữu giác kỳ doanh như vựng tư phi như bì tư hoàn thành.

Chí Nhâm Thân niên lạp nguyệt thập cửu nhật phụng nghênh Hiển khảo Lê Tướng công thần chủ nhập từ phụng sự hương hỏa, vi tử tôn vạn đại chi thủy tổ, thượng dĩ hiển cố tổ chi linh ứng dữ phúc thần chi hợp, kỳ đức hậu ích trứ. Tướng công chi huân nghiệp tịnh Na Sơn đối, kỳ cao như thị thần, kỳ đức trạch phúc tích giản nhưỡng, chính phu nhân thiên niên hạc toán, toàn gia quyến ngũ phúc long trù, tử tôn thằng thằng hưởng kỳ thịnh, thế trụ tiến tiến bình, kỳ hoa thế khoa danh, thế y quan, thế tước lộc, thế trung trinh, mưu duệ khánh trạch lưu thế nghiệp quí hiển như túc tương nhập diệp hàn tương nhập đồng, du cửu du trưng hỹ. Dịch viết: Tích thiện chi gia tất hữu gia khánh. Thi viết: vô nại nhĩ duật tu quyết đức, thử Tướng công sở dĩ thùy huấn ư hậu nhân nhi hậu nhân, sở dĩ kế tướng công cơ cầu chi nghiệp dã dư. Dư lạc tướng công chi chí, hữu thành nhi gia vi hiên hạ đạo giả. Ư thị hồ minh kỳ bản kỳ sự nhi ký chi lặc chi trinh mân dĩ thọ kỳ truyền vu vĩnh cửu. Vân nhĩ.

Minh viết:

Lê hoàng phủ ngự,

Việt tộ miên hồng.

Mộc ấp hào phú,

Ái Châu thế hùng.

Phủ tư duy Tĩnh,

Huyện tắc viết Nông.

Cổ Na danh lý,

Hữu Lê tướng công.

Văn chương thủ đoạn,

Nghĩa lý tâm hung.

Nho khoa tướng tướng,

Đạo trị sinh dung.

Dẫn quân dĩ chính,

Lập triều bản trung.

Nham nhi nhuệ chí,

Bắc sứ thành công.

Tước vinh ngũ đẳng,

Vị tiến nhị công.

Chu truyền dần lượng,

Đường tể di phùng.

Nhưỡng phù ưu tích,

Ân sủng hưởng nồng.

Thượng quang tổ khảo,

Hạ vinh chi tôn.

Duy nguyên nam hiếu,

Đương chức tử hồng.

Từ vũ sáng lập,

Tuế thời phụng cung.

Vĩnh niên hương hỏa,

Ngật bi sái phong.

Phu hân qui hạc,

Tử tính lân hùng.

Vương hòe đậu quế,

Túc diệp hàn đồng.

Ích chương tương nghiệp,

Tăng trấn gia phong.

Bách phúc thị tổng,

Vạn púc du đồng.

Tư minh lặc thạch,

Thời đối Na phong.

 

Dịch nghĩa:

Phụ ghi bài ký cùng bài minh trên bia

Bài minh cùng bài ký ghi chép trên bia đền thờ Tướng công họ Lê, chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Thượng thư Bộ Binh kiêm Huy Văn điện Thiêm sự viện Thiêm sự, Thiếu phó tướng Diễn Gia hầu, được truy tặng tước Quận công.

Ôi! Tướng công là Tiến sĩ chức vị cao bao hàm cả tướng văn tướng võ, là bậc quan lại do đỗ đạt mà nên, trải nhiều triều đại mà vị trí của Tướng công được như vậy, khiến người người đều cảm thấy vinh dự và có được sự đồng thuận. Theo như tích xưa người có công lao hành trạng đứng trong hàng danh thần thì thế phả ghi chép rõ về các danh thần. Do đó cần ghi lại sự thờ phụng của các tông phái, cùng sự nghiệp lúc bình sinh để cho đời sau biết được mà lưu giữ vậy.

Cụ tổ đời thứ 9 của Gia Quận công Lê Bật Tứ lại là người họ Hứa tên húy là Duy Đàn, vì tránh tỵ húy dưới triều Trần mà đổi thành họ Lê.

Cụ tổ đời thứ 8 là Duy Thúc, triều nhà Trần thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Ngự sử Trung thừa Nhập nội Hành khiển, Chưởng Kim ngư, tước ấm đến Quan Nội hầu(1). Người em ông tổ đời thứ 8 tên húy là Duy Xứ thi đỗ Tiến sĩ, người em rể ông tổ đời thứ 8 là Lê Thân(2) cũng thi đỗ Bảng nhãn.

Tổ đời thứ 7 tên húy là Vô Trụ cũng thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức An Phủ sứ lộ Lạng Sơn.

Tổ đời thứ 6 tên húy là Hanh Phủ cũng thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Chuyển vận sứ huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì).

Tổ đời thứ 5 tên thụy là Vô Trứ.

Tổ đời thứ 4 tên húy là Đới, tên hiệu là Nhân Tu.

Ông Tằng tổ tên húy là Cảnh Văn, tên thụy là Phúc Sơn.

Ông Hiển tổ tên húy là Trung, tên thụy là Vô Tâm; sau này được truy thăng chức Tả Thị lang, tước Khánh Nguyên bá. Bà nội tên hiệu là Tĩnh Hành, sau này được truy phong là Khánh Nguyên Tự phu nhân.

Cha tên húy là Tốn, thụy là Đức Dung, sau được phong tặng chức Tả Thị lang, tước Diên Hựu bá. Mẹ là Nguyễn Thị Oánh, tên hiệu là Ý Hạnh, được phong Diên Hựu Tự phu nhân. Được phong vì có con quí hiển.

Anh em thân sinh nam nữ có 5 người. Anh cả tên húy Trực, được ban Giám nguyên, làm quan đến chức Tá lý công thần, Tây kinh điện Thái Thường tự khanh, tước Vị Dương tử.

Anh thứ 2 tên húy là Hiền, do học rộng mà làm quan đến chức Đại lý tự Thiếu khanh.

Chị gái trưởng là Thị Lan, thứ là Thị Luyện đều là người có đức hạnh.

Tướng công là con út vậy.

Tướng công sinh ngày Canh Thân, tháng Bính Tý, năm Giáp Tý. Lúc mới sinh được 7 ngày thì gặp tai ương người cha mất, mẹ hiền cùng người anh thứ hai đưa về quê ngoại ở làng Lưu Xá, huyện Kim Bảng, xứ Sơn Nam nuôi dưỡng. Đói khổ mà vẫn nhẫn nại. Tướng công một lòng không sờn vượt qua khó khăn, lấy việc chăn trâu cắt cỏ làm kế sinh nhai, một lòng luôn hướng tới quê nhà. May thay gặp khi anh cả từ quê ra, anh em gặp mặt thân tình, anh cả thay anh hai cày cấy nuôi dậy các em. Tự mình lựa chọn thầy đưa em đến học ở Bạch Hạc - Nhân Nghĩa - Nhật Chiêu - Mỹ Huyền - Động Cứu để học tập. Đúng vào năm Ất Dậu (1585), nhà Mạc mở khoa thi Hương ở Nam triều, Tướng công dự thi đã trúng. Trải đến năm Mậu Tý (1588), Tướng công nghe chiếu mở khoa thi từ đạo phía Tây(3), Tướng công trở về trường thi quê hương ứng thí đã đỗ. Bước đường công danh ở quê hương sớm mở, nhưng vẫn lui về quê gắng học thi thư. Tháng ngày nhọc nhằn trôi qua, gặp lúc nguyệt lão xe tơ, chỉ thắm duyên trời, hợp mặt phối duyên cùng phu nhân họ Hoàng tên húy là Nhỏ là người Đoàn Lâm, trấn Hải Dương. Đến tháng 12 năm Nhâm Thìn, được báo điềm lành sẽ sinh được con trai vào năm Giáp Ngọ.

Năm Mậu Tuất tức năm Quang Hưng thứ 21 (1598) vâng gặp Đô nguyên soái, Tổng quốc chính Bình An Vương(4) giúp đỡ Thánh Hoàng Thế Tôn Hân hoàng đế(5) dấy hưng cơ nghiệp, quyền cao chức trọng nêu trong hàng tướng, lấy võ công chế định thiên hạ, lấy văn giáo để dấy hưng thái bình. Năm đó tháng Tỵ (tháng 4) triều đình mở khoa thi, các sĩ nhân trong thiên hạ ra ứng thí có hơn 3000, trúng bảng đề danh có 5 vị, tướng công thi ở tỉnh thì tên đứng hàng thứ hai, thi điện thì tên đứng hàng thứ 3, lúc đó tướng công 35 tuổi. Tuổi xuân đắc ý, thiên hạ biết tên, tháng 6 được nhận khoa trường đỗ đạt tiếng khen nổi khắp làng xóm, rực rỡ như cây phong thần trong chốn bệ rồng.

Tháng 10 bắt đầu được nhận chức Hàn lâm Hiệu lý, đời đời quí hiển hưng thịnh. Lo việc cầu tự, gặp được người đẹp đất Hoan Châu(6) là Nguyễn Thị Liên lấy làm vợ thứ. Bà là con gái của quan Thượng thư Bộ Lại, Thái phó Lễ Quận công(7) vậy. Lại lấy người cùng quê là bà Lê Thị Dụ làm vợ thứ, bà là con gái của một dòng tộc cự phách. Sau này lại kết duyên với cháu gái của bà Nguyễn Thị Niên và quan Thượng thư Bộ Binh, Thái phó Đăng Quận công(8) người huyện Đông Sơn tên là Nguyễn Thị Doanh. Bà là con gái trưởng của một dòng tộc nổi danh có nhiều bậc trụ cột trong triều. Những người vợ ấp ủ theo ông khăn gói là bà họ Nguyễn, họ Lê, họ Hoàng đều bởi trời se duyên số.

Tháng 6 năm Canh Tý (1600), thăng làm Hộ khoa Cấp sự trung vâng đến huyện Đan Phượng đo đạc đất trồng dâu nuôi tằm. Gặp lúc bọn Phan Ngạn nổi loạn, Tướng công dâng kế sách khuyên vua trở về lân đô, đến phủ Trường An bái yết, dùng ngựa khỏe hộ tống theo sau. Được vâng nhận chức quan Bồi tụng trong chính phủ tham gia bàn bạc công việc chính sự định yên cho xã tắc.

Năm thứ 2 tức năm Tân Sửu (1601) lại thăng Đô cấp sự trung ở Bộ Lại, được vâng cấp ruộng trong bản xã 11 mẫu làm ruộng quê điền. Lại được vâng sai Giám thí trường thi Kinh Bắc.

Năm Quí Mão (1603) được nhận chức Giám khảo trường thi Thiên Trường, chọn được nhiều kẻ sĩ. Lại cùng Thái tể Vinh Quốc công(9) đi đánh Cao Bằng nhưng không thành.

Năm thứ 5 (1604) năm Giáp Thìn thăng Ngự sử đài kiêm Đô Ngự sử, năm Bính Ngọ lại được vâng sai làm Chánh sứ đoàn sang nhà Minh tạ ơn. Được vâng cấp toàn bộ tiền dựng đình trong các giáp ở bản xã và ruộng sứ thần 50 mẫu, lại cấp thêm ruộng ở xã Nhật Chiêu cùng Đoán Quyết(10) giao cho tùy sử dụng.

Tướng công đã đảm nhiệm việc đi sứ trọn vẹn, lấy được uy danh công việc trọng đại của đất nước. Công việc hoàn thành như vậy các bậc sứ thần giỏi ngày xưa khó mà có thể làm tốt hơn được như thế.

Năm thứ 9 năm Mậu Thân (1608) tháng 6 sau khi đi sứ về lại thăng chức Tả Thị lang Bộ Lại, tước Cẩm Phong tử đảm nhiệm trọng trách soạn đặt các chính sách kinh tế vật dụng ăn ở để yên lòng vua. Đương lúc đảm nhiệm việc nắm giữ của cải trong nước, có thể lấy mưu chế mưu, đưa thuyền ra Quảng Yên(11) đập tan giặc để yên mặt Bắc. Định rõ thuế khóa ở nội phủ Yên Trường để tăng thêm sự lớn mạnh cho đất nước.

Năm thứ 12 (1610) năm Mậu Tuất được ban tước Diễn Gia hầu, có bài chế rằng: Danh cao như các quan đời Đường, Nho khoa xuất chúng như nhân sĩ triều Tống. Việc đi sứ so với các sứ thần giỏi xưa nào có ai hơn, chức ban đến hàng tam phẩm, lo toan làm giàu cho nước, lụa gấm ngày một nhiều thêm, nên thăng liền năm cấp, phục ban ấn tích rực rỡ tài hoa, sáng soi dễ được sủng dụng, hòa hợp kiệm đồng, chế ngự các quan, tước thật quí, lộc thật phú, xuất nạp lệnh cao, thế thật trọng, quyền thật lớn, đem lòng tin cho quê ấp, sáng rực như hoa.

Năm Tân Hợi (1611) được gia ban ấm điển, trên thì tặng cho ông cha, dưới thì tặng cho vợ con. Bà vợ cả họ Hoàng được phong Chính phu nhân, vợ thứ họ Nguyễn tặng Á phu nhân. Con trai trưởng tặng Hoằng Tín Đại phu, các con còn lại được tặng Hiển cung Đại phu. Vâng tặng cho thái ấp ở dân thôn xã Đoàn Lâm, thôn Nhân Mục xã Thời Trung(12) cho tùy điều hành.

Năm Quí Sửu (1613) nhận chức Điển văn để bãi chức những kẻ sĩ khinh nhờn phép nước.

Năm Mậu Ngọ (1618) lại được thăng Thượng thư Bộ Binh, triều đình coi như yết hầu mà số binh được điều hòa.

Năm Kỷ Mùi (1619) được giữ chức Thiêm Huy Văn điện, Thiêm sự viện Thiêm sự. Đến năm Quí Hợi (1623) Vạn Quận công(13) nổi loạn ở Túc Tường làm cho nhân tâm náo loạn. Tướng công lúc bấy giờ một lòng trinh tiết, lập đồn ban đầu đóng trại ở Bằng Lai và Ngũ Liêu phò giúp Đại Nguyên soái Thống quốc chính sư phụ Văn Thanh Vương(14) hợp lòng bàn định mưu kế khắc phục khó khăn. Khi tiến binh được giữ chức Đốc thị Hiệp phủ cảo cùng Nhạc Quận công(15) chỉnh đốn bộ binh hợp cùng thủy binh cùng tiến thẳng vào sào huyệt nhà Mạc, thu phục lại Kinh thành. Lại được vâng sai cùng Thái bảo Nhạc Quận công soái lĩnh thủy binh vâng đón thánh giá về cung, việc đón thánh giá vào trung tuần mùa hạ làm tăng thêm tiến trình sáng láng, công trạng trước đây. Cùng năm đó thăng chức Thiếu bảo.

Năm Bính Dần thứ 8 (1626) gia thăng thêm chức vị Thiếu phó.

Năm thứ 9 năm Đinh Mão (1627) tháng 2 theo lệnh cùng Đốc thị Phù Nghĩa Dũng Lễ Quận công(16) phò giúp loan xa (xe vua) đi tuần phủ vùng Ô Châu(17). Tướng công nhiều lần dâng sớ can gián nhà vua dừng lại nhưng không được. Lúc trở về vào giờ Dậu ngày 15 tháng Hợi (10) năm Đinh Mão (1627) tức năm Vĩnh Tộ thứ 9 ông mất đang lúc làm quan, hưởng thọ 65 tuổi. Hôm đó ngày 15 mà sắc trời tối tăm ảm đạm, triều đình biết được tin đau buồn nhớ tiếc khôn xiết sai mệnh quan triều đình đến an ủi gia quyến và treo bảng không thiết triều 3 ngày. Lại dùng lễ trâu rượu để kính tế, gia phong cho tước Quận công. Thánh chúa ban cho tiền cổ 50 quan rồi sai thủy quân hộ giá đưa về núi quê ông an táng, hành lễ trọn vẹn trước sau để biểu thị xót thương đối với bề tôi vậy.

Ngày 11 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1629) lại được vâng ban tiền cổ 100 quan, lại ban tiền cổ 50 quan, sai thạch quan làm một bàn đá bầy đồ tế lễ. Các quan Đặc ân sai các viện Giám sát Ngự sử, tước Thọ Xuân bá Nguyễn Đệ(18), Hàn lâm viện Hiệu lý Lê Khả Trù(19) cùng các môn quan thừa dụ, nhạc quan, thị vệ, vệ môn đến ban dụ tế.

Lời dụ rằng: Bậc cựu thần công cao ở quốc gia, khi sống thì được sủng dụng, lúc chết thì điếu lễ vỗ về, toàn vẹn giữ trọn ơn nghĩa trước sau. Lê tướng công là bậc phương viên tiết tháo, mưu lược tế thế kinh bang, nghĩa lý thấm đượm lòng người, chí học hành thấu hiểu đạo thánh, văn chương xuất chúng, hiển đạt khoa danh cả hai hàng văn võ, tên tuổi nổi danh, trải qua nhiều triều hiển đạt, lại càng sánh như các bậc tể tướng thời Đường, tham gia giúp đỡ nhà vua nơi màn chướng, qui củ rõ rệt như các lương tướng thời Tống, lại thêm tốt đẹp hoà mục có công lao với xóm làng, công thành sự nghiệp giúp triều đình nổi rõ như sao bắc đẩu, lúc sống tước vị cao quí, mong cho tướng công được hưởng phúc lành của đất nước. Nào ngờ chỗ dựa tin cậy mới được tạo dựng đã vội ra đi, thế là sai mệnh quan đến chính tế Tướng công, điếu phúng kính dâng, lễ nghi vỗ về, như thế cũng là an ủi tiếng thơm vĩnh hằng vậy.

Lại cấp cho giáp một, giáp hai, giáp ba trong xã cùng ban lộc điền cho các thôn xã Đoàn Lâm, Thời Trung, Nhân Mục, Đoán Quyết. Lại chuẩn ý cho con trưởng cùng các con cung kính phụng thờ và được ơn sủng thịnh dầy.

Nay xét về gia đình tướng công: Chính phu nhân họ Hoàng sinh ra con trưởng là Khả Giáo, lấy vợ dòng họ lớn người cùng xã là bà Lê Thị Thọ làm vợ cả. Tất cả con cháu được phân định ban phong tập ấm theo luật của triều đình. Khả Giáo do là Nho sinh trúng thức(20) được nhận chức Tư vụ ở Bộ Lại, thăng lên Viên ngoại lang. Năm Kỷ Mùi (1619) đi thi Hội trúng Tam trường, thăng Bản bộ Lang trung, tước Xuân Đài tử. Lại được vâng cấp lộc điền ở hai xã. Vợ thứ họ Nguyễn sinh ra con gái là Lê Thị Chỉnh lấy chồng là Hứa Lập, do là Giám sinh nên được nhận chức Tri huyện. Vợ ba họ Lê sinh ra con trai là Bật Thế làm Đông Sơn Diên Đô nam, được phong ấm Hiển cung Đại phu, Tân hưng trúng thí, Lễ bộ tư vụ. Người thiếp họ Phạm sinh được con trai Khả Kính lấy con gái làng Vân huyện Thụy Nguyên, được phong ấm Hiển cung Đại phu. Do trúng thí nên được nhận chức Chính điển sự, tước Mỹ Trạch nam cùng các cháu chắt trai gái đều có gia thất. Con cháu ngày một đông, tộc họ ngày thêm thịnh.

Lại xét gia phả tướng công vốn có nguồn gốc nho quan, từ ông thuỷ tổ trở lại luôn có các quan kế nối. Tương truyền tướng công thuở nhỏ khổ cực, về sau hiển đạt, há lại chẳng phải thiên tướng trời định giao việc cho người ắt nên trước tiên bắt phải khổ cực để cho gân cốt được khỏe mạnh đảm nhận công việc mai sau. Khoa danh được đăng cao, đảm nhận công việc dám nói thẳng nói thật, giúp vua thương dân là người anh tài, đời xưng là bậc Tiến sĩ được đông đảo quần chúng nhớ về ơn huệ, công danh tài chí nổi danh khắp thiên hạ, trung nghĩa khắp cả ba triều, chức vụ vượt hơn các quần thần, công lao để lại hậu thế là ngôi sao bắc đẩu của trời Nam được vinh hiển thịnh dầy như tướng công ấy cũng là do tổ tiên thịnh đạt luôn làm việc thiện mà vun trồng cây đức nên sinh ra tướng công như vậy.

Phúc khánh tổ tông như đài cao, thi thư của tướng công sâu rộng, như thế thì con cháu theo nhau mà đắp bồi cái phúc khánh như đài cao, thư thư sâu rộng ấy.

Nay kính nghĩ: Con trai cả Lê Khả Giáo được đặc biệt tiến phong Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lại bộ Thuyên khảo Thanh lại ty Lang trung, tước Xuân Đài tử muốn cho công lao của cha mẹ được hiển danh để lưu lại hậu thế, cúi đầu vâng lệnh bề trên mua đất 3 mẫu ở xứ Thượng Thắng(21) vào cuối đông năm Đinh Mùi thứ 3 bắt đầu dựng đền thờ, tả hữu liền nhau, làm toàn bằng gỗ lim lợp ngói, xây tường bao quanh, trước sân có cắm cờ nguy nga lộng lẫy. Hoàn thành vào ngày 19 tháng chạp năm Nhâm Thân vâng rước thần chủ của Hiển khảo Lê Tướng công vào từ đường phụng thờ hương hỏa, trước là thủy tổ vạn đời của con cháu đến cố tổ linh ứng là bậc phúc thần hợp đức về sau để tăng thêm công lao nổi tiếng của tướng công, sánh như núi Na(22) sừng sững như là bậc thần ngầm ban phúc lành cho Chính phu nhân sống lâu trăm tuổi, toàn thể gia quyến ngũ phúc hưởng đầy. Toàn thể cháu con đời đời được hưởng thịnh dầy, dần dần tiến lên khoa danh, quan chức. Tước lộc được được mãi mãi lưu truyền, khánh trạch để lại hậu thế, sự nghiệp hiển danh như cây ngô đồng ngày thêm nhiều cành lá trường tồn.

Kinh Dịch ghi rằng: “Nhà tích nhiều điều thiện ắt được phúc nhiều”. Kinh Thi lại ghi rằng: “Không có mây thì không có mưa nên phải luôn chăm lo điều phúc để vun trồng cây đức”. Như tướng công tuân theo điều đó, dạy dỗ người đời sau mà người đời sau kế nối sự nghiệp tang bồng của tướng công.

Ta vui về cái chí của tướng công, thành đạt để lại cái đạo trong thiên hạ, Vậy nên làm bài minh ghi rõ gốc tích sự nghiệp, khắc vào đá tốt để lưu truyền mãi mãi.

Minh rằng(23)

Vua Lê ngự đến,

Nước Việt lớn lao.

Thang mộc phú cường.

Ái châu(24) hùng mạnh,

Phủ gọi Tĩnh Gia,

Huyện là Nông cống.

Cổ Na danh lý(25),

Có Lê tướng công.

Văn chương quảng bác,

Nghĩa lý đầy lòng.

Đỗ đạt hai đường,

Đạo trị bao dung.

Thờ vua liêm chính,

Trung thần triều đình.

Nam nhi chí khí,

Đi sứ thành công.

Tước cao năm bậc,

Chức phong hai lần.

Tiếng truyền khắp chốn,

Tể tướng đời Đường.

Ban cho đất tốt,

Ân sủng ngợi khen.

Trên xứng ông cha,

Dưới vinh tộc họ.

Trai trưởng chí hiếu,

Chức lớn ban phong.

Sáng lập nhà thờ.

Tháng năm thờ phụng,

Bốn mùa thờ cúng.

Bia đá truyền ghi,

Vợ hưởng thọ lâu.

Cháu con lớn mạnh,

Đỗ đạt sáng danh.

Phồn hưng phát triển,

Hiển phối gia nghiệp.

Tăng trấn gia phong,

Bách phúc thực thông.

Vạn phúc du đồng,

Nay bia khắc đá

Sánh mãi Na Sơn(26).

 

Chú thích:

* Tài liệu do cụ Lê Bật Điển, hậu duệ con cháu họ Lê Bật cung cấp. Nhân đây chúng tôi xin có lời cảm ơn cụ và dòng họ.

(1) Quan nội hầu: là hàm tước triều đình nhà Trần ban cho những người có công cao ở hàng Võ quan như: Quốc công, Thượng hầu, Quan Nội hầu, Quan Phục hầu, Khai Huyện bá, Nội minh tự.

(2) Lê Thân: tức Luật Quốc công Lê Thân, ông người Thanh Trì giáp Cá Na (nay thuộc Tân Ninh) đỗ Hương cống lúc 18 tuổi. Năm Hưng Long thứ 7 (1299) triều Trần Anh Tông, ông cùng Hứa Duy Thúc, Hứa Duy Sử tham dự kỳ thi, ông trúng Bảng nhãn. Triều Trần Dụ Tông ông về kinh đô nhận chức Hàn lâm viện Biên tu Hình luật. Khi Mạc Đĩnh Chi mất, ông được thăng Hành khiển. Ông thường tâm niệm “Hình luật là mối rường cột của xã hội, bảo vệ cái đúng, nghiêm trị cái sai, chính theo đó để giữ nghiêm phép nước mới là đạo tôi trung với vua”. Ông đã dâng lên vua bộ hình luật mà ông san định trong 3 năm. Năm 72 tuổi ông hưu trí trở về quê nhà, nhà vua ban cho tước Luật Quốc công và cấp cho ruộng tiền. Ngày nay ngôi đền thờ ông ở dưới chân núi Nưa, gần phủ Nưa thuộc xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn.

(3) Đạo phía Tây: chỉ đất Thanh Hóa.

(4) Bình An Vương: tức chúa Trịnh Tùng, con thứ Trịnh Kiểm. Vào tháng 8 năm Canh Ngọ (1570) lên ngôi chúa. Mất năm Quí Hợi (1623).

(5) Thế Tông Hân Hoàng đế: tức Lê Thế Tông, tên là Lê Duy Đàm, là con của Lê Anh Tông, lên ngôi năm Quí Dậu (1567) ở ngôi 26 năm, mất năm Quí Hợi (1599), đặt hai niên hiệu là Gia Thái (1573-1577) và Quang Hưng (1578-1599).

(6) Hoan Châu: chỉ tên đất tỉnh Nghệ An xưa.

(7) Thái phó Lễ Quận công Nguyễn Văn Giai: Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ quyển XVIII ghi Lễ Quận công tức Nguyễn Văn Giai người Phù Lưu Trường huyện Can Lộc, giữ chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ, Ngự sử, Đô ngự sử, Thái phó. Ông mất năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), tặng Tư đồ, tên thụy là Cẩn Độ.

(8) Thái phó Đăng Quận công: tức Nguyễn Khải. Ông là con trai Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, người xã Ngọc Bôi huyện Đông Sơn (nay là Đông Thanh huyện Đông Sơn). Ông thi đỗ Nho sinh nhưng không đi theo con đường văn nghiệp mà theo đuổi binh nhung, được phong Bồi tụng, Thái phó Đăng Quận công.

(9) Thái tể Vinh Quốc công: tức Hoàng Đình Ái: Ông người Biện Thượng huyện Vĩnh Lộc (nay là Vĩnh Hùng) thời Lê Trung hưng cùng Phạm Đốc đánh phá quân Mạc ở sông Mã và vùng cửa biển Nghệ An, được tiến phong Vinh Quốc công. Lúc Mạc Kính Điển chia quân vào cướp Thanh Hóa ông chia quân đánh chém được rất nhiều giặc do đó quân Mạc không dám nhòm ngó đến mạn Tây nữa, được tiến phong Thái tể. Ông chết lúc 81 tuổi.

(10) Nhật Chiêu nay thuộc xã Vĩnh Hòa huyện Vĩnh Lộc. Đoán Quyết nay thuộc xã Thiệu Phúc huyện Thiệu Hóa.

(11) Quảng Yên: có lẽ vùng đất Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang ngày nay.

(12) Đoàn Lâm: Là vùng đất thuộc đạo Hải Dương, quê vợ của ông.

(13) Vạn Quận công: tức Trịnh Xuân con thứ của Chúa.

(14) Tức Trịnh Tùng.

(15) Nhạc Quận công: theo văn bia Truyền đại cúng tế thì Nhạc Quận công tức Bùi Sĩ Lâm người xã Lưu Vệ huyện Quảng Xương (nay là xã Quảng Tâm) võ quan triều Lê Trung hưng, được tặng: Phù Quốc Thuần tín, Hiệp mưu, Tá lý Tán trị công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Ty lễ giám tổng Thái giám Chưởng giám kiêm các giám ty sự, Trung quân Đô đốc phủ, Thiếu phó Nhạc Quận công.

(16) Lễ Quận công: xem chú thích 9, sđd.

(17) Châu Ô Lý. theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên - Quyển 1 thì: Châu Ô Lý xưa là đất Việt Thường, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc Nhật Nam, đời Đường là Cảnh Châu, đời Tống phía bắc Chiêm thành gọi là châu Ô Lý. Thời thuộc Minh đặt phủ Thuận Hóa cho Thuận Châu và Hóa Châu lệ vào. Bây giờ thuộc huyện Đăng Xương, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà Thừa Thiên…

(18) Thọ Xuân bá Nguyễn Đệ, chưa rõ người vùng nào?

(19) Lê Khả Trù: ông người làng Phúc Triền huyện Đông Sơn (nay là Đông Thanh - Đông Sơn) đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1628) làm quan Đô cấp Sự trung. Ông là tác giả bài văn bia Thượng thư lệnh công ký dựng tại sinh từ đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, và là ông nội Tiến sĩ Lê Khả Trinh.

(20) Nho sinh trúng thức: là những người nhiều lần thi đỗ Tam trường trong kỳ thi Hương.

(21) Thượng Thắng: nay là xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn.

(22) Núi Na: tức núi Nưa, nơi phát tích khởi nghĩa của bà Triệu, gần với quê hương ông. Nay thuộc hai huyện Triệu Sơn và Nông Cống.

(23) Nội dung bài minh đã được dịch trong Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa.

(24) Ái Châu: là tên của tỉnh Thanh Hóa thời xưa bắt đầu có từ thời thuộc Lương, tách phần phía Bắc của đất quận Cửu Chân lập Ái Châu.

(25) Ý nói quê ông xưa kia thuộc làng Cổ Na, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia xưa.

(26) Phần lạc khoản trên bia bị mờ, cũng không thấy chúng trong gia phả./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (106) 2011, Tr.60 - 72)

In
Lượt truy cập: